DÂn số HỌc tài liệu dùng cho Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ


Khái niệm gia đình và hộ gia đình



tải về 2.8 Mb.
trang17/22
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích2.8 Mb.
#181
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22

1. Khái niệm gia đình và hộ gia đình

Gia đình: là một nhóm người mà các thành viên của nó liên kết với nhau bằng các mối quan hệ đặc biệt: quan hệ hôn nhân (giữa vợ và chồng); quan hệ huyết thống (giữa cha mẹ và các con, giữa ông bà và các cháu, giữa các anh chị em); hoặc quan hệ nhận con nuôi.

Gia đình có nhiều loại hình khác nhau. Căn cứ vào số các thế hệ cùng chung sống với nhau, có gia đình vợ chồng (một thế hệ), gia đình hạt nhân (hai thế hệ là cha mẹ và con), gia đình mở rộng (từ ba thế hệ trở lên là ông bà - cha mẹ - con - cháu). Căn cứ vào sự thiếu hay đủ cha mẹ, có gia đình đầy đủ (có cả cha lẫn mẹ) và gia đình không đầy đủ (gia đình chỉ có cha hoặc mẹ, vì nhiều lý do khác nhau). Căn cứ vào số con sinh ra, có gia đình nhỏ (có 1-2 con) và gia đình lớn (có 3-4 con trở lên).



Hộ: là một nhóm người ở chung một mái nhà, có quỹ thu chi chung. Hộ có thể gồm những người có quan hệ ruột thịt, họ hàng hoặc bạn bè quen biết đến ở trọ (có thể cùng làm ăn, học tập với các thành viên trong gia đình). Ở Việt Nam hiện nay, một gia đình cũng trùng hợp với hộ trong đại đa số các trường hợp.

Mỗi hộ có sổ đăng ký hộ khẩu ghi rõ số nhân khẩu, chủ hộ và quan hệ giữa các thành viên với chủ hộ. Đây là tài liệu có tính pháp lý để chính quyền địa phương có thể quản lý các hộ.



Chu kỳ cuộc sống gia đình: là khái niệm đặc trưng cho những biến đổi diễn ra trong gia đình từ khi hình thành cho đến khi tan rã. Chu kỳ cuộc sống gia đình có thể được chia thành sáu giai đoạn cơ bản, bắt đầu bằng việc kết hôn (hoặc chung sống như vợ chồng) của một đôi nam nữ và kết thúc khi người bạn đời sau cùng qua đời và con cái không còn ai sống chung trong gia đình. Cụ thể là:

1) Giai đoạn son rỗi đầu tiên (chưa có con): Từ khi kết hôn (hoặc chung sống) đến trước khi sinh đứa con thứ nhất.

2) Giai đoạn mở rộng bắt đầu từ khi sinh đứa con thứ nhất đến khi sinh đứa con cuối cùng.

3) Giai đoạn trung gian: từ khi sinh đứa con cuối cùng đến khi đứa con đầu tiên rời khỏi gia đình (hay đi lấy chồng/vợ).

4) Giai đoạn rời gia đình: Từ khi đứa con đầu tiên rời khỏi gia đình đến khi đứa con cuối cùng ra đi. Thông thường, thời điểm kết hôn của con cái được xem là thời điểm rời gia đình của họ/ hoặc thời điểm đánh dấu sự độc lập, không còn sống chung với cha mẹ của con cái đã trưởng thành.

5) Giai đoạn sau khi hoàn thành chức năng của người làm cha làm mẹ: khi đứa con cuối cùng rời khỏi gia đình (hay kết hôn).

6) Giai đoạn goá bụa và tan rã: khi người bạn đời đầu tiên qua đời cho đến khi người còn lại cũng ra đi.

Sự phân chia chu trình cuộc sống gia đình thành các giai đoạn có ý nghĩa lớn trên khía cạnh nhân khẩu học và xã hội học vì nó gắn liền với chức năng quan trọng nhất của gia đình-chức năng tái tạo con người.



2. Quy mô và cơ cấu gia đình

2.1. Quy mô hộ gia đình

Quy mô gia đình là số thành viên của gia đình. Quy mô gia đình phụ thuộc chủ yếu vào mức sinh và mô hình chung sống.

Mức sinh hay số lượng con cái trong gia đình phụ thuộc vào hai nhóm yếu tố: kinh tế-xã hội và tâm lý-xã hội. Ở các nước công nghiệp, tỷ lệ sinh thấp vẫn tiếp tục giảm đến mức thay thế và dưới mức đó. Một số nước khác, đặc biệt là châu Mỹ La-tinh và Đông Á, quá trình giảm sinh đã và đang diễn ra nhanh chóng trong những năm gần đây. Một trong những kết quả của việc giảm sinh là sự thu nhỏ quy mô gia đình.

Bên cạnh xu hướng giảm quy mô hộ gia đình, trên thế giới, đặc biệt là ở châu Phi và một số nước Tây và Nam Á, quy mô hộ gia đình lại tăng lên. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là do mức sinh vẫn còn cao, tỷ lệ tử vong của trẻ em giảm xuống và truyền thống cha mẹ sống chung với con cái trưởng thành đã lập gia đình vẫn tiếp tục được duy trì ở các nước này.



Bảng 6.3: Tỷ trọng hộ gia đình theo số người trong hộ và quy mô hộ trung bình chia theo thành thị - nông thôn và các vùng kinh tế, năm 2009

Đơn vị: %

Các vùng kinh tế - xã hội

Phân bố % theo quy mô hộ

Số người /hộ

1 người

2-4 người

1-4 người

5-6 người

7+ người

Toàn quốc

Thành thị

Nông thôn

Các vùng kinh tế xã hội

Trung du và miền núi phía Bắc

Đồng bằng sông Hồng

Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung

Tây Nguyên

Đông Nam Bộ

Đồng bằng sông Cửu Long


7,3

8,1


6,9
5,4

9,1


7,6

5,3


7,7

5,9


64,7

67,7


63,4
63,2

70,2


61,4

58,8


65,3

63,4


72,0

75,8


70,3
68,6

79,3


69,0

64,1


73,0

69,3


23,0

19,3


24,6
24,1

18,7


26,1

27,4


20,9

27,4


5,1

4,9


5,1
7,3

2,0


4,9

8,5


6,1

6,0


3,8

3,7


3,9
4,0

3,5


3,8

4,1


3,8

4,0


Nguồn: Tổng điều tra Dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: Các kết quả chủ yếu. Tổng cục Thống kê, Hà Nội, tháng 6 năm 2010: trang 32.

Hiện nay, ở nhiều nước châu Âu, châu Mỹ quy mô hộ gia đình trung bình dao động từ 2,2 đến 3 người, còn ở Việt Nam là 3,8 người theo số liệu Tổng điều tra Dân số năm 2009. Tuy nhiên so với trước đây, quy mô gia đình có xu hướng giảm. Nguyên nhân của hiện tượng này là xu hướng sinh ít con và hạt nhân hoá gia đình phát triển mạnh mẽ ở cả đô thị lẫn nông thôn.



Bảng 6.4: Quy mô hộ gia đình giai đoạn 1979-1999


Năm điều tra

1979

1989

1994

1999

2009

Quy mô hộ gia đình (người)

5,2

4,8

4,8

4,6

3,8

Nguồn: Tờ tin "vấn dề dân số hôm nay", số 2, 1999, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt nam.Tạp chí Dân số và phát triển, số 7/2001, trang 31.

2.2. Cơ cấu gia đình

Cơ cấu gia đình là sự phân chia gia đình theo những tiêu thức nhất định. Hai tiêu thức phổ biến nhất được sử dụng là hình thức tổ chức và sự thiếu vắng của bố hoặc mẹ trong gia đình. Ngoài ra, gia đình còn được phân chia theo những tiêu thức khác như: quy mô hộ, loại hình hoạt động kinh tế-xã hội, theo hoàn cảnh kinh tế…



+ Theo hình thức tổ chức: gia đình được chia thành gia đình hạt nhân và gia đình mở rộng.

Gia đình hạt nhân là gia đình gồm một cặp vợ chồng bố mẹ và có (hoặc không có) những đứa con chưa kết hôn. Cơ sở để phân loại gia đình hạt nhân là cùng thế hệ hoặc hai thế hệ liền nhau.

Gia đình mở rộng là gia đình mà cơ cấu của nó bao gồm một số nhóm gia đình hạt nhân. Có thể gọi gia đình mở rộng là gia đình cùng dòng máugia đình kết hợp.

Loại hình gia đình cùng dòng máu là sự kết hợp của một nhóm các gia đình hạt nhân có quan hệ dòng máu hoặc bắt nguồn từ cùng một ông tổ với nhiều thế hệ trong một đơn vị gia đình. Trong gia đình mở rộng loại này, những quan hệ dòng máu như cha mẹ-con cái, anh-em được nhấn mạnh. Loại gia đình kết hợp bao gồm những gia đình hạt nhân của anh em trai có những đặc điểm như ở chung, có ngân sách chung và làm chung, nơi ở và có họ về cả hai bên nội, ngoại. Gia đình kết hợp nhấn mạnh đến tình đoàn kết anh em.

Một biến thái của gia đình mở rộng là gia đình gốc mở rộng. Gia đình gốc mở rộng bao gồm những thế hệ kế nhau: bố mẹ sống chung với gia đình của con trai. Loại gia đình này là phương thức phổ biến để duy trì tài sản của gia đình. Người con trai sống cùng bố mẹ sẽ được thừa kế tài sản. Những người con trai khác được chia một phần tài sản hoặc đất đai.

+ Theo sự thiếu vắng của bố hoặc mẹ: gia đình được chia thành gia đình đầy đủ và gia đình không đầy đủ (gia đình khuyết thiếu).

Gia đình đầy đủ là gia đình gồm cả vợ chồng cùng con cái và những người thân khác. Tuy nhiên, loại gia đình này trên thực tế gồm hai kiểu: gia đình đoàn tụ và gia đình phân ly (vợ chồng làm việc xa nhau chứ không phải ly thân).

Gia đình không đầy đủ là gia đình chỉ có bố hoặc mẹ cùng con cái và những người thân khác do goá, ly hôn, ly thân, không chồng mà có con. Do ảnh hưởng của chiến tranh cũng như sự tồn tại của một số phong tục tập quán truyền thống trong hôn nhân gia đình mà hiện nay ở Việt Nam, loại gia đình khuyết thiếu phổ biến nhất là gia đình phụ nữ thiếu vắng chồng.

+ Theo quy mô hộ, gia đình cũng được phân chia thành các nhóm hộ với quy mô khác nhau, chẳng hạn gia đình quy mô lớn, gia đình quy mô nhỏ. Ở Việt Nam, hiện nay, có thể coi gia đình hạt nhân có từ 1 đến 2 con là gia đình quy mô nhỏ, gia đình hạt nhân có từ 4 con trở lên và gia đình mở rộng thường được coi là gia đình quy mô lớn.

+ Theo các loại hình hoạt động kinh tế xã hội: gia đình được phân thành gia đình công nhân, gia đình trí thức, gia đình nông dân

+ Theo hoàn cảnh kinh tế: gia đình được phân thành các hộ gia đình giàu và hộ gia đình nghèo. Theo chuẩn nghèo của thế giới, những hộ có thu nhập dưới 1 USD/người/ngày hoặc lượng calo cung cấp cho cơ thể thấp hơn mức 2.100 calo/ngày/người thuộc diện đói nghèo. Ở Việt Nam, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và đời sống dân cư hiện nay, người ta xác định đói nghèo theo các tiêu chí chính sau đây: thu nhập, nhà ở và tiện nghi sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn tích luỹ. Trong bốn tiêu chí trên thì hai tiêu chí đầu phản ánh trực tiếp mức sống và những gì phục vụ trực tiếp cho nhu cầu cơ bản của đời sống con người. Hai tiêu chí sau cũng có một ý nghĩa quan trọng cho phép thấy rõ hơn tình cảnh thực sự của các hộ đói nghèo.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa chính thức công bố Dự thảo Quyết định Ban hành chuẩn nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2011-2015. Theo đó, hộ nghèo ở khu vực nông thôn là những hộ có mức thu nhập bình quân từ 350.000 đồng/người/tháng (dưới 4.200.000 đồng/người/năm). Với khu vực thành thị, hộ nghèo là những hộ có mức thu nhập bình quân từ 450.000 đồng/người/tháng (dưới 5.400.000 đồng/người/năm).

Như vậy, mức chuẩn nghèo mới do Bộ Lao động-Thương binh và xã hội đề xuất cao gần gấp đôi mức hiện hành (200.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn; 260.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị) và cao hơn mức đề xuất trước đây (300.000 đồng/tháng khu vực nông thôn, 390.000 đồng/tháng khu vực thành thị). Song song với việc tăng chuẩn nghèo chung, một số địa phương cũng quy định chuẩn nghèo cho phù hợp với thực tế địa phương. 

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo cả nước hiện ở mức 13%. Nếu chuẩn nghèo mới được thông qua, tỷ lệ hộ nghèo sẽ tương đương với con số năm 2006 là trên 20%14.


3. Chức năng của gia đình

Trong lịch sử xã hội, gia đình đã có những chức năng riêng của nó. Xã hội càng phát triển, con người càng văn minh, việc thực hiện các chức năng gia đình càng phức tạp. Ngày nay gia đình có các chức năng cơ bản sau:


- Chức năng sinh sản.

- Chức năng nuôi dạy con cái.

- Chức năng kinh tế.

- Chức năng thoả mãn nhu cầu tinh thần và tình cảm.

- Chức năng chăm sóc người ốm, người già và người tàn tật.

Các chức năng của gia đình rất đa dạng, vừa đáp ứng yêu cầu tự nhiên của con người, vừa đáp ứng yêu cầu tất yếu của xã hội.



3.1 Chức năng sinh sản (tái tạo nòi giống)

Sinh sản là chức năng quan trọng và tất yếu của gia đình. Đây là một chức năng không thể thay thế. Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển giúp con người có thể sinh sản nhân tạo, nhưng sinh sản trong gia đình vẫn là ưu thế cả về sinh học và xã hội. Quan niệm truyền thống coi sinh sản là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất của gia đình. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển xã hội, quan niệm về tầm quan trọng của chức năng sinh sản của gia đình đã thay đổi. Đối với một số nước phát triển, chức năng sinh sản không còn là quan trọng số một, bởi vì nhiều cặp vợ chồng không muốn sinh con và họ vẫn sống hạnh phúc khi không sinh con. Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, sinh sản là chức năng đặc biệt quan trọng của gia đình, nhất là trong điều kiện an sinh xã hội cho người già chưa phát triển.



3.2. Chức năng nuôi dưỡng và giáo dục con cái

Trong bất cứ xã hội nào, gia đình cũng là nơi giáo dục đầu tiên cho trẻ em. Giáo dục trong gia đình được hiểu là toàn bộ những tác động của gia đình trong việc hình thành và phát triển nhân cách của con người, nhất là lớp trẻ. Để trở thành một người trưởng thành, có nhân cách độc lập trong xã hội, trẻ em phải được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tình cảm.

Sự phát triển về thể chất cho trẻ sức mạnh cơ bắp để có thể tồn tại trong tự nhiên và xã hội với tư cách là người trưởng thành.

Sự phát triển về trí tuệ cho trẻ những khả năng suy xét về hiện tại, về quá khứ và về tương lai để tự chủ trong cuộc sống, không chỉ là thích nghi để tồn tại mà còn để cải tạo môi trường tự nhiên và xã hội phục vụ cho đời sống con người.

Sự phát triển và thăng bằng về tình cảm cho trẻ khả năng sống hoà nhập trong gia đình và xã hội, từ đó làm nên những việc lớn.

Sự phát triển của ba mặt này khăng khít với nhau, hỗ trợ cho nhau, làm cho trẻ dần dần có thể tự quyết định thái độ và hành vi ứng xử trong cộng đồng.

Gia đình là tổ chức xã hội đầu tiên có khả năng nhất trong việc chăm lo sự phát triển cả ba mặt trên của trẻ em.

Có thể nói rằng, giáo dục trong gia đình có đặc điểm và ưu thế riêng so với giáo dục trong nhà trường và xã hội. Trước hết, vì nó xuất phát từ tình cảm và bằng tình cảm. Giáo dục gia đình mang tính cá biệt cụ thể, chú ý đến từng nét cá biệt của từng đứa trẻ. Nó linh hoạt theo sự phát triển của trẻ em, theo sự thay đổi của cuộc sống gia đình và xã hội. Bởi vậy, giáo dục gia đình có tính thực tiễn, và rất chú trọng đến kết quả thực tế của giáo dục. Chỗ mạnh của gia đình là kinh nghiệm xã hội, kiến thức đa dạng về cuộc sống, gia đình là một tập thể không thuần nhất, khác nhau về giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp, tính tình bao gồm nhiều thế hệ. Do đó, giáo dục mang tính phối hợp nhiều mặt kiến thức, nghề nghiệp và các mối quan hệ xã hội.

Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, một số hoạt động giáo dục của gia đình như: giáo dục và đào tạo nghề, chỉ bảo kinh nghiệm sản xuất... không còn nguyên vẹn như trước kia, nhưng gia đình vẫn còn giữ nguyên giá trị là trường học đầu tiên trong việc hình thành nhân cách của mỗi người.

3.3. Chức năng kinh tế của gia đình

Ở mỗi giai đoạn lịch sử có khác nhau, nhưng cuộc sống thực tế cho thấy gia đình phải có chức năng này. Chức năng kinh tế của gia đình thể hiện ở các phương diện sau:

- Gia đình là một đơn vị sản xuất. Vai trò này suy giảm nhiều ở các nước, các xã hội phát triển, có nền kinh tế công nghiệp hoá, hiện đại hoá song có thể thấy nó vẫn tồn tại phổ biến ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

- Gia đình là một đơn vị có tài sản riêng. Đó là thu nhập, các nguồn thu khác và tư liệu tiêu dùng.

- Gia đình là một đơn vị tiêu dùng. Từ trong bản chất của gia đình và trình độ phát triển, gia đình (chứ không phải là mỗi cá nhân) là đơn vị tiêu dùng của nhiều loại sản phẩm như nhà ở, ô tô, tủ lạnh, vô tuyến...

Vì vậy, nghiên cứu những vấn đề kinh tế của gia đình là hoàn toàn cần thiết đối với Nhà nước để hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô và giúp các nhà doanh nghiệp sản xuất hàng hoá phục vụ gia đình. Nhưng những vấn đề kinh tế của gia đình có phụ thuộc vào các yếu tố dân số của nó như số lượng và cơ cấu gia đình hay không? Nếu có thì phụ thuộc như thế nào? Từ đó đòi hỏi gì ở chính sách kinh tế vĩ mô và vi mô? Đó là những nội dung chương này đề cập.



      1. Gia đình là một đơn vị sản xuất, kinh doanh và dịch vụ

Một nền kinh tế hoàn chỉnh bao gồm nhiều đơn vị kinh tế riêng lẻ: các hộ gia đình, các công ty, các bộ ngành của Nhà nước. Tổng hợp các kết quả kinh tế riêng lẻ của các đơn vị này sẽ có tổng sản phẩm quốc dân, tổng thu nhập, tổng chi tiêu... của nền kinh tế.

Trong quá trình công nghiệp hoá và phát triển kinh tế thị trường luôn luôn đặt ra câu hỏi về số phận kinh tế hộ gia đình. Song lịch sử phát triển kinh tế thế giới đến nay vẫn chứng tỏ sự song song tồn tại của 2 xu hướng:



Thứ nhất, tập trung hoá cao độ tư liệu sản xuất vào tay các hãng kinh tế, người lao động hoàn toàn là những người vô sản làm thuê. Nhiều năm nay, các nước đã điều chỉnh phát triển kinh tế hàng hoá theo hướng mở rộng quyền lợi cho cá nhân người lao động và gia đình họ dưới hình thức cổ phần. Xu hướng của nhiều nước hiện nay là chia nhỏ cổ phần để giúp cho người lao động có thể đóng góp được - một hình thức điều hoà mâu thuẫn giai cấp có hiệu lực.

Thứ hai, phát huy cao độ kinh tế hộ gia đình.

Trong nông nghiệp, phát huy dưới dạng nông trại tư nhân kể cả ở những nước có trình độ khoa học kỹ thuật cao lẫn những nước lạc hậu. Trong các nông trại, các hộ gia đình phát triển nền kinh tế của mình theo hướng kinh doanh hàng hoá tổng hợp, sử dụng vốn và sức lao động một cách hợp lý nhất. Trong quá trình phát triển, nông trại gia đình ở các nước có những nội dung, hình thức và phương pháp hoạt động phong phú đa dạng.

Trong công nghiệp và thủ công nghiệp, kinh tế hộ gia đình được phát triển theo hướng liên kết giữa các tổ chức kinh doanh với các hộ gia đình. Ở đây hình thành nhiều hình thức hết sức phong phú. Có những hãng kinh doanh lớn trước đây đã chia nhỏ thành nhiều cổ phần để thu hút vốn của các hộ gia đình người lao động. Người lao động lúc này vừa đóng vai trò người làm thuê - khi họ làm công ăn lương - vừa đóng vai trò ông chủ - khi họ tham gia hội nghị cổ đông. Hình thức này đã thu hút được nhiều vốn liếng và phát triển được kinh tế hộ gia đình. Có hãng lại tổ chức liên kết hàng vạn hộ gia đình dưới hình thức liên doanh. Theo hình thức này, các xí nghiệp chỉ giữ vai trò giao dịch thị trường và trực tiếp tổ chức thực hiện những giai đoạn công nghệ chủ yếu (cần giữ bí mật và có kỹ thuật cao) còn lại là giao cho các hộ gia đình làm. Các hộ gia đình lúc này huy động vốn liếng và lao động của mình vào kinh doanh trong phạm vi liên kết. Các hãng làm dịch vụ cho họ. Lúc này quan hệ xã hội nhiều hơn là quan hệ lao động. Người lao động thực sự là một ông chủ nhỏ, không còn là người làm thuê nữa. Ngoài ra, cũng tồn tại những hộ tư nhân kinh doanh độc lập không phụ thuộc vào một hãng nào cả.

Kinh doanh gia đình phát triển rất phong phú, là cơ sở vật chất để liên kết chặt chẽ gia đình, phát huy mạnh mẽ vai trò của gia đình trong xã hội.

Kinh tế gia đình là một hình thức thích hợp đối với phụ nữ. Từ nền kinh tế này, người lao động nữ hoàn toàn tự do làm chủ sức lao động và thời gian lao động của mình, điều hoà hợp lý giữa lao động thu nhập và lao động gia đình.


      1. Gia đình là một đơn vị tiêu dùng

Trong quá trình xã hội hoá sản xuất, gia đình giảm dần ý nghĩa là đơn vị sản xuất, nhất là trong ngành công nghiệp và xây dựng. Trong khi đó, gia đình lại luôn luôn tồn tại với tư cách là đơn vị tiêu dùng. Đây là một dấu hiệu cần thiết để nhận biết xem một nhóm người nào có phải là gia đình không? Tư cách đơn vị tiêu dùng của gia đình thể hiện ở các khía cạnh sau:

- Gia đình có quỹ tiêu dùng chung. Quỹ này dùng để chi cho việc ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh, giao tiếp, giải trí của mọi thành viên và các phương tiện thiết bị sử dụng chung. Khi nghiên cứu gia đình với tư cách là đơn vị tiêu dùng, dân số học quan tâm nhiều đến những tiêu chí của hộ cho các sự kiện dân số như: Sinh, chết, kết hôn, ly hôn, di cư, đặc biệt là chi phí sinh đẻ và nuôi dạy trẻ trong các độ tuổi chưa thành niên.

Các yếu tố thuộc nhân khẩu học có thể ảnh hưởng đến chi phí này là tuổi của bố mẹ khi sinh con, con trong giá thú hay ngoài giá thú, thứ tự lần sinh, con trai hay con gái.

- Gia đình là đơn vị cơ sở để tổ chức các quá trình tiêu dùng như ăn uống và đối với nhiều hàng hoá, đơn vị tiêu dùng là gia đình, chẳng hạn: nhà ở, vô tuyến, tủ lạnh, bàn ghế, điện, nước... Vì vậy, để các mặt hàng này phục vụ được thì phải coi gia đình là “người tiêu dùng” chứ không phải các cá nhân.

Có nhiều lý do để gia đình tồn tại như một đơn vị tiêu dùng.

Như đã biết, gia đình có chức năng sinh đẻ và nuôi dưỡng con cái. Do đó gia đình phải duy trì việc cung cấp kinh tế, vật chất, dịch vụ cho con cái ít nhất cho đến khi chúng trưởng thành.

Như vậy, gia đình hạt nhân luôn tạo thành cơ sở của nhóm cùng ăn cùng ở. Mặt khác, ở nhiều nước đang phát triển do năng suất lao động thấp dẫn tới thu nhập thấp, các cặp vợ chồng lại đông con thành thử thường không có tiền để dành hoặc mua bảo hiểm. Vì vậy, lúc già và khi không thể lao động được nữa họ thường không có hoặc có nhưng không đủ nguồn dự trữ để đảm bảo cuộc sống. Khi đó, gia đình của con cái họ đóng vai trò là người bảo hiểm, đảm bảo cuộc sống và dịch vụ cần thiết cho người già. Điều này không chỉ vì trách nhiệm, tình thương của những người có quan hệ, ruột thịt mà còn có lý do kinh tế. Đó là lý do tại sao nhu cầu có con rất cao, đặc biệt là con trai. Rõ ràng là nếu xã hội hoặc các doanh nghiệp không bảo đảm cuộc sống cho những người không có hoặc không còn khả năng làm việc và các dịch vụ không chia sẻ công việc này cùng với gia đình thì nhu cầu nói trên vẫn có cơ sở tồn tại và hơn nữa là vô cùng cần thiết.

3.4. Chức năng thoả mãn nhu cầu, tình cảm

Gia đình là nơi sum họp, là nơi các cá nhân có thể nghỉ ngơi sau một ngày lao động mệt nhọc và căng thẳng. Điều đó làm cho mỗi cá nhân được an ủi về mặt tình cảm, thoả mãn nhu cầu tình yêu và hạnh phúc của họ. Đây là điều có ý nghĩa không chỉ đối với gia đình mà còn cả đối với xã hội, tạo nên sự ổn định về tinh thần cho mỗi cá nhân. Chức năng thoả mãn nhu cầu tình cảm, tinh thần còn bao gồm cả hoà hợp trong đời sống tình dục giữa các cặp vợ chồng. Đây là điểm mới của gia đình hiện đại so với gia đình truyền thống. Sự tách biệt chức năng hoà hợp tình dục với chức năng sinh sản đã làm cho tình dục không còn là nghĩa vụ của vợ đối với chồng mà được nâng thành vấn đề văn hoá ứng xử trong quan hệ vợ chồng.



3.5. Chức năng chăm sóc người ốm, người già và người tàn tật

Đây là chức năng quan trọng của gia đình, đặc biệt trong giai đoạn già hoá dân số đang diễn ra mạnh mẽ tại hầu hết các nước trên thế giới. Mặc dù, dịch vụ y tế có phát triển đến mức nào thì việc chăm sóc người ốm, người già và người tàn tật vẫn cần đến sự hỗ trợ của các thành viên trong gia đình. Bởi vì chăm sóc người ốm, người già, người tàn tật không chỉ đơn giản là điều trị bệnh mà còn giúp cho họ có cuộc sống tinh thần và tình cảm bình thường.

Cùng với việc chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh thì chăm sóc người ốm, người già và người tàn tật đòi hỏi tốn nhiều công sức, tiền bạc, thời gian và sức lực cũng như trách nhiệm và sự hy sinh của mọi thành viên trong gia đình.

TÓM TẮT CHƯƠNG


1. Hôn nhân là một phạm trù tổng hợp, bao gồm nhiều sự kiện. Có nhiều thước đo khác nhau để xác định thực trạng hôn nhân của một dân số, nhưng đặc biệt chú ý đó là tuổi kết hôn lần đầu và tuổi kết hôn trung bình, vì nó trực tiếp ảnh hưởng đến biến động mức sinh, đến việc hình thành các gia đình.

2. Mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, có chế độ hôn nhân và gia đình khác nhau. Mỗi chế độ hôn nhân có tác động khác nhau đến mức sinh và biến động dân số. Có nhiều cách phân loại gia đình, nhưng Dân số học quan tâm nhất đến việc phân loại thành gia đình mở rộng và gia đình hạt nhân. Tuy nhiên, với quá trình quản lý xã hội thì phân loại gia đình theo tiêu chí giàu nghèo là cách phân loại được chú trọng nhiều nhất. Sự biến động quy mô và cơ cấu gia đình do mức sinh, mức chết và di cư gây nên.

3. Quá trình hình thành và tan vỡ gia đình được chia thành nhiều giai đoạn. Mỗi giai đoạn có một đặc thù riêng và có ảnh hưởng nhất định đến quá trình biến động dân số và kinh tế-xã hội. Vì vậy trong quản lý dân số và kinh tế-xã hội cần thiết phải nắm được quy luật này để có những đối sách thích hợp.

4. Gia đình có rất nhiều chức năng, nhưng những chức năng quan trọng nhất là: Chức năng sinh đẻ; Chức năng nuôi dạy con cái; Chức năng tổ chức cuộc sống vật chất và văn hoá; Chức năng kinh tế.

5. Gia đình vừa là đơn vị sản xuất, vừa là đơn vị tiêu dùng. Vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình đã thay đổi rất nhiều so với trước kia, theo chiều hướng phụ nữ ngày càng được bình đẳng hơn trong gia đình và xã hội so với nam giới.

CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Hôn nhân là gì? có những chỉ tiêu nào để đánh giá tình trạng hôn nhân của một dân số?

2. Trình bày phương pháp tính tuổi kết hôn trung bình lần đầu và tuổi kết hôn trung bình của dân số?

3. Gia đình khác gì với hộ gia đình?

4. Trình bày cách phân loại gia đình theo các tiêu thức khác nhau?

5. Phân tích quá trình hình thành và tan rã của gia đình, rút ra kết luận gì trong quản lý dân số ?

6. Trình bày sự thay đổi về chức năng của gia đình trước đây so với hiện nay, rút ra kết luận gì ứng dụng trong quản lý dân số?

*********************************************


tải về 2.8 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương