Con Mắt Thứ Ba (The Third Eye) T. Lobsang Rampa


CHƯƠNG XVIII: TẠM BIỆT TÂY TẠNG



tải về 1.54 Mb.
trang19/19
Chuyển đổi dữ liệu20.05.2018
Kích1.54 Mb.
#38941
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   19

CHƯƠNG XVIII: TẠM BIỆT TÂY TẠNG


Vài ngày sau, khi tôi cùng với sư phụ đang ngồi trên bờ sông Hạnh Phúc thì có một người kỵ mã phi nước đại chạy ngang. Khi vừa nhận ra Đại đức Mingyar, anh ta liền dừng ngựa một cách đột ngột đến nỗi vó ngựa hất văng lên những đám mây bụi xoay tít như cơn gió lốc. Anh ta xuống ngựa và nói: ‘Tôi mang đến một thông điệp của đức Đạt-lai Lạt-ma, gửi cho vị Lạt-ma Lobsang.’ 

Rồi anh ta rút trong túi áo ra một bức thư bọc trong một khăn quàng theo lễ nghi truyền thống, và sau khi chuyển giao bức thư cho tôi với ba lần vái chào, anh ta bèn rút lui, nhảy lên lưng ngựa và phóng đi ngay. 

Lúc ấy tôi không còn e dè sợ sệt gì nữa; kinh nghiệm vừa qua của tôi ở dưới hầm điện Potala đã mang đến cho tôi sự tự tin. Tôi bèn mở phong bì và đọc bức thông điệp trước khi chuyển giao cho sư phụ và cũng là người bạn của tôi - Đại đức Mingyar. Tôi nói: ‘Sáng mai, con phải đến vườn Ngọc Uyển để bái kiến đức Đạt-lai Lạt-ma. Ngài cũng có mời sư phụ cùng đến.’ 

Sư phụ đáp: ‘Lobsang, tuy thầy không có thói quen thăm dò những ý định kín đáo của đức Đạt-lai Lạt-ma, nhưng thầy cảm thấy rằng không bao lâu con sẽ lên đường sang Trung Hoa. Còn thầy, thì không bao lâu nữa sẽ từ giã cõi trần. Chúng ta hãy vui với nhau ngày hôm nay, tận dụng chút thời gian ít ỏi còn lại.’ 

Qua ngày hôm sau, một lần nữa, tôi theo con đường quen thuộc đưa đến vườn Ngọc Uyển. Sau khi xuống chân đồi, tôi đi trên đường Ling-khor và đến trước cổng vườn. Đại đức Mingyar cùng đi với tôi. Hai thầy trò chúng tôi cùng có một tư tưởng giống nhau, có lẽ chúng tôi đang đi chung một lần cuối cùng để viếng thăm đức Đạt-lai Lạt-ma. Những cảm nghĩ đó chắc hẳn đã hiện rõ trên nét mặt của tôi, vì khi tôi ngồi một mình với đức Đạt-Lai Lạt-ma, ngài nói: ‘Giờ phút chia ly, để mỗi người đi một đường, bao giờ cũng đầy sự sầu thảm, bi ai. Ở đây, trong ngôi nhà mát này, ta đã suy ngẫm trong nhiều giờ về vấn đề tối quan trọng là nên ở lại hay ra đi khi xứ sở ta xảy ra loạn lạc? Dầu cho ta quyết định như thế nào, cũng đều có người phải chịu khổ sở. Lobsang con ơi, con đường của con đã được vạch sẵn, và tất cả mọi con đường đều khó nhọc, gian lao. Gia đình, tổ quốc, bạn bè... con phải bỏ lại phía sau. Con sẽ gặp trên bước đường đời của con, như con đã biết trước, sự hiểu lầm, sự nghi nan, đố kỵ, cùng sự ngược đãi, tra tấn, và tất cả những gì là đau khổ, đắng cay. Cách xử thế của người ngoại quốc rất dị kỳ và không thể giải thích. Như ta đã nói với con, họ chỉ tin nơi những gì họ có thể làm, những gì họ có thể phân chất trong các phòng thí nghiệm khoa học. Còn cái khoa học quan trọng nhất là khoa học về chân ngã, thì họ không quan tâm đến. Đó là con đường của con, con đường mà con đã chọn trước khi sinh ra ở kiếp này. Ta đã quyết định biệt phái con sang Trung Hoa trong năm ngày nữa.’ 

Năm ngày! Chỉ có năm ngày thôi, trong khi tôi hy vọng có thể sử dụng năm tuần lễ. Trên đường về tu viện Chakpori, sư phụ và tôi không trao đổi với nhau một lời nào. Khi về đến tu viện, người mới nói: ‘Lobsang, con phải về thăm cha mẹ con. Thầy sẽ cho người báo tin trước.’ 

Cha mẹ tôi ư? Thầy tôi đã đối xử với tôi còn hơn cả cha mẹ. Và không bao lâu, người sẽ từ giã cuộc đời. Người sẽ từ trần trước khi tôi trở về Tây Tạng trong vài năm sau. Di tích của người để lại cho tôi sẽ là cái xác ướp mạ vàng đặt tại phòng các vị hóa thân, cái thể xác vô tri mà người sẽ vất bỏ như một cái áo cũ đã trở nên vô dụng. 

Năm ngày! Những ngày bận rộn. Từ Bảo tàng Cung điện Potala một bộ quần áo kiểu phương Tây đã được mang tới cho tôi thử. Không phải tôi sẽ mặc bộ này tới Trung Quốc, áo choàng Lạt ma của tôi có thể sẽ phù hợp hơn ở đó, mà là để những người khác có thể xem tôi trông như thế nào trong bộ quần áo đó. Ôi, quần áo! Những cái ống quần áo chặt thít lấy chân tôi, chặt đến nỗi tôi sợ không dám cúi người xuống. Bây giờ tôi đã biết tại sao người phương Tây không thể ngồi trong tư thế hoa sen: quần áo của họ quá chật. Tôi nghĩ một cách chắc chắn là tôi sẽ “bị hủy hoại cuộc sống” vì những cái ống bó chặt này. Họ đặt một cái dây chằng mầu trắng lên tôi, và họ buộc vòng quanh cổ tôi một dải ruy-băng dầy và kéo thít nó lại như thể họ đang chuẩn bị xiết cổ tôi. Trên đó họ đặt những miếng vải ngắn có miếng đáp và lỗ ở phía sau, mà trong đó, họ nói rằng người phương Tây để các đồ vật – thay vì trong áo choảng như chúng tôi vẫn sử dụng.

Nhưng đó chưa phải là điều tồi tệ nhất. Họ đặt những chiếc “găng” nặng và dầy vào chân tôi và kéo chúng thật chặt với những sợi dây màu đen với hai đầu bằng kim loại. Những người ăn xin đi bằng bàn tay và đầu gối xung quanh đường Lingkhor đôi khi cũng sử dụng những chiếc găng tay tương tự như vậy cho đôi tay của họ, nhưng họ đủ khôn để sử dụng những đôi giầy da Tây Tạng rất tốt cho đôi chân của họ. Tôi cảm thấy như sắp bị què, và vì thế không thể đi đến Trung Quốc được. Một cái cái bát lộn ngược màu đen với đường viền xung quanh được đặt lên trên đầu tôi, và người ta nói với tôi rằng tôi ăn mặc như một “quý ông phương Tây nhàn nhã”. Dường như đối với tôi họ phải nhàn nhã, vì chắc chắn là không thể kỳ vọng họ có thể làm bất cứ việc gì khi ăn mặc như thế này!

Qua ngày thứ ba, tôi trở về nhà. Tôi đi bộ một mình như ngày tôi rời nhà để vào tu viện. Nhưng, trong thời gian qua, tôi đã trở nên một vị Lạt-ma và một vị Sư trưởng. Cha mẹ đợi tôi ở nhà và tiếp đón tôi như một vị thượng khách. Tối hôm ấy, tôi lại đến văn phòng của cha tôi để ký tên vào quyển gia phả và ghi vào đó những tước vị của mình. Sau đó, tôi lại đi bộ trở về tu viện, nơi đã trở thành nhà của tôi từ bấy lâu nay.

Hai ngày cuối cùng trôi qua rất mau. Trước ngày lên đường, tôi đến bái yết đức Đạt-lai Lạt-ma một lần cuối cùng. Tôi nói vài lời từ giã, và Ngài ban ân huệ cho tôi. Lòng tôi se thắt khi tôi từ biệt ngài. Cả Ngài và tôi đều biết rằng tôi chỉ gặp Ngài trở lại sau khi Ngài từ trần, sang cảnh giới bên kia. 

Qua hôm sau, tôi lên đường vào lúc bình minh, bước đi chậm chạp, và lòng không hứng khởi. Lại một lần nữa, tôi bước chân trên con đường thiên lý, không một mái nhà riêng, hướng về những chân trời xa lạ. Tôi phải bắt đầu lại tất cả!



Đi đến đỉnh cao tột của truông núi, tôi quay đầu nhìn lại rất lâu, và đó cũng là cái nhìn cuối cùng của tôi xuống thành phố thánh địa Lhasa. Một con diều đơn chiếc đang bay lượn trên nóc điện Potala.



1 Dịch giả Nguyễn Hữu Kiệt chuyển ngữ với tựa đề Tây Tạng huyền bí

2 Sách Tây Tạng [Emil Group]

3 Om! Ma-ni pad-me Hum!

Có thể dịch câu này là:

Om, ngọc quý trong hoa sen,

Hum. (Om, to the Jewel in the Lotus, hum).

Theo âm Hán-Việt, câu này được đọc là Úm ma ni bát ni hồng hoặc Án ma ni bát mê hồng.

Thông thường người ta không giảng nghĩa thần chú, nhưng ở đây cần nói thêm là: “ngọc quý” biểu hiện cho Bồ-đề tâm (bodhicitta), “hoa sen” chỉ tâm thức con người, ý nghĩa là tâm Bồ-đề nở trong lòng người. Tuy nhiên thần chú có những âm thanh riêng biệt và những tác dụng bí ẩn theo cách trình bày của Kim cương thừa. Đối với Phật giáo Tây tạng thì Om Mani Padme Hum chính là lòng từ bi rộng lớn, muốn đạt Niết-bàn vì lợi ích của chúng sinh. Vì vậy sáu âm tiết của thần chú này cũng được xem là tương ưng với sáu cõi tái sinh của dục giới.



(Theo Kinh điển Phật Pháp, http://phatphap.wordpress.com) [Emil Group]

4 Xem câu chuyện về Tháp Babel trong Kinh Cựu Ước. Chuyện kể vể việc con cháu của Noah sau Đại Hồng Thuỷ dự định xây một thành phố bằng gạch cao tới tận cổng Thiên Đàng để tự tán dương mình. Thiên Chúa xem và thấy rằng Con người ngày càng ngạo mạn, lòng tham không giới hạn, và Ngài đã làm tiếng nói của họ lộn xộn lên, người này không hiểu được tiếng của người kia. Vì vậy, Con người bối rối và ngưng hẳn công việc xây cất thành. Bởi đó nên thành này được đặt tên là Babel, vì nơi đó Chúa làm lộn xộn tiếng nói của cả thế gian.[Emil Goup]

5 Tương đương với 30,58 km/ giây

6 Tương đương với 1673,72 km/ giờ

7 Tương đương với 4988,97 km

8 Tham khảo về Bát Chánh Đạo trên các trang web wikipedia và Đạo Phật Ngày nay [Emil Group]

9 Một bang nằm ở Đông Bắc Ấn Độ, thủ phủ là Dispur [Emil Group]

Emilgroup.net@gmail.com Trang


tải về 1.54 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương