Lới giới thiệu Thế giới như tôi thấy



tải về 469.89 Kb.
trang3/7
Chuyển đổi dữ liệu24.04.2018
Kích469.89 Kb.
#37084
1   2   3   4   5   6   7

Bàn về tòa án trọng tài

 Việc giải trừ quân bị một cách có kế hoạch trong khoảng thời gian ngắn chỉ khả thi, nếu có được một sự đảm bảo an ninh của tất cả các nước dành cho mỗi nước. Điều này dựa trên cơ sở một Tòa án Trọng tài thường trực và độc lập với các chính phủ.

Nghĩa vụ vô điều kiện của các quốc gia không chỉ là ở chỗ chấp nhận các phán quyết của Tòa án Trọng tài, mà còn ở chỗ thi hành các phán quyết đó.

Mỗi khu vực như châu Âu – châu Phi, châu Mỹ và châu Á, có một tòa án trọng tài đặc biệt phụ trách; còn châu Úc có thể được phân bổ về một trong ba khu vực này. Tòa án Trọng tài chung sẽ chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến các sự việc không thể được giải quyết trong khuôn khổ ba khu vực trên.



Nước Mỹ và hội nghị giải trừ quân bị năm 1932

 Người Mỹ ngày nay đang trăn trở với bao nỗi lo lắng. Những nỗi lo ấy gắn liền với tình trạng kinh tế của nước này. Những nhà lãnh đạo có ý thức trách nhiệm tập trung chủ yếu vào việc loại bỏ nạn thất nghiệp nặng nề ở nước mình. Tình cảm gắn bó với số phận của thế giới còn lại, đặc biệt với đất mẹ châu Âu càng ít sôi động hơn so với những thời điểm bình thường.

Nhưng nền kinh tế tự do sẽ không tự động vượt qua được những khó khăn này. Cần phải có những kế sách điều tiết từ giác độ tổng thể, để tạo ra được một sự phân công lao động và một sự phân phối lành mạnh đối với các sản phẩm tiêu dùng giữa con người với nhau, vì nếu không có điều ấy, nhân dân của một nước giàu có nhất cũng sẽ bị ngạt thở. Việc cải thiện các biện pháp kỹ thuật làm suy giảm chính lao động cần thiết sản xuất hàng hóa cho tất cả mọi người, vì thế thông qua cuộc chơi tự do của các thế lực, không còn xuất hiện tình trạng, trong đó tất cả các lực lượng lao động đều được sử dụng. Một quy chế tổ chức có ý thức sẽ là cần thiết nhằm làm cho các tiến bộ về mặt kỹ thuật trở nên có hiệu quả có lợi cho tất cả mọi người.

Thiếu quy định về mặt kế hoạch, nền kinh tế không thể được đưa vào quy củ. Cũng như vậy, một quy định về mặt kế hoạch như vậy càng cần thiết hơn nhiều đối với các vấn đề chính trị quốc tế. Hiện nay chỉ còn có một số ít người còn quan niệm rằng, các hành động bạo lực dưới dạng chiến tranh là một phương tiện có lợi thế và xứng đáng với nhân loại để giải quyết các vấn đề quốc tế. Nhưng họ lại chưa kiên quyết đại diện và thực hiện một cách tích cực các kế sách này, các kế sách có khả năng tránh được các cuộc chiến tranh, tránh được những hành động dã man và vô nhân tính, những tàn dư của các thời đại man rợ. Cần phải có quan điểm thống nhất để thấy rõ và phải có dũng khí nào đó để phục vụ mục tiêu quan trọng này một cách hiệu quả và với quyết tâm cao.

Ai thực sự mong muốn dẹp bỏ chiến tranh, người đó phải quyết tâm đấu tranh sao cho quốc gia của mình khước từ một phần chủ quyền của mình có lợi cho các thiết chế quốc tế. Người đó phải sẵn sàng, trong trường hợp xung đột, buộc quốc gia mình phải tuân thủ phán quyết của Trọng tài Quốc tế. Người đó phải kiên quyết đấu tranh để tất cả các quốc gia thực hiện giải trừ quân bị, kể cả trong trường hợp xấu như được dự tính trong Hiệp ước Versailles. Không thể trông đợi tiến bộ xã hội, nếu không loại bỏ nền giáo dục toàn dân về quốc phòng và về chủ nghĩa yêu nước hiếu chiến.

Đối với các quốc gia văn minh có nhiều ảnh hưởng, không có sự kiện nào trong những năm qua lại đáng hổ thẹn hơn là thất bại của các hội nghị giải trừ quân bị trước đây; bởi vì thất bại này không chỉ là do những âm mưu thâm độc của các vị nguyên thủ quốc gia vô lương tâm và hiếu thắng, mà còn là do sự thờ ơ và sự thiếu nghị lực của con người ở tất cả các nước. Nếu điều này không khác đi, thì chúng ta sẽ tàn phá những gì thực sự quý giá mà tổ tiên chúng ta đã tạo ra được.

Tôi cho rằng, nhân dân Mỹ cũng không ý thức được đầy đủ trách nhiệm đè nặng lên vai họ trong mối quan hệ này. Ở Mỹ, người ta nghĩ như sau: “Châu Âu có thể bị suy vong, nếu nó bị hủy hoại bởi sự thiếu hòa đồng và tính thâm hiểm của dân chúng ở đây. Mầm sống của tổng thống Wilson đã đâm chồi lên một cách thảm hại trên miếng đất cằn cỗi của châu Âu. Chúng ta thì mạnh mẽ và chắc chắn, và chúng ta sẽ không vội vàng can thiệp vào những công việc khó chịu của người khác.”

Kẻ nào nghĩ như thế, kẻ đó vừa không cao thượng lại vừa không biết nhìn xa trông rộng. Nước Mỹ không phải là vô can trong nỗi khốn khó của châu Âu. Bằng việc rút lại một cách tàn nhẫn các khoản tiền cho vay, nước Mỹ đã thúc đẩy sự suy thoái về mặt kinh tế và đồng thời cả sự suy đồi về mặt đạo đức của châu Âu. Nước Mỹ đã góp phần vào việc ban căng hóa châu Âu và như vậy là đồng phạm trong sự suy đồi của đạo đức chính trị và trong việc làm gia tăng lòng hận thù được nuôi dưỡng bởi sự tuyệt vọng. Lòng hận thù ấy đã không dừng lại trước cửa ngõ nước Mỹ. Các quý vị hãy thử nhìn trước, nhìn sau mà xem!

Không cần phải nhiều lời: Hội nghị Giải trừ quân bị có nghĩa là một cơ hội cuối cùng không chỉ đối với chúng ta, mà còn đối với các quý vị, nhằm đảm bảo những gì tốt đẹp nhất mà nhân loại văn minh đã tạo ra. Những ánh mắt và hy vọng đang trông đợi ở các quý vị với tư cách là những người cường tráng và tương đối khỏe mạnh.

Bàn về hội nghị giải trừ quân bị năm 1932

1.

 Liệu tôi có được phép bắt đầu bằng một tín niệm chính trị? Đó là: Nhà nước tồn tại vì con người, chứ không phải con người tồn tại vì nhà nước. Người ta cũng có thể nói về khoa học cũng tương tự như đã nói như thế về nhà nước. Đó là những công thức cũ. Những công thức này được khắc ghi bởi những ai xem nhân cách con người như một giá trị cao quý nhất có tính người.

Tôi rất ngại phải lặp lại những công thức này, khi chúng có nguy cơ đôi khi bị rơi vào sự quên lãng, nhất là trong thời đại đầy những tổ chức và khuôn mẫu như thời đại chúng ta. Tôi thấy nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của nhà nước là bảo vệ cá nhân và tạo cho cá nhân khả năng phát triển thành nhân cách sáng tạo.

Như vậy, nhà nước cần phải là người đầy tớ của chúng ta, chứ không phải chúng ta là nô lệ của nhà nước. Nhà nước vi phạm đòi hỏi này, khi nó dùng bạo lực để ép buộc chúng ta phải phục vụ quân đội và chiến tranh, đặc biệt là khi sự phục vụ nô lệ này hướng đến mục tiêu và kết quả tàn sát những người dân nước khác hoặc gây tổn hại cho sự tự do phát triển của họ. Chúng ta chỉ nên dành cho nhà nước những hy sinh mang lại kết quả tốt đẹp cho sự phát triển tự do của các cá nhân. Những điều quý báu này có thể là hiển nhiên đối với mỗi người Mỹ, chứ không phải đối với mỗi người châu Âu. Vì vậy, chúng ta vẫn có thể hy vọng rằng, cuộc vận động chống chiến tranh sẽ có một chỗ dựa vững chắc ở người Mỹ.

Nhưng bây giờ, xin trở về với Hội nghị Giải trừ Quân bị! Người ta nên cười, nên khóc hay nên hy vọng, khi nghĩ đến nó? Quý vị hãy thử tưởng tượng một thành phố có toàn là những công dân cáu bẳn, dối trá và hay thích gây gổ! Ở đó, người ta cảm nhận được mối nguy cơ thường trực đe dọa cuộc sống như là trở ngại lớn cho mọi sự phát triển lành mạnh. Tòa thị chính muốn khắc phục tình trạng ghê tởm ấy, mặc dù mỗi thành viên trong các hội đồng thành phố lẫn mỗi người dân đều không muốn bị cấm mang dao găm bên thắt lưng. Sau nhiều năm chuẩn bị, Tòa thị chính quyết định mang vấn đề ra bàn và đưa ra đề tài thảo luận: Con dao găm mà mỗi người mang theo ở thắt lưng khi đi dạo chơi, được phép dài và sắc như thế nào? Chừng nào những người dân ranh mãnh này không đứng ra chống lại hiện tượng đâm chém nhau bằng luật pháp, tòa án và cảnh sát, thì tất nhiên sẽ chẳng có gì thay đổi cả. Một sự ấn định về chiều dài và độ sắc của các con dao găm được mang sẽ chỉ có lợi cho cho những kẻ thích hành hung và những kẻ mạnh nhất, và chỉ là sự phó mặc những người yếu hơn cho chúng. Tất cả các quý vị đều biết rằng, sự so sánh này ám chỉ điều gì. Chúng ta hiện đang có Hội Quốc Liên và một Tòa án Trọng tài. Nhưng Hội Quốc Liên thì lại chẳng hơn gì một phòng họp và Tòa án Trọng tài cũng lại không có phương tiện để thực thi các quyết định của mình. Các cơ quan này không đảm bảo an ninh được cho bất cứ quốc gia nào trong trường hợp bị tấn công. Nếu quý vị xem xét kỹ điều này, thì đối với quan điểm của Pháp về việc từ chối giải trừ quân bị trong trường hợp không có an ninh, ắt hẳn quý vị sẽ phê phán một cách nhẹ nhàng hơn là so với những gì đang thường diễn ra hiện nay.

Nếu chúng ta không biết hạn chế chủ quyền của các quốc gia riêng lẻ bằng cách buộc mọi quốc gia phải có nghĩa vụ thực hiện hành động chung chống lại những quốc gia công khai hay giấu giếm đi ngược lại với phán quyết của Tòa án Trọng tài này, thì chúng ta không thể thoát ra khỏi tình trạng lộn xộn và những hiểm họa nói chung. Chủ quyền không bị hạn chế của từng quốc gia và an ninh chống lại các cuộc tấn công không thể được hợp nhất bởi các mánh khóe. Có cần phải chờ đến các thảm họa mới nữa để rồi mới buộc các quốc gia phải có nghĩa vụ thực thi các quyết định của cơ quan tòa án quốc tế đã được công nhận hay không? Từ thực trạng hiện nay, chúng ta chẳng có lý do gì để trông chờ điều gì tốt đẹp hơn trong tương lai gần. Nhưng bất cứ ai là người bạn thân thiện với nền văn minh và với sự công bằng phải dốc toàn bộ khả năng tốt nhất của mình để thuyết phục đồng loại của mình về sự cần thiết của sự liên kết quốc tế như vậy giữa các quốc gia riêng rẽ.

Người ta không phải không có lý do chính đáng để phản bác lại quan niệm này khi cho rằng nó quá coi trọng yếu tố tổ chức và xem thường yếu tố tâm lý, đặc biệt là yếu tố đạo đức. Lý lẽ ấy khẳng định rằng, giải trừ quân bị về mặt tinh thần phải đi trước giải trừ quân bị về mặt vật chất. Cũng nên hiểu một cách rõ ràng rằng, trở ngại lớn nhất của trật tự quốc tế chính là chủ nghĩa dân tộc đã được tăng cường thành một thứ quái đản, một kiểu chủ nghĩa dân tộc được gọi bằng một cái tên đầy cảm tình nhưng dễ bị lạm dụng là chủ nghĩa yêu nước. Trong một trăm năm mươi năm qua, thần tượng ấy đã đạt được một quyền lực khủng khiếp, cực kỳ tai hại. Để có được quan điểm đúng đắn về sự phản kháng đó, người ta phải nhận ra rằng, yếu tố tổ chức và yếu tố tâm lý quy định lẫn nhau. Các tổ chức không chỉ phụ thuộc vào các thái độ truyền thống mang màu sắc tình cảm mà nhờ đó chúng được hình thành và phát triển. Các tổ chức còn tác động mạnh mẽ ngược trở lại các thái độ dựa theo tình cảm này của các dân tộc.

Theo tôi, chủ nghĩa dân tộc - khi đã phát triển cao đến mức tai hại như thế ở khắp mọi nơi - có liên quan chặt chẽ nhất với việc đưa ra nghĩa vụ quân sự nói chung - hoặc với tên gọi ngọt ngào hơn - với việc thiết lập “quân đội nhân dân”. Khi đòi hỏi những người dân thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhà nước buộc phải phải nuôi dưỡng tình cảm của chủ nghĩa dân tộc ở những người dân này. Tình cảm ấy tạo cơ sở tâm lý cần thiết cho các mục đích sử dụng về mặt quân sự. Thế là bên cạnh tôn giáo, nhà nước lại phải ca ngợi công cụ bạo lực độc ác của mình trước giới trẻ trong học đường!

Vì vậy, theo quan niệm của tôi, việc đề ra nghĩa vụ quân sự nói chung là điều chủ yếu trong sự suy đồi đạo đức của chủng tộc da trắng. Sự suy đồi đạo đức đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của nền văn hóa của chúng ta, thậm chí về sự sinh tồn của chúng ta. Bên cạnh những điều tốt lành vĩ đại về mặt xã hội, sự kiện tồi tệ này đã xuất phát từ cuộc Đại cách mạng Pháp và sau đó trong một thời gian ngắn đã lôi kéo tất cả các dân tộc khác.

Những ai muốn bênh vực quan điểm quốc tế và chống lại chủ nghĩa dân tộc Sô vanh, thì phải đấu tranh chống quân dịch nói chung. Phải chăng đối với xã hội, các cuộc truy nã gay gắt hiện nhằm vào những người chống quân dịch vì động cơ đạo đức, là ít đáng hổ thẹn hơn những cuộc truy nã nhằm vào những người tử vì đạo trong các thế kỷ trước đây? Người ta có thể loại trừ chiến tranh, như đã làm trong Hiệp định Kellogg, được hay không, trong khi vẫn phó mặc các cá nhân không được bảo vệ cho bộ máy chiến tranh của các nước riêng lẻ?

Còn về Hội nghị Giải trừ quân bị, nếu người ta không muốn chỉ tự hạn chế ở yếu tố tổ chức-kỹ thuật, mà muốn cân nhắc cả đến yếu tố tâm lý một cách trực tiếp vì những động cơ giáo dục, thì người ta phải bằng con đường quốc tế tạo khả năng hợp pháp cho các cá nhân khước từ quân dịch. Không nghi ngờ gì nữa, một kế sách như thế có thể tạo ra tác động mạnh mẽ về mặt đạo đức.

Tôi tóm lược lại quan điểm của mình như sau: Những thỏa thuận thuần túy về hạn chế vũ trang không hề đảm bảo được an ninh. Tòa án Trọng tài theo quy định cần phải có quyền hành pháp được đảm bảo bởi tất cả các quốc gia thành viên tham gia. Đó là quyền hành pháp nhằm can thiệp bằng sự trừng phạt về kinh tế và quân sự chống lại những kẻ phá hoại hòa bình. Cần phải đấu tranh chống nghĩa vụ quân sự nói chung như một ổ dịch chủ yếu của chủ nghĩa dân tộc bệnh hoạn. Đặc biệt, những người chống quân dịch cần phải được bảo vệ trên cơ sở quốc tế.



2.

Những gì mà tinh thần sáng tạo của con người trong những thế kỷ vừa qua ban tặng cho chúng ta, đã có thể tạo ra một cuộc sống thanh thản và hạnh phúc, giá như sự phát triển về mặt tổ chức có bước tiến đồng thời với sự phát triển về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, những gì đã đạt được một cách khó nhọc đang nằm trong tay thế hệ chúng ta, lại giống như lưỡi dao cạo trong tay đứa trẻ lên ba. Sở hữu về tư liệu sản xuất kỳ diệu không mang lại hòa bình, mà chỉ mang đến những lo âu và đói khổ.

Tiến bộ kỹ thuật đã gây những tác động tồi tệ nhất ở nơi mà nó cung cấp các phương tiện để hủy diệt cuộc sống con người và để phá hủy các công trình của con người được tạo ra bằng lao động vất vả. Chúng tôi là những người cao tuổi đã từng nếm trải những nỗi kinh hoàng trong chiến tranh thế giới. Tình trạng nô lệ đáng hổ thẹn, trong đó mỗi cá nhân phải chịu đựng từ cuộc chiến tranh, dường như đối với tôi còn khủng khiếp hơn cả hủy diệt. Chẳng đáng sợ sao, khi những hành động mà mỗi người coi là tội ác đáng ghê tởm, lại bị buộc phải tuân thủ cái chung? Chỉ có một số ít người là có được sự vĩ đại về đạo đức để phản kháng lại. Trong mắt tôi, họ là những vị anh hùng thực sự của cuộc chiến tranh thế giới.

Vẫn có một tia hy vọng. Tôi cảm tưởng rằng, ngày nay, những lãnh tụ có trách nhiệm của các dân tộc thực sự thành tâm mong muốn dẹp bỏ chiến tranh. Sự kháng cự chống lại quá trình phát triển tất yếu, vô điều kiện có cội rễ trong những truyền thống đầy bất hạnh của các dân tộc, những truyền thống được kéo theo bởi cơ chế giáo dục như một căn bệnh di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhân tố chủ yếu của các truyền thống này là việc đào tạo quân sự, là việc tôn vinh đào tạo quân sự và liên quan đến bộ phận truyền thông lệ thuộc vào công nghiệp nặng và quân đội. Nếu không giải trừ quân bị thì không thể có nền hòa bình bền vững. Ngược lại, việc duy trì các trang thiết bị quân sự ở quy mô hiện nay chắc chắn sẽ dẫn đến những thảm họa mới.

Do vậy, Hội nghị Giải trừ quân bị năm 1932 là có tính quyết định đối với số phận của thế hệ hiện nay và thế hệ tiếp theo. Nếu người ta nghĩ đến các kết quả nghèo nàn của các hội nghị trước đây, thì người ta thấy rõ rằng, tất cả những người có trách nhiệm và khôn ngoan cần phải huy động mọi khả năng để luôn hướng dẫn công luận hiểu được tầm quan trọng to lớn của Hội nghị năm 1932. Chỉ khi các nguyên thủ quốc gia thể hiện được ý chí hòa bình của đa số những người có quyền quyết định trong nước mình, thì họ mới có thể đạt được mục tiêu quan trọng của mình: Để tạo ra được công luận này, mỗi người phải cùng chịu trách nhiệm về mỗi lời nói và việc làm của mình.

Hội nghị có thể được coi là thất bại, nếu như những đại biểu đến tham dự với những lời huấn thị đã được chuẩn bị sẵn, và bây giờ việc thực hiện chúng chỉ trở thành một công việc giữ thể diện. Điều này dường như đều được mọi người thừa nhận. Bởi vì các cuộc gặp gỡ song phương của các nguyên thủ quốc gia hai nước được thực hiện trong thời gian vừa qua thông qua các cuộc tọa đàm về vấn đề giải trừ quân bị, đã được sử dụng để chuẩn bị cơ sở cho Hội nghị. Con đường này đối với tôi dường như là một con đường có cơ may, bởi vì hai người hoặc hai bên vun đắp cho các khả năng đàm phán với nhau sao cho hợp lý nhất, chân thành nhất và bình tĩnh nhất. Khi không có người thứ ba nghe được, thì họ không phải quá thận trọng trong lời nói của mình. Chỉ khi Hội nghị được chuẩn bị một cách sáng tạo theo cách này, khi những điều bất ngờ được loại trừ và khi một bầu không khí tin cậy được tạo nên bởi thiện ý chân thành, thì chúng ta mới có thể hy vọng vào một kết quả tốt đẹp. Thành công của sự nghiệp vĩ đại này lại không phụ thuộc vào sự thông minh hay thậm chí vào sự khôn ngoan, mà phụ thuộc vào sự chân thành và sự tin cậy. Yếu tố đạo đức không thể bị thay thế bởi lý trí. Tôi muốn nói rằng, đó là điều diễm phúc.

Chỉ chờ đợi hay phê phán đơn thuần là điều không thích hợp với người đương thời. Người đương thời phải phục vụ cho sự nghiệp này bằng hết khả năng của mình. Số phận của tất cả mọi người là cái mà họ xứng đáng được hưởng.

Bàn về vấn đề giải trừ quân bị

 Việc thực hiện kế hoạch giải trừ quân bị đã bị gây trở ngại, nhất là khi người ta nói chung không biết tự kiểm điểm về khó khăn lớn nhất của nó. Người ta đã đạt được đa số các mục tiêu trong các bước đi nhỏ. Nhưng hãy nghĩ đến việc xóa bỏ nền quân chủ tuyệt đối bằng nền dân chủ. Ở đây, tồn tại một mục tiêu không thể nào đạt được chỉ bằng những bước đi nhỏ dần dần.

Một khi chính khả năng chiến tranh không bị loại trừ, thì các dân tộc không thể làm gì hơn ngoài việc chuẩn bị về mặt quân sự sao cho hoàn thiện để có thể chiến thắng được cuộc chiến tranh tiếp theo. Người ta cũng không thể làm khác hơn là giáo dục thanh niên về các truyền thống đấu tranh nhằm nuôi dưỡng tính tự phụ dân tộc hẹp hòi kết hợp với việc ca ngợi quan điểm chiến tranh. Người ta vẫn thường làm như vậy, chừng nào phải tính đến việc phải dùng đến thái độ ủng hộ của công dân cho các cuộc xung đột chiến tranh. Nhưng thực ra, vũ trang không có nghĩa là tán thành và chuẩn bị hòa bình, mà ngược lại, có nghĩa là tán thành và chuẩn bị chiến tranh. Vì vậy, người ta sẽ không giải trừ quân bị trong những bước đi nhỏ, mà phải làm luôn một lần hoặc hoàn toàn không làm gì cả.

Tiền đề cho việc thực hiện một biến đổi sâu sắc như thế trong đời sống của nhân dân là một nỗ lực tinh thần mạnh mẽ, là sự chối bỏ một cách có ý thức các truyền thống thâm căn cố đế. Những kẻ nào không sẵn sàng gắn số phận của quốc gia mình một cách vô điều kiện với các quyết định của một tổ chức tòa án trọng tài quốc tế trong trường hợp tranh chấp và không xác định dứt khoát điều này bằng hiệp định của nhà nước, những kẻ đó không quyết tâm thực sự để loại bỏ chiến tranh. Khẩu hiệu được đưa ra ở đây là: Tất cả hoặc không gì cả!

Người ta không thể bác bỏ thực tế là: Cho đến nay, sở dĩ những nỗ lực nhằm bảo đảm hòa bình đã thất bại là vì chúng cố đạt được những thỏa hiệp nửa vời.

Giải trừ quân bị và an ninh chỉ có thể đạt được trong sự gắn kết với nhau. An ninh chỉ có thể được bảo đảm bởi nghĩa vụ của tất cả các quốc gia trong việc thực thi các quyết định quốc tế.

Chúng ta đang đứng ở ngã ba đường. Liệu chúng ta có tìm được con đường dẫn đến hòa bình hay vẫn cứ tiếp tục đi con đường không xứng đáng với nền văn minh của chúng ta như trước đây, điều này nằm trong tay của chúng ta. Một bên là sự vẫy gọi của tự do của các cá nhân và sự an ninh của cộng đồng. Bên kia là nguy cơ nô lệ cho cá nhân, là sự hủy diệt nền văn minh của chúng ta. Số phận của chúng ta phụ thuộc vào câu hỏi: chúng ta xứng đáng với nó như thế nào?

Một lời chia tay

Thư gửi Ngài thư ký Đức của Hội Quốc Liên, Ngài Dufour – Feronce kính mến!

 Bức thư đầy thân thiện của ngài không thể không được trả lời, bởi vì nếu không, ngài đã có thể nhận được một cách hiểu không chuẩn xác về chính kiến của tôi.

Việc tôi quyết định không đi Genève nữa dựa trên cơ sở thực tế sau đây: Kinh nghiệm tiếc thay đã mách bảo cho tôi rằng, Ủy ban trung gian  đã không thể hiện được ý chí nghiêm túc trong việc đạt được các tiến bộ cơ bản trong các nhiệm vụ làm lành mạnh hóa các quan hệ quốc tế. Tôi chỉ thấy trong ủy ban này chủ yếu là sự hiện thân của nguyên tắc “ut aliquid fieri videatur” . Đối với tôi, ủy ban này thậm chí còn tồi tệ hơn cả Hội Quốc Liên xét một tổ chức tổng thể.

Tôi cho rằng, tôi phải rời bỏ ủy ban này, chính bởi vì tôi muốn hành động theo khả năng để tạo ra một thẩm quyền trọng tài quốc tế, hoạt động siêu quốc gia, và bởi vì mục tiêu này là mong muốn từ đáy lòng tôi.

Ủy ban này đã đồng ý cho phép việc áp bức các cộng đồng văn hóa thiểu số ở các quốc gia riêng lẻ bằng cách cho ra đời "Ủy ban Quốc gia" ở các nước này, tổ chức đóng vai trò cầu nối duy nhất giữa giới trí thức của nước này với ủy ban. Như vậy, ủy ban này đã cố tình chối bỏ chức năng là chỗ dựa tinh thần cho các sắc tộc thiểu số trong các quốc gia chống lại sự áp bức văn hóa.

Ngoài ra, đối với vấn đề đấu tranh chống lại các xu hướng Sô vanh và quân phiệt trong việc giảng dạy ở từng nước riêng biệt, ủy ban này còn chọn một thái độ thiếu kiên quyết khiến người ta khó có thể hy vọng gì về những nỗ lực nghiêm túc của uỷ ban trong lĩnh vực quan trọng cơ bản này.

Ủy ban này đã luôn luôn bỏ qua khả năng trở thành chỗ dựa tinh thần cho các cá nhân và các tổ chức liên kết có nhiệm vụ hoạt động một cách triệt để cho một trật tự luật quốc tế và chống lại thể chế quân sự. Ủy ban đã không bao giờ cố gắng đối đầu với chủ trương thôn tính của các nước thành viên mà ủy ban này biết rằng, các nước này đại diện cho các khuynh hướng hoàn toàn khác với xu hướng mà ủy ban này có bổn phận phải đại diện.

Tôi không muốn tiếp tục làm cho ngài phát ngán bằng những luận cứ như vậy nữa, bởi vì ngài đã hiểu được quyết định của tôi một cách đầy đủ sau những điều ít ỏi vừa nêu. Tôi không muốn làm người buộc tội, mà tôi muốn chỉ lý giải thái độ của mình. Nếu tôi muốn nuôi dưỡng một hy vọng nào đó, thì tôi phải hành động khác. Ngài có thể chắc chắn về điều này.



Chủ nghĩa hòa bình tích cực

 Tôi thấy mình thật hạnh phúc khi được trực tiếp tham dự cuộc biểu tình lớn của nhân dân Flamande vì hòa bình. Đối với tôi, quả là một nhu cầu khi nhân danh những người có thiện chí và những người quan tâm đến tương lai nói to với tất cả những người tham gia cuộc biểu tình này: Chúng tôi thấy gắn bó sâu sắc nhất với các bạn trong những giờ phút suy tư và thức tỉnh lương tâm này.

Chúng ta không nên che giấu một thực tế là: Việc cải thiện các mối quan hệ vô vọng hiện nay làm sao có thể có được, nếu không có các cuộc đấu tranh quyết liệt. Bởi vì số lượng những người quyết tâm trợ giúp một cách triệt để chỉ là nhỏ so với số đông những người không quyết tâm và những người bị dụ dỗ. Và quyền lực của những người quan tâm đến việc duy trì bộ máy chiến tranh lại rất lớn. Họ không từ một phương tiện nào để có thể khiến công luận phục vụ cho những mục tiêu của họ, những mục tiêu thù địch với cuộc sống.

Hình như là các nguyên thủ quốc gia hiện nay thực sự theo đuổi mục tiêu củng cố lâu dài nền hòa bình. Nhưng, sự gia tăng liên tục các trang thiết bị quân sự đã chỉ ra quá rõ rằng, họ không theo kịp các cường quốc thù địch, những nước đang thúc giục việc chuẩn bị chiến tranh. Theo xác tín của tôi, một sự cứu vãn chỉ có thể đến từ ngay trong lòng các dân tộc mà thôi. Nếu họ muốn tránh tình trạng nô lệ hèn hạ trong quân dịch, thì họ phải kiên quyết ủng hộ việc hoàn toàn giải trừ quân bị. Bởi vì chừng nào còn các lực lượng quân đội, thì bất cứ cuộc xung đột nghiêm trọng nào cũng đều có thể dẫn đến chiến tranh. Chủ nghĩa hòa bình, một khi không tích cực đấu tranh chống lại sự chạy đua vũ trang của các quốc gia, thì nó vẫn và sẽ mãi mãi chỉ là một thứ chủ nghĩa hòa bình bất lực mà thôi.

Mong rằng, lương tâm và trí óc lành mạnh của các dân tộc trở nên sống động hơn để chúng ta đạt tới được một cấp độ mới của của sự cộng sinh giữa các dân tộc; một cấp độ mà từ đó nhìn lại, chiến tranh được coi là một sai lầm không thể nào hiểu nổi của cha ông chúng ta.

Thư gửi Sigmund Freud

Ngài Freud kính mến!

 Thật thán phục được thấy khát vọng tiếp cận đến chân lý ở Ngài đã vượt hẳn bất cứ một khát vọng nào khác. Với sự sáng sủa vô song, Ngài đã cho thấy, những bản năng tranh đấu và hủy diệt là không thể tách rời khỏi bản năng của tình yêu và hiếu sinh trong tâm lý con người như thế nào. Nhưng đồng thời, từ những diễn giải chặt chẽ của Ngài toát lên một khát vọng sâu thẳm về một mục tiêu vĩ đại cho việc giải phóng con người khỏi chiến tranh, trong tâm hồn cũng như trên thực tế.

Tất cả những ai đã được tôn vinh là những lãnh tụ trong lĩnh vực tinh thần và đạo đức vượt lên trên thời đại và dân tộc của mình, đều tán thành khát vọng vĩ đại này. Ở đây, nổi lên một sự thống nhất từ Jesus đến Goethe và Kant. Có một thực tế là những nhân vật này đã được mọi người công nhận là lãnh tụ, mặc dù ý chí của họ hướng đến việc tạo ra các mối quan hệ con người chỉ có khả năng thực hiện ở mức độ rất thấp. Thực tế này không có ý nghĩa gì sao?

Tôi tin chắc rằng, tuyệt đại đa số những cá nhân lỗi lạc, những người có vị trí hàng đầu nhờ các công trình của mình - dù chỉ là một nhóm nhỏ - đều cùng chia sẻ lý tưởng này. Họ có rất ít ảnh hưởng đến sự phát triển về mặt chính trị. Thật tệ hại, khi lĩnh vực có ảnh hưởng quyết định đến số phận của các quốc gia lại bị giao phó một cách không thể tránh khỏi cho sự trơ trẽn và vô trách nhiệm của những kẻ cầm quyền chính trị.

Các lãnh tụ chính trị hoặc các chính phủ có được cương vị của mình một phần nhờ bạo lực, một phần do sự lựa chọn của quần chúng. Họ không thể được xem như là đại diện cho bộ phận ưu tú về mặt tinh thần và đạo đức của các quốc gia. Tuy vậy, hiện nay, bộ phận tinh túy về trí tuệ lại không có ảnh hưởng trực tiếp nào đến lịch sử các dân tộc: Tình trạng phân tán của họ đã ngăn cản sự tham gia trực tiếp của họ vào việc giải quyết các vấn đề bức xúc. Do đó, nếu một số ít người, mà thành quả và ảnh hưởng của họ bảo đảm cho năng lực và sự trong sáng trong ý đồ tập hợp nhau lại, thì Ngài có tin rằng, một sự tập hợp như thế có thể tạo ra được sự biến chuyển ở đây hay không? Cộng đồng có đặc điểm quốc tế này, cộng đồng mà các thành viên của nó duy trì quan hệ thông qua việc trao đổi ý kiến thường xuyên, nhờ việc bày tỏ thái độ trên báo chí - luôn với trách nhiệm của mỗi thành viên ký kết - sẽ có thể tạo được ảnh hưởng quan trọng và bổ ích đối với giải pháp cho các vấn đề chính trị. Tất nhiên, một cộng đồng như vậy ắt không tránh khỏi bị tổn thương bởi mọi thứ tiêu cực vốn thường dẫn dắt giới trí thức hàn lâm vào sự thoái hóa; tức những mối nguy hiểm gắn liền chặt chẽ với những khiếm khuyết của bản tính con người. Dù vậy, tại sao ta lại không có dũng khí để thử tiến hành một nỗ lực như thế? Tôi coi một thử nghiệm như vậy hầu như là một bổn phận không thể từ khước được.

Nếu một tập thể trí tuệ có tiếng tăm như vậy có thể được thành lập, thì nó cũng phải có những nỗ lực có hệ thống để động viên các tổ chức tôn giáo tham gia vào cuộc vận động chống chiến tranh. Tập thể ấy nhất định sẽ mang lại một chỗ dựa tinh thần cho nhiều nhân vật, mà ý chí của họ hiện nay bị tê liệt vì nỗi chán chường đau đớn. Cuối cùng tôi tin rằng, một cộng đồng bao gồm những cá nhân có uy tín lớn do thành quả của họ cũng xứng đáng trở thành chỗ dựa tinh thần đáng quý cho các lực lượng trong Hội Quốc Liên, những lực lượng thực sự cống hiến năng lực của mình cho mục tiêu cao cả của tổ chức này.

Sở dĩ tôi thích trình bày những việc này cho Ngài hơn là cho bất kỳ ai khác, là vì khác với mọi người, Ngài không cảm thấy bị làm phiền khi lắng nghe về những ước vọng và bởi vì nhận định có tính phê phán của Ngài thể hiện ý thức trách nhiệm nghiêm chỉnh nhất.



Каталог: UploadDoc
UploadDoc -> Báo cáo thực tập tốt nghiệp LỜi mở ĐẦU
UploadDoc -> Ubnd huyện yên châu phòng giáo dục và ĐÀo tạO
UploadDoc -> GIÁO Án hội giảNG: Âm nhạc chủ ĐỀ: TẾt- mùa xuâN ĐỀ TÀI: Dạy hát : Bé chúc tết Nghe hát: Mùa xuân ơi Trò chơi: Hái lộc đầu xuân
UploadDoc -> Lời mở đầu 1 Chương 1: Sự phát triển của các hệ thống thông tin di động 3
UploadDoc -> ChuyêN ĐỀ ĐIỀu khiển tán sắC
UploadDoc -> I. objectives
UploadDoc -> * Cấu trúc bài gồm 3 phần
UploadDoc -> Trong khuôn khổ Hội nghị của fifa năm 1928 được tổ chức tại Amsterdam (Hà Lan), Henry Delaunay đã đưa ra một đề xuất mang tính đột phá đối với lịch sử bóng đá
UploadDoc -> Công nghệ rfid giới thiệu chung
UploadDoc -> Trường Đại Học Mỏ Địa Chất Khoa Dầu Khí Lời mở đầu

tải về 469.89 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương