Bán nguyệt san – Số 208 – Chúa nhật 27. 10. 2013



tải về 499.54 Kb.
trang3/4
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích499.54 Kb.
#17748
1   2   3   4
 
 YÊU THẬT – MẤY AI?

 


Mẩu Bút Chì



(Trích tập san ghxhcg tập 9)

Những ngày đầu tháng 7 tại Huế 

Xã hội ngày nay tràn ngập sự giả dối: hàng giả, học vị giả, đám cưới giả (chồng giả, vợ giả!); công ty ảo, tài chánh ảo, vinh hoa ảo; sống hình thức bề ngoài, xã giao hình thức bề ngoài, và… xây cất cũng hình thức bề ngoài nốt! Tình hình đó khiến lòng người cứ nơm nớp, hoang mang với hai xu hướng: Một là cảnh giác, e dè, thậm chí sợ hãi sự dối trá lọc lừa; hai là thèm được “gặp” cái thật, “ở chung” với “người thật, việc thật”. Thế nhưng mấy ai quyết chí SỐNG theo sự thật, TÌM KIẾM sự thật và XÂY DỰNG sự thật? 

Mấy ai” nghĩa là vẫn có, vẫn còn những “ai” – dù ít nhưng có. “Mấy ai” ấy phải mang trong mình một tình yêu rất thật, xuất phát từ Đấng Tối Cao, đủ mạnh để vượt qua tuổi tác, khó nghèo, và đủ thứ ngăn trở khác. 

Tôi biết một linh mục già, đã quá tuổi “thất thập cổ lai hy” mà vẫn miệt mài ngược xuôi phổ biến giáo huấn xã hội của Giáo Hội, mong muốn xây dựng một xã hội lành mạnh, tôn trọng phẩm giá con người và trật tự luân lý. 

Tôi biết một linh mục trẻ, vì nhiệt huyết rao giảng Tin Mừng, đã không ở yên nơi thâm nghiêm kín cổng cao tường mà can trường bước ra chốn đầu sóng ngọn gió, đứng mũi chịu sào. 

Tôi còn biết nhiều linh mục khác, có tuổi cũng như trẻ tuổi, thương mến giáo dân vô cùng. Có vị ra tận ngõ đón đợi giáo dân (làm tôi cứ nhớ đến người cha nhân hậu trong dụ ngôn Tin Mừng), để mà truyền dạy hết lòng những bài học quý báu cho dù giữa trưa hè oi ả. Có vị “chẳng có gì làm của” ngoài sự khó nghèo, nhưng hễ được ai biếu món gì ngon lại gói ghém đem cho giáo dân, bề ngoài khiêm nhu hết mực nhưng bề trong lại chứa đựng một ý chí rất kiên cường. Có vị “tuổi đời còn mênh mông” nhưng dấn thân cho công lý, cho người nghèo không hề mệt mỏi, cho dù lắm lúc phải “tróc vẩy, trầy vi”. 

Tôi biết có những tu sĩ nam nữ âm thầm trong đời sống khó nghèo, mai danh nhưng không ẩn tích, mà hòa vào dòng đời lắm lúc như những đợt sóng dữ. Ngày ngày la cà ở các bờ kênh hôi thối hay các khu nhà ổ chuột, lân la trò chuyện, đánh bạn với các trẻ đánh giầy hay bán bánh mì, vé số. Các vị ấy cũng làm thân với các cô gái phải bán thân để nuôi gia đình, hoặc những người mang những căn bệnh bị xã hội hất hủi rẻ khinh, để rồi trong ơn Chúa, tìm cách băng bó những mảnh đời bất hạnh, những tâm hồn tan nát ấy. 

Đâu đó trong cuộc đời, tôi gặp những con người rất thành đạt, có học vị, có lợi danh. Nhưng họ lại làm tôi ngỡ ngàng, ngạc nhiên quá đỗi khi họ sống quá giản dị, đơn sơ. Họ làm việc hối hả để cống hiến cho đời. Họ như sợ những tháng ngày của đời người lướt qua như bóng câu qua cửa sổ. Và tôi cũng gặp những con người có cuộc sống thật túng thiếu, khó khăn, nhưng trái tim thật quảng đại. Họ như nhận ra Chúa mượn đôi chân họ để đến với tha nhân, mượn đôi tay họ để chăm sóc người nghèo. Đó là những người thật đáng kính trọng!

Sẽ là thiếu sót nếu chỉ thán phục, ngợi  khen những con người đáng mến ấy mà không nhắc đến những bậc làm cha mẹ, những người vợ, người chồng hay những người con đang âm thầm cổ vũ những hành vi đẹp, những hy sinh quên mình cho tha nhân. Họ hết thảy đều mang trong mình một tình yêu rất thật, rất đẹp, lấp lánh dung mạo của Thiên Chúa Tình Yêu. 

Chẳng “mấy ai” nhưng nếu có kể cũng không cùng.

Tôi cũng biết một “chuyện tình” giữa những tâm hồn đồng điệu thật đẹp: “Mấy ai” Sài Gòn đi tìm “mấy ai” Huế để nối rộng vòng tay. Chỉ có bấy nhiêu mà sao như cảm thấy cả đất trời và lòng người đều nao nao xúc động. 

Cơn mưa Huế bất chợt giữa mùa hè nóng bức như rửa trôi những căng thẳng, lo âu của lòng người, trả lại cho Huế cái nhẹ nhàng, lắng sâu. Cơn mưa như phép màu, như cái ôm hôn nhẹ nhàng của Chúa Cha nhân từ dành cho những đứa con bé nhỏ. Cơn mưa giữ chân người ở lại cùng nhau, để bày tỏ những điều cần thiết, để cởi mở và kết liên. 

Rồi bữa cơm chia tay, cơn mưa lại đến, nhũn nhặn, nấn ná, để bầu khí trò chuyện càng thân tình. Bao nhiêu xúc động, suy tư, bao nhiêu trải nghiệm tuôn trào. Huế - Sài Gòn bắt tay nhau, nối kết nên một. 

Sống cho sự thật vốn đã khó, yêu thật giữa dòng đời dối trá này lại càng khó hơn. Trong niềm tin tôn giáo, tôi tin tình yêu ấy đến từ trời: Một “tình yêu tay ba mang hình Thập Tự”, như tình yêu giữa Huế - Thiên Chúa - Sài Gòn. 

Tôi luôn tin rằng mọi Tình Yêu chân chính bền vững – giữa cá nhân với cá nhân, tập thể với tập thể - đều phải có sự hiện diện của Chúa, Ngài ở giữa. Ngài là chất keo nối kết tuyệt vời.

VỀ MỤC LỤC


SỐNG SỰ THẬT NÂNG CAO PHẨM GIÁ



Cát Minh

Người ta kể lại rằng em về trung tâm này trong một bộ dạng “chẳng giống ai”: đen đủi, ốm tỏng ốm teo, chân đi lòng khòng, còn giọng nói thì tiếng được tiếng mất…

Thưở còn thơ, cha bỏ ba mẹ con em từ khi em chưa chào đời. Mấy mẹ con dắt díu đầu đường xó chợ xin ăn. Rồi mẹ và người em gái cũng bỏ em mà ra đi mãi mãi. Em chẳng nhớ nổi mặt mẹ, cũng chẳng nhớ người đã cưu mang em trong những ngày sống lang thang ấy. Người ta đưa em về đến trung tâm này, tưởng rằng từ đây cuộc đời em sẽ được bù đắp những thiếu thốn, con đường tương lai em rộng mở phía trước. Khốn thay, người ta xử lý với những ngỗ nghịch trẻ con của em bằng roi đòn, bằng sự quát nạt, nhục mạ. Phòng của chú bảo vệ là nơi trú ngụ an toàn của em sau những trận đòi roi. Rồi thì những hứa hẹn ban đầu của nơi ấy cũng chẳng níu chân em được.

Em bỏ đi, đi lâu tới nỗi người ta gạch tên em trong sổ hộ khẩu của trung tâm mà chẳng cần truy tìm xem em đang phiêu bạt nơi nào, cũng chẳng cần xét đến việc ấy có ảnh hưởng tới tương lai sau này của em ra sao. Rồi giấy chứng minh nhân dân – thứ giấy tờ hợp pháp còn lại cuối cùng chứng minh với xã hội rằng em là công dân chính hiệu nước Việt Nam – cũng thất lạc đâu đó. Bao năm nay em đi tìm xin (!) cho mình quyền được là công dân hợp pháp, thứ trước đây em đã có, tìm hoài tìm hủy mà chưa được. Em nói sự thật về bản thân mình, tìm đủ cách để chứng minh cho người ta biết rằng “người thật, việc thật” là đây, nào có mấy người tin; nhưng không tin cũng vẫn còn đường: Người ta nói rằng giả như em có tiền thì sự thể đã khác. Vậy mới biết rằng ở trên đời này, có nhiều thứ được giải quyết bằng lòng tin, nhưng cũng có vô số thứ chỉ cần tiền, có nhiều tiền, là đủ, là có thể “biến không thành có, có thành không”. 

Em lấy vợ, vợ em xinh xắn, giỏi giang. Gia đình vợ em từ mặt hai vợ chồng em vì họ không muốn gả con gái mình cho một đứa “khố rách áo ôm”, không cha không mẹ như em. Em nghèo khổ, em không cha không mẹ, điều đó là thật, nhưng còn một sự thật khác quan trọng hơn: em là người hiền lành, tốt bụng, luôn nỗ lực kiếm tiền bằng sức lao động của mình và trên hết là hai vợ chồng em yêu thương nhau hết mực. Người ta đã chẳng thấy sự thật ấy, và vì vậy, người ta không cho em cơ hội được nhìn nhận đúng với phẩm giá của mình. 

Em muốn sự thật về bản thân mình được nhìn nhận như bao người khác. Không biết trên đường đời muôn nẻo em sẽ xoay sở thế nào. Cầu xin ơn trên cho em vẫn vững tin vào những điều thật và được sống trọn vẹn với sự thật về mình, để phẩm giá em được nhìn nhận đúng nghĩa và trở nên tròn đầy hơn. 



(Trích tập san GHXH tập 9)

VỀ MỤC LỤC


ĐƯỢC SAI ĐI


Tôi vừa trở lại thành phố sau những ngày tham dự một lễ hội tạ ơn ở Pleikly. Pleikly, một vùng đất cách thành phố Pleiku vào khoảng 80 cs theo quốc lộ 14 về hướng Buôn Ma Thuột. Lễ hội mừng 50 năm khấn dòng của các Cha Giuse Trần Sĩ Tín CSsR. và Phêrô Nguyễn Đức Mầu CSsR., Hai cha là hai trong các thừa sai 44 năm trước đến Pleikly, sống và loan báo Tin Mừng ở nơi đây (1963 -2013). 

Câu chuyện về 44 năm trước đấy tính lãng mạn và hào hùng, nhưng nghe đôi dòng sử liệu về công cuộc loan báo Tin Mừng thì chúng ta lại thấy lộ rõ đàng sau niềm vui là chất bi ai của sự gian nan khốn khó. 

Ngày 10 tháng 10 năm 1963, Đức Cha Paul Seizt lấy chiếc xe Jeep cùng các thừa sai DCCT. đến Pleikly, bỏ các vị thừa sai xuống giữa làng mạc của núi rừng, ngài mở sách Phúc Âm tuyên đọc đoạn Tin Mừng Lc. 10, 1 - 6, đọc xong ngài chúc lành cho các thừa sai rồi lên xe đi về lại Kontum. Các thừa sai ở lại, ngơ ngác vào làng, và bắt đầu môt cuộc sống nên người J’rai vì người J’rai. Hơn 20 năm làm người J’rai, sống, làm việc, buồn vui với bản làng, mồ hôi, nước mắt cả mạng sống nữa (thầy Marco Đàn đã bị bắt, bị giết chết). Cuối thập niên 80, sau biến cố tuyên phong các Thánh Tử vì đạo tại Việt Nam, người J’rai nhận biết Chúa, từ đó khắp núi đồi sông suối vang lời tuyên xưng đức tin, hạt giống Tin Mừng nảy nở mạnh mẽ trên vùng đất J’rai.

Tham dự đêm diễn nguyện, nhìn anh em tôi, nhìn đồng bào J’rai ca hát nhảy múa, hồn nhiên và mạnh mẽ, tôi cảm nhận sức sống Tin Mừng tuôn tràn trên mảnh đất cao nguyên, ánh lửa bập bùng, tiếng cống chiêng nhịp nhàng, những vũ điệu giản đơn chan chứa tình người, người J’rai cuốn mình vào bầu khí thờ phượng, đơn sơ mà mãnh liệt. 

Thánh lễ tạ ơn cử hành giữa đất trời, gió sáng se lạnh, ánh dương lên ấm áp theo lời kinh, tiếng cồng chiêng vang vọng núi đồi, cộng đoàn đức tin cử hành phụng vụ sống động, họ đong đưa theo điệu nhạc rừng, ánh mắt đầy tin yêu, bập bùng bập bùng, vang lên không dứt. 

Sau Thánh lễ, anh chị em chia nhau từng gói xôi, từng miếng thịt, hơn 5.000 người không hề xảy ra giành giật, không ai lấy hai phần, không ai không có phần. Xôi và thịt gà đươc gói lại để thành một đống, cứ vậy từng người đến lấy, không xếp hàng nhưng không xô đẩy, thừ tự một cách lạ lùng, không cần điểm danh, không cần phân biệt đoàn này đoàn kia. Ăn xong, anh chị em quây quần soan (múa thờ phượng Chúa), một vòng tròn, thêm một vòng tròn nữa, thêm một vòng nữa, … không ai bảo ai, không ai nhắc ai, trật tự lạ lùng, họ cầu nguyện bộc phát, chân thành, đơn sơ, nồng nàn, tha thiết … 

Những người đến từ thành phố ngẩn ngơ nhìn anh chị em J’rai sống đức tin, cử hành đức tin, tuyên xưng đức tin, làm chứng đức tin,…. thật sống động.  Rồi tự hỏi “ai truyền giáo cho ai ?”. Họ đi bộ hàng chục cây số, có người trên 100 cs, họ ngủ ngoài trời, co ro trong những chiếc khăn khoác, đỏ lửa điều thuốc trên môi, các sơn nữ điệu đàng trong áo váy ngày hội, kết thêm vài dải tua cho hợp thời trang, khúc khích cười chúi vào nhau đi thành từng đám. Nhưng những con người có vẻ lầm lì ít nói đó lại là những chứng nhân, họ sẵn sàng bất cứ lúc nào để nói về niềm vui được Chúa cứu, nỗi hạnh phúc được làm con Chúa, niềm hy vọng và lòng tạ ơn. Họ làm chứng chân thành, đơn sơ và dung dị. Mấy ai là người văn mình thành phố có được hạnh phúc này ? 

Nhìn các Cha ca hát cùng con cái, nhảy múa cùng con cái, hồn nhiên cùng con cái, Tin Mừng như toát ra từ chính những cái “cùng” đó. Lạ lùng, 44 năm trước, những người trai trẻ ngoài 20 tuổi, vừa tuyên khấn được 6 năm, bỡ ngỡ trước một nếp sống không hề được biết trước, chẳng có kế hoạch, chẳng có nghiên cứu xã hội, chẳng có phương tiện nào trong tay, chỉ có Chúa, chỉ có Tin Mừng, chỉ có tâm hồn tận hiến. Tin Mừng từ chính cuộc sống, từ trong lòng người, trong lòng cộng đồng dân Thiên Chúa. 

Nhìn vào cộng đồng anh chị em J’rai hôm nay, chúng ta có thể hy vọng vào ngày mai, cái ngày mai của Chúa Thánh Thần tự do và sáng tạo. Bài đọc hai trong lễ Chúa nhật 28 Thường niên C, trích từ thư thứ hai của Thánh Phaolô gởi cho Timôtê có câu: “Vì Tin Mừng đó mà cha phải đau khổ đến phải chịu xiềng xích như một kẻ gian ác, nhưng lời của Thiên Chúa đâu có bị xiềng xích!” Không ai có thể ngăn được lời Chúa, không ai có thể xích xiềng được lời của Ngài, Thần Khí sáng tạo và ban sự sống. 

Lm. Vĩnh Sang, dcct.

12/10/2013



VỀ MỤC LỤC

ĐỐI THOẠI NĂM ĐỨC TIN - THIÊN CHÚA CÔNG BẰNG NHÂN TỪ VÀ HÌNH PHẠT HỎA NGỤC- VẤN ĐỀ 14 :

 

 



VẤN ĐỀ 14 : Nói rằng Thiên Chúa là Đấng công bằng và nhân từ vô cùng. Vậy tại sao Ngài lại nhẫn tâm phạt những người chỉ phạm một tội trọng trong giây lát, phải chịu hình khổ hỏa ngục đến muôn đời ?

 

TRẢ LỜI :

 

I. HỎA NGỤC LÀ MỘT THỰC TẠI CHẮC CHẮN :

Giáo hội không bày ra hỏa ngục để dọa những người dễ tin, làm cho họ sợ hãi mà sống ngay lành như có người lầm tưởng. Quả thực Hỏa ngục là một thực tại  mà chính Đức Giê-su và các Tông đồ đã nhiều lần nhắc đến:

- Đức Giê-su nói về hỏa ngục như sau :  “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; Thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; Thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hỏa ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; Thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt” (Mc 9,43-47).

- Đức Giê-su cũng hứa thiên đàng với người trộm lành trên cây thập tự : “Tôi bảo thật anh : Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43). Trong dụ ngôn người phú hộ và người nghèo La-gia-rô, Đức Giê-su nói đến số phận của hai người thật khác nhau : người nghèo khó La-gia-rô được đưa vào trong lòng ông Ap-ra-ham trên thiên đàng, còn người phú hộ phải vào trong âm phủ để chịu cực hình (x. Lc 16,22-23). Thánh Phao-lô cũng đề cập đến thiên đàng trong thư gửi giáo đoàn Co-rinh-tô như sau : “Điều mắt chúng ta chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, lòng chưa hướng tới, đó là những gì Thiên Chúa đã chuẩn bị cho kẻ yêu mến Ngài” (1 Cr 2,7-10)

Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy về thiên đàng như sau : Ai chết trong ân sủng và tình nghĩa với Thiên Chúa, ai hoàn toàn được thanh luyện sẽ sống muôn đời với Đức Ki-tô. Họ luôn luôn giống Thiên Chúa, vì họ đã thấy Ngài như Ngài hiện hữu, mặt đối mặt như thư thánh Gio-an : “Chúng ta biết rằng, khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người. Vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3,2 b)… Mầu nhiệm này vượt quá mọi hiểu biết và có một số hình ảnh biểu trưng như sau : sức sống, ánh sáng, bình an, tiệc cưới, rượu thiên quốc, nhà Cha, Giê-ru-sa-lem trên trời, thiên đàng… (GLCG  số 1023-1029).

- Như vậy, chắc chắn có hỏa ngục và hình phạt trong hỏa ngục thì kéo dài đời đời như lời Đức Giê-su đã nói : “Lửa đời đời, lửa không hề tắt”. Và những người bị đày trong hỏa ngục phải chịu 2 thứ khổ hình : Về tinh thần : Bị lương tâm cắn rứt vì phải lìa xa Thiên Chúa muôn đời. Về thể xác : Phải chịu hình khổ thiêu đốt giống như lửa hồng nung nấu và “Ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng” (x. Mt 22,13).

Những hình khổ vừa nói thực nặng nề khủng khiếp. Nhưng có người đặt vấn đề : tại sao Thiên Chúa là Đấng công bằng và nhân từ vô cùng lại nhẫn tâm phạt xuống hỏa ngục đời đời, đang khi con người chỉ phạm một tội trọng trong chốc lát ?

 

II. HỎA NGỤC KHÔNG TRÁI VỚI ĐỨC CÔNG BẰNG VÀ NHÂN TỪ CỦA THIÊN CHÚA :



- Hỏa ngục sẽ là bất công nếu người bị đầy xuống đó chỉ vì phạm những tội nhẹ, hoặc phạm tội nặng nhưng do nhẹ dạ và vô ý thức:

Nhưng thực ra không phải vậy: chỉ những kẻ phạm tội nặng, nghĩa là những người biết rõ ràng đó là tội nặngcố tình từ chối lời nhắc bảo của Thiên Chúa qua tiếng nói lương tâm và nhiều người thân… Có sự tự do chứ không bị ép buộc để làm điều xấu và có thái độ cố chấp không chịu hồi tâm hối cải… thì mới phải chịu hình phạt hỏa ngục.



- Hỏa ngục sẽ là bất công nếu người bị đầy xuống đó không được cảnh báo trước:

Nhưng thực ra không phải vậy: Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài là Đức Giê-su xuống thế để dạy loài người biết được con đường dẫn đến sự sống đời đời. Đức Giê-su đã thiết lập Hội Thánh để loan báo Tin Mừng khắp thế gian, giúp loài người nhận biết tin thờ Thiên Chúa và sông theo con đường của Thiên Chúa để được ơn cứu độ. Trong dụ ngôn về người nhà giàu bị phạt trong hỏa ngục đã ghi lại câu nói của tổ phụ Áp-ra-ham cho thấy chỉ những người cố chấp mới phải chịu hình phạt hỏa ngục như sau: “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin” (Lc 16,31). Gần đây trong buổi triều yết chung ngày 28 tháng 7 năm 1999, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: “Hỏa ngục chỉ tình trạng của những người tự do và cố ý tự tách rời khỏi Thiên Chúa, nguồn của mọi sự sống và niềm vui”. Nói cách khác, người ta chỉ có thể vào hỏa ngục khi người ta muốn, và do đó không mâu thuẫn gì đến chân lý Thiên Chúa là Tình Yêu.

Còn những ai khi còn sống trên trần gian không được nghe giảng Tin Mừng của Đưc Giê-su, nhưng vẫn theo lương tâm ăn ngay ở lành, thì Chúa sẽ lo liệu cho họ có đủ phương tiện cần thiết để tin nhận Người vào giờ sau hết, và sẽ được Chúa phán xét công minh theo lương tâm ngay lành của họ.

- Hỏa ngục sẽ là bất công, nếu con người không được ơn Chúa trợ giúp :

Nhưng thực ra không phải vậy: Thiên Chúa là Cha vô cùng nhân hậu, là tình yêu tuyệt đối, đã ban cho mọi người những ơn cần thiết để họ được ơn cứu độ như thánh Phao-lô dạy :  “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ, và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Nơi khác ngôn sứ Ê-giê-ki-en đã tuyên sấm lời Đức Chúa: “Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết. Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó  mà được sống sao ?” (Ed 18,23). Thánh Phêrô cũng viết: “Chúa kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (2 Pr 3,9).

 

TÓM LẠI

 

PHÚT HỒI TÂM :



LỜI CHÚA : Thánh Phê-rô dạy : “Anh em thân mến, một điều duy nhất xin anh em đừng quên : đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày. Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải. Nhưng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu hủy” (2 Pr 3,8-10).

 

LỜI CẦU : Lạy Chúa Cha giàu long từ bi thương xót. Cha đã sai Con Cha là Đức Giê-su đến dạy dỗ loài người chúng con nhận biết Cha. Đã hy sinh chịu chết trên thập giá để đền tội thay và sống lại để ban ơn cứu độ cho chúng con. Xin cho chúng con biết đi theo con đường hẹp và sống tình mến Chúa yêu người của Đức Giê-su để sau này được về trời hưởng hạnh phúc muôn đời với Cha. Xin đưng để chúng con cố chấp nghe theo ma quỷ để làm điều gian ác, hầu tránh hình phạt hỏa ngục, nơi dành cho ma quỷ và nhưng ai theo chúng. - AMEN.

 

LM ĐAN VINH - HHTM

 

PHỤ CHÚ :



CÓ LUYỆN NGỤC KHÔNG ?

Luyện ngục là môt tình trạng, trong đó những linh hồn chết trong ơn nghĩa Chúa, nhưng chưa thánh thiện đủ để được hưởng kiến thánh nhan Thiên Chúa, nên cần được thanh luyện cho sạch mọi tì vết tội lỗi trước khi được Chúa cho về thiên đàng. Đây không những là một điều hợp lý theo sự khôn ngoan và đức công bình của Thiên Chúa, mà còn là một chân lý đức Tin dựa trên Lời Chúa trong Thánh Kinh và được Hội Thánh xác nhận như sau :



1. CÁC BẰNG CHỨNG VỀ LUYỆN NGỤC :

a) Thánh Kinh Cựu và Tân Ước:

- Câu chuyện về một Thủ lãnh dân Do Thái là ông Mác-ca-bê: Sau khi chiến thắng quân thù, do tin có sự sống lại của những kẻ đã chết, nên đã quyên góp được một số tiền gửi về Đền Thờ Giê-ru-sa-lem xin dâng lễ đền tội cầu cho các chiến binh tử trận. Tác giả Sach Thánh thuật lại như sau : “Ông Giu-đa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền và gửi về Giê-ru-sa-lem để xin dâng lễ đền tội cho họ; Ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mcb 12,43–46).

- Đức Giê-su cũng ám chỉ phần nào về tình trạng luyện ngục khi Người nói : “Thầy bảo thật cho anh biết : Anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng” (Mt 5,26).

- Dựa vào những đoạn Thánh Kinh nói trên, ta có thể biết được: phải có một tình trạng gọi là luyện ngục, trong đó những linh hồn chưa được lên trời vì còn tội phải đền, hoặc những linh hồn tuy không bị hình phạt hỏa ngục vì không theo ma quỷ để phạm tội chống lại Thiên Chúa, bị giam cầm cho tới khi đền tội xong hoặc được thanh tẩy hết mọi bợn nhơ tội lỗi.



b) Giáo huấn Hội Thánh trong các Công Đồng: Chân lý có luyện ngục đã được Hội Thánh xác định trong nhiều giáo huấn Công Đồng Chung như sau :

- Công đồng Lyon (1245 và 1247), Công đồng Florence (1438-1445), và nhất là Công đồng Trentô (1545-1563) trong khóa 6, số 22 và 25  dạy rằng: "Ai dám quả quyết sau khi được ơn thánh sủng, tội lỗi được tha và hình phạt đời đời được xóa bỏ cho các hối nhân, và không có hình phạt tạm bởi tội ở đời này cũng như trong luyên ngục trước khi cửa Thiên đàng được mở, thì kẻ ấy phải vạ tuyệt thông". 

- Công đồng Trentô khóa 25, ngày 4 tháng 12 năm 1563 tuyên ngôn thêm: "Giáo hội Công Giáo được Chúa Thánh Thần dạy, theo các văn kiện và truyền thống xa xưa của các Giáo phụ, và mới đây trong Công đồng này dạy rằng: Có luyện ngục, và các linh hồn được thanh tẩy tại đó, được giúp đỡ nhờ những lời cầu nguyện của các tín hữu, và nhất là do công nghiệp Thánh lễ Misa".  

- Công đồng Vaticanô II (năm 1962-1965) trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội đã tuyên ngôn:  "Cho tới khi Chúa ngự đến trong uy nghi, có tất cả các thiên thần theo Người, và khi sự chết bị hủy diệt, mọi vật đều qui phục Người, thì trong số các môn đệ Chúa, có những kẻ còn tiếp tục cuộc hành trình nơi dương thế, có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống này và đang được tinh luyện, và có những kẻ được hiển vinh đang chiêm ngưỡng rõ ràng chính Thiên Chúa duy nhất trong Ba ngôi như Ngài hằng có" (GH 49) 

2. VỀ CÁC HÌNH PHẠT TRONG LUYỆN NGỤC VÀ SỰ TRỢ GIÚP :

a) Các linh hồn bị giam cầm trong luyện ngục phải chịu những hình phạt đau khổ không rõ như thế nào. Nhưng có lẽ đau khổ nhất là bị xa cách Thiên Chúa. Tuy vậy, họ cũng vẫn vui mừng trông cậy vào Chúa sẽ tha thứ và nhờ đó họ sẵn lòng chịu đau khổ để được thanh luyện cho đến khi nên thanh sạch hoàn toàn để được về thiên đàng hưởng Nhan Thánh Chúa.

b) Ngoài ra, các linh hồn đang bị thanh luyện trong luyện ngục cũng được hưởng những việc lành phúc đức của các tín hữu còn sống theo tín điều Các Thánh Thông Công. Chân lý này an ủi những người còn sống có người thân qua đời, vì họ vẫn có thể giúp đỡ các linh hồn ấy bằng việc thực hiện các việc bác ái từ thiện, bằng lời cầu nguyện hy sinh, hưởng các ân xá và thi hành những việc đền tạ nhất là bằng việc dâng thánh lễ cầu nguyện cho các người thân qua đời. Bù lại, các linh hồn nơi luyện ngục cũng có thể cầu nguyện cho chúng ta. "Đó là lý do tại sao ông Giuđa Macabê đã truyền phải dâng hy lễ đền tội này cho các người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi của mình"  (2 Mcb 12,46).

c) Sau cùng, tình trạng luyện ngục cũng chỉ tạm thời mà thôi. Đến ngày tận thế, sau khi thân xác mọi người đã chết đều được Chúa dùng quyền năng cho sống lại để chịu phán xét chung thì bấy giờ sẽ chỉ còn hai tình trạng là thiên đàng và hỏa ngục mà thôi.



: Chúng ta có thể quả quyết: Thiên Chúa không phạt bất cứ ai phải xuống hỏa ngục, nhưng chính tội nhân đã tự đày mình vào hỏa ngục, khi cố tình làm ác và không chịu hồi tâm sám hối trở về làm hòa với Chúa, như Đức Giêsu đã nói về tội cứng lòng của các kinh sư Do thái vì họ đã nói Đức Giê-su bị thần ô uế ám : “Thầy bảo thật anh  em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời” (Mc 3,28-29). Tội cứng lòng là tội chống lại ơn thánh hóa của Chúa Thánh Thần khiến họ sẽ bị phạt trong hỏa ngục : “Vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành” (Mt 13,14-15).
VỀ MỤC LỤC

Tôi là nhà trí thức sao? 

Lm. Minh Anh chuyển ngữ



Nguyên tác: Taking Flight - Bay Lên Đi

Tác giả: Anthony de Mello, S.J.
Chỉ dẫn:

Tốt nhất, các câu chuyện sẽ được đọc theo thứ tự như đã sắp xếp. Mỗi lần đọc không quá một hoặc hai mẩu chuyện nếu bạn ước ao có được một cái gì đó hơn là chỉ giải trí.



Lưu ý:

Các chuyện kể trong tập sách này đến từ nhiều đất nước, nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác nhau; chúng thuộc về những di sản thiêng liêng, những câu chuyện hài hước được ưa chuộng của dòng đời nhân loại.

Những gì tác giả làm là xâu kết chúng lại với nhau theo một ý hướng đặc thù. Công việc của tác giả là công việc của người thợ dệt và thợ nhuộm, tác giả chẳng có công trạng gì về những tấm vải và những sợi chỉ.

LTS. Chỉ dẫn và lưu ý trên đây là của tác giả. Tuy nhiên, vì Đặc San GSVN chỉ phát hành 2 tuần một lần nên mỗi số báo BBT xin giới thiệu trung bình từ 5 đến 7 mẫu chuyện. Bạn đọc có thể lưu lại để nghiền ngẫm suy tư.
Chủ đề : CHÂN LÝ
224. Tôi là nhà trí thức sao? 

Chân lý không được tìm thấy trong công thức… 

Một người đàn ông đang uống trà với bạn trong nhà hàng. Anh chăm nhìn ly trà hồi lâu rồi chậm rãi thở dài và nói, “Này, cuộc đời giống như một tách trà”. 

Người bạn ngẫm nghĩ một lúc, chăm chú nhìn tách trà của mình hồi lâu và hỏi, “Tại sao, tại sao cuộc đời lại giống một tách trà?”. 

Anh ta trả lời, “Làm sao tôi biết được? Tôi là nhà trí thức sao?”. 

ڰ  

225. Chừng nào có thể 

hoặc trong những con số… 

“Hỡi bị cáo”, chánh án nói, “Ông phạm đến hai mươi ba điều khoản. Vì thế, thời hạn cầm tù của ông tổng cộng là một trăm bảy mươi lăm năm”. 

Bị cáo là một ông lão. Ông bật khóc. Gương mặt chánh án dịu lại. “Tôi không có ý gay gắt”, ông nói, “Tôi biết án phạt mình đưa ra là một án phạt rất nghiêm trọng. Thực sự ông không phải thụ án toàn bộ”. 

Mắt tù nhân sáng lên niềm hy vọng.  

“Đúng thế”, thẩm phán bảo. “Ông chỉ thụ án chừng nào ông có thể!”. 

ڰ 

226. Hai lần hai mươi lăm  

Một giám mục ra chỉ thị, những bà giúp việc cho các linh mục phải ít nhất là năm mươi tuổi. Khi đi thăm địa phận, ngài ngạc nhiên thấy một linh mục nghĩ mình đã giữ luật bằng cách nuôi hai cô nội trợ, mỗi cô hai mươi lăm. 

ڰ  

227. Đặt tên cho con 

cũng không được tìm thấy trong danh tính… 

Đã đến lúc đặt tên cho con đầu lòng, đôi vợ chồng nọ bắt đầu cãi nhau. Cô muốn đặt tên cháu theo tên ông ngoại; anh lại muốn đặt tên cháu theo tên ông nội. Cuối cùng họ phải nhờ kinh sư giải quyết vụ tranh cãi. 

“Tên của cha anh là gì?”, kinh sư hỏi người chồng.

“Abijah”.

“Và tên của cha chị là gì?”, ông hỏi người vợ.

“Abijah”.

“Vậy thì sao lại có vấn đề?”, giáo sĩ bối rối hỏi. 

“Thưa ngài, ngài thấy đấy”, người vợ thưa, “Cha con là một học giả và cha của anh ta là một tên ăn cắp ngựa. Làm sao con có thể để con trai mình mang tên của một người như thế được?”. 

Kinh sư suy nghĩ cẩn thận vì đây thực sự là một vấn đề tế nhị. Ông không muốn ai trong hai người cảm thấy mình thắng hay thua.  

Cuối cùng, ông nói, “Đây là điều tôi đề nghị. Hãy gọi thằng bé là Abijah. Rồi chờ xem liệu nó có trở thành một học giả hay một tên trộm ngựa hay không và anh chị sẽ biết nó được đặt tên theo ai”. 

ڰ 



228. Bán xe 

hay trong những biểu tượng… 

“Ta bảo con bán chiếc xe đạp của con đi”.

“Con bán rồi”.

“Con bán bao nhiêu?”

“Ba mươi đô”.

“Đó là một giá hợp lý”.

“Dạ đúng. Nhưng nếu con biết người mua sẽ không trả tiền cho con thì con sẽ đòi ông ta gấp đôi”. 

ڰ  

229. Tôi sẽ được tăng lương? 

cả trong lý thuyết… 

Vừa dự xong một buổi họp khích lệ sản xuất, một quản lý nhân viên vào văn phòng bảo trợ lý, “Từ nay anh được phép lên kế hoạch và tự kiểm soát công việc của mình. Điều đó sẽ làm tăng năng suất, tôi đảm bảo thế”. 

“Tôi sẽ được tăng lương?”, trợ lý hỏi.

“Không, không. Tiền bạc không phải là lý do kích thích chúng ta và anh sẽ chẳng hài lòng khi được tăng lương đâu”. 

“Ồ, nếu sản lượng tăng, lương tôi sẽ tăng chứ?”.

“Này”, quản lý nói, “Rõ ràng anh chưa hiểu lý thuyết động lực sản xuất. Hãy mang cuốn sách này về nhà và đọc; nó sẽ giải thích điều gì thực sự thôi thúc anh”. 

Khi đi ra, anh ta dừng lại và nói, “Nếu đọc cuốn sách này, tôi có được tăng lương không?”. 

ڰ  

VỀ MỤC LỤC


 TÔNG HIỆU

        



TÔNG HIỆU

 Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ



Vào Lúc 20 giờ 12 ngày 13 tháng 3 năm 2013 (giờ Rôma), Đức Hồng Y Jean Louis Tauran tuyên bố: “Annuntio vobis gaudium magnum: Habemus Papam; Eminentissimum ac reverendissimum Dominum, Dominum Jorge Mario, Sanctæ Romanæ Ecclesiæ Cardinalem Bergoglio, Qui sibi nomen imposuit Franciscum. " (Tôi thông báo cho anh chị em một niềm vui lớn lao: Chúng ta đã có một vị giáo tông! Người khả kính và đáng tôn trọng của Thiên Chúa, Jorge Mario, Đức Hồng Y của Hội Thánh Rôma, Bergoglio, ngài sẽ gọi mình là Phanxicô). Đa số các bản tin tiếng Việt đều dịch “Nomen pontificale” là tên gọi, tông hiệu.... Vậy Nomen pontificale phải dịch thế nào?

 1. Nghĩa của Nomen pontificale (Tiếng Anh: The pontifical name).

 1.1. Nomen: (dt.) Một chữ, từ hay nhóm chữ dùng để gọi người, nơi chốn, hay sự vật, tên gọi.

 1.2. Pontificalis: (tt.) Thuộc về đức thánh cha, thuộc về Chúa, thuộc về giám mục hay thượng tế.

 1.3. Nomen pontificale: Còn gọi là nomen papa (Tiếng Anh: papal name) Thường người ta chỉ dịch là tên gọi của đức thánh cha, cũng có người dùng tông hiệu.

 1.4. Tông hiệu là danh xưng mới gắn với chức vụ giáo tông trong nhiệm kỳ của ngài. Ở những thế kỷ đầu, sau khi nhậm chức, đức giáo tông vẫn dùng tên khai sinh của mình cho nhiệm kỳ giáo tông, sau này mới có việc chọn một tên khác. Vị đầu tiên thực hiện việc này là Đức Giáo Tông Gioan II vào năm 533. Tên khai sinh của ngài là Mercurius (sao Thuỷ), là tên của vị thần ngoại giáo, nên ngài đổi tên này. Từ đó hình thành thói quen dùng tông hiệu. Vị cuối cùng dùng tên khai sinh của mình làm tông hiệu là Đức Giáo Tông Marcellus II vào năm 1555. Thông thường, tông hiệu được chuyển sang tiếng địa phương. Ví dụ Đức Thánh Cha Franciscus (Latinh) tiếng Ý là Francesco, tiếng Tây Ban Nha là Francisco, tiếng Pháp là François, tiếng Anh là Francis, tiếng Việt là Phanxicô, tiếng Hoa là Phương Tế Các[1]. Kể từ Đức Gioan XXIII, tông hiệu trở thành cách nhấn mạnh về đường hướng mục vụ ngài nhắm tới, mà không nhắm đến mục đích khác. Ví dụ Đức Giáo Tông Phanxicô, Ngài sẽ ưu tiên lo cho người nghèo và bệnh tật. Một khi được bầu làm giáo tông, quyết định quan trọng đầu tiên của ngài là chọn tông hiệu, việc này đã trở thành truyền thống, mặc dù không có luật hay quy tắc yêu cầu một vị giáo tông chọn một tên khác làm tông hiệu. Sự lựa chọn này phản ảnh linh đạo cá nhân của ngài. Tông hiệu mới cũng cho thấy khuynh hướng thần học ngài muốn áp dụng trong nhiệm kỳ của ngài.

 2. Nghĩa của tông hiệu.

 2.1. Tông: có nhiều chữ Hán(), , , , (), , , , , , , , , , , . Trong trường hợp này là chữ (tông), thuộc loại chữ hội ý. Có bộ (miên) và chữ示 (thị). (miên) nghĩa là nhà, 示 (thị) nghĩa là thần, là tế tự tổ tiên trong nhà. Chữ này theo phiên thiết là(tác) (đông), lấy âm “t” của chữ “tác” nối với âm “ông” của chữ “đông” nên phải đọc là tông. Vỗn chữ này trước thời triều Nguyễn vẫn đọc là tông, sau vì kiêng huý vua Thiệu Trị (Nguyễn Phúc Miên Tông) mới đọc là tôn, vì vậy thuật từ nào có liên quan đến chữ này đều đọc là tôn, như: tôn giáo, nhưng lại nói tông đường. Tông hay tôn có những nghĩa sau đây: dt (1) Tổ tiên: liệt tông; (2) Ông tổ, người sáng lập; (3) Đính trưởng tử: Tông huynh. (4) Miếu thờ tổ tiên: tông miếu; (5) Họ hàng: đồng tông; (6) Căn bản, cái gốc, đáng làm mẫu: tông sư (người được người khác noi theo), nhất đại thi tông (nhà thơ giỏi nhất đương thời); (7) Nhóm theo cùng một thuyết: chính tông; tông giáo (chủ thuyết dạy lối phải tin tưởng và hành động: religion); (8) Họ Tông; (9) Danh hiệu của vua; đt (10) Kính trọng; (11) Tôn sùng; tt (12) Cùng họ với nhau; (13) Chủ yếu: tôn chỉ; (lượng từ) (14) Từ giúp đếm, (sự, món, vu): Nhất tông tâm sự.

 Nghĩa Nôm: Giống nòi qua các thế hệ: Yêu nhau yêu cả đường đi; ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng.

 2.2. Hiệu: có nhiều chữ Hán: , , , (), , (), , , , , trong trường hợp này là chữ, nghĩa là: (dt.) (1) Tên: Quốc hiệu. (2) Biệt danh: biệt hiệu (tên tự chọn). (3) Mệnh lệnh: Hiệu lệnh. (4) Cơ sở làm ăn: Phân hiệu (chi nhánh). (5) Cỡ: Đại hiệu (cỡ lớn). (6) Dấu: Ký hiệu. (7) Dấu trong toán học: Gia hiệu (dấu cộng). (8) Số sắp theo thứ tự: Điện thoại hiệu mã (số điện thoại). (9) Loại: Giá hiệu nhân vật (loại người này). (10) Kèn lệnh: Quân hiệu. (đt.) (11) Kêu gọi: Hiệu triệu toàn dân (kêu gọi toàn dân). (12) Lệnh: Phát hiệu. (13) Tuyên bố, khoe: Hiệu xưng thiện hạ đệ nhất (tuyên bố nhất thế giới). (14) Gọi là: Hiệu Trương Sở (gọi là Trương Sở). (14) Bắt mạch: Hiệu mạch.

 Nghĩa Nôm: (1) Tiệm: Hiệu buôn. (2) Ra dấu: Làm hiệu.

 2.3. Ngoài tên gọi đã có, đặt thêm tên thì gọi là hiệu, tức là biệt hiệu, biệt danh. Hiệu trên thực tế rất quan trọng, thời xưa những văn sĩ viết văn chỉ dùng hiệu, nếu không biết hiệu của họ, thì cũng không biết tác giả là ai. Thời Xuân Thu Chiến Quốc (770-221 TCN) bên Trung Quốc đã có hiệu, như Đào Uyên Minh[2], hiệu là Ngũ Liễu Tiên Sinh. Thi sĩ Tô Thức[3], có hiệu là Đông Ba, nhiều người chỉ gọi ông là Tô Đông Ba. Gọi bằng hiệu là tôn trọng người ta. Trong văn hoá xưa, trực tiếp gọi tên người là vô lễ, nên khi cần gọi, thì gọi bằng hiệu. Hiệu có khi phản ảnh tình hình thời đại, có khi thể hiện tình cảm của mình đối với đất nước hay nói lên ý chí của mình.

 2.4. Tông hiệu: Tên mới gắn với chức vụ của giáo tông. Sau khi được bầu lên làm giáo tông, theo truyền thống, giáo tông sẽ có tên riêng khác với tên đã có sẵn, tiếng Latinh cũng chỉ dùng lại chữ nomen (Anh: name), tức là tên thôi. Trong tiếng Việt có thể dùng chữ hiệu, dùng chữ hiệu ở đây rất hay.

 3. Kết luận.

Lựa chọn tông hiệu không chỉ là một quyết định mang tính truyền thống và lịch sử, mà còn có ý nghĩa biểu tượng. Theo truyền thống của Hội Thánh, tân giáo tông sẽ chọn một tông hiệu để thể hiện bản thân mình trong suốt quá trình lãnh đạo Giáo Hội. Truyền thống này đã được duy trì trong suốt nhiều thế kỷ qua, mặc dù không có điều luật hoặc quy định nào buộc giáo tông phải lựa chọn một tên gọi mới (tông hiệu).

 Khi giáo tông có tông hiệu rồi, người ta sẽ gọi ngài bằng tông hiệu, để tỏ lòng tôn trọng, giống như tên hiệu của người xưa. Nên trong thuật từ Nomen pontificale chữ nomen dịch là hiệu thì rất đúng. Mà thuật từ Nomen pontificale cũng có người dịch là danh hiệu, thánh hiệu, như vậy thì không diễn tả được đặc thù của chức vụ giáo tông, nên thiết nghĩ, thuật từ tông hiệu là đúng nhất.



[1] Franciscus: Người Hoa tại Trung Quốc, Hồng Kông và Việt Nam vẫn dịch là Phương Tế Các. Riêng tại Đài Loan dịch là Phương Tế, nên đương kim giáo tông được gọi là Giáo Tông Phương Tế. Ngày 8-4-2013, Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh yêu cầu Hội Đồng Giám Mục Đài Loan phải thống nhất dịch là Giáo Tông Phương Tế Các. Việc làm này rất hiếm thấy trong Hội Thánh, nhưng cho thấy tông hiệu rất quan trọng.

[2] Nhà thơ lớn Trung Quốc thời Đông Tấn (365 - 427).

[3] Văn hào và thi sĩ thời Bắc Tống (1037-1101).



Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

VỀ MỤC LỤC

DỊ ỨNG THỰC PHẨM


Mấy phút sau khi ăn món tráng kem miệng với dâu tươi, bà Cúc thấy trong người bần thần, mặt nóng bừng, lưng ngứa và đổ mồ hôi. Sau đó ruột bà cồn cào như muốn ói. Chạy vội vào nhà vệ sinh, bà tống xuất hết những thức ăn vừa ăn vàọ Đây không phải là lần đầu tiên bà bị như thế này. Bà nhớ lại là mình không ăn được món dâu tươi!

 

…Đang vui vẻ quanh bàn nhậu với mấy chai bia, vài con cua rang muối, anh Vinh bỗng thấy môi ngứa, mắt chẩy nước cay sè, mũi nghẹt và khó thở. Anh phải ngưng ăn chạy vào trong phòng nằm nghỉ và nhờ vợ lấy cho mấy viên Bénadryl, vì anh tự biết mình đã bị dị ứng với thức ăn…



 

Những trường hợp vừa nêu trên không phải là cá biệt, mà là rất thường gặp. Nhiều người luôn luôn có cùng những phản ứng với một vài thức ăn, những thứ mà thường ra có công dụng nuôi dưỡng cơ thể. Họ đã bị dị ứng đối với các loại thực phẩm này.


 

Theo thống kê, trên thế giới cứ 100 người thì có khoảng 2 người bị dị ứng với thực phẩm và thường gặp nhất là ở trẻ em. Riêng tại Hoa Kỳ thì tỷ lệ người bị dị ứng nói chung lên đến 19% dân số. Tuy nhiên, các quan sát mới đây cho thấy là trong một số trường hợp người ta đã sai lầm khi ta gán cho thực phẩm những điều bất lợi mà thực sự chúng không gây ra. Do nhận xét sai lầm này, có nhiều người đã tránh không ăn một số thực phẩm cần thiết cho cơ thể chỉ vì sợ phản ứng, và điều này dẫn đến tình trạng kém dinh dưông. Những lo ngại không chính đáng chỉ là do sự thiếu hiểu biết đầy đủ và không nắm vững được vấn đề.


 

Dị ứng thực phẩm


Dị ứng thực phẩm đã được dùng để giải thích nhiều triệu chứng đôi khi có liên hệ hoặc không có liên hệ tới thực phẩm mà ta ăn vào. Nhiều người dễ dàng gán cho thực phẩm là thủ phạm của sự mệt mỏi, nhức đầu, kinh nguyệt  không đều nhưng thực ra lại do căng thẳng tâm thần; có nhiều người cứ tưởng mình dị ứng với một món ăn mà thực ra họ không bị.

 

Dị ứng thực phẩm liên can tới hiện tượng miễn dịch với chất trung gian Histamin. Dị ứng khác với hiện tượng không dung nạp (intolerance) thực phẩm trong đó không có Histamine.


 

Dị ứng có thể gây tổn thương cho da, miệng, bao tử-ruột và hệ thống hô hấp.


Da là bộ phận chính mà mà dị ứng thực phẩm thường tấn công. Một giờ sau khi ăn phải món ăn gây dị ứng là da đã nổi đỏ, ngứa, thậm chí sưng tấy. Trẻ con bị dị ứng thực phẩm thường nổi ngứa phần da trên mặt, chân tay và đầu.

 

Người bị dị ứng thường nôn mửa, đau bụng đi tiêu chẩy. Niêm mạc miệng sưng và ngứa. Hô hấp rối loạn như nghẹt mũi hoặc chẩy nước mũi, hắt hơi, ngứa lỗ mũi, khó thở... Dị ứng thực phẩm nhiều khi cũng gây ra cơn suyễn ở người có sẵn căn bệnh này. 



 

Bình thường, các triệu chứng trên chỉ thoảng qua, nhưng đôi khi có thể kéo dài và trầm trọng hơn. Nạn nhân có thể bị nghẹt thở, tim đập nhanh, huyết áp xuống  thấp, đưa tới hôn mê, đôi khi tử vong. Đó là những trường hợp phản ứng quá mẫn cảm.

 

Dị ứng thực phẩm gây ra do chất đạm của thực phẩm. Bất cứ chất đạm nào cũng có thể gây ra phản ứng này, nhưng thường thường ta chỉ có vấn đề với vài ba món ăn mà thôi.


Trẻ em hay bị dị ứng với sữa, trứng, đậu phọng, đậu nành, lúa mì, cá. Người lớn thì thường dị ứng với tôm cua, đậu phọng, cá, trái dâu. Trước đây sô-cô-la cũng được gán cho là gây dị ứng. Nhiều người bị dị ứng vì ảnh hưởng tâm lý chứ thực phẩm đó thực ra không gây dị ứng.
 

Vài điều cần lưu ý về dị ứng với thực phẩm:

 

-Dị ứng có thể xẩy ra tức thì hoặc vài giờ sau khi ăn;



 

-Dị ứng thường xẩy ra vào những lúc có nhiều căng thẳng , xúc động;

 

-Với một số người, dị ứng chỉ xẩy ra khi ăn với một số lượng khá nhiều, nhưng với người khác thì chỉ cần một chút thức ăn là đã có thể gây khó chịu;



 

-Thực phẩm cùng họ có thể gây ra dị ứng như nhau. Chẳng hạn như, người  bị dị ứng với hành thì cũng có thể dị ứng với tỏi;

 

-Cùng một loại thực phẩm có thể gây ra các triệu chứng khác nhau ở mỗi người;



 

-Dị ứng có thể xảy ra giống nhau ở nhiều người trong cùng một gia đình vì hiện tượng miễn dịch là do di truyền kiểm soát.

 

-Dị ứng có thể đưa tới tình trạng kém dinh dưỡng, vì người bị dị ứng tránh không ăn hoặc  không hấp thụ được món đó nhưng không biết tìm những món tương đương để thay thế;



 

-Dị ứng thường thấy ở trẻ em nhiều hơn người lớn.


Xác định và điều trị dị ứng thực phẩm
Chưa có thử nghiệm nào để xác định là một người có dị ứng đối với một thực phẩm nào đó hay không. Vì thế, để có thể xác định thì đơn giản  nhất là dùng phương pháp loại trừ. Nếu sau khi ăn  một loại thực phẩm nghi là gây dị ứng mà không có triệu chứng gì thì loại trừ khả năng dị ứng với loại thực phẩm đó, còn nếu có những phản ứng khó chịu thì đúng là dị ứng rồi.

 

Có thể dùng phương pháp thử nghiệm trên da với một số lương nhỏ thức ăn để xem thức ăn đó có gây dị ứng hay không. Đôi khi cũng có thể thử máu để xem  có sự hiện diện kháng thể của một thực phẩm đáng nghi nào đó.


 

Hiện nay không có thuốc gì để điều trị cho khỏi bị dị ứng với thực phẩm, nên chỉ có cách tốt nhất là dù thèm muốn đến đâu cũng phải tránh xa loại thực phẩm đã gây ra dị ứng cho mình.. Với thời gian, sự mẫn cảm ở trẻ em có thể mất dần đi, nhưng với người lớn thì hầu như sẽ tồn tại suốt đời.


 

Dị ứng thường không gây ra hậu quả trầm trọng, ngoại trừ những hiện tượng thông thường như  ngứa đỏ ngoài da,  nghẹt mũi, chẩy nước mắt... Trong những trường hợp này, chỉ cần dùng thuốc kháng histamin để giảm các triệu chứng do chất này gây ra hoặc thoa thuốc trị ngứa trên da. Những thuốc kháng histamin thường dùng là Benadryl, loratadine (Claritin), Tavist...


 

Nhưng nếu có các triệu chứng như  nghẹt thở, tim đập nhanh, huyết áp giảm, da mặt tái xanh, đau đầu như búa bổ, đau bụng, đi tiêu chẩy, sưng lưỡi, sưng cuống họng, sưng môi, ngứa toàn thân...thì đó là trường hợp  phản ứng quá mẫn cảm (anaphylactic reaction), hay còn gọi là sốc phản vệ (anaphylactic shock), có thể dẫn đến tử vong và cần được điều trị tức thì tại phòng cấp cứu.

 

Có nhiều ý kiến khuyên người hay bị phản ứng quá mẫn cảm cần biết sử dụng thuốc Epinephrine để tự cấp cứu trong khi chờ đợi được đưa đến bệnh viện. Tuy nhiên trong thực tế có nên làm như thế hay không cần phải có ý kiến và hướng dẫn cụ thể của bác sĩ điều trị. Để việc tự cứu chữa được an toàn.



 

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

 

www.bsnguyenyduc.com

 

Giới thiệu: Tuyển tập Videos Sống Vui Sống Khoẻ  do Bác sĩ Nguyễn Ý Đức thực hiện

 

Xin trân trọng giới thiệu tuyển tập Videos "Sống Vui Sống Khoẻ" của BS Nguyễn Ý Đức. Tuyển tập này là những bài nói chuyện hữu ích về y tế, dinh dưỡng và sức khoẻ của BS Nguyễn Ý Đức trên các đài truyền hình được đưa lên Internet. Cùng với bộ sách "Câu Chuyện Thầy Lang" và những ấn phẩm đã được xuất bản, những bài viết trên Internet, tuyển tập Videos "Sống Vui Sống Khoẻ" này sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích, đóng góp vào việc cải thiện vấn đề sức khỏe cho cộng đồng người Việt Nam khắp nơi.



===>  http://www.youtube.com/user/DrNguyenYDuc/videos
VỀ MỤC LỤC


tải về 499.54 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương