Con Mắt Thứ Ba (The Third Eye) T. Lobsang Rampa



tải về 1.54 Mb.
trang12/19
Chuyển đổi dữ liệu20.05.2018
Kích1.54 Mb.
#38941
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   19

CHƯƠNG XI: TRỞ THÀNH TU SĨ


Tất cả nghị lực tuổi trẻ của tôi đều hướng về mục tiêu duy nhất là làm sao thi đậu một cách vẻ vang vào kỳ thi sắp tới. Nhưng vì ngày lễ sinh nhật mười hai tuổi của tôi sắp đến, nên tôi cũng giảm bớt phần nào việc học. Tôi đã trải qua những năm học hành ráo riết về các môn chiêm tinh, y khoa, giáo lý, toán pháp, tiếng Tây Tạng và tiếng Trung Hoa, đặc biệt là môn thư pháp và toán học. Có rất ít thời gian để chơi và “trò chơi” duy nhất chúng tôi có thời gian là môn võ thuật bởi sẽ có một kỳ thi khắc nghiệt cho môn này. Khoảng ba tháng trước kỳ thi, Đại Đức Mingyar đã nói: “Không cần ôn lại nhiều, Lobsang, nó chỉ làm con rối loạn trí nhớ. Hãy giữ sự an tịnh như con đang có bây giờ, tri thức sẽ đến.”

Ngày thi đã đến. Đúng sáu giờ sáng, tôi và mười lăm thí sinh khác có mặt ở phòng thi. Chúng tôi tham dự một buổi lễ cầu nguyện ngắn để cho tâm trí được minh mẫn, và sau đó, để đảm bảo rằng không thí sinh nào không chịu nổi sự cám dỗ không xứng đáng với người tu hành, chúng tôi phải cởi quần áo và bị khám xét, sau đó chúng tôi được phát quần áo sạch để thay. Vị Trưởng Giám thị dẫn đường, đưa chúng tôi đi từ gian thờ của phòng thi đến các căn phòng nhỏ khép kín. Đó là những phòng nhỏ bằng đá, mỗi chiều từ hai đến ba mét, cao khoảng hai mét rưỡi. Bên ngoài luôn có các nhà sư cảnh vệ đi tuần. Mỗi thí sinh được đưa vào một phòng. Cánh cửa đóng rồi khóa lại và gắn niêm phong. Khi chúng tôi đã yên vị trong căn phòng nhỏ của mình, các nhà sư đưa bút, giấy, mực và đề thi môn đầu tiên đến qua một qua ô cửa sập nhỏ trên tường. Chúng tôi cũng được phục vụ trà pha bơ và tsampa. Nhà sư đưa đồ ăn dặn rằng chúng tôi được ăn tsampa ba lần mỗi ngày, còn trà có thể dùng bất cứ lúc nào. Sau đó chúng tôi bắt tay vào làm bài thi đầu tiên. Trong sáu ngày liên tiếp, mỗi ngày chúng tôi thi một môn, và chúng tôi phải làm bài từ tờ mờ sáng tới tối mịt. Căn phòng nhỏ của chúng tôi không có mái che, vì vậy chúng tôi dùng ánh sáng của phòng thi lớn.

Chúng tôi phải ở trong phòng thi tách biệt trong suốt thời gian thi, không được phép rời khỏi nơi đó vì bất cứ lý do gì. Khi trời bắt đầu chạng vạng tối, một nhà sư xuất hiện tại ô cửa và thu bài thi của chúng tôi. Sau đó chúng tôi nằm ngủ đến sáng hôm sau. Theo kinh nghiệm của tôi, để trả lời một trang bài thi viết một môn học phải mất mười bốn tiếng đồng hồ để làm bài, chắc chắn nó kiểm tra được cả kiến thức và thần kinh của thí sinh. Đến đêm thứ sáu thì việc thi viết kết thúc. Tuy nhiên chúng tôi vẫn phải ở lại phòng thi vì sáng hôm sau còn phải làm vệ sinh để nó sạch như ban đầu. Thời gian còn lại trong ngày chúng tôi được tùy ý sử dụng. Ba ngày sau, bài thi viết đã được chấm xong và những điểm sai sót được ghi lại. Lần lượt mỗi chúng tôi bị gọi ra trước Hội đồng giám khảo. Các thầy chỉ hỏi những phần trả lời chưa đúng, và việc sát hạch này cũng chiếm trọn một ngày.

Ngày hôm sau, tất cả mười sáu thí sinh tề tựu lại vũ đường để thi môn quyền thuật.

Bài thi này chúng tôi sẽ được kiểm tra kiến thức về các thế võ siết cổ, những miếng khóa, ngáng, ném, và sự tự chủ.

Mỗi thí sinh phải đấu võ với ba thí sinh khác. Những thí sinh yếu kém nhất sẽ bị loại rất nhanh, rồi đến lượt những thiếu niên khác, và sau cùng chỉ còn lại một mình tôi thủ đài. 

Sự thành công này là nhờ sự huấn luyện võ nghệ dưới sự chỉ dẫn của võ sư Tzu, mà thuở nhỏ tôi vẫn cho là bất công và tàn bạo. Tôi đã được chấm hạng nhất về môn quyền thuật. 

Qua ngày hôm sau, chúng tôi được nghỉ để lấy lại sức, và ngày kế đó mới tuyên bố kết quả. Tôi và bốn thí sinh khác được chấm đậu. Chúng tôi đã trở thành những tu sĩ kiêm y sĩ.

Đại đức Mingyar, mà tôi không gặp trong suốt mùa thi cử, cho gọi tôi đến. Người lộ vẻ vui mừng trên nét mặt, và nói với tôi khi tôi đến trình diện trước mặt người: ‘Lobsang, khá khen cho con đã đậu đầu bảng. Sư trưởng đã gửi một phúc trình đặc biệt lên đức Đạt-lai Lạt-ma. Người muốn đề nghị với Ngài phong cho con chức Lạt-ma ngay lập tức, nhưng ta không đồng ý việc ấy.’ 

Thấy tôi lộ vẻ không hài lòng, sư phụ tôi nói thêm: ‘Tốt hơn con hãy cố gắng học hỏi và đạt tới chức vị ấy bằng khả năng của chính mình. Nếu con lãnh tước vị Lạt-ma ngay bây giờ, con sẽ xao lãng sự học. Sau này con sẽ thấy rằng sự học của con có một tầm quan trọng rất lớn. Tuy nhiên, ta cho phép con ở căn phòng kế bên, vì con chắc chắn sẽ thi đậu kỳ thi tuyển các vị Lạt-ma vào thời điểm thích hợp.’ 

Quyết định của sư phụ thật rất hợp lý. Dầu sao, tôi chỉ mong mỏi được vâng lời người một cách tuyệt đối. Tôi rất cảm động mà thấy rằng sự thành công của tôi cũng là sự thành công của người và sư phụ không che giấu niềm tự hào khi tôi dẫn đầu trong tất cả các môn khảo thí. 

Cuối tuần đó, một người đưa thư đến, thở hổn hển, lưỡi thè ra và như sắp chết – nhìn vẻ ngoài như vậy! – mang cho tôi một thông điệp của đức Đạt-lai Lạt-ma. Những người đưa thư luôn luôn sử dụng tài năng diễn kịch của họ để gây ấn tượng về tốc độ và khó khăn mà họ vừa phải trải qua để đưa bức thư mà họ được giao. Vì cung điện Potala cách đây chỉ có một dặm, nên tôi nghĩ anh ta đã “diễn” hơi quá trớn.

Đức Đạt-lai Lạt-ma gửi lời khen tặng tôi về việc tôi vừa thi đậu và chỉ thị rằng từ nay tôi sẽ được đối xử như một vị Lạt-ma. Tôi sẽ được mặc áo như các vị Lạt-ma cũng như được hưởng mọi quyền hạn và đặc ân dành cho chức vị ấy. Ngài cũng đồng ý với sư phụ tôi sẽ cho tôi dự cuộc khảo thí vào năm mười sáu tuổi, vì theo lời Ngài viết trong thư là: 

“Như vậy con sẽ có cơ hội học hỏi thêm những đề tài mà có lẽ con sẽ bỏ dở nếu con được tấn phong ngay bây giờ, và nhờ đó con sẽ được mở mang kiến thức thêm sâu rộng.” 

Bây giờ tôi đã là một Lạt ma, tôi sẽ không còn phải đến lớp học nữa. Điều đó cũng có nghĩa là mỗi thầy với kiến thức chuyên biệt có thể dạy tôi bất cứ lúc nào, vì vậy tôi có thể học nhanh tuỳ ý.

Một trong những điều đầu tiên tôi phải học là nghệ thuật thư giãn, mà nếu không có nó thì việc nghiên cứu thực sự về huyền môn không thể thực hiện được. Một hôm Đại Đức Mingyar bước vào căn phòng nơi tôi đang đọc sách. Thầy nhìn tôi và nói: “Lobsang, trông con khá căng thẳng. Con sẽ không thể tiến bộ về khả năng tư duy một cách yên tịnh trừ khi con thư giãn. Ta sẽ chỉ cho con cách.”

Thầy bảo tôi nằm xuống khi bắt đầu tập, dù ta có thể thư giãn khi đang ngồi hoặc thậm chí đang đứng, nhưng tốt hơn cả là nằm ngửa khi mới bắt đầu tập. “Hãy tưởng tượng là con rơi khỏi vách đá”, Thầy nói, “hãy tưởng tượng là con đang nằm trên mặt đất bên dưới, một thân hình bất động với toàn bộ cơ bắp thả lỏng, chân tay uốn cong như khi chúng rơi xuống, và miệng hơi hé mở, ngay sau đó cơ má sẽ hoàn toàn thư giãn.” Tôi loay hoay cựa quậy xoay người cho tới khi cơ thể ở đúng vị trí như Thầy bảo. “Bây giờ hãy tưởng tượng chân tay con đang đầy những người tí hon, họ bắt con làm việc bằng cách kéo các cơ bắp. Bảo người tí hon này hãy để mặc bàn chân của con đó để con không còn cảm giác, không động đậy, không căng cứng. Hãy để cho cái trí kiểm tra bàn chân của con để chắc chắn rằng không có cơ bắp nào đang hoạt động.” Tôi nằm đó cố gắng tưởng tượng về người tí hon. Nghĩ về ông già Tzu đang ngọ nguậy các ngón chân tôi từ bên trong! Ồ, tôi vui mừng được giải thoát khỏi ông ta.

“Sau đó hãy làm tương tự với hai cẳng chân của con. Bóng tối sẽ nhanh chóng bao trùm, nhưng bộ não và tâm trí đã được chuyển tới bắp chân. Con chắc hẳn phải có nhiều người tí hon đang làm việc lắm, Lobsang ạ, họ đã phải làm việc vất vả bởi con chạy nhảy suốt cả buổi sáng nay. Bây giờ cần cho họ nghỉ ngơi. Hãy dẫn họ lên phía đầu của con. Họ đã ra ngoài cả chưa? Con có chắc không? Hãy cảm nhận xung quanh bằng tâm trí của con. Hãy đưa họ rời khỏi các cơ bắp không được chăm sóc, để chúng được nghỉ ngơi và thư dãn.” Đột nhiên Thầy dừng lại và chỉ: “Nhìn kìa!” Thầy nói, “con quên một người trong đùi. Một người đàn ông tí hon vẫn còn ở lại trong cơ bắp kéo căng trên đùi của con. Hãy đưa ông ta ra ngoài, Lobsang, đưa ông ta ra.” Cuối cùng chân tôi cũng được thư giãn trước sự hài lòng của Thầy.

“Bây giờ hãy làm giống như vậy với tay của con,” Thầy nói, “bắt đầu với ngón tay con. Hãy đưa họ đi ra, lên qua cổ tay, dẫn họ tới khuỷu tay, tới vai. Hãy tưởng tượng là con đang gọi đi tất cả những người tí hon đó để không còn bất kỳ trạng thái hay cảm giác căng thẳng nào.” Sau khi tôi làm được, Thầy nói: “Nào bây giờ tới cái thân nhé. Hãy giả bộ như cơ thể con là một ngôi chùa. Tưởng tượng rằng các nhà sư trong đó đang kéo căng các cơ bắp để bắt con làm việc. Hãy bảo họ đi ra. Quan sát rằng họ rời khỏi phần bên dưới của cơ thể trước, sau khi nới lỏng toàn bộ các cơ bắp. Bảo họ cứ để lại những gì đang làm và đi ra. Bảo họ nới lỏng các cơ bắp của con, tất cả các cơ bắp, để cho cơ thể con chỉ còn lại như một cái vỏ bên ngoài, nhờ đó mọi bộ phận đều chùng chùng lại, rũ xuống và tìm lại đúng mức của nó. Khi ấy cơ thể con đã được thư giãn.”

Rõ ràng là Thầy hài lòng với sự tiến bộ của tôi, Thầy tiếp tục: “Cái đầu có lẽ là bộ phận quan trọng nhất cần được thư giãn. Xem chúng ta có thể làm gì với nó nào. Nhìn cái miệng con này, nó bị kéo căng mọi góc. Hãy thả lỏng ra, Lobsang, thả lỏng từng khóe miệng. Nào, con đâu có chuẩn bị nói hay ăn, vì thế đừng căng thẳng. Mắt con đang nheo lại kìa, làm gì có ánh sáng quấy rầy chúng đâu, vì thế chỉ cần nhẹ nhàng khép mi lại, thật nhẹ nhàng, đừng căng thẳng.” Thầy quay người nhìn ra cửa số đang mở. “Cách thư giãn tốt nhất của chúng ta là dưới ánh nắng mặt trời. Hãy học cách con mèo thư giãn ấy, không ai có thể làm tốt hơn nó được.”

Phải mất khá nhiều thời gian để viết những dòng này, và cũng dường như khó khăn khi đọc nó, nhưng chỉ cần luyệt tập một chút là có một cách đơn giản mà hiệu quả để thư giãn trong giây lát. Đây là một trong những phương pháp thư giãn chưa bao giờ thất bại. Những ai bị căng thẳng vì những lo toan cuộc sống có thể luyện tập theo chỉ dẫn này, và với hệ thống thần kinh thì theo hướng dẫn tiếp sau đây. Sau đó tôi được khuyên thực hiện một vài điều khác nữa. Đại Đức Mingyar nói: “Việc làm dịu cơ thể vật lý chỉ đạt được kết quả thấp nếu con đang căng thẳng thần kinh. Khi con nằm ở đây, cơ thể vật lý được thư giãn, hãy để cho tâm trí của con dừng một lát những suy nghĩ của con. Vô ích mà theo đuổi những suy nghĩ này và xem chúng là gì. Thấy chúng tầm thường như thế nào. Sau đó chặn chúng lại, không cho phép những suy nghĩ tuôn ra nữa. Hãy tưởng tượng một màn đen hư vô, với những suy nghĩ đang cố gắng nhảy nhót lung tung. Lúc đầu một số sẽ nhảy qua. Hãy theo sau chúng, đưa chúng trở lại, và bắt chúng nhảy ngược trở lại khoảng không đen tối. Hãy thực sự tưởng tượng điều đó, hình dung nó thật mạnh mẽ, và trong một khoảng thời gian ngắn con sẽ “nhìn thấy” bóng tối mà không cần cố gắng và vì vậy hãy tận hưởng sự thư giãn tinh thần và thể chất hoàn hảo.”

Lại một lần nữa việc giải thích khó hơn thực hành rất nhiều. Đây thực sự là một việc rất đơn giản và nhẹ nhàng, và người ta cần phải thư giãn. Nhiều người không bao giờ đóng tâm trí lại và ngừng suy nghĩ, họ giống như người luôn cố gắng vận động cơ thể không ngừng cả ngày đêm. Một người cứ cố gắng đi bộ không ngừng nghỉ trong vài ngày đêm sẽ sớm suy sụp, ngay cả bộ não và tâm trí cũng không được nghỉ. Đối với chúng tôi, tất cả những gì chúng tôi thực hiện là để rèn luyện tâm trí. Chúng tôi được dạy võ thuật tới một đẳng cấp cao có tác dụng là bài tập về sự tự chủ. Vị Lạt ma dạy chúng tôi võ thuật có thể đẩy lùi và đánh bại mười kẻ tấn công cùng một lúc. Ngài rất yêu thích võ thuật, và ngài đã làm cho môn học vô cùng thú vị theo cách của mình. Nghe đến “Siết cổ” có vẻ man rợ và tàn nhẫn theo cách nghĩ của người phương Tây, nhưng ấn tượng như vậy là hoàn toàn sai lầm. Như tôi đã trình bày, bằng một vài động tác điểm huyệt nhẹ nhàng vào cổ, chúng tôi có thể làm cho một người mất ý thức trong một phần nhỏ của giây, trước khi người đó biết mình đang bị mất ý thức. Một cái chạm nhẹ làm tê liệt thần kinh hoàn toàn vô hại. Ở Tây Tạng không có thuốc mê, chúng tôi thường phải sử dụng phương pháp này khi nhổ răng, hoặc nắn lại khớp xương bị trật. Bệnh nhân không biết gì, cũng không phải chịu đựng sự đau đớn. Nó cũng thường được sử dụng lúc khởi đầu khi linh hồn rời khỏi cơ thể để chu du trong cõi trung giới.

Với sự luyện tập này chúng tôi hầu như tránh được mà không bị ngã. Một phần của võ thuật là biết cách tiếp đất nhẹ nhàng, “thế ngã” là thuật ngữ trong võ thuật, và bài tập phổ biến cho những cậu bé như chúng tôi là nhảy từ những bức tường cao từ ba đến năm mét để giải trí.

Hàng ngày, trước khi bắt đầu buổi tập võ thuật, chúng tôi phải đọc thuộc lòng các bước của Con đường Trung Đạo, giáo lý cốt lõi của Phật Giáo, đó là:8



Chính kiến: Là quan điểm và ý kiến thoát khỏi ảo tưởng và cầu xin.

Chính tư duy: Theo đó con người phải có mục đích và quan điểm cao quý và đáng trọng.

Chính ngữ: Trong lời nói phải tử tế, dịu dàng và chân thật.

Chính nghiệp: Điều này làm cho con người thanh tịnh, dịu dàng và vị tha.

Chính mạng: Để tuân theo điều này, ta phải tránh làm tổn thương người khác và các loài vật, và phải tôn trọng quyền của họ như với chính mình vậy.

Chính tinh tiến: Phải có sự tự chủ, và tự rèn luyện không ngừng.

Chính niệm: có suy nghĩ đúng đắn và cố gắng làm những điều đúng đắn.

Chính định: Đây là niềm vui xuất phát từ thiền định về thực tại của cuộc sống và về bản chất của toàn thể mọi sự vật.

Nếu người nào trong chúng tôi vi phạm giáo lý chúng tôi sẽ bị nằm sấp ngang qua lối vào chính của tu viện, để tất cả những người ra vào bước qua người. Chúng tôi sẽ phải ở đó từ lúc bình minh tới tận đêm tối, không được cử động, và không được ăn uống. Đây được xem là một điều hổ thẹn vô cùng.

Thế là tôi đã trở thành một vị Lạt-ma. Tôi thuộc về thành phần ưu tú, thành phần của những bậc “Thượng nhân”! Nhưng điều này cũng có sự bất lợi đối với một đứa trẻ mười sáu tuổi như tôi, vì trước kia tôi phải giữ ba mươi hai điều giới luật của người tu sĩ, một con số mà tôi vẫn cho là đáng e ngại; nhưng khi trở thành một vị Lạt-ma, tôi phát hiện một cách kinh khủng rằng số giới luật bây giờ phải là hai trăm năm ba điều. Và nhất là ở tu viện Chakpori, một vị Lạt-ma chân chính phải giữ tròn bấy nhiêu điều giới luật đó, không bỏ sót một điều nào. 

Dường như đối với tôi, thế giới này ngập tràn những điều phải học hỏi, tôi nghĩ đầu tôi sẽ nổ tung. Nhưng cũng rất thú vị khi ngồi trên mái tu viện và xem Đức Đạt Lai Lạt Ma đến thăm Norbu Linga, hay Jewel Park ngay bên dưới. Tôi phải ẩn nấp khi tôi xem Đấng Thái Tuế, vì không ai được phép nhìn xuống Ngài. Cũng ở bên dưới, nhưng ở phía bên kia ngọn núi Thiết Sơn, tôi có thể ngắm nhìn hai công viên tươi đẹp, Khati Linga, và bên kia dòng suối có tên là Kaling Chu, là công viên Dodpal Linga. “Linga” có nghĩa là “Công viên”, hoặc ít nhất thì nó cũng gần giống với cách đánh vần theo cách viết của người phương Tây. Xa hơn về phía bắc tôi có thể ngắm nhìn Cổng Tây, Pargo Kaling. Biểu tượng lớn nhất này chấn ngang con đường dẫn từ Drepung, qua làng Sho, và tiếp đến trung tâm của thành phố. Gần hơn nữa, gần như dưới chân tu viện Charpori, là tượng đài tưởng nhớ một trong những vị anh hùng lịch sử của chúng tôi, đức vua Kesar, người đã sống trong thời kỳ chiến tranh trước khi Đạo Phật và hòa bình đến với Tây Tạng.

Còn về công việc, tuy chúng tôi phải làm việc nhiều nhưng cũng không thiếu những niềm vui tinh thần và những cuộc chơi tiêu khiển. 

Thật là một niềm hạnh phúc rất lớn khi được sống gần những người như Đại đức Mingyar, người mà mục tiêu duy nhất trong đời là mang lại sự bình an và phụng sự nhân loại. 

Thật là một phần thưởng tinh thần khi được nhìn ngắm trước mắt phong cảnh êm đềm với một thung lũng xanh tươi, cây cối sầm uất, với những con sông rạch màu nước xanh dương uốn khúc quanh co theo những dãy núi đồi ngoạn mục, với những ngọn tháp vàng chiếu lấp lánh dưới ánh mặt trời, những tu viện cổ kính bám chặt trên các sườn núi cheo leo hiểm trở... và chiêm ngưỡng với một lòng tôn kính những mái bầu bằng vàng của điệnPotala ở gần bên, với những nóc nhà sặc sỡ dọc theo bờ sông Jo-Kang ở xa hơn về phía đông. 

Tình đồng môn của các vị Lạt-ma trong tu viện, lòng ưu ái của các nhà sư, mùi hương trầm quen thuộc phảng phất trong các đền thờ... tất cả những thứ đó là bối cảnh hằng ngày của cuộc đời tu sĩ, và tôi lấy làm vui mừng khi nhận ra đó là một cuộc đời đáng sống. 



Còn những khó khăn, chướng ngại thì cũng rất nhiều, nhưng điều đó không quan trọng lắm. Ở trong mọi tập thể cộng đồng vẫn luôn có mặt những phần tử thiếu sự cảm thông, những kẻ mang nặng lòng đố kỵ ganh ghét... Nhưng ở tu viện Chakpori, những kẻ ấy quả thật chỉ là một thiểu số. 


tải về 1.54 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương