Hội thảo quốc tế việt nam họC



tải về 6.05 Mb.
trang98/99
Chuyển đổi dữ liệu02.01.2022
Kích6.05 Mb.
#37601
1   ...   91   92   93   94   95   96   97   98   99
Kỳ khu hiểm trở bất từ nan

Lão ngã do tồn thiết thạch can

Nghĩa khí tảo không thiên chướng vụ

Tráng tâm di tận vạn trùng san

Biên phòng hảo vị trù phương lược

Xã tắc ưng tu kế cửu an

Hư đạo nguy than tam bách khúc

Như kim chỉ tác thuận lưu khan.

Thuận Thiên ngũ niên Nhâm Tý tam nguyệt thượng cán nhật đề”.

Dịch nghĩa:

Ta đi đánh Cát Hãn về qua đây, làm một khổ thơ để truyền dạy cho hậu thế về đạo dùng quân của bậc đế vương. Bọn người man rợ ở Mường Lễ có thú tâm, ương ngạnh, vì thế phải lập tức tiễu trừ, chẳng ngại hiểm trở, chướng khí. Nay vì các sinh linh trong thiên hạ mà tâm niệm để xuất chinh. Về phương lược thì tiến binh theo hai đường thuỷ, bộ của hai trấn Thao Giang, Đà Giang, vì thế làm bài thơ.

Chẳng ngại gian khó đến những nơi gập ghềnh hiểm trở

Lão già ta vẫn còn gan sắt đá

Nghĩa khí [còn] quét sạch ngàn vạn chướng khí

Tấm lòng hào tráng [còn đủ] dời vạn ngọn núi trập trùng

Giữ gìn bờ cõi tốt phải có phương sách trù liệu

Xã tắc nên chuẩn bị kế hoạch yên ổn lâu dài

Ba trăm ghềnh thác nguy nan

Đến nay chỉ xem như thuận theo dòng nước chảy.

Năm Nhâm Tý, Thuận Thiên thứ 5 (1432), tháng 3 ngày... đề thơ.

Vua Lê Thái Tông khi đi đánh dẹp loạn Thượng Nghiễm ở châu Thuận mỗi năm 1440 cũng cho khắc bài thơ trên vách núi hang Thẩm Ké 7 để răn dạy kẻ phản nghịch. Vua Lê Tương Dực khi đi bái yết sơn lăng trở về cũng có bài thơ Ngự chế Kim Âu tự tịnh tự, tạo năm Hồng Thuận 3 (1511), khắc trên núi Kim Âu nay là xã Kim Âu, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá.

Có thể nói văn bia Lê sơ trong thế kỷ XV là những văn bản chủ yếu ghi về các vị vua Lê cùng vợ con và một vài nhân vật có thế lực trong triều nhưng cũng là hoàng thân quốc thích với triều đình nhà Lê. Có những nhân vật gắn liền với quá trình lập quốc của triều đại này nhưng số văn bia đề cập đến họ thì còn quá ít ỏi. Qua các đợt sưu tầm tư liệu tại Thanh Hoá của Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong ba năm 2004, 2005, 2006, chúng tôi thấy có ba văn bia liên quan đến ba vị khai quốc công thần của triều đình Lê sơ, hai trong ba bia ấy đã bị mờ khá nhiều chữ. Vì thế chúng tôi chỉ đọc được tên của hai trong số ba vị, là Tướng công Nguyễn Chích và Thư Quận công Trịnh Công Đán. Bia về Tướng công Nguyễn Chích do Trình Thuấn Du soạn vào năm Thái Hoà thứ 3, đặt tại xóm 8 thôn Vạn Lộc xã Đông Ninh huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hoá. Văn bia cũng bị mờ rất nhiều chữ. Chúng tôi chỉ đọc được một số thông tin về ông là: giữ chức Phụ quốc Thượng tướng quân, Đặc tiến Nhập nội Đô đốc Thiêm dự triều chính, Thượng trụ quốc, được ban Kim Ngư Đại Ngân Phù, được ban quốc tính, thụy là Trinh Vũ. Bia về Trịnh Công Đán chữ còn rõ hơn, văn bia do Thân Nhân Trung soạn năm Hồng Đức 28, đặt tại đình làng Sét xã Định Hải huyện Yên Định tỉnh Thanh Hoá. Văn bia cho biết Trịnh Công Đán là con của Trịnh Khả, từng được phong là Thượng trụ quốc Liệt Quận công. Vị còn lại không đọc được tên và hành trạng vì chữ trên bia bị mờ gần hết. Bia được khắc vào năm Quang Thuận 3, được phát hiện tại bãi mía nhà anh Bùi thôn Hiệp Lực, xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Chúng tôi chỉ đọc được một vài thông tin là: ông cùng với Hữu Tướng quốc Lê Xí, Lê Liệt là một trong 34 vị đại công thần của triều đình Lê sơ. Ông được ban quốc tính, thụy là Thận Giản, là đệ nhất công thần Đại tướng quân tham dự triều chính tri Bắc đạo, được ban tặng Kim Ngư Đại Ngân Phù... Cả ba bia trên đều là bia thần đạo.

Hiện còn duy nhất một vị thuộc hàng Khai quốc công thần của triều đình Lê sơ là Nguyễn Xí còn hai bia ở tại quê hương là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Hai bia này đều có niên đại Quang Thuận, bia Thái sư Cương Quốc công bi ký tạo năm Quang Thuận 8 (1467), bia này do Trạng nguyên Nguyễn Trực soạn, bia Tiên tổ di huấn do chính Nguyễn Xí soạn vào năm Quang Thuận 3 (1462) nhưng được khắc vào thời Nguyễn sau này.

Trạng nguyên Lương Thế Vinh là một nhân vật nổi tiếng trong thế kỷ XV vì sự uyên bác cả trong tư duy văn chương và tư duy toán học, ông cũng tham gia soạn khá nhiều văn bia cho những gia tộc và nhân vật quyền quý đương thời nhưng bản thân ông không có một văn bia riêng biệt nào đề cập tới. Có thể kể những bia do Lương Thế Vinh soạn là: bia Gia Thục công chúa chi mộ ký, soạn năm Hồng Đức 14, bia Từ Mẫn Nguyễn công ký thất Hoàng thị chi mộ, soạn năm Hồng Đức Giáp Thìn, bia Thọ An Cung Kính phi Nguyễn thị thần đạo bi, soạn năm Hồng Đức 16... Cũng như vậy, dòng họ Nguyễn ở Kim Đôi xứ Kinh Bắc có tới 4 người con trai và một cháu nội cùng đỗ tiến sỹ dưới triều vua Lê Thánh Tông mà cũng chỉ có duy nhất một tấm bia hộp do Trạng nguyên Lương Thế Vinh soạn nhưng lại được chôn trong mộ của ông bà thân sinh ra các vị tiến sỹ.

Với tầng lớp nho sỹ, bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám đề danh các tiến sỹ là một sự ghi nhận và biểu dương những người có thành quả học tập xuất sắc của Nhà nước phong kiến, là sự khích lệ đối với những ai muốn tiến thân theo con đường khoa cử. Lúc này chỉ duy nhất Văn Miếu ở kinh thành Thăng Long khắc ghi sự kiện từng khoa thi tuyển chọn tiến sỹ, bắt đầu từ khoa thi đầu tiên của nhà Lê năm Đại Bảo thứ 3. Có 12 bia ghi về các khoa thi trong thời kỳ Lê sơ thì có 9 bia được tạo dựng vào niên đại Hồng Đức, ba bia còn lại được tạo vào các niên đại Cảnh Thống, Hồng Thuận. Thời kỳ này, tại các địa phương chưa có văn chỉ để biểu dương ghi danh các bậc hiền tài của quê hương mình.

Đầu thế kỷ XVI, vẫn có một số văn bia ghi lại những sự việc, sự kiện liên quan đến triều đình Lê sơ. Đó là bia Hiển Thụy am bi, tạo năm Cảnh Thống 3 (1500) tại xã Đa Phúc tổng Lật Sài phủ Quốc Oai tỉnh Sơn Tây là bia ghi về việc cầu tự để Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao sinh ra Hoàng đế Lê Thánh Tông;. Bia tạo năm Đoan Khánh 1 (1505), đặt tại chùa Hoà Lạc, xã Hành Lạc, tổng Như Quỳnh huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, ghi về Trì Uy Tướng quân, giữ chức Thanh Hoa Đô Tổng binh sứ ty, Tổng binh Thiêm sự. Trì Uy Tướng quân từng là môn hạ cho Lê Thánh Tông khi nhà vua còn là Bình Nguyên Vương ở Phiên Để; là bia Cổ tích linh từ bi ký tạo năm Hồng Thuận 3 (1511), đặt tại đền thờ thần thôn Sơn, xã Long Châu, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, ghi về thần Cao Sơn Đại Vương đã phù giúp cho các tướng lĩnh của vua Lê Tương Dực dẹp Lê Uy Mục.

- Nhóm bia còn lại là những bia rải rác trong các địa phương để ghi nhận một số hoạt động chung của cộng đồng như: bia Trăn Tân từ lệ tạo năm Hồng Đức 18 ở huyện Lang Tài tỉnh Bắc Ninh ghi lại quá trình tế lễ thần linh của các xã xung quanh ngôi đền; bia Diên Khánh tự bi tạo năm Hồng Đức 10 ở đình thôn Môn Ải, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ghi lại hiện tượng cúng ruộng gửi giỗ vào chùa đã xuất hiện từ thời Trần; bia Phụng tự bi ký tạo năm Hồng Đức 4 đặt tại đình giáp Đoài Thượng tổng Cam Thịnh nay là thôn Cam Thịnh, xã Đường Lâm thị xã Sơn Tây, ghi lại hành trạng và sự nghiệp của Phùng Hưng - Bố Cái Đại Vương. Bia Tổng đốc Đại Vương thần từ ký tạo năm Hồng Thuận 4 (1512) đặt tại ngôi miếu xã Mậu Hoà, tổng Dương Liễu, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây, ghi về ngôi đền thờ thần Tổng đốc Trục Đông Nga Vương. Một cụm bia đặt tại đình xã Trung Bản tổng Hà Nam, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh được khắc vào các năm Hồng Đức 20, Hồng Đức 24, Hồng Đức 25, Hồng Đức 26 đã ghi các sắc chỉ của vua Lê Thánh Tông cho phép các xã Vỵ Dương, Lương Quy, Phong Lưu thuộc huyện Yên Hưng, phủ Hải Đông cùng với nhân viên của các nha môn về đo khám lại toàn bộ số ruộng đất của các xã này, cấp đất cho dân làm nhà ở, cày cấy và nộp thuế theo đúng lệ định. Đây là tập văn bản rất quý về tình hình ruộng đất cụ thể của các xã vùng biên viễn, từ diện tích các ruộng đến diện tích đê lộ và số nhân khẩu được khai canh trên số ruộng đất ấy, là quy định cấp đất của nhà nước đối với những người tổ chức khai hoang...

Bia về Phật giáo chỉ chiếm một số lượng nhỏ. Đó là các bia: Phật pháp tam bảo, tạo năm Hồng Đức 21 (1490), đặt tại chùa Đại Bi, xã Ngọc Xuyên, huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh; bia Chuyết Sơn tự Di Đà Phật bi, tạo năm Hồng Đức 22 (1491), đặt tại chùa Chuyết Sơn, xã Kinh Lương, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng; bia Bối động Thánh tích bi ký, tạo năm Thái Hoà 11 (1453) và bia Đại Bi tự tạo năm Hồng Thuận 7 (1515) đặt tại xã Bối Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây; bia Minh Khánh đại danh lam bi, tạo năm Hồng Thuận 3 (1511) đặt tại chùa Minh Khánh, huyện Thanh Hà, phủ Nam Sách nay là thôn Bình Hà, xã Thanh Bình, huyện Ninh Thanh, tỉnh Hải Dương; bia Vô Vi tự bi tạo năm Hồng Thuận 7 đặt tại xã Tử Trầm huyện Quốc Oai tỉnh Sơn Tây; bia Tam bảo ghi về những việc làm công đức của ông bà họ Nguyễn người xã Đông Sơn, huyện Đông Sơn, Thanh Hoá. Vua Lê Thánh Tông đã có nhiều bài thơ cả chữ Hán và Nôm được khắc trên bia đá tại nhiều ngôi chùa trong cả nước. Ông có hai bài thơ một bằng chữ Hán, một bằng chữ Nôm đặt tại chùa Quang Khánh xã Dưỡng Mông, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Bài thơ chữ Hán khắc năm Quang Thuận 6 (1465), bài thơ chữ Nôm khắc năm Bính Ngọ, Hồng Đức 17 (1486). Ông còn có bài thơ khắc trên bia đá chùa Long Sơn, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam, bia tạo năm Quang Thuận 8 (1467) và thơ khắc trên núi Dục Thuý tỉnh Ninh Bình.

Đặc biệt trong nhóm bia liên quan đến Phật giáo, có một văn bản tạo năm Thái Hoà 7 (1449) được khắc trên lưng pho tượng Phật Quan Thế Âm đặt trong chùa thôn Cung Kiệm, xã Nhân Hoà, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh là văn bản có niên đại sớm nhất8. Văn bản trên lưng tượng cho biết vào năm Thái Hoà 7, một nhóm người trong xã Kiệm, huyện Vũ Giang, thuộc lộ Bắc Giang Trung đã cùng nhau tạc một pho tượng Phật Quan Thế Âm cung tiến vào chùa Thượng Phúc của bản xã. Thông qua văn bản này cho thấy dù triều đình Lê sơ khi ấy có ngăn cấm Phật giáo thì trong dân gian vẫn có một dòng chảy âm thầm để nuôi dưỡng tâm Phật, dân chúng vẫn mộ đạo Phật và hướng về Phật giáo.





tải về 6.05 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   91   92   93   94   95   96   97   98   99




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương