KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)



tải về 7.28 Mb.
trang78/101
Chuyển đổi dữ liệu19.07.2016
Kích7.28 Mb.
#2002
1   ...   74   75   76   77   78   79   80   81   ...   101

Trả lời: Tại công văn số 5408/BYT-VPB1 ngày 13/8/2014

Bộ Y tế được phân công xây dựng dự thảo Luật sửa đổi Luật Dược. Các quy định cụ thể về người hành nghề dược và điều kiện kinh doanh đối với từng hình thức tổ chức kinh doanh trong đó có hình thức bán lẻ thuốc đã được nghiên cứu bổ sung cho phù hợp hơn.

Về quy định người trực tiếp bán thuốc phải có trình độ chuyên môn đã được quy định trong Luật Dược năm 2005. Cụ thể là các hành vi: “Kinh doanh thuốc mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc”, “Hành nghề dược mà không có chứng chỉ hành nghề dược”, “Giả mạo, thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ hành nghề dược, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc” đã được quy định là những hành vi bị cấm tại Điều 9 Luật Dược năm 2005.

Hành vi thuê mượn chứng chỉ hành nghề dược hoặc người có chứng chỉ hành nghề vắng mặt tại cơ sở kinh doanh thuốc đã được quy định trong các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về y tế đã ban hành trước đây và Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đang có hiệu lực thi hành là Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ.

Cụ thể là hành vi “a) Người quản lý chuyên môn vắng mặt nhưng không thực hiện việc ủy quyền hoặc cử người thay thế theo quy định của pháp luật” bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cơ sở bán lẻ thuốc

Bên cạnh đó còn có hình thức xử phạt bổ sung là “a) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng”.

Các văn bản Quy phạm pháp luật hiện hành đã tương đối đầy đủ và đã quy định mức xử phạt cụ thể. Một số trường hợp thuê, mượn Chứng chỉ hành nghề dược bị phát hiện đều đã bị xử lý nghiêm theo quy định.Trong thời gian gần đây, việc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề dược đã được khắc phục đáng kể. Đặc biệt, thực hiện triển khai lộ trình áp dụng nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc”, điều kiện cơ sở bán lẻ thuốc đã được nâng lên. Vai trò, nhiệm vụ của người quản lý chuyên môn tại cơ sở bán lẻ được quy định cụ thể hơn. Nhờ vậy, việc tuân thủ quy định pháp luật về dược cũng được nâng lên đồng thời công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của cơ sở bán lẻ thuốc cũng phát huy được hiệu quả.

Ngày 29/03/2013, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2013/TT-BYT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 89/2012/NĐ-CP ngày 24/10/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược. Trong đó, Bộ Y tế đã quy định việc cập nhật và công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược và các Sở Y tế tỉnh, thành phố về danh sách các cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề dược và danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược kèm theo tên người hành nghề, số Chứng chỉ hành nghề dược. Trên cơ sở các danh sách này, ngoài hệ thống thanh tra thì cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân có thể thể tham gia vào việc phát hiện các trường hợp thuê, mượn chứng chỉ hành nghề, người đăng ký hành nghề không có mặt tại cơ sở kinh doanh.

Bên cạnh việc đề xuất và trực tiếp hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan theo thẩm quyền, Bộ Y tế sẽ bổ sung các biện pháp và hướng dẫn thanh tra, kiểm tra để hạn chế và loại bỏ tình trạng thuê, mượn chứng chỉ hành nghề dược, người hành nghề dược không có chứng chỉ hành nghề dược.

41. Cử tri các tỉnh Long An, Lạng Sơn kiến nghị: Đề nghị tăng cường chỉ đạo các địa phương kiểm tra đảm bảo chất lượng vắc-xin trước khi sử dụng. Đối với các lọai vắc-xin nhập khẩu đã được Bộ Y tế cấp giấy phép đăng ký lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu, cần phải kiểm định chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn theo quy định. Đồng thời cần chấn chỉnh việc thực hiện an toàn tiêm chủng, kiểm tra toàn diện các điểm tiêm chủng trên cả nước

Cử tri tỉnh Bến Tre kiến nghị: Việc trẻ em tiêm vắcxin bị tử vong do sốc thuốc xảy ra ở một sổ tỉnh gây hoang mang cho người dân. Đề nghị Bộ Y tế quan tâm chỉ đạo các cơ quan quản lý ngành quản lý việc nhập thuốc vắc xin đảm bảo thời hạn sử dụng, hạn chế tối đa việc trẻ em tiêm phòng vắcxin bị tử vong.

Trả lời: Tại công văn số 5408/BYT-VPB1 ngày 13/8/2014

1. Về chất lượng vắc-xin:

- Việc đảm bảo chất lượng vắc xin và công tác an toàn tiêm chủng luôn được Bộ Y tế quan tâm, chú trọng chỉ đạo sát sao. Theo quy định hiện hành, từng lô vắc xin (sản xuất trong nước và vắc xin nhập khẩu) trước khi đưa ra lưu hành, sử dụng phải được kiểm tra giám sát chặt chẽ và nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn và hiệu quả của cơ sở sản xuất vắc xin, Cơ quan kiểm tra chất lượng nhà nước của nước sở tại cũng như của Việt Nam, cụ thể:

+ Cơ sở sản xuất: quá trình sản xuất phải tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc”- GMP và phải kiểm tra chất lượng vắc xin và đạt yêu cầu các chỉ tiêu của tiêu chuẩn chất lượng đã được Bộ Y tế phê duyệt trước khi xuất xưởng.

+ Đối với vắc xin nhập khẩu, trước khi nhập khẩu vào Việt Nam phải được Cơ quan quản lý chất lượng về vắc xin nước sở tại kiểm tra về chất lượng, an toàn, hiệu quả và cấp Giấy phép xuất xưởng theo từng lô hàng nhập.

+ Các vắc xin được cấp phép lưu hành, nhập khẩu vào Việt Nam chỉ được phép đưa ra sử dụng khi có văn bản của Viện Kiểm định quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế xác nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng, hiệu lực và an toàn trên động vật thí nghiệm. Nếu một lô vắc xin được nhập khẩu vào Việt Nam nhiều lần thì từng lần nhập khẩu đều phải được kiểm định về chất lượng và độ an toàn. Nếu vắc xin đó, trong một lần nhập khẩu, có nhiều hơn một lô thì phải gửi mẫu của từng lô để kiểm định.

- Chất lượng vắc xin tiếp tục được đảm bảo thông qua việc duy trì điều kiện bảo quản của vắc xin trong chuỗi dây chuyền lạnh trong suốt quá trình từ nhà sản xuất đến nơi sử dụng.

Như vậy, việc đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả của vắc xin đã được thực hiện đồng bộ trong toàn bộ quá trình chặt chẽ và nghiêm ngặt tất cả các khâu từ sản xuất, bảo quản, phân phối và sử dụng.

- Để tăng cường việc đảm bảo chất lượng vắc xin trong quá trình lưu hành, sử dụng và công tác an toàn tiêm chủng, trong thời gian qua Bộ Y tế đã tiến hành sửa đổi, bổ sung các văn bản quản lý cho phù hợp với tình hình thực tế, cụ thể: (1) Thông tư số 12/2014/TT-BYT ngày 20/03/2014 của Bộ Y tế hướng dẫn việc quản lý sử dụng vắc xin trong tiêm chủng; (2) Quyết định số 1730/QĐ-BYT ngày 16/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn bảo quản vắc xin; (3) Quyết định 2535/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn theo dõi chăm sóc, xử trí phản ứng sau tiêm chủng”; (4)Quyết định 1731/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng”.

- Đồng thời Bộ Y tế tích cực triển khai “Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng”, trong đó tập trung vào các nội dung:

+ Thanh tra, kiểm tra toàn diện các điểm tiêm chủng về điều kiện của cơ sở tiêm chủng và việc bảo quản vẳc xin ở tất cả các tuyến từ Trung ương đến địa phương.

+ Tăng cường đảm bảo chất lượng vắc xin: thực hiện kiểm định trước khi sử dụng vắc xin trên thị trường và tiến hành lấy mẫu kiểm định ngẫu nhiên vắc xin trong quá trình triển khai tiêm chủng, Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế thực hiện kiểm định mẫu vắc xin liên quan khi xảy ra phản ứng nặng sau tiêm chủng.

+ Tổ chức hội nghị trực tuyến, chỉ đạo tuyến về công tác tăng cường an toàn tiêm chủng

+ Tập huấn cho cán bộ y tế về thực hiện tiêm chủng an toàn

+ Truyền thông về an toàn tiêm chủng: thông tin hỏi đáp về an toàn tiêm chủng, thông điệp và tài liệu truyền thông về tiêm chủng.

Hiện nay, Bộ Y tế đã và đang triển khai đồng bộ 06 chức năng quản lý nhà nước về vắc xin theo khuyến cáo của Tổ chức thế giới WHO và dự định sẽ sớm đề nghị WHO tiến hành thẩm định, công nhận trong thời gian tới.

2. Về an toàn tiêm chủng:

- Bộ Y tế luôn đặt vấn đề tiêm chủng an toàn là ưu tiên hàng đầu khi thực hiện tiêm chủng. Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các địa phương và các đơn vị trên cả nước tiến hành kiểm tra, rà soát và chấn chỉnh các hoạt động tiêm chủng thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế. Đồng thời Bộ Y tế có Công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh/TP đề nghị tăng cường chỉ đạo công tác tăng cường an toàn tiêm chủng trên địa bàn. Trên cơ sở đó, cán bộ y tế hướng dẫn, tư vấn đầy đủ, cặn kẽ cho các bà mẹ và gia đình về cách chăm sóc trẻ sau tiêm chủng.

- Ngày 21/8/2013, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3029/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch tăng cường an toàn tiêm chủng, đồng thời tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh/thành phố để triển khai Kế hoạch này. Trong hơn 4 tháng triển khai, trên toàn quốc đã có tổng số 13.368 điểm tiêm chủng cố định đã được kiểm tra, đánh giá (đạt 98,4%). Trong đó có 12.920/13.368 điểm được đánh giá đủ điều kiện tiêm chủng chiếm 96,6%, ngoài ra ngành y tế còn triển khai các hoạt động khác như đảm bảo chất lượng vắc xin, truyền thông, tập huấn cho cán bộ...

- Bộ Y tế đã tiến hành rà soát lại tất cả các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và lập kế hoạch xây dựng, hoàn thiện tăng cường an toàn tiêm chủng tập trung cho việc cung cấp trang thiết bị, đào tạo tập huấn cán bộ để nâng cao chất lượng công tác tiêm chủng. Hiện tại, Bộ Y tế đã hoàn chỉnh và ban hành các văn bản quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bao gồm Thông tư số 12/2014/TT-BYT ngày 20/3/2014 về hướng dẫn quản lý sử dụng vắc xin trong tiêm chủng, Quyết định số 04/QĐ-BYT ngày 02/01/2014 về việc hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng với trẻ em, Quyết định số 1730/QĐ-BYT ngày 16/5/2014 về hướng dẫn bảo quản vắc xin, Quyết định số 1731/QĐ-BYT ngày 16/5/2014 về hướng dẫn về tổ chức buổi tiêm chủng, Quyết định số 1830/QĐ-BYT ngày 26/5/2014 về hướng dẫn giám sát, điều tra, phân tích, đánh giá nguyên nhân phản ứng sau tiêm chủng và Quyết định số 2535/QĐ-BYT ngày 10/7/2014 về hướng dẫn theo dõi, chăm sóc, xử trí phản ứng sau tiêm chủng, trong đó có các quy định chi tiết các điều kiện đảm bảo an toàn tiêm chủng trong quá trình sử dụng vắc xin như: khám sàng lọc, tư vấn cho gia đình về tác dụng lợi tích của việc sử dụng vắc xin, cách hướng dẫn chăm sóc sau tiêm chủng, quy định về thực hành tiêm chủng của cán bộ y tế, giám sát xử trí phản ứng sau tiêm chủng đối với các tuyến…



42. Cử tri các tỉnh/thành phố An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Hà Nam, Hưng Yên, Lâm Đồng, Long An, Ninh Thuận, Tiền Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng, Hà Nội, Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri phản ảnh có nhiều bất cập trong việc sử dụng thẻ BHYT khám, chữa bệnh do quyền lợi của người sử dụng thẻ BHYT chưa được bảo đảm, còn nhiều hạn chế. Cụ thể như: khám BHYT chỉ nhận được loại thuốc rẻ tiền, giá thuốc BHYT cao hơn bên ngoài, trạm Y tế thiếu thuốc và phương tiện khám bệnh... Việc chữa bệnh không tận tình chu đáo; các tuyến trên quá tải, còn phân biệt đối xử giữa người có BHYT với khám dịch vụ y tế; việc khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế hiện nay còn quá nhiều thủ tục gây khó khăn cho người dân, công tác quản lý việc thanh toán tiền khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT còn bất cập, tình trạng thanh toán khống tiền BHYT vẫn diễn ra; bệnh viện không có chuyên khoa da liễu hay tâm thần, nếu muốn đến chữa bệnh tại bệnh viện chuyên khoa thì bắt buộc phải có giấy chuyển viện của Trung tâm y tế quận, có giới thiệu của phường.... Bên cạnh đó, nhiều cử tri bày tỏ thắc mắc xung quanh việc đăng ký và khám BHYT, mức chi trả của người dân sử dụng thẻ BHYT còn cao trong khi bị hạn chế chọn nơi khám hoặc vượt tuyến...

Cử tri đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu và chấn chỉnh trong thời gian tới, đề nghị xem xét mở rộng các cơ sở khám chữa bệnh, tăng cường số lượng y bác sỹ và chấn chỉnh thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sỹ ở các phòng khám; cần quan tâm tạo điều kiện hơn nữa cho người dân trong khám chữa bệnh, có biện pháp đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc, mở rộng danh mục phát thuốc trong điều trị bệnh cho bệnh nhân tham gia BHYT. Đồng thời, có biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với cán bộ y tế gây khó khăn với gia đình bệnh nhân thì không những cá nhân cán bộ đó mà thủ trưởng đơn vị cũng phải chịu trách nhiệm

Cử tri các tỉnh An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Phúc kiến nghị: Việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân đề nghị cần có lộ trình và trang bị đầy đủ cơ sở vật chất để công tác khám chữa bệnh được đảm bảo, từ đó mới thu hút được người dân tham gia; cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nhận thức mua BHYT. Có như vậy, mới khuyến khích được người dân tích cực tham gia bảo hiểm y tế và hoàn thành được chủ trương tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân vào những năm tới.

Cần có các giải pháp cơ bản và hiệu quả hơn trong thực hiện cải cách y tế, nhất là đối với việc nâng cao chất lượng hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cụ thể như: tăng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tiến đến việc thực hiện bảo hiểm y tế theo loại bệnh điều trị, cải thiện thái độ phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức ngành y tế nói chung, nhất là các bộ phận làm công tác khám, điều trị ở lĩnh vực bảo hiểm y tế nói riêng…đề nghị có giải pháp nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ ngành y đối với bệnh nhân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; quan tâm, định hướng nâng cấp chất lượng khám, chữa bệnh cho các bệnh viện cấp huyện, khu vực và trạm y tế xã, phường để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu được khám chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế nhằm từng bước thay đổi nhận thức, giúp họ nhận ra lợi ích của việc tham gia bảo hiểm y tế.

Trả lời: Tại công văn số 5408/BYT-VPB1 ngày 13/8/2014

1. Về giải quyết những bất cập trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế:

Để giải quyết những bất cập trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã và đang tiếp tục chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát các hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở các các cơ sở y tế; đồng thời Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong thời gian qua, với mục đích từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người bệnh nói chung và người bệnh bảo hiểm y tế nói riêng khi đi khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nhiều hoạt động nhằm cải cách thủ tục hành chính, cải cách quy trình khám chữa bệnh, giảm phiền hà cho người bệnh, giảm thời gian chờ đợi không cần thiết trong khám bệnh, cụ thể như sau:

- Tổ chức quán triệt, triển khai các văn bản hướng dẫn về bảo hiểm y tế cho toàn thể cán bộ nhân viên của đơn vị.

- Thủ trưởng các đơn vị tổ chức rà soát thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bố trí hệ thống đăng ký và nơi khám bệnh một cách khoa học, hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Cải tiến quy trình, thủ tục hành chính, bổ sung bảng chỉ dẫn các khoa phòng, bảng hướng dẫn thủ tục khám, chữa bệnh, cung cấp thông tin về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

- Tăng cường tin học hoá trong quản lý khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; giải quyết một cách khoa học và công bằng trong việc tổ chức khám chữa bệnh, không phân biệt người bệnh tự trả viện phí và người bệnh bảo hiểm y tế.

- Công khai bảng giá viện phí theo quy định; thực hiện công khai, minh bạch các khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả hay được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. Đặc biệt, sau khi Thông tư số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29/02/2012 ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 10/9/2012, chỉ thị này đã giao trách nhiệm cụ thể cho Giám đốc Sở Y tế, giám đốc các bệnh viện trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh gắn với điều chỉnh giá viện phí.

- Ngày 13/6/2014, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-BYT để kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn hành vi gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế và phát huy hiệu quả của chính sách bảo hiểm y tế; đồng thời, tăng cường phối hợp giữa ngành Y tế và ngành Bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về khám bệnh, chữa bệnh và thanh quyết toán bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế nhằm phòng ngừa và kịp thời phát hiện những hành vi gian lận, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế.

- Để kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với cán bộ y tế gây khó khăn với gia đình bệnh, Bộ Y tế đã tiến hành các biện pháp sau:

+Tái thiết lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của “Đường dây nóng Ngành Y tế” trực 24/24 giờ/ngày theo số điện thoại Tổng đài 1900 9095, tiếp nhận các thông tin phản ánh của người dân về việc khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, những việc làm tốt của cán bộ, y, bác sỹ, nhân viên ngành y tế trên phạm vi toàn quốc.

+ Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện tái thiết lập “đường dây nóng bệnh viện” kèm số điện thoại của giám đốc đơn vị, để tiếp nhận phản ánh của người dân đối với đội ngũ y, bác sỹ của đơn vị. Theo đó, người dân có thể trực tiếp phản ánh các bức xúc về tinh thần thái độ phục vụ và ứng xử của nhân viên y tế. Các số điện thoại đường dây nóng được dán tại nơi người bệnh dễ thấy như nơi đón tiếp, phòng khám, khoa khám bệnh, buồng bệnh, khoa điều trị. Bệnh viện phải phân công người thường trực Đường dây nóng 24/24 giờ/ngày.

+ Người tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân có trách nhiệm giải thích rõ, xử lý ngay những vấn đề trong thẩm quyền giải quyết hoặc chuyển tới các cá nhân, bộ phận liên quan. Cá nhân và bộ phận liên quan khi nhận được thông tin có trách nhiệm xử lý ngay, hoặc phải trực tiếp đến tận nơi kiểm tra và xử lý. Với những trường hợp có sai phạm phải có biện pháp xử lý: Phê bình, nhắc nhở trước giao ban, trừ thu nhập tăng thêm, thuyên chuyển vị trí công tác khác…

2. Về phân tuyến khám chữa bệnh:

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), người tham gia BHYT có quyền lựa chọn một cơ sở y tế để đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và khi đi khám chữa bệnh đúng nơi đăng ký ban đầu sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế. Trong trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn, người bệnh vẫn được chuyển lên tuyến trên theo quy định về chuyên môn của Bộ Y tế, quy định về đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh tại Thông tư số 10/2009/TT-BYT ngày 14/8/2009.

Việc phân tuyến chuyên môn, kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh đã được Bộ Y tế quy định theo 4 cấp, dựa trên địa giới hành chính, phạm vi quản lý, khả năng chuyên môn và thực trạng về cơ sở vật chất. Việc đăng ký cơ sở khám chữa bệnh ban đầu và phải đến khám chữa bệnh tại cơ sở đăng ký (trừ trường hợp cấp cứu) là cần thiết và phù hợp vì:

- Giúp cho việc quản lý các đối tượng người bệnh tại mỗi cơ sở.

- Sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực của cơ sở y tế tuyến dưới, thuận lợi cho người bệnh

- Duy trì tuyến điều trị, giảm chi phí không cần thiết và giảm tải cho các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên.

Để đảm bảo quyền lợi của người bệnh trong trường hợp cấp cứu, tai nạn ngoài địa phương, Điều 28 Luật BHYT đã quy định: Trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào và xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ quy định trước khi ra viện để được hưởng quyền lợi về BHYT.

Ý kiến của cử tri đề nghị người tham gia BHYT được chuyển tuyến trực tiếp từ tuyến xã lên tuyến tỉnh và cho phép người có thẻ BHYT được khám, chữa bệnh tại bất cứ cơ sở khám, chữa bệnh nào vẫn được thanh toán BHYT... là chưa phù hợp với quy định hiện hành của Luật BHYT, vừa gây khó khăn cho cơ quan quản lý vừa làm quá tải các bệnh viện tuyến trên, dẫn tới tình trạng lãng phí đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cho tuyến dưới. Bộ Y tế tiếp thu ý của Đại biểu và trước mắt Điều 22 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế đã sửa đổi quy định này như sau:

- Từ ngày 01/01/2016, người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh có mức hưởng theo quy định của Luật.

- Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương và có mức hưởng theo quy định của Luật.

Hiện nay, Bộ Y tế đang tập trung triển khai các Đề án: Bác sỹ gia đình, bệnh viện vệ tinh, đồng thời chỉ đạo nâng cấp và bổ sung các trang thiết bị, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chuyển giao các dịch vụ kỹ thuật cho đội ngũ y bác sỹ tuyến dưới, để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, đảm bảo công bằng đối với người tham gia BHYT. Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 10/2009/TT-BYT hướng dẫn đăng ký khám chữa bệnh BHYT và chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT. Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư phân tuyến kỹ thuật, trong đó có bổ sung việc chuyển vượt tuyến bệnh nhân nặng mà các dịch vụ của tuyến trên liền kề không đáp ứng được hoặc chuyển vượt tuyến đối với bệnh nhân mắc bệnh chuyên khoa mà bệnh viện tuyến trên liền kề không có khoa điều trị để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT.

3. Về danh mục thuốc BHYT:

Danh mục thuốc BHYT hiện đang sử dụng bao gồm 900 hoạt chất thuốc tân dược với 1143 hợp chất, 57 thuốc phóng xạ và hợp chất đánh dấu (ban hành kèm theo thông tư số 31/2011/TT-BYT ngày 11/7/2011), 127 chế phẩm y học cổ truyền và 300 vị thuốc y học cổ truyền (ban hành kèm theo Thông tư số 12/2010/TT-BYT ngày 29/4/2010). Có thể nói, Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới có một danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng của người tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm cả các thuốc đặc trị, thuốc chi phí điều trị lớn như thuốc điều trị ung thư, chống thải ghép.

Trong những năm qua, với mục tiêu mở rộng Danh mục thuốc, đáp ứng ngày càng tốt hơn, đầy đủ hơn nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, đặc biệt đối với người bệnh thuộc diện khó khăn, Danh mục thuốc đã liên tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung (07 lần từ năm 2001 đến nay). Hiện tại, Bộ Y tế đang tiến hành rà soát, sửa đổi Danh mục thuốc tân dược và thuốc y học cổ truyền được Quỹ BHYT thanh toán theo hướng mở rộng số lượng thuốc được sử dụng cho các bệnh viện tuyến dưới, bổ sung các thuốc cần thiết cho nhu cầu điều trị kể cả các thuốc đắt tiền, đồng thời xem xét loại bỏ các thuốc có chi phí điều trị lớn mà hiệu quả điều trị không rõ ràng nhằm xây dựng Danh mục thuốc phù hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu điều trị và khả năng chi trả của Quỹ BHYT.

4. Về cơ sở vật chất cho phòng khám:

Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 về việc ban hành Hướng dẫn quy trình khám bệnh tại Khoa khám bệnh của Bệnh viện. Quyết định cũng chỉ rõ một trong các giải pháp nhằm cải tiến quy trình khám bệnh tại bệnh viện là cải tạo cơ sở hạ tầng khoa khám bệnh: Bố trí mặt bằng đủ rộng, tăng số lượng bàn khám bệnh, tăng ô làm thủ tục, mở rộng nơi tiếp đón, nơi chờ, sắp xếp khoa khám bệnh liên hoàn, số điểm lấy bệnh phẩm, nơi thực hiện kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, thu viện phí, giải quyết thủ tục bảo hiểm y tế đáp ứng lưu lượng người bệnh đến khám tại bệnh viện. Tổ chức nhiều điểm hướng dẫn người bệnh đến khám làm thủ tục và khám bệnh theo đúng quy trình.

Bộ Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của các cơ sở y tế sau khi đã thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư liên tịch 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 26/02/2012 của Liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính về ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh chữa bệnh của Nhà nước.



43. Cử tri các tỉnh Bắc Giang, Lai Châu, Gia Lai, Khánh Hòa, Nghệ An, Tuyên Quang kiến nghị: Những kiến nghị của các địa phương về cấp thẻ bảo hiểm y tế:

+ Đề nghị cho đối tượng là người dân tộc Kinh (đi xây dựng vùng kinh tế mới trước đây) hiện đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách cấp thẻ BHYT tế như người dân tộc thiểu số (Lai Châu).

+ Đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng I, nhưng thu nhập thấp, đời sống còn khó khăn (Gia Lai, Bắc Giang).

+ Cử tri tiếp tục đề nghị chính sách cho người dân tộc Kinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, miền núi và vùng sâu, vùng xa theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ được hưởng bảo hiểm y tế như người dân tộc thiểu số sống ở những vùng này (Nghệ An, Tuyên Quang).

+ Đề nghị có chế độ hỗ trợ (trước hết cấp thẻ BHYT) cho những người tham gia kháng chiến trước kia đã nhận được Bằng khen của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nhưng hiện tại không nhận được chế độ hỗ trợ nào (Khánh Hòa).


tải về 7.28 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   74   75   76   77   78   79   80   81   ...   101




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương