Bán nguyệt san – Số 253 – Chúa nhật 19. 07. 2015


SẮC LỆNH VỀ HOẠT ĐÔNG TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI AD GENTES



tải về 1.46 Mb.
trang2/6
Chuyển đổi dữ liệu08.05.2018
Kích1.46 Mb.
#37736
1   2   3   4   5   6

SẮC LỆNH
VỀ HOẠT ĐÔNG TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI
AD GENTES

Ngày 18 tháng 11 năm 1965

1. Được Thiên Chúa sai đến với muôn dân để nên “bí tích cứu độ phổ quát”1, đồng thời vì những đòi hỏi căn bản của đặc tính công giáo và vì mệnh lệnh của Đấng Sáng Lập (x. Mc 16,16), Giáo Hội dành mọi nỗ lực để loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người. Thật vậy, chính các Tông Đồ, nền móng của Giáo Hội, đã theo chân Chúa Kitô, “rao giảng lời chân lý và khai sinh các giáo đoàn”2. Những người kế vị các Tông Đồ có nhiệm vụ tiếp tục công việc này, để “lời Chúa được lan rộng và toả sáng” (2 Ts 3,1), để Nước Chúa được công bố và thiết lập khắp trần gian.
Nhưng tình trạng thế giới hiện nay đặt nhân loại trong một hoàn cảnh mới, vì thế Giáo Hội, là muối đất và ánh sáng trần gian (x. Mt 5,13-14), càng được kêu mời khẩn thiết hơn để cứu rỗi và canh tân mọi loài thụ tạo, để mọi sự được tái lập trong Chúa Kitô, và nơi Ngài mọi người họp thành một gia đình và một đoàn dân duy nhất của Thiên Chúa.
Bởi vậy, trong tâm tình cảm tạ Thiên Chúa vì những kỳ công mà toàn thể Giáo Hội đã nhiệt thành quảng đại thực hiện, Thánh Công Đồng muốn vạch ra những nguyên tắc hoạt động truyền giáo và tập trung năng lực của toàn thể các tín hữu, để khi dấn thân bước trên lối đường hẹp của thập giá, Dân Chúa mở rộng vương quyền Chúa Kitô, là Chúa và là Đấng nhìn thấu muôn thời đại (x. Hc 36,19) đồng thời dọn đường cho Người ngự đến.

CHƯƠNG I
GIÁO THUYẾT CĂN BẢN


2. Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành là người được sai đi, vì chính Giáo Hội được khởi sinh từ việc Chúa Con và Chúa Thánh Thần được sai đến theo ý định của Thiên Chúa Cha3.

Ý định này tuôn trào từ “mạch suối yêu thương” nghĩa là tình yêu của Thiên Chúa Cha, Đấng chính là Cội nguồn nguyên thủy, bởi Ngài Chúa Con được sinh ra, và cũng bởi Ngài và nhờ Chúa Con mà phát xuất Chúa Thánh Thần, cũng là Đấng vì lòng nhân từ thương xót vô biên nên khi tạo dựng và hơn nữa khi ưu ái mời gọi chúng ta tham dự vào sự sống và vinh quang của Ngài, đã rộng rãi tuôn đổ và còn không ngừng tuôn đổ lòng nhân từ xuống cho chúng ta, đến độ Đấng tác tạo muôn loài lại trở nên “mọi sự trong mọi người” (1 Cr 15,28), để Ngài được vinh hiển và đồng thời chúng ta được hạnh phúc. Tuy nhiên, Thiên Chúa muốn mời gọi mọi người tham dự vào sự sống của Ngài, không chỉ từng cá nhân không liên quan gì đến nhau, nhưng còn liên kết họ thành một đoàn dân duy nhất, trong đó con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi được qui tụ về một mối (x. Ga 11,52).


3. Ý định của Thiên Chúa muốn cứu rỗi toàn thể nhân loại không chỉ được thực hiện cách thầm kín trong tâm trí con người, hoặc bằng các tôn giáo như là phương thế để giúp con người tìm kiếm Thiên Chúa qua nhiều nẻo đường, may ra sẽ đến gần hoặc gặp được Ngài, mặc dù Ngài không ở xa mỗi người chúng ta (x. Cv 17,27); tuy nhiên những phương cách đó cần phải được soi dẫn và tu chỉnh, dù đôi khi, trong ý định nhân lành của Chúa Quan Phòng, cũng có thể được coi như những lối đường hướng về Thiên Chúa chân thật hoặc chuẩn bị cho Tin Mừng4. Nhưng để đem lại bình an trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, và để xây dựng một xã hội huynh đệ giữa những con người tội lỗi, Thiên Chúa đã quyết định đi vào lịch sử loài người theo một cách thức mới và mang tính tối hậu bằng cách sai Con của Ngài mặc lấy xác phàm, để nhờ Người, Ngài giải thoát nhân loại khỏi quyền lực tối tăm và Satan (x. Cl 1,13; Cv 10,38), đồng thời trong Người, Ngài hòa giải trần gian với chính mình (x. 2 Cr 5,19). Thật vậy, Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ nhờ Chúa Con5, Ngài cũng đặt Người thừa hưởng muôn loài, để phục hồi vạn vật trong Người (x. Ep 1,10).
Chúa Giêsu Kitô được sai đến thế giới làm trung gian đích thực giữa Thiên Chúa và nhân loại. Vì Người là Thiên Chúa, nên “nơi Người, cả thần tính trọn vẹn đã hoà nhập trong xác thể” (Cl 2,9); theo nhân tính, Người là Ađam mới, đầy ân sủng và chân lý (Ga 1,14), được đặt làm đầu nhân loại đã được đổi mới. Như thế, bằng con đường nhập thể đích thực, Con Thiên Chúa đã đến để làm cho loài người được thông phần vào bản tính Thiên Chúa, vốn giàu sang, Người đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, để lấy sự nghèo khó của Người làm cho chúng ta trở nên giàu có (2 Cr 8,9). Con Người không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người, nghĩa là mọi người (x. Mc 10,45). Các Thánh Giáo Phụ luôn quả quyết rằng sự gì không được Chúa Kitô nhận lấy thì không được cứu thoát6. Quả thật, Chúa Kitô đã nhận lấy trọn vẹn nhân tính của chúng ta là những kẻ khốn khổ và nghèo hèn, ngoại trừ tội lỗi (x. Dt 4,15;9,28). Chúa Kitô, “Đấng được Chúa Cha thánh hóa và sai xuống trần gian” (x. Ga 19,36) đã nói về chính mình rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khó, chữa lành những tâm hồn đau khổ, loan báo sự giải thoát cho những người bị giam cầm và làm cho những kẻ đui mù được nhìn thấy” (Lc 4,18), và Người còn nói: “Con Người đến tìm kiếm và cứu vớt điều gì đã hư mất” (Lc 19,10).
Những gì Chúa đã một lần rao giảng hay đã thực hiện để cứu rỗi nhân loại, phải được công bố và loan truyền, bắt đầu từ Giêrusalem (Lc 24,47) cho đến tận cùng trái đất (Cv 1,8), như thế những gì đã được thực hiện chỉ một lần để cứu rỗi mọi người, sẽ có hiệu lực cho toàn thể nhân loại qua mọi thời đại.
4. Để hoàn tất việc đó, Chúa Kitô đã cử Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha đến để thực hiện công trình cứu độ trong các tâm hồn và làm cho Giáo Hội tăng triển thêm mãi. Chắc chắn là Chúa Thánh Thần đã hành động nơi trần gian trước khi Chúa Kitô được vinh hiển7, nhưng trong ngày lễ Ngũ Tuần, Ngài đã ngự xuống trên các Tông Đồ để ở lại với họ luôn mãi (x. Ga 14,16), Giáo Hội công khai xuất hiện trước dân chúng, Tin Mừng bắt đầu được phổ biến giữa muôn dân nhờ lời giảng dạy, và sau cùng sự hợp nhất các dân tộc trong đức tin công giáo được tiên báo, nhờ Giáo Hội của Tân Ước, một cộng đoàn có khả năng nói mọi thứ tiếng, thấu hiểu và tiếp nhận mọi ngôn ngữ trong tình bác ái, và như thế đã xóa bỏ tình trạng phân tán từ tháp Babel8. Thật vậy, “công vụ Tông đồ” bắt đầu từ ngày Hiện Xuống, như khi Chúa Thánh Thần đến ngự trên Trinh Nữ Maria thì Chúa Kitô được thụ thai, và như khi Chúa Thánh Thần ngự trên Chúa Kitô lúc Người cầu nguyện thì Người được thúc đẩy bắt đầu thi hành chức vụ9. Chính Chúa Giêsu trước khi tự nguyện hiến mạng sống mình cho thế gian, đã xếp đặt tác vụ tông đồ và hứa sai Chúa Thánh Thần, làm cho cả hai liên kết với nhau để công trình cứu độ luôn luôn đem lại kết quả khắp nơi10. Qua mọi thời đại, Chúa Thánh Thần hợp nhất toàn thể Giáo Hội “trong tình hiệp thông và qua thừa tác vụ, ban phát các ơn phẩm trật và đặc sủng khác nhau”11, Ngài nên như linh hồn làm sống động các tổ chức trong Giáo Hội12 và đổ vào tâm hồn các tín hữu cũng chính tinh thần truyền giáo đã tác động nơi Chúa Kitô. Đôi khi Chúa Thánh Thần chuẩn bị cách tỏ tường cho hoạt động truyền giáo13, cũng như không ngừng dùng những phương thế khác nhau để hỗ trợ và hướng dẫn hoạt động ấy14.
5. Ngay từ đầu, Chúa Giêsu “đã gọi đến với Người những kẻ Người muốn và lập thành nhóm mười hai để họ ở với Người và để Người sai họ đi rao giảng” (Mc 3,13). Như thế, các Tông Đồ là mầm mống của Israel mới, đồng thời cũng là nguồn gốc của hàng Giáo phẩm. Sau đó, khi Chúa Giêsu đã một lần hoàn tất nơi Người những mầu nhiệm cứu rỗi chúng ta và canh tân vũ trụ bằng cái chết và sự sống lại, khi đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất (x. Mt 28,18) và trước khi về trời (x. Cv 1,11), Người đã thiết lập Giáo Hội nên như bí tích cứu độ, và sai các Tông Đồ đi khắp thế gian như chính Người đã được Chúa Cha sai đi (x. Ga 20,21): “Vậy các con hãy đi dạy dỗ muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ tất cả những điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28,19-20). “Các con hãy đi khắp thế gian, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa sẽ được cứu rỗi, còn ai không tin sẽ bị luận phạt” (Mc 16,15). Do đó, Giáo Hội có nhiệm vụ truyền bá đức tin và ơn cứu rỗi nhờ Chúa Kitô, một đàng do sự uỷ thác rõ ràng của các Tông Đồ cho hàng Giám mục với sự tham dự của các linh mục, hợp nhất với Đấng kế vị thánh Phêrô cũng là Mục Tử Tối Cao của Giáo Hội, đàng khác do sự sống mà Chúa Kitô thông ban cho các chi thể, “nhờ Người, toàn thân thể được gắn liền và liên kết chặt chẽ với nhau nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng, mỗi chi thể hoạt động tuỳ theo chức năng của mình, làm cho toàn thân triển nở và được xây dựng trong đức ái” (Ep 4,16). Vì thế, khi vâng lệnh Chúa Kitô đồng thời được ân sủng và tình yêu của Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Giáo Hội thực thi sứ mệnh bằng cách hoạt động để hoàn toàn trở nên thực sự hiện diện cho tất cả mọi người và mọi dân tộc, để nhờ gương mẫu đời sống, lời giảng dạy, các bí tích và những phương thế trao ban ân sủng khác, Giáo Hội dẫn đưa họ đến với đức tin, đến với ơn giải thoát và sự bình an của Chúa Kitô, nhờ đó mở ra con đường rộng thoáng và vững chắc giúp họ tham dự trọn vẹn mầu nhiệm Chúa Kitô.
Vì sứ mệnh này tiếp nối và triển khai qua dòng lịch sử sứ mệnh của chính Chúa Kitô, Đấng đã được sai đến rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, nên Giáo Hội được Thánh Thần Chúa Kitô thúc đẩy, cũng phải tiến bước trên chính con đường mà Chúa Kitô đã đi, là nghèo khó, vâng lời, phục vụ và tự hiến thân cho đến nỗi sẵn lòng chịu chết, để rồi toàn thắng nhờ sự sống lại của Người. Chính các Tông Đồ cũng đã bước đi trên con đường đó trong niềm hy vọng, đã chịu nhiều bách hại và đau khổ để làm trọn những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn mà Chúa Kitô đã chịu vì thân thể Người là Giáo Hội (x. Cl 1,24). Và máu tử đạo thường lại là hạt giống trổ sinh các Kitô hữu15.
6. Đây chính là phận vụ mà hàng Giám mục, cùng với người đứng đầu là Đấng kế vị thánh Phêrô, phải chu toàn nhờ vào lời cầu nguyện và sự cộng tác của toàn thể Giáo Hội, tại bất cứ nơi đâu và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù có thể điều kiện không cho phép thi hành theo cùng một cách thức như nhau. Như thế, những khác biệt vẫn thấy trong hoạt động của Giáo Hội không phát sinh từ bản chất của sứ mệnh, nhưng từ những hoàn cảnh gặp phải khi thực thi công cuộc truyền giáo.
Những hoàn cảnh đó phát sinh hoặc do Giáo Hội, hoặc do các dân tộc, các cộng đồng, hay những người là đối tượng của hoạt động truyền giáo. Thật vậy, mặc dù nơi chính Giáo Hội đã có tất cả và đầy đủ mọi phương thế mang ơn cứu rỗi, tuy nhiên không phải lúc nào Giáo Hội cũng hành động hay có thể hành động tức khắc theo những phương thế đó, nhưng phải qua những bước đầu dò dẫm, rồi tùy theo các giai đoạn mà hành động, để cố gắng thực hiện hữu hiệu ý định của Thiên Chúa; hơn nữa, đôi lúc sau khi có những tiến bộ tốt đẹp ban đầu, Giáo Hội lại phải đau đớn lùi bước, hay ít ra dừng lại trong một tình trạng chưa được như mong muốn. Giáo Hội tiếp xúc và thấm nhập dần dần những gì liên quan đến con người, các cộng đồng hay dân tộc, để tiếp nhận họ trong ơn phúc viên mãn dành cho mọi người. Những hành động riêng tư hay những phương thức thích nghi phải tương xứng với từng hoàn cảnh hay từng đối tượng.
Được gọi chung là “việc truyền giáo” tất cả những hoạt động đặc biệt qua đó Giáo Hội sai những người loan báo Tin Mừng đi khắp thế gian để thực hiện phận vụ rao giảng Phúc Âm, và gầy dựng Giáo Hội nơi các dân tộc, hoặc nơi những cộng đồng chưa tin vào Chúa Kitô; việc truyền giáo được thực thi nhờ hoạt động của các vị thừa sai, và phần lớn được thực hiện trong những địa hạt nhất định đã được Tòa Thánh công nhận. Mục đích riêng của việc truyền giáo là rao giảng Tin Mừng và gầy dựng Giáo Hội nơi các dân tộc hay những cộng đồng chưa có sự hiện diện của Giáo Hội16. Mục đích là làm cho các Giáo đoàn, hình thành từ hạt giống Lời Chúa, được tăng trưởng khắp nơi trên thế giới, có được khả năng tự túc và trưởng thành, các Giáo Hội địa phương ấy, với hàng Giáo phẩm riêng cùng với cộng đoàn tín hữu và những phương tiện thích hợp để sống cuộc đời Kitô hữu, sẽ góp phần vào lợi ích của toàn thể Giáo Hội. Phương tiện chủ yếu để gầy dựng các Giáo đoàn này là việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, chính vì vậy mà Chúa đã sai các môn đệ đi khắp thế gian loan báo Tin Mừng, để những người đã được tái sinh do lời Thiên Chúa (x. 1 Pr 1,23), sẽ nhờ bí tích Thánh Tẩy mà gia nhập Giáo Hội, chính là thân mình của Ngôi Lời nhập thể, được nuôi dưỡng và sống nhờ lời Chúa và bánh Thánh thể (x. Cv 2,42).
Trong hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, có nhiều giai đoạn đôi khi hòa lẫn vào nhau: trước hết là giai đoạn khởi lập hay gieo trồng, sau đó là thời kỳ sơ khai hay non trẻ. Tuy nhiên, khi trải qua các giai đoạn đó rồi, hoạt động truyền giáo của Giáo Hội vẫn không ngưng nghỉ, trái lại, các Giáo đoàn địa phương vừa được thiết lập có nhiệm vụ tiếp tục hoạt động truyền giáo và rao giảng Tin Mừng cho những người đang còn ở bên ngoài Giáo Hội.
Ngoài ra, nơi những cộng đồng mà Giáo Hội đang hiện diện, cũng thường xảy ra những chuyển biến sâu xa vì nhiều lý do khác nhau, đưa đến những hoàn cảnh xã hội cũng hoàn toàn đổi khác. Khi ấy Giáo Hội sẽ nghiệm xét về nhu cầu tái truyền giáo cho những nơi đó. Hơn nữa, đôi khi có những hoàn cảnh gây trở ngại trong một thời gian việc thực thi sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cách trực tiếp và tức thời: lúc đó, các nhà truyền giáo có thể và phải luôn tin tưởng phó thác để kiên trì, khôn ngoan làm chứng cho Chúa Kitô, ít nữa là bằng các việc bác ái và từ thiện, đó cũng là một cách dọn đường cho Chúa và giới thiệu về Người.
Như thế, rõ ràng là hoạt động truyền giáo gắn liền mật thiết với bản chất của Giáo Hội, hoạt động đó truyền bá đức tin mang ơn cứu rỗi, mở rộng để đưa đến thành toàn sự hợp nhất mang tính công giáo, được nâng đỡ bởi tính cách tông truyền, thể hiện ý nghĩa cộng đoàn của hàng Giáo phẩm, làm chứng, truyền đạt và làm tăng triển sự thánh thiện của Giáo Hội. Như thế, hoạt động truyền giáo giữa muôn dân khác với hoạt động mục vụ dành cho các tín hữu và cũng khác với công cuộc tái lập sự hợp nhất các Kitô hữu. Tuy nhiên, cả hai việc này lại liên quan rất nhiều đến nhiệt tâm truyền giáo của Giáo Hội17: thật vậy, sự phân rẽ giữa các Kitô hữu gây tổn hại cho sứ mệnh rất cao cả là rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo18, và còn khép kín con đường đưa tới đức tin đối với nhiều người. Do đó, vì sứ mệnh truyền giáo đòi hỏi, tất cả những ai đã chịu phép Rửa Tội đều được kêu gọi quy tụ vào một đoàn chiên duy nhất, và như thế họ có thể cùng nhau làm chứng về Chúa Kitô, Chúa của họ, trước mặt muôn dân. Nếu chưa có thể làm chứng đầy đủ về một đức tin duy nhất, ít ra họ phải thể hiện sự quí trọng và tình yêu thương nhau.
7. Lý do của hoạt động truyền giáo gắn liền với ý định của Thiên Chúa, Đấng “muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý. Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, một trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, đó là một con người, Chúa Kitô Giêsu, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người” (1 Tm 2,4-6), “và không có ơn cứu độ nơi một người nào khác” (Cv 4,12). Vì thế, khi đã nhận biết Chúa Kitô nhờ lời Giáo Hội giảng dạy, mọi người phải thống hối và chịu phép Rửa Tội để được thuộc về Người và Giáo Hội là Thân Thể Người. Thật vậy, “khi minh nhiên công bố sự cần thiết của đức tin và của phép Thánh Tẩy (x. Mc 16,16; Ga 3,5), Chúa Kitô đã cùng lúc xác nhận sự cần thiết của Giáo Hội mà mọi người phải bước vào qua khung cửa bí tích Thánh Tẩy. Vì thế, những ai đã biết Giáo Hội Công Giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu Kitô như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn gia nhập hoặc trung thành sống trong Giáo Hội thì không thể được cứu rỗi”19. Như vậy, tuy dù Thiên Chúa có thể dùng những đường lối chỉ riêng Ngài biết để đưa những kẻ không vì lỗi mình mà chưa nhận được Tin Mừng đến với đức tin, vốn rất cần thiết để làm đẹp lòng Ngài (x. Dt 11,6), nhưng Giáo Hội có bổn phận, đồng thời cũng được Chúa trao quyền loan báo Tin Mừng, do đó, hoạt động truyền giáo hôm nay và mãi mãi vẫn luôn thật sự cấp bách và cần thiết.
Nhờ hoạt động truyền giáo, Nhiệm Thể Chúa Kitô không ngừng liên kết và phối hợp mọi năng lực giúp cho toàn thân được tăng trưởng (x. Ep 4,11-16). Để thực thi công cuộc truyền giáo, các chi thể của Giáo Hội phải được đức ái thúc đẩy, nhờ đó họ yêu mến Thiên Chúa và ước ao chia sẻ cho mọi người các ơn phúc thiêng liêng đời này cũng như đời sau.
Nhờ hoạt động truyền giáo, cuối cùng Thiên Chúa sẽ được muôn đời tôn vinh, khi con người ý thức đón nhận trọn vẹn công trình cứu chuộc đã được hoàn tất trong Chúa Kitô. Như thế, việc truyền giáo hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa, đã được Chúa Kitô thực hiện trong sự vâng phục và lòng yêu mến để tôn vinh Chúa Cha, Đấng đã sai Người đến20 để qui tụ toàn thể nhân loại thành đoàn Dân duy nhất của Thiên Chúa, kết thành thân thể duy nhất của Chúa Kitô, và xây nên đền thờ duy nhất của Chúa Thánh Thần: điều đó đã mang lại sự kết đoàn huynh đệ, đáp ứng khát vọng sâu xa của toàn thể nhân loại. Sau cùng, việc truyền giáo thực sự hoàn tất ý định của Đấng Tạo Hóa, Đấng đã dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ngài, khi toàn thể nhân loại, được tái sinh trong Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần, được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa, cùng đồng thanh cất tiếng: “lạy Cha chúng con”21.

8. Hoạt động truyền giáo cũng liên kết chặt chẽ với chính bản tính và những khát vọng của nhân loại. Thật vậy, khi bày tỏ Chúa Kitô, Giáo Hội mạc khải cho con người giúp cho con người nhận biết chân lý đích thực về thân phận và ơn gọi toàn diện của họ, vì Người chính là nguyên lý và là mẫu mực của nhân loại được đổi mới, một nhân loại thấm nhuần tình yêu thương huynh đệ, thái độ chân thành và tinh thần hòa bình mà mọi người đều khao khát. Chúa Kitô và Giáo Hội, chứng nhân của Người qua việc rao giảng Tin Mừng, siêu vượt trên mọi dị biệt về dân tộc và quốc gia, vì thế, cả hai không thể coi là xa lạ đối với bất cứ ai hay tại bất cứ nơi nào22. Việc rao giảng Tin Mừng đã tỏ cho mọi người biết Chúa Kitô là đường và là sự thật, khi nói với họ những lời của chính Người: “Hãy thống hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Vì người không tin thì đã bị luận phạt rồi (x. Ga 3,18), nên lời Chúa Kitô vừa là lời luận tội vừa là lời ân sủng, vừa đem lại sự chết vừa thông ban sự sống. Thật vậy, chỉ có cách hủy diệt cái cũ, chúng ta mới có thể tiến đến một đời sống mới: điều đó tuy trước tiên có giá trị khi nói về con người, nhưng cũng có thể áp dụng cho những điều tốt lành khác ở trần gian này, những thứ vừa mang dấu ấn của tội lỗi nhân loại vừa nhận được sự chúc lành của Thiên Chúa: “vì quả thật mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa” (Rm 3,23). Không ai có thể nhờ sức riêng mình để tự giải thoát khỏi tội lỗi và thắng vượt chính mình, cũng không ai hoàn toàn thoát khỏi sự yếu đuối, nỗi cô đơn hay tình trạng nô lệ23, trái lại, mọi người đều cần đến Chúa Kitô là mẫu gương và là Thầy dạy, là Đấng giải thoát, Đấng cứu độ và là Đấng ban sự sống. Trong lịch sử loài người, cả về phương diện trần thế, Tin Mừng thật sự là men cho tự do và tiến bộ, và luôn là men của tình huynh đệ, hợp nhất và hòa bình. Vì thế, các tín hữu có lý khi suy tôn Chúa Kitô là “Đấng muôn dân trông đợi và là Đấng cứu chuộc muôn dân”24.
9. Hoạt động truyền giáo được thực thi trong thời gian giữa hai lần Chúa đến; và khi Chúa đến lần thứ hai, Giáo Hội ví như mùa lúa được thu gặt từ bốn phương trời đưa vào Nước Chúa25. Thật vậy, trước khi Chúa đến, Tin Mừng phải được rao giảng cho mọi dân tộc (x. Mc 13,10).
Hoạt động truyền giáo không gì khác hơn, cũng không gì đơn giản hơn là sự biểu lộ hay nói cách khác là sự hiển linh ý định của Thiên Chúa và hoàn tất ý định đó nơi trần gian và trong lịch sử nhân loại, trong đó rõ ràng Thiên Chúa đang hoàn thành lịch sử cứu độ nhờ việc truyền giáo. Nhờ lời rao giảng và việc cử hành các bí tích, mà trung tâm và tột đỉnh là bí tích Thánh Thể, hoạt động truyền giáo làm cho Đấng tác thành công trình cứu rỗi là chính Chúa Kitô được hiện diện. Tất cả những gì là chân lý và ân sủng được tìm thấy nơi các dân tộc như sự hiện diện ẩn khuất của Thiên Chúa sẽ được thanh lọc khỏi những sai lạc có thể đã nhiễm vào, và được phục hồi nhờ Chúa Kitô là Đấng đã tác thành chúng, Đấng đã lật đổ quyền lực ma quỷ và chận đứng tác dụng thâm độc muôn mặt của tội lỗi. Bởi vậy, bất cứ điều gì tốt đẹp đã được gieo vãi trong tâm trí con người, hay trong những nghi lễ và văn hoá riêng của các dân tộc, sẽ không bị hủy bỏ, nhưng được chữa lành, thăng tiến và hoàn thiện để Thiên Chúa được tôn vinh, ma quỷ phải nhục nhã và con người được hạnh phúc26. Vì thế, hoạt động truyền giáo hướng về sự viên mãn cánh chung27: nhờ đó, Dân Chúa được phát triển tới tầm mức và thời hạn mà Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt (x. Cv 1,7) như lời ngôn sứ đã nói: “Hãy mở rộng nơi con cắm trại, hãy căng rộng lều bạt, đừng thu cuốn lại” (Is 54,2)28, cũng nhờ đó, Thân Thể nhiệm mầu được tăng trưởng đến tầm vóc viên mãn của Chúa Kitô (x. Ep 4,13), và Đền thờ thiêng liêng, nơi Thiên Chúa được thờ phượng trong tinh thần và chân lý (x. Ga 4,23), sẽ vươn cao và được xây dựng “trên nền móng là các Tông đồ và các ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Giêsu Kitô” (Ep 2,20).

Còn tiếp

VỀ MỤC LỤC

ANH EM HÃY LÁNH RIÊNG RA ĐẾN MỘT NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI ĐÔI CHÚT .

 
 


Sai đi rồi đương nhiên là phải trở về …

 

Sai đi với một sứ mệnh thì trở về tường trình lại công việc và thành quả …



 

Có vẻ như công việc của các Tông Đồ khá là thuận lợi và thành quả cũng tốt…Bầu khí phấn khởi rõ ràng …


 

Thế nhưng  Chúa đã nhìn thấy trước như vậy rồi nên Ngài chẳng đề cập chi đến thành quả mà chỉ nhẹ nhàng nhắc các ông :

 

Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thánh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.”( Mc 6 , 31) …



 

Lúc này mà tìm được một nơi thanh vắng như thời các Tông Đồ thì quả thực là khó …

 

Dĩ nhiên là vẫn có những nơi thanh vắng – tự nhiên thì không mấy nhưng tự tạo thì nhiều – tuy nhiên không hề là chốn nghỉ ngơi …mà ngược lại …



 

Vào sáng Thứ Năm Tuần Thánh ngày mùng 2 tháng 4 trong Mùa Chay vừa qua ,  tại Vương Cung Thánh Đường thánh Phê-rô , Đức Thánh Cha  đã đưa ra lời mời gọi tất cả các linh mục trên khắp thế giới : “ Hãy chấp nhận sự mệt mỏi của mình và học cách nghỉ ngơi trong Chúa .”

 

Ngài thú nhận là thường xuyên suy nghĩ về sự mỏi mệt này và đưa ra ba loại mệt mỏi :



 

  • thứ nhất : mệt mỏi vì đám đông …Có lẽ là trường hợp trên đây của các Tông Đồ …và bản thân Đức Giê-su cũng từng cảm nhận sự mệt mỏi này : một sự mệt mỏi lành mạnh và làm cho hạnh phúc vì thấy mình là mục tử , là cha giữa đoàn con …

  • thứ hai : mệt mỏi vì thù địch … Loại mệt mỏi này quả thực là làm điên cái đầu của chúng ta … vì những chống đối muôn hình vạn trạng mà kẻ xúi giục lại là ma quỷ - kẻ thù không đội trời chung với Thiên Chúa và con cái Người …Hơn ai hết , những mục tử của Chúa biết rõ về nỗi mỏi mệt này và – dĩ nhiên - chính Chúa Giê-su cũng đã từng biết , vẫn biết cũng như vẫn phải chấp nhận cùng với Giáo Hội và từng mục tử như lòng Ngài mong muốn : chấp nhận trong kiêu hãnh và can trường …

  • thứ ba : mệt mỏi về chính mình …Đức Thánh Cha bảo rằng : đây là sự mỏi mệt nguy hiểm … vì nó là sự mệt mỏi của một tình trạng sống nửa chừng “ vừa muốn , vừa không muốn” , đã và vẫn muốn từ bỏ tất cả nhưng lại tiếc nuối “ món ngon Ai Cập” …Nếu nó là sự mệt mỏi vì tự kiểm điểm và nhận ra mình tội lỗi như bao thân phận người khác để khiêm tốn đón nhận lòng thương xót của Chúa thì thật là tuyệt … Nhưng nếu là sự mệt mỏi trong loang quanh những chuyện không phải là của mục tử hay của những người tin Chúa … thì là thảm hoạ …

 

Món ngon Ai Cập ”  đây là những gì ? Đương nhiên là các mục tử của Chúa thì rất rành nhưng bà con không thuộc hàng tăng lữ thì chưa chắc …


 

Món ngon Ai Cập” :

 


  • có thể là sự tin tưởng thật lòng và không thật lòng của bà con … Thật lòng vì nhận ra vai trò mục tử của chủ chăn : đây là số đông…  Không thật lòng  lắm vì nhìn thấy linh mục như một thứ trang trí cho thương hiệu của mình : số này ít thôi nhưng lại có điều kiện…và phong cách tiếp cận với mục tử cũng khác người …

  • có thể là khát vọng muốn lưu dấu ở một vai trò nào đó : người cao địa vị thì là những vai trò quan trọng , kẻ kém cỏi hơn thì ở những vai vế nhẹ nhàng hơn …Chẳng hạn là người  “ đầu tiên” …trong những lãnh vực lớn như chuyện ngoại giao , chuyện bình thường hoá , chuyện này , chuyện nọ …Kém cỏi hơn thì là người “ đầu  tiên”  đặt  viên đá vùng này , vùng kia …Thành tích  và chuộng thành tích thì không chỉ là cám dỗ của riêng ai … mà – đã mặc lấy thân phận người trong cuộc trần này  và nếu quá ít nền tảng đạo hạnh – thì cám dỗ  ấy kể như vô cùng : một “ món ngon Ai Cập” thuộc hàng đặc sản …Đã có lần trong một dịp lễ , ba vị trên bàn thờ đều có bổn mạng Giuse … Vậy là người ta thích thú nói đền “triều đại của Giuse” … Rất tiếc – dù là con cháu trong giòng tộc David – thì Giuse cũng chẳng có triều đại nào hết mà chỉ là kẻ phục vụ chương trình của Thiên Chúa mà thôi …

  • có thể là những long trọng , những hoành tráng này nọ mà ai cũng thích …Thời điểm này đang diễn ra những dịp lễ tạ ơn khá là rầm rộ với con số khách mời không ai dám nghĩ đến … Có người chép miệng : làm tiền !!! Một người cha gia đình có dịp tâm sự : đồng ý là cha cũng đơn giản thôi … nhưng phải thú thực là cha quá sướng:có tiền thì tiêu mà không tiền thì nhịn , chẳng phải tính toán hơn thiệt chi hết …Còn con đâu có thế …

  • có thể là những phương tiện quá mức cần thiết và ngang ngửa với tầng lớp được gọi là “ sang” ở ngoài đời …

  • nhiều và rất nhiều những “ món ngon Ai Cập ” làm nặng lòng kẻ đi theo Chúa và gây mỏi mệt : nỗi mỏi mệt mà Đức Thánh Cha bảo là nguy hiểm !!!

 

Thế rồi Đức Thánh Cha kêu gọi : học cách nghỉ ngơi trong Chúa và Chúa thì lại bảo : hãy lánh riêng ra , đến một nơi thanh vắng , mà nghỉ ngơi đôi chút …



 

Lánh ra , tách ra khỏi đám đông và những sinh hoạt của đám đông …

 

Đến một nơi thanh vắng – lúc này giữa đám đông không có nơi nào thực sự thanh vắng – cho nên thanh vắng nhất là Nhà Tạm và Lòng Mình …



 

Có không một nền thần học vui nhàn , nghỉ ngơi ? Xin thưa là có …

 

Khuôn mặt đầu tiên là Hugo Rahner – anh của Karl Rahner…Ông cho rằng : sự vui chơi , nhàn nhã là nguyên lý để giải thích và chú giải mặc khải Ky-tô giáo …Ông đi từ Homo ludens ( con người vui chơi) đến Deus ludens (Thiên Chúa vui chơi) và Ecclesia ludens ( Giáo Hội vui chơi) …Ông cho rằng : sự sáng tạo và chương trình cứu chuộc là một “ trò chơi” của sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa …Ông lý luận : con người làm hết việc này đến việc kia là nhằm thoả mãn một nhu cầu hay một thiếu thốn … Mà đã có nhu cầu , đã thiếu thốn thì đương nhiên là bất toàn rồi …Thiên Chúa không vậy … Người là Đấng hoàn toàn … Người sáng tạo hay cứu chuộc không vì một nhu cầu hay thiếu thốn nào … mà tất cả chỉ vì yêu , vì muốn cho thụ tạo của Người có hạnh phúc … Đơn giản như thế thôi … nên lúc nào ở nơi Người cũng là niềm vui : niềm vui nhìn thấy thụ tạo do mình dựng nên cũng thích và cố sống niềm vui lành sạch để  - cùng với Người – xây dựng một cuộc sống lành và sạch thực sự chứ không chỉ là  khẩu hiệu …Vậy là từ cái hôm nay với Homo ludens ( con người vui chơi và không quá quan trọng hoá nhiều điều trong cuộc sống )  đến Deus ludens ( Thiên Chúa và bản chất vui của Người) … thì phải có và trình bày cho bằng được một một Ecclesia ludens (Giáo Hội vui chơi) …Suy nghĩ đến đây … thì minh chợt nhìn lên bức tường trước mặt với hai nụ cười : một “ rặn” cười để chụp hình và một nụ cười toác rộng của tác giả  Tông Huấn “ Niềm Vui Tin Mừng” …



 

Rồi còn ông thần học gia Harvey Cox – trong tiểu luận thần học có cái nhan đề  “ La Fete des Fous” xuất bản ở Paris năm 1971 – đã diển tả ở trang 173 một Giê-su hài hước , vui tươi , linh động , hấp dẫn , dễ đến gần : “ Như một người trào phúng , Đức Ky-tô coi thường hủ tục , lề thói cũ , coi thường những người vẫn được người đời ca tụng , nể vì …Như một thì sĩ lang thang,Ngài không có nơi gối đầu . Như một tay châm biếm chọc cười , Người chế diễu những quyền bính được người đời lập ra , bọn này lúc nào cũng sống xa hoa , lộng lẫy bên cạnh đám dân nghèo thiếu thốn , cùng khổ…Như một nhà thơ  hát rong , Ngài tham dự các lễ hội và đám cưới … Cuối cùng , những kẻ thù của Ngài đã dùng chính danh hiệu VUA tạo thành một bức hoạt kê châm biếm chua chát ( để trả thù những châm biếm của Ngài) và đóng đinh Ngài giữa những tiếng cười nhạo báng với bảng hiệu trên đầu Ngài ( để trả thù những chế diễu của Ngài) … Harvey Cox cho rằng nơi Đức Giê-su là một sự hoà hợp hoàn hảo giữa  một tâm hồn hết sức nghiêm chỉnh , trong sáng , đúng đắn với một phong thái ung dung , tự tại , phóng khoáng và một cách ứng xử luôn vui tươi , thoải mái , hài hước … để có thể gần gũi với mọi người , nhất là những người bị đẩy qua bên lề xã hội , bên lề cuộc sống . Phong thái này hoàn toàn trái nghịch với nhóm Biệt Phái , Pha-ri-siêu và Kinh Sư Do Thái …Ngài sẵn sàng đồng bàn với những người tội lỗi , bênh vực và nâng họ chỗi dậy …Ngài rất ghét và châm biếm vẻ “ ta đây” của những người có quyền , có chức trong Đạo cũng như ngoài đời …


 

Un saint triste est un triste saint : thánh mà buồn là thánh đáng buồn …



 

Thực ra – trong Đạo – các vị thánh buồn không có bao nhiêu đâu … bởi vì không vui thì không thể làm thánh được : có vui và tìm được niềm vui mới tự chế , tự giới hạn đứng trước những mời mọc , những cám dỗ - có vui và tìm được niềm vui mới hiên ngang ca hát với gông cùm , xiềng xích trên đường ra pháp trường – có vui và tìm được niềm vui mới ẩn thân trong cô tịch để gặp gỡ và chuyện trò với Đấng Vô Hình là Cha của mình – có vui và tìm được niềm vui mới lăn xả vào những khó khăn , thử thách để cùng ăn , cùng uống hầu nói với mọi người về Thiên Chúa vốn là cội nguồn của niềm vui chân thật và viên mãn …


 

Kẻ buồn là chúng ta , những con người chỉ dám đứng nhìn và chua xót cho những chịu đựng của các thánh … để rồi toàn thấy đau thương mà thôi…Đúng là những vị “ thánh đáng buồn” làm cho khuôn mặt của Mẹ Giáo Hội cũng ảm đạm đi rất nhiều …


 

Riêng bản thân – khi nghe Chúa bảo : Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút – thì thích lắm , vì đã từ lâu vốn say cảnh “ một mai , một cuốc , một cần câu” của người xưa …

 

Ngày nay con người tương đối dư giả nên cũng tìm mọi cách để nghỉ ngơi theo kiểu của mình … Không có tờ báo nào – trong Đạo cũng như ngoài đời– mà không có những trang quảng cáo những chuyến tham quan , du lịch khá là hấp dẫn : du lịch hành hương , du lịch mua sắm , du lịch hưởng thụ , du lịch ẩm thực …Dĩ nhiên với quảng đại bà con … thì đấy cũng chỉ là những chuyến đi trong mơ … mà hầu như không mấy ai dám nghĩ đến…Điều chắc chắn là những chuyến nghỉ ngơi ấy khá là mệt … Nếu có vui thì vì cũng chỉ là niềm vui tự khẳng định tình trạng “ rủng rỉnh”  của mình : một thứ mặc cảm tự tôn nào đó …



 

Chúa muốn chúng ta vui suốt đời mình vì chúng ta được yêu và Người lưu lại dấu ấn tình yêu của Người mọi nơi mọi chốn để - lữ hành trên trần gian này – chúng ta khám phá ra đây đó những dấu ấn tình yêu để đi theo , để chạy , để nhảy , để giải mã , để nhận semaphore , để dịch morse … như trong một trò chơi lớn – có lẽ sẽ có người bỉu môi vì thấy đây là một phạm thượng- và đích đến là vòng tay cùng với miệng cười của Người …


 

Marie Noel – trong Notes intimes , Ed . Stock – ngâm nga :

 

Tôi không muốn nên trọn lành theo kiểu trọn lành của con người . Tôi không muốn tạo ra trong tôi một thứ lương tâm hành xử như một cảnh sát đứng ở ngã ba đường để rình bắt những tên tội phạm đi ngang qua .Tôi không muốn mệt mỏi một cách thảm sầu vì ngày đêm cứ phải đo đạc , tính toán , cưa , đẽo , bào đục … để biến khúc cây sần sùi , nhiều mắt …thành cỗ quan tài chôn xác chết …
 

Tôi muốn nên tốt lành theo kiểu toàn thiện của Cha trên trời … Người có luật lệ mà cũng có vui chơi thoải mái …Tác phẩm của Người đâu phải chỉ có các thiên thần sáng láng thôi … mà còn là những cánh bướm nữa , không chỉ là trời , sao cùng muôn vì tinh tú lúc nào cũng sẵn sàng vâng phục … mà còn là lửa , là gió , là những đám mây bất định , thất thường …
 

Người vui đùa với những bông hoa , những đuôi sóc , lông con công , chân con cò , vòi con voi , bướu lạc đà … Người sáng tạo ra để vui chơi …Nếu không để vui chơi thì để làm gì ? Và nếu Người tìm thấy vui thú – có thể như vậy –nơi một tu sĩ thánh thiện đang ngày đêm hy snh , cố gắng tuân giữ  kỷ luật … thì chắc chắn Người cũng sẽ chúc lành bằng một nụ cười cho con dê đang nhảy múa , cho con gà đang ấp trứng , cho con dê đực râu dài đang chồm lên con dê cái – bạn nó …
 

Tôi muốn tâm hồn mình – cũng như tất cả công trình của tôi –vừa có trật tự mà cũng vừa mang tính lãng mạn , ngông cuồng …
 

Tuần trước đây – trong hội ngộ Xuân Bích hằng năm – cha Thầy An-rê Đỗ Xuân Quế , OP , vừa bắt tay vừa mỉm cười : tôi nhớ tới anh mỗi khi đọc thánh thi kinh Sách thứ năm / tuần I :

 

Kinh cầu nhẹ gõ cửa hồn ,

Trần gian dục vọng bồn chồn tâm linh …

Bao nhiêu thệ ước ân tình ,

Chúa thương xin để an bình tin yêu …

 

Đời con cay đắng đã nhiều ,



Hận thù – danh lợi … đốt thiêu cõi lỏng …

Hồn con mong mỏi sạch trong ,

Mái chèo buông nhẹ theo dòng thuyền trôi

 

Lánh riêng ra – đến một nơi thanh vắng … mà nghỉ ngơi đôi chút …


Lm Giuse  Ngô  Mạnh  Điệp .


VỀ MỤC LỤC


CHÚA CHỌN TÔI VÀ SAI TÔI ĐI THẾ NÀO?

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN B

Am 7:12-15; Ep 1:3-14/1:3-10; Mc 6:7-13



Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD


 

 

 Image: “Jesus Chooses the Twelve” by James Tissot


 

Khi Chúa Giesu chọn môn đệ và các tông đồ, người luôn luôn kêu gọi với tất cả tình thương mến đầy lòng trắc ẩn. Chúa đưa mắt với vẻ trìu mến, nhìn thẳng vào mặt như thách thức họ làm một cái gì mà họ khó có thể tránh được.



 

Bài Phúc Âm hôm nay (Mc 6:7-13) nói về việc đào tạo những người sẽ đi rao giảng Tin Mừng Chúa trên khắp thế giới. Marco coi công tác và lời giảng huấn của các tông đồ như là một nối tiếp công việc của chúa Giesu. Trong câu chuyện Marco, sứ mạng của 12 tông đồ lúc đầu là bắt cá linh hồn người ta (Mc 1:16-20), rồi người chọn từng người riêng biệt ở với Chúa để nhận quyền rao giảng và trừ ma quỉ (Mc 3:13-19). Bấy giờ họ được trao cho một sứ mạng đặc biệt là thi hành quyền lực bằng lời nói và thẩm quyền đại diện Chúa trong khi họ thụ huấn.

Trong Marco, không thấy chúa Giesu cấm không cho vào phần đất của người ngoại và các thành phố của người Samaritano. Sự khác biệt này cho thấy có một chủ ý nào đó muốn thích ứng với những điều kiện bên trong và bên ngoài Palestine và gợi ý về một hoạt động sau này của Giáo Hội. Phần còn lại, chúa Giesu yêu càu các môn đệ hãy tin tưởng vào Thiên Chúa đừng lo lắng cho bản thân về tiền bạc, ăn uống, quần áo và nơi ở (Mc 6:35-44; 8:1-9). Hãy ở lại một nhà như là khách (Mc 6:10), đừng mong được thoải mái hơn để tránh cho người ta nghĩ mình đi tìm kiếm lợi lộc cho mình và không muốn chủ nhà khinh rẻ. Tại sao chúa Giesu lại biểu các môn đệ phải “di chuyển nhẹ”, ít đồ đạc, không cần mang theo đồ dự trữ? Chúa muốn các môn đệ phụ thuộc vào Chúa, đừng tin ở mình. Chúa hứa sẽ hành động nơi từng người được Chúa gọi vì vinh quang của Chúa. Hành động “phủi bụi” khỏi chân là dấu chỉ chống lại những kẻ không chịu ăn năn  thống hối.

 

GIÚP ĐỠ HAY CẢN TRỞ?

Một trong những đề tài thường thấy trong Tin Mừng Marco là sự dốt nát của các môn đệ. Đọc toàn thể Tin Mừng, chúng ta thấy các môn đệ cản trở Chúa Giesu nhiều cũng chẳng kém gì họ giúp đỡ Chúa. Họ không hiểu lời Chúa nói hoặc không biết giúp đỡ người. Chúa thường xuyên quở trách họ mắt không nhìn ra, trí không hiểu thấu và lòng thì trai đá. Nhưng khi họ hiểu sai Chúa hay làm hỏng việc của Chúa lại là lúc họ cố gắng để hiểu. Họ hành động như thể thử nghiệm, như những người “nghĩ về việc của loài người” hơn là những việc của Thiên Chúa. Họ không hiểu rằng con đường thẳng nhưng hẹp đang hiện diện trước mặt Chúa Giesu phải kết thúc trên Thập Giá. Vì vậy họ hành xử như dẫn Chúa đi vào lạc lối.

Nhiều lần chúng ta tự hỏi: “Tại sao Marco lại nêu lên những hình ảnh xấu như vậy về các môn đệ?” Những độc giả tiên khởi của Marco thì không chú trọng vào nghĩa đen nhưng vào những biến cố xẩy ra câu chuyện. Họ thường tự hỏi  “Các môn đệ là những nhà lãnh đạo tài ba tại sao lại yếu và dở như thế? Cái đó có ý nghĩa gì?” Câu trả lời là Thiên Chúa đã mở mắt các môn đệ, biến họ từ những người chẳng hiểu gì cả và thử thách chúa Giesu thành những đầy tớ xứng đáng, những nhà lãnh đạo không biết sợ. Hy vọng của chúng ta! Là những Kito hữu, chúng ta nhận thức được sự yếu đuối và thất bại của mình cần phải ghi nhớ những câu chuyện nổi danh vể kêu gọi này để tin rằng Chúa Giesu, đấng khải hoàn trên sợ hãi, luôn luôn hiện diện giữa chúng ta.


 

NHÂN DANH CHÚA GIESU

Quyền lực và thẩm quyền nào mà Chúa muốn chúng ta thực thi nhân danh Người? Chúa Giesu đã ban cho các tông đồ cà quyền lực lẫn thẩm quyền để nói và hành động nhân danh Người. Chúa điều khiển các ông thi hành công tác như Người đã làm: Trừ ma quỉ, chữa lành bệnh, nói lời Chúa, Tin Mừng Phúc Âm mà họ đã thu nhận được nơi Chúa. Khi chúa Giesu nói về quyền lực và thẩm quyền, Người đã làm những điều chưa ai nghe biết. Người kết hợp thẩm quyền và quyền lực với tình yêu thương và khiêm tốn. “Thế gian xác thịt” tìm kiếm quyền lực vì vị kỷ, vì cá nhân, gia đình, bạn bè, phe phái mình. Chúa Giesu dạy chúng ta dùng nó vì sự thiện, làm điều tốt, giúp đỡ tha nhân, những người hoạn nạn, bị áp bức và nghèo khó. Bước theo chúa Giesu là mạo hiểm, như kiến tạo một cuộc sống mới, để rao giảng như Chúa Giesu đã rao giảng và chữa lành để rồi bị hàm oan, hoạn nạn đủ điều.

 

LỀ LUẬT, TIÊN TRI VÀ KINH THÁNH

Dựa vào bài đọc sách tiên tri Amos (Am 7:12-15), chúng ta thử suy niệm về Luật, Các tiên tri và các sách Cựu Ước qua chúa Giesu. Một đằng chúa Giesu biết luật một cách hoàn hảo và tuân giữ tận tình. Một đằng Chúa cảm thấy Chúa hoàn toàn tự do trước lề luật. Người muốn luật lệ được cắt nghĩa một cách chính xác. Đi xa hơn nữa người còn tuyên bố người là nhà làm luật mới có thẩm quyền ngang hàng với Thiên Chúa. Người là cứu cánh của luật, và ứng nghiệm luật (Rm 10:4).

Chúa Giesu cũng biểu lộ Người là tiếp nối đích thực của các tiên tri qua sứ điệp và đời cống của người. Giống như các tiên tri, Ngươi tuyên xưng niềm tin là “Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và Jacob” (Mt 22:32). Người bảo vệ luật Thiên Chúa và luật người nghèo (Mt 11:20-24). Chúa cũng không ngần ngại tuyên xưng người vĩ đại hơn tất cả các tiên tri. Người ở trên họ, không phải cùng hàng tiên tri mà còn là người thứ nhất, là khởi thủy và là suối nguồn mặc khải linh hứng cho các tiên tri.

 

Chúa Giesu cũng tự nhận đã hoàn thành/ứng nghiệm văn chương khôn ngoan trong Cựu Ước. Chúa đã hoàn thành lề luật và các ngôn sứ bằng cách áp dụng cho chính mình. Người áp dụng phương cách đó và biến cải nó bằng nhân chứng. Người hy sinh suốt cuộc đời, ngay cả mạng sống mình, một thay đổi tận gốc rễ những giá trị như một tân tạo dựng nổi lên từ một tạo dựng đang được thay đổi cực kỳ lớn lao.



 

Nhờ cái chết của người, chúa Giesu làm sáng tỏ sự mâu thuẫn rõ ràng giữa những giá trị đó trong văn chương khôn ngoan, và mở ra một lối đi hình như đã trở thành bước đường độc nhất cho loài người. Đối với những ai bước theo chúa Giesu -hy vọng là mỗi người trong chúng ta- chúng ta phải bước theo vết chân Chúa, chịu đựng tất cả những hiểu lầm, đau khổ và cả cái chết của người để thực sự trở thánh môn đệ của người. Chúng ta càng thăm dò những chiều sâu của Kinh Thánh mà chính người đã hoàn thành bằng cuộc sông của người thì chúng ta sẽ càng trở nên giống người.


 

ĐÔI LỜI KẾT: KHAI TRIỂN LỜI GỌI

Tuần này chúng ta thử suy niệm xem Chúa kêu gọi chúng ta làm môn đệ của người như thế nào? Bằng cách nào bạn cảm thấy chúa Kito kêu gọi cá nhân bạn? Chúa Kito biến cuộc sống của bạn thành đặc biệt như thế nào? Chúa kêu gọi bạn phải làm cái gì?  Kinh nghiệm gì hay ai trong cuộc đời bạn giúp bạn đào sâu niềm tin của bạn? Đã thế hứa làm môn đệ Chúa mà bạn vẫn có thể cảm thấy mình yếu đuối và thất bại không? Là môn đệ chúa Giesu, bằng cách nào bạn có thể chia sẻ sứ mệnh rao giảng và chữa lành của Chúa cho mọi người trong thế giới ngày nay? Bạn đang được sai đi để rao giảng và chữa lành cho những ai?
 

Fleming Island, Florida

July 13, 2015

NTC


Fxavvy@aol.com

VỀ MỤC LỤC


tải về 1.46 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương