Lới giới thiệu Thế giới như tôi thấy



tải về 469.89 Kb.
trang2/7
Chuyển đổi dữ liệu24.04.2018
Kích469.89 Kb.
#37084
1   2   3   4   5   6   7

Sản xuất và lao động

Trả lời một bức thư gửi đến

 Tôi nhìn thấy sự bất cập chủ yếu ở trong tự do gần như vô hạn của thị trường lao động gắn liền với những tiến bộ phi thường của các phương pháp sản xuất. Để sản xuất những gì cần thiết cho các nhu cầu hiện nay, người ta không cần đến tất cả lực lượng lao động hiện có. Từ đây xuất hiện nạn thất nghiệp và cuộc cạnh tranh không lành mạnh giữa những người lao động. Ngoài ra, từ cả hai nguyên nhân trên, xuất hiện sự suy giảm sức mua và đồng thời là sự bóp nghẹt quá mức của toàn bộ chu trình kinh tế.

Tôi cũng được biết rằng, theo các nhà kinh tế tự do, việc gia tăng các nhu cầu sẽ cân đối lại mọi sự tiết kiệm về sức lao động. Tuy nhiên, tôi không tin điều này, và kể cả khi nó là có thật, thì các yếu tố kể trên luôn dẫn tới kết quả là mức sống của phần lớn dân chúng bị giảm sút một cách hoàn toàn giả tạo.

Cùng với quý vị, tôi cũng tin rằng, nhất thiết phải quan tâm để làm sao cho những người trẻ hơn có thể và cần phải tham gia vào quá trình sản xuất. Tôi cũng cho rằng, người ta nên đưa những người nhiều tuổi hơn khỏi những công việc nhất định mà tôi coi là không đòi hỏi trình độ. Bù lại, họ sẽ nhận được một khoản lương hưu, vì trước đây, trong một thời gian dài, họ đã thực hiện công việc một cách có hiệu quả, được xã hội thừa nhận.

Tôi cũng ủng hộ chủ trương dẹp bỏ các thành phố lớn. Tôi không ủng hộ việc định cư những người thuộc nhóm đặc biệt, chẳng hạn những người già vào trong các thành phố đặc biệt. Tôi phải nói rằng, đối với tôi, tư tưởng này là đáng ghê tởm.

Tôi cũng cho rằng, cần phải tránh sự chao đảo về giá trị đồng tiền, cụ thể bằng cách thay thế tiền vàng bằng đơn vị tiền tệ tương ứng với một lượng hàng hóa đa dạng, được ấn định theo tương quan sử dụng. Đó là một lượng hàng hóa như đã được Keynes đề nghị từ lâu, nếu tôi không nhầm. Khi vận dụng biện pháp này, người ta có thể chấp nhận một sự “lạm phát” nào đó đối với giá trị đồng tiền hiện nay, một khi người ta tin rằng, nhà nước thực sự sẽ biết sử dụng hợp lý món quà tặng được dành cho mình.

Theo quan niệm của tôi, các điểm yếu trong bản kế hoạch của ông chính là ở yếu tố tâm lý hoặc ở sự coi thường yếu tố này. Chủ nghĩa tư bản mang đến những tiến bộ không chỉ cho sản xuất, mà còn cho nhận thức. Đó không phải ngẫu nhiên. Thói ích kỷ và ganh đua (thật đáng tiếc) là những thế lực mạnh mẽ hơn là tinh thần cộng đồng hay ý thức trách nhiệm. Ở nước Nga, người ta thậm chí không có được một chiếc bánh mỳ đàng hoàng… Có lẽ tôi quá bi quan về những gì liên quan đến các doanh nghiệp của nhà nước và của các “tập thể” khác, nhưng tôi vẫn không trông đợi một cái gì tốt đẹp từ đó cả. Nạn quan liêu là Tử thần của mọi năng suất. Bản thân tôi đã nhìn thấy và nếm trải quá nhiều điều khủng khiếp, kể cả ở nước tương đối mẫu mực như là Thụy Sĩ.

Tôi có xu hướng cho rằng, nhà nước có thể thực sự có vai trò đối với quá trình sản xuất chỉ với tư cách là nhân tố hạn chế và điều tiết. Nhà nước phải quan tâm sao cho sự cạnh tranh của các lực lượng lao động được vận động trong các giới hạn lành mạnh, sao cho một sự phát triển bền vững được đảm bảo cho tất cả trẻ em và sao cho đồng lương lao động có đủ, để các hàng hóa được sản xuất ra cũng được sử dụng. Qua chức năng điều tiết của mình, nhà nước có thể có ảnh hưởng quyết định, nếu các biện pháp của nó được các chuyên gia độc lập chuẩn bị tốt về mặt chuyên môn nghiệp vụ.



Sản xuất và sức mua

 Tôi không nghĩ rằng, biện pháp chống lại các khó khăn hiện nay lại nằm chính ở nhận thức về năng lực sản xuất và tiêu thụ, bởi vì sự hiểu biết nói chung về điều này thường đến sau đó. Hơn nữa, đối với tôi, dường như điều bất cập ở nước Đức không phải ở sự phình ra quá mức của bộ máy sản xuất, mà ở việc thiếu sức mua của bộ phận lớn dân cư, những người bị loại bỏ ra khỏi quá trình sản xuất do quá trình hợp lý hóa sản xuất.

Theo ý kiến của tôi, nền tiền tệ được bảo đảm bằng vàng có bất lợi lớn ở chỗ, sự khan hiếm trữ lượng vàng tự động dẫn tới sự khan hiếm khối lượng tín dụng cũng như phương tiện thanh toán trong lưu thông. Giá cả và lương sẽ không thể thích ứng một cách nhanh chóng với sự khan hiếm này.

Theo tôi, phương tiện tất nhiên để loại bỏ tình trạng lộn xộn này là:

1) Giảm bớt thời gian lao động theo luật định tùy theo các loại ngành nghề, để loại trừ nạn thất nghiệp, kết hợp với việc xác định lương tối thiểu để điều tiết sức mua của nhân dân theo mức sản xuất hàng hóa có thể.

2) Điều tiết lượng tiền luân chuyển và khối lượng tín dụng bằng cách ổn định giá cả hàng hóa ở mức trung bình, trong khi hủy bỏ mọi sự bao cấp đặc biệt.

3) Hạn chế bằng pháp luật giá của những hàng hóa được tạo ra bởi sự độc quyền hoặc bởi tổ hợp doanh nghiệp thoát ly khỏi sự cạnh tranh tự do.

Vài suy nghĩ về cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới

 Nếu có một cái gì đó có thể đem lại can đảm cho một người không chuyên về lĩnh vực kinh tế để người đó có thể phát biểu ý kiến về bản chất của khó khăn kinh tế đáng lo ngại hiện nay, thì đó chỉ là sự hỗn độn tuyệt vọng của các ý kiến của những nhà chuyên môn mà thôi.

Điều tôi muốn nói cũng chẳng mới mẻ gì và cũng không gì hơn là sự thể hiện quan điểm của một con người độc lập và thẳng thắn - không bị trở ngại bởi những định kiến dân tộc và giai cấp - một người không mong muốn gì hơn là hạnh phúc của nhân loại và việc xây dựng cuộc sống của con người càng hài hòa càng tốt. Nếu tôi viết như thể tôi đã tin chắc về chân lý trong những phát biểu của mình, thì điều đó chỉ là để có được hình thức diễn đạt thoải mái hơn mà thôi, chứ không phải là biểu hiện của một sự tự tin không có cơ sở, hay là niềm tin vào tính chất không thể sai lầm của quan điểm tư duy mộc mạc của mình về các mối quan hệ rắc rối kỳ quặc trong thực tế.

Theo tôi, cuộc khủng hoảng này sở dĩ không có cùng tính chất của các khủng hoảng trước đó, là vì nó dựa trên cơ sở những quan hệ hoàn toàn mới lạ, tức là những quan hệ bị quy định bởi sự tiến bộ nhanh chóng của các phương pháp sản xuất: để sản xuất ra toàn bộ khối lượng sản phẩm tiêu dùng thiết yếu cho cuộc sống, thì chỉ cần tới có mỗi một phần nhỏ sức lao động con người có thể có mà thôi. Thực tế này tất yếu quy định nạn thất nghiệp trong một nền kinh tế hoàn toàn tự do.

Chính trong một nền kinh tế tự do, đa số người dân bị bắt buộc phải lao động để kiếm được số lương công nhật tối thiểu cho cuộc sống. Điều này có những lý do không cần phân tích ở đây. Vậy là trong hai chủ nhà máy cùng sản xuất chủng loại hàng hóa như nhau và với cùng điều kiện giống nhau, chỉ trụ lại người nào có khả năng sản xuất ra hàng hóa rẻ hơn khi thuê mướn ít công nhân hơn, tức là người nào ép buộc từng công nhân phải làm việc lâu và với cường độ lớn tới mức mà thể lực tự nhiên của con người có thể chịu đựng được. Từ đó dẫn tới một kết quả tất yếu là trong tình trạng phương pháp lao động hiện nay, chỉ có một phần sức lao động có thể được sử dụng. Trong khi bộ phận này bị khai thác một cách bất hợp lý, thì phần còn lại bị tự động loại trừ ra khỏi quá trình sản xuất. Vì thế mà số hàng hóa tiêu thụ và lợi nhuận bị giảm đi. Các doanh nghiệp đi đến phá sản về tài chính. Sự gia tăng mới của nạn thất nghiệp xảy ra theo và làm giảm sút lòng tin vào các doanh nghiệp và do vậy cũng làm giảm đi sự tham gia của công chúng vào các ngân hàng có vai trò trung gian, cuối cùng dẫn đến sự đánh mất khả năng thanh toán của các ngân hàng vì bị rút tiền gửi đột ngột và như thế dẫn tới sự đình trệ hoàn toàn của nền kinh tế.

Người ta cũng tìm kiếm các nguyên nhân khác để lý giải cuộc khủng hoảng mà sau đây chúng tôi muốn đưa ra:

Sản xuất thừa: ở đây người ta cần phải phân biệt hai sự việc, cụ thể là giữa sản xuất thừa thực và sản xuất thừa ảo. Tôi hiểu sản xuất thừa thực là một nền sản xuất cao tới mức nó vượt quá cầu. Điều này có lẽ đúng với công nghiệp sản xuất ô tô và lúa mì hiện nay ở Mỹ, mặc dù điều này vẫn còn đáng ngờ. Thông thường, người ta coi “sản xuất thừa” là tình trạng, trong đó một loại hàng hóa nào đó được sản xuất nhiều hơn là số có thể được bán ra trong các hoàn cảnh nhất định, mặc dù những người tiêu dùng vẫn không có đủ các mặt hàng tiêu dùng. Tôi gọi tình trạng ấy là nền sản xuất thừa “ảo”. Trong trường hợp này không phải thiếu cầu, mà là thiếu sức mua của người tiêu dùng. Nền sản xuất thừa ảo như thế chỉ là một cách diễn đạt khác cho cuộc khủng hoảng và do vậy không thể dùng để lý giải cho cuộc khủng hoảng này được: Người ta chỉ vận dụng những lý do ảo, khi người ta muốn quy trách nhiệm cho nền sản xuất thừa đối với cuộc khủng hoảng hiện nay mà thôi.

Bồi thường chiến tranh: Nghĩa vụ phải thanh toán tiền bồi thường chiến tranh đè nặng lên các nước mắc nợ và nền kinh tế của họ. Nó ép buộc các nước này phải xuất khẩu- phá giá và qua đó gây ra thiệt hại cho cả các nước chủ nợ. Điều đó là không thể chối cãi được. Song sự xuất hiện khủng hoảng trong nước Mỹ được bảo vệ bởi hàng rào thuế quan, chỉ ra rằng, điều này không thể là nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng thế giới. Cả sự khan hiếm vàng ở các nước mắc nợ do tác động của khoản bồi thường chiến tranh, cùng lắm cũng chỉ là một lý lẽ để hủy bỏ các chi trả ấy, chứ không thể được coi là lời giải thích cho cuộc khủng hoảng thế giới.

Việc thiết lập nhiều hàng rào thuế quan mới: sự gia tăng gánh nặng vũ trang không sinh lợi; sự bất an chính trị do nguy cơ chiến tranh tiềm tàng: tất cả những điều đó làm cho vị thế của châu Âu trở nên hết sức tồi tệ, khi không có sự can dự thực sự của nước Mỹ. Sự xuất hiện cuộc khủng hoảng tại Mỹ cho thấy rằng, điều này không thể là nguyên nhân quan trọng nhất gây khủng hoảng.

Sự sa sút của các cường quốc Trung Quốc và Nga: tổn thất này của nền kinh tế thế giới cũng không bộc lộ mạnh mẽ tại Mỹ, do vậy cũng không thể là nguyên nhân chủ yếu của cuộc khủng hoảng.

Sự phát đạt về kinh tế của các tầng lớp dưới từ khi có chiến tranh: sự phát đạt này chỉ có thể - nếu nó thực sự tồn tại - sinh ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, chứ không thể sinh ra tình trạng cung vượt quá cầu về hàng hóa được.

Tôi không muốn làm cho bạn đọc mệt mỏi khi tiếp tục liệt kê ra các lý lẽ nữa, các lý lẽ mà theo tôi không thể hiện bản chất của sự việc. Tôi chắc rằng, chính tiến bộ kỹ thuật được đưa ra nhằm giảm đi cho con người phần lớn gánh nặng lao động cần thiết cho sự bảo tồn của họ, là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng bần cùng hiện nay. Bởi vậy, có những người một cách hoàn toàn nghiêm túc muốn cấm đoán sự áp dụng những cải tiến kỹ thuật! Điều đó hiển nhiên là vô lý. Vậy chúng ta có thể tìm ra được giải pháp hợp lý hơn để thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan ấy như thế nào?

Giả sử người ta thành công, bằng một con đường nào đó để ngăn chặn tình trạng sức mua của dân chúng giảm đi dưới mức tối thiểu nhất định (được đo trong giá trị hàng hóa), thì người ta cũng không thể chấm dứt sự đình trệ như vậy của chu trình kinh tế, như chúng ta đã trải nghiệm hiện nay.

Phương pháp logic đơn giản nhất, song cũng đồng thời mạo hiểm nhất nhằm đạt tới tình trạng ấy, là nền kinh tế hoàn toàn có kế hoạch, nền sản xuất và phân phối các vật phẩm tiêu dùng thiết yếu nhất đối với cuộc sống thông qua cộng đồng. Đó là điều mà hiện nay về căn bản nước Nga đang thử nghiệm. Rất nhiều thứ phụ thuộc vào những kết quả mà cuộc thử nghiệm vĩ đại này mang lại. Mong muốn đưa ra những lời tiên tri ở đây có lẽ là quá tự tin. Vậy trong một hệ thống như thế, có thể tồn tại một nền sản xuất hàng hóa có tính chất kinh tế, giống như trong một hệ thống cho phép các cá nhân có được nhiều quyền chủ động hơn hay không? Hệ thống ấy nhìn chung có thể được duy trì mà không có sự khủng bố được sử dụng cho tới nay, sự khủng bố mà không một ai trong chúng ta, những người hướng về “phương Tây” muốn chịu đựng hay không? Một hệ thống kinh tế cứng đờ và tập trung hóa như thế có thiên về việc đóng kín cửa trước những đổi mới có lợi và thiên về nền kinh tế bảo hộ hay không? Song người ta cần phải tránh việc biến những thắc mắc như vậy trở thành định kiến làm cản trở việc đưa ra một nhận xét khách quan.

Riêng tôi cho rằng, nói chung những phương pháp như vậy cần được ưu tiên, khi chúng tôn trọng các truyền thống và các tập tục, khi điều này có thể dung hòa được với mục tiêu trước mắt nào đó. Nhưng tôi lại cho rằng, sự chuyển giao nhanh chóng quyền lãnh đạo sản xuất cho “bàn tay công cộng” vì quyền lợi của sản xuất hàng hóa là không có lợi; sáng kiến cá nhân cần có được không gian hoạt động, chừng nào bản thân nó dưới hình thức của các liên minh kinh tế, không bị loại bỏ.

Nhưng chắc chắn trong cả hai mối quan hệ, các hạn chế của nền kinh tế tự do là cần thiết: Thông qua các điều luật đối với các ngành sản xuất riêng biệt, cần phải rút ngắn thời gian lao động trong tuần xuống, sao cho nhờ đó nạn thất nghiệp được khắc phục một cách có hệ thống. Cần phải sử dụng định mức lương tối thiểu để làm sao cho sức mua của người làm công ăn lương tương ứng được với nền sản xuất.

Ngoài ra, trong các khu vực sản xuất, nơi người ta đã đạt được tính chất độc quyền nhờ sự tổ chức của người sản xuất, nhà nước cần phải kiểm soát sự định giá, nhằm duy trì sự tạo vốn trong các giới hạn hợp lý và ngăn cản nguy cơ làm giảm một cách giả tạo quá trình sản xuất và tiêu dùng.

Như vậy, họa chăng mới có thể có được trạng thái thăng bằng giữa sản xuất và tiêu dùng mà không gây ra những hạn chế quá lớn cho sáng kiến tự do, và đồng thời loại bỏ được ưu thế quá mức của người có quyền sở hữu về tư liệu sản xuất (đất đai, máy móc) so với những người làm công ăn lương trong nghĩa rộng.



Các triệu chứng bệnh hoạn của đời sống văn hóa

 Sự giao lưu tự do về tư tưởng và về các kết quả là cần thiết đối với sự phát triển lành mạnh của khoa học cũng như của đời sống văn hóa nói chung. Theo tôi, không thể nghi ngờ một thực tế là: việc can thiệp của cấp có thẩm quyền chính trị nước này vào sự giao lưu tự do về mặt tri thức giữa các cá nhân đã gây ra những tổn thất to lớn.

Trước tiên, tổn hại đó tác động kéo dài đối với năng lực khoa học thực sự; sau một thời gian, nó sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến toàn bộ các ngành sản xuất.

Hơn nữa, chúng ta thấy rõ được những can thiệp của cấp có thẩm quyền chính trị vào đời sống khoa học của quốc gia thông qua việc từ chối những chuyến đi nước ngoài của các học giả trong nước và những chuyến đi của các học giả nước ngoài tới Hoa Kỳ. Cách hành xử nhỏ nhen như thế của một cường quốc chỉ là cái triệu chứng bên ngoài của một căn bệnh trầm kha đáng sợ hơn.

Nhưng, sự can thiệp vào việc tự do công bố các kết quả khoa học bằng lời và văn bản, cách hành xử thiếu tin cậy của nhà nước dựa trên một tổ chức cảnh sát khổng lồ để chống lại cá nhân về phương diện chính trị, nỗi sợ hãi của mỗi người khi luôn phải lẩn tránh mọi điều có thể dẫn đến ngờ vực và qua đó có thể đe doạ đến sự tồn tại kinh tế của họ - tất cả những điều ấy bao giờ cũng chỉ là các triệu chứng đơn thuần, kể cả khi các triệu chứng như vậy thể hiện tính chất nguy hiểm của căn bệnh này một cách rõ ràng hơn.

Nhưng theo tôi, căn bệnh thực sự lại chính ở quan niệm được tạo ra bởi các cuộc chiến tranh thế giới, chi phối mọi điều trong tư tưởng: Trong hòa bình, chúng ta phải xây dựng toàn bộ cuộc sống của mình, kể cả đối với hoạt động của mình, sao cho trong trường hợp có chiến tranh, chúng ta nhất định là người chiến thắng.

Quan niệm đó dẫn đến quan niệm thứ hai: Người ta đang bị đe dọa bởi những kẻ thù hùng mạnh. Đó là sự đe dọa đối với tự do và thậm chí đối với sự tồn tại của mình.

Quan niệm đó lý giải tất cả những sự việc đáng ghê tởm mà ở trên chúng tôi đã gọi là các triệu chứng. Nếu như chúng không được khắc phục, thì tất yếu sẽ dẫn đến chiến tranh và do vậy dẫn tới sự huỷ diệt tất cả. Quan niệm này được biểu lộ chủ yếu qua ngân sách của Hoa Kỳ.

Chỉ khi nào chúng ta khắc phục được tình trạng cưỡng bức tư tưởng ấy, thì chúng ta mới có thể quay sang đề cập một cách hợp lý đến vấn đề chính trị thực sự: Chúng ta có thể góp phần như thế nào vào việc bảo vệ và cải thiện sự tồn tại của con người trên trái đất đã trở nên bé nhỏ này?

Tại sao việc đó lại là tất cả? Bởi vì chúng ta sẽ không thể thoát khỏi được các triệu chứng này hay các triệu chứng khác của căn bệnh, nếu chúng ta không thanh toán được căn bệnh thực sự.



Văn hóa và phồn thịnh

 Nếu người ta muốn đo lường thiệt hại do những thảm họa chính trị lớn trong sự phát triển văn hoá của con người mang lại, thì người ta cần phải nhớ rằng, văn hóa tựa như là một loài thảo mộc tinh tế luôn gắn kết với các điều kiện phức tạp.

Loài thảo mộc này chỉ có thể phát triển ở một số ít địa điểm mà thôi. Để có thể phát triển, trước hết, nền văn hóa đòi hỏi một sự sung túc nhất định, tạo điều kiện cho một bộ phận dân chúng của một nước nào đó có thể hoạt động trong những lĩnh vực không trực tiếp cần thiết cho việc duy trì cuộc sống.

Thêm vào đó, cần phải có truyền thống đạo đức về sự quý trọng những phúc lợi và thành tựu văn hóa, nhờ vào đó mà tầng lớp ấy mới có thể đem đến khả năng sống cho các tầng lớp khác đang lao động vì những nhu cầu trực tiếp của cuộc sống.

Trong các thế kỷ vừa qua, nước Đức thuộc về những quốc gia thực hiện được cả hai điều kiện ấy. Nhìn chung sự phồn thịnh còn khiêm tốn, nhưng vẫn đủ, còn truyền thống tôn trọng phúc lợi văn hóa cũng mạnh mẽ. Trên cơ sở đó, dân tộc này đã tạo ra những giá trị văn hóa không thể bỏ qua đối với sự phát triển hiện đại. Nói chung, ở đây truyền thống vẫn còn nguyên vẹn, còn sự phồn thịnh thì bị lung lay. Người ta đã lấy đi phần lớn những nguồn nguyên liệu để phục vụ cho nền công nghiệp của đất nước, mà trên cơ sở của nó bộ phận dân cư lao động công nghiệp mới xuất hiện. Phần dư thừa thiết yếu cho việc đảm bảo cuộc sống của những người đang tạo ra những giá trị tinh thần, bỗng nhiên bị thiếu hụt. Trong điều kiện tồn tại như vậy, truyền thống cũng phải suy vong và một trong những vườn ươm màu mỡ của văn hóa cũng trở nên hoang tàn.

Khi đánh giá cao những phúc lợi tinh thần, nhân loại rất quan tâm đến việc ngăn chặn tình trạng bần cùng hóa như vậy. Nhân loại sẽ khắc phục những yếu tố gây ra sự bần cùng tạm thời và sẽ thức tỉnh tình đoàn kết cao cả đã bị thói ích kỷ dân tộc đẩy lùi. Đối với tình đoàn kết ấy, những giá trị con người được thực hiện, không phụ thuộc vào chính trị và biên giới quốc gia nữa. Khi đó, nhân loại sẽ bảo đảm cho mỗi dân tộc những điều kiện lao động mà trên cơ sở ấy mỗi dân tộc mới có thể tồn tại và tạo ra các giá trị văn hóa.



Việc hợp tác trí tuệ

 Năm nay, các nhà chính trị có ảnh hưởng hàng đầu của châu Âu lần đầu tiên đã rút ra các kết luận từ việc nhận thức rằng, phần đất của chúng ta chỉ có thể lại phát triển thịnh vượng, nếu chấm dứt được cuộc đấu tranh ngấm ngầm chống lại nhau giữa các quốc gia truyền thống.

Tổ chức chính trị châu Âu cần phải được củng cố để dần dần loại bỏ các biên giới hải quan đang gây kìm hãm.

Mục tiêu lớn lao này không thể đạt được nếu chỉ thông qua các hiệp định giữa các quốc gia. Mục tiêu này đòi hỏi trước hết cả sự chuẩn bị về mặt tinh thần. Chúng ta phải hướng đến chỗ dần dần đánh thức tình cảm đoàn kết trong con người, một thứ tình cảm mà cho đến nay vẫn chỉ dừng lại ở biên giới quốc gia. Khi cân nhắc về điều này, Hội Quốc Liên đã cho ra đời “Ủy ban Hợp tác Trí tuệ” (“Commision de coopération intellectuelle”). Ủy ban này cần phải là một định chế tuyệt đối có tính quốc tế, hoàn toàn tách rời chính trị, có nhiệm vụ tạo ra một mối liên kết trên tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần giữa các vùng văn hóa dân tộc bị biệt lập bởi chiến tranh. Đó là một nhiệm vụ khó khăn, bởi vì - rất tiếc khi phải nói như vậy - ít nhất trong các nước mà tôi được biết rõ, các học giả và các văn nghệ sĩ lại bị ảnh hưởng nhiều bởi các khuynh hướng dân tộc hẹp hòi hơn là những người hoạt động thực tiễn.

Cho đến nay, ủy ban này họp hai lần trong một năm. Để thực hiện hoạt động của mình hiệu quả hơn, chính phủ Pháp đã quyết định thiết lập và duy trì một Viện Hợp tác Trí tuệ hoạt động thường xuyên. Viện này sẽ được khánh thành trong vài ngày tới. Đó là cử chỉ hào hiệp của nước Pháp, xứng đáng nhận được lời cảm ơn của tất cả mọi người.

Nếu chỉ tung hô và ca ngợi hoặc làm thinh về những gì mình chưa hài lòng hay không tán thành, thì thật là một việc làm dễ dàng và còn được cám ơn nữa. Nhưng, chỉ với sự thành thực, việc triển khai các nhiệm vụ của chúng ta mới được khích lệ. Vì vậy, khi chúc mừng sự thành lập của Viện này, tôi không e ngại đưa ra sự bình phẩm của mình:

Hàng ngày, tôi đều có cơ hội quan sát và nhận ra rằng, trở ngại lớn nhất mà hoạt động của ủy ban của chúng ta gặp phải, đó là tình trạng thiếu tin cậy vào tính khách quan chính trị của ủy ban này. Cần phải làm mọi điều để củng cố lòng tin cậy; và không nên làm những điều có thể gây tổn hại đến lòng tin cậy.

Nếu giờ đây, bằng kinh phí quốc gia, chính phủ Pháp thành lập và duy trì một Viện như là một cơ quan thường trực của ủy ban tại Paris với Viện trưởng là một người Pháp, thì điều này làm cho những người nhìn từ bên ngoài có ấn tượng rằng, ảnh hưởng của Pháp là nổi trội trong ủy ban. Ấn tượng ấy càng tăng thêm, khi cho đến nay, Chủ tịch của ủy ban cũng chính là người Pháp. Ấn tượng ấy vẫn tồn tại, mặc dù những nhân vật nói trên đều được tất cả mọi người ở khắp mọi nơi đánh giá cao và có được cảm tình sâu sắc nhất.

Dixi et salvi animam meam . Tôi hy vọng một cách chân thành rằng, Viện mới thành lập sẽ thành công trong việc hỗ trợ các mục tiêu chung trong sự hợp tác thường xuyên với ủy ban và giành được sự tin cậy và sự thừa nhận của những người lao động trí óc ở tất cả các nước.

Đức và Pháp

 Một sự hợp tác đầy tin cậy giữa Đức và Pháp chỉ có thể hình thành, khi đòi hỏi của Pháp về an ninh chống lại các cuộc tấn công quân sự được đáp ứng. Nếu Pháp đưa ra các yêu sách liên quan đến vấn đề này, thì một bước đi như thế chắc chắn bị tiếp nhận một cách tiêu cực ở Đức.

Tuy nhiên, dường như có thể hành động theo cách sau đây: Bản thân chính phủ Đức đề nghị với chính phủ Pháp cùng với mình đệ đơn lên Hội Quốc Liên. Hội Quốc Liên nên đề nghị tất cả các quốc gia thành viên đảm nhận các nghĩa vụ sau đây:

1) tuân thủ bất kỳ quyết định nào của Tòa án Trọng tài quốc tế;

2) bằng tất cả các phương tiện hỗ trợ về mặt kinh tế và quân sự của mình cùng với tất cả các quốc gia thành viên còn lại, tiến hành các biện pháp chống lại quốc gia nào phá hoại hòa bình hoặc không tuân theo quyết định quốc tế được đưa ra vì lợi ích của hòa bình thế giới.

Bàn về các nhóm thiểu số

Dường như có một thực trạng chung là các nhóm thiểu số bị các nhóm đa số xem như những nhóm người có giá trị thấp kém sống cùng, đặc biệt khi các thành viên của các nhóm thiểu số này có thể được nhận ra nhờ các đặc điểm về thể chất.

Bi kịch như thế của số phận không chỉ ở sự phân biệt đối xử theo bản năng đối với các nhóm này về quan hệ kinh tế và xã hội, mà còn ở chỗ, do những ảnh hưởng kích động của đa số, những người bị liên lụy bởi cách đối xử như vậy, phần lớn trở thành nạn nhân của các nhận định thành kiến và tự coi mình là thấp kém về giá trị. Vế thứ hai, vế lớn hơn trong điều bất hạnh này có thể bị loại trừ nhờ sự đoàn kết và nhờ sự giáo huấn có ý thức cho nhóm thiểu số và bằng cách đó có thể đạt được sự giải phóng về mặt tinh thần cho nhóm thiểu số.

Nỗ lực có ý thức của những người Mỹ da đen theo hướng này xứng đáng được thừa nhận và khích lệ.

Quốc tế khoa học

 Trong chiến tranh, khi sự mù quáng về mặt dân tộc và về mặt chính trị đã đạt đến đỉnh cao của nó, trong một phiên họp của Viện Hàn lâm, Emil Fischer đã nhấn mạnh: “Thưa các ngài! Các ngài chẳng thể làm gì được cả. Khoa học có và sẽ còn có tính quốc tế.”

Những người vĩ đại trong số các nhà nghiên cứu đã luôn biết rõ và cảm nhận được điều này một cách nhiệt thành, cho dù trong những thời kỳ có những rắc rối chính trị, họ bị cô lập trước các đồng nghiệp có tầm cỡ nhỏ hơn của mình.

Trong cuộc chiến tranh vừa qua, phần lớn những người có quyền bỏ phiếu trong tất cả các phe phái đã phản bội giá trị thiêng liêng đã được giao phó cho họ. Liên đoàn Quốc tế của các viện hàn lâm đã bị giải tán. Các đại hội đã và vẫn đang được tổ chức nhưng lại loại trừ các chuyên gia từ các nước thù địch trước kia. Những tính toán chính trị được đưa ra với vẻ quan trọng đang ngăn cản sự thống trị độc tôn của những khía cạnh thuần túy chuyên môn vì sự phát triển thịnh vượng cho những mục tiêu lớn.

Những người có thiện chí, những kẻ không chịu khuất phục trước những tranh cãi đầy cảm tính, nhất thời, phải làm gì để giành lại những gì đã mất? Người ta vẫn chưa thể tổ chức được những hội nghị có quy mô lớn, thực sự có tính quốc tế, khi phần lớn những người lao động trí óc vẫn đang còn ở tình trạng đầy kích động như thế. Sự phản kháng về mặt tâm lý chống lại sự phục hồi những nhóm làm việc chung về khoa học có tính quốc tế vẫn còn quá mạnh khiến một thiểu số những người có những quan điểm và tình cảm rộng lớn hơn khó có thể vượt qua được. Những người này có thể đóng góp vào những mục tiêu lớn là làm lành mạnh các hiệp hội quốc tế, bằng cách duy trì các mối quan hệ chặt chẽ với những người cùng chí hướng và trong phạm vi ảnh hưởng của mình kiên trì bảo vệ những lợi ích quốc tế chung. Thành công một cách tổng thể thì còn phải chờ, nhưng chắc chắn nó sẽ đến. Tôi không muốn bỏ qua cơ hội này, mà không muốn nhấn mạnh một cách tự hào rằng, trong suốt những năm gian khổ này, mong muốn duy trì cộng đồng lao động trí óc vẫn còn sống động, đặc biệt trong một số lượng lớn các đồng nghiệp chuyên môn người Anh. Ở đâu cũng vậy, những phát biểu chính thức bao giờ cũng tệ hơn là tình cảm trong nội tâm của mỗi con người. Những người có thiện ý nên ghi nhớ đều này và đừng nên tức giận hay để mình bị nhầm lẫn: “senatores boni viri, senatus autem bestia" .

Nếu tôi hoàn toàn lạc quan về tiến bộ của tổ chức quốc tế nói chung, thì điều này phụ thuộc nhiều vào vào sức ép gay gắt của sự phát triển kinh tế, hơn là vào lòng tin ở sự sáng suốt và cao thượng của chính kiến. Bởi vì sự phát triển kinh tế phụ thuộc rất lớn vào lao động trí óc của các nhà khoa học có tư tưởng khá chậm tiến, nên chính những người này dù miễn cưỡng, cũng góp sức vào việc tạo dựng tổ chức quốc tế.



Каталог: UploadDoc
UploadDoc -> Báo cáo thực tập tốt nghiệp LỜi mở ĐẦU
UploadDoc -> Ubnd huyện yên châu phòng giáo dục và ĐÀo tạO
UploadDoc -> GIÁO Án hội giảNG: Âm nhạc chủ ĐỀ: TẾt- mùa xuâN ĐỀ TÀI: Dạy hát : Bé chúc tết Nghe hát: Mùa xuân ơi Trò chơi: Hái lộc đầu xuân
UploadDoc -> Lời mở đầu 1 Chương 1: Sự phát triển của các hệ thống thông tin di động 3
UploadDoc -> ChuyêN ĐỀ ĐIỀu khiển tán sắC
UploadDoc -> I. objectives
UploadDoc -> * Cấu trúc bài gồm 3 phần
UploadDoc -> Trong khuôn khổ Hội nghị của fifa năm 1928 được tổ chức tại Amsterdam (Hà Lan), Henry Delaunay đã đưa ra một đề xuất mang tính đột phá đối với lịch sử bóng đá
UploadDoc -> Công nghệ rfid giới thiệu chung
UploadDoc -> Trường Đại Học Mỏ Địa Chất Khoa Dầu Khí Lời mở đầu

tải về 469.89 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương