Lới giới thiệu Thế giới như tôi thấy


Chào mừng nhà văn George Bernard Shaw



tải về 469.89 Kb.
trang5/7
Chuyển đổi dữ liệu24.04.2018
Kích469.89 Kb.
#37084
1   2   3   4   5   6   7

Chào mừng nhà văn George Bernard Shaw

 George Bernard Shaw sinh năm 1856 ở Dublin (Ailen), mất năm 1950 ở London. Ông là nhà văn, kịch tác gia, nhà phê bình văn học lỗi lạc. Ông còn là nhà hoạt động chính trị thành công, người đấu tranh cho bình đẳng nam nữ và công bằng xã hội. Shaw được trao giải Nobel văn chương năm 1925. Ông nhận giải nhưng từ chối nhận tiền. Lời chào mừng dưới đây được Einstein đọc trong một lần đón tiếp Shaw mùa thu năm 1930 ở Anh.

Hiếm có những người đủ độc lập đến mức có thể nhìn ra những điểm yếu và sự lố bịch của người đương thời và đồng thời không để mình bị lụy vào đấy. Song ngay cả như vậy, khi chạm phải sự lì lợm của người đời, những kẻ cô đơn này thường sớm đánh mất lòng dũng cảm trong việc cứu giúp nhân loại. Chỉ rất ít người, bằng sự hài hước tinh tế và bằng vẻ lịch thiệp, có thể làm say mê người đương thời và xứng đáng là người cầm đuốc trên con đường bất vị lợi của nghệ thuật. Hôm nay, với tình cảm nồng nhiệt, tôi xin chào mừng người thầy lớn nhất trên con đường ấy - người đã dạy chúng ta và khiến tất cả chúng ta cảm thấy hạnh phúc.

Bài phát biểu nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của Arnold Berliner

 Hôm nay tôi muốn nói với ông bạn Arnold Berliner và độc giả tạp chí "Die Naturwissens-chaften" (Các khoa học tự nhiên) của ông về việc tại sao tôi lại đánh giá cao ông và sự nghiệp của ông. Cần phải làm điều đó ngay tại đây vì nếu không, người ta sẽ chẳng có dịp nào để nói ra một điều như vậy.

Chính nền giáo dục hướng tới tính khách quan của chúng ta đã làm cho tất cả những gì riêng tư trở nên một thứ "cấm kỵ", mà để chống lại điều đó, con người trần thế [chúng ta] chỉ cho phép mình được phạm tội vào những dịp hết sức đặc biệt, như dịp này chẳng hạn.

Sau hồi mào đầu cho thoải mái, bây giờ xin quay lại với tính khách quan! Nhờ sự mở rộng mạnh mẽ phạm vi của lĩnh vực những sự thật được tổng kết một cách khoa học mà nhận thức lý thuyết ở tất cả các lĩnh vực của các khoa học đã được đào sâu một cách bất ngờ. Nhưng năng lực thâu tóm [tri thức] của con người vẫn đang, và sẽ còn tiếp tục bị gắn vào những phạm vi hạn hẹp. Do vậy, có một điều đã không thể tránh khỏi là hoạt động của nhà nghiên cứu riêng lẻ phải thu về một nhánh ngày càng hẹp hơn của tòa nhà tri thức. Nhưng còn tệ hơn nữa: cùng với sự chuyên biệt hóa này, thậm chí sự hiểu biết chung đơn thuần về cái tổng thể của khoa học ngày càng khó theo kịp với sự phát triển đó, mà nếu thiếu sự hiểu biết chung ấy thì tinh thần nghiên cứu đích thực sẽ bị tê liệt một cách tất yếu. Sẽ xuất hiện một tình thế tương tự như tình thế được khắc họa một cách tượng trưng qua câu chuyện xây dựng tháp Babel trong Kinh Thánh. Mỗi nhà nghiên cứu nghiêm túc đều biết đến cái cảm nhận đau đớn về sự giới hạn miễn cưỡng vào một phạm vi hiểu biết ngày càng hẹp hơn; điều đó đe dọa cướp đi cái viễn tượng rộng lớn ở nhà nghiên cứu và làm anh ta suy thoái thành một gã trợ thủ đơn thuần.

Tất cả chúng ta đều chịu cảnh đau đớn đó, nhưng lại chẳng làm gì để xoa dịu nó. Song Arnold Berliner đã giải cứu cho khu vực Đức ngữ một cách mẫu mực. Ông nhận ra rằng, các tạp chí [khoa học] dành cho đại chúng như [số lượng] hiện có hẳn đã thừa đủ để dạy dỗ và kích thích đám độc giả không chuyên. Ông còn thấy rằng, nhất thiết cần phải có một cơ quan được điều hành một cách đặc biệt cẩn trọng và có hệ thống để phục vụ cho việc định hướng khoa học của các nhà nghiên cứu, những người muốn được chỉ dẫn về sự phát triển của những vấn đề, những phương pháp và những kết quả khoa học, để tự bản thân họ có thể đưa ra một đánh giá. Mục đích ấy đã được ông theo đuổi trong nhiều năm ròng lao động với sự hiểu biết lớn lao và với sự dẻo dai cũng lớn lao không kém. Ông đã làm một nghĩa cử cho tất cả chúng ta cũng như cho khoa học mà vì lẽ đó, chúng ta chẳng thể nào mang ơn ông cho đủ được.

Ông đã đặt ra yêu cầu là phải thu hút được sự cộng tác của các tác giả khoa học thành đạt, và thuyết phục họ trình bày chủ đề của mình bằng một hình thức sao cho những người không phải là chuyên gia cũng có thể tiếp cận được. Ông thường kể cho tôi nghe về những cuộc đấu tranh mà ông đã phải vượt qua trong nỗ lực ấy. Một lần, trước mặt tôi, ông đã khắc họa những khó khăn bằng một câu hỏi vui như sau: "Một tác giả khoa học là gì?" Trả lời: "Là sự giao nhau giữa một bông hoa mimôsa với một con bọ trích." Thành tựu của Berliner chỉ có thể có được là nhờ ở ông đã luôn đặc biệt sống động niềm khao khát vươn tới một sự tổng quan sáng sủa về một lĩnh vực rộng lớn đến mức tối đa. Chính quan niệm này đã dẫn ông tới việc miệt mài hết mình gắng sức để hoàn thành một cuốn sách giáo khoa về vật lý học, cuốn sách mà mới đây một sinh viên y khoa có nói với tôi: "Nếu không có cuốn sách đó thì em thật không biết phải làm thế nào để trong khoảng thời gian [ngắn], có thể nắm bắt được một cách rõ ràng về các nguyên tắc của vật lý học hiện nay."

Cuộc đấu tranh của Berliner cho sự sáng sủa và sự tổng quan đã đóng góp lớn lao biết bao để các vấn đề, các phương pháp và các kết quả của khoa học được trở nên sống động trong trí não của nhiều người. Trong đời sống khoa học của thời đại chúng ta, chẳng thể nghĩ rằng có thể thiếu được tờ tạp chí của ông nữa. Việc làm cho nhận thức ấy được sống động và giữ cho nó luôn sống động cũng quan trọng như việc giải quyết các vấn đề đơn lẻ vậy.

Josef popper-lynkeus

 Josef Popper-Lynkeus nguyên tên khai sinh là Josef Popper, sinh năm 1838 ở Kolin (Cộng hòa Sec), mất năm 1921 ở Wien (Áo). Ông là nhà văn, nhà lý luận chính trị xã hội, kỹ sư, nhà sáng chế. Bên cạnh những phát minh nổi tiếng trong các lĩnh vực chế tạo máy và hàng không, ông còn là tác giả của nhiều bài viết và tác phẩm xuất sắc trong các lĩnh vực văn học, chính trị và xã hội học.

Josef Popper-Lynkeus còn hơn cả một kỹ sư và một nhà văn đầy trí tuệ. Ông thuộc về số ít những nhân cách lớn, hiện thân cho lương tâm của thế hệ mình. Ông luôn nhắc nhở chúng ta rằng, xã hội phải chịu trách nhiệm về số phận của từng cá nhân, và ông đã chỉ ra cách làm thế nào để thực hiện trong thực tế nghĩa vụ được rút ra từ nhận định ấy của một cộng đồng.

Với ông, cộng đồng cũng như nhà nước không phải là một đối tượng để sùng bái; quyền được đòi hỏi các cá nhân phải hi sinh vì nó chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng nghĩa vụ của nó là: tạo điều kiện cho cá nhân, từng cá nhân đơn lẻ, được phát triển hài hòa.



H. A. Lorentz: Nhà bác học - nhân cách lớn

 Tiểu luận này được Einstein viết xong cuối tháng 2 năm 1953 để gửi đến Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của H. A. Lorentz (18.7.1853 - 18.7. 1953) ở Leiden, Hà Lan.Vào giai đoạn chuyển giao thế kỷ, H. A. Lorentz được các nhà vật lý lý thuyết của mọi quốc gia xem là lãnh tụ tinh thần, và điều đó hoàn toàn có cơ sở.

Các nhà vật lý thế hệ trẻ hơn thường không ý thức được đầy đủ về vai trò quyết định của H. A. Lorentz trong việc thiết lập những ý tưởng cơ sở cho vật lý lý thuyết.

Sở dĩ có sự lạ lùng này là vì những ý tưởng nền tảng của Lorentz đã trở thành máu thịt của họ, đến nỗi họ không còn khả năng ý thức trọn vẹn về sức nặng của các ý tưởng này cũng như sự đơn giản hóa trong nền tảng vật lý nhờ chúng mà có được.

Khi H. A. Lorentz bắt đầu sự nghiệp, thuyết Maxwell về điện từ đã được khẳng định. Song gắn liền với lý thuyết này là một sự phức tạp đáng lưu ý về nền tảng, khiến cho những đặc điểm chủ yếu của lý thuyết đã không được bộc lộ hoàn toàn rõ ràng. Khái niệm "trường" tuy đã thay thế được khái niệm "tác động từ xa", song điện trường và từ trường chưa được xem là các đại lượng cơ bản, mà chỉ là các trạng thái của vật chất có trọng lượng, được xét như các môi trường liên tục (continuum). Theo đó, điện trường được phân tách ra thành: vectơ của cường độ điện trường và vectơ của chuyển dịch điện môi. Trong trường hợp đơn giản nhất, hai trường này được kết nối với nhau bằng hằng số điện môi; song về nguyên tắc, chúng được nhìn nhận và xử lý như hai đại lượng độc lập. Với từ trường, tất cả cũng tương tự như vậy. Quan niệm cơ bản này tương ứng với việc người ta xử lý không gian rỗng như một trường hợp đặc biệt của vật chất có trọng lượng, mà trong đó quan hệ giữa cường độ [điện, từ] trường và dịch chuyển điện môi chỉ xuất hiện một cách đặc biệt đơn giản. Nhất là, từ quan niệm này nảy sinh một hệ quả: điện trường và từ trường không thể được xem xét độc lập với trạng thái chuyển động của vật chất (vật chất được coi là khung đỡ cho điện trường và từ trường).

Ta có thể hiểu rõ về quan điểm được xem là phổ biến thời đó trong điện động học Maxwell bằng cách tham khảo công trình nghiên cứu của Heinrich Hertz về điện động học của các vật chuyển động.

Và ở đây, Lorentz đã đưa ra lời giải đáp. Ông đã đặt cơ sở nghiên cứu của mình một cách chặt chẽ trên giả thuyết sau:

Nơi trụ của trường điện từ là không gian rỗng. Trong không gian rỗng chỉ có một vectơ điện trường và một vectơ từ trường. Trường này được sản sinh do các hạt tích điện dạng nguyên tử, và đồng thời trường tác động ngược lại vào các hạt tích điện đó theo cách phản điện (pondermotive). Một sự kết nối giữa trường điện động (electromotive) với vật chất có trọng lượng chỉ tồn tại khi các hạt tích điện cơ bản không tách rời với các phần tử dạng nguyên tử của vật chất. Định luật chuyển động của Newton có giá trị trong trường hợp sau.

Dựa trên nền tảng đã được đơn giản hóa này, Lorentz đã thiết lập một thuyết hoàn chỉnh về tất cả các hiện tượng điện từ đã biết đến khi đó, kể cả hiện tượng điện động của các vật chuyển động. Đó là một tác phẩm của sự mạch lạc, rõ ràng và đẹp đẽ đến mức hiếm khi có thể đạt được ở một ngành khoa học vốn đặt nền móng trên kinh nghiệm. Hiện tượng duy nhất mà thuyết này không giải thích được triệt để - nghĩa là không giải thích được nếu thiếu các giả thiết bổ sung - là thí nghiệm nổi tiếng Michelson-Morley. Thí nghiệm này đã dẫn đến thuyết tương đối hẹp, và điều đó là không thể tưởng tượng được nếu thiếu sự quy điểm trụ của điện từ trường vào không gian rỗng. Bước tiến cơ bản là việc đưa các phương trình của Maxwell trở lại xem xét trong chân không - hay là trong ether theo cách nói hồi đó.

H. A. Lorentz thậm chí đã tìm ra một phép biến đổi mang tên ông: "Phép biến đổi Lorentz" - tuy nhiên ông đã không để ý đến những tính chất nhóm của nó. Đối với ông, các phương trình Maxwell trong không gian rỗng chỉ đúng trong một hệ tọa độ nhất định, đứng yên đối với tất cả các hệ tọa độ khác. Đó hẳn là một quan niệm nghịch lý, bởi xem ra thuyết ấy còn hạn chế hệ quán tính hơn cả cơ học cổ điển. Tình hình ấy, xét từ quan điểm thực nghiệm thì không mấy phấn khởi, nhưng ắt hẳn đã dẫn tới thuyết tương đối hẹp.

Nhờ sự tiếp đón thân tình của Đại học Leiden, tôi thường có thời gian lưu lại nhiều ngày ở Leiden - nơi tôi thường tá túc tại nhà người bạn yêu mến không quên Paul Ehrenfest. Thời gian đó, tôi thường có cơ hội cùng tham dự các bài giảng của Lorentz, các bài giảng mà ông thường thực hiện đều đặn trước một cử tọa hẹp trong giới chuyên môn trẻ tuổi hơn, sau khi ông đã rút khỏi vị trí giảng dạy chính thức. Tất cả những gì đến từ khối óc siêu việt ấy đều sáng sủa và đẹp đẽ tựa như một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, và người ta có cảm tưởng rằng, tất cả đều đến một cách thoải mái và dễ dàng. Tôi chưa từng thấy điều tương tự ở bất kỳ ai khác.

Nếu chúng ta có thể truyền lại cho giới trẻ biết rằng H. A. Lorentz là một trí tuệ sáng ngời, thì chỉ với điều đó thôi, sự ngưỡng mộ và kính trọng của chúng ta đối với ông đã là độc nhất vô nhị. Còn riêng cá nhân tôi, điều tôi luôn cảm nhận mỗi khi nghĩ về H. A. Lorentz, điều mãi mãi không phai mờ trong tôi, là: ông có ảnh hưởng với tôi hơn tất cả những người mà tôi đã gặp trên đường đời.

Giống như cách ông làm chủ vật lý và hình thức toán học, ông cũng làm chủ bản thân mình dễ dàng và thoải mái như vậy. Sự thiếu vắng kỳ lạ về các điểm yếu của con người nơi ông không bao giờ khiến người khác cảm thấy nặng nề. Ai cũng cảm nhận được sự vượt trội của ông, song không ai thấy mặc cảm. Bởi vì, mặc dù ông hiểu thấu con người và các quan hệ giữa người với người, ông luôn dành thiện chí như nhau cho tất cả mọi người. Chưa bao giờ ông tỏ ra muốn chế ngự mà luôn luôn chỉ muốn phục vụ và giúp đỡ. Ông luôn tận tâm tận sức, và chưa bao giờ xem sự đền đáp công trạng là quan trọng. Nét hài hước tinh tế trong ánh mắt và trên nụ cười đã luôn bảo vệ ông trước điều đó. Nó cũng hợp với thực tế, là bên cạnh tất cả những cống hiến cho tri thức khoa học, ông còn thấu hiểu rằng, sự hiểu biết của chúng ta không thể nào thâm nhập sâu vào bản chất của sự vật. Thái độ nửa hoài nghi nửa hạ mình này, phải mãi tới khi có tuổi, tôi mới biết đánh giá hết.

Ngôn từ - hoặc ít nhất là ngôn từ của tôi - không thể nói hết được điều muốn nói trong bài tiểu luận ngắn này, dù tôi đã cố gắng một cách nghiêm cẩn. Vì vậy tôi muốn trích dẫn hai câu nói ngắn của Lorentz, những câu đã đặc biệt gây tác động đến tôi:

"Tôi thấy hạnh phúc được là công dân của một quốc gia nhỏ, nhỏ đến độ nó không thể gây ra những sự ngu xuẩn lớn."

Trong một cuộc trao đổi hồi Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, một quý ông đã cố gắng thuyết phục Lorentz rằng, số phận con người được quyết định bởi sức mạnh và bạo lực, ông trả lời: "Rất có thể là ngài có lý, nhưng tôi không muốn sống trong một thế giới như vậy".



Hoạt động của H.A.Lorentz trong công vụ hợp tác quốc tế

 Cùng với sự chuyên môn hóa cao độ trong nghiên cứu khoa học, một điểm đặc thù gắn với thế kỷ XIX, ngày càng hiếm có những cá nhân vừa giữ vai trò đầu tàu trong một ngành khoa học vừa còn đủ sức lực để đảm nhận những công vụ cao quý cho cộng đồng trong lĩnh vực tổ chức quốc tế và chính trị.

Để làm được điều đó, người ta không chỉ cần sức lực, tầm nhìn và uy tín do những thành tựu cá nhân mang lại, mà còn cần những phẩm chất khác nữa - những phẩm chất đang ngày càng trở nên hiếm hoi: tính độc lập trước các định kiến dân tộc và sự tận tâm cống hiến cho mục đích chung của nhân loại.

Tôi chưa từng biết ai hội tụ được các phẩm chất này một cách hoàn hảo như ở H. A. Lorentz. Song, điều kỳ diệu trong ảnh hưởng của nhân vật này lại ở chỗ: những nhân cách độc lập và đầy cá tính, như ta thường thấy ở các học giả, không thích khuất phục dưới ý chí của người khác và hầu như không muốn bị chỉ đạo; thế mà khi Lorentz ngồi vào ghế chủ tịch, ông luôn tạo dựng được một không khí cộng tác vui vẻ, cho dù những người ngồi đó có khác nhau về mục đích và cách nghĩ đến thế nào đi nữa. Bí mật của thành công này không chỉ nằm ở khả năng hiểu biết nhanh chóng về con người và sự vật, trong sự làm chủ ngôn từ xuất sắc, mà trước hết là ở chỗ: người ta có cảm nhận rằng Lorentz luôn hết lòng lo cho bổn phận, và trong công việc, ông cũng dành toàn tâm toàn ý để hoàn thành bổn phận ấy. Không gì có thể khiến những nhân cách ương bướng chịu khuất phục bằng những phẩm chất ấy.

Trước chiến tranh, hoạt động trong công vụ quốc tế của Lorentz giới hạn trong việc chủ trì các hội nghị vật lý, đặc biệt phải kể đến là các hội nghị Solvay (hai hội nghị đầu tiên diễn ra năm 1909 và 1911 ở Bruxelles). Rồi chiến tranh châu Âu bùng nổ. Có thể coi cuộc chiến này là một đòn đánh nặng đối với tất cả những ai nặng lòng với sự tiến bộ trong quan hệ giữa người với người nói chung. Ngay trong chiến tranh, và nhất là sau khi chiến tranh kết thúc, Lorentz đã đặt mình vào công cuộc hòa giải quốc tế. Những nỗ lực của ông có ý nghĩa đặc biệt trong việc tái thiết lập một sự hợp tác hữu hảo và phồn thịnh giữa các học giả và hiệp hội khoa học. Công việc này khó khăn thế nào, ai không ở trong cuộc không thể tưởng tượng được. Sự thù hận tích tụ trong cuộc chiến vẫn còn kéo dài, và nhiều người có thế lực, dưới sức ép của các mối quan hệ ngoại cảnh, vẫn tiếp tục co mình trong thái độ bất hòa giải. Có thể coi nỗ lực của Lorentz giống như nỗ lực của một thầy thuốc phải điều trị một bệnh nhân miễn cưỡng, kẻ không muốn uống thuốc đặc trị được chuẩn bị cẩn trọng cho mình.

Song Lorentz không để mình nhụt chí một khi ông nhận ra rằng con đường ông lựa chọn là đúng. Ngay sau chiến tranh, ông tham gia vào đoàn chủ tịch của "Conseil de recherche" - hội đồng nghiên cứu được thành lập bởi các học giả của các nước thắng trận, nhưng loại trừ các học giả và nhân sự của các "cường quốc trung tâm" . Sau bước đi này, bước đi khiến ông bị mất lòng bởi các học giả của các "cường quốc trung tâm", ông đã theo đuổi mục đích: gây ảnh hưởng đến Hội đồng để nó được mở rộng thành một tổ chức quốc tế thực sự. Ông cùng những người có thiện chí như ông đã thành công sau nhiều nỗ lực loại bỏ các "điều khoản loại trừ" bất hợp lý trong Điều lệ của "Hội đồng". Có điều mục đích tái thiết lập sự cộng tác bình thường và hiệu quả giữa các hội học giả thì vẫn chưa đạt được, bởi sau gần mười năm giận dữ vì không được tham gia vào các hội nghị khoa học quốc tế, các học giả của các "cường quốc trung tâm" đã quen với thái độ bất cộng tác. Dù vậy, chúng ta vẫn có một hy vọng đầy cơ sở, là qua các nỗ lực khéo léo, tận tình vì mục đích chung của Lorentz, lớp băng đó sẽ sớm tan trong thời gian tới.

H. A. Lorentz còn cống hiến sức lực của mình cho các mục tiêu học thuật quốc tế bằng cách tán thành bầu chọn một "Hội đồng cộng tác học thuật quốc tế", trực thuộc Hội Quốc Liên. Hội đồng này đã ra đời cách đây 5 năm dưới sự chủ trì của Bergson. Từ một năm nay, H. A. Lorentz trở thành chủ tịch của Hội đồng này. Với sự ủng hộ thiết thực của Phân viện Paris, Hội đồng này đảm nhận công việc kết nối trong các lĩnh vực hoạt động trí thức và nghệ thuật của các khu vực văn hóa khác nhau. Và tại đây, ảnh hưởng tốt đẹp của nhân cách thông minh, gần gũi và linh hoạt Lorentz cũng sẽ dẫn dắt Hội đồng đi đúng hướng. Tôn chỉ hoạt động của Hội đồng này, dù không nói ra, nhưng luôn được tuân thủ, là:

"Không cai trị, hãy phục vụ."

Hy vọng tấm gương sáng của Lorentz sẽ giúp tinh thần này được thâm nhập rộng rãi!

Các khóa đào tạo ở Davos

 Mùa thu năm 1927, Giáo sư Gottfried Salomon đưa ra kế hoạch tổ chức hàng năm một hội nghị quốc tế dành cho các học giả và học viên tại Davos (Thụy Sĩ), nhằm đóng góp thiết thực cho sự hòa hợp giữa các dân tộc. Hội nghị đầu tiên diễn ra từ 18.3. đến 14.4.1928, quy tụ 49 diễn giả từ bốn nước và 250 thính giả.

Hội nghị thứ hai và thứ ba vào các năm 1929 và 1930 diễn ra dưới sự chủ trì của Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ. Nhưng sau đó, dưới áp lực của các xu hướng dân tộc cực đoan, các hội nghị tiếp theo đã không được tổ chức. Bài phát biểu của Einstein dưới đây được tác giả đọc tại Lễ khai mạc Hội nghị, ngày 18.3.1928 tại Davos.

Senators boni viri, senatus autem bestia.  Một người bạn của tôi vốn là một giáo sư ở Thụy Sĩ đã viết những lời nóng nảy như vậy gửi tới một khoa của trường đại học (khoa này đã chọc giận ông ta). Nói chung, tập thể thường kém hơn cá nhân về ý thức tránh nhiệm cũng như lương tri. Thực tế đó đã gây cho nhân loại biết bao khổ đau: chiến tranh và đàn áp dưới mọi hình thức đã khiến Trái Đất chìm ngập trong đau đớn, khóc than và oán hận!

Song, chỉ nhờ vào sự tác động tập thể không mang tính cá nhân của rất nhiều người, một cái gì đó thực sự chân quý mới có thể được tạo dựng. Vì thế, niềm vui lớn nhất với kẻ yêu mến con người  là được thấy một công cuộc tập thể được thành hình và gây dựng với bao hy sinh lớn lao với mục đích duy nhất là góp phần thúc đẩy đời sống và văn hóa.

Tôi đã được hưởng niềm vui trong lành đó khi nghe kể về các khóa đào tạo đại học ở Davos. Đó là một công trình cứu trợ được tổ chức thông minh với những hạn định sáng suốt dựa trên một nhu cầu cấp thiết, dù không phải ai cũng dễ nhận ra điều đó. Lâu nay, có những người trẻ tuổi tìm đến thung lũng này vì hy vọng vào khả năng chữa bệnh của mặt trời vùng núi, và sức khỏe của họ được phục hồi. Nhưng sau thời gian dài thoát ly khỏi lao động trui rèn ý chí thường nhật và mải mê bận tâm về thể trạng, thì sự dẻo dai về tinh thần và ý thức về việc cuộc đấu tranh vì cuộc sống cũng có giá trị không thua kém sức khỏe thể chất cũng dễ mất đi. Anh ta trở nên giống như cái cây trong nhà kính, sau thời hồi phục sức khỏe thể chất, khó có thể tìm về cuộc sống bình thường. Điều này đặc biệt đúng với các sinh viên trẻ. Việc gián đoạn trong hoạt động rèn luyện trí tuệ ở những năm then chốt dễ để lại một lỗ hổng mà sau này khó có thể lấp đầy được nữa.

Công việc trí tuệ, khi được thực hành điều độ, sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung, thậm chí còn gián tiếp có tác dụng tốt, tương tự như công việc cơ bắp điều độ vậy. Theo nhận thức ấy, các khóa đào tạo được thành lập ở Davos không chỉ chú trọng đến đào tạo nghiệp vụ, mà còn có mục đích kích thích hoạt động tinh thần. Vâng, nó có nhiệm vụ cung ứng lao động, đào tạo và cả vệ sinh nữa trong lĩnh vực tinh thần.

Và chúng ta đừng quên rằng, công cuộc này đã đóng góp xuất sắc vào việc khuyến khích quan hệ giữa các dân tộc khác nhau có lợi trong việc tăng cường ý thức cộng đồng của châu Âu. Tác dụng của định chế mới theo hướng ấy ắt sẽ còn thuận lợi hơn nữa khi ngay từ đầu, nó đã tỏ ra loại trừ mọi ý đồ chính trị. Người ta đóng góp được nhiều nhất cho sự hòa hợp quốc tế khi họ cùng làm việc vì một công trình chung.

Từ tất cả những điểm trên, tôi vui mừng thấy rằng năng lực cũng như trí tuệ của Tổ chức các khóa đào tạo tại Davos đã làm được nhiều việc, đã vượt qua được những khó khăn ban đầu. Mong rằng nó sẽ phát triển, mang lại sự phong phú tâm hồn cho thật nhiều con người đáng quý và giải thoát cho không ít người ra khỏi cảnh phải sống trong viện điều dưỡng!

Thầy và trò

 Bài phát biểu trước các em học sinh dưới đây được Einstein công bố chính thức trong lần xuất bản đầu tiên của cuốn "Mein Weltbild", Amsterdam, 1934.Nghệ thuật quan trọng nhất của người thầy là đánh thức niềm vui trong lao động và trong nhận thức.

Các em học sinh thân mến!

Tôi vui mừng được thấy các em tụ hội về đây ngày hôm nay, tuổi trẻ vui tươi của một đất nước đầy nắng ấm và an lành.

Hãy nghĩ rằng những điều tuyệt diệu mà các em được làm quen ở trường là thành quả của nhiều thế hệ, được tạo dựng nhờ khát vọng hăng say với nhiều nỗ lực từ mọi nơi trên thế giới. Tất cả được trao vào tay các em như phần gia tài thừa kế, để các em đón nhận, trân trọng, tiếp tục trau dồi và một ngày kia, trung thành trao lại vào tay con cháu các em. Bằng cách đó, những con người trần thế chúng ta sẽ trở thành bất tử trong những thành quả để lại, những thành quả mà chúng ta cùng nhau tạo dựng.

Nếu các em luôn nghĩ tới điều đó, các em sẽ tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và trong nỗ lực của mình. Các em cũng sẽ tìm được thái độ ứng xử đúng đắn với các dân tộc và các thời đại khác.



Gửi các em học sinh Nhật Bản

 Sau chuyến thăm Trung Quốc, Einstein tới thành phố Kobe của Nhật Bản lần đầu vào ngày 20.11.1922. Trước khi rời đất nước mặt trời vào tháng 1 năm 1923, Einstein đã có cuộc trao đổi ngắn với Hoàng hậu Nhật bằng tiếng Pháp. Lời chúc mừng gửi các em học sinh Nhật Bản dưới đây được Einstein viết sau khi ông quay về Đức.

Khi tôi gửi tới các em - những học sinh Nhật Bản - lời chào này, là tôi có quyền đặc biệt để làm thế đấy nhé. Bởi đích thân tôi đã tới thăm đất nước Nhật Bản xinh đẹp của các em; tôi đã nhìn thấy những thành phố, những ngôi nhà, những ngọn núi và những cánh rừng; đã thấy ở đó những cô bé, cậu bé Nhật Bản nuôi dưỡng tình yêu quê hương mình. Trên bàn làm việc của tôi luôn đặt một cuốn sách lớn đầy những họa phẩm màu của trẻ em Nhật Bản.

Khi các em ở nơi xa xôi ấy đón nhận lời chào của tôi, các em hãy nghĩ rằng, phải ở thời đại chúng ta, con người từ nhiều quốc gia khác nhau mới có thể tiếp xúc với nhau một cách vui vẻ và hiểu biết, trong khi trước đây các dân tộc ở đâu sống đó, không hiểu biết, thậm chí sợ hãi hoặc thù ghét lẫn nhau. Mong rằng tình huynh đệ hiểu biết giữa các dân tộc ngày càng được bám rễ bền chặt! Trong tinh thần ấy, ông già này xin gửi lời chào tới các em - những học sinh Nhật Bản ở nơi xa xôi, và hy vọng một ngày kia thế hệ các em sẽ khiến thế hệ chúng tôi phải hổ thẹn.



Giáo dục và nhà giáo

 Một cô gái gửi thư đến cho Einstein, kèm theo tập bản thảo dày kể về những bức bối của cô ta trong trường đại học và nhờ Einstein góp ý. Đây là thư trả lời của Einstein:

Quý cô thân mến!

Tôi đã đọc tập bản thảo gần 16 trang của cô và phải cười thầm. Tất cả đều thể hiện sự thông minh, óc quan sát, sự thật thà, và ở chừng mực nào đó - khá độc lập, song vẫn rất đặc thù phụ nữ, nghĩa là phụ thuộc và đầy bức bối. Tôi cũng từng bị các thầy giáo đối xử tương tự, những người không thích tôi vì tính độc lập của tôi; và khi xét tuyển người trợ giảng, họ đã phớt lờ tôi (dĩ nhiên khi là sinh viên, tôi cũng thuộc loại bừa bãi hơn cô đấy, tôi phải nói thật). Song tôi chẳng nhọc sức kể lể về những trải nghiệm thời đi học của mình, tôi lại càng không muốn chịu trách nhiệm về việc đưa nó cho ai đó in ấn hoặc thậm chí đọc nó. Hơn nữa, người ta luôn tạo hình ảnh xấu khi đi than phiền về người khác, những kẻ vốn đang hết hơi trong cái vẻ ngoài chỉn chu của họ.

Thôi, cô hãy nhét tính khí của mình vào cặp và hãy giữ cái bản thảo ấy cho con cái mai sau, để chúng tìm được trong ấy đôi điều an ủi - và để chúng phẩy tay vào những gì thầy giáo nói với chúng hoặc nghĩ về chúng.

Có điều tôi đến Princeton này vì công việc nghiên cứu chứ không phải với tư cách nhà giáo dục. Giáo dục nhiều quá! - đặc biệt trong các trường học của Mỹ. Chẳng có một nền giáo dục hợp lý nào khác để làm gương mẫu đâu, [nhưng] nếu tình hình không thay đổi, thì quả là một gương mẫu đáng sợ.



Каталог: UploadDoc
UploadDoc -> Báo cáo thực tập tốt nghiệp LỜi mở ĐẦU
UploadDoc -> Ubnd huyện yên châu phòng giáo dục và ĐÀo tạO
UploadDoc -> GIÁO Án hội giảNG: Âm nhạc chủ ĐỀ: TẾt- mùa xuâN ĐỀ TÀI: Dạy hát : Bé chúc tết Nghe hát: Mùa xuân ơi Trò chơi: Hái lộc đầu xuân
UploadDoc -> Lời mở đầu 1 Chương 1: Sự phát triển của các hệ thống thông tin di động 3
UploadDoc -> ChuyêN ĐỀ ĐIỀu khiển tán sắC
UploadDoc -> I. objectives
UploadDoc -> * Cấu trúc bài gồm 3 phần
UploadDoc -> Trong khuôn khổ Hội nghị của fifa năm 1928 được tổ chức tại Amsterdam (Hà Lan), Henry Delaunay đã đưa ra một đề xuất mang tính đột phá đối với lịch sử bóng đá
UploadDoc -> Công nghệ rfid giới thiệu chung
UploadDoc -> Trường Đại Học Mỏ Địa Chất Khoa Dầu Khí Lời mở đầu

tải về 469.89 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương