Kinh tì-kheo na-tiên càn Long Đại Tạng Kinh Quyển 108, trang 706-753 Thiện Nhựt phỏng dịch và tìm hiểu Nguồn


- Khi tái-sanh, dùng thân cũ hay có thân mới?



tải về 1.4 Mb.
trang36/59
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích1.4 Mb.
#19794
1   ...   32   33   34   35   36   37   38   39   ...   59

116.- Khi tái-sanh, dùng thân cũ hay có thân mới?


Xin trở lại tiểu-mục số 037, Phần Phỏng-dịch, để cứu-xét vấn-đề vừa nêu.

Vua hỏi Na-Tiên:

- Người chết rồi đi theo hướng các ngỏ thiện và ác, có phải lấy thân-tâm cũ sanh ra lại, hay là dùng thân-tâm mới? 

- Cũng chẳng phải lấy thân-tâm cũ sanh ra lại, mà cũng chẳng phải lià bỏ thân-tâm cũ. 

Câu trả lời nầy của Na-Tiên rất thâm-sâu, tưởng nên suy-gẫm thêm cho cẩn-thận, vì có liên-quan đến hai vấn-đề: tái-sanh, và khi chết đi, cái gì còn, cái gì mất.

Trước hết, ta nên xét qua chữ ''thân-tâm''. Trong Phật-học, chữ thân-tâm trỏ vào sự kết-hợp của năm uẩn (còn gọi là năm ấm, tức là năm nhóm): sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, và thức-uẩn, tạo nên một cá-thể (tức là một chúng-sanh). Sắc-uẩn là phần vật-chất, thân, tức là thân-thể, do bốn đại có: (1) chất cứng (gọi là điạ, đất), (2) chất lỏng (thủy, nước), (3) chất khí (phong, gió) và (4) hơi nóng (hoả, lửa) mà lập thành. Còn tâm là phần tinh-thần do sự tập-hợp của bốn uẩn: thọ-uẩn (các tình-cảm), tưởng-uẩn (các tri-giác), hành-uẩn (các ý-nghĩ biến-chuyển bên trong) và thức-uẩn (các sự hiểu-biết). Như mọi người đều biết chắc, khi chết đi, phần thân tan rã, các yếu-tố trở về với bốn đại. Còn phần tâm, vì lúc sống phải dựa theo phần vật-chất của thân mà sanh-hoạt, nên khi thân mất, thì tâm cũng tan-rã theo. Vấn-đề quan-trọng là các yếu-tố của tâm, có yếu-tố nào còn, yếu-tố nào mất, và đi về đâu? Giáo-lý nhà Phật, cả hai tông Nam và Bắc đều cho rằng các yếu-tố của tâm khi chết đi thì liền hòa tan vào hư-không. Riêng giáo-lý Bắc-tông nói rõ hơn, trong thức-uẩn có một phần của A-lại-da-thức, còn gọi là tạng-thức, chịu ảnh-hưởng của nghiệp-lực dẫn-dắt đến một trong sáu nẻo thiện-ác của Luân-hồi. Nghiệp-lực là gì? Đó là ảnh-hưởng của các hành-động cố-ý đã qua của cá-thể lúc còn sống, vẫn còn tồn-tại tiềm-tàng, nay phát-động lại và đưa đến việc tái-sanh; vì lẽ đó nên Bắc-Tông còn gọi thức A-lại-da là nghiệp-thức, nơi tàng-trữ ảnh-hưởng các hành-nghiệp (hành-vi cố-ý cũ). Sự tồn-tại của thức A-lại-da sở dĩ có được là vì thức nầy chứa các chủng-tử (= hột giống); (chủng-tử chỉ là một tiếng suông thôi, được dùng tượng-trưng, để chỉ ảnh-hưởng của hành-động cố-ý cũ). 

Kế đến là chữ Nghiệp, tiếng Sanskrit là Karma, tiếng Pali là Kamma, bao gồm ảnh-hưởng của (1)thân-nghiệp, hành-động cố-ý của thân, (2)khẩu-nghiệp, lời nói cố-ý, (3)ý-nghiệp, tư-tưởng cứ đeo đuổi mãi trong lòng. Một hành-vi cố-ý dầu đã qua rồi, nhưng ảnh-hưởng của nó có thể phát-động trong hiện-tại, cũng như trong tương-lai; vì lẽ đó nghiệp-lực mới phát-sanh dẫn-dắt đi theo các ''ngỏ thiện và ác'', như lời của Vua Di-Lan nói, khi hỏi Tì-kheo Na-Tiên.

Trở lại câu trả lời của Na-Tiên, ''chẳng phải thân-tâm cũ sanh lại, mà cũng chẳng phải lià bỏ thân-tâm cũ'', ta thấy Tì-kheo Na-Tiên muốn nhấn mạnh đến mối liên-quan mật-thiết giữa thân-tâm cũ và thân-tâm mới: (1) thân-tâm mới đây chẳng phải hoàn-toàn là do thân-tâm cũ sanh trở lại, nhưng phải chịu ảnh-hưởng nặng-nề của thân-tâm cũ; (2) giữa thân-tâm cũ và thân-tâm mới vừa có sự liên-tục, vừa có sự biến-đổi. 

Về điểm (1), ai ai cũng biết chắc, chẳng thể nào bảo rằng một thân-tâm cũ khi gần chết và một thân-tâm mới khi sanh ra, cả hai đều chỉ là một thân-tâm cho được. 

Về điểm (2), sự liên-tục giữa hai thân-tâm, với sự biến-đổi giữa thân-tâm cũ để trở thành thân-tâm mới, Tì-kheo Na-Tiên đưa ra năm thí-dụ để chứng-minh. Thí-dụ thứ nhứt là, trong khi sống, thân-tâm lúc còn bé khác hơn thân-tâm lúc trưởng-thành, tuy khác nhưng vẫn là một, với các sự biến-đổi theo năm tháng lớn lên. Thí-dụ thứ hai là, có sự liên-tục giữa hai thân-tâm cũ và mới, chẳng hề có một cá-thể nào khác xen vào giữa hai thân-tâm ấy; cũng ví như người học sách thì kẻ ngồi bên cạnh chẳng thể nhận lấy công đọc sách của người ấy được. Thí-dụ thứ ba: cũng ví như người đã phạm tội, đâu có thể bắt kẻ vô-tội chịu hình-phạt thay cho mình được. Thí-dụ thứ tư: lại ví như ngọn đèn có đủ dầu cháy đến sáng, từ đầu hôm, đến nửa đêm cho đến gần sáng, vẫn là một ngọn đèn, mặc dầu ánh-sáng lu-mờ hay tỏ- rạng mỗi lúc có khác nhau. Thí-dụ thứ năm: sự biến-đổi của sữa, từ sữa tươi, qua kem, qua bơ rồi thành phó-mát; làm sao lấy phó-mát để biến trở ngược lại thành sữa tươi cho được.

Năm thí-dụ kể trên được Tì-kheo Na-Tiên dùng để chứng-minh sự biến-đổi trong tinh-thần con người: ''Tinh-thần con người cứ triển-chuyển tiếp nối nhau... một cái đi thì một cái đến. Con người tòng theo tinh-thần từ lúc sanh ra cho tới già, đến khi chết, tinh-thần lại một lần nữa hướng về nẻo sanh, rồi triển-chuyển liên-tục mãi...''

Lời giải-đáp của Tì-kheo Na-Tiên được vua Di-Lan khen ngợi là Lành thay! Lành thay!, nhưng trí thiển-cận của Thiện-Nhựt thấy còn chưa được thoả-mãn hoàn-toàn. Tại sao? Na-Tiên dùng chữ tinh-thần để chỉ sự liên-tục giữa thân-tâm cũ và thân-tâm mới, danh-từ nầy quá tổng-quát, còn chưa được rõ-ràng bằng lời giải-đáp trong Giáo-lý Bắc-Tông: trong phần tâm-linh, có yếu-tố thức; trong yếu-tố thức, có phần A-lại-da thức dung chứa các chủng-tử (= ảnh-hưởng của các hành-động cố-ý cũ) vẫn còn tiềm-tàng chờ đủ cơ-duyên để tái phát-động, khiến cho xảy ra việc tái-sanh dưới một thân-tâm mới còn chịu ảnh-hưởng nặng-nề của thân-tâm cũ. Nếu bảo rằng, chắc gì thức A-lại-da còn tồn-tại khi chết đi, thì Thiện-Nhựt chẳng đủ khả-năng để chứng-minh được sự tồn-tại đó; nhưng trí nông-cạn của mình vẫn thấy rằng một hành-vi cố-ý đã xảy ra, ảnh-hưởng của nó chẳng thể nào tiêu-diệt hết được. Dầu có gọi ảnh-hưởng đó là gì, nghiệp-lực hoặc Karma, hay Kamma, gì gì đi nữa, ảnh-hưởng ấy vẫn còn đó, trừ khi cơ-duyên chưa đầy-đủ nên chưa kịp phát-sanh, hay chẳng phát-sanh được mà thôi. Nếu hành-giả chuyên-tâm làm việc thiện, thì các việc ác đâu có cơ-hội nẩy sanh cho mình, và các điều thiện mình làm cũng có thể thay-đổi được ảnh-hưởng của các hành-vi sai-lầm cũ.

Tuy cuối tiểu-mục số 037, Vua Di-Lan có lời khen: Lành thay! Lành thay! như thế, nhưng Thiện-Nhựt phỏng-đoán nhà Vua chưa hẳn hoàn-toàn thỏa-mãn, vì tiếp theo nơi tiểu-mục số 043, nhà Vua đặt lại vấn-đề một lần nữa, với Tì-kheo Na-Tiên: 

- Con người chết rồi, khi sanh lại ở đời sau, là ai vậy?

- Danh và Thân sanh lại ở đời sau. 

- Danh cũ và Thân cũ của người ấy sanh lại chăng? 

- Chẳng phải như vậy. Chẳng phải Danh cũ, cũng chẳng phải Thân cũ đã giữ lấy thân-tâm nầy ở đời nay làm điều thiện ác cho đến đời sau, mà sanh ra lại đâu.

- Như khiến dùng thân-tâm nầy làm điều thiện, điều ác ở đời nầy, rồi đời sau chẳng sanh lại, thì cứ hết sức làm điều thiện, điều ác cũng được thoát hết, chẳng phải chịu khổ lại nữa hay sao? 

- Nơi đời nầy làm đìều thiện, thì đời sau chẳng sanh lại nữa, liền được giải-thoát. Còn người chẳng ngừng làm điều thiện, điều ác thì phải sanh lại về sau, cho nên chẳng được giải-thoát. 

Đọc tới đây, ta thấy lời giải-đáp của Na-Tiên còn vấp phải hai chỗ chẳng được rõ-ràng: (1) chẳng nói rõ Danh là gì? và Thân là gì? (2) bảo: chẳng phải Danh, Thân cũ đã giữ lấy thân-tâm nầy, mà sanh lại đời sau. Về điểm (1), mãi đến trang 35 Bản Phỏng-dịch, nơi tiểu-mục số 045, ta mới thấy định-nghĩa của hai danh-từ Danh và Thân. Về điểm (2), câu trả lời còn chưa trọn-vẹn của Na-Tiên: ''chẳng phải thân-tâm cũ sanh trở lại'', đã khiến Vua Di-Lan vội rút ra một hệ-luận (sai-lầm): nếu thân-tâm cũ chẳng sanh lại, thì cứ việc hết-sức làm các điều ác, rồi cũng được thoát hết. 

Nhưng mục-đích của tiểu-mục số 043 đang cứu-xét đây chẳng phải là nhắc lại cái gì còn, cái gì mất của thân-tâm cũ, khi thân-tâm mới sanh ra? mà để chứng-minh rằng: thân-tâm cũ là căn-bản cho việc tái-sanh lại. Như thế nghĩa là sao? Na-Tiên đã dùng một loạt sáu thí-dụ cụ-thể để chứng-minh một cách gián-tiếp: căn-bản của việc tái-sanh, chính là vì thân-tâm đời nầy làm các điều thiện-ác cho nên phải tái-sanh lại. 

Sáu thí-dụ nào? Đó là: (1) trộm trái cây; (2) trộm thóc; (3) đốt lửa cháy nhà; (4) đốt đuốc cháy thành; (5) tiền sính-lễ cưới vợ; (6) sữa chua. Đọc kỹ lại sáu thí-dụ đó -- mà Na-Tiên đã khéo chọn trong các việc tranh-tụng mà nhà Vua thường gặp phải khi phân-xử -- ta thấy ở mỗi thí-dụ có sự tranh-chấp giữa một người đã gieo nhân, và một người dành lấy việc gặt quả: (1) một anh trồng cây, còn một anh hái trộm quả; (2) một người gieo mạ trồng luá, bị kẻ kia gặt hết thóc, (3) chú nọ đốt lửa sưởi ấm, lại để lửa bốc lan ra đã cháy nhà mình còn thiêu luôn ngôi lầu bên cạnh; (4) tên kia đốt đuốc sáng để ăn cơm ở nhà mình, để lửa bùng lên thiêu hủy luôn cả một thành-phố; (5) cậu nầy mang sính-lễ xin cưới một cô bé, bị chàng nọ cưới tranh khi nàng con gái ấy đến tuổi trưởng-thành; (6) một kẻ mua sữa tươi gởi lại chủ nuôi bò, sau đến lấy, trách sao chủ bò lại đổi ra sữa chua. Để tự bào-chữa, sáu người làm sái-quấy đã đưa ra một lập-luận rất là... buồn cười: (1) tôi hái trái, chớ nào trộm cây của anh; (2) tôi gặt thóc, chớ nào đá động gì đến luá-mạ anh đã gieo; (3) lửa tôi đốt trong nhà tôi, tôi đâu đốt lầu anh kia; (4) lửa cháy thành-thị bùng to lên nào phải là lửa nhỏ của tôi đã đốt trong nhà; (5) tôi nay đi cưới cô thiếu-nữ nầy, nào liên-hệ gì với đứa bé trước kia anh đã cầu-hôn; (6) sữa lúc tôi gởi thì tươi chớ đâu có chua như bây giờ. Thật là buồn cười cho họ, vì khi lập-luận, họ đã chẳng chịu nhìn thấy rõ-ràng nguyên-nhân trước kia đã làm căn-bản cho việc sanh ra hậu-quả ngày nay. Và sau mỗi thí-dụ buồn cười đó, Na-Tiên đều đưa ra một kết-luận rất nghiêm-trang, hàm-súc một chơn-lý sâu-xa mà lý-trí người thường ít khi chịu lưu-tâm để nhìn thấy:

- Đời người cũng lại như thế. Người đời nay dùng thân-tâm nầy làm điều thiện, điều ác, cho đến khi sanh lại vào đời sau, thì thân-tâm làm thiện-ác ở đời nầy là căn-bản vậy.

Và điều thiếu-sót của hạng người thiển-cận trên đây là chẳng thấy nổi vai-trò của thời-gian trong việc đi từ nguyên-nhân đến hậu-quả: có nguyên-nhân gây ra hậu-quả ngay trong hiện-tiền, mà cũng có nhiều nguyên-nhân chỉ gây ra hậu-quả sau một thời-gian dài, có thể từ một hay nhiều đời trước nữa. 

Trở lại danh-từ Danh-Thân được nói ngay ở đầu tiểu-mục số 043, ta tìm thấy định-nghĩa của danh-từ nầy nơi tiểu-mục số 045, Phần Phỏng-dịch. Theo Na-Tiên, tấm thân hiện nay đang thấy đây là Thân, còn chỗ nhớ nghĩ trong lòng là Danh. Thiện-Nhựt thấy cần phải nói lại cho đúng theo Giáo-lý cả hai Tông Nam và Bắc. Tiếng Pali Nàma-Rùpa thường được dịch ra tiếng Hán-Việt là Danh-Sắc: Danh chỉ phần tâm-linh, gồm có bốn uẩn: thọ, tưởng, hành và thức; còn Sắc chỉ phần vật-chất, tức là sắc-uẩn. Danh-Sắc hợp lại lập thành ra Thân-tâm của một cá-thể, tức là một chúng-sanh; danh-từ Danh-Sắc chánh-thức được công-nhận trong giáo-lý cả hai tông Nam và Bắc để dịch chữ Nàma-Rùpa. Còn riêng chữ Thân thường được dùng để dịch chữ Pali Kàya, với ý-nghĩa là thân-thể, hay một tập-hợp, hoặc một nhóm. Thiện-Nhựt chẳng may-mắn để có được bản chánh-văn của quyển ''Tì-kheo Na-Tiên'' bằng tiếng Phạn, nên chẳng dám phê-bình sự thiếu-sót của dịch-giả Hán-văn trong Hán-Tạng; nhưng Thiện-Nhựt tha-thiết mong độc-giả mỗi khi đọc Phần Phỏng-dịch của Thiện-Nhựt, hễ gặp hai chữ Danh-Thân thì xin đọc và hiểu cho đó là Danh-Sắc.

*



tải về 1.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   32   33   34   35   36   37   38   39   ...   59




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương