Báo cáo viên giỏi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh


Nguyên Lê Trích trong “Bác Hồ, con người và phong cách



tải về 0.55 Mb.
trang4/7
Chuyển đổi dữ liệu25.07.2016
Kích0.55 Mb.
#4550
1   2   3   4   5   6   7

Nguyên Lê

Trích trong “Bác Hồ, con người và phong cách

Tập 3, Nxb Lao động, H.1993

13- [53.] Các chú nói có lý nhưng chưa hợp lý

… Các đồng chí Bộ Chính trị đều tham gia ý kiến đều gửi lại cho Bác. Bác xem và bảo đồng chí Vũ Kỳ lấy bản của đồng chí Trường Chinh làm bản gốc, vì bản này có nhiều ý kiến thiết thực, sau đó bổ sung các ý từ những bản của các đồng chí khác. Sửa xong Bác cho đi đánh máy lại và ngày 30/1 mời đồng chí phụ trách tuyên huấn sang cùng Bác soát lại lần cuối. Đồng chí tuyên huấn đọc xong, cười gượng, nói:

- Thưa Bác, so với bản bên Tuyên huấn gửi sang, Bác sửa lại hầu hết ạ.

Bác cười độ lượng:

- Bác có sửa nhưng các ý chính trong bài Bác có sửa đâu.

Đồng chí phụ trách tuyên huấn thưa:

- Thưa Bác, cán bộ Đảng ta nói chung là tốt. Chỉ có một số ít thoái hóa biến chất. Bác đặt đầu đề như vậy thì mạnh quá, xin Bác đưa về “Nâng cao đạo đức cách mạng” lên trước, vế “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân” xuống sau ạ!

Bác quay sang hỏi đồng chí Vũ Kỳ:

- Ý kiến chú thế nào?

Đồng chí Vũ Kỳ thưa với Bác là đồng ý với đề nghị của đồng chí tuyên huấn. Nghe xong Bác nói:

- Các chú có lý, nhưng chưa hợp lý. Bác muốn hỏi điều này. Gia đình các chú tiết kiệm mua được một bộ bàn ghế và giường tủ mới. Vậy trước khi bê vào phòng, các chú có khênh đồ cũ ra quét sạch sẽ hay cứ để rác bẩn thỉu mà kê bàn ghế, giường tủ mới vào?

Ngừng một lát, Bác tiếp:

- Vì các chú là đa số. Bác đồng ý nhượng bộ, đổi lại đầu đề “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, nhưng trong bài dứt khoát giữ nguyên ý: “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.

Kể chuyện Bác Hồ Sđd, T.4,tr.19

[54.] Chú nói đúng, nhưng chưa đủ

Nghiêm nghị nhìn chúng tôi một lượt, Bác lại hỏi:

- Hòa bình lập lại, nhiệm vụ của các chú là gì?

Đồng chí Tân, cán bộ đại đội, đáp:

- Thưa Bác, bộ đội chúng cháu phải tiếp tục cùng nhân dân trừ gian, tích cực sản xuất và tích cực học tập quân sự, chính trị, văn hóa. Riêng đoàn chúng cháu có nhiệm vụ bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ tại Hà Nội ạ.

Bác gật đầu:

- Chú nói đúng, nhưng chưa đủ. Các chú còn phải cùng nhân dân đấu tranh thực hiện cải cách ruộng đất, tăng gia, chống đói, chống lụt. Phải xây dựng quân đội lớn mạnh bằng cách học tập chính trị, văn hóa, quân sự cho giỏi và sẵn sàng chiến đấu. Phải đề phòng mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch.

Sau khi đã giải thích cặn kẽ về Hiệp định Giơ-ne-vơ, Bác lại hỏi một lần nữa:

- Các chú còn gì thắc mắc nữa không?

Kể chuyện Bác Hồ” Sđd, T.4, tr.24

[55.] Chú trả lời cho rõ hơn!

Sau khi thăm xong khu nhà ở, chúng tôi đưa Bác tới hội trường, đồng thời cũng là câu lạc bộ của đơn vị. Thấy nền gạch trong hội trường được anh em lau rất sạch, Bác cởi dép để ở ngoài thềm, đi chân không vào hội trường. Chúng tôi cũng làm theo Người. Thấy vậy, Bác bảo:

- Nên để cái gì lau chân, vừa sạch nhà, vừa đẹp mắt.

Bước vào trong hội trường, Bác đưa mắt nhìn chung quanh một lượt, để xem cách bố trí hội trường và phòng đọc sách. Sau đó, Người lần lượt xem các bức vẽ và bích báo của các chiến sĩ. Bác chú ý những bài nói về kinh nghiệm học tập quân sự, chính trị, văn hóa, thành tích tăng gia… Bác khen:

- Các bức vẽ và bích báo đều tốt, nhưng thiếu mục phê bình!

Tới giữa hội trường, Bác nhìn lên khẩu hiệu dưới ảnh Người và bảo:

- Chữ viết đẹp. Nhưng là những chữ gì? - Nói xong, Bác liền đọc” “Hồ Chủ tịch muốn nằm”.

Phê bình mà chúng tôi vẫn không sao nhịn được cười. Bác cũng cười. Đuôi mắt của Người nheo hẳn lại, chòm râu rung rung.

- Thưa Bác, chúng cháu viết khẩu hiệu “Hồ Chủ tịch muôn năm” đấy ạ! Sợ vì đánh dấu sẽ giảm mất mỹ thuật nên viết như thế ạ. - Đó là lời đồng chí Minh, người chiến sĩ vừa tòng quân năm 1961. Lần đầu gặp Bác, thấy Bác đọc khẩu hiệu như thế, Minh tưởng Bác đọc thật, vội trình bày lại.

Bác nhìn Minh, âu yếm hỏi:

- Chú bao nhiêu tuổi?

- Thưa Bác, cháu 18 ạ!

- Chú ở nhà làm gì? Gia đình hiện nay thế nào?

- Dạ, cháu ở nhà đi học và giúp bố mẹ cháu làm trong hợp tác xã ạ! Bố cháu trước là cố nông, sau Cách mạng tháng Tám đi bộ đội, mới phục viên năm 1959 ạ!

- Chú học lớp mấy?

- Dạ, cháu học lớp 9…

Bác chỉ vào bản đồ Việt Nam treo trên tường và bảo Minh:

- Cháu chỉ cho Bác xem âm mưu Mỹ - Diệm dùng chất độc hóa học ở miền Nam Việt Nam như thế nào, tác hại ra sao?

Minh trả lời xong, Bác gật đầu tỏ vẻ hài lòng:

- Chú hiểu đúng! Nên làm cho anh em khác cũng hiểu như mình.

Nhắc Minh xong, Bác quay lại hỏi tôi:

- Lúc ở nhà chú làm gì?

- Ngày bé cháu đi ở cho địa chủ, lớn lên được người anh xin cho vào học việc ở nhà máy xe lửa Gia Lâm. Kháng chiến cháu tham gia đội nghĩa quân Hồng Hà, rồi sau chuyển sang sư đoàn Quân tiên phong ạ!

Bác quay lại hỏi Minh:

- Chú nghĩ như thế nào khi thấy mình học hết lớp 9 và trung đoàn trưởng của chú trước làm công nhân?

Minh suy nghĩ có vẻ khó khăn, đôi lông mày thanh thanh nhíu lại. Má lại đỏ bừng lên. Cuối cùng Minh trả lời gượng:

- Thưa Bác, đó là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng và quân đội ta tiến lên chính quy hiện đại ạ!

Có tiếng xì xào, Bác ra hiệu giữ trật tự rồi chỉ thượng sĩ Bình, người chiến sĩ tình nguyện:

- Chú trả lời cho rõ hơn!

Rập chân đứng nghiêm lại, vẻ tự tin, Bình thưa:

- Đó là bản chất của chế độ ta, mặt khác cũng nói rõ quân đội ta là của quần chúng nhân dân lao động, công nông là chủ lực của cách mạng.

- Chú học lớp mấy? - Bác hỏi tiếp đồng chí Bình.

- Dạ, cháu học lớp 5 ạ! - Bình hơi thẹn, thanh minh thêm: Cháu vào bộ đội mới được học ạ!

Bác dặn:

- Hai chú cần học tập lẫn nhau, giúp nhau để cùng tiến bộ.



Kể chuyện Bác Hồ Sđd, T.4, tr.24

14- [58.] Được Bác đổi tên.

- Sao chú lại tên là Thểu?

Không nén nổi xúc động. Thểu lặng người đi, nước mắt trào ra.

Bác đưa cho Thểu một chén nước, Thểu nghẹn ngào kể lại với Bác tình cảnh riêng của mình.

Nhà Thểu nghèo lắm. Lúc nhỏ Thểu được cha mẹ đặt tên là “thằng cu Nậy”. Thểu cũng biết rằng tên đó không hay, nhưng quanh xóm, bọn trẻ cùng cảnh nghèo như Thểu, tên cũng xấu vậy thôi. Chỉ có con nhà giàu mới có tên đẹp! Rồi đến năm 1945, mẹ Thểu chết đói, cha Thểu phải bồng bế dắt díu con ngược dòng sông Lam, sang tận bên Lào kiếm sống. Cơ cực quá, không nuôi nổi các con, cha Thểu phải bán các em cho nhà giàu. Còn Thểu thì lang thang thất tha thất thểu, đầu đường xó chợ kiếm ăn. Cũng từ đó, người ta quen gọi nó là “thằng Thểu” và thế là cái tên “thằng Nậy” mà cha mẹ nó đặt ra cũng mất nốt.

Vào bộ đội, chiến đấu dũng cảm, trở thành Chiến sĩ thi đua, Thểu vẫn giữ cái tên cũ.

Lắng nghe Thểu kể xong, Bác rất xúc động. Người cầm tay Thểu và nói:

- Bác cháu ta làm cách mạng để xoá bỏ kiếp sống cũ, xây dựng cuộc đời mới, chú nên đặt tên mới để thể hiện sự thay đổi của cuộc đời mình.

Bác ngừng lời, nhìn các chiến sĩ một lượt. Các chiến sĩ, nhất là Thểu, cùng nhìn Bác chăm chú chờ đợi.

Bác nói tiếp:

- Từ nay chú Thểu sẽ tên là Thảo. Như thế vừa giữ được vần cũ, lại có ý nghĩa hiếu thảo với nhân dân.

Thểu cảm động và sung sướng nhận tên mới: Nguyễn Văn Thảo.

Sau đồng chí Thảo, gặp đồng chí Thái Doãn Thiếp. Bác lại hỏi:

- Sao tên chú lại như tên con gái vậy:

Câu hỏi của Bác làm Thiếp xấu hổ.

- Thưa Bác, cháu không rõ ạ!

Bác nói:

- Các cụ đặt tên là có ý lắm và bao giờ cũng giải thích cho con cháu nghe ý nghĩa tên của mình.

- Thưa Bác, cháu nghe cha mẹ cháu nói là vì hiếm hoi, lúc mới sinh cháu lại gầy yếu và trông như con gái, nên mới lấy tên con gái để đặt tên cho cháu ạ!

Bác cười và nói:

- Ừ, thế mới đúng - Bác nhìn Thiếp và nói tiếp - Bây giờ chú là chiến sĩ bảo vệ - chiến sĩ bảo vệ thì không những phải dũng cảm, cảnh giác, thông minh, tận tuỵ, mà còn phải lịch thiệp nữa. Cho nên đổi tên “Thiếp” thành tên “Thiệp” là hơn.

Thiếp phấn khởi nhận ngay cái tên mới mà Bác vừa đặt cho: Thái Doãn Thiệp.

Trích trong cuốn Kể chuyện Bác Hồ Sđd, T.4, tr.33

[60.] Nhận tên mới.

Một đồng chí trong chúng tôi hỏi Bác:

- Thưa Bác, chúng cháu nghĩ mãi vẫn chưa rõ tại sao phải đánh trường kỳ, vì đánh trường kỳ thì hại người, hại của lắm!

Bác phân tích cho chúng tôi rõ các mặt lợi hại, rồi lấy một ví dụ:

- Sức ta lúc này như trai mười sáu, mà giặc như một lão già quỷ quyệt, độc ác. Nếu ta cậy sức đánh bừa sao chắc thắng được! Phải vừa đánh vừa nuôi sức cho mình lớn lên. Khi sức đã khoẻ, giặc đã suy yếu, già cỗi, ta mới lừa thế quật ngã, như vậy có chắc thắng không?

Bác dừng lại nhìn chúng tôi. Và khi thấy chúng tôi đã nhận thức được, Bác kết luận:

- Vì vậy mới nói trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi.

Sau đó, Bác bảo chúng tôi:

- Các chú ở đây mỗi người một tên, khó gọi, dễ lộ bí mật. Để dễ gọi, để giữ bí mật và cũng thể hiện quyết tâm kháng chiến của chúng ta, từ nay Bác đặt cho các chú tên mới theo câu Bác vừa nói. Các chú có đồng ý không?

- Dạ! - chúng tôi đều phấn khởi nhận tên mới.

Bác chỉ vào tôi và lần lượt đặt tên cho từng đồng chí. Từ đó tám anh em chúng tôi có tên mới là: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi.

Trích trong cuốn Kể chuyện Bác Hồ Sđd, T.4, tr.40

15- [64.] Bài thơ nổi tiếng của Bác Hồ căn dặn thanh niên được ra đời như thế nào.

Đội thanh niên xung phong công tác trung ương đầu tiên thành lập ngày 15/7/1950 theo chỉ thị của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch. Sau khi phục vụ chiến dịch Biên giới, Đội được giao nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường quan trọng: Cao Bằng - Bắc Cạn - Thái Nguyên. Đội đã được tổ chức thành nhiều Liên phân đội rải quân dọc tuyến đường và nhận nhiệm vụ bám trụ những nơi hiểm yếu. Liên phân đội TNXP 321 của chúng tôi được nhận trọng trách bảo vệ cầu Nà Cù (thuộc huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn), nằm trên tuyến đường từ thị xã Bắc Cạn đi Cao Bằng. Cầu Nà Cù lúc này không những đã trở thành mục tiêu ném bom bắn phá của máy bay địch, mà còn có nguy cơ bị nước lũ cuốn trôi.

Trung tuần tháng 9/19501, chúng tôi được tin báo có đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần) sẽ đến thăm đơn vị. Đêm hôm đó, chúng tôi tổ chức lửa trại trong rừng Nà Tu để đón khách. Vừa trông thấy ánh đèn pin thấp thoáng từ ngoài cửa rừng đi vào, đoán là khách đã đến, tôi cho anh chị em vỗ tay hoan hô: "Hoan hô đồng chí Trần Đăng Ninh". Khách vào tới nơi, định thần nhìn lại, tất cả chúng tôi đều sững sờ trước niềm hạnh phúc thật bất ngờ: Bác Hồ đến thăm. Hàng ngũ của chúng tôi trở nên xáo động…, nhưng do việc giữ bí mật đã ăn sâu vào ý thức từng người nên trong hàng ngũ cũng chỉ truyền đi những tiếng reo khe khẽ: "Bác Hồ! Bác Hồ!". Rõ ràng Bác đang ở trước mắt mà chúng tôi cứ ngỡ như một giấc chiêm bao! Bác vẫn giản dị với bộ quần áo bà ba màu nâu, chiếc khăn quàng cổ che kín cả chòm râu. Đi bên cạnh Bác là đồng chí Trần Đăng Ninh.

Bác tươi cười nhìn chúng tôi và giơ tay ra hiệu:

- Các cháu ngồi cả xuống.

Chúng tôi đều răm rắp nghe theo lời Bác, im lặng ngồi xuống.

Những câu đầu tiên Bác hỏi chúng tôi là những lời hỏi thăm ân cần về tình hình đời sống của đơn vị.

Bác hỏi: - Các cháu ăn uống có đủ no không?

- Thưa Bác có ạ!

- Các cháu có đủ muối ăn không?

- Thưa Bác đủ ạ!

- Quần áo, chăn màn, thuốc phòng bệnh chữa bệnh có đủ không?

- Thưa Bác đủ ạ!

Qua nụ cười hiền hậu trên nét mặt của Bác, chúng tôi thấy Bác biết thừa là chúng tôi nói dối để Bác vui lòng.

Bác đã được đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp báo cáo đầy đủ về chế độ cấp phát lương thực, thuốc men, quân trang cho TNXP còn thiếu thốn. Bác lại hỏi:

- Các cháu có biết Đảng Lao động Việt Nam không?

- Thưa Bác có ạ!

Sau đó Bác lại hỏi tiếp:

- Đảng Lao động Việt Nam với Đảng Cộng sản Đông Dương khác nhau ở điểm nào?

Một số người trong chúng tôi được Bác kiểm tra trực tiếp toát mồ hôi, nên trả lời rất lúng túng.

Sau đó bằng những câu ngắn gọn, Bác đã truyền đạt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ II vừa mới họp về việc đổi tên Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam. Tiếp đó Bác nhắc nhở:

- Lần sau cái gì không biết các cháu phải nói không biết, không biết mà nói biết là giấu dốt.

Rồi Bác đột ngột hỏi tiếp:

- Đào núi có khó không?

Chúng tôi ai cũng dè dặt không dám trả lời ào ào như trước nữa. Thế là Người trả lời: khó, người sợ nói khó bị cho là tư tưởng ngại khó nên trả lời không khó.

Trả lời xong mà cứ nơm nớp sợ Bác hỏi thêm. Bác chưa kết luận mà hỏi thêm chúng tôi:

- Có ai dám đào núi không?

Và chỉ định một đội viên gái ngồi ngày trước mặt Bác, đồng chí này mạnh dạn đứng lên thưa:

- Thưa Bác có ạ! TNXP chúng cháu ngày ngày vẫn đang đào núi để đảm bảo giao thông đấy ạ! (Hồi bấy giờ chúng tôi đào núi bằng cuốc, xẻng, không được cơ giới hoá như bây giờ). Nghe xong, Bác cười:

- Đào núi không khó là không đúng, nhưng khó mà con người vẫn dám làm và làm được. Chỉ cần cái gì?

Chúng tôi đã bình tĩnh, lấy lại được tinh thần và mạnh dạn hẳn lên, thi nhau giơ tay lên phát biết, có người trả lời "cần quyết tâm cao", có người "cần kiên gan bền chí", "cần vượt khó vượt khổ", có người "cần xung phong dũng cảm", toàn là những khẩu hiệu hành động của TNXP chúng tôi hồi đó.

Bác động viên chúng tôi:

- Các cháu trả lời đều đúng cả: Tóm lại việc gì khó mấy cũng làm được, chỉ cần quyết chí. Tục ngữ ta có câu: "Có công mài sắt có ngày nên kim". Để ghi nhớ buổi nói chuyện của Bác cháu ta hôm nay, Bác tặng các cháu mấy câu thơ:

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên.

Đọc xong mỗi câu thơ, Bác lại bảo chúng tôi đồng thanh nhắc lại. Cuối cùng Bác chỉ định tôi nhắc lại cả bài thơ cho tất cả đơn vị nghe. Thật may mắn, tôi đã nhắc trôi chảy không sai chữ nào.

Giữa rừng đêm khuya, dưới ánh lửa bập bùng, Bác cùng chúng tôi hoà nhịp theo bài ca "Nhạc tuổi xanh". Chúng tôi hát hào hứng, say mê. Đến khi bài hát được hát lại lần thứ hai, nhìn lại thì không thấy Bác đâu nữa! Bác xuất hiện và ra đi như một ông tiên trong chuyện cổ tích huyền thoại. Đám thanh niên chúng tôi ngẩn ngơ nuối tiếc hồi lâu.

Bài thơ nổi tiếng của Bác Hồ căn dặn thanh niên được ra đời như thế đó. Rất mộc mạc, giản dị nhưng lại vô cùng sâu sắc. Bài thơ đã là nguồn cổ vũ, động viên lớp lớp TNXP chúng tôi lao vào cuộc kháng chiến và kiến quốc. Sau này mỗi khi gặp khó khăn, hình ảnh của Bác Hồ và bốn câu thơ của Bác lại được tái hiện trong lòng chúng tôi, tiếp cho chúng tôi thêm sức mạnh để vượt qua.

Trích trong cuốn Kể chuyện Bác Hồ Sđd, T.4,tr.57

16- [66.] Các cháu hát được bài Kết đoàn chứ?

Bác đi về phía chúng tôi. Các đồng chí ban tổ chức ca nhạc thấy Bác, khách quốc tế và các đồng chí cùng đi đông quá, vội chạy lo đi tìm ghế cho Bác và các đại biểu. Nhưng gom góp lại cũng chỉ được chục cái, ai ngồi, ai không?

Vừa lúc đó, Bác đã nhanh nhẹn bước tới, hình như việc giải quyết linh hoạt các khó khăn dù lớn, dù nhỏ đã thành thói quen đối với Bác. Bác cười với chúng tôi rồi ngồi ngay xuống bãi có phía trước. Các đại biểu Đảng bạn đi sau đều theo Bác mà ngồi cả xuống cỏ. Ban tổ chức thở phào, trút được mối lo. Số ghế ít ỏi đã chuẩn bị đâm ra thừa.

Anh Nguyễn Hữu Hiếu chỉ huy chúng tôi trình bài ca ngợi Đảng và ca ngợi Bác. Chưa bao giờ chúng tôi biểu diễn trong trạng thái say mê đến thế!

Âm hưởng bài hát ca ngợi Bác chưa dứt, niềm say mê của chúng tôi chưa kịp lắng xuống thì Bác đứng lên, tiến về phía chúng tôi. Chúng tôi sung sướng chờ nghe tiếng nói hồn hậu của Bác mà phần lớn chúng tôi chỉ được nghe qua loa truyền thanh.

Nhưng không, Bác không nói chuyện với chúng tôi mà đến gần bục chỉ huy rồi bước lên. Và trước nỗi thích đến muốn reo lên của chúng tôi, Bác cầm lấy đũa chỉ huy của anh Nguyễn Hữu Hiếu.

Chúng tôi càng thích thú khi thấy các đồng chí bạn xôn xao kinh ngạc. Nhiều vị đứng lên, rồi tất cả cùng đứng lên để nhìn Bác cho rõ hơn.

Các đồng chí bạn ngạc nhiên là phải, vì trong quá trình hoạt động của Bác, mọi người chỉ biết Bác đã từng trải qua nhiều ngành nghề, nhưng có ai nghe nói Bác chỉ huy dàn nhạc bao giờ đâu, mà đây lại là một dàn nhạc giao hưởng hiện đại với cả khối hợp xướng ngót nghìn người.

Bác vẫn điềm tĩnh hỏi chúng tôi:

- Các cháu hát được bài Kết đoàn chứ?

Và chúng tôi đã đàn và hát bài Kết đoàn dưới sự chỉ huy của Bác.

Bác không nói lời dạy bảo gì khác đối với chúng tôi, Bác chỉ bắt nhịp cho chúng tôi hát bài Kết đoàn; chính là chúng tôi đã hát lên lời dạy bảo của Bác.

Theo Văn Long (Nhà thơ)

[67.] Thanh niên phải gương mẫu trong đoàn kết và kỷ luật

Lần nào gặp Bác, câu đầu tiên Bác thường hỏi là: "Thế các chú có đoàn kết không, có thương yêu nhau không?" rồi Bác dặn: "Thanh niên phải gương mẫu trong đoàn kết và kỷ luật".

Cả chi đoàn đã lấy lời nói đó của Bác làm nội dung tu dưỡng. Mỗi khi có gì va chạm, kém gắn bó với nhau, anh chị em lại rất ân hận là chưa xứng đáng với lời Bác dặn, có anh chị em khóc nức nở vì hối hận chưa thực hiện được theo đúng lời Bác.

Có lần Bác hỏi tôi: "Trong chi đoàn cháu, có đoàn viên nào có tư tưởng muốn làm "ngôi sao" không?".

Tôi còn đang lúng túng, Bác đã bảo: "Biểu diễn thật hay để phục vụ nhân dân được nhiều là tốt. Nhưng nếu có tư tưởng muốn làm "ngôi sao" thì ngôi sao có khi tỏ, có khi lặn, lúc ngôi sao lặn thì lại buồn. Trong đoàn cháu có thanh niên nào có tư tưởng muốn làm "ngôi sao" thì cháu phải giúp đỡ".

Lần cuối cùng tôi được gặp Bác là vào tháng 7… Sau khi đi diễn ở Pháp, Ý, Angiêri, Liên Xô, Trung Quốc… về, cả đoàn lại được quây quần quanh Bác. Tôi là Phó trưởng đoàn, nên cũng được đến gặp Bác và báo cáo với Bác là ở Angriêri cũng như ở Pháp, ở Ý…, cứ mỗi lần tiết mục của ta hay, họ vỗ tay đến vỡ nhà hát và hô: Việt Nam - Hồ Chí Minh, Việt Nam - Điện Biên Phủ.

Bác vui vẻ bảo:

- Thế là người ta hoan nghênh các cháu, các cháu có hếch mũi lên không? (Bác đưa tay đẩy mũi lên).

Cả đoàn cười rộ và ai nấy đều hiểu đó là Bác có ý răn bảo.

Xong Bác bảo: "Người ta hoan hô các cháu, hay hoan hô Bác là người ta hoan hô của dân tộc mình, cả dân tộc Việt Nam anh hùng…".

Theo Thuý Quỳnh (Diễn viên múa) Sđd, T.4, tr. 84

[69.] Sự ra đời của một bài thơ

Những năm đầu cách mạng, trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, Bác phải chăm lo trăm công ngàn việc. Nhân dân ta ai cũng lo cho sức khoẻ của Bác. Nhiều người với tư cách cá nhân, tập thể đã dành thời giờ đến thăm Bắc Bộ phủ - nơi ở và làm việc của Chính phủ ta hồi đó - thăm sức khoẻ của Bác. Lúc bấy giờ, việc đến thăm vị Chủ tịch nước không đến nỗi phải qua nhiều thủ tục phiền phức rắc rối.

Nhân chuyến vào Thanh Hóa có việc riêng, nữ thi sĩ Hằng Phương đã nghĩ làm sao khi về phải có món quà đầy ý nghĩa đến thăm sức khoẻ của Bác. Tại Thanh Hóa có loại cam làng Giang ngon nổi tiếng. Nhà thơ liền chọn mua chục quả về biếu Bác.

Ngồi trên xe trở về Hà Nội, vừa khư khư ôm túi cam, vừa nghĩ đến ngày mai vào Bắc Bộ phủ gặp Bác nên nói câu gì, và nói thế nào cho phải phép với Bác. Hằng Phương nhẩm ngay một bài thơ:



Cam ngon Thanh Hoá vốn dòng

Kính dâng Chủ tịch tỏ lòng mến yêu

Đắng cay Cụ trải đã nhiều

Ngọt bùi trời trả đủ điều từ đây

Cùng quốc dân hưởng những ngày

Tự do hạnh phúc tràn đầy trời Nam

Anh hùng tỏ mặt giang san

Lưu danh thiên cổ vẻ vang giống nòi.

Sáng hôm sau, nhà thơ cẩn thận gói cam vào giấy đẹp, trân trọng chép lại bài thơ rồi đến Bắc Bộ phủ thăm Bác.

Vừa đến cổng, bà liền được đồng chí bảo vệ chỉ đường vào phòng làm việc của Bác. Nhưng lúc đó Bác còn bận tiếp một vị khách nước ngoài ở phòng tiếp khách. Đồng chí văn phòng bảo nhà thơ ngồi chờ một lát. Nhưng nhà thơ thấy Bác bận quá, không muốn làm phiền Bác, bèn gửi cam và bài thơ lại rồi xin phép ra về.

Sau khi tiễn chân người khách nước ngoài, Bác trở lại văn phòng và biết bà khách đã về rồi. Nhìn gói cam và đọc bài thơ, Bác rất cảm động, nhưng lại không biết tên và địa chỉ của khách, Bác liền làm một bài thơ đăng Báo Phụ nữ để trả lời. Bài thơ đề là "Tặng cam":



Cảm ơn bà biếu gói cam

Nhận thì không đặng, từ làm sao đây

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai.

Bài thơ bày tỏ lời cảm ơn, đồng thời nhân đó nêu lên bài học đạo đức từ một câu tục ngữ rất quen thuộc và khẳng định niềm tin vào thắng lợi sắp tới.

Mấy chục năm qua, bài thơ đã đi vào lòng mọi người, nhưng ít ai chú ý đến chi tiết bà biếu gói cam - một chi tiết gợi cảm hứng cho sự ra đời một bài thơ có giá trị của Bác.

Trích trong cuốn Kể chuyện Bác Hồ Sđd, T.4. tr. 104


17- [79.] Thời gian quý báu lắm.

Sinh thời, Bác Hồ của chúng ta yêu cái gì nhất, ghét cái gì nhất? Kể cũng hơi khó trả lời cho thật chính xác, bởi ở ta không có thói quen "tự bạch" và kín đáo, ý nhị vốn là một đặc điểm của lối ứng xử phương Đông.

Tuy nhiên, theo dõi qua tác phẩm, hoạt động và sinh hoạt đời thường, điều ta có thể thấy rõ cái mà Người ghét nhất, "ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm" là các thói quan liêu, tham nhũng, xa hoa, lãng phí tiền bạc và thời gian của nhân dân.

Ở một mức độ khác, thấp hơn, những người có điều kiện tiếp xúc và làm việc với Bác Hồ, đều thấy rõ nhất là Bác rất khó chịu khi thấy cán bộ làm việc không đúng giờ.

Năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khóa V Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người thẳng thắn góp ý: "Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm".

Trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí cấp tướng đến làm việc với Bác sai hẹn mất 15 phút, tất nhiên là có lý do: mưa to, suối lũ, ngựa không qua được. Bác bảo:

- Chú làm tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai đi bao nhiêu? Hôm nay chú đã chủ quan, không chuẩn bị đầy đủ các phương án, nên chú đã không giành được chủ động.

Một lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. Bác hỏi:

- Chú đến chậm mấy phút?

- Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ!

- Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây.

Bác quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu, vì vậy thường không bao giờ để bất cứ ai phải đợi mình.

Năm 1953, Bác quyết định đến thăm lớp chỉnh huấn của anh chị em tri thức, lúc đó đang bước vào cuộc đấu tranh tư tưởng gay go. Tin vui đến làm náo nức cả lớp học, mọi người hồi hộp chờ đợi.

Bỗng chuyển trời đột ngột, mây đen ùn ùn kéo tới, rồi một cơn mưa dồn dập, xối xả, tối đất, tối trời, hai ba tiếng đồng hồ không dứt. Ai cũng xuýt xoa, tiếc rẻ: mưa thế này, Bác đến sao được nữa, trời hại quá.

Giữa lúc trời đang trút nước, lòng người đang thất vọng, thì từ ngoài hiên lớp học có tiếng rì rào, rồi bật lên thành tiếng reo át cả tiếng mưa ngàn, suối lũ:

- Bác đến rồi, anh em ơi! Bác đến rồi!

Trong chiếc áo mưa ướt sũng nước, quần sắn đến quá đầu gối, đầu đội nón, Bác hiện ra giữa niềm ngạc nhiên, hân hoan và sung sướng của tất cả mọi người.

Về sau, anh em được biết: giữa lúc Bác chuẩn bị đến thăm lớp thì trời đổ mưa to. Các đồng chí làm việc bên cạnh Bác đề nghị Bác cho báo hoãn đến một buổi khác. Có đồng chí đề nghị tập trung lớp học ở một địa điểm gần nơi ở của Bác…

Nhưng Bác không đồng ý: "Đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ, đợi trời tạnh thì biết đến khi nào? Thà chỉ một mình Bác và một vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cả lớp học phải chờ uổng công!".

Ba năm sau, giữa thủ đô Hà Nội đang vào xuân, câu chuyện có thêm một đoạn mới. Vào dịp tết cổ truyền của dân tộc, hàng trăm đại biểu các tầng lớp nhân dân thủ đô tập trung tại Uỷ ban Hành chính thành phố để lên chúc tết Bác Hồ. Sắp đến giờ lên đường, trời bỗng đổ mưa như trút. Giữa lúc mọi người còn đang lúng túng thu xếp phương tiện cho đoàn đi để Bác khỏi phải chờ lâu thì bỗng xịch, một chiếc xe đậu trước cửa. Bác Hồ từ trên xe bước xuống, cầm ô đi vào, lần lượt bắt tay, chúc tết mỗi người, trong nỗi bất ngờ rưng rưng cảm động của các đại biểu.

Thì ra, thấy trời mưa to, thông cảm với khó khăn của ban tổ chức và không muốn các đại biểu vì mình mà vất vả, Bác chủ động, tự thân đến tại chỗ chúc tết các đại biểu trước. Thật đúng là mối hằng tâm của một lãnh tụ suốt đời quên mình, chỉ nghĩ đến nhân dân, cho đến tận phút lâm chung, vẫn không quên dặn lại: "Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân".


Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 0.55 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương