LUẬn giải kinh sa môn quả TẬP 1 Tỳ khưu Chánh Minh


* Vua Ajātasattu ngồi trên lầu cao an tịnh (cātumāsiniyā)



tải về 1.3 Mb.
trang3/13
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích1.3 Mb.
#21985
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13

* Vua Ajātasattu ngồi trên lầu cao an tịnh (cātumāsiniyā).

"Cātumānisiyā" = cātu + mā +nisiyā.

Nghĩa đen là "nơi ngồi không có ngã tư", chỉ cho “lầu cao”.

Ngài Budhaghosa giải thích:"Cātumāsiyāti cātumāsiyā, sā hi catunnaṃ māsānaṃ pariyosānabhūtāti cātumāsī (At):

Catumāsiyā là “ngồi nơi an toàn trện lầu cao, nơi thông thoáng không có giao lộ.”

Nghĩa là “Đức vua ngồi nơi cao nhất trên lầu, nơi an toàn và thông thoáng để Đức vua thưởng ngoạn những cảnh đẹp ở bên dưới lẫn chung quanh”(1).

Bản Sớ giải có nêu ra câu hỏi: Vì sao vuaAjātasattu lại ngồi ở đó? Đáp rằng: Để tránh không phải ngủ.

Từ ngày sát hại vua cha, bất cứ khi nào vào giường ngủ, ngay khi nhắm mắt lại thì vua Ajātasattu (A-xà-thế) thấy như bị hàng trăm cây giáo đâm vào người, thế là vua thức dậy và khóc. Khi được hỏi đang lo lắng điều gì thì nhà vua trả lời "không có gì".

Từ đó, đối với nhà vua đi ngủ là điều kinh hoàng và nhà vua ngồi đó là để không phải ngủ.

Và vua Ajātasattu có ý muốn đi đến yết kiến Đức Phật, để trấn an nỗi khổ của mình.

* Vua Ajātasattu cảm hứng thốt lên.

"Lời cảm hứng" (udāna). Như dầu không thể chứa hết trong thùng phải trào ra, như sông không thể chứa hết nước, phải tràn trên mặt đất thành lũ lụt.

Cũng vậy, khi trái tim không thể chứa đựng hết những cảm xúc, phải phát thành lời, lời ấy gọi là "lời cảm hứng”.



* ”Đêm nay chúng ta nên đến chiêm bái vị Sa-môn hay Bàlamôn nào?”

Bản Sớ giải giải thích: Câu này là câu hỏi trống, không chỉ định hỏi ai cả, chỉ là câu hỏi chung cho các đại thần, nhưng lại là câu nói có chủ ý.

Chủ yếu câu hỏi này vua Ajātasattu hướng về lương y Jīvaka.

- Vì sao vua Ajātasattu (A-xà-thế) lại hướng về lương y Jīvaka? Vì Đức vua mong được diện kiến Đức Thế Tôn.

- Nhà vua không thể tự mình đến gặp Đức Thế Tôn sao? Không, không thể được.

- Vì sao vậy? Vì vua Ajātasattu đã nghe theo lời Devadatta (Đề-bà-đạt-đa), gây ra nhiều trọng tội.

Vua Ajātasattu đã giết cha mình là vua Bimbisāra, vua Bimbisāra là một vị Thánh đệ tử, là cận sự nam của Đức Thế Tôn.

Sau đó, vua Ajātasattu giúp Devadatta nhiều lần làm hại Đức Thế Tôn.

Lần thứ nhất, vua Ajātasattu cung cấp cho Devadatta những cung thủ đi ám sát Đức Thế Tôn, nhưng tất cả các cung thủ được Đức Thế Tôn cảm hóa và an trú vào quả Dự lưu (2).

Lần thứ 2, trợ giúp Devadatta bằng cách thả voi Nālāgiri đang say men rượu, để sát hại Đức Thế Tôn, nhưng không thành.

Do những trọng tội đó, vua Ajātasattu không thể tự mình đến gặp Đức Thế Tôn.

Vì thế, vua Ajātasattu đã nói bóng gió với Jīvaka, một cận sự nam thân tín của Đức Phật.

Đức vua nghĩ rằng: "Ta sẽ nhờ Jīvaka tiến dẫn Ta diện kiến Đức Thế Tôn, ta sẽ theo sau Jīvaka như cái bóng của Jīvaka".

Bản Hậu sớ giải (Ṭīkā) có giải thích thêm: Vì sao vua Ajātasattu hỏi bóng gió với Jīvaka để được diện kiến Đức Thế Tôn, không tìm đến hỏi pháp nơi các giáo chủ dị giáo khác?

Vua Ajātasattu có tìm đến 6 vị Giáo chủ đương thời (ngoại trừ Đức Thế Tôn) để hỏi pháp, nhưng Đức vua đã thất vọng khi nghe những chủ thuyết của những vị này.

Đồng thời vua Ajātasattu muốn đến yết kiến Đức Thế Tôn để sám hối tội lỗi: "Tội giết cha và tội đã giúp Devadatta làm hại Đức Thế Tôn".

Từ khi Devadatta mệnh chung, vua Ajātasattu nhận ra rằng "mình đã giao du với kẻ ác", nên tâm ông ray rứt không yên về điều này.

Đồng thời dân chúng kháo nhau rằng "đức vua giao du với kẻ ác, trợ giúp kẻ ác, xa lánh bậc hiền thiện", tiếng xấu đã lan truyền khắp lãnh thổ đến tận ranh giới của vương quốc Magadha (Ma-kiệt-đà).

Hình ảnh Devadatta bị đất rút, gây nên nổi kinh hoàng cho Đức vua, Đức vua suy nghĩ : "Nếu ta không tìm cơ hội đến xin sám hối nơi Đức Thế Tôn, là bậc Đạo sư tối thượng của chư thiên và nhân loại, có thể ta sẽ bị đất rút như Devadatta".

Càng suy nghĩ, đức vua càng kinh sợ cho tội lỗi mà mình đã tạo. Trong lúc ngủ, vua Ajātasattu thấy xuất hiện Diêm chúa cùng nhóm quỷ sứ cầm gươm giáo đâm vào người hằng trăm, hằng ngàn ngọn, khiến vua vô cùng sợ hãi.

Vua Ajātasattu không thấy ai có thể là chỗ nương nhờ, ngoại trừ Đức Chánh giác.

Với những lý do trên, từ lâu nhà vua muốn đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn để sám hối tội giết cha, giải trừ tiếng xấu, đồng thời hỏi về quả của pháp an tịnh (samaññaphaladhamma).

Nên sau khi nghe lương y Jīvaka tán thán ân đức của Đức Thế Tôn, tâm mong muốn đến đảnh lễ Đức Thế Tôn của nhà vua càng mãnh liệt, nên nhà vua "quyết định đi trong đêm" ngay lập tức.

Jīvaka có hiểu rằng nhà vua đang hỏi "hướng chủ ý " với mình không?

- Có, vị này hiểu.

Nhưng vì sao lương y Jīvaka vẫn im lặng?

- Để tránh bị cắt ngang.

Lương y Jīvaka suy nghĩ: "Trong triều có nhiều người là đồ đệ của sáu tôn chủ dị giáo. Các vị thầy này không hiểu biết chân lý nên chính bản thân họ cũng không hiểu biết chân lý.

Nếu ta nói về ân đức của Đức Thế Tôn thì họ sẽ đứng dậy, cắt ngang lời ta, nói về ân đức của thầy mình, khi đó ta không thể nói được về những ân đức của Đức Thế Tôn.

Nhưng nghe nói về các vị thầy của họ, Đại vương sẽ không hài lòng với những tài đức của các vị thầy đó và Đại vương sẽ biết rằng cuộc nói chuyện với những vị đó thật vô ích, sau đó Đại vương sẽ hỏi ta.

Khi đó, ta sẽ không bị ngăn cản, ta sẽ tán thán ân đức của Đức Thế Tôn và đưa Đại vương đến diện kiến Đức Thế Tôn".

Do đó, tuy hiểu được ý của nhà vua nhưng Jīvaka vẫn im lặng để tránh bị cắt ngang.

Các vị cận thần nghĩ: "Đại vương muốn qua đêm bằng một trong năm cách(1), Đại vương đang mong được diện kiến một vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào đó, cật vấn và nghe pháp.

Đại vương sẽ vô cùng kính trọng vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào có bài pháp tạo cho Đại vương nhiều cảm xúc.

Người đề nghị sẽ được Đại vương xem trọng và đó sẽ là sự may mắn cho người ấy".

Với mục đích được vua Ajātasattu xem trọng, nên mỗi vị cận thần đều nghĩ: "Ta sẽ tán dương vị Sa-môn mà ta hộ độ và ta sẽ đưa đại vương đi cùng với ta"

Do đó, từng người bắt đầu tán dương vị Sa-môn mà cá nhân họ hộ độ.

Dứt phần 1.

Phần 2.

Giải từ đoạn 151 đến hết đoạn 156.

Chánh kinh.

151. "Evaṃ vutte aññataro rājāmacco rājānaṃ Māgadhaṃ Ajātasattuṃ Vedehi-puttaṃ etad avoca: "Ayaṃ deva Pūraṇo kassapo saṃghī c'eva gaṇī cagaṇācariyo ca ñāto yassasī titthakaro sādhu sammato bahu janassa rattaññū cira pabbajjito addhagato vayo anupatto.

Khi nghe nói vậy, một đại thần tâu với Ajātasattu, con bà Vedehi vua nước Magadha: "Tâu Ðại vương, có Pūraṇa kassapa (Phú-la Ca-diếp) là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, dồi dào kinh nghiệm lâu ngày, xuất gia đã lâu năm, đã đến tuổi trưởng thượng.

Taṃ devo Pūraṇaṃ kassapaṃ payirupāsatu, app'eva nāma devassa Pūraṇaṃ Kassapaṃ payirupāsato cittaṃ pasīdeyyāti'.



Mong Ðại vương đến chiêm bái Pūraṇa Kassapa này. Chiêm bái Pūraṇa kassapa có thể khiến tâm Ðại vương được tịnh tín".

Evaṃ vutte rājā Māgadho Ajātasattu vedehiputto tuṃhī ahosi.



Khi nghe nói vậy Ajātasattu, con bà Vedehi, vua nước Magadha yên lặng không nói gì.

152. "Aññataro rājāmacco rājānaṃ Māgadhaṃ Ajātasattuṃ Vedehi-puttaṃ etad avoca: "Ayaṃ deva Makkhali gosālo ….

Lại một đại thần khác tâu với Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha: "Tâu Ðại vương, có Makkhali gosāla (Mặc-già-lê Cù-xá-lợi) …

153. "Aññataro rājāmacco rājānaṃ Māgadhaṃ Ajātasattuṃ Vedehi-puttaṃ etad avoca: "Ayaṃ deva Ajito kesakambalo …

Lại một đại thần khác tâu với Ajātasattu, con bà Vedehi, vua nước Magadha: "Tâu Ðại vương, có Ajita kesakambala (A-kỳ-đa Kỳ-xá-khâm-bà-la) …

154. "Aññataro rājāmacco rājānaṃ Māgadhaṃ Ajātasattuṃ Vedehi-puttaṃ etad avoca: "Ayaṃ deva Pakudho kaccāyano …

Lại một đại thần khác tâu với Ajātasattu, con bà Vedehi, vua nước Magadha: "Tâu Ðại vương, có Pakudha kaccāyana (Bà-phù-đà Ca-chiên-nê)…

155. “Aññataro rājāmacco rājānaṃ Māgadhaṃ Ajātasattuṃ Vedehi-puttaṃ etad avoca: "Ayaṃ deva Sañjayo belaṭṭhiputtaṃ ….

Lại một đại thần khác tâu với Ajātasattu, con bà Vedehi, vua nước Magadha: "Tâu Ðại vương, có Sanjaya belathiputta (Tán-nhã-di Tỳ-la-phê-phất)…

156. "Aññataro rājāmacco rājānaṃ Māgadhaṃ Ajātasattuṃ Vedehi-puttaṃ etad avoca: "Ayaṃ deva Nigaṇṭho nātaputto saṃghī c'eva gaṇī cagaṇācariyo ca ñāto yassasī titthakaro sādhu sammato bahu janassa rattaññū cira pabbajjito addhagato vayo anupatto.

Lại một đại thần khác tâu với Ajātasattu, con bà Vedehi, vua nước Magadha: "Tâu Ðại vương, có Nigaṇṭha nātaputta (Ni-kiền-tử) là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, dồi dào kinh nghiệm lâu ngày, xuất gia đã lâu năm, đã đến tuổi trưởng thượng.

Taṃ devo Nigaṇṭhaṃ nātaputtaṃ payirupāsatu, app'eva nāma devassa Nigaṇṭhaṃ Nātaputtaṃ payirupāsato cittaṃ pasīdeyyāti'.



Mong Ðại vương đến chiêm bái Nigaṇṭha nātaputta này. Chiêm bái Nigaṇṭha nātaputta có thể khiến tâm Ðại vương được tịnh tín".

Evaṃ vutte rājā Māgadho Ajātasattu vedehiputto tuṃhī ahosi.



Khi nghe nói vậy Ajātasattu, con bà Vedehi, vua nước Magadha yên lặng không nói gì.

Giải:

Từ đoạn 151 đến hết đoạn 156 là sự giới thiệu sáu vị Tôn chủ trong thời Đức Phật.

Có câu hỏi: Vì sao nghe tên sáu vị tôn chủ đương thời (ngoại trừ Đức Thế Tôn), trước tiên là Pūraṇa kassapa …. vua Ajātasattu (A-xà-thế) lại im lặng?

Đáp rằng: Ví như người muốn ăn trái xoài chín vàng mọng, ngon ngọt, nhưng có người lại dâng trái kājara đắng.

Vua Ajātasattu đang muốn được nghe một bài pháp huyền diệu về những đức hạnh như thiền (jhāna), thắng trí (abhiññāṇa) hay tam tướng, khi nghe giới thiệu đến Pūraṇa kassapa … Đức vua vô cùng thất vọng, vì Đức vua đã từng gặp và thất vọng với các vị ấy.

Tuy thất vọng nhưng Đức vua vẫn im lặng, vì nghĩ rằng: “Nếu ta phản đối hoặc cho người chộp lấy vai và tẩn xuất vị đại thần này, thì những người khác sẽ sợ bị tương tự và sẽ không ai nói gì cả".

Do Đức vua im lặng đối với Tôn chủ Pūraṇa kassapa, nên các vị cận thần khác nghĩ rằng: "Đức vua không hài lòng vị Tôn chủ ấy, Ta hãy tán dương vị tôn chủ mà chính ta hộ độ".

Sáu tôn chủ dị giáo.

1- Tôn chủ Pūraṇa kassapa.

Ngài Buddhaghosa có giải thích: Pūraṇa là tên còn Kassapa là họ.

Người ta cho rằng vị này được mang tên là Pūraṇa (tròn đủ) vì được sinh ra trong một gia đình đã có 99 nô lệ, vì làm tròn được con số thịnh vượng (là một trăm), nên vào ngày lễ đặt tên, hài tử ấy mang tên là Pūraṇa.

Được xem là "người nô lệ làm thịnh vượng cho chủ", nên Pūraṇa không hề bị rầy la, không bị ai sai bảo chi cả, mặc cho Pūraṇa muốn làm chi thì làm (dĩ nhiên y vẫn phải ở trong giai cấp nô lệ).

Tuy hưởng được đặc ân như thế, nhưng Pūraṇa suy nghĩ: "Tại sao ta phải ở đây chứ ?" và y bỏ nhà chủ ra đi.

Trên đường bỏ trốn, Pūraṇa bị bọn cướp lấy hết quần áo, không tìm được lá hay cỏ che thân, Pūraṇa trần truồng đi vào làng.

Dân làng trông thấy cho rằng: "Vị Sa-môn này là bậc A-la-hán không mong cầu, ít ước muốn, không ai giống như vị này". Họ đến cúng dường vật thực cho y.

Kể từ đó, ngay cả khi được cúng dâng áo choàng, Pūraṇa cũng không nhận, vì nghĩ rằng: "Ta đến đây, do không có quần áo nên được sự cung kỉnh, ta không nên nhận áo choàng."

Pūrana cứ lõa thể như thế mà đi lang thang, trở thành một du sĩ (pabbajjā), có 500 người theo sau là đồ chúng, trong số đó có người sinh thiên là thiên tử Asama.

"Đứng một bên, thiên tử Asama nói lên bài kệ này trước mặt Đức Thế Tôn về Pūraṇa kassapa:

Ở đây nếu có người; chém giết hay hại người.

Kassapa không thấy; qua các hành động ấy.

Là ác nghiệp cho mình; hay công đức cho mình.

Ngài tuyên bố như vậy; làm căn bản đức tin.

Ngài thật bậc Đạo sư; đáng được tôn kính, lễ"(1).

Bài kệ trên cho thấy, Pūraṇa chủ trương "thyết vô hành – akiriyavāda" hay thuyết phi nghiệp.

Bản Sớ giải có giải thích: "Sở dĩ Asama sinh thiên vì tin vào nghiệp trước khi theo chủ thuyết phi nghiệp của Pūraṇa".

Các Licchavī như Abhaya, Mahāli , du sĩ Vacchagotta(2) thường đến hỏi ý kiến với Pūraṇa, xem ra Pūraṇa thường xuyên hoạt động trong xứ Licchavī.

Trong kinh Sa-môn quả, cũng ghi nhận Pūraṇa kassapa chủ trương "thuyết vô hành” (akiriyavāda), phủ nhận quả báo của nghiệp thiện lẫn bất thiện.

Ngoài ra, Pūraṇa còn được xem là người truyền bá “thuyết vô nhân” (ahetukavāda), chối bỏ nhân duyên (hetupaccaya).



Bạch Đức Thế Tôn, Pūraṇa kassapa nói như sau: "Không có nhân không có duyên để không biết- không thấy; không biết - không thấy, không có nhân không có duyên. Không có nhân, không có duyên để biết - để thấy …(3).

Một đoạn kinh khác như sau:



"Bạch Đức Thế Tôn,Pūraṇa kassapa (Phú-lan-na Ca-diếp), thuyết như sau: "Không nhân không duyên là sự nhiễm ô của chúng sinh; không nhân không duyên chúng sinh bị nhiễm ô, không nhân không duyên là sự thanh tịnh của chúng sinh; không nhân không duyên, chúng sinh được thanh tịnh". (4).

Và Pūraṇa tự xưng mình là bậc toàn trí, như kinh văn có ghi nhận:

"Thưa Tôn giả Gotama, Pūraṇa kassapa, bậc toàn tri, toàn kiến, tự nhận mình là có tri kiến toàn bộ không dư (aparisesanānadassana) nói rằng: "Khi ta đi, ta đứng, ta ngủ, ta thức, tri kiến được an trú thường hằng (satataṃ samitaṃ)"(5).

Trong Sớ giải kinh Pháp cú (6), trước khi Đức Phật thi triển song thông lực, vua trời Sakka (Đế-thích) ra lịnh cho thần Gió nổi gió xô xập lều trại cùng lễ đài của nhóm ngoại đạo, đồng thời phun cát bụi vào chúng.

Trên đường chạy trốn, Pūraṇa gặp một nông dân đệ tử, y lấy cái nồi và sợi dây của đệ tử, chạy đến bờ sông, cột dây và nồi vào cổ rồi nhảy xuông sông chết, Pūraṇa tái sinh vào địa ngục Vô gián (Avīci niraya).

Điều này dường như mâu thuẩn với kinh Sa-môn quả, trong kinh ghi nhận "vua A-xà-thế có đến viếng giáo chủ Pūraṇa kassapa".

Nói cách khác, theo Sớ giải kinh Pháp cú thì ông Pūraṇa kassapa chết khi Đức Thế Tôn được 41 tuổi thọ (vào cuối hạ thứ 6; hạ thứ 7 Đức Thế Tôn an cư tại cung trời Đao lợi, hơn 30 năm sau bài kinh này mới xuất hiện).

Có khả năng, khi còn là vị hoàng tử trẻ, vua Ajaatasatt có đến viếng Pūraṇa kassapa, để rồi hơn 30 năm sau, Đức vua lập lại điều này với Đức Thế Tôn và cũng từ khi ấy, Hoàng tử Ajātasattu không hài lòng với giáo thuyết của Pūraṇa kassapa.

Tuy nhiên, cách lý giải này cũng không ổn, vì rằng: “một vị đại thần đã đề nghị Đức vua đến viếng tôn chủ Pūraṇa kassapa” ngay trong đêm ấy, và cũng chính trong đêm này, bài kinh Sa-môn quả được hiển lộ.

Lẽ nào vị đại thần dám “bạo phổi”, thỉnh Đức vua viếng thăm và đàm luận với “xác chết”?

Một thuyết khác cho rằng: “Sau khi Pūraṇa chết, môn đệ kế nghiệp Giáo chủ Pūraṇa cũng dùng lại danh tự của thầy để tưởng nhớ thầy”, nhưng xem ra lập luận này không vững lắm.

Vì theo Sakuludāyi thì cả 6 vị tôn chủ ngoại đạo không được đệ tử cung kính, tôn trọng, họ bị đệ tử kích bác đến nổi phải giang tay khóc lóc (1).

Có thuyết lại nói rằng “sau 12 năm khổ hạnh, vị ấy nhịn đói đến chết” ở Sāvatthi(2). Nhưng không nói rõ thời điểm tôn chủ Pūraṇa kassapa chết.

Kinh điển của Kỳ-na giáo (jaina) có nhắc đến "một kẻ khổ hạnh ngu si" tên là Pūraṇa có gốc từ Bebhela, chắc hẳn là vị Pūraṇa này.



2- Tôn chủ Makkhali gosāla.

Makkhali là tên, họ là Gosāla. Người ta biết rất ít về Makkhali gosāla.

Ngài Buddhaghosa giải thích "vì sinh ra trong chuồng bò nên gọi là Gosāla", còn tên Makkhali phát sinh từ sự kiện như sau:

Gosāla là một nô lệ, trong khi mang bình dầu đi dọc theo con đường lầy lội, chủ của Gosāla có nhắc nhở "coi chừng té" (mā khali), nhưng Gosāla do bất cẩn đã té, làm bể bình dầu, ông liền bỏ chạy trốn, người chủ rượt theo, tóm được góc chiếc áo choàng, Gosāla cởi áo để trần truồng chạy đi.

Phần còn lại giống như câu chuyện giáo chủ Pūraṇa kassapa; từ đó ông có tên là Makkhali Gosāla.

Ban đầu ông xuất gia trong phái Ājīvika(3), sau đó từ bỏ phái này để thành lập giáo phái riêng.

Về sau phái Ājīvika lẫn môn đệ của Makkhali gosāla đều sáp nhập vào đạo Jaina (Kỳ-na).

Đương thời Makkhali gosāla nói rằng: "Bậc xuất gia phải làm sao cho tín đồ triệt để tuân hành những định luật đã an bài", lý thuyết này được Bà-la-môn Kautilya áp dụng, làm hưng thịnh triều đại Moriya trong thời vua Candragupta trị vì (Candragupta là ông nội của vua A-dục).

Theo tài liệu ghi lại của Đạo Kỳ-na (Jaina)(1) thì Makkhali gosāla là người làng Saravana gần thành Sāvatthi, có tên là Maṅkhaliputta (con của Maṅkhali).

Cha của Makkhali gosāla là một người buôn tranh ảnh (mankha) có tên là Maṅkhali, mẹ của ông Makkhali gosāla tên là Bhaddā (2).

Và Gosāla nối nghiệp cha cho đến khi trở thành vị Sa-môn, nên có tên Makkhali Gosāla.

Tên thật của vị này dường như là Maskarin, dạng Jaina - Prakit là Maṅkhali, dạng Pāli là Makkhali.

Theo tác phẩm The historical Buddha (Đức Phật lịch sử) - nguyên tác của H.W. Schumann, bản dịch Việt ngữ của Trần Phương Lan thì vị này là "con trai người hát dạo (mankha)(3).



"Maskarin" được Paṇinī (4) giải thích là "người mang gậy tre (maskara)".

Theo giải thích của Patañjali thì, "Maskarin" không phải chỉ cho các du sĩ trên tay cầm gậy tre, mà đó là tên một trường phái "chối bỏ khả năng của lý trí".

Dạng du sĩ này không nhiều lắm, những du sĩ Maskarin là người theo “thuyết luân hồi tịnh hóa (saṃsārasuddhi)" hay “thuyết định mệnh”.

Môn đệ của Makkhali gosāla được gọi là những vị Ājīvaka (lõa thể).

Nhà khảo cổ H.W. Schumann có ghi nhận (xem sđd, tr. 501 – 504): Theo bản kinh Bhagavatīsūtra của Kỳ-na giáo thì Makkhali gosāla là môn đệ của Nigaṇṭha Nātaputta, tóm lược như sau.

Lần thứ nhất, vào năm 524 trước Tây lịch (tTl), Makkhali gặp Nātaputta đang thực hành khổ hạnh, khi ấy Nātaputta được 33 tuổi, xuất gia được 3 năm đồng thời thực hành khổ hạnh được ba năm.

Bị cuốn hút theo cách khổ hạnh của Nigantha nātaputta, Makkhali xin Nigantha nātaputta nhận mình là đệ tử, nhưng Nigantha nātaputta im lặng bỏ đi.

Thời gian sau, Makkhali gosāla lõa thể như Nātaputta, Makkhali gosāla gặp lại Nātaputta ở Paniyabhūmi gần Nālandā, Makkhali lại thỉnh cầu lần nữa và Nātaputta nhận lời.

Cả hai sống đời du sĩ bên nhau suốt sáu năm, chính trong thời gian này Makkhali chứng kiến những lời tiên đoán của thầy mình đều trở thành hiện thực, nên Makkhali phát triển niềm tin về "thuyết định mệnh".

Như có lần Nātaputta tiên đoán "vào một ngày nhất định nào đó, Makkhali sẽ được cho một đồng tiền giả, dù Makkhali cố gắng ngăn cản nhưng nó vẫn xảy ra như lời tiên đoán"; vì thế Makkhali kết luận "việc gì phải xảy ra thì sẽ phải xảy ra như vậy, chứ không thể khác được".

Về sau, do một cuộc thử tài tiên đoán thầy mà Makkhali bị Nātaputta đuổi đi.

Câu chuyện như sau:Trên đường qua Magadha (Ma-kiệt-đà), Makkhali chỉ một cây mè, hỏi thầy "cây này có cho quả gì không?", Nātaputta đáp "nhiều lắm".

Rồi hai người tiếp tục du hành, Makkhali lén quay trở lại nhổ cây mè lên.

Thời gian sau cả hai quay trở lại, cây mè tuy bị nhổ lên nhưng có một trận mưa rơi xuống đã làm cho nó bén rễ trở lại và cho rất nhiều quả.

Tuy Makkhali thán phục tài tiên tri của thầy, nhưng trò đùa tinh nghịch này cũng đủ Nātaputta trục xuất người đệ tử kỳ quặc tinh quái.

Makkhali mất vào năm 501 tTl, khi ấy Đức Phật được 62 tuổi (tính năm Bồ-tát Siddhatta – Sĩ-đạt-ta đản sinh là 563 tTl).

Từ điểm này cho thấy "có khả năng khi Ajātasattu còn là Hoàng tử có đến viếng Makkhali gosāla để hỏi về quả báo Sa-môn”, nhưng trong bản kinh ghi nhận “một vị đại thần đề nghị vua Ajātasattu viếng thăm tôn chủ Makkhali gosāla trong đêm ấy” ???.

Đồng thời lý giải: Vì sao Makkhali chủ trương "thuyết luân hồi tịnh hóa" hay “thuyết định mệnh".

Quan điểm của Makkhali gosāla được nêu trong trong kinh Sa-môn quả rất khó hiểu, chính các Luận giải sư cho rằng "tìm hiểu về các quan điểm của Makkhali gosāla là điều vô vọng".

Ngoài những con số mà ông nêu ra trong kinh Sa-môn quả, dường như Makkhali tin vào "định số (niyati)".

Như cuộn chỉ được ném ra, cuộn chỉ cứ lăn mãi đến một thời điểm nào đó chỉ trong cuộn chỉ sẽ hết, cũng vậy, sau 84.000 đại kiếp (mahākappa) thì người ác hay hiền đều giải thoát.

Nếu chưa hết thời kỳ thì dù có hành thiện như thế nào cũng không thể giải thoát.

Thuyết định mệnh” của Makkhali gosāla tương đồng với "thuyết chối bỏ nhân duyên".

Mặt khác, Makkhali gosāla có quan điểm rõ ràng về số lượng: Loại chúng sinh, nghiệp, địa ngục, giấc mộng lớn, giấc mộng nhỏ …

Dường như Makkhali gosāla quan niệm thế gian là một hệ thống, trong đó các bộ phận không hề thay đổi, tất cả đều có nơi và có phận sự riêng.

Trong sáu chủ thuyết của 6 tôn chủ dị giáo, Đức Thế Tôn nghiêm khắc phê bình chủ thuyết của Makkhali gosāla “là tệ hại nhất”.



Ví như, này các Tỳ-khưu, tại cửa sông có đặt một cái nơm bẫy cá (khippaṃ), đem lại bất hạnh đau khổ, tổn thương, tổn hại cho nhiều cá.

Cũng vậy, này các Tỳ-khưu, kẻ ngu si Makkhali xuất hiện ở đời, Ta nghĩ rằng như là một cái nơm bẫy cá cho loài người, đưa đến bất hạnh, bất lạc, bất lợi, đau khổ, tổn thương, tổn hại cho nhiều loại hữu tình".(1)

Và:


Mền bằng tóc, này các Tỳ-khưu, khi trời lạnh thời lạnh, khi trời nóng thời nóng, xấu xí, có mùi hôi, xúc chạm khó chịu.

Cũng vậy, này các Tỳ-khưu, trong các chủ thuyết của các Sa-môn ngoại đạo tuyên bố, chủ thuyết của Makkhali được xem là hèn hạ nhất(2).

Ngài Buddhaghosa (Giác Âm) có đưa ra sự nhận định về ba chủ thuyết của Pūraṇa kassapa, Makkhali gosāla và, Ajita kesakambala như sau:

“Pūrana phủ nhận nghiệp, Ajita phủ nhận quả của nghiệp, còn Makkhali phủ nhận cả nghiệp lẫn quả”.

Môn đệ của Makkhali gosālacũng có người sinh thiên, như thiên tử Sahāli (1).



3- Tôn chủ Ajita kesakambala.

Ajita là tên và vị này mặc y dệt bằng tóc (kesakambala), nên được gọi là Ajita kesakambala.

Y được dệt bằng tóc là tấm y được bện bằng tóc người, không có loại y nào ghê tởm hơn, như đoạn kinh văn đã dẫn ở trên.

Áo bằng loại này được mô tả là "tấm áo khốn khổ" nhất, vào mùa lạnh thì rất lạnh, vào mùa nóng thì rất nóng đồng thời tỏa ra mùi hôi không thể chịu nổi.

Là một trong sáu vị tôn chủ ngoại đạo đương thời với Đức Phật, Ajita kesakambala được mô tả là người lãnh đạo một số đông đồ chúng, nhưng dường như chỉ là tại gia mà thôi.

Ajta kesakambala chủ trương “thuyết hư vô” (natthikavāda) hay “thuyết đoạn diệt” (ucchedavāda).

Theo Ajta kesakambala thì: Trong cõi mênh mông này có bốn thành phần: Đất - nước - lửa - gió (gọi là tứ đại).

Mỗi thành phần của tứ đại có đặc tính "tự tồn, tự tụ, tự tan rã".

Con người chẳng qua là do tứ đại hợp thành, khi tứ đại tan rã thì "đất trở về với đất, nước trở về với nước, lửa trở về với lửa và gió trở về với gió".

Như vậy, "sống" hay "chết" chỉ là sự tụ hội hay tan rã của tứ đại mà thôi, khi tứ đại tan rã cái gọi là "hiểu biết, tư tưởng" thành phần năng động của tâm linh cũng tan rã trở về với hư không.

Nói gọn lại, ông Ajta kesakambala cho rằng "chết là hết", người hiền hay ngu, thiện hay ác, khi chết đều mất tất cả, không còn cái gì gọi là hiền – ngu hay thiện – ác cả.

Cái gọi là "kiếp trước - kiếp sau" chỉ là hư ngụy, là sai lầm, là lừa mị người khác.

Chủ trương "đoạn diệt" của Ajta Kesakambala có mục đích "triệt để chống lại giáo thuyết Bà-la-môn", và chủ trương của phái này là "thụ hưởng khoái lạc".

Trong Mahābodhi jātaka(2), tiền thân của Ajita Kesakambala là một trong năm vị thầy, đã bị Bồ-tát bác bỏ giáo thuyết.

Tuy chủ trương "hưởng lạc, phủ nhận giá trị của khổ hạnh", nhưng không hiểu vì sao Ajita kesakambala lại chọn y bằng tóc bện, một bộ y "mùa đông lạnh, mùa hè nóng và hôi hám”, một loại vải được xem là tồi tệ nhất (xem dẫn chứng ở trên).

4- Tôn chủ Pakudha kaccāyana.



Pakudha là tên, Kaccāyana là họ, một chi tộc của dòng Bà-la-môn(brahmagotta).

Ngài Buddhaghosa nói rằng: Pakudha không dùng nước lạnh, ngay cả khi đi đại tiện, Pakudha rửa trôn bằng nước ấm hay dầu.

Nếu không có nước nóng thì Pakudha kaccāyana không tắm.

Trên đường, nếu phải lội qua sông hay đi qua vũng nước thì Pakudha cho rằng "Ta đã phạm tội", Pakudha kaccāyana sám hối tội lỗi bằng cách đấp một ụ đất rồi ra đi.

Đây là sự khổ hạnh trong học thuyết của ông, nó chỉ là hành động bên ngoài mà thôi, còn bên trong thì Pakudha theo thuyết bất hạnh (nissirīkaladdhika).

Học thuyết của Pakudha kaccayana là "thuyết phi nghiệp” (akiriyavāda) hay “thuyết vô hành".

Theo Pakudha kaccayana thì : Con người do bảy yếu tố (thành phần) hội tụ lại, đó là: Tứ đại, khổ, vui và jīva (linh hồn hay sự sống), bảy yếu tố này có tứ đại là hữu hình, còn khổ, vui, sự sống là vô hình.

Bảy yếu tố này cũng có tính: Tự tụ, tự tan, không có một quyền năng nào có thể hủy diệt cũng như điều khiển, sai sử chúng.

Từ quan điểm này, ông Pakudha đi thêm một bước nữa là "không có cái chi gọi là nghiệp thiện hay nghiệp ác cả".

Ông cho rằng: "Khi một người với cây gươm bén, chẻ cái đầu làm hai cũng chẳng có chi gọi là ác nghiệp, chẳng qua cây gươm bén đi qua khoảng trống của bảy thành phần ấy thôi, chẳng có người giết cũng chẳng có người bị giết".

Ông Pakudha Kaccāyana chủ trương như vậy, nhưng nếu có người bảo ông đứng yên để y chém vào đầu ông, ông chắc gì chấp nhận nhỉ?

Người ta nói rằng: "Đệ tử Pakudha kaccāyana không tôn kính ông lắm, trái lại rất thành kính đối với Đức Phật".

Pakudha kaccāyana cùng môn đệ của ông thường tỏ ra tức giận khi bị thẩm vấn.

Tuy nhiên, ở vài nơi ông rất được dân chúng sùng mộ, là một tôn chủ có danh tiếng, có nhiều đồ chúng. Pakudha đôi khi cũng được xem là một Ājīvaka.

Ông không nói đến sự giác ngộ hoàn toàn, có lẽ do chủ trương "phi nghiệp" nên vấn đề giác ngộ, ông không dám đề cập đến.

5- Tôn chủ Sañjaya belaṭṭhaputta.

Vị ấy là con trai củaBelaṭṭha, có tên là Sañjaya, nên được gọi là Sañjaya belaṭṭhaputta.

Ông này theo thuyết "Bất khả tri" còn gọi là thuyết "hoài nghi". Ông chủ trương không trả lời trực tiếp vào các vấn đề trừu tượng.

Như có người hỏi: "Có kiếp sau không?", Sañjaya trả lời: “Nếu tôi tin có kiếp sau, tôi sẽ trả lời là có”, nhưng tôi chưa hề có ý nghĩ đó.

Tôi cũng chưa hề nghĩ là “không có kiếp sau”, cả đến ý nghĩ "có lẽ có" hay "có lẽ không có", tôi cũng không nghĩ đến.

Hoặc có người hỏi: "Có quả báo không?". "Có phải làm lành gặp lành, làm ác gặp ác không?".

Ông cũng trả lời tương tự rằng:

- Nếu tôi tin luật quả báo, tôi sẽ trả lời là có, nhưng tôi chưa hề có ý nghĩ đó, cũng chưa hề có ý nghĩ là “không có quả báo”. Ngay cả ý nghĩ "có lẽ có quả báo" hoặc "có lẽ không có quả báo", tôi cũng chưa nghĩ đến.

Nói chung, trước những vấn đề trừu tượng thì Sañjaya belatthaputta luôn luôn lẫn tránh, ông khuyên môn đệ hãy biết nhìn những gì ngay trong thực tại, còn những vấn đề siêu hình, trừu tượng, không thể biết chính xác (bất khả tri).

Ông lý luận rằng: "Vấn đề siêu hình biến hóa vô cùng, thoạt có, thoạt không, nó không có mẫu mực nhất định, nên không thể biết rõ một cách chính xác được.

Ngay cả con lươn hữu hình kia, nắm được nó rồi, nó còn trườn thoát ra, nói gì đến vấn đề vô hình chứ".

Sañjaya belatthiputta sở trường "không xác định rõ vấn đề" là có hay không, ông tạo ra cho người hỏi hoặc môn đệ “có sự hoài nghi” rằng: “có lẽ đúng, có lẽ sai” hoặc “có lẽ có, có lẽ không”, nên chủ thuyết của ông được gọi là "Hoài nghi thuyết".

Chính vì ví dụ "con lươn trườn uốn" nên chủ thuyết của Sañjaya belaṭṭhaputta còn được gọi là "chủ thuyết trườn uốn như con lươn".

Sañjaya đình chỉ sự phê phán đối với những câu hỏi, câu trả lời của ông luôn luôn để lại một nghi vấn cho vấn đề đang đề cập.

Có thể ông muốn gây cho môn đệ mình một ấn tượng để suy nghĩ, cũng có thể ông muốn đánh lạc hướng, tránh né sự tranh luận.

Câu trả lời "uốn lượn quanh co" của ông, khiến cho vấn đề được đặt ra bị buông bỏ, hoặc đi vào một "ngã rẽ" khác.

Ngài Buddhaghosa không cho chúng ta biết những nét đặc biệt về tiểu sử của Sañjaya Belatthaputta, ngoài sự kiện "ông là con của Belaṭṭha".

Kinh Tạng Saṅckrit gọi ông là Sañjayi Vairattiputta.

Trong Sớ giải kinh Pháp cú có ghi nhận, trước khi gặp được Giáo pháp này, vị thầy đầu tiên của Ngài Sāriputta (Xá-lợi-phất) và Ngài Moggallāna (Mục-kiền-liên), là tôn chủ Sañjaya belaṭṭhaputta sống gần thành Rājagaha (Vương xá).

Hai Ngài chứng quả Dự lưu khi nghe được kệ ngôn tóm gọn Tứ diệu đế của Ngài Assaji là:

Ye dhammā hetuppabhavā; tesaṃ hetuṃ Tathāgato.

Āha tesañ ca yo nirodho; evaṃ vādī mahā samano.

"Các pháp sinh lên do có nhân; nhân ấy đấng Như Lai chỉ rõ.

Ngài cũng chỉ rõ cách diệt nhân; đó là lời dạy của vị Đại Sa-môn."

Đức Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên có yêu cầu Sañjaya đến gặp Đức Thế` Tôn, nhưng Sañjaya từ chối.

Khi hai vị này bỏ Sañjaya tìm đến thọ giáo nơi Đức Phật ở Trúc Lâm Tinh xá (Veḷuvana vihāra) cùng 250 môn đệ tùy tùng, ông Sañjaya té xỉu, máu tươi trào ra khỏi miệng (1).

Du sĩ Suppiya(2) cũng là môn đệ của Sañjaya.

6- Tôn chủ Nigaṇṭha nāṭaputta.

Vị ấy được gọi là Nigaṇṭha vì cha mẹ của vị ấy theo giáo phái Nigaṇṭha, và vị ấy cũng gia nhập giáo phái này khi chưa xuất gia.

Tương truyền, vị sáng lập giáo phái Nigaṇṭha là đạo sư Pārsva vào thế kỷ thứ VIII tTl, người xứ Benares (Bāraṇasī).

Nigaṇṭha nghĩa là "không bị trói buộc", giáo phái này không mặc y phục nên còn gọi là "đạo lõa thể" ngày nay vẫn còn ở Ấn Độ.

Với y phục bằng không khí (lõa thể), tu sĩ Nigaṇṭha tuyên bố rằng:"Chúng ta không có ô nhiễm, không có sự ràng buộc của các ô nhiễm; chúng ta thoát khỏi những trói buộc của các ô nhiễm".

Được gọi là Nātaputta, vì là con trai của Nāta.

Nigaṇṭha nātaputta là vị Sơ tổ của đạo Jaina (Kỳ-na), đồng thời cũng là một trong sáu vị tôn chủ ngoại giáo đương thời với Đức Phật.

Sau thời Đức Phật, môn đệ của năm vị giáo chủ kia hoặc là từ bỏ phái cũ hoặc là sáp nhập vào đạoJaina.

Riêng Jaina vẫn chuyển mình song song phát triển cùng với Phật giáo và tồn tại đến ngày hôm nay.

Trước khi Phật giáo vươn mình đứng dậy, Bà-la-môn giáo cùng Kỳ-na giáo là hai tôn giáo mạnh nhất thời ấy.

Trong thời gian Phật giáo suy tàn ở Ấn Độ, Ấn giáo (Tân Bà-la-môn giáo) là chúa tế vùng Tây Ấn, còn đạo Jaina là bá chủ miền Đông Ấn, cả hai hệ thống giáo điển này cùng chia nhau "lãnh đạo tinh thần"dân Ấn.

Theo kinh điển đạo Jaina (Kỳ-na), người đương thời gọi Nigaṇṭha nātaputta là Vardhamana họ là Nāta hay (nāya) người xứ Vesāli, cha ông là Siddhattha thuộc dòng Sát-đế-lỵ (khattiya) của vương tộc Jnāta (sk là Jñata), mẹ là Trisālā.

Ông sinh ra tại một lâu đài của Vương tộc Jnāta, ở Bắc thị trấn Vesāli (Vệ-xá) (1).

Thầy Thích Mãn Giác, tác giả quyển "Lịch sử triết học Ấn -Độ ", có ghi nhận Nātaputta sinh vào năm 444 trước kỷ nguyên, mất vào năm 372 trước kỷ nguyên (tr. 141).

Có khả năng đây là sự nhầm lẫn do khâu in ấn, vì Nātaputta sinh trước Bồ-tát Siddhattha (Sĩđạtta); tuy niên đại của Bồ-tát Siddhattha chưa nhất quán.

Theo truyền thống Phật giáo thì Bồ-tát Siddhttha sinh vào năm 623 tTl, theo các nhà học giả thì Bồ-tát Siddhattha sinh vào năm 563 tTl(2), nhưng dù theo niên đại nào thì Nātaputta không thể sinh vào năm 444 tTl.

Theo nhà khảo cổ H.W. Schumann thì: Nātaputta sinh vào năm 557 tTl tại Kundagrāma (nay là Basukund) gần Vesāli, mất vào năm 485 tTl ở tuổi 72 tại Pāvā (nay làPāvapurī) (ông Schumann dùng năm sinh của Bồ-tát Siddhattha là 563 tTl)(3).

Nhưng cả hai cách ghi nhận này không thuyết phục lắm; vì Đức Phật được xem như "vị Tôn sư trẻ tuổi nhất so với 6 vị Tôn sư đương thời", mà Bồ-tát Siddhattha sinh vào năm 563 tTl.

Vào những năm đầu, khi được diện kiến Đức Thế Tôn, vị lãnh tụ xứ Kosala (Kiều-tất-la) là vua Pasenadi (Batưnặc).

Khi nghe Đức Thế Tôn xác nhận “Ngài chứng quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác”, đức vua đã có nhận định: So với sáu vị Tôn chủ đương thời thì “Tôn giả Gotama trẻ tuổi, sinh sau, đẻ muộn ….

Đức vua Pasenadi có liệt kê danh tự sáu vị Tôn chủ dị giáo đương thời, điều này chứng tỏ “Đức vua biết danh tiếng sáu vị Tôn chủ, riêng Đức Phật thì danh tiếng mới vừa nổi lên”.

Nhân đó, Đức Thế Tôn thuyết lên bài kinh Daharasuttaṃ - kinh Tuổi trẻ”, với nội dung “đừng khinh thường vị Sát-đế-lỵ trẻ, không nên khinh thường con rắn nhỏ, không nên khinh thường ngọn lửa nhỏ và không nên khinh thường vị Sa-môn trẻ”. Nghe xong, Đức vua Pasenadi xin quy ngưỡng Tam Bảo (1).

Lại nữa, theo kinh Tạng Pāli thì Nigantha nātaputta mất trước Đức Phật.

Nhưng theo nhà khảo cổ H.W. Schumann thì Mahāvira mất sau Đức Phật (xem ở trên).

Ngay khi Nigaṇṭha nātaputta mệnh chung ở Pāva, môn đệ của Nigaṇṭha Nātaputta chia thành hai phái, tranh luận đả kích nhau về giáo thuyết của họ, do không có hệ thống hóa giáo thuyết.

Đức Ānanda đã trình bạch điều này lên Đức Thế Tôn(2), để ngăn ngừa sự kiện này xảy ra sau khi Đức Phật viên tịch, Trưởng lão Sārīputta thành lập hệ thống pháp môn tinh yếu căn bản trong giáo lý của Đức Phật và bài kinh Phúng tụng ra đời (3).

Theo nhà khảo cổ H.W. Schumann, Nigaṇṭha nātaputta không theo phong tục "đa thê" của bản quốc Jnāta, ông chỉ có một vợ, đến năm 30 tuổi thì xuất gia theo phái Nigaṇṭha, nhưng ông tự vạch ra cho mình cách tu tập khổ hạnh riêng.

Khi trở thành giáo chủ, ông đổi tên là Mahāvira (Đại Hùng).

Sau 30 năm chuyên tu khổ hạnh, ông tuyên bố mình "đạt đến địa vị Jina".

Theo truyền thống Đạo Jaina, Mahāvira được tôn xưng là vị Cứu thế (sk –jirthamkara) thứ 24.

Theo gương cha mẹ, Mahāvira nhịn đói cho đến chết ở tuổi 72 tại xứ Pāvā, điều này cũng khác với kinh điển Pāli.

Theo kinh kinh điển Pāli, khi trưởng giả Upāli quy ngưỡng Đức Phật, đã quay ngược lại với Nigantha nātaputta, khiến Nigantha nātaputta tức tối đến nổi phải mửa máu tươi. Ông được đệ tử cáng về xứ Pāvā và chết ở đấy (4).

Khi Mahāvira nắm ngôi giáo chủ, ông đã cách tân giáo lý cổ điển và đổi thành đạo Jaina (Kỳ-na) hay Jina.

Chữ Jina nghĩa đen là "chiến thắng", nghĩa bóng là "bậc ẩn sĩ đạt đến chổ thù thắng".

Trong Sớ giải kinh Pháp cú cũng có ghi lại "chư Tỳ-khưu ghi nhận những du sĩ Nigaṇṭha tốt hơn các du sĩ lõa thể (acelaka), vì các đạo sĩ Nigaṇṭha có mảnh vải che thân.

Nhưng các du sĩ Nigaṇṭha lại giải thích "không phải vì họ sợ xấu hổ, mà vì trong đất có chúng sinh, họ sợ rơi vào vật thực của họ"(5).

Thật ra, trong phái Nigaṇṭha cũng chia thành hai nhóm: Nhóm bạch y và nhóm lõa thể.

Đương thời của Đức Phật là sự phát triển cực độ của "phong trào tự do tư tưởng", luôn luôn có sự đối lập giữa tông phái với tông phái, giữa các du sĩ với du sĩ, thậm chí còn đưa đến khẩu chiến.

Vùng Trung –Đông Ấn thời ấy thường có những Luận nghị đường để các du sĩ bàn luận, vấn đáp lẫn nhau…

"Ngồi xuống một bên, du sĩ Vacchagotta thưa với Thế Tôn: "Thưa Tôn giả Gotama, những ngày về trước, những ngày về trước nữa, rất nhiều Sa-môn, Bà-la-môn là du sĩ ngọi đạo ngồi tụ tập, tụ hội tại Luận nghị đường, và câu chuyện sau đây được khởi lên…"(1).

Và :


"Những ai muốn tranh luận. Sau khi vào hội chúng.

Chúng công kích (mithu) lẫn nhau. Chúng gọi nhau là ngu.

Chúng đi đến người khác. Và khởi lên tranh luận (thojjaṃ)

Chúng muốn được tán thán. Chúng gọi chúng thiện xảo.(2)

Trước những trận khẩu chiến ấy, Mahāvira thường phê bình "sự vật thế gian hiện ra với "muôn hình vạn trạng", nếu không xét đến nguyên lý tạo thành sự kiện, nếu chỉ luận về một khía cạnh, một trạng thái của sự kiện thì dù có biện luận suốt đời cũng không đi đến chân lý".

Nghĩa là Mahāvira cho rằng "không nên tìm hiểu hình thức của sự vật hãy tìm đến nguồn gốc của sự vật".

Ông thường nói "đừng lấy mắt mà hạn chế tầm suy luận, mắt chỉ thấy một điểm ở gần, ở một hướng; nhưng sự vật là vô số điểm, có những điểm ở xa tít, ở nhiều hướng khác nhau.

Ngay chính "mắt thấy một điểm" cũng bao gồm: thực thể, hình thức, trạng thái, công dụng, đồng thời chính điểm ấy cũng thay đổi thường xuyên "nay vầy mai khác".

Nhìn một điểm của sự vật rồi luận bàn sự vật đã là sai, nhìn một khía cạnh của điểm mà luận bàn cả sự vật lại càng sai lầm tệ hại.

Theo Mahāvira "sự vật chỉ là tương đối, không là tuyệt đối độc tôn", do đó, người ta cho rằng "đạo Kỳ-na chủ trương “thuyết tương đối” (anekantavāda) hay “thuyết bất định” (ayadvāda)”(3).

Một du sĩ Nigantha thường tuân thủ bốn sự chế ngự (catuttha saṃvara) là:

- Chế ngự đối với các loại nước (sabbavārivārito).

- Chế ngự đối với mọi ác pháp(sabbavāriyutto).

- Chế ngự (để) tẩy sạch tất cả ác pháp (sabbavāridhuto).

- Chế ngự với ý chí gìn giữ đối với tất cả ác pháp (sabbaphuto)(4).

Chính do bốn sự thu thúc này nên vị ấy được gọi là gatatta (vị đã đến mục đích), yatatta (vị đã điều phục được tâm), thitatta (vị đã an trú được tâm).

Bốn sự chế ngự này không được rõ ràng lắm, nhưng điều luật nổi tiếng của đạo Jaina là "không uống nước lạnh", vì họ cho " trong nước lạnh có sinh vật còn sống".

Ngoài bốn sự chế ngự này, Nigaṇṭha nātaputta còn chủ trương ahiṃsa (vô hại).

Nigaṇṭha không chủ trương về nghiệp mà chủ trương về tội (daṇḍa), trong đó thân tội (kāyadaṇḍa) là quan trọng nhất.

Một môn đệ của Nāṭaputta là Dīghatapassi đến gặp Đức Thế Tôn, sau những lời thăm hỏi thân hữu, Đức Thế Tôn có hỏi:

- "Này Tapassi, Nigantha nātaputta chủ trương có bao nhiêu nghiệp để tác thành ác nghiệp, diễn tiến ác nghiệp?".

- "Hiền giả Gotama! Nigantha nātaputta không chủ trương nghiệp, diễn tiến của nghiệp, Nigaṇṭha nātaputta chủ trương tội (daṇḍa), diễn tiến của tội".

"- Này Tapassi, Nigantha nāṭaputta chủ trương có bao nhiêu loại tội, để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp?".



"Này hiền giả Gotama, Nigantha nāṭaputta chủ trương có ba loại tội để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp, tức là thân tội, ngữ tội và ý tội".

Và chính Dīghatapassi ba lần xác nhận với Đức Thế Tôn "thân tội là tối trọng"(1).

Nāṭaputta tự xác nhận mình là Đấng Toàn tri, biết và thấy tất cả, ông nói:

"Dầu ta có đi, có đứng, có ngủ và có, tri kiến luôn tồn tại liên tục ở nơi ta".(2)

Nāṭaputta tỏ ra không do dự, khi tuyên bố những cảnh cảnh giới tái sinh của môn đệ sau khi người này chết(3).

Nhưng Sakuludāyi lại nói rằng: "Khi bị hỏi về câu hỏi quá khứ, thì ông Nātaputta trườn uốn từ vấn đề này sang vấn đề khác để rồi tỏ ra phẩn nộ, khó chịu và gạt bỏ câu hỏi" (4).

Lý thuyết của Nigantha là "phàm có cảm thọ lạc, khổ hay xả là do nhân các nghiệp quá khứ.

Nếu diệt nghiệp quá khứ bằng sự khổ hạnh đồng thời không tạo nghiệp mới, thì nghiệp chấm dứt, nghiệp chấm dứt dẫn đến thọ chấm dứt, thọ chấm dứt đồng nghĩa là "giải thoát khỏi luân hồi".

"Do không có diễn tiến đến tương lai, nghiệp được đoạn diệt.



"Do nghiệp đoạn diệt, khổ được đoạn diệt.

"Do khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt.

Do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ sẽ được diệt tận"(sđd).

Trong Trung bộ kinh, bài kinh Thiên tý (Devadahasuttaṃ), Đức Phật phân tích rõ về lý thuyết "khổ hạnh" này, và kết luận Nāṭaputta có 10 khuyết điểm trong lý thuyết "khổ hạnh" của mình.



1 -"Này các Tỳ-khưu, nếu các hữu tình do nhân các nghiệp quá khứ, lãnh thọ lạc khổ.

Này các Tỳ-khưu, các Nigantha thật sự đã làm những ác hạnh trong thời quá khứ, nên nay chúng phải lãnh thọ những cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ như vậy".

2- Này các Tỳ-khưu, nếu các hữu tình do nhân một vị Tạo hóa tạo ra, lãnh thọ những lạc khổ.



Này các Tỳ-khưu, các Nigantha thật sự được tạo ra bởi một vị Tạo hóa ác độc, vì rằng nay chúng thọ lãnh những cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ như vậy.

3- Này các Tỳ-khưu, nếu các hữu tình do nhân kết hợp các điều kiện (saṅgātibhāva) thọ lãnh lạc khổ.



Này các Tỳ-khưu, các Nigantha thật sự bị ác kết hợp , vì rằng nay chúng lãnh thọ những cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ như vậy.

4- Này các Tỳ-khưu, nếu các loài hữu tình do nhân sinh loại (abijāti), lãnh thọ lạc khổ.



Này các Tỳ-khưu, các Nigantha thật sự bị ác sinh loại, vì rằng nay chúng lãnh thọ những cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ như vậy.

5- Này các Tỳ-khưu, nếu các hữu tình do nhân tinh tấn hiện tại, thọ lãnh lạc khổ.



Này các Tỳ-khưu, các Nigandha thật sự đã tạo ác tinh tấn hiện tại, vì rằng nay chúng lãnh thọ những cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ như vậy (vì là tà tinh tấn, sự tinh tấn không có kết quả lợi ích – Ns).

6- Nếu các hữu tình không do nhân nghiệp quá khứ, thọ lãnh lạc khổ, các Nigantha đáng bị chỉ trích (vì nói sai pháp – Ns).

7- Nếu các loài hữu tình không do nhân được một vị Tạo hóa tạo ra, thọ lãnh lạc khổ, các Niganthā đáng bị chỉ trích.

8- Này các Tỳ-khưu, nếu các loài hữu tình không do nhân kết hợp với các điều kiện, thọ lãnh khổ lạc, các Nigantha đáng bị chỉ trích.

9- Này các Tỳ-khưu, nếu các loài hữu tình không do nhân sinh loại, lãnh thọ lạc khổ, các Nigantha đáng bị chỉ trích.

10- Này các Tỳ-khưu, nếu các hữu tình không do nhân tinh tấn hiện tại, thọ lãnh lạc khổ, các Niganthā đáng bị chỉ trích.

Tức là: Nếu khổ, lạc được lãnh thọ trong hiện tại do 5 nguyên nhân ở quá khứ trong chủ thuyết “khổ hạnh” của Nātaputta, thì Nātaputta đáng bị chỉ trích như đã nêu ở trên; nếu như không phải từ năm nguyên nhân này để thọ lãnh khổ lạc thì Nātaputta cũng bị chỉ trích vì “nói sai sự thật”.

Nātāputta có cuộc thảo luận với trưởng giả Citta (vị Thánh A-na-hàm, đệ tử của Đức Phật) ở Macchika Sanda.

Khi bắt đầu tranh luận, ông khen ngợi Ngài Citta, đưa Ngài làm gương cho đồ chúng của mình, đồng ý với Ngài Citta là: Trí tuệ thù thắng hơn đức tin.

Nhưng khi Ngài Citta xác định trí tuệ trong thiền chứng thì Nātaputta phẩn nộ, cho rằng trưởng giả Citta là kẻ hư ngụy.

Do đó, Trưởng giả Citta hỏi Nātaputta mười câu hỏi, Nātaputta im lặng cả mười câu, Ngài Citta bỏ ra về (1).

Nātaputta tự cho mình có thần thông, nhưng trong chú giải kinh Pháp Cú ghi nhận Nātaputta "không có thần thông".

Câu chuyện là: Một Trưởng giả ở Rājagaha có vớt được một khúc trầm, gọt đẽo thành cái bát treo trên cao, rồi tuyên bố: "Ai có thần thông hãy bay lên lấy bát".

Nātaputta cố gắng lấy bát bằng một mưu mẹo là: Giả vờ nhún mình bay lên lấy bát, một đệ tử ôm ông lại khuyên can rằng:

- Thưa Thầy! Thầy đừng vì một cái bát nhỏ nhoi này mà khoe pháp Thượng nhân.

Rồi Nātaputta giả vờ nghe lời khuyên, ông bảo vị Trưởng giả dâng bát "trầm hương" cho ông, nhưng vị Trưởng giả không mắc mưu (1).

Môn đệ của Nātaputta rất đông, trong đó có những người có danh tiếng như: Niṇka (chú của Bồ-tát Siddhatha)(2), Vappa dòng Thích Ca(3) (cậu của Bồ-tát Siddhattha), Đại tướng Sīha(4), vương tử Abhaya(5), trưởng giả Upāli(6)….

Nhưng mỗi khi những môn đệ của Nātaputta tìm đến vấn đạo nơi Đức Thế Tôn, hầu như đều trở thành đệ tử của Đức Thế Tôn (ngoại trừ Dighā Tapassī).

Tướng quân Sīha là đệ tử cũng là người hộ độ của Nigaṇṭha nātaputta, nghe tiếng đồn tốt đẹp về Đức Gotama, Sīha muốn đến yết kiến Đức Thế Tôn, Nātaputta ra sức ngăn cản Sīha đừng đi đến gặp Đức Phật.

Một lần nọ, tướng quân Sīha cùng nhóm Licchavī đi đến gặp Đức Phật, sau cuộc hỏi đạo, Sīha trở thành đệ tử Phật.

Ngày hôm sau, tướng quân Sīha tổ chức đại lễ trai tăng cúng dường đến Đức Phật và chư Tăng, Nigantha cùng môn đệ đã bêu rếu khắp kinh thành Vesāli rằng: "Sa-môn Gotama biết người khác sát sanh để làm vật thực dâng đến mình, nhưng vẫn thọ dụng vật thực ấy. Sa-môn Gotama khuyến khích sát sanh"(7).

Nghe được điều này, Đức Phật dạy về "tam tịnh nhục", đồng thời nhắc lại Bổn sự (Jātaka) Telovada(8) là: Trong quá khứ, tiền thân của Nātaputta cũng đã bêu xấu Ngài tương tự như hiện tại.

Trong câu chuyện Bāveru Jātaka(9), tiền thân của Nātaputta là con quạ bị mất danh tiếng do sự xuất hiện của con công (là tiền thân của Đức Phật).

Nhưng có lẽ một "quả đấm mạnh nhất", giáng xuống cho Nātaputta là "sự quay ngược của Trưởng giả Upāli".

Trưởng giả Upāli nghe cuộc đàm luận giữa Đức Phật với Dighā Tapassi; Đức Phật chủ trương nghiệp (kamma) và ý nghiệp là quan trọng nhất.

Trưởng giả Upāli xin Nātaputta cho mình đến luận chiến cùng Đức Phật, Dighā Tapassi khuyên Nātaputta đừng cho Trưởng giả Upāli đi vì Sa-môn Gotama có "huyền thuật", e rằng Upāli sẽ trở thành đệ tử của Đức Phật.

Nhưng Nātaputta vẫn cho Trưởng giả Upāli đi luận chiến cùng Đức Phật, vì ông tin tưởng Trưởng giả Upāli với biện tài sẽ chiến thắng Đức Phật.

Kết quả thì … đúng như dự đoán của Dighā Tapassi; trưởng giả Upāli trở thành đệ tử Đức Phật và không còn cung kính, tôn trọng Nātaputta như xưa.

Nghe du sĩ Dīgha Tapassi cho biết trưởng giả Upāli trở thành đệ tử Phật, Nātaputta không tin, tự mình đi đến trưởng giả Upāli để xác minh và ông đã tức tối mữa máu tươi khi sự thật là như thế.

Đệ tử phải cõng ông từ Balaka (nơi ông đang sống) đến Pāvā, ông từ trần ở đó(10).



Đức Phật và sáu vị tôn chủ.


tải về 1.3 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương