Lới giới thiệu Thế giới như tôi thấy



tải về 469.89 Kb.
trang4/7
Chuyển đổi dữ liệu24.04.2018
Kích469.89 Kb.
#37084
1   2   3   4   5   6   7

Bàn về nghĩa vụ quân sự

Trích từ một bức thư

 Thay vì cho phép nước Đức áp dụng nghĩa vụ quân sự, tốt hơn hết là nên tước bỏ việc đề ra nghĩa vụ này ở tất cả các nước và trước hết không cho phép thành lập bất cứ đạo quân nào ngoài đạo quân đánh thuê, với quy mô và trang thiết bị quân sự sẽ được thỏa thuận sau.

Điều này thiết nghĩ cũng có lợi cho nước Pháp so với việc phải cho phép nghĩa vụ quân sự ở Đức. Nếu được, ta ắt sẽ ngăn chặn được tác động tâm lý đầy hiểm họa do việc giáo dục quốc phòng toàn dân gây ra và cũng như việc tước đoạt quyền hạn của cá nhân vốn gắn liền với nền giáo dục ấy.

Ngoài ra, đối với cả hai nước, khi đã thống nhất được với nhau về một tòa án trọng tài trong việc giải quyết ổn thỏa tất cả các vấn đề tranh chấp liên quan đến các mối quan hệ song phương, thì có thể sẽ dễ dàng hơn nhiều trong tức các đội quân đánh[việc hợp nhất các tổ chức của các quân nhân chuyên nghiệp   nói trên thành một tổ chức duy nhất bao gồm các cán bộ hỗn hợp. Đối với]thuê mỗi bên, điều này có thể giúp giảm nhẹ gánh nặng về mặt tài chính và lại bảo đảm được an ninh. Một quá trình hợp nhất như thế có thể phát triển thành các đội quân liên hiệp ngày càng lớn hơn và cuối cùng có thể đưa đến việc thành lập một cơ quan “cảnh sát quốc tế”. Cơ quan này sẽ nhỏ dần đi tùy theo mức độ tăng cường an ninh quốc tế.

Quý vị có muốn bàn bạc với những người bạn của chúng ta về kiến nghị này như một sự gợi ý hay không? Tất nhiên, tôi hoàn toàn không cố bám vào kiến nghị đặc biệt này. Theo tôi, điều cần thiết là chúng ta phải đưa ra những đề nghị tích cực. Nỗ lực phòng thủ thuần túy không thể hứa hẹn bất cứ sự thành công thực tế nào.

Diễn văn tại hội nghị sinh viên về giải trừ quân bị

 Diễn văn này được đọc vào khoảng năm 1930 trước các sinh viên Đức.Trong một nền khoa học và kỹ thuật phát triển cao, các thế hệ gần đây đã trao cho chúng ta một món quà cực kỳ quý giá, món quà mang theo những khả năng giải phóng và làm đẹp cho cuộc sống của chúng ta mà không thế hệ nào trước đây được hưởng.

Tuy nhiên, món quà này cũng mang đến cả những mối nguy hiểm cho sự tồn tại của chúng ta, những mối nguy hiểm chưa bao giờ đe dọa trầm trọng đến như thế.

Hơn bao giờ hết, số phận của nhân loại văn minh phụ thuộc vào những lực lượng có đạo đức mà nó có thể tập hợp được. Vì vậy, nhiệm vụ được đặt ra cho thời đại chúng ta không dễ dàng hơn những nhiệm vụ mà các thế hệ trước đây đã giải quyết.

So với trước đây, nhu cầu của con người về thực phẩm và hàng tiêu dùng có thể được đáp ứng chỉ bằng một chi phí nhỏ hơn nhiều về thời gian lao động. Tuy nhiên, cũng chính vì lẽ đó, vấn đề phân công lao động và phân phối các sản phẩm làm ra cũng trở nên khó khăn hơn nhiều. Tất cả chúng ta đều cảm thấy rằng, cuộc chơi tự do của các thế lực kinh tế, khát vọng quyền lực, khát vọng sở hữu vô trật tự và không được kìm chế của các cá nhân không còn tự động dẫn đến một giải pháp có thể chấp nhận được cho các vấn đề đó. Cần phải có một thể chế có kế hoạch trong việc sản xuất hàng hóa, trong việc sử dụng sức lao động và phân phối các sản phẩm làm ra, để ngăn ngừa tình trạng lãng phí những lực lượng lao động quý giá, có trình độ cao, ngăn ngừa tình trạng bần cùng hóa và tình trạng khánh kiệt của bộ phận lớn dân cư.

Một khi “thói ích kỷ” vô hạn trong đời sống kinh tế đưa đến những hậu quả đồi bại, thì chính nó sẽ còn là kẻ dẫn đường tồi tệ hơn cho các quan hệ giữa các dân tộc với nhau. Sự phát triển của kỹ thuật quân sự chính là một kiểu phát triển, trong đó cuộc sống của con người là không thể chịu đựng nổi, khi chưa sớm tìm thấy con đường để ngăn chặn các cuộc chiến tranh. Mục tiêu có tầm quan trọng đến như thế, nhưng những nỗ lực đã được thực hiện cho đến nay lại chưa đầy đủ.

Người ta tìm cách giảm nhẹ mối nguy hiểm đó bằng việc hạn chế vũ trang và thông qua các quy định hạn chế trong khi tiến hành chiến tranh. Chiến tranh không phải là một cuộc chơi tập thể, trong đó các bên tuân thủ một cách ngoan ngoãn luật chơi. Một khi liên quan đến sự sống còn, thì các quy định và nghĩa vụ của cuộc chơi trở nên bất lực! Chỉ có sự dẹp bỏ vô điều kiện mọi cuộc chiến tranh nói chung mới có thể cứu vãn được. Việc thiết lập một định chế trọng tài quốc tế là không đủ. Thông qua các hiệp ước phải tạo ra được sự đảm bảo rằng, các quyết định của cấp thẩm quyền này cùng được thực hiện bởi tất cả các quốc gia. Nếu không có sự đảm bảo chắc chắn đó, các quốc gia sẽ không bao giờ có đủ can đảm để giải trừ quân bị một cách nghiêm chỉnh.

Các bạn thử tưởng tượng xem, bằng cách đe dọa sẽ tẩy chay hàng hóa, chính phủ các nước Mỹ, Anh, Đức và Pháp đòi hỏi chính phủ Nhật Bản phải chấm dứt ngay lập tức các hoạt động chiến tranh chống lại Trung Quốc! Vậy, các bạn có tin rằng, ở Nhật Bản sẽ tìm ra được một chính phủ lại muốn đẩy đất nước mình vào một cuộc phiêu lưu nguy hiểm đến thế không? Tại sao điều này lại không xảy ra? Tại sao mỗi con người, mỗi quốc gia lại cứ run sợ cho sự tồn vong của mình? Bởi vì ai nấy đều đi tìm lợi thế thảm hại nhất thời của mình và không chịu bắt nó phục tùng lợi ích và sự phát triển của cộng đồng.

Vì vậy, như tôi đã nói với các bạn lúc đầu rằng, số phận của nhân loại ngày hôm nay phụ thuộc vào các lực lượng có đạo đức của mình nhiều hơn bao giờ hết. Ở đâu cũng vậy, khước từ và tự hạn chế là con đường dẫn tới cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc.

Các lực lượng ủng hộ cho một sự phát triển như vậy có thể đến từ đâu? Chỉ đến từ những người mà ngay từ trẻ đã có cơ hội tăng cường tinh thần và mở rộng tầm nhìn thông qua học tập và nghiên cứu. Chúng tôi, thế hệ đi trước trông đợi ở các bạn và hy vọng ở các bạn một điều là các bạn bằng những khả năng tốt nhất của mình sẽ hướng tới và sẽ đạt được những gì mà chúng tôi đã không làm nổi



Vấn đề của chủ nghĩa hòa bình

Thưa các quý bà, quý ông!

 Tôi rất vui mừng là quý vị đã cho tôi cơ hội được nói đôi lời với quý vị về vấn đề của chủ nghĩa hòa bình. Sự tiến triển trong những năm qua đã một lần nữa cho thấy rằng, chúng ta hầu như không được phép giao phó cho các chính phủ cuộc đấu tranh chống lại các hoạt động chạy đua vũ trang và các quan điểm hiếu chiến.

Song ngay cả việc thành lập các tổ chức lớn gồm nhiều thành viên cũng chỉ giúp chúng ta phần nào trong việc tiếp cận đến mục tiêu này.

Theo quan điểm của tôi, ở đây, tốt nhất là thái độ khước từ quân dịch bằng cách phản đối, dựa vào sự hậu thuẫn của các tổ chức bênh vực cả về vật chất lẫn tinh thần cho những người dũng cảm chống quân dịch ở từng nước. Như thế, chúng ta có thể đi đến chỗ làm cho vấn đề của chủ nghĩa hòa bình trở nên cấp thiết, trở thành một cuộc đấu tranh thực sự khiến cho cho cả những người có cá tính mạnh mẽ cảm thấy được lôi cuốn. Đây là một cuộc đấu tranh không hợp pháp, nhưng là cuộc đấu tranh vì quyền thực sự của con người chống lại chính phủ của họ, chừng nào các chính phủ này vẫn còn đòi hỏi các công dân của họ phải thực hiện những hành động tội ác.

Nhiều người coi mình là những người tích cực theo chủ nghĩa hòa bình, nhưng lại không tham gia vào một chủ nghĩa hòa bình triệt để như vậy, bởi họ viện dẫn tới các lý do của chủ nghĩa yêu nước. Không thể trông mong gì ở những người này trong những giờ phút nguy nan. Cuộc chiến tranh thế giới đã chứng minh quá đủ cho điều ấy.

Tôi xin chân thành cảm ơn quý vị đã cho tôi cơ hội được trình bày bằng miệng quan điểm của mình.



Hướng đến việc loại bỏ nguy cơ chiến tranh

 Bài này được Einstein viết xong ngày 20.9.1952 và được đăng trên tạp chí Keizo, Nhật Bản, số mùa thu năm đó.Sự tham gia của tôi vào việc sản xuất bom nguyên tử là chỉ ở một hành động duy nhất: tôi đã ký vào bức thư gửi tổng thống Roosevelt trong đó đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành các thí nghiệm ở quy mô lớn để nghiên cứu khả năng chế tạo một quả bom nguyên tử.

Tôi đã thực sự ý thức được mối nguy hiểm khủng khiếp cho nhân loại một khi việc này thành công. Chính sự phỏng đoán rằng, trong vấn đề này, người Đức có thể nghiên cứu với triển vọng thành công đã buộc tôi phải thực hiện bước đi này. Tôi đã không còn lựa chọn nào khác, dù tôi luôn là một người theo chủ nghĩa hòa bình một cách đầy tin tưởng. Tàn sát trong chiến tranh theo quan niệm của tôi chẳng có gì tốt đẹp hơn so với việc giết người thông thường.

Tuy vậy, chừng nào các quốc gia chưa kiên quyết loại bỏ chiến tranh thông qua các hành động chung và giải quyết các cuộc xung đột và bảo vệ những lợi ích của mình bằng các quyết định hòa bình dựa trên cơ sở luật pháp, thì họ sẽ cảm thấy cần phải chuẩn bị một cuộc chiến tranh. Rồi họ lại cảm thấy cần phải chuẩn bị tất cả các phương tiện, kể cả các phương tiện đáng kinh tởm nhất để không bị qua mặt trong cuộc chạy đua vũ trang nói chung. Con đường đó tất yếu dẫn đến chiến tranh. Trong các mối tương quan hiện nay, chiến tranh có nghĩa là sự hủy diệt tất cả.

Trong tình hình đó, việc dùng phương tiện để chống lại phương tiện không có triển vọng thành công. Chỉ có việc dẹp bỏ triệt để các cuộc chiến tranh và nguy cơ chiến tranh mới có thể giúp giải quyết vấn đề. Muốn vậy, cần phải hành động và quyết tâm không để cho mình bị ép buộc phải hành động đi ngược lại với mục tiêu này. Đây là một đòi hỏi khắt khe đối với cá nhân ý thức được tình trạng phụ thuộc xã hội của mình. Nhưng tuyệt nhiên đó không phải là một đòi hỏi không thể thực hiện được.

Gandhi, bậc thiên tài chính trị vĩ đại nhất của thời đại chúng ta đã vạch ra con đường và cho thấy: con người sẽ có khả năng hy sinh lớn đến thế nào một khi họ đã nhận ra con đường đúng. Sự nghiệp giải phóng Ấn Độ của ông là một bằng chứng sinh động cho thấy: ý chí được xác tín một cách vững chắc còn mạnh hơn cả thế lực vật chất tưởng chừng như không thể vượt qua được.



Phần II: Chính trị và chủ nghĩa hòa bình  

Hòa bình

 Những nhân vật thực sự lỗi lạc thuộc các thế hệ trước đây đã nhận ra tầm quan trọng của mục tiêu giữ gìn hòa bình thế giới.

Tuy vậy, sự phát triển của kỹ thuật trong thời đại chúng ta làm cho định đề đạo đức này trở thành một vấn đề sống còn đối với nhân loại hiện đã được văn minh hóa như ngày nay và khiến cho sự tham gia tích cực vào việc giải quyết vấn đề hòa bình trở thành một vấn đề lương tâm mà không một người nào có ý thức về trách nhiệm luân lý có thể lảng tránh.

Cần làm rõ rằng, những tập đoàn đầy quyền lực của nền công nghiệp đã tham gia sản xuất vũ khí ở tất cả các nước đang đi ngược lại việc giải quyết hòa bình các vấn đề tranh chấp quốc tế, rằng những nhà cầm quyền chỉ có thể đạt được mục tiêu quan trọng này, nếu như họ dám chắc có được sự ủng hộ tích cực của đa số dân chúng. Trong thời đại của hình thức chính quyền dân chủ hiện nay của chúng ta, số phận của các dân tộc phụ thuộc vào chính họ. Mỗi cá nhân cần phải luôn ghi nhớ điều này.



Trả lời phụ nữ Mỹ

 Một hội phụ nữ Mỹ cho rằng họ cần phản đối chuyến thăm của Einstein tới đất nước họ. Họ nhận được câu trả lời như sau:

Chưa bao giờ tôi bị phái đẹp khước từ mạnh mẽ đến vậy; và trường hợp đó nếu có xảy ra thì cũng chưa khi nào có nhiều người cùng lúc đến thế.

Nhưng họ làm thế là đúng quá đi chứ, ôi những nữ công dân đầy cảnh giác. Làm sao người ta lại có thể cho phép một gã đàn ông vào nhà, kẻ vốn thích nhai nuốt ngấu nghiến bọn tư bản ngoan cố một cách ngon lành và thỏa mãn y hệt như con quái vật Minotaurus nhai nuốt các thiếu nữ đồng trinh Hy Lạp thơm tho vậy; mà kẻ đó lại còn bỉ ổi đến mức từ chối mọi cuộc chiến tranh, trừ cuộc chiến với chính vợ của y? Vậy nên, hãy nghe lời đám quần thoa khôn ngoan và ái quốc của quý vị đi và quý vị hãy nhớ rằng ngay cả thủ phủ của đế chế La Mã hùng mạnh cũng đã từng được cứu là nhờ tiếng kêu cạp cạp của những con ngỗng trung thành!



Lời chúc mừng gửi nhà phê bình

 Có óc quan sát độc lập, cảm nhận và đánh giá không phụ thuộc vào các loại mốt thời đại; có thể diễn đạt điều mình thấy và cảm chỉ bằng một câu sắc gọn hoặc một từ chuẩn xác - như thế chẳng phải là tuyệt vời lắm sao? Người ta có cần phải chúc tụng gì thêm nữa không?



Cảm nhận đầu tiên của tôi về nước Mỹ

Tôi phải thực hiện lời hứa của mình, ấy là viết đôi điều cảm nhận về đất nước này. Mà điều đó với tôi lại không dễ dàng. Bởi người ta thật không dễ đặt mình vào vị trí của người quan sát khách quan nếu người ta được tiếp đón với quá nhiều tình cảm và sự trọng thị như tôi khi tới Mỹ.



Đầu tiên là đôi lời thế này:

Trong mắt tôi, sự sùng bái cá nhân luôn có gì đó thiếu công bằng. Đúng là Đấng tạo hóa ban phát cho những đứa con của mình mỗi người không giống nhau về năng lực. Nhưng, ơn Ngài, số người được hưởng may mắn vẫn nhiều lắm, và tôi tin rằng phần lớn trong số họ vẫn sống những cuộc đời thầm lặng, chẳng mấy ai biết đến. Đối với tôi, thật là thiếu công bằng, vâng, thậm chí khá nhạt nhẽo, nếu trong số đó lại có vài người được ngưỡng mộ quá đáng, được khoác cho những phẩm chất thần thánh về trí tuệ và nhân cách. Thế mà chính điều đó lại xảy ra với số phận tôi, dẫn tới sự đối nghịch kệch cỡm giữa những điều mà người ta nói về năng lực và thành tựu của tôi với điều mà tôi thực chất là và muốn là. Ý thức về mối tương quan kỳ cục này khiến tôi không chịu đựng nổi, nếu bên cạnh đó không có một niềm an ủi đẹp đẽ, một tín hiệu vui mừng cho cái thời đại bị coi là chỉ biết chạy theo vật chất này: Người ta dựng lên những người hùng mà mục đích của những người hùng này chỉ là hướng tới trí tuệ và đạo đức. Điều đó chứng tỏ, tri thức và lẽ phải vẫn được một số đông người đánh giá cao hơn tài sản và quyền lực. Kinh nghiệm của tôi cho biết rằng, thái độ sống lý tưởng này hiện hữu ở một phần rất đông dân chúng Mỹ - đất nước vốn bị coi là đặc biệt chạy theo vật chất này. Sau những lời vòng vo trên, tôi xin trở lại chủ đề chính với hy vọng rằng, người ta sẽ không đánh giá quá đáng những phát biểu khiêm nhường của tôi hơn mức nó vốn thế.

Điều đầu tiên khiến những vị khách phải kinh ngạc khi đến đất nước này là sự vượt trội về kỹ nghệ và tổ chức. Những đồ dùng hàng ngày được làm bền hơn ở châu Âu, nhà cửa thì được xây cất thực dụng hơn hẳn. Tất cả đều nhằm mục đích tiết kiệm sức lao động. Ở đây, sức lao động đắt đỏ bởi mật độ dân số là thấp so với diện tích và tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Chính giá thành lao động cao đã kích thích sự phát triển mạnh của các phương tiện trợ giúp về kỹ thuật và phương pháp làm việc. Ta hãy xem trường hợp ngược lại: ở các nước có mật độ dân số quá cao như Trung Quốc và Ấn Độ, giá thành lao động thấp đã cản trở sự phát triển của các phương tiện trợ giúp về kỹ thuật như thế nào. Châu Âu thì ở giữa hai thái cực đó. Khi máy móc đã đủ phát triển, rốt cuộc nó sẽ còn rẻ hơn cả sức lao động vốn còn đang rẻ mạt. Những kẻ phát xít ở châu Âu - những kẻ vì lý do chính trị hẹp hòi đang kêu gọi sự gia tăng dân số ở đất nước họ - hẳn sẽ nghĩ như vậy. Có điều, ấn tượng hẹp hòi ấy lại khá giống với nỗi sợ của nước Mỹ trong việc chống nhập hàng hóa bằng việc thông qua đạo luật về thuế nhập khẩu... Song cũng chẳng nên đòi hỏi ở một người khách vô tư rằng ông ta phải đau đầu với những câu hỏi; mà rốt cuộc cũng chẳng có gì chắc chắn rằng với câu hỏi nào cũng có một câu trả lời hợp lý.

Điều thứ hai khiến những vị khách chú ý là thái độ sống vui vẻ, tích cực của dân chúng. Nụ cười tươi trên những bức ảnh là biểu tượng cho một trong những điểm mạnh nhất của người Mỹ. Người Mỹ vui vẻ, tự tin, lạc quan và - không tị hiềm. Người châu Âu luôn cảm thấy dễ chịu và tự nhiên khi tiếp xúc với người Mỹ.

Người châu Âu ngược lại: có óc phê phán mạnh hơn, ý thức cá nhân cao hơn, nhưng ít hảo tâm hơn và ít giúp người hơn; họ có đòi hỏi cao hơn trong các hoạt động giải trí, và trong học thuật thì ít nhiều có vẻ bi quan hơn.

Sự thoải mái và tiện nghi có một vị trí lớn ở Mỹ. Vì chúng mà họ sẵn sàng hy sinh sự yên tĩnh, sự ung dung và cả sự an nhàn. Người Mỹ sống vì tương lai nhiều hơn người châu Âu. Cuộc sống với họ luôn là cái đang hình thành, chứ không phải cái đang tồn tại. Theo nghĩa đó, họ còn khác xa so với người Nga hay người châu Á hơn cả người châu Âu.

Nhưng có một điểm mà người Mỹ giống với người châu Á hơn là người châu Âu. Đó là họ ít có tính cá nhân hơn người châu Âu - nếu ta chỉ quan sát từ góc độ tâm lý chứ không phải từ góc độ kinh tế.

Ở đây, cái "chúng ta" được nhấn mạnh hơn cái "tôi". Điều này liên quan đến thực tế là phong tục và tập quán xã hội rất được coi trọng ở Mỹ. Có nhiều điểm tương đồng trong quan niệm sống cũng như trong quan niệm về đạo đức và sở thích riêng giữa các cá nhân hơn hẳn ở châu Âu. Được như vậy là nhờ nước Mỹ mạnh hơn hẳn châu Âu về kinh tế. Ở đây, việc cộng tác và phân chia công việc một cách hiệu quả diễn ra dễ dàng và trôi chảy hơn ở châu Âu, dù đó là trong công xưởng, trong trường đại học hay trong các việc từ thiện tư nhân. Thái độ ứng xử xã hội tốt đẹp đó một phần nhờ là vào truyền thống Anh.

Nhưng ngược lại, vai trò của nhà nước ở Mỹ có vẻ không mạnh lắm so với ở châu Âu. Người châu Âu ngạc nhiên thấy rằng, điện tín, điện thoại, đường sắt và trường học ở Mỹ phần lớn nằm trong tay các tổ chức tư nhân. Điều đó có thể xảy ra là nhờ vào thái độ xã hội tích cực nói trên của các cá thể. Và thái độ ấy khiến cho sự khác biệt quá lớn về tài sản không dẫn tới sự cùng quẫn của một bộ phận dân chúng. Ý thức trách nhiệm xã hội của các ông chủ ở đây phát triển cao hơn hẳn ở châu Âu. Họ xem chuyện cống hiến một phần lớn tài sản, và thường là cả sức lực của họ nữa, cho công việc xã hội là đương nhiên. Dư luận xã hội (vốn rất mạnh mẽ!) đòi hỏi họ phải làm thế. Điều đó dẫn tới thực tế là người ta có thể trao những nhiệm vụ quan trọng nhất về văn hóa vào tay các tổ chức tư nhân và vai trò của nhà nước trở nên rất hạn chế.

Uy tín của quyền lực nhà nước chắc chắn còn giảm đi rõ rệt vì "đạo luật cấm rượu". Bởi đối với uy tín của nhà nước và luật pháp, không có gì nguy hiểm cho bằng việc nó đưa ra những đạo luật mà nó không đủ sức cưỡng chế. Đây là một bí mật công khai, vì sự phát triển đáng lo ngại về tội phạm ở đất nước này có liên hệ chặt chẽ với thực tế đó.

Trong một quan hệ khác, "đạo luật cấm rượu", theo tôi, cũng dẫn tới sự suy yếu nhà nước. Quán xá là nơi cho người ta có cơ hội để trao đổi suy nghĩ và bày tỏ ý kiến về những sự kiện công cộng. Tôi thấy ở đất nước này, người ta có vẻ thiếu những cơ hội như vậy, khiến báo chí bị lũng đoạn bởi các nhóm thiểu số có ảnh hưởng quá mạnh đến công chúng.

Thái độ quá coi trọng đồng tiền ở đất nước này vẫn còn mạnh hơn ở châu Âu, nhưng tôi thấy nó có vẻ đang giảm đi. Chắc hẳn là nhận thức này đã chiến thắng: để có một cuộc sống hạnh phúc và hữu ích, không cần phải có quá nhiều của cải.

Về khía cạnh nghệ thuật, tôi đã bày tỏ sự ngưỡng mộ chân thành trước cái gu thẩm mỹ cao trong các công trình xây dựng hiện đại cũng như trong các vật dụng hàng ngày; ngược lại tôi thấy rằng, nghệ thuật tạo hình và âm nhạc không tìm được đất sống trong lòng dân chúng như ở châu Âu.

Tôi thán phục thành tựu của các cơ sở nghiên cứu khoa học. Ở châu Âu, người ta đang tìm cách giải thích một cách vô lý rằng sự vượt trội ngày càng tăng về nghiên cứu khoa học của Mỹ hoàn toàn chỉ là do người Mỹ có nhiều tiền của hơn; nhưng sự tận tâm, lòng kiên nhẫn, tinh thần đồng nghiệp và thiện chí cộng tác cũng giữ một vai trò quan trọng trong những thành công ấy chứ. Cuối cùng, thêm một nhận xét nữa! Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ là cường quốc phát triển nhất về kỹ thuật hiện nay. Ảnh hưởng của nó vào việc thiết kế các mối quan hệ quốc tế là gần như không thể lường trước được. Nước Mỹ rộng lớn là thế, nhưng lâu nay dân chúng lại ít quan tâm đến các vấn đề lớn của cộng đồng quốc tế, mà vấn đề hàng đầu hiện nay là vấn đề giải trừ quân bị. Điều đó cần phải thay đổi, vì chính lợi ích thiết thân của người Mỹ. Cuộc chiến vừa qua đã cho thấy, không còn sự phân cách giữa các lục địa nữa, mà số phận của tất cả các quốc gia ngày nay đã gắn chặt với nhau. Bởi thế cần làm thấu suốt rằng, dân chúng đất nước này mang một trách nhiệm lớn trong lĩnh vực chính trị quốc tế. Vị trí của kẻ khoanh tay đứng nhìn không xứng đáng với đất nước này và lâu dài sẽ trở nên nguy hiểm với tất cả mọi người.



Đám nhà báo

Trích từ một bức thư riêng

 Khi ta bị tính sổ công khai về tất cả những gì ta đã nói dù trong khi vui đùa, khi cao hứng hay khi bực bội nhất thời, thì điều đó tuy thật phiền hà, song ở chừng mực nhất định cũng là hợp lý và tự nhiên. Nhưng nếu ta bị tính sổ công khai về những điều người khác đã nhân danh ta để nói và ta không có cách gì để khả dĩ tự vệ được, thì tình cảnh ấy thật thê thảm.

"Vậy ai mà khổ sở vậy?", anh sẽ hỏi. Vâng, bất kỳ ai đủ nổi tiếng và bị đám nhà báo thăm hỏi. Anh cười vì không tin ư? Nhưng tôi đã trải nghiệm đủ rồi, để tôi kể anh nghe.

Anh hãy tưởng tượng: một buổi sáng kia, một tay phóng viên đến gặp anh và vui vẻ hỏi rằng, liệu anh có thể nói đôi điều về ông N. bạn anh được không. Thoạt tiên có thể anh sẽ cảm thấy phẫn nộ vì một câu hỏi như vậy. Song anh nhanh chóng nhận ra rằng, sẽ chẳng có cách nào để chạy thoát. Bởi nếu anh từ chối trả lời, tay phóng viên sẽ viết: "Tôi đã hỏi một trong những người bạn gọi là thân nhất của N., nhưng ông này đã khéo léo từ chối. Mong độc giả tự rút ra những kết luận hiển nhiên từ thái độ ấy". Vì không có cách nào để chạy thoát, anh trả lời như sau:

"Ông N. là một nhân cách hào hiệp, thẳng thắn, được tất cả bạn bè quý mến. Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, ông cũng nhìn ra được mặt tốt. Ông là người chịu khó và đảm nhận được rất nhiều việc cùng lúc; nghề của ông đòi hỏi ông phải dành hết tâm sức cho công việc. Ông là người yêu gia đình, luôn dành cho vợ tất cả những gì ông có..."

Bài viết của tay nhà báo: "N. không thực sự coi trọng điều gì và có tài lấy lòng tất cả mọi người, hơn nữa lúc nào ông cũng đóng vai một người dễ dãi và mềm mỏng. Ông thuộc loại nô lệ cho công việc, đến mức không bao giờ nghĩ tới những chuyện riêng tư hay tham gia vào một hoạt động tinh thần nào khác. Chiều chuộng vợ hết mực, ông là tên đầy tớ ngoan ngoãn phụng sự cho các nhu cầu của bà ấy...".

Ở một tay nhà báo đích thực, bài viết sẽ còn giật gân hơn thế nhiều, nhưng với anh và với ông N. bạn anh thì như thế có lẽ đã đủ. Ông ấy sẽ đọc những điều kể trên vào buổi sáng ngày mai trên báo, và sự giận dữ của ông ta với anh sẽ là vô giới hạn, dù về bản chất ông ta có tốt bụng và vui tính đến đâu đi nữa. Nỗi đau khổ của ông ta sẽ làm anh đau đớn không nói ra được, vì trong thâm tâm anh vốn quý mến ông ta.

Anh sẽ làm gì trong trường hợp này, bạn thân mến của tôi? Nếu anh nghĩ ra được cách gì, hãy báo ngay cho tôi biết nhé, để tôi có thể lập tức bắt chước cách của anh.



Bertrand Russell và tư duy triết học

 Tiểu luận dưới đây được Einstein viết cho lời tựa tập 5 của tuyển tập "Library of Living Philosophers" do Giáo sư A. Schilpp chủ biên, xuất bản lần đầu năm 1946, đề cập riêng về triết học Bertrand Russell, đặc biệt là tác phẩm "An Inquiry into Meaning and Truth" xuất bản năm 1940.

Khi hội đồng biên tập đề nghị tôi viết chút gì đó về Bertrand Russell, thì vì sự ngưỡng mộ và kính trọng của tôi đối với tác giả, tôi đã nhận lời ngay lập tức. Nhờ đọc các tác phẩm của ông, tôi đã được hưởng biết bao giờ hạnh phúc, điều mà tôi - ngoại trừ về Thorstein Veblen - khó có thể nói khi đọc bất kỳ cây bút khoa học đương thời nào khác. Song tôi đã nhanh chóng nhận ra rằng, đưa ra một lời hứa thường dễ hơn là thực hiện nó.

Tôi đã hứa, sẽ viết gì đó về Russell như về một triết gia và một nhà nhận thức luận. Và khi tôi đầy tự tin bắt tay vào việc, tôi sớm nhận ra rằng, một người bấy lâu chỉ cẩn trọng dừng lại trong địa hạt vật lý như tôi đã liều lĩnh biết bao khi dám đặt chân vào một lĩnh vực hóc búa như vậy. Có thể hầu hết những điều tôi sắp trình bày sau đây là ngây ngô với những người am hiểu. Song tôi tự an ủi mình bằng ý nghĩ, một người với kinh nghiệm tư duy trong một lĩnh vực khác như tôi bao giờ cũng được ưu ái hơn so với người hoàn toàn không suy tư hay chỉ suy tư ít ỏi.

Trong quá trình phát triển của tư duy triết học những thế kỷ qua, câu hỏi sau đây đóng vai trò chủ đạo: Những nhận thức nào có thể được mang lại từ tư duy thuần túy, không phụ thuộc vào những ấn tượng cảm tính? Liệu có thể có những nhận thức như vậy không? Nếu không, nhận thức của chúng ta có quan hệ như thế nào với những chất liệu thô do những ấn tượng cảm tính của giác quan cung cấp. Các câu hỏi đó, và một số câu hỏi khác có liên hệ chặt chẽ với chúng tương ứng với một trường hỗn loạn hầu như không thể bao quát hết được của nhiều quan điểm triết học khác nhau. Trong những nỗ lực dũng cảm nhưng tương đối vô bổ này, dù sao cũng dễ nhận ra một vệt phát triển có hệ thống, đó là: sự hoài nghi ngày càng gia tăng trước mọi thử nghiệm theo hướng "tư duy thuần túy", hòng nắm bắt được điều gì đó về "thế giới khách quan" và thế giới "sự vật", đối lập với thế giới "của những biểu tượng và tư tưởng" đơn thuần. Độc giả cho phép tôi nói trong ngoặc kép rằng: ở đây cũng như nơi một triết gia đích thực, dấu ngoặc kép ("") được dùng khi muốn du nhập một khái niệm không chính đáng, và mong bạn đọc tạm thời cho phép, mặc dù nó còn khả nghi trước con mắt cú vọ của triết học.

Niềm tin cho rằng, chỉ cần tư duy thuần túy là có thể tìm ra mọi tri thức đáng giá trên đời, niềm tin ấy khá phổ biến trong buổi đầu của triết học. Đó đã là một ảo tưởng mà bất kỳ ai cũng dễ dàng nhận ra nếu anh ta, trong một phút giây, tạm quên đi những gì anh ta đã học được từ triết học và khoa học tự nhiên sau này. Anh ta ắt sẽ không ngạc nhiên khi thấy Plato quy cho "ý niệm" một dạng thực tại cao hơn so với những sự vật có thể được nhận biết một cách thường nghiệm. Cả ở Spinoza và cho tới tận Hegel, định kiến này có vẻ vẫn còn giữ vai trò chủ đạo với tất cả sức mạnh sống động của nó. Có thể ai đó thậm chí sẽ đặt ra câu hỏi: Nếu không có một ảo tưởng như thế thì liệu có thể tạo ra được cái gì đó vĩ đại trong lĩnh vực tư duy triết học? Song về phần mình, chúng tôi không muốn đặt ra một câu hỏi như vậy.

Cái ảo tưởng nặng vẻ quý tộc về sức mạnh thâm nhập vô biên đứng đối đầu lại với cái ảo tưởng nặng vẻ bình dân về một thuyết duy thực ngây thơ, theo đó, sự vật "tồn tại" y hệt như khi ta tri giác chúng bằng giác quan. Ảo tưởng này chi phối hoạt động thường nhật của con người và thú vật. Nó cũng là khởi điểm của các khoa học, nhất là các khoa học tự nhiên.

Việc vượt qua hai ảo tưởng trên không độc lập với nhau. So ra, việc vượt qua thuyết duy thực ngây thơ là đơn giản hơn. Russell đã khắc họa quá trình này một cách đầy ấn tượng trong phần dẫn nhập của cuốn "An Inquiry into Meaning and Truth" của ông như sau:

"Chúng ta đều bắt đầu bằng 'thuyết duy thực ngây thơ', nghĩa là bắt đầu bằng học thuyết cho rằng, sự vật tồn tại như nó xuất hiện ra [trước giác quan của ta]. Chúng ta thừa nhận rằng, cỏ thì xanh, tuyết thì lạnh và đá thì cứng. Nhưng vật lý học lại cam đoan với ta rằng, cái xanh của cỏ, cái lạnh của tuyết và cái cứng của đá không phải y hệt với cái xanh, cái lạnh và cái cứng mà chúng ta biết theo kinh nghiệm, mà là một cái gì đó khác hẳn. Nếu chúng ta tin vào vật lý học, chúng ta sẽ thấy rằng, khi một người quan sát cho rằng mình đang quan sát một hòn đá, thì nghĩa là trên thực tế, anh ta đang quan sát những tác động của hòn đá vào chính mình. Có vẻ như khoa học đang tự mâu thuẫn với chính nó: khi nó tự cho mình là khách quan cực độ, thì, trái với mong muốn của nó, nó lại chìm ngập trong tính chủ quan. Thuyết duy thực ngây thơ dẫn đến vật lý học; và vật lý học, về phần mình, lại chỉ ra rằng thuyết duy thực ngây thơ này, bao lâu nó cứ triệt để như thế, là sai lầm. Sai về logic; nghĩa là sai."

Không kể đến lối hành văn bậc thầy, những dòng chữ trên nói lên một điều gì mà trước đó tôi chưa hề nghĩ đến. Lối tư duy của Berkeley và Hume, nếu chỉ nhìn một cách hời hợt, có vẻ đối lập lại với lối tư duy của các khoa học tự nhiên. Nhưng nhận định trên của Russell đã phát hiện một mối liên hệ: Nếu Berkeley dựa trên nền tảng rằng chúng ta không trực tiếp nắm bắt các "sự vật" của thế giới bên ngoài thông qua giác quan, mà giác quan của chúng ta chỉ nhận biết được chúng thông qua các quá trình nối kết nhân quả với sự hiện diện của các "sự vật" - một sự suy tưởng như thế hẳn đã có được sức mạnh thuyết phục từ lòng tin vào lề lối tư duy vật lý học, thì sẽ không cần thiết phải đưa bất kỳ cái gì vào giữa khách thể và hành vi nhìn để ngăn cách khách thể và chủ thể, và biến "sự tồn tại của khách thể" thành một tồn tại đáng nghi vấn.

Lối tư duy vật lý này cũng như các kết quả thực tiễn của nó đã làm lay chuyển niềm tin vào khả năng cho rằng, chỉ bằng con đường tư duy tư biện đơn thuần là có thể hiểu được các sự vật và các mối quan hệ của chúng. Dần dần, niềm tin rằng tất cả sự hiểu biết về sự vật của chúng ta rốt cuộc đều là một sự xử lý các chất liệu thô của các giác quan đã chiến thắng. Nguyên lý ấy, trong hình thức phổ quát này (được diễn đạt mù mờ một cách cố ý) hiện đang được chấp nhận rộng rãi. Song niềm tin đó không hề dựa trên cơ sở, rằng đã có ai đó chứng minh được tính bất khả của việc thu hoạch các nhận thức hiện thực bằng con đường tư biện thuần túy, mà là: chỉ duy nhất con đường thực nghiệm nói trên đã chứng tỏ như là nguồn gốc của nhận thức. Galilei và Hume là những người đầu tiên đã đứng về phía nguyên lý này với tất cả sự sáng sủa và kiên quyết.

Hume đã nhận thấy rằng, các khái niệm được ta xem là cơ bản, ví dụ: "sự nối kết nhân quả", không thể được rút ra từ chất liệu do giác quan cung cấp. Cách nhìn ấy đã khiến ông có thái độ hoài nghi với tất cả các loại nhận thức. Nếu đã đọc những tác phẩm của ông, người ta sẽ không khỏi kinh ngạc khi những triết gia sau ông - trong đó có không ít người được đánh giá cao - đã viết vô khối những thứ lộn xộn mà vẫn tìm được độc giả ngưỡng mộ. Ông đã giữ được ảnh hưởng sâu đậm đến những người xuất sắc sau ông. Người ta nhận ra ông khi đọc các bài phân tích triết học của Russell, mà sự sắc sảo và lối viết giản dị của chúng luôn làm tôi nghĩ tới Hume.

Khát khao của con người là đòi hỏi phải có nhận thức được đảm bảo chắc chắn. Bởi thế, thông điệp rõ ràng của Hume làm ta thất vọng ê chề: Chất liệu thô cảm tính - nguồn gốc duy nhất của nhận thức, nhờ thói quen, có thể đưa chúng ta tới niềm tin và sự mong đợi, nhưng không thể đưa chúng ta tới sự nhận biết hay thậm chí đến sự thấu hiểu về các quan hệ có tính quy luật. Đúng ở điểm này, Kant đã xuất hiện với một ý tưởng - dù ở dạng diễn giải của ông, nó khó mà đứng vững được, song vẫn là một bước tiến để giải quyết thế lưỡng nan của Hume: Tất cả những gì có nguồn gốc thường nghiệm ở nơi nhận thức đều không bao giờ chắc chắn cả (Hume). Nghĩa là (theo Kant - ND), nếu chúng ta sở hữu nhận thức chắc chắn, thì nhận thức ấy phải được đặt cơ sở ở trong bản thân lý tính. Chẳng hạn, điều này được khẳng định khi bàn về các định lý của hình học và về nguyên lý nhân quả. Nhận thức này, và các nhận thức vững chắc khác có thể nói là một bộ phận trong bộ công cụ của tư duy; do đó, chúng không cần phải nhờ đến các dữ liệu do giác quan cung cấp mới có thể có được (tức gọi là nhận thức "a priori" - tiên nghiệm). Ngày nay mỗi chúng ta đều biết rằng, những nhận thức ấy tuyệt không có gì là chắc chắn, vâng, chúng tuyệt không sở hữu một sự tất yếu nào bên trong như Kant từng tin tưởng. Nhưng với tôi, nếu nhìn vấn đề từ quan điểm logic, lập trường của ông lại có vẻ đúng: đó là sự xác nhận, rằng chúng ta có lý do "chính đáng" khi sử dụng các khái niệm ấy để tư duy, những khái niệm mà chúng ta không thể có được từ chất liệu của các kinh nghiệm do giác quan mang lại.

Theo tôi, người ta thậm chí phải khẳng định mạnh mẽ hơn nữa: Những khái niệm xuất hiện trong tư duy và trong các biểu đạt bằng ngôn ngữ của chúng ta, tất cả - từ điểm nhìn logic - là những sáng tạo tự do của tư duy và không thể có được một cách quy nạp từ các kinh nghiệm giác quan. Sở dĩ điều này là khó nhận ra, chỉ vì chúng ta thường có thói quen gắn chặt một số khái niệm và liên kết khái niệm (mệnh đề) nhất định với một số kinh nghiệm giác quan nào đó của chúng ta, đến nỗi chúng ta không ý thức được khe nứt ngăn cách - về mặt logic là không thể vượt qua - giữa thế giới của các kinh nghiệm giác quan với thế giới của các khái niệm và mệnh đề.

Theo đó, chẳng hạn dãy số nguyên rõ ràng là một phát minh của trí tuệ con người, một công cụ tự tạo, nhằm trợ giúp việc sắp xếp những kinh nghiệm giác quan nhất định được dễ dàng. Song tuyệt không có cách nào để khái niệm này (dãy số nguyên - ND) có thể được nảy sinh từ bản thân các kinh nghiệm. Ở đây sở dĩ tôi chọn khái niệm "số" vì nó thuộc về tư duy tiền-khoa học và dù sao, tính cấu tạo (constructive) ở nó vẫn còn dễ nhận diện. Song, khi ta càng đi sâu vào những khái niệm sơ đẳng nhất của đời sống thường nhật, sức nặng của thói quen thâm căn cố đế sẽ càng gây khó khăn cho chúng ta trong việc nhận diện khái niệm ấy như là một sáng tạo tự do của tư duy. Như vậy, từ những tương quan nói trên, có thể nảy sinh một quan niệm nguy hại cho rằng, những khái niệm sở dĩ ra đời đều là từ các kinh nghiệm giác quan thông qua quá trình "trừu tượng hóa", nghĩa là bằng cách lược bớt đi một phần trong nội dung của nó. Tôi muốn chỉ ra rằng, tại sao quan niệm ấy với tôi lại nguy hại:

Nếu đã quen với phê phán của Hume, ta dễ có ý tưởng rằng, dường như có thể loại bỏ ra khỏi tư duy tất cả các khái niệm và mệnh đề có tính "siêu hình", nếu những khái niệm và mệnh đề ấy không có nguồn gốc từ chất liệu thô của kinh nghiệm giác quan. Bởi tất cả tư duy đều chứa đựng nội dung là chất liệu vốn không có nguồn gốc từ đâu khác ngoài mối liên hệ của nó với kinh nghiệm giác quan. Tôi thấy mệnh đề thứ hai này là hoàn toàn đúng, nhưng dựa trên đó để đề ra điều lệnh cho tư duy thì lại là sai. Bởi yêu sách ấy - nếu được thực hiện triệt để - sẽ loại bỏ bất kỳ thứ tư duy nào chỉ vì xem nó là "siêu hình".

Để tư duy không bị sa đà vào "siêu hình học" cũng như vào lý luận suông, chỉ cần có đủ các định luật của hệ thống khái niệm được kết nối chắc chắn với các kinh nghiệm giác quan; đồng thời hệ thống khái niệm - với nhiệm vụ sắp xếp các kinh nghiệm giác quan và làm cho ta dễ có cái nhìn thống quan về chúng - phải có tính thống nhất và tiết kiệm càng nhiều càng tốt. Ngoài ra, cái "hệ thống" ấy cần phải là một trò chơi tự do (có tính logic) với các biểu tượng dựa theo các luật chơi được đề ra một cách tùy tiện (nhưng hợp logic) theo các luật chơi. Tất cả các quy định trên cần được áp dụng như nhau cho tư duy thường nhật và cho lối tư duy được ý thức nhiều hơn về tính hệ thống trong khoa học.

Bây giờ hẳn tất cả đều hiểu điều tôi muốn nói sau đây: Bằng sự phê phán sáng sủa của mình, Hume đã không chỉ thúc đẩy triết học một cách quyết định mà sự phê phán ấy - không phải lỗi tại ông - đã trở thành một mối nguy hiểm, khi nó tạo ra một sự "sợ hãi trước siêu hình học". Nỗi sợ hãi ấy chứa đầy hiểm họa và là một căn bệnh của triết học thực nghiệm ngày nay; căn bệnh này là cái đối ứng với loại "triết học trên mây" trước đây, loại triết học vốn tưởng rằng không cần đến hoặc có thể bỏ qua dữ liệu cảm tính.

Với tất cả lòng ngưỡng mộ trước sự phân tích sắc sảo mà Russell đã mang lại cho chúng ta trong "Meaning and Truth", tôi vẫn thấy rằng, ngay cả ở đây, bóng ma của nỗi sợ siêu hình học vẫn hiện diện và gây ra một số tác hại. Chẳng hạn, tôi thấy hình như nỗi sợ này là nguyên nhân dẫn đến việc Russell coi "sự vật" như là "tập hợp các tính chất", trong đó "các tính chất" cần được tìm thấy trong các chất liệu thô từ giác quan. Vấn đề nảy sinh là: hai sự vật chỉ là một khi và chỉ khi chúng giống hệt nhau về "các tính chất", dẫn tới chỗ cần phải quy các quan hệ hình học giữa các sự vật với nhau thành "những tính chất" của chúng. (Nếu không, theo lý thuyết của Russell, ta sẽ phải coi tháp Eiffel ở Paris và tháp Eiffel ở New York là "cùng một sự vật"). Đối diện với vấn đề này, tôi hoàn toàn không thấy một "nguy cơ siêu hình" nào cả, khi ta đưa "sự vật" (tức "đối tượng" theo nghĩa vật lý học) như một khái niệm độc lập với cấu trúc không gian - thời gian của nó vào hệ thống.

Nhìn vào những nỗ lực ấy, tôi cảm thấy thỏa mãn khi rốt cuộc, chương cuối của cuốn sách đã đưa ra kết luận, rằng người ta không thể không cần đến "siêu hình học". Điều duy nhất mà tôi thấy không thoải mái khi đọc tới đó là cái lương tâm trí thức cắn rứt của tác giả cứ lẩn khuất giữa các dòng chữ.



Каталог: UploadDoc
UploadDoc -> Báo cáo thực tập tốt nghiệp LỜi mở ĐẦU
UploadDoc -> Ubnd huyện yên châu phòng giáo dục và ĐÀo tạO
UploadDoc -> GIÁO Án hội giảNG: Âm nhạc chủ ĐỀ: TẾt- mùa xuâN ĐỀ TÀI: Dạy hát : Bé chúc tết Nghe hát: Mùa xuân ơi Trò chơi: Hái lộc đầu xuân
UploadDoc -> Lời mở đầu 1 Chương 1: Sự phát triển của các hệ thống thông tin di động 3
UploadDoc -> ChuyêN ĐỀ ĐIỀu khiển tán sắC
UploadDoc -> I. objectives
UploadDoc -> * Cấu trúc bài gồm 3 phần
UploadDoc -> Trong khuôn khổ Hội nghị của fifa năm 1928 được tổ chức tại Amsterdam (Hà Lan), Henry Delaunay đã đưa ra một đề xuất mang tính đột phá đối với lịch sử bóng đá
UploadDoc -> Công nghệ rfid giới thiệu chung
UploadDoc -> Trường Đại Học Mỏ Địa Chất Khoa Dầu Khí Lời mở đầu

tải về 469.89 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương