Loạt bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ những ngày gần kỳ nghỉ lễ cuối tháng Tư năm nay về câu chuyện xung quanh 16 tấn vàng của Việt Nam Cộng hòa (vnch) trước ngày Sài Gòn thất thủ đã giải đáp nhiều nghi vấn về vấn đề này suốt 31 năm qua


Bàn về 'Chính danh' trong thể chế pháp trị



tải về 174.19 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích174.19 Kb.
#10496
1   2   3

Bàn về 'Chính danh' trong thể chế pháp trị
(Lê Công Định - BBC ngày 4/7/2006)

Không cần phải chờ đến kết quả “bầu cử” vào ngày 26 và 27 tháng 6/2006 vừa qua tại Quốc hội, ngay từ lúc bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X, ai cũng biết Ủy viên Bộ Chính trị nào sẽ đảm nhận những chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ.

Dư luận không hề ngạc nhiên khi biết các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng lần lượt được “tấn phong”vào những vị trí then chốt đó. Điều đáng tiếc là không một ứng cử viên nào khác xuất hiện để tranh cử và hòa thêm vào dàn đồng ca dân chủ tại diễn đàn nghị viện mặc dù đã có nhiều ý kiến đề nghị như vậy.

Trước khi Quốc hội bỏ phiếu chọn Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Phú Trọng thậm chí còn thừa nhận đã dành phần lớn thời gian trước đó cho công việc nghiên cứu lý luận và “chưa hiểu biết nhiều về công tác lập pháp và hoạt động nói chung của Quốc hội”, và để trấn an các đại biểu của dân, ông cam kết sẽ có “quyết tâm cao và phương pháp đúng” để làm tròn trọng trách của người đứng đầu cơ quan lập pháp tối cao.

Đối với hoạt động nghị viện dân chủ trên thế giới, điều này quả nhiên lạ lùng, bởi lẽ Chủ tịch Quốc hội là một chức vụ chính trị, rất nhiều người muốn “tranh dành”, các ứng viên phải vận động tranh cử và tìm cách chứng minh mình có nhiều kinh nghiệm nghị trường và, quan trọng hơn, có đủ khả năng điều hành một quốc hội đa thành phần đại diện nhiều lợi ích khác nhau trong xã hội. Họ không thể là người “khiêm tốn”, tự thừa nhận mình thiếu kinh nghiệm và không cần vận động gì cả, mà vẫn được … “bầu” với tỷ lệ đa số hầu như tuyệt đối.



Dân chúng choáng váng khi nghe các bộ trưởng biện minh cho yếu kém bằng cách viện dẫn các quyết định của Đảng.

Ở khía cạnh khác, trong những phiên họp chất vấn bộ trưởng trước diễn đàn Quốc hội vừa qua, dân chúng một phen choáng váng khi nghe các bộ trưởng, sau khi trả lời quanh co một số vấn đề mà đại biểu của dân cần được giải đáp thỏa đáng, đã biện minh cho sự yếu kém trong quá trình thực thi chức trách của mình bằng cách viện dẫn các quyết định của Đảng, thay vì nêu ra cơ sở pháp lý thuyết phục.

Rõ ràng họ, và không chỉ có họ, luôn cố tình quên rằng luật pháp và lợi ích dân tộc là điều duy nhất cần phải được thượng tôn. Thiếu vắng tinh thần thượng tôn luật pháp và mất đi sự tín nhiệm của cộng đồng dân tộc, thì dù có cầu viện đến bất kỳ khiêng mũ che chắn nào chăng nữa và dẫu có tại vị lâu đến đâu chăng nữa, người dân vẫn không tâm phục và nhìn nhận những chức phận kiểu như vậy.

Thể chế hiện hành

Cơ chế bầu cử nhiều tầng trước các kỳ đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó những đại biểu “ẩn danh” (tại Đại hội X con số này là 1.176) mặc nhiên “đại diện” quốc dân chọn ra các nguyên thủ quốc gia, là một thực tế lịch sử, dù muốn hay không, từ nhiều năm nay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền lãnh đạo đất nước.

Khoan bàn đến ưu điểm và nhược điểm của một cơ chế bầu cử như vậy. Trước hết hãy nhìn khía cạnh “chính danh” của quy trình lựa chọn các thành viên trong bộ máy lãnh đạo quốc gia hiện nay. Đối với một thể chế nhà nước pháp trị, sự “chính danh” gắn liền với tính hợp hiến, nghĩa là việc bầu cử nguyên thủ quốc gia để quốc dân “chọn mặt gửi vàng” phải được minh định trong Hiến pháp, chứ không từ bất kỳ văn kiện chính trị nào khác.

Theo Hiến pháp Việt Nam, Điều 84.7, Quốc hội - vốn do toàn dân bầu ra - có quyền “bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ”.



(Luật sư Lê Công Định và vợ là Hoa hậu Ngọc Khánh)

Trên thực tế, có thể nói thẳng, ai cũng biết Quốc hội chỉ “hợp thức hóa” kết quả lựa chọn tại các kỳ Đại hội Đảng. Đặc biệt gần đây, khi dư luận gây áp lực buộc Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đào Đình Bình từ chức, thậm chí còn đề nghị cách chức ông này, cựu Thủ tướng Phan Văn Khải đã “tiết lộ” rằng việc cách chức hoặc miễn nhiệm một bộ trưởng thuộc thẩm quyền của Ban Bí thư Trung ương Đảng, chứ không phải của Thủ tướng.



Ai cũng biết Quốc hội chỉ “hợp thức hóa” kết quả lựa chọn tại các kỳ Đại hội Đảng.

Tất nhiên, Hiến pháp hiện hành không cho phép Thủ tướng cách chức một bộ trưởng, nhưng cũng không trao thẩm quyền đó cho Ban Bí thư. Theo Điều 84.7 nêu trên, chỉ Quốc hội có quyền phê chuẩn việc cách chức bộ trưởng theo đề nghị của Thủ tướng. Như vậy, tuy thực quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức bộ trưởng thuộc về Ban Bí thư, song thẩm quyền này không “chính danh” vì không được hiến định.

Rộng hơn, không chỉ riêng việc bổ nhiệm, miễn nhiệm hay cách chức này, mà toàn bộ quy trình thông qua quyết định cũng như đề cử cán bộ cho hoạt động nhà nước trong và ngoài các kỳ Đại hội Đảng, cũng đều không chính danh như vậy.

Việc điều hành hệ thống quản lý nhà nước với cơ chế thông qua những quyết sách quan trọng và bầu chọn nguyên thủ quốc gia, mà trên thực tế do một đảng chính trị quyết định, dù là đảng cầm quyền, một lần nữa cho thấy Đảng, chứ không phải nhà nước, đang cai trị quốc gia. Thể chế chính trị như vậy, trong ngành chính trị học, được định danh là “đảng trị”, chứ không phải “pháp trị”.

Tiến đến thể chế pháp trị thực sự

Trong xu thế dân chủ hóa hoạt động của Đảng và xã hội sau Đại hội X, cần phải từ bỏ thể chế “đảng trị” nói trên để chuyển sang thể chế “pháp trị”, đặt đảng cầm quyền và mọi hoạt động của đảng này dưới sự giám sát minh bạch của luật pháp.

Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền duy nhất hiện nay tại Việt Nam. Vai trò lãnh đạo này đã được quy định trong Hiến pháp hiện hành. Tuy nhiên, toàn bộ hoạt động của Đảng, vốn ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước và vận mệnh dân tộc, lại không được luật pháp chi phối cụ thể và do vậy khiếm khuyết tính chất chính danh như đã nêu trên. Danh không chính thì ngôn không thuận.

Tuy không nói ra, nhưng rõ ràng rất nhiều người đã không tâm phục khẩu phục khi bị buộc phải mặc nhiên trao quyền “đại diện” cho 1.176 đại biểu tham gia Đại hội X - mà họ không được biết danh tính - thay mặt họ thông qua các quyết sách quan trọng, trong đó có việc lựa chọn nguyên thủ quốc gia. Hiến pháp không thể mặc nhiên bị các văn kiện của Đảng “qua mặt” và Quốc hội không thể bị những quyết định của Đảng đặt trước “việc đã rồi” trên thực tế.



Chuyện của một đảng cầm quyền không chỉ là chuyện riêng của đảng ấy, và chuyện của 83 triệu dân không chỉ là chuyện riêng của thiểu số 3 triệu người.

Đối với một nhà nước pháp trị, mọi hoạt động liên quan đến quốc gia đều phải minh bạch. Chuyện của một đảng cầm quyền không chỉ là chuyện riêng của đảng ấy, và chuyện của 83 triệu dân không chỉ là chuyện riêng của một nhóm thiểu số 3 triệu người, thậm chí 1.176 người.

Để củng cố vị trí lãnh đạo của mình trong hiện tại, thay vì phải cầu viện đến lập luận thiếu thuyết phục về sự “lựa chọn của lịch sử” trong quá khứ, cần phải chính danh hóa mọi hoạt động của Đảng Cộng sản bằng luật pháp, đồng thời trao cho người dân thực quyền thách thức năng lực của những ứng viên do Đảng giới thiệu, thậm chí đề cử những ứng viên ngoài Đảng tham gia hoạt động nghị trường và điều hành quốc gia.

Nói cách khác, phải chuyển từ thể chế đảng trị sang pháp trị để đạt được “ngôn thuận” trong nhân dân.

-------------------------------

Thế giới ảo và hiệu quả của chính phủ
(Lê Công Định - BBC ngày 5/2/2007)

Gia nhập WTO không chỉ có cơ hội mà còn đầy rẫy thách thức; phút hồ hởi ban đầu sẽ nhanh chóng qua đi, vần đề quan trọng bây giờ và cả sau này là chuẩn bị gì và như thế nào để đối phó với sự cạnh tranh khốc liệt trên một thị trường đã liên thông với hầu hết những thị trường tự do khác trên thế giới.

Để tiếp tục sống còn và phát triển, các doanh nghiệp trong nước phải tìm cách cung cấp sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng với giá thấp nhất và chất lượng tốt nhất. Nói cách khác, tính hiệu quả là một ưu tiên.



Giải pháp quản trị

Một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao tính hiệu quả của doanh nghiệp là cải tổ cách thức quản trị.

Giải pháp quản trị này có hai mặt, thứ nhất tự thân doanh nghiệp thay đổi và, thứ hai, chính phủ với tư cách là người hỗ trợ doanh nghiệp cũng phải thay đổi.

Sự hiệu quả của chính phủ ngay từ lúc này được đo lường bằng những luật lệ và chính sách tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp kinh doanh và tăng lợi nhuận.

Chuyện game online gặp khó khăn với các cơ quan quản lý ngành bưu chính - viễn thông đang là vấn đề thời sự trước, trong và sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO

Ngày nào vẫn còn lời than phiền của doanh nghiệp về những cản trở từ phía chính phủ, dù hợp pháp dưới danh nghĩa luật lệ hay chính sách, đối với hoạt động kinh doanh của họ, thì ngày đó chúng ta vẫn chưa có được một chính phủ hiệu quả.

Thử phân tích một trường hợp thực tế để thấy được sự kém hiệu quả của chính phủ ảnh hưởng như thế nào đối với các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Chuyện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến (game online) gặp khó khăn với các cơ quan quản lý ngành bưu chính - viễn thông đang là vấn đề thời sự trước, trong và sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO chính thức thứ 150.



Case study về Game online

Dịch vụ game online là một ngành kinh doanh mới đầy tiềm năng mà luật pháp Việt Nam chưa có nhiều quy định chi tiết mặc dù trên thực tế một số doanh nghiệp đã được cấp phép kinh doanh ngành này.

Một chính phủ hiệu quả sẽ thấy ngay đây là cơ hội để phát triển một ngành kinh doanh triển vọng mà giới doanh nhân có thể thu nhiều lợi nhuận và nhờ đó nộp thuế nhiều hơn cho ngân sách nhà nước, mà suy cho cùng chính chính phủ là người đầu tiên được hưởng lợi.

Luật lệ nếu được ban hành sẽ chỉ nhằm mục đích tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp yên tâm kiếm tiền và đóng thuế.

Vì thiếu khả năng tiên liệu sự phát triển nhanh chóng của game online và do vậy thiếu luật lệ về game online, nên ngày 1/6/2006 các Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Bưu chính - Viễn thông và Bộ Công An đã cùng ban hành Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA (Thông tư 60) với mục đích quản lý ngành kinh doanh này bằng các điều kiện chặt chẽ khác nhau.

Trong một nhà nước pháp trị có hệ thống luật pháp minh bạch được xây dựng trên những tiêu chuẩn mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đòi hỏi, cơ quan hành pháp không được tự tiện ấn định các quy tắc hạn chế hoặc tước đoạt quyền kinh doanh chính đáng của công dân mà Hiến pháp đã công nhận.





Tư duy luật

Lẽ ra do được ban hành sau khi các doanh nghiệp đã có giấy phép hoạt động hợp pháp từ trước, Thông tư 60 không đương nhiên ấn định những điều kiện phi lý có thể cản trở hoạt động kinh doanh đã hiện hữu, nói chi ngang nhiên đặt ra các chế tài buộc doanh nghiệp ngưng hoạt động nếu không đáp ứng các điều kiện “hậu sinh” ấy.

Một chính phủ hiệu quả sẽ vừa giải quyết những vấn đề xã hội có thể phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, vừa tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động kinh doanh của mình

Phân tích Thông tư 60 người ta dễ dàng thấy rõ “não trạng” của các cơ quan hành chính Việt Nam trong cách thức họ quản lý quốc gia.

Điều 5 của Thông tư 60 đặt ra các điều kiện để kinh doanh game online, trong số đó có “điều kiện kỹ thuật, nghiệp vụ”.

Điều 7 của Thông tư 60 liệt kê hàng loạt điều kiện kỹ thuật và nghiệp vụ, mà đáng kể nhất là “biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý giờ chơi cài tại các máy chủ”.

Ai cũng biết quản lý giờ chơi game là một giải pháp khắc phục những hậu quả có thể xảy ra về mặt xã hội đối với người chơi game mà chủ yếu là giới trẻ còn đang đi học.

Một chính phủ hiệu quả sẽ vừa giải quyết những vấn đề xã hội có thể phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, vừa tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động kinh doanh của mình.

Vấn đề não trạng

Có như vậy, quan chức của chính phủ đó mới xứng đáng được tiếp tục tại vị và nhận đồng lương và bổng lộc từ thuế mà các doanh nghiệp nộp.

Tuy nhiên, xem kỹ cách thức ràng buộc điều kiện này người dễ dàng nhận ra rằng các cơ quan hành chính đang muốn đá “quả bóng trách nhiệm” giải quyết những vấn đề xã hội cho doanh nghiệp, thay vì chính mình phải chu toàn trách nhiệm ấy.

Khi đặt ra biện pháp quản lý giờ chơi, lẽ ra các cơ quan chức năng phải là người hiểu hơn ai hết tính khả thi và khó khăn về kỹ thuật của những biện pháp đó khi ứng dụng trên thực tế, và lẽ ra chính cơ quan chức năng phải là nơi cung cấp các biện pháp kỹ thuật như vậy cho doanh nghiệp.

Chỉ khi nào họ không tuân thủ và áp dụng những biện pháp kỹ thuật đã được cung cấp sẵn thì mới xem đó là sự vi phạm cần phải trừng phạt.

Nếu thực tâm muốn giải quyết những vấn đề xã hội thì bản thân các cơ quan chức năng phải tìm được giải pháp khả thi và khôn ngoan trước khi ban hành luật, chứ không phải cứ nhắm mắt đưa ra những yêu cầu mà chính mình cũng không biết về mặt kỹ thuật liệu có thể đáp ứng được hay không.



Phân tích

Lẽ thường ở đời, hễ vô trách nhiệm thì cách hay nhất là đẩy trách nhiệm cho người khác, nên sẽ không ngạc nhiên nếu hết doanh nghiệp này đến doanh nghiệp kia bị tuyên bố là vi phạm để bị trừng phạt bằng cách buộc ngưng hoạt động kinh doanh.

Mặt khác, luật sai và bất khả thi thì phải ngưng áp dụng ngay lập tức để hủy bỏ hoặc sửa đổi vì đó là lỗi của các Bộ liên quan, chứ không phải lỗi của doanh nghiệp.

Không thể cứ nhắm mắt thi hành và, nói như ông Giám đốc Sở Bưu chính - Viễn thông TPHCM, “trước mắt vẫn phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, trừ khi có lệnh sửa đổi các quy định tại Thông tư 60”.

Nói như vậy là bất chấp những khó khăn thực tế mà doanh nghiệp phải đương đầu, là vô trách nhiệm đối với sự tồn vong của doanh nghiệp do sự bất khả thi của luật pháp.

Không thể biến sự kém hiệu quả của chính phủ thành lỗi của doanh nghiệp để rồi trừng phạt họ.

Càng ngẫm nghĩ càng thấy tội nghiệp cho các doanh nghiệp Việt Nam, vừa phải đối đầu với sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ trên thương trường, vừa phải đương đầu với sự kém hiệu quả của chính các quan chức chính phủ của mình.

So sánh

Khác với xứ ta, ở Singapore, chính phủ họ bày tỏ công khai sự khuyến khích tinh thần doanh nhân sẵn sàng gánh chịu rủi ro trong kinh doanh bằng cách long trọng cam kết tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển và in đậm những cam kết đó trên bức tường mặt tiền của tòa đô chính thành phố.

Trong khi Chính phủ Việt Nam đang cùng cả dân tộc ra biển lớn WTO, thì vẫn còn đâu đó dưới lòng biển thuộc vùng lãnh hải của Việt Nam những chiếc cọc mà các cơ quan hành chính và quan chức nhà nước cắm sẵn hoặc “quên” nhổ để sẵn sàng đâm thủng không thương tiếc tàu bè của doanh nghiệp Việt Nam hưởng ứng lời kêu gọi ra biển ấy.

Xem ra việc thay đổi cách suy nghĩ của các quan chức chúng ta trong việc điều hành một nền kinh tế thị trường chuyên nghiệp còn khó khăn hơn là tôn trọng các cam kết WTO.

-------------------------------

Nâng cao tính khả thi của luật pháp và chính sách
(Lê Công Định - Thời báo Kinh tế Sài gòn ngày 10/9/2008)

Cách thức ban hành luật pháp và hoạch định chính sách ở nước ta từ trước đến nay luôn gây nhiều tranh cãi, thậm chí gây phản ứng từ đối tượng mà luật và chính sách chi phối hoặc ảnh hưởng. Lẽ thường, luật lệ và chính sách trước tiên phải xuất phát từ nhu cầu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở từng thời kỳ, sau đó là cân nhắc khả năng thực thi chúng trong tương lai.



Ở đâu cũng vậy, sự thành công của Nhà nước được đo lường bằng những luật lệ và chính sách tạo điều kiện tối đa cho nhân dân yên ổn sinh sống và làm ăn.

Trên thực tế, yếu tố thứ nhất không hẳn đúng vì luật và chính sách hầu như chỉ “chạy” theo thực trạng xã hội để đối phó, nhưng có thể tạm chấp nhận vì dù sao cũng phản ánh được phần nào sự phát triển kinh tế - xã hội trong một giai đoạn cụ thể. Yếu tố thứ hai, đáng tiếc, ngày càng không còn, đơn giản là vì luật và chính sách thiếu dần tính khả thi, đa phần do những nguyên nhân sau đây.

Thứ nhất, việc soạn thảo luật và chính sách thiếu khoa học, không dựa trên sự khảo cứu thấu đáo và lắng nghe nghiêm túc ý kiến đóng góp từ giới chuyên môn.

Có thể thấy điều này ở các luật về thuế. Chẳng hạn, luật cần phải quy định một hệ thống thu thuế hợp lý và công bằng để người dân vui lòng nộp thuế và luôn cân nhắc giữa cái giá phải trả cho rủi ro từ việc trốn thuế với số tiền bỏ ra để nộp thuế.

Tất nhiên, trốn thuế sẽ bị trừng phạt, nhưng nếu người dân cảm thấy nộp thuế theo cách luật ấn định là bất hợp lý hoặc bất công, thì họ thà chọn rủi ro còn hơn phải nộp thuế vì không muốn mất tiền cho sự bất hợp lý. Ngày nào người dân, sau khi cân nhắc thiệt hơn, vẫn chọn giải pháp trốn thuế, thì Nhà nước cần phải xem xét lại cách làm luật của mình.

Một ví dụ khác, hầu hết các doanh nghiệp đều khốn khổ về chuyện “hóa đơn đỏ”. Những người phát minh ra “công cụ” ấy, tưởng rằng đó là cách kiểm soát chi tiêu hợp lý của doanh nghiệp và triệt tiêu khả năng giấu thu nhập khi khai nộp thuế của kẻ gian lận, nhưng lại tạo ra sự nhiêu khê cho bộ máy hành chính - thuế lẫn phiền hà cho người làm ăn ngay thẳng.

Thế nhưng, công cuộc chống gian lận thuế vẫn không đạt được kết quả như mong đợi, trái lại còn phát sinh thêm loại tội phạm mới là mua bán hóa đơn tài chính, trong khi tiền từ ngân sách dành cho công việc in hóa đơn, kiểm tra sử dụng hóa đơn lẫn chi phí xã hội của mọi thành phần kinh tế dành cho “phát minh” ấy có thể còn cao hơn cả tiền mà kẻ gian lận trốn thuế!

Các chuyên gia về thuế khắp thế giới cũng ngạc nhiên về cái gọi là “VAT Invoice” hay “Red Invoice” của Việt Nam mà không hiểu nổi cơ sở khoa học của nó ở đâu.

Thứ hai, hầu hết cơ quan chấp bút soạn thảo luật đều tập trung vào khía cạnh thủ tục thực hiện luật sao cho tiện lợi đối với cơ quan công quyền, hơn là tính đến quyền lợi hoặc những khó khăn của đối tượng mà luật áp dụng. Luật do vậy thường quy định nhiều thủ tục rườm rà cùng với những biện pháp chế tài khi người dân vi phạm hơn là giúp người dân dễ dàng áp dụng luật mà không vi phạm.

Có nhiều ví dụ như vậy trong luật lệ về kinh doanh. Chẳng hạn lĩnh vực xuất nhập khẩu, các loại giấy tờ và chứng thực mà hải quan yêu cầu luôn là nỗi ám ảnh đối với nhân viên phụ trách xuất nhập khẩu ở các doanh nghiệp. Thời gian và công sức của họ lẽ ra nên được khuyến khích tập trung vào những công việc làm ra nhiều lợi nhuận hơn để đóng thuế cho Nhà nước, chứ không phải để chạy theo quy trình phức tạp của nền hành chính nặng nề.

Thủ tục thành lập doanh nghiệp cũng vậy, nhà đầu tư bị hành hạ vì những chuyện không đáng, như giải trình nguồn vốn góp, tính khả thi của dự án và thậm chí cả tên gọi. Ai từng tranh cãi với cán bộ đăng ký kinh doanh về cách đặt tên công ty đều thấy rõ sự vô lý và cửa quyền của họ.

Luật chỉ nêu ra một số điều nên tránh khi đặt tên, nhưng họ lại “đẻ” thêm các quy tắc khác, như tên không được viết tắt vì trong tiếng Việt không có nghĩa(!), nếu viết tắt thì phải từ bốn chữ cái trở lên, giữa mỗi chữ phải có dấu chấm(!), tên tiếng Việt và tiếng nước ngoài phải hoàn toàn đồng nghĩa với nhau…

Điều bất ngờ là cơ quan đăng ký kinh doanh ở các nước xung quanh ta chẳng bao giờ quan tâm đến điều mà Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành của Việt Nam đòi hỏi. Bởi lẽ đối với họ, điều quan trọng là tinh thần doanh nghiệp cần được khuyến khích để gia tăng lợi tức cho quốc gia và người dân thông qua sự giảm thiểu các thủ tục hành chính.

Ở đâu cũng vậy, sự thành công của Nhà nước được đo lường bằng những luật lệ và chính sách tạo điều kiện tối đa cho nhân dân yên ổn sinh sống và làm ăn.

Thứ ba, đã xuất hiện một khuynh hướng đáng ngại từ nhiều năm nay trong hoạt động lập pháp và lập quy, đó là sự chi phối và ảnh hưởng của các nhóm lợi ích đối với việc ban hành luật pháp và chính sách của Nhà nước. Quyền lợi kinh tế của các nhóm lợi ích này.

Chẳng hạn, việc cấp phép hàng loạt các ngân hàng và công ty quản lý quỹ gần đây cho thấy chính sách tài chính - ngân hàng có thể đã bị sự tác động của các nhóm lợi ích.

Bởi, trong khi nền kinh tế cần tập trung nguồn lực để tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của người dân, tức phát triển khu vực sản xuất, thì lại chuyển hướng vào lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, tìm kiếm lợi nhuận qua những giao dịch “bong bóng”. Điều này tất nhiên không có lợi cho đất nước, nhưng lại là cơ hội của các nhóm lợi ích khác nhau.

Đặc tính cơ bản của luật pháp là vô tư và công bằng. Nếu chỉ thỏa mãn quyền lợi của một nhóm nhất định thì sẽ tạo ra bất công cho những thành phần khác trong xã hội. Luật pháp thiết lập nền tảng giải quyết vấn đề tương lai thông qua việc thỏa mãn hợp lý nhu cầu chung hiện tại.

Quản lý nhà nước mà không lưu tâm đến những yếu tố nêu trên, thì không những không thể tạo được sức bật cho nền kinh tế quốc gia trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, mà còn tự tạo ra nhiều khó khăn nội tại đối với sự ổn định và phát triển bình thường của đất nước.

-------------------------------

Chuẩn mực văn minh cần tôn trọng
(Lê Công Định - BBC ngày 9/3/2009)

Gần đây những cuộc đột nhập văn phòng luật sư để tịch thu tài liệu và máy tính hoặc khám xét hành lý của các luật sư tại phi trường ở Việt Nam đã dấy lên mối quan ngại về sự công khai xâm phạm bí mật nghề nghiệp luật sư, một trong những chuẩn mực văn minh mà bất kỳ nhà nước pháp quyền nào trên thế giới cũng tôn trọng.

Luật sư chỉ có thể làm tròn bổn phận đối với khách hàng, dù biện hộ hay tư vấn, khi khách hàng biết rõ và chắc chắn rằng mình có thể nói hoặc gửi gắm với luật sư mọi tình tiết của vụ việc liên hệ mà không lo ngại người thứ ba biết, vì luật sư tiết lộ hay thất thoát bởi lý do khác. Điều này gắn liền với khái niệm bí mật nghề nghiệp luật sư, vốn định hình và phát triển theo chiều hướng văn minh hóa của nhân loại, trên cơ sở mở rộng quyền tự do cá nhân và thu hẹp quyền lực nhà nước.

L

Luật sư Lê Công Định nói quyền giữ bí mật nghề nghiệp của luật sư phải được tôn trọng.

Ở những xã hội còn chưa văn minh, nhà chức trách thường nhân danh trật tự công cộng và đề cao ổn định xã hội để dành cho mình độc quyền tìm hiểu mọi sự việc diễn ra trong đời sống xã hội, gọi là "thực tế khách quan", qua đó can thiệp vào các tương quan dân sự và pháp lý, bất chấp tự do cá nhân của công dân có bị xâm phạm hay không.

Công cuộc tranh đấu cho tự do cá nhân trên toàn thế giới từ thế kỷ XVII đến XX đã đưa đến kết quả thu hẹp đáng kể quyền lực nhà nước, đồng thời xác lập nên những chuẩn mực văn minh, thành văn và bất thành văn, trong việc cai trị và quản lý xã hội, trong đó có sự công nhận quyền giữ bí mật nghề nghiệp luật sư.

Văn phòng luật sư, cũng như phòng mạch của bác sĩ, được ví như phòng xưng tội của nhà thờ, phải là nơi tuyệt đối an toàn, mọi bí mật phó thác cho luật sư phải được luật pháp bảo đảm để không bị tiết lộ dưới áp lực của bất kỳ uy lực nào. Nói cách khác, sự bất khả xâm phạm của văn phòng luật sư là nền tảng của quyền giữ bí mật nghề nghiệp luật sư mà nhà chức trách ở quốc gia văn minh nào cũng tuân thủ vô điều kiện.

Trong một số trường hợp giới hạn vì nhu cầu trật tự công cộng và nhằm phục vụ tiến trình điều tra một vụ án nhất định, nhà chức trách có thể khám xét văn phòng luật sư, nhưng phải luôn tôn trọng quyền giữ bí mật nghề nghiệp của luật sư. Hai vấn đề quan trọng sau đây cần lưu ý trong khi tiến hành khám xét:

Thứ nhất, thư từ trao đổi giữa luật sư và khách hàng hoặc giữa các luật sư với nhau tuyệt đối không thể bị tịch thu dù có thể liên quan đến vụ án. Đây là nguyên tắc không có ngoại lệ bất kể nhà chức trách muốn tìm hiểu "sự thật khách quan". Do vậy việc tịch thu máy tính hoặc phương tiện mà luật sư sử dụng để soạn thảo và lưu trữ thư từ và tài liệu khách hàng là hành vi không thể chấp nhận xét cả về phương diện pháp lý lẫn văn minh tối thiểu.

Thứ hai, nhà chức trách muốn tịch thu tài liệu như tang vật có trong văn phòng luật sư thì phải thông báo trước cho ban chủ nhiệm đoàn luật sư nơi văn phòng luật sư tọa lạc, để vị chủ nhiệm hoặc một thành viên ban chủ nhiệm khác được ủy nhiệm đến chứng kiến. Trong mọi trường hợp việc tịch thu tang vật phải được tiến hành với sự hiện diện của luật sư có văn phòng bị khám xét. Đột nhập văn phòng của luật sư khi vắng mặt họ là hành động phỉ báng công lý nghiêm trọng.

Ở các nước, thủ tục thu thập chứng cứ từ hồ sơ của văn phòng luật sư như nêu trên phải do công tố viên, chứ không phải cảnh sát, thực hiện. Thủ tục ấy diễn ra theo trình tự sau đây:

Văn phòng luật sư phải là nơi tuyệt đối an toàn, mọi bí mật phó thác cho luật sư phải được luật pháp bảo đảm để không bị tiết lộ dưới áp lực nào.

Công tố viên phải chứng minh khả năng có chứng cứ trong một hồ sơ cụ thể để chủ nhiệm đoàn luật sư xem xét và cân nhắc về sự cần thiết trao cho nhà chức trách tài liệu liên hệ. Chứng cứ đó phải liên quan trực tiếp đến một sự việc cụ thể và việc cung cấp dứt khoát không làm tiết lộ hồ sơ về vấn đề khác hoặc của khách hàng khác.

Chỉ khi nào phát hiện dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp khi luật sư cố tình che giấu chứng cứ, thì chủ nhiệm đoàn luật sư mới trao "chứng cứ" ấy cho công tố viên, nhưng phải niêm phong và lập thành biên bản chặt chẽ. Không ai có quyền tự ý lấy đi bất cứ hồ sơ nào từ văn phòng luật sư mà không tuân thủ trình tự nêu trên.

Ngày nay, những điều sơ đẳng đó đã được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới, kể cả ở chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước 1975, bởi lẽ luật sư cũng là một định chế, cùng với tòa án, công tố viện và cảnh sát, tạo nên trụ cột tư pháp của ngôi nhà quyền lực nhà nước. Nếu trụ cột này thiếu vắng các bộ phận vận hành đúng vai trò và thực chất, thì nhà nước pháp quyền chỉ là một viễn cảnh xa vời hoặc là mỹ từ để tuyên truyền mà thôi.

Tất nhiên, để đạt được sự công nhận các giá trị phổ quát ấy, nhân loại đã phải tranh giành từng milimet tự do từ tay các thể chế quân chủ và độc tài trong suốt lịch sử lắm gian nan nhưng đầy vinh quang của mình hàng trăm năm qua, để từng bước hình thành các chuẩn mực văn minh mà mọi thể chế dân chủ pháp quyền hiện tại đều luôn tôn trọng.

-------------------------------



Каталог: groups
groups -> Báo cáo tài chính, luồng tiền và các khoản thuế (Mức độ: Dễ, Dễ/Trung bình, Trung bình/Khó, và Khó) Phần I
groups -> Viettudan an ban/ Edition: unicode fonts Dau tranh cho Tu-do Ca-nhan & Nguyen-tac Dan-chu Xa-hoi tai Viet-Nam
groups -> Lời Tuyên Bố của các Công Dân Tự Do
groups -> PHẦn chuyển tiếp kính thưa quý vị và các bạn trẻ, giữa những ngưới Việt chúng ta, tôi nói
groups -> Ý Nga sưu tầm và cập nhật hóa ngày 21-4-2013, với nhạc của nhạc sĩ: TừYên, Hà Thúc Sinh vừa thêm vào
groups -> BÁo cáo môn: RÈn luyện nghiệp vụ SƯ phạM 3
groups -> Phản Bội hay Tự Do cho Việt Nam ?
groups -> Tin khoa hoc december 31, 2010 Những vụ phóng vệ tinh thất bại trong 2010 Trong năm 2010, một số quốc gia đã vấp phải các sự cố trong việc phóng vệ tinh vào không gian
groups -> Một Thời Bạn Học Revised 8/4/10 việt nam

tải về 174.19 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương