Công ty cổ phần sách và truyền thông Quảng Văn rất mong nhận được góp ý của bạn đọc



tải về 0.59 Mb.
trang2/2
Chuyển đổi dữ liệu12.01.2018
Kích0.59 Mb.
#35969
1   2

Chương 1

QUẢ CHÍN GIỮA HÈ

Sống ở tầng trên nhà tôi là một gia đình bác sĩ.

Ở thành phố phồn hoa này, người giàu, kẻ nghèo đủ cả, nhưng ai cũng đều có thể mắc bệnh, nói một cách khác, khi đối mặt với bệnh tật mọi người đều bình đẳng như nhau, chỉ là giai tầng không giống nhau mà thôi.

Gia đình tầng trên ấy, nếu nói tên ra thì chắc chẳng mấy ai biết, nhưng nếu nhắc đến học vị và sự tích về họ thì hầu như ai cũng biết. Những người có tuổi đều là bác sĩ của bệnh viện Đông Hoa - bệnh viện loại ba hạng A với số giường bệnh lớn nhất nằm trong top 100 bệnh viện tốt nhất cả nước, đồng thời cũng là bệnh viện thu phí cao nhất và có địa thế đẹp nhất.

Ông là viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc, chuyên gia khoa ngoại, được hưởng phụ cấp đặc biệt của Quốc vụ viện.

Bà là chủ nhiệm khoa sản, học sinh của Vương Thục Chinh(*).

__________

(*) Vương Thục Chinh: Viện trưởng đầu tiên của Viện phụ sản trực

thuộc Bệnh viện số một Trung Quốc.
Kỳ lạ một điều là hai người không có con, xác suất bị vô sinh cơ bản có thể loại trừ. Năm đó những người có nguyện vọng muốn gia nhập vào lớp người không muốn sinh con phải chịu một áp lực tâm lý khá lớn, nhưng họ đã làm được.

Khi tôi lên ba, qua ông nội, tôi đã nhận họ làm bố mẹ nuôi, có con gái họ vui lắm. Họ đem các loại kim tiêm, thuốc tiêm, penicillin đến cho tôi làm dụng cụ dạy học vỡ lòng, hậu quả con búp bê vải nhà tôi bị bơm vào ba lọ penicillin, sau đó penicillin lên men bốc ra thứ mùi lạ, con búp bê vải bị vứt đi, vậy là những bước chân chập chững theo đuổi Y học của tôi đã bị chết nghẹt từ trong trứng nước.

Năm ấy, khi tôi điền hồ sơ thi đại học, bố mẹ nuôi liệt kê ra cho tôi hàng tá danh sách các trường Y, vì tôi đã có lựa chọn từ trước, cho nên tất cả đám tài liệu đó đã bị tôi vứt cho những phần tử yêu Y học điên cuồng trong lớp. Mấy đứa đấy sau này lấy đầu lâu làm mặt nạ, lấy xương cụt làm khóa dây chuyền, lên lớp học tổ chức phôi thai thì thi nhau chụp hình ảnh tế bào của cơ quan sinh dục. Đến khi thực tập lâm sàng thì bọn họ cuối cùng lại không có động tĩnh gì nữa, quay về thì cứ ôm lấy tôi mà khóc, nói tôi là tên thủ phạm đầu sỏ hại bọn họ, bắt tôi phải chịu trách nhiệm.

Tất cả những điều nói trên đều chứng minh một điều là bố mẹ nuôi của tôi là tuyp người rất giỏi, rất hiền lành lương thiện, nhưng cũng thường xuyên “có lòng” làm hỏng chuyện.

Từ nhỏ trong tôi đã cùng tồn tại hai cảm xúc vừa sợ hãi vừa quen thuộc với bệnh viện và bác sĩ, nhưng may mắn một điều là lúc nào tôi cũng khỏe mạnh, kể cả khoảng thời gian bốn năm ở Đức một mình, tôi cũng chưa một lần bị bệnh gì ngoài cảm cúm sơ sơ.

Ngược lại với tôi, cô em Dụ Lộ từ nhỏ đã ốm yếu, lại còn bị bệnh trầm cảm.

Có lẽ bác sĩ rất ghét những người ốm bơ phờ xung quanh mình, cho nên bố mẹ nuôi tôi không thích Dụ Lộ chút nào. Có một dạo họ rất nóng lòng muốn chữa trị cho Dụ Lộ, nhưng khi vừa nghe đến mỗi ngày kiên trì chạy ba kilomet, lên cơ bụng năm mươi cái là cô nàng đã run rẩy, hỏi vội rằng: “Có thuốc để uống không ạ?”.

Đây chính là chứng bệnh chung của người Trung Quốc, đã ốm là phải uống thuốc, hoàn toàn phụ thuộc vào tác động bên ngoài mà mất đi bản năng của mình.

Bố nuôi tôi là chuyên gia khoa ngoại, tính tình không dễ chịu lắm, lúc đấy mới gào lên: “Con suốt ngày uống thuốc, để làm gì? Muốn sau này ta phẫu thuật cắt bỏ gan của con đi hả, hay là muốn sao?”.

Cô nàng tủi thân, cúi đầu xuống không nói được câu nào. Tiếp đó, ông bắt đầu nhắc đến tôi: “Lần trước Dụ Tịch bị sốt, rồi sao, chưa cần vào viện đã khỏi rồi”.

Tôi liền chen vào: “Con chạy hai vòng quanh sân vận động, về nhà lăn ra ngủ một giấc, thế là khỏi”.

Ông lập tức mượn cớ nói tiếp: “Thấy không, đó là thể thao, sự sống bắt nguồn từ thể thao”.

Tôi cũng thấy đúng như vậy. Từ nhỏ tôi đã nghịch ngợm hơn những đứa trẻ khác, bị thương không ít, nhưng chẳng mấy khi ốm; ngày còn đi học, sáng sớm luôn cùng bố nuôi chạy ba kilomet, thể dục xong thấy người khỏe khoắn, tinh thần cũng thoải mái, chẳng có lý do gì mà mắc chứng trầm cảm cả.

Ngược lại hệ hô hấp được rèn luyện, giọng cũng to, tính khí thì càng ngày càng giống bố nuôi, vừa nóng nảy vừa khó ưa.

Về chứng trầm cảm của Dụ Lộ thì tôi cũng chẳng muốn nói gì, tất cả đều do bố mẹ tôi quá nuông chiều nó mà ra cả.

Tôi cũng không gần gũi với bố mẹ lắm, có thời gian còn bị bỏ rơi, còn Dụ Lộ là viên minh châu trong tay họ, được nuông chiều hết mức, cả ngày chỉ nghe thấy nó thở dài, rồi viết một lô xích xông những câu nói linh tinh, nào là “Hoa rơi người chết nào ai biết”, rồi thì “Hoa xuân trăng thu ai biết khi nào tàn”..., chẳng có việc gì cũng khóc, khóc xong rồi thì tự thán, tự thán chán rồi lại khóc kêu đau.

Hai năm cấp ba Dụ Lộ nghỉ học ở nhà, bạn bè đồng trang lứa gần như đã đi học đại học hết rồi. Bố tôi có quan hệ tốt với ông hiệu trưởng trường cấp ba, quyết định cho cô nàng học thêm một năm nữa coi như là đã tốt nghiệp. Vậy mà kết quả là cô nàng vừa nhìn thấy sách vở là lăn đùng ra giường vật vã: “Ôi đau đầu quá, khó chịu quá đi mất”.

Về sau chẳng ai dám nhắc đến chuyện này nữa.

Bạn nói xem có cách nào không? Từ nhỏ tôi đã ham mê bóng rổ, trốn học, mang mớ kết quả thi thấp tẹt về liền bị mẹ cho một cái tát trời giáng: “Mày mà không vào được trường điểm thì đừng có vác mặt về nhà nữa”. Thế là tôi phải ngoan ngoãn ôm mặt về phòng đọc sách, không dám ho he gì.

Cho nên mới nói chứng trầm cảm đều do được nuông chiều quá mà ra, điều kiện sống tốt quá mới không ốm mà cứ rên như thế, nếu cuộc sống mà nghèo đói như nông dân, thì còn hơi đâu nghĩ đến mấy vấn đề tinh thần nữa, được ăn no đã là tốt lắm rồi.

Dạo này thấy Dụ Lộ có vẻ tiến bộ. Cuối tuần tôi về nhà lấy quần áo, thấy cô nàng đang ôm máy tính chat chít, trên màn hình cả QQ(*) và MSN(**) cùng mở, biểu tượng chim cánh cụt đáng ghét kia cứ kêu quàng quạc liên hồi, thật bực mình.
____________

(*) QQ: Phần mềm chat rất phổ biến ở Trung Quốc, có biểu tượng

là chim cánh cụt.

(**) MSN - viết tắt từ tiếng Anh Microsoft Network - một tập hợp

dịch vụ Internet được cung cấp bởi Microsoft.
Khuôn mặt hớn hở, lộ ra cái vẻ thẹn thùng của thiếu nữ mới lớn.

Tôi đoán Dụ Lộ đang yêu anh nào trên mạng, nhân lúc cô nàng đi vệ sinh, tôi mới nhìn trộm, tên của cậu kia là một chùm hỏa tinh văn mà tôi không thể nhận ra được, nội dung chat rất tình tứ, hồi tôi còn yêu Đồng Nhược Thiên cũng chẳng bao giờ nói những lời sến súa như thế: “Vợ yêu à, chồng nhớ vợ yêu rùi, nào, hun cái nào, muah!”.

“Vợ cũng nhớ chồng yêu lắm, hội nhà #¥%& vừa đến bắt nạt người ta, hu hu hu, vợ không đọ nổi với bọn họ, chồng phải giúp vợ đấy”.

“Ngoan nào cưng, chồng đang đi mua quần áo, đợi lát nữa chồng sẽ gọi hội anh Siêu đến xả giận cho vợ nhé”.

Tôi không tìm thêm được gì nữa, lặng lẽ rời khỏi phòng Dụ Lộ, chị giúp việc vắt cam tươi, đặt lên bàn tôi một cốc, quên không cho đường, hơi đắng, nhưng tôi không để ý đến điều ấy.

Đột nhiên tôi cười ranh mãnh, thật không dám nghĩ mình lại đểu đến vậy, nhưng, không gian ác thì thật có lỗi với bản thân bao năm nay phải chịu uất ức, cho nên tôi chọn cách im lặng.

Lúc bước ra khỏi nhà tôi còn nghe thấy tiếng mắng học sinh của bố nuôi tôi từ trên tầng vọng xuống, dạo này tính khí ông khó ưa hết mức, bởi vì ông đang trong thời kỳ tự mình ép mình cai thuốc. Bình thường ông hay ca thán với tôi, hết thuốc là cảm thấy hết đối tượng để trút giận, tôi mua rất nhiều loại kẹo cao su, nhưng ông không thích ăn, toàn đưa mẹ nuôi tôi mang đến chia cho mấy cô y tá ở viện.

Thực ra rất nhiều người nghĩ rằng bác sĩ là hình mẫu của lối sống lành mạnh, ăn uống đúng giờ, không rượu, không thuốc lá, sống có nề nếp, nhưng bác sĩ cũng là người, đặc biệt là bác sĩ khoa ngoại ở Trung Quốc, áp lực chẩn đoán và phẫu thuật rất lớn, không hút thuốc, không uống rượu chắc là lạc loài lắm.

Ngày trước Đồng Nhược Thiên cũng hút thuốc ác lắm, mỗi ngày một bao, nhưng tay và răng của anh ta lại rất sạch sẽ, có lần tôi mắng anh ta là đồ không tim không phổi, anh ta chỉ tay vào phổi mình nói: “Chỗ này đen hết rồi”. Sau đó chỉ tiếp xuống dưới, “Tim đây, cũng sắp rồi”.

Cuối cùng Đồng Nhược Thiên chìa đôi tay nhợt nhạt ra: “Đây là kết quả của việc cọ tay bằng PVP-I(*) hàng ngày đấy”.


(*) Povidone-iodine là một phức hợp hữu cơ dùng để sát trùng vết thương.
Lúc đó tôi rất khó chịu, cảm thấy áp lực của việc học ngành Y rất lớn, cuộc sống gian nan, người con trai này khiến tôi bỏ không nổi, do vậy tôi lại tiếp tục chịu đựng sự giày vò lúc gần lúc xa của anh ta.

Đứng thần người ra một lúc trên cầu thang, tôi nghĩ giờ về thẳng trường là tốt nhất, thực tế thì tôi cũng làm như vậy rồi, nhưng tự nhiên tâm trạng lại rất buồn bã, bên ngoài ánh dương rực rỡ ngập tràn ý thu, nhưng tận đáy lòng tôi lại như có một lớp sương mù bao phủ.

Tôi cảm thấy Đồng Nhược Thiên là một tên khốn, đã lâu lắm rồi, tôi chưa từng hận anh ta đến vậy.

Anh ta kiêu ngạo, quá kiêu ngạo, khi còn yêu tôi, anh ta cả gan khiêu khích thầy giáo thì thôi không nói làm gì, dù sao người ta cũng còn nể mặt bố nuôi tôi, hơn nữa cũng biết bố đẻ tôi là ai; nhưng lúc chia tay tôi, anh ta vừa nói vừa cười: “Dụ Tịch à, em phải hiểu rằng, hồi đầu anh thích em không phải vì địa vị của bố nuôi em, cũng không phải vì thế lực nhà em, mà bởi vì em là em, hồi ấy người anh thích chỉ có mình em thôi, cho nên bây giờ mình chia tay, cũng là vì anh không còn thích em nữa. Nếu như anh muốn ở lại bệnh viện Đông Hoa như thế, thì sao anh có thể chia tay em được chứ”.

Khi đó tôi chỉ biết khẽ lắc đầu, nói: “Đồng Nhược Thiên à, anh đúng là một người không biết thỏa hiệp”.

Chia tay trong lặng lẽ.

Sau này không biết tại sao, đoạn đối thoại ấy đến tai bố nuôi tôi, ông tức đến mức hút hết cả một bao thuốc, đập rung bàn hội chẩn trong văn phòng khoa: “Không thèm, hừ, vậy cứ để cho nó không thèm đi”.

Chiều hôm ấy dạy “Khái quát về ngoại khoa” cho sinh viên lớp cử nhân, hết tiết, bố nuôi tôi đến Học viện Dược, sinh viên trong lớp đều căng thẳng nói: “Vị giáo sư này, thật đáng sợ, đúng là Godzilla(*) phiên bản già”.


(*) Godzilla - con quái vật nổi tiếng của điện ảnh Nhật Bản với hình dáng của một con khủng long.
Đấy là sau này các bạn tôi nói lại với tôi thế, may là bệnh viện Đông Hoa là bệnh viện trực thuộc số một của trường đại học tôi theo học.

Thế là Đồng Nhược Thiên bị phân bổ đến bệnh viện Đông y lớn nhất ở ngoại thành, ngày ngày làm bạn với mấy loại bệnh hậu môn trực tràng, nghĩ đến tôi vừa thấy hận anh ta, lại vừa thấy thương anh ta, cũng vừa cảm thấy có lỗi với anh ta.

Là anh ta đòi chia tay với tôi đấy chứ, thế mà tôi bỗng nhiên lại trở thành thủ phạm.

Tôi thật sự bắt đầu cảm thấy nhớ anh ta. Tôi đến đài phun nước giữa quảng trường trung tâm, tìm một chỗ sạch sẽ ngồi xuống.

Bầu trời xanh nhạt, không phải nhìn thấy đáy trong suốt, mà là tầng tầng sương khói đang bao phủ, dưới bầu trời như vậy, tôi không muốn nghĩ gì hết.

Chỉ là tôi nghĩ anh ta kiêu ngạo như thế, ngạo mạn đến mức không chịu cúi đầu xuống dù chỉ một chút thôi.

Hoàn toàn tương phản với tôi.

Chắc vì thế mà tôi mới thích anh ta, chiều theo ý anh ta hết cỡ, thay đổi cả tính cách của mình, nhưng thói đời khi con cáo bị chàng hoàng tử thuần phục rồi, thì hoàng tử lại nhớ đến bông hoa hồng của chàng.

Từ ngày chia tay đến nay, đã hơn ba năm rồi.

Tối hôm đó tôi đang ở ký túc xá xem bộ phim hài Nhật Bản Ánh sáng của đom đóm, nó làm tôi cười lăn cười bò.

Tối đó tôi vốn không định xem phim giết thời gian, nhưng đám bạn cùng phòng đều ra ngoài hết rồi, đi ăn sinh nhật thì phải, chỉ còn mỗi mình tôi - nhân vật không quan trọng gì ở lại phòng. Thế là tôi mua một chai bia về uống trong lúc xem phim.

Đêm thu gió mát, thật là dễ chịu.

Tôi thấy Hotaru(*) ngốc nghếch một cách đáng yêu, rồi tôi nhìn lại mình, mái tóc búi cao, áo phông, quần thể thao, chân đi dép tông, tay cầm lon bia, bỗng thấy mình cũng ngốc đến đáng yêu như vậy.
(*) Hotaru: Vai nữ chính trong phim Ánh sáng của đom đóm.
Sau khi Đồng Nhược Thiên ra đi, tôi đã thề là phải trở thành một người đẹp trí tuệ, để sau này hắn ta gặp lại tôi nhất định sẽ phải hối hận. Nhưng sau ba hôm chăm chỉ đến phòng tự học thì tôi không thể tiếp tục được nữa.

Và thế là tôi thu mình vào cái mai rùa trở thành kẻ lười biếng, không ý chí, không mục tiêu.

Đến đoạn ông chú Fujuki(**) ôm lấy Hotaru, tôi đang hứng chí đập bàn thì tiếng chuông điện thoại chợt vang lên, mở ra thấy là số điện thoại của mẹ: “Mẹ! Chuyện gì vậy ạ?”.
(**) Fujuki: Vai nam chính trong phim Ánh sáng của đom đóm.
“Lộ Lộ, Lộ Lộ...”. Mẹ tôi cũng được coi là người đã trải qua nhiều phong ba bão táp rồi, vậy mà giờ đây lại cuống không nói nên lời. Tôi chỉ đành an ủi: “Mẹ cứ bình tĩnh nói nào, Dụ Lộ làm sao rồi ạ?”.

“Con đến bệnh viện Đông Hoa nhanh đi, con bé vừa cắt tay tự tử ở nhà”.

Tôi giật mình, nhưng vẫn chưa đến mức nhảy dựng lên. Cái ghế ngửa ra đằng sau kêu răng rắc, cả người ngã ngửa ra, may thay đằng sau là đống sách báo cũ của cô bạn cùng phòng nên tôi chỉ bị ngã nhẹ thôi. Mẹ tôi lại giục: “Con đến luôn nhé, mẹ và bố đang trên đường rồi”.

Sau đó liền tắt máy.

Tôi mặc quần áo, thay đôi dép, lấy vội thẻ ngân hàng, điện thoại rồi lập tức bắt taxi đến bệnh viện. Anh lái xe ngạc nhiên vô cùng vì rõ ràng là quãng đường chỉ mất mười phút đi bộ thì chẳng cần phải đi taxi làm gì.

Bảo anh ta dừng lại quán ở Macdonald để mua cốc Sprite, tôi vốn là người biết chăm sóc bản thân, vì vừa rồi thay quần áo toát nhiều mồ hôi nên cơ thể bắt buộc phải được bù thêm nước, như thế tuần hoàn trong cơ thể mới được cân bằng.

Nói không lo lắng thì là nói dối, nhưng tôi biết Dụ Lộ không thể chết được, chắc là chết đi sống lại, trong bụng mừng thầm, nhưng trời sinh tôi không phải là kẻ máu lạnh, cầm cốc Sprite mà tay cũng vẫn run lẩy bẩy.

Nhà tôi xảy ra chuyện không may như vậy, nhưng nói thật là tôi lại thấy rất phấn khởi.

Quả nhiên năm phút sau, xe cứu thương lao vào đỗ trước cửa phòng cấp cứu, mấy cô y tá chạy tới nhấc giường đẩy xuống. Tôi thấy khuôn mặt trắng bệch của Dụ Lộ, đôi mắt nhắm nghiền như đã mất hết cảm giác rồi.

Ở đằng kia mấy cô y tá nói gì đó, tôi chẳng nghe rõ, loáng thoáng đâu như là Dụ Lộ cắt tay tự tử, nhưng chỉ cắt vào động mạch chưa cắt phải tĩnh mạch, có điều là con bé còn uống cả một lọ thuốc ngủ nên phải rửa ruột.

Chị giúp việc cũng đến, đang dìu mẹ. Tôi thấy đôi mắt đã lâu lắm rồi không khóc của mẹ đỏ hoe. Bố cũng đến rồi, anh lái xe đứng ngoài cổng nhìn gia đình tôi với vẻ thương cảm.

Dụ Lộ được đẩy vào phòng cấp cứu.

Lần đầu tiên tôi thấy Dụ Lộ được quan tâm đến thế, nói thật là tôi thực sự ngưỡng mộ con bé.

Bố mẹ tôi được gọi vào hỏi tình hình, chị giúp việc lén lút kể lại sự việc với tôi.


Lần trước tôi bắt gặp con bé đang ngồi chat mới chỉ là một phần mở đầu câu chuyện. Con bé ngốc nghếch, ngây thơ, bạn trên mạng thực ra là người yêu online nói muốn gặp mặt con bé nói chuyện. Tất nhiên là mẹ tôi không đồng ý rồi, thế là nhân lúc chị giúp việc đi chợ nó liền trốn ra ngoài. Kết quả là sau khi gặp thằng bé ở quán Internet, thấy cậu ấy sáng sủa đẹp trai liền chết mê chết mệt, nhưng khổ một nỗi là cậu ấy thấy con bé mặc toàn đồ hiệu xa xỉ nên hoảng quá, nghĩ mình đã động đến người đáng lẽ không nên động đến, liền tìm cách tránh né, sau này cũng chẳng thấy mặt mũi đâu nữa.

Khổ nỗi Dụ Lộ lại chết mê chết mệt cậu thiếu niên đẹp trai đó, ngày ngày lên mạng nhắn tin, nhưng cậu ấy vẫn bặt vô âm tín, thế là con bé nhất thời nghĩ quẩn mới ra nông nỗi này.

Chị giúp việc vừa kể vừa mắng thằng bé kia, khẩu khí có vẻ rất thương Dụ Lộ.

Vậy mà sao trong chuyện này tôi lại thấy Dụ Lộ mới là người đầu óc có vấn đề, tôi đánh giá cao cậu bé ấy, dù tình yêu online không đáng tin, nhưng thấy Dụ Lộ là người giàu nếu tâm địa xấu thì chỉ cần cậu ấy dụ dỗ ngon ngọt một chút sẽ dễ dàng lừa được khối tiền, không chừng lại lừa bán luôn con bé đi cũng nên.

Cậu bé này có nhân cách, suy nghĩ giản đơn, không bị cái thế giới ảo rối rắm này làm hư hỏng.

Tôi hỏi: “Thế giờ cậu bé kia đâu?”.

“Hình như bị bắt rồi thì phải”.

Tôi trợn tròn mắt, lẩm bẩm: “Trời, lý lẽ gì vậy?!”. Rồi tự thấy mình lắm lời quá liền lắc lắc cốc Sprite, tìm một chỗ ngồi xuống.

Phòng cấp cứu còn có ti vi, chỉ tiếc là đang phát tin thời sự.

Quả nhiên là Dụ Lộ không có gì nguy hiểm lắm, đã được truyền máu và rửa ruột rồi, nhưng vừa tỉnh con bé đã giày vò than thở sao mình vẫn chưa chết. Bác sĩ tức đến mức chắc hối hận vì vừa nãy đã rửa ruột cứu nó, liền tiêm cho nó một liều thuốc an thần để trấn an.

Một lúc sau nó đã bình tĩnh lại.

Bố mẹ tôi bắt đầu phiền não, chị giúp việc càng buồn rầu, vì Dụ Lộ nói cái chăn này nặng quá, phải thay cái khác. Tôi đứng bên cạnh cười ruồi, nghĩ thầm cô sắp chết đến nơi rồi mà còn đòi hưởng thụ, đúng là có những người sinh ra đã được hưởng thụ những thứ đồ xa xỉ.

Tự thấy mình thừa thãi quá tôi đành ra uống Sprite và xem thời sự.

Tôi vốn tưởng rằng Dụ Lộ sắp không qua khỏi, muốn trăng trối trước khi ra đi.

Mong nó có thể nói rằng: “Bố mẹ, hãy yêu thương chị con hơn chút nữa, hãy quan tâm đến chị ấy”, thì dù tôi có tự tử ngay lập tức chắc cũng chẳng hối tiếc gì.

Tôi không biết sự việc này sẽ đem lại điều gì cho gia đình tôi, dẫu sao cũng chẳng liên quan gì đến tôi lắm, tôi lại tiếp tục hút Sprite. Đột nhiên cảm giác như có ai đó ngồi bên cạnh, toàn mùi thuốc sát trùng vô cùng quen thuộc.

Bất giác tôi cứ ngỡ như Đồng Nhược Thiên quay trở lại, đưa mắt nhìn sang hóa ra lại là một khuôn mặt xa lạ.

Chỉ nhận ra rằng trước mặt tôi là một người rất đẹp trai, khuôn mặt toát lên vẻ ngay thẳng phóng khoáng. Là một sinh viên ngành văn học Anh Mỹ, lập tức trong đầu tôi hiện ra những câu thơ trong bài Sonnet 18(*) của Shakespear(**): “Shall I compare thee to a summer’s day? Thou are more lovely and more temperate”, có nghĩa là “Anh có nên ví em với ngày mùa hạ? Em đáng yêu hơn và rất đỗi hiền hòa”.


(*) Sonnet là bài thơ có 14 câu được gieo vần theo một kiểu xác định, Sonnet 18 là bài thơ nói về sự ngưỡng mộ của nhà thơ với nhân vật tự tình “em”.

(**) William Shakespeare (1564 — 1616), được coi là nhà văn vĩ đại nhất của Anh và là nhà viết kịch đi trước thời đại.


Ngày ấy tôi cũng chẳng đem Đồng Nhược Thiên so sánh với câu này, cùng lắm là ví von bằng những từ ngữ đơn giản nhất.

Đại khái được dịch ra tiếng Trung là: “Tiêu tiêu túc túc, sảng lãng thanh cử, lãng lãng như tùng hạ phong, cao nhi từ dẫn”. Tôi cũng hiếm có dịp được văn vẻ như thế.

Anh ta mặc áo blouse trắng, áo sơ mi màu xanh nhạt bên trong, ngực đeo thẻ, quần dài và giày da. Tôi đã nhìn Đồng Nhược Thiên như vậy không biết bao lần, vậy mà trước một người lạ vẫn cảm thấy đẹp ngỡ ngàng.

“Anh là bác sĩ khoa ngoại à?”, tôi hỏi.

Đôi mắt sáng long lanh kia nhìn tôi vài giây rồi gật đầu: “Làm sao cô biết hay vậy?”.

“À, tay của anh rất trắng, lúc buông tay xuống rất chắc, và cũng không có mùi thuốc sát trùng hay mùi cồn”. Tất nhiên là tôi đang ba hoa rồi, bởi vì tôi đã thấy thẻ đeo của anh ta - Cố Tông Kỳ, bác sĩ khoa ngoại, bệnh viện Đông Hoa.

“Bệnh nhân cắt cổ tay giường cấp cứu số năm là em gái em à?”. Anh ta hạ thấp giọng xuống, nhưng nghe sao mà hay đến thế.

Tự nhiên tôi lại có cảm giác muốn nói rất nhiều: “Vâng, là em ruột em, trông không giống nhau hả?”.

Anh ta gật đầu: “Sao mà tôi thấy em chẳng lo lắng gì hết thế?”.

“Sao phải lo lắng chứ? Chẳng phải vẫn chưa chết sao?”. Tôi chớp chớp mắt: “Em đã bị mấy lần tự tử của cô nàng làm cho chán lắm rồi, nó mà còn tự tử nữa khéo em cũng mắc chứng buộc phải bắt chước theo nó mất”.

Anh ta lặng yên nghe, rồi nói: “Cô ấy bị trầm cảm nhẹ phải không?”.

“Đúng thế đấy ạ, em chỉ mong có một ngày nó được lượn qua Quỷ môn quan một lần thật sự để sáng mắt ra”. Tôi rít Sprite hơi cuối, “Sống dẫu sao cũng tốt hơn chết chứ, mà nó cũng không phải kiểu thà làm ngọc vỡ còn hơn ngói lành”.

Anh ta lặng thinh, một lúc sau mới nói: “Đúng là con người được sống đã là điều tuyệt vời nhất rồi”.

Một câu đơn giản nhưng quả thực rất có lý, tôi gật đầu tỏ vẻ đồng tình. Anh ta nói chậm rãi, rõ ràng từng câu từng chữ, hơn nữa lại rất nhẹ nhàng, khiến người ta cảm thấy rung động trong lòng. Có vẻ như anh ta coi tôi là bệnh nhân mất rồi.

Đa phần bác sĩ khoa ngoại chẳng có mấy ai tính cách hiền dịu cả, phần lớn họ đều rất sôi nổi hoạt bát.

Người như anh ta có thể tồn tại trong môi trường khoa ngoại như thế cũng coi như là một kỳ tích, không những được rất nhiều bệnh nhân yêu mến mà ngay cả sinh viên thực tập và y tá ở đây cũng yêu quý anh ta.

“Tôi là Cố Tông Kỳ, là bác sĩ khoa ngoại như em vừa đoán”.

“Em là Dụ Tịch, sinh viên Học viện Ngoại ngữ của trường mình”.

Anh ta gật đầu, tôi đưa tay ném vỏ cốc Sprite vào thùng rác cách đấy năm mét, và hỏi: “Anh trực ban à?”.

“Ừ, anh ở ngay trong viện, vừa nãy có ca phẫu thuật, phòng cấp cứu điện bọn anh tới làm, vừa mới xong”.

“Phẫu thuật có thú vị không anh?”, tôi thốt ra một câu hỏi kỳ quặc.

Nếu như phẫu thuật thú vị thì tôi có thể tha thứ cho Đồng Nhược Thiên, vì ngày ấy anh ta suốt ngày chỉ biết đến phẫu thuật, ngay cả thời gian ăn cơm với tôi cũng chẳng có.

Hai bàn tay đan vào nhau đặt trên đầu gối, ngón tay thon dài kiên nghị, đó là số mệnh của một bác sĩ ngoại khoa xuất sắc. Anh ta hình như trả lời rất cẩn trọng: “Có cảm giác thành công, niềm hạnh phúc của một bác sĩ có trách nhiệm hơn nữa xuất phát từ điều này”.

Tôi rất ưng ý với câu trả lời này, cười một cách chân thành.

Phòng cấp cứu ban đêm chỉ có vài người, bên ngoài đại sảnh bóng đêm đã bao trùm, mấy ngọn đèn bên đường lúc sáng lúc tối, đêm, cuối cùng cũng mát mẻ hơn. Có thể đó là một đêm bình yên, có thể tất cả những bác sĩ phải trực đêm đều lo sợ sẽ có một sự cố nào đó bất ngờ xảy ra trong đêm.

Có thể là bệnh tình của một bệnh nhân nào đó đột nhiên xấu đi, cũng có thể là phải cấp cứu.

Cuộc sống của bác sĩ lúc nào cũng phải lo sợ bất an.

Ti vi đang quảng cáo thuốc an thần Thái thái tĩnh tâm.

Bỗng nhiên tôi lại hỏi anh chàng đẹp trai bên cạnh một câu hỏi ngớ ngẩn: “Anh có mất ngủ không?”. Sau đó cảm thấy câu hỏi này đa nghĩa quá liền vội vàng giải thích: “Ý em là lúc anh phải trực, điện thoại mở 24/24, có ngủ chắc cũng căng thẳng lo lắng lắm nhỉ?”.

Bởi vì thần kinh tôi hơi yếu, nếu điện thoại mở thì không thể ngủ được.

Anh ta cười nhạt: “Đương nhiên là sẽ căng thẳng, nhưng có cách nào khác đâu, có lúc người thì ngủ rồi nhưng đầu vẫn tỉnh lắm, vẫn đang đợi chuông điện thoại, đó là một cảm giác rất đau khổ”.

“Nhưng vẫn phải ngủ?”.

Khóe môi hơi nhếch lên, điệu bộ vô cùng đáng yêu: “Đúng thế, có thể ngủ nhưng tuyệt đối không được lim dim, được nằm ngủ nhưng không được ngồi ngủ”.

Tôi cảm thấy anh ta nói sao chẳng hài hước gì cả, mà nói rất say sưa, nhưng nhạt nhẽo vô vị, thế là tôi chẳng biết nói gì thêm nữa, đành hỏi: “Anh vừa làm phẫu thuật gì vậy?”.

“Phẫu thuật cắt nối ruột”.

Nhớ mang máng rằng trước kia Đồng Nhược Thiên cũng nhắc tới phẫu thuật này, lúc đó tôi hỏi anh ta về nó thì anh ta bực bội vứt cho tôi cuốn sách Ngoại khoa dày cộp, còn chẳng thèm ngẩng đầu lên bảo: “Có hứng thú thì về tự mò xem đi”.

Cuốn sách về ngoại khoa ấy đúng là dày và nặng như đá vậy, hơn nữa lại rất đắt. Trong đống sách chuyên ngành của tôi, ngoài cuốn tuyển tập tác phẩm của Mary Norton(*) đang đọc ra thì chẳng cuốn nào bì được.
(*) Nhà văn Mary Norton (1903-1992). Tác phẩm nổi tiếng nhất của bà là Những người vay mượn tí hon được Nhã Nam dịch và xuất bản năm 2010.
Thêm cuốn Nội khoa nữa thì đúng là thiên hạ vô song rồi.

Lúc ấy tôi chỉ lật có vài trang, thấy toàn là những loại bệnh chưa từng nghe qua bao giờ, càng đọc càng không hiểu, mà Đồng Nhược Thiên cũng chẳng có ý định nói cho tôi biết phẫu thuật đấy là gì, nên tôi lặng lẽ đặt nó cạnh tay anh ta rồi đi làm việc của mình.

Không phải là cảm giác khác ngành khác nghề nên xa cách, mà đơn giản là cái cảm giác thấy buồn buồn khi bị đuổi khéo đi như vậy. Anh ta còn là người yêu tôi cơ đấy.

Thấy tôi khẽ chau mày, anh chàng bác sĩ đẹp trai kia hỏi dò: “Bệnh nhân bị xoắn ruột nên cần phải làm phẫu thuật ngoại khoa, có muốn biết rõ nó như thế nào không?”.

Tôi gật đầu: “Muốn”.

Có trời chứng giám, thực sự là tôi muốn biết chứ không phải là cố tình muốn kiếm chuyện để nói với anh ta. Chỉ là tự nhiên mà thành như thế thôi.

Từ trong túi áo anh ta rút ra một quyển sổ và một cây bút, lật đến trang cuối cùng, đặt bút xuống và hỏi: “Em có biết vị trí của ruột non không?”.

Tất nhiên là tôi lắc đầu.

“Ruột là ống dẫn dài nhất trong hệ tiêu hóa, nó bao gồm ruột tá, ruột chay, ruột non, manh tràng, kết tràng và trực tràng. Bệnh nhân vừa nãy là bị xoắn đại tràng xích ma. Đây, chính là vị trí này”.

“Xoắn ruột, hiểu theo mặt chữ thì là xoắn quanh quai ruột, bình thường sẽ xoắn theo chiều kim đồng hồ trong khoảng 360 độ, nặng thì có thể xoắn từ 360 độ đến 720 độ”.

Kinh khủng thế cơ à, vậy thì có mà bị xoắn đứt ý chứ, tôi toát mồ hôi hột.

“Xoắn ruột thường được phân thành xoắn ruột non và xoắn đại tràng xích ma. Xoắn ruột non thường gặp ở thanh niên, đa phần là do ăn no lại vận động mạnh. Còn xoắn đại tràng xích ma lại thường gặp ở người già, có tiền sử táo bón, triệu chứng điển hình là bụng trướng. Bệnh này rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong tới ba mươi phần trăm”.

Tôi chống cằm nhìn anh ta viết viết vẽ vẽ, ánh đèn hắt vào, vẻ chăm chú giảng giải của anh ta rất có tác phong sư phạm, có lẽ giảng bài cho học sinh nhiều rồi nên nói chuyện cũng rất rõ ràng mạch lạc.

Tự nhiên tôi cảm thấy tính cách con người anh ta chắc chắn là điềm đạm, nhẹ nhàng giống như dòng nước ấm áp.

Nhưng tôi cũng sợ nhất kiểu tính cách này, rất thật thà, có lúc lại khiến người khác thấy phiền phức, tính ôn hòa đến mức muốn cãi nhau một trận mà không được.

Anh ta giảng một lúc rồi hỏi: “Hiểu chưa em?”.

Thực ra là tôi hiểu hết rồi, nhưng vẫn muốn hỏi anh ta rằng tại sao lại nói với tôi những thứ linh tinh này, với lại không phải anh đang trực hay sao mà lại đến nói chuyện với người nhà bệnh nhân vậy.

Bác sĩ không được trêu chọc bệnh nhân, nhưng được trêu chọc người nhà bệnh nhân hay không thì đó lại là một vấn đề nghiêm túc đấy.

Trong khi tôi đang nghĩ lung tung thì bố tôi gọi. Ông hỏi xem bên trường tôi có giáo viên tâm lý giỏi nào không, vì ông thấy rằng chứng uất ức dẫn đến tự sát của Dụ Lộ cần phải tìm một giáo viên tâm lý thật giỏi để điều trị.

Còn tôi thì lại thấy nên cho cô nàng mấy cái bạt tai chứ không phải là sự nhẹ nhàng mềm mại của giáo viên tâm lý.

Tôi nói rằng trường tôi có một giáo viên tâm lý rất giỏi, với sinh viên trong trường thì không thu phí, nhưng với sinh viên trường khác thì thu phí ba nghìn tệ. Bố tôi cũng chẳng phải chau mày với cái giá đấy, lấy luôn số điện thoại rồi giao nhiệm vụ cho thư ký gọi.

Nhìn Dụ Lộ ngủ ngon trên giường bệnh, tôi chẳng nói được điều gì, chỉ thấy cô nàng là khắc tinh, là hung tinh.

Khắc tinh với bố mẹ tôi, chứ với tôi thì chẳng có quan hệ gì.

Tôi quay về ghế ngồi, anh chàng bác sĩ đẹp trai Cố Tông Kỳ đang nguệch ngoạc vẽ linh tinh trên quyển sổ, tôi trầm lặng một lúc rồi nói: “Nhưng thực sự có lúc em mong ai đó đừng bao giờ tồn tại trên thế gian này”.

Anh ta hiểu ý tôi nói, nhất định hiểu.

Khi bạn cảm thấy buồn nhất, có một người lắng nghe bạn nói, hay nói với bạn những điều chẳng quan trọng gì, như vậy còn tốt hơn là chôn sâu những đau khổ vô bờ bến vào đáy lòng.

Tôi lại nói: “Có phải em rất tồi không? Tâm địa thật độc ác phải không?”.

Tôi nhìn anh ta, chẳng cho anh ta thời gian trả lời, nói tiếp: “Mà sao anh không về phòng đi, phòng các anh chắc ở cầu thang tầng hai nhỉ?”.

Anh ta vẫn im lặng.

Thế là tôi đau khổ phát hiện ra rằng sao tôi lại lắm lời đến vậy, tôi bây giờ không phải là nên ngồi đây đợi ông anh bác sĩ của tôi đến vỗ về cho con tim đang tổn thương của mình sao. Vậy mà cứ như đang ăn xin lòng thương hại của người khác vậy.

Cuối cùng thì anh ta cũng nói với tôi một câu, khiến tôi không nói thêm được lời nào: “Thực ra, khi tôi làm phẫu thật xong thì nhận được tin ông nội qua đời vì chảy máu não, cho nên...”.

Cho nên không nói tiếp gì được nữa.

Vậy là tôi đã hiểu rồi, anh ta chỉ cần một người nói chuyện, vừa may là tôi có ở đây, lại còn nói tương đối nhiều.

Tôi muốn bóp chết cảm giác của tôi lúc này.

Và tôi đứng lên, định vuốt nhẹ mái tóc mềm của anh ta để an ủi, nhưng rồi tôi lại không dám.

Tôi chỉ nói: “Đừng nghĩ nhiều nữa, có thể thì về nhà một chuyến, cũng coi như là thể hiện tấm lòng hiếu thuận với ông lần cuối cùng”.

Ở phòng trực chính có thể không cần trực vì phía dưới còn có các nhân viên khác và ba lớp thực tập sinh.

Anh ta ngẩng đầu, nhìn tôi bằng đôi mắt dịu dàng, khẽ cười, như cơn gió xuân thoảng qua khiến tôi thấy ngại ngùng. Anh ta nói: “Không sao, ngày mai giao ca xong rồi tôi về. Cám ơn em”.

Tôi quay lại quán MacDonald mua Sprite, thực ra tôi không muốn uống nữa, nên vừa đi vừa đổ hết dọc đường về, cho đến tận cổng ký túc.

Trời đã tối đen rồi, cái se lạnh của mùa thu cuối cùng cũng đã xuất hiện, len lỏi trong cơn gió đêm.

Tôi ngước nhìn bầu trời đêm, có chiếc máy bay bay qua, để lại làn khói mờ ảo, rồi dần tan biến. Hình ảnh anh chàng bác sĩ Cố Tông Kỳ cũng thế, bỗng chốc tan biến trong tâm trí tôi.

Nhưng giọng nói ấm áp nhẹ nhàng của anh ta, mới nghe một lần mà tôi nhớ mãi.

Về đến phòng, tôi liền lên mạng kiếm ông anh tán chuyện. Anh ta vừa lên đã hỏi: “Tịch Tịch à, có người yêu chưa em?”.

Tôi ngán ngẩm trả lời: “Em chưa đến hai mươi lăm tuổi mà”.

Cao Y Thần là đàn anh của Đồng Nhược Thiên, là một gã đào hoa thứ thiệt. Thời buổi này thứ đàn ông có vẻ bề ngoài đẹp trai không hiếm, giàu có cũng chẳng phải là khó tìm, nhưng nhân tài trí thức tài giỏi hơn người mới là hiếm có.

Anh ta quả là rất đào hoa, mà lại có cái vẻ hấp dẫn khó cưỡng lại như Trần Quán Hy(*). Bất kể là cô gái nào cũng dễ dàng bị anh ta dỗ dành nịnh nọt ngon ngọt. Phải nói là anh ta là mẫu đàn ông tán cô nào là cô ấy đổ cái rụp.


(*) Là một diễn viên điện ảnh, ca sĩ Cantopop Hồng Kông.
Anh chàng này lại còn từng định viết một cuốn tự truyện truyền kỳ với cái tên Ai động vào em yêu của ta thế.

Sau khi tôi chia tay Đồng Nhược Thiên, anh ta quay ra chọc ghẹo tôi. Có lúc thấy vô vị tôi cũng trêu đùa lại anh ta, nói chuyện theo kiểu nửa thật nửa đùa. Anh ta có những suy nghĩ viển vông về tôi, nhất là khi biết giữa tôi và Đồng Nhược Thiên chưa vượt quá giới hạn thì anh ta càng trở nên đểu hơn.

Tôi nổi mụn, anh ta liền bảo do không cân bằng nội tiết, cần phải có hơi trai.

Tôi đau bụng tháng thì anh ta lại bảo cần có anh nào giúp làm ấm.

Dù vậy tôi cũng không thấy ghét gì anh ta, tuy anh ta có vẻ lưu manh thật đấy nhưng mà là một kẻ lưu manh có văn hóa, có tố chất. Anh ta trêu ghẹo tôi chứng tỏ là tôi cũng có chút hấp dẫn nữ tính chứ không đến nỗi suy sụp sau khi thất tình.

Có lần tôi nói với anh ta, nếu như đến năm tôi hai mươi lăm tuổi mà vẫn chưa có người yêu, thì thôi tôi sẽ chọn anh ta làm người yêu luôn cho xong.

Thế là lần nào anh ta cũng hỏi xem tôi đã có người yêu chưa và cứ đếm thời gian cho đến sinh nhật thứ hai mươi lăm của tôi.

Anh ta là bác sĩ khoa ngoại của bệnh viện Đông Hoa, cũng là cư dân thường trú tại khu cầu thang tầng hai, vì vậy tôi mới hỏi dò anh ta xem có biết Cố Tông Kỳ không.

Anh ta nói là có quen, tôi mới hỏi con người ấy như thế nào, anh ta liền trả lời rằng rất tốt, nhưng...

Tôi thích nhất chính là chữ “nhưng” này. Hễ là người mà Cao Y Thần không ưa thì trên phương diện quan hệ nam nữ đều rất có quy tắc. Hơn nữa nhất định là tuyp người dù có nhiều cơ hội được đưa miếng ngon lên tận miệng đi chăng nữa thì cũng không xơi đâu.

Quả nhiên anh ta nói Cố Tông Kỳ tốt người tốt nết, tính cách ôn hòa, chẳng có chút gì không giống bác sĩ khoa ngoại cả, chỉ mỗi tội là cứ ngơ ngơ.

Tôi không tiếp chuyện anh ta nữa mà bỏ đi làm một trắc nghiệm nho nhỏ.

Đây là một trắc nghiệm rất vớ vẩn nhưng mà rất hữu ích, đó là tính toán cái giá của đàn ông. Mỗi người đều có giá gốc là một nghìn tệ. Nếu cao hơn một mét tám thì cứ hơn một centimet lại được cộng một trăm. Còn nếu thấp hơn một mét bảy thì cứ thấp hơn một centimet sẽ bị trừ hai trăm. Biết chơi bóng chuyền, bóng rổ hoặc bóng đá, mỗi loại sẽ được cộng một trăm. Nếu biết tennis hay snooker thì mỗi loại được cộng thêm một trăm. Biết trượt patin thì lại trừ ba trăm, biết bơi được cộng một trăm. Nếu trọng lượng vượt quá bảy mươi lăm cân, thì cứ quá hai cân rưỡi lại bị trừ một trăm...

Tôi vốn ghét tính toán như thế mà cuối cùng cũng tính được giá của Cố Tông Kỳ, thêm cả giá tham khảo của Đồng Nhược Thiên.

Giá của Cố Tông Kỳ rơi vào khoảng một nghìn chín trăm đến hai nghìn năm trăm tệ, còn của Đồng Nhược Thiên chỉ có một nghìn năm trăm.

Chênh lệch quá lớn.

Vậy là tôi bắt đầu ngồi suy đoán, Cố Tông Kỳ đúng là rất tuyệt, nếu đẹp trai mà cũng được cộng điểm nữa thì giá của anh ta nhất định còn cao hơn. Đưa ra được kết luận này, tôi tắt máy và leo lên giường đi ngủ.

Đã lâu lắm rồi, cuối cùng đêm nay tôi mới không mơ tới Đồng Nhược Thiên, và cũng không mơ đến Cố Tông Kỳ.

Tôi mơ đến bố nuôi, ông đang giảng cho tôi nghe về bệnh xoắn ruột, tôi chẳng hiểu cái gì cả, ông tức quá liền gầm lên khiến tôi bật cười tỉnh giấc.

Chương 2

HOA HƯỚNG DƯƠNG CỦA VAN GOGH

Ngày hôm sau tôi đi tìm sếp. Dạo này anh ấy đang phát cuồng với chủ nghĩa siêu thực, kiếm đâu được mấy bức tranh phong cách đó treo ở văn phòng, không phải bức tranh chiếc đồng hồ chảy mềm vắt vẻo trên cành cây của Dali(*) thì là bức những con mắt của Picasso(**). Khi xem tôi thấy chúng thật quái dị, nhưng lại không thể chê rằng nó không đẹp được.


(*) Salvador Felipe Jacinto Dalí Domènech là nghệ sĩ Tây Ban Nha, ông được coi là một trong những hoạ sĩ có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20 với phong cách siêu thực.

(**) Là một trong10 họa sĩ vĩ đại nhất trong top 200 nghệ sĩ tạo hình lớn nhất thế giới thế kỷ 20 do tạp chí The Times của Anh công bố; đồng thời là nhà điêu khắc nổi tiếng người Tây Ban Nha.


Anh ấy nhờ tôi dịch hộ bức thư Joan Miró viết cho Goerge, xong lại còn ngỏ ý tặng tôi một bức tranh chép của chủ nghĩa siêu thực, có điều tôi thực sự thấy rằng tranh siêu thực không hợp với gu thẩm mĩ của mình, nên đắn đo mãi tôi mới quyết định đem về bức hoa hướng dương của Van Gogh(*) về. Tôi chẳng thấy hoa hướng dương đẹp, mà còn có phần thấy ghét nó. Vì một Van Gogh hống hách và điên loạn, biết bao lần đã giày xéo tinh thần tôi. Hoa hướng dương không được yêu quý, bởi vì nó là bông hoa đớn hèn.
(*) Là danh họa người Hà Lan thuộc trường phái “ấn tượng”.
Nói tới sếp tôi, thì quả là một người lợi hại. Năm ngoái khi cùng hợp tác dịch mấy tác phẩm của Doris Lessing(**) với chúng tôi, anh ấy nói chắc như đinh đóng cột rằng năm đó giải Nobel văn học sẽ là của quý bà này. Sếp tôi còn bảo, nếu chậm trễ thì tuổi tác như vậy dù được vinh danh tác giả cũng chẳng có phúc mà hưởng nữa. Tôi đã dịch hai truyện ngắn No Witchcraft For Sale và A Mild Attack Of Locusts, về sau dịch cùng đồng nghiệp một vài truyện nữa đều được xuất bản. Quả nhiên là quý bà ấy được nhận giải thật, khi ấy tôi còn nghĩ sếp tôi đáng lẽ ra nên bắt nghiên cứu sinh thi thêm tiếng Anh. Được nhận giải Nobel văn học nên bỗng chốc Doriss trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc và sách của chúng tôi được tái bản liên tục. Đúng là một kết quả ai cũng mong đợi.
(**) Doris Lessing: Nữ văn sĩ người Anh (1919). Năm 2007, Lessing được trao giải Nobel Văn học.
Thế là tôi đành ôm bức tranh ra khỏi văn phòng, chưa đi được mấy bước liền nghe thấy tiếng ông anh lớp trên gọi. Ông anh này cũng là một người kỳ quặc, một tay chơi chứng khoán cừ khôi. Vợ sếp cũng đầu tư chơi chứng khoán, nên tuần nào anh ta cũng tới nhà sếp ăn cơm.

Có lần tôi hỏi anh ta rằng có thể kiếm được nhiều tiền thế sao anh ta còn học cao học làm gì, thì anh ta dứt khoát rằng: “Anh sợ một ngày nào đó tình thế đảo ngược, anh điên cuồng lao vào mà lại phải trắng tay bước ra. Có tấm bằng thạc sĩ thì ít ra anh cũng còn có thể làm thầy giáo tiếng Anh, không đến nỗi bị chết đói”.

Khi ấy tôi thấy ngưỡng mộ anh ta lắm, đến cả đường lùi cho mình cũng phòng sẵn rồi, thảo nào mà hiên ngang tiến tới.

Anh ta gọi tôi, vẻ mặt âu sầu làm tôi nghĩ rằng chứng khoán hôm nay trượt mạnh, nên hỏi thăm tới tấp: “Sao thế anh? Phải đền à?”.

Anh ta gãi đầu nói: “Đâu có, nếu phải đền thì anh đã chẳng phải phiền não đến thế. Dụ Tịch à, giúp anh một việc được không? Cô em họ anh đang phải nằm viện, mà bên viện Đông Hoa hết giường rồi”.

Tôi hỏi rõ sự tình, gần đây sao mà thấy sợ ai đó ốm thế chứ, nhất là con gái nữa.

Anh ta lại thở dài thườn thượt nói: “Mới phát hiện bị u xơ tuyến vú, phải mổ, nhưng khoa ngoại bên đấy nói hết giường nên từ chối rồi, phải kéo dài thời gian phẫu thuật thêm một tuần”.

“Bao nhiêu tuổi rồi anh?”.

“Mười bảy”.

Tôi thấy đáng thương liền gọi điện đến phòng trực khoa ngoại, được biết bố nuôi tôi đang tham gia hội chẩn ở bệnh viện nên tôi lôi ông anh này đến luôn bệnh viện Đông Hoa. Kết quả là tôi quên béng trên tay còn có bức tranh hoa hướng dương. Vì thế mà bị bố nuôi hiểu nhầm. Ông hội chẩn xong ra thấy món đồ trên tay tôi liền nghĩ rằng đó là anh bạn tôi đem quà đến đút lót. Ông nghiêm mặt, quát: “Làm cái trò gì vậy? Đem về mau!”.

Tôi tròn mắt, nói: “Bố hiểu nhầm rồi ạ, đây là bức tranh chép sếp tặng con đấy, bố nghĩ là con mang tặng bố chắc”.

Ông “à” lên một tiếng, nghe ông anh kể rõ sự tình, ông lại nổi cơn tam bành: “Khoa ngoại làm sao mà lại hết giường được, có mà muốn bệnh nhân đưa phong bì ấy, đúng là mất hết y đức rồi!”.

Giọng bố nuôi tôi đúng là to đến mức làm mấy bác sĩ và thực tập sinh trong văn phòng dựng cả tóc gáy. Tôi thấy ông gay gắt như thế, đoán ít ra trong một thời gian ngắn khoa này chẳng ai dám nhận phong bì nữa.

Bố tôi gọi cho chủ nhiệm khoa ngoại, chưa đến hai phút sau bên đó đã gọi lại, nói lập tức có thể làm thủ tục nhập viện. Tôi và ông anh cười phá lên, nhưng bố nuôi tôi càng nổi điên. Thế là ông xem lại lịch phẫu thuật, đưa vài ca lên trên, kéo vài ca xuống sau.

Tôi đi cùng ông anh làm thủ tục nhập viện, người nhà anh đưa cô em gái đến. Cô bé rất đáng yêu, đang độ tràn đầy nhựa sống, bây giờ lại phải khoác lên người bộ quần áo của bệnh viện rộng thùng thình. Tên và bệnh án được dán ở cột giường, y tá đều gọi cô bé là giường số 58.

Đến sách vở cô bé cũng đem tới và như để che giấu nỗi bất an trong lòng, cô bé nói chuyện liên hồi.

Nhìn cô bé mà tôi nhớ lại tôi của ngày xưa, sao đã biết lo lắng cho sức khỏe của mình như thế, lúc đó tôi chỉ biết nghĩ, nếu mai là ngày tận thế thì tôi sẽ đến cửa hàng truyện tranh và đọc hết số truyện ở đó.

Bác sĩ điều trị yêu cầu cô bé làm rất nhiều loại xét nghiệm, chủ yếu là để xác định xem mọi chỉ số có bình thường hay không, như thế mới có thể sắp xếp tiến hành phẫu thuật, chẳng biết có phải do bố nuôi tôi có lời từ trước không mà tôi thấy đến y tá cũng rất nhiệt tình với cô bé.

Phòng bệnh cách phòng trực của các bác sĩ không xa lắm, tôi vốn đã quen đi lại khắp bệnh viện Đông Hoa nên không bị hạn chế như người nhà bệnh nhân. Tôi bước lên chiếc cân điện tử, liền có một y tá nhắc: “Người nhà bệnh nhân không được đến đây”.

Lúc này tôi phát hiện là tay tôi vẫn còn cầm bức tranh hoa hướng dương, nhất định là vì nó mà cân tôi nặng hơn, đang chuẩn bị bỏ nó xuống thì nghe thấy giọng nói quen thuộc: “Không sao, cô ấy là bạn tôi”. Thấy cân nặng giảm đi một chút, tôi hài lòng bước xuống, ngẩng đầu nhìn lên thấy trước mặt là khuôn mặt đẹp trai quen thuộc.

Tôi vô cùng ngạc nhiên, chỉ bức tranh hoa hướng dương vào anh ta: “Sao mà anh chưa về nhà? Không phải là giao ca từ lâu rồi sao?”.

Anh ta cười dịu dàng, nói: “Tôi vừa lên lớp, bây giờ chuẩn bị về nhà đây”.

Tôi chẳng nói gì, thì anh ta hỏi lại tôi: “Sao em lại ở đây? Em gái em khỏe chứ?”.

“Em đưa người khác đến, giường số 58”. Tôi cố tình dành thời gian cho anh ta nghĩ và anh đã không làm tôi thất vọng: “Có phải mới nhập viện, tên Lưu Thi Du, nữ, mười bảy tuổi, bị u xơ tuyến vú phải không? Là bệnh nhân của bác sĩ Hàn”.

Tôi rất phục anh ta, không phải là bệnh nhân của mình mà cũng nhớ kỹ thế, đúng là có thể sánh ngang với máy tính.

Vậy là tôi hỏi: “U xơ tuyến vú là sao hả anh? Lành tính chứ? Có nhất định phải phẫu thuật không?”. Tự nhiên tôi lại trở thành con bé ham học hỏi, nhưng thực ra là tôi sợ mình cũng mắc căn bệnh quái gở này.

Thời gian đó bộ phim Một cặp trời sinh do Dương Thiên Hoa và Nhậm Hiền Tề thủ vai đang rất “sốt”. Trong phim cô nàng Dương Thiên Hoa bị ung thư vú, buộc phải cắt bỏ, nhưng cô lại giành được tình yêu của mình. Kể từ đó khoa Y của trường tôi bắt đầu tuyên truyền rộng rãi việc phòng ngừa căn bệnh này. Tôi còn nhớ những bức ảnh khỏa thân của Triệu Nhã Chi, Lý Tiểu Nhiễm, Ngô Bội Từ. Thật diễm lệ! Phong trào “Dải ruy băng hồng” ấy đã có biết bao ngôi sao nổi tiếng khỏa thân để tuyên truyền buộc tôi cũng phải chú ý đến mức độ nguy hiểm của căn bệnh.

Về nhà tôi tìm Đồng Nhược Thiên hỏi anh ta về bệnh ung thư vú, làm thế nào để phát hiện ra, thế là anh ta lại vứt cho tôi quyển sách Ngoại khoa, bảo tôi tự đi tìm hiểu nếu có hứng thú về nó. Lần đó tôi thực sự phát điên, ném quyển sách trả cho anh ta, bước thẳng ra cửa mà không thèm quay đầu lại nhìn. Một lúc lâu sau anh ta gửi tin nhắn cho tôi, dày đặc toàn chữ là chữ, tất cả đều là về ung thư vú. Tôi phải mất đến ba phút mới mở hết tin nhắn, nhưng đọc qua loa rồi xóa hết đi. Từ đó về sau, tôi không bao giờ hỏi anh ta bất kỳ kiến thức chuyên ngành gì nữa, thấy rằng làm vậy tôi chỉ toàn tự chuốc cái không vui vào người.

Cố Tông Kỳ thì ngược lại. Anh vui lòng giải đáp tất cả những kiến thức chuyên ngành mà bạn muốn biết. Kể cả khi vướng phải điều gì anh chưa rõ lắm thì anh đều về tìm hiểu lại rồi hẹn bạn ra giải thích tiếp.

“Ngực của người bệnh không có cảm giác đau, chỉ có khối u xuất hiện chậm trên bầu ngực, bề mặt bóng, độ hoạt động khá cao”.

“Phẫu thuật là biện pháp chữa trị hiệu quả duy nhất, tuy là có khối u lành tính, nhưng cũng không loại trừ khả năng bị ác tính, vì thế cần phải cắt bỏ hoàn toàn khối u, hạch và cần phải chụp cắt lớp”.

Tôi bắt đầu thấy hoảng, chỉ vào ngực của mình nói: “Em... chắc không bị đâu nhỉ?”.

Anh khẽ nhíu mày: “Thế bình thường em không tự kiểm tra à?”.

“Em không biết kiểm tra thế nào, hơn nữa... nếu mà có bị thật thì chắc em buồn lắm, cho nên đành giả câm giả điếc vậy”.

Anh đưa mắt nhìn tôi, thấy anh khẽ đưa mấy ngón tay thon dài ra, tôi bất chợt nghĩ anh định đưa tay ra làm gì đó, theo bản năng tôi lùi lại phía sau. Anh giật mình, vội thanh minh: “Chỉ là anh định lôi cái ngăn kéo phía trên đầu em thôi, sau cuộc vận động lần trước hình như vẫn còn mấy quyển cẩm nang “Dải ruy băng hồng””.

Anh tìm kiếm một lúc, quả nhiên là còn ở đấy. Anh đưa cho tôi rồi nói với cô bé thực tập sinh: “Đưa cô ấy đi kiểm tra đi”.

Vậy là tôi được đưa tới phòng theo dõi.

Cô em thực tập sinh hình như chạc tuổi tôi. Tôi cởi bỏ cả áo sơ mi lẫn áo lót, việc ấy cô thực tập chắc cũng nhìn quen rồi nên thản nhiên nói: “Ngực chị đẹp nhỉ, bình thường chắc ăn nhiều đu đủ lắm”.

Tôi nghĩ một lát rồi nói: “Hồi nhỏ mẹ nuôi em hay hầm đu đủ với giò heo cho em ăn”.

“Ồ thế á? Hầm thế nào vậy chị?”. Cô ấy bắt đầu mát xa vòng quanh bầu ngực, thi thoảng lại ấn xuống.

Nghe hỏi vậy tự nhiên tôi muốn cười, nhưng cố nhịn, trả lời: “Một quả đu đủ, hai cái giò heo, có thể cho thêm đậu tương hoặc lạc vào. Nói chung là tùy sở thích của mình, hầm chân giò trước, khi chín tới rồi thì cho mấy thứ kia vào hầm lửa nhỏ, thơm lắm”.

“Chân giò giàu protein, thảo nào mà da chị đẹp thế, thật căng mịn”.

Tự nhiên tôi nổi da gà, làm ảnh hưởng ít nhiều đến việc cô ấy kiểm tra. Xong xuôi cô ấy vui vẻ tuyên bố: “Không sao hết, tất cả đều bình thường”.

Lúc bước ra tôi gặp anh Cao Y Thần. Thực ra chuyên khoa cấy ghép ở ngay trên tầng, gặp anh là điều bình thường thôi, nhưng tôi lại rất ngại đụng mặt anh trong bệnh viện.

Anh ta chớp mắt, rất ra dáng phong lưu: “Sao vậy em? Có bạn nằm viện à?”.

Chưa dứt lời thì đã thấy tiếng cô nàng thực tập sinh đang nói như kể công với Cố Tông Kỳ: “Thầy Cố à, cô ấy không bị sao hết, tuyến sữa cũng bình thường, ngực không có khối u cứng, bề mặt da rất mịn màng”.

Nghe thấy thế mà tôi muốn tìm lỗ chui xuống đất, nhất là khi đứng trước mặt tôi lúc này lại là Cao Y Thần nữa chứ.

Thấy Cố Tông Kỳ hơi nghiêng mặt, chỉ là một động tác nhỏ thôi nhưng cũng bị tôi phát hiện, anh còn khẽ mím môi, thể hiện sự không thoải mái.

Cao Y Thần thì lại nhướn mày nói: “Hóa ra là thế à? Thôi lần sau thì cứ tìm anh là được”. Sao tôi thấy lời nói của anh ta vừa đong đưa vừa thâm hiểm. Điều không thể tha thứ được là anh ta dám trêu tôi ngay trước mặt Cố Tông Kỳ.

Tôi giơ bức tranh hoa hướng dương lên, nói lời cảm ơn chân thành với Cố Tông Kỳ và cô nàng thực tập, rồi tỏ vẻ rất ngạc nhiên khi thấy Cao Y Thần: “Ô, hóa ra là anh Cao à? Lâu lắm rồi không gặp anh đấy, nhưng mà giờ em còn có việc, gặp lại anh sau nhé”.

May thay vừa lúc đó cửa thang máy mở ra, tôi vội vàng chui tọt vào trong. Khoảnh khắc thang máy sắp đóng lại tôi nhìn ra thấy Cố Tông Kỳ vẫn đứng đó, ánh mắt mông lung, trông cứ ngố ngố. Lẽ nào một con người tinh nhanh như thế lại có phút lơ đễnh vậy. Đáng yêu biết bao. Như có tia lửa điện vụt qua, tôi chợt nhớ lại một cảnh tượng vốn đã bị niêm phong trong trí nhớ, cũng bộ dạng của anh ta hiện giờ và trong ký ức, khớp lại với nhau một cách kỳ lạ.
Một ngày của hai năm trước, trong phòng cấp cứu tôi nhìn thấy một bác sĩ trẻ trong chiếc áo blouse trắng, đeo khẩu trang. Tôi còn nhớ loáng thoáng cái vẻ anh ta đờ người, giống như Cố Tông Kỳ khi nãy.

Anh chàng bệnh nhân bị tai nạn ô tô, mặt bị rách hết, cần phải khâu. Anh ta muốn ra ngoài gọi điện thoại. Mươi phút sau, một nhóm người đẹp đủ loại độ tuổi bước vào, đứng chật cả phòng cấp cứu. Anh chàng bệnh nhân kia nói với bác sĩ: “Anh phải khâu cho tôi đẹp đẹp vào đấy, nhất định phải khâu đẹp vào”.

Vị bác sĩ kia tần ngần, một lúc lâu sau liền đặt dụng cụ khâu xuống, nói với bệnh nhân: “Thực ra thì nếu trong vòng bảy mươi hai tiếng không khâu vết thương cũng không sao cả, hay là anh cố đợi đến mai để liên hệ với bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình nhé”. Anh ta nói với giọng rất chân tình, không hề có ý cười nhạo bệnh nhân.

Sau đó tôi rời đi, vì hôm đó tôi đã xui quá rồi, nên không thể tiếp tục mất mặt được nữa.

Một mình tôi đứng trong thang máy, nghĩ ngợi linh tinh.

Lúc bước ra, chợt ngửi thấy mùi hương thoang thoảng đâu đây. Có một bác mặc áo bệnh nhân, tay ôm bó hoa to bước vào thang máy, một bó hoa cúc, điểm baby trắng và hoa phăng. Hoa cúc vàng giống hệt như bức tranh hoa hướng dương của Van Gogh, khiến người khác nhìn vào là đem lòng yêu ngay. Vậy là tôi quyết định đem bức tranh về treo và bắt đầu muốn làm việc chăm chỉ.

Bước đến cầu thang tầng hai, nhớ ra rằng hình như cô em gái vẫn nằm viện nên tôi quay lại thăm nó.

Phòng cấp cứu vẫn khá bận rộn, vừa bước vào đại sảnh liền nghe thấy tiếng cô y tá: “Mau gọi điện thoại cho khoa ngoại, nói họ đến làm phẫu thuật, ổ bụng của bệnh nhân chảy nhiều máu quá”.

Không biết Cố Tông Kỳ giờ đã về nhà chưa, nếu không với cái tính lo lắng cho bách tính như anh ta nhất định sẽ chạy tới xem tình hình thế nào. Ti vi vẫn đang chiếu tin thời sự, chiếm trọn màn hình là khí phách hiên ngang của Hồ Ca, người nhà ngồi chờ ở đại sảnh đều ngắm nhìn anh ta với con mắt hâm mộ. Chỉ ngoại trừ cô em gái tôi.

Bác sĩ đứng cạnh giường cô nàng có bộ dạng như rất dễ bị bắt nạt, đang rất bất lực, tôi bước tới thì nghe thấy giọng thỏ thẻ của cô nàng: “Em nhất định phải ra viện, em không muốn ở đây nữa”.

Bác sĩ nói phải đợi người giám hộ đến mới được.

Đúng lúc đó, thấy tôi vào nó liền cắn cắn môi nũng nịu với tôi: “Chị ơi, em muốn về nhà, em không muốn ở đây nữa đâu”.

Tất nhiên là tôi không thể tự mình quyết định, hỏi: “Mẹ đâu? Em muốn ra viện thì phải được mẹ đồng ý, gọi điện cho mẹ đi”. Tôi thấy chiếc chăn của bệnh viện đã được thay bằng chiếc có hình gấu Pooh, thật là ngứa mắt.

Chị giúp việc nói mẹ tôi đi họp, muộn mới về làm thủ tục ra viện cho Dụ Lộ, tôi gật đầu, tiện tay cầm chai hồng trà Icetea trên bàn đầu giường lên, vẫn chưa mở nắp. Cô em tôi chỉ vào bức tranh hoa hướng dương hỏi: “Chị Dụ Tịch, có phải là để tặng em không?”.

Tôi thấy Dụ Lộ đúng là có dáng làm quan trời sinh, trời sinh ra cô nàng nhất định cũng phải có ích gì đó. Nhưng tôi vẫn tận tình giải thích rằng: “Đây là bức tranh chép thầy giáo tặng chị, thực ra chị không có ý định qua đây...”.

Đôi mắt long lanh mở to nhìn tôi một lúc rồi cười dịu dàng nói: “Nhưng em thấy nó rất đẹp”.

Vậy là tôi đầu hàng rồi, đặt bức tranh dựa vào tường, tôi ra về mà không thèm quay đầu lại nhìn.

Tôi đã kiểm nghiệm câu nói lưu manh của con mèo Garfiled(*): “Cái của bạn cũng là của tôi, còn cái của tôi thì chỉ là của tôi mà thôi”.


(*) Garfiled là nhân vật chính hư cấu trong truyện tranh cùng tên của tác giả Jim Davis.
Ánh nắng chói chang buổi trưa chiếu rọi cả đại sảnh, bậc thềm đá cũng tràn ngập ánh sáng nhức mắt, ánh mắt trời rực rỡ làm tôi thấy hoa mắt. Tay cầm chai hồng trà, tôi bước đến khu ghế đá phía trước phòng cấp cứu ngồi nghỉ, mở chai nước uống một hơi. Ngước mắt nhìn lên bầu trời rộng lớn, suy nghĩ không biết bản thân mình có bị tan ra hòa vào ánh dương chói lọi kia không? Nước mắt có thể bốc hơi, hóa thành nước và uống vào bụng không? Tự nhiên tôi thấy mình trở nên quá nhạy cảm.

Không biết tự lúc nào tôi lại quan tâm đến những thứ tôi có trong tay như vậy, nhưng bất kể lúc nào tôi đều cố tỏ ra rằng mình không hề để ý đến chuyện đó. Hồi nhỏ, khi gấu Pooh hay mèo Kitty bị Dụ Lộ ôm đi mất, tôi chỉ toàn an ủi mình rằng đó là những thứ không thuộc về mình, giả vờ như mình rộng lượng lắm, chưa bao giờ dám nói một câu tựa như: “Đây là đồ của chị, em đừng có động vào”. Tôi nghĩ, đấy chỉ là những đồ vật bên ngoài, có được cũng là do vận may, mà không có được cũng là do số phận nó thế rồi. Và thế là tôi thấy lòng nhẹ nhõm hơn nhiều.

Về đến ký túc xá, tôi xem nốt Ánh sáng của đom đóm, đến đoạn Hotaru và Fujuki được ở bên nhau, tự nhiên tôi không thấy vui sướng mà lại cảm thấy thương anh chàng đẹp trai không có được tình yêu. Tôi lại tải một bộ nữa về, có tên là Code Blue, không biết nội dung là gì, dự định để sau xem dần.

Ngủ một mạch đến sáng, thức dậy chuẩn bị sách vở đến khu tự học, cố gắng chăm chỉ một bữa xem sao, chuẩn bị tương lai còn xuất sắc hơn người, để áo gấm về làng nữa chứ. Thực ra tôi là người khi bắt đầu làm gì cũng hừng hực quyết tâm, nhưng chỉ ngồi trong phòng tự học yên tĩnh một tiếng đồng hồ là tôi bắt đầu thấy chán nản, cô đơn. Tôi thầm cầu nguyện, nếu như có một chàng hoàng tử đẹp trai nào đó cứu tôi ra khỏi cái phòng tự học đáng ghét này thì dù anh ta mời tôi ăn cơm hay bắt tôi trả tiền cũng được, chỉ cần có cho tôi một lý do nào đó để rời khỏi phòng tự học là được hết. Đang lúc tôi cắn đầu bút, quả thật là có tin nhắn đến. Là cậu bạn từ nhỏ Tần Chi Văn, cậu ấy muốn mời tôi đi ăn, nhưng tôi phải trả tiền. Thế là tôi vui mừng hớn hở ôm sách nhảy chân sáo ra khỏi khu tự học, vứt hết mấy cái mục tiêu phấn đấu vừa vạch ra. Những điều vừa nêu đây muốn nói rằng tôi là một người rất dễ thay đổi.

Cậu ấy muốn tôi mời đi ăn ở quán cá hương vị Hồ Nam(*), gần bệnh viện Đông Hoa, món cá cay ở đó làm rất đúng với hương vị gia truyền. Hai đứa tôi hồi còn ở Đức đã rất nhớ cái vị cay cay ấy, nhưng mà chị giúp việc hoàn toàn không biết nấu cơm, thực phẩm châu Á ở siêu thị thì không đầy đủ, mỗi ngày chúng tôi chỉ có thể ăn lạp xưởng xào khoai tây và hành tây, đến cơ hội để ăn móng giò cũng không có vì hai đứa không biết tiếng Đức.
(*) Vị Hồ Nam: Một trong tám hương vị ẩm thực đặc trưng của Trung Quốc, có nguồn gốc ở khu vực tỉnh Hồ Nam, có vị chua cay thơm.
Vừa ngửi thấy mùi cay ấy, mọi phiền não trong tôi vội tan biến: “Ôi thơm thế chứ!”.

“Thơm thật đấy”, Tần Chi Văn tán thưởng.

Cô em phục vụ đứng bên cạnh cũng phải cười bẽn lẽn nói: “Vâng, đúng là rất thơm ạ, mời anh chị dùng ạ”.

Hiếm thấy có thái độ phục vụ tốt như thế, đang tâm trạng tốt, tôi lia đôi đũa sang nói: “Cậu cũng nếm thử xem sao”. Một giọng nói vui vẻ và bay bướm cất lên: “Vậy thì anh không khách sáo nữa nhá”.

Ngẩng đầu lên thấy ông anh Cao Y Thần và cả một đoàn người đi đằng sau, trong đó có cả bố nuôi tôi và Cố Tông Kỳ.

“Mọi người hôm nay tụ tập ăn uống à?”, tôi buông đũa rồi bước đến bên bố nuôi, “Sao mà kéo nhau đi cả thế này?”.

Bố nuôi đưa thực đơn cho người bên cạnh, uống hớp trà rồi nói: “Hội chẩn xong rồi thì đi ăn cơm thôi. Sao, hôm nay hẹn hò với bạn trai à? Trùng hợp quá nhỉ?”.

Tôi dẩu môi lên: “Cái con muỗi(*) đấy á, bạn trai gì chứ?!”.


(*) Tên của Tần Chi Văn, trong tiếng Trung đồng âm với cách đọc từ con muỗi.
Lúc đó Tần Chi Văn cũng bước tới chào hỏi: “Em chào giáo sư Trần”.

Tôi lén liếc mắt sang phía Cố Tông Kỳ, anh đang chăm chú nghiên cứu thực đơn, gọi món xong anh cũng đưa mắt nhìn sang phía tôi, trong giây lát tôi phát hiện ra có sự thay đổi trong ánh mắt ấy, đó là khi anh nhìn Tần Chi Văn. Anh khẽ nhíu mày, vẻ mặt có chút nghiêm nghị. Có lẽ vì đọc nhiều tiểu thuyết tình cảm, nên phản ứng đầu tiên của tôi là hai người Tần Chi Văn và Cố Tông Kỳ có quen biết, thậm chí có khi lại có ân oán riêng gì đó. Nhưng tôi không nói gì hết.

Chẳng còn tâm trí đâu mà ăn cá nữa, tôi ngồi quay lưng về phía họ, ăn cơm mà cứ có cảm giác ai đó đang nhìn chằm chằm vào mình, lạnh sống lưng, khiến tôi ngồi đấy mà như bị kim châm.

Không khí bên bàn họ thật náo nhiệt, ăn xong tôi đi rửa tay, lúc quay lại thấy có người dựa vào tường ngoài hành lang, lại cứ nghĩ rằng mình uống hơi nhiều nên chẳng để ý lắm. Khi đi qua rồi tôi mới nghe thấy có tiếng rầm phía sau lưng, quay đầu lại thấy một bác trung niên đang ngã ra đất, người co giật. Tôi điếng người, nhưng bản năng phi thường liền cất tiếng gọi: “Bố ơi, có bệnh nhân!”.

Dứt lời thì thấy tiếng kéo ghế, rồi tiếng chân vội vã chạy tới, rất nhiều người đổ ra xem. Đang hoảng loạn, tôi bị một cánh tay kéo ra, nói: “Để anh, em bảo mọi người gọi điện cho phòng cấp cứu bệnh viện đi”.

Tôi còn đang đờ người nhìn bác kia, nhưng vẫn nhận ra giọng nói đấy là của Cố Tông Kỳ. Và bàn tay anh ấy có chút lạnh nhưng rất kiên định, lại có sức mạnh của sự tự tin.

Lập tức có người gọi điện thoại, đám bác sĩ vây quanh chỗ đó, bố nuôi đứng ngay trước mặt tôi, tiếng Cố Tông Kỳ bình tĩnh cất lên: “Chân tay co rút, hai tay co quắp, hai chân bị duỗi thẳng, hai đồng tử giãn rộng, mất khả năng phản xạ ánh sáng và phản xạ sinh lý, không có cảm giác đau, không còn ý thức, đã rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Nghi ngờ đỉnh đầu bên trái có khối u”.

Có vị bác sĩ khoa Thần kinh nói ngay: “Có phải là sưng máu không? Thế thì xong rồi, khó giải quyết đây, yêu cầu bên phòng cấp cứu chụp CT”.

Sau đó đoàn cấp cứu tới đưa bệnh nhân đi, tôi thấy bác sĩ khoa Thần kinh chạy theo họ, vừa đi vừa nói: “Chỗ cá còn lại nhớ gói về cho tôi nhé”.

Mọi người đều bật cười, còn tôi thì không cười nổi.

Cái đèn pin Cố Tông Kỳ dùng để kiểm tra phản xạ ánh sáng của đồng tử mắt quay vòng vòng trong không trung, tôi thấy anh chẳng nói chẳng rằng, chỉ nhìn ra bên ngoài khẽ lắc đầu.

Ánh nắng trời thu thật rực rỡ, nhưng chiếu rọi trên khuôn mặt anh sao lại như lớp sương mù che phủ.

Anh có hàng mi cong cong, rất điềm tĩnh, chiếc cằm kiên nghị, có một mùi hương thật đặc biệt, không đơn thuần là mùi thuốc sát trùng, mà có một thứ mùi hỗn hợp của hương trà cổ. Tôi cúi đầu, bóng tôi và bóng anh như chồng lên nhau dưới nắng thu.

Chẳng ai để ý rằng tôi và anh cứ đứng đấy một cách ngốc nghếch nên tôi thỏ thẻ nói: “Em thấy mình như biến thành thám tử Conan vậy, đến chỗ nào là chỗ đó có bệnh nhân ngã xuống trước mặt em”.

Anh cúi xuống nhìn tôi, hỏi: “Cái gì mà Conan cơ? Vì sao mà em nói thế?”.

Tôi giải thích sao với anh nhỉ? Tôi bèn nói rằng đó là một nhân vật thám tử trong truyện tranh Nhật Bản, rõ ràng là chàng trai trông lúc nào cũng nghiêm túc này không hề biết, nên chỉ đành trả lời cho xong rằng: “Ý của em là, thôi, không giải thích rõ ràng được”.

Anh cười cười: “À, bệnh tình của bệnh nhân vừa nãy không được ổn lắm”.

“Chuyện gì vậy ạ?”.

“Có khả năng là thùy não trái xuất huyết, tụ máu cấp tính dưới lớp màng não cứng, sưng não nên có rất nhiều khả năng sẽ bị hôn mê lâu đấy”. Anh thả lỏng vai, ngẩng đầu lên, nên ánh nắng chói lọi kia liền chiếu thẳng vào tôi.

“Anh đã từng làm ở phòng cấp cứu hả?”. Tôi muốn xác nhận lại xem có đúng là tôi đã từng gặp anh ở phòng cấp cứu viện Đông Hoa không.

Cố Tông Kỳ gật đầu nói: “Ừ, hai năm trước anh đã từng làm ở đó nửa năm”.

Hóa ra đúng là anh, chính là vị bác sĩ khi đó tôi thấy rất đáng yêu ấy, tôi chớp chớp mắt, nhướn mày hỏi anh: “Cái ông bệnh nhân bị tai nạn mặt đầy thương tích ấy, sau đó đi phẫu thuật thẩm mỹ thật hả?”.

“Hả?”. Anh không ngờ rằng tôi sẽ hỏi như vậy, liền chớp mắt rồi cười phá lên, “Không, anh ta vẫn cảm thấy khâu có lẽ sẽ tốt hơn, nhưng đe dọa anh rằng nếu anh khâu không tốt anh ta sẽ kiện anh”.

“Sau đó thì sao?”.

“Sau đó khâu xong rồi thì anh ta về”.

Nụ cười của anh thật nhẹ nhàng như đám mây bồng bềnh trên trời thu xanh biếc, tôi nghĩ nếu như anh cười thêm chút nữa chắc sẽ đẹp trai lắm, nhưng mà có thể thấy bác sĩ khoa ngoại cười đã là chuyện hiếm gặp rồi.

Điện thoại của bố nuôi tôi đổ chuông, bên bệnh viện giục ông sang làm phẫu thuật, họ nói bệnh nhân béo quá, bụng to như núi vậy, tất cả số móc đều không đủ dài, nên yêu cầu ông quay về xem tình hình.

Tôi chen vào hỏi: “Lớp mỡ dày bao nhiêu vậy ạ?”.

Vị bác sĩ trong điện thoại lập tức trả lời: “Như ba quả núi ghép lại vậy”.

Tôi thấy thật buồn cười, hứng chí gắp liền mấy miếng cá.

Cố Tông Kỳ đứng bên cạnh tôi nói khẽ: “Ớt có hại cho dạ dày đấy, tốt nhất nên ăn ít thì hơn”.

Lúc đấy mọi người đều đi hết rồi, còn tôi, Tần Chi Văn và Cao Y Thần ngồi một bên, tôi còn chỉ vào trán mình rồi nói: “Còn dễ nổi mụn nữa, nhưng mà ngon thì ăn hết”.

“Nổi mụn không phải là vì hoocmon sao?”. Cao Y Thần nhìn tôi cười mà giả vờ như không.

Tôi lườm anh ta nói: “Đợi em hai mươi lăm tuổi mới nghĩ đến vấn đề hoocmon”.

Cuối cùng có thể yên tĩnh mà ăn nốt miếng cá rồi.

Lần thứ hai sau khi ăn no, vì cay mà mặt đỏ bừng nên tôi đi rửa mặt. Bọn Tần Chi Văn lái xe về rồi, còn lại tôi trong thang máy, gặp Cố Tông Kỳ đang gọi điện thoại.

Anh quay lưng lại với tôi, tay vịn vào lan can, bờ vai gầy gầy, có thể thấy đó là một đôi vai thật quyến rũ.

Tôi thấy anh nói: “Con biết rồi, bây giờ con sẽ đi ngay, vâng, con biết là ở nghĩa trang Phổ Nguyên, vâng, con biết rồi”. Anh quay người lại, thấy tôi liền cười nhẹ một cái, nói: “Đi thôi”.

Tôi đang tính xem làm sao để lấy được số điện thoại của anh.

Thang máy thật là chậm, chỉ có hai đứa tôi, lòng tôi rối bời, cố mím chặt môi không nói câu nào. Đột nhiên anh cất tiếng: “Dụ Tịch à, bác sĩ Cao Y Thần nói thế nào nhỉ, em là một cô gái tốt...”.

Hóa ra vị bác sĩ này cũng không phải tuyp người chậm hiểu lắm đâu, cũng tinh phết đấy, nghe hiểu trò chơi chữ giữa tôi và Cao Y Thần, tôi giả vờ cười tự nhiên, nói: “Thực ra em cũng không muốn thế nào đó với anh Cao Y Thần đâu, nhưng mà anh biết đấy, con gái không có người yêu thì đúng là một việc thảm vô cùng”.

Anh có phần hơi ngạc nhiên, chưa kịp nói gì thì thang máy đã “ding” một cái, báo xuống đến tầng một. Tôi ngẩng đầu lên, nói với anh bằng giọng đùa cợt: “Cho nên, làm sao bây giờ, lẽ nào bác sĩ Cố Tông Kỳ chịu làm người yêu của em?”.

Tôi không đợi xem vẻ mặt của anh như thế nào, liền vẫy vẫy tay chào tạm biệt: “Em chỉ đùa thôi, đừng có mà cho là thật nhé, gặp lại anh sau nha”.

Dứt lời tôi bước vội ra ngoài.

Mấy chiếc lá khô bay bay rơi xuống chân tôi, giẫm lên nghe sột soạt thật thú vị, bầu trời xanh biếc, vài đám mây bay lơ lửng trên trời, ánh nắng cứ chiếu rọi xuống nhân gian, không khí mùa thu tràn ngập khắp bầu trời.

Mồ hôi tay túa ra, tôi phải rút giấy ăn ra lau. Đến lúc này tôi mới nhận ra rằng, nếu như tôi có ý gì với người đàn ông kia, thì chiến lược của tôi là đúng đắn, chỉ là dùng sai chiến thuật. Một người có tính cách chính trực, ôn hòa như Cố Tông Kỳ thì phải tỏ tình trực tiếp, chứ không thể nói ẩn nói ý được. Mà tôi bây giờ, nhất định là bị anh ấy ghét rồi.



Chương 3

KHI TÌNH YÊU BỪNG NỞ NHƯ HOA MÙA HÈ

Cả buổi tối tôi suy tư, không phải là vì nhận thấy mình có tình cảm đặc biệt với Cố Tông Kỳ, nhưng lại là thứ cảm giác thật khó chịu trong lòng, dồn nén nhiều chuyện trong lòng dễ khiến người ta muốn nổ tung. Thế nên tôi mở Code Blue ra xem, và kết quả chứng trầm cảm giai đoạn đầu đã hoàn toàn hồi phục. Cả tối xem liền ba tập cho đến tận nửa đêm, tôi sắp rơi nước mắt vì cảm động, vì hâm mộ, hay vì khát khao? Nói chung là rất phức tạp.

Tôi đem cả đống tâm trạng phức tạp ấy vào giấc ngủ, hình ảnh của bác sĩ Aizawa Kosaku áo xanh cứ lởn vởn trong đầu tôi, tôi nhớ lại cảnh phim diễm lệ phần đầu, Kosaku thay áo để lộ chiếc bụng sáu múi. Đúng là cái cảm xúc này quá phức tạp, khiến tôi rơi vào trạng thái si mê, tôi liền ghép mặt Cố Tông Kỳ vào thân của Kosaku rồi bắt đầu tưởng tượng, mãi đến tận khuya tôi mới chìm vào giấc ngủ. Vì phải dịch tác phẩm nên cuối cùng vẫn không thể kiềm chế được ham muốn trong lòng.

Đến ngày thứ tư, không nhịn được nữa tôi mở xem tập tiếp theo, rồi đem cảm xúc dạt dào ấy chạy đến quán cà phê trong trường, sếp tổ chức họp ở đấy. Sếp là một thân sĩ tốt nghiệp Luân Đôn, rất thích trao đổi những điều tâm đắc trong học hành với bọn tôi vào giờ uống trà chiều. Mười mấy con người ngồi đấy cười nói rôm rả, uống cà phê, trà sữa, bàn tán chuyện trên trời dưới biển. Học sinh của những ông chủ khác đều rất ngưỡng mộ chúng tôi.

Sếp hỏi dạo này tôi đọc sách gì, muốn chúng tôi xem xem có khả năng biên dịch xuất bản không.

Anh khóa trên trả lời đầu tiên: “Em đang đọc My Life As A Quant, theo em thấy thì cuốn này cũng bình thường thôi ạ, nhưng mà với người Trung Quốc thì vẫn rất cần thiết, vì nó là do ông chủ đầu tư phố Walls viết”.

Sau đó anh lại bổ sung thêm một câu: “Cuốn này giúp em hiểu ra rằng những nhà vật lý học cũng có thể trở thành quan khách, đồng nghĩa với điều đó các nghiên cứu sinh thạc sĩ ngành văn học Anh - Mỹ cũng có thể trở thành nhà đầu tư mạo hiểm thành công hay bất kể là người nào mà các bạn muốn”.

Lời anh ấy nói rất có sức hút, hơn nữa còn chạm vào tận trái tim chúng tôi, nên mọi người đều vỗ tay.

Sếp gật đầu nói: “Rất tốt, em về dịch hai chương cho tôi xem trước nhé. Người tiếp theo nào”.

Khi những người khác nói thì tôi cố lôi trong đầu xem rốt cuộc mình đã xem cuốn bản gốc nào rồi, dẫu sao cũng không thể nói với sếp rằng gần đây tôi xem một câu chuyện tình gian truân của một cô gái vốn không muốn yêu đương gì. Tôi vắt kiệt não cũng không thể nghĩ ra điều gì hơn.

Cuối cùng đã đến lượt tôi, không biết vì sao mà tự nhiên một ý tưởng lóe lên trong đầu, tôi bắt đầu bịa rằng: “Em đang đọc một quyển nói về bác sĩ ngoại khoa, không phải toàn là kiến thức chuyên ngành mà là một câu chuyện nhỏ, từ đó nói lên sự vĩ đại của tình người”.

Có trời mới biết sao lúc đó tôi lại có thể bịa ra những lời như vậy được, nhất định là di chứng do xem Code Blue.

Sếp có vẻ như khá là hài lòng nói: “Dụ Tịch à, tôi thấy cuốn đó hay đấy, em đọc đến đâu rồi?”.

Tất nhiên là tôi bình tĩnh trả lời: “Vì em không rõ lắm về mấy kiến thức chuyên ngành ngoại khoa, nên tiến độ hơi chậm”.

Sếp uống một ngụm cà phê, nói: “Em về dịch hai chương cho tôi, loại sách này trên thị trường không nhiều, có thể vì quá chuyên ngành nên không nhiều nơi bán lắm, nhưng câu chuyện như em nói thì lại rất hay”.

Tôi cười cười, nhưng trong lòng đang chảy nước mắt, ông trời ơi, tôi biết đi tìm câu chuyện tính người của bác sĩ ở đâu bây giờ. Tất cả chỉ là là bịa chuyện thôi mà.

Mấy ngày hôm nay tôi đều tìm cách tránh xa bệnh viện Đông Hoa, mọi hoạt động của tôi cũng chỉ giới hạn trong phạm vi xung quanh những người khỏe mạnh. Tôi rất sợ rằng tần suất tiếp xúc với các bác sĩ ở đấy sẽ biến tôi thành người có “sức hút” của Conan.

Ông anh lớp trên vào viện thăm em gái, tôi thì đi tìm bố nuôi, mục đích là để thảo luận xem trên cái thế giới này có tồn tại cuốn sách nào nói về “câu chuyện về bác sĩ nhân tính hóa” kia không.

Sau khi nghe xong miêu tả của tôi, ông nghĩ một lát rồi nói: “Có phải là con muốn đọc một cuốn về ngoại khoa không?”.

Tôi xua xua tay nói: “Không phải, là một câu chuyện cơ, ví dụ như hôm nay có bệnh nhân nào tới, bị bệnh gì”.

Suy nghĩ của ông phải nói là chuyển rất nhanh, nhưng rõ ràng là vẫn chưa theo kịp suy nghĩ của tôi, “Vậy thì là báo cáo bệnh án à? The New England Journal Of Medicine, trên tạp chí New England nhiều lắm”.

Tôi muốn nổi điên. Vậy là tôi chạy lên khoa ngoại, vốn là định tìm ông anh để than thở, cũng tiện để nghĩ cách giải quyết. Kết quả là lại gặp ngay Cố Tông Kỳ ở hành lang, anh không mặc blouse, chắc là vừa lên lớp về. Bước ra phòng bệnh thấy tôi anh hơi giật mình, rồi mỉm cười để giấu đi phút giật mình.

Lập tức tôi kéo anh ta lại hỏi, thái độ rất khiêm tốn: “Bác sĩ Cố à, anh đã từng đọc sách nào nói về bác sĩ, không phải là sách chuyên ngành đâu, kiểu như các câu chuyện xâu chuỗi với nhau, nhưng phải là sách nguyên bản bằng tiếng Anh cơ”.

Anh suy nghĩ một lúc rồi nói: “Có phải sách kiểu như Sức sống không giới hạn không?”. Thấy tôi bị anh nói cho hồ đồ rồi, anh lại nghĩ ngợi một lát, nói: “Hay giống như Câu chuyện phòng cấp cứu?”.

Lúc này tôi đã hiểu ra rồi, mắt rực sáng, hỏi: “Có không anh? Là sách nói về tính nhân văn, sự quan tâm của bác sĩ ấy, là tác phẩm nguyên bản nhé”.

“Có, gần đây anh đang đọc một cuốn là When The Air Hits Your Brain - Tales of Neurosurgery, kể về bác sĩ ngoại khoa thần kinh, cũng giống như loại truyện em đang hỏi, rất hay”.

Mắt tôi như sắp chảy nước rồi, tôi nói: “Nhanh nào, anh có cuốn đó không, em muốn đọc, em phải dịch”.

Dường như anh bị bộ dạng sắp chết đói của tôi làm hoảng sợ, nên trịnh trọng gật đầu nói: “Có chứ, nhưng không để ở văn phòng, ở nhà cơ, có phải em đang cần gấp lắm không? Hay để anh về lấy nhé”.

Tôi cảm thấy làm người thì không thể vì đạt được điều mong muốn rồi mà còn lấn tới, nên tôi nghĩ một lát rồi bảo anh: “Cũng không phải là vội lắm, hay là mai anh trực thì mang tới cho em, rồi em qua lấy”.

Anh đưa mắt nhìn xuống, khẽ nói “Ừ”, sau đó đưa tay gạt sợi tóc rơi trước đuôi mắt qua tai. Nhờ thế mà tôi thấy được ngón tay thuôn dài của anh, được thấy chiếc gáy nhỏ nhắn, cả chiếc xương đòn thuôn dài, cuối cùng là cơ ngực như của Kosaku. Tôi đỏ bừng mặt, lòng cũng nóng rực, vội đi vào phòng bệnh của em gái ông anh.

Bọn họ đang xem ti vi, bên cạnh còn một giường nữa, bà ấy đang trùm kín chăn, tôi còn nghĩ là do xấu hổ gì cơ, nhưng người nhà đứng bên lại hỏi không ngừng: “Mẹ, còn thấy lạnh nữa không? Có cần đắp thêm một cái nữa không ạ?”

Tôi thì cũng là đứa lắm chuyện, tự cho rằng mình là thiên sứ áo trắng luôn giúp người khác, liền hỏi: “Có chuyện gì vậy ạ?”.

Người nhà liền trả lời: “Mẹ tôi đang sốt, cứ kêu lạnh thôi”.

Tôi thấy lạ, sau đó xem bệnh án của bà treo trên cọc, hóa ra hôm qua vừa làm phẫu thuật cắt trĩ, tôi mới nghĩ rằng bị sốt không thể là do nhiễm trùng sau phẫu thuật, nên nói luôn: “Thế sao anh không gọi bác sĩ đến xem sao?”.

Người nhà mới nhìn tôi với ánh mắt kỳ lạ: “Thì tôi nghĩ cô là bác sĩ cơ”.

Tôi nghĩ chẳng lẽ trông tôi giống vị bác sĩ nhân từ thế sao? Rồi họ nói một loạt tiếng địa phương gì đó và đi mất. Sau đó bác sĩ Cố có mặt, mang theo hai sinh viên thực tập, cởi cúc áo rồi nghe tim, có lẽ là nghe thấy âm thanh u u gì đó, xong chẳng nói lời nào rồi bỏ đi. Trong đầu tôi nghĩ có làm sao hay không thì anh cũng phải nói một câu chứ, người nhà bệnh nhân cũng không vội, đợi thêm mười phút nữa thì Cố Tông Kỳ quay lại, theo sau là một y tá đến tiêm dexamathasone. Cố Tông Kỳ bước tới giường của cô em gái, hỏi thăm chút tình hình, cô bé nắm lấy một góc chăn, nói mỗi câu mà vừa chậm vừa dài, đợi Cố Tông Kỳ đi khỏi, ông anh mới hỏi: “Em phẫu thuật trung khu ngôn ngữ à?”.

Cô em lanh lợi cãi lại: “Cứ đợi khi nào anh phải nằm viện, mà nhìn thấy có cô y tá xinh đẹp thì anh mới hiểu được vì sao”.

Anh ta gãi đầu ngượng nghịu nói: “Chỉ mong rằng khi đó cô y tá xinh đẹp không phải nối ống dẫn nước tiểu cho anh là được”.

“Cho nên em mới rất thích bác sĩ Cố tới phòng kiểm tra bệnh tình, nhưng rất may là bác sĩ phẫu thuật chính không phải là bác sĩ Cố”. Cô bé chống má nói rất thành khẩn, khiến tôi lại nhớ đến bộ phim Code Blue. Tôi vừa bước ra khỏi phòng vừa cười.

Nhưng vừa bước ra tôi gặp một ai đó, nhìn kỹ hóa ra là cậu sinh viên thực tập thô lỗ, trên tay đang bê ba hộp cơm, mỡ còn ngấm ra ngoài túi, tôi mới “á” một tiếng hỏi: “Món cá om cà tím của quán Tiêu Tương, ăn tối đấy à?”.

Cậu ấy hi hi cười gượng, chạy vội vào văn phòng, sau đó tôi tránh đi, nghe thấy tiếng của Cố Tông Kỳ: “Các em chưa ăn cơm à, ăn đi rồi viết sau cũng được”.

Mùi thơm của món cá om cà tím và gà Cung Bảo bay ra làm tôi phải nuốt nước miếng. Nhìn đồng hồ treo ở hành lang, đã sáu rưỡi rồi.

Nhưng trời vẫn rất sáng, nhìn ra bên ngoài qua cửa sổ hành lang, bầu trời đỏ rực, đường chân trời xanh thẫm dường như hòa vào ánh đèn thành phố, sự tồn tại của tôi nhỏ bé biết bao. Giữa chân trời mọi thứ dường như đều trở thành hư vô, những âm thanh hỗn tạp bên tai, tiếng chuông điện thoai, tiếng rên la của bệnh nhân cũng tan dần. Tôi nhắm mắt để cảm nhận cơn gió nhẹ của trời thu, trong giây phút này tôi quên mất rằng mình đang ở trong bệnh viện, nơi gắn với tính mệnh con người. Bỗng nhiên cảm giác luồng gió thổi qua mặt như yếu đi, tôi mở mắt thấy cửa sổ bị khép bớt, Cố Tông Kỳ thì đang đứng cạnh tôi, nói với tôi bằng kiểu nói như với bệnh nhân: “Gió to dễ bị cảm đấy em”.

Tôi tự tin nói với anh rằng: “Không sao đâu, sức khỏe em rất tốt”.

Rồi tôi lại không kìm nổi nhìn anh một cái, chiếc thẻ trên ngực hình như là bức ảnh từ mấy năm về trước, trông anh lúc đó rất trẻ, hiện rõ vẻ non nớt. Còn bây giờ, tướng mạo không thay đổi mấy, nhưng đã chín chắn hơn rất nhiều, tính cách ôn hòa, khiêm nhường, lúc tiến lúc lùi, bình tĩnh điềm đạm. Tôi đoán có lẽ anh đã có người yêu rồi, chắc không còn là trai tân nữa.

Tôi hỏi anh: “Sao không đi trực vậy? Có vẻ như đang rất rảnh rỗi nhỉ?”.

“ICU(*) sắp tới hội chẩn bệnh nhân giường 42 nên anh ra ngoài thả lỏng tinh thần chút”. Anh cười nhẹ nhàng, “À đúng rồi, mai trước khi em đến nhớ gọi điện cho anh trước nhé, có thể anh đến khoa khác hội chẩn, cũng có thể ở phòng cấp cứu”.
(*) ICU - Intensive care Unit - đơn vị cấp cứu đặc biệt của bệnh viện.
“Vâng, nhưng em không mang điện thoại”. Nên tôi ngửa tay ra bảo anh: “Anh viết tạm vào đây vậy”.

Ông trời chứng giám, sao tôi có thể không mang điện thoại cơ chứ, chỉ là tôi muốn cân nhắc một lúc, tôi muốn để Cố Tông Kỳ để lại trên tay tôi dấu ấn khó quên bằng chính nét bút của anh, chủ yếu là nếu tay anh nắm lấy tay tôi thì tốt biết bao.

Nhưng anh hơi ngạc nhiên một chút nói: “Như thế chữ dễ bị trôi lắm”. Rút trong túi ra một cây bút, xé quyển sổ cầm tay lấy một tờ, viết xong đưa cho tôi nói: “Giữ lấy nhé”.

Tôi còn chưa kịp xem thì điện thoại trong túi đổ chuông, nhạc chuông là bài hát chính trong bộ phim Code Blue có tên là Hanabi. Tôi giật nảy mình, lời nói dối của tôi chẳng lẽ bị lột trần nhanh vậy sao?

Cố Tông Kỳ cười rất lịch sự rời đi. Bóng anh hòa vào màu tường xanh, ánh hoàng hôn hắt vào lưng anh. Người đàn ông này, đường vai thật gợi cảm. Tôi không hề muốn anh có người yêu chút nào, lúc đấy thật sự tôi đã nghĩ như vậy.

Bước từng bước xuống cầu thang, tôi gọi điện lại cho bố nuôi. Ông bảo ngày mai đi tắm suối nước nóng cùng ông. Vốn là tôi định từ chối, nhưng kết quả ông nói sếp tôi và viện trưởng cũng đi, nghĩ một lúc tôi lại đồng ý. Sau đó tôi ngồi ở sảnh tầng hai, ngắm nghía số điện thoại và nét chữ của Cố Tông Kỳ. Thật giống như ngón tay và đường vai của anh, cũng có thể làm người ta tim đập nhanh, mặt đỏ bừng. Nhưng khuôn mặt, cử chỉ, lời nói của anh đều đúng mực, trước giờ không vượt quá giới hạn. Tôi bắt đầu thấy đau đầu. Đã bao nhiêu năm rồi, giờ tôi mới lại thấy có chút phiền não, nên tôi lại định rụt vào vỏ ốc của tôi, tiếp tục sống tiếp những tháng ngày tự mình hài lòng, an nhàn thảnh thơi. Tôi không muốn gặp Cố Tông Kỳ, anh khiến cho cuộc sống của tôi trở nên điên đảo.

Tôi ngồi đó thẫn thờ, ánh đèn đại sảnh chiếu rọi mặt đất, tôi thấy thứ ánh sáng rực rỡ ấy thật nhức mắt nên đứng dậy chuẩn bị ra về. Nhưng sau lưng có người gọi tên tôi, quay lại mới thấy bức tranh hoa hướng dương đáng ghét đang ở trong tay Cố Tông Kỳ, cánh hoa vàng rực và màu xanh của lá tự nhiên lại khiến tôi có cảm giác thân thiết lạ thường.

“Bức tranh này...” không phải đáng lẽ phải ở phòng Dụ Lộ sao?

“Bức tranh này là của em phải không?”, anh cười hiền hòa nói: “Anh tới phòng cấp cứu làm phẫu thuật thì vô tình nhìn thấy nó dựng ở góc tường trong phòng trị liệu, có phải khi em tới thăm em gái bỏ quên không?”.

Tôi không nói được lời nào.

“Cầm lấy này, tác phẩm chủ nghĩa siêu thực của Van Gogh rất tuyệt vời, bông hướng dương rất đáng yêu”.

Tôi chỉ có thể tần ngần đưa tay ra đón lấy bức tranh nói: “Vậy thì em về đây”.

Anh quay lưng bước vào thang máy, tôi cầm bức tranh bước ra bên ngoài. Một mớ hỗn độn đang luẩn quẩn trong đầu, tôi lại bắt đầu nhớ tới anh bác sĩ Kosaku điển trai, và cả kỹ thuật cắt khí quản của anh ta. Tôi mong rằng Cố Tông Kỳ chỉ là một hình tượng bác sĩ điển trai hư cấu trong các bộ phim truyền hình của đại lục, tôi nhìn thấy được nhưng không đạt được.

Tối hôm sau, tôi đi suối nước nóng cùng bố mẹ nuôi.

Tôi đến muộn, thấy chẳng có mấy người, nghĩ rằng sẽ chỉ có mấy người quen quen đấy thôi.

Vì ngồi máy tính lâu nên vai tôi thường bị đau nhức, có một lần còn bị ngất trong căng tin của trường. Tôi còn nghĩ rằng bị ung thư não gì gì đó, bố nuôi ấn vào lưng khiến tôi phải kêu oai oái.

Tôi nói, đại sư ấn cho cháu sướng quá.

Thế nên sau này ngày nào tôi cũng trèo tường.

Trèo tường ở đây không phải hiểu theo nghĩa bóng chỉ thứ tình cảm ngoài luồng(*), mà là một phương pháp điều trị viêm cơ vai. Cụ thể là chỉ người bệnh áp cánh tay vào tường, từ từ trèo lên, lên tới đỉnh rồi thì lại làm lại từ đầu.
(*) Trong tiếng Trung có một câu thành ngữ chỉ việc người phụ nữ

có tình cảm khác ngoài chồng, âm Hán Việt là “Hồng hạnh xuất tường”,

xuất tường có nghĩa là trèo ra khỏi bức tường (nghĩa bóng là giới hạn gia

đình), đồng nghĩa với việc trèo tường.


Nhưng hình như bị lâu rồi mà hiệu quả không rõ rệt lắm, nên tôi định dùng liệu pháp ngâm nước suối nóng xem sao.

Thực ra tôi là người rất sợ nóng, suối nước nóng thực ra là nước đun sôi bình thường. Tôi ngâm đến lúc không chịu được nữa thì trèo lên, mặc quần áo đi ăn lẩu Ishikari nabe(*) đặc sản của Hokkaido cùng bố mẹ nuôi.


(*) Ishikari nabe: Món lẩu gồm hỗn hợp cá hồi, củ cải Nhật, hành

tây, đậu hũ, bắp cải, tỏi tây và nấm đông cô.


Vì hầu hết các bác sĩ đều đã từng đi du học hoặc đi bồi dưỡng kiến thức ở Nhật Bản, đối với họ hương vị món ăn Nhật rất quen thuộc, nên họ đòi hỏi khẩu vị phải thế này thế kia.

Bố nuôi tôi đã từng đi tu nghiệp ở khoa Y trường đại học Tohoku, nên khi nói đến người Nhật cũng có thương có ghét.

Có một lần ông giảng về Y học Trung Quốc và Nhật Bản, có rất nhiều sinh viên đều là những thanh niên yêu nước, xôn xao bàn tán rằng bố nuôi tôi là do Nhật cử đến, không có lòng tự tôn dân tộc, đến khi buổi giảng kết thúc bố tôi đi xuống dưới lớp, đứng trước các học sinh mà nói rằng: “Tôi đã lấy bao nhiêu ví dụ về những cực đoan trong thể chế trị liệu của Trung Quốc và những tiến bộ của Y học Nhật Bản, mục đích chỉ có một, đó là hy vọng các em sau này có thể đứng trên bục giảng kia, có thể nói ra rằng cứ phải đi Nhật để tu nghiệp làm gì, Y học Trung Quốc đã đủ tuyệt vời rồi”.

Cuối cùng ông cũng đã giương cung dẹp tan những học sinh có suy nghĩ không hay kia.

Hầm đầu và trứng cá hồi, cho thêm cẩu bảo, nấm hương, nấm kim châm, miến, khi bày lên mâm thì cho thêm dầu sữa để tăng mùi thơm của nước dùng, đây chính là hương vị Ishikari nabe nổi tiếng của Hokkaido. Rồi hào nướng than, vắt thêm mấy giọt chanh, cả món ghẹ hoa thơm ngon nữa.

Lúc ăn tôi lại còn nhớ tới đám sinh viên thực tập với món cá om cà tím quán Tiêu Tương và Cố Tông Kỳ, thế nên có chút tâm hồn treo ngược cành cây. Một lúc sau viện trưởng và sếp tôi cũng tới ăn cơm, viện trưởng trông mấy món ăn Nhật là nhăn mặt.

Sếp tôi và viện trưởng vốn không hợp nhau, viện trưởng thì thích EE Cummings(*), Emerson(**), Thoreau(***), suốt ngày chỉ nghiên cứu lĩnh vực đấy. Còn sếp tôi thì cực coi thường, ông nghĩ rằng những thứ không kiếm được tiền đều là rubbish (Vật vô giá trị, người thừa), cho nên bọn tôi sau lưng viện trưởng đều gọi ông là rubbish. Về sau chẳng hiểu sao sếp tôi lại biết được, nói rằng có khi gọi là fast food (Đồ ăn nhanh) có khi lại hay, và gọi tắt là FF.
(*) Là nhà thơ, nhà soạn kịch, họa sĩ, nhà văn người Mỹ (1894-1962).

(**) Ralph Waldo Emerson (1803-1882) là nhà viết tiểu luận, nhà thơ,

triết gia người Mỹ, và cũng là người đi đầu trong phong trào tự lực cánh

sinh và triết lý siêu việt.

(***) Henry David Thoreau (1817-1862), là nhà văn, nhà thơ, nhà

tự nhiên học, nhà sử học, nhà triết học, nhà địa hình học mẫu mực

người Mỹ.
Và thật trùng hợp, viện trưởng lại có họ là Phó.

Mà ông rất ghét mọi người gọi ông là Viện trưởng Phó(*), vì như thế dễ khiến người khác hiểu rằng học viện chúng tôi không có viện trưởng.


(*) Cách phát âm Viện trưởng Phó (Fu Yuanzhang) giống như cách

phát âm phó viện trưởng (cũng là Fu yuanzhang).


Sếp tôi bước tới, mở miệng là nhắc: “Quyển sách kia đọc tới đâu rồi?”.

Tôi cười ha hả, vẫn chưa trả lời thì viện trưởng nói: “Chẳng mấy khi có dịp đi chơi, thôi đừng nhắc mấy cái chuyện biên dịch sách vở đấy nữa, đời người lúc nào cần hưởng thụ thì cứ hưởng thụ đi đã”.

Sếp tôi mới “hứ” một tiếng, gọi một đĩa bò bít tết tái, viện trưởng ngồi cùng mâm với bố mẹ nuôi tôi, hỏi mấy câu rất đời thường rằng: “Dụ Tịch có phải là chưa có người yêu không? Có cần phải giới thiệu cho em một anh không?”.

Tôi cũng đáp luôn: “Có ạ”.

Bố nuôi tôi thì liên tục nháy mắt ra hiệu với tôi, nghĩ một lúc tôi cũng định đính chính lại, viện trưởng Phó tỏ ra rất vui vẻ nói: “Cháu trai bác trông cũng được, điều kiện gia tình cũng tốt, bản thân nó càng không có gì phải bàn, là bác sĩ khoa ngoại bệnh viện Đông Hoa”.

Lập tức có người nói ngay: “Dụ Tịch chắc biết người đó, là Cao Y Thần đấy”.

Giờ tôi mới hiểu vừa rồi tại sao bố nuôi tôi lại cứ nháy mắt.

Tôi còn biết nói sao nữa, chỉ đành gật đầu: “Dạ biết ạ”.

Viện trưởng càng vui nói: “Biết nhau thì tốt quá rồi, cháu thấy sao?”.

Nếu mà gán ghép tôi và Cao Y Thần thành một đôi thật thì đúng là xong chuyện. Cả đời tôi sống trong cái bóng bắt gian và chống lại bắt gian. Nên tôi mở tròn mắt vẻ ngây thơ vô tội, tỏ ra như rất ngạc nhiên nói: “Không phải anh Cao có bạn gái rồi ạ? Lần trước cháu còn gặp hai người tay trong tay đi dạo phố, tình cảm lắm”.

Rồi còn tỏ vẻ như rất ngại nói: “Viện trưởng à, liệu bác có thể giới thiệu cho cháu ai đó còn độc thân được không ạ? Chứ phải làm người thứ ba thì cháu không làm được đâu”.

Mọi người cười ha ha, kể cả cái điện thoại đang nằm yên trong túi tôi cũng rung liên hồi.

Tôi nghĩ có khi mình bị trúng tà mất rồi, là điện thoại của Cao Y Thần gọi.

Không ngờ anh ta cũng tới đây cùng chúng tôi, tôi thấy nản, những lời vừa nãy chắc cũng lọt đến tai anh ta ít nhiều rồi. Anh ta bảo tôi ra ngoài nói chuyện, tôi cũng chỉ đành nghe theo.

Đã rất tối rồi, màn đêm đã bao phủ hoàn toàn. Tôi tới cái đình đằng sau sân, ở đó có một cái cây rất cổ, gió thổi, lá kêu xào xào, giống như chuông gió được treo trên bầu trời, thi thoảng có chiếc lá khô rơi xuống chân. Đó chính là tiếng thu.

Khẽ nghiêng đầu dựa vào lan can, tôi cảm thấy hình như có người đang giật giật tóc tôi. Dưới ánh sáng mờ mờ tôi phát hiện ra ngón tay của Cao Y Thần đang đan vào mái tóc tôi, mờ ảo khiến người ta thấy hơi run sợ.

Tôi hơi nghiêng mặt nói: “Ối, đừng giật tóc em, em không muốn còn trẻ thế mà đã phải dùng Bá Vương(*) đâu”.
(*) Bá Vương là thương hiệu dầu gội đầu dành cho những ai bị rụng

tóc, hói đầu.


Anh ta buông tay, tôi nói vẻ rất nghiêm túc: “Úi, Cao Y Thần à, anh toàn trêu ghẹo các cô em kiểu vậy à?”.

Đuôi mắt anh ta rất nịnh, tôi thấy Cao Y Thần có một vẻ bề ngoài rất hút gái, hơn nữa lại trở thành một khí chất lười biếng phong lưu.

Một nụ cười bay ra từ khóe miệng anh ta: “Không, anh chẳng trêu ghẹo em nào hết, toàn là các em ấy trêu ghẹo anh thôi, chỉ có duy nhất một người anh vẫn đang chọc ghẹo chính là em đấy”.

Cái kiểu tán tỉnh lộ liễu thế, tôi không hiểu mới lạ.

Tôi cười, đành tròn mắt nói: “Nếu vậy thì em phải cảm tạ ân sủng của hoàng thượng rồi?”.

“Không cần khách sáo đâu em”. Anh ta chẳng ngại ngùng gì lấy tay vén tóc tôi qua tai, ngón tay mát lạnh trượt dần từ trên xuống dái tai, tôi run run, liền tỏ ra phật ý.

“Cao Y Thần, em thấy hai đứa mình nói chuyện thật vô vị”, tôi nhìn giờ, đã không còn sớm nữa, nên dứt khoát nói: “Thôi, em về đây, nói chuyện với anh chẳng nói được điều gì trọng tâm cả”.

Tôi đứng dậy định đi thì bị anh ta kéo lại, dưới ánh đèn mắt anh đảo liên hồi. Tay anh ta trắng như thế, dài như thế khiến người ta có thể nghĩ miên man, nhưng không có cảm giác an toàn như với Cố Tông Kỳ.

Anh ta gượng cười nhìn tôi nói: “Tịch Tịch à, không phải là em thích Cố Tông Kỳ đấy chứ?”.

Tôi không nói gì, lòng đang rối bời với muôn vàn suy nghĩ.

“Nhưng em nói là không muốn theo đuổi một tình yêu không thực tế cơ mà. Anh nói cho em biết Cố Tông Kỳ đã có người yêu, chẳng lẽ em muốn hạ mình đi làm người thứ ba? Nếu như em muốn như thế thì vừa nãy ai nói rằng những chuyện như vậy cháu không làm nổi?”.

Lần đầu tiên tôi thấy anh ta nhanh mồm nhanh miệng thế, tôi bực mình nói: “Có con chó mới nói thế”.

Anh ta cười phá lên, lắc đầu nói: “Được, Dụ Tịch à, vậy thì anh sẽ xem xem em có biến thành con chó không nhé”.

Tôi hất tay anh ta ra, bước về phía đại sảnh, không thèm quay đầu lại nhìn. Đầu tôi đang muốn nổ tung, sao Cố Tông Kỳ lại có người yêu rồi chứ? Vì sao vậy? Rốt cuộc là vì sao?

Thật không giống như trong tiểu thuyết tình cảm, những anh chàng đẹp trai thường độc thân, vẫn còn “trong trắng”, chờ nữ chính tới “chà đạp”.

Cái giọng đáng ghét kia vang lên rõ ràng: “Tịch Tịch, từ giờ đến khi em hai mươi lăm tuổi vẫn còn hai trăm bốn mươi ba ngày đấy”.

Trời đã khuya lắm rồi, một mình tôi đi trong khuôn viên bệnh viện Đông Hoa. Cái thành phố sầm uất này vẫn thanh bình trong tiếng ca hát và ánh đèn xanh đỏ. Hai bên đường um tùm toàn cây ngô đồng, thân cây tuy đã nhuốm màu thời gian nhưng lá vẫn rất um tùm.

Đó chính là hơi thở của sự sống, mặc dù là vậy nhưng lá cũng sẽ dần khô héo và rụng đi.

Ánh đèn sáng trắng, bao trùm khắp mặt đất từ cổng viện đến tòa nhà, bước chân lên như đang dạo chơi trên tuyết.

Tôi vào thang máy, ấn tầng sáu, nhưng lập tức thấy hối hận nên lại ấn tầng năm, để đối diện với Cố Tông Kỳ tôi cần chút thời gian chuẩn bị tâm lý.


Bước từng bước nặng nề, các phòng bệnh dường như đã tắt đèn. Ở bàn y tá cũng chỉ còn mỗi một cô đang viết hồ sơ bệnh án. Tôi tiến tới xem, thấy tay cô ấy vừa nghiêng cái, bút đã lăn đi rõ xa và cô ấy tỉnh giấc.

Tôi nhìn cô ấy vẻ thông cảm, trong lòng thấy hơi bồn chồn.

Có thể trong đêm yên tĩnh thế này, tôi rón rén vào văn phòng bác sĩ. Một vị bác sĩ nội trú đang nằm bò trên bàn ngủ, một sinh viên thực tập khóa ba thì chắc là vừa tỉnh ngủ nên chẳng quan tâm đến sự có mặt của tôi, ngất ngưởng mò vào phòng vệ sinh.

Cố Tông Kỳ thì đang ngồi trước máy tính, chống tay lên trán, mắt nhắm nghiền.

Trên màn hình máy tính là sơ đồ bệnh án của hai mươi lăm bệnh nhân, ánh sáng trắng hắt vào khuôn mặt anh, lúc này trông anh thật đẹp. Anh cứ yên lặng ngồi im như thế trước mặt tôi, giống như một bức tranh cổ nhuộm màu thời gian. Tôi không lên tiếng cứ nhìn anh như thế, tôi nghĩ giờ cứ nhìn anh thêm một chút, biết đâu sau này chẳng còn cơ hội.

Ai bảo anh có người yêu cơ chứ, ai bảo tôi là một con người đạo đức.

Sau lưng vang lên tiếng ai đó uể oải nói, là cậu sinh viên thực tập vừa nãy: “Chào chị, chị tìm bác sĩ Cố à?”.

Tôi vẫn chưa kịp phản ứng thì anh mở mắt nhìn tôi, giây phút ấy ánh mắt tôi chạm với ánh mắt mệt mỏi, mơ hồ và yếu đuối của anh, nhưng chỉ trong tích tắc nó biến mất. Anh chớp chớp mắt nói: “Ơ, là em à?”.

Có thể là lâu quá không mở miệng nói, nên giờ cổ họng tôi tự nhiên lại không nói nên lời, mất một lúc lâu sau mới “ừ” được một tiếng.

Anh đứng dậy rót nước cho tôi, lấy trong ngăn kéo ra một quyển sách, đưa cho tôi nói: “Chính là quyển này đây”.

Tôi sướng điên lên, lật trang đầu tiên đọc một lúc rồi lại lật đến đằng sau, nhận ra đúng là câu chuyện mà anh nói, nói về bác sĩ khoa Thần kinh, có điều là rất nhiều từ chuyên ngành mà tôi chẳng hiểu gì hết.

Anh kéo ghế cho tôi ngồi, lại rót thêm nước rồi ngồi xuống cạnh tôi dùng máy tính.

Được một lát, tôi hỏi mà không thèm ngẩng đầu lên: “Có từ điển không anh?”.

“Có từ không biết hả?”.

Tôi không dám rời mắt khỏi đoạn văn dài khoảng mười sáu từ ấy, nói: “Vâng, từ chuyên ngành nhiều quá”.

Anh quay sang nhìn rồi nói: “Có nghĩa là điện tâm đồ, đây là phẫu thuật mổ sọ não, anh nói chầm chậm, em ghi lại nhé, đừng vội”.

Tôi thấy Cố Tông Kỳ có thể làm một quyển từ điển sống rồi, thậm chí còn là từ điển chuyên ngành đa chức năng.

Từng cơn gió thu đêm thổi nhè nhẹ, lướt qua mặt tôi, thổi bay sợi tóc ngắn trước trán anh, lật những trang sách của tôi và anh, thổi xô trái tim vốn đã từ lâu không nổi sóng.

Một chiếc lá không biết vì sao lại rơi xuống bàn.

Những đường gân lá mảnh mai, trong sắc vàng khô vẫn giữ lại chút sắc xanh, màu sắc thuần khiết, tự nhiên nhất của tự nhiên bỗng nhiên tôi lại nhớ tới bài thơ Sống như hoa mùa hạ của Tagore(*): “Em đã thấy tình yêu, em tin vào tình yêu; Tình yêu như chiếc đầm đầy tảo lam; giống như một cơn gió se lạnh; len lỏi vào từng huyết mạch đang thiếu máu của em; chiếm giữ lòng tin vào năm tháng”.


(*) Rabindranath Tagore (1861-1941) là một nhà thơ Bengal, triết gia,

nghệ sĩ, nhà viết kịch, nhà soạn nhạc và tiểu thuyết gia. Người đoạt giải

Nobel đầu tiên của Ấn Độ.
Đột nhiên tôi lại trở nên đa cảm.

Anh nhẹ nhàng nhặt chiếc lá, cười và nói với tôi: “Em biết không, anh nhớ tới câu thơ cuối cùng trong bài Sống như hoa mùa hạ của Tagore: Bát nhã ba la mật, từng tiếng từng tiếng; thì hãy sống như hoa mùa hạ và chết như lá mùa thu, ta còn muốn có những gì nữa”.

Tôi ngẩn người, chưa đợi tôi mở miệng nói, điện thoại phòng trực đã reo lên.

Trong đêm tĩnh vắng, không khí yên ắng ngoài hành lang chợt bị phá tan, tôi thấy tiếng cô y tá bên kia hô hào: “Cấp cứu, cần kiểm tra lại phẫu thuật mổ bụng”.

Tôi còn chưa kịp phản ứng gì thì Cố Tông Kỳ quay sang nói với tôi: “Xin lỗi em, kiểm tra lại phẫu thuật mổ bụng chắc phải mất thời gian lắm, muộn như thế này rồi, nếu em thấy về không an toàn thì cứ ở lại đây đợi, lát nữa anh gọi xe cho em”.

Nói xong anh chạy vội đi, ống nghe còn treo trên cổ anh, theo sau là một bác sĩ nội trú, hai sinh viên thực tập, cảnh ấy sao mà giống các bác sĩ khi cấp cứu trong Code Blue vậy.

Tôi cầm cuốn sách của anh, đứng ngoài hành lang lạnh lẽo đợi thang máy.

Trong đầu tôi lại nhớ tới lời của Cao Y Thần và cả hình ảnh của Cố Tông Kỳ, cái tên khốn Đồng Nhược Thiên kia có khi đã bị tôi cho vào quên lãng rồi.

Thế nên tôi mới rất vui, đúng là cái mới chưa tới thì cái cũ chưa đi, nhưng tôi mất những ba năm mới nhận ra điều đó.


Chương 4

EM ĐÃ TỪNG YÊU ANH, NHƯNG GIỜ CHỈ MUỐN QUÊN ANH

Về tới ký túc xá, không ngủ được nên tôi tranh thủ dịch hai chương truyện, đến khi trời tờ mờ sáng thì tôi cũng viết xong. Cảm thấy cả người như sắp kiệt sức đến nơi, lôi điện thoại ra nhìn giờ, thấy có một cuộc gọi nhỡ và hai tin nhắn.

Đều là của Cố Tông Kỳ, anh hỏi xem tôi đã về đến ký túc xá chưa, hai tin nhắn gửi cách nhau khá xa.

Tôi nghĩ chắc khi anh làm phẫu thuật có dư chút thời gian và rảnh tay nhắn cho tôi cái tin, đúng là phong thái của đại sư, tôi nhắn lại nói: “Em đã về từ lâu rồi, cám ơn anh nhé”. Sau đó tắt máy và leo lên giường ngủ ngon lành.

Đến khi tỉnh lại thì đã đến chiều, bạn cùng phòng không biết đã đi đâu từ sớm.

Nói đến đây thì tôi là một người rất cô đơn, tính cách thì không được các bạn nữ ưa thích lắm. Từ hồi học đại học tôi đã không hòa đồng cùng tập thể rồi, các bạn trong ký túc tụ tập bàn chuyện quần quần áo áo, tán phét thì tôi chẳng bao giờ tham gia. Bọn họ tụ tập ăn uống hát hò sinh nhật tôi cũng không thuộc diện được mời.

Nhiều lúc tôi thấy tình bạn giữa con gái với nhau thật là giả dối. Có lúc rõ ràng thấy quần áo của họ không đẹp, thế mà cứ phải ra sức cười tươi khen nó đẹp; hay khi người ta yêu, lại thốt ra toàn những lời chúc hạnh phúc giả dối, còn trong lòng thì lại mong họ sớm chia tay.

Tôi chẳng cần những tình cảm giả tạo ấy của người khác, cũng không cần phải để ý đến sắc mặt của họ.

Tần Chi Văn nói tôi một mình lâu rồi nên quên mất phải sống với người khác thế nào, nhưng cậu ấy cũng chẳng có tư cách gì mà nói tôi.

Duy nhất chỉ có một cô bạn có thể nói chuyện với tôi được vài câu là bạn học hồi cấp ba. Giờ cô ấy đang học nghiên cứu sinh trên miền bắc, thường xuyên lên mạng nói chuyện với tôi, chia sẻ những hậm hực về bạn cùng phòng, rồi gửi ảnh các hot boy để an ủi nhau.

Tôi vào mạng, đúng lúc cũng thấy cô ấy trên mạng, tôi tâm sự với cô ấy rằng gần đây tôi quen một vị bác sĩ cực kỳ tốt, lại cực đẹp trai, nhưng mà người ta có người yêu rồi, đây chính là điều khiến tôi đau đầu nhất.

Cô ấy trả lời chỉ một chữ: “Tấn công!”.

Để tỏ ra trượng nghĩa tôi nói: “Thôi”.

“Sao vậy? Một chàng trai tốt không phải được đào tạo mà thành, mà là được một người con gái đào tạo ra, đợi chúng ta đến cướp”.

“Cậu tử tế chút có được không vậy”.

“Có tử tế thì cũng không giúp cậu tìm người yêu, cũng không làm cậu lấy được giấy đăng ký kết hôn, cũng không giúp cậu sinh con được”.

Tôi vẫn rất kiên định, kiên quyết một cách lạ thường, nói: “Không cần”.

“Vậy thì chiến lược lần này của cậu hỏng rồi”, rõ ràng là cô ấy đang cười tôi.

“Không phải”. Tôi vẫn rất cứng đầu nói: “Chỉ là trượt thời gian thôi”.

Phía bên kia im lặng một lúc rồi nói: “Vậy thì triển khai chiến thuật của cậu đi, có tin tức gì mới thì thông báo với tớ một tiếng nhé. À đúng rồi, cậu có ảnh anh ta không? Gửi tớ xem nào”.

Tôi không có, nếu có thì nhất định cũng không gửi cho cô ấy xem, thế nên tôi trả lời rất dứt khoát: “Không có”.

Avatar của cô ấy tối luôn, nhưng lại sáng ngay lập tức, cô ấy bảo: “Dụ Tịch, nhớ là đừng có nóng vội nhé, nhớ lời dạy của tớ, kiểu con trai như vậy chỉ có thể cưa chầm chậm thôi, không được làm gì hấp tấp quá”.

Nhớ lại Cố Tông Kỳ nói câu bông đùa hôm nọ, tôi gục trán xuống bàn phím.

Bên ngoài mặt trời sáng rực, tĩnh mịch. Tôi bắt đầu kiểm điểm lại cuộc sống ba năm qua, giống như mùa thu rực rỡ, bề ngoài thì chói lọi nhưng thực ra còn cách cái lạnh lẽo của mùa đông không xa nữa rồi.

Giờ đến yêu tôi còn không biết nữa, huống hồ bảo tôi bày tỏ tình cảm với một người con trai mà tôi thấy tuyệt vời.

Con người tôi từ khi Đồng Nhược Thiên ra đi dường như đã bị hóa đá, không thể có biến chuyển gì được nữa, dần dần bắt đầu mọc ra sâu rồi. Tôi có thể cảm nhận rõ ràng rằng phần nào đó của đời tôi đã bị người đàn ông kia mang đi.

Cảm giác trái tim rung động và chịu đựng, có thể yêu hèn mọn, khóc âm thầm, tất cả đều dở dang.

Có khi dễ dàng rung động trước một người, nhưng lại toàn chùn bước, càng tiến về phía trước càng lo sợ sự thật được công bố. Chắc là vì chúng ta đều đã từng sống trong phập phồng lo sợ nên mới chối từ làm người chịu tội thay.

Tóm lại rằng tôi đã kiểm điểm xong và phát hiện ra rằng không phải lỗi ở tôi, nên tôi lại vui vẻ đi ăn cơm.

Trên đường tôi gặp giáo sư Trương ở trung tâm tư vấn tâm lý của trường. Thầy là bạn thân với sếp tôi. Tôi chạy lên nói chuyện với thầy vài câu, thầy bảo chứng trầm cảm của cô em gái tôi nghe chừng nặng lên chút ít.

Đó là câu trả lời tôi đã sớm nghĩ tới, tôi thở dài nói: “Ngày trước nó thường xuyên than ngắn thở dài, thỉnh thoảng lại khóc lóc, lần này lại còn tự tử, haizz, nó thật đáng thương”.

Thầy nghiêm khắc nói: “Bệnh trầm cảm này khi phát tác đến mức nặng có thể thường xuyên xuất hiện suy nghĩ muốn chết, có thể là tự sát hoặc tự thương”.

“Giống như Hemingway(*) ạ?”.

Thầy thở dài một tiếng nói: “May là học ngành Văn học, quãng đời còn lại của ông phải áp dụng phương pháp điều trị ECT(**), nhưng mà thầy vẫn nghĩ là em gái em nên viết cái gì đó, có khi lại trở thành Hemingway thứ hai ấy chứ”.

Tôi tròn mắt, không đưa ra ý kiến gì, hỏi: “À, thế bố mẹ em có nói gì không ạ?”.

“Thầy khuyên là nên cho Dụ Lộ uống thuốc để khống chế bệnh không bị nặng hơn. Này Dụ Tịch, sao mà hai chị em em đối ngược nhau nhiều vậy? Em thì tính cởi mở, Dụ Lộ thì xém chút nữa đã chết, sao mà khác nhau nhiều thế?”.

Tôi ngẩn ra một lúc, cười cười nói: “Thực ra cũng chẳng có gì khác đâu ạ, ha ha”.

Thực ra mà nói Dụ Lộ vốn không nên bị như thế, nó lúc nhỏ đáng yêu lắm, ảnh ở nhà vẫn còn lưu giữ lại khoảnh khắc huy hoàng một thời ấy.

Nhiều khi tôi không hề trách bố mẹ tôi thiên vị, tôi hồi nhỏ phải nỗ lực bao nhiêu thì tôi đều cố gắng bấy nhiêu, mãi cho đến năm lớp sáu(***) mới được đeo khăn quàng đỏ, so với tôi thì Dụ Lộ cứ như là một thiên sứ vậy.
(*) Ernest Miller Hemingway là một tiểu thuyết gia một nhà văn

viết truyện ngắn và là một nhà báo người Mỹ. Năm 1961, vài ba tuần

trước sinh nhật lần thứ 62 của mình, ông đã chết tại nhà riêng ở Ketchum,

Idaho, sau khi tự nã đạn vào đầu mình bằng một khẩu súng săn.

(**) ECT là phương pháp điều trị bằng xung điện hay còn gọi là liệu

pháp choáng điện, là phương pháp điều trị bệnh trầm cảm hiệu quả nhất.

(***) Ở Trung Quốc lớp sáu mới là năm cuối tiểu học.
Năm bảy tuổi nó đã vào đội nghệ thuật Tiểu Đinh Hương, học piano, lĩnh xướng, học thì giỏi đến mức khiến người ta ghen tỵ. Mặc dù hai đứa tôi nhìn khá giống nhau, nhưng từ nhỏ tới giờ, mọi ánh mắt hay yêu thương đều được dành cho nó.

Vậy mà bây giờ mọi thứ lại thay đổi, ánh mắt của mọi người đổ dồn vào tôi, còn tình thương của bố mẹ vẫn dành cho nó.

Tục ngữ đã nói rồi, hy vọng càng lớn thì thất vọng càng nhiều, Dụ Lộ như thế, bố mẹ tôi dường như phải chịu toàn bộ trách nhiệm.

Bữa tối ăn chẳng thấy ngon miệng gì, tự nhiên tôi lại thấy nhớ cô em gái.

Vậy là tôi bắt taxi về nhà, gõ cửa một hồi chẳng thấy ai ra, đành lôi chùm chìa khóa lâu lắm rồi không được dùng đến, mở cửa thấy mọi thứ quăng lung tung bành trên sàn, búp bê này, cả sách vở nữa.

Trong nhà chỉ bật mỗi ngọn đèn vàng, nhìn cứ như là trong rừng rậm vậy.

Bố mẹ tôi ngồi trên sofa thở dài, tôi vội hỏi: “Có chuyện gì vậy ạ?”.

“Em con làm chị giúp việc tức quá bỏ đi rồi”.

Tôi “ồ” một tiếng, chẳng nói chẳng rằng nhặt các thứ lên ghế. Mẹ tôi bắt đầu than thở: “Em con đúng là nóng tính, chị giúp việc thì cũng không được học hành tử tế, lại mở xem sách của em con, thế là nó mới nổi cơn tam bành, nói những câu khó nghe làm cho chị giúp việc tức quá bỏ đi luôn”.

“Tìm người khác vậy”.

“Làm gì mà dễ dàng thế, khó lắm mới tìm được một người giúp việc nhanh nhẹn, thôi vậy, đành tìm người khác chứ biết sao”.

Bố tôi châm điếu thuốc, hút vài hơi mới quay sang hỏi tôi: “Con về làm gì vậy?”.

Tôi ngước mắt nhìn, trong làn khói thuốc tôi thấy bố khẽ chau mày, dấu ấn thời gian đã lộ rõ trên khuôn mặt ông. Một nhân viên nghiên cứu quèn bừng bừng khí thế một thời đã leo lên được vị trí trên vạn người nay cũng đã già yếu rồi.

“Con về lấy ít đồ”. Ngoài cái lý do này ra tôi không biết tìm lý do nào khác.

Cửa phòng Dụ Lộ vẫn đóng im ỉm, tâm sự của nó, bí mật của nó và cả cuộc đời nó dường bị nhốt trong không gian chật hẹp ấy. Bỗng nhiên tôi vừa muốn khóc lại vừa muốn cười, tôi không tốt gì nhưng cũng còn hơn nó.

Lúc ấy tôi nghĩ, nếu như Dụ Lộ muốn tự tử, nhất định tôi sẽ không ngăn cản, vì tôi hiểu nó, cũng giống như tôi đã từng như thế.

Tôi vơ tạm vài bộ quần áo rồi đi, mẹ đang gọi điện thoại nên tôi nhẹ nhàng đóng cửa lại rồi chạy lên tầng, gõ cửa nhà bố mẹ nuôi.

Cô Lý ra mở cửa, trong phòng toàn mùi hoa quả, bố nuôi tôi nói: “Dụ Tịch à, mau lại ăn dưa hấu này”.

Tôi nói: “Ái chà, sang thế cơ ạ, đào ở đâu ra vậy bố?”.

Mẹ nuôi giải thích: “Bố con làm phẫu thuật xong, người ta đem biếu, chuyển từ Hải Nam đến đấy”.

“Đảo Hải Nam có dưa hấu ạ? Cũng ngọt đấy nhỉ?”.

Bố nuôi ăn xong, vứt vỏ đi rửa tay, vừa đi được nửa bước liền quay đầu nói với tôi: “À này Tịch Tịch, bố nói cho con biết nhé...”, ông đứng lại ngước nhìn trần nhà nói: “Vừa định nói với con cái gì nhỉ?”.

Ông quay lại ghế, nhặt miếng vỏ dưa lên, trầm ngâm một lúc rồi lắc đầu: “Chịu, không nhớ ra nổi, khi nào nhớ ra thì nói với con sau”.

“Trí nhớ của bố con càng ngày càng kém rồi”. Mẹ nuôi tổng kết một câu như thế, “À phải rồi, chị em gọi điện tới nói muốn giới thiệu người yêu cho Tiểu Quyên Tử, hỏi xem ở viện có cậu nào ổn ổn không”.

Rửa tay xong bố nuôi lại ngồi bên cạnh tôi nói: “Tôi không có thời gian đâu, bà có lòng thì tự tìm lấy nhé”.

“Khoa mình thì chẳng có ai được cả, à, khoa ngoại không phải có cậu tên Cố Tông Kỳ sao, tôi hay thấy mấy cô bé trong khoa mình bàn tán về cậu ấy, ông thấy thế nào?”.

Tôi không muốn Cố Tông Kỳ làm anh rể nuôi đâu, nên tôi lập tức cướp lời bố nói: “Anh ta có bạn gái rồi”.

“Ớ, sao mà con biết vậy?”.

“Cao Y Thần nói”.

Mẹ nuôi nghĩ một lúc nói: “Con nói mẹ mới nhớ tới chỗ Cao Y Thần có một cậu khá ổn, mai mẹ đi hỏi chủ nhiệm khoa xem sao, nhưng mà Cố Tông Kỳ có người yêu rồi thì thật tiếc”.

Không cần tốn quá nhiều sức, tôi đã loại bỏ được tình địch đầu tiên trong mối quan hệ giữa tôi và Cố Tông Kỳ.

Nhưng sau đó tôi lại thấy hối hận, đáng lẽ ra tôi nên xúi chị Tiểu Quyên Tử theo đuổi Cố Tông Kỳ.

Rồi sau khi loại được bạn gái của anh ta, tôi lại xúi một cô nàng khác vào PK(*) với chị ấy, sau khi tranh nhau mãi tổn thất n lần, tôi sẽ giống như nước Mỹ thời thế chiến thứ hai, cuối cùng sẽ làm chủ thế giới, độc chiếm Cố Tông Kỳ.
(*) PK là thuật ngữ xuất hiện trong game, chỉ việc tranh đấu tay đôi

với nhau.


Tôi vuốt vuốt cằm, thấy thật hối hận, nhưng mà tôi chỉ tưởng tượng thôi cũng đã thấy vui.

Xem ti vi một lát tôi đứng dậy chào bố mẹ ra về, bố nuôi nói muốn đưa tôi về vì tối ông còn có cuộc hội chẩn, tôi cũng vui vẻ bắt taxi cùng ông về viện. Tôi quyết định đến khoa ngoại tìm Cố Tông Kỳ, mặt mo một chút để anh bán lại quyển sách cho tôi.

Mấy ngày nay tôi có mặt ở khoa ngoại khá nhiều nên các y tá ở đấy cũng chẳng thấy lạ gì. Từ ngoài hành lang bước vào tôi nghe thấy hai y tá vừa bưng thuốc vừa nói chuyện: “Hôm nay khi cô bé phẫu thuật cắt ruột thừa giường 73 xuất viện, cứ đòi ôm bác sĩ Cố của chúng ta bằng được đấy”.

Tai tôi lập tức dựng lên nghe ngóng.

“Sau đó thì sao?”.

“Bác sĩ Cố đứng đơ ra đấy, cứ như là bị hóa đá ý. Lúc đấy chủ nhiệm khoa cũng có mặt, chúng tớ phá lên cười, nhưng mà cô bé đó mới mười bốn tuổi, có ôm một tý cũng chẳng sao”.

“Trời, cậu không biết là bọn trẻ bây giờ dậy thì sớm lắm à?”.

“À này, hôm nay có bác sĩ nội trú mới tới phòng cấp cứu là ai vậy? Nghe bọn họ nói là đẹp trai lắm”.

“Tớ cũng không biết, hình như tên là Đồng Nhược Thiên”.

Tôi chớp chớp mắt, coi như không biết chuyện, bước tới văn phòng.

Nhưng chưa tới, tôi dừng ở chân cầu thang đối diện thang máy, rút điện thoại tìm mãi mới được số của Đồng Nhược Thiên, tôi nhắn hỏi anh ta: “Giờ anh được điều về bệnh viện Đông Hoa rồi à?”.

Nhưng tôi không đủ dũng khí gửi tin nhắn đi, cũng hơn ba năm rồi tôi không liên lạc với anh ta.

Trên đời này có một loại người chính là tôi đây, dù có bị tổn thương nặng nề trong tình yêu thế nào đi nữa thì trước mặt người khác vẫn cười nói ra vẻ không sao, nhưng sau đó lại chôn mình trong lớp băng tuyết dày, không chịu đón nhận ánh nắng mặt trời.

Có thể vẫn còn hy vọng, nhưng thứ tình cảm mãnh liệt dường như đã bị cháy cạn rồi.

Tôi nhìn chăm chăm vào màn hình, đột nhiên có tiếng quen thuộc cất lên: “Điện thoại rất ngon sao?”.

Quay đầu lại nhìn, đúng là không phụ niềm mong đợi của tôi, là Cố Tông Kỳ. Anh nở nụ cười ấm áp, tôi cố nhếch môi cười, cảm thấy câu nói đùa của anh sao mà hiểm thế chứ: “Ăn vào sẽ gây khó tiêu hóa, tắc ruột đấy”.

“Nếu như em ăn vào thì anh lại lấy ra cho em”.

Anh ngẩn một lúc rồi nói: “Hay là đổi thứ khác đi, anh có kẹo này...”. Anh rút trong túi áo ra mấy chiếc kẹo Alpenlibe đưa cho tôi.

Tôi không nhận, cứ trân trân nhìn anh, tâm trạng rất phức tạp.

Anh cứ đưa tay ra như thế, rồi khẽ thở dài nói: “Dụ Tịch à, đừng giận nhé”.

Tôi đâu có giận gì, nhưng vẻ mặt tôi chắc chắn là rất buồn cười, chỉ là tôi thấy ghét bác sĩ.

Thực sự là rất ghét, là bác sĩ luôn luôn ngồi cũng có thể ngủ, thiếu sự hài hước, không có thời gian rảnh rỗi, lúc nào cũng xếp công việc lên trên hết, cả đời sẽ chỉ nói suông mà không thực hiện được lời hứa.

Thế nhưng, tôi lại thích bác sĩ, khiến tôi rung động cũng là bác sĩ, có thể dỗ dành tôi nguôi giận cũng là bác sĩ.

Tôi vừa định nói gì đó thì trước mặt như bao trùm lớp ánh trăng mờ ảo, bất giác nhìn qua thấy một bóng dáng quen thuộc biến mất sau cánh cửa thang máy.

Tôi không lên tiếng, nhưng anh ta chính là bạn trai cũ của tôi, đang đứng cùng bố nuôi tôi.

Khoảnh khắc đó, mặt tôi trở nên bình tĩnh lạ thường.

Mấy cái kẹo của Cố Tông Kỳ được trở về trong túi như ban đầu, anh cẩn thận dò ý tôi: “Hay là vào phòng ngồi một lát, uống cốc nước đã nhé”.

Tôi bước theo anh vào văn phòng, lần này chẳng có mấy người ở trong đó, chỉ có hai bác sĩ nội trú và ba bốn sinh viên thực tập đang túm tụm với nhau, thảo luận gì đó trên máy tính.

Anh bước tới hỏi: “Có chuyện gì vậy?”.

“Bác sĩ Cố à, bệnh nhân giường 56 nợ tiền viện phí hơn một trăm vạn tệ rồi, trời đất ơi, chúng em đang choáng quá đây”. Cô sinh viên thực tập kéo chuột xuống nói: “Anh xem hóa đơn này này, tiền thuốc đã nợ hơn ba mươi vạn tệ rồi”.

Tôi cũng mò đến xem, đúng là khiến người ta phát hoảng.

Cố Tông Kỳ nhìn qua qua rồi bảo cô ấy kéo xuống xem: “Thử xem phí phẫu thuật là bao nhiêu?”.

“Chỉ có hơn năm nghìn tệ thôi, không thể như thế được”.

Anh cười cười, nói ẩn ý: “Thế nên mới nói chữa bệnh ở Trung Quốc là phải chữa bằng thuốc chứ không phải chữa bằng kiến thức và kỹ thuật của bác sĩ, đúng là quá xa rời hiện thực”.

Vị bác sĩ nội trú lập tức tiếp lời: “Hàng ngày chúng ta tới kiểm tra phòng bệnh, kê đơn, viết bệnh án, giúp bệnh nhân bao nhiêu việc như thế mà cũng chỉ được ba tệ, còn bác sĩ tâm lý một ngày đã được ba nghìn tệ, thật là không phải”.

Mọi người đều thở dài.

Một bác sĩ khác cầm quyển tạp chí tiếng Nhật đưa cho Cố Tông Kỳ hỏi: “Câu này có nghĩa là gì?”.

“Có nghĩa là phần tiếp giáp giữa đoạn giữa và đoạn cuối của tá tràng bị rò”.

Tôi thấy ngạc nhiên nên quay sang nhìn anh, anh lại cười tươi, rất thẳng thắn khiêm tốn. Đến lượt cô nàng thực tập quay qua ngọt ngào hỏi: “Bác sĩ Cố học tiếng Nhật từ khi nào vậy?”.

“Ngày trước”.

“Chắc ngày trước đi du học Nhật Bản, học tại khoa Y trường đại học Tohoku”.

Anh gật đầu, vẫn giữ vẻ mặt điềm đạm, tôi hỏi nhỏ: “Là bệnh viện cử đi à? Tu nghiệp?”.

“Đại học anh cũng học bên đấy, sau đó ở lại học thêm vài năm rồi mới về nước”.

Cuối cùng tôi cũng hiểu ra vấn đề, thảo nào mà mấy năm nay tôi độc chiếm bệnh viện Đông Hoa mà không biết đến vị bác sĩ này, hóa ra là hàng ngoại à, nhưng tôi lại tò mò hỏi: “Thế sao anh về nước làm bác sĩ làm gì, bên Nhật không phải đãi ngộ và vị trí của bác sĩ rất cao sao?”.

Cố Tông Kỳ xoa xoa trán, nói khẽ: “Cái này à, dẫu sao thì cũng vẫn phải trở về thôi”.

Nói kiểu gì chứ, nếu hiểu theo đạo lý ấy của anh thì con người sống có nghĩa lý gì, đằng nào cũng chết mà. Cố Tông Kỳ chắc cũng thấy câu nói này của mình có chút ngớ ngẩn, lại hơi bôi bác, nên anh nhìn tôi một cái, chẳng nói thêm câu gì, cầm quyển bệnh án lật ra xem.

Quyển bệnh án được kẹp vào kẹp sắt, đột nhiên tôi lại nổi tính tò mò muốn thử xem có kẹp tay được không, vừa cầm lên thì Cố Tông Kỳ cất tiếng hỏi: “Mà em tới đây có việc gì vậy?”.

Tôi không để ý thì “phập”, cái kẹp đã kẹp chặt ngón tay tôi lại, tôi xuýt xoa kêu: “Ối mẹ ơi, đúng là kẹp xịn, hàng thật giá tốt, đem tặng cho khoa xương dùng để cố định được đấy”.

Cố Tông Kỳ lập tức chau mày hỏi: “Không sao đấy chứ, cái này đâu phải cho em chơi hả”.

Tôi hơi tỏ vẻ giận dỗi, chợt có cô y tá gọi: “Bác sĩ Cố à, bệnh nhân giường 29 muốn xuất viện”.

Anh “ừ” một tiếng, phía bên cậu sinh viên thực tập liền mở hồ sơ theo dõi bệnh nhân xem: “Giường 29, nam, hai mươi bảy tuổi, hai ngày trước thực hiện phẫu thuật cắt ruột thừa, là bệnh nhân của bác sĩ Hàn, dự định ngày mai xuất viện”.

“Bệnh nhân nói ngày mai là lễ mừng thọ tám mươi tuổi của ông nội, xuất viện là việc không may mắn lắm, nên kiên quyết đòi bây giờ xuất viện”.

Anh nghĩ một lúc rồi bảo: “Để tôi qua xem sao, nếu như không có vấn đề gì thì có thể làm thủ tục xuất viện cho anh ta”.

Anh đứng dậy, hai sinh viên thực tập cũng hớn hở chạy theo, tất nhiên có cả tôi.

Sau khi kiểm tra, Cố Tông Kỳ nói với y tá: “Không có vấn đề gì, bệnh nhân hồi phục rất tốt, có thể làm thủ tục xuất viện được rồi”.

Chàng thanh niên nghe thấy vậy vội nhảy ngay xuống giường, đứng bên cạnh có lẽ là bạn gái cũng vội vàng đưa quần áo cho anh ta. Cố Tông Kỳ còn dặn dò thêm: “Nên ăn nhiều đồ ăn chứa chất xơ, ăn nhạt thôi, các loại thịt cá có tính kích thích thì không nên ăn, chú ý nghỉ ngơi, không nên vận động quá sức”.

Lúc đó tôi thấy đôi ấy ngầm cười hiểu ý, biểu cảm rõ ràng khiến người khác phải suy nghĩ.

Cố Tông Kỳ và hai sinh viên thực tập không để ý, vẫn thao thao bất tuyệt.

Nên tôi quay mặt đi chỗ khác, cố gắng nhịn cười, lông mày cũng phải nhăn lại và không ngừng chớp mắt.

Ra khỏi phòng, Cố Tông Kỳ hỏi tôi: “Vừa nãy em cười gì vậy?”.

“Em có cười đâu”. Nhưng rõ ràng tôi vẫn đang cười, càng cười càng không nhịn được, “Em cười gì nhỉ? Bệnh viện là nơi nghiêm túc thế này”.

Anh cũng bó tay, đi đến hành lang anh nói với tôi: “Em ý, trong đầu không biết nghĩ toàn những cái gì nữa”.

Hóa ra anh đều hiểu hết, tôi còn nghĩ Cố Tông Kỳ lúc nào cũng nghiêm chỉnh thế nhất định sẽ là một con búp bê trong sáng cơ, thế nên tôi mạnh dạn nói: “Ê ê, Cố Tông Kỳ, câu anh nói có nghĩa bóng, thảo nào mà người ta hiểu sai đi”.

Vẻ mặt anh có chút bối rối hỏi: “Anh đã nói gì rồi?”.

Phục anh sát đất rồi, nói một thôi một hồi hóa ra là tôi tự cười một mình.

Đôi mắt sáng ngời của anh cứ nhìn tôi mãi, rồi anh sụt sùi than thở: “Dụ Tịch à, anh thấy em càng ngày càng giống con mèo ranh mãnh nhà giáo sư Trần, lát nữa phải bảo giáo sư đưa em về dạy bảo thêm thôi”.

Câu nói ấy sao mà đong đưa thế chứ, nghĩ mà sướng nên tít cả mắt lại. Đột nhiên lại nhớ ra ngày xưa bố mẹ nuôi tôi cũng nuôi mèo, cực ghê gớm, cực ranh mãnh. Có một lần chị Tiểu Quyên Tử đem nó tới bệnh viện, nó làm cả bệnh viện rối tung hết lên.

Sau đó bị dì Lý đem về quê, rồi mất tin tức luôn, thảo nào mà Cố Tông Kỳ cũng biết chuyện.

Vậy là tôi nổi điên, trợn mắt nhìn anh nói: “Anh mới là mèo ý, cả nhà anh...”, vẫn chưa nói hết câu thì anh đưa tay ra.

Trong tay anh là chiếc áo blouse trắng có in chữ “Bệnh viện Đông Hoa”, tôi thấy hơi lạ, Cố Tông Kỳ cười nói: “Lát nữa đoàn ICU và khoa ngoại sẽ sang hội chẩn, nếu em có nhã hứng thì có thể đứng một bên xem, im lặng là được”.

Đây là lần đầu tiên tôi mặc áo blouse, thấy vui sướng lạ thường, nhớ đến phim Code Blue không rõ là tập nào bác sĩ Kosaku cũng thực hiện một phẫu thuật mổ bụng mà trước nay chưa từng làm. Khi anh ta mở túi lấy ra bộ trang phục phẫu thuật, thể hiện rõ sự tự tin của đàn ông và vẻ đẹp lạnh lùng của bác sĩ khoa ngoại. Nhìn đẹp trai vô cùng.

Tôi buột mồm hỏi thêm: “Vậy lúc nào cho em mặc bộ trang phục phẫu thuật nhé”.

Các bác sĩ ở đấy đều ngạc nhiên nhìn tôi, chỉ có Cố Tông Kỳ đang chăm chú xem bệnh án, nói: “Nếu như em thực sự muốn xem thì hàng tối rảnh rỗi cứ tới đây, chỉ cần phòng cấp cứu có điện thoại đều là phẫu thuật cả”.
Giờ đến lượt tôi ngạc nhiên hỏi: “Như vậy được không? Không vi phạm nội quy chứ?”.

“Không sao hết”.

Cậu sinh viên thực tập ngái ngủ hôm trước giải thích với tôi: “Bạn gái của các thầy đều trải nghiệm cuộc sống của bác sĩ bằng cách đấy đấy, chỉ cần chị chuẩn bị tốt, sẽ có cơ hội nhìn thấy rất nhiều máu và những lớp mỡ cực dày”.

Tôi bắt đầu suy nghĩ thì Cố Tông Kỳ bước đến bên cạnh, lôi trong túi áo ra một cái thẻ, nhìn tôi chớp chớp, tôi giở ra thấy phần tên thì rõ ràng là ghi tên tôi, nhưng ở ô dán ảnh thì lại là hình mèo Kitty.

Tôi cười không được mà khóc cũng không xong, lập tức đeo thẻ lên, nhét mấy chiếc bút vào túi.

Một lúc sau đúng là bố nuôi và một đám bác sĩ tới hội chẩn, tất cả ngồi kín cái bàn bình thường dùng để ngồi ăn đồ ăn nhanh. Tôi giả bộ ngồi xuống phía dưới cùng, cách xa bố nuôi.

Sau khi hội chẩn xong, bệnh nhân được đưa đi ICU, bác sĩ các khoa khác lần lượt rời đi, thế là bố nuôi nhìn thấy tôi rồi đưa mắt ra hiệu tôi ra chân cầu thang hỏi: “Tịch Tịch à, có phải là con thích Cố Tông Kỳ không?”.

Tôi lật lật cái thẻ đeo ngực hỏi: “Thể hiện rõ ràng vậy sao ạ?”.

“Ngoài Tần Chi Văn ra, bố chưa thấy con quấn ai đến thế”.

Tôi vẫn muốn chối, bố nuôi cắt lời: “Không phải con bảo là cậu ấy có bạn gái rồi à?”.

Trong tiềm thức tôi không hề cảm giác rằng Cố Tông Kỳ đã có bạn gái, nên tôi xúi bố nuôi: “Vậy bố đi hỏi giùm con xem, nếu đích thân anh ta nói là có rồi thì con sẽ không tấn công bừa bãi nữa”.

Bố nuôi rõ ràng không phải là chuyên gia mảng này, ông nói: “Hỏi sao cơ?”.

“Kiếm một lý do nào đó, ví dụ như Tiểu Cố à, cháu có người yêu chưa vậy? Vợ thầy muốn giới thiệu cho cháu một cô đấy. Những câu kiểu đấy dễ bịa ra thôi mà bố”. Tôi thở dài nói: “Bố à, bố và mẹ đúng là không cùng một đẳng cấp”.

Tôi thấy bố nuôi lải nhải với Cố Tông Kỳ một lúc rồi đi. Tôi về văn phòng bác sĩ, treo áo lên, thấy có tin nhắn của bố nuôi nói: “Chưa có”.

Tôi cứ trân trân nhìn vào màn hình, khẽ giơ nắm đấm lên, trong lòng thầm rú lên “Yeah! Yeah!”.

Đoán được là Cao Y Thần lừa nên lúc đầu tôi cũng chẳng tin lời anh ta lắm.

Ba năm qua đây là khoảnh khắc mà tôi thấy vui nhất, mùa xuân của đời tôi lúc nào cũng đến sau mùa thu, sắp tới rồi, sắp tới rồi!

Tôi vui đến mức ra về mà không thèm chào tạm biệt, quên mất mục đích tới hôm nay là phải dùng mọi kế để giành bằng được quyển sách Cố Tông Kỳ cho tôi mượn.

Sau này lấy cuốn sách đó làm tín vật, đặc điểm nhận biết hai thành phần trí thức giống nhau.

Không biết tự khi nào ngoài trời đã bao phủ lớp sương mờ mịt, ánh đèn cũng chìm trong làn mưa, biến thành một chấm nhỏ như ánh trăng trên trời, giống như đàn đom đóm bay nhảy trên bãi cỏ ven hồ mùa hạ. Cánh tay trần của tôi có thể cảm nhận rõ sự ẩm ướt ấy.

Cuối cùng cũng có thể tạm biệt em thu vàng và đón chào bà cô mùa đông rét buốt dài lê thê.

Bỗng thấy đằng sau có ai đó gọi tên tôi, quay lại thì thấy Đồng Nhược Thiên đứng đó. Sau bao nhiêu năm, khi tôi gần quên đi tất cả thì anh ta lại xuất hiện gọi tên tôi.

Anh ta bước tới, áo blouse trắng, quần đen, chân đi giày vải, phong thái của một bác sĩ cấp cứu.

Tôi cất tiếng trước: “Chúc mừng anh, phấn đấu bao nhiêu lâu cuối cùng cũng đã được danh chính ngôn thuận quay trở lại bệnh viện Đông Hoa làm việc rồi”.

Anh ta chẳng nói được lời nào.

Lau cánh tay ướt mưa, trời cũng lạnh đi một chút, tôi lại nói lời động viên anh ta: “Thôi anh cứ cố gắng ba năm, sau ba năm thì phấn đấu lên vị trí bác sĩ chính, giống như anh Cao Y Thần ấy”.

Anh ta vẫn không nói gì, chỉ nhìn tôi.

Tôi chẳng bình tĩnh được nữa, bình thường tính đã nóng vội, điên nhất là khi người khác đứng cả ngày mà chả nói được câu nào, tôi quay lưng định bước đi.

Lúc này anh ta mới lên tiếng: “Dụ Tịch, anh xin lỗi!”.

“Xin lỗi cái gì?”. Tôi quay lại nhìn thẳng vào mắt anh ta hỏi.

“Anh không biết lần trước em vì anh mà tự tử...”.

Tôi nghe vậy mà máu dồn lên, mắng cho anh ta một trận: “Trời, anh cho rằng anh là ai chứ? Tôi tự tử vì anh? Tôi thất tình nên muốn chết hả? Anh nghe ở đâu ra vậy? Anh tự tin thái quá rồi đấy. Anh lại còn có mặt mũi tới đây để xác minh à? Được, tôi nói cho anh biết nhé Đồng Nhược Thiên, đó là vì tôi không ngủ được nên uống hai viên thuốc ngủ, kết quả đang yên đang lành lại bị mẹ tôi đưa tới phòng cấp cứu. Anh nói có phải là tôi cười không được mà khóc không xong không? Tôi tự tử vì anh? Thôi anh đừng có tự cho rằng mình tốt bụng nữa đi”.

“Anh nghe đây, nếu hôm đó tôi đã biết sẽ có ngày hôm nay thì tôi nhất định sẽ uống hẳn một trăm viên cho chết luôn, tôi chết rồi để anh không phải tới đây làm nhục tôi như thế”.

Tôi nói một tràng xong thấy lòng thoải mái hơn nhiều, bước đi không thèm quay lại nhìn.

Tối đó, tôi ghé vào quán Mc’Donalds gọi một chiếc hamburger đùi gà, một cốc Sprite to, nhai bằng hết chỗ đá trong cốc.

Tôi ghét nhất là người khác đem mấy cái chuyện vớ vẩn đấy gán vào tôi, càng ghét nghĩ tới chuyện đó.

Cũng vì chuyện đó mà tôi biến thành Godzilla khủng rồi.

Tôi là một người yêu thể diện thà chết chứ không khuất phục, thà làm ngọc vỡ còn hơn ngói lành. Sau khi việc đó xảy ra, suốt một năm trời tôi phải tránh đi qua bệnh viện Đông Hoa, tôi thấy xấu hổ lắm.

Tôi là Dụ Tịch yêu quý bản thân mình nhất. Không phải sao?

Tôi ăn no căng bụng rồi mới về ký túc xá, toàn thân chứa toàn CO2, cần O2 gấp để trao đổi hô hấp.

Đầu hơi quay quay, những việc xảy ra trong quá khứ dồn về, lần lượt xuất hiện trong đầu, mà tôi đang cưỡng ép bản thân nhớ về những hồi ức ấy.

Sau ngày hôm đó ba hôm, tôi không ngủ đủ giấc. Chia tay với Đồng Nhược Thiên, thời gian đầu không thấy có gì là quá đau khổ, khó vượt qua, chỉ là thấy thời gian trôi sao chậm chạp thế, mỗi giây mỗi phút tôi đều nhớ tới anh ta, tôi muốn kể cho anh ta những chuyện hàng ngày, rằng hôm nay tôi đã làm những gì, ăn gì thì tôi mới hoảng sợ nhớ ra là chúng tôi đã chia tay.

Tự nhiên tôi thấy quãng đời của mình dài đằng đẵng không thấy điểm kết thúc ở đâu.

Đánh mất một thứ quan trọng trong cuộc đời, cũng giống như chiếc sạc điện thoại dùng đã rất lâu một ngày bỗng dưng biến mất, tôi bắt đầu thấy đau khổ thực sự, nỗi đắng cay trào dâng tự đáy lòng. Và tôi không thể ngủ ngon.

Chẳng hề có nước mắt, thà rằng khóc thật to, khóc đến khi mệt nhoài mà thiếp đi, còn hơn là chết trong im lặng thế này.

Các bạn cùng phòng thì bận rộn tìm việc, tôi về quách nhà ở. Ba ngày không chợp mắt, người chẳng còn chút sức lực nào, tôi ngâm mình trong nước ấm rồi lấy lọ thuốc ngủ mẹ nuôi kê cho.

Thực ra lọ thuốc ấy chỉ đựng có mười viên, nhưng đã bị tôi uống dần còn có hai viên. Tôi muốn mình ngủ một giấc ngon lành nên đã uống nốt hai viên còn lại.

Cơn buồn ngủ lập tức tràn tới, mọi sự mệt mỏi cuối cùng cũng đã biến mất, trước mắt là một vườn hoa trắng và rồi tôi không còn biết gì nữa.

Đến khi tỉnh lại tôi thấy mình đang ở trong một khung cảnh ồn ào, còn nghĩ chắc mình đang nằm mơ, tôi lờ đờ mở mắt nhìn, mí mắt nặng đến mức chỉ nhìn thấy khuôn mặt của mẹ tôi, bà đang chăm chú nhìn tôi.

Thế là tôi hoảng hốt bừng tỉnh hỏi: “Con đang ở đâu thế này?”.

Cô y tá đứng bên cười nhẹ nhàng nói: “Trong bệnh viện, người tự tử được cứu sống lại tất nhiên là phải trong bệnh viện rồi”.

Tôi hoang mang hỏi: “Ai tự tử cơ? Cứ uống thuốc ngủ là tự tử à?”.

Tất cả mọi người đều dồn mắt về phía tôi, vẻ mặt rất quái đản. Tay tôi còn đang được truyền nước, sau đó có một bác sĩ bước tới nói: “May là chưa rửa ruột, tôi cũng nghĩ cô không sao, thôi dọn dẹp đồ rồi đi đi”.

Cô y tá “ừ” một tiếng dài rồi hỏi: “Thế sao gọi cô ấy rõ lâu mà không tỉnh?”.

Tôi nhìn cô ta nói: “Cô thấy ai ba ngày không ngủ, uống hai viên thuốc ngủ mà đòi một chốc một lát là có thể tỉnh dậy không?”.

“Cô làm gì mà những ba ngày không ngủ?”, cô y tá tỏ ra hiền dịu hơn nhiều giúp tôi tháo bỏ ống truyền nước.

Lúc đó tôi thấy cái mồm mình cũng trơ thật, nói ra mà thấy chỉ muốn đánh chết tôi lúc đấy: “Tôi thất tình, hi hi, nên mới không ngủ”.

Mọi người xung quanh chuyển từ thái độ kỳ quái sang đồng tình với tôi. Tôi mặc quần áo và khi bước ra khỏi phòng cấp cứu thì nhìn thấy một bác sĩ trông ngốc nghếch đáng yêu.

Về nhà ngủ cả một ngày, khi quay về trường thì thấy các bạn cùng phòng đang buôn chuyện có một nữ sinh trong trường tự tử vì tình. Tôi nghe mà thấy điên tiết. Bọn họ nói: “Thật đáng thương cho cô ấy, người yêu đòi chia tay, cô ấy uống cả một lọ thuốc ngủ, khó khăn lắm được bệnh viện trường mình cứu sống. Bây giờ chắc cô ấy cũng đáng thương lắm, không biết có bị đưa vào viện tâm thần không nữa?”.

“Nặng đến thế cơ à? Liệu có phải thần kinh không bình thường không?”.

Nghe đến đấy tôi lại muốn nhảy dựng lên, thế là tôi cố gắng nở một nụ cười thân thiện hỏi: “Cô bạn đấy là ai vậy?”.

“Chẳng biết, tớ cũng nghe chỗ khác đồn thế, chắc là bên bệnh viện giữ bí mật đấy”.

Giữ bí mật cái quái gì chứ, tôi đến phổi cũng sắp nổ tung rồi đây. Cái tin này rõ ràng là được thêm mắm thêm muối rồi cố tình tung ra cho mọi người biết, kết quả là tôi đã trở thành đứa con gái thần kinh không bình thường đáng thương trong mắt mọi người.

Tôi lại đau khổ lẩm nhẩm rằng tôi chính là đứa con gái thần kinh không bình thường, chính là cái đứa tự tử vì tình và tôi lại mất ngủ.

Không ngủ được, tôi trèo lên giường bật máy xem Code Blue, xem đến đoạn Kosaku cấp cứu cho một công nhân bị cây thép đâm vào, khi huyết áp bệnh nhân tụt xuống rất thấp thì anh ra tay đấm một cái.

Bệnh nhân liền khỏi ngay.

Tôi bắt đầu thấy bối rối, mình đang làm cái gì đây nhỉ? Xem đi xem lại mấy lần, thấy tư thế đấy thật đẹp, quyết định ghi lại câu hỏi đó dùng để làm những câu hỏi tiếp cận Cố Tông Kỳ.

Sau đó càng xem tôi lại càng khóc, nhất là khi đến cảnh Kosaku ôm bà nội. Thấy anh ôm người bà nhân hậu muốn mua thật nhiều quà vặt cho cháu nội, người bà ấy sau khi bị lẫn vì tuổi già khiến tôi cảm thấy thật là một người phiền phức và tôi đã khóc.

Giây phút ấy, bác sĩ Kosaku của Code Blue không còn là người lạnh lùng, thông minh hoàn hảo nữa, mà là một người chân thật, một đứa trẻ có chút ích kỷ.

Vậy Cố Tông Kỳ thì sao? Tự nhiên tôi lại nhận ra là những gì tôi nhìn thấy chỉ là vẻ bề ngoài của anh mà thôi.

Còn tôi nữa, tôi là một Dụ Tịch như thế nào? Là đứa hay cười hay đùa, hay là đứa hay khóc và lạnh lùng đến mức ích kỷ vô tình?

Phải muộn lắm tôi mới đi ngủ, may là vừa đặt lưng có thể ngủ được ngay. Gần trưa tôi mới mò dậy, thấy điện thoại có mấy cuộc gọi nhỡ, đều là của bố nuôi.

Thấy kỳ lạ nên không chờ thay quần áo tôi gọi lại luôn cho ông. Ông vội vàng nói với tôi: “Tịch Tịch à, tối qua bố quên không nói với con, à, cái điện thoại con mua cho bố bố không biết gửi tin nhắn thế nào, loay hoay mãi mỡi gõ được hai chữ “không có”, bố thấy nó không dễ dùng như cái cũ của bố, lúc nào con mang đi sửa cho bố nhé”.

Tôi chỉ đành ngắt lời ông nói: “Bố à, nói chuyện chính đi nào, sau cái chữ “Không có” đấy bố định gõ thêm những cái gì?”.

Nhắc đến đấy bố nuôi tôi mới nhớ ra nói: “Là cái chuyện hôm qua con bảo bố đi hỏi xem Cố Tông Kỳ có người yêu chưa ấy mà, bố đã áp dụng cách mà con bảo hỏi ra rồi. Kết quả bố lại nhỡ mồm nói thêm rằng, thế này nhé lúc nào gặp mặt con bé Tiểu Quyên Tử nhà chú. Lúc đấy bố thấy nó có vẻ khó xử lắm, nhưng mà nể mặt bố nên không từ chối liền bảo đồng ý. Bây giờ thì bố đúng là cưỡi hổ khó xuống rồi, bố không dám nói với mẹ nuôi con là đừng có giở trò gì, nhưng mà phía bên Cố Tông Kỳ bố cũng chẳng biết nói lại thế nào”.

Bố nuôi tôi cái gì cũng tốt, chỉ có mỗi cái chỉ số tình cảm thì không đạt yêu cầu. Tôi hoàn toàn không nghĩ cách nữa, im lặng một lúc thì một suy nghĩ ranh mãnh xuất hiện trong đầu tôi, tôi bảo bố: “Thực ra chuyện này không khó, bố cứ nói với Cố Tông Kỳ là sẽ gặp mặt, còn phía chị Tiểu Quyên Tử thì bố đừng nói gì cả, đến lúc đó con tới là giải quyết xong hết”.

“Con làm được không vậy?”.

Nói thật là tôi cũng chẳng chắc, việc không mấy đạo đức như thế này quả là lần đầu tiên tôi làm, nhưng mà tôi cũng không thể biếu không Cố Tông Kỳ cho chị Tiểu Quyên Tử được, người con trai mà tôi thích nhất định tôi phải làm cho phần trăm lọt khỏi tay giảm xuống mức thấp nhất chứ.

“Không vấn đề gì đâu bố, nhưng mà bố này, nếu như bố thực sự muốn mọi chuyện không sao thì đừng có mà nhỡ mồm nói ra điều gì nhé”.

“Ừ ừ!”.


Vậy là hai bố con nói chuyện một hồi lâu và cả hai đều cười nhẹ nhõm.

Thời gian hẹn là chiều ngày kia, vừa may là Cố Tông Kỳ không phải đi làm, nhiều thời gian rảnh. Mấy ngày hôm nay tôi bận đến nỗi chẳng có thời gian tới làm phiền anh, vừa vội đi nhanh tới chỗ hẹn tôi vừa đoán già đoán non xem mấy hôm nay rảnh rỗi thế liệu anh có nhớ tới tôi không.

Thời tiết không được đẹp lắm, mặc dù trời đã bớt sương mù nhưng hơi nước vẫn đọng lại trong không khí, vừa ẩm ướt vừa lạnh buốt, lạnh đến thấu xương.

Tôi căm ghét kiểu thời tiết như thế này, nó dễ khiến tôi tụt hết cả nhiệt huyết.

Điểm hẹn là quán cà phê trang nhã, hay nói thẳng ra là sẽ tốn ít tiền. Nhóm học văn học Anh - Mỹ chúng tôi được một ông chủ giàu có dẫn dắt, nên cũng khá thích thú với bữa trà chiều.

Thực ra là tôi muốn ăn món trứng ốp ở hàng này, và cũng muốn làm thế nào đó để không phải tiêu tiền của mình.

Cố Tông Kỳ đã tới, từ ngoài cửa sổ tôi đã thấy anh ngồi ở bàn trong góc, yên lặng đọc sách. Tôi đoán rằng dù tôi có không bước vào thì anh cũng sẽ cứ ngồi đó cả ngày, kiên trì đọc cho hết quyển sách.

Tôi nhìn anh một lúc, rồi thấy quá giờ hẹn được năm phút mà anh vẫn ngồi đó, chăm chú đọc.

Mang theo người đàn ông này đúng là một cách nghĩ khó thực hiện, tôi đẩy cửa bước vào, em nhân viên phục vụ ngoan ngoãn nở nụ cười chào tôi, lúc này Cố Tông Kỳ mới chịu ngẩng đầu lên, và tôi bắt được ánh mắt ngạc nhiên của anh, còn có chút gì đó vui mừng nữa.

“Dụ Tịch, sao lại là em chứ?”.

Áo sơ mi kẻ xanh nhạt, quần màu tối, kiểu dáng rất đơn giản nhưng hơi khác so với khi không khoác trên người chiếc áo blouse trắng, một khí chất rất đặc biệt, chút mới mẻ kiểu trường học, toát lên vẻ thư sinh.

Tôi cười cười, cố gắng giấu đi vẻ mặt sắp lộ tẩy nói: “Do bố nuôi em nhầm lẫn, vừa nãy chị Tiểu Quyên Tử gọi điện thoại đến kể hết sự tình với em, nhưng mà chị ấy lại thấy hơi ngại nên bảo em tới xin lỗi anh”.

Đây gần như là lời nói dối theo đúng bản năng của tôi, vì khi gặp anh thì toàn bộ những gì tôi chuẩn bị để nói đã bay sạch rồi.

Anh bảo tôi ngồi xuống, nụ cười vẫn treo mãi trên khóe môi: “May là em tới, nói thật là anh cũng không thấy thoải mái chút nào, em bảo hai người chẳng quen biết gì tự nhiên gặp nhau nói chuyện, cảm thấy cứ sao sao ấy”.

Tôi ngầm đắc ý may là mình đã gặp anh từ trước chứ không phải cái kiểu gặp nhau như đi xem mặt một cách kỳ quặc và không thể lý giải.

Thấy quyển sách anh đặt trên bàn tôi liền hỏi: “Sách gì thế anh?”.

Anh giơ lên cho tôi xem, toàn là tiếng Nhật: “Là một cuốn sách nói về cách chữa trị bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối, hay lắm”.

Tôi lắc lắc đầu nói: “Em lại không hiểu gì hết”.

“Nếu như em có hứng thì anh sẽ nói qua qua cho em nghe, chỉ những thứ rất cơ bản thôi”. Anh nhìn xuống đưa tay lật lật sách, rồi cười hỏi tôi: “À thế em muốn ăn gì hay gọi đồ uống gì đi”.

Tôi liếc mắt nhìn qua menu rồi nói: “Trứng ốp đi ạ”.

“Có gọi gì uống không? Hay là uống hồng trà vậy, tốt cho dạ dày”.

Tôi gật đầu rồi thấy mình ngồi chẳng thoải mái gì, mặc dù ở đây có món ăn ngon mà tôi thích, trước mặt lại là anh chàng điển trai, nhưng sao lại có một cảm giác kỳ kỳ.

Và tôi đã hỏi Cố Tông Kỳ như thế này: “Cố Tông Kỳ, anh có thích nơi này không?”.

Anh có chút gì đó không để tâm nói: “Hả? Gì cơ? À cũng được, hay phết”.

Tôi cảm thấy anh đang có chuyện gì đó: “Anh sao vậy?”.

Anh cười gượng nói: “Mặc dù nói ra điều này không phải lúc, nhưng mà hôm nay lúc làm việc anh gặp phải chút phiền phức. Trong một ca phẫu thuật, vì cắm ống vào tâm thất phải nên bệnh nhân bị suy tim”.

“Có phải là sự cố không?”.

“Thực ra bệnh nhân không hề biết, hơn nữa ở bệnh viện việc cắm ống vào tâm thất phải cũng không phải là ít gặp, mọi người đều ngầm coi nó là sự cố rồi. Nhưng mà bệnh nhân đáng thương lắm, cấp cứu hồi lâu mới cứu được”.

“Vì thế nên tâm trạng anh không vui à?”.

Anh cười cười: “Thực ra cũng chỉ là một phần thôi, vừa nãy anh qua thăm mộ ông nên trong lòng thấy khá nặng nề”.

Lúc đó, tôi có cảm giác Cố Tông Kỳ cũng là một đứa trẻ, một đứa trẻ có gia đình.

Thế nên nghĩ một lúc tôi nói với anh: “Cố Tông Kỳ, em đưa anh tới một nơi”.

Dứt lời tôi chợt hiểu ra rằng, yêu một người là cảm giác yêu chứ không phải trạng thái yêu.

Giống như vừa nãy, nhìn thấy anh tôi thấy rất vui, nhìn anh trầm lặng không vui như thế tôi cũng buồn. Và tôi bây giờ, muốn làm cho anh thấy vui vẻ hơn một chút, tạm quên đi những phiền não, đau thương kia.



Rất đơn giản, chỉ là muốn làm chút gì đó cho anh, chính là thứ cảm giác ấy.

Cái cảm giác yêu một người đơn thuần như thế, cũng chỉ là một ước muốn xa xỉ rằng làm cho người ở trước mặt mình mãi mãi vui vẻ, luôn nở nụ cười.

tải về 0.59 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương