Kinh đẠi phậT ĐẢnh như lai mật nhơn tu chứng liễu nghĩA



tải về 9.62 Mb.
trang9/85
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích9.62 Mb.
#30054
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   85

Về mùi vị, ở Ấn Độ có loại bơ lỏng, nhưng do tôi chưa bao giờ nếm được loại bơ ấy nên không biết rõ mùi vị nó ra sao. Cứ cho là nó như một loại sữa vậy. Dù tôi có muốn nếm thử nó, tôi cũng không rõ nó có thích hợp ở đất nước này hay không.

Về sự xúc chạm, có lẽ ở thành Thất-la-phiệt có loại lụa mịn nhất, biểu tượng cho sự quý phái.

Kinh đô ấy có rất nhiều của cải và rất giàu có. Dân chúng ở đó sống có đạo đức, có giáo dục và rất tự do, nên chữ Thất-la-phiệt dịch sang tiếng Hán là Phong Đức. Người dân ở đó có rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Họ thừa hưởng được tri thức và thông đạt mọi thứ học thuật và hiểu biết. Họ cũng là người rất tự do, không bị lệ thuộc bởi thế lực nào khác.

Có lần một vị pháp sư tìm đến một pháp sư Trưởng lão xin có lời khai thị. Khi đến, ông ta vạch vai áo quỳ xuống trước vị Trưởng lão thỉnh cầu.

Trưởng lão pháp sư hỏi:

“Ông đến đây cầu thỉnh điều gì?”

Vị pháp sư trẻ đáp:

“Con đến để cầu pháp giải thoát”

Pháp sư Trưởng lão hỏi:

“Ai trói buộc ông?”

Ngay khi vừa nghe câu hỏi ấy, vị pháp sư trẻ nhận ra chẳng có ai trói buộc mình cả, lúc ấy thoát nhiên khai ngộ

“Con có tự do rồi, khỏi cần tìm kiếm tự do ở đâu nữa.”

Tri giác đó lưu xuất từ sự khai ngộ của ông ta.

Có người sẽ đặt vấn đề:

“Nếu tôi cũng đi cầu người khai thị cho pháp giải thoát và có người chỉ cho rằng chẳng có ai trói buộc mình thì tôi cũng sẽ được khai ngộ hay sao?”

Điều đó hoàn toàn khác vì thời cơ của quý vị chưa đến. Năng lực tiềm tàng của quý vị chưa chín mùi. Khi đã đến lúc, chỉ một lời nói, có thể khiến cho quý vị thức tỉnh, tâm hoát nhiên thông suốt và khai ngộ liền.

Người dân ở thành Thất-la-phiệt rất tự do, siêng năng công phu nên rất dễ ngộ đạo vì kinh đô ấy được thừa hưởng rất nhiều của cải và đức hạnh. Đức Phật thường trụ ở đó khi Ngài còn tại thế.

Tinh xá Kỳ hoàn tức là “Rừng cây của Thái tử Kỳ-đà trong vườn của ông Cấp Cô Độc.” Câu này có ghi trong kinh Kim Cương, ở đoạn mở đầu.

Ở trong thành Thất-la-phiệt, có một vị trưởng giả tên là Tu-đạt-đa, thừa hưởng được rất nhiều phước báo. Không ai có thể biết được ông giàu có đến mức nào. Một hôm có người bạn nói với Tu-đạt-đa: “Đức Phật đang thuyết pháp ở nơi đó.” Khi nghe đến tên Đức Phật, tóc của vị trưởng giả dựng đứng và ông ta mất khả năng tự chủ.

Ông ta nói: “Tôi muốn đi gặp Đức Phật liền ngay bây giờ.” Vì ông ta muốn gặp Đức Phật, nên Đức Phật liền phóng hào quang chiếu đến nơi Tu-đạt-đa, mặc dù ông ta ở nơi rất xa. Lúc ấy là nửa đêm, nhưng nhờ Đức Phật phóng quang nên Tu-đạt-đa tưởng như trời rạng sáng, nên ông ta liền trở dậy và chuẩn bị lên đường đi gặp Đức Phật. Vì lúc ấy đúng vào giữa đêm, cổng thành còn đóng kín, nhưng nhờ vào thần lực của Phật mà cổng thành tự mở ra khi Tu-đạt-đa đến và tự đóng lại khi ông đi qua. Ông ta đến nơi, gặp được Đức Phật, rồi được nghe Đức Phật thuyết pháp. Ông ta vui thích không thể nào nói được. Ông hỏi Đức Phật:

“Thế tôn có quá nhiều đệ tử, thế họ trú ở đâu?” Lúc ấy chưa có Tinh xá trong vườn Kỳ-đà. Đức Phật đáp: “Như Lai và tăng đoàn không ở một nơi thường xuyên.”

Vị trưởng giả đáp: “Con sẽ xây dựng một Tinh xá để cúng dường cho Thế tôn và tăng đoàn.”

Do ông quá giàu, nên lời nói của ông rất có thẩm quyền. Ông nói:

“Khi con trở về con sẽ tìm một địa điểm và sẽ xây dựng tinh xá.

 Khi Tu-đạt-đa trở về thành Thất-la-phiệt, ông ta dò tìm khắp nơi, cuối cùng tìm được vườn cây của Thái tử Kỳ-đà, cách kinh thành chừng một dặm rưỡi. Ông ta thấy khu vườn là nơi rất thích hợp để dâng cúng cho Đức Phật. Nhưng nó là sở hữu của Thái tử Kỳ-đà, nên ông ta tìm gặp Thái tử Kỳ-đà để thương lượng:

Thái tử hỏi:

“Tại sao ông lại muốn mua vườn của tôi?”

Trưởng giả đáp:

“Để tôi xây dựng Tinh xá rồi thỉnh Đức Phật và chư tăng đến ở.”

Thái tử nói đùa: “Được rồi. Tôi sẽ bán cho ông, nếu ông lấy tiền vàng phủ đầy khắp khoảnh đất mà ông muốn mua."

Thái tử Kỳ-đà không ngờ là Trưởng giả Tu-đạt-đa thực sự làm được việc đó. Không thể ngờ rằng Tu-đạt-đa trở về và cho chở toàn bộ tiền vàng có trong kho nhà mình đến trải đầy mặt đất khu vườn.

-Tôi chỉ nói giỡn với ông thôi! Thái tử la lên khi thấy khu vườn mình đã được lát đầy tiền vàng. -Sao mà tôi lại bán khu vườn của mình đi? Ông không nên đối xử với tôi thiếu nghiêm túc như vậy.

Trưởng giả đáp lại:

-Nay ông là một Thái tử, trong tương lai ông sẽ lên ngôi vua. Một vị vua không bao giờ nói đùa. Ông không thể đùa giỡn với tôi như vậy. Bất luận ông có nói gì đi nữa, ông cũng không thể từ chối việc bán khu vườn cho tôi.”

Khi Thái tử nghe được những lời này, biết mình không thể làm gì hơn được nữa, nên phải nhượng bộ: “Được rồi! Ông đã phủ đầy mặt đất bằng tiền vàng, nhưng tiền vàng không phủ được các gốc cây. Đây là những gì chúng ta sẽ thỏa thuận. Chúng ta sẽ chia ra. Đất đã phủ bằng tiền vàng sẽ thuộc về ông nhưng cây cối sẽ thuộc về tôi. Tôi sẽ cúng dường hết và ông có thể cúng dường nơi này cho Đức Phật.

Trưởng giả Tu-đạt-đa không có cách nào chọn lựa nữa, chỉ còn biết chấp nhận điều kiện của Thái tử Kỳ-đà. Thế nên địa điểm đó được gọi là “Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên – Rừng cây của Thái tử Kỳ-đà, vườn của ông Cấp Cô Độc." Trưởng giả Tu-đạt-đa còn được gọi là Cấp Cô Độc, là người luôn luôn cấp dưỡng cho những trẻ mồ côi, kẻ góa bụa và những người không nơi nương tựa và những người già cả không có con cái. Đức hạnh lớn lao đã tạo nên một danh xưng xứng đáng với ông ta.

Còn tên gọi Thái tử Kỳ-đà nghĩa là sao? Thái tử Kỳ-đà sinh nhằm ngày vua cha Ba-tư-nặc chiến thắng sau trận đánh với quân của nước láng giềng trở về, nên hoàng tử vừa mới sinh ra được vua cha đặt tên là Jeta–Kỳ-đà, nghĩa là chiến thắng.

Đây là sự tích của “Tinh xá Kỳ-hoàn.” Sau khi mua được  vườn của Thái tử Kỳ-đà, Trưởng giả Tu-đạt-đa chi thêm số tiền rất lớn kiến trúc tinh xá.

Kinh văn:

與大比丘眾千二百五十人俱。

Dữ đại tỉ-khưu chúng thiên nhị bách ngũ thập nhân câu.

Việt dịch:

Với chúng đại tỷ-khưu, gồm một ngàn hai trăm năm mươi người  đến dự. 

Giảng:

Sự tham dự của các vị đại tỷ-khưu với các đại a-la-hán, các vị đại bồ-tát ở khắp mười phương được đề cập sau đây là biểu hiện của chúng thành tựu.

Kinh do Đức Phật giảng nói rất rõ ràng và mạch lạc. Đức Phật không giảng kinh một cách ngẫu nhiên. Chỉ khi nào có đủ sáu điều thành tựu này thì một pháp hội mới được hình thành và giáo pháp mới được Đức Phật tuyên thuyết.

Đại tỷ-khưu khác với các vị tiểu tỷ-khưu. Đại tỷ-khưu là các vị đã có công phu tu tập lâu năm, sắp sửa chứng ngộ.

Tỷ-khưu là phiên âm từ chữ bhikṣu trong tiếng Phạn. Có ba nghĩa: khất sĩ, bố ma và phá ác. Tỷ-khưu là người sống bằng hạnh khất thực, hằng ngày ôm bình bát đi vào trong thành để xin thực phẩm. Họ không chỉ xin những nhà giàu mà còn xin ở những nhà nghèo, hoặc ngược lại. Một vị tỷ-khưu phải thực hành hạnh bình đẳng trong khi khất thực, có nghĩa là phải  nghiêm túc đi từ nhà này đến nhà khác, và không được đến hơn một nhà. Nên có lời dạy rằng: Vị tỷ-khưu không được tránh nhà nghèo đến khất thực ở nhà giàu, không được vờ đi chậm để tìm kiếm người sang trọng (mà khất thực).

Khi một người đăng đàn thọ giới tỷ-khưu, họ hướng về Tam sư và bảy vị Tôn chứng (để thỉnh cầu). Tam sư là Hòa thượng Đường đầu truyền giới, Hòa thượng yết-ma và Hòa thượng Giáo thọ. Bảy vị Tôn chứng là những vị bảo chứng cho giới hạnh thanh tịnh của một vị tăng. Một người thọ giới tỷ-khưu rồi sẽ đời đời không phá hoại luật nghi, phá trai, phạm giới.

Khi truyền giới, Hòa thượng yết-ma hỏi:

- Quý vị đã phát tâm bồ-đề chưa?

Giới tử trả lời:

- Bạch Hòa thượng, con đã phát tâm bồ-đề.

Hòa thượng yết-ma hỏi tiếp:

-Quý vị có phải là kẻ đại trượng phu không?

Giới tử đáp:

-Bạch Hòa thượng, con là kẻ đại trượng phu.

Khi những câu hỏi được trả lời theo tinh thần như vậy, thì loài quỷ địa hành la-sát–một loại chúng sinh chuyên ghi chép các việc xấu tốt trên thế gian liền nói: “Bây giờ đệ tử của Phật tăng thêm một người và đệ tử của ma vương giảm đi một người.” Quỷ địa hành la-sát truyền tin này cho quỷ không hành dạ-xoa, loài quỷ này lại truyền tin này lên cõi trời Lục dục. Thiên ma, là vua của các ma cõi trời, nghe tin này liền hoảng sợ. Đó là lý do thứ hai tỷ-khưu có nghĩa là bố ma, là làm cho ma hoảng sợ.

Tỷ-khưu cũng là người phá trừ các việc ác, dẹp trừ vô minh và phiền não.

Do chữ tỷ-khưu có ba nghĩa như vậy, nên nó rơi vào phạm trù của những thuật ngữ “không phiên dịch vì có nhiều nghĩa” (đa sinh nghĩa). Căn cứ theo nguyên tắc phiên dịch do Pháp sư Huyền Trang đời Đường lập ra, chữ ấy được giữ nguyên âm Phạn ngữ, không dịch sang tiếng Trung Hoa.

Đúng ra, có một nghìn hai trăm năm mươi lăm (1255) vị đại tỷ-khưu trong pháp hội ở Tịnh xá Kỳ-hoàn. Những vị đệ tử này bao gồm những đệ tử “thường tùy chúng.” Trước đây, hầu hết họ là những người tu theo ngoại đạo, nhưng sau nhờ Đức Phật giáo hóa nên thành đạo nghiệp, họ cảm ân đức của Phật nên theo Phật xuất gia, thường thân cận bên Phật.

Trong số một nghìn hai trăm năm mươi lăm đệ tử, trước hết Đức Phật thâu nhận Ngài A-nhã Kiều-trần-như41 và bốn huynh đệ của Ngài ở vườn Lộc Uyển. Kế tiếp, Đức Phật độ ba anh em ông Ca-diếp,42  là những người thờ lửa. Khi họ quy y với Đức Phật, họ đem theo một nghìn đệ tử của mình cùng quy y với Đức Phật thành ra một nghìn không trăm linh năm (1005) đồ chúng. Mục-kiền-liên43 và Xá-lợi-phất44 mỗi người có một trăm đệ tử, nâng tổng số lên một nghìn hai trăm linh năm người. Rồi Da-xá45 con của một vị trưởng giả cùng năm mươi người đến xin xuất gia, nâng tổng số các đệ tử của Phật là một nghìn hai trăm năm mươi lăm vị tất cả.

Thế nào gọi là chúng? Một người không được gọi là chúng. Hai, ba người cũng không được gọi là chúng. Phải có bốn người hoặc hơn mới thành một chúng. Ở đây hội chúng bao gồm không những chỉ có hơn bốn người mà còn có hơn một nghìn hai trăm năm mươi người.

Nguyên nhân A-nhã Kiều-trần-như trở thành đệ tử đầu tiên của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni như sau: Trong một đời trước, Đức Phật là một vị tiên tu hạnh nhẫn nhục. Một hôm vua Ca-lợi46 lên núi tổ chức một cuộc săn bắn, mang theo cả đoàn thê thiếp, thể nữ, các quan văn võ đại thần. Trong khi vua mãi mê săn bắn, các cô tỳ thiếp dạo chơi trong núi và gặp vị tỷ-khưu già, là vị tiên đang tu hạnh nhẫn nhục. Cô hầu thiếp vốn ít khi ra khỏi hoàng cung chưa bao giờ thấy một vị tỷ-khưu  già với râu tóc dài và lởm chởm như vậy. Đây vốn là một vị đạo sĩ nhưng các cô hầu thiếp tưởng là một người kỳ dị nên bò sát đến bên cạnh rồi hỏi:

- Ông đang làm gì vậy?

Vị tỷ-khưu già đáp:

- Tôi đang công phu tu tập theo Phật pháp.

Các cô tỳ thiếp chưa từng bao giờ nghe nói đến Phật pháp cũng như về Đức Phật nên hoàn toàn ngơ ngác trước câu trả lời này. Sự tò mò khiến các cô đến gần sát hơn để lén nhìn vị tỷ-khưu già. Họ vây quanh ngài thành một vòng tròn.

Khi vua Ca-lợi đi săn về, thấy các cô mỹ nữ của mình biến mất cả, ông ta đi tìm và thấy các cô đang vây quanh một người đàn ông râu tóc rậm rạp, cảnh đó khiến nhà vua phát ghen tức. Ông ta nghĩ: “Vị này đã quyến rũ các hầu thiếp của ta. Họ chẳng còn để ý gì đến ta nữa, thế là ông ta quyến rũ được họ rồi.” Vua lớn tiếng hỏi:

-Ông đang làm gì vậy?

Người đàn ông đáp:

- Tôi đang tu tập hạnh nhẫn nhục.

- Tu hạnh nhẫn nhục nghĩa là sao?

- Tu hạnh nhẫn nhục có nghĩa là bất luận ông đối xử như thế nào với tôi, dù ông vô lễ với tôi, dù ông đối xử ác độc với tôi, tôi vẫn chịu đựng được.

Vua Ca-lợi hỏi: “Thật chứ? Có thật đó là cách ông đang tu không? Tôi không tin là ông làm được việc đó. Nếu ông thực sự tu hạnh nhẫn nhục, cớ sao ông lại quyến rũ các thể nữ của tôi? Bây giờ họ đã quá gắn bó với ông và họ quá yêu ông rồi, trong tương lai chắc chắn họ sẽ rời bỏ hoàng cung để theo ông.”

- Không, tôi không hề quyến rũ họ, tôi vừa giảng pháp cho họ, dạy họ biết nhẫn nhục.

- Nhẫn nhục, Vua Ca-lợi bực dọc đáp lại: Thế ông có thể nhẫn nhục. À được rồi, Ta sẽ thử xem sao, Hãy xem thử ông nhẫn nhục được không...

Vua cắt đứt vành tai của vị tỷ-khưu già rồi hỏi: “Ông chịu đựng được không? Ông có giận không? Phiền não có khởi dậy không? Ông có ghét tôi không?”

Tỷ-khưu đáp lại: “Tôi chẳng hề phiền não, tôi cũng chẳng có gì giận ông cả.”

Vua Ca-lợi la lên:

“Thật vậy chăng? Thật là ông không giận dữ sao? Thế thì tốt, ta sẽ chặt tay ông.” Nói xong vua Ca-lợi liền cắt đứt một tay rồi hỏi:

- Ông vẫn không giận tôi chứ?

Vị tỷ-khưu già ấy là tiền thân của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, nói với vua Ca-lợi:

- Tôi không hề ghét ông.

- Thế thì ta sẽ cắt luôn tay kia.

 Vua vung kiếm lần nữa xuống cánh tay còn lại của vị tỷ-khưu rồi hỏi:

-Ông có giận không?

- Tôi vẫn không giận ông.

 Vị tỷ-khưu đáp lại.

- À! ông vẫn không nhận ra sự thực từ sai lầm, vậy ta sẽ chặt chân ông luôn. Bây giờ ông có giận không?

- Tôi không giận.

Vua Ca-lợi chặt đứt chân kia, đến lúc này tứ chi của vị tỷ-khưu đã bị chặt đứt hết. Vua hỏi: “Ông vẫn không giận tôi chứ?”

Vị tỷ-khưu già đáp: “Tôi vẫn không giận ông.”

“Ông nói dối.” Vua Ca-lợi hét lên “Chẳng có người nào trên thế gian này bị chặt đứt cả tứ chi mà không giận dữ. Tôi chẳng tin, tôi không tin ông thực sự tu tập được như vậy.”

Lúc đó, vị tỷ-khưu già phát lời nguyện:

- Nếu tôi không khởi tâm sân hận, thì tứ chi của tôi sẽ liền lại và thân thể tôi sẽ lành lặn như trước. Còn nếu như tôi có tâm sân hận thì tay chân tôi chẳng thể nối liền và mũi, tai không mọc lại được nữa.

Ngay sau khi vị tỷ-khưu vừa phát lời nguyện, tay chân mắt mũi liền có đủ và lành lặn như xưa.

Vua Ca-lợi la lên: “Ông là loại yêu quái gì vậy? Loại yêu quái nào có thể làm cho tay chân ông dính liền lại? Ông là ma quái !.”

Vua Ca-lợi kết luận, tuyên bố với quần thần và các tỳ nữ của mình như vậy. Nhưng ngay khi tâm niệm này vừa móng khởi trong tâm vua thì các vị Hộ pháp thiện thần liền giáng một trận mưa đá dữ dội xuống đoàn tùy tùng của vua.

Lúc ấy vị tỷ-khưu già phát lời nguyện khác:

“Xin quý vị Hộ pháp thiện thần thôi trừng phạt nhà vua, tôi đã tha thứ cho ông ta rồi.”

Vị tỷ-khưu nói với Vua Ca-lợi:

“Trong đời sau, khi tôi tu thành Phật, tôi sẽ độ thoát cho ông trước hết.”

Kết quả của lời nguyện này là khi Đức Phật Thích-ca thành chánh giác, người đầu tiên được Đức Phật độ là A-nhã Kiều-trần-như, người đó chẳng ai khác hơn là vua Ca-lợi trong kiếp tái sinh.

Nhờ Ngài đã thành Phật, năng lực của lời phát nguyện đã đưa Đức Phật tức khắc trở về vườn Lộc Dã để độ năm vị tỷ-khưu mà người đầu tiên là A-nhã Kiều-trần-như. Khi một người phát lên lời nguyện, liền tạo nên sự cảm thông. Thế nên quý vị nên lập hạnh nguyện thân thiện và cứu độ hết tất cả mọi loài chúng sinh và thận trọng đừng sát hại sinh mạng chúng sinh cho đến khi họ tựu thành Phật đạo, chúng ta sẽ cùng nhau tựu thành chánh giác và sẽ cùng nhau hưởng được niềm an lạc ở cõi Thường tịch quang Tịnh độ̣. Còn nếu quý vị phát lời nguyện sẽ giết hại chúng sinh thì trong đời sau, người ta sẽ giết quý vị trở lại, thế là sẽ không thể nào chấm dứt vòng luân hồi vì nghiệp sát cả.

Hãy đối xử tốt với mọi người, dù họ không tốt với mình. Chúng ta nên có một tinh thần bền bỉ như vị tiên nhẫn nhục đã có. Khi thoát khỏi tâm sân hận ngài còn phát nguyện cứu người đã xúc não mình, dù người ấy đã chặt đứt tứ chi của mình. Những người đang tu học Phật pháp nên học theo tinh thần cao thượng này.

Kinh văn:

皆是無漏大阿羅漢,佛子住持,善超諸有。能於國土成就威儀。



Giai thị vô lậu đại a-la-hán, phật tử trú trì, thiện siêu chư hữu. Năng ư quốc độ thành tựu oai nghi.

Việt dịch:

Tất cả các vị đều là bậc đại a-la-hán đã chứng quả vô lậu, phật tử trú trì, khéo vượt qua các cõi, thường ở nơi các cõi nước thành tựu các uy nghi.

Giảng:

Những vị đại tỷ-khưu này không chỉ đơn thuần là đại tỷ-khưu, họ là những vị bồ-tát hiện thân tỷ-khưu nên nói rằng:

 Nội bí bồ-tát hạnh

Ngoại hiện Thanh văn thân.

( Bên trong tâm nguyện Bồ-tát

 Bên ngoài hiện tướng Thanh văn).

Các ngài đúng là bồ-tát, tự bản tâm đã sẵn có căn tánh Đại thừa. Bên ngoài các ngài thực hành pháp của hàng Tiểu thừa và hiện thân Đại a-la-hán đã chứng quả vô lậu.

Một người chứng được quả vị đầu tiên được gọi là tiểu a-la-hán, người chứng được quả vị thứ tư được gọi là đại a-la-hán. Tuy vậy, nếu một vị a-la-hán đã chứng được quả vị thứ tư mà không chịu tiếp tục tiến lên trong việc tham cứu và công phu tu tập thì họ được gọi là hàng định tánh Thanh văn, họ dừng lại ở vị trí cố định ấy. Họ đạt được chút ít thành quả và tự hài lòng. Mặc dù những gì họ đạt được chẳng có gì lớn lắm, nhưng họ cho như thế đã đầy đủ và không quan tâm đến việc tiến bộ hơn nữa. Nếu họ tiếp tục tham cứu và công phu tu tập, họ có thể đạt được quả vị bồ-tát. Đây là ý nghĩa của chữ đại a-la-hán trong pháp hội Thủ-lăng-nghiêm.

Như đã giải thích ở trên, a-la-hán47 là tiếng Phạn. Có ba nghĩa: sát tặc, vô sinh và ứng cúng. Trong khi các vị tỷ-khưu chỉ có thể nhận được đồ cúng dường từ cõi của loài người, thì một vị sơ quả a-la-hán có thể nhận vật phẩm cúng dường của người và trời, chẳng hạn như của quốc vương hay thiên chủ.

Các vị đại a-la-hán có thể nhận vật phẩm cúng dường không những chỉ của người và trời ở cõi thế gian mà còn nhận vật phẩm cúng dường từ cõi xuất thế gian tức là từ chư Thiên đã vượt qua cõi trời Lục dục. Đại a-la-hán có thể nhận của cúng dường của hàng bồ-tát, vì họ đã cắt đứt tất cả phiền não ngoài tam giới, trong khi các vị sơ quả a-la-hán chỉ mới cắt đứt được các phiền não trong tam giới. Thế nên các vị đại a-la-hán có thể nói là có thể được các vị bồ-tát cúng dường. Mặc dù họ hiện thân tỷ-khưu và không thực hành đạo bồ-tát, nhưng trong tâm họ đã có lòng cao thượng của bồ-tát, và họ có thể dần dần đạt đến quả vị bồ-tát. Trong kiếp trước, họ đã thành Phật rồi, nhưng do họ phát tâm hộ trì cho Đức Phật Thích-ca Mâu-ni hoằng truyền Phật pháp, nên họ hiện thân tỷ-khưu lập hạnh a-la-hán. Về cơ bản, những vị a-la-hán này là những đại bồ-tát.

A-la-hán còn được gọi là vô sinh, có nghĩa là đã chứng được vô sinh pháp nhẫn.

A-la-hán còn được gọi là sát tặc vì họ hoàn toàn dẹp sạch được kẻ cướp là vô minh.

Người đã chứng được đạo quả rồi thì không còn những lậu hoặc nữa: không còn dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu nữa. Khi đạt được vô lậu nghĩa là không còn rơi vào ba cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới nữa. Chúng ta đang sống trong cõi Dục, mặc dù chúng ta đang sống trên trái đất, nhưng thực ra chúng ta là một phần của cõi trời ở Dục giới. Gọi là cõi Dục là vì con người ở đó luôn luôn có tâm niệm ham muốn mà không lúc nào biết dừng lại. Họ tham muốn hai thứ: vật chất của cải và tình dục. Tham muốn của cải vật chất là thích sử dụng và có được mọi thứ. Chẳng hạn như khi quý vị chưa có nhà, thì thích mua một cái nhà. Còn khi quý vị đã có một cái nhà rồi, thì thích mua một cái khác đẹp hơn. Đó là tham muốn nhà cửa. Trong quá khứ, người ta thường thích mua nhiều ngựa quý để cỡi, ngày nay họ thích mua xe hơi sang trọng. Đầu tiên, họ mua một chiếc xe cũ nát, nhưng khi họ lái chiếc xe ấy đi khắp nơi, mọi người đều nhìn với vẻ khinh khi, nên họ quyết định mua một chiếc đẹp hơn, nhưng họ vẫn chưa mua được một chiếc xe đời mới nhất. Một khi họ so sánh xe của họ với những chiếc xe đời mới nhất, họ lại thấy xe của mình chưa được tốt cho lắm, thế nên họ mua ngay một chiếc mới. Đó là ham muốn xe hơi. Cuối cùng, tham vọng của họ lên đến mức khi đã có xe hơi rồi, họ lại quyết định mua máy bay. Khi đã có máy bay rồi, họ lại muốn mua tàu thủy. Họ ham muốn vật chất không bao giờ chán. Họ không bao giờ nói: “Ta đã thỏa mãn rồi, ta đã có đầy đủ rồi, ta không muốn thêm thứ gì nữa cả. Ta không ham muốn điều gì nữa cả.”

“Những ham muốn ấy do đâu mà có?”

Nó đến từ vô minh.

Tham muốn sắc dục là điều mà có lẽ quý vị đều đã hiểu rõ, khỏi cần tôi phải nói. Có nghĩa là tham muốn sắc đẹp. Điều ấy cũng vậy, không thể nào thỏa mãn được. Một vợ chưa đủ, muốn có hai, rồi hai vợ chưa đủ muốn có ba. Có kẻ cần đến mười hoặc hai mươi người vợ. Các vị vua chúa thường có vài trăm vài ngàn phụ nữ sống trong cung. Quý vị có cho rằng như thế là không công bằng chăng? Nay trong chế độ dân chủ, người dân chỉ được phép có một vợ. Tục lệ đa thê bị cấm đoán, nhưng vẫn có nhiều người lén lút quan hệ bất chính. Bị sai sử bởi ham muốn sắc dục, nhiều nam nữ lén lút quan hệ với nhau một cách phóng đãng, chẳng theo luật pháp, đạo đức gì cả. Bên cạnh dục lậu còn có hữu lậu.

Lậu này xảy ra ở cõi trời của sắc giới, cõi này ở trên Dục giới. Hữu có nghĩa là có tất cả mọi thứ, bất kỳ món gì. Nếu quý vị tham lạm sự hiện hữu ấy mà không tự làm chủ lấy mình được thì quý vị sẽ bị lậu hoặc bất kỳ lúc nào mình có quá nhiều thứ.

Lớn nhất trong ba món lậu này là vô minh lậu. Vô minh lậu là gốc rễ của phiền não. Trong ba thứ lậu đó, nếu vô minh lậu được tiêu trừ thì hai lậu kia cũng dứt sạch.

Phật tử, nghĩa là con của Phật, đây không phải là La-hầu-la, con trai của Đức Phật. Thuật ngữ này đề cập đến các vị đại tỷ-khưu, đại a-la-hán đã nói ở trước. Kinh Phạm Võng có nói:

Chúng sinh thọ Phật giới

Tức nhập chư Phật vị

Vị đồng đại giác dĩ

Chân thị chư Phật tử.

Nghĩa là:

Khi chúng sinh đã thọ nhận giới luật Phật chế rồi, tức là có được những phẩm chất cần thiết để bước lên quả vị Phật. Khi đã đồng một quả vị với các bậc đại giác rồi, thì đó mới chân thực là Phật tử.


tải về 9.62 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   85




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương