Eloi Leclerc BÀi ca của bình minh the song of the dawn người dịch: Lm. Minh Anh (Gp. Huế) Eloi Leclerc



tải về 330.73 Kb.
trang3/5
Chuyển đổi dữ liệu17.11.2017
Kích330.73 Kb.
#34394
1   2   3   4   5
Phanxicô không tìm sự hoà hợp này đằng sau mình, trong quá khứ. Đối với ngài, sự hoà hợp này không gợi lại một thiên đường đã mất như nó diễn tả trong chính ý nghĩa của việc nên một trong Đức Kitô. Nhãn quan huynh đệ và kỳ thú của Phanxicô không phải là một nhãn quan nào đó về tình trạng nguyên sơ của thiên nhiên mà chúng ta có thể hoặc trở lại hoặc từ bỏ chính mình nhưng đúng hơn, là nhãn quan về một thế giới hoạt động cho sự giao hòa, trong đó, sự ưu việt của giao hòa vượt trên sự cắt đứt đã được khẳng định nhờ vào công nghiệp của Đức Kitô. Tình huynh đệ vũ trụ của Phanxicô chí ít là một ký ức hoài cổ về sự ngây thơ ban đầu hơn là một hy vọng cháy bỏng về sự tha thứ và đổi mới. Ở đây sự cứu chuộc, với quyền năng phục sinh của nó, chiếu toả sự sáng tạo. Mặt trời ngập tràn trong bài ca của Phanxicô là mặt trời của buổi sáng Phục Sinh. “Hãy vui lên như thể anh đã ở trong vương quốc của Ta rồi”, Đức Giêsu bảo ngài.
Mọi cái nhìn của nhà thơ là một cuộc tìm kiếm đất hứa. Nhưng rất thường, nhà thơ không vào đất hứa, ông thấy nó từ xa, như Môisen. Chỉ qua dự định và theo một cách thức biểu trưng mà bài ca của ngài phục hồi sự thống nhất của thế giới. “Những khu rừng này đáng yêu, đen và sâu. Nhưng tôi có những lời hứa phải giữ, hàng dặm phải đi trước khi tôi ngủ”.19
Nhưng nhà thơ cũng có thể là một con người của niềm tin; ông còn có thể là một vị thánh. Rồi đối với chúng ta, ông giống như một trong những người được sai đi dò thám Đất Hứa trở về với gánh trái cây nặng trĩu rồi nói, “Đó là một vùng đất tuyệt diệu. Hãy nhìn xem; nó rất gần, dưới ánh Sao Hôm”.

5
CHIỀU KÍCH SÂU THẲM


Chúng ta biết, những nơi chỗ mà Phanxicô lưu lại thật quan trọng; ở đó, những giấc mơ, những hình ảnh và biểu tượng xâm chiếm con người của ngài bắt đầu với những ước mơ đầu tiên vốn giúp làm sáng tỏ Bài Ca Thọ Tạo. Trong tập trước20, dành hết cho bài ca này, chúng tôi cố gắng chỉ ra khía cạnh cụ thể của đặc tính thơ phú và tu trì của thánh nhân vốn có thể biểu lộ chiều kích bên trong của một hành trình hướng về Thiên Chúa của ngài. Chúng tôi không có ý trở lại việc phân tích chi tiết đó, nhưng chỉ muốn gợi lên nơi người đọc chiều sâu của bài ca này.


Thọ tạo mà Phanxicô ngợi ca không chỉ được quan sát mà còn được ước mơ - cách thận trọng, có lẽ, nhưng theo một cách thức thực tế và sâu sắc. Vì thế, “Anh Mặt Trời Quý Tộc” không đơn thuần là một hiện tượng vật lý thuần tuý nhưng còn là một vật sống; anh không chỉ làm vui con mắt mà còn nói với linh hồn; anh mang lại niềm vui không bờ bến ngang qua sự huy hoàng và quãng đại trong ánh sáng của anh. Niềm vui này dâng lên theo cách thức trong đó anh được ca ngợi. Cuối cùng, “Anh Mặt Trời” lôi cuốn, anh đặt sự vật trong tương quan với Đấng Toàn Năng, “Lạy Đấng Tối Cao, anh là biểu tượng của Ngài”.
Vì thế, mỗi yếu tố vũ trụ được mơ về theo một ý nghĩa rõ ràng. Nước, gió và lửa, như chúng ta biết, có thể là những yếu tố bạo lực và huỷ hoại, nhưng với Phanxicô, chúng là những hữu thể huynh đệ, nhân hậu và chói ngời lạ thường. Bên cạnh đó, ngài còn nhận ra những giá trị tích cực khách quan trong chúng. Vì thế, “Chị Nước” được xem là “khiêm tốn và khiết tịnh”. Yếu tố được tưởng tượng, mơ về trong chiều sâu. Nó gói ghém một đời sống bí mật.
Tương tự như thế, “Anh Lửa” cũng trở thành một thực thể sống động. “Đẹp, vui tươi, tráng kiện và mạnh mẽ”, anh là biểu tượng của sự lôi cuốn sâu sắc, một mộng mơ về nung đốt. Chúng ta biết, Phanxicô thích ngồi trước đống lửa suốt những đêm thu và đông dài, ở đó, giờ này qua giờ khác, trong sự tỉnh lặng của bầu khí tu trì, ngài thích thú chiêm ngắm người bạn ánh sáng này, người nghệ sĩ tung hứng vui tính này, đam mê đủ loại nhào lộn. Ngài để cho ngọn lửa đầy màu sắc, sống động phóng ra chuyển động tinh tế và sức nóng của nó; cả hai, theo một nghĩa nào đó, nên một. Ngày kia Phanxicô ngồi gần đống lửa đến nỗi áo quần ngài bắt lửa nhưng vì quá vui sướng đến nỗi ngài không để ý.
Sự vật trong thiên nhiên mà chúng ta rất thích mơ về có những tương quan bí mật với đời sống nội tâm của chúng ta, với cảm xúc sâu sắc của chúng ta. Chúng ta cảm nhận chúng như cảm nhận chính mình. Chúng là những tấm gương của năng lượng ẩn giấu của chúng ta, ngôn ngữ biểu tượng của những nguồn cảm xúc đầu tiên của chúng ta. Chính giấc mơ lại mở ra những đại lộ sâu thẳm của tâm hồn.
Hãy xem một ví dụ thực sự đơn sơ: một căn nhà chẳng hạn. Ngôi nhà mà chúng ta ước mơ, mọi người ước mơ ở mức độ nào đó, lại không chỉ là một ngôi nhà bằng gỗ hoặc bằng gạch. Đó là một nơi có cuộc sống tốt lành, nơi chúng ta tìm thấy sự thanh thản, thân thiết và hơi ấm. Đó là một tổ ấm được dệt nên bởi những giá trị chung. Ngôi nhà bình yên và an toàn này, trong đó, người mơ thích tưởng tượng chính mình là một biểu tượng của người mẹ. Ngôi nhà mộng mơ này là ngôn ngữ của cảm xúc sâu sắc: nó đưa chúng ta trở lại kinh nghiệm ban đầu về sự hiệp thông trong cuộc sống. Các nhà tâm lý đã nghiên cứu các bức tranh về những ngôi nhà do bọn trẻ vẽ và một người đã ghi nhận: “Yêu cầu một đứa trẻ vẽ một ngôi nhà là yêu cầu nó biểu lộ giấc mơ thâm sâu nhất, trong đó, nó muốn che chở hạnh phúc của nó; nếu nó hạnh phúc thì nó sẽ tìm thấy một ngôi nhà được bảo vệ, một ngôi nhà vừa vững chắc vừa bám rễ sâu. Nó được vẽ theo hình dáng của nó, nhưng hầu như luôn có một đường nét nào đó biểu thị một sức mạnh nội tâm. Trong một vài bức tranh, rõ ràng đó là hơi ấm bên trong; có một ngọn lửa, một ngọn lửa sống động đến nỗi người ta có thể nhìn thấy nó nhảy ra khỏi ống khói. Khi gia đình hạnh phúc, khói nhẹ nhàng nô đùa trên mái nhà”.
Chúng ta có thể nói tương tự về nước, gió, lửa và đất. Tất cả các yếu tố này, trong chừng mực, lôi cuốn chúng ta và chúng ta mơ về chúng chính là ngôn ngữ của cảm xúc đầu tiên này. Điều mà chúng ta trực tiếp mơ về vừa biểu lộ thế giới vừa biểu lộ chúng ta. Chính xác hơn, nó biểu lộ hữu thể trong thế giới của chúng ta với những sức mạnh nguyên sơ của sự gắn chặt và liên kết với cuộc sống.
Vì thế, khi đến với thế giới của những giấc mơ, chúng ta cũng gặp phải phần tăm tối nhất của chính mình, phần tốt nhất cũng như tồi tệ nhất với toàn bộ sức mạnh của ước muốn. Ở mọi thời và mọi nền văn minh, con người diễn tả những khát vọng nguyên sơ nhất cũng như những kinh nghiệm thiêng liêng cao cả nhất của mình một cách biểu tượng đối với các thực tại vũ trụ: bằng cách vừa ca tụng chúng vừa mơ về chúng. Lịch sử thần thoại và tôn giáo cho thấy mặt trời, mặt trăng, nước, gió, lửa, đất…v.v.. là những biểu tượng lớn, gợi lên những sức mạnh lôi cuốn và đáng sợ; những sức mạnh vừa khổng lồ vừa gần gũi, mang đến sự sống cũng như sự chết. Ví dụ nước đã là một biểu tượng mạnh mẽ đầy cảm xúc cho thiên niên kỷ. Chúng ta gặp nó thường xuyên trong thơ ca, tranh ảnh, bài hát, truyền thuyết và cả trong những giấc mơ… cũng như trong các trường phái biểu tượng tôn giáo hư cấu nhất. Nước là biểu tượng của người mẹ và giấc mơ về nước biến con người thành nguồn sống, thành cung lòng mẹ, thành khởi nguyên của thế giới, thành vực thẳm ban sơ và màu mỡ. Nước là biểu tượng của sự sống và tái sinh nhưng cũng là biểu tượng của sự chết. Nước nuốt chửng người phó mình cho nó cách bị động. Vì thế, “giấc mơ nước” diễn tả cuộc trở về với giấc ngủ ban đầu, một sự tan biến trong cái ban sơ. Giống như mọi biểu tượng lớn, nước là một sức mạnh sóng đôi.
Điều này cũng đúng cho “Mẹ Trái Đất của chúng ta” mà rõ rang, Phanxicô đã ca ngợi như một biểu tượng của người mẹ mọi yếu tố khác.
Nếu thừa nhận chiều kích phần nào khó hiểu và biểu tượng của các yếu tố vũ trụ trong sự tán dương đạo đức và thơ mộng của chúng, chúng ta mới có thể cảm nhận được ý nghĩa sâu xa của Bài Ca Thọ Tạo. Nhưng không chỉ các yếu tố vũ trụ được mơ ở đây; chính trật tự của chúng, vốn tạo nên cấu trúc của bài ca cũng được liên kết với giấc mơ. Thực ra, các yếu tố vũ trụ không được gợi lên ở đây theo một cách thức ngẫu nhiên và vô trật tự nhưng theo sự thay đổi đều đặn các cặp anh chị em. Vì thế chúng ta có một loạt ba cặp: Anh Mặt Trời, Chị Mặt Trăng; Anh Gió, Chị Nước; Anh Lửa và Chị Mẹ Trái Đất. Cặp Mặt Trời - Trái Đất tạo nên một toàn thể. Một trật tự như thế không có ý nghĩa khách quan, nó cũng không liên quan gì đến thuyết vũ trụ về bốn yếu tố đang hiện hành vào kỷ nguyên đó. Trái lại, nó có vô số tương quan trong lịch sử thần thoại và biểu tượng tôn giáo. Cái khung rõ ràng của nó là khung của những hình ảnh mộng ảo lớn lao, trong đó, những năng lực ban đầu của linh hồn con người đã được diễn đạt từ muôn thuở.
Chính trong ánh sáng này mà giờ đây, chúng ta cố gắng thấu hiểu bài ca của Phanxicô và đưa ra ý nghĩa ẩn tàng của nó. Dưới lớp vỏ của sự tán dương vũ trụ, Phanxicô đang đương đầu với chính mình, với các chiều kích thâm sâu của mình. Bằng cách mơ về bản chất “quý giá” và “thân thiện” của sự vật, ngài trở nên huynh đệ với các chiều kích hấp dẫn và đáng sợ của linh hồn. Dĩ nhiên vô thức nhưng theo một cách thức đích thực. Như các mục tử của Pierre Emmanuel, ngài “thăm dò các tầng trời trong tâm hồn mình và tâm hồn ngài vượt xa chúng”. Những hình ảnh vũ trụ lớn lao này - Anh Mặt Trời, Chị Mặt Trăng, Anh Gió, Chị Nước, Anh Lửa, Chị Mẹ Trái Đất của chúng ta - tất cả đều diễn tả một sự hiệp thông huynh đệ không những với các thực tại thiên nhiên mà còn với những sức mạnh gần gũi vốn đang hoạt động trong tâm hồn chúng ta, vốn tạo nên “khảo cổ học” của chúng ta. Tình huynh đệ được diễn đạt trong bài ca này vươn đến không chỉ những yếu tố vật chất mà còn tới tất cả các yếu tố đến sau vốn được đánh giá đúng đắn trong giấc mơ, biểu trưng trong các chiều kích của tâm hồn.
Phanxicô mở lòng mình đón nhận các thọ tạo với sự kỳ thú và lòng trìu mến. Đối lại, chúng dẫn ngài đến với chính mình, với sự trọn vẹn của con người và mầu nhiệm của nó.
Chúng ta bắt đầu cảm nhận một kinh nghiệm lớn lao mà Bài Ca Thọ Tạo sẽ là một ngôn ngữ biểu trưng cho cảm nghiệm đó. Bản chất của cảm nghiệm này là gì? Bây giờ chúng tôi xin trả lời câu hỏi này.

6
CON SÓI

ĐƯỢC THUẦN HOÁ

Ở đây, kinh nghiệm nội tâm nào đang trên đường tiến đến ánh sáng ban ngày? Những biểu tượng vũ trụ lớn lao đặt con người trong tương quan với các năng lực khó hiểu và hấp dẫn của hữu thể con người. Nhưng điều gì xảy ra một khi cuộc tiếp xúc này được thực hiện? Tiếp xúc với các chiều kích của mình thì không đủ để được cứu. Nhiều người đi vào cái hang âm u với hy vọng tìm thấy kho báu quý giá chiếu sáng ở đó và đã bị con rồng ngốn. Con đường dẫn đến các chiều kích sâu xa thì luôn là con đường nguy hiểm. Đó là lý do tại sao con người “có lý” sợ nó và tránh nó. Nhưng đây cũng là con đường của sự sống và tiến bộ. Nó dẫn đến một vực thẳm hay một đỉnh cao. “Theo lối dẫn vào”, Teilhard de Chardin viết, “một cơn gió lốc mang người ta vào những chiều kích tối tăm hay nâng người ta lên tận trời xanh”.


Chúng ta nên đặc biệt chú ý đến cách thức trong đó, những yếu tố vũ trụ được nhìn ngắm và cảm nhận với thánh Phanxicô. Những hình ảnh lớn, vừa truyền kiếp vừa hấp dẫn và đáng sợ, như “Chúa Mặt Trời” hay “Mẹ Trái Đất của chúng ta” trình bày một gương mặt huynh đệ trong bài ca này. Con người trở nên anh em với chúng theo cách này mà không cảm thấy bị chúng thống trị; người đó không bị nghiền nát bởi những sức mạnh đen tối mà chúng biểu hiện và biểu trưng. Không nỗi đau nào phản chiếu cái bóng của nó ở đây, cũng không một dấu vết của sự thù hằn nào xuất hiện. Các yếu tố vũ trụ được lột bỏ khỏi những tính cách huỷ hoại của mình. Sự thanh bình và ánh sáng ngự trị từ đầu này đến đầu kia của bài ca. Mỗi yếu tố vũ trụ chìm đắm trong bầu khí bình yên. Sự thanh bình quá lớn lao đến nỗi người ta có thể dễ dàng nhầm lẫn và bỏ quên chiều sâu của bài ca, chỉ thấy sự biểu hiện của một nhãn quan bộc trực và ngây thơ về thế giới.
Sự khám phá đầu tiên dẫn chúng ta đến chỗ nghĩ rằng kinh nghiệm sâu sắc, vốn ở đây theo mặt ngôn ngữ, là một kinh nghiệm về sự hoà giải. Sự thanh bình lớn lao mà chúng ta không nên quên, đi đến cuối đời, là dấu chỉ của một sự bình thản nội tâm, một sự chấp nhận bản ngã sâu xa, một sự hoà giải giữa phần cao nhất của con người và các năng lực trực giác và xúc cảm vốn hoạt động cách mờ ám trong con người. Ở đây, các năng lực ước muốn đầu tiên, những năng lực sống chết lớn lao đó đã mất đi khía cạnh gây rắc rối và đe doạ. Phanxicô không còn gì để sợ các năng lực hoang dại này nữa. Ngài không huỷ hoại chúng, ngài thuần hoá chúng như thuần hoá con sói của Gubbio. Con sói này không phải là biểu tượng của sự thù hằn vốn có thể huỷ diệt chúng ta nhưng cũng có thể trở thành một năng lực yêu thương chúng ta sao? Đối với Phanxicô, năng lưc đầu tiên này đã trở nên thân thiện; nó được tháp nhập vào động cơ thôi thúc toàn hữu thể ngài hướng về Đấng Tối Cao. Không phải chính năng lực này được ca hát theo hình ảnh của Anh Lửa, “đẹp, vui tươi, không thể khuất phục và mạnh mẽ”; và về Anh Gió, người tiếp thêm sức mạnh bằng hơi thở mạnh mẽ của mình sao? Vì thế, ngôn ngữ của Bài Ca Thọ Tạo là ngôn ngữ của “thi ca” về sự giao hòa của con người và “nhân chủng học” bên trong của mình”.
Nhưng chúng ta không thể tiến xa hơn trong việc khám phá kinh nghiệm này. Dĩ nhiên, còn có một điều thứ hai hướng sự chú ý của chúng ta đến với bài ca. Phanxicô không chỉ ca tụng thọ tạo vốn biểu hiện sức mạnh và sự dồi dào như mặt trời, gió và lửa; ngài cũng hát về những gì vốn dẫn ngài đến chỗ mơ về một cuộc sống vừa bí mật vừa phong phú như là nước và đất. Bài ca của ngài được tạo nên bởi một loạt các hình ảnh giống đực giống cái khác nhau. Hai khía cạnh của tâm hồn con người, animusanima ở đây chuyển động tay trong tay như người anh và người chị. Yếu tố sức mạnh và hành động được mơ về tương ứng với yếu tố gần gũi và sâu sắc. Vì thế, bên cạnh “Anh Mặt Trời Quý Tộc”, kẻ toả sáng trong sự huy hoàng vĩ đại với niềm vui bao la là một loạt những nữ nhi rực rỡ ban đêm, “rạng ngời, quý giá và xinh đẹp”. Tương tự như thế, cùng với Anh Gió, kẻ giương cánh thổi tự do, là Chị Nước “khiêm tốn, quý báu và trinh trong”. Cùng lúc, Phanxicô kết thân với sức mạnh vũ trụ của cái thứ nhất với cuộc sống bí mật cùng chiều sâu tiếp nhận của cái thứ hai. Sau hết, cùng với Anh Lửa, diễn viên tung hứng vui tính và lực lưỡng là Chị Mẹ Trái Đất, người cưu mang và dưỡng nuôi chúng ta, Phanxicô liên kết sức sống mạnh mẽ của lửa và sự kiên nhẫn phong nhiêu của đất tổ trong một và cùng một tình yêu huynh đệ.
Sự thay đổi này làm cho một tâm hồn mở ra với mọi sức mạnh của nó: không chỉ với các sức mạnh hành động và chinh phục theo lý trí mà còn với các sức mạnh trực giác và xúc cảm của sự đón nhận và hiệp thông. Ở đây người ca ngợi về các thọ tạo không phải là những con người bị đồng hóa với logos (lời) thuần lý và khả năng thống trị của mình; nó không hài lòng để rồi chỉ lo tổ chức các sự vật, hay để làm những công việc “hữu ích”, đóng ấn của mình trên thế giới theo tiêu chuẩn hiệu quả nào đó. Nó cũng là một người cẩn thận không để mất liên lạc với một thế giới thâm sâu hơn: một thế giới của những giá trị nội tâm vốn không thuộc về lãnh địa việc làm mà là của hiện hữu. Tóm lại, con người mở ra với bí mật của hữu thể và sự nhưng không của nó.
Bài Ca Thọ Tạo ngày càng tỏ ra cho chúng ta như ngôn ngữ của một con người được giao hoà với toàn thể cảm xúc của mình, một người được sinh ra với một cá tính mới và toàn vẹn.
Một sự quan sát thứ ba sẽ dẫn chúng ta đến chính trung tâm của cá tính mới mẻ này. Trong Bài Ca Mặt Trời, người ta không thể tách sự hiệp thông với thọ tạo ra khỏi chiều kích hướng về Đấng Tối Cao. Bằng cách kết thân với thọ tạo, với tất cả những gì chúng biểu trưng cũng như những năng lực vô thức của chúng, Phanxicô mở lòng mình ra trước hơi thở nguyên sơ của hữu thể và sự sống: với chính tình yêu sáng tạo. Nghĩa là ngài chắc chắn đạt tới Thiên Chúa với tất cả tâm hồn, cả những năng lực u ám của cuộc sống và những khát vọng. Đời sống thiêng liêng của Phanxicô được xây dựng bằng những năng lực này. Bằng chứ không phải dựa trên hay cùng hoặc bên trên. Mọi cái sóng đôi đều bị bỏ qua. Sự xung đột giữa đời sống và tinh thần kết thúc. Các năng lực sống tham gia vào vận mệnh cao nhất của con người. Chính chúng hát ca trong ánh sáng của Anh Mặt Trời, trong sự rạng ngời của Chị Mặt Trăng và các Ngôi Sao, trong sự trong suốt của Chị Nước, trong sức nóng của Anh Lửa. Chúng không còn tối tăm, hoàn toàn không.
Chúng ta đang đứng trước sự hiện diện của một trường hợp khá hiếm hoi trong việc thiêng liêng hóa đời sống và sống động hoá tinh thần. Ở đây không còn đời sống thiêng liêng về mặt này hay đời sống hoàn toàn tự nhiên về mặt kia nữa. Một mặt, không có tinh thần với những khát vọng thanh cao của nó; mặt kia, một đời sống bí mật, với những ước muốn và thôi thúc ẩn giấu của nó. Toàn bộ điều này cuối cùng được thống nhất. Chắc chắn chúng ta không gạt bỏ cuộc đấu tranh nghiêm trọng và đôi lúc bất nhân mà Phanxicô tiến hành chống lại bản thân mình, chống lại điều mà ngài quen đề cập đến như “Anh Lừa” và từ đó ngài được ơn xin được thứ tha ở cuối đời. Nhưng có một điều gì đó cần chú ý ở đây: chủ nghĩa khắc kỷ nghiêm ngặt nhất không thay đổi những năng lực ban đầu của sự hiệp thông với đời sống trong Phanxicô. Khả năng kỳ thú, trìu mến và thi ca của ngài vẫn còn nguyên vẹn. Không gì làm cho cá tính sống động của ngài bị dập tắt. Một đôi khi, một sự phát triển thiêng liêng cao độ và sai lệch nào đó lại trở nên sự nghi ngờ hay thù hằn đối với bất cứ điều gì nối kết con người với thiên nhiên: đối với năng lực xúc cảm và trực giác của con người. Điều này không xảy ra với Phanxicô. Một cách đúng đắn, Louis Lavelle viết, “Có lẽ chưa bao giờ có một sự ý thức cởi mở hơn ý thức của thánh Phanxicô, một sự nhạy bén tức thời hơn, tinh tế hơn, dễ bị rung động hơn bởi tất cả những cú đụng chạm mà ngài nhận từ thiên nhiên, từ người khác và từ Thiên Chúa”.
Sự tinh tế sâu sắc nơi cá tính của Phanxicô phát xuất từ sự kiện rằng, nó hoà giải theo một cách thức cụ thể và sống động, những điều vốn rõ ràng không thể hoà giải được. Nó tái hợp sự tinh tuyền của tinh thần và tính thơ mộng của cuộc sống, tình yêu thập giá và sự ca ngợi mặt trời, sự đồng hoá với Đức Kitô chịu đóng đanh và sự hiệp thông cảm xúc với thiên nhiên. Bài ca của ngài là bài ca của một người trong đó, đêm đen và đau khổ của nó được biến thành ánh sáng.
Một giai đoạn trong đời Phanxicô có thể minh hoạ sự biến đổi con người theo một cách thức biểu trưng. Sự kiện xảy ra vào buổi đầu ở huynh đoàn Phan Sinh khi Phanxicô vắng mặt và các anh em trong cộng đoàn bé nhỏ tự xoay sở. “Hãy xem, khoảng nửa đêm, khi một vài anh em đang nghỉ và một số khác đang sốt sắng thinh lặng cầu nguyện, thì một xe ngựa bằng lửa bừng bừng đi qua cửa lớn mà vào nhà, một quả cầu lửa khổng lồ ở trên nó, y hệt mặt trời và chiếu sáng đêm đen. Những người canh thức bị loá mắt, những người ngủ ngon thức dậy và run sợ; họ cảm thấy tâm hồn bừng sáng không thua gì thân thể. Tụ lại với nhau, họ bắt đầu hỏi nhau đó là gì; nhưng nhờ sức mạnh và ân sủng của ánh sáng lớn đó mà ý thức mỗi người được tỏ ra cho người khác. Cuối cùng, họ hiểu và biết rằng đó là linh hồn của cha thánh mình đang toả chiếu rạng ngời”.21
Các anh em không ngần ngại nhận đây là linh hồn của Phanxicô trong chiếc xe lửa. Hình ảnh chiếc xe mặt trời là một trong những hình ảnh căn bản nhất mà ý nghĩa của nó liên quan đến ơn gọi của con người trong những sứ vụ quan trọng. Chiếc xe ngựa, con ngựa mang mặt trời được vẽ ra, biểu trưng sự trọn vẹn trong đó, bản chất thú vật và những năng lực man dại của nó được thấy là đang liên kết với sự chói ngời và thần thiêng. Hình ảnh này là biểu tượng của sự giao hoà tinh thần và đời sống, của số mệnh thần thiêng của chúng ta và “khảo cổ học” nội tâm của mình. Vậy chúng ta không nên ngạc nhiên nếu hình ảnh này thường được liên kết với một cuộc thăng thiên: người anh hùng, được biến đổi thành mặt trời, được mang trong không khí trên chiếc xe ngựa bốc lửa. Nó là hình ảnh của Êlia trong Thánh Kinh, nó cũng là hình ảnh của Phanxicô trong bức tranh mà Giotto cống hiến trong thời của ông.
Không gì tốt hơn có thể minh hoạ kinh nghiệm sâu sắc của sự hoà giải được diễn tả trong Bài Ca Thọ Tạo hơn khoảnh khắc nhá nhem và ánh mặt trời lúc nửa đêm kỳ diệu này.

7
BÊN DƯỚI DẤU HIỆU CỦA



SỰ THA THỨ
Sẽ rất thiếu sót từ Bài Ca Thọ Tạo nếu Thiên Chúa đã không được chính thọ tạo cao quý nhất ca ngợi: con người. Thật đúng khi nói lời ca ngợi của cả vũ trụ đầy tràn sự có mặt của con người như chúng tôi đã trình bày, nhưng đoạn thơ gần cuối, rõ ràng, lại được dành cho sự ca ngợi chính con người, những con người nhân hậu và bình an.
Lạy Chúa, Ngài phải được tán dương

bởi những kẻ tha thứ vì tình yêu dành cho Ngài

Người mang lấy thử thách và đau thổ

thì hạnh phúc biết bao nếu họ cam chịu trong bình an:

Nhờ Ngài, lạy Đấng Tối Cao, họ sẽ được trao vương miện.
Cặp đôi này không thuộc về bài ca đầu tiên. Nó được Phanxicô thêm vào khi ngài sai các anh em đi hát bài đó trước mặt Giám Mục và ông Thị Trưởng Assisi, để làm hoà hai người này. Ngay cả như vậy, liệu chúng ta có thể nghĩ rằng, đây là phần thêm vào do hoàn cảnh và không liên can gì đến phần còn lại của tác phẩm?
Thoạt nhìn, đoạn thơ không ăn khớp gì với phần còn lại của bài ca. Nó dẫn chúng ta đi vào một thế giới khác hay dường như là như thế. Lời tán dương vũ trụ trong phần còn lại của bài ca mở ra hoàn toàn dưới dấu hiệu của một tình bằng hữu không vết nhơ. Tuy nhiên, ở đây chúng ta bị quăng vào một thế giới nơi sự căng thẳng, xung đột và đau khổ xuất hiện, nơi con người đương đầu với người khác cũng như đương đầu với chính mình, với bệnh tật và đủ loại các thử thách khác nữa.
Vậy mà Phanxicô muốn đưa đoạn này vào trong bài ca ánh sáng của ngài. Bằng cách mở rộng lời ngợi ca vũ trụ với lời ca của một con người tha thứ và bình an, ngài không chỉ hoàn thành tác phẩm của mình mà còn biểu lộ ý nghĩa sâu sắc của nó. Đoạn thơ này vốn trước tiên dường như được thêu dệt cho một hoàn cảnh bên ngoài, nhưng thực ra đó là sự nở rộ của khát vọng căn bản của bài ca. Đoạn thơ sau thực sự được thể hiện như bài ca của một con người được giao hoà, từ ái như mặt trời, theo hình ảnh của Đấng Tối Cao.
Để hiểu ý nghĩa của cặp câu này, chúng ta phải thấy nó trong sự bộc lộ kinh nghiệm riêng tư của Phanxicô, đồng thời nối kết nó với đời sống tương quan của ngài. Hẳn chúng ta sẽ bỏ quên điểm này nếu nghĩ rằng đời sống tương quan với người khác hoàn toàn quy về dấu hiệu của tình huynh đệ vũ trụ. Phanxicô đã trở thành người anh em của vũ trụ; lúc đầu ngài không như thế. Làm thế nào ngài mở vũ trụ của mình ra cho mọi người? Làm thế nào ngài khám phá bí quyết của lòng nhân hậu và bình an? Đây là vấn đề liên quan đến chúng ta nhất.
Phanxicô không phải là người chạy trốn khỏi mọi tương tác với con người. Trái lại, con trai của người thương gia thành Assisi tự nhiên mở lòng mình ra trao đổi với người khác. Tuy nhiên, được phú bẩm một bản chất giàu cảm xúc, chàng thanh niên Phanxicô yêu mến bạn đồng hành. Tiếp xúc với người khác thì dễ dàng và thích thú đối với cậu; cậu dễ dàng đi vào sự đồng cảm với người khác. “dịu dàng, quyến rũ, kiên nhẫn, nhã nhặn hơn người, quãng đại hơn những người khác”22- mọi đường nét, theo Thánh Bonaventure, vốn làm nổi trội chàng thanh niên Phanxicô ngay khi cậu vẫn còn trên cõi đời.
Toàn bộ sự phong phú cảm xúc tự nhiên này được nhấn mạnh bởi sự tiếp cận với phong trào văn hóa thời đó. Thời thanh niên của Phanxicô mở ra trong bối cảnh của nền văn minh được điểm tô bởi vẻ bề ngoài và sự phổ biến lý tưởng tình yêu cách lịch thiệp. Bắt nguồn từ cung điện của các lãnh chúa ở miền Nam nước Pháp, lý tưởng này lan rộng nhanh chóng xuyên suốt Châu Âu nhờ các bài ca và tiểu thuyết nói về tinh thần thượng võ của những người hát rong. Vượt quá cả một sự thích thú nhất thời, nó gợi lên một cuộc cách mạng về phong tục và cảm giác. Tình yêu được ca ngợi như điều cốt yếu của cuộc sống. Khi đề cao phụ nữ, tình yêu này có khuynh hướng ít chiếm hữu thể xác hơn là tâm hồn; tình yêu này vươn đến một quý cô “xa lạ”, một sự tôn thờ thinh lặng và ẩn giấu, một sự nâng cao tâm hồn trong niềm vui của việc yêu và được yêu. Bài ca của những người hát rong không ngừng kể lại những khao khát, sợ hãi và niềm vui của trái tim đang yêu. Sự tinh tế của cảm xúc này, nghệ thuật yêu này được đánh dấu bởi sự tôn trọng và trìu mến - trong một từ, sự “lịch thiệp” này - vang vọng mãi trong tâm hồn của Phanxicô. Nó gợi lên và hun đúc những năng lực tình cảm của thời thanh niên của ngài. Đối với chàng trai này, một người có khả năng yêu thương dạt dào, sự gợi lên tính nhạy cảm trong hơi thở trữ tình của một tình yêu lịch sự là cảm xúc từ tận đáy lòng: một điều tuyệt diệu như thế vốn đánh động chàng Percival khi cậu thấy vệt sáng đầu tiên của chiếc áo giáp kỵ binh trong rừng. Cảm xúc mới mẻ này sẽ đồng hành với Phanxicô suốt đời.


tải về 330.73 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương