Bài Giảng Cuối Cùng Dr Randy Pausch Vũ Duy Mẫn Dịch o0o Nguồn


Bài Giảng Cuối Cùng (phần 1)



tải về 323.64 Kb.
trang2/7
Chuyển đổi dữ liệu13.10.2017
Kích323.64 Kb.
#33531
1   2   3   4   5   6   7

Bài Giảng Cuối Cùng (phần 1)


Bài giảng cuối cùng

Randy Pausch

Giáo sư, Đại học Carnegie Mellon

cùng

Jeffrey Zaslow

Người dịch: Vũ Duy Mẫn

Dịch từ nguyên bản: The Last Lecture – Randy Pausch and Jeffrey Zaslow

HYPERION – NEW YORK – 2008

2008 Randy Pausch

Với lời cám ơn tới cha mẹ tôi, những người đã tạo điều kiện để tôi mơ ước,và với hy vọng cho những ước mơ mà các con tôi sẽ có.

Ngày 18 tháng 9 năm 2007, Randy Pausch, giáo sư tin học Đại học Carnegie Mellon, đã thuyết trình bài giảng nhan đề “Thật Sự Đạt Được Những Ước Mơ Tuổi Thơ” trước cử tọa hơn 400 người. Với ảnh chụp cắt lớp chiếu lên tường, Randy cho cử tọa biết căn bệnh ung thư đang tàn phá và sẽ cướp đi mạng sống của ông trong vài tháng tới. Trên bục giảng ngày hôm đó, Randy trông rất trẻ trung, đầy sức sống, đẹp trai, phấn khởi và tươi vui.  Trông ông như một nhà vô địch. Nhưng đó chỉ là một khỏanh khắc ngắn ngủi, như chính ông sau này thú nhận.

Bài giảng của Randy đã trở thành một hiện tượng, giống như cuốn sách ông viết dựa trên cùng ý tưởng, ngợi ca những ước mơ mà tất cả chúng ta đều tranh đấu để biến thành hiện thực. Thật đáng buồn là cuối cùng Randy đã thua trong cuộc đấu với căn bệnh ung thư vào ngày 25 tháng 7 năm 2008. Nhưng di sản của ông vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho chúng ta và nhiều thế hệ mai sau.

---o0o---

“Chúng ta không đổi được những quân bài đã chia, chỉ có thể đổi cách chơi những quân bài đó.”

- Randy Pausch

---o0o---

Đã có nhiều giáo sư thực hiện các thuyết trình mang tựa đề “Bài giảng Cuối cùng” trước khi chia tay với giảng đường và thường nói về những thất bại cũng như những gì ý nghĩa nhất đối với họ. Và trong khi họ thuyết trình, cử tọa cũng day dứt với cùng câu hỏi: Có thể truyền đạt những thông điệp gì nếu đây là cơ hội cuối cùng của ta? Nếu ngày mai phải ra đi, thì ta muốn cái gì sẽ là di sản của ta để lại?

Khi Randy Pausch, giáo sư tin học tại Carnegie Mellon, được yêu cầu thuyết trình một bài giảng như vậy, ông đã hình dung đó sẽ là buổi thuyết trình cuối cùng của mình, bởi ông vừa bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Nhưng bài giảng của ông  – “Thật Sự Đạt Được Những Ước Mơ Tuổi Thơ” – không phải là về cái chết, mà lại là về việc vượt qua các trở ngại, về việc giúp cho những ước mơ của những người khác, về việc tận dụng mọi khỏanh khắc thời gian (bởi “thời gian là tất cả những gì bạn có … và một ngày nào đó bạn sẽ thấy bạn có ít hơn là bạn tưởng”). Đó là đúc kết những gì mà Randy tâm đắc. Đó là về cuộc sống.

Trong cuốn sách này, Randy Pausch đã kết hợp được sự hài hước, sự cuốn hút, và trí thông minh để làm cho bài giảng của ông trở thành một hiện tượng và tạo một hình ảnh khó phai mờ. Đây là cuốn sách sẽ đuợc chia sẻ bởi nhiều thế hệ tương lai.

---o0o---



Randy Pausch là giáo sư về Tin học, Tương tác Người Máy, và Thiết kế của Đại học Carnegie Mellon. Từ 1988 tới 1997, ông dạy tại Đại học Virginia. Ông là giáo sư và nhà nghiên cứu được nhiều giải thưởng, đã cộng tác với Adobe, Google, Electronic Arts (EA), và Walt Disney Imagineering, và khởi xướng đề án Alice. Ông sống tại Virginia với vợ và ba con.

Jeffrey Zaslow, một nhà báo của Wall Street Journal, đã dự Bài giảng Cuối cùng, và viết câu chuyện của Randy để giúp lôi cuốn được sự quan tâm rộng lớn của người đọc. Ông sống tại ngoại ô Detroit với vợ, Sherry, và các con gái Jordan, Alex, và Eden.

---o0o---


Lời Giới Thiệu


Tôi có một vấn đề kỹ thuật.Trong khi đa phần cơ thể là khỏe mạnh, tôi có mười khối u ở gan và chỉ còn một vài tháng để sống.

Tôi kết hôn với người đàn bà lý tưởng của tôi, và là cha của ba đứa con nhỏ. Đáng lẽ tôi phải sầu não cho thân phận của mình, nhưng như vậy sẽ chẳng mang lại điều tốt lành nào cho vợ con, hoặc cho tôi.

Vậy, nên sử dụng khoảng thời gian ít ỏi còn lại này như thế nào đây?

Hiển nhiên là tôi nên sống và chăm sóc cho gia đình mình. Trong khi vẫn còn sức lực, tôi sẽ dành mọi thời gian cho vợ con, làm những điều thiết thực nhất để việc họ bước vào cuộc sống thiếu vắng tôi được dễ dàng hơn.

Phần ít hiển nhiên hơn là làm thế nào để dạy các con tôi những gì mà đáng ra tôi có thể dạy chúng trong hai mươi năm tới đây. Các con tôi còn quá nhỏ để có thể cùng trao đổi với tôi. Tất cả các bậc cha mẹ đều muốn dạy con biết phân biệt cái đúng với cái sai, dạy những gì ta nghĩ là quan trọng, và dạy chúng nên hành xử như thế nào trước những thách thức do cuộc sống mang tới. Chúng ta cũng muốn con cái biết một vài câu chuyện từ cuộc đời của chúng ta, đó thường là cách để dạy con cái tự sống cuộc đời của chúng. Mong muốn làm điều đó đã đưa tôi tới việc thực hiện “bài giảng cuối cùng” tại Đại học Carnegie Mellon1.

Những bài giảng này bao giờ cũng được ghi hình. Tôi biết tôi đã làm những gì ngày hôm đó. Dưới mẹo đọc một bài gỉảng hàn lâm, tôi đã thử đưa tôi vào một chíếc lọ, để một ngày nào đó, chiếc lọ sẽ trôi dạt trở về bãi biển, đến với các con tôi. Nếu là họa sĩ, tôi đã vẽ cho các con tôi. Nếu là nhạc sĩ, tôi đã sáng tác nhạc. Nhưng tôi lại là thầy giáo. Vậy nên tôi giảng bài.

Tôi đã nói về niềm vui của cuộc sống, rằng tôi yêu cuộc sống như thế nào, ngay cả khi cuộc sống của chính tôi chỉ còn rất ngắn. Tôi nói về sự trung thực, sự toàn vẹn, sự biết ơn, và những thứ khác mà tôi trân trọng. Và tôi đã rất cố gắng để những điều tôi nói không trở thành buồn chán.

Cuốn sách này là một cách giúp tôi tiếp tục những gì tôi đã bắt đầu trên bục giảng. Bởi thời gian là hết sức eo hẹp, và tôi muốn dành nhiều nhất như có thể cho các con tôi, nên tôi đã nhờ Jeffrey Zaslow giúp đỡ. Hàng ngày, tôi đạp xe quanh khu tôi ở để tập luyện.  Trong năm mươi ba lần đạp xe như vậy, tôi đã chuyện trò với Jeff qua điện thoại di động. Jeff đã dành rất nhiều giờ để giúp chuyển những câu chuyện của tôi – có thể gọi là năm mươi ba “bài giảng” – thành cuốn sách dưới đây.

Không có gì có thể thay thế được việc có cha mẹ sống bên cạnh. Nhưng đâu phải lúc nào ta cũng có được giải pháp hoàn hảo, vậy cần cố làm cái tốt nhất như có thể với những tài nguyên hạn hẹp. Cả bài giảng lẫn cuốn sách này là những cố gắng của tôi để thực hiện chính điều đó.

---o0o---


I. Bài Giảng Cuối Cùng (phần 2)


Tác giả: Randy Pausch

Chuyển ngữ: Vũ Duy Mẫn

01.Con sư tử bị thương vẫn muốn gầm


Rất nhiều giáo sư đã có những buổi nói chuyện nhan đề “Bài giảng Cuối cùng”. Và có thể bạn đã dự một buổi như vậy.

Việc đó đã thành thường lệ ở các đại học. Các giáo sư được yêu cầu nói về những thất bại và về những gì có ý nghĩa nhất đối với họ. Và trong khi họ thuyết trình, cử tọa cũng day dứt với cùng câu hỏi: Có thể truyền đạt những thông điệp gì nếu đây là cơ hội cuối cùng của ta? Nếu ngày mai phải ra đi, thì ta muốn cái gì sẽ là di sản của ta để lại?

Từ nhiều năm nay, Carnegie Mellon có chương trình “Bài giảng Cuối cùng.” Vào thời điểm ban tổ chức yêu cầu tôi tham gia, họ đã đổi tên chương trình thành “Những Hành trình,” chọn một số giáo sư thuyết trình các suy nghĩ về những hành trình cá nhân và nghề nghiệp của họ. Đó chẳng phải là một tiêu đề thật thú vị, nhưng tôi đã nhận lời và được xếp lịch thuyết trình tháng Chín.

Thời điểm này, tôi đã bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư tụy (pancreatic), nhưng vẫn lạc quan. Biết đâu, tôi thuộc những người may mắn sẽ sống sót.

Trong khi đang chữa trị, ban tổ chức chương trình gửi mấy e-mail hỏi tôi “Ông  sẽ thuyết trình về cái gì?”. “Xin hãy cho một tóm tắt.” Có những quy định không thể bỏ qua được, kể cả khi ta đang bận rộn với những việc khác, chẳng hạn như đang cố gắng để thoát chết. Giữa tháng Tám, tôi được báo là cần phải in một áp phích về bài giảng của tôi, do vậy tôi phải quyết định về chủ đề.

Và cũng đúng tuần lễ đó, tôi nhận được tin phương thức điều trị gần đây nhất của tôi không đạt hiệu quả. Tôi chỉ còn vài tháng để sống.

Tôi biết tôi có thể hủy bài giảng. Mọi người sẽ cảm thông. Bỗng nhiên, tôi thấy còn biết bao việc khác cần phải hoàn thành. Tôi phải đối diện với nỗi đau của mình và với nỗi buồn của những người yêu thương tôi. Tôi phải dành tâm sức để thu xếp ổn thỏa các công việc gia đình. Mặc dù thế, tôi vẫn không thể dứt bỏ được ý tưởng thực hiện bài giảng. Tôi bị kích thích bởi ý nghĩ mình sẽ làm một bài giảng mà nó thực sự là bài giảng cuối cùng. Tôi sẽ nói những gì? Những điều đó sẽ được đón nhận ra sao? Liệu tôi có thể thực hiện nó một cách trọn vẹn không?

“Họ sẽ cho anh rút lui,” tôi nói với Jai, vợ tôi, “nhưng thật tình là anh muốn thực hiện nó.”

Jai (phát âm là “Jay”) luôn là cổ động viên của tôi. Khi tôi yêu thích điều gì, thì cô cũng yêu thích điều đó. Tuy nhiên cô đã hoài nghi toàn bộ ý tưởng về bài giảng cuối cùng này. Chúng tôi vừa chuyển từ Pittsburgh2 về vùng Đông Nam Virginia3 để sau khi tôi mất, Jai và các con được ở gần gia đình bên cô. Jai thấy tôi nên dành khỏan thời gian rất quý báu của mình cho các con, hoặc để thu xếp chỗ ở mới, thay vì phung phí cho việc soạn bài giảng và bay tới Pittsburgh để thuyết trình.

“Cứ cho là em ích kỷ,” Jai bảo tôi. “Nhưng em muốn có anh. Bất cứ khoản thời gian nào anh dành cho việc chuẩn bị bài giảng đều là khoản thời gian đánh mất, vì những lúc đó anh sẽ tách khỏi các con và em.”





Logan, Chloe, Jai, tôi và Dylan.

Tôi hiểu suy nghĩ của Jai. Kể từ lúc bị bệnh, tôi đã hứa với mình là phải chiều ý Jai và làm theo những mong muốn của cô. Tôi thấy trách nhiệm của mình là làm tất cả những gì có thể được để giảm bớt những gánh nặng mà bệnh tật của tôi đã mang đến cho cuộc đời cô. Đó là lý do tôi đã dành thật nhiều thời giờ để sắp xếp cho tương lai thiếu vắng tôi của gia đình. Vậy mà tôi vẫn không thoát được khỏi sự thôi thúc thuyết trình bài giảng cuối cùng.

Trong sự nghiệp khoa học của mình, tôi đã có một số buổi thuyết trình khá thú vị. Nhưng được coi là người thuyết trình giỏi nhất của khoa Tin học, thì cũng giống như được coi là người cao nhất trong Bảy Chú Lùn. Lúc đó, tôi có cảm giác mình còn có nhiều khả năng hơn, nếu quyết tâm, tôi có thể đề xuất cho mọi người một điều gì đó thật sự đặc biệt. “Sự thông thái” là một từ nặng ký, nhưng có thể đó chính là nó.

Jai vẫn không hài lòng. Cuối cùng chúng tôi đưa chuyện này ra bàn với Michele Reiss, bác sĩ tâm lý mà chúng tôi đã bắt đầu gặp gỡ từ mấy tháng trước. Bà chuyên giúp các gia đình khi họ có một thành viên mắc bệnh hiểm nghèo.

“Tôi biết Randy,” Jai nói với bác sĩ Reiss. “Anh ấy say công việc. Tôi biết anh ấy sẽ ra sao khi bắt đầu việc soạn bài giảng. Nó sẽ choán hết mọi thứ.”  Bài giảng, cô tranh luận, sẽ là một sự phân tâm không cần thiết đối với biết bao việc chúng tôi phải làm lúc này.

Một điều nữa làm Jai thất vọng: để thuyết trình đúng kế hoạch, tôi phải bay tới Pittsburgh ngày hôm trước, đúng vào sinh nhật lần thứ bốn mươi mốt của Jai. “Đó là sinh nhật cuối cùng của em mà chúng mình cùng kỷ niệm với nhau,” cô nói với tôi. “Anh thực sự sẽ bỏ đi đúng vào sinh nhật của em ư?”

Chắc chắn, phải rời bỏ Jai vào ngày đó là thật đau khổ. Tuy thế, tôi vẫn không thoát được ý nghĩ về bài giảng. Tôi coi đó là thời khắc cuối cùng trong sự nghiệp của mình, là một cách để nói lời từ biệt với bạn bè và đồng nghiệp. Tôi tưởng tượng việc thuyết trình bài giảng cuối cùng cũng giống như việc một cầu thủ bóng chày4 (baseball) kết thúc sự nghiệp bằng bàn đưa quả bóng về đích. Tôi rất thích cảnh cuối trong phim The Natural5, khi cầu thủ cao niên Roy Hobbs6, người thấm máu, đánh đường bóng tuyệt đẹp để ghi bàn.

Bác sĩ Reiss lắng nghe Jai và tôi. Bà nói, ở Jai, bà thấy một người phụ nữ mạnh mẽ, đáng yêu, muốn dành nhiều năm tháng để xây đắp một cuộc sống trọn vẹn với chồng và để nuôi con khôn lớn. Còn ở tôi, bà thấy một người đàn ông chưa hoàn toàn sẵn sàng rút lui về cuộc sống ở nhà, và chắc chắn là chưa sẵn sàng để leo lên giường bệnh. “Bài giảng này là lần cuối cùng để nhiều người mà tôi quí mến có thể nhìn thấy tôi bằng da thịt,” tôi nói dứt khoát với bà. “Tôi có một cơ hội để suy nghĩ về những gì là thật sự có ý nghĩa đối với tôi, để chốt kết những gì mọi người sẽ nhớ về tôi, và để làm bất cứ điều gì tốt trước khi tôi đi xa.”

Đã hơn một lần, bác sĩ Reiss thấy Jai và tôi ngồi trên ghế phòng khám của bà, nắm chặt tay nhau, cả hai cùng trào nước mắt. Bà nói bà thấy chúng tôi thật tôn trọng nhau, và bà rất xúc động bởi sự cố gắng của chúng tôi để sống trọn vẹn những ngày cuối cùng. Nhưng bà cũng nói không phải trách nhiệm của bà để cân nhắc xem tôi có nên thực hiện bài giảng hay không. “Anh phải tự quyết định lấy việc này,” bà nói, và động viên chúng tôi hãy thực sự lắng nghe nhau để có thể đưa ra quyết định đúng đắn cho cả hai người.

Do tính trầm lặng của Jai, tôi biết mình cần trung thực xem lại những động cơ của mình. Tại sao buổi thuyết trình này lại quan trọng đối với tôi như vậy? Có phải đó là một cách để nhắc nhở tôi và mọi người rằng tôi vẫn còn sống? Để chứng tỏ tôi vẫn còn dũng khí để làm việc? Có phải đó là sụ thôi thúc gây chú ý để khoe khoang một lần cuối? Câu trả lời là đúng đối với tất cả. “Một con sư tử bị thương muốn biết nó có còn gầm nổi không,” tôi nói với Jai. “Đó là phẩm giá và lòng tự trọng, không hẳn giống như tính kiêu căng.”

Ngoài ra cũng còn một việc nữa. Tôi phải bắt đầu coi bài giảng là một phương tiện cho tôi bước vào tương lai mà tôi sẽ không bao giờ được thấy.

Tôi nhắc Jai về tuổi của các con: năm, hai và một. “Xem này,” tôi nói. “Với năm tuổi, anh chắc Dylan lớn lên sẽ có vài ký ức về anh. Nhưng, nó sẽ thật sự nhớ được bao nhiêu? Em và anh, mình còn nhớ những gì lúc mình năm tuổi? Liệu Dylan có nhớ anh đã chơi với nó như thế nào, hay nó và anh đã cười đùa với nhau về những gì? Chắc là sẽ rất mơ hồ.”

“Còn với Logan và Chloe thì sao? Chắc chúng sẽ chẳng có ký ức nào cả. Hoàn toàn không. Nhất là Chloe. Và anh có thể nói với em rằng: khi các con lớn thêm, chúng sẽ trải qua giai đoạn có nhu cầu bức thiết để hỏi em: “Ai là cha của con? Cha con là người như thế nào?” Bài giảng này có thể giúp cho chúng một câu trả lời.” Tôi nói với Jai tôi sẽ đảm bảo để Carnegie Mellon ghi hình buổi thuyết trình. “Anh sẽ có một đĩa hình cho em. Khi các con lớn hơn, em có thể cho các con xem. Nó sẽ giúp chúng hiểu anh là ai và anh yêu quý những gì.”

Jai nghe tôi, rồi đặt câu hỏi rất hiển nhiên. “Nếu anh có những điều cần nói với các con, hoặc những lời khuyên nhủ chúng, sao không dùng máy quay để ghi băng ngay ở nhà?”

Có thể cô đã thuyết phục được tôi. Hoặc có thể không. Như con sư tử sống trong rừng, nơi ở thiên nhiên của tôi vẫn là trong khuôn viên đại học, trước mặt các sinh viên. “Một điều anh đã học được,” tôi nói với Jai, “là sẽ chẳng thiệt hại gì khi những điều cha mẹ nói với con cái được thêm người ngoài phê chuẩn. Nếu cử tọa của anh tán thưởng và vỗ tay đúng lúc, thì sẽ góp thêm sức nặng cho những gì anh muốn nói với các con.”

Jai cười với tôi, người đàn ông đang chết dần của cô, và cuối cùng đã chấp thuận. Cô biết tôi ao ước tìm cách để lại một di sản cho các con. OK. Có lẽ bài giảng này sẽ là một phương cách để làm điều đó.

Và như vậy, với đèn xanh của Jai, tôi đã có một thách thức trước mặt. Làm thế nào để biến bài giảng hàn lâm thành thứ tiếng dội, vang vọng đến các con tôi trong một thập kỷ hay lâu hơn nữa?

Tôi không muốn bài giảng tập trung vào căn bệnh của mình. Trường thiên bệnh tình của tôi đã là như vậy, và tôi đã trải nghiêm nó. Tôi không muốn đưa ra những tranh luận, như, tôi đã đương đầu với bệnh tật ra sao, hoặc nó đã cho tôi những viễn cảnh mới nào. Nhiều người có thể trông đợi bài thuyết trình là về cái chết. Nhưng nó phải là về sự sống.

“Cái gì làm tôi thành độc đáo?”

Đó là câu hỏi tôi thấy bắt buộc cần đề cập. Trả lời câu hỏi đó sẽ giúp tôi hình dung mình cần nói những gì. Ngồi cùng Jai chờ kết quả xét nghiệm trong phòng đợi ở Johns Hopkins7, tôi nói những suy nghĩ của mình với cô.

“Ung thư không làm anh thành độc đáo,” tôi nói. Không phải tranh cãi gì về điều này. Mỗi năm, hơn 37 ngàn người Mỹ bị mắc bệnh ung thư tụy.

Tôi ngẫm nghĩ để tự xác định mình: là một thầy giáo, một nhà tin học, một người chồng, một người cha, một người con, một người bạn, một người em, một người tư vấn (mentor) cho sinh viên. Tất cả các vai đó tôi trân trọng. Nhưng, có vai nào đã làm tôi thành người  đặc biệt?

Vì luôn có ý thức nghiêm túc về chính mình, tôi biết bài giảng này cần nhiều thứ hơn là một sự phách lối táo bạo. Tôi tự hỏi: “Tôi thật sự có gì để truyền đạt?”

Rồi ngay tại phòng đợi, tôi đột nhiên biết rất chính xác đó là cái gì. Nó đến với tôi như một tia chớp: Tất cả những gì tôi đạt được, những gì tôi yêu quý, đều bắt nguồn từ những ước mơ và những mục đích mà tôi đã có khi còn là một đứa trẻ thơ… và trên đường đời, tôi đã đạt được hầu như tất cả những ước mơ và mục đích đó. Cái độc đáo của tôi, tôi thấy, đã tới từ sự đặc biệt của tất cả các ước mơ – từ cực kỳ có ý nghĩa tới khá kỳ quặc – nó đã xác định bốn mươi sáu năm của đời tôi. Ngồi đó, tôi biết mặc dù bị ung thư, tôi vẫn  là người may mắn bởi đã được sống qua những ước mơ. Và tôi đạt được những ước mơ, phần lớn, là nhờ những gì tôi được dạy dỗ bởi những con người thật đặc biệt. Nếu tôi có thể kể câu chuyện của mình với cảm xúc mạnh mẽ, bài giảng của tôi sẽ giúp những người khác cũng tìm được con đường để hoàn thành những ước mơ của họ.

Có mang theo máy tính tới phòng đợi, và được khích động bởi sự hiển linh, tôi gõ nhanh một e-mail cho ban tổ chức. Tôi nói cuối cùng tôi đã có tiêu đề bài giảng cho họ. “Tôi xin lỗi về sự chậm trễ,” tôi viết. “Hãy gọi bài giảng là: ‘Thật Sự Đạt Được Những Ước Mơ Tuổi Thơ.’”

---o0o---




tải về 323.64 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương