Hội thảo quốc tế việt nam họC


Tri châu, người đối thoại duy nhất với giới cầm quyền Pháp



tải về 6.05 Mb.
trang41/99
Chuyển đổi dữ liệu02.01.2022
Kích6.05 Mb.
#37601
1   ...   37   38   39   40   41   42   43   44   ...   99
3. Tri châu, người đối thoại duy nhất với giới cầm quyền Pháp

Nghiên cứu hồ sơ cá nhân của các quan ở khu vực sông Đà cho phép chúng ta hiểu được không chỉ chế độ hành chính áp dụng đối với họ, mà còn cả những giới hạn đối với một sự tương đồng hoá những thực tiễn hành chính - công việc đã không bao giờ được hiện thực hoá một cách đầy đủ. Những bộ hồ sơ đồ sộ này chứa thông tin về “công việc đã làm” của các quan từ năm này sang năm khác. Các thủ lĩnh địa phương được Công sứ chấm điểm và hoạt động của họ được ghi nhận xét. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp các thủ lĩnh ở tỉnh Sơn La, nơi chế độ dân sự có xu hướng tương đồng hoá những thực tiễn hành chính để tiến tới giống như ở miền châu thổ. Năm 1932, tỉnh này có một quan phủ là Sơn La Cầm Ngọc Phương và 5 tri châu gồm: Bạc Cầm Quý ở Thuận Châu, Xa Văn Minh ở Mộc Châu, Cầm Văn Dung ở Mai Sơn, Cầm Văn U ở Yên và Cầm Văn Khang ở Phù Yên.

Trước hết, hãy xem xét trường hợp của Cầm Văn Khang, một viên chức khá kín đáo mà thông tin về sự nghiệp của ông cho thấy rõ khung điều kiện mà người Pháp đã đòi hỏi đối với các chức vụ địa phương.125 Ông sinh năm 1886 tại Bản Chiềng, thuộc tổng Quang Huy, châu Phù Yên. Đây là một châu rộng lớn nằm ở đường biên phía nam của tỉnh Sơn La, bên bờ sông Mã, với một cộng đồng cư dân không thuần nhất và nổi tiếng là khó trị. Cầm Văn Khang đã cai trị châu này trong 18 năm, từ năm 1919 - 1937. Là con của Cầm Văn Núi, tri châu tại đây, năm 1904, khi 18 tuổi, ông đã bắt đầu sự nghiệp tại chính quê mình là tổng Quang Huy với chức phó lý, tức là một dạng cấp phó hành chính giữ chức năng của một ký lục nói tiếng Thái tạm thời. Sau 8 năm giữ chức này, ông trở thành phịa, tức thủ lĩnh truyền thống tại tổng này vào năm 1912. Ngày 8/4/1919, ông nhậm chức tri châu thay cho người cha bị bệnh. Vào thời điểm đó, chính quyền thuộc địa, lực lượng duy nhất có tư cách bổ nhiệm chức vụ này, bắt đầu quan tâm tới Cầm Văn Khang. Ông đã phải trình hồ sơ dự tuyển và nộp một chứng chỉ sức khoẻ kèm theo một bức ảnh xác nhận tình trạng sức khoẻ tinh thần. Trên bức ảnh đã ngả màu, chúng ta thấy một người đàn ông chừng ba mươi tuổi mặc đồ đen kiểu Việt Nam có vẻ quá ư đẫy đà.

Kể từ đó, những phẩm chất của viên tri châu đã được đánh giá cao trong suốt các năm tiếp theo. Điểm do các Công sứ chấm cho ông không đồng đều, từ xuất sắc đến kém. Không có vị Công sứ nào ngờ vực về lòng trung thành của Cầm Văn Khang, song tất cả đều phê phán sự vô đạo đức của ông: cả về thái độ đối với các vụ việc cũng như lối gia đình trị chủ nghĩa ở ông. Cầm Văn Khang trở thành tri châu hạng hai vào tháng 7/1928 và được thăng hạng nhất vào năm 1931. Đồng thời, ông cũng đã kiếm được những chức quan nhỏ của triều đình (Hàn lâm viện kiểm thảo) và dần dần thăng tiến từ tòng bát phẩm năm 1919 lên tòng thất phẩm năm 1923. Chúng ta nhận thấy ở đây là hệ thống Việt Nam chấp nhận tuân theo ý kiến của bộ máy hành chính Pháp, song những tiêu chí đánh giá chỉ giới hạn ở một vài điểm: duy trì trật tự, cung cấp các số liệu thống kê, và trên tất cả là đảm bảo hiệu suất của đám nông dân khi được lấy làm phu dịch cho việc xây dựng đường xá. Điểm cá nhân của Cầm Văn Khang, từ 19,5/20 vào năm 1927, tức là điểm của một nhân viên xuất sắc, đã hạ dần qua các năm để rồi đột ngột tụt xuống còn 10/20 vào năm 1934 (và năm tiếp sau đó tăng lên là 16/20). Mọi đánh giá về mức độ đáng tin cậy và tính hiệu quả của một thủ lĩnh châu hầu như chỉ phụ thuộc vào tình trạng của mối quan hệ cá nhân giữa ông ta với viên Công sứ tỉnh, thế nhưng cứ ba năm một lần thì chức vụ này lại có sự thay đổi người. Một trong những đặc thù của miền thượng du là việc một viên chức bị chấm điểm kém không ảnh hưởng gì đến tính chất thế tập của các chức vụ. Chưa bao giờ sự bất tài lại là một lý do để bị cách chức. Chỉ khi sự trung thành bị nghi ngờ mới có thể là nguyên nhân dẫn đến một sự trừng phạt như vậy.

Chúng ta ngạc nhiên đôi chút khi thấy rằng, một tri châu, thủ lĩnh phong kiến ở góc tiếp giáp Lào, được bổ nhiệm bởi đặc quyền thế tập, lại là một viên chức dưới con mắt của chính quyền thuộc địa theo đúng nghĩa của tên gọi này. Cũng như những người khác, ông ta thấy mình đối mặt với sức nặng của các thủ tục: ông ta yêu cầu những kỳ nghỉ phép vì lý do sức khoẻ, làm ra các chứng chỉ và tích luỹ quyền lợi hưu trí.

Để minh hoạ cho ví dụ về một thủ lĩnh lịch sử không ai có thể động chạm tới và phê phán, nhất thiết phải kể đến ở đây trường hợp Mai Sơn. Chính quyền thuộc địa đã dựa vào dòng họ Cầm ngay khi họ tới đây. Quan hệ giữa người Pháp và gia đình này hãy còn khá đơn giản cho tới khi quan hệ của họ với họ Đèo ở Lai Châu trở nên phức tạp. Từ khi mới 14 tuổi (1890), Cầm Văn Oai đã cai trị Mai Sơn và khiến cho chính quyền rất hài lòng. Ở cương vị tri châu hạng nhất, thái độ của Cầm Văn Oai vào dịp tháng 12/1941 (việc ông là người duy nhất điều khiển chiến dịch tiễu trừ các băng đảng Trung Hoa) đã khiến Công sứ tỉnh Sơn La đề nghị nâng ngạch cho ông lên hàng tri phủ126 (song ông vẫn giữ chức chánh tri châu). Năm 1925, vấn đề lại đặt ra một lần nữa đối với Cầm Văn Oai, thủ lĩnh thực sự của các quan trong tỉnh: người ta đề nghị chức quản đạo cho ông với điểm số là 20/20. Vì không còn chức tri phủ nữa nên Cầm Văn Oai đã được thăng chức bố chánh. Chỉ cần dựa vào uy thế của ông mà viên Công sứ đã có thể có đủ nguồn nhân lực cho việc làm đường.

Cầm Văn Oai qua đời ngày 13/3/1933 và đám tang của ông đã được Madeleine Colani chụp hình127. Từ năm 1930, Cầm Văn Dung đã kế tục cha mình với chức tri châu của Mai Sơn, và trở thành bố chánh khi cha mất. Tuy nhiên, ông đã bị cầm tù vào cuối năm 1933, chỉ vài tháng sau khi nhậm chức mới. Năm tiếp sau đó, cho dù không có đủ bằng chứng, ông vẫn bị buộc tội chịu một phần trách nhiệm về cái chết của viên cựu Công sứ Pháp Saint-Poulot là người đã bị đầu độc. Người anh em trai của ông là Cầm Văn Vinh đã bị tước mọi chức vụ và ông này đã phải sống ẩn mình cho tới tận năm 1945.

Không phải là không nực cười khi các sử gia Việt Nam đánh giá rằng chính bằng việc bắt giữ Cầm Văn Dung mà người Pháp đã tặng cho đối thủ cộng sản của họ một đồng minh đáng giá. Khi bị giam ở nhà tù Hoả Lò, nhà quý tộc người Thái đã có quan hệ thân hữu với những nhà cách mạng Việt Nam.128 Danh tiếng của ông tại địa phương là một thế mạnh không thể phủ nhận đảm bảo cho sự xâm nhập của những quan điểm mới vào một miền quê vốn rất bảo thủ. Theo Cầm Trọng, trong những năm 1950 đã lan truyền câu ngạn ngữ nói rằng “giữa người Việt và người Pháp, ai có được Cầm Văn Dung thì tất sẽ có một thắng lợi được bảo đảm”.129

Nếu như cần phải đặt câu hỏi về tỷ lệ bám rễ của các quan và của đội ngũ nhân sự cấp dưới trong khung quan thông thường, thì trong trường hợp riêng của miền thượng du, câu hỏi này lại trở nên thừa thãi. Ngược lại, chính ngoại lệ của chức tri châu tại một châu không phải là đất quê của mình trước khi quay trở lại quê hương lại đáng phải được quan tâm. Chúng ta có ở đây trường hợp của tri phủ Sơn La Cầm Ngọc Phương mà chặng đường sự nghiệp vô cùng dài lâu. Từ chỗ là châu uý ở châu Văn Chấn (Yên Bái), năm 1905, Cầm Ngọc Phương được cử giữ chức tri châu hạng 3 và chưa đầy 10 năm sau đó, vào năm 1904, ông đã được bổ nhiệm tới châu Nguyên Bình của tỉnh Cao Bằng, khá xa quê nhà và ở gần biên giới với Trung Hoa. Đến năm 1919, chính là ở châu Phúc Hoà của tỉnh này mà ông đã được thăng lên hạng 2. Như vậy, sau 18 năm kể từ ngày rời quê nhà, ông đã quay trở về Sơn La với chức tri châu vào năm 1923. Ông trở thành hội thẩm toà án cấp 2 để được đề nghị giữ chức tri châu hạng nhất với điểm đánh giá là 20/20 ở tuổi 34 vào năm 1924. Ví dụ này cho thấy chính sách thuộc địa mới nhằm tạo ra sự trung thành ở tầng lớp tinh hoa lãnh đạo. Vấn đề là bổ nhiệm những quý tộc địa phương vào những chức vụ ở xa quê hương của họ, và một khi quá trình đào tạo hoàn tất cũng như những người này cho chính quyền hài lòng thì họ sẽ được gửi về quê hương bản quán.

Các dòng họ ở miền thượng du không phải là những thế giới đóng kín, và khả năng nắm các chức vụ đôi khi mở ra đối với những nhân vật không nhất thiết phải thuộc về những gia đình quý tộc lớn mà có thể chỉ con nuôi của những gia đình này. Đó chính là trường hợp Cầm Kui. Hồ sơ cá nhân của ông130 cho phép chúng ta trả lời cho câu hỏi: Được bổ nhiệm làm tri châu tại vùng đất của cha mẹ nuôi sau một thời gian dài vắng mặt, thì liệu tính hợp thức của Cầm Kui có được công nhận không?

Sinh năm 1871 tại Bản Thinh Trang thuộc châu Lai, Cầm Kui là con của Đèo Văn Thân, một ký lục (hàm chánh cửu phẩm) của Lai Châu qua đời năm 1878. Được gia đình họ Đèo nhận làm con nuôi từ sớm, Cầm Kui trở thành lý trưởng của châu Lai năm 1888. Sau khi Đèo Văn Trì đầu hàng và toàn bộ dòng họ Đèo liên minh với người Pháp, ông đã theo phái đoàn Pavie trong suốt một năm trong vùng Tây Song Bản Nạp (Sip-song-pana) (1891), sau đó là Uỷ ban cắm mốc và nhiều đoàn quân viễn chinh Pháp ở Lào Cai (1894). Mặc dù nói được tiếng Việt, Thái, Lào, Quan Hoả, Quảng Đông cũng như hiểu được tiếng Pháp mặc dù không nói được tiếng này, Cầm Kui đã không được người Pháp giao cho chức vụ nào trong suốt thời gian đó vì Đèo Văn Trì là người quyết định mọi sự bổ nhiệm.

Chỉ sau khi Đèo Văn Trì qua đời vào năm 1908 và tỉnh Lai Châu được thành lập thì sự nghiệp của Cầm Kui mới bắt đầu. Việc ông được bổ nhiệm năm 1910 vào chức kinh lịch hàm tòng thất phẩm của Quản đạo đã đưa ông gia nhập vào bộ máy hành chính. Song Cầm Kui và Cầm La (anh em trai của Đèo Văn Trì) lại ở vào phe đối lập với Quản đạo mới là Đèo Văn Khang (con trai của Đèo Văn Trì). Sự nghiệp của Cầm Kui do đó chỉ dừng ở vai trò hạ cấp, sau những biến động năm 1915, Cầm Kui đã phục vụ cho giới cầm quyền quân sự đến kiểm soát tỉnh Lai Châu. Ông đã được đề nghị thăng chức. Song Cầm Kui đã phải đợi đến năm 1919 mới có thể trở thành thông phán hàm chánh thất phẩm.

Sự thăng tiến của Cầm Kui chỉ bắt đầu trở lại vào năm 1921 khi ông đạt được một vị trí quyền lực thực sự: quyền tri châu của Quỳnh Nhai. Ông trở thành tri châu chính thức vào năm sau đó. Thế nhưng đây không phải là lãnh thổ của dòng họ Đèo của châu Lai, mà thuộc về chi họ Đèo Chinh. Cho tới lúc đó, Cầm Kui vẫn luôn được miêu tả như một người dễ mến và có hiệu quả vừa phải trong đám nhân sự hành chính miền thượng du. Năm 1926, viên tri châu này bị 5 thân hào đứng ra tố cáo. Do thiếu bằng chứng, vụ việc đã bị xếp xó song hồ sơ của ông ta bị đánh dấu bởi nhận xét “bất đồng nặng nề với các thành viên có ảnh hưởng trong cư dân”. Kể từ đó, Cầm Kui trở nên kín đáo. Việc ông duy trì mối quan hệ không hữu hảo gì với bang tá của mình là Đèo Chinh Kiêm khiến ta có thể đoán rằng vùng lãnh thổ này không chấp nhận yếu tố đến từ bên ngoài và sẵn sàng loại bỏ ông ta. Năm 1929, mọi việc trở nên rõ ràng. Cầm Kui bị khiển trách nặng nề với lời ghi của Thống sứ Bắc Kỳ vào hồ sơ cá nhân do lạm dụng chức vụ và khai man số đầu người nộp thuế.

Cuộc điều tra cho thấy Cầm Kui đã giấu đi một phần số dân miền núi trong địa bàn ông quản lý và nhận từ họ một khoản thù lao bằng hiện vật, hoặc là gạo hoặc là ngô, hay còn là cả sức lao động. Năm 1929, ông chỉ khai thu thuế thân của 1.103 người thay vì 1.115 và 347 suất thuế hộ thay vì 427. Toàn bộ số 123 người đóng thuế được khai man đã nộp cho ông ta số tiền là 1.440$. Trong thực tế, hệ thống này tồn tại từ năm 1921 song chính quyền chỉ nhận ra điều này 8 năm sau đó. Sự gian trá này đã bị phát giác (và một vài việc khác, ví dụ như tình trạng cưỡng đoạt đất đai hay chiếm giữ tiền lương của lính gác, ước chừng 1.000$ trong 8 năm) khi có một vụ điều tra quy mô lớn đối với dòng họ Đèo và kết cục là phần lớn các thành viên của gia tộc này đã bị kết án.

Cần ghi nhận ở đây là việc khai man các suất đinh là một thực tiễn cổ xưa và rất phổ biến ở Việt Nam. Một số người tránh được việc đóng thuế nhưng bù vào đó phải đóng tiền cho giới chức trách đồng loã. Ngược lại với thực tiễn ở miền châu thổ là nơi mà sự man trá này được tổ chức rải rác một cách khôn ngoan, tránh bị lộ liễu thì đặc thù của miền thượng du lại là việc nó được tổ chức ở một quy mô lớn và áp dụng cho toàn bộ những cộng đồng làng mạc, thường là người miền núi, dễ được che giấu bởi tập quán sống du canh du cư của họ và do đó ít bị đặt trong vòng kiểm soát của giới chức thuộc địa. Những thực tế này khiến cho một chuyến viếng thăm của viên Công sứ, một đội tuần tra quá ư tò mò hay cả một lời tố cáo cũng đều khó có thể dẫn tới việc phát hiện ra sự gian trá.

Với lời nhận xét trong hồ sơ, và từ lúc này là điểm chấm rất thấp, Cầm Kui tuy vậy vẫn tiếp tục sự nghiệp tri châu, được nâng hạng nhất và qua đời vào năm 1931. Điều đáng làm chúng ta chú ý ở đây là, một mặt, dòng máu và quê hương bản quán không phải là những yếu tố đủ tạo ra sự đảm bảo về tính hợp thức của các chức vụ quyền lực trừ phi những người nắm giữ chúng là người thừa kế trực tiếp của một thủ lĩnh vừa qua đời; mặt khác là các cộng đồng cư dân có thể đánh vào tham vọng của họ Đèo ở Lai Châu khi họ cảm thấy rằng đã hành động đúng theo luật (tập quán) và không có gì phải sợ bị trả thù. Việc sử dụng đến người Pháp để giải quyết những tranh chấp địa phương chỉ là giai đoạn hi hữu.



tải về 6.05 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   37   38   39   40   41   42   43   44   ...   99




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương