Chủ nghĩa hậu hiện đại: những khái niệm căn bản


Thời Kỳ Hiện Đại/Hậu Hiện Đại



tải về 0.62 Mb.
trang2/9
Chuyển đổi dữ liệu02.01.2022
Kích0.62 Mb.
#34519
1   2   3   4   5   6   7   8   9
Thời Kỳ Hiện Đại/Hậu Hiện Đại

Tính Chất Hiện Đại/Hậu Hiện Đại

Trong các luận văn Anh Ngữ viết về chủ nghĩa hậu hiện đại, chữ modernity (thời kỳ hiện đại) hay chữ postmodernity (thời kỳ hậu hiện đại) vừa bao hàm ý nghĩa thời gian vừa ngầm chứa ý nghĩa của tính chất, nên trong tiếng Việt của chúng ta, rất khó có một từ ngữ tương đương, chứa đựng hai đặc điểm diễn tả cả ý niệm thời gian lẫn tính chất: thời kỳ hiện đại và tính chất hiện đại, hay, thời kỳ hậu hiện đại và tính chất hậu hiện đại, để chuyển dịch trọn vẹn cho hai từ ngữ trên.

Về phương diện lịch sử, thời kỳ hiện đại đánh dấu một kỷ nguyên tương đối dài trong lịch sử thế giới, bắt đầu từ thời Phục Hưng (Renaissance), kéo dài gần một nửa thiên niên kỷ, cho đến giữa thế kỷ thứ hai mươi. Nghĩa là kể từ khi thời đại Trung Cổ (Middle Ages) chấm dứt cho đến những năm đầu của thập niên 1950 đều thuộc về thời kỳ hiện đại [3]. Thông thường, người ta sắp xếp thời kỳ hiệân đại này như một modern era trùng hợp với kỷ nguyên Ánh sáng (Enlightment) của Âu Châu, mặc dầu thời gian và tính chất giúp xác định một cách rõ ràng giai đoạn lịch sử nào tương ứng với Enlightment vẫn còn đang trong vòng tranh cãi giữa các giới nghiên cứu và học giả. Theo Oden [4], thời kỳ Ánh Sáng chính là thời kỳ khai sinh của giai đoạn hiện đại trong lịch sử trí thức. Nó bắt đầu từ cuộc cách mạng Pháp, 1789, và chấm dứt vào năm 1989, mốc điểm đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ chiến tranh lạnh bằng sự sụp đổ bức tường ngăn chia Đông và Tây Berlin. Một số khác cho rằng thời kỳ hiện đại bắt đầu từ năm 1750 và chấm dứt sau đệ nhị thế chiến (2). Tuy có khác biệt trong việc sắp xếp thời gian, xu hướng chung đều đồng ý rằng, thời kỳ hiện đại gắn liền với giai đoạn Ánh Sáng tại Âu Châu.

Khác với thời kỳ hiện đại kéo dài nhiều trăm năm, chủ nghĩa hiện đại (modernism) là một khuynh hướng văn hoá rộng lớn xuất hiện vào giai đoạn sau cùng của thời kỳ hiện đại và chỉ kéo dài 50 hoặc 60 năm, từ cuối thế kỷ thứ 19 đến những năm đầu thập niên 60 (4), cao điểm của nó vào khoảng thời gian 1890 đến 1930 (5) hoặc ngắn hơn như quan điểm của Mary Klages là vào khoảng 1910 đến 1930 (2). Thời kỳ hiện đại mang những tính chất liên hệ đến một hệ tư tưởng về triết lý, đạo đức, chính trị và xã hội, làm nền tảng căn bản cho các khuynh hướng mỹ học của chủ nghĩa hiện đại phát triển.

Chữ modernity bắt đầu từ chữ modern có từ nguyên từ tiếng La tinh, modernus, được sử dụng vào thế kỷ thứ năm, dùng để tách rời một cách chính thức thời kỳ Cơ Đốc và quá khứ đa thần của đế quốc La Mã [5]. Kể từ đó, danh từ này được dùng để mô tả một giai đoạn hay một khoảng thời gian, trong hàm ý so sánh với một quá khứ đi trước, gọi là thời kỳ Cổ Đại (Antiquity). Tuy nhiên, khi có sự xuất hiện thời kỳ Ánh Sáng của Pháp (French Enlightment), ý nghĩa thời gian trong chữ modernity đã được bổ sung thêm một ý niệm mới, đặc biệt là sau Querelle des Anciens et des Modernes, chữ modernity bao hàm thêm ý nghĩa cao hơn (ý niệm về tính chất) trong sự so sánh các giai đoạn lịch sử và phát triển của nhân loại. Trong sự liên hệ với lý thuyết triết học, tôn giáo và giá trị mỹ học, người ta đã tranh luận rằng, modernity phải được xem là tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn, tinh tế hơn và dĩ nhiên sở hữu nhiều sự thật (có nền tảng sâu xa) hơn thời đại cổ xưa [6]. Những cuộc tranh luận về các tiêu chuẩn giá trị giữa cũ và mới (vào giai đoạn đó) làm cho lòng tôn kính một cách mù loà về sự hiện hữu của một đấng siêu nhiên ngoài vũ trụ, thông suốt hết mọi sự, trở nên hết sức lỗi thời và lố bịch, nền tảng triết lý của Antiquity bị lật nhào, mang theo nó những định chế về xã hội và văn hoá chi phối một cách mạnh mẽ bởi giới vua chúa, quý tộc, tăng lữ và giáo hội trong hơn 15 thế kỷ, mở đường cho thời kỳ Ánh Sáng với những phát triển vượt bậc về khoa học, chính trị, xã hội, luật pháp, đạo đức và văn học tại Âu Châu. Xuyên suốt chiều dài của giai đoạn Ánh Sáng, dựa trên “tính chất khách quan” của các “bằng chứng khoa học”, người ta đi tìm một “sự thật tuyệt đối” trong mỗi tạo vật của thế giới và vũ trụ ngõ hầu xây dựng nên những lý thuyết về tự nhiên cũng như những tổ chức và định chế xã hội nhằm đạt đến “một cơ cấu hợp lý trong đời sống thường ngày.” [7]

Khi bàn luận về tính chất hiện đại có hai tên tuổi lớn thường được nhắc đến: Kant và Hegel. Nếu Kant được thừa nhận như người đầu tiên cổ xuý cho những đổi mới trong các khuynh hướng triết học hiện đại, và nếu Hegel được xem như là người tiên phong trong việc đưa ra một khái niệm triết học rõ ràng để xác định những vấn nạn của thời kỳ hiện đại như “sự bảo chứng bản ngã”, hoặc sự cần thiết xây dựng những nền tảng biện chứng riêng cho bản ngã, thì Baudelaire mới là người thường xuyên được nói đến như là một lý thuyết gia có công tạo ra được một ngã rẽ rõ ràng về các hiểu biết của tính chất hiện đại [8]. Baudelaire đã chỉ ra những giá trị có thể có của thời kỳ hiện đại [9]; nhận thức những đặc tính hiện đại tách biệt như tính nhất thời, ngẫu nhiên, và phù du trong thời kỳ hiện đại [10]; làm sáng tỏ những điều kiện và những phức tạp trong đời sống hiện đại [11]. Nhưng có lẽ Baudelaire được nhớ đến nhiều nhất là nhờ ông đã chỉ ra “sự tương phản giữa tính chất mỹ học hiện đại và tính chất thực tiễn của nền văn minh tư sản trong thời kỳ hiện đại.” [12]. Baudelaire đã có hai quan sát riêng biệt: thứ nhất, có những trùng hợp đáng kể giữa triết lý và mỹ học thời hiện đại; thứ hai, sự tương phản giữa mỹ học (hoặc văn hoá) và chính trị, xã hội thời hiện đại tạo nên hai tính chất riêng rẽ đối kháng nhau một cách đầy mỉa mai [13], đánh dấu cho thời kỳ này đang tiến đến giai đoạn phát triển cao nhất của nó để chuẩn bị sẵn sàng cho sự ra đời các chủ thuyết lớn thời cận đại.

Theo Jane Flax, trong luận văn Thinking Fragments: Psychoanalysis, Feminism, and Postmodernism in the Contemporary West [14], nếu thời kỳ hiện đại được hiểu với khái niệm thời gian, thì giai đoạn nối tiếp của nó sẽ được xem như là thời kỳ hậu hiện đại (postmodernity). Và tính chất riêng biệt đặc trưng cho từng thời kỳ gọi là tính chất hiện đại tính chất hậu hiện đại, mặc dầu trong Anh Ngữ vẫn chỉ là modernity postmodernity. Khi nói đến tính chất hiện đại người ta có khuynh hướng nói đến những đặc điểm triết lý xuyên suốt thời kỳ Ánh Sáng của Âu Châu, với những đại diện tiêu biểu cho giai đoạn này bao gồm: Jean-Jacques Rousseau, Ferdinand de Saussure, Sigmund Freud, Karl Marx, Jean-Paul Sartre… Tiến trình xây dựng lý thuyết cho thời kỳ hiện đại từ Descartes cho đến Marx, Weber, hay Jean-Paul Sartre, cùng những trường phái liên hệ, đặt định Lý Tính như một nguồn gốc tiến bộ của tri thức và xã hội, cũng như vị trí ưu thế đặc quyền trung tâm của Sự Thật làm nền tảng cho hệ thống tri thức. Lý Tính được sử dụng như một phương tiện đầy quyền năng để khám phá và xây dựng một cách đầy đủ những tiêu chuẩn lý thuyết lẫn thực hành; dựa vào đó, tư tưởng và hành động của từng cá nhân, cấu trúc xã hội, sẽ hình thành. Cuộc cách mạng tư tưởng trong thời đại Ánh Sáng cũng xảy ra tại Hoa Kỳ và một số quốc gia dân chủ khác mà mục đích tối hậu là xoá bỏ chế độ cùng với ý thức hệ phong kiến để sản sinh ra một trật tự xã hội đúng đắn công bằng hơn, tạo nên một xã hội tiến bộ hơn có chức năng vận động hợp lý hơn.

Những tư tưởng căn bản của thời kỳ Ánh Sáng đặc trưng bởi tính chất hiện đại, nêu lên trong công trình nghiên cứu của Jane Flax, có thể được tóm tắt như sau:

Luôn luôn tồn tại một bản ngã ổn định, tự nhận thức, được cấu trúc mạch lạc và chặt chẽ. Bản ngã này tự ý thức, duy lý, tự do về ý chí và mang những đặc tính chung cho toàn thể thế giới, không có một điều kiện thể lý nào có thể tạo nên những ảnh hưởng thực thể đến nguyên lý hoạt động của bản ngã.

Bản ngã này tự biết về bản thân nội tại và thế giới xung quanh thông qua những quy luật lý tính, trong đó tính hợp lý được đặt ở vị trí cao nhất trong các dạng thức về chức năng lý trí, và tính chất này là hữu thể khách quan duy nhất của vũ trụ.

Phương tiện nhận thức do bản ngã lý tính khách quan tạo nên là Khoa Học, và chỉ có khoa học mới có khả năng đưa ra được những Sự Thật tuyệt đối, phổ thông và vạn năng về thế giới, bất chấp trạng thái cá nhân của người cảm nhận.

Tri Thức (Kiến Thức) đạt được từ Khoa học là sự thật tuyệt đối vĩnh hằng.

Tri thức và Sự thật tạo ra bởi Khoa Học thông qua một bản ngã khách quan hữu lý sẽ luôn dẫn đến sự toàn thiện và toàn mỹ. Tất cả mọi thể chế và hành động của nhân loại có thể phân tích bằng khoa học (một khoa học hợp lý khách quan) để hoàn thiện.

Lý tính là sự phán xử sau cùng cho những gì gọi là Sự Thật, do đó cũng sẽ quyết định cái gì là đúng, là tốt, là hợp pháp và hợp đạo đức. Sự tự do phải bao hàm ý nghĩa tuân thủ luật pháp, một luật pháp phù hợp với tri thức phát hiện bởi lý tính.

Trong thế giới điều khiển bằng lý tính, Sự Thật luôn luôn đồng nghĩa với cái đúng, cái tốt và cái đẹp, sẽ không bao giờ có sự mâu thuẫn giữa những gì gọi là sự thật và những gì gọi là điều đúng.

Khoa học, vì vậy, sẽ đại diện cho một khuôn mẫu bao gồm tất cả mọi hình thái tri thức có ích đối với xã hội. Khoa Học là trung tính và khách quan; khoa học gia, kẻ sản sinh ra những kiến thức khoa học thông qua khả năng lý tính không bị ảnh hưởng của sự chủ quan, phải theo đúng quy luật lý tính và không bị khuynh đảo bởi những động cơ vụ lợi như quyền lực hay tiền bạc chẳng hạn.

Ngôn ngữ được sử dụng như một phương tiện diễn đạt dùng để sản xuất ra kiến thức và phổ biến kiến thức khoa học. Vì là một phương tiện khoa học, nên ngôn ngữ cũng phải hợp lý. Vì phải duy trì tính hợp lý, nên ngôn ngữ phải trong sáng, chức năng duy nhất của nó là phản ánh và thể hiện thế giới hiện thực cảm nhận, một thế giới mà từ đó một bản ngã duy lý quan sát được.

Phải có một liên kết khách quan và chặt chẽ giữa đối tượng được nhận thức và ngôn ngữ dùng để diễn tả sự nhận thức khách quan đó. Nói khác đi là cần có một quan hệ biện chứng “khoa học” giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt (signifier/signified).

Dựa trên các nguyên tắc trên, chủ nghĩa nhân bản và chủ nghĩa duy lý sử dụng để giải thích gần như tất cả mọi hình thức cấu trúc và thể chế xã hội, bao gồm tính chất dân chủ, luật pháp, khoa học, đạo đức và mỹ học…

Về căn bản, tính chất hiện đại được bao trùm bởi tính duy lý và tiến trình hợp lý hoá, một quá trình nhằm tạo nên một trật tự từ những hỗn loạn. Các chủ thuyết hiện đại luôn có cương lĩnh hành động trên cơ sở một giả định: xây dựng một xã hội hợp lý có nghĩa là tạo nên một trật tự ổn định; xã hội ổn định chừng nào thì chức năng của nó càng hoạt động hữu hiệu chừng đó và càng hợp lý hơn.

Vì tính chất của xã hội trong thời kỳ hiện đại luôn nhấn mạnh đến sự gia tăng ngày một cao hơn trong mức độ ổn định và trật tự xã hội, nên điểm đặc thù nhất trong xã hội hiện đại là thường xuyên canh giữ những gì gọi là mất trật tự -- những nguy cơ phá vỡ các trật tự đã được khoa họclý tính xây dựng. Vô hình trung, trong xã hội hiện đại, đặc biệt là xã hội hiện đại tây phương, tính chất ổn định và trật tự phải được đặt ở vị trí trấn áp trong cặp đối lập nhị phân Trật Tự/Hỗn Loạn. Muốn vậy, mặt đối lập của Sự Đúng/Sự Thật/Trật Tự/Ổn Định phải được tạo ra một cách thường trực. Theo ngôn ngữ của Jacques Derrida, phần đối lập của trật tự, của đúng đắn, của chân lý, v.v... được xếp chung trong một phạm trù Khác (the Others).

Tính chất hiện đại xâm nhập vào đời sống thường ngày bằng cách phổ biến nền nghệ thuật của chủ nghĩa hiện đại (sẽ trình bày chi tiết ở phần dưới), những sản phẩm của một xã hội tiêu thụ, những kỹ thuật mới, những phương tiện di chuyển và truyền thông tân tiến. Những phương tiện năng động mà nhờ đó, thời kỳ hiện đại đã tạo ra một thế giới mới mang tính chất công nghiệp và thực dân, một quá trình biến chuyển xã hội để tiến tới công nghiệp hóa, chuyên biệt hoá, vật chất hoá, thành thị hoá, thư lại hoá, cá nhân hoá, và đặc biệt nhất và rộng lớn nhất là khoa học hoá và hợp lý hoá, một quá trình chuyển hoá toàn diện để gộp thành ý nghĩa của hiện đại hoá [15]

Trong quá trình hiện đại hoá như thế cái "Others” dùng để chỉ mọi thứ không hợp lý, thiếu văn minh, không có nguồn gốc Âu Châu, không phải da trắng, không phải đàn ông, đồng tính luyến ái, văn hoá của các dân tộc thiểu số… đều là Khác, Lạ, cần phải loại trừ. Nhân danh cho sự loại trừ những cái Khác này là sự khai phóng, là cách mạng, để tạo nên một trật tự và ổn định mới, hợp lý hơn, tốt đẹp hơn. Và trên con đường thi hành sứ mệnh duy trì trật tự và gieo rắc chủ nghĩa khai phóng, nền văn minh hiện đại cũng sáng tạo nên một hệ thống xã hội pháp lý toàn trị nhằm che đậy cho sự đô hộ và trấn áp: Tính chất Đế Quốc và Thực Dân; lý tưởng khai phóng của thời kỳ Ánh Sáng đã mang những ý nghĩa trái ngược. Với hai cuộc chiến tranh thế giới (chủ yếu tại Châu Âu) kéo theo những hệ luỵ khủng hoảng xã hội thời hậu chiến, cộng với sự nổi dậy của các dân tộc bị trị dưới chế độ thực dân, thời kỳ hiện đại cùng với những hệ tư tưởng triết lý của nó tiến dần đến sự mâu thuẫn và khủng hoảng, mở đường cho một giai đoạn kế tiếp: thời kỳ hậu hiện đại.

Khác với chủ nghĩa hiện đại xuất hiện trong giai đoạn cuối cùng của thời kỳ hiện đại, chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) xuất hiện gần như đồng thời với thời kỳ hậu hiện đại (postmodernity), và có thể xem như hình ảnh đối xứng của chủ nghĩa hiện đại theo khía cạnh thời gian. Về mặt từ ngữ, chữ postmodern đã manh nha từ năm 1934, và được sử dụng lần đầu tiên bởi Arnold Toynbee vào năm 1939 [16]. Trong phần chú giải ở trang đầu tiên của tập thứ nhất thuộc bộ sách lịch sử đồ sộ của ông, A Study of History, Toynbee đã ghi rõ thời kỳ hiện đại chấm dứt vào khoảng phần tư thứ ba của thế kỷ 19, nghĩa là vào khoảng thời gian 1850 – 1875. Như vậy, thời kỳ hậu hiện đại tiếp theo không phải nằm trong thế kỷ 20 mà bắt đầu từ thế kỷ 19. Khi nghiên cứu sâu hơn trong công trình lịch sử đó, Toynbee đã chính thức sử dụng từ ngữ hậu hiện đại (Post-modern) trong tập sách thứ 5, bộ sách này xuất bản vào năm 1939, trong đó ông dời sự chấm dứt của thời kỳ hiện đại lại vào khoảng thời gian giữa hai cuộc thế chiến, nghĩa là thời kỳ hậu hiện đại có khởi điểm nằm trong khoảng thời gian từ năm 1918 đến 1939 [17].

Vì sự xuất hiện có tính cách đồng thời như vậy, nên tính chất hậu hiện đại thường được diễn tả trong các đặc tính của chủ nghĩa hậu hiện đại. Do đó, trong các văn bản tiếng Anh, chữ Postmodernity chỉ dùng để chỉ khoảng thời gian theo sau thời kỳ hiện đại, những tính chất về xã hội, triết lý, văn hoá, mỹ học… được bao hàm trong chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism). Thời kỳ hậu hiện đại (Post-modern age, Postmodernity) có liên hệ nối tiếp với thời kỳ hiện đại, có thể kéo dài vài thế kỷ mà thời đại chúng ta sống hiện nay là phần đầu của nó. Nếu chủ nghĩa hậu hiện đại, cũng như chủ nghĩa hiện đại chỉ kéo dài một thời gian ngắn, sau này người ta sẽ phân biệt rõ hơn giữa tính chất hậu hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại, như chúng ta thường phân biệt tính chất hiện đại chủ nghĩa hiện đại khi nói về giai đoạn Aùnh Sáng. Điều này phù hợp với quan điểm của Lemke [18], “chủ nghĩa hiện đại, hay bất cứ một khuynh hướng trí thức nào, cuối cùng sẽ được xác định và làm rõ tính chất từ quan điểm của thế hệ kế tiếp.”



tải về 0.62 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương