Bán nguyệt san – Số 314 – Chúa nhật 19. 11. 2017


"XIN CHỈ CHO CON ĐƯỜNG ĐI CỦA CHÚA…"



tải về 0.95 Mb.
trang3/7
Chuyển đổi dữ liệu01.12.2017
Kích0.95 Mb.
#34874
1   2   3   4   5   6   7

 "XIN CHỈ CHO CON ĐƯỜNG ĐI CỦA CHÚA…"


 



Ngày 9 tháng 11 năm 2017, cách đây 285 năm trước (1732 – 2017), cha Thánh An Phong cùng các bạn đồng chí hướng tuyên khấn thiết lập một Hội Dòng mang tên Chúa Cứu Thế, sự kiện này được diễn ra trong một hang đá hoang bên sườn núi Scala, một ngọn núi cao chót vót, đường đi hiểm trở (miền Nam nước Ý ngày nay), thủa ấy thuộc vương quốc Napoli, ngọn núi trên đường dẫn ra hải cảng tuyệt đẹp mang tên Almafi.

Duyên nợ khai sinh Nhà Dòng từ một biến cố Cha Thánh An Phong bị kiệt sức, sau những ngày ngài thi hành mục vụ một cách tận tâm tận lực dành cho những người nghèo ở Napoli, các bác sĩ khuyên ngài đi nghỉ ở Almafi để lấy lại sức khỏe, nhưng trên đường đến khu an dưỡng Almafi, Cha Thánh dừng chân nghỉ ở Scala, ở đây ngài gặp những người chăn gia súc trong rừng sâu.

Những người này không chỉ nghèo khổ nhưng còn là những con người bị bỏ rơi hoàn toàn, không ai mang đến cho họ một sự trợ giúp nào cả, suốt ngày lang thang trong rừng với đàn vật, dĩ nhiên họ thiếu thốn đủ điều, từ vật chất đến tinh thần, không ai nói cho họ biết về Tin Mừng. Cuộc sống trong rừng sâu loại họ ra khỏi xã hội loài người, bị bóc lột và bị chà đạp không người cứu giúp, họ chỉ khác con vật là ở chỗ còn biết suy nghĩ, biết nói tiếng nói của loài người nhưng lại chẳng biết nói với ai và cũng chẳng ai nghe họ.

Cha Thánh lưu lại với họ một thời gian rồi trở về Napoli kêu gọi các bạn đồng chí hướng cùng đến Scala với ngài. Thật ra không phải chỉ đến khi gặp Scala Cha Thánh mới tiếp cận người nghèo, nhưng khi còn là một luật sư, ngài đã có tâm hồn hướng về người nghèo và liên đới với người nghèo cách mãnh liệt, Khi trở thành Linh Mục, thay vì lui tới với giới quý tộc như phần đông các Giáo Sĩ thời ấy, Cha Thánh đã dành gần hết thời gian mục vụ của mình cho người nghèo, những Nguyện Đường ban đêm cho giới nghèo bốc vác, buôn thúng bán bưng tại các con hẻm ngõ phố của Napoli minh chứng điều đó.



Khi quy tụ anh em để thiêt lập Hội Dòng, mọi hoạt động của nhóm tiên khởi này được thực hiện trong khắp sáu tỉnh miền quê của Napoli (Thỉnh nguyện thư 1748 của Cha Thánh An Phong), Hội Dòng mới này chuyên chăm lo cho người nghèo và người bị bỏ rơi hơn cả. Mãi đến năm ngày 25.2.1749, Tòa Thánh mới chuẩn nhận Hội Dòng chính thức được thành lập với sự phê duyệt của Đức Thánh Cha Benedicto XIV. Lý do“vì người nghèo” đã không thuyết phục được Tòa Thánh, các Hội Dòng đều được thiết lập vì người nghèo và cho người nghèo, đã có quá nhiều Nhà Dòng hiện diện theo tôn chỉ ấy nên không cần phải có thêm một Nhà Dòng mới nào nữa. Cha Thánh phải xác định được thành phần được ghi rõ là “bị bỏ rơi hơn cả”, khi ấy Tòa Thánh mới đồng ý. Và như thế, Dòng Chúa Cứu Thế được thiết lập nhằm loan báo Tin Mừng “cho những người bị bỏ rơi hơn cả, đặc biệt là những người nghèo” (HP. 01#3).

Như để làm rõ thêm hoạt vụ thừa sai của mình, Hiến Pháp nhấn mạnh: “Trong số những nhóm người cần đến sự trợ giúp thiêng liêng hơn cả, chúng ta đặc biệt chăm sóc người nghèo, người thấp hèn và người bị áp bức” (HP.04). rồi Hiến Pháp tóm kết:“Ưu tiên chọn lựa người nghèo, đó chính là lý do Dòng hiện diện trong Hội Thánh và là biểu chứng của việc trung thành với ơn gọi đã lãnh nhận” (HP.05).

Quy Luật của Dòng đã khai triển thật cụ thể những gì Hiến Pháp nói trong QL.09:

a. Các Tu Sĩ DCCT phải không ngừng tìm kiếm những người thiếu sự trợ giúp thiêng liêng hơn hết, nhất là người nghèo, người cô thân cô thế và người bị áp bức.

b. Tu Sĩ DCCT không bao giờ được giả điếc làm ngơ trước tiếng kêu của người nghèo và người bị áp bức, nhưng phải có nhiệm vụ tìm kiếm những giải pháp giúp họ”.

Ngày 31 tháng 5 năm 2017. Cha Bề Trên Tổng Quyền Michael Brehl, đã gởi cho anh em toàn Dòng một lá thư của “Năm Thánh Hành Hương với Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp”. Cha đề cập đến sứ vụ của Mẹ và tóm kết trong 4 từ khóa: Đồng hành, Quy tụ, Cầu nguyện và Đấu tranh cho công bình.

ĐỒNG HÀNH với người bị bỏ rơi và người nghèo khổ bằng lòng thương cảm, sự dịu hiền và tình mẫu tử. Sự đồng hành này đòi buộc chúng ta phải có tình liên đới đích thực, để dấn thân đến gần bên nhau suốt đời, để trung thành và luôn kịp thời, cách đặc biệt trong những hoàn cảnh khó khăn và thách đố.

QUY TỤ Dân Thiên Chúa như những người hành hương, cách riêng những người nghèo và đau khổ. Hãy tạo ra những nơi chốn an toàn cho người bị bỏ rơi và người nghèo để họ có thể đến với nhau và gặp gỡ nhau.

CẦU NGUYỆN giữa lòng Dân Thiên Chúa. Dưới ánh sáng của Lời Chúa, “những dấu chỉ của thời đại”, và kinh nghiệm của người nghèo. Chúng ta cùng nhau phải tiến hành biện phân trong cầu nguyện sâu xa hầu biết làm thế nào để hành động với lòng thương xót nhân từ, công bình và yêu thương.

ĐẤU TRANH CHO CÔNG BÌNH bằng sức mạnh có tính cách mạng của Lòng Mến và sự dịu hiền. Lòng sùng kính đưa chúng ta vào sự liên đới trong lời cầu nguyện để biến đổi và chữa lành thế giới bị thương tích của chúng ta. Cuộc đấu tranh cho công bình này là hệ quả của một Đức Tin cắm rễ sâu vào mầu nhiệm nhập thể.”.

Rồi cha Bề Trên Tổng Quyền đề nghị mỗi cộng đoàn, mỗi Tỉnh Dòng, mỗi ngôi đền Đức Mẹ… hãy duyệt xét lại với bốn câu hỏi:

1. Bằng cách nào chúng ta đồng hành với người nghèo và người bị bỏ rơi, người bị thương tích và đau khổ ? ...

2. Ở đâu chúng ta có thể tạo nên những không gian để quy tụ Dân Thiên Chúa, những nơi an toàn cho các cuộc gặp gỡ đích thực được diễn ra ? ...





(Ảnh chụp cha Louis Nguyễn Văn Qui, DCCT, với các em mồ côi hoặc bụi đời của Gia Đình An Phong Vũng Tàu trước 1975).

3. Tất cả các Nhà Thờ và Đền, các cộng đoàn và các cơ sở của chúng ta hãy đưa ra những khả năng cho việc cầu nguyện và suy tư...

4. Việc sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của chúng ta có lôi kéo chúng ta vào một sự dấn thân sâu xa hơn cho việc đấu tranh cho công bình hay không ? ...

Giữa một xã hội Việt Nam hôm nay đầy thương tích, như thương tích trên cơ thể Đấng Cứu Thế, từ khi nào Thiên Chúa đã an bài cho Dòng Chúa Cứu Thế gieo mầm và nảy sinh, thì chính mỗi Tu Sĩ DCCT có còn trung tín với ơn gọi của mình nữa chăng? Có còn lý do để hiện diện nữa không? Sinh nhật thứ 285 của Nhà Dòng là một dịp xem xét và biện phân dưới ánh sáng đặc sủng. Xin chia sẻ với bạn đọc với lời thỉnh cầu mọi người thêm lời cầu nguyện cũng như thêm gắn bó đồng hành với anh em DCCT chúng tôi.

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 9.11.2017, theo Ephata 771

VỀ MỤC LỤC

ĐÂU LÀ NHỮNG TỘI NGHỊCH ĐIỀU RĂN THỨ NĂM PHẢI TRÁNH?

Hỏi: xin cha giải thích rõ những hình thức phạm tội nghịch điều rắn thứ năm của Chúa.


 

Trả lời :

 

Chưa bao giờ hết, con người ngày nay đang sống thiếu bác ái  yêu thương, tha thứ cho nhau từ trong gia đình ra đến bên ngoài xã hội và cộng đồng thế giới. Trong gia đình, nhiều vợ chồng đã giết nhau, bỏ nhau để lấy người khác dù đã sống chung 20 ,30, 40 năm và có con cháu đông đúc..Bên VN có những cha mẹ đã bán con gái dưới tuổi thành niên cho bọn buôn người phục vụ cho kỹ nghệ mãi dâm và ấu dâm rất khốn nạn và tội lỗi. Điển hình ở Mỹ,  một bà mẹ đã chở hai con ra bờ biển Galveston ( Texas) và xô  chúng xuống nước để giết chúng, nhưng hai trẻ xấu số  này  đã được người khác vớt lên và thoát chết vì bà mẹ độc ác !



 

Trên bình diện quốc tế, chiến tranh vẫn tiếp diễn ở Afghanistan , Irak  và Syria, .. Đăc biệt, bọn Hồi giáo quá khích ( ISIS)  đang giết người hàng loạt bên Irak, và Syria, bách hại tàn nhẫn những tín đồ thiếu số theo KitôGiáo và ngay cả các nhóm Hồi Giáo khác không thuộc phe nhóm của chúng.

 

Đây là một tai họa  lớn   cho thế giới hiện nay, khiến Đức Thánh Cha Phanxicô đã phải lên án tai họa này vì những kẻ chủ chốt đang nhân danh Thượng Đế của chúng để chặt đầu, giết hai thường dân vô tội, kể cả đàn bà trẻ con.



    

Tại sao có những sự dữ nói trên từ trong gia đình ra đến cộng đồng thế giới như vậy?

 

Lý do duy nhất  để giải thích là  tại con người không còn biết yêu thương, tôn trọng sinh mang, danh dự , quyền sống  và tư hữu của người khác, không biết  tha thứ cho nhau từ trong gia đình ra đến bên ngoài xã hội.



 

Khi giết hại nhau, con người –có niềm tin hay không-  đã chà đạp giới răn  Thứ Năm của Thiên Chúa cấm con người không được giết nhau. Sở dĩ thế, vì sự sống  là  quà tặng thiêng liêng vô cùng quí giá mà Thiên Chúa đã  ban cho con người. Và chỉ một mình Ngài có quyền trên sự sống  đó  mà thôi.

 

Chính vì vậy mà ngay từ đầu Thiên Chúa đã truyền cho dân Do Thái lệnh cấm này:



             

Ngươi không được giết người” (Xh 20:13)

 

Sau này, trong bài giảng “Trên Núi”, Chúa Giêsu cũng  đã nhắc lại lệnh cấm trên và   còn ngăn cấm thêm cả việc  giận dữ, oán  ghét và trả thù nhau nữa:



 

Anh  em đã nghe Luật dạy rằng: chớ giết người, ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai giận anh  em mình thì đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh  em mình là đồ ngốc thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng…”(Mt 5:21)

 

Chúa cấm oán thù và giết người vì Thiên Chúa là “tình thương, chậm bất bình và hay tha thứ”, nên ai không yêu thương thì  không  biết Thiên Chúa là tình yêu. ( 1 Ga 4: 8).



 

Chúa Giêsu không những dạy  yêu thương người thân thuộc mà đặc biệt còn phải   yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh  em.  nữa” (Ga. 5: 44)

 

Chính Chúa đã  nêu gương yêu thương và  tha thứ này khi Người, đang bị treo trên thập giá, đã cầu nguyện và tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Người như sau:



      

“ Lậy Cha ,xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm. ( Lc 23: 34)

 

Cụ thể hơn nữa, Chúa đã tha thứ cho một gian phi ( kẻ trộm lành) cùng bị đóng đinh với Người  vì anh này biết sám hối và xin tha thứ:



   

“ Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với tôi  trên Thên Đàng.( Lc 23: 43)

 

Như thế cho ta thấy luật yêu thương quan trọng thế nào đối với mọi tín hữu Chúa Kitô ngày nay phải sống  giữa những nghịch cảnh của sự oán thù, nghen nghét, chém giết, sát hại nhau về mọi mặt tinh thần , tình cảm và thể lý ở khắp nơi trên thế giới.Có thể nói sự dữ  oán thù và giết  hại nhau đang thống trị thế giới và  quá nhiều người ở mọi nơi, thuộc  mọi nền văn hóa, ngôn ngữ.



 

Do đó, để đem lai an vui, bình  an  cho con người  từ trong gia đình  ra đến bên ngoài cộng đồng thế giới, thì thật cần thiết phải thực thi  luật yêu thương của Chúa,  và  giáo  lý của  Giáo Hội  dạy  về   những việc phải làm và không được làm liên quan đến  luật cấm làm hại và  giết người như Thiên Chúa đã nghiêm khắc ngăn cấm  trong  giới răn Thứ Năm của Bản Thập Giới (Decalogue). Cụ thể  áp dụng như sau:

 
1. Về mặt thể lý, cấm cố sát và tự sát (murder and suicide)

 

Vì chỉ một mình Thiên Chúa nắm trọn quyền sinh tử của mọi loài thụ tạo, nên không ai được phép giết người khác, dù là một thai nhi còn trong lòng mẹ, hay một bệnh nhân đang  thoi thóp trên giường bệnh và y khoa đang bó tay cứu chữa. Nói rõ hơn, không ai được phép trực tiếp hay gián tiếp làm điều gì khiến người khác phải thiệt mạng sống vì mình, cũng như không được phép  hủy hoại cơ thể như chặt cắt một bộ phận nào của thân thể- dù vì mục đích y khoa-  nhất là tự sát (tự tử) vì bất cứ lý do gì.



 

Như thế, để tôn trọng và bảo vệ sự sống là quà tặng linh thánh (sacred) Chúa ban, thì  không những không được trực tiếp giết người hoặc tự sát mà còn phải tránh những hành vi gián tiếp giết người như cộng tác có hiệu quả cho ai phá thai hoặc giết người khác,Ai phạm tội ngày sẽ tức khắc bi vạ tuyệt thông tiền kết ( latae sententiae, giáo luật số 1398) và  chỉ có Tòa Thánh được quyền  tháo gỡ mà thôi.

 

Ngoài ra ,được kể là có tội nếu  dùng thuốc cho chết êm dịu (euthanasia) dù y khoa đã bó tay. (SGLGHCG, số 2268-2270). Nói rõ hơn, dù cho bác sĩ đã vô phương cứu chữa thì phải để cho cái chết xảy ra cách tự nhiên ( natural death) chứ không được phép kết thúc sự sống cho nhanh bằng cách cho chich thuốc để  "chết êm diu=Euthanasia"theo lời khuyên của bác sĩ, y tá không có niềm tin Công Giáo. Chỉ trong trường hợp tim đã tự nhiên ngưng đập, óc não và thận  đã hết hoạt động và bênh nhân chỉ còn thở vì nhờ có  máy hô hấp (respirator) thì  khi đó  mới được phép rút máy ra vì để lâu cũng vô ích và còn thêm tốn phí cho gia đình bệnh nhân.



 

Ngoài ra, cũng trong mục đích bảo vệ sự sống, phải tránh những hành vi hay phương thế có thể gây nguy hại cho sức khỏe nhất là gây nguy hiểm cho mạng sống của mình và của người khác, như ăn uống quá độ, lạm dụng rượu ,thuốc lá và ma túy, lái xe quá tốc độ có thể  gây tai nạn cho chính mình và cho người khác cách vô cớ.. Nghĩa là, nếu liều lĩnh lái xe quá nhanh ,hoặc  vượt đèn đỏ gây tai nạn hay tử thương cho ai thì đó là tội lỗi điều răn thứ năm mà người Công giáo cần phải tránh

 
2. Về mặt tinh thần, phải tôn trọng nhân phẩm và linh hồn của người khác:

 

Giới răn thứ năm không những cấm làm những điều có hại cho sự sống thể lý của mình và của người khác như đã nói ở trên,  mà còn ngăn cấm cả những gì làm thiệt hại đến , tinh thần, danh dự và  đời sống thiêng liêng  của tha nhân  nữa.



 

Thật vậy, sự sống vẹn toàn của con người  gồm hai phần hồn và xác. Do đó, Thiên Chúa buộc con người phải tôn trọng sự sống thể lý của mình và của người khác, cũng như tôn trọng danh dự, đời tư và linh hồn của người khác như chính của mình.

 

Cụ thể, không được nói hay làm điều gì có hại cho thanh danh, đời tư của người khác. Không ai có bổn phận phải tố cáo cho người khác biết những gì có liên quan đến sự xấu kín của người khác.. Thí dụ, biết người nào đó ngoại tình, có tính gian tham,  thì người tín hữu Chúa Kitô không được phép tiết lộ cho người khác  biết chuyên "bê bối"  của người này khiến  phương hại cho thanh danh của nạn nhân trong công luận.Nếu vì bác ái thì chỉ nên cầu nguyện và tìm cách khuyên bảo kín người có đời sống sai trái đó mà thội. Nhưng ngược lại, nếu biết  người nào đã có vợ, có chồng mà  đang dối gạt để lấy người khác,  thì buộc phải tố cáo cho giáo quyền địa phương biết để ngăn cản việc sai trái về luân lý, giáo lý và giáo luật. Cũng vậy, khi biết có kể đang âm mưu giết ai, thì phải tố cáo cho nhà cầm quyền biết để ngăn chặn sự dữ khỏi xảy ra.



 

Trong mục đích tộn  trọng thanh danh và đời sống tinh thần của người khác, giới răn thứ Năm cũng đòi buộc mọi tín hữu phải tránh gương xấu làm cớ cho người khác vấp ngã, phương hại cho phần rỗi của tha nhân.

 

Cụ thể, không được tiếp tay với ai để khai thác kỹ nghệ  cờ bạc  nhất là kỹ nghệ mãi dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em cho thú vui  vô luân, vô Đạo .Cộng tác vào những việc vô luân vô đạo này thì trước hết tự gây nguy hại cho linh hồn của chính  mình và cho phần rỗi của người đi tìm những thú vui cực  kỳ vô luân vô đạo đó. Ngoài ra,  buôn bán sách báo, phim ảnh bạo động và khiêu dâm cũng là điều phải tránh   để không  đầu độc giới trẻ và xô đẩy người lớn vào đường trụy lạc, phương hại cho phần rỗi của họ. Đây chính là   gương xấu phải tránh  mà  Chúa Giêsu đã khiêm khắc cảnh cáo sau đây:  



     

" Không thể  không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã ! thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ nhỏ này vấp ngã. Anh  em hãy đề phòng." ( Lc 17: 1-3)

 

Thi hành lời dạy trên của Chúa , Giáo lý của Giáo Hội giải thích thêm như sau:



 

"Gương xấu là thái độ hoặc cử chỉ khuyến khích tha nhân làm điều ác.Người làm gương xấu đã trở thành kẻ cám dỗ  người khác. Nó phá hoại nhân đức và sự  ngay chính.Nó có thể lôi kéo người đồng loại vào chỗ chết về phần linh hồn. Gương xấu là lỗi nặng nếu hành vi hoặc thái độ của người đó cố ý lôi kéo tha nhân vào một lỗi nặng." ( SGLGHCG, số 2284)

 

Nói khác đi, không phải chỉ giết người  mới là lỗi Điều Răn Thứ Năm, mà phải kể thêm  những việc làm có hại cho sức khỏe của mình và  của người  khác như chơi trò đấm đá ( boxing ), đua xe hơi ( auto race) buôn bán ma túy, cẩn sa, ăn uống quá độ, lái xe ẩu như đã nói ở trên. Mặt khác giới răn thứ năm cũng đòi buộc phải xa tránh những lối sống và nguy cơ tội lỗi cho chính mình và cho người khác như tiếp tay phổ biến dịp tội bằng việc mở sòng bạc, mở nhà chứa gái mãi dâm, buôn bán sách báo , phim ảnh khiêu dâm, buôn bán trẻ em và phụ nữ cho dịch vụ mãi dâm và ấu dâm ( child prostitution) rất khốn nạn vì vô luân vô đạo,.. tất cả đều lỗi nghịch Điều Răn Thứ Năm mà  người tín hữu Chúa Kitô chúng ta phải hết sức xa tránh để mưu ích hồn xác cho mình và cho người khác.



 

Tóm lại, mọi giới luật của Chúa đều nhằm mục đích đem lại lợi ích và hạnh phúc cho con người ngay trong cuộc sống ở đời này trước khi được sống hạnh phúc đời đời với Chúa trên Nước Trời mai sau.Do đó , muốn tránh oán thù, chia rẽ, giết nhau từ trong gia đình đến bên ngoài xã hội và cộng đồng thế giới thì con người phải biết yêu thương, nhịn nhục và tha thứ, nếu không thì sự dữ sẽ ngày một thêm tăng vì con người tự làm khổ  mình và kẻ khác. Thiên Chúa tuyết đối không có lợi lộc gì mà phải ngăn cấm con người làm điều này tránh điều kia. Chúa ngăn cấm vì lợi ích của con người mà thôi. Vì thế,, tuân giữ các giới răn của Chúa- đặc biết là luật cấm giết người-  là tự tạo an vui hạnh phúc cho chính mình và cho người khác trong tâm tình cảm tạ Chúa đã thương ban những giới luật cần thiết cho ta tuân giữ để được chúc phúc và nhất là được cứu rỗi để sống hạnh phúc đời đời với Chúa trên Nước Trời mai sau.. Chúa nói: ai có tai nghe thì nghe ( Mt 13: 43; Mc 7: 16; Lc 8: 8)

 

Ước mong những giải đáp trên thỏa mãn câu hỏi đặt ra.



 

LM .Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn  
VỀ MỤC LỤC

THIÊN CHÚA THƯƠNG XÓT NGƯỜI “DI DÂN”, XH 3, 7-8

Di dân là một trong những vấn nạn mà các nhà chức trách khối Âu Châu phải đang phải đương đầu. Người ta cảm thấy bất ổn, bất an khi phải tiếp nhận người di dân. Trong khi đó, những người tị nạn sống trong nỗi thấp thỏm đợi chờ được tiếp nhận. Họ dễ bị tổn thương và thất vọng khi bị chối từ. Di dân là vấn nạn của muôn thuở và Kinh Thánh cũng kể lại cho chúng ta một kinh nghiệm di dân của cả một dân tộc : biến cố Xuất Hành. Phận ngoại kiều bị rẻ rúng khinh khi, với bao tủi nhục và bế tắc về tương lai... những điều đó Ít-ra-en đã trải qua, đã nếm mùi đắng cay, khổ đau nghiệt ngã của thân phận “di dân”. Kinh nghiệm này hằn in trong ký ức của cả dân tộc thuở họ trú ngụ bên Ai-cập, một thời mà cả dân tộc Ít-ra-en trở thành nô lệ nơi đất khách quê người – một thời không quên. Thế nhưng đó cũng là giai đoạn mà Ít-ra-en có một kinh nghiệm còn vĩ đại hơn kinh nghiệm về nỗi nhục của kiếp nô lệ : kinh nghiệm về một Thiên Chúa giải phóng, một Thiên Chúa yêu thương qua biến cố Xuất Hành. Chẳng vậy mà, thánh vịnh gia, qua Thánh vịnh 136, đã cất lên bài ca tạ ơn Thiên Chúa với điệp khúc “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Trong giới hạn cho phép, chúng ta cùng nhìn lại giai đoạn khởi đầu của biến cố Xuất hành, được ghi lại trong những trang đầu của sách Xuất hành, Xh 1-3, để hiểu phần nào tình thương của Thiên Chúa đối với dân Người, những người tha phương bị áp bức.



1. Xuất hành, biến cố in dấu trên cả dân tộc

Hằng năm, con cái Ít-ra-en hành hương lên Đền Thờ Giê-ru-sa-lem vào ba dịp lễ lớn theo luật định. Một trong ba lễ đó là lễ Vượt Qua, kỉ niệm biến cố Xuất Hành, một biến cố nằm trên một bình diện riêng, khác hẳn với các biến cố khác : biến cố thành lập dân Chúa. Lễ này được cử hành long trọng với nghi thức giết Chiên Vượt Qua để mừng kính Đức Chúa, Đấng đã đưa họ ra khỏi nhà nô lệ Ai-cập (Xh 23,17 ; Đnl 16,16). Với biến cố trọng đại này, Ít-ra-en có kinh nghiệm về Thiên Chúa mà cha ông họ thờ, Thiên Chúa của các tổ phụ, là Đấng giải phóng, đã can thiệp vào lịch sử Ít-ra-en, và cũng chính là Đấng tạo dựng nên đất trời (x. Tv 136).

Thế mà, xét về mặt sử tính, các nhà phê bình lịch sử đã có lý khi đặt vần đề : Xuất hành thực sự đã xảy ra thế nào ? Vì rằng một số đoạn trong sách Xuất hành mô tả cuộc ra khỏi Ai-cập như một cuộc trục xuất, một số đoạn khác lại coi đó là một cuộc trốn chạy. Và các nhà chuyên môn nghĩ có lẽ có hai cuộc Xuất Hành mà sau đó Ít-ra-en đã hoà lẫn làm một trong ký ức của dân tộc. Việc qua Biển Đỏ cũng có hai truyền thống khác nhau, một truyền thống nói về việc “chẻ đôi” lòng biển, trong khi đó truyền thồng khác lại nói là gió làm cạn khô nước biển. Cũng vậy, núi thánh được nói đến trong sách Xuất hành được coi là núi Xi-nai, cũng được gọi là Khô-rếp. Còn việc xác định núi này ở đâu thì lại có nhiều giả thiết khác nhau... Những ghi nhận trên của các nhà chuyên môn có thể làm chúng ta bối rối vì quá ít điều chắc chắn...

Tuy nhiên một điều rất thật, đó là Xuất Hành đã in dấu đậm nét trong ký ức con cái Ít-ra-en và được thể hiện một cách cụ thể qua đời sống đức tin của cả dân tộc. Không những không mặc cảm cũng chẳng che giấu quá khứ đầy tủi nhục với thân phận nô lệ của mình, Ít-ra-en còn truyền lại cho nhau, thế hệ này đến thế kia, về xuất thân của dân tộc mình là một ngoại kiều cư ngụ bên Ai-cập, bị ngược đãi ức hiếp. Chẳng hạn Đnl 26,1-11 là một bằng chứng. Đây là một đoạn nói về nghi thức dâng của lễ đầu mùa với lời nguyện rất hay, thường được gọi là lời tuyên tín của Ít-ra-en, theo đó con cái Ít-ra-en được dạy để thưa với Thiên Chúa như sau : “Ông tổ tôi là người A-ram phiêu bạt, đã xuống Ai-cập và trú ngụ tại đó ... Người Ai-cập đã ngược đãi, hành hạ chúng tôi. Bấy giờ chúng tôi đã kêu cầu lên cùng Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông chúng tôi ; Người đã nghe tiếng chúng tôi...”. Sở dĩ con cái Ít-ra-en không mặc cảm về quá khứ tủi nhục của thời nô lệ của mình là vì kinh nghiệm nô lệ của họ gắn liền với kinh nghiệm về một Thiên Chúa tình yêu đầy quyền năng đã ra tay giải thoát dân Người.

2. Từ tha phương đến vong thân (Xh 1)

Vì một nạn đói lớn hoành hành, con cái Ít-ra-en bỏ đất Ca-na-an đến định cư tại Ai-cập. Dưới bóng của Giu-se, đang làm tể tướng triều đình Pha-ra-ô lúc bấy giờ, con cái Ít-ra-en mãn nguyện với cuộc di dân này, họ có cuộc sống sung túc, bình an. Nhưng tình thế thay đổi khôn lường sau khi Giu-se, người bảo trợ của họ, qua đời ; lại nữa, một vua mới lên ngôi trị vì Ai-cập. Vua này không “biết” đến Giu-se, nghĩa là không nhớ gì đến công lao cũng chẳng biết ơn về những gì mà ông Giu-se đã làm cho Ai-cập (Xh 1,6-8). Từ đây Ít-ra-en nếm chịu sự cay đắng của thân phận nô lệ tôi đòi. Sách Xuất hành ghi lại như sau : “Người Ai-cập cưỡng bức con cái Ít-ra-en lao động cực nhọc. Chúng làm cho đời sống họ ra cay đắng vì phải lao động cực nhọc : phải trộn hồ làm gạch, phải làm đủ thứ công việc đồng áng ; tóm lại, tất cả những việc lao động cực nhọc, chúng đều cưỡng bách họ làm” (Xh 1,13-14). Nguyên do mà Pha-ra-ô tìm cách hành hạ con cái Ít-ra-en là vì ông cảm thấy bị de doạ trước sự hùng mạnh đông đúc của con cái Ít-ra-en. Bản văn lặp lại nhiều lần các từ như “đông đúc”, “hùng mạnh”, “lan tràn” nhằm nhấn mạnh đến sự lớn mạnh của con cái Ít-ra-en. Thật nghịch lí, Pha-ra-ô càng tìm cách hành hạ, thì Ít-ra-en càng trở nên đông đúc.

Sự lớn mạnh này của Ít-ra-en gợi nhớ lời hứa của Thiên Chúa với tổ phụ Áp-ra-ham là làm cho dòng dõi ông nên đông đúc như sao trời cát biển (St 15,5). Tuy nhiên lời hứa của Thiên Chúa mới thành tựu một phần. Vì rằng Thiên Chúa không chỉ hứa ban cho Áp-ra-ham có dòng dõi đông đúc mà còn hứa ban đất Ca-na-an làm sản nghiệp riêng (St 15,18-20). Nay lời hứa về dân đã thành tựu, nhưng mảnh đất bao khát khao mong chờ thì vẫn còn trong lời hứa. Đây là vấn đề : vì phải sống trên xứ sở của người khác chứ không phải trên đất của mình, Ít-ra-en chỉ là kẻ ngoại kiều, sống phận “di dân”. Họ bị ức hiếp, ngược đãi, chịu làm thân tôi mọi. Từ di dân, họ trở thành nô lệ, từ tha phương trở thành vong thân.

3. Xuất hành, kinh nghiệm về một Thiên Chúa yêu thương, trung tín : (Xh 2,23-25)

Sau nhưng năm dài ấy...” (Xh 2,23) câu dạo đầu này đưa người đọc vào sự cảm thông với cái dài dằng dặc của những năm tháng triền miên trong tủi nhục, khổ đau của con cái Ít-ra-en. Tác giả có vẻ không bận tâm nhiều đến số năm mà Ít-ra-en làm nô lệ Ai-cập cho bằng nhấn mạnh tâm trạng của người chịu đựng : thời gian chịu đau khổ dường như vô tận, không đểm nổi, chỉ biết nó dài, dài lắm, dài đến ê chề thất vọng. Người ta có thể nghĩ là Thiên Chúa đã quên dân Người thật rồi. Tuy nhiên câu dạo đầu này cũng mở ra một thông tin hết sức quan trọng liên quan đến sự sống còn của con cái Ít-ra-en, Sách Thánh ghi : “Sau những năm dài ấy.... Thiên Chúa đã nghe tiếng họ than van và Thiên Chúa đã nhớ lại giao ước của Người với các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp...” (Xh 2,23-25). “Thiên Chúa đã nghe...” và “Thiên Chúa nhớ lại giao ước...” nghĩa là Thiên Chúa đã sẵn sàng để ra tay hành động vì dân Người và không trì hoãn nữa. Thời đã điểm.

Trong Tv 136, thuật ngữ hesed (חֶ֫סֶד) được dùng suốt thánh vịnh qua điệp khúc “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Hesed là một thuật ngữ khá quan trọng thường được dùng để nói về tình yêu của Thiên Chúa. Khó tìm được từ tương đương để dịch từ này. Vì nó vừa mang nghĩa lòng tốt, ân huệ, yêu thương đồng thời lại bao hàm nghĩa trung thành, trung tín. Từ này nói lên mối liên kết giữa hai cá nhân, và khi hai cá nhân liên kết với nhau, họ không chỉ muốn điều tốt cho nhau mà còn tin tưởng và trung tín với nhau. Trong khi Tv 136, với từ hesed, nhìn thấy trong mỗi hành động của Thiên Chúa trong biến cố Xuất hành là hành động yêu thương (x. Tv 136,10-22), thì Xh 1–3 mà chúng ta đang bàn đến không hề có thuật ngữ hesed. Thế nhưng, nếu tìm hiểu bản văn thì sẽ thấy ý nghĩa của hesed nổi bật trong Xh 2,23-25 qua kiểu nói : “Thiên Chúa đã nghe tiếng họ kêu van và Thiên Chúa nhớ lại giao ước của Người với các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp”. Thật vậy, khi nói Thiên Chúa đã nghe tiếng họ kêu van, cho thấy Thiên Chúa xót thương dân Người, Người chạnh lòng vì họ khốn khổ, đó là hesed. Riêng về cụm từ “và Thiên Chúa nhớ lại giao ước của Người với các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp” chính là lời tuyên xưng về lòng trung tín của Thiên Chúa, mà trung tín là hesed. Vậy khi nói Thiên Chúa đã nghe tiếng họ than van và Người nhớ lại giao ước của Người với các tổ phụ, đó chính là lời ca khen về lòng thương xót và sự trung tín của Thiên Chúa đối với con cái Ít-ra-en. Nó đồng nghĩa với lời tạ ơn trong Tv 136 : “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương với con cái Ít-ra-en vì Người đã nghe, đã thấy và đã biết đến nỗi thống khổ của dân Người đang làm tôi người Ai-cập.

4. Xuất Hành, kinh nghiệm về một Thiên Chúa giải phóng (Xh 3,7-10)

Để giải thoát Ít-ra-en ra khỏi nhà nô lệ Ai-cập, Thiên Chúa tìm chọn một người và Mô-sê đã để mình bị “dụ” bởi quang cảnh ngoạn mục và hùng vĩ của bụi gai bốc cháy. Người nói với ông Mô-sê là Người đã thấy, đã nghe và đã biết các nỗi khổ của con cái Ít-ra-en (Xh 3,7. 9). “Thấy”, “nghe” và “biết” liên quan đến thị giác, thính giác và trí thức – theo kiểu nói nhân hình hoá – là cả con người của Thiên Chúa từ giác quan đến tri thức đều hướng về con cái Ít-ra-en. Người thấu suốt nỗi cơ cực tủi nhục của họ. Trong đoạn Xh 3,7-10, từ Ai-cập, được nhắc lại nhiều lần, xuất hiện như một nơi làm chết nghẹt sự sống của con cái Ít-ra-en, là mảnh đất nô lệ đối với dân Người. Nhất quyết là họ sẽ phải được đưa ra khỏi mảnh đất chết chóc này. Thiên Chúa là Người giải thoát họ chứ không ai khác, Người sẽ “xuống” để đưa họ ra khỏi Ai-cập. Những người khác, Mô-sê hoặc Giô-suê – người sẽ dẫn dân qua sông Gio-đan và vào Đất Hứa, chỉ là những người thừa hành lệnh của Thiên Chúa. Niềm tin Ít-ra-en là thế, không ai ngoài Thiên Chúa và chỉ mình Người là Đấng cứu độ duy nhất. Cũng vậy, thời lưu đày Ba-by-lon, khi Ky-rô vua Ba-tư, người đã chấm dứt năm mươi năm lưu đày của người Do-thái và cho dân này hồi hương, thì đối với Ít-ra-en, đó là sự can thiệp của Thiên Chúa (Tv 126 ; Is 43,1-7), còn Ky-rô là khí cụ của Thiên Chúa, là người Thiên Chúa xức dầu (Is 45,1-7). Chính Thiên Chúa là Đấng giải phóng Ít-ra-en khỏi tay người Ai-cập. Thế nhưng đưa khỏi Ai-cập chưa phải là đích điểm của công cuộc giải phóng mà Thiên Chúa thực hiện cho con cái Ít-ra-en. Mục đích của Xuất Hành là để đưa Dân vào Đất Hứa, đất chảy tràn sữa, là xứ sở của người Ca-na-an, Khết, E-mô-ri... (Xh 3,8).

Có lẽ độc giả sẽ thắc mắc, làm sao Thiên Chúa lại có thể lấy đất của các dân nước khác để ban cho dân Người làm sản nghiệp riêng ! Nó cùng một dạng với câu hỏi làm sao vì tội của Pha-ra-ô mà Thiên Chúa nhân lành lại có thể giết các con đầu lòng Ai-cập, và cùng với những câu hỏi tương tự khác. Thú thật khó có thể tìm thấy cách giải thích làm thoả mãn não trạng của chúng ta thời nay, nhưng đó là đề tài hấp dẫn. Chúng ta sẽ bàn đến vào một dịp khác. Bây giờ chúng ta cùng suy nghĩ về tiếng than van của con cái Ít-ra-en thấu đến Thiên Chúa. Trong khi Đnl 26,1-11 nói rõ là họ kêu cầu với Thiên Chúa : “Người Ai-cập đã ngược đã, hành hạ chúng tôi và đặt ách nô lệ trên vai chúng tôi. Bấy giờ chúng tôi đã kêu lên cùng Đức Chúa...” (Đnl 26,6-7), thì Xh 2,23-24 cũng như Xh 3,7-10 không nói rõ là con cái Ít-ra-en kêu lên cùng Thiên Chúa mà chỉ nói là tiếng ta thán và tiếng họ kêu từ cảnh nô lệ đã thấu tới Thiên Chúa, và Thiên Chúa đã nghe tiếng họ than van. Như vậy tiếng kêu than của người đau khổ, dù không kêu lên Thiên Chúa, thì Thiên Chúa vẫn coi như là lời cầu xin chăng ? Thật ra điều này không lạ lẫm gì trong Kinh Thánh, sách Sáng thế đã ghi lại vài sự kiện tương tự, chẳng hạn tiếng khóc trong sa mạc của bé Ít-ma-ên khát sữa khi Xa-ra mẹ nó tuyệt vọng nhìn bầu da cạn nước. Thiên sứ đã hiện ra nói với Xa-ra : “Đừng sợ, Thiên Chúa đã nghe thấy tiếng đứa trẻ, ở chỗ nó nằm” (St 21,17). Cũng vậy, St 4, 1-16 thuật lại cái chết đầu tiên của nhân loại chính là cuộc chiến huynh đệ tương tàn, trong đó A-ben bị anh mình là Ca-in sát hại. Bản văn không hề nói gì về tiếng kêu cầu của A-ben, nhưng máu của A-ben lại là tiếng kêu báo oán. Thiên Chúa nói với Ca-in : “Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta”. Tiếng máu đang kêu, nghĩa là tiếng máu của A-ben cứ kêu cho đến khi Thiên Chúa đoái nghe và đi tìm Ca-in để tính sổ với ông về chuyện này.

Có thể nói, mọi tiếng kêu than của những kẻ khốn cùng tuyệt vọng, những giọt nước mắt vì bạo lực, vì bất công của mọi thời và từ mọi nơi, đều trở thành lời cầu nguyện vọng lên Thiên Chúa. Cho dù họ có ý thức đó là lời cầu xin cùng Thiên Chúa hay không, thì Thiên Chúa vẫn lưu tâm đến tiếng kêu than của họ. Vì rằng Thiên Chúa là người Cha nhân hậu, mà người Cha thì nhạy bén với tiếng thét thống khổ của con mình ngay cả khi đó chưa phải là lời ngỏ trực tiếp với Người. Tiếng kêu than của con cái Ít-ra-en ngụ cư bên Ai-cập cũng như tiếng thở dài của những người di dân cùng khổ hiện nay, tất cả đều trở thành tiếng kêu cầu cùng Thiên Chúa, và Người đang nghe họ và sẽ đích thân ra tay giải thoát họ.


 

Kết : Xuất hành và hiện tại

Kinh ngiệm của Ít-ra-en về thân phận ngoại kiều trên đất Ai-cập là kinh nghiệm của kẻ từ di dân trở thành nô lệ, từ tha phương thành vong thân và đã được Thiên Chúa giải cứu. Di dân cũng đang là vấn nạn của Việt Nam hôm nay. Chúng ta đang chứng kiến những dòng người từ các tỉnh lẻ, từ những nơi xa, tận ở miền Trung, miền Bắc kéo vào Nam kiếm việc làm. Sống giữa những người xa lạ, sống với “tứ phương thiên hạ” mà họ chẳng biết ai và không ai biết họ. Chính họ cũng quên luôn mình là ai và chỉ còn mối bận tâm duy nhất là kiếm sống. Họ không bị ai bắt làm nô lệ, không có Pha-ra-ô nào đặt lên cổ họ ách nô lệ như con cái Ít-ra-en thuở xưa phải chịu, chính nhu cầu kiếm sống đã khống chế họ. Một khi kiếm sống trở thành mục đích tối hậu của cuộc đời, thì không còn chỗ cho Thiên Chúa. Chính lúc đó con người cũng đánh mất phẩm giá làm người của mình.

Trong khi con cái Ít-ra-en kêu than về kiếp nô lệ của mình, thì những người di dân trên đất nước chúng ta lại có nguy cơ để cho sự lo toan vật lộn với cuộc sống bóp nghẹt cả ý thức về sự vong thân của mình. Họ đánh mất ý thức về sự nô lệ cuộc sống của mình mà không hay. Có lẽ Thiên Chúa đang cần một Mô-sê, những Mô-sê, để nói cho họ rằng họ có một người Cha trên trời yêu thương họ và chạnh lòng khi thấy họ sống xa Người, bơ vơ như chiên không người chăn. Người đang muốn giải phóng họ khỏi sự vong thân và đưa họ đến núi thánh của Người để phụng sự Người trong sự thật. Việc phụng sự đó không thêm gì cho Chúa, nhưng mang lại cho họ ơn cứu độ đích thực.

Không hẳn chỉ những di dân mới bị nô lệ cuộc sống, cả chúng ta, mỗi người đều là nạn nhân của các Pha-ra-ô dưới nhiều hình thức khác nhau. Áp lực của công việc, của thời gian, của dư luận đè nặng trên chúng ta. Thế giới thông tin đang lên ngôi và người ta tự nguyện làm tù binh của nó. Những mối tương quan gia đình cũng như những cuộc gặp gỡ bằng hữu trở nên tẻ nhạt vì điện thoại, máy tính... Rồi những nô lệ cho những nhu cầu tự tạo ngày càng cao và con người càng tìm càng thấy trống rỗng hụt hẫng, thì lại càng lao mình tìm thoả mãn. Việt Nam còn phải kể đến nô lệ thành tích, nô lệ hình thức, nô lệ sự hoành tráng vĩ đại đến nỗi điều chính điều phụ dẫm lẫn lên nhau. Người ta không ngại nhân danh Chúa để tìm vinh danh cho mình và cho nhau. Lịch sử còn ghi lại câu nói thời danh của Hiller, toàn thể dân chúng đón tiếp ông trong buổi mít tinh hôm đó tâm phục khẩu phục bởi câu nói của ông : “Đối với Ki-tô giáo, mọi quyền bính đều đến từ Thiên Chúa, tôi đang nắm quyền bính, vậy thì tôi đến từ Thiên Chúa !” Từ muôn thuở, Pha-ra-ô của Danh Lợi Thú vẫn đầy ma lực lại rất ma mãnh, con người không dễ gì thoát khỏi quyền lực của nó. Người coi khinh danh lợi thì rơi vào vòng lạc thú, kẻ khinh chê của cải lại bám chặt lấy hư danh. Siêu thoát được mặt này, người ta lại tìm bù trừ ở thứ khác. Thế đó, con người cứ mãi quay quắt đi tìm phù hoa hư ảo, dẫu đã quen với câu : phù vân nối tiếp phù vân, chi chi chăng nữa cũng là phù vân ! Về điều này, thánh Phao-lô đã thú nhận : “Điều thiện tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều ác tôi không muốn, thì tôi cứ làm” (Rm 7,19). Một khi chúng ta nhận ra điều đó như thánh Phao-lô, chúng ta cũng thốt lên như ngài : “Tôi thật khốn nạn ! Ai sẽ giải phóng tôi...” và chúng ta cùng reo trong hạnh phúc với thánh Phao-lô : “Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta !” (Rm 7,24-25). Chúng ta có thể viết tiếp Tv 136 :

Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, đã giải thoát chúng ta,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương!



Sr. Agnès Cảnh Tuyết, OP

VỀ MỤC LỤC


tải về 0.95 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương