CHÍnh phủ —— Số: 23/bc-cp cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 451.39 Kb.
trang2/5
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích451.39 Kb.
#29333
1   2   3   4   5

Tại Nghị định 86/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, Chính phủ quy định phạt tiền đối với các hành vi: Không trả các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động (trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…); chậm trả chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau ốm đau, thai sản sau 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ của người lao động, chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định chi trả của cơ quan bảo hiểm xã hội); không trả sổ bảo hiểm xã hội đúng thời hạn cho người lao động khi người lao động không còn làm việc; không giới thiệu người lao động đi giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động); không giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tự nguyện đúng hạn); giải quyết không đúng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tự nguyện); không tổ chức dạy nghề hoặc dạy nghề không phù hợp cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp) quy định; không thực hiện việc hỗ trợ học nghề cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp); giới thiệu việc làm không phù hợp cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.


Tại Nghị định 75/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá, Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (Điều 7) đối với một trong các hành vi sản xuất phim có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực; phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sản xuất phim có nội dung đồi trụy. Phạt tiền từ trên 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Điều 8) đối với một trong các hành vi trích ghép, thêm âm thanh, hình ảnh có tính chất đồi trụy, khiêu dâm, kích động bạo lực vào phim đã được phép phổ biến; phạt tiền từ trên 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi nhân bản phim có nội dung đồi trụy, khiêu dâm, kích động bạo lực. Phạt tiền từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (Điều 9) đối với một trong các hành vi bán, cho thuê hoặc lưu hành phim nhựa, băng đĩa phim có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực; phạt tiền từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi bán, cho thuê hoặc phát hành phim nhựa, băng đĩa phim có nội dung đồi trụy. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng (Điều 10) đối với hành vi chiếu phim có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực tại nơi công cộng; phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi chiếu phim có nội dung đồi trụy tại nơi công cộng. Phạt tiền từ trên 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (Điều 12) đối với hành vi sau nhân bản băng, đĩa ca nhạc, sân khấu có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực; phạt tiền từ trên 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi nhân bản băng, đĩa ca nhạc, sân khấu có nội dung đồi truỵ. Phạt tiền từ trên 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (Điều 15) đối với hành vi sau phổ biến băng, đĩa ca nhạc, sân khấu có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực tại nơi công cộng; phạt tiền từ trên 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, phổ biến băng, đĩa ca nhạc, sân khấu có nội dung đồi trụy. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (Điều 16) đối với hành vi biểu diễn, tổ chức biểu diễn tác phẩm có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực…

Tại Nghị định 73/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, Chính phủ quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Tổ chức, tạo điều kiện cho người khác kết hôn với người nước ngoài trái với thuần phong mỹ tục hoặc trái với quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự (trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp).

Tại Nghị định 47/2010/NĐ-CP Quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động, Chính phủ quy định : Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong những hành vi sử dụng lao động nữ có thai từ tháng thứ 7 hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ, làm việc ban đêm và đi công tác xa; không chuyển làm việc nhẹ hơn hoặc không giảm bớt 1 giờ làm việc hàng ngày đối với người lao động nữ làm công việc nặng nhọc có thai đến tháng thứ 7 (Điều 11). Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong những hành vi không có chỗ thay quần áo, buồng tắm và buồng vệ sinh nữ; không tham khảo ý kiến của đại diện lao động nữ khi quyết định những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em trong doanh nghiệp; sử dụng lao động nữ có thai từ tháng thứ 7 hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ, làm việc ban đêm và đi công tác xa hoặc không chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc giảm bớt một giờ làm việc hàng ngày mà vẫn hưởng đủ lương đối với lao động nữ làm công việc nặng nhọc; không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh hoặc nghỉ 60 phút mỗi ngày trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi; có hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ; sử dụng lao động nữ vào những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại không theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành; sử dụng người lao động nữ tiếp xúc với các chất độc hại có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con hoặc làm việc thường xuyên dưới hầm mỏ hoặc ngâm mình dưới nước (Điều 13). Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong những hành vi sau đây: Sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động (Điều 13).

Tại Nghị định 02/2010/NĐ-CP về khuyến nông, Chính phủ có quy định ưu tiên đào tạo cán bộ khuyến nông là nữ (Điều 12).

Quyết định 282/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Quyết định 2198/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2010 phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020 có quy định nhiệm vụ phát triển thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp, trong đó có các nhiệm vụ củng cố và phát triển bóng đá nữ theo hướng phát triển ổn định, lành mạnh; tăng cường đầu tư xây dựng bóng đá nữ trẻ.

Quyết định 52/2010/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2010 về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 - 2020; tại Điều 6 có quy định chú trọng cán bộ nữ, cán bộ đã có kinh nghiệm trong các hoạt động hỗ trợ pháp lý.

Quyết định 43/2010/QĐ-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2010 về việc ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia quy định: Các chỉ tiêu về bình đẳng giới như chỉ số phát triển giới (GDI) (Tổng cục thống kê chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp và công bố 2 năm/1 lần); chỉ số vai trò phụ nữ (GEM) (Tổng cục thống kê chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp và công bố 2 năm/1 lần); tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng (Ban Tổ chức TW Đảng chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp và công bố đầu nhiệm kỳ); tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội (Văn phòng Quốc hội chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp và công bố đầu nhiệm kỳ); tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân (Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp và công bố đầu nhiệm kỳ); tỷ lệ nữ đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo chính quyền (Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp và công bố hàng năm); tỷ lệ nữ đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt trong các tổ chức chính trị - xã hội (cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp và công bố hàng năm); tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp/chủ trang trại (Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp và công bố 2 năm/1 lần). Các chỉ tiêu về trật tự, an toàn xã hội như số vụ ngược đãi người già, phụ nữ và trẻ em trong gia đình; số vụ đã được xử lý (Bộ Văn hóa chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp và công bố hàng năm). Nhiều chỉ tiêu có phân tổ theo giới tính (như chỉ tiêu về dân số, lao động, việc làm, giáo dục và đào tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe…).

Quyết định 32/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2010 Phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020. Tại Quyết định, trong các hoạt động chủ yếu của Đề án, có quy định: Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy định vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội và thủ tục giải quyết việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với cá nhân, gia đình, nhóm hoặc cộng đồng, tước quyền chăm sóc của các đối tượng trong trường hợp phụ nữ, trẻ em và đối tượng khác bị xâm hại, bị bạo hành gây hậu quả nghiêm trọng.

Các Bộ, ngành, địa phương đang tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới trong lĩnh vực quản lý của ngành, địa phương.

b) Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong chương trình, kế hoạch và dự án phát triển kinh tế - xã hội

- Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong việc lồng ghép và hướng dẫn lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong quá trình xây dựng dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng một nhóm chỉ tiêu về bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ như: tỷ lệ nữ đại biểu các cơ quan dân cử, tỷ lệ hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có cả tên vợ và chồng, tỷ lệ lao động nữ trong tổng số lao động có việc làm mới, tỷ lệ tử vong bà mẹ,…Bên cạnh đó, hệ thống biểu mẫu kèm theo dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nêu trên cũng đã thể hiện rõ các yêu cầu về số liệu, thông tin liên quan tới bình đẳng giới để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển của ngành, cấp mình. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm.

- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong việc xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và giai đoạn 2011 - 2015, như: Chiến lược An sinh xã hội, Chiến lược dân số - sức khoẻ sinh sản, Chiến lược đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, Chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm, Chương trình hành động quốc gia phòng chống bạo lực gia đình, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em, Chương trình phát triển gia đình Việt Nam bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia, Đề án phát triển các dịch vụ hỗ trợ gia đình và cải thiện môi trường sống, Đề án phát triển dịch vụ gia đình và cộng đồng…

3. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới

Để chính sách, luật pháp về bình đẳng giới được triển khai, đi vào thực tiễn cuộc sống và trở thành công cụ đắc lực cho hoạt động bình đẳng giới, năm 2010, các cơ quan của Chính phủ đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật một cách bài bản hơn, hình thức và đối tượng truyền thông đa dạng và hiệu quả hơn. Cụ thể như sau:

- Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới và thường trực của Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, trong năm 2010, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai các hoạt động sau:

+ Ban hành và triển khai Kế hoạch tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới và Nghị quyết số 57/NQ-CP năm 2010 (kèm theo Quyết định số 603/QĐ-LĐTBXH ngày 13 tháng 5 năm 2010); Kế hoạch đào tạo, tập huấn về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2010 (kèm theo Quyết định số 821/QĐ-LĐTBXH ngày 02 tháng 7 năm 2010 ). Căn cứ hai văn bản trên, hầu hết các Bộ, ngành, địa phương cũng đã xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền và đào tạo, tập huấn về giới và bình đẳng giới tại Bộ ngành, địa phương mình.

+ Xuất bản và phát hành miễn phí tới các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trên toàn quốc hơn 40 ngàn bản trên 6 đầu tài liệu, gồm: Bản tin Phụ nữ và Tiến bộ tiếng Việt; Sổ tay công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới; Hướng dẫn lồng ghép giới trong hoạch định và thực thi chính sách; các tờ rơi về Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ (UBQG), bình đẳng giới trong gia đình và Nghị quyết số 11-NQ/TW. Đây là nguồn thông tin quan trọng giúp cho các cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ có thêm các kiến thức, kỹ năng áp dụng trong công tác chuyên môn được giao. Việc duy trì phát hành Bản tin Phụ nữ và Tiến bộ tiếng Anh và nâng cấp, cập nhật thông tin cho Website của Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam với hai thứ tiếng Anh - Việt đã tiếp tục tạo kênh thông tin quan trọng về bình đẳng giới của quốc gia tới bạn bè quốc tế.

+ Duy trì các cuộc họp Mạng lưới cán bộ tham mưu, tư vấn về giới hàng quý để chia sẻ thông tin, tiếp thu những ý kiến đóng góp cho hoạt động bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ.

+ Với sự tài trợ ban đầu của Dự án Chương trình hợp tác chung về bình đẳng giới giữa Việt Nam và Liên hợp quốc (Dự án Ô), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập và duy trì hoạt động của Mạng lưới truyền thông về giới và bình đẳng giới (Gender Reporting Network - GRN) từ tháng 9/2010. GRN tổ chức theo nguyên tắc mở, tất cả các đối tượng có mong muốn tham gia, phấn đấu theo mục tiêu nâng cao nhận thức xã hội về giới và bình đẳng giới đều có thể tham gia. Hiện nay, Mạng lưới này gồm có đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, các đơn vị nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ Việt Nam và quốc tế; các cơ quan báo chí, truyền thông; các nhà tài trợ trong nước và quốc tế; các phóng viên, biên tập viên thuộc các cơ quan báo chí; các chuyên gia, cố vấn trong nước và nước ngoài về bình đẳng giới và truyền thông; các cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới. Mạng lưới sinh hoạt định kỳ 3 - 4 tháng/lần. Các thành viên tham gia mạng lưới được ưu tiên đưa tin, bài về các hoạt động về giới và bình đẳng giới; được mời tham gia các khoá đào tạo, tập huấn do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Dự án Ô tổ chức nhằm nâng cao tính nhạy cảm giới trong các bài viết, sản phẩm truyền thông; được mời tham gia và hỗ trợ kinh phí đi thực tế, viết bài, đưa tin về các hoạt động liên quan đến bình đẳng giới; được chia sẻ và cập nhật thông tin từ các thành viên khác và từ các chuyên gia trong nước và quốc tế…

+ Phối hợp với Bộ Ngoại giao và Ban Dân vận Trung ương tổ chức 03 Hội nghị cấp cao bàn về công tác cán bộ nữ trong thời kỳ hội nhập và tham vấn xây dựng, triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020. Các Hội nghị đã có sự tham gia của nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo nữ cấp cao và các đồng chí hiện đang là lãnh đạo cấp cao của các Bộ ngành và các Ban Đảng ở Trung ương, lãnh đạo nữ ở một số địa phương. Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức các cuộc Tọa đàm, trao đổi cấp cao với các bà là Tổng Giám đốc UNDP, Tổng Giám đốc cơ quan phụ nữ Liên hợp quốc và Bộ trưởng Bộ Kinh tế - Lao động Phần Lan. Thông qua những Hội nghị cấp cao trên, các cơ quan của Chính phủ đã tranh thủ được sự ủng hộ và học hỏi kinh nghiệm trong công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ từ các đại biểu quốc tế và đại biểu trong nước. Đại biểu tham dự các Hội nghị nêu trên cũng như dư luận xã hội đánh giá cao về hiệu ứng tốt của các hội nghị này đối với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của công chúng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

+ Tổ chức Hội nghị tập huấn truyền thông về tăng quyền năng cho phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài. Hội nghị đã trang bị những kiến thức bổ ích cho các phóng viên và cán bộ phụ trách về thông tin - tuyên truyền của các cơ quan, tổ chức liên quan và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động nắm được tổng quan về vấn đề lao động - việc làm và các chính sách, đặc biệt là chính sách, thực trạng lao động nói chung và lao động nữ nói riêng đi làm việc ở nước ngoài. Đây là lần đầu tiên có một dự án truyền thông cho nhóm đối tượng nêu trên.

- Bộ Tư pháp đã chủ động hướng dẫn, tổ chức tuyên truyền, giáo dục Luật Bình đẳng giới và các văn bản pháp luật về bình đẳng giới dưới nhiều hình thức đa dạng như: biên soạn tài liệu, đề cương tuyên truyền giới thiệu các văn bản pháp luật về bình đẳng giới; hỗ trợ xây dựng và tổ chức hoạt động cho các Câu lạc bộ “Phụ nữ và Pháp luật” tại một số tỉnh, thành phố; biên soạn tài liệu cung cấp kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải cơ sở liên quan đến bình đẳng giới cho đội ngũ hòa giải viên.

Bộ Tư pháp đã xây dựng Thông tư hướng dẫn bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp, qua đó, chỉ đạo triển khai tốt hơn công tác trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới…Ở cấp địa phương, các Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã tăng cường thực hiện trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, thường xuyên duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Hội phụ nữ các cấp, Đoàn Luật sư, các Văn phòng tư vấn pháp luật và bình đẳng giới trong việc tuyên truyền, tư vấn pháp luật và đại diện bào chữa nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ.

- Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng chú trọng thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định pháp luật về bình đẳng giới.

- Bộ Công an đã phát hành cuốn tài liệu: “Tuyên truyền Luật bình đẳng giới trong Công an nhân dân”; hoàn thành việc biên soạn tài liệu giảng dạy “Chuyên đề bình đẳng giới” trong các trường Công an nhân dân;...

- Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về bình đẳng giới không chỉ được đẩy mạnh ở Trung ương mà ở cấp địa phương công tác này cũng đặc biệt chú trọng. Hầu hết các địa phương đều có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị tại địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến Luật Bình đẳng giới và các văn bản có liên quan. Một số địa phương đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền như: các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục duy trì việc xuất bản Bản tin Phụ nữ và Phát triển và có kế hoạch tuyên truyền định kỳ trên sóng Đài phát thanh và Truyền hình của tỉnh mình; tỉnh An Giang tổ chức lớp tập huấn công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về bình đẳng giới cho cán bộ các Sở, Ban, ngành và những doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động trong tỉnh; tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Thái Bình, thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thi tìm hiểu về Luật Bình đẳng giới, thu hút được sự tham gia đông đảo của các cá nhân, tổ chức…

Với những nỗ lực nêu trên của các cấp, các ngành trong công tác truyền thông, có thể thấy, nhận thức về bình đẳng giới của người dân, mà trước hết là của đội ngũ cán bộ, công chức đã có sự chuyển biến nhất định.

4. Công tác xây dựng, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hoạt động về bình đẳng giới

a) Về xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ hoạt động về bình đẳng giới

Hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ là yêu cầu bức thiết đặt ra trong thời gian qua. Năm 2010, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp tục khảo sát thực trạng đội ngũ cán bộ hoạt động về bình đẳng giới và công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ trên toàn quốc. Kết quả tổng hợp từ báo cáo của 18/40 Bộ, ngành và 41/63 tỉnh, thành phố cho thấy:

- Về cơ cấu cán bộ: trong tổng số 126 cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở các sở có 57 nam, chiếm 45,28% và 69 nữ; Số cán bộ có độ tuổi dưới 30 chiếm 19,3%, phần lớn cán bộ phụ trách đều trong độ tuổi từ 30 - 50 (chiếm 57,1%), có 16 cán bộ trên 50 tuổi (chiếm 16,3%). Về trình độ học vấn, đại đa số cán bộ có trình độ đại học (chiếm 95,9%), có 4 cán bộ có trình độ trung cấp và cao đẳng. Phần lớn các cán bộ đều có kinh nghiệm lâu năm trong ngành, có 53 cán bộ có từ 10 năm kinh nghiệm trở lên, chiếm 42,1%, 13 người có từ 5 đến 10 năm kinh nghiệm, có 17 người có dưới 2 năm kinh nghiệm, chiếm khoảng 13%.

- Về tổ chức: Thực hiện Thông tư liên tịch số 10/TTLT- BLĐTBXH - BNV ngày 10 tháng 7 năm 2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp xã về lao động, người có công và xã hội, đến nay có 9/63 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập phòng Bình đẳng giới với nhiệm vụ hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, chương trình, dự án, kế hoạch về bình đẳng giới; hướng dẫn việc lồng ghép các chương trình về bình đẳng giới trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tổ chức thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có 5 tỉnh, thành phố đã thành lập Phòng Bình đẳng giới riêng biệt (Bình Dương, Đồng Nai, Sóc Trăng, Thành phố Hồ Chí Minh và Nghệ An); có 4 tỉnh, thành thành lập Phòng Bình đẳng giới ghép với bộ phận chuyên môn khác (thành phố Cần Thơ, tỉnh Hà Nam, thành phố Hải Phòng và Phú Yên).

- Thực hiện Quyết định số 1855/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ở Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện, đến nay, 62/63 tỉnh, thành phố đã kiện toàn Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ và chuyển giao cơ quan thường trực về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Như vậy, mô hình tổ chức của hệ thống Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các địa phương đã được hoàn thiện nhằm đảm bảo sự gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới với tổ chức phối hợp liên ngành vì sự tiến bộ của phụ nữ, tạo nên sức mạnh tổng hợp và sự chồng chéo trong việc triển khai nhiệm vụ.

b) Về hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hoạt động về bình đẳng giới

- Để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 821/QĐ-LĐTBXH về việc ban hành Kế hoạch đào tạo, tập huấn về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2010. Đã tập trung triển khai tập huấn kiến thức về giới và kỹ năng lồng ghép giới cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ các cấp. Theo đó, trong năm 2010, đã có khoảng 800 người được tập huấn về kiến thức, kỹ năng lồng ghép giới, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và nghiệp vụ công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới.

- Căn cứ vào Quyết định số 821/QĐ-LĐTBXH, các Bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch, khảo sát nhu cầu để đào tạo, tập huấn cho các cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ của đơn vị mình. Trong năm 2010, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã triển khai được các lớp tập huấn về pháp luật bình đẳng giới và kỹ năng lồng ghép giới cho cán bộ trong ngành, địa phương và cho các thành viên Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ.…

5. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới

Công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng được quan tâm thực hiện. Năm 2010, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì tổ chức và tham gia triển khai các đoàn kiểm tra về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, cụ thể như sau:

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức các đoàn công tác kiểm tra tình hình thực hiện Luật Bình đẳng giới tại một số địa phương như Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh phúc, Vĩnh Long, Trà Vinh… Các chuyến công tác này đã tạo cơ hội trao đổi thông tin hai chiều thiết thực, giúp Bộ và các đơn vị được kiểm tra cùng chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và những vấn đề cần được quan tâm giải quyết, khắc phục.

- Cử đại diện tham gia các Đoàn công tác của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội giám sát tình hình thực hiện bình đẳng giới tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hòa Bình.

- Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành vì sự tiến bộ của phụ nữ tại 9 đơn vị (gồm 3 Bộ, ngành và 6 tỉnh, thành phố). Kết quả kiểm tra cho thấy, hầu hết các Bộ, ngành đều đã triển khai thực hiện các nội dung yêu cầu 100% các đơn vị, địa phương được kiểm tra đã xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị; các Ban vì sự tiến bộ phụ nữ được kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động; công tác phối hợp giải quyết những vấn đề liên ngành liên quan đến phụ nữ được quan tâm thực hiện.

- Bên cạnh các hoạt động kiểm tra nêu trên, các Bộ, ngành, địa phương cũng đẩy mạnh công tác kiểm tra hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới trong ngành và địa phương như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Uỷ ban Dân tộc, Nghệ An, Hà Tĩnh... Một số địa phương đã tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trước kỳ Đại hội Đảng các cấp, qua đó có sự điều chỉnh kịp thời, đảm bảo số lượng và chất lượng nữ cấp ủy tham gia nhiệm kỳ 2011 - 2015.

- Các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bình đẳng giới đã được ban hành và có hiệu lực gần 2 năm. Tuy nhiên, tới nay chưa có vụ việc vi phạm pháp luật về bình đẳng giới nào được đưa ra xử lý. Trên thực tế, tình trạng bất bình đẳng giới vẫn tồn tại, nhưng báo cáo của các đơn vị, địa phương mới chỉ dừng lại ở việc phản ánh các vụ vi phạm về bạo lực gia đình.


Каталог: UserControls -> ckfinder -> userfiles -> files
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII
files -> Phụ lục số 1 danh mục các văn bản hưỚng dẫn thi hành pháp luật về giao thôNG
files -> PHỤ LỤC 1 KẾt quả XỬ LÝ ĐƠN, thư CỦa uỷ ban tư pháp từ sau kỳ HỌp thứ SÁU ĐẾn truớc kỳ HỌp thứ BẢy quốc hội khóa XII
files -> Phần I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
files -> II. Các kiến nghị về chính sách đối với giáo viên
files -> BÁo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo trong giáo dục đại học

tải về 451.39 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương