Hồi Ký Hà Nội 2008



tải về 3.53 Mb.
trang21/23
Chuyển đổi dữ liệu01.12.2017
Kích3.53 Mb.
#34905
1   ...   15   16   17   18   19   20   21   22   23

Chương XXIV: Hữu Thỉnh

 


Hữu Thỉnh có máu làm quan, chỉ cố chí leo lên cho được một cái ghế
lãnh đạo thật cao. Hắn tin ở tướng số, ở tử vi. Đi đâu cũng xem giờ xuát hành và
thắp hương khấn vái.
Một hôm, Trung Đức, nhà ở Tràng Tiền , mời Thỉnh và tôi đến nhậu.
Hữu Thỉnh tự khoe tướng của mình rất tốt: “Em lông mày lưỡi mác, em còn
lên” – Thỉnh vừa nói vừa chọc chọc ngón tay lên cao. Lúc ấy Thỉnh mới là uỷ
viên chấp hành Hội nhà văn. Thỉnh xoay ra xem tướng tôi: “Anh có cái nốt ruồi
bên trái mũi. Nếu ở vào giữa sống mũi thì anh đi tù rồi. Nếu ở đầu mũi, anh đi
ăn mày!” Thỉnh nói dứt khoát như thế.
Năm 1983, tôi và Thỉnh từ Hà Nội đi Hải Phòng dự cuộc hội thảo về
Nguyên Hồng, nhân ngày giỗ của ông (Nguyên Hồng vốn là chủ tịch Hội văn
nghệ Hải Phòng). Đi đến chân cầu Phú Lương, Thỉnh cho đỗ xe, xuống thắp
hương cho vợ chồng Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ một cách rất thành kính.
Thắp hương hai chỗ: chỗ bị tai nạn và chỗ quàn tạm thi thể hai vợ chồng.
Từ ngày ấy, không biết có phải nhờ trời phật phù hộ không mà Thỉnh
cứ lên vùn vụt. Từ uỷ viên chấp hành lên Tổng thư kí. Xuýt nữa vào nhà đỏ.
Thực ra mẹo của Thỉnh là lấy lòng cả làng, nịnh tuốt. Đối với người già, Thỉnh
tổ chức chúc thọ đầu năm, lập Hội nhà văn cao tuổi. Đối với bọn làm thơ đang
chẳng có ai thèm đọc, hắn tổ chức Hội thơ xuân. Thỉnh đúng là một “Thiên tài
hiếu hỷ” – Nguyễn Huy Thiệp nói đúng. Ai có cha già mẹ héo, ai ốm đau hay
gặp tai nạn gì, Thỉnh đến ngay và có phong bì. Vừa rồi, họp đại hội nhà văn lần
thứ 7, tôi bị ngã. Hôm sau Thỉnh đã đến thăm rồi.
Thỉnh có cách phát biểu ca ngợi người khác rất tâm huyết. Được khen
một cách đầy tâm huyết, ai chả thích!
Nhớ một lần gặp tôi ở khách sạn nổi Hồ Tây – hôm ấy Hội Nhà văn có
liên hoan gì đó. Thỉnh ôm lấy tôi, nói lớn: “Nhà phê bình nghệ sĩ!”. Những lời
lẽ tâm huyết như thế, chắc Thỉnh ban phát cho nhiều người.
Từ Đại hội nhà văn lần thứ III, Thỉnh là uỷ viên cháp hành phụ trách
công tác nhà văn trẻ. Anh thường mời tôi cùng đi bồi dưỡng những cây bút trẻ ở
các nơi. Tôi để ý thấy Thỉnh rất chú ý mời các vị đàn anh trong đoàn lên tiếp
các quan chức cấp tỉnh, còn mình thì giữ phận đàn em, rất khiêm tốn.
Một lần, tại Mộc Châu, tôi ở cùng phòng với Thỉnh. Có một cây bút trẻ
đến đọc thơ cho Thỉnh nghe. Hai tay ngồi trên cái giường một, còn tôi ngồi ở
cái bàn cạnh cửa sổ. Thỉnh thoảng tôi lại giật mình vì Thỉnh vỗ đùi nói lớn:
“Tuyệt!”. Đối với một cây bút cấp tỉnh, cấp huyện, được một nhà thơ trung
ương, uỷ viên chấp hành Hội, khen thơ mình như thế thì sướng quá rồi còn gì!
ở Vĩnh Phúc, có anh giáo viên dạy chuyên văn tên là Khoái biết Thỉnh.
Anh nói với tôi, Thỉnh nịnh cả vợ nhà văn địa phương. Đến thăm một nhà văn ở
Vĩnh Yên, gặp vợ anh này, tự nhiên Thỉnh kêu to: “Ôi, Xuân Quỳnh!” – Chị
này chẳng hiểu gì cả. Hoá ra Thỉnh khen chị ta xinh đẹp như Xuân Quỳnh.
Thỉnh thoảng Thỉnh lại điện cho những cây bút địa phương gửi bài đến
để anh đăng trên báo trung ương. Đối với các cây bút tỉnh lẻ, được đăng bài trên
báo trung ương là danh giá lắm!.
Nhưng có điều này thì Thỉnh lại cứng rắn hơn ai hết, nguyên tắc hơn ai
hết: đừng đụng đến cái ghế của anh ta, đừng cản trở con đường thăng quan tiến
chức của anh ta. Về mặt này Thỉnh sẵn sàng đổi trắng thay đen, trở mặt như bàn
tay, thậm chí sẵn sàng làm những điều bậy bạ, vô nguyên tắc, sẵn sàng vất vỏ
chân lý, đạo lý.
Trên kia tôi đã nói đến chuyến đi Hải Phòng với Thỉnh dự cuộc hội
thảo về Nguyên Hồng. Lúc ấy Nguyên Ngọc bắt đầu bị cấp trên để ý. Lãnh đạo
tỏ ra khó chịu về cái vai tổng biên tập báo Văn nghệ khá bất trị của anh, và
muốn tìm người thay. Một trong những người được các vị nhắm tới là Hữu
Thỉnh. Hôm ấy, cùng Thỉnh đi dạo trên hè phố Hải Phòng, Thỉnh nói với tôi dứt
khoát: “Em với anh Nguyên Ngọc, đời nào em lại muối mặt ngồi vào chỗ anh
ấy”. Vậy mà chỉ ít ngày sau, đã thấy Thỉnh nhận chức Tổng biên tập Văn nghệ.
Con người này, đúng là không thể tin cậy được.
Thỉnh ngang nhiên bợ đỡ Mai Quốc Liên và Trần Mạnh Hảo, vì biết
cấp trên đang tin dùng hai tay này. Mặt khác đó là những kẻ rất hung hăng và to
mồm, biết cách nịnh trên nạt dưới, rất có thể gây khó dễ cho Thỉnh. Thỉnh còn
cho Văn nghệ trẻ đăng nhiều bài rất nhảm nhí của Hoàng Xuân Tuyền, vu cáo
những người biên soạn sách giáo khoa, vì thấy xu thế đánh vào ngành giáo dục
đang được trên khuyến khích. Nhớ hồi Bộ giáo dục chủ trương biên soạn hai bộ
sách giáo khoa môn văn PTHT (sách cải cách giáo dục) và bị lãnh đạo cho là có
vấn đề. Chính Thỉnh, trong quốc hội, đã gào lên như là phẫn nộ lắm: “Một nước
thống nhất, mà sao lại có hai bộ sách giáo khoa?” - ý nói có một âm mưu chính
trị muốn chia rẽ đất nước. Không biết Thỉnh có tìm hiểu gì không, nhưng điều
chắc chắn là hắn thấy chiều hướng quốc hội (tất nhiên cũng là chiều hướng của
Đảng) như thế, nên tập tức tỏ thái độ hưởng ứng kịp thời.
Thỉnh ra sức che chắn cho Trương Vĩnh Tuấn (phụ trách Văn nghệ trẻ)
vì Tuấn rất cần cho Thỉnh, tuy Tuấn là thằng cha láo lếu, mất dạy (hình như
thằng cha này xoay tiền rất giỏi). Hắn phát biểu như một thằng điên khùng:
“Tôi căm thù những người viết sách giáo khoa” – Hắn nói thẳng với cô Hoàng
Hoà Bình như thế, khi Bình đề nghị hắn giải thích về những bài xuyên tạc sách
giáo khoa trên Văn nghệ trẻ. Những chuyện như thế nếu có ai gặp Thỉnh trực
tiếp phê phán thì Thỉnh lại tìm cách xuê xoa, nói là đi vắng, không biết, và hứa
sẽ xử lý”.
Thỉnh kết nạp hội viên hay tổ chức giải thưởng hàng năm của Hội cũng
rất bừa bãi, cốt củng cố cho chắc cái ghế của mình. Thỉnh bầy ra cái trò bầu đi
bầu lại giải thưởng Hồ Chí Minh một cách vô lối cho Hồ Phương và Hà Minh
Đức. Tuy thừa biết Hồ Phương và Hà Minh Đức viết lách như thế nào, nhưng
mặc, Thỉnh cứ tổ chức bầu đi bầu lại, cốt tỏ ra quan tâm tới quyền lợi của anh
em. Nịnh trên, nịnh dưới – thực chất là lừa dối anh em bằng những lời đường
mật, đó là đường lối chiến lược cơ bản của Thỉnh.
Nhưng xem chừng con đường hoan lộ của Thỉnh cũng chỉ đến thế thôi,
tuy Thỉnh đã phải trả giá bằng biết bao công sức và mồ hôi của tâm não, cũng
như... biết bao hương khói khấn vái Trời, đất, thần, Phật...
Cách đây dễ đến sáu, bẩy năm, trong một cuộc họp có mặt Thỉnh, Đỗ
Chu nhìn tướng Thỉnh, nói với tôi: “Thỉnh trán hóp dần lên trên, không lên
được nữa đâu!”. Không biết Thỉnh có thấy tướng mình như thế không?
* *
*
Tôi viết xong bài về Hữu Thỉnh được ít lâu thì Nguyễn Văn Hạnh ở Sài
Gòn ra đến chơi. Hạnh nói cũng vừa gặp Thỉnh. Anh hoàn toàn tán thành những
nhận xét của tôi về Thỉnh, đặc biệt là những thủ đoạn lấy lòng tất cả mọi người
và thói hứa hão, hứa đầu lưỡi, sau đó quên ngay.
Nhưng Hạnh có nói điều này khiến tôi phải ngẫm nghĩ. Có lẽ những
nhận xét của mình về Thỉnh có phần thiếu công bằng chăng?
So sánh Thỉnh với những ông Tổng thư ký tiền nhiệm xem., người ta
dễ có ấn tượng Thỉnh thua kém, rất thua kém. Nhưng thử nghĩ mà xem, các ông
Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, Nguyễn Khoa Điềm có gì hơn Thỉnh nào? Các
vị đã làm được gì có ích cho đồng nghiệp của mình? Đã làm được gì để bảo vệ
anh em những lúc bị quy chụp chính trị bừa bãi, thậm chí bị tù oan? Đã làm gì
để giúp Hữu Loan trong những ngày khốn khổ ở Thanh Hoá? Đã làm gì để bênh
vực Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Phùng Quán, Lê Đạt... trong vụ Nhân văn –
Giai phẩm? Đã làm gì để cứu Nguyễn Hữu Đang, Thuỵ An, Trần Thiếu Bảo,
Trần Dần, Hoàng Cầm, và sau này Dương Thu Hương khỏi đi tù? Đã làm gì để
giúp đỡ gia đình Nguyên Hồng trong những ngày đói khát ở Nhã Nam? Đã làm
gì để bảo vệ danh dự cho Trần Độ, đến lúc chết vẫn còn bị vu cáo?...v.v...
Té ra tất cả, từ Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, Nguyễn Khoa Điềm đến
Hữu Thỉnh đều là một lũ bù nhìn, đều vô tích sự như nhau cả thôi.
Nhưng riêng Hữu Thỉnh thì có điều này cũng nên tính công cho hắn
chứ: Thỉnh quả có cố gắng tạo cơ sở vật chất cho Hội. Như gần đây hắn đổ khá
nhiều tâm huyết vào việc xây dựng trụ sở mới, trại sáng tác mới của Hội và Bảo
tàng nhà văn ở Quảng Bá. Tôi vừa lên xem, rất hoành tráng.
Các vị Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, Nguyễn Khoa Điềm đã làm
được gì tương tự như thế chưa?
Vậy thì nếu so sánh, ai hơn ai?
Láng Hạ 10. 4. 2008

Chương XXV: Nguyễn Huy Thiệp

 

Thiệp có tài bịa chuyện như thật. Không phải chỉ trong văn đâu, trong


đời sống cũng vậy.
Ngày khánh thành pho tượng Phật của anh, anh mời tôi đến đánh chén.
Anh hỏi tôi khi đứng ngắm pho tượng: “Anh thấy mặt tượng giống nam hay
giống nữ?”. Tôi nói, giống nữ. Thiệp bảo: “Thế là nam tính của anh mạnh. Nếu
thấy giống nam là nữ tính mạnh” (Có người lại thấy giống Phạm Thị Hoài).
Thiệp đưa tôi xem bức ảnh chụp buổi lễ gọi là hô thần nhập tượng và
nói, hôm ấy chúng em mời thế nào mà có hai vị Hoà thượng cùng đến một lúc,
mà vị nào cũng quên không mang chuông mõ. Em và Hồng Hưng (Hồng Hưng
là hoạ sĩ kiêm điêu khắc, cùng làm tượng với Thiệp) phải chia nhau mỗi người
một ngả đi mượn ở những ngôi chùa quanh vùng. Đến đâu cũng thấy nhà chùa
đã sắp sẵn chuông mõ giao cho, nói là: “Đêm qua đức Phật báo mộng, có người
đến thu chuông mõ”.
Thiệp lại kể, khi tượng Phật sắp hoàn thành, bỗng thấy có một bà nhà
quê ở đâu đến, thấy tượng vội sụp lậy như tế sao. Hỏi thì nói, bà ta có con bị
ốm. Mời thầy cúng đến. Ông thầy nói, bà yên tâm, gần đây người ta đang xây
tượng Phật, ma quỷ sẽ phải chạy hết, nay mai con bà khỏi thôi. Quả đúng như
vậy.
Một hôm khác, tôi nhớ là ngày giỗ ông thân sinh của Thiệp. Anh mời
chúng tôi đến uống rượu. Hôm ấy khá đông khách. Thiệp cho biết, ở Hà Nội, có
những bà đồng cứ nhận mình là Ngô Thị Vinh Hoa – một nhân vật huyền thoại
của Thiệp trong truyện Phẩm tiết. Thiệp nói, hôm ấy, anh ra Hà Nội, gặp một bà
đồng đang đi với ông tiến sĩ Hoàng Phương, một chuyên gia về khoa học thần
bí. Đó là một trong những bà đồng tự nhận mình là Ngô Thị Vinh Hoa. Trông
thấy Thiệp, bà ta bỗng lăn đùng ra đất, mồm hộc máu. Thiệp hoảng hồn, bỏ
chạy vì sợ liên luỵ.
Thiệp viết thì hay, nhưng nói chuyện thì không hấp dẫn lắm. Anh có tật
nói lắp. Người đen, có vẻ phong trần – Hồi Thiệp mới xuất hiện, nổi lên như
cồn, nhiều kẻ sinh đố kỵ. Khi Thiệp viết Phẩm tiết, bị quy là xúc phạm Quang
Trung, nhiều tay liền xúm vào đả kích, chửi bới. Đỗ Chu, trong một cuộc họp ở
Hội nhà văn, nói: “Mặt nó như cái ruộng nẻ, nó dám xúc phạm anh hùng dân
tộc, sao không bỏ tù nó đi!”.
Thiệp vốn là một giáo viên dạy sử, nhưng thực sự là con người của
cuộc đời phong trần, bụi bặm, thực sự vật lộn với cuộc sống để mưu sinh. Anh
từng buôn gỗ, có lúc làm trang trí nội thất thuê, có thời gian vẽ gốm cho lò gốm
Bát Tràng, rồi vẽ bìa sách cho nhà xuất bản Giáo dục... Khi mới được chuyển từ
Sơn La về Hà Nội (Nhà xuất bản Giáo dục), Thiệp xin với Nguyễn Đức Nam,
Giám đốc nhà xuất bản, cho vợ anh, đang dạy học ở Từ Sơn, về Nhà xuất bản.
Thiệp mặc cả với Đức Nam sẽ có cách đưa được con Nam từ Hà Tây về Hà
Nội. Nam nói, chuyện của tao, tự tao giải quyết được. Thiệp phải dắt gái
cho Nam ba lần, Nam mới đồng ý. Hiện vợ Thiệp vẫn chữa morát cho nhà xuất
bản Giáo dục.
Thiệp hai lần mở quán ăn. Một lần ở Gia Lâm, gọi là quán Nhà Sàn
Hoa Ban. Một lần ở số 1 Láng Hạ, gọi là nhà hàng Hưng Thịnh. Tôi có được
mời dự lễ khai trương. Quán Hoa Ban thì do quan hệ giữa chủ đầu tư và Thiệp
không hợp thế nào đó, nên Thiệp bỏ. Còn quán Hưng Thịnh thì không hiểu sao
vừa mở được ít ngày đã sập tiệm.
Vừa rồi, Thiệp viết bài Trò chuyện với hoa thuỷ tiên, bị bọn làm thơ
ghét lắm. ở đại hội nhà văn lần thứ bẩy, anh nói với tôi, tưởng chúng nó không
bầu mình làm đại biểu, thế mà hoá ra cũng đủ phiếu.
Nguyễn Khải cho biết, ở trong Nam, có một người đàn bà họ Đinh,
kinh doanh rất giỏi, giầu lắm. Chị này rất quý Nguyễn Huy Thiệp. Thỉnh thoảng
Thiệp vào Sài Gòn được cung phụng sướng như vua.
Thiệp là một trong những nhân vật hấp dẫn đối với khách nước ngoài.
Tôi đến anh, thường gặp, khi thì một ông Tây, khi thì một ông Tàu hay một bà
Nhật, khi thì một trí thức Việt kiều ở Pháp, ở Mỹ về nước...
Hoàn cảnh ấy khiến Thiệp sinh chủ quan, kiêu ngạo. Tôi cho đấy là
dấu hiệu thiếu bản lĩnh. Trong nhiều bài viết, Thiệp cứ xưng xưng tự khoe là
người tài, người nổi tiếng, là nhà văn lớn. Một lần có một doanh nhân trẻ mới
phất lên. Anh ta quen một người học trò của tôi và tỏ ra cũng thích văn chương
nghệ thuật. Có lẽ do ảnh hưởng của anh học trò của tôi (một nghiên cứu sinh),
anh doanh nhân này muốn đóng vai Mạnh Thường quân, mời tôi, Hoàng Ngọc
Hiến và Nguyễn Huy Thiệp đi chơi một chuyến lên vùng Xuân Mai, Hoà Lạc.
Anh ta nhờ tôi mời hộ. Tôi gọi điện cho Hiến. Hiến nhận lời ngay. Tôi gọi điện
cho Thiệp. Thiệp từ chối: “Anh phải cẩn thận, nhiều kẻ nó muốn lợi dụng
chúng mình đấy!” – Thiệp khuyên tôi qua điện thoại như vậy. Tôi nghĩ bụng, rõ
vớ vẩn. Nó lợi dụng mình để làm gì chứ! ở cái nước này, trí thức văn nghệ sĩ có
giá gì đâu mà sợ bị lợi dụng. Đúng là Thiệp càng ngày càng thấy mình to quá,
lớn quá, quan trọng quá.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, Nguyễn Huy Thiệp nổi lên như
một sự kiện quan trọng, có tiếng vang ra cả nước ngoài. Người đầu tiên giới
thiệu Thiệp một cách công phu là Hoàng Ngọc Hiến với một bài viết có cái đầu
đề khá kiểu cách: “Tôi không chúc anh thuận buồm xuôi gió” (Bài giới thiệu
tập truyện Tướng về hưu lần đầu tiên in ở NXB trẻ thành phố Hồ Chí Minh,
1988). Năm 1990, Thiệp nhờ tôi viết lời tựa cho một tập truyện ngắn khác của
anh. Bài viết của tôi không được dùng vì Thiệp nói, có lệnh của công an không
cho in lời tựa cho tác phẩm này (Thiệp từng bị công an theo dõi, có thời gian bị
khám nhà và quản thúc). Tôi gửi bài viết cho tạp chí Sông hương, đăng vào năm
1991.
ý kiến của tôi và Hiến khác nhau. Hiến cho rằng trong truyện của
Thiệp có sự đối lập giữa các nhân vật nam và nhân vật nữ: Nữ là chính diện,
nam là phản diện. Từ đó cho rằng tinh thần phê phán xã hội của Thiệp là xuất
phát từ quan điểm gọi là “thiên tính nữ”. Tôi không tán thành ý kiến ấy, vì thấy
không có sự đối lập này trong nhiều tác phẩm tiêu biểu của Thiệp. Nhận xét của
tôi là sự đối lập về tư tưởng – tiêu cực và tích cực của các nhân vật trong truyện
của Thiệp - không phải giữa nam và nữ, mà giữa những nhân vật sống gần với
tự nhiên (thường ở trong nhà, thậm chí trong xó bếp, hoặc ở nông thôn hay
trong thẳm rừng), nên vẫn giữ được bản chất thiên nhiên, bản chất tạo hoá tự
nhiên của mình, với những nhân vật đi vào xã hội, bị xã hội hoá - trong tác
phẩm của Thiệp, xã hội hoá đồng nghĩa với tha hoá. Tôi đưa ra một loạt dẫn
chứng và khẳng định hầu như không có ngoại lệ: Tướng về hưu, Những bài học
nông thôn, Những người thợ xẻ, Không có vua, Trái tim hổ, Muối của rừng...
Hôm ấy, sau cuộc nhậu ở nhà Thiệp, khánh thành pho tượng Phật, tôi
và Hiến tranh luận với nhau. Hiến vẫn giữ ý kiến của mình. Anh nói: “Cậu nên
nhớ, con khỉ dạy cho ông Diểu bài học làm người (trong truyện Muối của rừng)
là con khỉ cái nhé – nghĩa là vẫn đúng với luận điểm “thiên tính nữ”.
Thiệp ngồi quan sát tôi và Hiến tranh luận. Anh chỉ cười.
Hình như càng ngày, Thiệp càng cố tình tạo ra trong tác phẩm của
mình những cảnh đời quái đản, tăm tối, với những con người, từ thế xác tới tâm
hồn, như chui từ bùn rác, cống rãnh lên – Một thái độ hư vô chủ nghĩa, nhạo
báng tuốt, nói ngược lại tuốt, cố tình gắn cái cao cả với cái thấp hèn, cái to tát
với cái bé mọn, cái trinh trắng với cái bẩn thỉu tục tĩu... Một thứ nihilisme –
Dieu est mort – kiểu Nietzsche. Và hành văn cũng theo lối phán truyền của
Nietzsche (style parabolique). Hình như Thiệp có hứng thú (và có sở trường)
ném ra những lời như sấm ngôn, như thánh phán, với những mệnh đề triết lý tù
mù, bí hiểm, có thể suy ra nhiều nghĩa. Tôi ngờ rằng, chưa chắc Thiệp đã có tư
tưởng gì thật sự nên mới làm ra thế để loè thiên hạ, đồng thời che giấu bản chất
còn mù mờ của tư tưởng mình. Người đọc có thể thấy đây đó những điều có vẻ
loé sáng, nhưng không bao giờ thấy có ngọn lửa chân lý hẳn hoi.
Gần đây đã có không ít người nói đến dấu hiệu đuối sức, cạn tài của
Thiệp. Tôi cho chỗ hay nhất của Thiệp vẫn là lối viết táo bạo nhưng chân thật,
hồn nhiên, bản năng. Gần đây Thiệp có truyện Ông Móng viết về cái chợ đêm
bán phân người ở Hà Nội. Người ta khoắng tay vào thùng phân để kiểm tra.
Phân cũng làm hàng giả. Nên mua phân cũng phải khoắng tay để kiểm tra. Cuộc
sống thật quyết liệt, tối tăm, một nhân loại cùng khổ đến thế là cùng. Đúng là
những nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp, là thế giới nghệ thuật của Nguyễn Huy
Thiệp. Cứ phải xục xuống bùn, xục sâu xuống tận đáy cho đục ngầu hẳn lên...
Tôi thấy truyện này rất tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách Thiệp – một chủ
nghĩa hiện thực “không có vua”... Tài nghệ và tư tưởng của Thiệp đã tìm được
một đề tài thích hợp.
Có lẽ nhược điểm của Thiệp là thường thuật kể theo các hành vi ngoại
hiện của nhân vật, ít đào sâu vào đời sống nội tâm của các vai truyện. Vì thế
không viết được tiểu thuyết chăng? Ngày xưa Nguyễn Công Hoan cũng có
nhược điểm này. Nhưng dù sao tiểu thuyết của cụ Hoan cũng không quá dở như
của Thiệp.
Cuối năm 1988, Nguyễn Minh Châu bấy giờ đã mệt lắm. Anh vào
Nam chữa bệnh không có hiệu quả lại trở ra Bắc. Tôi đến thăm anh ở 108. Anh
nói với tôi: “Bây giờ có ai nghiên cứu về cái đề tài này cũng hay đấy nhỉ: Từ
Đỗ Chu đến Nguyễn Huy Thiệp”. Anh không nói gì thêm nữa. Tôi chắc anh
nghĩ đến hai cái mốc đánh dấu hai thời kỳ văn học nước ta, bằng hai tài năng trẻ
cùng viết truyện ngắn: Đỗ Chu là người thể hiện chất thơ của miền Bắc xã hội
chủ nghĩa, còn Nguyễn Huy Thiệp thì thể hiện chất văn xuôi phàm tục và chất
bi hài của chủ nghĩa xã hội hiển lộ ra từ thời kỳ đổi mới.
Nguyễn Thị Huỳnh 9. 7. 2007.

tải về 3.53 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   15   16   17   18   19   20   21   22   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương