Bán nguyệt san – Số 208 – Chúa nhật 27. 10. 2013


LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 01 đến 06



tải về 499.54 Kb.
trang4/4
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích499.54 Kb.
#17748
1   2   3   4


LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 01 đến 06


LOAN TIN MỪNG CHO NGƯỜI CÙNG DÒNG HỌ - CHIA SẺ 01 ĐẾN 11



(6 Chia sẻ )

 

LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 01


 


MỘT VÀI KINH NGHIỆM LOAN TIN MỪNG QUA CON ĐƯỜNG ĐẠO HIẾU

Tháng Mười lại về, hết vụ Hè Thu tới vụ Đông Xuân. Với lúa ngắn hạn, trên nhiều cánh đồng các vụ gieo và gặt như gối đầu liên tục, không còn phân biệt theo mùa truyền thống... Ta lại nhắc nhau trách nhiệm loan Tin mừng Cứu rỗi cho anh chị em.

Tin mừng đã đến trên quê hương này 480 năm. Một số nhà truyền giáo thuở đầu đã nhìn truyền thống Đạo Hiếu của phương Đông như một cánh cửa rộng mở để đưa mọi người và mọi gia tộc về với Thiên Chúa Cha, Đấng là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất (x. Ep 3,15).

Thế nhưng rồi cánh cửa đã khép lại. Sau nhiều tranh luận của các nhà truyền giáo, Tòa Thánh đã quyết định rằng người tín hữu Công giáo phương Đông chỉ được bày tỏ tâm tình thiêng liêng đối với  Ông Bà Tổ Tiên theo phụng vụ Rôma, và phải ngưng những biểu lộ bên ngoài theo truyền thống văn hóa địa phương. Suốt hơn 200 năm, người Công giáo đành mang tiếng "theo Đạo là bỏ Ông bỏ Bà" để giữ một đức tin tinh tuyền, chưa kể sự ngộ nhận ấy còn góp phần khiến cơn bách hại thêm khốc liệt.

Năm 1964, Toà Thánh áp dụng cho người Công Giáo Việt Nam huấn thị Plane Compertum est đã đề ra cho Giáo hội tại Trung Hoa năm 1938, chấp thuận cho người tín hữu Á Đông được thờ cúng ông bà theo lối xưa. Ngày 14-6-1965, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã ra thông cáo chính thức về việc áp dụng huấn thị của Toà Thánh.

Cho tới nay sự giải tỏa đã được gần 50 năm, người Công giáo Việt Nam đã mò mẫm từng bước để hội nhập lại vào một truyền thống bị gián đoạn đã quá lâu đời. Nhiều luận văn của sinh viên Công giáo và nhiều sách báo đề cập vấn đề này cũng như nhiều sáng kiến thực hành đã giúp hóa giải được phần nào ngộ nhận nói trên.

Nhân dịp sắp đến kỷ niệm 50 năm việc áp dụng huấn thị Plane compertum est, tôi cũng muốn được đóng góp cho anh chị em đồng đạo một kinh nghiệm kiếm tìm và một số minh họa, mong phần nào gợi hứng để các bạn trẻ Công giáo dấn thân cho mối liên kết dòng họ bên nội và bên ngoại của chính mình. Sau nữa, tôi cũng mong được chia sẻ với đồng bào ngoài Công giáo những nỗi khó khăn và những xác tín sâu xa của người Công giáo trên đường về với nguồn cội. Chắc hẳn những chia sẻ chân thành cũng ôm theo nhiều vụng về, đôi khi thái quá hoặc bất cập, mong được mọi người rộng lượng cảm thông và góp ý.

Tháng Mười mở đầu với lễ Chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, vị thánh gắn liền với giấc mơ Loan báo Tin mừng cho người Việt, và cũng là vị thánh được nâng niu giữa tình gia đình và tình gia tộc. Xin ký thác cho Chị loạt bài này như một phương án mới, một con đường giản dị để đến với anh chị em lương dân và đưa họ đến với Chúa, không còn phải là con đường lẻ loi của từng người hay từng gia đình nhưng là một con đường hành động tập thể: con đường dòng họ, họ Nguyễn cho họ Nguyễn, họ Lê cho họ Lê, họ Trần cho họ Trần, họ nào truyền giáo cho họ nấy.

Có thể là sẽ không kết thúc được với Tháng Mười, phải kéo dài sang tháng Mười Một. Tuy nhiên như vậy cũng có cái hay, để nói rằng tháng Mười chỉ là một khởi điểm để đưa sứ vụ loan báo Tin mừng đi vào cuộc sống chứ không phải chỉ là tháng để hô hào suông. Một số đoạn trích lại từ quyển "Về Với Cội Nguồn", Nxb PĐ 2012. Độc giả nào muốn, có thể xem toàn văn quyển sách tại:

http://gpquinhon.org/qn/news/nuoc-man/Ve-voi-coi-nguon-633/#.UhHDl9IvnqE

Mọi góp ý xin gửi về: tinmunggiesu@gmail.com.

Lm TRĂNG THẬP TỰ VÕ TÁ KHÁNH

 

LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 02


 


VẤN ĐỀ THỜ CÚNG ÔNG BÀ TRONG LỊCH SỬ GIÁO HỘI VIỆT NAM

Tự bản thân, Đạo Hiếu rất gần với Đạo Chúa. Đang khi một số tôn giáo Á Đông tin luân hồi, cho rằng con người chết rồi đầu thai hóa kiếp thành loài này loài khác thì Đạo Hiếu dạy rằng linh hồn Ông Bà Tổ Tiên bất tử, linh hiển và gần gũi con cháu. Đạo Hiếu và Đạo Chúa có chung một niềm tin linh hồn bất tử, tiếc thay, đã gặp một sự hiểu lầm suốt mấy thế kỷ.

Hoàn cảnh thế kỷ XVII đã khiến một số nhà truyền giáo ngộ nhận, cho rằng việc thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam là một tôn giáo, trong đó tổ tiên được coi như những vị thần. Ngộ nhận này một phần là do chưa nghiên cứu cặn kẽ:

- Nhiều vị tưởng rằng khi cúng lễ gia tiên, gia chủ phải đọc những lời thần bí rất tỉ mỉ. Thật ra, gia chủ không tụng kinh (đọc lớn một công thức) cũng không niệm kinh (đọc thầm) mà chỉ nói với tổ tiên của mình như một đứa con nói với người cha hiện đang còn sống, trong ngôn ngữ thông thường.

- Nhiều vị tưởng chữ "lễ" trong lễ gia tiên có cái ý nghĩa nguyên thủy của nó là "các quy tắc của các lễ nghi tôn giáo". Thật ra, chính Đức Khổng Tử đã giải thích chữ "lễ" theo một nghĩa khác. Theo ngài, các "lễ" hoặc các nghi thức chỉ là phương tiện cho người quân tử dùng để xử kỷ tiếp vật trong mỗi tình huống cuộc sống. Chúng nêu rõ cách ứng xử người ta phải có trong nhà, ngoài phố, ở triều đình, ở các lễ hội; chúng bộc lộ ra bên ngoài những tình cảm bên trong mà người ta cảm thấy trong tình huống này hoặc tình huống nọ. Vậy, các nghi thức chỉ là những quy phạm của phép xã giao, các quy tắc phép lịch sự mà mục đích gần nhất là giáo hóa con người. Đó là những quy luật của "lễ phép xã hội", như chính Khổng Tử nói, khiến ngày qua ngày người ta đến gần điều thiện và tránh xa điều ác mà không ngờ. Nghi thức khi cúng gia tiên cũng mang ý nghĩa ấy, chỉ là những lễ phép bày tỏ lòng kính trọng quý mến đối với tổ tiên mình.

- Lý do mạnh nhất đẩy Giáo Hội đến chỗ chấp nhận theo một thái độ ngờ vực đối với sự thờ cúng tổ tiên, chính là vì một số người tin rằng vong hồn của những người chết ở trong các bài vị, và người ta ghi rõ "đây là nơi ở của hồn (ông A, bà B)", cách riêng là ở trong tấm lụa đặt trước bài vị, được gọi là "hồn bạch", thường là tấm lụa đã phủ trên khuôn mặt người hấp hối và được cho là hồn đã nhập vào đó. Tuy nhiên đó chỉ là tin tưởng sai lạc của một số người. Theo những tin tưởng chính thống của người Hoa cũng như người Việt, sau khi chết, con người được coi như đã vĩnh viễn rời bỏ cõi đời này để an nghỉ ở cõi "suối vàng". Tại các từ đường, người ta chỉ giữ lại bài vị của năm đời, còn các bài vị của những thế hệ xưa được đem chôn. Nếu thật người ta tin bài vị là nơi hồn nương tựa thì sẽ không chôn như thế, vì không còn bài vị, những hồn ấy sẽ ở đâu? Vả lại, ngày nay, các gia đình dễ dàng thay thế các bài vị bằng những bức chân dung, cho thấy họ không nghĩ rằng linh hồn các bậc tổ tiên ở trong các bài vị. Nếu hồn không ở trong các bài vị thì vai trò của các bài vị ấy là gì? Dưới con mắt của người Hoa cũng như là người Việt, ít ra là của các nhà nho, các bài vị chỉ có mục đích duy nhất là để nhắc nhở người sống tưởng nhớ những người đã khuất.


 

LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 03



MỘT SỐ THỰC HÀNH GÂY ÁI NGẠI

Có những nhà truyền giáo cho rằng việc thờ cúng Ông Bà là một tôn giáo nhưng lại có những nhà truyền giáo khác khẳng định rằng người Việt không bao giờ xem tổ tiên của họ là "những vị thần", cũng không bao giờ xem cha mẹ họ là "những vị thần tương lai" (Chỉ một số nhỏ tiền hiền ở các địa phương được các triều vua phong thần làm "thành hoàng" của làng xã, với cái nhìn tương tự như các thánh bổn mạng trong Kitô giáo chứ không phải là những vị thần đúng nghĩa). Đã đành là có bàn thờ dành cho Tổ tiên và Tổ tiên là đối tượng của một sự phụng tự nhưng phụng tự này chẳng là gì khác hơn một phụng tự tưởng nhớ, khác với sự thờ Trời. Do đó có thể kết luận ngay rằng sự thờ cúng tổ tiên không phải là một tôn giáo theo nghĩa đen của từ này (Chúng ta vẫn thường được nghe trả lời như sau: "Chúng tôi chỉ thờ cúng ông bà chứ không theo đạo nào cả."). Hơn nữa, khi truyền bá sự thờ cúng này, người xưa (cụ thể như Đức Khổng Tử) nhắm thiết lập những mối liên hệ xác thực giữa những người sống và những người chết, củng cố sự liên đới giữa các thế hệ và phát huy kỷ luật xã hội, tức là chỉ vì những mục tiêu xã hội và chính trị chứ không hề có ý tưởng tôn giáo nào.

Ta cứ giả thiết như việc thờ cúng này bắt đầu có ý nghĩa từ khi có loài người, sẽ thấy sự khác biệt giữa hai chữ "thờ" ấy. Con cháu thờ ông bà, thế hệ sau thờ thế hệ trước. Còn người đầu tiên của loài người thờ ai? Dĩ nhiên họ chỉ thờ Thiên Chúa. Hai chữ thờ đó khác nhau trời vực. Thờ Thiên Chúa là tâm tình của thụ tạo lệ thuộc Tạo Hoá, tùng phục Ngài một cách tuyệt đối và yêu mến Ngài với trọn tình con. Còn thờ tổ tiên là tưởng nhớ người xưa và cố gắng không làm ô danh người xưa.

Thế nhưng trong thực tế, đối với nhiều người, các nghi lễ dành cho tổ tiên cũng dần dần mang thêm một ý nghĩa tôn giáo. Người ta đi đến chỗ thờ tổ tiên như thần thánh, và có khi dành cho tổ tiên một tâm tình thờ phượng tuyệt đối như thờ phượng Thiên Chúa. Chính đây là điều không thể nào đi đôi với giáo lý Kitô giáo. Chỉ có một Thiên Chúa độc nhất và chân thật. Không thể thờ bất cứ thụ tạo nào như Thiên Chúa được.

Nghi lễ thờ cúng ông bà ở các thế kỷ trước quả thật có bị lây nhiễm một số tin tưởng sai lạc đáng ngại. Chẳng hạn, tin rằng hồn ông bà về hưởng của cúng. Người ta sợ rằng không cúng tế thì hồn người chết sẽ đói khát, không đốt vàng mã thì hồn người chết không có tiền tiêu. Những tin tưởng sai lạc như thế cũng không thể đi đôi với giáo lý Kitô giáo.

Ngoài ra còn có những mê tín khác.

Các nhà truyền giáo đã tranh luận hết sức nghiêm túc qua nhiều năm, một bên cho rằng những sai lạc trên đây có thể điều chỉnh được, một bên cho là khó lòng thay đổi được não trạng của dân chúng. Cuối cùng, để bảo đảm cho niềm tin của tín hữu được tinh ròng, Giáo Hội đã quyết định rằng người Công Giáo chỉ được tôn kính tổ tiên theo cách Giáo Hội quen làm, chứ không được thờ cúng theo hình thức cổ truyền địa phương. Giáo Hội biết đây là một chọn lựa phải trả giá đắt, rất bất lợi cho công cuộc truyền giáo. Trước khi có quyết định ấy, số người hưởng ứng Đạo Chúa tại Việt Nam càng lúc càng đông, cả đến trong triều đình vua Lê cũng có nhiều người theo Đạo. Việc cấm thờ cúng tổ tiên theo lối cũ đã khiến người ta tẩy chay tôn giáo mới, thậm chí đã thành một trong những lý do biện minh cho các cuộc bách hại của nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn và chiến dịch Văn Thân. Đã hẳn việc cấm thờ cúng nói đây có phần do ngộ nhận nhưng dù sao nó cũng cho thấy đức tin Kitô giáo phải là một chọn lựa quyết liệt đến mức nào.

 

LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 04



QUAN ĐIỂM MỚI CỦA TÒA THÁNH

Mãi đến thế kỷ 20, khi Đạo Hiếu không còn bị ngộ nhận là một tôn giáo và những tin tưởng sai lạc cũng không còn phải là chuyện chung của quảng đại quần chúng, năm 1964, Toà Thánh đã chấp thuận cho người Công Giáo Việt Nam được thờ cúng ông bà theo lối xưa. Ngày 14-6-1965, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã ra thông cáo chính thức về vấn đề này.

Sau phần đầu nhắc lại mấy nguyên tắc về thái độ của Giáo Hội đối với nền văn hoá và truyền thống của dân tộc, bản thông cáo nói đến thể thức áp dụng Huấn thị "Plane compertum est" đã được Toà Thánh đã đề ra cho Giáo hội tại Trung Hoa năm 1938. Nguyên văn:

1. Nhiều hành vi, cử chỉ xưa, tại Việt Nam, có tính cách tôn giáo, nhưng nay vì tiếp xúc với bên ngoài và vì tâm tình tập quá đã thay đổi nhiều, nên chỉ còn là những cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính đối với tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ. Những cử chỉ, thái độ, nghi lễ có tính cách thế tục, lịch sự và xã giao ấy, Giáo Hội Công Giáo chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và khuyến khích cho nó được diễn tả bằng các cử chỉ riêng biệt của mỗi nước, mỗi xứ, và tuỳ theo trường hợp.

Vì thế, những cử chỉ, thái độ và nghi lễ tự nó hoặc do hoàn cảnh, có một ý nghĩa thế tục rõ ràng là để tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu thảo, tôn kính, hoặc tưởng niệm tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ (như treo ảnh, hình, dựng tượng, nghiêng mình bái kính, trưng đèn hoa, tổ chức ngày kỵ giỗ) thì được thi hành và tham dự cách chủ động.

2. Trái lại, vì có nghĩa vụ bảo vệ cho đức tin công giáo được tinh tuyền, Giáo Hội không thể chấp thuận cho người tín hữu có những hành vi, cử chỉ hoặc tự nó hoặc do hoàn cảnh, có tính cách tôn giáo trái với giáo lý mình dạy.

Vì thế, các việc làm có tính cách tôn giáo không phù hợp với giáo lý công giáo (như bất cứ lễ nghi nào biểu lộ lòng tùng phục và sự lệ thuộc của mình đối với một thụ tạo như là đối với Thiên Chúa) hay những việc dị đoan rõ rệt (như đốt vàng mã), hoặc cử hành ở những nơi dành riêng cho việc tế tự (của các tôn giáo khác)... thì giáo hữu không được thi hành và tham dự. Trong trường hợp bất đắc dĩ, chỉ được hiện diện một cách thụ động, như đã ấn định trong giáo luật khoản 1258.

3. Đối với những việc mà không rõ là thế tục hay tôn giáo thì phải dựa theo nguyên tắc này, là nếu những hành vi đó, theo dư luận dân chúng địa phương không coi như sự tuyên xưng tín ngưỡng của một tôn giáo (ngoài Kitô giáo) mà chỉ biểu lộ một tâm tình tự nhiên, thì được coi như không trái với đức tin, nên được thi hành và tham dự.

Trong trường hợp chưa hết nghi nan, thì có thể hành động theo tiếng lương tâm lúc ấy: nếu cần thì phải giải thích chủ ý của mình một cách thật khéo léo, hợp cảnh, hợp thời. Sự tham dự cũng chỉ được có tính cách thụ động.

Đó là những nguyên tắc chung, giáo hữu cần phải dựa vào mà xét đoán theo lương tâm và hoàn cảnh. Trong trường hợp hồ nghi, mọi người liên hệ không được theo ý riêng mình, mà sẽ phán đoán theo chỉ thị của Toà Thánh, và sẽ bàn hỏi với các giáo sĩ thành thạo.

Yêu cầu quý cha phổ biến rộng rãi và giải thích tường tận thông cáo này không những trong những nhà thờ mà cả mỗi khi có dịp, không những cho anh em giáo hữu mà cả cho người ngoài công giáo.

 

LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 05



DƯỚI MÁI TỪ ĐƯỜNG CỦA TRĂM HỌ

Loạt bài này khá dài, những ai không có giờ, chỉ cần đọc bài này và một vài bài kế tiếp. Những ai muốn nhặt nhạnh thêm kinh nghiệm có thể đọc tiếp những điều Chúa đã cho tác giả trải nghiệm hơn 20 năm qua, giúp hiểu ý nghĩa một trào lưu văn hóa và vận hội nó đang đem lại cho sứ vụ loan Tin mừng của Giáo hội.

Việc thực hành rất đơn giản, bất cứ giáo xứ hay giáo họ nào cũng làm được.

Sau tết Quý Tỵ 2013 vừa qua tại giáo xứ Song Mỹ thuộc giáo phận Nha Trang, một số bạn trẻ họ Võ đã có sáng kiến xin cha sở một thánh lễ cầu nguyện cho những người cùng họ còn sống và đã qua đời. Với bức tâm thư trang trọng gửi đến mọi gia đình họ Võ trong giáo xứ, đã có trên 100 người đến dự lễ. Sau thánh lễ hơn 50 người đã ở lại gặp nhau tại hội trường giáo xứ. Họ chia sẻ tâm tình thật chan hòa rồi thảo luận sôi nổi và đi đến bốn quyết định: Thứ nhất, đề cử ra một ban liên lạc họ Võ Công giáo của giáo xứ; thứ hai, mỗi lần có người họ Võ trên địa bàn giáo xứ qua đời, sẽ tặng một vòng hoa phúng điếu ghi dòng chữ: "Ban Liên lạc họ Võ Công giáo giáo xứ Song Mỹ thành kính phân ưu"; thứ ba: anh chị em đồng tộc Công giáo sẽ nhắc nhau sống tốt hơn để khỏi phụ lòng bà con đồng tộc ngoài Công giáo; Thứ tư: Từ đây về sau, mỗi năm tới ngày này, đều xin lễ như thế và mỗi gia đình họ Võ Công giáo sẽ mời một gia đình họ Võ người lương đến dự thánh lễ. Có thể lắm người được mời sẽ không đến nhưng nhiều người khác sẽ đến. Họ sẽ hiểu thế nào là gia đình con cái Chúa, sẽ hiểu cách người Công giáo tôn kính và cầu nguyện cho ông bà tổ tiên.

Điều nhóm anh chị em ấy đã làm, thiết tưởng bất cứ nhóm đồng tộc nào tại mỗi giáo xứ, dù đông người hay ít người, cũng đều có thể làm được. Sau bao năm ly loạn, khi hòa bình lập lại, đa số người mình, lương cũng như giáo, hiện không còn gia phả, không còn từ đường, lắm khi không còn nhớ ngày giỗ của dòng họ mình. Thế nhưng khi ta nhận biết Thiên Chúa là Cha, Ngài đã cho lại chúng ta tất cả và còn hơn thế nhiều. Không còn gia phả, nhưng chúng ta biết rõ mình là anh em con một Cha trên trời. Không còn từ đường nhưng chúng ta lại có chung một nhà Chúa là từ đường của muôn dân, bởi lẽ hai chữ từ đường trong tiếng Hán dịch sang tiếng Việt không gì khác hơn là nhà thờ. Có thể không còn nhớ ngày giỗ của dòng họ nhưng chúng ta có ngày lễ của những vị thánh tử đạo cùng dòng họ. Trong số các thánh tử đạo người Việt, có 28 vị ta không rõ thuộc họ nào; còn 69 vị khác thuộc về 17 dòng họ: họ Bùi (2), họ Đặng (1), họ Đinh (3), họ Đỗ (3), họ Đoàn (3), họ Hà (2), họ Hồ (1), họ Hoàng/Huỳnh (1), họ Lê (7), họ Nguyễn (24), họ Phạm (5), họ Phan (3), họ Tạ (1), họ Tống (1), họ Trần (4), họ Trương (2), họ Vũ/Võ (6).

Thử hình dung xem, mỗi năm trong mái ấm từ đường của trăm họ tại giáo xứ liên tiếp có ngày giỗ Công giáo của họ Lê, họ Nguyễn, họ Phạm, họ Phan, họ Trần, vv… và các bà con đồng tộc người lương cùng đến dự. Rồi tới ngày tế hiệp của họ, họ lại mời các đồng tộc Công giáo và cả vị thủ từ của từ đường muôn dân là cha xứ đến dự. Dòng họ là con đường thật hồn nhiên để ta đến với anh em và đưa anh em đến với Chúa. Ta có những cơ hội tốt nhất để giải thích cho bà con lương dân hiểu giáo lý của Hội Thánh Công giáo về Đạo Hiếu và việc thờ cúng Tổ Tiên để giúp họ nhận biết và thờ phượng Cội Nguồn muôn đời muôn thuở là Cha trên trời.

Từ năm này sang năm khác, sự giao lưu gặp gỡ lương giáo sẽ ngày càng thêm dày và thêm thân tình. Chắc hẳn sau năm, bảy năm, không ít người sẽ nhờ đó mà nhận được ơn đức tin vào Chúa Cứu Thế Giêsu.

Với hy vọng ấy, tôi tha thiết mời quý độc giả, mỗi người hãy gặp gỡ những người Công giáo cùng dòng họ trong giáo xứ, trao đổi và thảo luận xem sẽ bắt đầu công việc như thế nào. Họ nào loan Tin mừng cho họ nấy: Rủ nhau sống tốt, hẹn nhau trong một thánh lễ truyền thống hằng năm, và mời bà con đồng tộc người lương cùng đến dự.

Dĩ nhiên việc gieo trồng không kém phần vất vả nhưng rồi mùa gặt đến, giọng hân hoan, mặt rạng rỡ, ta sẽ ôm những bó lúa trĩu nặng trên tay mà trở về trong tiếng hát tạ ơn vì những bà con cùng dòng họ với mình và cả nhiều anh chị em khác đã trở nên con cái Chúa. Cúi xin Chúa chúc lành cho những ước mơ đang lớn dậy trong lòng chúng ta.

 

LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 06



GIA PHẢ, CHÌA KHÓA MỞ LÒNG ANH EM

Ngày truyền thống đồng tộc Công giáo mở ra một cánh cửa giao lưu, để ta có thể mời anh chị em đồng tộc người lương đến với mái từ đường của trăm họ. Tình thân cần được tiếp nối qua sự thăm viếng. Giáo xứ nào cũng có những nhóm thăm viếng các bệnh nhân, người neo đơn hoặc già cả. Giờ đây, sẽ thêm một đối tượng nữa là những gia đình có thiện cảm với Đạo Chúa qua việc tham dự ngày truyền thống đồng tộc tại nhà thờ Công giáo. Mỗi lần đi ngang nhà, ta nhớ ghé thăm.

Câu chuyện có thể không bao giờ cạn là chuyện chia sẻ những thông tin về gia phả. Sau chiến tranh hầu hết chứng từ bị mai một, việc dựng lại gia phả riêng từng cụm từng nhóm lắm khi hết sức khó, khiến nhiều người nản lòng bỏ cuộc. Việc tìm tòi liên hệ nói kết giữa những nhánh đã đứt đoạn hằng thế kỷ và đã trôi dạt tới những địa phương khác nhau, mặc dù lý thú, càng là chuyện chẳng có mấy hy vọng.  

Xưa gia phả dòng họ thường được bảo quản trong một hộp sơn son thếp vàng đặt trên bàn thờ của từ đường. Hằng năm vào dịp tế đầu xuân (xuân thủ) hoặc dịp giỗ chung của gia tộc, người ta thỉnh gia phả xuống và ghi tên những người đã khuất trong năm qua. Việc chép gia phả gắn liền với ngày giỗ chung, cho nên khi việc cúng giỗ đứt đoạn, gia phả cũng đứt đoạn.

Bên cạnh những khó khăn vì chiến tranh ly loạn, còn có một khó khăn đến từ tấm lòng thành kính của con cháu đối với tổ tiên. Ngay cả khi ở từ đường vẫn còn gia phả ghi rõ tên vị thủy tổ, phần đông trong gia tộc vẫn không biết vị thủy tổ tên gì, chỉ vì các thế hệ con cháu hết sức kính trọng tên của tổ tiên, không bao giờ nhắc tới. Đàng khác, gia phả được ghi bằng cổ văn và cổ tự, con cháu có mở ra cũng không đọc được.

Tòa Thánh đã giải tỏa lệnh cấm về việc thờ cúng Tổ Tiên từ nửa thế kỷ, nhưng mãi đến nay, thành kiến "theo Đạo bỏ ông bỏ bà" vẫn chưa được gột sạch. Để hóa giải những hiểu lầm đã quá ăn sâu, thiết tưởng người tín hữu Công giáo cần nhập cuộc vào nỗ lực tìm nguồn cội của dòng họ mình. Mất gia phả là thảm trạng chung cả cho người lương lẫn người giáo. Bao nhiêu năm chiến tranh loạn lạc, nay ít gia tộc còn giữ được gia phả lâu đời. Do thời thế đổi thay, nhiều bi ký, bút tích và sử liệu đã thành tro bụi, những chứng cứ tìm được thật hiếm hoi, không đủ rọi sáng những khoảng tối và những tồn nghi lịch sử. Người ta đành hài lòng với những suy diễn và phỏng đoán. Chẳng ai nỡ trách ai.

Một giải đáp chung hiện đang được các gia tộc cố gắng làm xong sớm, là chuyển các bản gia phả bằng Hán Nôm sang chữ quốc ngữ. Càng ngày số người thông thạo Hán Nôm càng hết sức hiếm hoi, việc chuyển dịch các gia phả sang quốc ngữ càng trở thành một việc khẩn cấp. Đó là những đề tài mà những ai quan tâm tới cội nguồn có thể nói mãi không hết.

Một phương tiện khác là hỏi han chia sẻ qua điện thoại. Nếu ta có lòng với người đồng tộc, thì sẽ sớm có hàng chục và hàng trăm số điện thoại. Nếu máy có 2 sim, ta cho những số điện thoại này vào một sim. Nếu chỉ có một sim, nên lưu rõ cả họ và tên để máy sẽ tự động xếp những người đồng tộc vào một chuỗi. Khi liên hệ đồng tộc vượt ranh giới làng xã, cũng cần ghi thêm vài chi tiết sau tên của mỗi người, để khi họ gọi đến, ta nhận ra ngay đó là ai.


Lm TRĂNG THẬP TỰ VÕ TÁ KHÁNH

VỀ MỤC LỤC

Giáo sĩ: xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân



- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ
giaosivietnam@gmail.com
- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:
Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ; Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)
- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại
www.conggiaovietnam.net
Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị
Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.
TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam
Lm. Luca Phạm Quốc Sử USA





tải về 499.54 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương