Bán nguyệt san – Số 313 – Chúa nhật 05. 11. 2017



tải về 1.11 Mb.
trang4/8
Chuyển đổi dữ liệu01.12.2017
Kích1.11 Mb.
#34875
1   2   3   4   5   6   7   8

 ƠN GỌI LÀ MỘT CHUYẾN ĐI


 

1. Cách đây đã mấy chục năm, một dịp tôi đến Vatican vì nhu cầu liên đới hiệp thông, tôi được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mời chia sẻ với Ngài bữa tối lúc 20 giờ.

Bữa tối hôm đó chỉ có Ngài, hai đức ông thư ký, và tôi. Lúc chia tay, Đức Thánh Cha bảo tôi hãy chờ một chút, Ngài về phòng. Vài phút sau, Ngài đi ra, tay cằm một chiếc đồng hồ đeo tay toàn màu trắng. Ngài âu yếm trao cho tôi quà tặng quý đó.

2. Chiếc đồng hồ này vẫn ở bên tôi, nay để cạnh đầu giường, nó còn hoạt động rất tốt. Nó không nói. Nhưng tôi như nghe được từ nó mấy điều khuyên như từ Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

3. Điều khuyên thứ nhất là: Đức Thánh Cha rất thông cảm với những lo sợ của tôi, về ơn gọi của mình. Ngài khuyên tôi hãy can đảm lên. Như chiếc đồng hồ nhỏ không ngừng đi. Tôi cũng hãy đi không ngừng, trên đường làm chứng cho Chúa.

4. Điều khuyên thứ hai là: Thời gian của chiếc đồng hồ được đếm từ những bước nhỏ, nhưng lại làm nên một chuyến đi dài phong phú.  

5. Hai điều khuyên trên đây đã giúp tôi rất nhiều trong suốt mấy chục năm qua, và nhất là ngay chính lúc này.

Dù ở cương vị nào, tôi luôn coi mình là kẻ được sai đi làm chứng cho Chúa là Tình Yêu thương xót. Chính Đức Giáo Hoàng sai tôi đi, Ngài sai tôi đi, mặc dầu Ngài biết rõ tôi rất yếu đuối, hay lo sợ. Dù về hưu, tôi cũng vẫn là kẻ được sai đi làm chứng cho Chúa theo hoàn cảnh của mình.

6. Điều mà Chúa muốn tôi thực hiện, khi làm chứng cho Chúa, không phải là lý thuyết về Chúa, mà là những kinh nghiệm bản thân về Chúa.

Chúa đã thương xót tôi là kẻ tội lỗi, yếu hèn thế nào. Chúa đã đồng hành với tôi cách nào, để ơn gọi của tôi trở thành một chuyến đi của hy vọng và của niềm tin.



7. Thực vậy, chuyến đi ơn gọi là những chuỗi dài những bước đi khác nhau.

Có những bước đi trong tăm tối, nghe từng hơi thở rên xiết.

Có những bước đi được Chúa đến ủi an, Chúa ủi an bằng nhiều cách. Hoặc do một Lời Chúa, hoặc do một người nào đó, hoặc do một Thánh Lễ, hoặc do một biến cố vui, hoặc do một bất ngờ có sức thay đổi lòng tôi.

8. Từ những chuỗi dài của kinh nghiệm về Chúa, tôi có một hình dung về Chúa. Chúa đã hy sinh mạng sống vì tôi. Người đã chết và đã sống lại. Người đang ở bên tôi. Tôi đón nhận Người. Tôi muốn cùng với Chúa cho đi chính mạng sống của tôi. Chỉ có Tình Yêu như thế mới là điều mà tôi thường hay muốn làm chứng theo ơn gọi của tôi.

9. Mấy đêm vừa rồi, tôi cảm thấy mình đau đớn, mệt mỏi, như không còn sức để sống. Thêm vào đó, tôi nghe như có tiếng quỷ Satan nói bên tai tôi là Chúa đã ruồng bỏ tôi, vì tôi quá tội lỗi.

Nhưng chính lúc đó, chiếc đồng hồ nhỏ đã nhắc cho tôi nhớ lại Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, và nhất là nhớ lại Đức Mẹ Maria. Bởi vì trước khi trao tặng chiếc đồng hồ, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã trao tặng tôi một chuỗi tràng hạt, và Ngài nói với tôi: “Hãy can đảm”.



10. Đúng là với Đức Mẹ và nhờ Đức Mẹ, tôi đã vững tin vào ơn gọi của tôi.

Suốt hành trình hơn 90 năm tuổi đời, trong đó có 63 năm tuổi linh mục, giám mục, tôi đã được Đức Mẹ ủi an.

Nhờ Mẹ, can đảm của tôi không là tự hào, tự tin, mà là phó thác như con thơ trong lòng mẹ hiền.

11. Đức Mẹ đã dắt dìu tôi từng bước nhỏ. Nếu ai hỏi tôi như thế là thế nào? Thì tôi xin trả lời tương tự như xưa Chúa Giêsu đã nói với ông Nathanael: “Trước khi Philiphê gọi anh, Thầy đã thấy anh dưới gốc cây vả (Ga 1, 44). Ngồi dưới gốc cây vả, mà Chúa cũng đã để ý. Nghĩa là Chúa để ý đến những chi tiết rất nhỏ, rất thường. Đức Mẹ cũng quan tâm đến tôi từng chi tiết rất nhỏ. Không phải Mẹ thấy, mà Mẹ còn ở bên tôi. Giữa Mẹ và tôi, thường có những trao đổi tâm tình, không tên mà đậm đà tha thiết.

12. Mẹ thường chỉ vào chiếc đồng hồ nhỏ, mà nói với tôi: “Con ơi, chỉ một phút, chỉ một giây thôi, con vẫn có thể đón nhận được rất nhiều, cũng như con cũng có thể cho đi rất nhiều. Đón nhận từ Tình Yêu thương xót Chúa, và cho đi từ Tình Yêu thương xót Chúa.

Làm chứng điều đó bằng kinh nghiệm của con. Đó là ơn gọi của con lúc này”.

13. Nghe vậy, tôi nghĩ ngay đến ơn đầu tiên và thường xuyên tôi đón nhận từ Tình Yêu thương xót Chúa là ơn Chúa tha thứ. Ơn tha thứ, mà tôi đón nhận từ Chúa, là những chuỗi dài nối tiếp, từng phút từng giây. Bởi vì tôi yếu đuối, tội lỗi. Hội Thánh cũng dạy tôi hãy luôn nói với Mẹ: “Xin Mẹ cầu cho chúng con là kẻ có tội”. Tôi luôn là kẻ có tội. Chúa luôn là Đấng thứ tha.

14. Nếu nên nhấn mạnh đến một ơn nào, để đặt tên cho ơn gọi của tôi là một chuyến đi dài, thì tôi xin nhấn mạnh đến ơn tha thứ. Như vậy, ơn gọi của tôi là chuỗi dài làm chứng cho ơn tha thứ của Chúa. Vì Chúa là Tình Yêu thương xót.

15. Hôm nay, tôi xin nói lên điều đó, theo kinh nghiệm của tôi, và cũng để hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Mẹ ở Fatima. Ở Fatima, Đức Mẹ kêu gọi sám hối, trong sám hối hãy tin vào Tình Yêu thương xót Chúa. Chúa là Người Cha nhân hậu, hết lòng tha thứ cho bất cứ người con nào trở về (x. Lc 15, 11-32). Mỗi ngày tôi đều trở về, và mỗi ngày Chúa vẫn thứ tha. Tôi không ỷ lại vào lòng thương xót Chúa để mà phạm tội. Lòng thương xót Chúa cũng không bao giờ là cớ để tôi phạm tội. Tôi làm chứng điều đó. Tôi làm chứng, đem an ủi đến cho bao người và cho chính tôi. Xin hết lòng tạ ơn Chúa nhân lành.

Long Xuyên, ngày 8.9.2017

+ Gm. Gioan B BÙI TUẦN

VỀ MỤC LỤC


NÓI THÊM VỀ TỘI PHẠM ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT

 

Hỏi: xin cha nói rõ thêm về  những tội  nghịch điểu răn thứ nhất phải tránh.


 

Trả lời:

 

Điều răn thứ Nhất dạy chúng ta phải thờ phượng một mình Thiên Chúa trên hết mọi sự để được cứu rỗi và hưởng Thánh Nhan Người trên Nước Trời mai sau.Phải thờ lậy Chúa vì đức tin đã cho ta  xác tín Người là Đấng đã tạo dựng muôn loài muôn vật hữu hình cũng như vô hình, trong đó đặc biệt có con người là tạo vật được dựng nên " theo hình ảnh của Chúa" với hai đặc tính có lý trí và ý muốn tự do (intelligence  and  free will) mà không một  tạo vật nào khác  có được.



      

Qua Ông Mô-sê, Thiên Chúa đã nói với dân Do Thái xưa kia như sau :

 

Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi Ai cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta…” (Đnl 5:6-7)



 

Trên đây là nội dung Điều Răn thứ nhất trong bản Thập Điều (Decalogue) mà Thiên Chúa đã trao cho Ông Môsê để truyền lại cho dân Do thái  tuân giữ như Giao Ước của Người với họ để họ được chúc phúc và được sống muôn đời.(Đnl 5).

 

Mười Điều Răn này vẫn được áp dụng cho dân Chúa từ thời Cựu Ước cho đến ngày nay.Nhưng  cần phải nói ngay ở đây một lần nữa là sở dĩ Thiên Chúa truyền Lề Luật cho con người tuân giữ là vì phúc lợi của con người chứ tuyệt đối không phải vì lợi lộc nào của  Chúa, khiến Người phải ngăn cấm con người không được làm hay phải làm những  điều ghi trong  Mười Điều Răn mà con người phải thi hành để được chúc phúc.



 

Chúa Giêsu  đã nhắc lại Điều Răn thứ Nhất và cũng là điều răn  quan trọng nhất  khi Chúa trả lời cho một  luật sĩ thuộc nhóm Biệt  phái  và Xa đốc xưa kia như sau:

 

ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết  lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và là điều răn thứ nhất.” (Mt 22: 37-38).



 

Yêu mến một mình Thiên Chúa trên hết mọi sự có nghĩa là chỉ tôn thờ và yêu mến Người trên hết mọi thần linh khác của những người không chia sẻ một niềm tin với người tín hữu Chúa Kitô trong Giáo Hội Công Giáo.Nói khác đi, là tín hữu Công giáo  thì không được tin và kêu cầu đến một thần linh nào khác ngoài Thiên Chúa Ba Ngôi ra. Chỉ có Ngài là Thiên Chúa duy nhất, Đấng cầm quyền cại trị vũ trụ và sự sống của của con người cùng  mọi tạo vật, và nhất là đã cứu chuộc con người nhờ Chúa Kitô, tức Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống trần gian  làm Con Người để "hiến mạng sống  mình làm giá chuộc cho muôn người."( Mt 20: 28) )

 

Như vậy, ngoài Thiên Chúa Ba Ngôi ( The HOLY  TRINITY) mà chúng ta phải tôn thờ,  Đức Trinh Nữ  Maria, dù là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos), Mẹ của Giáo Hội, Thánh Cả Giuse  cùng các Thánh nam nữ khác trên Thiên Đàng  chỉ là những mẫu gương sáng ngời cho ta noi theo để nên thánh và nhờ cậy cầu bầu trước Tòa Chúa mà thôi, chứ không phải là đối tượng chính của lòng tin và tôn thờ (adoration). Đối tượng chính của lòng tin yêu và tôn thờ  phải là Thiên Chúa Ba Ngôi, trong khi chúng ta cũng  yêu mến và tôn kính (veneration) Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse  và các Thánh nam nữ trên Trời nữa.



 

Do đó, từ góc độ thần học và đức tin này, mọi người tín hữu Chúa Kitô trong Giáo hội Công Giáo cần phải tránh xa mọi hình thức tin tưởng hay trông cậy trái nghịch với Điều Răn thứ nhất trên đây thể hiện qua những thực hành sai trái và có tính cách mê tín dị đoan sau đây:


 


  1. Thờ các ngẫu tượng (idolatry):

 

Điều răn thứ nhất cấm tôn thờ bất cứ thần linh (idols) nào ngoài Thiên Chúa ra, như  thờ thần cây đa, thần bếp, thần hỏa, thần nước, thần tài,v.v.Mặt khác,  người Công giáo cũng  không thể nói ba phải rằng  Đạo nào cũng tốt, thần linh nào cũng đáng kính , nên có thể  đem trưng bầy trên ban thờ ở nhà  ảnh tượng Chúa, Đức Mẹ chen lẫn với các tượng Đức Phật, Đức Không Tử, Lão Tử, Mohammeh (của Đạo Hồi) v.v. Chúng ta tôn trọng niềm tin của các tín đồ khác, nhưng không cùng chia sẻ niềm tin của họ về Đấng họ tôn thờ,  như chúng ta tin và tôn thờ  Thiên Chúa của chúng ta.

 

Do đó, người Công giáo mà trưng ảnh tượng bất cử  thần linh nào khác  là lỗi phạm điều răn thứ nhất dạy thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi.Lại nữa, nếu vì xã giao mà phải tham dự các buổi lễ của các tôn giáo khác, hay đến viếng người chết  ở nhà quàn (funeral home), người Công giáo không được phép bái lạy các tượng Đức Phật, Đức Khổng Tử hay bất cứ ảnh tượng nào mà các tín hữu bạn tôn thờ. Đó là niềm tin của họ, chúng ta tôn trọng, nhưng không chia sẻ niềm tin với họ  như đã nói ở trên.Tuy nhiên, chúng ta được phép đốt nhang cho người chết ở nhà quàn hay tư gia.



 

Cũng cần nói thêm là, để tỏ lòng tôn kính, tôn thờ một mình Thiên Chúa trên hết mọi thần thánh, kể  cả Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse, người Công giáo, mỗi khi vào nhà thờ, phải bái quì thờ lậy Chúa Kitô đang hiện diện cách bí nhiệm cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong Mầu Nhiệm Ba Ngôi và trong bí tích Thánh Thể nơi Nhà Tạm ( Tabernacle) trước khi quay sang chỗ trưng bày thánh tượng Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse hay Thánh Nam nào Nữ khác. Đây là hành vi đức tin thể hiện lòng tôn thờ một mình Thiên Chúa Ba Ngôi trên hết mọi thần thánh khác, và chắc chắn điều này làm đẹp lòng Chúa, Đức Mẹ  và các Thánh Nam nữ đang chầu trực, ngợi khen  Chúa trên Thiên Đàng.

    

2- Tội phạm thánh ( Sacrilege) :

 

 Được coi là lỗi đức thờ phượng, tức điều răn thứ nhất  những hành vi sau đây :



       

a-đang khi có tội trọng, chưa được tha qua bí tích hòa giải mà dám rước Mình Máu Thánh Chúa Kitô ( giáo dân) hay cử hành thánh Lễ Tạ Ơn ( linh mục) đều mắc tội  phạm thánh. (x. giáo  luật số  916)

        


Thánh Phaolô cũng nói rõ tội này như sau :

             

" Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh này và uống Chén của Chúa cách bất xứng thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hay ăn Bánh và uống Chén này," ( 1 Cor 11: 27-28)

       


b-Ai ném bỏ Mình Thánh hay lấy Mình Thánh về nhà để làm việc mê tín là phạm thánh và bị vạ tuyệt thông tiền kết ( x giáo luật số 1367).

 

Ngoài ra, cũng kể là phạm thánh  những hành vi bất kính như đạp chân lên, hay quăng vào thùng rác các ảnh tượng  Chúa, Đức Mẹ và các Thánh hoặc các đồ dùng đã được làm phép  như bình đựng Mình Thánh ( Ciborium) chén lễ ( Chalice) khăn thánh ( purificator, corporal) ..



 

Mặt khác,  cũng được  kể là phạm thánh ai hành hung Đức Thánh Cha ( mắc vạ tiền kết, giáo luật số 1370 & 1) và các vị có chức  thánh hay  lời khấn  như linh mục, Giám mục, tu sĩ .

     

c-Sau nữa, cũng được coi là tội phạm thánh  những ai phá hủy nơi thờ phượng như nhà thờ,Tu viện và nhà nguyện công ( Public chapel) kể cả giết người và làm việc ô uế (dâm dục)  trong nơi thờ phượng. Giết người  và làm chuyện ô uế ở nơi khác thì chỉ có tội sát nhân và tội dâm dục, nhưng  nếu phạm các tội này ở nơi thờ phượng thì mắc thêm tội phạm thánh nữa.  

       


3-Bói toán và ma thuật (divination and magic):

 

Tất cả những  hình thức mê tín như  bói toán, coi chỉ tay, bói bài, tử vi (horoscope) chiêm tinh, (astrology) phong thủy địa lý, phù thủy (sorcery) đồng bóng….  đều là các việc lỗi nghịch  điều răn thứ nhất, tức vi phạm niềm tin vào một Thiên Chúa toàn năng duy nhất, Chủ Tể của mọi loài, và là Đấng luôn  quan phòng đời sống con người và vạn vật theo sự khôn ngoan và nhân hậu tuyệt vời của Ngài. Vì thế, khi tin và thực hành các hình thức mê tín trên đây, người ta đã tìm đến một hay nhiều quyền lực khác trong vụ trụ  hữu hình này thay vì chỉ tin cậy một mình Thiên Chúa mà thôi. Vì thế, người tín hữu Chúa Kitô phải tránh xa các hình thức mê tín trên đây,  vì làm một trong những việc này là chứng tỏ không tuyệt  đối tin tưởng vào một mình Chúa là Đấng duy nhất  ban phát mọi ơn lành và làm chủ vận mạng con người và vũ trụ.(SGLGHCG, số 2115-2117).  Thánh Kinh đã lên án tội bói toán, phù thủy, và thờ ngẫu tượng, đồng bóng như sau:



 

giữa anh em không được thấy ai làm lễ thiêu con trai, con gái mình, không được thấy ai làm nghề bói toán, chiêm tinh, tướng số, phù thủy, bỏ bùa, ngồi đồng cốt, gọi hồn. Thật vậy, nếu ai làm điều ấy thì là điều ghê tởm đối với Đức Chúa,và chính vì những điều ghê tởm đó mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh  em đã trục xuất các dân tộc ấy cho khuất mắt anh  em.” (Đnl 18: 10-12).

 

Hoặc:


 

Khi người đàn ông hay đàn bà nào có ma nhập thần ám thì phải bị xử tử, người ta sẽ ném đá chúng, máu chúng đổ xuống đầu chúng.” (Lêvi 20:27) và  “đàn bà phù thủy, ngươi không được để cho sống.” (Xh 22:17)

 

Tuy nhiên, những lời dạy trên đây chỉ nhằm nhấn mạnh đến việc cấm làm những chuyện mê tín dị đoan, trái đức tin như gọi hồn người chết, đồng bóng, phù thủy... vẫn còn thịnh hành ở một số nơi trên thế giới, đặc biệt là ở VietNam.Nhưng không được hiểu những lời trên theo nghĩa đen  là phải giết hại  ai làm những việc đó.



 

Nhân tiện, phải nói rõ thêm  về việc xem tử vi như sau:

 

Hiện nay trên Truyền hình Việt Nam  ở Mỹ , có nơi có  chương trình nói về tử vi cho người xem. Ông thầy tử vi này đã đưa ra những khuyên cáo như tuổi này hợp với tuổi kia thì làm ăn mới thành công, nhất là được hạnh phúc trong hôn nhân, nếu vợ chồng hợp tuổi nhau. Điều này sẽ gây tai hại cho những cặp vợ chồng đã lấy nhau lâu nhưng không biết là  có hợp tuổi  hay không. Nay  vì những  chỉ vẽ vô căn cớ của thầy tử vi, họ có thể bỏ nhau để kiếm người hợp tuổi hơn. Hoặc các đôi trai gái sắp kết hôn có thể  tin theo thầy tử vi để không dám kết hôn vì không hạp  tuổi, dù hai người đang  yêu nhau. Người Công Giáo tuyệt đối không  được tin theo những lời chỉ dẫn vô cán cứ của các thầy tử vi về vấn đề hạp tuổi trong hôn nhân và trong việc làm ăn.Cụ thể, các người làm cha mẹ không nên đi xem tử vi để quyết định việc hôn nhân cho con cái mình,.Những chỉ dẫn của các thầy tử vi hoàn toàn không có cơ sở tín lý hay khoa học nào, nên không được tin theo họ. để không mắc tội nghịch điều răn thứ nhất dạy phải tôn thờ và tín thác vào Chúa quan phòng mà thôi.



 

4-Mê tín dị đoan (superstitions):

 

Phải kể là tội nghịch điều răn thứ nhất các hình thức mê tín dị đoan có trong mọi nền văn hóa  như tin con số 9, kiêng số 10, số 13, kiêng chụp hình 3 người, tin  ra ngõ gặp đàn bà thì xui, mèo đến nhà thì khó, chó đến thì sang… đeo bùa ngãi, xin sâm, xin quẻ, tin 12 con vật  cai trị vận mạng con người và vũ trụ v.v. Những tin tưởng này đều tuyệt đối  không có cơ sở giáo lý, và đức tin nào,  nên người tín hữu Chúa Kitô  phải xa tránh mọi tin tưởng và  thực hành sai trái nói trên để tuân giữ cách nghiêm túc Điều răn thứ nhất dạy ta phải tin và thờ phượng một mình  Thiên Chúa Ba Ngôi, là Nguồn duy nhất ban phát mọi ơn lành  mà thôi.


 

Tóm lại, mọi hình thức đưa đến tin tưởng vào một quyền lực hay thần linh nào ngoài Thiên Chúa ra đều là tội phạm đến Thiên Chúa là Đấng duy nhất ta phải tôn thờ và cầu xin mọi ơn lành hoặc giúp tránh những sự dữ, tai họa cho hồn xác trong cuộc sống trên trần thế này. Nhưng cho được xin ơn Chúa cách hữu hiệu, Giáo Hội dạy mọi tín hữu hãy chạy đến cùng Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse  và các Thánh Nam Nữ để xin các  ngài nguyện giúp cầu thay cho ta trước Tòa Chúa. Nghĩa là tuyệt đối không thể nhờ thầy bùa, thầy pháp, thầy bói, thầy tử vi, thầy địa lý, phong thủy  hay chiêm tinh gia nào có thể giúp xoay chuyển được số mệnh hay giúp tránh tai ương, hoạn nạn cho con người ở đời này. Ấy là chưa nói đến những tai họa bất ngờ có thể xảy ra chỉ vì  tin và nghe lời các thầy này và các tiên tri giả ( đầy rẫy ở khắp nơi) chỉ vẽ tầm bậy, khiến đưa chân vào hiểm họa  không  ngờ nữa. Cụ thể, cách nay hơn hai mười năm, một nhóm 20  tín đồ của giáo phải Cổng Trời ( Heaven Gate) bên California đã tự sát tập thể vì nghe lời "giáo chủ" của họ "tiên tri " tầm bậy là sắp tận thế rồi nên phải chết nhanh đi để được lên Thiên Đàng ! Lại nữa, nhóm Hồi giáo quá khich( Fanatic Moslems ) cũng  chủ trương giết những đối thủ của họ ( ám chỉ người Mỹ và các Kitô hữu) để được lên Thiên Đàng ! Vì thế mà có những kẻ cuồng tín đầy mê muội đã ôm bom tự sát và giết hại người khác để hy vọng sớm được lên Thiên Đàng !

 

Người tín hữu Công giáo phải quyết tâm xa tránh những tin tưởng và thực hành sai trái nói trên để sống đẹp lòng Chúa và nói lên niềm tin của mình vào Một Thiên Chúa toàn năng, đầy lòng nhân ái, và là Nguồn duy nhất ban phát mọi ơn lành, an vui và hạnh phúc cho con người.



 

Ước mong những giải đáp trên thỏa mãn câu hỏi đặt ra.


 

Lm   Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn.



VỀ MỤC LỤC

ĐỨC MA-RI-A – HÌNH BÓNG ÍT-RA-EN HOÁN CẢI

Sr. Agnès Cảnh Tuyết, OP.

Bài thuyết trình với một nhóm Liên Tu Sĩ Nam - 5/2017

  

Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng... Lc 1, 28

Trong những chương đầu của Tin Mừng Lu-ca, thiên sứ đi đến đâu là mang thông điệp niềm vui từ trời đến đó. Đầu tiên là lời loan báo của sứ thần Gáp-ri-en với ông Da-ca-ri-a : “Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhậm lời ông cầu xin : bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông sẽ đặt tên cho con là Gio-an. Ông sẽ được vui mừng hớn hở và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời...” (Lc 1,13-14). Tiếp đến, lời chào  của sứ thần Gáp-ri-en ngỏ cùng Đức Ma-ri-a : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà...” (Lc 1, 28). Rồi đến lời loan báo của sứ thần với mục đồng: “... Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân...” (Lc 2,10). Trong các lời ngỏ của sứ thần vừa kể trên, lời ngỏ cùng ông Da-ca-ri-a cũng như với các mục đồng là loan báo tin vui, còn lời chào dành cho Đức Ma-ri-a là mời gọi Mẹ hãy vui lên :

“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,28)

Các nhà chú giải điều nhìn nhận rằng kiểu chào này không phải là lối chào thường dùng trong thế giới hy lạp thời bấy giờ. Kiểu chào này gợi lại lời loan báo cứu độ dành cho Giê-ru-sa-lem được nói đến qua ngôn sứ Xô-phô-ni-a và Da-ca-ri-a. Chúng ta cùng trở lại với lời loan báo ơn cứu độ của hai ngôn sứ này qua Xô-phô-ni-a chương 3,11- 18a và Da-ca-ri-a chương 9,9-10, để thấy phần nào Đức Ma-ri-a như là hình bóng Ít-ra-en trong hành trình đức tin.

 

Đức Ma-ri-a - “Số Sót” của Ít-ra-en - Xp 3,11-18a

Lời chào của sứ thần Gáp-ri-en ngỏ với Đức Ma-ri-a rất gần với lời ngôn sứ Xô-phô-ni-a ngỏ với Giê-ru-sa-lem như sau :

“Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi !

Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi” (Xp 3,14).

Cụm từ “thiếu nữ Xi-on”, “thiếu nữ Giê-ru-sa-lem” là kiểu nói quen thuộc biểu trưng cho dân tộc Ít-ra-en. Lý do mà ngôn sứ mời gọi dân Chúa vui mừng đó là Thiên Chúa thứ tha tội lỗi cho dân Người, dấu chỉ của sự tha thứ là việc Thiên Chúa sẽ ở giữa họ. Ngôn sứ loan báo như sau :

“Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội.” (Xp 3,17-18a).

Những lời trên của ngôn sứ Xô-phô-ni-a khiến dân Chúa và cả những ai đọc Xô-phô-ni-a phải ngỡ ngàng về tình yêu Thiên Chúa: chính Thiên Chúa nhảy múa tưng bừng khi thấy trước rằng, cuối cùng cũng sẽ có ngày mà Người có thể ở giữa con gái Xi-on, ở giữa dân Người, một dân đã được thanh luyện bởi tình thương của Người. Chỉ mới nghĩ đến thôi, Thiên Chúa đã muốn nhảy lên vì mừng vui. Không những dân Chúa hỷ hoan mà chính Thiên Chúa còn vui mừng hơn bội phần khi Người lại ở giữa dân Người.

Ngày mà Thiên Chúa chờ mong để được ở giữa Xi-on nay thực sự đã đến qua lời chào của thiên sứ Gáp-ri-en: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà !” Đức Ma-ri-a chính là Xi-on, một Xi-on đã được thanh luyện tẩy rửa để đón chờ Chúa đến. Xi-on đã được thanh luyện, ngôn sứ Xô-phô-ni-a gọi là “Số Sót của Ít-ra-en” :

“Ngày ấy, ngươi sẽ không còn phải hổ thẹn, vì mọi hành vi ngang trái chống lại Ta. Bấy giờ, Ta sẽ đuổi cho khuất mắt ngươi những kẻ kiêu căng đắc thắng, và người sẽ không còn nghênh ngang trên Núi Thánh của Ta nữa. Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh ĐỨC CHÚA.” (Xp 3,11-12).

 

“Số Sót” mà Xô-phô-ni-a nói đến là một dân nghèo hèn và bé nhỏ, tương phản với những kẻ kiêu căng tự đắc. Họ là những người chỉ biết cậy trông vào Chúa, tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa mà thôi. Đề tài “Số Sót” là một trong những đề tài quan trọng trong các Sách Ngôn Sứ (x. Is 1,9; 4,3; Gr 6,9; 8,3; Am 5,15; Mk 2,12; Kg 1,12-14; Dcr 8,6.11). Bài ca Magnificat cho thấy Đức Ma-ri-a thấm nhuần truyền thống ngôn sứ khi cất lời tán tụng Thiên Chúa chống lại bọn kiêu căng, và Mẹ là “Số Sót” chỉ cậy trông vào Thiên Chúa :



“Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn đến, từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (Lc 1,48-52)

 

Ma-ri-a – từ một Ít-ra-en tuyển chọn đến một Ít-ra-en số sót

Ít-ra-en rất tự hào vì mình là dân riêng của Thiên Chúa, chúng ta đọc thấy trong sách Đệ Nhị Luật như sau: “ Chỉ có dân tộc vĩ đại này mới là một dân khôn ngoan và thông minh!’ Phải, có dân tộc nào vĩ đại được Thiên Chúa ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người?” (Đnl 4,6-7). Dù họ được Mô-sê dạy cho biết họ được tuyển chọn hoàn toàn là do ân huệ nhưng không của Thiên Chúa chứ chẳng phải do công nghiệp riêng của họ (x.Đnl 7,7-8). Nhưng thay vì sống đúng sứ mạng của dân được chọn, tuân giữ mệnh lệnh và trung thành với Giao Ước, Ít-ra-en lại giữ các lễ nghi một cách hình thức, họ cậy vào Đền Thờ như lá bùa hộ mệnh.

A-mốt chương 5,21-25 là một trong những đoạn Kinh Thánh nổi tiếng về việc tố cáo các phụng tự chỉ có hình thức của Ít-ra-en: “Lễ lạt của các ngươi Ta chán ghét khinh thường, hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú .... Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của các ngươi, Ta không muốn nghe tiếng đàn của các ngươi nữa. Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn.”

Ngôn sứ Giê-rê-mi-a được Thiên Chúa sai đến đứng ở cửa Đền Thờ và tuyên sấm với dân Giu-đa như sau: “Đừng ỷ vào lời giả dối sau đây: “Đền Thờ của Đức Chúa! Đền Thờ của Đức Chúa ! Đã có Đền Thờ của Đức Chúa!...  rồi lại vào nhà, nơi danh Ta được kêu khấn, đến trước mặt Ta mà nói: “Chúng ta được an toàn!” sau đó cứ tiếp tục làm những điều ghê tởm ấy. Thế nghĩa là gì?” (Gr 7,4.10)

Não trạng tự mãn vì là dân tuyển chọn của Ít-ra-en vẫn còn mãi đến thời Đức Giê-su, và Gio-an Tẩy Giả đã kịch liệt lên án: “Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: ‘Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham.’ Vì, tôi nói cho các anh em hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham ” (Mt 3,9).

Trong Xô-phô-ni-a chương 3,11-18 mà chúng ta đang tìm hiểu, qua việc nhấn  mạnh đến đề tài “Số Sót”, Ít-ra-en được mời gọi làm một hoán cải về ý thức. Sau những biến cố thăng trầm, họ không dám tin có một ngày được chứng kiến việc Thiên Chúa lại cho Thánh Đô được tái thiết, họ mừng đến tưởng mình như giữa giấc mơ. Cũng từ đó họ bừng tỉnh và thấm thía lời các ngôn sứ : Bấy giờ Thiên Chúa sẽ đuổi cho khuất mắt những kẻ kiêu căng đắc thắng, và Người sẽ cho sót lại giữa Ít-ra-en một dân nghèo hèn và bé nhỏ. Dân Chúa mãi sẽ là “Số Sót”, nghĩa là nhóm nhỏ chịu thanh luyện, và sẽ còn chịu thanh luyện. Ít-ra-en cần làm một cuộc hoán cải về ý thức : từ kiêu căng tự mãn mình là dân được tuyển chọn, Ít-ra-en ý thức mình là “Số Sót”.

Khi Đức Ma-ri-a đáp lại lời sứ thần Gáp-ri-en bằng tiếng “Xin Vâng”, Mẹ nhận lấy sứ mạng của nhóm nhỏ “Số Sót” Ít-ra-en. Lời kinh Magnificat mà Đức Ma-ri-a cất lên, không hề là sự tự mãn vì Mẹ được tuyển chọn làm Mẹ Đấng Mê-si-a. Mẹ là mẫu gương của sự thực thi Lời và mời gọi những ai muốn bước theo Đức Giê-su thực thi Lời Chúa : “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”  (Ga 2,5) Lời của Đức Mẹ tại tiệc cưới Ca-na cũng là lời mà các môn đệ đã nghe phát ra từ trời khi họ được chứng kiến Đức Giê-su biến hình trên núi: “Đây là con Ta, Người được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người.” (Lc 9,35)

Như đã nói, lời chào của sứ thần Gáp-ri-en không những gợi lại lời của ngôn sứ Xô-phô-ni-a mà còn gợi đến lời của ngôn sứ Da-ca-ri-a. Trong Xô-phô-ni-a, Xi-on được mời gọi trở nên “Số Sót”, một dân khiêm cung nghèo hèn, nhỏ bé; còn trong Da-ca-ri-a, chính Đấng Mê-si-a mà Xi-on mong đợi sẽ đến trong khiêm cung. Nói cách khác, nếu Xi-on trở nên khiêm cung thì có thể tiếp nhận được Đấng Mê-si-a khiêm hạ mà Chúa gởi đến cho họ. Và rồi Thiên Chúa đã tìm thấy nơi Đức Ma-ri-a là “Thiếu nữ Xi-on” khiêm cung để trao ban Con của Người - Đấng Mê-si-a được hứa từ ngàn xưa qua các ngôn sứ.

Chúng ta cùng tìm hiểu Da-ca-ri-a chương 9,9-10.


 

Đức Maria – Ít-ra-en hoán cải về quan niệm Đấng Mê-si-a, Dcr 9,9-10

Xô-phô-ni-a chương 3,11-18 mà chúng ta vừa tìm hiểu thuộc vào khoảng cuối thế kỷ thứ VII hoặc đầu thế kỷ thứ VI (BC), tức là trước lưu đày Ba-by-lon. Còn đoạn Da-ca-ri-a chương 9,9-10 thuộc vào thời sau lưu đày – khoảng thế kỷ thứ III (BC). Thế mà âm điệu của hai bản văn này lại rất gần nhau.

Da-ca-ri-a chương 9,9-10 giới thiệu khuôn mặt một đấng Mê-si-a khiêm cung :

“Nào thiếu nữ Xi-on, hãy mừng vui hoan hỷ ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò ! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi :  Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ. Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Ép-ra-im và chiến mã khỏi Giê-ru-sa-lem; cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy, và Người sẽ công bố hòa bình cho muôn dân. Người thống trị từ biển này đến biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất.”

Hai câu thơ mở đầu song song đồng nghĩa, kêu gọi Giê-ru-sa-lem mừng vui. Cũng như ở Xô-phô-ni-a chương 3,14, lời mời gọi mừng vui của Da-ca-ri-a rất gần với lời chào của sứ thần Gáp-ri-en ngỏ với Đức Ma-ri-a. Lý do dân Chúa được mời gọi mừng vui đó là Đấng Mê-si-a đang đến với họ. Theo ngữ cảnh được nói đến ở Da-ca-ri-a 9,1, thì đây là lời mời gọi của chính Thiên Chúa ngỏ với Xi-on, biểu trưng cho dân tộc Ít-ra-en. Vị vua đang đến được gọi là vua của ngươi, tức là vua của Xi-on, của Giê-ru-sa-lem phải là vua thuộc dòng dõi Đa-vít, dòng tộc được coi là vua chính qui, hợp pháp của Giê-ru-sa-lem.

Vị vua đang đến vừa là người mang quyền lực: quét sạch chiến xa và chiến mã, bẻ gãy cung nỏ chiến tranh, vương quyền người mang tầm mức vũ hoàn; đồng thời đấng Mê-si-a này mang những phẩm tính đạo đức luân lý: đấng chính trực và khiêm tốn, mang hòa bình cho muôn dân. Hình ảnh khiêm tốn và hòa bình của vị Mê-si-a  còn được diễn tả qua hình ảnh vị vua này cưỡi lừa và không mang theo khí cụ chinh chiến. Theo quan niệm thời đó, lừa là hình ảnh khiêm tốn, hòa bình, đối lập với ngựa, biểu tượng của chiến tranh và sức mạnh.

Từ “khiêm tốn” tiếng hipri là  עני ( ani ). Từ này được dùng ở Xô-phô-ni-a 3,12, đoạn mà chúng ta vừa tìm hiểu, để chỉ những người nghèo của Đức Chúa, họ là “Số Sót” của Ít-ra-en. Ít-ra-en được mời gọi hoán cải, không những về ý thức từ hãnh diện họ được tuyển chọn đến ý thức là thành phần “Số Sót”, Ít-ra-en còn phải hoán cải về quan niệm đấng Mê-si-a : Đấng Mê-si-a mà Chúa sẽ gởi đến cho họ là một Mê-si-a khiêm nhu, nghèo hèn. Người không cậy vào sức mạnh trần thế mà chỉ cậy trông vào Thiên Chúa. “Số Sót” của Ít-ra-en là người nghèo của Đức Chúa, và đấng Mê-si-a cũng là người nghèo của Đức Chúa.

Ít-ra-en đã trải qua nhưng kinh nghiệm thương đau, cách riêng là từ biến cố lưu đày, họ thấm thía thế nào là thất vọng khi cậy dựa vào sức mạnh trần thế. Ít-ra-en đã từng mơ có một vị vua như các dân tộc khác để bảo vệ họ khỏi nguy cơ bị ngoại bang xâm chiếm. Mặc cho Sa-mu-en giải thích và can ngăn, họ nhất định đã đòi Sa-mu-en lập cho họ một vị vua : “Không! Phải có một vị vua cho chúng tôi ! Cả chúng tôi cũng sẽ giống như mọi dân tộc. Vua chúng tôi sẽ xét xử chúng tôi, sẽ dẫn đầu chúng tôi và sẽ lãnh đạo các cuộc chiến của chúng tôi.” (1Sm 8,20) Việc đòi có vua như các dân tộc khác của Ít-ra-en là trọng tội như một tội thờ tà thần, vì họ cậy vào sức mạnh vũ khí và tài chiến binh chứ không còn cậy trông vào Chúa như Đấng Cứu Độ duy nhất của họ (x .1Sm 87-8). Thế rồi Ít-ra-en hết cúi đầu van xin cường quốc này lại chạy theo cường quốc khác mong có được sự thỏa hiệp và bảo trợ. Rồi với bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, Ít-ra-en nhận ra rằng các vua của họ đã không thể cứu nổi dân tộc thoát khỏi tay các cường quốc; và ngay các cường quốc đó cũng lần lượt tiêu vong thảm hại: Ai-Cập thất thế trước sức mạnh của As-sy-ri-a, rồi đến phiên As-sy-ri-a bị Ba-by-lon nhận chìm; đến phiên Ba-by-lon tang tác dưới sức mạnh đế quốc Ba tư; Ba tư lại trở thành mồi ngon của Hy lạp, với vị vua lừng danh Alexandre đại đế, thế mà vị vua siêu quần bạt chúng này chết bất ưng khi chưa kịp có con nối kế vị, đế quốc của ông cũng phân rã làm ba; chẳng bao lâu nữa Rô-ma lại lên ngôi bá chủ và vòng lên xuống vẫn tiếp tục...

Lịch sử đã cho Ít-ra-en bài học chuẩn bị cho họ có thể làm cuộc hoán cải về quan niệm Mê-si-a : không ai ngoài Thiên Chúa có thể cứu họ; đấng Mê-si-a mà Thiên Chúa sẽ gởi đến cho họ sẽ là người nghèo của Thiên Chúa. Và nay, qua lời chào của sứ thần Gáp-ri-en, Đức Ma-ri-a được mời gọi đón nhận đấng Mê-si-a được loan báo từ ngàn xưa trong Cựu Ước. Với lời đáp xin vâng, Mẹ là hình bóng của Ít-ra-en đã hoán cải về quan niệm đấng Mê-si-a – Mê-si-a khiêm nhu.

 

Vị Mê-si-a Cựu Ước loan báo này đang đến, và “Số Sót” Ít-ra-en đang đón nhận Mê-si-a mà Đức Maria là đại diện, cùng với nhóm môn đệ. Tuy nhiên cuộc hoán cải đó không mấy dễ dàng, sự vấp ngã của các môn đệ trước mầu nhiệm Thập Giá là bằng chứng cụ thể.


 

Sự chậm hiểu của các môn đệ trong Tin Mừng Mác-cô

Các Tin Mừng đều cho thấy sự chậm hiểu cũng như quan niệm sai lầm của các môn đệ trước mầu nhiệm Thập Giá của Đức Giê-su, nhưng Tin Mừng Mác-cô lại nhấn mạnh về điểm này. Ba lần Đức Giê-su loan báo cuộc khổ nạn là cả ba lần đều gặp phản ứng u mê của các môn đệ đối với thông điệp của Thầy mình về đấng Mê-si-a khiêm nhu đau khổ, đây là nét riêng của Tin Mừng Mác-cô.

Khi nghe loan báo lần thứ nhất về cuộc khổ nạn, phản ứng của Phê-rô là từ chối thông điệp của Thầy mình khi ông cản Đức Giê-su đi con đường Thập Giá (x. Mc 9,31-33). Phản ứng của Phê-rô phản ánh tâm trạng chung của các môn đệ chứ không phải chỉ của riêng ông. Lần thứ hai, sau khi nghe Thầy loan báo cuộc khổ nạn, các môn đệ vẫn không hiểu, nhưng lại không dám hỏi, vì sợ. Phải chăng đó là nỗi sợ phải nghe sự thật mà các ông không đủ sức tiếp nhận. Thay vào đó, các ông lại bận tâm đến việc bàn tán xem ai là người lớn nhất (x. Mc 9, 30-37). Chỗ đứng, địa vị: đó mới là bận tâm của các môn đệ. Ngay sau cuộc loan báo lần thứ ba về cuộc khổ nạn, hai người con ông Dê-bê-đê đến xin Đức Giê-su về chỗ ngồi bên hữu và bên tả. Mười môn đệ còn lại tỏ ra tức tối hai anh em ông này. (x. Mc 10,32-40) Họ tức tối vì ghen với hai ông. Các môn đệ khác cũng muốn chỗ mà hai anh kia đang muốn chiếm. Trong khi Thầy mình cố gắng cho các ông hiểu thông điệp về con đường Thập Giá mà Người sẽ đi, thì các ông lại ngày càng tỏ ra mối bận tâm duy nhất của các ông là địa vị.

Phản ứng của các ông cho thấy các ông không hiểu nổi thông điệp về đấng Mê-si-a khiêm nhu, đau khổ. Từ sự chậm hiểu về mầu nhiệm Thập Giá, các ông đã bỏ Thầy mình trong cuộc khổ nạn. Đó là một sự thật bại ê chề. Việc bỏ trốn của các ông là bằng chứng cụ thể và là đỉnh điểm của sự u mê về quan niệm đấng Mê-si-a khiêm nhu, đau khổ. Chỉ sau Phục Sinh, Thần Khí Chúa mới làm các ông hoán cải quan niệm về Đấng Mê-si-a. Cuộc hoán cải về quan niệm Mê-si-a khiêm nhu đau khổ đòi các ông phải chết đi tham vọng vinh quang trần thế, và chỉ còn tìm làm vinh danh Chúa mà thôi. Đó là lời nguyện đầu tiên trong kinh Lạy Cha mà Thầy Chí Thánh Giê-su đã dạy : Xin cho danh Cha cả sáng.

Giáo hội của Chúa là Ít-ra-en mới phải nhớ mình là “Số Sót” nghĩa là phải hoán cải từng ngày.


 

THẾ NHƯNG...

Thế nhưng lịch sử cho thấy nhiều phen Giáo Hội lại rơi vào con đường lầm lạc của Ít-ra-en xưa, đến cả thời chúng ta cũng không tránh khỏi. Lời cảnh báo của Đức Thánh Cha Phanxicô khi nêu lên “Mười lăm căn bệnh của giáo triều Roma” là một bằng chứng. Suy niệm về hành trình đức tin của Đức Ma-ri-a sẽ có ý nghĩa hơn nếu chúng ta dám nhìn lại lối sống của mình và đối diện với môi trường mình đang sống.

Nhưng trước khi đối diện với những vấn đề sẽ cật vấn chúng ta, có lẽ nên bắt đầu với việc nghe suy nghĩ của ông Trần Văn Thủy, tác giả của phim “Chuyện Tử Tế”, về môi trường văn hóa hiện nay. Qua câu chuyện phim, ông Thủy cho thấy chúng ta đang sống trong một nền văn hóa chỉ dám bàn đến những gì có tính phát triển, xây dựng, giáo dục, và ca ngợi... ngược lại, người ta có khuynh hướng kết án và bài trừ những ai bàn về mặt trái của cuộc sống. Trả lời cho vấn đề này, ông Thủy mượn lời của của một tác giả và đưa ra kết luận: văn hóa mà chỉ còn là văn hóa truyên truyền sẽ là văn hóa chết”.

Nếu chịu chấp nhận lắng nghe, chúng ta sẽ thấy tồn đọng một vài vấn đề cụ thể đang làm Giáo Hội mất dần tính cách “Số Sót của một dân nghèo hèn, bé nhỏ”, hoàn toàn xa lạ với tinh thần của nhóm người “Số Sót” mà Đức Ma-ri-a thuộc về. Có lẽ chúng ta đã nghe quá nhiều nên hóa nhàm với Lời Chúa về việc háo danh, vậy xin mượn câu chuyện của ông Trần Văn Thủy để thay lời ở đây. Trong dịp làm phim, ông Thủy tìm hiểu công việc của các nữ tu ở một trại phong cùi, nơi trước đây ông Hàn Mạc Tử đã sống những năm cuối đời. Ông Thủy viết : “.... Khi Hàn lâm bệnh, rất nhiều người xa kẻ gần kiếm thuốc, tìm thầy, chạy chữa cho Hàn rất công phụ, tốn kém. Nhưng điều đáng nghĩ ngợi là phần lớn họ điều giấu tên để Hàn khỏi mang ơn. Xem vậy thời Hàn cũng có người ăn ở với nhau đến là tử tế”. Ông Thủy gọi những người làm ơn mà không màng danh là những người “tử tế”, xem ra một người ngoài ky-tô giáo lại thấm nhuần lời dạy của Chúa Giê-su: “Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm.” (Mt 6,3)

Chúng ta luôn được mời gọi trở thành “Số Sót” với Mẹ Ma-ri-a. “Số Sót” đó trước hết phải làm cuộc hoán cải của Ít-ra-en: từ bỏ sự kiêu căng tự mãn mình là thành phần tuyển chọn, là nhóm ưu tuyển, để sống tâm tình của “Số Sót” thuộc một dân nghèo hèn nhỏ bé. Điều này mời gọi người tu sĩ tránh xa những chuyện đặc quyền đặc lợi mà người ta muốn dành cho tu sĩ,  linh mục cũng như thân sinh của nhưng người tu trì. Có lẽ chúng ta nên nghe lời của Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài bàn đến căn bệnh đầu tiên trong mười lăm căn bệnh của Vatican : “ Bệnh này thường phát xuất từ bệnh quyền bính, từ thái độ yêu mình, say mê nhìn hình ảnh mình mà không thấy hình ảnh Thiên Chúa in nơi khuôn mặt của những người khác...”.

Qua những hình thức hoành tráng, môi trường sống hiện nay của chúng ta có nguy cơ trở thành công cụ hợp thức hóa não trạng ham mê quyền bính, khiến người ta nhầm lẫn địa vị như là đích điểm, là sự nghiệp và thành công của đời tu. Như thế sẽ rơi vào những căn bệnh mà Đức Thánh Cha Phanxico đã điểm đích danh : “Bệnh cạnh tranh và háo danh. Khi mà những mầu áo và huy chương trở thành đối tượng ưu tiên của cuộc sống...”. Một khi chức tước địa vị trong đời tu trở nên quá quan trọng, nó sẽ đưa người ta đến căn bệnh mà Đức Thánh Cha gọi là “Bệnh thần thánh hóa giới lãnh đạo”. Đức Thánh Cha viết: “... Họ là nạn nhân của những của những công danh sự nghiệp và của thái độ xu thời, tôn kính con người chứ không tôn kính Thiên Chúa.”
 

Thật ra trong thâm tâm của mỗi người tận hiến chân chính, điều cảm thấy áy náy khi đối diện với những điều vừa nêu trên, nhưng môi trường đã tạo dịp hợp thức hóa cái mà lẽ ra chúng ta phải áy náy, đến nỗi chúng ta để mình trở thành thỏa hiệp. Không thiếu những lập luận khá logic biện minh cho những việc làm trên: chẳng hạn vì chúng ta là con người, chúng ta cần sự nâng đỡ khích lệ, và rằng chúng ta còn phải sống vì những tương quan, vì giao tiếp, và còn nhiều lý lẽ khác đầy hấp dẫn. Mỗi khi làm điều gì, người ta sẽ có lý do biện minh cho hành động của mình. Đức Ma-ri-a thì không, trong từng sự việc Mẹ không tìm biện minh cho mình mà chỉ tìm Thánh Ý. Hành trình đức tin của Đức Ma-ri-a là con đường khiêm cung của “Số Sót”, của “một dân nghèo hèn và bé nhỏ.”


 

KẾT

Trên đường lên Can-vê, tất cả mọi người đều bỏ Đức Giê-su. Các môn đệ thì bỏ trốn vì sợ, những người khác ruồng bỏ Người trong khinh khi. Còn “sót lại” Mẹ Ma-ri-a dưới chân Thập Giá. Để có thể đứng vững dưới chân Thập Giá, để có thể không vấp ngã và nhận ra nơi Thập Giá là đấng Mê-si-a của Thiên Chúa, Mẹ đã phải làm cuộc hoán cải về quan niệm về đấng Mê-si-a. Ngay từ khởi đầu mầu nhiệm Nhập Thể, Mẹ đã được tháp nhập vào hành trình của đấng Mê-si-a khiêm nhu, nghèo hèn. Đó là Con Thiên Chúa làm người, đấng Mê-si-a được loan báo từ xưa, nay chào đời nhưng Mẹ lại phải đặt Người nằm trong máng cỏ, vì không tìm được chỗ trong nhà trọ. (x. Lc 2,7) Đấng Mê-si-a khiêm nhu nghèo hèn và chịu đau khổ là một điều ngược với sự mong chờ của muôn người, cả người Do thái lẫn dân ngoại, và nhất là cả chúng ta. Chắc hẳn Mẹ Ma-ri-a cũng đã trải qua khó khăn để đi vào con đường của Đấng Mê-si-a khiêm nhu. Có những lúc Mẹ cũng không hiểu nổi Thánh Ý. Nhưng thay vì vấp ngã, nghi ngờ, Mẹ tin tưởng và “suy đi ngẫm lại trong lòng”, rồi một ngày, với ánh sáng Phục Sinh, các mầu nhiệm này sẽ được sáng tỏ.
VỀ MỤC LỤC



tải về 1.11 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương