Kinh đẠi phậT ĐẢnh như lai mật nhơn tu chứng liễu nghĩA



tải về 9.62 Mb.
trang6/85
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích9.62 Mb.
#30054
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   85

V. TUYÊN BÀY GIÁO THỂ


Tất cả các giáo pháp Đức Phật diễn nói đều có giáo thể. Giáo thể của kinh này là gì? Đó là âm thanh (thanh), tên gọi (danh), câu (cú), văn tự, chữ nghĩa (văn). Như trong bài kệ của Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi cung thỉnh Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thị hiện ở thế gian.

Thử phương chân giáo thể

Thanh tịnh tại âm văn.30

Tạm dịch:

Giáo thể chân thực ở nơi này, làm thanh tịnh (tâm ý) nhờ do âm thanh và văn cú.

Phương này chính là cõi ta-bà, thế giới của đau khổ. Tuy vậy, chỉ âm thanh không thôi không được xem là chân giáo thể. Gió và nước cũng tạo nên âm thanh, nhưng không được xem là chân giáo thể.

Cụ thể hơn, giáo thể bao gồm âm thanh, ngôn ngữ, câu và văn tự. Âm thanh là khi đầu tiên Đức Phật giảng nói kinh này. Khi đã nói ra, âm thanh biến thành ngôn ngữ, ngôn ngữ biến thành câu và lời, lúc đó còn phải được viết thành câu và chữ. Một khi đã được viết thành văn tự, thì giáo lý đã được ứng dụng. Vậy nên giáo thể của kinh này bao gồm âm thanh, ngôn ngữ câu lời và văn tự.

Điều này cũng có thể chia làm bốn môn:

- Thứ nhất là tùy tướng môn: trong trường hợp này là âm thanh, ngôn ngữ, câu cú và văn tự.

Giáo thể trong kinh Thủ-lăng-nghiêm cũng căn cứ vào duy thức môn và khi quy về Như Lai Tạng. Tánh quy về chân như, thì không liên quan đến hiện tượng nữa mà nói thẳng đến bản thể nên gọi là quy tánh môn. Còn có vô ngại môn mà Kinh này cũng lấy làm giáo thể.

 - Thứ hai, duy thức môn cho rằng: tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni quán sát các nhân duyên để chọn pháp môn có thể độ thoát chúng sinh. Nên từ tâm thanh tịnh Ngài thuyết pháp để giáo hóa chúng sinh, khiến cho chính tâm thức chúng sinh được chuyển hoá và được lợi lạc. Đây là duy thức môn, xem duy thức là giáo thể.

-Thứ ba, quy tánh môn là hoàn toàn viên dung không ngăn ngại, vì thức tâm có thể tánh nhất định, nên tất cả đều quy về chơn tánh. Vậy nên quy tánh cũng là giáo thể.

-Thứ tư, vô ngại môn là gì?  Là bao gồm cả hiện tượng lẫn bản thể. Quy tánh môn là quay về với thể tánh của chúng sinh. Khi bốn môn dung nhiếp với nhau không ngăn ngại, sự lý vô ngại chính là giáo thể của bộ kinh này.

---o0o---


VI. SỰ THÍCH NGHI CỦA TỪNG CĂN CƠ CHÚNG SINH VỚI GIÁO NGHĨA KINH NÀY


Điều này liên quan đến những chúng sinh được giáo hóa. Kinh này nhắm đến giáo hóa những chúng sinh nào? Kinh Thủ-lăng-nghiêm nhắm đến giúp các loài hữu tình lẫn vô tình đồng thời hoàn mãn tuệ giác, cả loài hữu tình và vô tình đều chứng đạt Phật đạo. Hàng Thanh văn, Duyên giác cũng được đặc biệt nhắm đến để giáo hóa như hàng hữu học.

Hàng Thanh văn (a-la-hán), là nghe lời Đức Phật thuyết pháp mà ngộ đạo. Họ tu tập pháp Tứ diệu đế: khổ, tập, diệt, đạo.

Những vị Duyên giác là Bích-chi Phật, họ sinh ra nhằm lúc Phật không xuất hiện ở thế gian. Họ tu tập pháp mười hai nhân duyên mà ngộ đạo. Khi Đức Phật không thị hiện ở thế gian, họ được gọi là Độc giác Phật. Những vị này sống nơi núi non, trong thung lũng hẻo lánh, ẩn mình trong những nơi hang động. Nơi đó, họ quán sát sự sinh diệt bất tận của vô số hiện tượng trong trời đất. Vào mùa xuân, trăm hoa đua nở, vào mùa thu lá vàng rơi rụng. Nhờ quán sát tường tận sự biến chuyển này mà họ ngộ đạo.

Ngoài giáo lý cho hàng Thanh văn, Duyên giác ra, kinh này còn nhắm vào giáo hóa hàng hữu học, trong kinh này là nhắm đến hàng bồ-tát. Chỉ có chư Phật mới được gọi là vô học. Kinh này còn giáo hóa hàng định tánh Thanh văn, là những người không muốn từ bỏ quả vị nhỏ để hướng về Đại thừa. Bất định tánh Thanh văn là người có thể từ bỏ quả vị nhỏ hướng đến Đại thừa, có thể vượt qua vị trí của hàng Thanh văn, Duyên giác để trở thành bồ-tát. Không chỉ Thanh văn được gọi là đương cơ chủ yếu của kinh này, mà tất cả chúng sinh trong ba cõi: dục giới, sắc giới và vô sắc giới đều là đương cơ chủ yếu của kinh. Kinh này khế hợp tất cả mọi căn cơ và nhằm độ thoát cho hết thảy chúng sinh khắp mọi loài.

---o0o---


VII. PHÂN ĐỊNH RÕ TÔNG THÚ CỦA KINH


Tông có nghĩa là tôn sùng, quý trọng.

 Thú là chỗ quy hướng sùng thượng.

Giáo lý của Đức Phật dạy cho hàng Nhị thừa (Thanh văn, Duyên giác) liên quan chủ yếu đến nhân quả. Đây là giáo pháp quyền thừa. Đức Phật thuyết gồm cả hai giáo pháp: quyền thừa và thật thừa. Thật thừa có nghĩa là giáo lý bất biến, hằng vĩnh. Trong giáo pháp quyền thừa, Nhân là ‘tông”, Quả là “thú.” Khi đạt đến chân tướng, thật thừa, có nghĩa là đã có được chỗ̃ ngộ nhập. Do vậy, ngộ là “tông”, nhập là “thú.”

Trong kinh này, A-nan đại diện cho đương cơ hỏi và nghe pháp. A-nan gặp nạn, Đức Phật giải cứu xong rồi dạy A-nan từ bỏ pháp tu Tiểu thừa hướng về Đại thừa. Đó là tông.

 Sự chứng ngộ quả vị tối thượng của A-nan là thú.

 Tông và thú đồng thời thông suốt đến Phật đạo và là con đường dẫn đến Phật quả. Vậy nên khác biệt rõ ràng với các kinh điển Tiểu thừa, chỉ nói về quả vị nhỏ nên không thể nào đạt được quả vị Phật.

---o0o---


VIII. XÁC ĐỊNH RÕ THỜI GIAN THUYẾT KINH


Điều này nói đến thời gian Kinh này được thuyết. Đức Phật giảng pháp suốt bốn mươi chín năm. Khi Ngài giảng kinh Thủ-lăng-nghiêm, vua Ba-tư-nặc được sáu mươi hai tuổi, Đức Phật và vua Ba-tư-nặc sinh đồng một năm, nên Kinh này được xếp vào Phương đẳng.31  Nghĩa là “rộng khắp, bình đẳng,” là thời kỳ thuyết giáo thứ ba của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, đó là theo phán giáo của tông Thiên Thai. Còn theo phán giáo của tông Hiền Thủ, thì kinh này được xếp vào thời Chung giáo. Như vậy hợp lý hơn.

---o0o---


IX. LỊCH SỬ TRUYỀN BÁ VÀ PHIÊN DỊCH KINH


Sau khi Đại sư Thiên Thai Trí Giả đọc Kinh Pháp Hoa, Ngài phân chia các kinh ra làm ba phần. Phần tựa, phần chính văn, là phần chứa trọn tông thú của kinh và phần lưu thông, là phần cuối cùng trong kinh văn, khuyến khích mọi người lưu hành kinh này khắp thế gian.

Sau đó có một vị Pháp sư người Ấn Độ đến Trung Hoa, nghe rằng Đại sư Trí Giả đều đã chia các bộ kinh thành ba phần. Pháp sư này rất ngạc nhiên nói rằng: “Ở Ấn Độ, Kinh Thủ-lăng-nghiêm cũng như các bộ kinh khác đều được phân chia như vậy.”

Khi Đại Sư Trí Giả nghe có Kinh Thủ-lăng-nghiêm đang lưu hành mà Ngài chưa từng được thấy, Ngài xúc động hướng về phương Tây lễ bái với ước nguyện có ngày thấy được kinh này.

Hằng ngày, Ngài hướng về phương Tây lễ bái suốt mười tám năm nhưng cuối cùng, Ngài chỉ  mong có được phước duyên thấy được bộ kinh này mà thôi; còn chúng ta có được nhân duyên thù thắng biết bao, chưa từng lạy kinh mà nay được học, và được đọc tụng kinh này.

Cuối cùng, quốc vương Ấn Độ thông báo cho thần dân biết kinh Thủ-lăng-nghiêm là quốc bảo vì đó là bổn kinh do Bồ-tát Long Thọ mang từ long cung về. Sau khi Vua tuyên bố như vậy, không ai được phép mang kinh từ Ấn Độ sang nước khác. Lúc đó Pháp sư Bát-thích-mật-đế32 dự tính đem kinh ra khỏi nước Ấn Độ truyền vào một nước khác, đặc biệt là Trung Hoa. Ngài sắp đặt cho thương nhân Trung Hoa mang đi bản sao của kinh, bị thuế quan ở biên giới giữ lại, không cho phép mang ra khỏi nước. Ngài trở về cố gắng nghĩ cách đưa kinh đi. Cuối cùng tìm ra được giải pháp, Ngài chép kinh bằng chữ rất nhỏ trên một tấm lụa cực mỏng, cuốn lại rồi phủ bên ngoài tấm lụa một lớp sáp. Ngài tự xẻ thịt nơi cánh tay mình nhét cuộn lụa vào trong đó, rồi dùng dược liệu đắp lên cho vết thương lành lặn.

Có người nói rằng Ngài dấu kinh trong bắp đùi, nhưng tôi nghĩ rằng dấu kinh ở đó không thể hiện lòng tôn quý kinh điển nên có lẽ Ngài đã chọn một nơi nhiều thịt ở phần trên cơ thể để dấu kinh. Khi vết mổ đã lành, Ngài lại lên đường sang Trung Hoa. Khi đi, lính gác biên giới không chút nghi ngờ vì kinh được dấu rất kỹ. Cuối cùng Ngài đến được tỉnh Quảng Đông, nơi Ngài thường được Thừa tướng Phòng Dung tiếp kiến. Ngài được mời về trú ở một ngôi chùa ở Quảng Đông phiên dịch kinh này.

Đây là những khó khăn xảy ra vào thời kinh được truyền bá và phiên dịch. Thật phước đức cho chúng ta khi Pháp sư Bát-thích-mật-đếquyết tâm mang kinh sang Trung Hoa. Quý vị có thể hiểu được tầm quan trọng của kinh Thủ-lăng-nghiêm đến mức nào.

---o0o---




tải về 9.62 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   85




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương