Ban chấp hành đẢng bộ huyện krông pa tỉnh gia lai lịch sử ĐẢng bỘ


Chương VII ĐẨY MẠNH CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI THEO HƯỚNG CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA (1996 - 2007)



tải về 1.87 Mb.
trang11/14
Chuyển đổi dữ liệu13.06.2018
Kích1.87 Mb.
#39932
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   14
Chương VII

ĐẨY MẠNH CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI
THEO HƯỚNG CÔNG NGHIỆP HÓA,
HIỆN ĐẠI HÓA (1996 - 2007)

I - TẬP TRUNG LÃNH ĐẠO PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN, CỦNG CỐ QUỐC PHÒNG - AN NINH



1. Lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội

Sau 10 năm thực hiện đường lối đổi mới và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, tình hình kinh tế - xã hội đã thoát ra khỏi khủng hoảng. Yêu cầu mới đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân trong huyện là phải tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tạo ra tiền đề cần thiết chuyển sang thời kỳ mới phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, phấn đấu thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Thực hiện Chỉ thị 51, ngày 9-3-1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, từ ngày 21 đến ngày 22 tháng 3 năm 1996, Đảng bộ huyện Krông Pa đã tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ XII. Đại hội đã đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội giai đoạn 1991-1995, trong đó GDP tăng bình quân đạt 7,9%; sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, cả trồng trọt và chăn nuôi, tổng diện tích gieo trồng đạt 19.370 ha. bình quân lương thực đầu người đến cuối năm 1995 đạt 310 kg; GDP bình quân đầu người đạt 163 USD; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ nhưng đã có mức tăng hơn trước, các doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp lại phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; vai trò tự chủ của kinh tế hộ được khẳng định, nhiều gia đình bà con dân tộc thiểu số đã biết cách chuyển đổi cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nên đời sống nhân dân ổn định và được cải thiện, số hộ đói giảm dần; các hoạt động y tế, giáo dục, văn hóa được chăm lo phát triển; vai trò lãnh đạo của Đảng bộ được củng cố, nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền; an ninh quốc phòng được đảm bảo. Đó là những kết quả, thắng lợi ban đầu trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đại hội cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, hạn chế của huyện những năm 1991-1995 là:

- Nền kinh tế vẫn còn mang tính chất nông nghiệp lạc hậu, kinh tế hàng hóa chưa phát triển; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm so với yêu cầu đặt ra.

- Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế còn chậm, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, nên năng suất, hiệu quả về kinh tế đạt thấp; đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đáng kể; quản lý của chính quyền có mặt còn bị buông lỏng, thiếu sự hướng dẫn, điều tiết kịp thời và có những biện pháp quản lý cụ thể.

- Về giáo dục - đào tạo, cơ sở vật chất trường, lớp bị xuống cấp, công tác xoá mù chữ chưa đạt tiến độ. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng yêu cầu, 42% trẻ em bị suy dinh dưỡng. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Đại hội đã thảo luận và quyết nghị về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu thực hiện trong nhiệm kỳ 1996 - 2000: Tiếp tục thúc đẩy sự phát triển kinh tế của huyện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn bằng cách chuyển dịch dần cơ cấu kinh tế theo hướng nông - lâm - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Ổn định và phát triển sản xuất, nâng dần nhịp độ tăng trưởng và hiệu quả kinh tế - xã hội. Phấn đấu đưa tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt từ 9 -10%; trong đó sản xuất nông - lâm nghiệp tăng 10%; công nghiệp - xây dựng 25,7%; thương mại - dịch vụ 28,7%. Tỷ trọng GDP nông - lâm nghiệp của nền kinh tế đạt 72,2%; công nghiệp - xây dựng 14,6%; thương mại - dịch vụ 13,2%. Đến năm 2000 đạt được các chỉ tiêu cơ bản: tổng diện tích gieo trồng đạt 20.000 ha, sản lượng lương thực quy thóc đạt 19.100 tấn, bình quân lương thực đầu người 350kg/năm; phát triển chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, cùng với phát triển trồng trọt, phấn đấu đạt mức tăng trưởng bình quân 10%.

Ổn định và từng bước cải  thiện đời sống nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần. Thu nhập bình quân đầu
người/năm đạt 270USD, không còn hộ đói; 50% số xã sử dụng điện lưới quốc gia. Xây dựng đủ số phòng học để thu hút số học sinh trong độ tuổi đến trường. Triển khai kế hoạch quy hoạch thị trấn và xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị hóa. Tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường nội thị và liên thôn, xã.

Giữ vững sự ổn định về chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng để chủ động đối phó với mọi tình huống diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, lập lại kỷ cương thực hiện đúng pháp luật.

Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ huyện gồm 33 đồng chí. Ban chấp hành bầu ra Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Rơchơm Bơm được bầu làm Bí thư Huyện ủy, các đồng chí Nguyễn Minh Đẩu và đồng chí Huỳnh Thành được bầu làm Phó bí thư Huyện ủy.

Bước vào thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội lần thứ XII Đảng bộ huyện, tình hình quốc tế và trong nước diễn biến phức tạp, do cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực bùng nổ đã tác động xấu đến nền kinh tế cả nước. Tại Krông Pa, hạn hán, lũ lụt liên tiếp xảy ra, giá cả các mặt hàng nông sản xuống thấp, dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra trên diện rộng đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của huyện.

Trước khó khăn trên, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo ổn định phát triển kinh tế - xã hội, xác định các loại cây trồng chủ lực theo hướng đảm bảo lương thực và tạo sản phẩm hàng hóa, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đặc biệt là các công trình thủy lợi, mở rộng kênh mương nội đồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đến năm 2000, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đạt và vượt theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng bộ huyện. Nhịp độ tăng GDP bình quân 5 năm (1996-2000) là 11%, cao hơn mức chỉ tiêu do Đại hội XII Đảng bộ huyện đề ra 2%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp hàng năm tăng 8,8%, chiếm tỷ trọng 69% trong tổng sản phẩm của huyện. Tổng diện tích gieo trồng là 25.670 ha, đạt 122,5% kế hoạch. Một số loại cây trồng chính tăng nhanh cả về diện tích, năng suất và sản lượng so với năm 1995 như: thuốc lá vàng tăng 976%, ngô lai tăng 154%, lúa nước tăng 77%, sắn tăng 65%.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bằng nhiều nguồn vốn huyện đã đầu tư nâng cấp và xây dựng một số công trình thủy lợi, mở rộng diện tích và phát huy năng lực tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như đập Uar, trạm bơm điện Ia Rmok, hồ Phú Cần, hồ Chư Gu… Tuy nhiên kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng nông nghiệp của huyện, do việc thường xuyên phải chịu thiên tai, lũ lụt và hạn hán kéo dài đã ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Mặt khác, do phương thức canh tác lạc hậu, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất của đồng bào dân tộc tại chỗ chậm, công tác khuyến nông chưa được triển khai thực hiện đồng bộ, giá cả nông sản bấp bênh, nên ảnh hưởng đến sự phát triển nông nghiệp.

Thực hiện mục tiêu từng bước đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác lai cải tạo đàn bò, đàn lợn để nâng cao chất lượng đàn gia súc. Phần lớn vốn các chương trình xóa đói giảm nghèo đều tập trung vào phát triển chăn nuôi. Năm 2000, đàn gia súc phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, với tổng đàn bò 48.800 con, trong đó bò lai chiếm 19%; đàn heo 28.650 con. Tuy nhiên, do dịch bệnh gia súc xảy ra liên tiếp, nên ảnh hưởng đến tốc độ phát triển đàn gia súc.

Về lâm nghiệp, với 1.025 ha rừng tự nhiên, chiếm 71% diện tích của huyện, công tác quản lý, bảo vệ rừng được Huyện ủy đặc biệt quan tâm. Triển khai Chỉ thị số 286, ngày 2-5-1997 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng” và Chỉ thị số 10, ngày 27-5- 1997 của Ủy ban nhân dân tỉnh:“Về việc tổ chức kiểm tra, truy quét nạn phá rừng, buôn lậu lâm sản”, huyện đã thực hiện việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng. Lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ, nên đã từng bước hạn chế nạn chặt phá rừng làm nương rẫy, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Tuy nhiên, do nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của nguồn tài nguyên rừng với môi trường sinh thái còn hạn chế, nên tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản, đốt rừng làm nương rẫy trái phép vẫn còn xảy ra.

Công tác quản lý đất đai có bước chuyển biến tích cực, đã tiến hành quy hoạch, giao đất, lập hồ sơ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các tổ chức và cá nhân. Công tác thanh tra, giải quyết đơn khiếu nại về tranh chấp đất đai được chú trọng. Tuy nhiên, tiến độ đo đạc, quy hoạch lập bản đồ và lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm và gặp nhiều khó khăn.

Về sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng: giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 9,4% tổng sản phẩm của huyện; tốc độ tăng trưởng bình quân 16,2% năm. Toàn huyện có 7 xã có điện lưới quốc gia, gần 28% số hộ có điện. Ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của huyện quy mô nhỏ lẻ và chưa có sự chuyển biến rõ nét. Công nghiệp chế biến nông lâm sản chưa được đầu tư xây dựng tương xứng, trong khi huyện có thế mạnh về nguồn nguyên liệu và lao động.

Thương mại - dịch vụ, đạt 163,6% tăng 12,7% so với năm 1995. Công ty thương mại huyện có nhiều cố gắng tiếp nhận và cung ứng các mặt hàng trợ giá, trợ cước và cho không đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa. Các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh được tạo điều kiện phát triển về quy mô và đa dạng loại hình, đáp ứng phần lớn nhu cầu sinh hoạt, đời sống của nhân dân trong huyện. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh chưa đi vào nề nếp, quản lý thiếu chặt chẽ và có những mặt hạn chế.

Lĩnh vực xây dựng cơ bản của huyện được quan tâm chỉ đạo. Hàng năm, bằng nguồn vốn đầu tư của Trung ương và của tỉnh, nguồn ngân sách của huyện đã đầu tư nâng cấp, rải nhựa, hoặc san ủi mặt bằng một số tuyến đường nội thị và các tuyến đường liên xã, liên thôn như đường Hùng Vương, Bạch Đằng, Chư Ngọc, Mlah, Đất Bằng, Ia Siơm - Uôr, đường nội vùng trung tâm cụm xã Ia Hdréh và các cầu cống Mlah, Đất Bằng, Ia Rsai, Ia Hdréh, Krông Năng…Các loại phương tiện vận tải hàng hóa và vận chuyển hành khách được nâng lên về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân.

Hoạt động bưu chính viễn thông trên địa bàn huyện có bước phát triển, đã lắp đặt đưa vào hoạt động tổng đài điện thoại điện tử ở trung tâm huyện và khu vực Lệ Bắc. Toàn huyện có 420 máy điện thoại, đạt 0,76% máy/100 dân. Đã đưa vào sử dụng 4 điểm bưu điện văn hóa xã, phục vụ nhu cầu văn hóa và trao đổi thông tin của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Lĩnh vực tài chính, ngân hàng bình quân hàng năm tăng 49%. Ngân sách hàng năm đều đạt kế hoạch được giao. Tổng thu ngân sách huyện năm 2000 là 3,16 tỷ đồng. Chi ngân sách tăng bình quân hàng năm là 133%. Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện có nhiều cố gắng trong việc mở rộng mạng lưới tín dụng ở cơ sở, đa dạng hình thức huy động vốn để đầu tư phát triển sản xuất và cho vay vốn “xóa đói giảm nghèo”. Tuy nhiên, tình hình thu ngân sách địa phương rất khó khăn, còn phụ thuộc hơn 70% vào điều tiết của tỉnh và Trung ương.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa VIII về “tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục - đào tạo”, các cấp ủy Đảng đã quan tâm chỉ đạo ngành giáo dục tập trung mọi nỗ lực đảm bảo sự ổn định và phát triển. Số lượng học sinh tăng nhanh, năm 1996 có 13.500 em, đến năm 2000 đã tăng lên là 16.504 em (trong đó có 9.720 học sinh dân tộc thiểu số). Toàn huyện có 26 đơn vị trường học, với 678 cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học. Bình quân một vạn dân có 2.870 người đi học. Hơn 90% trẻ em trong độ tuổi được huy động đến trường. Năm 1998, huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ. Cơ sở vật chất như trường, lớp được đầu tư xây dựng và nâng cấp. Đội ngũ cán bộ, giáo viên phát triển về số lượng và từng bước được nâng cao về chất lượng. 85,5% giáo viên các cấp học, bậc học đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, năm 1996 chỉ đạt 50%. Tuy nhiên, chất lượng dạy và học của các trường ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn thấp, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông không cao. Nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện chú trọng bồi dưỡng, đào tạo cán bộ ở cơ sở. Hàng năm có trên 1.000 cán bộ, đảng viên dự các lớp bổ túc văn hóa, lý luận chính trị và học tập quán triệt các nghị quyết của Đảng, bồi dưỡng kiến thức quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ và công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể.

Đảng bộ huyện luôn quan tâm chỉ đạo gắn phát triển kinh tế đi đôi với chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, tập trung tăng cường xây dựng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh. Do vậy, chất lượng khám và điều trị bệnh được nâng lên, các chương trình quốc gia về y tế được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh sốt rét, bướu cổ, phong, lao. Tuy nhiên công tác y tế vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế: mạng lưới y tế cơ sở còn thiếu thốn cả về trang thiết bị và cơ sở vật chất. Công tác tuyên truyền vệ sinh phòng dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Số lượng y, bác sĩ được tăng cường nhưng chưa đáp ứng nhu cầu (gần một vạn dân mới có một bác sĩ).

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về “Dân số - Kế hoạch hóa gia đình”, Đảng bộ huyện đã có nhiều chủ trương nhằm hạn chế mức gia tăng dân số tự nhiên, thường xuyên tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân ý thức và tự giác thực hiện kế hoạch hóa gia đình gắn với công tác chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bà mẹ trẻ, trẻ em. Do đó, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 2,4% (1996) xuống 2,34% (2000).

Trong công tác xóa đói giảm nghèo, huyện tiếp tục triển khai thực hiện tập trung ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng bằng các nguồn vốn: xoá đói giảm nghèo; định canh, định cư; giải quyết việc làm và chương trình 135. Các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh. Từ đó, góp phần hạ tỷ lệ đói nghèo từ 73% (1996) xuống còn 25% (2000). Đời sống vật chất và tinh thần của đa số nhân dân được cải thiện.

Phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ các thương binh, liệt sĩ, giải quyết chế độ cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng được quan tâm. Trong 5 năm 1996-2000, đã sửa chữa 130 căn nhà đối tượng chính sách, xây dựng 2 nhà tình nghĩa, quy tập 20 mộ liệt sĩ về nghĩa trang liệt sĩ huyện. Các hoạt động từ thiện, phong trào tương thân, tương ái, ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai, lũ lụt được phát động kịp thời, rộng rãi và được các tầng lớp nhân dân, các tổ chức quan tâm hưởng ứng tích cực.

Về văn hóa thông tin - thể dục thể thao, năm 2000, đã phủ sóng truyền thanh, truyền hình đạt 80% khu dân cư trên địa bàn huyện. Hàng năm, huyện tổ chức nhiều giải thể dục thể thao, hội diễn văn nghệ thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn và hướng hoạt động văn hóa thông tin đến tận cơ sở. Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao về mặt hưởng thụ đời sống văn hóa, hoạt động của ngành văn hóa - thông tin còn nhiều hạn chế, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” về các lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng, sưu tầm văn hóa dân gian, thông tin lưu động, cổ động trực quan, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và dịch vụ văn hóa trên địa bàn huyện chưa được cụ thể hóa thành những kế hoạch, biện pháp của các cấp chính quyền.

Qua 5 năm 1996-2000, cán bộ và nhân dân các dân tộc Krông Pa đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất về chính trị, tư tưởng, phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng do Nghị quyết Đại hội lần thứ XII Đảng bộ huyện đề ra, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Để đánh giá những thành tựu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và phát huy những thành quả đạt được trên các lĩnh vực, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Krông Pa lần thứ XIII đã được tiến hành từ ngày 20 đến 21-11-2000. Tham dự Đại hội có 100 đại biểu chính thức đại diện cho 816 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đồng chí Nguyễn Vỹ Hà, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã về dự và chỉ đạo Đại hội. Đại hội đã đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ trong nhiệm kỳ 1996 - 2000, nhất là những thành tựu đã đạt được đã tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước. Đại hội đã nghiên cứu thảo luận báo cáo chính trị và báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa XII, đánh giá những thành tựu đạt được cũng như những hạn chế trong 5 năm 1996-2000.

Kinh tế của huyện đã có bước phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý. Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng đều tăng; thương mại - dịch vụ tăng. Tổng diện tích gieo trồng đạt 122,5% kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực quy ra thóc là 20.686 tấn, bình quân lương thực đầu người là 331,6 kg/năm; đưa tỷ trọng nông - lâm nghiệp trong tổng sản phẩm từ 72,2% năm 1996 xuống còn 69% năm 2000.

Sự chuyển biến tích cực về các mặt văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và thực hiện có hiệu quả các dự án định canh, định cư đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. An ninh - quốc phòng được đẩy mạnh, hệ thống chính trị được củng cố và xây dựng vững chắc.

Đại hội cũng chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm so với tiềm năng và điều kiện tự nhiên, lao động của huyện, cơ sở hạ tầng về kinh tế - xã hội chưa được đầu tư phát triển đúng mức, quản lý nhà nước về tài nguyên rừng, đất đai… chưa được tốt, việc ngăn chặn và xử lý các tệ nạn xã hội hiệu quả còn thấp. Từ những kết quả đạt được và tồn tại yếu kém trên, Đại hội đã rút ra bài học kinh nghiệm sau:

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành thực hiện nhiệm vụ mục tiêu phải phù hợp với các đặc điểm thực tế của địa phương. Phát huy nội lực, ý thức tự lực, tự cường, khai thác có hiệu quả về thế mạnh, tiềm năng của huyện; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của Trung ương, của tỉnh. Kết hợp nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế với xây dựng, củng cố quốc phòng - an ninh vững mạnh.

- Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; đổi mới phương thức vận động quần chúng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại hội đề ra mục tiêu, phấn đấu trong nhiệm kỳ tới, đó là: Phát huy nội lực kết hợp tranh thủ mọi nguồn lực từ bên ngoài để thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Quan tâm công tác giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa đi đôi với giải quyết những bức xúc về xã hội. Đến năm 2005, cơ bản xóa được hộ đói kinh niên, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 15%, tăng hộ khá, nâng mức tích lũy nội bộ nền kinh tế, tạo tiền đề cho bước phát triển những năm tiếp theo.

Với những mục tiêu cụ thể sau:

- Tập trung phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác xã, khuyến khích kinh tế hộ, kinh tế trang trại phát triển. Phấn đấu đưa chăn nuôi trở thành một trong những ngành sản xuất chính của huyện.

- Phấn đấu cải thiện đời sống vật chất và đời sống tinh thần cho nhân dân phù hợp với nhịp độ phát triển kinh tế. Ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, thực hiện kịp thời các chính sách xã hội.

- Phát huy sức mạnh đoàn kết của nhân dân các dân tộc trong huyện và cả hệ thống chính trị để xây dựng cơ sở chính trị - xã hội vững mạnh và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn chặt với thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

- Chăm lo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ngang tầm với vai trò nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, góp phần tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Đại hội đã đề ra những chỉ tiêu và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của  huyện giai đoạn 2000-2005.

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 11%, trong đó, nông - lâm nghiệp tăng 9,4%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng 20%; thương mại - dịch vụ 11,1%. Bình quân thu nhập đầu người đạt khoảng 2.700.000 đồng. Tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế chung là: nông - lâm nghiệp 64,2%; công nghiệp - xây dựng 14%; thương mại - dịch vụ 21,8%. Có kế hoạch đầu tư phát triển đưa chăn nuôi thành một trong những ngành sản xuất chính của huyện, chiếm tỷ trọng 25-30% tổng sản phẩm trong ngành nông nghiệp.

Phát triển có trọng điểm các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh như chế biến nông - lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp điện, nước, cơ khí và tiêu dùng. Phát triển các hình thức kinh tế hợp tác và hợp tác xã. Phát triển các thành phần kinh tế cá thể, kinh tế hộ gia đình và kinh tế trang trại.

Đẩy mạnh công tác giáo dục, huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 80% ở ngành mầm non, 95% ở bậc tiểu học; 60% ở bậc trung học cơ sở và 40% ở bậc trung học phổ thông. Có kế hoạch mở 10 lớp nhô để tiến tới thành lập trường phổ thông cấp 2-3 khu vực xã Ia Siêm - Chư Rcăm. Hoàn thiện việc phổ cập giáo dục trung học cơ sở cho thị trấn Phú Túc và một số xã có điều kiện.

Giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Cơ bản xoá hết hộ đói, giảm hộ nghèo xuống dưới 15%. Củng cố mạng lưới y tế ở cơ sở để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác khám, điều trị và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Phấn đấu hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,9%.

Với tinh thần dân chủ và trách nhiệm, Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ khóa XIII nhiệm kỳ (2000-2005) gồm 32 đồng chí. Đồng chí Rơchơm Bơm được bầu làm Bí thư Huyện ủy; các đồng chí Huỳnh Thành, Phạm Ngọc Xuân, Trần Văn Mạnh được bầu làm Phó Bí thư. Ban Thường vụ Huyện ủy gồm 11 đồng chí.

Sau Đại hội, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo theo hướng phấn đấu đạt các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đầu tư có trọng điểm, trọng tâm kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Quan tâm công tác giáo dục, y tế, văn hóa đi đôi với giải quyết những vấn đề về xã hội. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII Đảng bộ Krông Pa trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến hết sức phức tạp, an ninh chính trị trên địa bàn Tây Nguyên và tỉnh Gia Lai đã xảy ra hai lần biểu tình, bạo loạn chính trị, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh gia súc xảy ra trên diện rộng, giá cả một số vật tư, hàng hóa thiết yếu tăng cao, đã tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện. Song với truyền thống đoàn kết vượt mọi khó khăn, thử thách, trong 5 năm (2000-2005), Đảng, quân và dân các dân tộc trong huyện đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Tốc độ tăng trưởng GDP toàn huyện giai đoạn 2000-2005 đạt 14,6%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2005 là 3.900.000 đồng, đạt 146% Nghị quyết Đại hội đề ra.

 Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến. Diện tích gieo trồng năm 2005 đạt 35.435 ha, tăng 9.865 ha so với năm 2000. Diện tích và sản lượng các loại cây trồng chính đều vượt kế hoạch như: thuốc lá vàng từ 648 ha (2000) đã tăng lên 2.130 ha (2005), cây điều từ 3.500 ha lên 6.500 ha, ngô lai đạt 8.715 ha, sắn từ 3.280 ha tăng lên 6.035 ha… Tổng sản lượng lương thực từ 20.686 tấn (2000) đã tăng lên 21.011 tấn (2005), bình quân lương thực đầu người năm 2005 đạt 337 kg, vượt chỉ tiêu do Đại hội XIII đề ra.

Cuộc vận động đồng bào dân tộc thực hiện định canh, định cư được Đảng bộ huyện thường xuyên quan tâm lãnh đạo. Từ khi có Nghị quyết 22- NQ/TW, ngày 27-11-1989 của Bộ Chính trị (khóa VI) “Về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi” và Quyết định 72- HĐBT, ngày 13-3-1990 của Hội đồng Bộ trưởng “Về một số chủ trương, chính sách cụ thể phát triển kinh tế - xã hội”, huyện đã gắn cuộc vận động định canh, định cư với tổ chức lại sản xuất, thực hiện giao đất, giao rừng, phát triển ngành nghề, chăm lo công tác giáo dục, y tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hàng năm, bố trí sử dụng vốn định canh, định cư để ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Chương trình 132 của Chính phủ về “Giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số”, Krông Pa đã tiến hành điều tra số hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất hoặc không có đất sản xuất, giải quyết cho 427 hộ.

Ngày 28-4-2003, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị 01-CT/HU “Về việc tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo”, xác định rõ: công tác xoá đói giảm nghèo là một nhiệm vụ kinh tế - xã hội hết sức khó khăn và phức tạp, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Do đó, công tác xoá đói giảm nghèo phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện thường xuyên của Đảng. Phải huy động sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế, các đoàn thể và của cả cộng đồng, trên cơ sở lãnh đạo của cấp ủy Đảng, tạo điều kiện cho những hộ nghèo vươn lên bằng sức lao động của chính mình, nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, Ban Thường vụ cũng đánh giá, với sự đầu tư của Nhà nước, sự lồng ghép và phối hợp của các chương trình, dự án bằng nhiều nguồn vốn đầu tư theo các hình thức khác nhau như: đầu tư cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm; hỗ trợ về y tế, giáo dục, sản xuất đời sống, cung cấp tín dụng cho hộ nghèo… đã có tác động tích cực trong phát triển nông nghiệp nông thôn và nâng cao đời sống của nhân dân. Người nghèo đã có nhận thức đúng để tự vươn lên, biết tận dụng cơ hội và các điều kiện hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo từ 35,6% (2001) xuống còn 15,6% (2004) và ước giảm còn 13% vào cuối năm 2005 (theo tiêu chí cũ).

Về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn cũng có sự tăng trưởng khá, giá trị sản xuất ước thực hiện trên 25,7 tỷ đồng. Các sản phẩm chủ yếu đều tăng so với trước, điện thương phẩm đạt 6,92 triệu KWh, nước sinh hoạt 226.000 m3. Ngành công nghiệp đã tập trung vào phát triển chế biến nông lâm sản, khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng. Thu hút được các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, nhà máy chế biến hạt điều. Nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác đá, cát, sỏi; cơ sở sơ chế thuốc lá và các dịch vụ gia công sửa chữa cơ khí, sản xuất nông cụ cầm tay được hình thành tạo việc làm cho hàng trăm người lao động trên địa bàn, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, phát triển lực lượng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình và kinh tế trang trại đã được phát triển cả về số lượng, quy mô và hiệu quả, giải quyết được phần lớn việc làm, xoá đói giảm nghèo trong nhân dân. Trong phong trào đã xuất hiện nhiều gia đình có mô hình sản xuất kinh doanh giỏi với trên 100 hộ gia đình có thu nhập từ 100 triệu đến 150 triệu đồng/năm, có hàng trăm hộ thu nhập từ 50 triệu đến 100 triệu đồng/ năm.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, kinh tế - xã hội vùng nông thôn trên địa bàn có bước phát triển mạnh mẽ. Đến năm 2005, toàn huyện có 100% xã có điện lưới và trên 72% số hộ được sử dụng điện, 100% xã có đường ô tô đến các trung tâm xã; đã hoàn thành rải nhựa 3,6 km đường quốc lộ 25 đoạn qua thị trấn Phú Túc; 14 km đường bê tông nông thôn tại 6 xã, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân.

Các hoạt động thương mại - dịch vụ, tài chính, ngân hàng có những chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện. Thực hiện Nghị quyết của Đảng về chính sách kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, Đảng bộ huyện luôn quan tâm tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế trên địa bàn huyện phát triển. Ngoài Công ty thương mại huyện, năm 2005 toàn huyện có 10 doanh nghiệp và 1.184 hộ kinh doanh cá thể, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện năm 2005 là hơn 60,05 tỷ đồng, trong đó thu trên địa bàn là 8,02 tỷ đồng, thu trợ cấp 46,34 tỷ, thu kết dư 5,6 tỷ.

Qua 5 năm (2000-2005), tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn là 243,1 tỷ đồng, bình quân hàng năm đầu tư 48 tỷ đồng. Trong đó, gồm vốn ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng, vốn đầu tư của doanh nghiệp và vốn đầu tư của nhân dân. Nguồn vốn đầu tư ngày càng đa dạng về cơ cấu và có sự chuyển dịch theo hướng chú trọng về vùng khó khăn, vùng trọng điểm và công trình trọng điểm. Đặc biệt là vốn đầu tư của chương trình 135, chương trình kiên cố hóa trường học, bê tông hóa giao thông nông thôn, các chương trình đầu tư cho phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, vốn đầu tư của các dự án và vốn ngân sách nhà nước đã đầu tư cho các công trình quan trọng trên địa bàn, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.

Mạng lưới thông tin liên lạc trên địa bàn huyện được mở rộng và từng bước hiện đại hóa, 100% số xã có điện thoại, đạt bình quân 22,9 máy/1000 dân, đã phủ sóng điện thoại di động và đưa dịch vụ internet vào khai thác.

Được sự quan tâm chỉ đạo và lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục có bước phát triển.

Về giáo dục - đào tạo: tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về “Chiến lược giáo dục - đào tạo trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã xác định: đối với một huyện vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển. Nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này là đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục từ huyện đến xã, thị trấn, thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, hoàn thành chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo hướng đảm bảo chất lượng, tạo cho được sự chuyển biến toàn diện về chất lượng giáo dục, đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực, tạo môi trường giáo dục lành mạnh và hiệu quả. Đến năm 2005, toàn huyện có 33 đơn vị trường học với 18.499 học sinh và 805 cán bộ quản lý, giáo viên các cấp; có 11/14 xã, thị trấn có bậc học trung học cơ sở; giáo viên đạt chuẩn là 94,4%. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập trung học cơ sở cũng được chú trọng triển khai thực hiện. Đến cuối năm 2005, thị trấn Phú Túc và 2 xã đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở.

Hệ thống bệnh viện trung tâm, khu vực trạm xá xã được đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị; đội ngũ y bác sĩ tăng về số lượng và chất lượng. Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân thực hiện có hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ bệnh nhân sốt rét, bướu cổ, phong, lao. Tỷ lệ trẻ em dưới một tuổi được tiêm chủng đạt 92%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm từ 49% (2001) xuống còn 29,8% (2005). Dân số trên địa bàn huyện đến năm 2005 là 64.254 người, tăng 7.132 người so với năm 2000, bình quân mỗi năm tăng 2,3%. Nhờ triển khai tốt công tác truyền thông dân số, chăm sóc sức khoẻ sinh sản và vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình, nên tỷ lệ tăng dân số giảm từ 2,21% (2001) xuống còn 2,01% (2005).

Trong năm năm (2000-2005), đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa từng bước được cải thiện, ý thức phấn đấu xây dựng đời sống văn hóa được nâng cao. Các tập tục lạc hậu đã giảm đáng kể. Ngành văn hóa thông tin - thể dục thể thao huyện đã tổ chức nhiều hoạt động với phương châm:“hướng về cơ sở” đã tạo nên những phong trào văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao sôi nổi ở cơ sở. Đến cuối năm 2005, toàn huyện có khoảng 5.000 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 43,9% số hộ; 14 thôn, buôn văn hóa, chiếm tỷ lệ 11,3% số thôn, buôn. Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống văn hóa tinh thần từng bước được cải thiện, phong trào quần chúng tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao duy trì và phát triển. Đồng bào đã có ý thức trong việc bảo tồn, phát huy và giữ gìn các loại hình truyền thống văn hóa, ngành nghề truyền thống của dân tộc mình. Hoạt động văn hóa thông tin có nhiều tiến bộ, đưa được nhiều chương trình văn hóa thông tin về cơ sở; chất lượng, thời lượng truyền thanh, truyền hình ngày một tăng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.

Phong trào đền ơn, đáp nghĩa, chính sách đối với người có công được huyện chú trọng và quan tâm, đã sửa chữa hoàn thiện 182 căn nhà cho các đối tượng chính sách, người có công trên địa bàn với tổng kinh phí 995 triệu đồng. Huyện đã tiến hành điều tra các xã và làng đặc biệt khó khăn theo Quyết định 393 của Ủy ban Dân tộc miền núi. Về công tác thi đua, khen thưởng, huyện đã tổ chức thành công Hội nghị điển hình tiên tiến năm năm (2001-2005), tổ chức tốt việc trao 140 Huân chương Kháng chiến. Với những thành tích đạt được trong công cuộc đổi mới, xây dựng phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Krông Pa đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Phong trào thi đua yêu nước dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ đã góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Đối với công tác mặt trận và các đoàn thể, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp đã chú trọng lãnh đạo và chỉ đạo tích cực việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các phong trào do Mặt trận phát động. Qua năm năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, động viên nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, và XIII của Đảng bộ huyện, với quyết tâm cao, nỗ lực vượt bậc của nhân dân các dân tộc trong huyện, nền kinh tế của Krông Pa đã đạt được những chỉ tiêu quan trọng, tạo được những tiền đề cho sự phát triển của huyện trong những năm tới. Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch đúng hướng, chú trọng quan tâm vùng khó khăn, vùng trọng điểm trên cơ sở khai thác những lợi thế của từng vùng, từng loại nông sản. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa tiếp tục phát triển, các chính sách xã hội, công tác xóa đói giảm nghèo ngày càng được quan tâm thực hiện, đã góp phần nâng cao trình độ dân trí, chăm sóc sức khỏe ban đầu, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên địa  bàn huyện.


Каталог: Files
Files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
Files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
Files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
Files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
Files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
Files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
Files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
Files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 1.87 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương