Chiến tranh Việt Nam


Sự leo thang chiến tranh của Hoa Kỳ



tải về 0.71 Mb.
trang4/7
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích0.71 Mb.
#24928
1   2   3   4   5   6   7

Sự leo thang chiến tranh của Hoa Kỳ



Một lính Mỹ trên trực thăng

Chính vì những tế nhị chính trị như vậy nên sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ đã diễn ra theo cách leo thang dần. Đầu tiên họ cho rằng không cần tham chiến vẫn có thể giải quyết chiến tranh nếu ngăn chặn được nguồn tiếp tế của miền Bắc. Hoa Kỳ ra sức ép nếu miền Bắc không chấm dứt tiếp tế cho Quân Giải phóng miền Nam thì sẽ phải đối mặt với việc bị ném bom. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bất chấp sức ép của Hoa Kỳ và tiếp tục tiếp tế vào miền Nam. Sự kiện Vịnh Bắc Bộ vào tháng 8 năm 1964 dẫn tới việc Quốc hội Hoa kỳ đã uỷ nhiệm cho chính phủ Hoa Kỳ tiến hành mọi hoạt động chiến tranh nếu thấy cần thiết mà không cần có sự phê chuẩn của Quốc hội. Ngay sau đó, Hoa Kỳ bắt đầu các cuộc ném bom miền Bắc. Để duy trì việc ném bom, Hoa Kỳ phải đưa máy bay và lính không quân vào các sân bay tại miền Nam, lập các căn cứ tại đó. Điều này dẫn đến việc Quân Giải phóng tiến công các sân bay.

Để bảo vệ các căn cứ trong sân bay, Hoa Kỳ cần gửi thêm thủy quân lục chiến. Sau đó lại xuất hiện vấn đề phải phòng thủ từ xa và, cuối cùng, là phải tìm-diệt đối phương sâu trong các căn cứ của họ. Thế là quân Mỹ đã dần dần trực tiếp đánh thay cho quân đội Việt Nam Cộng hòa, và quân đội này dần dần chỉ còn là lực lượng thứ yếu, chủ yếu để giữ an ninh tại các vùng họ kiểm soát.



Miền Bắc và chiến tranh không quân

Bài chi tiết: Chiến tranh Việt Nam (miền Bắc, 1965-1968)Chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất



Tốp máy bay F105 Của Không quân Mỹ đang oanh tạc Bắc Việt Nam 1966

Bắt đầu từ tháng 8 năm 1964 miền Bắc đã phải đối phó với chiến tranh trên không rất ác liệt của Không quân và Hải quân Hoa Kỳ. Đầu tiên là chiến dịch Mũi Tên Xuyên (Pierce Arrow) ngày 5 tháng 8 năm 1964, hành động trả đũa sự kiện Vịnh Bắc Bộ[143] do máy bay của Hải quân Mỹ thực hiện, đánh phá các căn cứ hải quân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Lạch Trường (Thanh Hóa), Bãi Cháy (Hòn Gai).

Tại Bãi Cháy, bộ đội cao xạ phòng không đã chủ động đánh trước khi máy bay Mỹ oanh kích. Hai máy bay Mỹ loại A-4 Skyhawk bị bắn rơi. Phi công Mỹ Everett Alvarez nhảy dù xuống biển đã bị dân chài bắt sống, trở thành người tù binh Mỹ đầu tiên trong Chiến tranh Việt Nam.[144] Tiếp đến là chiến dịch Sấm Rền đầu năm 1965 đánh phá các tỉnh từ Thanh Hóa trở vào, sau đó chiến tranh không quân lan rộng ra toàn miền Bắc Việt Nam. Để đề phòng các phản ứng của quốc tế, Không quân Mỹ chỉ chừa lại nội thành hai thành phố Hà NộiHải Phòng mà thôi. Chiến tranh không quân nhắm vào hệ thống đường xá giao thông và các mục tiêu công nghiệp, quân sự. Thậm chí các trạm biến thế điện nhỏ, các nhánh đường sắt phụ cũng bị đánh. Bị đánh phá nặng nhất là tại khu vực hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, là cuống họng tiếp tế vào Nam, và tại khu vực Vĩnh Linh giáp sông Bến Hải - nơi dân chúng phải sống trong địa đạo.

Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thoả thuận với Trung Quốc đưa một bộ phận quân đội Trung Quốc vào miền Bắc Việt Nam đóng ở một số vị trí quan trọng như tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên và dọc đường Quốc lộ 1, nhưng không được vượt quá phía nam Hà Nội. Sau đó một số lượng đáng kể nhân viên quân sự Trung Quốc được gửi sang miền Bắc, bắt đầu từ tháng 6 năm 1965. Số quân này không được phép tham chiến mà chỉ để giúp Việt Nam làm đường. Tổng số quân Trung Quốc đã có mặt tại miền Bắc từ tháng 6-1965 đến tháng 3-1973 là gần 320.000 người. Tại mỗi thời điểm, đông nhất có khoảng 130.000 người, bao gồm các đơn vị tên lửa đất đối không, pháo phòng không, các đơn vị công binh làm đường, dò mìn, và vận tải.[4]

Việc ném bom miền Bắc khó có thể đánh sụp được tiềm lực chiến tranh của miền Bắc vì xã hội miền Bắc là xã hội nông nghiệp lạc hậu không có nhiều các mục tiêu công nghiệp lớn. Ở điều kiện miền Bắc Việt Nam, chiến tranh không quân sẽ chỉ có tác dụng lớn nếu như nó đánh gẫy được ý chí chống Mỹ của nhân dân miền Bắc.[cần dẫn nguồn]

Cuộc sống của người dân miền Bắc ngày càng khó khăn và thêm càng căng thẳng, ngay cả bộ đội cũng bị thiếu ăn. Ở thành thị, dân chúng tản cư về nông thôn để tránh bom, nhu yếu phẩm cho thị dân được bán theo chế độ tem phiếu rất nghiêm ngặt. Nông thôn vắng bóng nam thanh niên. Nữ thanh niên vừa lao động sản xuất vừa được điều động tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ bảo vệ trật tự và tham gia huấn luyện quân sự, bắn máy bay. Chính phủ huy động hàng vạn nữ thanh niên đi Thanh niên xung phong vào tuyến lửa tại các tỉnh bị đánh phá nặng nề nhất như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, và vào tuyến đường Trường Sơn, sang Lào để làm nhiệm vụ hậu cần, làm đường và đảm bảo giao thông. Tỷ lệ thương vong lớn vì bom đạn và bệnh tật.

Về xã hội, địa phương cố gắng tạo điều kiện cho thanh niên lập gia đình trước khi nhập ngũ. Nhà nước tìm mọi cách nâng cao tinh thần của dân chúng cho kháng chiến. Tất cả mọi người đều tham gia các tổ chức quần chúng của Đảng Lao động Việt Nam. Các tổ chức quần chúng trên có vai trò nhất định trong việc giữ vững tinh thần và niềm tin trong dân chúng và thi hành các đường lối chính sách của Đảng trong dân. Nhân dân miền Bắc được phổ biến đời sống kinh tế tại miền Nam rất tồi tệ[145], nhân dân miền Nam (nhất là ở vùng nông thôn) đang khốn khổ bởi những cuộc bắn phá, càn quét, rải chất độc hóa học phá hoại mùa màng và chính sách Ấp Chiến lược - "thực tế là trại tập trung" của Mỹ Ngụy.[146]

Xã hội xuất hiện nhiều tấm gương về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Các nguồn lực được huy động tối đa và có hiệu quả để phục vụ mục tiêu giải phóng miền Nam. Các nhà báo Pháp nhận xét: "Mọi lối sống cá nhân đều biến mất để cùng xây dựng một cố gắng tập thể tuyệt vời, điều hành bởi một bộ máy thống nhất và quy củ".[147] Nói chung, tinh thần của người dân miền Bắc rất cao, họ vẫn có thể chấp nhận hy sinh cao hơn nữa để giành được thắng lợi cuối cùng.

Lực lượng phòng không của Quân đội Nhân dân Việt Nam không thể đua tranh với Không quân và Hải quân Hoa Kỳ nên dồn sức bảo vệ các mục tiêu thật quan trọng như Hà Nội, Hải Phòng, các thành phố lớn, các điểm giao thông quan trọng và các nơi máy bay địch hay qua lại nhiều. Những nơi còn lại được phân cho các lực lượng dân quân tự vệ trang bị pháo và súng máy phòng không đảm trách. Đến năm 1965, lực lượng phòng không của miền Bắc có trang bị khá hiện đại do Liên Xô cung cấp, gồm nhiều trung đoàn pháo phòng không các tầm cỡ điều khiển bằng radar, hệ thống radar cảnh giới và dẫn đường cho không quân, hệ thống tên lửa phòng không và không quân tiêm kích. Các lực lượng phòng không không quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu khá sáng tạo, vô hiệu hóa được các thủ thuật chiến tranh điện tử và chống trả quyết liệt với Không quân và Hải quân Hoa Kỳ.



Các chiến dịch tìm-diệt

Bài chi tiết: Chiến dịch Plei Me, Cuộc phản công mùa khô 1965-1966, Cuộc phản công mùa khô 1966-1967, và Chiến lược tìm và diệt

Ngay sau khi quân đội Hoa Kỳ đổ bộ vào miền Nam Việt Nam tình hình chiến sự thay đổi có lợi cho phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Quân Giải phóng miền Nam bị đẩy lui vào thế thủ, bị không quân và kỵ binh bay của Mỹ truy đuổi. Các đơn vị lớn phải rời bỏ vùng đồng bằng trống trải để lui về miền nông thôn hoặc núi rừng. Ở đồng bằng họ chỉ để lại các đơn vị nhỏ và phát động chiến tranh nhân dân đánh du kích. Cố vấn Edward Lansdale đề xuất ý kiến, cho rằng nếu như có thể chiếm được lòng dân miền Nam thì du kích sẽ không có chỗ để trốn, nhưng kế hoạch đã thất bại và dẫn đến việc dùng chất độc màu da cam và chính sách tìm-diệt.[148]





Nông dân bị tình nghi là cộng sản

Tháng 11 năm 1965 đã xảy ra một trận đánh rất ác liệt tại vùng thung lũng sông Ia Drang, gần biên giới Campuchia thuộc tỉnh Kon Tum. Một trung đoàn chính quy Quân Giải phóng miền Nam và một lữ đoàn thuộc Sư đoàn 1 Kỵ binh bay của Mỹ đã dàn quân đánh nhau để thử sức. Thực chất đây là hai trận đánh liên tiếp, trận Xraytrận Albany, diễn ra trong bốn ngày đêm. Mỗi bên thắng một trận[cần dẫn nguồn], hai bên đều bị thương vong nặng, và tuy cùng tuyên bố thắng lợi, đều biết được thực lực đối phương là đáng gờm.

Sau trận này, quân Giải phóng đã tìm ra cách hạn chế ưu thế quân sự áp đảo của Mỹ. Phía Mỹ có hoả lực cực mạnh và tổ chức chiến đấu hoàn hảo. Đặc biệt có yểm trợ không quân rất hiệu quả mà vũ khí khủng khiếp nhất của họ là máy bay B52, bom napal và trực thăng vũ trang, nên từ đó Quân Giải phóng miền Nam bỏ tham vọng đánh tiêu diệt các đơn vị cấp tiểu đoàn. Họ tránh đánh những trận dàn quân xung phong mà chỉ áp dụng chiến thuật đánh tập kích. Quân của họ luôn bám sát những toán quân Mỹ nhưng không giao chiến, chỉ khi đối phương dựng trại nghỉ ngơi hoặc sơ hở thì họ tập kích hoặc phục kích, đánh xong nhanh chóng rời chiến trường. Một khi xung phong thì luôn áp sát đánh gần, dùng lối cận chiến "Nắm thắt lưng địch mà đánh" để không cho đối phương sử dụng pháo binh và không quân. Dù rất hiện đại nhưng quân đội Mỹ không quen chiến đấu trong địa hình rừng núi quen thuộc của đối phương, nơi mà vũ khí của họ không phát huy hết tác dụng. Quân Mỹ "tìm-diệt" nhưng chẳng thấy địch đâu tuy bất cứ lúc nào họ cũng có thể xuất hiện.

Trong hai năm 19661967 chiến sự giữa hai bên diễn ra chủ yếu tại miền Đông Nam Bộ, nơi có các căn cứ và kho tàng lớn của quân Giải phóng. Bộ chỉ huy chiến trường của Mỹ đã tung ra ba chiến dịch lớn để đánh vào các căn cứ này, đó là các chiến dịch:


  1. Chiến dịch Cedar Falls – đánh vào khu Tam giác sắt Củ Chi, nơi có hệ thống địa đạo mà Quân Qiải phóng dùng làm bàn đạp thâm nhập Sài Gòn;

  2. Chiến dịch Attleboro – đánh vào chiến khu Dương Minh Châu

  3. Chiến dịch Junction City – đánh vào chiến khu C nơi đặt Bộ chỉ huy của Quân Qiải phóng miền Nam.

Đặc biệt là chiến dịch Junction City, khi Mỹ định đánh một trận lớn để diệt gọn cơ cấu lãnh đạo chiến tranh của Mặt trận Giải phóng miền Nam tại vùng rừng Tây Ninh. Bao vây và đánh vào khu căn cứ đầu não của Trung ương cục miền Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Các cuộc tiến công tuy đã huy động rất lớn các lực lượng của Mỹ nhưng không đem lại kết quả: các cơ cấu lãnh đạo, kho tàng, căn cứ của Quân Giải phóng vẫn an toàn, quân Mỹ bị tiến công liên tục, trong thế trận đối phương đã bày sẵn, trong địa bàn quen thuộc của đối phương và phải bỏ dở các cuộc hành quân. Đến cuối năm 1967, tuy đẩy lui chủ lực Quân giải phóng tại vùng đồng bằng lên miền rừng núi, nhưng quân Mỹ vẫn không bình định được lực lượng du kích tại miền Nam Việt Nam.

Lực lượng du kích quân Giải phóng cũng mở rộng tầm tấn công, không những với mục tiêu quân sự mà còn tấn công vào cơ cấu tổ chức hành chính địa phương của Việt Nam Cộng hòa. Nằm trong kế hoạch là chủ trương ám sát các viên chức và công chức địa phương. Chủ trương này ngoài hiệu quả triệt hạ nguồn nhân sự điều hành chính quyền địa phương mà còn tác động đến tâm lý đại chúng ở Miền Nam.[149]

Để chống lại Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đưa vào hoạt động Chiến dịch Phụng Hoàng nhằm phá hoại tổ chức và du kích địa phương của quân Giải phóng. Chiến dịch này đạt cao điểm sau cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân năm 1968 khi nhiều tổ cán bộ Mặt trận Giải phóng đã lộ diện và bị chỉ điểm.[150]

Qua 3 năm chiến đấu trực tiếp với quân Mỹ, tuy vẫn đứng vững trên chiến trường, nhưng thương vong của quân Giải phóng cũng tăng lên, nếu cục diện này tiếp tục kéo dài thì không thể giành được chiến thắng quyết định. Để xoay chuyển tình thế tạo đột phá cho cuộc chiến tranh, Bộ chính trị Đảng Lao động Việt Nam tại Hà Nội quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.



Đấu tranh ngoại giao và tiếp xúc bí mật

Bài chi tiết: Tiếp xúc ngoại giao 1967-1968

Ngày 28 tháng 1 năm 1967, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Duy Trinh tuyên bố lập trường và điều kiện cho việc đối thoại Việt-Mỹ là[151]:





Muốn nói chuyện thì trước hết phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chỉ sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ mới có thể nói chuyện được



Nguyễn Duy Trinh

Ngày 8/2/1967 tổng thống Mỹ Johnson gửi thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong đó có ghi:



We have tried over the past several years, in a variety of ways and through a number of channels, to convey to you and your colleagues our desire to achieve a peaceful settlement. For whatever reasons, these efforts have not achieved any results...



Johnson

Đại ý là người Mỹ nhiều lần chuyển đến chính phủ Hồ Chí Minh mong muốn hoà bình bằng những kênh khác nhau nhưng không đạt kết quả nào và đề nghị chấm dứt cuộc xung đột tại Việt Nam để không tiếp tục gây đau khổ cho nhân dân hai miền Việt Nam cũng như nhân dân Mỹ. Tổng thống Mỹ cam kết sẽ ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam và ngừng tăng thêm quân tại miền Nam Việt Nam ngay khi miền Bắc chấm dứt đưa quân vào miền Nam. Hai bên cùng kiềm chế leo thang chiến tranh để đối thoại song phương một cách nghiêm túc hướng đến hoà bình. Việc tiếp xúc có thể diễn ra ở Moskva, Miến Điện hay bất cứ nơi nào Bắc Việt Nam muốn.

Ngày 15/2/1967 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư trả lời tổng thống Johnson tố cáo Mỹ đã xâm lược Việt Nam, vi phạm những cam kết của đại diện Mỹ tại Hội nghị Geneva, phạm nhiều tội ác chiến tranh tại cả hai miền Nam Bắc Việt Nam. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhân dân Việt Nam quyết tâm đánh thắng Mỹ bằng mọi giá. Nếu Mỹ muốn trực tiếp đối thoại với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì trước tiên phải ngừng ném bom vô điều kiện miền Bắc Việt Nam. Chỉ có thể đạt được hoà bình nếu Mỹ chấm dứt những hoạt động quân sự, rút quân Mỹ và đồng minh khỏi miền Nam để người Việt Nam tự giải quyết vấn đề của mình, đồng thời công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam.[152]

Cả hai phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ không có tiếng nói chung để giảm cường độ chiến tranh. Phía Mỹ bác bỏ tất cả những điều kiện mà phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra và tiếp tục leo thang chiến tranh. Phải đến khi cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân nổ ra vào năm 1968 thì Mỹ mới chấp nhận những điều kiện này.

Sự kiện Tết Mậu Thân

Bài chi tiết: Sự kiện Tết Mậu Thân

Vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968, quân Giải phóng tung ra trận Tổng tiến công và nổi dậy khắp miền Nam, đánh vào hầu hết các thành phố, thị xã và các căn cứ quân sự của đối phương. Đây là một sự kiện gây chấn động trên thế giới và có một vai trò bước ngoặt trong cuộc chiến tranh này.

Nắm được điểm yếu của phía Mỹ là dư luận của cả nhân dân và chính giới tại Mỹ ngày càng trở nên thiếu kiên nhẫn và phong trào phản chiến ngày càng lên mạnh[153] khi mà quân đội Mỹ tham chiến quá lâu tại nước ngoài mà không có được một tiến bộ rõ rệt khả dĩ cho phép rút quân về nước, Bộ chính trị Đảng Lao động Việt Nam hoạch định một chiến dịch nhằm gây tiếng vang lớn ("Một cú đập lớn để tung toé ra các khả năng chính trị" – Lê Duẩn) nhằm buộc Mỹ xuống thang chiến tranh đi vào đàm phán.

Trong thực tế, vào tháng 1 năm 1968, tình báo của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã thu thập được các tài liệu nói về cuộc tổng tấn công sắp tới của Quân Giải phóng. Tuy vậy, họ cho rằng đây chỉ là tài liệu do đối phương tung ra để làm nghi binh và không đáng tin cậy. William Westmoreland, tổng chỉ huy quân đội Mỹ tại Việt Nam, nhận định Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ tấn công vào mùa khô với các trọng điểm là Thừa Thiên, Quảng Trị và Khe Sanh.[154] Hầu hết người Mỹ và đồng minh Việt Nam Cộng hòa của họ hoàn toàn bất ngờ và bị động trước cuộc tấn công này.

Cuộc tiến công đã đồng loạt nổ ra vào đêm 30 Tết Mậu Thân, tức ngày 30 tháng 1 năm 1968, trên khắp các đô thị miền Nam. Để khuếch đại tiếng vang đến mức tối đa, các lãnh đạo Quân Giải phóng đã lựa chọn phương án mạo hiểm nhất là đánh thẳng vào hậu phương của đối phương. Ngay đêm đầu tiên, lực lượng biệt động Sài Gòn đã nhằm vào các mục tiêu khó tin nhất trong thành phố[155]: Toà Đại sứ quán Mỹ, dinh Tổng thống, Đài phát thanh, Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất... Sau đó quân tiếp ứng thẩm thấu vào thành phố tiếp quản các mục tiêu và tham gia chiến đấu. Cuộc tiến công đã tạo bất ngờ lớn và làm tổn thất đáng kể cho quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa,[155] gây chấn động dư luận thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, quân Giải phóng cũng mắc phải những sai lầm trong kế hoạch tác chiến. Trong việc lập kế hoạch cho cuộc tổng tiến công, họ đã có những đánh giá không đúng với thực tế tình hình và duy ý chí. Kế hoạch trên dựa trên nhận định thấp về khả năng của đối phương và đánh giá quá cao khả năng của họ, nên Quân Giải phóng đã phải chịu thương vong lớn. Một đặc điểm nữa của việc lập kế hoạch tiến công Mậu Thân 1968 là các cấp chỉ huy chiến đấu của Quân Giải phóng miền Nam đã không tách bạch được đâu là mục tiêu chính trị thực chất của cuộc tiến công và đâu là mục tiêu được phổ biến rộng rãi trong quân để cổ vũ khí thế chiến đấu.[155] Mục tiêu thực chất là đánh lớn gây tiếng vang hướng tới dư luận và chính giới Mỹ để buộc đối phương xuống thang, đàm phán. Còn mục tiêu được phổ biến tuyên truyền trong cán bộ binh sĩ để nâng cao sĩ khí là trận cuối cùng "đánh dứt điểm" đối phương. Các cán bộ chiến trường khi lập kế hoạch tác chiến cũng tin tưởng vào quyết tâm đánh dứt điểm của cấp trên nên họ lập kế hoạch và tiến hành đánh theo kiểu trận đánh cuối cùng, làm cho việc tác chiến trở nên bị động đối phó. Điều sai lầm nữa cho Quân Giải phóng là họ đã không linh hoạt thay đổi tuỳ theo tình hình.[155][156] Khi thấy chưa đạt được mục tiêu trong đợt tấn công đầu tiên họ đã phát động tiếp đợt 2 vào tháng 5, đợt 3 vào tháng 8 khi mà kế hoạch đã bại lộ và đối phương đã đề phòng và chuẩn bị đón đánh, làm cho thiệt hại của họ càng lớn.

Sau Tổng tiến công Mậu Thân, Quân Giải phóng bị đánh bật khỏi các đô thị[153]: Các đơn vị quân sự chịu thương vong lớn, các lực lượng chính trị ở đô thị bị bộc lộ và bị triệt phá gần hết, thương vong cao hơn hẳn những năm trước. Thậm chí đã có ý kiến trong giới lãnh đạo Quân Giải phóng là cho giải tán các đơn vị cỡ sư đoàn, quay trở về lối đánh cấp trung đoàn trở xuống. Họ tránh giao chiến lớn tại miền Nam và rút lui về các chiến khu tại vùng nông thôn, miền núi hoặc đi ẩn náu tại bên kia biên giới LàoCampuchia, phải tới năm 1970 lực lượng của họ mới hồi phục lại được. Tình thế chiến trường yên tĩnh hơn giúp Quân lực Việt Nam Cộng hòa có thời gian bổ sung lại những thiệt hại lớn trong năm 1968, đồng thời tiến hành các chiến dịch bình định nông thôn, đặc biệt là chiến dịch Phượng hoàng nhằm triệt phá phong trào chính trị của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ở nông thôn và thành thị. Đó là cơ sở để giới quân sự Mỹ và Việt Nam Cộng hòa cho rằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã thất bại.

Mặt khác, Quân Giải phóng cũng có lý do để cho rằng Mậu Thân 1968 là một thắng lợi chiến lược trong chiến tranh của họ[153], bởi họ đã "đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ"[157], bắt buộc Mỹ phải xuống thang và bắt đầu rút khỏi Việt Nam. Lực lượng quân Giải phóng suy yếu thì sẽ hồi phục lại, còn Mỹ một khi đã ra đi thì khó mà trở lại được.

Sự kiện Tết Mậu Thân không chỉ khiến cho các bên tham chiến thiệt hại nặng mà còn gây thương vong rất nhiều dân thường. Các lực lượng tham chiến đều có những hành động tàn bạo vượt quá chuẩn mực chiến tranh thông thường nhắm vào đối phương hoặc những người dân vô tội bị xem là ủng hộ đối phương như các vụ Thảm sát Mỹ Lai, Saigon Execution, Thảm sát Huế Tết Mậu Thân.

Vẻ thất thần của Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara. Ảnh chụp ngày 7-2-1968

Cuộc tổng tiến công đã làm dư luận Mỹ thấy rằng việc đưa quân tham chiến với nỗ lực cao đã làm căng thẳng trong xã hội Mỹ, kinh tế giảm sút, gây nhiều hệ luỵ xấu cho xã hội... mà vẫn không dứt điểm được quân đối phương, chiến tranh kéo dài không biết đến bao giờ mới kết thúc.[153] Điều này đưa đến kết luận là Mỹ không thể thắng được trong cuộc chiến này. Các chính trị gia trong Quốc hội Mỹ gây sức ép lên chính phủ đòi xem xét lại cam kết chiến tranh, đòi huỷ bỏ uỷ quyền cho chính phủ tiến hành chiến tranh không cần phê chuẩn, thúc ép giải quyết chiến tranh bằng thương lượng.[158]

Quy mô của cuộc tiến công làm dư luận Hoa Kỳ mất kiên nhẫn và sự tin tưởng với giới quân sự, họ đòi chấm dứt chiến tranh và rút quân về nước.[158] Một mặt họ thiếu niềm tin vào hiệu quả của quân đội, mặt khác, các hành động bạo liệt mất nhân tính được trình chiếu trên TV đánh vào lương tâm công chúng. Họ đòi hỏi phải chấm dứt chiến tranh ngay lập tức. Họ coi chiến tranh là bẩn thỉu.

Ngay các nhà lãnh đạo chính phủ Hoa Kỳ cũng chia rẽ trong quan điểm sẽ làm gì tiếp theo.[158] Các cố vấn hàng đầu của tổng thống và ngay Tổng thống Johnson thoái chí đi đến kết luận không thể tăng quân thêm nữa theo yêu cầu của giới quân sự mà phải xuống thang, đàm phán. Johnson cách chức Bộ trưởng quốc phòng Mc Namara và tướng Westmoreland, tổng chỉ huy quân Mỹ tại Việt Nam, bản thân ông cũng tuyên bố sẽ không ra tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo.

Kết quả ngày 31 tháng 3 năm 1968, lần đầu tiên kể từ đầu cuộc chiến, chính phủ Hoa Kỳ buộc phải xuống thang chiến tranh. Tổng thống Lyndon B. Johnson tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, sẵn sàng đàm phán để chấm dứt chiến tranh, không tăng thêm quân theo yêu cầu của Bộ chỉ huy chiến trường, và từ chối tranh cử nhiệm kỳ tới. Tân tổng thống Richard M. Nixon, thắng cử vì hứa chấm dứt chiến tranh, tuyên bố sẽ dần rút quân về nước và đàm phán với Quân Giải phóng. Chiến lược Chiến tranh cục bộ được kỳ vọng sẽ đem lại chiến thắng cho Mỹ giờ bị loại bỏ. Vấn đề của Mỹ bây giờ không còn là chiến thắng cuộc chiến nữa mà là rút ra như thế nào.

Tất cả những điều trên tạo cơ sở cho Quân Giải phóng thấy rằng họ đã đạt được mục tiêu đề ra của cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 cho dù phải hy sinh nhiều lực lượng. Thất bại về chiến thuật đã được bù đắp bằng thắng lợi quan trọng hơn ở tầm chiến lược, bởi nó tác động toàn diện đến tình hình quân sự, chính trị, tâm lý xã hội, chiến lược chiến tranh của cả nước Mỹ.

Sự rút quân Mỹ về nước là không thể đảo ngược và như vậy cũng có nghĩa chiến lược Chiến tranh cục bộ với các cuộc hành quân Tìm-diệt coi như phá sản. Chiến lược mới của chính phủ Mỹ để thay thế chiến lược cũ - Việt Nam hóa chiến tranh là không thể tránh khỏi. Chiến tranh Việt Nam đi vào giai đoạn mới mà chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng Hòa phải tự mình chiến đấu mà không còn lính viễn chinh Mỹ trực tiếp tham chiến cùng (dù vẫn được Mỹ cung cấp yểm trợ hỏa lực và cố vấn quân sự). Về mặt chiến lược lâu dài, đây là bất lợi lớn vì quân đội Việt Nam Cộng hòa, dù trang bị hiện đại vẫn không thể so sánh về chất lượng so với quân viễn chinh Mỹ.




tải về 0.71 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương