Ban chấp hành đẢng bộ huyện krông pa tỉnh gia lai lịch sử ĐẢng bỘ


Chương VI PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, CỦNG CỐ QUỐC PHÒNG - AN NINH THEO ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI CỦA ĐẢNG (1986-1995)



tải về 1.87 Mb.
trang10/14
Chuyển đổi dữ liệu13.06.2018
Kích1.87 Mb.
#39932
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   14

Chương VI

PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI,
CỦNG CỐ QUỐC PHÒNG - AN NINH
THEO ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI CỦA ĐẢNG (1986-1995)

I - BƯỚC ĐẦU THỰC HIỆN ĐỔI MỚI

Đại hội lần thứ VI của Đảng với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, nhằm từng bước đưa đất nước ta thoát khỏi khủng hoảng. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã bước sang giai đoạn mới.

Trên cơ sở nghiên cứu các quan điểm đổi mới của Đảng và đánh giá tình hình thực tiễn địa phương, Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai - Kon Tum lần thứ IX đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh giai đoạn 1986-1995:

Ổn định và phát triển sản xuất nông, lâm, công nghiệp, trước hết là phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện. Đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm và phát triển cây công nghiệp, nhằm tăng nhanh tốc độ sản xuất hàng hóa, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang.

Hoàn thành định canh, định cư cho đồng bào dân tộc tại chỗ, gắn với tiếp nhận dân kinh tế mới. Đến năm 1990, đưa các hộ nông dân vào làm ăn tập thể, dưới hình thức và bước đi thích hợp. Củng cố và tăng cường kinh tế quốc doanh và tập thể, giữ vững vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, coi trọng phát triển kinh tế hộ gia đình, sử dụng có hiệu quả các thành phần kinh tế khác.

Phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, xây dựng nếp sống văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa. Tạo bước chuyển biến đáng kể về mặt xã hội, bảo đảm cho người lao động có việc làm và được phân phối công bằng, hợp lý, giảm hẳn sự chênh lệch về mức sống giữa các tầng lớp dân cư. Khắc phục có hiệu quả những biểu hiện tiêu cực, những tệ nạn xã hội và tập tục lạc hậu ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất. Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, làm cho đời sống ngày càng tốt hơn.

Sử dụng vốn tự có và vốn hỗ trợ của Trung ương, tiếp tục xây dựng một số cơ sở vật chất - kỹ thuật cần thiết phục vụ sản xuất và đời sống. Ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực, thực phẩm, đồng thời đầu tư thỏa đáng phát triển cây công nghiệp và công nghiệp chế biến, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Quan tâm đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến.

Tăng cường an ninh quốc phòng, giải quyết dứt điểm FULRO. Đánh bại các âm mưu phá hoại của địch trên địa bàn, nhanh chóng xây dựng lực lượng vũ trang, công an đủ mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân, xây dựng huyện, xã đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Huyện Krông Pa bước vào thời kỳ đổi mới, trên cơ sở những thành tựu và kinh nghiệm qua 10 năm khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở từng bước được củng cố hoàn thiện. Đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể được đào tạo, bồi dưỡng và qua hoạt động thực tiễn đã trưởng thành về nhiều mặt. Huyện đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Trong sản xuất nông nghiệp, diện tích gieo trồng được mở rộng, năng suất các loại cây lương thực, thực phẩm tăng khá. Huyện đã bước đầu hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp ngắn ngày như mì, thuốc lá, đậu các loại…Chăn nuôi phát triển mạnh, đàn bò và đàn heo của huyện tăng nhanh…Trong lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đã đầu tư nâng công suất phát điện, phục vụ tốt hơn cho phát triển sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Đã xây dựng được nhà máy nước và hệ thống cấp thoát nước ở thị trấn Phú Túc. Các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, sản xuất gạch ngói, chế biến thuốc lá, nước đá, xay xát, may đo, sửa chữa cơ khí…được hình thành và phát triển. Hệ thống giao thông không ngừng mở rộng, các tuyến đường liên xã được xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân và lưu thông hàng hóa trên địa bàn. Hệ thống thủy lợi vừa và nhỏ được xây mới phục vụ tưới tiêu, mở rộng diện tích sản xuất. Trong phân phối lưu thông đã xây dựng các cửa hàng thương nghiệp ở các xã Ia Siơm , Ia Mlah, Chư Gu, Chư Drăng. Hợp tác xã mua bán ở các xã bước đầu thực hiện việc mua hàng nông sản trong dân và phân phối bán lẻ hàng hóa cho dân. Công tác định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đồng bộ. Đầu năm 1986, toàn huyện có 80% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được định canh, định cư ổn định. Huyện đã tiếp nhận một số lượng lớn dân kinh tế mới đến làm ăn, sinh sống tại địa phương. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực. Từng bước xây dựng đời sống mới ở các thôn buôn. Sự nghiệp giáo dục có bước phát triển khá. Mạng lưới trường lớp được mở rộng, số lượng học sinh tăng nhanh, chất lượng dạy và học được nâng lên. Hoạt động y tế đã có nhiều cố gắng trong phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh sốt rét. Đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Các hoạt động quốc phòng - an ninh được tăng cường. Tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững. Những kinh nghiệm và thành tựu trên là tiền đề quan trọng để Đảng bộ và nhân dân Krông Pa tiếp tục tiến lên thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, bước vào thực hiện đường lối đổi mới, Krông Pa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, có mặt hết sức gay gắt. Điểm xuất phát đi lên của Krông Pa thấp hơn mặt bằng chung của cả tỉnh. Đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào kinh tế mới hết sức khó khăn. Nạn đói giáp hạt vẫn còn xảy ra trên diện rộng. Tốc độ phát triển kinh tế chậm và thiếu ổn định. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn ở tình trạng quảng canh và du canh; thâm canh chỉ mới thực hiện được ở mức độ nhất định ở một số nơi. Huyện chưa cân đối được lương thực tại chỗ. Quan hệ sản xuất mới, tuy đã hình thành được các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất, nhưng chủ yếu còn mang tính hình thức. Tổ chức bộ máy và năng lực quản lý còn rất hạn chế, cơ sở vật chất ngoài ruộng đất, nương rẫy hầu như chưa có gì đáng kể. Bộ máy công quyền các cấp hoạt động hiệu quả thấp. Tổ chức Đảng, đoàn thể tuy được củng cố một bước, song nhìn chung vẫn còn yếu. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng vẫn còn chung chung, thiếu biện pháp cụ thể, chưa sâu sát. Chưa giải quyết dứt điểm hoạt động của bọn FULRO trên địa bàn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nhiều nơi, nhiều lúc diễn biến phức tạp. Sau khi điều chỉnh giá - lương - tiền, vào tháng 10-1985, tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Krông Pa nói riêng diễn biến xấu, giá cả tăng vọt, thị trường rối loạn, nạn chợ đen phát triển, đời sống của đại bộ phận cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện vốn rất khó khăn, trước cơn bão giá càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Trước những thuận lợi và khó khăn trên, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đại hội Đảng bộ Krông Pa lần thứ IX đã diễn ra từ ngày 9 đến 13-9-1986. Tham dự Đại hội có 89 đại biểu chính thức, thay mặt cho 467 đảng viên của 26 tổ chức cơ sở đảng trong toàn Đảng bộ. Đại hội nghiên cứu thảo luận Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V sẽ trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Kết luận của Bộ Chính trị về quan điểm kinh tế và Dự thảo báo cáo chính trị của Tỉnh ủy Gia Lai- Kon Tum khóa VIII, trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX. Trên cơ sở nghiên cứu các quan điểm mới của Trung ương, của tỉnh và kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII, Đại hội Đảng bộ huyện Krông Pa xác định cơ cấu kinh tế của huyện trong những năm đầu đổi mới là nông- lâm- công nghiệp và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế- xã hội của huyện giai đoạn 1986-1990 là:

Phát huy những kết quả đã đạt được, không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết nhất trí trong Đảng bộ, quân và dân, phát huy vai trò làm chủ tập thể của nhân dân lao động, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và của tỉnh. Thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo hướng nhanh và ổn định. Phát triển kinh tế hàng hóa, thực hành tiết kiệm để xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội. Không ngừng củng cố thực lực chính trị, nhất là tập trung xây dựng đơn vị cơ sở vững mạnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trong huyện. Nhiệm vụ trọng tâm của thời kỳ này là tiếp tục hoàn thành định canh, định cư theo bốn tiêu chí quy định của Trung ương. Đẩy mạnh khai hoang xây dựng đồng ruộng, nâng cấp đường giao thông, phát triển hệ thống thủy lợi. Tiếp nhận dân đến xây dựng kinh tế mới, đoàn kết đồng bào tại chỗ và dân mới đến để cùng nhau xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng con đường hợp tác hóa.

Trên cơ sở định hướng chung, Đại hội đã quyết định một số nhiệm vụ và chỉ tiêu cụ thể trong 5 năm 1986-1990 là:

Tiếp tục coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu. Tích cực mở rộng diện tích canh tác, gắn với thâm canh, chuyên canh nhằm tăng năng suất trên diện tích gieo trồng. Tổng diện tích gieo trồng năm 1990 đạt 27.500 ha, tăng 2,1 lần so với năm 1986. Tổng sản lượng lương thực quy thóc năm 1990 đạt 26.000 tấn, lương thực bình quân đầu người hàng năm 360kg. Từ năm 1988 trở đi, huyện tự cân đối được lương thực tại chỗ. Mở rộng diện tích và tăng năng suất các loại cây sản xuất hàng hóa có thế mạnh của địa phương như mè, thuốc lá, ngô lai, đậu đỗ các loại.

Phát triển chăn nuôi trên cả ba hình thức quốc doanh, tập thể và hộ gia đình. Đến năm 1990, mỗi hợp tác xã nông nghiệp đều có trang trại chăn nuôi tập thể. Xây dựng trại lợn giống ở các hợp tác xã nông nghiệp, có chính sách phù hợp phát triển chăn nuôi hộ gia đình.

Trong 5 năm khai thác 30.000m3 gỗ tròn phục vụ chế biến gỗ. Trên vùng quy hoạch đất nông nghiệp, lập kế hoạch khai thác gỗ gắn với khai hoang xây dựng đồng ruộng. Hình thành lâm trường Ia Rsai, Đất Bằng. Tiến hành giao đất, giao rừng cho từng hợp tác xã, hộ gia đình để quản lý.

Xây dựng thủy lợi Uar vào năm 1987, đảm bảo diện tích tưới trên 500ha; phát động phong trào làm thủy lợi nhỏ ở những nơi có điều kiện để phục vụ mở rộng diện tích canh tác.

Đầu tư phát triển xí nghiệp thi công cơ giới huyện, đủ năng lực khai hoang xây dựng đồng ruộng hàng năm trên 500 ha, phục vụ tốt yêu cầu mở rộng hệ thống kênh mương thủy lợi, làm đường giao thông nông thôn và tham gia vận tải hàng hóa. Hoàn thành cụm điện điezen có công suất 1.400 KW vào cuối năm 1987, phục vụ sản xuất và đời sống. Mở rộng các xí nghiệp gỗ, xí nghiệp gạch ngói, xí nghiệp thuốc lá, xay xát, làm bao bì… Phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trong dân để chế biến các nguyên liệu sẵn có tại chỗ nhằm phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Mở rộng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa bao gồm quốc doanh và tập thể. Tổ chức hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng gắn với hợp tác xã nông nghiệp, chuẩn bị điều kiện để tiến tới xây dựng hợp tác xã thống nhất nông - công -thương - tín. Các hợp tác xã nâng cao chất lượng hoạt động đáp ứng tốt yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân, góp phần bình ổn giá cả thị trường.

Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trung bình hàng năm 2,6%. Ngăn chặn tình trạng đẻ không nuôi được đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Chuẩn bị tốt các điều kiện về địa bàn, đất ở, đất sản xuất và cơ sở hạ tầng để tiếp dân kinh tế mới theo kế hoạch.

Xây dựng đời sống văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa. Từng bước xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Củng cố mạng lưới loa truyền thanh ở khu vực trung tâm huyện lỵ. Nâng cao chất lượng hoạt động của các đội thông tin lưu động ở cơ sở. Mỗi buôn xây dựng một chòi phát thanh để hàng ngày tuyên truyền trong dân những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bình quân một năm dân được xem phim 4 lần. Đa số học sinh trong độ tuổi đều được học cấp I, tất cả các buôn làng đều có học sinh cấp II. Đến năm 1990, xây dựng trường cấp III hoàn chỉnh tại Phú Túc. Phấn đấu các trạm y tế xã có đủ y sĩ, y tá và thuốc điều trị. Đến năm 1990, huyện có 2 giường bệnh trên 1.000 dân.

Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt tỷ lệ 8% dân số. Giải quyết cơ bản vấn đề FULRO, làm trong sạch địa bàn, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội cho cán bộ, đảng viên. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác chính trị tư tưởng. Kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng hoạt động của trường đảng huyện. Thực hiện cụ thể 5 nội dung xây dựng Đảng bộ vững mạnh. Phấn đấu không còn đảng viên yếu kém, có 60 % đảng viên xếp loại tốt. Đảng bộ huyện đạt trong sạch vững mạnh. Phấn đấu hàng năm kết nạp mới 50 - 60 đảng viên. Quy hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, chú trọng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ tại chỗ, cán bộ nữ. Đẩy mạnh công tác kiểm tra đảng đối với tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Đưa công tác kiểm tra đảng vào nề nếp thường xuyên.

Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa IX gồm 42 đồng chí, trong đó có 33 ủy viên chính thức và 9 ủy viên dự khuyết. Hội nghị Huyện ủy lần thứ nhất đã bầu Ban Thường vụ gồm 8 đồng chí. Đồng chí Phan Minh Tường được bầu làm Bí thư Huyện ủy. Các đồng chí Rơchơm Bơm, Ksor Tam được bầu làm Phó bí thư Huyện ủy.

Qua quá trình nghiên cứu các dự thảo báo cáo chính trị của Trung ương và của tỉnh, Kết luận của Bộ Chính trị về quan điểm kinh tế đã tác động mạnh mẽ đến sự đổi mới tư duy của cán bộ, đảng viên trong toàn huyện. Nhận thức về con đường đổi mới do đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, bước đầu được xác lập trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Quán triệt những quan điểm mới, trên cơ sở tình hình thực tiễn của địa phương, Đại hội Đảng bộ huyện Krông Pa lần thứ IX đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và các giải pháp để triển khai thực hiện đường lối đổi mới của Đảng tại địa phương. Dù đây chỉ là bước đầu, nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tiến trình đi lên xây dựng quê hương giàu đẹp, theo định hướng xã hội chủ nghĩa trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng ở huyện cực nam của tỉnh.

Krông Pa bước vào thực hiện đường lối đổi mới trong điều kiện tình hình chính trị, kinh tế xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu có những diễn biến phức tạp, không có lợi cho cách mạng Việt Nam; tình hình kinh tế - xã hội của cả nước và của tỉnh đang gặp khó khăn gay gắt. Cùng với những khó khăn chung, trong những năm 1986-1988, thời tiết trên địa bàn huyện diễn biến không có lợi cho sản xuất nông nghiệp. Hạn hán, lũ lụt, thiên tai liên tiếp xảy ra, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phát triển kinh tế của huyện và đời sống của nhân dân. Vượt qua những khó khăn, Đảng bộ và nhân dân Krông Pa luôn bám sát nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Huyện đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện bước đầu Nghị quyết của Tỉnh ủy (5-1987) về ba chương trình kinh tế: lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dung và hàng xuất khẩu; Nghị quyết 10-NQ/TW, ngày 4-5-1988 của Bộ Chính trị “về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”; Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 31-8-1988 của Bộ Chính trị về “giải quyết một số vấn đề cấp bách về đất đai”; Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 15-7-1988 của Bộ Chính trị “về đổi mới chính sách và cơ chế quản lý đối với các cơ sở sản xuất thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh”…Tuy tình hình địa phương còn gặp nhiều khó khăn, song bước đầu huyện cũng đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận:

Tổng diện tích gieo trồng toàn huyện năm 1987 là 13.436 ha, năm 1988 là 13.156 ha, đạt 97,1% kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực năm 1988 đạt 8.034 tấn, lương thực bình quân đầu người trong năm là 202 kg. Trước những diễn biến thời tiết không thuận lợi, thiên tai, hạn hán liên tục xảy ra, nạn đói xảy ra trên diện rộng, huyện chủ trương thay đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích cây lương thực, cây màu để giải quyết những khó khăn trước mắt về thiếu lương thực. Diện tích sản xuất cây ngô và sắn được mở rộng. Năm 1988, diện tích ngô toàn huyện tăng lên 3.031 ha, gấp 1,6 lần so với năm 1986. Diện tích sắn tăng từ 380 ha năm 1986 lên 936 ha năm 1988. Giống sắn H34 năng suất cao, chịu hạn tốt đã được đưa vào trồng đại trà. Diện tích trồng khoai lang, đậu đỗ các loại cũng được mở rộng. Năm 1987, toàn huyện có 423 ha khoai lang, 485 ha đậu đỗ, năm 1988 tăng lên 703 ha khoai lang, 927 ha đậu đỗ.

Đi đôi với việc tăng diện tích gieo trồng các loại cây lương thực, huyện chú trọng lãnh đạo phát triển trồng cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày nhằm tăng nhanh sản xuất hàng hóa phục vụ trao đổi, xuất khẩu. Trong hai năm 1987-1988, Krông Pa đã trồng mới được 230 ha điều . Cây thuốc lá được triển khai trồng đại trà trong các hộ gia đình. Diện tích cây thuốc lá của huyện năm 1987 đạt 798 ha, năm 1988 tăng lên 812 ha. Nhờ thâm canh tốt nên sản lượng thuốc lá tăng khá, năm 1987 đạt 319 tấn, năm 1988 tăng lên 487 tấn. Cùng với đậu đỗ các loại, cây thuốc lá, cây điều trở thành những loại cây hàng hóa chủ lực của huyện trong thời kỳ này.

Chăn nuôi phát triển khá ở các hình thức quốc doanh, tập thể và đặc biệt là hộ gia đình. Bình quân giai đoạn 1986-1988, đàn bò tăng hàng năm 5,2%, đàn heo tăng 10,4%. Đến năn 1988, Krông Pa có 21.371 con bò, 18.036 con heo, tổng đàn gia cầm đạt 46.776 con. Mạng lưới thú y bước đầu mở rộng đến các xã, phục vụ tốt hơn công tác phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. Huyện và các địa phương phát động phong trào làm chuồng nuôi nhốt gia súc tại các hộ gia đình. Sau khi dãn dân định cư, nhiều địa phương đã triển khai tốt công tác rào vườn, làm chuồng nhốt gia súc. Tiêu biểu như Đất Bằng có 100% hộ gia đình làm vườn rào; tất cả các hộ ở buôn Ia Mlah (xã Phú Cần) đều xây dựng chuồng nhốt gia súc.

Do điều kiện kinh tế của đất nước gặp nhiều khó khăn, Trung ương cắt giảm vốn đầu tư, nên kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh đối với Krông Pa giảm nhiều so với những năm trước, nhưng với tinh thần tự chủ, tự lực, huyện đã tích cực huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm phục vụ sản xuất, dân sinh theo đúng kế hoạch. Trong hai năm 1987-1988, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn huyện đạt 312,24 triệu đồng, trong đó vốn tự có của huyện là 127,33 triệu đồng, vốn vay ngân hàng 108 triệu đồng. Đảm bảo tiến độ triển khai xây dựng các công trình trọng điểm như đã hoàn thành tu sửa và nâng cấp hồ Phú Cần đủ năng lực tưới tiêu trên 80 ha lúa nước hai vụ và hoàn thành hơn 80% khối lượng công việc của cụm điện điezen và phục vụ cung cấp điện cho các trạm bơm dọc sông Ba.

Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã triển khai sản suất, chế biến gỗ, gạch ngói, sản xuất nông cụ, dệt vải thổ cẩm… phục vụ có hiệu quả cho xây dựng cơ bản, tiêu dùng trong và ngoài huyện. Một số đơn vị sản xuất quốc doanh được bổ sung thiết bị để mở rộng sản xuất, các ngành thủ công truyền thống như dệt vải được ưu tiên phát triển để giải quyết lao động tại chỗ và tăng thu nhập cho hộ gia đình.

Trong điều kiện sản xuất khó khăn, nhưng nhờ vận dụng sáng tạo cơ chế quản lý mới, huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thương nghiệp bước đầu triển khai hạch toán kinh doanh; chủ động tiếp nhận và cung ứng tiền hàng đảm bảo phục vụ sản xuất và đời sống. Thương nghiệp quốc doanh của huyện đã làm tốt công tác thu mua nông sản, thực phẩm trong dân, trao đổi hàng hóa với bên ngoài. Năm 1998, đã thu mua được 1.002 tấn lương thực, 220 tấn hạt mè, 298 tấn thuốc lá…. Ngoài vốn của Nhà nước, các đơn vị kinh doanh thông qua liên kết kinh tế đã từng bước tháo gỡ khó khăn về vốn để duy trì kinh doanh có hiệu quả.

Hoạt động văn hóa - thông tin có nhiều tiến bộ. Đài truyền thanh huyện phát tin thường xuyên hơn. Các hoạt động chiếu phim, truyền tin cổ động, thư viện, dịch vụ văn hóa được duy trì và phát triển. Trong hai năm 1987-1988, các đội chiếu phim lưu động của huyện đã tổ chức 790 buổi chiếu phim tại các xã, buôn làng phục vụ nhân dân. Trong lĩnh vực giáo dục, tuy điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống giáo viên còn gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn được duy trì và phát triển khá. Năm học 1987-1988, toàn huyện có 6.559 học sinh, năm học 1988-1989 tăng lên 7.519 học sinh. Huyện đã thành lập được trường phổ thông trung học. Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện được xây mới, năm học 1988-1989 có 273 học sinh. Ngành y tế có nhiều cố gắng trong đổi mới công tác phục vụ, khám chữa bệnh cho nhân dân và tổ chức tốt các đợt phòng chống dịch bệnh tại các xã. Năm 1988, huyện có 60 giường bệnh, có hơn 16.000 lượt người được khám bệnh, 2.516 lượt người được điều trị tại các cơ sở y tế. Nhằm khắc phục hậu quả hạn hán, lũ lụt, công tác điều tra các đối tượng thiếu đói được triển khai khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao. Năm 1986, huyện tổ chức cứu đói cho 24.867 khẩu, năm 1987 là 20.317 khẩu, năm 1988 có 20.757 khẩu được cứu đói. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước trên diện rộng, nhân dân từng bước khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ huyện trong lĩnh vực kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Công tác tổ chức, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế theo đường lối đổi mới còn lúng túng, hiệu quả thấp. Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của huyện không đạt chỉ tiêu đề ra. Những khó khăn ở cơ sở chưa được giải quyết kịp thời. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh làm ăn thua lỗ kéo dài, nhưng chậm được xử lý. Nguồn thu ngân sách của huyện không ổn định, thu không đủ chi. Tình trạng thiếu lương thực kéo dài, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và cán bộ công chức.

Bước vào năm 1989, trong bối cảnh chung của đất nước, của tỉnh, Krông Pa cũng đối mặt với những khó khăn gay gắt về kinh tế và đời sống. Khủng hoảng toàn diện, sâu sắc và những diễn biến phức tạp tại các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô đã tác động tiêu cực đến nước ta. Trên địa bàn huyện, tư tưởng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân có sự dao động. Trước tình hình trên, Huyện ủy đã liên tục tổ chức các đợt học tập chính trị cho cán bộ chủ chốt và đảng viên ở cơ sở, nhằm quán triệt các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, các chủ trương, chính sách của Nhà nước về đổi mới, giữ vững mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Phê phán tư tưởng dao động, hoài nghi, cơ hội, chấn chỉnh những phát ngôn sai trái, vô kỷ luật. Huyện gắn việc nâng cao nhận thức với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, ngành, cơ sở nhằm đưa đường lối đổi mới của Đại hội VI đi vào cuộc sống, từng bước làm chuyển biến nền kinh tế từ chỗ vận hành theo cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Đồng thời, huyện chỉ đạo các ngành chức năng kiên quyết đấu tranh với các lực lượng phản động, truy quét bọn tội phạm, các tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Giữa bối cảnh đó, Đại hội Đảng bộ huyện Krông Pa lần thứ X diễn ra trong hai ngày 27 và 28-4-1989. Tham gia Đại hội có 90 đại biểu chính thức và 20 đại biểu khách mời. Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tiễn của địa phương sau gần ba năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đại hội đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện trong thời kỳ 1989-1991 là:

Nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ lụt, nắng hạn, tổ chức lại sản xuất, nhất là sản xuất lương thực. Ổn định đời sống các tầng lớp nhân dân, trước hết là chống đói, Phấn đấu đến năm 1991 đủ ăn và có một phần lương thực dự trữ. Đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, nông, lâm sản và chế biến dưới nhiều hình thức. Hạn chế tối đa việc bán nguyên liệu thô, giá trị thấp.

Phát huy hiệu quả hoạt động của các thành phần kinh tế với quy mô, tính chất, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế của huyện. Khai thác các tiềm năng sẵn có, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là đối với kinh tế quốc doanh và tập thể. Đẩy mạnh sản xuất, tăng nhanh quay vòng tiền, hàng, không để ứ đọng sản phẩm trong các xí nghiệp, ứ đọng hàng hóa trong kho các cửa hàng.

Tiếp tục củng cố, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm biên chế, số lượng cán bộ trung gian, gián tiếp ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp. Giải quyết kịp thời, đúng chế độ với số cán bộ trong diện tinh giản biên chế. Tuyển dụng mới cán bộ có đủ trình độ năng lực. Bố trí cán bộ đúng người, đúng việc theo yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội. Lấy yêu cầu nhiệm vụ chính trị để bố trí cán bộ, phát huy năng lực của cán bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của từng cán bộ, đảng viên.

Giữ vững quốc phòng an ninh, chuẩn bị các phương án sẵn sàng đánh thắng các âm mưu phá hoại của địch. Tập trung xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, phát động phong trào quần chúng, truy quét liên tục làm trong sạch địa bàn. Đấu tranh thực hiện công bằng xã hội, chống các biểu hiện quan liêu, xa rời cơ sở, xa rời quần chúng, thiếu dân chủ. Xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh toàn diện, đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, đơn vị cơ sở.

Đại hội đã xác định một số mục tiêu, giải pháp chủ yếu toàn diện trên các ngành, lĩnh vực. Trước hết tập trung thay đổi cơ chế quản lý và các giải pháp khuyến khích đầu tư, thúc đẩy giải phóng sản xuất, khai thác tiềm năng và nhân tố mới trên các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông, lâm sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Liên kết các thành phần kinh tế trong và ngoài huyện để thu hút nguồn vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh. Mở rộng quyền tự chủ cho cấp xã và các đơn vị sản xuất kinh doanh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; trọng tâm là thực hiện ba chương trình kinh tế lớn của Đảng: lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ khóa X gồm 28 đồng chí. Ban chấp hành bầu Ban Thường vụ Huyện ủy gồm 11 đồng chí. Đồng chí Phan Minh Tường, tỉnh ủy viên, tiếp tục được bầu làm Bí thư Huyện ủy. Các đồng chí Ksor Tam, Rơchơm Bơm được bầu làm Phó bí thư. Đến tháng 7-1989, đồng chí Phan Minh Tường được điều động về tỉnh nhận công tác khác, Tỉnh ủy điều động và phân công đồng chí Trần Ngọc Bửu, tỉnh ủy viên dự khuyết về làm Bí thư Huyện ủy.

Trong ba năm tổ chức thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, vận dụng các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo, khắc phục những khó khăn lớn về đời sống của nhân dân, về cơ sở vật chất kỹ thuật, vốn, hạ tầng cơ sở để đẩy mạnh sản xuất. Đội ngũ cán bộ được củng cố, bố trí phù hợp hơn đã chủ động, sáng tạo giải quyết những vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương theo tinh thần đổi mới của Đảng. Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng huyện đã tập trung đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp gắn liền với định canh định cư, xây dựng nông thôn mới. Triển khai thực hiện ba chương trình kinh tế, trước hết là tập trung đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm. Huyện đã chủ động trích một phần ngân sách để mua phân bón, thuốc trừ sâu, giống các loại và đã tu sửa các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Diện tích canh tác tăng bình quân hằng năm trên 5%. Năm 1990, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt 13.798 ha; một số cây trồng chủ lực có diện tích gieo trồng đạt khá như lúa 4.605 ha, ngô 3.746 ha, sắn 680 ha, đậu các loại 1.551 ha. Năng suất, sản lượng một số cây trồng chủ yếu như lúa đạt 13,07 tạ/ha, ngô đạt 6,847 tạ/ha. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển chậm và chưa toàn diện; tổng diện tích gieo trồng năm 1990 chỉ bằng 50,5 % so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội IX. Nguyên nhân chủ yếu là do việc đề ra chỉ tiêu chưa sát thực tế. Sản xuất lương thực nhiều năm không đạt chỉ tiêu đề ra. Năm 1989-1990, huyện đã cơ bản cân đối được lương thực, nhưng đến năm 1991, do hạn hán kéo dài nên tình trạng thiếu đói giáp hạt diễn ra trên diện rộng. Sản lượng lương thực bình quân đầu người chỉ đạt 249 kg, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra của Đại hội IX là 360 kg/người/năm.

Cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày, mà chủ lực là cây thuốc lá, mè, điều đã khẳng định được giá trị kinh tế cao, khối lượng hàng hóa lớn và là một trong những nguồn thu chủ yếu của nông dân địa phương tiếp tục được đầu tư phát triển. Đến năm 1990, tổng diện tích cây công nghiệp ngắn ngày của huyện đạt 2.302 ha, trong đó diện tích thuốc lá có 689 ha, diện tích mè 1.230 ha, thầu dầu 65 ha, lạc 247 ha…. Cây công nghiệp trên địa bàn huyện, tuy có phát triển nhưng chưa đi vào chuyên canh, thâm canh nên năng suất, sản lượng còn thấp. Thêm vào đó giá cả thu mua chưa hợp lý đã ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư mở rộng diện tích, tăng năng suất.

Công tác định canh, định cư chuyển hướng từ chỉ đạo diện sang chỉ đạo điểm. Tận dụng các nguồn vốn của Trung ương và địa phương, huyện đã định cư cho 4.393 hộ với 28.516 khẩu tại 76 buôn làng. Có 1.794 hộ sau định cư ổn định sản xuất có đời sống kinh tế khá. Ở một số vùng, đồng bào dân tộc thiểu số đã biết làm kinh tế vườn, thu nhập ổn định. Nhờ định canh, định cư nên bộ mặt nông thôn một số vùng của huyện thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, công tác định canh, định cư trên địa bàn huyện chưa đạt những yêu cầu cơ bản. Nhiều địa phương định canh chưa gắn liền với thâm canh, định cư chưa gắn với phát triển kinh tế vườn. Các hợp tác xã nông nghiệp và tập đoàn sản xuất được hình thành trước đây, do chuyển đổi không kịp theo cơ chế mới, nên chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa.

Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các xí nghiệp quốc doanh vẫn duy trì hoạt động và đứng vững được trong cơ chế thị trường. Các hoạt động dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp tư nhân phát triển mạnh phục vụ thiết thực cho nhu cầu của sản xuất và đời sống, tạo nguồn thu ngân sách quan trọng cho địa phương. Một số công trình phục vụ ba chương trình kinh tế và dân sinh được triển khai xây dựng, từng bước tạo cơ sở vật chất kỹ thuật cho huyện, phục vụ mục tiêu phát triển trước mắt và lâu dài. Trước những khó khăn do chuyển đổi cơ chế, huyện chủ trương nhanh chóng sắp xếp lại tổ chức bộ máy lao động và các hoạt động sản xuất kinh doanh của các xí nghiệp quốc doanh, có kế hoạch vay vốn đầu tư có trọng điểm cho từng đơn vị, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn sản xuất với thị trường. Tuy nhiên, ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện chưa được quy hoạch tổng thể cơ bản, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, nên phát triển chậm. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa phục vụ thiết thực cho việc phát triển nông, lâm nghiệp. Tiểu thủ công nghiệp chưa khai thác hết lợi thế về lao động và nguồn nguyên liệu tại chỗ để sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Việc chế biến nông lâm sản để tăng giá trị hàng hóa nông nghiệp chưa được quan tâm đầu tư phát triển.

Khi chuyển sang cơ chế thị trường, lĩnh vực phân phối lưu thông có chuyển biến tích cực. Các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng, nên việc lưu thông hàng hóa thuận lợi, chủng loại hàng hóa phục vụ tiêu dùng phong phú, giá cả ổn định hơn. Với phương thức “thuận mua, vừa bán” đã khuyến khích sản xuất phát triển. Trong cơ chế mới, tư nhân bung ra làm ăn có hiệu quả, thì ngành thương nghiệp quốc doanh lâm vào tình trạng khó khăn. Do chưa thích ứng kịp với cơ chế thị trường, nên thương nghiệp quốc doanh làm ăn kém hiệu quả; chưa gắn lưu thông hàng hóa với sản xuất, chưa mở rộng thị trường tiêu thụ để khuyến khích sản xuất phát triển. Thương nghiệp quốc doanh bỏ trống vùng nông thôn, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số để tư thương thâu tóm, lũng đoạn. Mạng lưới cửa hàng thương nghiệp và hợp tác xã mua bán tại các xã ngày càng thu hẹp và bị triệt tiêu.

Cùng với đổi mới cơ chế quản lý, triển khai thực hiện ba chương trình kinh tế lớn, giải quyết vấn đề cấp bách về lương thực, thực phẩm, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, Huyện ủy Krông Pa luôn quan tâm đúng mức đến việc lãnh đạo phát triển các mặt văn hóa – xã hội. Trong những năm đầu đổi mới, mọi mặt của huyện còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ xác định, muốn đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhất quyết phải quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí của nhân dân trên địa bàn huyện. Đại hội lần thứ IX và X của Đảng bộ huyện đều chủ trương: tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sự nghiệp giáo dục. Chú trọng công tác xóa mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học, đối tượng chủ yếu là cán bộ thôn, buôn, cán bộ xã, cán bộ dự bị. Đầu tư phát triển hệ thống trường, lớp; phấn đấu đến năm 1991, huyện có đủ trường lớp để thu hút hầu hết số trẻ trong độ tuổi đến trường, mở rộng; phát triển hệ thống trường cấp I, cấp II đến các xã; hoàn chỉnh trường cấp III của huyện. Có các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng dạy và học theo yêu cầu đổi mới giáo dục. Từng bước giải quyết chỗ ở cho giáo viên để các thầy cô yên tâm công tác lâu dài. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức xã hội chủ nghĩa cho giáo viên và học sinh.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nghiệp giáo dục của huyện có bước phát triển khá. Quy mô giáo dục được mở rộng, hệ thống trường lớp phát triển, số lượng học sinh tăng. Năm học 1986-1987, toàn huyện có 15 trường, với 6.342 học sinh. Năm học 1990 - 1991, huyện Krông Pa có 17 trường, 6.534 học sinh các cấp. Tất cả các xã trên địa bàn huyện đều có lớp mẫu giáo và tiểu học. Để tăng cường cơ sở vật chất trường lớp đáp ứng yêu cầu học tập ngày càng tăng, huyện đã trích ngân sách và huy động sự đóng góp của nhân dân để tu sửa, xây dựng mới trường lớp, đóng bàn ghế cho học sinh, giáo viên để phục vụ dạy và học. Riêng năm 1991, huyện đã đầu tư xây mới 13 phòng học, với tổng kinh phí 187 triệu đồng. Ngành giáo dục huyện đã đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học, như đẩy mạnh phong trào thi đua hai tốt, tăng cường trách nhiệm của giáo viên trong việc vận động trẻ trong độ tuổi đến lớp; tổ chức bồi dưỡng, thi chọn giáo viên và học sinh giỏi các cấp. Công tác bổ túc văn hóa và xóa mù chữ được triển khai thường xuyên. Năm học 1986 - 1987, duy trì được 26 lớp bổ túc văn hóa với 660 học viên. Năm 1990-1991, huy động được 386 học viên tại các xã tham gia các lớp xóa mù chữ. Tuy nhiên, tình hình giáo dục của huyện trong những năm đầu đổi mới cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chất lượng giáo dục, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, bình quân hàng năm chỉ có khoảng 80% học sinh cấp I và cấp II lên lớp thẳng. Trên 50% giáo viên của huyện được đào tạo cấp tốc, nên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Một số giáo viên do điều kiện kinh tế khó khăn, nên thiếu an tâm công tác, thậm chí một số bỏ nghề. Năm học 1991 - 1992, toàn huyện có 298 giáo viên, giảm 13 giáo viên so với năm học 1990 - 1991. Số lượng học sinh tăng nhưng số lượng giáo viên giảm đã ảnh hưởng lớn đến việc duy trì, củng cố và phát triển sự nghiệp giáo dục của huyện trong những năm đầu đổi mới.

Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, Đảng bộ huyện chủ trương phát huy cơ sở vật chất đã có, đồng thời xúc tiến đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất cho ngành y tế, quản lý và phân công công tác phù hợp cho đội ngũ y, bác sỹ. Phát huy phong trào trồng cây thuốc nam tại các xã. Kết hợp đông tây y trong phòng bệnh và chữa bệnh. Phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Phát triển phong trào vệ sinh phòng bệnh trong nhân dân. Kịp thời giám sát và dập tắt các ổ dịch bệnh từ cơ sở. Củng cố mở rộng việc khám chữa bệnh cho nhân dân tại bệnh viện huyện và các trạm y tế xã. Có kế hoạch chủ động về thuốc và kinh phí phục vụ cho các hoạt động y tế. Vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện kế hoạch hóa gia đình, giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên để có điều kiện chăm lo sức khỏe, giáo dục trẻ em và nâng cao đời sống của nhân dân.

Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện trong 5 năm đầu đổi mới có nhiều tiến bộ, cơ sở vật chất, phương tiện khám chữa bệnh được tăng cường, các xã đều có trạm y tế. Năm 1986, toàn huyện có 120 giường bệnh, năm 1991 tăng lên 130 giường. Bệnh viện huyện được xây mới phòng mổ, trang bị mới xe cấp cứu. Phòng khám đa khoa khu vực Lệ Bắc được xây mới và đưa vào sử dụng. Đội ngũ cán bộ y tế huyện đã có nhiều nỗ lực vượt qua thách thức, từng bước xây dựng đội ngũ thầy thuốc có phẩm chất, nghiệp vụ chuyên môn và thái độ phục vụ theo tiêu chuẩn của ngành. Năm 1991, huyện đã mở một lớp y tá hộ lý gồm 39 học viên, đến cuối khóa học có 31 học viên tốt nghiệp được phân bổ về các trạm y tế. Do được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và quan tâm xây dựng đội ngũ y bác sĩ, nên chất lượng khám chữa bệnh đã có nhiều tiến bộ. Trung tâm y tế huyện có khả năng xử lý được những trường hợp sốt rét ác tính, đẻ khó, phẫu thuật vừa và nhỏ. Công tác tiêm chủng mở rộng được thực hiện có kết quả; năm 1991 tổ chức tiêm chủng tại 8/11 xã, có 1.099 trẻ được tiêm chủng. Công tác kế hoạch hóa gia đình, sinh đẻ có kế hoạch đạt được một số kết quả bước đầu. Công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai thường xuyên. Riêng năm 1990, huyện đã tổ chức phun thuốc trừ muỗi cho 100% hộ gia đình các xã Phú Cần, Phú Túc, Chư Gu.

Tuy có những chuyển biến bước đầu, nhưng công tác y tế của huyện trong những năm đầu đổi mới còn có nhiều khó khăn, yếu kém. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác y tế, có nơi còn khoán trắng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân cho ngành chuyên môn, nên tinh thần phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân của một bộ phận cán bộ y tế chưa tốt. Tỷ lệ sử dụng giường bệnh của tuyến y tế cơ sở còn rất thấp. Dụng cụ y tế và thuốc men để chăm sóc và điều trị bệnh cho nhân dân còn thiếu nghiêm trọng. Nhiều trạm y tế xã còn tạm bợ, bị xuống cấp nhưng chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp kịp thời. Bệnh sốt rét phát triển thành dịch bệnh trên diện rộng, các bệnh bướu cổ, dịch hạch, sốt xuất huyết, bệnh phong vẫn chưa được phòng ngừa và điều trị có hiệu quả. Năm 1991, trên địa bàn huyện đã xảy ra đợt dịch lỵ Amíp có 135 người mắc, trong đó có 14 người tử vong.

Hoạt động văn hóa - thông tin đã tập trung tuyên truyền đường lối đổi mới của Đảng và các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của huyện, động viên phong trào sản xuất của nhân dân, nhằm phục vụ tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh. Đài truyền thanh huyện hoạt động ngày càng đi vào nề nếp. Số lượng tin bài tăng, chất lượng tin bài tốt hơn, đã phản ánh toàn diện mọi mặt đời sống của huyện. Năm 1987, đài truyền thanh huyện tiếp sóng và phát thanh 1758 giờ, với 672 tin bài, đến năm 1991, số giờ phát sóng tăng lên 2.440 giờ, với 731 tin bài bằng hai ngôn ngữ Jrai và phổ thông. Các hoạt động chiếu phim, văn hóa - văn nghệ phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân được chú trọng. Số buổi chiếu phim, biểu diễn văn nghệ ở các xã, thôn, buôn được tổ chức thường xuyên hơn đã góp phần cổ vũ nhân dân hăng say lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Năm 1987, đội chiếu phim lưu động huyện tổ chức được 356 buổi chiếu tại các xã, thôn buôn, phục vụ cho gần 160.000 lượt người xem; năm 1990, đội chiếu phim lưu động huyện đã tổ chức được 370 buổi chiếu phim phục vụ cho 215.830 lượt người xem.

Cùng với chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, tuy điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, kinh phí hạn hẹp, nhưng huyện đã quan tâm thực hiện tốt các chính sách xã hội. Trong những năm 1986 - 1988, thiên tai, hạn hán, mất mùa xảy ra liên tiếp trên địa bàn, làm cho nhiều hộ dân rơi vào cảnh thiếu đói. Một mặt, huyện kêu gọi, động viên nhân dân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để vượt qua khó khăn, mặt khác huyện đã xuất lương thực cứu đói cho nhân dân năm 1986 là 24.864 khẩu, năm 1987 là 20.317 khẩu, năm 1988 là 20.757 khẩu. Công tác thương binh xã hội, đền ơn đáp nghĩa được quan tâm. Huyện tổ chức thực hiện tốt chính sách đối với thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, cán bộ hưu trí, mất sức. Thường xuyên giúp đỡ về vật chất đối với các gia đình chính sách gặp khó khăn; ưu tiên sắp xếp việc làm phù hợp cho một số thương binh. Huyện thường xuyên phát động phong trào trong cán bộ nhân viên, nhân dân đóng góp, ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách. Hàng năm, nhân kỷ niệm ngày Thương binh - liệt sĩ, ngày Tết cổ truyền và các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước, lãnh đạo huyện, các ngành, các xã đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách, động viên các gia đình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đổi mới của địa phương.

Trong 5 năm đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tình hình mọi mặt của Krông Pa có chuyển biến tích cực. Trong lĩnh vực kinh tế, huyện tập trung quán triệt các quan điểm kinh tế mới của Đảng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, chỉ đạo các cấp, các ngành và nhân dân tập trung thực hiện ba chương trình kinh tế lớn, bước đầu giải quyết được các vấn đề cấp bách về lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng để ổn định cuộc sống, giải phóng sức sản xuất, giải quyết được sự khan hiếm hàng hóa trên thị trường, đời sống nhân dân từng bước ổn định hơn. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực. Quy mô giáo dục tăng khá, trình độ dân trí của huyện được nâng lên. Chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện đáng kể. Hoạt động văn hóa - thông tin, văn nghệ, thể thao đã có nhiều cố gắng đổi mới cơ chế hoạt động và phương thức phục vụ. Mặc dù nhiều chỉ tiêu do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX và lần thứ X đề ra chưa thực hiện được, nhưng huyện đã giải quyết được nhiều khó khăn trước mắt, để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà quan trọng cho Krông Pa tăng tốc phát triển trong những năm tiếp theo.

II - CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ, GẮN VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, CỦNG CỐ QUỐC PHÒNG - AN NINH

Năm 1990 và những tháng đầu năm 1991, tình hình quốc tế có những biến động sâu sắc, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô khủng hoảng trầm trọng và từng bước sụp đổ đã ảnh hưởng lớn đến tình hình mọi mặt của nước ta, nhất là về tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trước tình hình đó, Huyện ủy Krông Pa vừa tập trung lãnh đạo giữ vững ổn định chính trị, tư tưởng, vừa lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong huyện đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X. Tháng 6-1991, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII được tiến hành đã đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của 5 năm 1991 - 1995. Đại hội thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và thông qua Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, đặc biệt là chủ trương phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII là tiền đề thuận lợi quan trọng để Đảng bộ huyện lãnh đạo nhanh chóng ổn định tình hình tư tưởng, chính trị trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời có định hướng đúng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện.

Trong tháng 6, 7 và 8 năm 1991, Huyện ủy tổ chức nhiều lớp học tập Nghị quyết và các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII và nghiên cứu Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Qua các lớp học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng, nhận thức về chính trị, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân có chuyển biến tích cực; niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới được củng cố một bước.

Từ ngày 17 đến 20 tháng 12 năm 1991, đã diễn ra Đại hội Đảng bộ huyện Krông Pa lần thứ XI. Về dự Đại hội có 73 đại biểu chính thức thay mặt cho hơn 500 đảng viên của 30 tổ chức cơ sở đảng trong toàn huyện. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các văn kiện được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Đại hội Đảng bộ huyện đã phân tích, đánh giá những mặt làm được và chưa được sau ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, phân tích nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm và đề ra 4 mục tiêu lớn để phấn đấu thực hiện trong 5 năm 1991-1995:

Từng bước xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, dưới sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chuyển nền sản xuất nông nghiệp mang tính tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung thực hiện ba chương trình kinh tế lớn lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Kiểm soát và đẩy lùi được đói, đau, mù chữ và bội chi ngân sách. Gắn sản xuất với chế biến. Xây dựng cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng nông - lâm - công nghiệp tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

Củng cố các cơ sở đã định canh, định cư, tiếp tục vận động và tổ chức nhân dân các nơi chưa định canh, định cư tiến hành định canh, định cư. Nâng cao trình độ mọi mặt của nhân dân. Xây dựng gia đình văn hóa, con người mới xã hội chủ nghĩa, làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội, thực hiện tốt các chính sách xã hội và chính sách hậu phương quân đội.

Tăng cường công tác quốc phòng an ninh. Xây dựng lực lượng vũ trang, công an nhân dân vững mạnh, để thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn phá hoại của địch trên địa bàn.

Đổi mới và chỉnh đốn Đảng, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong hệ thống chính trị ở địa phương. Làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tăng cường sự gắn bó của Đảng với nhân dân.

Đại hội xác định một số chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội cần phấn đấu đạt được vào năm 1995, cụ thể: sản xuất được 19.000 đến 20.000 tấn lương thực quy thóc, bình quân lương thực đầu người đạt 400kg/năm. Dân số tăng lên khoảng 46.000 người. Mở rộng diện tích lúa nước hai vụ đạt từ 350 đến 400 ha, diện tích cây ngô đạt 4.500 ha, cây sắn 1.000 ha, cây khoai lang 900 ha. Mở rộng diện tích cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày, trong đó cây thuốc lá đạt từ 1.200 đến 1.300 ha, 1.600 ha mè, 500 đến 600 ha đậu phộng, 1.500 ha điều. Phát triển đàn gia súc của huyện, đưa đàn bò lên 25.000 đến 26.000 con, đàn heo đạt 21.000 con. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, thủ công mỹ nghệ. Các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ yếu của huyện là điện, gỗ, vật liệu xây dựng, thịt các loại, thức ăn gia súc, chế biến đường… Trong lĩnh vực dịch vụ đảm bảo giá trị hàng hóa trao đổi đạt 5.500 triệu đồng. Huy động 85% trẻ trong độ tuổi đến lớp, phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học – chống mù chữ tại 3 xã. Củng cố mạng lưới y tế cơ sở, mỗi xã đều có một trạm y tế, có đủ cán bộ y tế để triển khai nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Giải quyết dứt điểm việc thiếu đói thường xuyên và đói giáp hạt trên địa bàn huyện.

Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa XI gồm 27 đồng chí. Ban chấp hành Đảng bộ huyện bầu Ban Thường vụ Huyện ủy gồm 7 đồng chí. Đồng chí Kor Tam, tỉnh ủy viên, được bầu làm Bí thư Huyện ủy. Hai đồng chí Nguyễn Minh Đẩu, Rơchơm Bơm được bầu làm Phó bí thư Huyện ủy.

Sau Đại hội Đảng bộ huyện, trọng tâm lãnh đạo của cấp ủy địa phương là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới cơ chế quản lý, đẩy mạnh sản xuất, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đạt vượt mức kế hoạch đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Huyện lãnh đạo từng bước chuyển nền nông nghiệp sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, theo mô hình kinh tế hộ gia đình là chủ yếu.

Địa phương khuyến khích phát triển mạnh các loại cây nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế khá như: mè, thuốc lá, sắn, đậu đỗ các loại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của huyện giai đoạn 1991 - 1995 đạt 7,9%, trong đó nông lâm nghiệp tăng trưởng bình quân đạt 7,68%, công nghiệp - xây dựng đạt 9,4%, thương mại - dịch vụ tăng 8,9%. Tỷ trọng cơ cấu kinh tế của huyện năm 1995 là: nông - lâm nghiệp chiếm 80,7%, công nghiệp - xây dựng chiếm 11,18%, thương mại - dịch vụ chiếm 8,12%. GDP bình quân đầu người của huyện năm 1995 đạt 163 USD, tương đương 1.805.000 đồng.

Từ ngày 24 đến 26 tháng 3 năm 1994, Đảng bộ huyện tổ chức Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ, nhằm phân tích, đánh giá tình hình của huyện sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI. Hội nghị thống nhất đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của huyện đã từng bước đi vào thế ổn định và có bước phát triển khá. Đời sống đại bộ phận nhân dân được nâng lên. Kinh tế hộ gia đình phát triển đã kích thích nông dân phát huy quyền làm chủ trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư các nguồn lực cho sản xuất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp ngày càng nhiều. Song, kinh tế của huyện tăng trưởng còn chậm, còn nhiều yếu tố chưa vững chắc. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn chưa được đầu tư nâng cấp, đã ảnh hưởng lớn đến việc đi lại và thông thương hàng hóa.

Trên cơ sở đánh giá tình hình, Hội nghị đã bổ sung nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện cần đạt được đến năm 1995 và đề ra các nhiệm vụ trọng tâm: chuyển dịch và hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, đẩy mạnh phát triển nông – lâm nghiệp toàn diện, gắn với phát triển các ngành nghề thủ công. Từng bước hình thành một số cơ sở chế biến nông sản hàng hóa bằng hình thức liên doanh để khai thác tốt tiềm năng và các nguồn lực của các thành phần kinh tế. Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài để phát triển sản xuất. Ưu tiên có trọng điểm xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật của huyện. Từng bước thực hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo. Thực hiện có hiệu quả các chương trình giải quyết việc làm, định canh định cư cho đồng bào các dân tộc; thực hiện tốt các chương trình quốc gia về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ và môi trường. Xây dựng thực lực chính trị cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Qua năm năm triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu do đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI đề ra, sản xuất nông, lâm nghiệp đi dần vào thế ổn định và có bước phát triển. Sản xuất lương thực được coi trọng, đã tập trung chỉ đạo thâm canh, tăng vụ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đưa nhiều loại giống mới vào sản xuất có hiệu quả. Tổng diện tích gieo trồng năm 1995 đạt 19.370 ha, tăng 6.183 ha so với năm 1991. Tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 14.912 tấn, tăng 143,8% so với năm 1991, bình quân lương thực đầu người đạt 310 kg, cao hơn bình quân toàn tỉnh. Cây công nghiệp ngắn ngày tăng khá cả về diện tích và năng suất. Cây thuốc lá sau năm năm diện tích tăng 458 ha, đưa tổng diện tích cây thuốc lá toàn huyện năm 1995 đạt 1170 ha, trong đó có 60 ha thuốc lá sợi vàng. Sản lượng thuốc lá năm 1995 đạt 512 tấn, tăng 131 tấn so với năm 1991. Đậu các loại vào năm 1995 diện tích gieo trồng lên đến 2.661 ha, tăng 202% so với năm 1991. Cây công nghiệp dài ngày chủ lực là cây điều tăng nhanh về diện tích, năm 1995 đạt 5.876 ha, tăng 3.345 ha so với năm 1993.

Trong chăn nuôi, huyện đã đề ra biện pháp cải tạo giống gia súc của địa phương. Lập dự án để đầu tư giống bò lai, từng bước thay dần giống bò địa phương năng suất thấp. Năm 1995, tổng đàn bò của huyện là 32.928 con, tăng 8.928 con so với năm 1991, đàn heo toàn huyện có 24.528 con, trong đó heo lai chiếm 20% tổng đàn. Trong 5 năm, đàn heo của huyện tăng 5.828 con. Đàn dê của huyện phát triển mạnh, năm 1995 có 1750 con, huyện từng bước đưa giống dê bách thảo vào nuôi để cải tạo giống dê địa phương. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa giống mới vào để lai tạo đàn gia súc được bà con nông dân hưởng ứng, đã tạo ra năng suất, chất lượng và hiệu quả rõ rệt, từng bước đưa ngành chăn nuôi trở thành một trong những ngành sản xuất hàng hóa chính của địa phương.

Bằng nguồn vốn của dự án 327 “phủ xanh đất trống đồi núi trọc”, huyện đã triển khai trồng mới được 2.298 ha rừng, chủ yếu bằng cây điều. Đã tiến hành quy hoạch giao khoán cho 153 hộ dân quản lý, bảo vệ 5.657 ha rừng. Huyện duy trì khai thác hàng năm từ 2.500 đến 3.000 m3 gỗ để chế biến và bán ra thị trường, tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương. Tuy nhiên, công tác bảo vệ rừng trên địa bàn huyện triển khai thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp. Nạn phá rừng làm nương rẫy diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi làm cho vốn rừng giảm dần, diện tích đất trống đồi núi trọc tăng nhanh. Diện tích trồng rừng tăng chậm. Việc thực hiện chủ trương giao đất khoán rừng cho các đơn vị và hộ gia đình triển khai chậm. Hiệu quả kinh tế lâm nghiệp còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của huyện.

Công tác định canh, định cư được Huyện ủy thường xuyên quan tâm lãnh đạo. Từ khi có Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị (khóa VII) và Quyết định số 72 của Hội đồng Bộ trưởng đã gắn công tác định canh định cư với tổ chức lại sản xuất, thực hiện giao đất, giao rừng, phát triển ngành nghề, chăm lo giáo dục, y tế, thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội. Đến cuối năm 1995, huyện đã xây dựng, củng cố định canh, định cư gắn với xây dựng nông thôn mới được 84/117 thôn buôn. Đời sống của đại bộ phận đồng bào sau khi định canh, định cư đã dần ổn định, nhiều hộ đã vượt qua phương thức sản xuất tự túc, tự cấp trở thành những hộ sản xuất hàng hóa.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện tuy còn nhỏ nhưng đã cố gắng vươn lên khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất và đứng vững được trong cơ chế mới. Huyện đã xúc tiến sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đào tạo lại cán bộ, công nhân, xây dựng lại phương án sản xuất kinh doanh, trang bị thêm một số máy móc cho các đơn vị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương. Ngoài xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng huyện, Nhà nước đã liên doanh với một số hộ gia đình sản xuất gạch ngói, đã đáp ứng cơ bản nhu cầu xây dựng trên địa bàn. Riêng năm 1995, sản lượng sản xuất tại địa phương đạt 630.000 viên, ngói 93.000 viên. Xí nghiệp vật liệu xây dựng đã nộp cho ngân sách 16 triệu đồng. Ngành điện được đầu tư, tăng thời gian phát điện từ 4 giờ lên 10 giờ/ngày phục vụ tốt hơn cho yêu cầu sản xuất và sinh hoạt. Nhà máy nước tại thị trấn Phú Túc đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng cung cấp nước hàng năm đạt 5.160m3­­. Tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề thủ công ở các hộ gia đình phát triển khá. Nhiều gia đình đã bỏ vốn đầu tư mua sắm thiết bị máy móc, mở các cơ sở xay xát, sửa chữa cơ khí, điện máy, nhất là ở thị trấn Phú Túc và các xã ven đường quốc lộ 25. Đã hình thành được xưởng gia công chế biến gỗ ván lạng tại Phú Túc, giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động.

Thương mại, dịch vụ phát triển, hàng hóa chu chuyển trong huyện ngày càng phong phú, thông suốt. Khi chuyển sang cơ chế thị trường, thương nghiệp quốc doanh gặp khó khăn lớn trong hoạt động kinh doanh, không cạnh tranh nổi với tư nhân, dẫn đến làm ăn thua lỗ. Huyện tiến hành giải thể ba đơn vị thương nghiệp quốc doanh, sắp xếp lại tổ chức, thực hiện phương án kinh doanh mới, công ty bước đầu làm ăn có hiệu quả và nộp ngân sách nhà nước.

Cùng với những kết quả đạt được ban đầu, đến năm 1995, nhìn tổng thể nền kinh tế huỵên Krông Pa vẫn mang nặng tính chất nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu. Kinh tế hàng hóa chưa phát triển ở các xã vùng sâu, vùng xa. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm so với yêu cầu đặt ra. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế của huyện còn chậm, tỷ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế còn lớn, chiếm hơn 80%. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, nên năng suất và hiệu quả kinh tế còn thấp. Ngân sách của huyện mất cân đối lớn, thu không đủ chi, phần lớn do ngân sách tỉnh hỗ trợ.

Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, đường giao thông chậm cải thiện, do vốn đầu tư còn hạn chế. Các thành phần kinh tế đang hình thành và cạnh tranh gay gắt, kinh tế quốc doanh và tập thể mất vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Việc điều tiết lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tiêu dùng.

Đi đôi với phát triển kinh tế, huyện đã quan tâm đúng mức đến việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Các hoạt động văn hóa thông tin, phát thanh tuyền hình, chiếu phim, văn nghệ quần chúng được tăng cường, góp phần quan trọng đưa đường lối, chính sách đổi mới đến với nhân dân, hướng dẫn tổ chức xây dựng đời sống văn hóa mới, bài trừ mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu. Đến năm 1995, đã phủ sóng truyền hình đến hầu hết các xã, thị trấn của huyện, hệ thống truyền thanh mở rộng đến các xã. Đội chiếu phim số 7 khắc phục khó khăn, hàng năm tổ chức trên 300 buổi chiếu phim phục vụ đồng bào ở các buôn, thôn. Huyện đã cơ bản xoá buôn trắng về phim ảnh. Năm 1995, ngành văn hóa huyện đã phối hợp với trung tâm đào tạo bồi dưỡng mở một lớp tập huấn nghiệp vụ văn hóa thông tin cho 20 cán bộ làm công tác văn hóa thông tin cơ sở. Hàng năm, huyện đã tổ chức nhiều đợt liên hoan văn nghệ quần chúng nhân các ngày lễ lớn, qua đó khơi dậy phong trào văn hóa, văn nghệ ở các cơ quan, đơn vị và cơ sở. Hoạt động quản lý văn hóa và dịch vụ văn hóa được triển khai thường xuyên. Qua các năm huyện tổ chức nhiều đợt kiểm tra các hoạt động dịch vụ karaôkê, kinh doanh văn hóa phẩm, phát hiện thu giữ nhiều băng hình có nội dung đồi truỵ, kích động bạo lực. Thư viện huyện được củng cố, đến năm 1995, thư viện có 3.609 đầu sách, phục vụ cho 11.506 lượt bạn đọc.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân các cấp đã quan tâm chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, nhờ vậy, công tác giáo dục và đào tạo của huyện ổn định và có bước phát triển mới. Hệ thống trường lớp phát triển đa dạng, quy mô được mở rộng. Năm học 1995 - 1996, toàn huyện có 23 trường với 13.500 học sinh, tăng 6 trường và 6.966 học sinh so với năm 1991. Hầu hết các thôn buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đều có lớp học, cơ sở vật chất trường lớp phục vụ dạy và học được quan tâm đầu tư xây dựng. Huyện đã xóa được làng trắng về giáo dục và hạn chế được lớp học ca 3. Riêng trong hai năm 1994, 1995, bằng nguồn ngân sách địa phương và huy động sự đóng góp của nhân dân, huỵên đã đầu tư 1 tỷ 598 triệu đồng xây dựng mới 80 phòng học, đầu tư hàng trăm triệu đồng để đóng mới, sửa chữa bàn ghế giáo viên và học sinh, xây dựng hệ thống thư viện trường học, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học. Ngành giáo dục huyện có nhiều giải pháp cụ thể để huy động trẻ trong độ tuổi đến trường. Giai đoạn 1991 -1995, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến lớp trung bình hàng năm đạt 80%. Chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên. Tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp các cấp và chuyển cấp đạt cao và thi đỗ vào các trường chuyên nghiệp ngày càng nhiều. Công tác bổ túc văn hóa, phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ được duy trì thường xuyên. Đến năm 1995, huyện có 6/14 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ. Tuy nhiên, công tác giáo dục và đào tạo của Krông Pa giai đoạn này vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến lớp vẫn còn thấp, còn khoảng 20% trẻ trong độ tuổi chưa được đến trường. Tỷ lệ học sinh phổ thông bỏ học còn cao, hàng năm chiếm tới 10%. Trình độ của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên được đào tạo cấp tốc, giáo viên làng còn rất thấp, đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Trường lớp tuy được quan tâm đầu tư, nhưng do số lượng học sinh tăng nhanh, nên tình trạng thiếu lớp học, phải học 3 ca vẫn còn khá lớn.

Công tác sức khỏe nhân dân ngày càng được chăm lo tốt hơn. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, 100% số xã, thị trấn có cán bộ y tế hoạt động, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được cải thiện một bước. Riêng năm 1995, ngành y tế huyện được đầu tư mua mới 1 máy chụp X quang, 1 xe cứu thương, 4 kính hiển vi...Các chương trình y tế quốc gia và công tác điều tra phát hiện, quản lý các bệnh xã hội được triển khai thường xuyên. Tổ chức tiêm chủng mở rộng cho trẻ em hàng năm đạt trên 90%, tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai đạt trung bình khoảng 85%. Bệnh sốt rét trên địa bàn huyện bước đầu được ngăn chặn, hạn chế và đẩy lùi. Hàng năm, y tế huyện đều phối hợp với các trung tâm chuyên ngành của tỉnh tiến hành điều tra bệnh lao, phong, da liễu.. tại các xã, thị trấn để phát hiện, quản lý và điều trị kịp thời. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình có bước phát triển mới. Tất cả 14/14 xã, thị trấn của huyện đều có cán bộ chuyên trách dân số, toàn huyện có 135 cộng tác viên dân số ở các thôn buôn, việc tuyên truyền thực hiện kế hoạch hóa gia đình được triển khai sâu rộng. Nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó có các cặp vợ chồng đồng bào dân tộc chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của huyện năm 1995 là 2,4%, giảm 0,3% so với năm 1991. Tuy nhiên, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân của huyện còn yếu kém. Phong trào vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh môi trường triển khai chưa hiệu quả. Chất lượng khám chữa bệnh ở cả bệnh viện huyện và tuyến y tế cơ sở còn thấp. Trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh còn thiếu và lạc hậu. Trình độ của đội ngũ y, bác sĩ, nhất là ở tuyến cơ sở còn thấp. Công tác quản lý và điều trị các bệnh xã hội hiệu quả còn thấp, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng rất cao, lên đến 42% vào năm 2005.

Xác định hai nhiệm vụ chiến lược trong thời kỳ mới là xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công tác quốc phòng an ninh được Đảng bộ huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát. Trong các kỳ Đại hội IX, X, XI, Đảng bộ huyện chủ trương: Phát động và giữ vững phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trên cơ sở sức mạnh tổng hợp của các lực lượng chuyên chính, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu và hành động phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch và các loại tội phạm khác. Giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, bảo vệ sự bình yên ở các thôn buôn.

Tích cực xây dựng thực lực cách mạng ở cơ sở, chăm lo đời sống đồng bào. Kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Chuẩn bị phương án động viên khi cần thiết, xây dựng phương án sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu tốt để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền trong mọi tình huống. Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, tính tích cực cách mạng của khối đại đoàn kết toàn dân. Tăng cường phối hợp giữa hai lực lượng quốc phòng và an ninh trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự. Kết hợp đấu tranh của các lực lượng vũ trang và đấu tranh chính trị, tổ chức bóc gỡ cơ sở địch trong dân, đánh địch liên tục giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Cơ bản giải quyết vấn đề FULRO trên địa bàn theo các yêu cầu: đánh bật FULRO ra khỏi địa bàn, không để người dân của huyện ra rừng theo FULRO, không nghe địch tuyên truyền, xoá sạch cơ sở ngầm của địch trong dân.

Tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang tại chỗ. Xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận an ninh trật tự. Chú trọng công tác giáo dục chính trị trong các lực lượng vũ trang. Quản lý chặt chẽ quân dự bị động viên, dân quân tự vệ, tổ chức tốt các đợt huấn luyện kỹ chiến thuật theo yêu cầu chuyên môn thường xuyên hàng năm.

Làm tốt công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ nội bộ. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và các loại tội phạm khác trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng văn hóa...Giữ vững trật tự trị an, an toàn xã hội, chủ động đập tan âm mưu “diễn biến hòa bình” của địch, đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm hình sự. Phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội.

Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, củng cố và xây dựng quốc phòng trong tình hình mới, Huyện ủy chỉ đạo các ngành, các xã tăng cường giáo dục quốc phòng toàn dân, giáo dục luật nghĩa vụ quân sự, ra sức củng cố nâng cao chất lượng hoạt động các lực lượng vũ trang và công an nhân dân về mọi mặt. Huyện chỉ đạo củng cố lực lượng dân quân tự vệ ở các xã. Tiến hành phúc tra, phân loại, quản lý quân dự bị động viên. Đến năm 1994, toàn huyện có 935 dân quân tự vệ ở các cơ quan và các xã, chiếm 2% dân số. Toàn huyện có 134 quân dự bị động viên, công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu được triển khai thường xuyên hàng năm.

Mặc dù bị đánh rã vào cuối năm 1985, nhưng trên địa bàn huyện thời kỳ 1986-1995, bọn phản động FULRO vẫn ngấm ngầm hoạt động chống phá cuộc sống bình yên của nhân dân. Chúng tổ chức móc nối xây dựng cơ sở ở một số buôn, tổ chức cài cắm cơ sở trong dân, tiến hành tuyên truyền chống phá cách mạng. Trước tình hình trên, triển khai thực hiện Nghị quyết 60 của Bộ Chính trị về nhiệm vụ quốc phòng và an ninh quốc gia trong tình hình mới và Chỉ thị 135 của Hội đồng Bộ trưởng về truy quét các loại tội phạm hình sự, Huyện ủy đã chỉ đạo các lực lượng vũ trang phối hợp với các ngành hữu quan, với mặt trận và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền phát động quần chúng nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, không nghe và không làm theo các luận điệu tuyên truyền của bọn phản động. Các lực lượng vũ trang huyện tổ chức nhiều đợt truy quét bọn FULRO, tiêu biểu như trận đánh FULRO ngày 4-4-1991. Được sự chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, ngày 3-4-1991, một tổ công tác của huyện đội gồm 8 đồng chí do trung tá Rơ Ô Cheo, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện dẫn đầu lên đường tiến hành truy quét một toán FULRO đang hoạt động tại địa bàn xã Ia Rmok. Sau một ngày hành quân, dọc đường tổ công tác bất ngờ gặp toán FULRO trên. Bằng sự mưu trí và dũng cảm, tổ công tác đã tiêu diệt 2 tên và làm bị thương 1 tên, thu 1 súng AK với 60 viên đạn và một M79 với 14 viên đạn, cùng nhiều tài liệu quan trọng. Sau trận đánh này, huyện tiếp tục truy kích gọi hàng một tên, phát động kêu gọi đầu thú 21 cơ sở ngầm FULRO và 66 đối tượng có tiếp xúc, gặp gỡ nhận nhiệm vụ của FULRO. Đến năm 1992, trên địa bàn huyện không còn sự hoạt động của lực lượng FULRO có vũ trang. Đến năm 1994, huyện đã cơ bản đánh bại được âm mưu xâm nhập, móc nối cơ sở, xây dựng lực lượng chống phá lâu dài của bọn FULRO.

Huyện ủy thường xuyên chỉ đạo các ngành, các xã phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng lực lượng dân quân, công an cơ sở vững mạnh để giữ gìn an ninh trật tự trong tình hình mới. Toàn huyện đã xây dựng được 237 tổ an ninh nhân dân ở các khu dân cư. Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, có tác dụng thiết thực trong hoạt động bóc gỡ cơ sở ngầm FULRO, phát hiện và tố giác các loại tội phạm, bảo vệ trật tự an toàn xã hội tại khu dân cư. Các tổ an ninh nhân dân đã kịp thời hòa giải các vụ tranh chấp, xích mích, mẫu thuẫn trong dân. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, quần chúng ở các xã đã tích cực, chủ động cung cấp nhiều tin tức có giá trị cho chính quyền và lực lượng công an về hoạt động của bọn tội phạm, bọn phản động để các lực lượng truy quét, bóc gỡ kịp thời.

Giai đoạn 1986-1995, công tác quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng lực lượng vũ trang, an ninh cơ sở được chú trọng. Thông qua các đợt truy quét FULRO và các loại tội phạm đã góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Huyện đã làm tốt công tác củng cố quốc phòng an ninh với xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thời kỳ này tình hình trật tự an toàn xã hội của huyện vẫn còn diễn biến phức tạp. Các vụ trọng án như giết người cướp của, lừa đảo, xâm phạm tài sản công dân, tài sản xã hội chủ nghĩa có chiều hướng gia tăng. Tham nhũng, suy đồi đạo đức, lối sống…đang là những vấn đề nóng bỏng. Kỷ cương pháp luật chấp hành chưa nghiêm, là nhân tố ảnh hưởng lớn đến niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới. Những vấn đề nổi cộm này sẽ tiếp tục được Đảng bộ huyện lãnh đạo giải quyết ở những năm tiếp theo trong tiến trình thực hiện đường lối đổi mới.

III - TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG, CHÍNH QUYỀN, MẶT TRẬN VÀ CÁC ĐOÀN THỂ QUẦN CHÚNG VỮNG MẠNH

Cùng với chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, công tác xây dựng Đảng được Đảng bộ Krông Pa xác định là nhiệm vụ then chốt. Trong 10 năm thực hiện đường lối đổi mới, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh, công tác xây dựng Đảng của huyện tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Trong lĩnh vực tư tưởng, tiến hành đổi mới tư duy trong mọi hoạt động của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, trước hết là đổi mới tư duy về kinh tế. Gìn giữ và nâng cao phẩm chất cách mạng của cán bộ, đảng viên, bồi dưỡng tinh thần yêu quê hương, yêu chủ nghĩa xã hội, khơi dậy ý chí cách mạng của quần chúng nhân dân. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tư tưởng lệch lạc, chống lại các luận điệu phản tuyên truyền, tạo sự thống nhất về tư tưởng trong Đảng và trong nhân dân. Đổi mới công tác tổ chức, công tác cán bộ của Đảng. Đổi mới phong cách làm việc, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Nâng cao chất lượng đảng viên và hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng, cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng. Xây dựng Đảng bộ huyện và các tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh. Kiên quyết đưa ra khỏi đảng những đảng viên thoái hóa, biến chất.

Huyện ủy đã tích cực chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt, học tập nghị quyết Đại hội các cấp theo tinh thần Chỉ thị số 02-CT/TU, ngày 14-11-1986 của Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum về “tổ chức quán triệt và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX”. Huyện ủy chủ trương quán triệt nghị quyết Đại hội Đảng các cấp cần xây dựng cho cán bộ, đảng viên từ huyện đến cơ sở có tinh thần trách nhiệm cao, vượt khó vươn lên, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm chuyển biến căn bản tình hình mọi mặt. Tất cả cán bộ, đảng viên phải có nhận thức thống nhất, nói đi đôi với làm, nói và làm theo nghị quyết. Chống tư tưởng dao động, hoài nghi, tiêu cực, bảo thủ, nói không đi đôi với làm. Trong những tháng cuối năm 1986 và đầu 1987, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhận thức của cán bộ, và đảng viên trong huyện có chuyển biến tích cực. Các quan điểm đổi mới của Đảng từng bước được cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ và đúng đắn hơn. Đây là cơ sở quan trọng để từng bước triển khai thực hiện đường lối của Đảng trên địa bàn huyện.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, những khó khăn chung của đất nước và địa phương, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân tư tưởng bị dao động, hoài nghi, thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới và tiền đồ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Quan tâm đặc biệt đến công tác tư tưởng, Huyện ủy đã tổ chức các đợt học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng như Nghị quyết Trung ương 7 (khóa VI) về “một số vấn đề cấp bách về công tác tư tưởng trước tình hình trong nước và quốc tế hiện nay”; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) “về đổi mới và chỉnh đốn Đảng”… đạt kết quả tốt. Qua các lớp học tập, quán triệt nghị quyết, đảng viên, cán bộ và nhân dân trong huyện được cung cấp những thông tin cần thiết về tình hình quốc tế và trong nước, thấy rõ những âm mưu, luận điệu chống phá cách mạng của các thế lực thù địch; nhận thức rõ những chủ trương, đường lối của Đảng trong lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn thách thức, từng bước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Nhờ được tuyên truyền tốt nên niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, vào sự nghiệp đổi mới từng bước được củng cố.

Nhằm nâng cao trình độ lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngang tầm với nhiệm vụ mới, Đảng bộ huyện tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 04-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VI) “về cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và bộ máy nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội”, và Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) “về đổi mới và chỉnh đốn Đảng”. Được sự chỉ đạo chặt chẽ của Huyện ủy, các tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn huyện đã triển khai tốt các đợt phê bình và tự phê bình nghiêm túc trong nội bộ Đảng và hằng năm thường xuyên tổ chức góp ý xây dựng cán bộ, đảng viên và tổ chức cơ sở đảng. Huyện ủy chỉ đạo củng cố kiện toàn các tổ chức cơ sở đảng yếu kém có nguyên nhân từ nội bộ mất đoàn kết, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ như: Đảng bộ thị trấn Phú Túc, Ia Siơm, Phú Cần, Ia Mlah, Krông Năng. Triển khai phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện các quy chế hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng theo các Quy định 49, 50, 51, 52, 54 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII), nhiều tổ chức cơ sở đảng của huyện đã cụ thể hóa thành quy chế riêng của đơn vị mình và hoạt động có hiệu quả. Qua việc đưa các quy chế vào áp dụng trong thực tiễn đã giúp cho các cấp ủy và từng đảng viên hiểu rõ hơn về chức năng, nhiệm vu, quyền hạn và mối quan hệ của tổ chức mình với các cơ quan, đơn vị cấp trên, cấp dưới và các cơ quan hữu quan, đồng thời xác định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước và công tác vận động quần chúng của các đoàn thể nhân dân. Trong quá trình lãnh đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, huyện luôn xác định lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội làm trung tâm, nhiệm vụ xây dựng Đảng làm then chốt. Nhờ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, nên công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh trong Đảng bộ Krông Pa có những chuyển biến tích cực. Năm 1986, Đảng bộ huyện có 26 tổ chức cơ sở đảng, qua phân loại, có 3 tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh, chiếm tỷ lệ 11,5%, 19 cơ sở đảng đạt loại khá chiếm 73,1%, có 4 cơ sở xếp loại yếu kém, chiếm 15,4%. Đến năm 1995, toàn Đảng bộ có 31 tổ chức cơ sở đảng được phân loại, kết quả có 4 đơn vị đạt trong sạch vững mạnh, chiếm 12,9%; 25 cơ sở được xếp loại khá chiếm tỷ lệ 80,6%, có 2 cơ sở xếp loại yếu kém, chiếm 6,5%. Đối với đảng viên, kết quả phân loại năm 1995, tỷ lệ đảng viên loại I đạt 65,74%, tăng 20,7% so với năm 1992; số đảng viên năng lực còn hạn chế giảm từ 50% năm 1992 xuống còn 31,1% năm 1995; số đảng viên có vi phạm giảm từ 5,3% năm 1992 xuống còn 3,5% năm 1995.

Công tác kiểm tra đảng được thực hiện thường xuyên, đã nghiêm túc kỷ luật, kiểm điểm đảng viên và tổ chức cơ sở đảng vi phạm nguyên tắc sinh hoạt đảng, vi phạm Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước. Riêng trong thời kỳ 1991-1995, đã tổ chức kiểm tra 305 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, xử lý kỷ luật khai trừ ra khỏi đảng 6 đảng viên, cảnh cáo 9 đảng viên, khiển trách 7 đảng viên, xoá tên 20 đảng viên và miễn sinh hoạt cho 20 đồng chí đảng viên tuổi cao, sức yếu. Kết quả kiểm tra đã góp phần giữ vững kỷ luật của Đảng, nâng cao phẩm chất đạo đức và năng lực của đảng viên, cũng cố tổ chức đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng.

Nhằm tăng cường sức mạnh của Đảng và tạo nguồn kế cận, trong những năm đầu đổi mới Huyện ủy đã quan tâm đúng mức đến công tác phát triển đảng viên mới và đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đảng viên. Từ năm 1988 đến năm 1995, huyện đã kết nạp được 141 đảng viên mới. Năm 1986, Đảng bộ huyện có 467 đảng viên, đến năm 1995 tăng lên 519 đồng chí. Đảng viên trong huyện thường xuyên được học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó đã nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện và vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, cơ sở. Nổi bật trong thời kỳ này là đảng viên đi đầu trong việc triển khai thực hiện xóa đói, giảm nghèo, làm kinh tế vườn, phát triển kinh tế hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa các giống mới vào sản xuất.

Huyện đã có các giải pháp cụ thể để xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ như: xây dựng các văn bản chỉ đạo phân cấp quản lý cán bộ theo quy định của Trung ương; xây dựng đề án quy hoạch cán bộ từ trưởng buôn đến cán bộ chủ chốt của huyện; chuẩn bị tốt nhân sự để bổ nhiệm các chức danh phù hợp với trình độ năng lực; tiến hành khảo sát trình độ đội ngũ cán bộ các cấp, làm cơ sở để tiến hành quy hoạch cán bộ và có kế hoạch cử đi đào tạo bồi dưỡng. Riêng từ năm 1992 đến 1994, huyện đã cử 98 cán bộ đi học các lớp trung cấp, cao cấp, cử nhân chính trị; bố trí cho 275 cán bộ đi đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Các ban Đảng của huyện đã mở được một số lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, công tác tư tưởng - văn hóa, vận động quần chúng cho cấp ủy viên cơ sở.

Cùng với những kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng của huyện trong 10 năm đầu đổi mới vẫn còn bộc lộ một số yếu kém. Bộ máy Đảng kiện toàn, sắp xếp chậm, chất lượng, hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Một bộ phận đảng viên, chi bộ, đảng bộ cơ sở chấp hành điều lệ Đảng chưa nghiêm. Công tác cán bộ còn nhiều bất cập, việc quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ triển khai còn chậm. Năng lực và phẩm chất một số cán bộ, đảng viên chưa tương xứng với nhiệm vụ được phân công; một số giảm sút về tư tưởng cách mạng, ít chịu nghiên cứu học tập, rèn luyện để vươn lên trong công tác. Sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng giảm sút.

Trong những năm đầu đổi mới, thực hiện chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân và vì dân”, vai trò, vị trí của các cơ quan dân cử của huyện Krông Pa từng bước được nâng lên, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong các cơ quan chính quyền. Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện đã xây dựng lề lồi làm việc và quy chế hoạt động, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân. Bước đầu thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước theo Hiến pháp và pháp luật. Huyện đã thành lập Đảng đoàn Hội đồng nhân dân và Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong cơ quan nhà nước. Bộ máy chính quyền huyện từng bước được củng cố theo tinh thần Thông tư 79 và Quyết định 111 của Hội đồng Bộ trưởng. Năm 1991, huyện sắp xếp lại các phòng ban chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện từ 11 đơn vị xuống còn 7 đơn vị, tổ chức rà soát, bố trí lại cán bộ và tinh giản biên chế theo chỉ đạo của tỉnh. Năm 1989, khối Ủy ban huyện có 111 cán bộ, năm 1992 giảm xuống còn 50 người, đến năm 1994 còn 46 người. Việc giảm biên chế đã nâng cao chất lượng lao động, phát huy được trình độ năng lực của cán bộ. Sau khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy và cán bộ, các cơ quan chính quyền của huyện đã phát huy được hiệu lực trong công tác, chất lượng làm việc được nâng lên, đã dần tiêu chuẩn hóa cán bộ theo chức danh công chức, viên chức. Các chủ trương của Huyện ủy đã được chính quyền triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững kỷ cương pháp luật, khắc phục dần tình trạng quan liêu xa rời quần chúng. Tuy nhiên, thời kỳ này ở huyện, trình độ quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô còn lúng túng; chưa xây dựng hoàn thiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện dài hạn. Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân một số xã chất lượng hoạt động yếu, thiếu chủ động, sáng tạo trong công tác. Một số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và cấp xã chưa hoàn thành nhiệm vụ, chức trách của người đại biểu nhân dân.

Cùng với công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Huyện ủy thường xuyên quan tâm lãnh đạo đổi mới phương thức hoạt động của mặt trận và các tổ chức đoàn thể, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI, Đại hội VII của Đảng: đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các tổ chức quần chúng, hướng về cơ sở, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia vào các phong trào cách mạng. Trong 10 năm đầu thực hiện đường lối đổi mới, các cấp mặt trận huyện Krông Pa đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị trong quần chúng nhân dân để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vận động nhân dân đổi mới phương thức làm ăn, xây dựng đời sống mới, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phòng chống các tệ nạn xã hội và tuyên truyền phản bác các luận điệu phản động của các thế lực thù địch. Với nhiều hình thức sinh hoạt đa dạng phong phú đã thu hút hàng ngàn lượt người tham gia. Riêng năm 1995, Mặt trận huyện đã tổ chức 9 buổi tuyên truyền, học tập Nghị định 46 của Chính phủ quy định về hoạt động của tôn giáo với 711 lượt người tham dự; tổ chức 11 buổi học tập Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về đại đoàn kết dân tộc với 975 người tham gia…Thông qua các buổi, đợt sinh hoạt, mặt trận các cấp một mặt tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mặt khác đã tiếp thu các ý kiến, nguyện vọng của nhân dân góp ý với chủ trương, chính sách của cấp ủy đảng, chính quyền và hoạt động của cán bộ, đảng viên để có kiến nghị, đề xuất giải quyết kịp thời.

Công tác tham gia xây dựng, củng cố chính quyền các cấp của mặt trận các cấp có bước phát triển mới. Các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp được tổ chức theo một quy trình thống nhất và có đổi mới nhằm bảo đảm và phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân. Đã xây dựng được quy chế về mối quan hệ công tác giữa Ủy ban Mặt trận huyện, xã với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp, bước đầu triển khai thực hiện có nề nếp. Các cấp mặt trận thường xuyên giữ mối liên hệ với nhân dân và các đại biểu dân cử, tổ chức lấy ý kiến của nhân dân để phản ánh, đề xuất với các cơ quan dân cử các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn cơ sở. Từ năm 1988-1995, Mặt trận huyện và các xã đã tổ chức hàng trăm buổi đóng góp ý kiến dự thảo Hiến pháp, các văn bản luật, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với hơn 15.000 lượt người tham dự và đóng góp hơn 500 ý kiến. Mặt trận cũng đã thực hiện tốt công tác phê bình, góp ý kiến cho các đại biểu dân cử. Từ năm 1986 đến năm 1995, Mặt trận huyện đã kiến nghị bãi nhiệm 2 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và 23 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.

Mặt trận và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào giúp nhau làm kinh tế, xây dựng đời sống mới, xóa đói giảm nghèo. Hướng dẫn và tạo điều kiện cho nhân dân, nhất là người nghèo vay vốn từ các nguồn 120, 327 và các nguồn vốn hỗ trợ giải quyết việc làm của các đoàn thể như cựu chiến binh, nông dân, thanh niên, phụ nữ để đầu tư cho sản xuất, phát triển chăn nuôi. Mặt trận các cấp đã phối hợp triển khai thực hiện các chính sách đền ơn, đáp nghĩa. Từ năm 1991 đến năm 1995, Mặt trận huyện đã vận động được 5 triệu đồng, lập 26 sổ tiết kiệm tặng 26 gia đình chính sách. Vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp xây dựng 5 ngôi nhà tình nghĩa trị giá gần 100 triệu đồng; sửa 35 ngôi nhà cũ cho các đối tượng chính sách và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trị giá 80 triệu đồng. Đặc biệt, năm 1993, Mặt trận huyện đã phát động phong trào quyên góp và ủng hộ đồng bào bị nạn do cơn bão số 5 gây ra hơn 40 triệu đồng.

Công tác xây dựng, củng cố Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, hướng dẫn các hoạt động của mặt trận tới các địa bàn dân cư được triển khai khá tốt. Mặt trận huyện tập trung củng cố Ủy ban mặt trận xã, thị trấn. Đến năm 1995, Mặt trận huyện có 30 ủy viên, trong đó có 3 cán bộ thường trực chuyên trách. 14/14 xã, thị trấn đều thành lập được Ủy ban Mặt trận, có 14 chủ tịch chuyên trách. Tổng số ủy viên của Ủy ban Mặt trận cấp xã, thị trấn là 210 người. Toàn huyện đã thành lập được 82 tổ mặt trận; củng cố và xây dựng 187 tổ tự quản và thanh tra nhân dân trên địa bàn dân cư.

Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện Krông Pa trong 10 năm đầu thực hiện đường lối đổi mới đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều đợt giáo dục truyền thống, triển khai các hoạt động hướng về nguồn nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh, thiếu niên về truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc và của đoàn thanh niên. Tích cực tuyên truyền vận động thanh niên tham gia phòng chống các tệ nạn xã hội; tham gia thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình. Đoàn từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, giúp cho đoàn viên, thanh niên tiếp cận và hòa nhập nhanh với cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hưởng ứng các phong trào “thanh niên lập nghiệp”, “tuổi trẻ giữ nước” do Trung ương Đoàn phát động. Ở khu vực nông thôn, đoàn các cấp đã làm tốt công tác vận động thanh niên tích cực tham gia lao động sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi; tạo việc làm, tham gia vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội của huyện như: dự án 327 về phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; các dự án thuộc chương trình xóa đói giảm nghèo, v.v.. Thanh niên huyện bằng nguồn vốn tự có và vốn vay ngân hàng đã đầu tư phát triển sản xuất chăn nuôi. Trong thời kỳ 1992-1996, Đoàn Thanh niên đã thành lập các tổ nhóm giúp đỡ nhau 3.295 ngày công và 28 triệu đồng tiền mặt. Từ phong trào trên đã xuất hiện nhiều đoàn viên thanh niên tự vươn lên làm giàu chính đáng, có thu nhập hàng năm trên 20 triệu đồng, qua đó góp phần ổn định, nâng cao đời sống gia đình và làm ra nhiều sản phẩm hàng hóa cho xã hội.

Công tác phát triển đoàn viên mới được các cấp bộ đoàn thường xuyên chú trọng nhằm tăng số lượng và nâng cao chất lượng đoàn viên cho tổ chức cơ sở đoàn. Riêng trong 5 năm 1992-1996, huyện đã mở được 26 lớp đối tượng đoàn, bồi dưỡng cho 1.013 thanh niên tiêu biểu, kết nạp đựoc 828 thanh niên ưu tú vào đoàn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ đoàn các cấp được quan tâm. Đoàn đã cử 63 cán bộ đoàn, hội, đội tập huấn chuyên môn nghiệp vụ tại tỉnh và Trung ương. Đoàn thanh niên huyện đã tích cực bồi dưỡng, phát triển đoàn viên ưu tú để giới thiệu kết nạp vào Đảng. Thời kỳ 1989-1991, Đoàn đã giới thiệu 57 đoàn viên ưu tú, được Đảng kết nạp 24 đồng chí; giai đoạn 1991-1996, Đoàn đã giới thiệu được 349 đoàn viên ưu tú, được Đảng kết nạp 53 đồng chí vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội phụ nữ huyện đã tích cực tuyên truyền hội viên tham gia học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong những năm đầu đổi mới, Hội phụ nữ đã gắn cuộc vận động “xây dựng người phụ nữ mới” với phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình. Các cấp hội từ huyện đến cơ sở đã vận động chị em giúp nhau vốn, giống cây con và lao động để phát triển kinh tế hộ gia đình. Riêng giai đoạn 1990 - 1995, các cấp hội trên địa bàn huyện đã vận động chị em có điều kiện kinh tế khá giúp chị em có hòan cảnh khó khăn 20 triệu đồng, 8 tấn lúa, 10 tấn bắp, 1,7 tấn đậu, 1 tấn mè giống và hàng ngàn ngày công, qua đó giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Ngoài nguồn vốn chị em giúp đỡ nhau, các cấp hội đã tín chấp để hàng trăm chị em vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất. Với vốn tương trợ và vay ngân hàng mỗi năm tăng thêm đã giúp chị em phát triển kinh tế gia đình.

Hội phụ nữ đã phối hợp với ngành y tế và các cơ quan tuyên truyền, giáo dục nâng cao hiểu biết của phụ nữ về chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình, chương trình tiêm chủng mở rộng và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em…Hội còn vận động phụ nữ thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội như vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, vận động chị em quyên góp tặng quà con em khi lên đường nhập ngũ, tổ chức thăm hỏi các gia đình thương binh, liệt sỹ nhân các ngày lễ, tết…Tiêu biểu cho phong trào này là phụ nữ các xã Đất Bằng, Ia Mlah, Phú Cần, Chư Gu và thị trấn Phú Túc.

Trong 10 năm đầu thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Krông Pa đã phấn đấu đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng: nhịp độ tăng trưởng kinh tế khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nhất là giai đoạn 1991-1995, cơ chế quản lý có chuyển biến tiến bộ. Đi đôi với phát triển kinh tế, huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn huyện được giữ vững. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được kiện toàn và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động. Đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân được cải thiện. Đến năm 1995, mặc dù tình hình kinh tế- xã hội của huyện vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém cần phải khắc phục, song với những thành tựu đã đạt được bước đầu, đã tạo tiền đề quan trọng để huyện Krông Pa vững bước phát triển trong những năm tiếp theo.




Каталог: Files
Files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
Files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
Files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
Files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
Files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
Files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
Files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
Files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 1.87 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương