Hồi Ký Hà Nội 2008



tải về 3.53 Mb.
trang17/23
Chuyển đổi dữ liệu01.12.2017
Kích3.53 Mb.
#34905
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   23

Chương XVII: Thanh Tịnh

Tôi quen Thanh Tịnh từ hồi làm Tổng tập văn học Việt Nam, tập 30A,


30B. Tôi tuyển một số truyện ngắn của ông trong tập Quê mẹ. Ông cứ cám ơn
tôi mãi về chuyện này.(Năm 1982, Thanh Tịnh tặng tôi tập thơ của ông. Ông
ghi lời đề tặng: “Kính tặng anh Nguyễn Đăng Mạnh quý mến với lòng biết ơn
chân thành”). Thực ra đó là do chất lượng các tác phẩm của ông. Tôi rất thích
tập truyện Quê mẹ. Ông viết rất hay về những người đàn bà nhà quê hiền lành,
chất phác ở một vùng sông nước miền Trung. Văn của ông thường ẩn dấu một
nụ cười hóm hỉnh kín đáo và rất nhân hậu.
Ông sống độc thân ở một căn phòng trên tầng hai của khu nhà trụ sở
tạp chí Văn nghệ quân đội, số 4 Lý Nam Đế. Trong phòng, ông bầy la liệt các
thứ đồ cổ: bát, đĩa, ấm chén, lọ, ngựa sành, tượng phỗng, lư, đỉnh, kỷ, đôn,
chậu, không kể tranh ảnh... Có cả mấy viên gạch cổ mới đem ở Liễu Đôi về.
Ông còn chỉ tôi xem xác ướp một con kỳ đà rất lớn treo ngang trên chiếc gương
ở phòng toilette... Không biết ông kiếm đâu ra được những của ấy. Ông giảng
cho tôi nghe, con kỳ đà có khả năng dùng răng giữ thuyền rất chắc, như một cái
neo sắt ệây... Ông chỉ vào những bát đĩa, ấm chén, bình hoa... giảng, đĩa này là
thời Lý, bát này là thời Trần, bình này là thời Lê... Tôi chẳng hiểu gì về đồ cổ.
Tô Hoài thì cho ông bịa ra, tán ra thế thôi, chứ nhiều bát đĩa của ông là lấy ở
Bát Tràng về....
Thanh Tịnh vốn là một hướng dẫn viên du lịch thời Pháp. Ông có bằng
guide du lịch cao cấp đào tạo ở Angkor, Căm - pu - chia. Sau cách mạng Tháng
Tám, ông đưa một đoàn du lịch từ Huế ra Hà Nội và dự hội nghị văn hoá toàn
quốc rồi bị nghẽn không trở về được, vì đúng vào lúc cuộc kháng chiến toàn
quốc bùng nổ. Vậy là ra đi tay không, vợ con bỏ lại hết ở Huế.
Ông có lệ, hễ có khách đến chơi, cần trò chuyện riêng, ông lại đốt một
nén hương. Ngửi thấy mùi hương, biết có khách, người ta không đến quấy ông
nữa.
Nghe ông nói chuyện, tôi cũng biết được một ít về kiến thức chuyên
môn của ngành du lịch:
Thời Pháp có hai cấp đào tạo hướng dẫn viên du lịch (guide touriste).
Một là cấp xứ (Đồng Dương gồm 5 xứ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Miên,
Lào). Cấp này phải có bằng Thành Chung (diplôme). Hai là cấp toàn Đông
Dương. Phải có bằng tú tài. Thi tuyển ở Angkor. Thanh Tịnh thuộc cấp thứ hai
này.
Quan sát một phong cảnh phải xác định point touristique. Thí dụ, đứng
ở quầy bán hoa trông sang Bách hoá tổng hợp mà nhìn hồ Hoàn Kiếm là point
touristique tốt nhất, bao quát được toàn cảnh, cả các di tích.
Lại có saison touristique. Thí dụ lăng Minh Mệnh thì xem vào mùa thu,
mai vàng nở đẹp. Lăng Tự Đức thì xem vào mùa hè, sen nở trong các hồ. Lại
còn temps touristique: cảnh này thì xem ban đêm, cảnh kia xem buổi chiều...
Thanh Tịnh cũng thích nói chuyện lịch sử, chuyện cổ sử. Và tôi để ý,
thấy ông thích những lời nói hay, những cách diễn đạt thông minh, thú vị. Ông
nói, Hoàng Minh Giám hay Phan Anh có đưa sang Pháp mấy mũi tên đồng của
ta có từ thế kỉ thứ ba trước công nguyên. Lúc ấy người Âu Châu vẫn còn là con
vượn có đuôi. Tên không bắn bằng cung, ná, mà bằng súng bắn đi hàng loạt như
những viên đạn nhọn. Không phải tên bịt đồng mà là đạn hình mũi tên có
ngạnh. Hiện nay chưa hiểu bắn bằng cái gì, súng gì. Lại có đạn đá nữa. Boris
Polévoi nói: “Một dân tộc đúc đạn đồng chống giặc là một dân tộc quyết chiến.
Nhưng khi họ ngồi đẽo những viên đạn đá để đánh giặc thì thôi, kẻ thù chỉ có đi
về.”
Ông lại dẫn một câu nói rất hay của nhà sư Thích Thiện Tâm hay
Thích Thiện Minh: “Con người ta khi ra đời khóc để cho người khác cười. Bác
Hồ khi từ giã cõi đời, đã cười để người ta khóc. ở vùng Đông á này chỉ có hai
người cười cho người ta khóc, là Thích ca và Hồ Chí Minh”.
Ông nói muốn sửa một câu trong năm điều Bác Hồ dạy:
Yêu Tổ quốc
Yêu gia đình
Như thế hơn là yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Đồng bào nằm trong Tổ
quốc rồi. Còn gọi cha mẹ là đồng bào à!
Ông phê phán cuốn Búp sen xanh của Sơn Tùng, giải thích tên cụ Hồ là
Côn, Côn là cá quý, ngọc quý. Không đúng. Ba anh em cụ Hồ tên là Cung,
Khiêm, Thanh. Cung là cung kính, Khiêm là khiêm tốn, Thanh là trong, là giản
dị. Một hệ thống như thế mới đúng chứ! Cách giải thích củaThanh Tịnh xem ra
có lý hơn.
Ông có vẻ tán thưởng câu nói của một người nước ngoài: “Hồ Chí
Minh, tên giả, ngày sinh giả, ngày mất giả, chỉ có lòng yêu Tổ quốc là có thật”.
Ông kể chuyện vợ chồng Charlie Chaplin thăm Huế. Họ nói về cái nón
Huế. Người Tây có parasol, parapluie, paravent. Cái nón thì có đủ cả: che mưa,
che nắng, che gió. Nó lại là cái quạt, tạo ra gió nữa. Bà vợ thêm: nó còn che
được sự thẹn thùng của cô gái Huế.
Ông rất khoái khi khái quát được đặc điểm của ba thế hệ người một
cách ngắn gọn và dùng toàn vần đ:
- Trẻ đi đàn.
- Lớn đi đôi.
- Già đi độc.
Sự khái quát này chắc có liên hệ đến số phận của bản thân ông.
Vì có chuyên môn hướng dẫn du lịch, nên mỗi khi có khách nhà văn
nước ngoài sang thăm, cần đi tham quan đâu đó, ông lại được Hội nhà văn nhờ
giúp. Không phải chỉ vì ông biết cách giới thiệu những đền đài, thắng cảnh một
cách ngọn ngành đâu ra đấy, mà còn vì ông cũng biết đối đáp với khách văn và
biết khôn khéo tháo gỡ những trường hợp khó xử. Về mặt này Thanh Tịnh cũng
láu lỉnh, tinh quái ra trò.
Một lần ông đưa B. Polévoi đi thăm đền Bà Triệu (Thanh Hoá). Xem
phía ngoài xong rồi, Polévoi muốn vào xem hậu cung có tượng Bà Triệu. Thanh
Tịnh nói với bà tự xin vào trước xem thế nào. Ông thấy mấy tay dân công đang
nằm ngủ, cởi trần, phơi slip ngay trong hậu cung. Tởm quá! Không thể để
Polévoi vào được. Ông nói với nhà văn Nga: “Người Việt Nam chúng tôi có lệ
“kính như thần tại”, nghĩa là kính trọng thần như lúc còn sống. Bà Triệu là con
gái, chưa chồng, nên nếu là bà Polévoi thì mới vào được. Mà chỉ rằm, mồng
một mới mở cửa.”
Về sau Polévoi đi thăm đền Hai Bà Trưng. Ông đem ba bó hoa, tặng
hai bà hai bó, còn một bó thì nhờ hai bà đi thăm và tặng bà Triệu hộ.
Thanh Tịnh ở ngoài Bắc, không lấy vợ. Ông vẫn chung thuỷ với bà ở
trong Nam. Sau 1975, ông trở về, vợ ông đã lấy chồng khác, con ông thì đi ngụy
quân, cũng không tha thiết gì với ông cả. Ông lại quay trở về Hà Nội, sống độc
thân ở số 4 Lý Nam Đế như cũ. Ông có câu thơ cám cảnh thân phận của mình:
Ra đi mấy chục năm trường,
Ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân
Cuộc đời buồn thế mà ông hay nói chuyện vui, nói đùa. Có lẽ chính vì
đời buồn quá nên ông phải cố cười cho quên đi.
Ông đùa ngay với nỗi đau của mình. Khi về quê, người ta bảo ông về
làng mà ở. Ông nói: “Bây giờ nhà thờ tổ không còn, nhà ở cũng không, “nhà
tôi” cũng không, đã thành “nhà” người ta mất rồi!”
Ông đọc cho tôi nghe một vế câu đối, không biết do ông đặt ra hay
người ta thách ông. Vế câu đối chưa có ai đối lại được: “Nhà văn, nhà báo, nhà
giáo, nhà thơ, cả bốn nhà đều không nhà ở”. Thanh Tịnh đúng là làm bốn
“nhà” ấy mà không có nhà cửa gì.
Ngồi với ông hôm ấy (19.9.1982) ở 4 Lý Nam Đế, ông kể tôi nghe
nhiều chuyện vui. Tôi còn nhớ mấy chuyện như sau:
- Trong tập Những người thích đùa có một truyện không được dịch. Có
một anh muốn tự tử, dùng nhiều cách mà không chết được, vì mua phải toàn đồ
rởm: dao rởm, thuốc độc rởm, giây thừng thắt cổ rởm. Có người mách cho một
cách chết ngay, chết chắc chắn: đọc báo Nhân dân liền ba ngày.
- Có người thắc mắc đến chất vấn Võ Văn Kiệt: “Sao Thanh Nga trước
1975 đóng vai chống cộng mà nay lại cho đóng vai Bà Trưng? Võ Văn Kiệt trả
lời: “Hay là mời bà Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Thị Định đóng vậy?”
- ở khu phố ông người ta bắt được một thằng chuyên ăn cắp xe đạp.
Họ bắt nó biểu diễn mở các thứ khoá. Các loại khoá ngoại tốt nhất nó đều mở
được hết. Hỏi nó: “Khoá nào mày thấy khó mở nhất, không mở được? Nó nói:
“Khoá Việt Nam. Vì xe khoá rồi vẫn đứng nhìn. Mà chính chủ nó cũng không
mở được. Phải dỗ mạnh xe mấy cái mới mở được”.
- Anh có biết thế nào là chủ nghĩa xã hội khoa học không? Khoa học
thì phải thí nghiệm. Khoa học khác thì thí nghiệm trên loài vật. Còn chủ nghĩa
xã hội khoa học thì thí nghiệm trên loài người.
- Một lần ông đưa mấy nhà văn Tây đi du lịch. Họ nghĩ ra cái trò thi kể
chuyện tiếu lâm, xem chuyện nước nào hay hơn. Thanh Tịnh kể chuyện này:
“Ngày xưa đàn bà vừa đẻ con, vừa phải cho con bú, vất vả quá, trong khi thằng
chồng chả phải làm gì, chỉ đi chơi. Các bà kiện lên Ngọc Hoàng đòi cho xử
công bằng. Ngọc Hoàng bèn lấy vú đàn bà lắp cho đàn ông. Chồng phải cho
con bú. Nhưng thằng đàn ông ham đi chơi lang thang. Con đói không được bú,
khóc ghê quá. Các bà không chịu được, lại kêu với Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng
bèn lấy lại vú ở thằng đàn ông lắp lại cho đàn bà. Từ đó thằng đàn ông cứ
trông thấy vú đàn bà là nó nhìn chằm chằm và đòi chộp lấy. Vì vú của nó, nó
đòi lại”. Mấy ông Tây phục quá, đành chịu thua.
Vì tính hay đùa vui, lại biết làm thơ, nên hồi kháng chiến chống Pháp,
Thanh Tịnh thường trổ tài làm những bài vè rất vui gọi là độc tấu, vừa kể vừa
làm điệu bộ, tựa như một thứ kịch vui chỉ có một vai độc diễn. Trường Chinh,
Tố Hữu khen lắm, tác dụng tuyên truyền chính trị rất tốt. Thời kháng chiến, bộ
đội ngồi trên bãi cỏ, quanh đống lửa trại mà xem độc tấu Thanh Tịnh thì thú
lắm. Rất vui mà chẳng cần phông màn, trang phục gì cả.
Giờ chiến tranh đã đi qua, Thanh Tịnh sưu tập tác phẩm in thành một
tập thơ. Ông tặng tôi. Đọc chán quá! Vè chứ đâu phải thơ, đâu phải nghệ thuật.
Một thứ vè chỉ có giá trị tuyên truyền nhất thời, không phải nghệ thuật thì làm
sao có giá trị lâu dài! Trong cuốn Chủ nghĩa Mác và văn hoá Viêt Nam, Trường
Chinh nói: tuyên truyền cao đến một mức nào đó thì tuyên truyền trở thành
nghệ thuật. Làm gì có chuyện ấy! Tuyên truyền cao đến như độc tấu của Thanh
Tịnh thì cũng vẫn chỉ là tuyên truyền.
Thanh Tịnh là một trong những nạn nhân bi thảm nhất của lý luận văn
nghệ Trường Chinh.
Hồi ấy, độc tấu Thanh Tịnh bị Đoàn Phú Tứ chê là bồi bút, cu-li bút,
hạ thấp nghệ thuật, thành thằng hề. Thanh Tịnh trả lời, nếu có thể làm cho dân,
cho lính trong kháng chiến được vui thì tôi sẵn sàng làm hề, loại hề bét nhất,
mười lần hề cũng được!Nói thế không sai, thậm chí còn thể hiện nhiệt tình yêu
nước, nhiệt tình kháng chiến rất cảm động của Thanh Tịnh. Nhưng không nên
chỉ làm vè. Phải làm nghệ thuật nữa chứ. Cụ Hồ làm thơ tuyên truyền nhưng
đồng thời cũng làm thơ nghệ thuật. Ông cụ phân biệt rất rõ tuyên truyền và nghệ
thuật.
Hồi ấy, Trường Chinh khen độc tấu Thanh Tịnh là loại khinh binh, loại
xung kích, và ra sức cổ vũ.
Đúng là lòng yêu nước của Thanh Tịnh thì thật cảm động. Nhưng ông
không tỉnh táo.
* *
*
Thanh Tịnh qua đời dễ đã hơn mười năm rồi.
Không biết cái kho đồ cổ của ông nay còn không? Không biết người ta
có giữ cái phòng ông ở làm lưu niệm không?
Láng Hạ 10.6.2007

Chương XVIII: Nguyễn Đình Thi


Tôi đã viết hai bài thuộc dạng chân dung văn học về Nguyễn Đình Thi:


bài Nguyễn Đình Thi như tôi biết và bài Từ lần gặp ấy, tôi đã hiểu thêm Nguyễn
Đình Thi.
Nay tôi kể thêm mấy mẩu chuyện khác về anh.
1. Nguyễn Đình Thi từ thời thơ ấu đến bài thơ Đất nước.
Người ta thường nói Nguyễn Đình Thi sinh ở Luang Prabang (Lào).
Nhưng chính Nguyễn Đình Thi lại nói với tôi, anh sinh ở Phongxalỳ. Anh nói
rất cụ thể, hồi ở với tôi tại Đà Nẵng (tháng 7.2000)
Bố anh là một nhân viên bưu điện sơ cấp bị điều sang Lào, phụ trách
một trạm bưu điện ở Phong xa lỳ. ở đây ông lấy con gái một Việt kiều vốn là
một đầu bếp, người Đông Thái, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ông này trốn sang Lào vì có
dính vào vụ Hà Thành đầu độc. Dân ở đây rất lạc hậu, một dân tộc thiểu số của
Lào gọi là Phù Nọi. Dân Phù Nọi ăn cả đất. Thi từng bắt chước họ ăn đất.
Phong xa lỳ là một khu vực quân sự (territoire militaire). Toàn lính là
lính, lính Tây, lính ta, khố xanh, khố đỏ, và tù chính trị. Xa nước, nên từ nhỏ
Nguyễn Đình Thi hay nghĩ về đất nước, hay tưởng tượng về đất nước. Nhưng
đất nước trong tâm trí cậu bé là thế: một đám tù chân xiềng tay xích, lính giải đi
làm cỏ vê hàng ngày.
Thi lên 6 tuổi, bố thấy con sắp thành dân Phù Nọi đến nơi, muốn đưa
anh về nước. Rất may, năm 1930, bố anh được điều về Việt Nam. Mẹ anh
thường cưỡi ngựa. Bà cưỡi ngựa, đi hàng trăm cây số. Bóng bà đi ngựa leo dốc
còn in mãi trong trí nhớ anh sau này – anh nói đó l à một hình ảnh rất thơ.
Gia đình anh về nước, đi từ Phong xa lỳ, qua Luang Prabang, Tà Khẹt,
về Hà Nội. Lần đầu nhìn cái ôtô, anh gọi là cái nhà biết đi. Lúc đầu gia đình ở
Hà Nội, phố Bạch Mai. Sau đi Hải Phòng, rồi lại trở về Hà Nội. Anh tự thấy là
một chú nhãi Hà Nội, thuộc đủ ngõ ngách, phố xá của Hà Nội.
Gia đình Nguyễn Đình Thi không phải trí thức. Không biết chữ Hán.
Coi như ngoại đạo đối với văn học. Trong đám sách vở nghèo nàn của bố, anh
chỉ được đọc và nhớ có một câu thơ của Bà huyện Thanh Quan: “Ngàn mai gió
cuốn chim bay mỏi”. Sau này ngẫm lại cuộc đời mình, anh thấy đời anh cũng
chỉ là “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi”. Ngoài ra có được đọc bản dịch
Những người khốn khổ của V. Hugo. Cảm động nhất là đoạn Jean Valjean tìm
Cosette. Cosette trong đêm tối mù mịt, xách xô nước, tự nhiên thấy nhẹ bỗng đi.
Té ra Jean Valjean xách hộ. Anh nghĩ, suốt đời chỉ mong xách hộ xô nước cho
một đứa bé nhà nghèo.
Anh biết rất ít văn học Việt Nam. Mãi sau này mới đọc Đoạn tuyệt,
Nửa chừng xuân. Đến ba mươi tuổi mới đọc Tam quốc, Thuỷ hử.
Không biết chữ Hán, không biết Thơ mới, không biết Tự lực văn đoàn.
Không cảm được cái hay của ngôn từ chữ Hán. Không thích “Viễn phố” bằng
“bến xa”, nghe gợi nhiều hơn, không thích “lâm tuyền”, thích nói “suối xa”.
Cho nên làm thơ ngoài luồng Thơ mới, ngoài luồng Tự lực văn đoàn, cảm thấy
thế nào cứ làm như thế, điếc không sợ súng.
(Nghe tôi nói lại lời Nguyễn Đình Thi như thế, Nguyên Ngọc không
tin, cho là Thi nói dối. Nguyên Ngọc dứt khoát không tin ở sự thật thà của
Nguyễn Đình Thi).
Nguyễn Đình Thi rất thích cảnh rừng núi – anh nói thế – vì anh đã ở
Phong xa lỳ, nên về sau lên Việt Bắc thấy quen thuộc như đã biết từ bao giờ rồi.
Mẹ Nguyễn Đình Thi là một người đàn bà rất đảm. Khi gia đình ở Hải
Phòng, bố anh lại bị điều vào Sài Gòn (Chợ Lớn). Bà không theo vào. Bà mở
một xưởng làm kẹo bột. Về Hà Nội cũng làm kẹo.Đi kháng chiến , bà trồng hẳn
một quả đồi sắn. Nguyễn Đình Thi nói “ Bà ghê lắm, giỏi lắm!” (Thế mà hình
như bà mù chữ ).
ở Hải Phòng, anh chứng kiến Nhật đổ bộ. Anh nói: “Nhục lắm! Nó đi
đâu cũng ra hiệu hỏi nơi có đĩ”. Anh lớn lên vào lúc cuộc đại chiến thứ hai.
Nhật vào. Phong trào Việt Minh. Thời thế đặt ra những câu hỏi lớn. Nguyên
Hồng gọi là “thời kỳ đen tối” (1940- 1945). Theo Nguyễn Đình Thi, đây là thời
kỳ trắng đen, thật giả lẫn lộn. Vì thế dễ lầm lẫn (Nguyễn Công Hoan, Nguyễn
Tuân đã lầm lẫn), phải suy nghĩ tợn. Suy nghĩ về đời, về đất nước, về sự sống,
về chân lý, về đường đi... Cho nên Nguyễn Đình Thi thích đọc và viết triết học.
Anh viết Kant năm 1942, lúc 18 tuổi. Tiếp đó là nhạc. Mãi sau mới làm thơ và
viết văn.
Như thế là Nguyễn Đình Thi đi từ triết đến nhạc rồi mới đến thơ văn.
Thơ văn có cấu trúc nhạc. Ông bố Nguyễn Đình Thi ngày xưa có chơi đàn
nguyệt, đàn bầu. Còn anh thì tự học nhạc chỉ bằng một cái đàn mandoline và
một cuốn nhạc phổ thông. Có một buổi học nhạc một mục sư. Nói chung là tự
học.
Từng chứng kiến cảnh mất nước từ ở Lào, rồi cảnh Nhật vào Hải
Phòng, đến hiệp định 6/3 lại chứng kiến Pháp kéo vào từ Hải Phòng, theo
đường số 5 (Trường Chinh giao nhiệm vụ cho Nguyễn Đình Thi đi đả thông
đồng bào hai bên đường số 5: không đón tiếp, mặc nó, nhưng không gây sự).
Vì thế, được làm chủ đất nước, sướng lắm – “Trời xanh đây là của
chúng ta! Núi rừng đây là của chúng ta!”.
Hồi học trường Bưởi, Nguyễn Đình Thi thích nằm ngửa ở sân trường
nhìn trời xanh không biết chán. Sau này nhớ lại: “Trời xanh đây là của chúng
ta!”.
Kháng chiến, Nguyễn Đình Thi có chuyện buồn: hai người thân mất
(vợ và cô em vợ - định gả cho Thi), cộng thêm nỗi đau đất nước bị dày xéo:
“Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Giây thép gai đâm nát trời chiều”
Anh nói, tám năm kháng chiến mới viết được hai câu ấy. Khắp nơi giặc
chăng giây thép gai: Hành quân ở Bắc Giang, nhìn lên đồi cao thấy giây thép
gai in trên nền trời đỏ như máu.
Hành quân liên miên, đi ngày, đi đêm. Toàn đi bộ, một ngày có khi 50
cây số, từng qua vùng thượng Lào: “Ngày nắng cháy, đêm mưa dội”, cứ thế đi
dưới trời mưa.
Vì thường hành quân đêm nên có hai hình ảnh rất ấn tượng đối với
anh: lửa và sao. Lửa đốt sưởi lúc nghỉ chân. Không phải đèn mà lửa:
Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây.
(Nhớ)
Đến chiến dịch Điện Biên Phủ, lính đi trong chién hào ngập nước có
khi tới ngực. Mặt mũi đen nhẻm vì chỉ có bùn và khói súng, cười răng trắng
xoá, từ bùn vụt lên: “Rũ bùn đứng dậy sáng loà”. Nguyễn Đình Thi nói:
“Nguyễn Tuân rất thích hình ảnh này. Còn chị Mộng Tuyết gặp anh lần đầu,
kêu lên: “A, anh rũ bùn đứng dậy sáng loà đấy à!”
Bài thơ Đất nước làm ở Việt Bắc từ 1948. Ghép hai bài thơ kháng
chiến với nhau. Sau bẵng đi đến 1955 mới làm tiếp ở Thái Nguyên – xã Phú
Minh, bên sông Cầu (làm tiếp bài thơ Đất nước và bắt đầu viết tiểu thuyết Vỡ
bờ)
Anh nói, bài Đất nước kết cấu theo âm nhạc. Chủ âm a từ mở bài, thân
bài đến kết bài:
Tôi nhớ những ngày thu đã xa...
(...)Xiềng xích chúng bay không khoá được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
(...) Nước Việt Nam từ máu lửa,
Rũ bùn đứng dậy sáng loà.
1. Nguyễn Đình Thi tập viết tiểu thuyết.
Năm 1968(20.11.1968), Nguyễn Đình Thi có một cuộc nói chuyện với
cán bộ và sinh viên khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội. Lúc ấy tôi còn dạy ở
Đại học Sư phạm Vinh. Nhân ra Hà Nội, tôi đến nghe ghé.
Nguyễn Đình Thi nói về những ngày đầu anh tập viết truyện, viết tiểu
thuyết. Anh nói, con đường vào nghề văn của anh là đi từ ngọn xuống gốc – con
đường không thuận. Bắt đầu viết từ năm 1942. Viết sách khảo cứu trước. Vào
Việt Minh, bắt đầu biết chủ nghĩa Mác, học được gì viết nấy: viết tiểu luận, viết
về ca dao..., vẫn làm lý luận trước. Khác với con đường của Nguyên Hồng, Tô
Hoài, từ vốn sống thực tế mà sáng tác. Thực ra, anh nói, nếu không có cách
mạng thì cũng có thể đi từ gốc đến ngọn, viết theo vốn sống tự nhiên của mình.
Song vừa vào nghề đã gặp cách mạng, cách mạng yêu cầu phải có vốn sống về
quần chúng cơ bản, về nông thôn. Do xuất thân gia đình viên chức tiểu tư sản,
toàn ở thành thị, lúc bé lại ở Lào, về nước chỉ đi học, vốn sống về quần chúng
công nông không có gì. Thành ra phải có cả một quá trình đi theo cách mạng, về
nông thôn, vào bộ đội, vốn sống phải thu nhặt dần dần, từ 1942 đến 1955, chín
năm phấn đấu mới viết được cuốn tiểu thuyết đầu tay: cuốn Xung kích.
Những năm kháng chiến, tại chiến khu Việt Bắc, Nguyễn Đình Thi ở
chung với mấy ông lãnh đạo văn nghệ: Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao.
Anh thử viết một truyện ngắn, viết xong mời mấy vị đàn anh đến đọc cho nghe.
Họ ngồi quanh bếp lửa nhà sàn. Đọc xong thấy các vị chẳng nói gì, chỉ liếc
nhau, tủm tỉm. Biết là hỏng rồi. Các vị ngại chê nên không nói gì. Lại thử lần
nữa. Vẫn thất bại. Buồn quá. Làm mấy bài thơ thì bị phê bình. Viết văn cũng bị
chê. Chủ yếu do viết không hay, không sâu – anh tự thấy như thế.
Thi biết nhược điểm của mình. Tuy cũng tiếp xúc với thực tế, nhưng
không sao nhớ được những chi tiết cụ thể của đời sống (nói như Tô Hoài, con
mắt anh không sao chọc thủng được tờ giấy. Nghĩa là cứ bị sách vở che khuất).
Mà văn xuôi thì rất cần chi tiết. Anh nghĩ cách khắc phục. Anh cho rằng cơ thể
con người ta là một thể thống nhất. Nếu tay ghi lại thì óc cũng lưu giữ được.
Lần này anh đi theo chiến dịch Trung du (cuối 1950, đầu 1951). Anh
hạ quyết tâm phải thành công. Nếu lại thất bại thì bỏ nghề, xin công tác khác.
Anh đi với tiểu đoàn 29 (tiểu đoàn Lũng Vài), tiểu đoàn này đánh công kiên, tức
đánh đồn, rất giỏi - đánh công kiên là khó nhất. Mở chiến dịch Trung du là lần
đầu ta đánh công kiên. Anh đem theo rất nhiều sổ tay để ghi chép. Vừa đi vừa
ghi chép, ghi la liệt như máy.Anh nói, nếu có ai nhìn anh vừa hành quân vừa ghi
ghi chép chép thì chắc buồn cười lắm. Cái gì cũng ghi: lá nguỵ trang đầy
đường. Có ba con bò gặm cỏ ở bờ đê. Một cái vạc nước sôi sùng sục trên ba
tảng đá... ghi tuốt. Lúc bao vây đồn giặc, anh cũng đào một hố công sự bên
cạnh anh chỉ huy (Thái Dũng, Tây gọi là Commandant manchot – quan tư cụt
tay). Pháo chưa nổ. Im lặng hầu như tuyệt đối. Anh lắng nghe và ghi: tiếng gà
gáy ở một xóm xa, tiếng gió thổi, tiếng mõ, tiếng chó sủa ở một làng tề... Khi bộ
đội bắt đầu rót pháo, anh nhổm lên quan sát đồn giặc bốc lửa ra sao rồi thụp
xuống ghi. Xung kích vào đồn, anh chạy theo và ghi những gì nhìn thấy. Ghi
mò nguệch ngoạc – chưa nhập tâm thì cứ phải ghi hết – anh nghĩ thế. Tất nhiên
vẫn chưa đủ. Trận đánh kết thúc, anh theo bộ đội ra ngoài đồng xem họ tập trận
để ghi các động tác lăn lê bò toài, cách ném lựu đạn thế nào... Phải hiểu cả các
loại vũ khí và cách tổ chức của quân đội. Điều này không được viết ra vì phải
giữ bí mật. Không được viết, nhưng vẫn phải biết, vẫn phải ghi để có sens du
réel, phải có sens du réel mới viết được. Các cuộc họp tổng kết kinh nghiệm
củachiến dịch cũng phải dự và ghi. Sinh hoạt của bộ đội mình nói chung là họp,
anh ghi thành hẳn một cuốn sổ về các cuộc họp. Nhưng chỉ biết một trận đánh,
một đơn vị chưa đủ. Đằng sau tiểu đoàn 29 mà anh bám sát, chẳng những có cả
một chiến dịch mà còn có cả một xã hội nữa.
Chiến dịch Trung du kết thúc, trên giao cho anh viết một bài tường
thuật. Nhân tìm hiểu để viết bài này, anh có được cái nhìn bao quát cả trận đánh
và cả cái nền rộng rãi đằng sau trận đánh.
Khi thấy đã tạm đủ rồi, anh trở về, nói dối các vị đàn anh là đi công tác
(người ta không tin mình viết được, nên nói đi sáng tác thì ngượng, ngồi ở nhà
sáng tác trước mặt mọi người lại càng ngượng), kì thực anh tìm đến ở nhờ nhà
một đồng bào ở chân núi Tam Đảo để viết. ấy là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của
anh: cuốn Xung kích.
Anh dự định viết một truyện vừa. Sắp xếp một loạt bức tranh những
đám đông. Muốn biểu hiện chiến tranh nhân dân, phải tả những đám đông.
Nhân vật chính nói chung đều phỏng theo người thực. Thí dụ, chính trị viên cụt
tay là Thái Dũng, vốn là một ông giáo, chỉ huy tiểu đoàn 29. Promotype của
Kha là một anh học sinh ở Hải Phòng, trẻ, có tài, chưa vợ con, vẫn có tính học
sinh. Nhân vật Sản thì có nhiều nguyên mẫu góp vào: Thái Dũng, một anh công
nhân ở Hải Phòng và một anh khác vốn là học sinh trường cơ khí (école
pratique) phụ trách chính trị viên tiểu đoàn 29. Có một nhân vật phụ mà thành
công hơn cả nhân vật chính: chú bé Luỹ. Một em bé đi lính tự nhiên đem lại
một cái gì rất cảm động cho bộ đội ta.
Mở đầu chương một, anh nói, mình tìm cách sút gôn mà loay hoay mãi
không được. Sau mới nghĩ ra:Đưa luôn vào cảnh hành quân của bộ đội, dân
công. Thế là trót lọt – Viết một mạch ba tuần lễ, xong.
Viết xong, rất hồi hộp. Đọc thử cho bộ đội nghe. Họ thích nhất cảnh bộ
đội cởi truồng lội suối, cảnh dân công, bộ đội đối đáp nhau. Thích hơn các đoạn
tả đánh nhau. Vậy là tả đánh nhau không đạt lắm. Tả sinh hoạt khá hơn vì gần
với tâm trạng mình hơn. Tuy vậy vẫn không tự đánh giá được, thấy vẫn cần
phải đưa cho ai đó đọc. lần này không dám đưa cho mấy vị đàn anh trong nghề
nữa. Các vị khó tính quá. Anh chủ trương trước hết đưa cho những người mà
anh gọi là “nhà văn một nửa”. Người đầu tiên là Xuân Thuỷ. Xuân Thuỷ cho là
được, chỉ chê một số chỗ chưa đúng ngôn ngữ quần chúng. Thí dụ, đoạn tả bộ
đội dân công đi lại qua cầu chen chúc nhau, có một cô dân công mắng một anh
bộ đội sờ soạng mình: “Cái anh này sao lại cứ sờ sờ vào người ta như thế!”.
Xuân Thuỷ nói, đàn bà người ta không nói như vậy. Và ông chữa cho là: “Đồ
phải gió, chân với tay”. Mắng mà vẫn nội bộ. Câu trước là do Nguyễn Đình Thi
bịa ra, thô quá! Anh nói, vậy là văn chương mà thô hơn quần chúng. Tiếp theo
anh đưa cho cụ Lành. Ông Lành khuyên cho mấy đoạn: đoạn tả hành quân và
chi tiết anh đại đội trưởng ngồi tính giờ, ghi vào nắm tay. Tố Hữu còn thêm cho
một chi tiết: Sản nói với Kha trước khi Kha tắt thở: “Tao hôn mày” để biểu
hiện tình cảm một cách văn minh.
Cuối cùng anh đưa cho Trường Chinh. Trường Chinh khen có tính
đảng: tả đúng chiến tranh nhân dân, có sự phối hợp giữa chi bộ quân đội và cấp
uỷ đảng địa phương, như thế là ở đâu cũng có đảng lãnh đạo. Nguyễn Đình Thi
nói, thực ra lúc viết, anh không có ý thức như vậy. Đây là ý thức của một ông
lãnh đạo đảng. Ngoài ra cũng có người phê tả thương vong hơi nhiều, e không
có lợi, sợ ảnh hưởng đến tư tưởng quân đội (ý kiến này là của một cán bộ chính
trị trong quân đội).
Trường Chinh giục in luôn để phục vụ kịp thời.
Thành công này đã làm cho Nguyễn Đình Thi tin tưởng. Anh viết tiếp
Vào lửa, Mặt trận trên cao, Vỡ bờ.
Thực ra tiểu thuyết không phải chỗ mạnh của Nguyễn Đình Thi: Tô
Hoài, Nguyễn Khải trước sau vẫn cho Nguyễn Đình Thi không viết được tiểu
thuyết.
Năm 1970 tôi có được nghe Nguyễn Đình Thi nói về tiểu thuyết Vỡ bờ
(ở trụ sở báo Văn nghệ). Anh nói Vỡ bờ tập I, anh còn viết dưới cái cánh che
chở của ông Tolstoi già. Tập II đã thoát được cái cánh ấy. Thực ra Vỡ bò tập II
rất dở. Tập I còn đỡ hơn. Mới biết dù thông minh đến đâu, con người ta cũng
khó đánh giá đúng văn của mình – “văn mình – vợ người” – văn mình bao giờ
chả hay.
2. Vịt giời và vịt nhà.
Nguyễn Đình Thi có lần ví mình như con vịt. Bơi được một tí, bay
được mấy mét và chạy lạch bạch dưới đất. Một ví von có ý tự trào về sự nghiệp
của mình. Tôi chắc anh đã suy nghĩ nhiều về sự ví von này. Vì nó rất đúng với
thành tựu nghệ thuật của anh và có hàm ý mỉa mai, cay đắng. Nhưng sự ví von
này còn che dấu một ý khác. Anh nói, không chỉ có nghĩa khiêm tốn đâu, nếu là
con vịt giời thì nó bay cao, bay xa lắm đấy.
Theo tôi, sự ví von này chứa đựng một mâu thuẫn có thực trong cuộc
đời nghệ thuật của anh.
Một thanh niên trí thức, tuổi trẻ, tài cao. Mười tám tuổi đã viết sách
triết học. Rồi soạn nhạc, làm thơ. Lại lớn lên đúng vào một thời kì lịch sử đầy
bão táp, chẳng những chứng kiến mà còn đích thân tham gia vào những sự kiện
trọng đại có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của đất nước: Phong trào Việt
Minh, Cách mạng tháng Tám, cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Một con người như thế, gặp thời thế như vậy, tất nhiên có nhiều ước
vọng lớn, muốn bay cao, bay xa, thật cao, thật xa.
Nhưng tổng kết cuộc đời mình, anh để lại được những gì? Nhạc một ít,
thơ một chút, kịch dăm vở, tiểu thuyết mấy cuốn, lý luận vài tập. Nói đa tài thì
đa tài thật. Nhưng chẳng tài nào được đẩy đến nơi đến chốn, được phát huy đến
tột đỉnh. Cho nên có lần Xuân Diệu nói với tôi: “Không biết nên gọi Nguyễn
Đình Thi là nhà gì nhỉ”.
Vì sao vậy? Có phải anh không chịu phấn đấu đâu. Trái lại thế. Không
phải ngẫu nhiên mà anh đã tổng kết đời mình bằng câu thơ rất buồn của Bà
huyện Thanh Quan: “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi”.
Giải thích tình trạng này, tôi cho rằng chính những tìm tòi suy nghĩ của
anh đã khiến anh luôn luôn đi chệch ra khỏi đường ray chính thống, và vì thế
luôn luôn bị phê phán, bị huýt còi. Một con người suốt đời đi theo đảng mà luôn
luôn va vấp với đường lối văn nghệ của đảng. Một con đường nghệ thuật quả là
không thông thuận.
Tôi cho rằng một trong những người hiểu sâu sắc Nguyễn Đình Thi là
Nguyễn Khoa Điềm.
Cuối năm 1982, nhân ra Hà Nội học Nguyễn ái Quốc, Nguyễn Khoa
Điềm có đến thăm tôi (Đồng Xa, ngày 21.11.1982). Anh đánh giá rất cao
Nguyễn Đình Thi mà anh cho có thể trở thành một trí tuệ lớn của thời đại. Anh
nói: “Thời nay, cái quyết định là trí thức, là trí tuệ, chứ không phải kinh nghiệm
thực tế. Từ 1930 đến nay, các nhà văn ta chỉ đi từ thực tế, rồi dùng tài, dùng
tâm mà viết. Chưa có trí tuệ lớn để tổng kết: “Đã đến lúc cần có một nhà văn
có trí tuệ như thế. Người đó là Nguyễn Đình Thi chăng?”
Và Điềm có một so sánh giữa Nguyễn Đình Thi và Huy Cận. Anh nói:
“Huy Cận chỉ đứng ngoài thực tế mà phản ánh và triết lý. Triết lý ngày xưa của
Lửa thiêng còn gây được một cái gì mênh mông, rộng xa. Triết lý bây giờ của
Huy Cận chả có nội dung gì cả”. Anh khẳng định: “Nguyễn Đình Thi thì khác.
Anh muốn triết lý như một người trong cuộc”.
Đúng thế, Nguyễn Đình Thi tham gia cách mạng, vừa đi vừa tìm
đường, “nhận đường”. Một con người thực sự nhập cuộc. Trước 1945, hai lần
nếm cơm tù đế quốc. Đến kháng chiến, gia nhập bộ đội, dự nhiều trận đánh.
Thời chống Mỹ, vào Nam, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
Cũng vào cuối năm 1982 (Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 19.11.1982),
tôi được nghe Nguyễn Đình Thi kể rất tỉ mỉ về những nếm trải của anh cùng bộ
đội, nhân dân trong những ngày gian khổ nhất: Ăn đói, mặc rét (ở Thái Nguyên,
gặp Tố Hữu. Trời rét. Tố Hữu lấy cái áo dạ của mình khoác cho, nhưng sau phải
trả lại vì không được phép mặc áo cấp phát của cán bộ Trung ương). Nhiều
phen hút chết vì bom mìn, vì kiết lỵ. Anh nói, có phải được chết oai phong gì
đâu, mà chết dấm chết dúi trong bờ trong bụi. Dọc đường Trường Sơn, bao
nhiêu nấm mồ vô danh. Tự thấy mình may mắn, còn được sống mà viết. Nhiều
cái chết rất thảm: chết vì đói rét, chết vì cây đổ, chết vì rắn độc...
Anh tự thấy mình cũng chẳng dũng cảm gì, vậy mà từng phải sống
những giây phút hết sức căng thẳng, giữa cái sống cái chết ranh giới chỉ là một
sợi tóc. Nhưng vì thế mà càng thương, càng kính phục nhân dân mình. Anh kể
chuyện hôm giải phóng Sài Gòn, anh đi cùng một số đồng bào từ Mỹ Tho vượt
qua sông Cửu Long, quãng Bến Tre, rồi băng qua lộ 4. Có nhiều chị phụ nữ địu
con. Trạm trưởng cũng là một nữ. Khi qua sông, các chị vẫn đùa nhau một cách
rất hồn nhiên: “Này người yêu của mày nó đang nằm lòi ruột ra kia kìa!” Qua
lộ 4 là qua cửa tử. Vì đồn địch chỉ cách có trăm mét. Chẳng có ai bảo vệ cả, vì
không phải cán bộ to. Một giao liên đón, anh ta quan sát xem địch có phục kích
không, rồi vẫy tay một cái, thế là chạy thục mạng. Nguyễn Đình Thi đau dạ dày,
ôm bụng chạy. Đằng sau các chị địu con chạy sòng sọc... Địch mà biết, nó chỉ
lia một băng là chết hết.
Nguyễn Đình Thi không như ai kia, chỉ đứng ngoài cuộc, nấp cho kín
mà vỗ tay ca ngợi nhân dân anh hùng.
Từ thực tế ấy anh suy nghĩ về dân tộc, về nhân dân, về con người, về
văn học nghệ thuật. Về sự hi sinh không bờ bến của quân đội và nhân dân mình.
Hy sinh không cần ai biết đến, không cần Tổ quốc ghi công. Anh nói, viết được
sự thật này, chết không uổng. Có thực tế, anh lại có trí thức, đọc rộng, hiểu
nhiều. Tôi đã từng được nghe anh nói về tiểu thuyết Pháp, tiểu thuyết Nga, về
thơ Baudelaire, thơ Tagore, về tư tưởng của Nguyễn Trãi, về thơ ca, vũ đạo,
điêu khắc của Việt Nam, về nền văn hoá rất cao của dân tộc ta nên có thể tồn tại
được bên cạnh hai nền văn hoá lớn là Trung Quốc và ấn Độ. Như vậy là tư duy
của anh không bị bó hẹp trong một cái khuôn văn hoá chật hẹp nào.
Những ý nghĩ của anh, vì thế, không giáo điều, không hẹp hòi, máy
móc. Nhưng chính vì thế mà chệch ra khỏi đường lối văn nghệ của đảng.
Về điểm này, một lần nữa tôi lại thấy Nguyễn Khoa Điềm hiểu rất
đúng về Nguyễn Đình Thi. Có điều hồi ấy anh phải diễn đạt một cách dè dặt,
cho đúng khuôn phép: “Nguyễn Đình Thi có chỗ chông chênh, song anh muốn
nói một cái gì về chủ nghĩa nhân văn, với một tầm nhìn lâu dài, tạo ra những
giá trị tư tưởng lâu dài. Cái thiên hướng đó chưa nhịp nhàng với xã hội hiện
nay nên bị đánh giá sai đi, bị hiểu lầm”.
Tôi thì nói thẳng, những suy nghĩ tìm tòi của anh chính vì không hẹp
hòi, máy móc, giáo điều nên thường chệch ra ngoài đường lối văn nghệ của
đảng.
Trước hết là thơ. Anh chủ trương một lối thơ không phụ thuộc vào vần
điệu bên ngoài, vần điệu ngoài tai, chỉ cần nhịp điệu bên trong. Không phải cứ
hết vần là hết thơ. Thơ không vần vẫn là thơ dân tộc. Anh nói, đúng là âm thanh
của ngôn ngữ có khả năng miêu tả được sự vật. “Xè xè nấm đất bên đường”,
“xè xè” là tả cái gì thấp. “Nhưng thơ hiện đại nên bớt “xè xè” đi, càng bớt
được nhiều càng tốt”. Anh muốn thơ thực sự là lời nói bằng thứ ngôn ngữ bình
thường giản dị nhất. Anh đề cao thơ trí tuệ, thơ tư tưởng. Thơ tất nhiên phải có
tình cảm, nhưng tư tưởng phải sâu sắc, sáng rõ, còn tình cảm thì nên kín đáo.
Anh nói, “thơ của ta, tư tưởng thường mù mờ , tình cảm thì lộ liễu”. Quan niệm
của anh có thể mở ra một cuộc cách mạng về thơ ca phù hợp với thời đại. Ngày
nay ai nấy đều thấy như thế. Nhưng hồi ấy (1948, 1949) anh đã bị phê phán
kịch liệt. Vì trái với đường lối văn hoá dân tộc, khoa học, đại chúng hiểu theo
nghĩa thô thiển nhất. Có kẻ còn tỏ ra phẫn nộ, như Lưu Trọng Lư, hò hét muốn
đuổi anh ra khỏi vương quốc thơ ca.
Về tiểu thuyết thì cuốn Xung kích coi như trót lọt. Nhưng đến Vỡ bờ thì
sinh chuyện. Anh ném ra cô Phượng, một nhân vật tư sản khá phức tạp nhưng
có cảm tình với cách mạng. Anh muốn nói cách mạng tháng Tám là cuộc cách
mạng của toàn dân tộc, trong đó có giai cấp tư sản. Anh rất tâm đắc với nhân
vật này, một nhân vật được sống thật là mình. Nhưng người ta cho anh đi theo
dòng tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Cô Phượng là nhân vật Tự lực văn đoàn.
Lôi thôi trầy trật nhất là kịch. Hầu như vở nào cũng bị phê phán. Tôi đã
được nghe anh than phiền về chuyện này ở Đà Nẵng (31.7.2000).
Anh nói kịch của anh kết cấu theo diễn biến tình cảm hơn là theo xung
đột kịch. Đúng là kịch của anh, do đó, giầu chất thơ. Tôi cho rằng kịch của
Nguyễn Đình Thi là kịch tư tưởng, có thiên hướng về chủ nghĩa nhân văn. Một
lối kịch tượng trưng thường dùng biểu tượng tượng trưng để ném ra tư tưởng
này khác.
Kịch như thế là trái hẳn với đường lối văn nghệ của Trường Chinh: văn
nghệ phải phục vụ chính trị (hồi ấy chủ nghĩa nhân văn cũng bị phê phán vì cho
là thuộc phạm trù ý thức hệ tư sản), chủ đề phải rõ ràng, không được dùng biểu
tượng hai mặt.
Cho nên Con nai đen bị cấm diễn. Hoàng Văn Hoan chê chủ đề không
rõ. Ông ta nói, ta đang đói. “Dân đói thì như nồi nước sôi. Phải thận trọng!”
Nguyễn Trãi ở Đông quan thì cho là ám chỉ Trung ương họp. Người ta
còn đặt vấn đề: Sao không viết Nguyễn Trãi ở Lam Sơn, Nguyễn Trãi anh hùng,
Nguyễn Trãi chiến thắng, mà lại viết Nguyễn Trãi bị cầm tù. Còn nhân vật cô
Câm thì muốn nói gì? ức mà không nói được? Thâm lắm đấy! Tác phẩm này
cũng bị cấm. Thực ra lúc bấy giờ anh muốn nêu vấn đề trí thức. “Thời ấy nổi
lên mấy vở kịch về trí thức: Kịch Khuất Nguyên là trí thức và vấn đề trong đục;
Kịch Galilée là trí thức và vấn đề chân lý; Nguyễn Trãi ở Đông quan là trí thức
và vấn đề dân tộc”.
Đến Giấc mơ anh muốn đưa ra một vở kịch thật hiện đại: một anh
thương binh ngất đi, mơ thấy nhiều cái chết: cái chết của Tần Thuỷ Hoàng, cái
chết của Cléopâtre, cái chết của Chử Đồng tử, cái chết của anh thương binh. Vở
kịch có một cuộc đối thoại với một gã lái buôn. Nó đi đâu cũng đem theo cái
bàn tính và tay nải tiền. Cái gì nó cũng mua được hết, nhưng cuối cùng không
mua được khóm tre của anh thương binh. Kịch rắc rối, lại pha huyền thoại như
thế tất nhiên cũng không được chấp nhận.
Rừng trúc thì viết theo lối cổ điển thôi, nhưng có gài một chủ đề có ý
nghĩa nhân văn (bên cạnh chủ đề đoàn kết đánh giặc) đặt vào lời Chiêu Thánh:
“Việc nước là quan trọng, nhưng việc của con người cũng không là nhỏ”.
Còn Hoa và Ngần thì đề cập đến chuyện một cô gái, chồng đi chiến
trường đã báo tử. Nhưng khi cô yêu người khác thì chồng lại trở về. Trong
chiến tranh, nội dung kịch như thế tất nhiên cũng không được diễn.
Thật ra nếu những tác phẩm trên của Nguyễn Đình Thi đạt tới phẩm
chất nghệ thuật cao, là những kiệt tác, thì không ai có thể phủ nhận được, không
gì giết chết được. Có chôn xuống đất đen thì nó cũng sẽ đội đất chui lên. Như
Giông tố, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, như Vang bóng một thời của Nguyễn
Tuân...
Nhưng tất cả chỉ mới là những thử nghiệm. Nếu anh cứ tiếp tục thử
nghiệm thì rồi có thể có lúc sẽ đạt tới độ chín, và biết đâu đấy, có thể tạo được
những tác phẩm chẳng những có giá trị lâu dài mà còn mở ra được mội thời đại
mới cho nền văn nghệ Việt Nam hiện đại.
ấy là nói giả thiết thế thôi. Sự thật thì Nguyễn Đình Thi đã chùn bước.
Anh sợ – Dương Thu Hương thì nói thẳng: Nguyễn Đình Thi là thằng hèn, một
trí thức hèn, từng ví mình như hạt bụi (chị nói trong cuộc gặp mặt của Nguyễn
Văn Linh với văn nghệ sĩ – 10.1987).
Không rõ bản thân Nguyễn Đình Thi có thấy mình là hèn hay không,
chỉ biết có lần , trong một buổi nói chuyện ở Đại học Sư phạm Hà Nội, anh tự
cho là người luôn luôn bị lỡ tàu.
Hôm ấy anh nêu lên ý kiến của Goethe về sự xuất hiện những tác phẩm
lớn. Goethe nêu lên ba điều kiện:
- Dân tộc có gì lớn để viết?
- Có thiên tài để viết không?
- Thiên tài có được viết ở thời kì sung sức nhất không? Hay cứ bị lỡ
tầu hoài.
Thì ra anh hiểu lỡ tầu là như thế.
Nhưng liệu anh có phải là thiên tài không? Và tàu nó không đợi anh,
hay anh không dũng cảm bước lên tàu?
3. Chuyện con cua và con ếch.
Năm 1983, Hà Xuân Trường thay Trần Độ làm trưởng ban văn hoá văn
nghệ Trung ương. Nguyễn Văn Hạnh tiếp tục ở lại một thời gian làm phó cho
Hà Xuân Trường. Các vị tổ chức một cuộc hội thảo trong ba ngày về văn học
nghệ thuật. Cuộc hội thảo tập hợp rất đông văn nghệ sĩ thuộc các ngành nghệ
thuật khác nhau. Nguyễn Đình Thi có đến dự. Hôm ấy tôi được chứng kiến
Nguyễn Đình Thi sợ Tố Hữu như thế nào. Ba ngày liền các đại biểu tự do đăng
kí phát biểu. Hôm đầu, tôi hỏi Nguyễn Đình Thi có phát biểu không. Anh nói
không. Nhưng đến buổi cuối cùng, anh lại nói.
Giới văn nghệ nói chung rất phục Nguyễn Đình Thi (trừ bọn viết văn).
Anh lại có thuật nói hấp dẫn. Anh bước lên, đứng trước cái bàn có phủ khăn.
Đứng im, không nói gì. Mọi người im phăng phắc chờ đợi. Tưởng như con
muỗi vo ve cũng nghe thấy. Bỗng anh bước ra khỏi cái bàn, vung tay hỏi hội
nghị: “Chúng ta đang làm cái gì thế này?” Mọi người ngơ ngác tự hỏi: họp
bangày, không biết mình làm cái gì nhỉ? Càng cảm phục và chờ đợi. Thi vung
tay nói lớn: “Chúng ta đang làm một nền văn nghệ lớn. Và chúng ta cũng lớn!”
Đúng lúc ấy Tố Hữu đi vào. Hà Xuân Trường theo sau. Tố Hữu ăn mặc
xuềnh xoàng, áo sơ mi bỏ ra ngoài quần. Người nhỏ bé.
Nguyễn Đình Thi đang hùng hồn bỗng cụt hứng, xỉu hẳn lại, không nói
được nữa.
Tố Hữu ngồi ngay ghế đầu, vẫy tay nói với Thi: “Anh cứ nói tiếp đi!”.
Nhưng Thi chỉ nói lý nhí mấy câu gì đó không nghe rõ, rồi bỏ đi xuống.
Tôi hình dung con cua đang giơ hai càng một cách hiên ngang như
muốn thách thức với cả trời đất. Con ếch tới, vỗ nhẹ vào mai một cái, con cua
vội co dúm người lại. Nguyễn Đình Thi là con cua, Tố Hữu là con ếch.
Thảm hơn nữa là sau đó, khi Tố Hữu phát biểu, Thi thỉnh thoảng lại đế
vào một câu để tỏ ra rất tán thưởng ý kiến của Tố Hữu. Một thái độ nịnh hót rất
lộ liễu. Lưu Trọng Lư cũng thế. Rất tội!
Nguyễn Đình Thi là một trí thức, đọc rộng, biết nhiều – lại có nhiều
trải nghiệm trong thực tế và có quan hệ với các cấp trung ương, những ông lãnh
đạo đảng và quản lý nhà nước. Vì thế anh có nhiều ý kiến ngược dòng chính trị,
có tầm khái quát khá táo bạo. Nhưng cứ phải dấu đi, cứ phải ngậm miệng.
Trong vở kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan, anh đưa ra một nhân vật mắc bênh
câm. Cô Câm. Chắc hẳn anh muốn nói cái khổ của anh trí thức, của bản thân
mình: biết đủ thứ, muốn nói mà không nói được.
Nhưng tâm lý con người ta là thế, khi trong bụng có lắm ý kiến lấy làm
tâm đắc, thì thế nào cũng có lúc phát ra chỗ này chỗ khác.
Tôi đã được nghe khá nhiều ý kiến như thế của Nguyễn Đình Thi.
Chẳng hạn những ý kiến như thế này:
“Tổng bí thứ Đảng là ông vua cộng với ông Thánh, là Hoàng đế cộng
với giáo hoàng. Phong kiến nó tách ra làm hai. Cộng sản chỉ có một, nên đẻ ra
Staline và Mao Trạch Đông. Vua thì phải giết kẻ kế cận. Mao, Staline đều chặt
đầu kẻ ngang mình. Hồ Chí Minh cũng được thờ như ông thánh, nhưng không
tự nhận là thánh, không giết kế cận. Đấy là chỗ may cho dân tộc mình”.
“ Ta hiện nay có tình trạng người có quyền không biết chuyên môn. Kẻ
có năng lực thì không có quyền. Kẻ biết không được nói. Kẻ nói thì không biết”.
“ Trong chiến tranh, văn học cứ phải đánh trống thổi kèn. Toe, toe,
toe, tiến lên! Phải lên giây cót. Không lên giây cót là mất nước ngay. Văn học vì
thế là văn học tuyên truyền, đánh trống thổi kèn. Phê bình thì đánh giá lẫn lộn,
cái hay bảo dở, cái dở bảo hay, làm sai lạc hết tiêu chuẩn”.
“ Văn nghệ sĩ như đám cung nữ, múa hát cho vua xem. Còn phê bình
là lũ hoạn quan, lũ thái giám, chuyên bảo vệ các cung nữ”.
“ Ta không được nói cái nhỏ, không được nói bóng tối, không được nói
đời tư. Con người đối diện với mình là rất văn học. Nhưng ít được nói đến. Vì
thế văn học trào phúng không phát triển được”.
“Đường lối văn nghệ có thể sai, nhưng sáng tác vẫn có thể có sáng tạo
do gắn với đời sống. Còn lý luận phê bình thì phụ thuộc hơn vào đường lối.
Đường lối sai ảnh hưởng đến lý luận phê bình.
Người sáng tác có tài vẫn tìm cách khơi được dòng để sáng tạo. Có
đièu kiện thì nói thẳng, không có điều kiện thì nói quanh co, song vẫn nói được,
nếu có tài và gắn với đời sống”.
“Phê bình kém vì chỉ có một cái đầu được nghĩ thôi. Không ai được
nghĩ. Tự do không có. Không phải phê bình kém mà vì phê bình không được
nghĩ và nói theo cái đầu của mình. Hiện nay chỉ có phê bình đề tài, không phê
bình tác phẩm”.
“Văn học cho đến nay, về phương diện phản ánh chiến tranh vẫn còn ở
dạng hồi ký. B. Polévoi, Simonov cũng thế thôi. Viết về chiến tranh phải có gan
viết về cái chết. Người anh yêu nhất chết. Và cái chết phải vượt ra ngoài vấn đề
chiến tranh. Không dám nói cái tình trong chiến tranh thì kể bao nhiêu sự kiện
cũng không hay ho gì. Phải lùi xa mà phản ánh hiện thực, và phải có tầm nhân
loại. Mà nhà văn ta sợ không dám khái quát ở tầm cao, tầm trung ương”.
“Có hai cái gây ra drame và tạo cho nhân vật một destinée: tình yêu
và lí tưởng. Tiểu thuyết ta không dám đặt ra vấn đề gì cả. Vì hai vấn đề trên
phải tránh. Thành ra nói như sách, nói theo đáp án định sẵn”.
Những ý kiến như thế cứ “thòi” ra chỗ này chỗ khác, hoặc trong những
cuộc nói chuyện ở đâu đó, hoặc dùng lối biểu tượng hai mặt để “xì” ra một cách
bóng gió trong tác phẩm của mình (chủ yếu là kịch).
Thành ra Tố Hữu rất ghét Thi. Vì Tố Hữu là tay thông minh, thừa biết
Thi thực bụng nghĩ gì. Vả lại những ý kiến kể trên của Thi, thế nào chẳng có
thằng tâu với Tố Hữu. Ghét nhưng vẫn dùng. Vì Thi biết sợ. Lãnh đạo ngại nhất
là thằng không biết sợ. Sai không sao, ngại nhất là thằng bướng. Thằng bướng
thì phải diệt ngay (như Nguyên Ngọc chẳng hạn)
Nguyễn Đình Thi sợ Tố Hữu có lẽ còn do nguyên nhân khác: Từ rất trẻ
anh đã được ngồi ghế cao: Lãnh đạo văn hoá cứu quốc, Tổng thư kí hội nhà
văn, Hội văn nghệ, Đại biểu quốc hội khi mới ngoài 20 tuổi. Thi không quen
ngồi dưới đất. Một tính cách dở dang: vừa muốn làm nghệ sĩ, vừa muốn làm
quan. Đã muốn làm quan, đã muốn có ghế và giữ ghế thì tất phải sợ cấp trên –
cấp trên trực tiếp là Tố Hữu.
Hoàng Ngọc Hiến thì cho rằng, Nguyễn Đình Thi chắc có một cái vết
gì đấy trong lý lịch nên sợ. Những tay nịnh hót đảng, lên gân lên cốt về chính
trị, nói chung là đều có vết gì đó trong lý lịch như Hoàng Xuân Nhị, Lê Văn
Thiêm, Chế Lan Viên, Hoài Thanh, Nam Mộc, Phan Ngọc...
* *
*
Năm 2000, tôi vào Sài Gòn. Một buổi sáng tôi ngồi uống cà phê với
anh Hoài Thanh (Cán bộ giảng dạy Đại học Sư phạm Sài Gòn) ở một cái quán
vỉa hè đường Nguyễn Du, thấy Nguyễn Đình Thi đứng ngay gần đấy. Anh đứng
trông ra đường, chắc đang đợi xe đến đón đi đâu đó. Tôi gọi anh và mời anh
uống cà phê. Hoài Thanh nói: “Trông Bác vẫn trẻ lắm!”. Nguyễn Đình Thi nói:
“Tôi lúc trẻ người ta bảo là già, lúc già người ta lại khen là trẻ”. Hỏi anh về
sức khoẻ, anh nói bị tuần hoàn não.
Khi anh ốm nặng (2004) tôi có đến thăm. Hôm ấy anh vừa được uống
cổ linh chi, một thứ thuốc quý hiếm, được coi là thần dược. Người khoẻ lại hẳn.
Chân tay co duỗi thoải mái. Anh thử biểu diễn cho tôi xem, có vẻ vui và tin
tưởng lắm. Chị Tuệ Minh chăm sóc anh. Anh nói nhỏ với tôi: “Anh đến thăm
tôi thế này là quý hoá lắm!” Rồi anh giới thiệu tôi với chị Tuệ Minh.
Vậy mà chỉ mấy ngày sau, anh qua đời.
* *
*
Về sáng tác và nhất là về con người Nguyễn Đình Thi, kẻ khen không
ít, người chê cũng nhiều.
Điều ấy chắc anh biết rõ. Nhưng anh không bao giờ thanh minh, không
bao giờ tự bào chữa.
Hoàng Ngọc Hiến cho đó là một chỗ rất được của Nguyễn Đình Thi.
Láng Hạ, ngày 1.1.2008



tải về 3.53 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương