LỚP 6 Mở đầu: SƠ LƯỢc về MÔn lịch sử



tải về 1.11 Mb.
trang6/15
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích1.11 Mb.
#25385
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15

2. Tình hình văn hóa:

+ Tôn giáo:

Nho giáo vẫn được chính quyền PK đề cao trong học tập, thi cử và tuyển lựa quan lại. Phật giáo và Đạo giáo thời Lê sơ bị hạn chế, đến lúc này được phục hồi.

Nhân dân vẫn giữ được nếp sống văn hóa truyền thống, qua các lễ hội đã thắt chặt tình đoàn kết làng xóm và bồi dưỡng tinh thần yêu quê hương, đất nước.

Từ năm 1533, các giáo sĩ (Bồ Đào Nha) theo thuyền buôn đến nước ta truyền bá đạo Thiên Chúa. Sang thế kỉ XVII - XVIII, hoạt động của các giáo sĩ ngày càng tăng.

Hoạt động của đạo Thiên Chúa không hợp với cách cai trị của các chúa Trịnh - Nguyễn nên nhiều lần bị cấm, nhưng các giáo sĩ vẫn tìm cách để truyền đạo.

+ Sự ra đời của chữ Quốc ngữ:

Cho đến thế kỉ XVII, tiếng Việt đã phong phú và trong sáng. Một số giáo sĩ phương Tây, trong đó có giáo sĩ A-lếc-xăng đơ Rốt là người có đóng góp quan trọng, đã dùng chữ cái La-tinh để ghi âm tiếng Việt và sử dụng trong việc truyền đạo.

Đây là thứ chữ viết thuận lợi, khoa học, dễ phổ biến, lúc đầu chỉ dùng trong việc truyền đạo, sau lan rộng ra trong nhân dân và trở thành chữ Quốc ngữ của nước ta cho đến ngày nay.

+ Văn học và nghệ thuật dân gian:

Các thế kỉ XVI - XVII, tuy văn học chữ Hán chiếm ưu thế, nhưng văn học chữ Nôm cũng phát triển mạnh. Có truyện Nôm dài hơn 8.000 câu như bộ Thiên Nam ngữ lục. Nội dung truyện Nôm thường viết về hạnh phúc con người, tố cáo những bất công xã hội... Các nhà thơ Nôm nổi tiếng như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ...

Sang thế kỉ XVIII, văn học dân gian phát triển mạnh mẽ, bên cạnh truyện Nôm dài như Phan Trần, Nhị Độ Mai... còn có truyện Trạng Quỳnh, truyện Trạng Lợn...

Nghệ thuật dân gian như múa trên dây, múa đèn, ảo thuật, điêu khắc... nghệ thuật sân khấu chèo, tuồng, hát ả đào... được phục hồi và phát triển.

III. Trình bày về những cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài thế kỉ XVIII?

1. Nguyên nhân bùng nổ các cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài:

Từ giữa thế kỉ XVIII, chính quyền vua Lê - chúa Trịnh quanh năm hội hè, yến tiệc vung phí tiền của. Quan lại, binh lính ra sức đục khoét nhân dân.

Quan lại địa chủ ra sức cướp đoạt ruộng đất của nông dân, sản xuất nông nghiệp đình đốn, thiên tai, hạn hán xảy ra liên tiếp; công thương nghiệp sa sút, chợ phố điêu tàn. Vào những năm 40 của thế kỉ XVIII, hàng chục vạn nông dân chết đói, nhiều người phải bỏ làng đi phiêu tán.

2. Diễn biến của các cuộc khởi nghĩa:

Trong khoảng 30 năm của thế kỉ XVIII, khắp đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thanh - Nghệ đã nổ ra hàng loạt cuộc khởi nghĩa nông dân như: khởi nghĩa Nguyễn Dương Hưng (1737) ở Sơn Tây; Nguyễn Danh Phương (1740 - 1751) ở Sơn Tây, sau lan rộng ra Thái Nguyên và Tuyên Quang... Tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu (1741 - 1751) và Hoàng Công Chất (1739 - 1769).

Nguyễn Hữu Cầu còn gọi là quận He. Cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ Đồ Sơn (Hải Phòng), sau lan ra Kinh Bắc, uy hiếp Thăng Long rồi lan xuống Sơn Nam và Thanh Hóa - Nghệ An.

Khởi nghĩa Hoàng Công Chất bắt đầu ở Sơn Nam, sau chuyển lên Tây Bắc. Các dân tộc Tây Bắc hết lòng ủng hộ nghĩa quân. Hoàng Công Chất có công lớn trong việc bảo vệ vùng biên giới và giúp dân ổn định cuộc sống.

Các cuộc khởi nghĩa trước sau đều bị thất bại, nhiều thủ lĩnh bị bắt, bị xử tử, nhưng cũng đã góp phần làm cho cơ đồ họ Trịnh lung lay.

IV. Phong trào nông dân Tây Sơn.

1. Nguyên nhân bùng nổ cuộc khởi nghĩa Tây Sơn?

Từ giữa thế kỉ XVIII, chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong suy yếu dần. Ở triều đình, Trương Phúc Loan nắm hết mọi quyền hành, tự xưng “Quốc phó”, khét tiếng tham nhũng.

Ở các địa phương, quan lại, cường hào kết thành bè cánh, đàn áp, bóc lột nhân dân thậm tệ và đua nhau ăn chơi xa xỉ.

Nông dân bị chiếm ruộng đất và phải chịu nhiều thứ thuế, nỗi oán giận của các tầng lớp nhân dân ngày càng dâng cao.

Ba anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ căm thù sâu sắc chính quyền nhà Nguyễn, hiểu được nguyện vọng của nhân dân muốn lật đổ họ Nguyễn, đã huy động được đông đảo lực lượng nhân dân và một bộ phận trong tầng lớp thống trị tham gia nên cuộc khởi nghĩa nhanh chóng phát triển.

Mùa xuân năm 1771, ba anh em nhà Tây Sơn lên vùng Tây Sơn thượng đạo (An Khê - Gia Lai) lập căn cứ, dựng cờ khởi nghĩa. Được nhân dân ủng hộ, đặc biệt là đồng bào thiểu số, lực lượng ngày càng lớn mạnh, nghĩa quân đánh xuống Tây Sơn hạ đạo (Tây Sơn - Bình Định) rồi mở rộng xuống đồng bằng....



2. Trình bày những chiến công to lớn của phong trào Tây Sơn?

+ Tây Sơn lật đổ chính quyền họ Nguyễn:

Tháng 7 - 1772, quân Tây Sơn chiếm được phủ Quy Nhơn, địa bàn hoạt động của nghĩa quân mở rộng suốt từ Quảng Nam đến Bình Thuận.

Chúa Trịnh cử tướng Hoàng Ngũ Phúc chỉ huy 3 vạn quân tiến công chiếm Phú Xuân, chúa Nguyễn phải vượt biển vào Gia Định.

Quân Tây Sơn ở thế bất lợi: mạn Bắc có quân Trịnh, mạn Nam có quân Nguyễn. Trước tình hình đó, Nguyễn Nhạc tạm hòa hoãn với quân Trịnh để dồn sức đánh chúa Nguyễn.

Trong lần tiến quân năm 1777, Tây Sơn bắt giết được chúa Nguyễn, chỉ còn Nguyễn Ánh chạy thoát. Chính quyền họ Nguyễn đến đây bị lật đổ.

+ Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (1785) tiêu diệt quân Xiêm:

Nguyễn Ánh cầu cứu vua Xiêm, năm 1784, hơn 5 vạn quân thủy bộ Xiêm đã kéo vào đánh chiếm miền Tây Gia Định (các tỉnh miền Tây Nam Bộ) và gây nhiều tội ác đối với nhân dân.

Tháng 1 - 1785, Nguyễn Huệ kéo quân vào Gia Định và bố trí trận địa ở khúc sông Tiền, đoạn từ Rạch Gầm đến Xoài Mút (Châu Thành - Tiền Giang) để nhử quân địch. Quân Xiêm bị tấn công bất ngờ nên bị tiêu diệt gần hết, chỉ còn vài nghìn tên sống sót theo đường bộ chạy về nước. Nguyễn Ánh thoát chết, sang Xiêm lưu vong.

Đây là một trong những trận thủy chiến lớn nhất và lừng lẫy nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Chiến thắng quân xâm lược Xiêm đã đưa phong trào Tây Sơn phát triển lên một trình độ mới. Từ đây, phong trào Tây Sơn trở thành phong trào quật khởi của cả dân tộc.



+ Hạ thành Phú Xuân - tiến quân ra Bắc tiêu diệt họ Trịnh:

Tháng 6 - 1786, được sự giúp sức của Nguyễn Hữu Chỉnh, nghĩa quân Tây Sơn nhanh chóng hạ thành Phú Xuân rồi tiến ra Nam sông Gianh, giải phóng toàn bộ đất Đàng Trong.

Với khẩu hiệu “phù Lê diệt Trịnh”, Tây Sơn tiến quân ra Bắc. Giữa năm 1786, Nguyễn Huệ đánh Thăng Long, chúa Trịnh bị dân bắt đem nộp cho Tây Sơn. Chính quyền họ Trịnh sụp đổ. Nguyễn Huệ vào thành, giao chính quyền cho vua Lê rồi trở về Nam.

Việc Tây Sơn lật đổ chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong và chính quyền họ Trịnh ở Đàng Ngoài đã tạo ra những điều kiện cơ bản cho sự thống nhất đất nước. Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân cả nước.



+ Dẹp quân mưu phản, thu phục nhân sĩ Bắc Hà:

Sau khi quân Tây Sơn rút về Nam, tình hình Bắc Hà lại rối loạn, Lê Chiêu Thống không dẹp nổi nên mời Nguyễn Hữu Chỉnh ra giúp và đánh tan tàn dư họ Trịnh. Từ đó, Chỉnh lại lộng quyền và ra mặt chống Tây Sơn.

Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm ra Bắc trị tội Chỉnh. Vũ Văn Nhậm lại kiêu căng, có mưu đồ riêng. Giữa năm 1788, Nguyễn Huệ lại ra Bắc diệt Nhậm.

Các sĩ phu nổi tiếng Bắc Hà như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp... đã hết lòng giúp Nguyễn Huệ xây dựng chính quyền ở Bắc Hà.



+ Quang Trung đại phá quân Thanh:

Vì hèn nhát, lo sợ thế lực nhà Tây Sơn, Lê Chiêu Thống sai người sang cầu cứu nhà Thanh. Vua Càn Long nhà Thanh nhân cơ hội này thực hiện âm mưu xâm lược nước ta để mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam.

Cuối năm 1788, Tôn Sĩ Nghị chỉ huy 29 vạn quân, chia thành 4 đạo tiến vào nước ta.

Trước thế mạnh lúc đầu của giặc, Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm một mặt cho quân rút khỏi Thăng Long về xây dựng phòng tuyến ở Tam Điệp - Biện Sơn; một mặt cho người về Phú Xuân cấp báo với Nguyễn Huệ.

Tại Thăng Long, quân Thanh cùng bè lũ Lê Chiêu Thống ra sức cướp bóc, đốt nhà, giết người trả thù rất tàn bạo... khiến cho lòng căm thù của nhân dân ta đối với quân cướp nước và bè lũ bán nước đã lên đến cao độ.

Trước tình thế đó, Nguyễn Huệ đã lên ngôi Hoàng đế (1788), lấy niên hiệu là Quang Trung và lập tức tiến quân ra Bắc. Trên đường đi, đến Nghệ An và Thanh Hóa, Quang Trung đều tuyển thêm quân.

Từ Tam Điệp, Quang Trung chia quân làm năm đạo: đạo chủ lực do Quang Trung chỉ huy tiến thẳng về Thăng Long; đạo thứ hai và thứ ba đánh vào Tây Nam Thăng Long; đạo thứ tư tiến ra Hải Dương; đạo thứ năm tiến lên Lạng Giang chặn đường rút lui của giặc.

Đêm 30 Tết, quân ta vượt sông Gián Khẩu (sông Đáy), tiêu diệt toàn bộ quân địch ở đồn tiền tiêu. Mờ sáng ngày mồng 5 Tết, quân ta đánh đồn Ngọc Hồi, quân Thanh chống cự không nổi, bỏ chạy tán loạn. Cùng lúc đó đạo quân của Đô đốc Long đánh đồn Đống Đa, tướng giặc là Sầm Nghi Đống khiếp sợ, thắt cổ tự tử. Tôn Sĩ Nghị bàng hoàng cùng một số võ quan bỏ lại quân lính, vượt sông Nhị (sông Hồng) chạy trốn. Trưa mồng 5 Tết, Quang Trung cùng đoàn quân Tây Sơn chiến thắng kéo vào thành Thăng Long.



3. Nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của phong trào Tây Sơn?

+ Nguyên nhân thắng lợi:

Nhờ ý chí đấu tranh chống áp bức bóc lột, tinh thần yêu nước, đoàn kết và hi sinh cao cả của nhân dân ta.

Nhờ có sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Quang Trung và bộ chỉ huy nghĩa quân.

+ Ý nghĩa lịch sử:

Thắng lợi của phong trào Tây Sơn trong việc lật đổ chính quyền phong kiến thối nát Nguyễn - Trịnh - Lê đã xóa bỏ ranh giới chia cắt đất nước hàng trăm năm. Đặt nền tảng cho việc thống nhất quốc gia.

Thắng lợi của phong trào Tây Sơn trong việc chống quân xâm lược Xiêm và Thanh có ý nghĩa lịch sử to lớn: giải phóng đất nước, giữ vững nền độc lập của dân tộc, một lần nữa đập tan tham vọng xâm lược nước ta của các đế chế quân chủ phương Bắc.

V. Quang Trung và công cuộc kiến thiết đất nước.

1. Nêu những việc làm chính của Quang Trung trong việc phục hồi kinh tế, xây dựng văn hóa dân tộc?

Ngay sau khi giành được thắng lợi, vua Quang Trung đã bắt tay xây dựng chính quyền mới, đóng đô ở Phú Xuân.

Ra “Chiếu khuyến nông” để giải quyết tình trạng ruộng đất bị bỏ hoang và nạn lưu vong, nhờ đó sản xuất nông nghiệp được phục hồi và phát triển.

Bãi bỏ hoặc giảm nhẹ nhiều thứ thuế, nhờ đó nghề thủ công và buôn bán được phục hồi dần.

Ban bố “Chiếu lập học”, các huyện, xã được nhà nước khuyến khích mở trường học; dùng chữ Nôm làm chữ viết chính thức của nhà nước.

Tham khảo: Vua chú trọng đến việc dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm. Ngài cho dựng Sùng Chính viện tại Nghệ An và cử Nguyễn Thiếp làm viện trưởng lo việc chuyển ngữ.

Việc cải cách quan trọng nhất là đề cao chữ Nôm. Các sắc dụ của vua phần nhiều được viết bằng chữ Nôm. Khi đi thi, sĩ tử phải làm thơ phú bằng chữ Nôm. Nhờ thế văn thơ Nôm thời Tây Sơn rất được phát triển. Một số tác phẩm còn lưu truyền đến ngày nay như bài "Ai tư vãn" của Ngọc Hân công chúa, "Tụng Tây Hồ phú" của Nguyễn Huy Lượng, "Chiến tụng Tây Hồ phú", "Sơ kính tân trang", của Phạm Thái.



2. Trình bày chính sách quốc phòng và ngoại giao của Quang Trung?

Sau chiến thắng Đống Đa, nền an ninh và toàn vẹn lãnh thổ vẫn bị đe dọa: phía Bắc, Lê Duy Chỉ vẫn lén lút hoạt động ở biên giới; phía Nam, Nguyễn Ánh cầu viện Pháp và chiếm lại Gia Định.

Tiếp tục thi hành chính sách quân dịch. Tổ chức quân đội bao gồm bộ binh, thủy binh, tượng binh và kị binh; có chiến thuyền lớn chở được voi chiến hoặc 500 - 600 lính.

Thi hành chính sách ngoại giao với nhà Thanh: mềm dẻo nhưng kiên quyết bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Đối với Nguyễn Ánh, quyết định mở cuộc tiến công lớn để tiêu diệt. Kế hoạch đang tiến hành thì Quang Trung đột ngột từ trần (16 - 9 - 1792). Quang Toản lên kế nghiệp, nhưng kể từ đó nội bộ triều đình Phú Xuân suy yếu dần.


Chủ đề 8. VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỈ XIX
I. Chế độ phong kiến nhà Nguyễn:

1. Nhà Nguyễn đã tiến hành lập lại chế độ PK tập quyền như thế nào?

Khoảng giữa năm 1802, Nguyễn Ánh kéo quân ra Bắc rồi tiến thẳng về Thăng Long, Nguyễn Quang Toản chạy lên Bắc Giang thì bị bắt. Triều đại Tây Sơn chấm dứt.

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Gia Long, chọn Phú Xuân làm kinh đô, lập ra triều Nguyễn; năm 1806, lên ngôi Hoàng đế.

Nhà Nguyễn lập lại chế độ PK tập quyền: vua trực tiếp điều hành mọi việc từ trung ương đến địa phương; ban hành bộ Hoàng triều luật lệ (Luật Gia Long) năm 1815.

Các năm 1831 - 1832, nhà Nguyễn chia cả nước thành 30 tỉnh và 1 phủ trực thuộc (Thừa Thiên); quân đội bao gồm nhiều binh chủng, xây thành trì và thiết lập hệ thống trạm ngựa dọc theo chiều dài đất nước.

2. Kinh tế dưới triều Nguyễn:

+ Về nông nghiệp:

Chú ý việc khai hoang và thi hành các biện pháp di dân lập ấp và đồn điền; đặt lại chế độ quân điền...

Tuy một số huyện mới được thành lập (do lấn biển) như: Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình) và hàng trăm đồn điền được thành lập ở Nam Kì nhưng không mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân. Thời Tự Đức, đê Văn Giang (Hưng Yên) 18 năm liền bị vỡ.

+ Về công thương nghiệp:

Nhà nước lập nhiều xưởng đúc tiền, đúc súng, đóng tàu... Ngành khai thác mỏ được mở rộng, nhưng cách khai thác còn lạc hậu và hoạt động thất thường.

Các nghề thủ công vẫn phát triển nhưng phân tán, thợ thủ công phải nộp thuế sản phẩm nặng nề. Buôn bán trong nước có nhiều thuận lợi do đất nước đã thống nhất, xuất hiện thêm nhiều thị tứ mới.

Về ngoại thương, nói chung nhà nước hạn chế buôn bán với nước ngoài.



3. Trình bày nguyên nhân, những nét chính và ý nghĩa của các cuộc nổi dậy của nhân dân dưới triều Nguyễn?

+ Nguyên nhân:

Do đời sống các tầng lớp nhân dân ngày càng khổ cực vì địa chủ, hào lí chiếm đoạt ruộng đất, quan lại tham nhũng, tô thuế, lao dịch nặng nề. Nạn dịch bệnh, nạn đói hoành hoành khắp nơi.



+ Một số cuộc nổi dậy tiêu biểu:

- Khởi nghĩa Phan Bá Vành (1821 - 1827): Phan Bá Vành người làng Minh Giám (Thái Bình), ông kêu gọi nông dân trong vùng nổi dậy chống địa chủ, quan lại. Địa bàn hoạt động bao gồm các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Dương và Quảng Yên. Nhà Nguyễn phải tốn nhiều công sức mới dẹp nổi.

- Khởi nghĩa Nông Văn Vân (1833 - 1835): Nông Văn Vân là tù trưởng người dân tộc Tày, ông cùng một số tù trưởng tập hợp dân chúng nổi dậy. Địa bàn hoạt động của nghĩa quân lan rộng khắp núi rừng Việt Bắc và một số vùng ở trung du. Nhà Nguyễn phải ba lần đem đạo quân lớn mới dẹp nổi.

- Khởi nghĩa Lê Văn Khôi (1833 - 1835): Lê Văn Khôi vốn là thổ hào ở Cao Bằng, sau vào Nam. Năm 1833, ông khởi binh chiếm thành Phiên An (Gia Định). Năm 1835, ông qua đời vì bệnh, con trai lên thay lúc đó mới có 8 tuổi, cuộc khởi nghĩa bị đàn áp khốc liệt.

- Khởi nghĩa Cao Bá Quát (1854 - 1856): Cao Bá Quát người huyện Gia Lâm (Hà Nội), là nhà nho, nhà thơ lỗi lạc. Ông cùng một số bạn bè đã tập hợp nông dân và các dân tộc miền trung du nổi dậy. Đầu năm 1855, ông hi sinh trong một trận chiến đấu ở vùng Sơn Tây. Cuộc khởi nghĩa vẫn tiếp tục đến năm 1857 mới bị dập tắt.

+ Nhận xét:

- Các cuộc nổi dậy của nhân dân đầu thế kỉ XIX chống lại nhà Nguyễn thường có sự liên kết, phối hợp với nhau, không chỉ bó hẹp trong một địa phương mà lan rộng ra nhiều vùng lân cận. Có thể nói đây là cuộc đấu tranh của cả dân tộc Việt Nam chống lại vương triều Nguyễn.

- Các cuộc đấu tranh đã kế thừa truyền thống chống áp bức, cường quyền của dân tộc và góp phần củng cố khối đoàn kết thống nhất của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

II. Sự phát triển của văn hóa dân tộc thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX:

1. Văn học:

- Văn học dân gian ở thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX phát triển rực rỡ với nhiều hình thức phong phú: tục ngữ, ca dao, truyện thơ, tiếu lâm...Văn học viết bằng chữ Nôm phát triển đến đỉnh cao.

- Nội dung văn học dân gian và văn học viết bằng chữ Nôm phản ánh phong phú và sâu sắc cuộc sống xã hội đương thời cùng những tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của con người Việt Nam.

- Một số tác giả và tác phẩm nổi tiếng: Truyện Kiều của Nguyễn Du; Chinh phụ ngâm, cung oán ngâm khúc, thơ của Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu...



2. Nghệ thuật:

- Văn nghệ dân gian phát triển phong phú... Nghệ thuật sân khấu, tuồng chèo phổ biến... Tranh dân gian đậm đà bản sắc dân tộc, nổi tiếng nhất là dòng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh).

- Các công trình kiến trúc nổi tiếng: chùa Tây Phương (Hà Tây, nay thuộc Hà Nội); đình làng Đình Bảng (Bắc Ninh), lăng tẩm các vua Nguyễn ở Huế...

3. Giáo dục, thi cử:

- Thời Tây Sơn, Quang Trung ra “Chiếu lập học”, chấn chỉnh lại việc học tập, thi cử; đưa chữ Nôm vào học tập, thi cử.

- Thời nhà Nguyễn, nội dung học tập, thi cử không có gì thay đổi. Quốc tử giám được đặt ở Huế. Năm 1836, Minh Mạng cho lập “Tứ dịch quán” để dạy tiếng Pháp, tiếng Xiêm.

4. Sử học, Địa lí, Y học:

- Về Sử học, triều Tây Sơn có bộ “Đại Việt sử kí tiền biên”; triều Nguyễn có “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam liệt truyện”.

* Lê Quý Đôn (1726 - 1783): người làng Diên Hà (Thái Bình), nhà bác học lớn nhất của thế kỉ XVIII, tác phẩm nổi tiếng của ông là Đại Việt thông sử, Phủ biên tạp lục...

* Phan Huy Chú (1782 - 1840): người Quốc Oai (Hà Tây), tác giả bộ Lịch triều hiến chương loại chí.

- Về Y học có Lê Hữu Trác, biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông (1720 - 1791). Ông nghiên cứu các loại cây thuốc quý của Việt Nam, thu thập các bài thuốc gia truyền và kinh nghiệm chữa bệnh của nhân dân rồi viết thành sách.

5. Những thành tựu về kĩ thuật:

- Từ thế kỉ XVIII, một số kĩ thuật tiên tiến của phương Tây đã ảnh hưởng vào nước ta. Thợ thủ công Nguyễn Văn Tú (người Đàng Trong) đã học được nghề làm đồng hồ và kính thiên lí của Hà Lan.

- Thợ thủ công nhà nước (thời Nguyễn) chế tạo được máy xẻ gỗ chạy bằng sức nước và thử nghiệm thành công tàu thủy chạy bằng máy hơi nước.
LỚP 8

PHẦN LỊCH SỬ THẾ GIỚI
LỊCH SỬ THẾ GIỚI CẬN ĐẠI

(Từ giữa thế kỉ XVI đến năm 1917)
Chủ đề 1. CÁCH MẠNG TƯ SẢN VÀ SỰ XÁC LẬP CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN

(Từ giữa thế kỉ XVI đến nửa sau thế kỉ XIX)
I. Những cuộc cách mạng tư sản đầu tiên:

1. Trình bày những chuyển biến lớn về kinh tế, chính trị, xã hội ở Tây Âu trong các thế kỉ XV - XVII?

- Đến thế kỉ XV, yếu tố kinh tế TBCN ở Tây Âu đã phát triển khá mạnh, với nhiều công trường thủ công như dệt vải, luyện kim, nấu đường... có thuê mướn nhân công, biến Tây Âu thành những trung tâm sản xuất và buôn bán lớn (nền sản xuất mới TBCN đã ra đời trong lòng xã hội PK châu Âu).

- Trong xã hội, hai giai cấp mới được hình thành là tư sản và vô sản. Giai cấp tư sản có thế lực lớn về kinh tế, nhưng trên thực tế họ vẫn là giai cấp bị trị, bị chế độ PK kìm hãm, chèn ép. Vì vậy mâu thuẫn giữa tư sản và nhân dân nói chung với chế độ PK rất gay gắt.

Đây là nguyên nhân sâu xa làm bùng nổ các cuộc cách mạng tư sản.



2. Cách mạng Hà Lan thế kỉ XVI - cuộc cách mạng tư sản đầu tiên.

+ Nguyên nhân:

- Vào thế kỉ XVI, nền kinh tế TBCN ở Nê-đéc-len (vùng đất bao gồm Bỉ và Hà Lan ngày nay) phát triển mạnh nhất châu Âu, nhưng lại bị Vương quốc Tây Ban Nha thống trị (từ thế kỉ XII), ra sức ngăn cản sự phát triển này.

- Chính sách cai trị hà khắc của thực dân Tây Ban Nha ngày càng làm tăng thêm mâu thuẫn dân tộc.



+ Diễn biến:

- Nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân Nê-đéc-lan chống lại chính quyền thực dân phong kiến Tây Ban Nha đã diễn ra, đỉnh cao là năm 1566.

- Năm 1581, các tỉnh miền Bắc Nê-đéc-len đã thành lập “Các tỉnh liên hiệp” (sau là Cộng hòa Hà Lan).

- Năm 1648, chính quyền Tây Ban Nha công nhận nền độc lập của Hà Lan. Cuộc cách mạng kết thúc, Hà Lan được giải phóng.



+ Ý nghĩa:

- Cách mạng Hà Lan thế kỉ XVI là cuộc cách mạng tư sản đầu tiên trên thế giới, đã lật đổ ách thống trị của thực dân Tây Ban Nha, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.



3. Cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII.

+ Nguyên nhân:

- Đến thế kỉ XVII, nền kinh tế TBCN ở Anh đã phát triển mạnh với nhiều công trường thủ công như luyện kim, làm đồ sứ, dệt len dạ... Trong đó, Luân Đôn trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại và tài chính lớn nhất nước Anh.

- Ở nông thôn, nhiều quý tộc phong kiến đã chuyển sang kinh doanh theo con đường tư bản, bằng cách “rào đất cướp ruộng”, biến ruộng đất chiếm được thành những đồng cỏ, thuê nhân công nuôi cừu để lấy lông cung cấp cho thị trường. Họ trở thành tầng lớp quý tộc mới, còn nông dân mất đất thì trở nên nghèo khổ.

- Trong khi đó, chế độ PK tiếp tục kìm hãm giai cấp tư sản và quý tộc mới, ngăn cản họ phát triển theo con đường tư bản. Vì vậy, giai cấp tư sản và quý tộc mới đã liên minh lại với nhau nhằm lật đổ chế độ PK chuyên chế, xác lập quan hệ sản xuất TBCN.



+ Diễn biến: (chia làm hai giai đoạn)

- Giai đoạn 1 (1642 - 1648)

* Năm 1640, vua Sác-lơ I triệu tập Quốc hội Anh (gồm phần lớn là quý tộc mới) nhằm đặt ra thuế mới, thực hiện chính sách cai trị độc đoán của mình. Quốc hội được sự ủng hộ của nhân dân đã phản đối kịch liệt, Sác-lơ I liền chuẩn bị lực lượng chống lại Quốc hội.

* Năm 1642, nội chiến bùng nổ, bước đầu thắng lợi nghiêng về phía nhà vua. Nhưng từ khi Ô-li-vơ Crôm-oen lên làm chỉ huy quân đội Quốc hội, xây dựng quân đội có kỉ luật đã liên tiếp đánh bại quân đội của nhà vua. Sác-lơ I bị bắt.

- Giai đoạn 2 (1649 - 1688)

* Ngày 30 - 1 - 1649, Crôm-oen đưa vua Sác-lơ I ra xử tử. Nước Anh chuyển sang nền cộng hòa và cách mạng đạt tới đỉnh cao.

* Tuy nhiên, chỉ có giai cấp tư sản và quý tộc mới được hưởng quyền lợi, còn nhân dân không có gì. Vì vậy họ tiếp tục đấu tranh.

* Để đối phó với cuộc đấu tranh của nhân dân, quý tộc mới và tư sản lại thỏa hiệp với phong kiến, đưa Vin-hem Ô-ran-giơ (Quốc trưởng Hà Lan và là con rể của vua Giêm II) lên ngôi, thiết lập chế độ quân chủ lập hiến.

Cách mạng tư sản Anh kết thúc, đây là cuộc cách mạng không triệt để.

+ Ý nghĩa lịch sử của cuộc cách mạng:

- Cuộc cách mạng tư sản Anh do tầng lớp quý tộc mới liên minh với giai cấp tư sản lãnh đạo, được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ đã giành được thắng lợi, đưa nước Anh phát triển theo con đường TBCN.

- Tuy nhiên, đây là cuộc cách mạng không triệt để vì vẫn còn “ngôi vua”. Mặt khác, cách mạng chỉ đáp ứng được quyền lợi cho giai cấp tư sản và quý tộc mới, còn nhân dân không được hưởng chút quyền lợi gì.

4. Chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ.

+ Tình hình các thuộc địa. Nguyên nhân của chiến tranh.

- Sau khi Cô-lôm-bô tìm ra châu Mĩ, người Anh đến Bắc Mĩ ngày càng nhiều. Đến thế kỉ XVIII, họ đã thiết lập được 13 thuộc địa và tiến hành chính sách cai trị, bóc lột nhân dân ở đây.

- Giữa thế kỉ XVIII, nền kinh tế TBCN ở 13 thuộc địa phát triển mạnh, nhưng thực dân Anh tìm mọi cách ngăn cản, kìm hãm như tăng thuế, độc quyền buôn bán trong và ngoài nước... Vì vậy, mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Bắc Mĩ và giai cấp tư sản, chủ nô với thực dân Anh trở nên gay gắt.

- Dưới sự lãnh đạo của giai cấp tư sản, chủ nô, nhân dân Bắc Mĩ đã đứng lên đấu tranh để lật đổ ách thống trị của thực dân Anh, đồng thời mở đường cho CNTB phát triển.



Каталог: Data -> upload -> files
files -> CÔng ty cp cung ứng và xnk lao đỘng hàng khôNG
files -> Ubnd tỉnh hoà BÌnh sở KẾ hoạch và ĐẦu tư
files -> Ubnd tỉnh sơn la sở giáo dục và ĐÀo tạO
files -> Đề cương ôn tập Vật lý 12 LỜi nóI ĐẦU
files -> BỘ NÔng nghiệp và ptnt
files -> HƯỚng dẫn khai và chứng nhận Lý lịch của người xin vào Đảng (Mẫu 2-knđ), Lý lịch đảng viên (Mẫu 1-hsđV), Phiếu đảng viên (Mẫu 2 – hsđV) và Phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên
files -> HƯỚng dẫn sử DỤng tài liệU Ôn tập thi thpt quốc gia môN: tiếng anh
files -> Serial key đến năm 2038
files -> Tổng số các đề tài đã đăng ký: 19 I. Chuyên ngành Vật liệu Điện tử: 09 đề tài
files -> BỘ TÀi chính số: 55/2006/tt-btc

tải về 1.11 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương