Bán nguyệt san – Số 218 – Chúa nhật 13. 04. 2014


KHÍCH LỆ - BÍ QUYẾT GIÁO DỤC CON TRẺ THÀNH CÔNG (tiếp theo)



tải về 0.58 Mb.
trang3/7
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích0.58 Mb.
#28735
1   2   3   4   5   6   7

KHÍCH LỆ - BÍ QUYẾT GIÁO DỤC CON TRẺ THÀNH CÔNG (tiếp theo)


 LTS. Chúng con hân hạnh giới thiệu đến Quí Đức Cha, Quí Cha và mọi người: Bộ sách Tâm Lý Giáo Dục gồm 4 cuốn, của Lm. Lê văn Quảng, tiến sĩ tâm lý, đã được phát hành và có bán tại các nhà sách công giáo. Bài viết hôm nay được trích trong cuốn BÍ QUYẾT GIÁO DỤC CON TRẺ THÀNH CÔNG.

Giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo Hội ngày mai” Lời của HĐGMVN” và không ai có thể phủ nhận; nhưng chúng ta phải làm gì và làm như thế nào lại là một thách đố rất lớn ? Tuy chỉ là một đóng góp rất khiêm tốn, song tác giả đã hết lòng giúp đỡ chúng ta có thể tự trả lời và thực hành những gì tối cần thiết cho gia đình, cộng đoàn và toàn xã hội nơi chúng ta đang sống.

Việc viết sách, mua sách và giúp đỡ phổ biến đều là những việc “Chắp cánh cho Quê hương và Giáo hội Việt Nam bay lên”.

Chúng con xin ghi ơn tất cả mọi người.

BBT CGVN và Đặc San GSVN












 KHÍCH LỆ - BÍ QUYẾT GIÁO DỤC CON TRẺ THÀNH CÔNG (tiếp theo)
Cu Chính 10 tuổi là một bé trai nghịch ngợm lúc ở nhà cũng như khi ở trường. Nó khởi sự nhiều chương trình nhưng không bao giờ làm xong được cái gì. Điểm học của nó ít khi đạt được trung bình. Nó là đứa lớn nhất trong 3 đứa trai. Đứa em kế 8 tuổi và đứa thứ ba 3 tuổi. Cu Chính thích chơi với đứa bé nhất và hay gây lộn với đứa thứ nhì tức bé Chinh. Bé Chinh đạt được điểm cao ở trường và hoàn tất những gì nó khởi sự. Sở thích của nó không nhiều như anh nó. Một ngày kia cu Chính làm gần xong một con trâu bằng đất. Mẹ nó quan tâm đến việc nó không làm xong điều mà nó khởi sự nên tìm cách khuyến khích nó: “Thật là dễ thương, con đang làm một tuyệt tác”. Và thật bất ngờ, cu Chính ném con trâu xuống sàn nhà và hét lên: “Con không dễ thương mà thật đáng chán”. Thế rồi, nó lầm lì đi ngay vào phòng nó.

Mẹ nó cố gắng khích lệ nó bằng cách ca tụng nó. Nhưng phản ứng của nó cho  thấy rằng lời ca tụng của bà mẹ không khích lệ mà ngược lại càng làm cho nó thêm chán nản. Tại sao? Lời ca tụng có thể là khích lệ mà cũng có thể là không.

Đây là một điển hình cho thấy : không có một mẫu trả lời nào hoặc một qui luật nào là tiêu chuẩn cho việc khích lệ con trẻ. Nó hoàn toàn tùy thuộc vào sự phản ứng của đứa trẻ. Bé Chính đã quá tham lam: muốn làm quá nhiều điều nhưng không thể làm được. Khi người mẹ ca tụng nó, nó sinh giận dỗi vì nó mang mặc cảm rằng: nó có bao giờ làm được một cái gì xem ra khá đâu. Nó cảm thấy lời của mẹ nó không là một lời khuyến khích thật mà là một lời châm chọc mỉa mai. Nó muốn tác phẩm mà nó hoàn thành phải là một cái gì tuyệt vời. Nhưng những cố gắng của nó thì khác xa với những gì nó ước muốn vì sự thiếu khả năng của nó, và vì muốn hoàn thành mọi sự cách tức khắc nên nó không thỏa mãn với bất cứ cái gì. Người mẹ đã ca tụng tác phẩm nó làm, nhưng với nó, nó cảm thấy tác phẩm đó vẫn còn là một cái gì khác xa với cái mà nó mong muốn. Thật ra, không ai hiểu được cái thất bại mà nó đang gặp phải ngay cả bà mẹ của nó, vì thế nó sinh ra giận dỗi.

Bé Chính cần sự khích lệ nhưng phải là một sự khích lệ khác thường. Nó cảm thấy mình hoàn toàn thất bại trong mọi sự nó làm. Khởi sự hết công việc nầy đến công việc khác, nó tỏ ra hoạt động và bận rộn với nhiều công việc, nhưng chẳng bao giờ làm xong được một cái gì, và nó đã dùng phương cách đó để tránh đối diện với sự bất tài của nó. Trong khi đó, em nó, cu Chinh luôn thành công trong mọi việc, điều đó càng làm cho nó thêm xấu hổ. Sự quá tham vọng là kết quả của mặc cảm thua kém em nó. Ngoại trừ nó phải đứng đầu, nó không là gì cả. Chính cái tư tưởng lệch lạc đó đã hướng dẫn hành vi sai lầm của nó. Với nó, có thể nói được rằng đó là một công việc hoàn toàn không thể. Vì thế, nó cảm thấy mình chỉ là một thất bại, và do đó không có một lời ca tụng nào có thể mang lại cho nó một sự khích lệ.

Nếu mẹ nó có nói rằng con người không cần phải là hoàn toàn, thì điều đó cũng chỉ là vô ích và chỉ càng làm cho nó nghĩ rằng không có một ai hiểu được nó. Nó cảm thấy rằng mọi cái nó làm phải là hoàn toàn vì nó đồng hóa cái nó làm với cái nó là. Nhưng dẫu cho nó có thành công trong một số công việc, nó vẫn coi đó là một sự thất bại vì cái quan niệm lệch lạc của nó. Nó cần phải đổi hướng, đổi cách nhìn, phải thay đổi cái hoàn toàn của một công việc bằng cái thõa mãn của một sự đóng góp. Tuy nhiên, nó cảm thấy rằng ngoại trừ sự đóng góp của nó là hoàn toàn, nó chỉ là một thất bại.

Bé Chính cần được giúp đỡ nhiều để nó tái thẩm định giá trị về chính mình và chỗ đứng của nó trong gia đình. Cha mẹ cần dấn thân trong việc nầy. Cái chủ nghĩa “phải là hoàn toàn của nó” phát xuất từ một chỗ nào đó: hoặc từ cha, hoặc từ mẹ, hoặc cả hai – có lẽ đã có tiêu chuẩn quá cao cho sự hoàn thành của một công việc. Có thể họ cũng đã nói với nó rằng nó không cần phải là hoàn mỹ, nhưng trong lối sống, họ lại mâu thuẫn với lời họ nói. Gia đình như vậy cần cởi mở thảo luận với con cái họ về: thế nào là tốt đối với một con người trước khi một người trở nên tốt đủ. Thay vì ca tụng nó, tốt hơn là nói với nó rằng mẹ vui khi nhìn thấy con thích thú làm việc đến cuối cùng.

Mỹ Linh 5 tuổi rất thích thu dọn chiếc giường của nó cho gọn gàng. Nó kéo những tấm ra phủ giường qua hướng nầy rồi hướng khác. Cuối cùng thì cô bé đặt nó vào vị trí mà cô bé thích. Mẹ nó vào phòng, thấy giường xếp đặt không được đẹp mắt mới bảo: “Cưng ơi, mẹ sẽ làm cho con, những tấm chăn phủ giường thì quá nặng đối với con”.

Người mẹ không những ám chỉ rằng Mỹ Linh chưa đủ khả năng để làm chuyện đó vì nó còn quá bé, nhưng cũng còn muốn tỏ ra cái siêu việt của bà bằng cách trải đẹp những tấm chăn phủ giường trong khi cô bé đứng nhìn mà lòng cảm thấy xấu hổ. Niềm vui do việc hoàn thành một cách tốt đẹp công việc thu dọn chiếc giường đã biến mất khi đối mặt với sự hoàn thành tuyệt hảo của bà mẹ. Mỹ Linh không bao lâu sẽ cảm thấy: người mẹ làm điều đó so với nó đẹp hơn nhiều nhưng nào có ích chi?

Nếu người mẹ tỏ ra vui khi thấy Mỹ Linh thích làm điều đó và với một lời khuyến khích như: “Thật là tuyệt nếu con kéo nó xích lên một chút” hoặc “ Hãy nhìn cưng của mẹ tự thu dọn giường của con”, Mỹ Linh chắc sẽ vui để thực hiện, và sẽ còn thích thú tiếp tục. Không thành vấn đề có bao nhiêu nếp nhăn trên những tấm chăn phủ cô đã trải, người mẹ không nên tỏ cho Mỹ Linh thấy rằng bà đã làm điều đó tốt hơn đứa bé nhiều. Bà có thể sửa lại sau đó sau khi đứa bé không còn ở đó nữa. Một khi đã hoàn chỉnh xong, người mẹ có thể khích lệ cô bé bằng những đề nghị như : “Tại sao con không cuộn nó lại và rồi lại trải ra khi con thức giấc?” Hay mỗi khi thay chăn, bà mẹ nên có những đề nghị như : “Mẹ con mình thay chăn để giặt!” và bắt đầu vừa làm vừa chỉ cho cô bé. Tuyệt đối tránh những phê bình, chỉ trích mà chỉ có những lời khích lệ như: “Bây giờ chúng ta vén góc nầy lên và dấu nó vào trong” hoặc  “Chúng ta cùng kéo nó lên để hai đầu ra vừa khít với cái đệm” . Trong cách thế như vậy, dẫu là đang học làm một việc gì chẳng qua cũng giống như là đang chơi một trò chơi thích thú, và cả hai mẹ con đều có chung niềm vui là cùng làm một công việc với nhau.

Cu Luân 4 tuổi cùng với mẹ đi thăm người bạn láng giềng của mẹ. Bà nầy có đứa con gái tên Tuyền, 1 tuổi rưỡi, đang ngồi chơi với những đồ chơi của nó trong phòng coi Tivi. “Con vào chơi với em Tuyền đi, bà mẹ nói với Luân, con phải là một đứa con trai tốt, không được đánh em nhé!” Cu Luân cởi chiếc áo khoác ngoài ra và chạy vào chơi với bé Tuyền trong khi hai bà mẹ ngồi uống cà phê nói chuyện. Không bao lâu sau đó thì bé Tuyền hét rú lên và khóc. Cả hai bà mẹ đều chạy vội vào. Cu Luân đang đứng với dáng điệu thõa mãn, ôm con búp bê của bé Tuyền áp vào ngực. Bé Tuyền khóc to và trên vầng trán hiện lên một vết đỏ. Mẹ Tuyền chạy đến bế nó lên, ôm nó, và hun nó. Mẹ cu Luân chụp lấy cậu bé và quát: “Con hư. Con đã làm gì với em bé? Có phải con giành lấy con búp bê và đánh nó không? Tại sao con lại tệ như vậy? Má đánh con bây giờ”. Và bà đã phết cho nó hai phát. Cậu bé khóc rú lên. “Tôi không biết làm gì với nó, bà nói với người bạn đang ôm bé Tuyền đã hết khóc. Nó chỉ đối xử tệ với những đứa trẻ nhỏ hơn nó”.     

Cậu bé thình lình nhìn mẹ khi bà ta đang cố gắng làm cho cô bé cười lên. Bé Tuyền quay mặt đi và rút vào cổ mẹ nó. “Chúng ta uống hết ly cà phê, mẹ Tuyền nói, bé nó không sao. Tôi chỉ muốn ôm nó thôi”. Mẹ Luân quay sang Luân lần nữa và nói: “Con là một đứa con hư. Thật xấu hổ cho con chỉ biết đánh những đứa trẻ nhỏ hơn con thôi. Con ngồi lại đây. Ngồi tử tế hoặc mẹ sẽ đánh con bây giờ”.

Có nhiều vấn đề cần nói đến trong biến cố nầy nhưng ở đây chúng ta chỉ đề cập đến vấn đề liên quan tới việc khích lệ mà thôi. Điều trước tiên là bà mẹ đã cho cậu bé một ấn tượng, một quan niệm không mấy tốt đẹp về chính nó: “nó là một đứa con hư”. Mỗi khi chúng ta muốn lưu ý một đứa bé “hãy trở nên tốt” thì thường chúng ta bảo nó đừng làm chuyện nầy, đừng làm chuyện kia…như đừng chọc phá, đừng đánh em bé, toàn là những điều tiêu cực mà rất ít khi chúng ta nhăc nhở những đứa bé làm những điều tích cực như con hãy chơi vui vẻ, tử tế với em nhé! Thông thường thì nó không để ý, nhưng khi chúng ta bảo nó đừng làm là chúng ta nhắc nhở nó làm một cái gì đó không hay. Chính vì thế, chúng ta nên để ý đến những điều tích cực hơn. Hơn nữa, mỗi lần chúng ta quá lưu ý một đứa trẻ “hãy nên tốt” là mỗi lần nó cảm thấy: chúng ta thiếu tin tưởng vào ước muốn nên tốt của nó. Chúng ta thường không phân biệt giữa hành động của đứa bé và chính nó. Bà mẹ xem Luân như một đứa trẻ xấu. Chính cái quan niệm của bà mẹ về đứa bé đã làm cho nó có hành động như vậy vì nó không còn tin tưởng vào khả năng của nó có thể thay đổi cái nhìn của mẹ nó. Như một kết quả của những lời nói hay hành động thiếu khích lệ, trẻ con luôn nghĩ rằng người ta chỉ có chỗ đứng khi người ta chứng tỏ cái uy quyền của mình ra. Chúng ta phải nhận ra điều nầy: sở dĩ con trẻ có những hành vi sai trái, đó là kết quả của những lời nói hay hành động của chúng ta đã làm cho chúng cảm thấy bất mãn và xuống tinh thần.

Phương cách tốt nhất trong những trường hợp như thế là tránh tất cả những gì làm đứa bé thêm chán nản, vì những điều đó không có lợi gì cho nó cả. Hãy tỏ thái độ tin tưởng vào trẻ con có thể chơi chung với nhau mà không cần phải dặn dò, lo lắng gì cả. Bà mẹ có thể nói: “Mẹ ở đây và con có thể vào chơi với bé Tuyền nếu con muốn”. Một lời khích lệ như vậy cũng đủ rồi. Và nếu nó chạy ra, người mẹ có thể nói với nó rằng: “Hoặc là con chơi với bé Tuyền hoặc là con ở bên cạnh mẹ”. Nếu có sự giằng co xảy ra, người mẹ có thể yên lặng vào phòng nắm lấy tay cậu bé và nói: “Con ơi, sao hôm nay con lộn xộn quá vậy. Vì con không thích chơi nên chúng ta đành phải đi về”. Dĩ nhiên, điều đó đòi hỏi người mẹ phải hy sinh cuộc thăm viếng. Nhưng với phương cách đó, người mẹ có thể dạy bảo cho đứa bé biết rằng nó có thể đến với mẹ nữa nếu nó sẵn sàng thay đổi hành vi của nó. Hoặc là người mẹ có thể để đứa bé ở lại đó với một người bà con hoặc người láng giềng một lần để nó có thể duyệt xét lại hành vi của nó.

Thật ra, nếu bà mẹ biết tránh tất cả những hành động xem ra không phù hợp với sự khích lệ, bà đã hoàn thành trên một nửa điều bà cần làm. Bà có thể coi bé Luân như một đứa bé dễ thương ngay cả hành vi của nó không được dễ thương, bà cũng nên cho nó những lời khích lệ mà không nên quá chú trọng vào hành vi sai lầm của nó. Khi bà mẹ cho nó cái quyền tự do hành xử, bà mẹ trao cho nó trách nhiệm đối với hành vi của nó và cũng muốn chỉ cho nó thấy rằng nó phải gánh chịu những hậu quả của những hành động của nó. Khi bà mẹ nói với nó rằng “Chúng ta sẽ trở lại đây vào một ngày con cảm thấy sẵn sàng”, bà mẹ biểu lộ niềm tin vào đứa bé sẽ thay đổi và sẽ trở nên tốt hơn để có thể trở lại đây chơi với cô bé.

Riêng đối với bé Tuyền thì hành động của cả hai bà mẹ xem ra không mấy thích hợp chỉ vì các bà đã quá quan tâm đến sự việc không may xảy ra cho nó. Cái đánh nhẹ vào vầng trán của cô bé không làm nó quá đau như phản ứng tức thời của các bà: vội ôm nó lên và xít xoa vào vết thương của nó. Nó sẽ học từ kinh nghiệm đó rằng nó không có thể chịu đựng nổi một chút đau đớn và nó phải được an ủi ngay tức khắc. Sự lệ thuộc vào mẹ nó được cổ võ; như thế sự can đảm và sự tự chủ của nó sẽ bị tiêu mòn. Nó sẽ dễ có cái quan niệm sai lầm về chính mình như một đứa bé cần phải lệ thuộc vào người khác để được bảo vệ. Hãy nhớ rằng cuộc sống của chúng ta thì đầy đau khổ và phiền toái. Và chúng là một phần của cuộc sống. Nếu con trẻ không học để chịu đựng được những gian khổ đó, chúng sẽ sống cách bệnh hoạn. Chúng ta không thể bảo vệ con trẻ chúng ta khỏi những bất trắc trong cuộc sống. Vì thế, cần thiết là chúng ta chuẩn bị cho chúng ngay từ bây giờ. Cảm thấy tội nghiệp là một trong những thái độ làm tổn thương nhất mà chúng ta thường ít để ý. Nó tỏ cho chúng thấy rằng chúng ta thiếu niềm tin vào chúng và vào khả năng có thể đối đầu với những nghịch cảnh của chúng.

Vì thế, ngoài việc không nên bảo vệ con trẻ một cách quá đáng, một thái độ quan trọng khác cũng cần được chú ý là: mẹ Tuyền trong những trường hợp như thế nên giúp bé học cách chấp nhận những đau đớn đó. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không bao giờ xoa dịu các vết thương hay những nỗi đau buồn của con trẻ. Nếu như thế thì thật là vô tâm. Nhưng cách thế mà chúng ta dùng, có sự khác biệt, chẳng hạn như chúng ta có thể nói: “Rất tiếc là con đã bị đụng phải, nhưng nó sẽ khỏi ngay. Con cố gắng chịu đựng một chút. Mẹ biết con can đảm, cưng của mẹ”. Thay vì vội vã bồng bế nó lên ngay, bà mẹ có thể quan sát và bảo nó vết thương chỉ nhè nhẹ thôi. Bà có thể trấn an nó rằng: “Không sao đâu con, chỉ một chút bầm thôi. Không bao lâu nó sẽ hết ngay”. Những cách nói như vậy khích lệ trẻ con biết chịu đựng hơn. Sau khi đã vỗ về xong, bà mẹ có thể yên lặng giúp bé Tuyền thu xếp những đồ chơi. Và rồi, không cần chú ý nữa để cho cô bé có khoảng trống tự nó đối đầu với vấn đề của nó. Bé Tuyền là đứa bị đánh và cũng là đứa phải khuất phục không những chỉ vết thương mà còn cả bầu khí thân thiện đã bị đánh mất và ngay cả cảm giác bất an nữa. Nếu bà mẹ cho nó cơ hội và tin tưởng vào nó, nó sẽ sớm bình phục và sớm khám phá ra sự can đãm của nó cũng như khả năng có thể chịu đựng được những điều bất trắc đó.

Thùy Hương đang học thêu. Cô đang tập thêu một cách chú tâm sung sướng. Với sự hài lòng và hảnh diện, cô giơ chiếc khăn đang thêu lên để chiêm ngắm công trình tuyệt vời của mình. Đoạn cô đưa đến cho mẹ để nhờ mẹ chỉ cho cách phải làm thế nào để hoàn tất công trình sắp hoàn thành của cô.

“Thùy Hương, chỗ nầy không được, bà mẹ nói. Con nhìn xem. Chỗ nầy con phải làm thế nầy thì nó đẹp hơn. Cái nầy quá dài, nó xem ra lượm thượm. Tại sao con không lấy nó ra và làm lại. Nó coi bộ sẽ đẹp hơn”. Nét mặt của Thùy Hương thay đổi, từ phấn khởi thích thú thành chán chường buồn bã. Cô thở dài và nhếch môi khẽ nói: “Con chả muốn làm gì nữa bây giờ. Con muốn đi ra ngoài mẹ ơi!”

Những lời phê bình của bà mẹ đã làm tiêu tan nỗi sung sướng và niềm kiêu hãnh của Thùy Hương. Câu nói: “Con phải làm thế nầy thì nó đẹp hơn” không phải là một lời khích lệ. Nó ám chỉ công trình đã được làm không tốt đủ, không đáng để làm mẫu mực. Cái mà Thùy Hương nghĩ là đẹp lại trở thành lượm thượm đối với mẹ cô. Sự đề nghị nên tháo ra và làm lại là một điều không thể chấp nhận được đối với cô bé. Đó là một lời hoàn toàn thiếu khích lệ. Vì thế, cô bé đã bỏ dở công việc đang làm và quay sang làm một công việc khác. Mẹ cô có thể dễ dàng quan sát được kết quả của lời nói mình khi nhìn thấy nét mặt cũng như phản ứng của con bà hoàn toàn thay đổi.

Tại sao cứ phải đi tìm những cái bất toàn, những khuyết điểm để nêu ra khiến người nghe cảm thấy chán nản, xuống tinh thần. Chúng ta có thể dùng một phương cách khác xem ra hữu ích hơn trong việc chỉ dạy con cái để khuyến khích chúng tiếp tục công việc một cách thích thú, chẳng hạn như nói: “Cưng ơi, đẹp lắm! Những đường kim của con rất dễ thương, bà có thể vừa nói vừa chỉ cho cô bé một số đường nét đẹp mà nó đã làm. Khi con hoàn thành tác phẩm nầy chúng ta sẽ treo nó trong nhà tắm”. Như vậy, người mẹ cùng với con, cả hai cùng thưởng thức tác phẩm ấy và xem đó như một công trình hữu ích và quí giá.

Khi người mẹ chỉ cho cô bé thấy những đường nét nho nhỏ mà nó đã hoàn tất một cách tốt đẹp, bà đã khuyến khích cô bé tiếp tục để hoàn thành tác phẩm với một sự khéo léo tuyệt vời hơn. Chúng ta chỉ có thể gầy dựng trên ưu điểm chứ không phải trên khuyết điểm. Cần chú ý nhiều hơn đến những đường nét đẹp của tác phẩm mà cô bé đã cố gắng làm. Nhiều khi bố mẹ cũng cần phải có can đảm để nói lên những lời khích lệ con cái tiếp tục tiến bước với một kinh nghiệm mới.

Cu Long 7 tuổi vừa được mẹ cho phép mua một chiếc máy bay mà nó đã nhìn thấy ở tiệm đồ chơi, trong trung tâm mua bán đồ chơi trẻ con. “Mẹ không thể đưa con đến đó ngay bây giờ được, chúng ta sẽ đi ngày mai con ơi”, bà mẹ nói thế. “Con có thể đi bằng xe đạp”, cậu bé nài nĩ. Nhưng mẹ nó trả lời: “Con không được phép lên phố bằng xe đạp. Xe nhiều lắm con ơi”. “Con có thể lo cho con mẹ ơi. Nhiều đứa trẻ lên trên đó bằng xe đạp”. Bà mẹ thoáng nghĩ trong một phút. Bà nghĩ đến hàng loạt xe đạp mà bà thường gặp đậu ở bên ngoài tiệm đồ chơi. Bà cũng thấy hằng ngày con bà đạp xe đạp đi học và nó đã làm điều đó rất tốt, nên bà bảo: “Được, con hãy đi. Hãy mua lấy cái con thích”. Cậu bé sung sướng vội phóng nhanh ra khỏi nhà. Bà mẹ yên lặng với cảm giác lo lắng. Bà nghĩ: nó còn quá nhỏ nhưng nó không chịu học bất cứ đứa nào trẻ hơn nó. Gần một tiếng đồng hồ sau, nó phóng xe về nhà với gói đồ chơi. “Mẹ ơi, xem! Con đã mua nó”. “Cưng ơi, mẹ rất hài lòng, bà mẹ nói với nét mặt tươi cười, bây giờ thì con có thể tự đi mua đồ cho con. Như vậy không phải là tuyệt vời sao?”

Bà mẹ bé Long đã cảm thấy lo lắng nhưng bà đã khuất phục được nỗi lo sợ và đã tỏ cho thấy niềm tin của bà vào khả năng đi xe đạp của cậu bé. Cậu bé đã đáp lại niềm tin của bà một cách tốt đẹp. Người mẹ đã theo dõi kiến thức cũng như việc làm của nó. Cuối cùng bà cho phép nó được tự do hơn bằng cách hứa cho nó nhiều cơ hội để đi mua lấy những món đồ riêng của nó.

Bé Thịnh 5 tuổi, cài nút áo ấm của nó một cách lệch lạc, nhưng mẹ nó cứ để như vậy một thời gian. Một ngày kia, mẹ nó nói: “Cưng ơi, mẹ có ý kiến. Tại sao con không cài nút áo bắt đầu từ nút cuối cùng cài lên, như thế có dễ hơn không? Với nét mặt tươi vui và bằng phương cách mới, bé Thịnh đã làm theo lời đề nghị của mẹ và cảm thấy sung sướng khi cài đến hạt nút cuối cùng. Từ sự thành công của phương cách nầy, bà mẹ đã cố gắng khích lệ nó trong những vấn đề khác. Chẳng hạn, cậu bé thường treo đồ ngủ trên giá treo quần áo, nhưng vì nó treo lộn ngược, nên quần áo thường hay rơi xuống sàn nhà. Mẹ nó đề nghị: “Tại sao con không cầm lấy đầu kia và giũ nhẹ vài cái cho nó thẳng trước khi con treo vào giá”. Cu Thịnh vói lấy chiếc áo rơi và làm y như mẹ nói, đoạn treo vào giá. Nó không rơi nữa. Cậu bé cười vui vẻ và nói: “Mẹ ơi, nhìn kìa! Nó có kết quả như mẹ dạy!”

Mẹ của bé Thịnh đã tìm ra một phương pháp khuyến khích cậu bé bằng cách đề nghị với nó rằng: cách thế mà nó đã làm trước đây thì không được đúng. Bà đã dựa vào tinh thần thám hiểm và sự ước muốn tìm phương cách mới của nó. Bé Thịnh có thể nhìn thấy được kết quả từ những công việc nó làm. Bà mẹ không cần phải chỉ ra cho nó. Bà mẹ chỉ mỉm cười và ánh mắt của bà đã nói cho nó rằng bà muốn chia xẻ sự thích thú về khả năng của nó.

Những điểm trình bày trên đây cho thấy sự quan trọng của việc khích lệ, nhưng dĩ nhiên chúng ta không thể mong đợi tất cả mọi khích lệ đều mang lại kết quả. Chẳng hạn như ca tụng là một cách khuyến khích mà chúng ta thường dùng, nhưng cũng phải được dùng một cách cẩn thận. Nếu không, nó có thể gây ra những nguy hiểm như chúng ta đã gặp thấy trong một số trường hợp trên đây. Vì nếu con trẻ coi ca tụng là một phần thưởng thì thiếu nó là một sự sỉ nhục. Như vậy, nếu nó không được ca tụng trong bất cứ điều gì nó làm, nó sẽ cảm thấy mình bị thất bại. Một đứa bé như thế, sẽ làm việc với hy vọng chiếm đươc phần thưởng hơn là làm việc để thõa mãn cho sự khát vọng muốn đóng góp vào lợi ích chung. Như vậy, sự ca tụng cũng có thể đưa tới một sự thoái chí, vì nó củng cố cho quan niệm sai lầm của đứa bé là nếu nó không được ca tụng, nó không có giá trị gì.

Bố mẹ nào cũng yêu thương con cái. Nhưng cách thức mà chúng ta dùng để biểu lộ tình yêu thì không được thích hợp. Tình yêu bố mẹ dành cho con cái được biểu lộ cách tốt nhất chính là việc khuyến khích con trẻ biết sống tự lập. Chúng ta cần bắt đầu hướng dẫn chúng từ lúc mới sinh và giữ mãi suốt thời kỳ ấu thơ. Việc khích lệ được chứng tỏ bằng cách tin tưởng vào đứa bé ở mỗi giai đoạn lớn lên của nó. Cần có sự hướng dẫn của chúng ta trong mọi biến cố và mọi trường hợp trong suốt thời thơ ấu của chúng. Trẻ con cần có sự can đảm, và chúng ta có bổn phận phải giúp chúng lớn lên và phát triển một cách trọn vẹn và sung mãn.   

Lm. Lê văn Quảng, tiến sĩ tâm lý. 

(Trích trong cuốn BÍ QUYẾT GIÁO DỤC CON TRẺ THÀNH CÔNG của linh mục Lê văn Quảng, tiến sĩ tâm lý. Sách đã được phát hành và có bán tại các nhà sách công giáo)



VỀ MỤC LỤC


GIẢI ĐÁP THẮC MẮC thế nào là bị “treo chén” …


1-  Thế nào là “bị treo chén” và  “bị rút năng quyền” của một linh mục ?

2-  Người tân tòng có buộc phải “xưng tội” trước khi được rửa tội không ?

3-  Có lễ nào chỉ dành riêng cho một người xin hay không , và linh mục có được phép   soạn kinh riêng cho giáo dân đọc hay không ? 



Trả lời:

1- Về câu hỏi thứ nhất, xin được giải thích như sau:

Mọi linh mục giáo phận (diocesan priests)-  hay còn gọi là linh mục triều, sau khi được chịu chức, thường được giám mục của mình trao cho một thư bổ nhiệm (letter of  appointment) hay còn gọi là “bài sai” trong đó có liệt kê những năng quyền ( priestly faculties) được làm như:

-  Cử hành Thánh lễ Tạ ơn ( Eucharist)

-  Cử hành các bí tích rửa tội, thêm sức, hòa giải, sức dầu bệnh nhân và chứng hôn.

-  Giảng dạy giáo lý và Tin Mừng. ( Gospels)

 Như vậy, nếu không có thư bổ nhiệm trên, thì linh mục  không thể công khai ( publictly) cử hành các bí tích trên , dù mình có chức linh mục. Lại nữa, khi linh mục đang có năng quyền ở một giáo phận, đến chơi và lưu trú hơn một  tuần lễ  ở lãnh thổ thuộc giáo phận khác, thì cũng buộc phải xin năng quyền của Bản quyền địa phương,  nếu  muốn  thi hành sứ vụ linh mục như làm lễ cho bổn đạo, giải tội,  xức dầu   .v.v. Nghĩa là không phải cứ là linh mục thì đi đâu cũng đương nhiên được thì hành các tác vụ linh mục , dù mình có chức linh mục thực thụ., trừ trường hợp khẩn cấp  nguy tử  thì linh mục nào cũng được phép giải tội hay xức dầu cho bệnh nhân

( x giáo luật 987, triệt 2)

Khi một linh mục phạm lỗi gì, khiến Giám mục của mình tạm rút hay rút vĩnh viễn  năng quyền  (thí dụ  linh mục có tội về sách  nhiễu tình dục trẻ em), thì linh mục tạm thời hay vĩnh  viễn không được thi hành  mọi tác vụ linh mục ở bất cứ nơi nào trong  hay  ngoài giáo hội địa phương ( giáo phận). Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp, nguy tử, thì dù bị rút hết năng quyền, linh mục vẫn được phép giải tội và xức dầu bệnh nhân  như  nói  ở trên..

 Giáo dân Viêt Nam vẫn quen nghe nói linh mục bị “treo chén” nhưng đúng hơn phải nói theo giáo luật là “bị rút năng quyền.”

Treo chén hay rút năng quyền ( suspension of faculties) hay nói theo giáo luật là  bị vạ huyền chức = suspension of faculties . (giáo luật số 1333)  đều có nghĩa là linh mục tạm thời hay vinh viễn không được thi hành tác vụ  linh mục ( priestly  ministries) như giảng dạy, làm lễ, rửa tội ,thêm sức, giải tội, xức dầu bệnh nhân và chứng hôn công khai ở đâu, trừ trường hợp khẳn cấp nguy tử của bệnh nhân thì linh muc  vẫn phải làm nhiệm vụ, dù đang bị “rút năng quyền”.

Riêng các linh mục Dòng, nếu muốn thi hành tác vụ linh mục  trong phạm vi một giáo phận  thì,  ngoài năng quyền  do Bề Trên Dòng  trao cho, cũng phải xin năng quyền nơi Bản quyền địa phương ( giáo phận)  nếu muốn làm mục vụ ở địa phương đó,  theo đề nghị  của Bề Trên Dòng liên hệ.Khi năng  quyền  này bị rút thì cũng không được phép thi hành năng quyền nơi cấp phát nữa. 



tải về 0.58 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương