Bài Giảng Cuối Cùng Dr Randy Pausch Vũ Duy Mẫn Dịch o0o Nguồn


Cuộc đời của tôi trong chiếc máy tính



tải về 323.64 Kb.
trang3/7
Chuyển đổi dữ liệu13.10.2017
Kích323.64 Kb.
#33531
1   2   3   4   5   6   7

02 .Cuộc đời của tôi trong chiếc máy tính


Có thể sắp xếp lại chính xác các ước mơ tuổi thơ của mình như thế nào? Làm sao để mọi người có thể liên kết được với  những ước mơ tuổi thơ của họ? Là một nhà khoa học, trước đây tôi đã không mấy để ý tới những câu hỏi như vậy.

Bốn ngày liền, tôi ngồi bên máy tính trong ngôi nhà mới ở Virginia, quét ảnh để chuẩn bị bài thuyết trình bằng PowerPoint8. Tôi quen tư duy trực quan, nên bài thuyết trình sẽ không cần văn bản. Tôi thu thập 300 ảnh của gia đình, sinh viên và đồng nghiệp, cùng những hình đặc sắc có thể minh họa cho những mơ ước tuổi thơ. Tôi ghi vài lời lên mỗi hình để khi đứng trên bục giảng, chúng sẽ nhắc tôi cần nói những gì.

Trong khi chuẩn bị bài, cứ chín mươi phút tôi lại đứng dậy chơi với các con. Jai thấy sự cố gắng của tôi, nhưng vẫn nghĩ tôi đã dành quá nhiều thời gian cho bài giảng, nhất là lại vào lúc chúng tôi vừa chuyển tới ngôi nhà mới. Cô muốn tôi phải sắp xếp những thùng đồ còn chất ngổn ngang quanh nhà.

Lúc đầu Jai không định dự buổi thuyết trình. Cô thấy cần ở lại Virginia với các con và giải quyết một đống thứ phát sinh do việc chuyển nhà. Còn tôi thì vẫn kiên trì nhắc “Anh muốn em có mặt.” Sự thực là tôi hết sức cần cô ở đó. Cuối cùng cô đồng ý sẽ bay tới Pittsburgh vào sáng ngày tôi thuyết trình.

Tôi phải tới Pittsburgh trước một ngày, do vậy, lúc 1 giờ 30 chiều 17 tháng Chín, ngày Jai tròn bốn mươi mốt tuổi, tôi hôn tạm biệt vợ và các con rồi lái xe ra sân bay. Chúng tôi đã kỷ niệm sinh nhật Jai ngày hôm trước với bữa liên hoan nhỏ ở nhà anh của cô. Dù vậy, việc lên đường của tôi vẫn là một nhắc nhở không vui với Jai rằng cô sẽ không có tôi cho sinh nhật này và tất cả các sinh nhật kế tiếp.

Tới Pittsburgh, tôi được Steve Seabolt đón tại sân bay. Anh là bạn tôi, vừa từ San Francisco9 bay đến. Chúng tôi thân thiết nhau từ mấy năm nay, khi tôi làm việc trong thời gian nghỉ sabbatical10 tại Electronic Art, một hãng làm các trò chơi video, nơi anh là một giám đốc. Chúng tôi đã trở thành thân thiết như anh em.

Steve và tôi ôm chào nhau, thuê một chiếc xe, vừa lái vừa kể những chuyện vui. Steve nói anh vừa đến nha sĩ còn tôi thì khoác lác rằng sẽ không bao giờ cần tới bác sĩ răng nữa.

Chúng tôi dừng lại ở một quán ăn nhỏ. Tôi đặt máy tính lên bàn, lướt nhanh qua các hình của bài thuyết trình, nay đã được cắt xuống còn 280. “Vẫn còn dài quá,” Steve nói. “Mọi người sẽ chết mất khi cậu kết thúc bài giảng.”

Người phục vụ, một cô gái tóc vàng độ tuổi ba mươi đang mang thai, tới bàn đúng lúc bức ảnh chụp các con tôi ở trên màn hình. “Các cháu bé thật xinh,” cô nói, và hỏi tên các con tôi. Tôi bảo cô: “Đây là Dylan, Logan, Chloe, …” Cô nói con gái cô cũng tên Chloe, và cả hai chúng tôi cùng cười vì sự trùng lặp đó. Steve cùng tôi tiếp tục xem các hình trên PowerPoint.

Khi cô gái mang thức ăn tới, tôi chúc mừng cô sắp có con. “Chắc chắn là cô rất vui mừng,” tôi nói.

“Không hẳn như vậy,” cô đáp. “Đó chỉ là một sự ngẫu nhiên.”

Khi cô bước đi, tôi ngạc nhiên về sự thẳng thắn của cô. Lời nói ngẫu hứng của cô nhắc nhở tôi về những nhân tố ngẫu nhiên tham gia vào cả sự sinh ra với cuộc sống … và sự ra đi vào cõi chết. Đây là người đàn bà, có một đứa con qua một sự ngẫu nhiên, mà chắc chắn cô sẽ yêu thương nó. Còn với tôi, qua sự ngẫu nhiên của căn bệnh ung thư, tôi sẽ phải bỏ lại ba đứa con lớn lên thiếu vắng tình thương yêu của cha.

Một tiếng sau, một mình trong phòng khách sạn, với những ý nghĩ về các con vẫn mung lung trong đầu, tôi tiếp tục cắt bớt và sắp xếp lại các hình cho bài giảng. Kết nối internet vô tuyến trong phòng không được tốt đã gây khó khăn cho việc tìm kiếm tư liệu trên mạng. Thêm nữa, tôi bắt đầu thấy hiệu ứng của đợt hóa trị liệu từ mấy ngày trước. Tôi bị chuột rút, buồn nôn và đau bụng.

Làm việc tới nửa đêm, tôi thiếp đi, rồi hốt hoảng tỉnh dậy lúc 5 giờ sáng. Một phần trong tôi đã hoài nghi liệu bài nói chuyện có được xuôn xẻ. Tôi nghĩ: “Đó là hậu quả của tham vọng muốn nói về cả cuộc đời của mình chỉ trong một tiếng đồng hồ!”

Tôi vẫn loay hoay, cân nhắc, sắp xếp lại các hình. Tới 11 giờ, tôi thấy mọi thứ sáng sủa, mạch lạc hơn. Tất cả rồi sẽ ổn. Tôi đi tắm và mặc đồ. Cuối buổi sáng, Jai từ sân bay tới, rồi cùng ăn trưa với Steve và tôi. Chúng tôi có một cuộc trao đổi nghiêm túc, Steve hứa sẽ giúp quan tâm tới Jai và các con tôi.

1 giờ 30 chiều, một phòng máy tính, nơi tôi đã làm việc rất nhiều thời gian ở đó, được dành để vinh danh tôi; tôi chứng kiến lễ kéo rèm trương tên tôi trên cửa. 2 giờ 15, ngồi trong phòng làm việc, tôi lại cảm thấy thật kinh khủng – hoàn toàn mệt mỏi và kiệt quệ, tưởng lúc lên bục giảng, chắc sẽ phải đóng bộ tã dành cho người lớn mà tôi đã cẩn thận mang theo.

Steve bảo tôi cần nghỉ một chút trên ghế đi văng và tôi đã nằm xuống, nhưng vẫn đặt máy tính trên bụng để xem lại bài thuyết trình. Tôi cắt thêm sáu mươi hình nữa.

Lúc 3 giờ 30, một vài người đã bắt đầu xếp hàng đợi vào nghe tôi nói. 4 giờ, đứng dậy khỏi ghế, tôi thu mấy thứ đồ, rảo bước qua khuôn viên đại học để tới giảng đường. Còn gần một giờ nữa, tôi sẽ phải lên bục giảng.

---o0o---

03.Con Voi ở trong Phòng


Jai đã đợi ở sảnh, giảng đường chật tới mức bất ngờ – 400 người. Khi tôi bước lên bục để chuẩn bị các thứ, Jai thấy tôi khá bối rối. Tôi không hề tìm bắt ánh mắt của một ai. Cô biết tôi không dám hướng về đám đông, vì như vậy tôi có thể bắt gặp một người bạn, hoặc một sinh viên cũ, và tôi sẽ quá xúc động bởi những giao tiếp ánh mắt đó.

Có tiếng xì xào nơi thính giả. Với những ai tò mò tới để xem một người bị ung thư tụy trông ra sao, chắc sẽ có câu hỏi: đó có phải là tóc thật của tôi không? (Vâng, tôi vẫn còn nguyên tóc qua hóa trị liệu.) Liệu họ có thể cảm nhận là tôi đã rất gần kề cái chết khi nghe tôi nói? (Câu trả lời của tôi: “Hãy đợi xem!”)

Chỉ còn vài phút nữa là bắt đầu, tôi vẫn duyệt lại bài, xóa đi vài hình, sắp xếp lại vài hình khác. Tôi vẫn tiếp tục rà soát cho tới khi có người nào đó nhắc: “Chúng ta đã sẵn sàng.”

Tôi không mặc com lê, không mang cà vạt, không lên bục giảng với áo vét bằng vải len có míếng lót bằng da ở khửu tay như các giáo sư vẫn thường mặc. Thay vào đó, tôi chọn bộ đồ hợp nhất với giấc mơ tuổi thơ tìm thấy trong tủ.

Đảm bảo, thoạt nhìn, tôi giống anh chàng ghi thực đơn ở một quầy ăn nhanh. Nhưng thực ra tấm hình trên chiếc áo ngắn tay tôi mặc là một biểu tượng danh dự, bởi các imagineer11 của hãng Walt Disney12 – đều mang nó. Năm 1995, tôi dành sáu tháng nghỉ sabbatical để làm việc như một Disney imagineer. Đó là một điểm sáng của cuộc đời tôi, sự hoàn tất của một ước mơ tuổi thơ. Đó là lý do tại sao tôi lại đeo biển tên “Randy” hình bầu dục được cấp lúc làm việc ở Disney. Tôi muốn tôn vinh kinh nghiệm sống này, và tôn vinh chính Walt Disney, người đã nói câu nổi tiếng, “Nếu bạn dám mơ ước điều gì, bạn sẽ có thể thực hiện được điều đó.”

Tôi cám ơn thính giả đã tới dự, mở đầu bằng vài câu đùa, rồi nói: “Tôi xin nói để nếu có ai đó ở đây chưa rõ ngọn nguồn, rằng, khi có một con voi ở trong phòng, thì cần giới thiệu nó, cha tôi thường bảo tôi như vậy. Nếu nhìn các ảnh chụp cắt lớp (CT scans13), các bạn sẽ thấy có khoảng mười khối u ở gan của tôi, các bác sĩ nói tôi chỉ còn ba tới sáu tháng khỏe mạnh. Đó là một tháng trước đây. Vậy các bạn có thể làm phép tính.”

Tôi chiếu một hình lớn ảnh chụp cắt lớp gan lên tường. Hình mang tựa đề “Con voi ở trong phòng” và tôi vẽ thêm các mũi tên đỏ trỏ vào từng khối u.

Tôi cho hình dừng lại để cử tọa có thể đếm các khối u. “Đúng vậy,” tôi nói. “Đó là sự thật. Chúng ta không thay đổi được, chỉ có thể quyết định phải ứng xử ra sao. Chúng ta không đổi được những quân bài đã chia, chỉ có thể đổi cách chơi những quân bài đó.”

Lúc đó, tôi thực sự cảm thấy khỏe mạnh, sảng khoái, như Randy của ngày xưa, không ngại ngần trước đám đông thính giả. Tôi biết tôi trông vẫn khá sung sức, và một số người còn khó nhận biết là tôi đã kề gần cái chết. Vậy nên tôi đề cập tới điều này. “Nếu tôi không tỏ ra ốm yếu hoặc buồn rầu như lẽ ra phải thế, thì tôi xin lỗi đã làm các bạn thất vọng,” tôi nói, và sau trận cười của cử tọa, tôi tiếp: “Xin cam đoan, tôi không phủ nhận. Không phải là tôi không biết điều gì đang xảy ra.”

“Gia đình tôi – ba con tôi, vợ tôi – chúng tôi vừa trốn chạy. Chúng tôi mua một ngôi nhà rất đáng yêu ở Virginia, và chúng tôi làm điều này, bởi nơi đó sẽ là chỗ ở tốt hơn cho gia đình trong tương lai.” Tôi chiếu hình ngôi nhà ngoại ô chúng tôi vừa mua. Trên bức hình ghi hàng chữ: “Tôi không phủ nhận.”

Jai và tôi quyết định nhổ rễ, rời bỏ ngôi nhà và bạn bè mà chúng tôi yêu quý. Chúng tôi gói ghém mọi thứ, ném mình vào cơn bão tố của việc di chuyển, thay vì chôn chân ở Pittsburgh, chờ tôi chết. Chúng tôi chuyển nhà vì biết rằng khi tôi mất đi, Jai và các con sẽ cần sống gần gia đình lớn của cô để có thể nhận được sự giúp đỡ và thương yêu của họ.

Tôi cũng muốn cử tọa thấy tôi vẫn khỏe mạnh và lạc quan. Cơ thể tôi bắt đầu hồi phục sau đợt hóa trị liệu và phóng xạ kéo dài. Tôi đang trong giai đoạn điều trị duy trì. “Lúc này sức khỏe tôi rất tốt,” tôi nói, “Tôi nghĩ đúng như vậy, sự vĩ đại nhất của ảo giác mà các bạn có thể thấy là tôi thật sự khỏe mạnh. Đúng ra, tôi còn khỏe hơn hầu hết các bạn ở đây.”

Tôi bước qua một bên, tới giữa bục giảng. Vài tiếng trước đó, tôi không dám chắc có đủ sức để làm nổi việc sắp làm, nhưng giờ đây, tôi thấy hoàn toàn tin tưởng. Tôi cúi xuống sàn, và bắt đầu làm các động tác chống tay.

Trong tiếng cười vui và vỗ tay ngạc nhiên của cử tọa, tôi gần như đọc được vẻ lo lắng của mọi người. Đây không phải là một người đang chết. Đây đúng là tôi. Tôi đã có thể bắt đầu.

---o0o---

II. Thật Sự Đạt Được Những Ước Mơ Tuổi Thơ - Bài Giảng Cuối Cùng (phần 3)


Tác giả: Randy Pausch

Chuyển ngữ: Vũ Duy Mẫn

04.Xổ số Cha Mẹ


Tôi đã trúng xổ số cha mẹ.

Tôi được sinh ra cùng với một vé số trúng thưởng, đó là lý do chính để tôi có thể đạt được những ước mơ tuổi thơ của mình.

Mẹ tôi là một giáo viên dạy tiếng Anh khá khắt khe và cổ điển. Bà nghiêm khắc với học sinh, chấp nhận việc các phụ huynh ca thán bà đã đòi hỏi quá nhiều ở con cái họ. Làm con, tôi biết về những yêu cầu cao của mẹ tôi, và thấy đó là vận may của tôi.

Cha tôi là nhân viên y tế, ông tham gia Thế Chiến II và đã dự trận đánh Bulge14.  Ông lập một nhóm phi vụ lợi (non-profit group) giúp trẻ em nhập cư học tiếng Anh. Để kiếm sống, ông có một doanh nghiệp nhỏ bán bảo hiểm ô tô trong nội thành Baltimore. Khách hàng của ông phần lớn là những người nghèo có hồ sơ tín dụng kém, hoặc ít tiền. Ông luôn cố tìm cách kiếm ra bảo hiểm để họ được phép lái xe.

Với cả triệu lý do, cha tôi là vị anh hùng của tôi.

Tôi lớn lên khá thoải mái trong một gia đình trung lưu ở thị trấn Columbia15, bang Maryland. Tiền chưa bao giờ là một vấn đề trong nhà, chủ yếu do cha mẹ tôi không có nhu cầu chi tiêu nhiều. Họ sống rất thanh đạm. Chúng tôi ít đi ăn tiệm, tới rạp xem phim một hoặc hai lần mỗi năm. “Các con nên xem ti vi,” cha mẹ tôi thường nói. “Nó không tốn tiền. Hoặc tốt hơn, các con nên đến thư viện mượn sách mà đọc.”

Khi tôi hai tuổi và chị tôi bốn tuổi, mẹ đưa chúng tôi đến rạp xiếc. Lúc lên chín, tôi lại muốn đi xem. “Con không cần phải đi nữa,” mẹ tôi nói. “Con đã xem xiếc rồi còn gì.”

Theo chuẩn mực bây giờ, điều đó có vẻ như một sự áp bức, nhưng thực ra với cách sống như vậy, chúng tôi đã có một tuổi thơ thật tuyệt vời. Tôi thấy mình thành đạt trong cuộc sống như ngày nay, chính bởi tôi có một người mẹ và một người cha đã làm rất nhiều việc đúng đắn.

Chúng tôi không mua sắm nhiều. Nhưng chúng tôi lại nghĩ về mọi thứ. Cha tôi là người ham hiểu biết thời sự, lịch sử và mọi điều liên quan tới cuộc sống. Lớn lên, tôi nhận thấy có hai loại gia đình:

1) Loại gia đình cần đến từ điển trong bữa ăn tối.

2) Loại gia đình khác.

Chúng tôi thuộc loại thứ nhất. Hầu như mỗi tối, chúng tôi đều phải tham khảo cuốn từ điển để trên giá sách cách bàn ăn chừng sáu bước. “Nếu mình có câu hỏi,” cha mẹ tôi nói, “thì cần phải tìm câu trả lời.”

Thói quen bản năng trong gia đình tôi là không ngồi yên như những kẻ lười nhác rồi ngạc nhiên. Chúng tôi biết một cách khác tốt hơn: mở bách khoa toàn thư, mở từ điển, mở đầu óc của mình.

Cha tôi cũng là người kể chuyện rất tài, ông luôn nói mỗi câu chuyện cần được kể với một lý do. Ông thích những câu chuyện đã trở thành châm ngôn về đạo đức sống. Ông là bậc thầy về loại chuyện như vậy, và tôi đã tiếp thu được những kỹ xảo đó của ông. Bởi vậy chị tôi, Tammy, khi xem trực tuyến bài giảng cuối cùng của tôi, chị đã thấy miệng tôi chuyển động và nghe một giọng nói, nhưng không phải là của tôi. Đó là của cha. Chị biết tôi đã sáng tạo lại khá nhiều điều chọn lọc trong sự thông thái của cha. Tôi không phủ nhận điều đó. Thực ra, lúc đó tôi có cảm giác như đã đội lốt cha tôi trên bục giảng.

Tôi trích dẫn cha tôi hầu như mỗi ngày. Một phần bởi nếu bạn nói về sự khôn ngoan của chính bạn thì người khác thường khó tiêu hóa; còn nếu bạn nói về sự thông thái của một nhân vật thứ ba, thì lại tỏ ra là mình ít kiêu ngạo và dễ được chấp nhận hơn. Tất nhiên, khi có một người như cha tôi ở phía sau hậu thuẫn, bạn sẽ trích dẫn ông mỗi khi có dịp.

Cha tôi đã dạy tôi cách thương lượng trong cuộc sống. Ông nói những điều đại loại: “Không bao giờ nên làm một quyết định, cho tới khi mình bắt buộc phải làm.” Ông cũng nhắc nhở, ngay cả khi ở trên thế mạnh, trong công việc hay trong các mối quan hệ, ta vẫn phải cư xử một cách công bằng. “Bởi khi ngồi ở ghế lái xe,” ông nói, “không có nghĩa là con phải cán chết người khác.”

Sau này, tôi thấy mình đã trích dẫn cha tôi ngay cả những điều mà ông không nói. Theo cách nghĩ của tôi, những lời uyên bác đó vẫn có thể là của cha tôi, dù ông chưa nói ra. Với tôi, ông là người biết mọi thứ.

Mẹ tôi cũng là người hiểu biết nhiều. Suốt cuộc đời, bà luôn thấy có bổn phận dẫn dắt tôi. Và tôi biết ơn về điều đó. Cho đến nay, nếu ai đó hỏi rằng hồi nhỏ tôi thế nào, bà mô tả tôi “tỉnh táo, nhưng không quá sớm phát triển.” Ngày nay chúng ta sống trong thời đại mà các bậc cha mẹ luôn khen con mình là thiên tài. Còn mẹ tôi, coi “tỉnh táo” đã đủ như một lời khen.

Khi làm luận án tiến sĩ, tôi lấy môn “lý thuyết đầy đủ,”16 mà giờ đây tôi có thể coi đó là cái tồi tệ thứ nhì trong đời, đứng sau hóa trị liệu. Khi ca thán với mẹ tôi về việc các bài kiểm tra khó và khủng khiếp ra sao, bà ghé đầu, xoa tay tôi và nói, “Mẹ biết con cảm thấy thế nào rồi. Và hãy nhớ là khi bằng tuổi con, cha còn phải đánh nhau với quân Đức.”

Sau khi tôi nhận bằng tiến sĩ, mẹ tôi đã thêm thắt vào khi giới thiệu: “Đây là con trai tôi. Cậu ấy là đốc tờ, nhưng không phải loại đốc tờ giúp người.”

Cha mẹ tôi biết cần làm gì để giúp đỡ mọi người. Ông bà luôn tìm kiếm những dự án lớn rồi dấn thân tham gia. Cha mẹ tôi đã cùng thuê ký thác một ký túc xá năm mươi phòng ở vùng nông thôn Thái Lan để giúp các em gái địa phương có điều kiện tiếp tục trường lớp, thay vì phải bỏ học làm gái điếm.

Mẹ tôi bao giờ cũng rất nhiệt thành với các việc từ thiện. Còn cha tôi luôn vui vẻ đóng góp tiền bạc, hài lòng với một chỗ ở bình dị thay vì có nhà ở ngoại ô, nơi ở mà chúng tôi ai cũng muốn. Theo nghĩa đó, cha tôi là “tín đồ Cơ đốc” chuẩn mực nhất mà tôi đã từng gặp. Ông cũng là một quán quân về bình đẳng xã hội. Khác với mẹ, cha tôi không nhiệt thành lắm với tôn giáo có tổ chức. (Chúng tôi là Presbyterians17.) Ông tập trung quan tâm tới những tư tưởng lớn và coi sự bình đẳng là cao cả nhất trong tất cả các mục đích. Ông hy vọng rất nhiều ở xã hội, và những hy vọng của ông thường bị tiêu tan, xong ông vẫn tỏ ra lạc quan.

Ở tuổi tám mươi ba, cha tôi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu. Biết là không còn sống được lâu, ông đã đăng ký hiến xác cho các nghiên cứu y học, và đóng góp tiền để chương trình từ thiện của ông ở Thái Lan có thể tiếp tục được tối thiểu sáu năm nữa.

Nhiều người dự nghe bài giảng cuối cùng của tôi đã bị thu hút bởi một bức ảnh tôi chiếu trên tường: Đó là bức ảnh chụp tôi trong bộ đồ ngủ, nằm nghiêng dựa lên khuỷu tay. Rõ ràng tôi là một cậu bé ưa những ước mơ lớn.



Thanh gỗ chắn ngang người tôi là mặt trước của chiếc giường tầng. Cha tôi, một người khá khéo tay, đã tự đóng chiếc giường đó. Nụ cười trên khuôn mặt, thanh chắn gỗ, cái nhìn trong đôi mắt của cậu bé: bức ảnh đó nhắc rằng tôi đã trúng xổ số cha mẹ.

Các con tôi có một người mẹ hết mực yêu thương chúng, sẽ dẫn dắt chúng một cách xuất sắc trên đường đời, xong chúng sẽ không có một người cha. Tôi phải chấp nhận sự thật đó, nhưng vô cùng đau đớn.

Tôi biết rằng cha tôi sẽ đồng ý với các quyết định trong những tháng cuối cùng này của tôi. Ông chắc sẽ khuyên nhủ tôi cố thu xếp ổn thỏa mọi thứ cho Jai, dành nhiều thời gian nhất như có thể cho các con – những điều mà tôi đang làm. Tôi biết ông chắc cũng sẽ hiểu ý nghĩa của việc chúng tôi dọn tới Virginia.

Tôi cũng nghĩ rằng cha tôi chắc sẽ nhắc nhở tôi rằng con cái – hơn mọi thứ khác – cần biết là cha mẹ yêu thương chúng. Cha mẹ chúng không cần phải còn sống để chứng tỏ điều đó.

---o0o---




tải về 323.64 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương