Eloi Leclerc BÀi ca của bình minh the song of the dawn người dịch: Lm. Minh Anh (Gp. Huế) Eloi Leclerc



tải về 330.73 Kb.
trang1/5
Chuyển đổi dữ liệu17.11.2017
Kích330.73 Kb.
#34394
  1   2   3   4   5


Eloi Leclerc


BÀI CA CỦA BÌNH MINH
THE SONG OF THE DAWN

Người dịch: Lm. Minh Anh (Gp. Huế)
Eloi Leclerc

BÀI CA CỦA BÌNH MINH
THE SONG OF THE DAWN

Nguyên tác: The Song of The Dawn

Tác giả: Eloi Leclerc

Người dịch: Lm. Minh Anh (Gp. Huế)

Nihil Obstat:

Mark P. Hegener, O.F.M.



Censor Deputatus
Imprimatur:

Msgr. Richard A. Rosemeyer, J.C.D.



Vicar General, Archdiocese of Chicago

Nội dung:


Lời nói đầu

  1. Sự Ra Đời Của Một Bài Ca

  2. Bài Ca Dâng Lên Đấng Siêu Việt

  3. Tình Bằng Hữu Vũ Trụ

  4. Điều Kỳ Diệu

  5. Chiều Kích Sâu Thẳm

  6. Con Sói Được Thuần Hoá

  7. Bên Dưới Dấu Hiệu Của Sự Tha Thứ

  8. Mặt Trời và Cái Chết

Lời Kết: Thánh Bổn Mạng của Các Nhà Sinh Thái.



LỜI NÓI ĐẦU
Người ta có thể ngạc nhiên khi những ý tưởng sâu sắc lại được tìm thấy trong những tác phẩm thi ca của các nhà thơ hơn là của các triết gia; bởi lẽ, nhà thơ vận dụng hết mọi nỗi niềm và khai thác tối đa khả năng tưởng tượng. Như đá lửa, trong chúng ta, có những hạt giống của ánh sáng. Qua lý trí, triết gia khơi dậy chúng, đang khi nhà thơ làm cho chúng chiếu toả rạng ngời hơn nhờ đặc ân tưởng tượng.

Descartes, Cogitationes Privatae


Không gì lố bịch bằng khi lỗ tai một con lừa thòi ra dưới chiếc mũ của một bác sĩ. Có lần ở Montréal, tôi tổ chức một cuộc hội thảo về Bài Ca Thọ Tạo của Thánh Phanxicô Assisi. Trong cuộc trao đổi theo sau bài nói chuyện, một người rất danh giá đưa ra nhận định, ‘Thế giới, trong đó thánh Phanxicô sống, có một đầu óc tiền khoa học và cách tự nhiên, ngài đã chia sẻ trí lực này. Đây là lý do tại sao ngài có thể nói về ‘Chị Nước của chúng ta’. Nhưng với những nhãn quan khoa học hôm nay, chúng ta không thể nói theo cách này nữa; thậm chí không thể nói là nước nữa nhưng phải nói ‘H2O’­”.
“Bạn quá duy lý đến nỗi không thể tin vào mặt trời”, Holderin nói với các tác giả tư sản thời mình. Tương tự, tôi có thể đáp lại diễn giả trên, “Ngài quá duy lý đến nỗi không tin vào Chị Nước”.
Sẽ không ngoài lề khi nhắc lại rằng, thơ không phải là một ngôn ngữ tiền khoa học, tiền lý trí hay một cách thức diễn đạt những gì sơ khai và cổ thời mà khoa học đã thay thế. Khoa học là một ngôn ngữ, thơ là một ngôn ngữ khác. Thơ không chỉ diễn đạt sự vật cách khác nhưng còn nói lên những điều gì đó. Khi khen ngợi thế giới, nhà thơ nói đến giấc mơ thâm sâu của con người. Vì thế, cả khi dường như đang mô tả thiên nhiên, nhà thơ vẫn có thể thổ lộ một bí mật mà chỉ linh hồn mình biết. Mọi thơ ca đều bí ẩn, chúng tiến về một vùng đất hứa khởi từ một thiên đường bị lạc mất. Vì thế, thơ ca mở rộng thế giới với những tưởng tượng, với những kỳ quan. Nhưng như Aragon cho thấy, “Kỳ quan có giá trị như một đối kháng chống lại một thế giới phân tán cũng như sáng tạo và siêu việt vốn dẫn đến một thế giới tốt đẹp hơn”.
Hãy cùng đọc lại Bài Ca Anh Mặt Trời của Phanxicô Assisi trong ánh sáng này.
Khi hát về thọ tạo, Phanxicô không chỉ nói đến những gì bên ngoài nhưng còn gợi lên cả một thực tại mênh mông mới mẻ bên trong; ở đó, tinh thần con người và thọ tạo vật chất gặp nhau, cùng khám phá chính mình trong một sự hài hòa tuyệt diệu. “Anh Mặt Trời”, “Chị Nước”, chúng ta cần trở nên một nhà thơ lớn để có thể đặt những từ ngữ đơn giản này lại với nhau; thậm chí lớn hơn nữa, để dám nói, “Chị, Mẹ Trái Đất của chúng ta”. Những lời lẽ thường ngày này bất ngờ được kết hợp trong tình yêu và ước mơ, tổ chức một cuộc về nhà; chúng diễn đạt một sự giao hòa bí nhiệm; ở đó, con người và thế giới được tái sinh trong sự hiệp nhất ban đầu.
Thế nhưng, chiều sâu của kinh nghiệm này sẽ qua đi nếu chúng ta quên rằng, Bài Ca Thọ Tạo trước tiên là một tiếng ca ngợi khen ngân vang đến tận Đấng Tối Cao, Đấng vượt trổi, Đấng mà con người không thể gọi tên Ngài. Sự tinh tế của bài ca nằm ở chỗ là một tiếng kêu thất thanh lên tận Đấng siêu việt, vốn được khẳng định rất rõ ràng trong khổ thơ đầu tiên và dường như con người phải được nới lỏng khỏi trần thế để rồi bất chợt được dẫn đến một sự hiệp thông huynh đệ và diệu kỳ với mọi thọ tạo. Tiếng kêu thấu tận tầng trời cao nhất ở đây băng xuyên qua sự hiệp thông này. Đó là điểm đầu tiên mà chúng ta cố gắng đưa ra ánh sáng.
Điểm thứ hai cũng cần được lưu ý. Hiệp thông huynh đệ với các thọ tạo cùng sự tán dương nồng nhiệt, hiệp thông ấy diễn đạt cũng là ngôn ngữ của con người mở ra với tất cả hữu thể của mình. Con người không thể có một tương quan huynh đệ đích thực và mật thiết với các yếu tố trong vũ trụ nếu không hoà quyện chính mình với tất cả những gì mà các yếu tố này biểu trưng, nghĩa là, tìm về những dấu tích từ nội tâm của mình, với tất cả những sức mạnh đen tối bao gồm hữu thể ban đầu của nó.
Trong Bài Ca Mặt Trời, Phanxicô khám phá ý nghĩa chói lọi của thọ tạo nhưng ngài khám phá bằng cách bắt đầu từ một trải nghiệm bên trong vốn là một cuộc khởi nguyên mới, một cuộc sáng tạo mới. “Dường như ngài là một con người mới, một con người của thời đại đang đến”, người viết tiểu sử đầu tiên của ngài nói về ngài như thế.1 Chính trong việc trở thành con người mới này mà Phanxicô nhận biết ý nghĩa của thọ tạo. Bài ca của ngài không chỉ là sự tri ân đầy xúc động với Tạo Hoá, nhưng còn thực hiện một sự biến đổi bên trong. Ngài ca khen cuộc sáng tạo mới nơi chính tâm hồn con người.
Phanxicô Assisi không viết những luận đề uyên bác, nhưng khi muốn nói cho chúng ta nhãn quan của mình về vạn vật, thì người anh em của những người hát rong này bắt đầu hát. Ngài hát về mọi thọ tạo và trong bài hát của mình, ngài cho chúng ta thấu hiểu những chiều kích sâu xa của tâm hồn, trong đó, những năng lực căn bản của đời sống đã phục hồi tính trong suốt ban đầu cùng sự chói ngời của mặt trời loé sáng.

1
SỰ RA ĐỜI

CỦA MỘT BÀI CA
Đêm đến, tiếng của mọi hồ nước sống động đang cất lên; và tâm hồn tôi cũng là một con suối sống động.

Nietzsche

Bài Ca Mặt Trời là một bài ca về ánh sáng, nhưng lại phát ra từ một đêm đen tối tăm nhất.


Phanxicô chưa tròn bốn mươi lăm tuổi, nhưng khá suy nhược. Sự từ bỏ và chay tịnh lâu ngày đã huỷ hoại sức khoẻ của ngài. Ngài có ít hơn hai năm để sống. Trên các đỉnh núi cô tịch của miền Alverna, ngài vừa nhận các dấu Cuộc Thương Khó của Đức Kitô nơi thân xác mình. Ngài đã trở thành người mà ngài không ngừng chiêm ngắm, một ai đó đã bị đâm thâu qua. Trong nỗi đau tột cùng, trên lưng một con lạc đà, ngài xuống núi và lên đường đến Assisi. Nhưng lòng nhiệt thành vốn đang hướng dẫn ngài, thôi thúc ngài loan báo Tin Mừng bất kỳ nơi nào ngài đến.
Không lâu sau khi trở về Portiuncula, Phanxicô nhờ người ta dẫn đến San Damiano, nơi Clara và các chị em đang sống. Vấn đề sức khoẻ đã khiến cuộc viếng thăm này trở thành một cuộc ở lại bất đắc dĩ chừng vài tháng. Kể từ khi trở về từ Trung Đông, Phanxicô phải bệnh chảy nước mắt. Đột nhiên bệnh này trở nên nặng hơn và gây ra một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Thực tế, Phanxicô đã bị mù, những cơn đau đầu kinh khủng hành hạ ngài, ngài không thể trở lại Portiuncula được. Chị Clara đặt người bệnh và những bạn đồng hành trong một ngôi nhà nhỏ gần tu viện, và để bảo vệ mắt Phanxicô khỏi ánh sáng chói chang ban ngày, chị làm một góc phòng sâu vào trong bằng thảm rơm.
Hơn năm mươi ngày, Phanxicô sống trong căn phòng chật hẹp tối tăm này vì không thể chịu được dù một tia nắng nhỏ nhất ban ngày hoặc một đốm lửa tí xíu vào ban đêm. Đôi mắt đau đến nỗi ngài không thể nghỉ ngơi hay ngủ được và chuột chạy lon ton quanh phòng, thậm chí trên mình ngài, khiến ngài không nghỉ được một lúc nào cả.
Các mối bận tâm khác lại tiếp nối với những đau đớn thể lý. Phanxicô suy nghĩ về những anh em Chúa gửi đến cho ngài và cho sứ vụ. Ngài chưa bao giờ cảm thấy cùng cực và kiệt sức đến thế. Suốt chuỗi ngày bất động lê thê như thế, ngài vẫn thấy toàn bộ đời sống mở ra trước mặt mình: tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cho mình và cách thức ngài cố gắng đáp trả.
Hai mươi lăm năm trước, chính ở nơi đây, trong nhà thờ San Damiano vốn không hơn không kém một nhà nguyện nhỏ bằng đá, hoang tàn, Phanxicô đã nghe tiếng gọi của Đức Kitô, “Hãy đi và sửa lại nhà ta, như con thấy đấy, nó đang sụp đổ”. Trong sự đơn sơ và cảm thức bẩm sinh về những điều đặc biệt và tầm thường, ngài đã trở thành một anh thợ nề ngay lập tức. Với đôi tay mình, ngài khôi phục không chỉ San Damiano mà còn hai nhà thờ nhỏ khác trong vùng quê Assisi.
Cho đến một ngày kia, khi tham dự thánh lễ tại một trong những ngôi nhà nguyện nhỏ vốn được sử dụng lại nhờ sự chăm sóc của ngài, Phanxicô nghe đoạn Tin Mừng liên quan đến việc gửi các môn đệ đi truyền giáo, “Hãy đi…, hãy công bố trên đường rằng, Nước Trời đang đến gần. Đừng mang theo vàng bạc hay bao bị đi đường, đừng mặc hai áo, đừng mang giày, hay gậy gộc”.
Tâm hồn Phanxicô ngập tràn một ánh sáng đích thực. Sửa lại nhà Chúa không phải như ngài nghĩ, là đặt lại viên đá này trên viên đá kia nhưng là trở lại những con đường sứ vụ của Tin Mừng, tái khám phá điều kiện của các môn đệ được Thầy sai đi. “Đây là điều tôi đang tìm kiếm, đây là điều nung nấu tâm hồn tôi những ước muốn hoàn thành tự đáy lòng mình!”, ngài la lên vào lúc đó. Ngay lập tức, ngài rời bỏ sự cô tịch bấy lâu kể từ khi trở lại và lên đường đến với những người khác đúng như Đức Kitô đã yêu cầu, không của cải, không nguồn cung cấp, không quyền lực. Vâng, đích thực là nó; đó là cách sửa chữa Giáo Hội đang suy sụp.
Rồi Chúa ban cho ngài những người anh em. Cùng với họ, Phanxicô tra tay cố gắng xây dựng một tình huynh đệ thực sự dựa trên Tin Mừng. Tình huynh đệ của những người nghèo, không giữ của cải gì; không quyền lực; không tự vệ; một tình huynh đệ thực sự khác với những tu viện giàu có của thế kỷ đó. Các anh em không mảy may đóng một vai trò nào trong xã hội; họ chỉ muốn giới thiệu “Tin Mừng” cho mọi người. Con số các anh em gia tăng và một hơi thở dịu mát của lòng yêu mến phủ lên thế kỷ của lửa và sắt.
Những người theo Kitô giáo không quay lưng lại với chính sách bạo lực, đặc biệt với Hồi Giáo. Mối quan tâm của họ không phải là truyền giáo mà là đạo binh thánh giá. Một đạo binh gay gắt nhân danh một Thiên Chúa thực sự dịu hiền! Vì thế, Phanxicô rời đi Đông Phương, không phải với tư cách là thành viên của đạo binh thánh giá, nhưng với tư cách là một sứ giả của hòa bình, với đôi bàn tay trắng, để công bố với vua Hồi “Sự trìu mến đang đến”. Đây không phải là một cách thức sửa chữa Giáo Hội Đức Kitô sao?
Nhưng Phanxicô không cải tâm vua Hồi, cũng không cải tà quy chánh những thành viên của Đạo Binh Thánh Giá, những người đổ xô về thành Damietta để chiến đấu với sự tàn bạo dã man của những con thú. Trở về, Phanxicô suy nhược, đau yếu và hầu như mù loà. Ngoài ra, ngài phải gấp rút trở về vì sự bất đồng đã nổ ra giữa các anh em. Những cha tổng đại diện mà Phanxicô đã giao phó việc cai quản nhà dòng của ngài khi ngài vắng mặt đã tự cho mình quyền hạn thêm thắt những điều khoản mới vào luật sống của các anh em. Những điều khoản này vốn có ý làm cho đời sống anh em hoà hợp theo tinh thần tu viện truyền thống nhưng lại gây rối ren cho tinh thần của những con người vẫn rất gắn bó với lý tưởng ban sơ của Phanxicô. Tuy nhiên, con số các anh em lại gia tăng đáng kể. Người ta cảm thấy cần có một tổ chức nào đó. Có nhiều giáo sĩ trong số những người mới đến, những người có trình độ học vấn cao. Không phải mọi người đều sẻ chia tính đơn sơ của các thầy Phanxicô đầu tiên, thậm chí một ước muốn nào đó về ưu tiên và quyền hạn cũng nảy sinh nơi một số anh em một sự phủ nhận thẳng thừng điều mà Phanxicô nhắm đến. Trong một hoàn cảnh như thế, mọi thứ có thể trở thành vấn đề từ ngày này sang ngày khác.
Trong bóng tối của gian phòng, Phanxicô nghĩ đến những sự kiện này bao ngày đêm. Một lần nữa, ngang qua những tầm với của ký ức, ngài lại nghe tiếng Chúa, “Phanxicô, hãy đi sửa nhà ta, nó đang sụp đổ”. Đối diện với tiếng gọi này, mọi thứ ngài đảm nhận cho đến bây giờ dường như quá nhỏ bé, như một trò đùa hay thậm chí như một ngõ cụt. Bấy giờ, Phanxicô tự hỏi, Thiên Chúa muốn gì ở mình. Tâm sự với những người bạn, ngài thổ lộ, “Cho đến bây giờ, chúng ta chưa làm gì cả. Chúng ta hãy bắt đầu làm một điều gì đó”.
“Làm một điều gì đó!”, nhưng điều gì? Không phải là vấn đề băng qua đồi núi và thung lũng để công bố “Tin Mừng” nữa. Tê liệt, mắt đau liên lỉ, cơ thể suy sụp, buộc ngài phải bất động và lặng thinh. Rồi theo dòng thời gian, Phanxicô dường như càng bị nuốt chửng trong bóng đêm. Đây có phải là sửa nhà Thiên Chúa chăng?
Chị Clara trông nom tu viện kế bên. Chị theo con đường của Phanxicô từ ban đầu và vui vẻ coi mình như “một cành cây bé nhỏ”. Chị biết nhiều điều. Chị biết, sau hành trình dài đi đến cuối đêm đen, ánh sáng sẽ trở lại với linh hồn Phanxicô. Rồi ngài sẽ nói đến những điều thực sự quan trọng. Vai trò của ngài giờ đây là cầu nguyện và thinh lặng đợi chờ.
Rồi một đêm kia, khi phải thức trắng và đau đớn, Phanxicô sức cùng lực kiệt mấp mé bên bờ thất vọng, ngài xin Thiên Chúa xót thương. Lập tức, một tiếng nói phát ra từ bên trong, “Phanxicô, hãy vui lên như thể con đã ở trong vương quốc của Ta”; đồng thời, một ánh sáng dịu nhẹ dọi vào tâm hồn, ánh sáng của vương quốc đến gần ngài. Ánh sáng này làm cho ngài thấy mọi sự trở nên mới mẻ. Nó tựa hồ ánh sáng phục sinh. Vào khoảnh khắc đó, toàn thể vũ trụ như được vinh quang Thiên Chúa chạm đến. Nước Trời đã bắt đầu, ở đây và lúc này trong sự huy hoàng tinh tuyền.
Đây không phải là lúc co cụm trong chính mình để than van, để nhìn lại hay để ước mơ. Đây là lúc tán dương và hát ca. “Hãy vui lên!”, đây là điều Chúa muốn ở ngài bây giờ. Vui lên với mọi thọ tạo. “Việc của con là hân hoan, vui mừng với vạn vật”.2 Không có gì quan trọng hơn cho tương lai của Giáo Hội và thế gian. Đây cũng là tu sửa nhà Thiên Chúa.
Và như thế, một triều sóng ca khen mênh mông trào dâng trong tâm hồn Phanxicô, mở toang trong ngài những kho dự trữ lòng nhiệt thành và cái nhìn kỳ diệu của một đứa trẻ. Lời tán dương này hướng đến ánh huy hoàng của mặt trời, vẻ tráng lệ của những vì sao, đôi cánh của gió, những thì thầm của nước, cái dữ dội của lửa và lòng khiêm tốn của trái đất. Một vầng dương lớn đang mọc lên trong tâm hồn Phanxicô. Ngày ló dạng trên Assisi. Đó là một buổi sáng ngập tràn ánh sáng diệu vợi, Phanxicô gọi những người bạn của mình, ngài đang toả rạng. Ngài ngồi dậy, tập trung một lúc và bắt đầu hát:
Lạy Đấng Tối Cao, Toàn Năng và Tốt Lành,

mọi chúc tụng, ca khen, vinh quang và danh dự,

đều quy về Ngài;

chỉ thuộc về Ngài, lạy Đấng Tối Cao,

và không ai xứng đáng kêu tên Ngài.
Mọi thọ tạo phải tán dương Ngài, lạy Chúa,

đặc biệt là Anh Mặt Trời quý tộc,

anh mang lại ngày mới và nhờ anh, Ngài chiếu sáng chúng con:

anh đẹp, toả chiếu huy hoàng;

anh là biểu tượng của Ngài, lạy Đấng Tối Cao.
Lạy Chúa, Ngài đáng được tán dương

vì Chị Mặt Trăng và các Vì Sao:

Ngài tạo ra họ trên các tầng trời:

sáng láng, quý giá và xinh đẹp.
Lạy Chúa, Ngài đáng được tán dương, vì Anh Gió,

không khí và các tầng mây,

vì tầng trời thanh bình và mọi vùng, mọi miền,

nhờ chúng, Ngài mang lại sự sống cho các thọ tạo.
Lạy Chúa, Ngài thật đáng tán dương, vì Chị Nước

Chị rất hữu ích và khiêm tốn,

quý giá và trinh khiết.
Lạy Chúa, Ngài thật đáng tán dương, vì Anh Lửa,

nhờ anh, Ngài chiếu tỏa đêm đen:

Anh đẹp và vui tươi,

bất khuất và mạnh mẽ.
Lạy Chúa, Ngài thật đáng tán dương,

vì Chị Mẹ Trái Đất của chúng con

Ngài nuôi nấng và cưu mang chúng con,

và sản sinh đủ loại trái trăng,

hoa muôn màu và cỏ cây lốm đốm.
Mang vết thương của Đức Kitô trong thân xác mình, con người này hát khen tình huynh đệ của mặt trời, các ngôi sao, gió, nước, lửa và đất. Chưa bao giờ có cuộc hội ngộ như thế giữa đêm đen của sự thất đoạt và sự huy hoàng của vũ trụ, giữa thánh giá và mặt trời.
Bài ca này sắp đặt tổ chức hôn lễ của trời và đất thật sự là bài ca về một người vừa được vinh quang Thiên Chúa chạm đến. Đó là bài ca của một người được hoà giải và cứu rỗi.
Bài ca này không phải là một ngẫu hứng thuần túy, nhưng Phanxicô đã cưu mang nó trong một thời gian nào đó. Thực ra, ngài đã ngâm nga nó suốt cả cuộc đời. Người ta thấy những biểu hiện của nó trong cái xô bồ của cuộc sống thường ngày của ngài để rồi, cuối cùng nó được cất lên tận cuối hành trình thiêng liêng, ngân vang mãi đến mức độ nên một với toàn bộ đời sống với sự trưởng thành sâu sắc của hữu thể ngài. Sự tuôn trào cuối cùng này là những khoảnh khắc sáng tạo khi hữu thể tập trung mọi sức lực sống động và toàn bộ lịch sử của nó trong một cảm xúc duy nhất, đột nhiên làm nảy sinh một thứ ngôn ngữ mới vốn diễn đạt cách toàn vẹn.
2
BÀI CA

DÂNG LÊN

ĐẤNG SIÊU VIỆT
Lạy Đấng Tối Cao, Toàn Năng và Tốt Lành,

mọi chúc tụng, ca khen, vinh quang và danh dự,

đều quy về Ngài;

chỉ thuộc về Ngài, lạy Đấng Tối Cao,

và không ai xứng đáng để kêu tên Ngài.

Bài ca Anh Mặt Trời bắt đầu với chuỗi ca ngợi. Những lời đầu tiên ngỏ cùng “Đấng Tối Cao”, chấp cánh cho nó bay vút tận thinh không. Lặp lại lần thứ hai trong khổ thơ đầu tiên theo một cách thức tuyệt đối, chúng mạnh mẽ chỉ ra mục tiêu duy nhất của lời tán tụng, hình ảnh Đấng Tối Cao diễn đạt tính siêu việt. Những lời này được lặp lại đến bốn lần, xuyên suốt bài ca. Mọi năng lực ca ngợi của thánh nhân được đổ dồn về nó.


Một sự tuôn trào như thế biến đổi cả một khuynh hướng sống. “Vươn tới Ngài, lạy Đấng Tối Cao”, là lời thề mà Phanxicô trình bày ở cuối Bức Thư gửi một Tu nghị. Cả cuộc đời, ngài hít thở thực tại siêu việt của Thiên Chúa. Thậm chí trên một độ cao thể lý, hữu thể ngài được nhấc lên bởi sự dịch chuyển theo chiều cao của linh hồn. Không lạ gì một đôi khi, chúng ta thấy ngài leo lên các triền núi để thả mình chiêm ngắm Đấng Tuyệt Đối.
Tiếng kêu đến tầng trời cao nhất, lên đến Đấng Tối Cao diễn tả sự chuyển động của sự siêu việt hoá chính mình. Con người không phải là một hữu thể sống co cụm trong chính mình, giam hãm một lần thay cho tất cả trong những giới hạn đặt ra. “Con người”, Pascal viết, “được tạo dựng cho vô biên”. Con người chỉ thực sự tồn tại trong dịch chuyển vốn hướng nó đến sự cao cả vô biên. Chỉ như thế con người mới hít thở không khí nguồn cội của mình: con người khám phá trong chính mình hình ảnh của Thiên Chúa. Con người một khi khát khao Đấng Tối Cao, thì chính sự siêu việt lại chạm đến nó.
Sự thôi thúc này có thể được sống bằng nhiều cách. Người ta có thể sống bằng cách nỗ lực làm chủ bản thân, như việc tìm lại chiều kích sâu xa nhất của chính mình và không gì hơn. Vì thế sự vô biên con người hướng đến được tìm thấy theo cách thức chiếm hữu của Promêthê, như một món hàng mà chúng ta có quyền sở hữu. Trở nên Thiên Chúa mà không có Thiên Chúa là giấc mơ cổ thời của con người là cám dỗ vĩnh viễn từ thuở hồng hoang.
Với Phanxicô, sự thôi thúc hướng đến Đấng Tối Cao được sống theo một cách thức hoàn toàn khác biệt. Điều nêu bật đoạn đầu tiên của bài ca là sự dịch chuyển của sự thất đoạt:
mọi chúc tụng, ca khen, vinh quang và danh dự,

đều quy về Ngài;

chỉ thuộc về Ngài, lạy Đấng Tối Cao.
Sự thôi thúc hướng về Đấng Tối Cao này được thanh tẩy khỏi mọi động cơ chiếm hữu. Suốt đời mình, Phanxicô không ngừng phản ứng chống lại khát khao chiếm hữu vốn ở trong mỗi người và ngấm ngầm làm hỏng khát vọng Thiên Chúa nơi con người. Đây là ý nghĩa sâu sắc của sự khó nghèo nơi Phanxicô: chúng ta không nên đòi hỏi điều thiện mình làm, thậm chí không đòi hỏi cả cái khát khao sự thiện bên trong, nhưng cần dâng mọi vinh dự cho Đấng là nguồn cội của mọi sự thiện.3
Vào cuối đời, không gì còn đọng lại trong Phanxicô ngoại trừ một khát khao tinh tuyền, đó là khát khao chính Thiên Chúa. Trong bài ca này, lời ca ngợi Đấng Tối Cao hoà quyện với sự khó nghèo nội tâm tột cùng của ngài. Ở đây không có sự quy hướng về mình, không kiêu căng, không quan tâm đến bản tính của cá nhân. Tự yêu, sự quan tâm, sự hối tiếc, tất cả bị cuốn đi. Không có chỗ cho bất cứ điều gì ngoại trừ sự thờ phượng. Phanxicô nhận ra sự cao cả của Thiên Chúa. Niềm vui của ngài bao la để biết rằng chỉ một mình Thiên Chúa là Thiên Chúa.
Nhận ra tính siêu việt của Thiên Chúa là một ưu tiên hàng đầu, nó không khuất phục bất cứ một điều gì; trái lại, nó nên trọn vẹn trong một cảm xúc dâng tràn lòng biết ơn. Nhất thiết đó là lòng tri ân. Lý do là vì Đấng Tối Cao không chỉ là Đấng Toàn Năng, nhưng Ngài còn là “Chúa tốt lành”; chính xác hơn, Ngài là toàn bộ quyền năng của điều lành. Đối với Phanxicô cũng như đối với toàn bộ truyền thống thần nghiệm Kitô giáo, sự thờ phượng không đơn thuần là cúi đầu trước một Đấng Toàn Năng cai trị chúng ta; nhưng sự thờ phượng còn nhận ra rằng, Đấng toàn năng này thì vô cùng tốt lành và thánh thiện, rằng, đó là một ý muốn sự thiện tinh tuyền và tối cao. Con người thờ phượng không chỉ nói “Thiên Chúa là” nhưng còn nói “Ngài đáng là Thiên Chúa, đáng là Đấng Toàn Năng”. Trong Những lời ca ngợi Phanxicô viết và đọc vào mỗi giờ kinh, ngày cũng như đêm, ngài diễn đạt sự thờ phượng của mình với lời vinh tụng ca mượn từ sách Khải Huyền, “Lạy Chúa là Cha của con, Ngài xứng đáng lãnh nhận vinh dự, ca ngợi và vinh quang, được tán dương chúc tụng”.
Nietzsche viết, “Chúng ta hãy cố lĩnh hội khái niệm về Thiên Chúa, sự thiện tối cao; nó không xứng đáng với một Thiên Chúa. Chúng ta hãy cố hấp thụ ngay cả khái niệm khôn ngoan; tính hư ảo của các triết gia tưởng tượng sự vô lý này, một Thiên Chúa vốn sẽ là quái vật của sự khôn ngoan… Không! Thiên Chúa là quyền năng siêu việt: thế là đủ!”. Nếu thực tế Thiên Chúa không là gì ngoại trừ là Đấng Toàn Năng, thì chắc chắn chúng ta thực sự phải huỷ hoại chính mình trước mặt Ngài, nhưng chúng ta sẽ không thể dâng Ngài sự ưng thuận tự do của con người chúng ta. “Chúng ta hãy giả thiết nghịch lý một lúc”, Romano Guardini viết, “rằng Thiên Chúa, thực tại vô biên và quyền năng vô hạn, chỉ là một quyền lực mù quáng, tàn bạo và không gì khác; trong trường hợp này, tự thâm tâm, tôi không phải phủ phục trước mặt Ngài. Có thể Ngài sẽ đàn áp cuộc đời tôi; nhưng con người tôi nên từ chối thờ phượng Ngài. Để tôi thờ phượng Ngài, Ngài cần không chỉ toàn năng, nhưng còn đáng được như vậy”.
Đối với Phanxicô Assisi, không có sự do dự nào hơn: Thiên Chúa thực sự đáng là Thiên Chúa. Toàn hữu thể ngài cảm nhận một sự bình thản lớn lao với ý nghĩ duy nhất này. Sự siêu việt mà Phanxicô chiêm ngắm thực sự không phải là một thực tại xa lạ đóng khung trong chính mình. Nó tự biểu lộ cho chúng ta trong mầu nhiệm Nhập Thể, trong nhân tính của Con Thiên Chúa. Sự siêu việt của Thiên Chúa không phải được tìm kiếm ở nơi nào khác; nó không thể bị tách khỏi mầu nhiệm khiêm hạ và yêu thương này. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa thực sự xứng đáng là Thiên Chúa, “Con chiên bị sát tế xứng đáng”, Phanxicô viết, “sức mạnh và thiên tính, khôn ngoan, quyền lực, danh dự và vinh quang, và đáng được ca khen chúc tụng”.4
Sự thờ phượng của Phanxicô không giữ lại điều gì. Nó là một điều kỳ diệu trường cửu. Trong sự khiêm tốn của Con Thiên Chúa, Phanxicô khám phá sự huy hoàng ẩn giấu của Đấng Tối Cao, sự huy hoàng của tình yêu đến với chúng ta, tháp nhập chúng ta ở tận cùng nỗi đau của mỗi người dù chúng ta không có công trạng gì. Cái nhìn “đầy phân vân” về Thiên Chúa giải thoát Phanxicô khỏi chính mình và giao ngài cho sự tán dương.
Nhưng Phanxicô ý thức về những giới hạn trong lời tán dương của mình. Đoạn đầu tiên của bài ca kết thúc bằng câu, “và không ai đáng kêu tên Ngài”. Thiên Chúa không chỉ là Đấng mọi lời ca khen hướng đến, nhưng trên hết, Ngài là sự tán dương. Thậm chí trong ánh sáng mặc khải, con người không thể nghĩ ra ý gì xứng đáng với Ngài. Thiên Chúa luôn Nhiệm Mầu. Dù luôn ở với chúng ta, Ngài vẫn luôn vượt xa chúng ta. Ngài luôn vượt quá mọi ý tưởng mà chúng ta nói về Ngài cho chính mình.


tải về 330.73 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương