LUẬn giải kinh sa môn quả TẬP 1 Tỳ khưu Chánh Minh



tải về 1.3 Mb.
trang4/13
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích1.3 Mb.
#21985
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13

1- Về sáu vị tôn chủ.

Đức Thế Tôn được xem là vị Tôn sư trẻ tuổi nhất so với 6 vị giáo chủ dị giáo, và Ngài xác nhận “Ngài là bậc Chánh đẳng giác” (sđd ở trên) .

Mặt khác, đoạn kinh trên cho thấy, Đức Thế Tôn tự cho mình là bậc Chánh đẳng giác trước tiên so với 6 vị Giáo chủ, có lẽ vì thế về sau Pūraṇa kassapa và Nigaṇṭha cũng tự xưng mình có "toàn tri, toàn kiến".

Không thấy kinh điển Pāli ghi nhận "sự hội kiến giữa Đức Phật và sáu tôn chủ ngoại giáo".

Với sáu tôn chủ ngoại giáo, có ba lý do khiến các vị ấy không đến hội kiến với Đức Thế Tôn:

a- E ngại sẽ thất bại khi luận chiến với Đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn được xem như "một nhân vật đáng kinh sợ”, khó có thể thắng được bằng “luận chiến”.

Chính một du sĩ nổi tiếng đương thời là Nigaṇṭha Saccaka đã từng luận chiến với 6 vị tôn chủ, và đã làm cho 6 vị tôn chủ này phải phẫn nộ, tức tối(1).

Nhưng chính Saccaka đã bị Đức Thế Tôn nhiếp phục, đến nỗi Saccaka phải tuyên bố:

"Thưa Tôn giả Gotama, có thể có sự an toàn cho một người chiến đấu với con voi điên, nhưng không có sự an toàn cho một người chống lại Tôn giả Gotama.

"Thưa Tôn giả Gotama, có thể có sự an toàn cho một người chiến đấu chống đám lửa rừng, nhưng không có sự an toàn cho một người chống lại Tôn giả Gotama.

"Thưa Tôn giả Gotama, có thể có sự an toàn cho một người chiến đấu với con rắn độc dữ tợn, nhưng không có sự an toàn cho một người chống lại Tôn giả Gotama" (2).

Hay du sĩ Sabhiya học được những câu hỏi từ vị thiên nhân, Sabhiya mang hỏi 6 vị tôn chủ dị giáo, chẳng những không trả lời được họ còn biểu lộ sự phẫn nộ.

Du sĩ Sabhiya mang những câu hỏi ấy đến hỏi Đức Phật, Ngài giải đáp rõ ràng và Sabhiya trở thành vị Tỳ-khưu A-la-hán trong Pháp luật này(3).

Những kỳ thoại ấy hẳn được lan rộng và đến tai 6 vị tôn chủ dị giáo.



b- Do hội chúng cản ngăn.

Đối với những nhân vật có danh tiếng, có hội chúng lớn, khi tìm đến hội kiến người khác sẽ làm giảm danh tiếng. Danh tiếng giảm thì lợi lộc bị giảm.

Do đó, cho dù 6 vị tôn chủ có ý muốn đến hội kiến Đức Thế Tôn, sẽ bị hội chúng cản trở, như Bà-la-môn Soṇadaṇḍa muốn đi đến yết kiến Đức Thế Tôn, đã bị nhiều Bà-la-môn khác ngăn cản(4), tương tự như thế đối với Bà-la-môn danh tiếng Kūṭadanta(5).

Hay Salukudāyi sau khi nghe Pháp thoại từ Đức Thế Tôn, có ý định xuất gia, nhưng bị chính đồ chúng của mình cản trở(6).

Theo bản Sớ giải Trung bộ kinh(1): Salukudāyi tái sinh trở lại vào thời vua A-dục, là vị trưởng lão có tên là Assagutta, rất nổi tiếng về hạnh từ tâm.

Trong sáu vị tôn chủ, chống đối Đức Phật nhiều nhất là Nigaṇṭha nātaputta, giai đoạn đầu là những du sĩ Ājīvaka, trong thập niên cuối cùng của Đức Phật chỉ còn lại phái Nigaṇṭha nātaputta.

Và trưởng giả Upāli xem như người cuối cùng mà Nātaputta chứng kiến "môn đệ của mình quy ngưỡng Đức Phật".

Tuy không hội kiến Đức Phật, nhưng Nigaṇṭha Nātaputta thường dạy những đệ tử của mình những câu hỏi “móc câu” để vấn nạn Đức Thế Tôn, như kinh Vương tử Abhaya(2), hay phẩm Tương ưng thôn trưởng trong Tương ưng Bộ kinh, nhưng rồi những đệ tử ấy lại quy phục Đức Thế Tôn, trở thành đệ tử Đức Phật.



c- E ngại tổn thất lợi đắc.

Với những người có danh tiếng như 6 vị tôn chủ đương thời, nếu đi đến hội kiến Đức Thế Tôn “luận chiến”, hoặc “tìm hiểu pháp”.

Khi luận chiến bị thất bại, đại chúng sẽ không còn tôn kính như trước, và do đó sẽ dẫn đến tổn thất lợi đắc.

Còn nếu “tìm hiểu pháp”, hội chúng cũng không còn tôn sùng vị ấy, đồng thời sẽ tôn sùng Đức Thế Tôn, sẽ từ bỏ vị ấy. Và lợi đắc cũng tổn giảm với vị ấy.

Bà-la-môn Sonadaṇḍa có trình bày với Đức Thế Tôn rằng:

Ai bị hội chúng này phỉ báng, thời danh tiếng bị tổn giảm và ai danh tiếng bị tổn giảm, thì thâu nhận cúng dường bị giảm thiểu”(3).



2- Về Đức Phật.

Tôn chỉ của Đấng Như lai là "không tranh luận với thế gian".

- “Này Hiền giả, theo lời dạy của Ta, trong thế giới với chư Thiên, Mara và Phạm thiên, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, không có tranh luận một ai ở đời…. Này Hiền giả, như vậy là quan điểm của Ta, như vậy là lời Ta giảng dạy(4).

Ngài cảm thán rằng:

Này các Tỳ-khưu, Ta không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Ta. Này các Tỳ-khưu, người nói Pháp không tranh luận bất cứ với một ai ở đời”(5).

Mục đích của Đức Phật chỉ tế độ chúng sinh bằng pháp, đưa chúng sinh thoát ra khổ nạn luân hồi.

Với những chúng sinh ôm chặt tà kiến thì Đức Thế Tôn đành chịu, điển hình như Tỳ-khưu Sunakkhatta(6), thì còn nói gì đến 6 vị tôn chủ.

Làm sao sáu vị ấy có thể từ bỏ chủ thuyết sai lệch của mình một cách dễ dàng trong khi lơi lộc cùng danh vọng đang có cho những vị ấy.

Với người có duyên lành đạo quả hay có cận y duyên cho đạo quả sau này, trước khi đi cuộc “luận pháp”, Đức Phật thường yêu cầu “đàm luận y cứ trên sự thật”, như với trưởng giả Upāli, du sĩ Saccaka …

Với một trí tuệ linh hoạt mẫn tiệp, Đức Phật thừa khả năng phản bác các chủ thuyết dị giáo một cách dễ dàng, bằng cách nào?

Bằng cách nêu ra sự mâu thuẩn, sự sai lầm trong chủ thuyết của; họ như trong kinh Upāli là điển hình, hoặc phân tích những ưu - nhược trong chủ thuyết của người đối diện, như du sĩ Dīghanakha (Trường trảo) nêu lên quan điểm của mình là “Tất cả đều không làm tôi thích thú”.

Đức Phật buộc du sĩ Dīghanakha phải thừa nhận rằng “Ông cũng không thích thú chính quan điểm của mình vừa nêu”, rồi Đức Phật nêu ra ba quan điểm:

-“Tất cả đều làm tôi thích thú”.

- “Tất cả đều không làm tôi thích thú”.

- “Một phần làm tôi thích thú, một phần không làm tôi thích thú”.

Ưu điểm của quan điểm 1 là không bị tham dục chi phối, khiến du sĩ Dīghanakha hoan hỷ, cho rằng “Đức Thế Tôn tán đồng quan điểm của ông”; nhưng khi phát biểu như thế, du sĩ Dīghanakha đã lộ ra sơ hở, vì “ông đã thích thú trước sự tán đồng của Đức Phật, “sự tán đồng quan điểm khác cũng chính là một quan điểm” (du sĩ Dīghanakkha đã tự mâu thuẩn).

Tiếp theo, Đức Phật nêu ra nhược điểm củacác quan điểm là: Nếu nắm giữ quan điểm này sẽ chống lại hai quan điểm kia, thế là sẽ có tranh luận, có chống đối, có sự đã kích … dẫn đến phẫn nộ, khó chịu.

Tốt nhất là từ bỏ tất cả quan điểm(1).

Trong phẩm Tương ưng thôn trưởng (Tương ưng bộ kinh)(2), thôn trưởng Asibandhakaputta có trình bày lời dạy của Nātaputta với các đệ tử như sau:

“Phàm ai sống tối đa với chiều hướng sát sinh, tất cả phải sinh vào địa ngục, phải sinh vào cảnh giới ma đói (peta - ngạ quỷ).

“Phàm ai sống tối đa với chiều hướng trộm cắp

“Phàm ai sống tối đa với chiều hướng tà hạnh trong dục …”.

Đức Thế Tôn chỉ ra quan điểm sai lầm ấy như sau: “Nếu thật sự là như vậy, thì không một ai rơi vào địa ngục, không một ai rơi vào cảnh giới ngạ quỷ”.

Vì rằng: “Thời sát sinh ít hơn thời không sát sinh, thời trộm cắp ít hơn thời không trộm cắp …”

Lại nữa, có lần, Đức Thế Tôn cùng với chư Tỳ-khưu du hành đến xứ Nālanda, ngụ trong rừng Pāvarikamba.

Bấy giờ, xứ Nālanda đang bị nạn đói kém; khi ấy Nātaputta cũng sống ở Nālanda cùng với đại chúng Nigaṇṭha.

Nātaputta đã chỉ cho đệ tử mình là thôn trưởng Asibandhakaputta câu hỏi móc câu như sau:

-“Bạch Thế Tôn, có phải Thế Tôn dùng nhiều phương tiện tán thán thương kính các gia đình, tán thán bảo vệ các gia đình, tán thán từ mẫn với các gia đình?”.



Này thôn trưởng, được hỏi như vậy, nếu Sa-môn Gotama trả lời: “Đúng như vậy, này thôn trưởng, Như lai dùng nhiều phương tiện tán thán thương kính gia đình…. Tán thán từ mẫn với các gia đình”.

Thời ngươi hỏi Sa-môn Gotama: “Vậy vì sao, bạch Đức Thế Tôn, Thế Tôn cùng đại chúng Tỳ-khưu du hành tại xứ Nālanda đang bị nạn đói kém.

Như Vậy Đức Thế Tôn thực hành tàn phá gia đình, thực hành sự bất hạnh cho các gia đình, thực hành sự tổn hại cho các gia đình”.

Như vậy, này thôn trưởng, bị ngươi hỏi với câu hỏi móc câu, Sa-môn Gotama không thể nhổ ra, cũng không thể nuốt xuống”.

Và Đức Thế Tôn đã giải thích: “Sự tổn hại các gia đình do tám nguyên nhân:

- Do vua quan, do trộm cướp, do nước, do lửa, do không nhớ nơi chôn dấu tài sản, do biếng nhác bỏ bê công việc, do người thừa tự phá hoại và do vô thường.

Nghĩa là, Đức Thế Tôn chỉ ra 8 nhân làm tổn hại tài sản là như thế, “chứ chẳng phải do nhân cúng dường hay bố thí”.

Trước đó Ngài cũng dạy thôn trưởng Asibandhakaputta rằng:

Này thôn trưởng, Ta nhớ từ 91 kiếp(1) về trước, Ta không hề biết đã có làm hại một gia đình cho đến một bữa cơm cúng dường.



Các gia đình ấy đều rất giàu, tiền của nhiều, tài sản nhiều, vàng bạc nhiều…

Tất cả tài sản ấy được thâu hoạch do bố thí, được thâu hoạch một cách chân thật, được thâu hoạch một cách tự chế”.

Hàm ý Đức thế Tôn nói rằng “Này thôn trưởng, Như lai du hành đến Nālanda, không phải làm tổn hại gia đình mà làm cho tài sản các gia đình được phát sinh và tăng trưởng qua pháp bố thí”.(2)

Và đoạn kinh văn trên cho thấy giáo chủ Nātaputta đã có mặt tại xứ Nālanda, nhưng ông không dám trực tiếp vấn nạn Đức Thế Tôn, ông chỉ “gián tiếp”.

Đấy là cách khôn ngoan của Nātaputta, nếu thắng thì hội chúng của ông sẽ rao truyền rộng rải: “Đệ tử của Giáo chủ Nātaputta khi luận chiến còn thắng được Sa-môn Gotama, thì còn nói gì đến giáo chủ Nātaputta chứ”.

Nếu thất bại thì “đó chỉ là đệ tử thôn trưởng chứ phải đâu là giáo chủ Nātaputta”.

Tuy nhiên, ông Nātaputta cũng chịu tổn hại, vì vị thôn trưởng đã quy ngưỡng Đức Thế Tôn.



Dứt phần 2.

Phần 3.

Giải từ đoạn 157 đến hết đoạn 159.

Chánh kinh.

Komārabhaccajīvakakathā.

(Lời trình của Komārabhaccajīvaka).

157. Tena kho pana samayena Jīvako komārabhacca rañño Māgadhassa Ajātasattussa Vedehiputtassa avidūre tuṇhībhūto nisinno hoti.

Lúc bấy giờ Jīvaka komārabhacca ngồi yên lặng cách Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha không xa bao nhiêu.

Atha kho rāja māgadho Ajātasattu Vedehiputto Jīvakaṃ komārabhaccaṃ etad avoca:



Khi ấy Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha, nói với Jīvaka komārabhacca:

"Tvaṃ pana samma Jīvaka kiṃ tuṇhī ti?".



- Này Jīvaka thân(1), sao ngươi lại yên lặng như vậy?

"Ayaṃ deva Bhagavā arahaṃ sammā- sambuddho amhākaṃ Ambavane viharati, mahatā bhikkhu saṅghena saddhiṃ aḍḍha- telasehi bhikkhu – satehi.



- Tâu Ðại vương, chính tại vườn xoài này của chúng con, có Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác, hiện đang trú ngụ với đại chúng Tỳ-khưu một nghìn hai trăm năm mươi vị.

"Taṃ kho pana Bhagavantaṃ Gotamaṃ evaṃ kalyāṇo kitti-saddo abbhuggato: "Itipiso Bhagavā arahaṃ sammā-sammbhuddho vijjācaranasampanno sugato lokavidū anuttaro purisadammasaaratthi, satthā devamanussānaṃ buddho bhagavāti".



"Thế Tôn Gotama có tiếng đồn tốt đẹp sau đây lan rộng: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn".

"Taṃ devo Bhagavantaṃ pariyupāsatu, app'eva nāma devassa Bhagavataṃ payirupāsato cittaṃ pasīdeyyati".

Đại vương hãy đến chiêm bái Đức Thế Tôn này. Rất có thể nhờ chiêm bái Đức Thế Tôn, tâm của Đại vương được khoan khoái thoải mái.

Giải:

* “Lời hỏi của vua Ajātasattu với lương y Jīvaka komārabhacca”.

Bản Sớ giải có giải thích:

Sau khi nghe những lời tâu của các Đại thần, vua Ajātasattu (A-xà-thế) ngẫm nghĩ: "Ta không mong nghe những lời giảng của những vị ấy. Ta muốn được nghe lời thuyết giảng của người an tịnh như chim Kim-xí -điểu (supaṇṇa) trên vùng trú ẩn của loài rồng (nāga). Chủ thuyết của sáu vị tôn chủ ấy không giúp ích được gì cho ta".

(Theo truyền thuyết: Loài Kim-xí điểu thường bắt rồng để ăn thịt, khi thấy bóng dáng Kim-xí-điểu, loài rồng trốn mất, nơi đó trở nên yên tịnh).

Khi ấy, ý nghĩ sau đây phát sanh đến nhà vua: "Lương y Jīvaka là người hộ độ cho Đức Phật là bậc an tịnh, chính Jīvaka cũng an tịnh như vị Tỳ-khưu phát nguyện “im lặng”.

Lương y Jīvaka chỉ nói khi được ta hỏi, như chân con voi chúa chỉ bị tóm lấy khi con voi đang dẫm đạp lên bẫy".

Do suy nghĩ như vậy, nên vua Ajātasattu đã hỏi:

Này Jīvaka, sao ngươi lại yên lặng như vậy"?

Nghĩa là vua Ajātasattu hỏi với ẩn ý như một cái bẩy:

"Này Jīvaka, trong khi các vị đại thần tán dương vị Sa-môn mà họ hộ độ, vì sao ngươi im lặng?

Chẳng lẽ ngươi không hộ độ cho vị Sa-môn nào như họ đã làm sao?

Ngươi có nghèo khổ chăng? Cha ngươi không cho ngươi bổng lộc sao?

Hay ngươi không có niềm tin vào ai?".

Nhưng câu hỏi này mang tính "mong đợi" hơn là "đem đến gánh nặng" cho người bị hỏi".

"Tass'attho "puccha yadi ākaṅkhāsi, na me pañhavissajjane bhāro atthi" (At):

"Câu hỏi này với ý mong được gặp Đức Thế Tôn (ākankhasi), không phải câu hỏi đem đến gánh nặng".

Nghĩa là: (Đức vua) như ngầm nói với lương y Jīvaka rằng: “Này Jīvaka, hãy tán thán ân đức của Đức Thế Tôn đi, Ta sẽ nhân cơ hội này, tán thành ý kiến của ngươi và ta được yết kiến Đức Thế Tôn”.



* “Lời đáp của lương y Jīvaka”.

Khi đó Jīvaka nghĩ: "Đức vua muốn ta nói về giới hạnh của vị Sa-môn mà ta hộ độ, đây không phải thời ta giữ im lặng.

Ta nên nói về giới hạnh của Bậc Đạo Sư như các vị đại thần nói về giới hạnh của những vị Sa-môn mà họ sùng bái.

Nhưng làm theo cách thức của các đại thần này thì không thích hợp".

(Tức là, họ đảnh lễ vua Ajātasattu trước, rồi ngồi xuống trình bày ân đức của vị Sa-môn mà họ hộ độ sau).

Do đó, lương y Jīvaka đứng lên khỏi chỗ ngồi, gập người xuống đất cúi lạy về hướng nơi Đức Thế Tôn đang ngụ bằng tư thế "năm chi chạm đất"(1), đặt đôi bàn tay lên đầu với sự tôn kính rồi nói:

- "Thưa đại vương, mong Ngài đừng nghĩ "sẽ có kẻ chê trách Ngài đi tìm vị Sa-môn không cao thượng".

Vì rằng Bậc Đạo sư của thần thật sự là vị Sa-môn cao thượng .

Khi Đấng Đạo sư nhập thai bào, khi Ngài ra khỏi thai bào, khi Ngài xuất gia, khi Ngài giác ngộ, khi Ngài vận chuyển bánh xe Pháp, cả 10 ngàn thế giới đều chấn động.

Khi Ngài thể hiện Song thông (yamakapāṭihāriya), khi Ngài rời khỏi cõi Trời Ba mươi Ba (sau khi thuyết giảng tạng Thắng pháp – Abhidhamma), trở về nhân giới thì 10 ngàn thế giới chấn động.

Thưa Đại vương, xin Ngài hãy để tâm thanh tịnh mà lắng nghe: "Đức Đạo sư có tiếng đồn tốt đẹp truyền đi khắp mọi phương như sau: "Đây là Đức Thế Tôn, bậc Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác…".

Khi giải thích xong ý nghĩa của từng từ, lương y Jīvaka nói tiếp:



"Ðại vương hãy đến chiêm bái Đức Thế Tôn. Rất có thể, nhờ chiêm bái Đức Thế Tôn, tâm của Ðại vương được tịnh tín".

Có lời giải rộng về câu nói của lương y Jīvaka là:

Khi nói vậy, vị ấy ngầm nói: "Thưa đại vương, cho dù một trăm, một ngàn hay trăm ngàn người như đại vương đến hỏi, Đấng Đạo Sư vẫn có khả năng trả lời trong giây lát tất cả những câu hỏi, Đại vương nên tự tin tiếp xúc với Ngài và hỏi pháp".

Khi nghe về những ân đức của Đức Thế Tôn, toàn thân nhà vua phát sinh năm loại phỉ lạc (1) khắp châu thân.

Ngay khi đó, Đức vua mong mỏi được đến gặp Đức Thế Tôn và nghĩ rằng:"Nếu ta đến chỗ Đức Phật vào lúc này thì không ai ngoài Jīvaka có thể chuẩn bị xe nhanh hơn".

Nên vua Ajātasattu ra lịnh:"Vậy này Jīvaka, hãy cho thắng kiệu voi".



Chánh kinh.

158."Tenahi samma Jīvaka hatthiyānāni kappāpehīti".

"Vậy Jīvaka thân, hãy cho thắng kiệu voi".

"Evaṃ devāti" kho Jīvako komārabhacco rañño MāgadhassaAjātasattussa Vedehiputtassa paṭissutvā,



Vâng, thưa Ðại vương. Jīvaka komārabhacca vâng theo lời dạy của Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha,

pañcamattāni hatthinikāsatāni kappāpetvā, rañño ca ārohanīyaṃ nāgaṃ, rañño Māgadhassa Ajātasattussa Vedehiputtassa paṭivedesi:



sai người thắng năm trăm con voi cái, và con vương tượng vua thường cởi, rồi thưa với Ajātasattu con bà Videhi, vua nước Magadha:

"Kappitāni kho te deva hatthiyānāni yassa dāni kālaṃ maññasīti".



"Thưa Ðại vương, các kiệu voi đã sẵn sàng. Ngài hãy làm những gì Ngài xem là phải thời".

Giải.

Có câu hỏi rằng: "Vì sao vua Ajātasattu (A-xà-thế) chọn phương tiện là "kiệu voi"?

Đáp rằng: Vì Đức vua suy nghĩ:

1- Trong số các loại phương tiện di chuyển, kiệu voi là phương tiện sang trọng và tốt nhất (vào thời ấy).

Đến viếng bậc cao quý nhất là Đức Thế Tôn, nên dùng phương tiện di chuyển tốt nhất để tăng vẻ tôn quý cho đối tượng đến thăm viếng.

2- Đức Thế Tôn là bậc an tịnh, xe ngựa (assayāna) hay các loại xe khác (rathayāna) như xe đẩy … thì gây ồn ào, âm thanh của chúng có thể nghe được từ xa, còn voi thì bước từng bước do vậy không phát ra âm thanh nào.

Đến viếng bậc an tịnh như Đức Thế Tôn, không nên gây huyên náo.

Do nghĩ như vậy, nên Đức vua chọn phương tiện di chuyển là "kiệu voi".



* “Lương y Jīvaka chuẩn bị kiệu voi”.

Có câu hỏi rằng: Vì sao Lương y Jīvaka chuẩn bị các thứ theo cách đã mô tả trong kinh, dù không có lịnh của vua A-xà-thế ? Và vì sao lại chọn 500 con voi cái?.

Đáp rằng: Do sự cẩn thận của lương y Jīvaka.

Lương y Jīvaka là người thông minh, suy nghĩ rằng: "Đức vua có nhiều kẻ thù, lại đi vào giờ này.

Đức vua chỉ ngự đi với con Vương tượng, nếu có nguy hiễm xảy ra trên đường, mọi người sẽ buộc tội ta “đưa Đức vua ra ngoài lúc phi thời”, hoặc họ sẽ có cớ chỉ trích Đức Thế Tôn: “Ngài giảng pháp phi thời”, gây ra tai hại cho Đức vua.

Do vậy, ta nên chuẩn bị bảo vệ cho đức vua để cho không ai buộc tội được ta hay Đức Thế Tôn. Với số lượng 500 con voi thì kẻ nghịch cũng phải e dè.

Hơn nữa, khi được các cung phi theo hầu thì Đức vua không sợ hãi, vì sự tai hại có đến cho Đức vua không phải từ những người nữ này, đồng thời Đức vua cảm thấy hạnh phúc khi được các cung phi vây quanh.

Nên lương y Jīvaka cho sắp xếp 500 con voi cái.

Vị ấy cho 500 cung phi giả trai như những hộ vệ quân ngồi trên lưng voi, tay gầm gươm giáo hộ vệ Đức vua.

Lương y Jīvaka còn suy nghĩ: "Đức vua không có nhân duyên để đạt được đạo quả trong kiếp hiện tại này.

Chư Phật thường giảng Pháp khi thấy có nhân duyên đạo quả trong hội chúng, ta nên cho đại chúng tháp tùng theo Đức vua.

Khi nhìn thấy nhân duyên Đạo quả của người nào trong hội chúng, khi ấy Đức Đạo sư giảng pháp sẽ mang lợi ích đến cho phần đông ".

Lương y Jīvaka cho đánh trống truyền ra khắp kinh thành Rājagaha rằng: "Trong đêm nay Đức vua sẽ đến diện kiến Đức Thế Tôn tại vườn xoài. Mọi người hãy bảo vệ Đức vua theo cách của mình".

Cư dân thành Rājagaha nghe được tin truyền này, suy nghĩ: "Đêm nay Đức vua đến yết kiến Đức Thế Tôn, Đức thế Tôn sẽ giảng thời pháp như thế nào nhỉ?

Đêm nay chúng ta không cần vui chơi lễ hội vô ích, chúng ta sẽ đến nghe Pháp từ Đức Thế Tôn, sự nghe pháp sẽ mang lại nhiều lợi ích".

Và những cư dân ấy tay cầm hương hoa … đến chờ nơi Hoàng cung để tháp tùng theo Đức vua.

Lương y Jīvaka sắp xếp: Vây quanh vua là 500 con voi cái có 500 cung nữ giả trai làm hộ vệ quân, sau đàn voi là lính hộ vệ quân, tiếp theo là các quan đại thần hộ tống, sau các quan đại thần là nhóm Bà-la-môn, sau nhóm Bà-la-môn là đoàn vũ - nhạc công, sau cùng là 18 đội bộ binh bảo vệ.

Như vậy, một mũi tên bắn lén từ phía sau, khó có thể trúng vua Ajātasattu.

Sau khi sắp xếp đoàn tùy tùng cho nhà vua xong rồi, chính lương y Jīvaka đi sát bên cạnh nhà vua và nghĩ: "Nếu có nguy hiểm xảy ra, ta sẽ là người đầu tiên hy sinh thân mạng để bảo vệ cho nhà vua".

Bản Sớ giải có nêu ra con số của đoàn người đến yết kiến Đức Thế Tôn lên đến 16 ngàn người, những chấm đèn tròn được thấp lên có đến hàng vạn.



Chánh kinh.

159."Attha kho rājā Magadho Ajātasattu Vedehiputto pañcasu hatthinikāsatesu paccekā itthiyo āropetvā ārohaṇīyaṃ nāgaṃ abhirūhitvā, ukkāsu dhāriyāmānāsu Rājagahamhā niyyās mahacca rājānubhāvena, yena Jīvakassa komārabhaccass' Ambavanaṃ tena pāyāsi".

"Khi bấy giờ Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha biểu các cung phi leo lên năm trăm con voi cái mỗi người một con, còn mình thì leo lên vương tượng vua thường cởi, xuất hành ra khỏi Ràjagaha, dưới ánh sáng của các ngọn đuốc được cầm cao, với oai nghi của bậc đại vương, thẳng tiến đến vườn xoài của Jīvaka komārabhacca".

"Atha kho rañño Māgadhassa Ajātasattussa Vedehiputtassa avidūre Ambavanassa ali ud'eva bhayaṃ, ahi chambitattaṃ, ahu lomahaṃso.



Khi Ajātasattu, con bà Vedehi, vua nước Magadha đi đến không xa vườn xoài, Ngài bỗng sợ hãi, kinh hoàng, tóc dựng lên.

Atha kho rāja Māgadhassa Ajātasatu Vedehiputto bhīto saṃviggo lomahatṭṭhajto Jīvakaṃ komārabhaccaṃ etad avoca:



Lúc bấy giờ Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha sợ hãi, kinh hoàng, tóc dựng lên, nói với Jīvaka komārabhacca:

"Kacci maṃ sammā jīvaka na vañcesi? Kacci maṃ samma Jīvaka na palambhesi? Kacci maṃ samma Jīvaka na paccatthikānaṃ desi.



Này Jīvaka thân, ngươi phản ta chăng? Này Jīvaka thân, ngươi lường gạt ta chăng? Này Jīvaka thân, ngươi nạp ta cho kẻ thù chăng?

Kathaṃ hi nāma tāva mahato bhikkhu saṅghassa aḍḍhateḷasānaṃ bhikkhu satānaṃ ṅeva khipitasaddo bhavissati na ukkhāsitasaddo na nigghoso ti?"



Tại sao trong một đại chúng lớn như thế này gần một nghìn hai trăm năm mươi vị, mà không có một tiếng đằng hắng, không có một tiếng ho, không một tiếng ồn?

"Mā bhāyi mahārājā. Na taṃ deva vañcemi, na taṃ deva palambhāmi, na taṃ deva paccatthikānaṃ demi.



- Thưa Ðại vương, Ngài chớ sợ. Tôi không phản Ngài, tôi không lường gạt Ngài, tôi không nạp Ngài cho kẻ thù.

Abhikkama mahārāj. Abhikkama mahārāja.



Thưa Ðại Vương, hãy đi thẳng tới. Thưa Ðại vương hãy đi thẳng tới.

Ete maṇḍalamāḷe dīpā jhāyantītl".



Tại chỗ kia trong căn nhà tròn chỗ có những ngọn đèn đang thắp sáng".

Giải.

* “Vua Ajātasattu (A-xà-thế) sợ hãi.

Bản Sớ giải giải thích: Có bốn loại sợ hãi:

- Sợ hãi sinh lên do tâm lo sợ (citt’utrāsabhaya).

- Sợ hãi sinh lên do tuệ (ñāṇabhaya).

- Sợ hãi sinh lên do cảnh (ārammaṇabhaya).

- Sợ hãi sinh lên do "ghê sợ tội lỗi" (ottappabhaya).

Gọi là "sợ hãi sinh lên do tâm lo sợ", như người sắp nệnh chung, trong tâm phát sinh nỗi kinh hoàng, sự sợ hãi này do tham ái làm duyên.

Hay người tạo ác nghiệp thường kinh hoàng khi nghĩ đến ác quả phải nhận lãnh, hoặc khi tâm không định tỉnh thường phát sinh sự sợ hãi….

Gọi là "sợ hãi sinh lên do tuệ". Như "khi nghe Đức Phật giảng về vô thường, khổ, vô ngã, các thiên nhân có tuổi thọ dài, hiểu rõ ý nghĩa này, phát sinh lo sợ".

"Này các Tỳ-khưu, có những chư thiên nào, tuổi thọ dài, có mỹ sắc, hưởng lạc nhiều, đã sống lâu trong các lâu đài to lớn.

Các chư thiên này, sau khi nghe Như lai thuyết pháp, phần lớn chúng trở thành sợ hãi, run sợ, khiếp đảm (saṃvega) …"(1).

Hoặc khi nghe Đức Thế Tôn thuyết giảng về sự vô thường của các uẩn, hiểu được điều này, tâm sinh khởi kinh cảm, nhàm chán (nibbinda) đối với các uẩn (2).

Gọi là "sợ hãi sinh lên do cảnh". Như những cảnh hoang vắng, cảnh kinh hoàng, cảnh âm u … làm phát sinh lo sợ.(3)

Gọi là "sợ hãi sinh lên do tâm lo lắng", là khi nghĩ đến ác quả do tội lỗi tạo ra, nên kinh sợ đối với tội lỗi.

Trong bốn điều sợ đó, sự kinh sợ phát sinh đến vua Ajātasattu là “sợ hãi phát sinh do cảnh” và “sợ hãi sinh lên do tâm lo sợ”.

Bản Hậu sớ giải (Ṭīkā) có giải thích thêm là:

- Tâm lo sợ tự nó là sự sợ hãi.

- "Sợ hãi sinh do tuệ" chỉ là nghĩa bóng, thật sự không phải là trạng thái sợ hãi. Nghĩa là khi thấy cảnh tượng biến diệt nhanh chóng của năm uẩn, hành giả này suy nghĩ "điều này thật đáng sợ".

Nên nói "tuệ xuất hiện như là sợ hãi, nhưng không phải là "sợ hãi thật sự".

Vì đơn giản chỉ là sự "suy gẫm" về những hành quá khứ đã diệt mất, liên tưởng đến hành trong hiện tại lẫn hành trong tương lai, tất cả đều bị diệt".

-"Sợ hãi sinh lên do cảnh". Bất cứ cảnh nào làm tâm sinh khởi lo sợ, gọi là "sợ hãi sinh lên do cảnh".

- "Sợ hãi do ghê sợ tội lỗi". Sợ hãi này cũng chẳng phải là "thật sự sợ", chỉ vì nghĩ đến hậu quả của tội lỗi, nên "ghê sợ tội lỗi". Tức là "sợ làm điều ác".



* “Vì sao vua Ajātasattu lại sợ hãi”?

Vì cảnh quá yên tịnh vượt ngoài dự kiến của vua Ajātasattu (A-xà-thế), đồng thời nhà vua phát sinh nghi ngờ đối với lương y Jīvaka.

Trong số các vương tử con vua Bimbisāra, Ajātasattu úy kỵ nhất là vương tử Abhaya (Vô Úy), người anh cùng cha khác mẹ với mình.

Lương y Jīvaka lại là con của vương tử Abhaya, nên nhà vua đột nhiên cảm thấy sợ hãi.

Khi còn ở trên lầu cao trong cung, lương y Jīvaka có thông báo cho vua Ajātasattu rằng:

- " Thưa Đại vương, Đức Thế Tôn thích yên lặng. Đại Vương nên yên lặng đến gần”.

Do vậy, vua Ajātasattu cấm không cho chơi nhạc mà chỉ đem nhạc khí, họ không nói lớn tiếng, thậm chí nghe được tiếng chân voi di chuyển.

Trong khu vườn xoài thậm chí không nghe tiếng hắt hơi, nhưng phần nhiều các vị vua lại thích âm thanh như tiếng ca hát, tiếng những nhạc cụ ….

Do sự yên tịnh này vua Ajātasattu thấy không được thoải mái, và sự nghi ngờ lương y Jīvaka sinh lên trong tâm vua Ajātasattu :

"Jīvaka nói với ta rằng có 1.250 vị Tỳ-khưu trong vườn xoài nhưng ta không hề nghe thấy tiếng hắt hơi, hắn nói dối ta.

Muốn chiếm đoạt ngai vàng nên hắn lừa ta, đưa ta ra khỏi thành, sắp đặt mai phục phía trước và sắp bắt ta.

Hắn có sức mạnh bằng năm con voi, lại đi gần bên cạnh ta. Ta không có người bảo vệ, thậm chí vũ khí hộ thân cũng không có. Thật là nguy hiểm!".

Khi lo sợ như vậy, vua Ajātasattu không thể kềm chế được nên đã thốt ra lời như vậy đối với lương y Jīvaka.

Lương y Jīvaka suy nghĩ: "Đức vua không biết ta, không biết rằng Jīvaka giờ đây không hề có ý nghĩ giết ai cả. Nếu ta không trấn an thì nhà vua sẽ giết ta".

Do vậy, Jīvaka nói lời trấn an vua Ajātasattu :

- Thưa Ðại vương, Ngài chớ sợ. tôi không phản Ngài, tôi không lường gạt Ngài, tôi không nạp Ngài cho kẻ thù.

Sau lời trấn an, lương y Jīvaka nói tiếp hai lần:



"Thưa Ðại Vương, hãy đi thẳng tới. Thưa Ðại vương hãy đi thẳng tới.

Vì sao lương y Jīvaka phải nói hai lần? Vì nói một lần thì điều này không có tính khẳng định.

Tại chỗ kia trong căn nhà tròn chỗ có những ngọn đèn đang thắp sáng".

Lương y Jīvaka chỉ những ngọn đèn đang cháy trong nhà tròn, như hàm ý rằng "Thưa Đại vương, kẻ gian không ở nơi có ánh sáng, Ngài hãy an tâm khi đi về phía đó".

Lời nói của lương y Jīvaka đã trấn an vua Ajātasattu.



Dứt phần 3 .

Dứt chương I.

-0-0-0-0-

CHƯƠNG II.

Phần 1.

Giải từ đoạn 160 đến hết đoạn 163.

Chánh kinh.

Sāmaññaphalapucchā.

(Câu hỏi Sa-môn quả).

160. "Atha kho rājā Māgadho Ajātasattu Vedehiputto yāvatikā nāgassa bhūmi nāgena gantvā, nāgā paccorohitvā pattiko va yena maṇḍalamālassa dvāraṃ.

Lúc bấy giờ, Ajātasattu, con bà Vedehi, vua nước Magadha đi cho đến chỗ voi có thể đi được, rồi xuống voi đi đến cửa căn nhà tròn.

Teṅupasaṃkami, upasaṃkamitvā Jīvakaṃ komārabhaccaṃ etad'avoca:



Khi đến nơi liền nói với Jīvaka komārabhacca:

"Kahaṃ pana samma Jīvaka Bhagavāti?".



"Này Jīvaka thân, Thế Tôn đang ở đâu?"

"Eso mahārāja Bhagavā.



"Thưa Ðại vương, vị ấy là Thế Tôn.

Eso mahārāja Bhagavā majjhimaṃ thaṃbhaṃ nissayā puratthābhimukho nissino purakkhato bhikkhusaṅghassāti".



Thưa Ðại vương, Thế Tôn ngồi giữa như cột trụ thẳng đứng, mặt hướng phía Đông, trước mặt chúng Tỳ-khưu.

Giải.

* “Đất của voi” (nāgassa bhūmi). “Nāgassa bhūmīti” yattha sakkā hatthiṃ abhirūḷhena gantuṃ, ayaṃ nāgassa bhūmi nāma (At):



Nơi voi có thể đi đến cuối cùng (abhirūḷhena), nơi ấy gọi là “đất của voi.

* “Nơi xuống voi” (nāgā paccorohitvā). “Nāgā pācrohitvāti” vihārassa bahidvārakoṭṭhske hatthito orohitvā (At):

Nơi xuống voi” là đang ở ngoài cổng chính.

Ngay cả khi rời lưng tượng, đặt chân xuống đất ở ngoài cổng chính và suy nghĩ đến sự tôn nghiêm của Đức Thế Tôn.

Chính điều này lại làm cho vua Ajātasattu phát sinh sự sợ hãi.

Toàn thân nhà vua toát mồ hôi, y phục đang mặc trên mình gây khó chịu đến nỗi nhà vua muốn cởi bỏ đi.

Đức vua nhớ lại tội lỗi của mình và sự sợ hãi khủng khiếp đã trải qua.

Đức vua không thể đi thẳng đến chỗ Đức Thế Tôn mà nắm lấy tay Jīvaka và đi vòng quanh như thể đang đi thăm tịnh xá để trấn an tâm và nói:

- Này Jīvaka thân, ngươi xây dựng nơi này rất tốt. ngươi xây dựng nơi này rất tốt.

Tán dương tịnh xá cũng là cách trấn an tâm của Đức vua.

Tán dương tịnh xá vừa xong, vua Ajātasattu cũng vừa đến cửa căn nhà tròn.

* "Này Jīvaka thân, Thế Tôn ở tại đâu?".

Tại sao vua Ajātasattu lại hỏi: "Đức Thế Tôn đang ở đâu?".

Có người cho rằng "vì Đức vua không biết mặt Đức Thế Tôn". Họ nói rằng khi còn trẻ, nhà vua cùng với vua cha đến yết kiến Đức Thế Tôn, nhưng sau đó do kết thân với Devadatta, nên đã giết cha, cho người ám sát Đức Thế Tôn như: Sai cung thủ ám sát Đức Thế Tôn, thả voi Dhanapāla (Hộ tài)(1) rượt Đức Phật nên không được diện kiến Đức Thế Tôn, vì vậy, nhà vua không nhận ra Đức Thế Tôn.

Thật ra, không phải như vậy, vì Đức Thế Tôn đang ngồi giữa căn nhà tròn với chúng Tỳ-khưu, như vầng trăng tròn với các vì sao.

Với những đại nhân tướng hoàn hảo, Đức Thế Tôn rọi sáng toàn bộ căn nhà tròn với vầng hào quang sáu màu. Ai mà không nhận ra Đức Thế Tôn?

Vua Ajātasattu hỏi điều này theo thói quen kiểu cách, cầu kỳ của “người có quyền lực” (issariyalīlā).

Người thuộc dòng Sát-đế-lỵ, có tính cách cầu kỳ là:"Tuy biết nhưng vẫn hỏi như thể họ không biết". Tại sao?

Để chứng tỏ có uy quyền, có ai dám không trả lời khi Đức vua hỏi đâu.

Nghe Đức vua hỏi, lương y Jīvaka nghĩ: "Đức vua đang đứng trước mặt Đức Thế Tôn mà còn hỏi: "Đức Thế Tôn đang ở đâu?".

Ví như người đang đứng trên mặt đất mà còn hỏi "đất ở đâu?", hay như người đang nhìn lên trời lại hỏi “mặt trăng và mặt trời ở đâu?”, hay như một người đang đứng dưới chân núi Tudi (Sineru) lại hỏi “núi Tu-di ở đâu?”.Ta sẽ chỉ cho nhà vua.

Sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn thật tôn kính, Jīvaka nói với vua Ajaatasattu"vị ấy là Đức Thế Tôn, thưa Đại vương …”.



* “Trước mặt” (purakkhato).

Purakkhatoti parivāretvā nisinnassa purato nisinno (At):

Trước mặt là “ngồi trước, (chư Tỳ-khưu) ngồi theo sau”.

Chánh kinh.

161. Atha kho rājā Māgadho Ajātasattu Vedehiputto yena Bhagavā ten'upasaṅkami.

Ajātasattu, con bà Vedehi, vua nước Magadha liền tiến đến chỗ Thế Tôn, khi đến rồi, vua đứng một bên.

Upasaṅkamitvā ekamantaṃ aṭṭhāsi, ekamantaṃ ṭhito kho rājā Māgadho Ajātasattu Vedehiputto tuṇhībhūtaṃ tuṇhībhūtaṃ bhikkhusaṅghaṃ anuviloketvā rahadam iva vippasanaṃ.



Sau đi đứng một bên, Ajātasattu, con bà Vedehi, vua nước Magadha nhìn khắp chúng Tỳ-khưu đang yên lặng an tịnh như một hồ nước trong

Udānaṃ udānesi: "Iminā me upasamena Udayibhaddo kumāro samannāgato hotu, ye'etarahi upasamena bhikkhusaṅgho samannāgatoti".



Cảm hứng nói rằng:"Mong hoàng tử Udāyibhadda (Ưu-đà-di-bạt-đà) cũng được sự trầm lặng như sự trầm lặng của các vị Tỳ-khưu này vậy".

"Agamā kho tvaṃ mahārāja yathā pemanti?"

- "Ðại vương, hình như tâm trí của Ðại vương nặng nhiều về tình thương thì phải?".

"Piyo me bhante Udāyibhaddo kumāro.

- "Bạch Thế Tôn, con thương hoàng tử Udāyibhadda rất nhiều.

Iminā me bhante upasamena Udāyibhaddo kumāro samanāgato hotu, yen'etarahi upasamena bhikkhusaṅgho samannāgatoti".



Bạch Đức Thế Tôn, con mong rằng hoàng tử Udāyibhadda cũng được sự trầm lặng như sự trầm lặng của chúng Tỳ-khưu này vậy".

Giải:

* “Đến chỗ Thế Tôn, khi đến rồi vua đứng một bên (yena Bhagavā ten'upasaṅkami).

Yena Bhagavā ten'upasaṅkamīti yattha Bhagavā tattha gato, Bhagavato saṅtikaṃ upagatoti attho (At):

Nghĩa là “Đức Thế Tôn (ngồi) nơi nào thì đến nơi ấy, đi đến nơi gần Đức Thế Tôn, nơi thấy rõ mặt (saṅtike) Đức Thế Tôn”.

Tức là nơi “không quá gần”, cũng “không quá xa” để thấy rõ mặt Đức Thế Tôn, đồng thời không là “nơi trực diện với Đức Thế Tôn”.

Vì sao không đứng trực diện với Đức Thế Tôn?

Khi đứng trực diện là tỏ ra có sự đối kháng, Đức vua đứng một bên là tỏ thành ý “mong cầu được yết kiến”, đồng thời “biểu lộ ý cung kỉnh Đức Thế Tôn”.

Lại nữa, vào ban đêm có rất nhiều thiên nhân trên hư không đến chiêm ngưỡng Đức Như Lai, khi đứng trước mặt Đức Như Lai sẽ che tầm nhìn của những vị thiên nhân đang chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn, các vị ấy phẫn nộ sẽ có nhiều tai hại.

Như vào đêm Đức Thế Tôn sắp viên tịch. Đại Đức Upavāna (vị thị giả trước đây của Đức Thế Tôn) đứng trước mặt Đức Thế Tôn và quạt hầu Ngài. Đức Thế Tôn đã rầy Đại Đức Upavāna(1).



* “Đang yên lặng - đang yên tịnh” (tuṇhībhūtaṃ tuṇhībhūtaṃ).

Tuṇhībhūtaṃ tuṇhībhūtanti yato yato anuviloketi, tato tato tuṇhībhūtamevāti attho (At):



Nghĩa là “nhìn nơi nào, ở đâu cũng đều yên lặng như vậy”.

Vua Ajātasattu nhìn chung quanh, thấy chư Tỳ-khưu đang ngồi hoàn toàn yên lặng, không vị nào cựa quậy tay chân hoặc ho.

Tuy có nhà vua, hoàng tộc, 500 cung phi xinh đẹp trên người đầy vật trang điểm, cùng đông đảo hội chúng đang đứng trước mặt Đức Thế Tôn, nhưng không vị nào nhìn lên. Tất cả chư Tỳ-khưu ngồi yên lặng hướng về Đức Thế Tôn, không hướng về Đức vua, không hướng về hội chúng của Đức vua.

Mặt khác, khi hội chúng của Đức vua thấy Đức vua đi đến gần bên Đức Thế Tôn, tất cả đều đứng yên lặng, không một tiếng ho. Và trong ngôi nhà tròn cũng như bên ngoài “đều yên tịnh”.

Một lần nữa, vua Ajātasattu cảm nhận được sự an tịnh; Đức vua nhìn thấy chư Tỳ-khưu ngồi yên lặng như hồ nước trong không vẩn đục, an tịnh như hồ nước trong không gợn sóng.

Vua Ajātasattu cảm hứng thốt lên:



* “Mong hoàng tử Udāyibhadda (Ưu-đà-di-bạt-đà) cũng được sự trầm lặng như sự trầm lặng của các vị Tỳ-khưu này vậy".

Có nghĩa là: "Mong cho hoàng tử cũng có được thân, khẩu, ý thanh tịnh và có cách an tịnh như các vị Tỳ-khưu này !"

Vua Ajātasattu nói như thế không có nghĩa là: "Mong cho hoàng tử xuất gia Tỳ-khưu và trở nên an tịnh như các vị Tỳ-khưu này".

Sở dĩ Đức vua thốt lên như vậy vì: “Khi thấy chúng Tỳ-khưu an tịnh”, Đức vua chợt nhớ đến Hoàng tử Udayibhadda

Đây là đặc điểm tâm lý thường tình của con người, khi thấy được điều gì tốt đẹp thì nghĩ ngay đến người “mình thương yêu” nhất và mong cho người ấy có được hạnh phúc hay điều tốt đẹp ấy.

Vì sao Đức vua mong cho hoàng tử Udāyibhadda có được sự an tịnh?

Đức vua Ajātasattu nói như vậy vì lo sợ.



Nhà vua sợ điều gì?

Đức vua lo sợ Hoàng tử tạo nên tội đại nghịch như Đức vua là "sẽ giết cha".

Vua Ajātasattu suy nghĩ: "Hoàng tử sẽ hỏi ta "vua cha vẫn còn trẻ, thế thì Thái Hoàng ở đâu?".

Nếu nghe được "Vua cha đã giết Thái Hoàng" thì hoàng tử sẽ nghĩ "vậy ta cũng sẽ giết vua cha và lên nắm quyền".

Do lo sợ như thế, nên Đức vua mong hoàng tử Udāyibhadda “có được sự an tịnh như chư Tỳ-khưu này vậy”.

Cho dù có lo sợ như thế, thực tế về sau hoàng tử Udāyibhadda cũng sát hại vua Ajātasattu.

Trong hoàng tộc này, tội giết vua cha đã lặp lại đến năm đời: Ajātasattu giết vua Bimbīsara, Udāyi giết Ajātasattu, Udāyi bị chính hoàng tử Mahāmuṇḍika sát hại; Mahāmuṇḍika bị hoàng tử Anuruddha giết và Anuruddha bị hoàng tử Nāgadāsa sát hại.



tải về 1.3 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương