Bán nguyệt san – Số 313 – Chúa nhật 05. 11. 2017



tải về 1.11 Mb.
trang2/8
Chuyển đổi dữ liệu01.12.2017
Kích1.11 Mb.
#34875
1   2   3   4   5   6   7   8

ĐỜI SỐNG LINH MỤC

tiếp theo
II. NHỮNG ĐÒI HỎI THIÊNG LIÊNG ĐẶC BIỆT
TRONG ĐỜI LINH MỤC


15. Trong những đức tính cần thiết hơn cả cho tác vụ linh mục, phải kể đến thái độ luôn luôn sẵn sàng tìm ý muốn Đấng đã sai mình chứ không tìm ý riêng1. Thật vậy, các ngài đã được Chúa Thánh Thần tuyển chọn2 để hoàn thành một phận vụ thánh thiêng vượt quá mọi năng lực và khôn ngoan nhân loại; quả thật, “Thiên Chúa đã chọn những yếu kém trong thế gian để hạ nhục những gì là hùng mạnh” (1 Cr 1,27). Vì thế, ý thức mình yếu kém, thừa tác viên đích thực của Đức Kitô khiêm tốn hoạt động trong khi tìm xem điều gì đẹp lòng Thiên Chúa3, và như bị Thánh Thần trói buộc4, trong mọi sự ngài đều tuân theo ý của Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi; ngài có thể khám phá và thi hành thánh ý Chúa trong công việc hàng ngày bằng cách khiêm tốn phục vụ tất cả những người được Thiên Chúa ủy thác cho mình qua phận vụ đã lãnh nhận cũng như qua những biến cố trong đời.
Tuy nhiên, tác vụ linh mục, vì là tác vụ của chính Giáo Hội, nên chỉ có thể được chu toàn trong sự hiệp thông phẩm trật của toàn thân thể. Bởi thế, đức ái mục tử thúc giục các linh mục, trong khi hoạt động trong tình thông hiệp ấy, biết dâng hiến ý riêng mình qua việc vâng lời phục vụ Thiên Chúa và anh chị em, bằng cách lấy tinh thần đức tin để đón nhận và tuân theo những gì được Đức Giáo Hoàng, Đức Giám mục của mình, cũng như các Bề trên khác truyền dạy và khuyên bảo; bằng cách hoàn toàn sẵn lòng tự hiến và tiêu hao chính mình5 trong bất cứ phận vụ nào đã được trao phó dù là khiêm tốn và thấp kém. Thật vậy, nhờ cách đó, các ngài duy trì và củng cố sự hợp nhất cần thiết với các anh em ngài trong thừa tác vụ, nhất là với những vị được Thiên Chúa đặt làm người lãnh đạo hữu hình của Giáo Hội, và cũng nhờ đó các ngài cộng tác vào việc xây dựng Thân Thể Chúa Kitô, được lớn lên “nhờ tất cả các gân mạch tương trợ nhau”6. Vốn là một thái độ đem lại sự tự do trưởng thành của con cái Thiên Chúa, sự vâng phục này tự bản chất đòi buộc các linh mục, nhờ đức ái thúc đẩy trong lúc chu toàn phận vụ, luôn khôn ngoan tìm tòi những phương thức mới mẻ mang lại nhiều ích lợi hơn cho Giáo Hội, đồng thời cũng tin tưởng đưa ra những sáng kiến và cặn kẽ trình bày những nhu cầu của đoàn chiên được trao phó, nhưng luôn luôn sẵn sàng phục tùng quyết định của những vị có trách nhiệm lãnh đạo trong việc cai quản Giáo Hội Chúa.
Nhờ thái độ khiêm nhường và vâng phục trong tinh thần trách nhiệm và tự nguyện mà các linh mục nên giống Đức Kitô có những tâm tình như chính Đức Giêsu Kitô, Đấng “tự hủy mình khi nhận lấy thân nô lệ…, đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2,7-9), và nhờ sự vâng phục này, Người đã chiến thắng và chuộc lại sự bất phục tùng của Ađam, như Thánh Tông Đồ đã minh chứng: “vì một người không vâng phục mà muôn người hóa thành tội nhân, thì cũng thế, vì một Đấng phục tùng mà nhiều người được trở nên công chính” (Rm 5,19).

16. Sự tiết dục hoàn toàn và vĩnh viễn vì Nước Trời mà Đức Kitô đã khuyến khích7, điều đã được một số đông Kitô hữu trong các thời đại và ngay cả ngày nay sẵn lòng chấp nhận và tuân giữ cách đáng khâm phục, hiện thời vẫn luôn được Giáo Hội duy trì cách nghiêm minh trong đời sống linh mục. Thật vậy, đó vừa là dấu chỉ vừa là tác nhân kích hoạt cho đức ái mục tử và là nguồn mạch đặc biệt của sự phong nhiêu thiêng liêng trong thế giới8. Thật ra, tự bản tính của chức linh mục không đòi buộc điều đó như đã thấy thực hành trong Giáo Hội sơ khai9 và trong truyền thống của các Giáo Hội Đông Phương, ở đó, ngoài các Giám mục và những người nhờ ơn thánh đã chọn sống đời độc thân, vẫn có những linh mục rất đức độ đã lập gia đình; khi biểu dương nếp sống độc thân của hàng giáo sĩ, Thánh Công Đồng không hề có ý định thay đổi kỷ luật khác biệt vẫn có hiệu lực cách chính đáng trong các Giáo Hội Đông Phương, và thân ái khuyên nhủ tất cả những ai đã nhận lãnh chức linh mục và hiện đang sống trong bậc hôn nhân, hãy bền chí trong ơn gọi thánh thiện và tiếp tục trao hiến đời sống mình cách trọn vẹn và quảng đại cho đoàn chiên được trao phó10.
Tuy nhiên, nếp sống độc thân rất thích hợp với chức linh mục. Thật vậy, sứ mệnh của linh mục là tận hiến hoàn toàn để phục vụ một nhân loại mới mà Đức Kitô, Đấng chiến thắng sự chết đã phục hồi trong thế gian nhờ Thánh Thần của Người và là một nhân loại được sinh ra “không bởi khí huyết, không bởi ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của nam nhân, nhưng do bởi Thiên Chúa” (Ga 1,13). Nhờ đức trinh khiết hay nếp sống độc thân vì Nước Trời11, các linh mục được thánh hiến cho Đức Kitô cách mới mẻ và tuyệt hảo, được kết hợp dễ dàng hơn với Người bằng một trái tim không chia sẻ12, tự hiến cách tự do hơn trong Người và nhờ Người để phục vụ Thiên Chúa và loài người, sẵn sàng hơn trong việc phục vụ Nước Chúa và việc tái sinh trong đời sống siêu nhiên, và như thế các ngài càng trở nên thích hợp để lãnh nhận cách rộng rãi hơn chức vụ làm cha trong Chúa Kitô. Qua đó, các ngài cho mọi người thấy rằng mình muốn tận hiến trọn vẹn cho phận vụ đã được trao phó, chính là việc đính ước các tín hữu với một người duy nhất và hiến dâng họ cho Đức Kitô như một trinh nữ thanh sạch13, và như thế các ngài gợi nhớ đến cuộc hôn nhân mầu nhiệm đã được Thiên Chúa thiết lập và sẽ được tỏ bày trọn vẹn ở đời sau, trong đó Giáo Hội chỉ có một vị Hôn phu duy nhất là Đức Kitô14. Ngoài ra, các ngài còn trở nên dấu chỉ sống động về thế giới mai sau, mà ngày nay đã hiện diện qua đức tin và đức ái, trong đó con cái sự sống lại không còn dựng vợ gả chồng nữa15.
Vì những lý do đặt nền tảng trên mầu nhiệm Chúa Kitô và sứ mệnh của Người, nên nếp sống độc thân trước tiên được khuyến khích cho các linh mục, rồi sau đã trở nên luật buộc trong Giáo Hội latinh cho tất cả những ai muốn chịu chức thánh. Thánh Công Đồng chuẩn nhận và xác định luật này một lần nữa đối với những ai muốn chịu chức linh mục, với niềm tin tưởng rằng sống độc thân vốn là một ơn ban của Chúa Thánh Thần, ơn rất thích hợp với chức linh mục của Tân Ước, sẽ được Chúa Cha rộng tay ban phát, miễn là những người tham dự vào chức Tư Tế của Đức Kitô qua bí tích Truyền Chức và nhất là toàn thể Giáo Hội luôn khiêm tốn và khẩn khoản nài xin. Thánh Công Đồng cũng khuyên tất cả các linh mục, những người vì tin tưởng vào ơn Chúa đã chấp nhận với ý muốn tự do nếp sống độc thân thánh thiện theo gương Chúa Kitô, hãy gắn bó với nếp sống đó bằng một tâm hồn quảng đại và với tất cả con tim của mình, và khi trung thành trong bậc sống này, hãy nhận ra đó là hồng ân trọng đại mà Chúa Cha đã trao ban và Chúa Con đã công khai tán dương, cũng như hãy chiêm ngắm16 những mầu nhiệm cao cả được biểu lộ và thực hiện qua hồng ân này. Tuy nhiên, nếu nhiều người trong thế giới ngày nay nghĩ rằng sự chế dục hoàn toàn không thể có được, thì các linh mục càng phải hợp với Giáo Hội mà khiêm nhượng và kiên trì hơn nữa để cầu xin ơn trung thành, vì Chúa không bao giờ từ chối những người kêu xin, đồng thời các ngài phải biết sử dụng mọi phương thế cả siêu nhiên lẫn tự nhiên mà mọi người sẵn có. Đặc biệt, các ngài hãy tuân giữ những luật lệ khổ hạnh đã được kinh nghiệm của Giáo Hội xác nhận và vẫn còn cần thiết trong thế giới ngày nay. Vì vậy Thánh Công Đồng kêu gọi không chỉ các linh mục nhưng cả các tín hữu, hãy quý trọng ơn độc thân cao quý này của đời linh mục và hãy cầu xin Thiên Chúa luôn rộng tay ban phát dồi dào ân huệ này cho Giáo Hội của Ngài.
17. Nhờ đời sống thân hữu và huynh đệ giữa các linh mục với nhau và với những người khác, các ngài có thể biết cách thẩm định và vun trồng những giá trị nhân bản và quý mến các tạo vật tốt lành như những ơn phúc của Thiên Chúa. Tuy sống giữa thế gian nhưng các ngài phải luôn biết rằng mình không thuộc về thế gian, như lời Chúa là Thầy chúng ta đã phán dạy17. Vì thế, khi sử dụng trần gian như không sử dụng18, các ngài đạt đến sự tự do có thể giải thoát các ngài khỏi những mối bận tâm không chính đáng và làm cho các ngài ngoan ngoãn nghe theo tiếng Chúa trong đời sống hàng ngày. Từ sự tự do và ngoan ngoãn đó sẽ nảy sinh khả năng phân định thiêng liêng, nhờ đó các ngài tìm ra thái độ đúng đắn đối với thế gian và của cải trần thế. Thật vậy, thái độ đó rất quan trọng đối với các linh mục, vì sứ mệnh Giáo Hội phải được thực thi giữa trần gian và vì những của cải được tạo dựng rất cần thiết cho sự tiến bộ của bản thân con người. Vì thế các ngài phải cảm tạ Cha trên trời vì tất cả những gì Ngài đã rộng ban để các ngài có được cuộc sống tốt đẹp. Tuy nhiên, các ngài phải nghiệm xét dưới ánh sáng đức tin tất cả những gì các ngài gặp thấy, để biết sử dụng cách thích đáng những của cải theo ý muốn của Thiên Chúa, đồng thời biết gạt bỏ những gì gây trở ngại cho sứ mệnh của mình.
Thật vậy, vì có Chúa là “sản phần và là gia nghiệp” của mình (Ds 18,20), nên các linh mục chỉ sử dụng những của cải trần gian vào những mục đích mà giáo huấn của Chúa Kitô và quy luật của Giáo Hội ấn định.
Về những tài sản thuộc về Giáo Hội, các linh mục phải biết quản trị chúng đúng như bản chất của chúng và theo tiêu chuẩn của giáo luật, với sự giúp đỡ của những giáo dân thông thạo khi có thể, và các ngài phải luôn sử dụng chúng vào những mục đích mà Giáo Hội theo đuổi khi sở hữu những của cải trần gian, nghĩa là hướng vào việc thờ phượng Chúa, cung cấp một mức sống xứng đáng cho hàng giáo sĩ, cũng như thực hiện những công tác tông đồ hay những việc bác ái, nhất là đối với những người nghèo túng19. Còn những của cải có được khi thi hành một số nhiệm vụ nào đó của Giáo Hội, trừ khi có luật ấn định cách khác20, các linh mục cũng như các Giám mục trước hết hãy dùng vào việc cấp dưỡng chính đáng cho mình và cho việc thực thi bổn phận, phần còn lại, hãy dùng vào những việc đem lại ích lợi cho Giáo Hội hoặc cho những công cuộc bác ái. Bởi thế, các ngài không được coi chức vụ trong Giáo Hội như một mối lợi, cũng không được dùng những lợi tức để làm giàu cho gia đình mình21. Bởi vậy các linh mục không bao giờ được để tâm hồn dính bén của cải22 nhưng phải luôn luôn tránh mọi tham lam và xa lánh mọi hình thức thương mại.
Hơn nữa, các ngài được mời gọi tình nguyện sống nghèo khó để nên giống Đức Kitô cách rõ ràng hơn và sẵn sàng dấn thân hơn trong tác vụ thánh. Thật vậy, dù giàu có, Đức Kitô đã trở nên nghèo khó vì chúng ta để nhờ sự nghèo khó của Người mà chúng ta trở nên giàu có23. Cũng thế, chính các Tông Đồ đã cho thấy mẫu gương của những người đã lãnh nhận ơn cách nhưng không nên cũng ban phát cách nhưng không24, đã từng biết sống thế nào khi sung túc cũng như khi phải túng thiếu25. Việc sử dụng chung các của cải, theo gương đóng góp tài sản làm của chung đã được tán dương trong lịch sử Giáo Hội sơ khai26, có thể mở một con đường dẫn tới bác ái mục vụ một cách tuyệt hảo và nhờ cách sống này các linh mục có thể thực hiện tốt đẹp tinh thần nghèo khó đã được Đức Kitô khuyến khích.

Vì thế, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, Đấng đã xức dầu cho Chúa Cứu Thế và sai đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó27, các linh mục cũng như Giám mục phải tránh tất cả những gì bằng cách này hay cách khác có thể làm các ngài xa rời người nghèo, các ngài phải cố gắng nhiều hơn những môn đệ khác của Đức Kitô để loại bỏ mọi kiểu cách xa hoa trong các vật dụng của mình. Các ngài hãy xếp đặt chỗ ở thế nào để đừng trở thành một nơi quá xa cách, và để bất cứ ai, dù nghèo hèn đến đâu, cũng không cảm thấy ái ngại khi đến gặp các ngài.



Còn tiếp
VỀ MỤC LỤC

 NGÔN HÀNH NHƯ NHẤT


Suy Niệm Chúa Nhật XXXI Thường Niên-A

Mt. 23, 1-12

Kính … Thời Đức Giêsu, những người Pharisêu tự cho mình là đạo đức, là bậc thầy dạy dỗ dân chúng về cách sống đạo. Nhưng Đức Giêsu nhìn thấy trong lối sống đạo của họ có những biểu hiện lệch lạc làm hoen ố đạo thật. Nhân đó Người đưa ra mấy chỉ dẫn thiết thực cho đời sống đạo.

Đừng nói, hãy làm. Giữa lời nói và việc làm thường có một khoảng cách rất lớn như giữa lý thuyết với thực hành, giữa ước mơ với hiện thực, giữa lý tưởng với thực tại. Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Nên người ta dễ rơi vào thói nói nhiều làm ít, hoặc chỉ nói suông mà không làm, hoặc còn tệ hơn thế khi việc làm mâu thuẫn với lời nói. Như trường hợp những người Pharisêu : Họ sống vẻ bề ngoài: “Họ làm tất cả các công việc đều có ý cho người ta thấy” (Mt 23,5). Và hơn nữa, ngôn hành của họ thật bất nhất “vì họ nói mà không làm” (Mt 23,3), họ trở nên nô lệ cho sự lừa dối của chính mình bằng cách chỉ tìm kiếm lời khen và sự ngưỡng mộ của người khác. Thành thử ra, những lời họ dạy về đạo trở thành phản chứng, làm cho người nghe khó chấp nhận. Khi phê phán thái độ của người Pharisêu, Đức Giêsu muốn dạy ta đừng nói nhiều, nhưng hãy làm, lời nói phải đi đôi với việc làm. Ngôn hành phải như nhất, đừng có dạy người ta sống một đàng, mình sống một nẻo.

Đấy là thái độ của người Pharisiêu. Cũng tựa như chúng ta đang sống trong Giáo Hội luôn thưa với Chúa rằng : Lạy Chúa, con tin, con thờ lạy và yêu mến Chúa, nhưng trong thực tế lại không thực hành Lời Chúa dạy. Lời nói phải đi đôi với việc làm. Nhiều người cho rằng : Cứ đọc nhiều kinh, xem nhiều sách Đạo, hay nói về Chúa, về Đạo một cách thông thạo, như thế là người đạo đức. Không phải thế, Đức Giêsu nói : “Không phải mọi kẻ nói với Thầy : Lạy Chúa, lạy Chúa là sẽ được vào Nước Trời, nhưng là kẻ làm theo ý Cha Thầy” (Mt 7,21). Người đạo đức thật không phải là người đọc nhiều kinh, nhưng là người sống theo những kinh mình đọc.

Nếu đem những kinh chúng ta đọc hàng ngày đối chiếu với cách ta sống, thật xa vời. Cụ thể như Kinh Kính Mến ta đọc : “Lạy Chúa, con kính mến Chúa hết lòng hết sưc, trên hết mọi sự…” Kính mến Chúa trên hết mọi sự là coi Chúa hơn của cải, hơn người thân, hơn chính mình, thà chết chẳng thà phạm tội mất lòng Chúa. Thế mà, trong đời sống, chỉ vì một chút lợi lộc khiến ta liều mình làm điều mất lòng Chúa. Như thế có phải là người kính mến Chúa trên hết mọi sự không? Ta đọc tiếp : “Vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vây”. Yêu người như mình, nghĩa là ta muốn mình sao thì muốn cho người khác làm vậy. Ta muốn người khác giúp đỡ ta mà ta không bao giờ giúp ai, ta không muốn ai nói xấu ta, mà ta cứ nói xấu người khác. Như vậy, mà nói là thương yêu người ta như mình ta vậy, đó là nói dối.

Còn Kinh Lạy Cha : “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Mỗi lần đọc câu ấy, ta như nói với Chúa rằng : Lạy Chúa, con tha thứ cho anh chị em con rồi, xin Chúa cũng tha thứ cho con. Ngoài miệng nói thế, nhưng trong lòng vẫn còn chấp lỗi nhưng kẻ làm mất lòng ta. Như vậy, lời kinh ta đọc không đi đôi với đời sống và việc làm ta làm.

Người ta thường nói con đường xa nhất là từ con đường từ miệng tới tay. Từ tư tưởng đến lời nói và tới việc làm là cả một con đường dài xa tắp. Một người dù có nói hay mấy chăng nữa mà không đem ra thực hành thì cũng như một bông hoa không bao giờ kết trái. Chúng ta vẫn nói : “Ăn vóc học hay”, ăn để mà học, học để biết, biết để mà làm. Nhưng thực thế trong xã hội, chúng ta thấy có những người biết mà không làm, hoặc nói thì rất hay nhưng lại không chịu làm.

Bài Tin Mừng nhắc nhở ta nhìn lại lời nói và việc làm của chúng ta có đi đôi với nhau không? Chúng ta phê bình, yêu cầu người khác phải sửa sai, nhưng chính mình lại không tự sửa sai. Trong phạm vi gia đình, thật không gì tai hại cho bằng nói mà không làm. Chúng ta bảo con cái phải biết nhường nhịn, tha thứ cho nhau, nhưng mình lại cứ ăn thua đủ, không ai nhường ai. Chúng ta dạy con cái sống thành thật, nhưng mình lại quanh co, gian dối với người khác. Nếu sống như vậy, chúng ta hãy coi chừng, Chúa sẽ cảnh cáo chúng ta, người khác sẽ vào thiên đàng, còn chúng ta thì sao?

Người môn đệ Chúa Giêsu không như thế, trái lại: "Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi" (Mt 23,11). Và chúng ta chỉ có một Cha, còn tất cả đều là anh em với nhau. Tin Mừng nói rõ cho chúng ta biết rằng chúng ta không thể tách rời chiều dọc (Cha) chiều ngang (chúng ta) hoặc, như Chúa nhật tuần trước, "ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi (... ). Và yêu tha nhân như chính mình ngươi"(Mt 22,37,39).

Vậy, chúng ta hãy để cho tình yêu Thiên Chúa tái tạo và thành luyện con tim chúng ta, làm cho chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, để chúng ta không còn sống cho mình, sống lý thuyết suông nữa mà sống cho tình yêu: mến Chúa yêu người, sống ngôn hành như nhất. Một đới sống như thế chắc chắn sẽ mang lại hoa trái tốt lành như lòng Chúa mong ước.

Xin Mẹ Maria dạy chúng ta biết sống và thực hành Lời Chúa như Mẹ. Amen.

 

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ



VỀ MỤC LỤC


CHÚA TÔI, TÔI BIẾT NƠI NÀY RỒI. ĐÂY LÀ NHÀ CON (LỄ CÁC LINH HỒN)




 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

                              

Tại sao người công giáo lại mừng lễ các linh hồn vào tháng 11 hàng năm? Lễ các linh hồn và tháng 11 là suối nguồn an ủi cho mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta đau khổ vì mất người thân, hoặc nếu chúng ta phải đương đầu với những vấn đề khó có thể giải quyết được như biệt ly không nói nên lời hay bất an mà không tài nào có thể thoát được …., chúng ta hãy xin những tín hữu đã ra đi trước chúng ta cầu bầu cho chúng ta được bằng an. Nhờ sự hiệp thông với các thánh, chúng ta cảm thấy gần gũi với những người đã chết, giúp ta thêm hy vọng trong những lúc buồn phiền thất vọng.

Xin được chia xẻ với quí độc giả hai đoạn văn đã gây nhiều ấn tượng nơi tôi sau khi đọc tập sách nhỏ Encounter with Silence, mà tác giả là một nhà thần học, cha Karl Rahner, sj đã viết về những người đã chết:

Vì vậy tim chúng ta bây giờ vẫn ở với họ, những người thân yêu của chúng ta đã lìa bỏ chúng ta. Không gì có thể thay thế họ được; không ai khác có thể lấp đầy khoảng trống của một người mà chúng ta yêu thương thực sự lại bất ngờ ra đi không còn ở với chúng ta nữa. Khi yêu nhau thực sự, thì không ai có thể thay thế được, bởi vì khi yêu thì tình yêu đó là độc nhất và duy nhất, không có ai hay cái gì khác có thể thay thế được. Vì vậy, khi tử thần tạt qua cuộc đời chúng ta, mỗi một người ra đi đều lấy mất một mảnh trái tim của chúng ta đem theo với họ -và thường là đủ- tất cả trái tim của chúng ta.”

Ngài mất vào mùa Thu năm 1996, Hồng y Bernadin của TGP Chicago đã viết tâm sự trong “Tặng phẩm Bình An / The gift of Peace”, nói về sống và chết rất tượng hình   (tr.152-153):

Nhiều người yêu cầu tôi viết về thiên đàng và cuộc sống sau khi chết. Đôi khi tôi chỉ mỉm cười, bởi vì tôi đâu có biết gì hơn họ. Tuy nhiên khi một bạn trẻ hỏi tôi xem tôi có nghĩ đến chuyện kết hợp với Thiên Chúa và những người đã ra đi trước tôi không, thì tôi liên đới với vài điều mà tôi đã nói trước đây trong cuốn sách này. Lần đầu tiên tôi du lịch với mẹ và chị tôi về quê hương đất tổ của cha mẹ tôi là Tonadico di Primiero, ở Bắc Ý, tôi cảm thấy như là tôi đã ở đó trước rồi. Sau nhiều năm ngắm nhìn tất cả những hình trong tập album của mẹ tôi, tôi đã biết từng ngọn núi, từng mảnh đất miếng vườn, từng mái nhà, vả cả người ta nữa. Khi thoạt đặt chân vào thung lũng, tôi kêu lên “Chúa ôi, tôi biết chỗ này rồi, Đây là nhà tôi”. Tôi nghĩ bước từ cuộc đời này qua cuộc đời vĩnh cửu thì cũng giống như vậy thôi. Nó sẽ là nhà tôi.”

Tôi đề nghị mỗi người chúng ta làm những điều sau đây trong suốt tháng 11 này:

 *Ráng dành đôi ba phút để nghĩ về những người thân cận với chúng ta đã chết và hiện đang ở với Chúa.

 *Đọc thật chậm rãi đoạn kinh thánh- Sách Khôn Ngoan 3:1-3: “Nhưng linh hồn những người công chính ở trong tay Thiên Chúa, và khổ hình không hề đụng tới họ. Dưới mắt những kẻ ngu xuẩn thì họ là những kẻ đã chết, và sự ra đi của họ kể như là đại họa; và việc họ xa lìa ta như án tận tuyệt, nhưng họ vẫn ở trong an bình.”

 *Hãy nhớ đến một người thân cận với bạn đã chết. Mang hình ảnh của người này vào trong tâm trí bạn. Khi bạn nghĩ đến cuộc sống của người này, hãy tưởng tượng chúa Giesu đang dẫn người này vào thiên đàng khi vừa lìa đời. Cuối cúng hãy tưởng tượng người mình yêu này đang chờ đón bạn. Hãy nhớ rằng khi mà giờ đã đến, thì Thiên Chúa và những người bạn yêu quí đã ra đi trước bạn sẽ dẫn bạn vào vương quốc nước trời.

 *Kết thúc lời tưởng niệm này bằng lời cầu sau đây:

Lạy Chúa, Chúa là sự sống và là sự sống lại. Chúa đã hứa là bất cứ ai tin vào Chúa thì sẽ không bao giờ phải chết. Lạy Chúa, qua quyền năng phục sinh của Chúa, hãy giúp con tin tưởng vào sự sống lại cua chính con. Amen.



Ước mong chúng ta làm cuộc hành trinh dương thế này với tâm trí tràn đầy tư tưởng về thiên đàng, để cuối cùng khi chúng ta vượt qua bước tới cuộc sống vĩnh cửu, những hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy không phải là những gì xa lạ, ghê gớm.  Chúng ta cũng cầu xin để lúc đó chúng ta có thể nói:“Lạy Chúa tôi, con biết chỗ này rồi. Đây là nhà con.” 

VỀ MỤC LỤC



tải về 1.11 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương