Nghiên cứu một số ĐẶC ĐIỂm sinh học của cá BỐng cáT


Tổng quan về đối tượng nghiên cứu



tải về 1.89 Mb.
trang5/19
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2017
Kích1.89 Mb.
#32830
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19

2.4 Tổng quan về đối tượng nghiên cứu.


Bộ cá vược (Perciforrmes) gồm 40% các loại cá xương và là bộ lớn nhất trong số các bộ của động vật có xương sống, có kích thước, hình dạng đa dạng và hầu như được tìm thấy trong mọi loại hình thủy vực. Trong bộ này có nhiều loài có giá trị kinh tế cao và một số đã trở thành đối tượng nuôi quan trọng như: Channa striatus, Anabas testudineus, Trichogater pectoralis… Do vậy, có khá nhiều loài có giá trị kinh tế nhưng những nghiên cứu chỉ dừng lại ở miêu tả sơ lược về đặc điểm hình thái phân loại và phân bố. Cá bống cát Glossogobius giuris  là một điển hình tuy đây là một loài cá khá quen thuộc với người dân nhưng nghiên cứu về loài cá này còn rất ít.

Theo tác giả Lê Thị Ngọc Thanh (2010) đã xác định ở Bạc Liêu và Sóc Trăng có 10 loài cá bống có giá trị kinh tế thuộc họ Gobiidae, Eleotridae và Apocrypteidae trong đó có 2 loài có sản lượng và giá trị kinh tế cao là cá bống cát Glossogobius giuris (Hamilton, 1822) và cá bống dừa Oxyeleotris siamensis Gunther.

Trong nghiên cứu của Võ Thanh Tân (2008) về các loài cá kinh tế phân bố ở tỉnh An Giang, tác giả đã tìm thấy 2 họ cá bống là họ cá bống đen Eleotridae với 3 loài và họ cá bống trắng Gobiidae có 3 loài, trong đó có loài Glossogobius giuris (Hamilton, 1822) phân bố ở An Giang.

2.5 Đặc điểm phân loại cá bống cát

2.5.1 Đặc điểm phân loại, hình thái


Theo Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương (1993), cá Bống Cát được phân loại như sau:

Ngành: Chordata

Lớp: Actinopterygii

Bộ: Perciformes

Họ: Gobiidae

Giống: Glossogobius

Loài: Glossogobius giuris (Hamilton, 1822)


Hình 2.1: Hình thái bên ngoài của cá Bống Cát


(Nguồn: Tự chụp)

Trong nghiên cứu của tác giả Nguyễn Nhật Thi (2000) đã xác định được ở Việt Nam có 94 loài cá Bống, 54 giống thuộc 4 họ trong phân bộ cá Bống. Đây được xem là danh mục cá Bống đầy đủ nhất từ trước đến nay. Trong tài liệu này, tác giả đã định danh và mô tả cụ thể đặc điểm sinh học cũng như khu vực phân bố của các loài cá Bống ở Việt Nam.

Theo nghiên cứu của Trương Thủ Khoa & Trần Thị Thu Hương (1993), tác giả đã mô tả các chỉ tiêu hình thái của cá bống cát như sau: D1. VI; D2. I 10; A. I,9; P. 19-20; V. I, 5; dài chuẩn/dài đầu = 3,1, dài chuẩn/cao thân = 5,7, dài đầu/đk mắt = 5,8, dài đầu/kc 2 mắt = 9,7, dài đầu/dài mõm = 2,8, dài cuống đuôi/cao cuống đuôi = 5,9, cao thân/cao cuống đuôi = 4,2.

Mô tả hình thái: Đầu to, dẹp bằng. Rộng đầu tương đương với cao thân. Mõm dài nhọn, hướng lên. Miệng trên, rộng miệng tương đương với cao vòng miệng. Xương hàm cứng, mỗi hàm có hai hàm răng nhọn, có dạng răng chó, mọc thưa. Không có râu. Mắt to nằm lệch về phía lưng của đầu, đường kính mắt tương đương ½ chiều dài mõm. Hai lỗ mũi nằm gần nhau. Phần trước thân cá có tiết diện tròn, phần sau dẹp bên, lưng rộng, phẳng, cuống đuôi thon dài.

Vảy to, phần trước của thân phủ vảy tròn, phần sau phủ vảy lược, vảy phủ đến sau mắt. Đầu trần, chỉ có một ít vảy trên xương nắp mang. Có vảy phủ lên gốc vi ngực và gốc vi đuôi.

Khoảng cách giữa hai vi lưng nhỏ hơn chiều dài gốc vi lưng thứ nhất.

Khởi điểm vi lưng thứ nhất ngang với vảy đường dọc thứ 3- 4. Khởi điểm vi hậu môn sau khởi điểm vi lưng thứ 2 nhưng điểm kết thúc lại ở phía trước điểm kết thúc của vi lưng thứ 2. Cơ gốc vi ngực phát triển. Hai vi bụng dính nhau thành hình phễu, miện phễu hình bầu dục, vi đuôi không chẻ hai.

Mặt lưng màu xám, mặt bụng màu vàng nhạt. Dọc theo sống lưng có 6 đốm màu xám đậm và đường kính lớn hơn khoảng cách giữa hai đốm. Dọc trục giữa thân có 5 đốm đen xen kẽ với các đốm ở lưng. Khoảng cách giữa các đốm này rộng hơn bề rộng của các đốm. Cạnh dưới mắt có 1 vệt đen chạy thẳng ra phía sau nắp mang và 1 vệt đen khác chạy từ trước mắt đến miệng.

Ngoài ra, thân còn có 1 số sọc màu xám chạy theo chiều dọc. Gốc vi ngực có 2 sọc đen.

Vi lưng màu vàng, có 4 hàng chấm đen nằm vắt ngang các tia vi. Vi ngực và vi hậu môn màu vàng xám. Vi bụng màu trắng. Vi đuôi màu vàng với nhiều màu trắng, đen.

2.5.2 Đặc điểm sinh trưởng

Môi trường sống của cá bống cát rất đa dạng phân bố chủ yếu ở các thủy vực (nước ngọt, lợ và ở biển), cá có tập tính sống đáy. Loài này sống chủ yếu ở nước ngọt nhưng có thể tìm thấy ở vùng cửa sông và các thủy vực nước lợ có chất nền sỏi hoặc đá. Kích thước cá tương đối nhỏ và có chiều dài phổ biến khoảng 11,3 cm. Theo Lê Thị Ngọc Thanh (2010) thì một số loài cá bống có khả năng thích nghi với cả môi trường nước lợ, mặn và môi trường nước ngọt.

Phân bố: cá Bống cát sống ở nước ngọt, lợ và mặn. Vùng phân bố từ Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Úc, Philippines, Trung Quốc.

2.5.3 Đặc điểm dinh dưỡng


Theo Mai Đình Yên & ctv (1979) cho rằng cá ăn thịt thường có miệng lớn, cá ăn thực vật thường có miệng nhỏ, còn theo tác giả Nguyễn Bạch Loan (2003), cá ăn động vật kích thước lớn có răng to, bén và có răng chó.

Theo tác giả Smith (1991), thực quản của hầu hết các loài cá thường ngắn tuy nhiên các loài cá có tính ăn khác nhau thì độ đàn hồi của thực quản cũng khác nhau. Dạ dày thường có quan hệ với thức ăn và kích thước con mồi.

Nhưng những loài có dạ dày lớn có thể ăn được những con mồi có kích thước lớn và ngược lại. Chiều dài ruột của cá phụ thuộc vào tuổi và loại thức ăn tự nhiên mà chúng tiêu thụ, chiều dài ruột gia tăng theo sự gia tăng tỉ lệ các loại thức ăn thực vật trong khẩu phần thức ăn của cá. (được trích bởi Nguyễn Minh Kha, 2011).

Cũng theo tác giả Biswas (1993), các cá thể trong cùng 1 loài thì chỉ số RLG cũng khác nhau tùy theo giai đoạn phát triển của cá. (Được trích bởi Hồ Mỹ Hạnh, 2003).

Theo Girgis (1952), trong quá trình tăng trưởng, ống tiêu hóa của cá sẽ gia tăng về chiều dài và gia tăng các nếp gấp để tiêu hóa và hấp thụ các vật chất có nguồn gốc thực vật, điều này dẫn đến gia tăng giá trị RLG. (Được trích dẫn bởi Phạm Thanh Liêm & Trần Đắc Định, 2004).

Cá bống cát ăn côn trùng nhỏ, động vật giáp xác và cá nhỏ, phát triển đến một kích thước lớn ở vùng nước lợ, cá ăn phiêu sinh động vật, sinh vật đơn bào, tảo, giun và động vật giáp xác kích thước nhỏ. Theo Lê Thị Ngọc Thanh (2010) đã xác định được cá bống cát có tính ăn thiên về động vật với thành phần thức ăn có tỷ lệ cao ở nhóm phiêu sinh động vật chiếm 37,88% (Cladocera, Copepoda) và giáp xác nhỏ 27,24% và cá con chiếm 28,58%, ngoài ra còn có tảo khuê, tảo lam, tảo lục,…chiếm tỷ lệ không đáng kể.

Cá bống hay ăn thịt lẫn nhau.

2.5.4 Đặc điểm sinh sản


Theo Nguyễn Văn Kiểm và Phạm Minh Thành (2009) hệ số thành thục của cá khác nhau tùy theo loài và điều kiện sống, thông thường sống trong cùng một vùng địa lý những loài cá có kích thước nhỏ thường thành thục sớm hơn những loài cá kích thước lớn. Cùng loài nhưng sống trong những vĩ độ khác nhau thì có độ thành thục khác nhau. Ở ĐBSCL thì cá tập trung sinh sản chủ yếu vào mùa mưa (tháng 5).

Các nghiên cứu về sinh sản cá bống cát còn hạn chế. Gần đây theo Phạm Thị Mỹ Xuân và Trần Đắc Định (2012) thì buồng trứng cá hình bầu dục, kích thước trứng nhỏ nhưng có thể quan sát bằng mắt thường khi đạt giai đoạn III, IV. Trung bình đường kính trứng đo được dao động từ từ 0,62 mm ± 0,05 đến 0,72 mm ± 0,08. Sức sinh sản tuyệt đối cao dao động từ 16.985 trứng/cá cái đến 77.298 trứng/cá cái và sức sinh sản tương đối trung bình là 2.262 ± 329 trứng/g cá cái.

Mùa vụ sinh sản của cá bống cát vào khoảng tháng 5 – 9 (Doha, 1974). Là một trong số ít các loài cá di cư ra biển cho mục đích sinh sản. Ấu trùng cá bống cát có thể tìm thấy ở biển và các thủy vực nước lợ nhưng có thể sinh sản ở nước ngọt: cá con có mặt ở thượng nguồn của các con sông và đầm phá đất liền.

Tập tính sinh sản với nhiều loài cá bống con đực thành thục thường có tập tính ấp trứng trong hang. Mùa vụ sinh sản của cá bống cát vào khoảng tháng 10 đến tháng 12 và sức sinh sản tương đối trung bình lần lượt là 1.577 trứng/g cá cái (879 - 2.110 trứng/g cá cái) và 1.544 trứng/g cá cái (1.233 – 1.957 trứng /g cá cái) (Lê Thị Ngọc Thanh, 2010).




tải về 1.89 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương