Ban chấp hành đẢng bộ huyện krông pa tỉnh gia lai lịch sử ĐẢng bỘ


Chương V KHÔI PHỤC, PHÁT TRIỂN KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI, CỦNG CỐ AN NINH QUỐC PHÒNG (1975 – 1985)



tải về 1.87 Mb.
trang8/14
Chuyển đổi dữ liệu13.06.2018
Kích1.87 Mb.
#39932
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   14
Chương V

KHÔI PHỤC, PHÁT TRIỂN KINH TẾ,
VĂN HÓA, XÃ HỘI, CỦNG CỐ AN NINH QUỐC PHÒNG (1975 – 1985)

I- TIẾP QUẢN VÙNG MỚI GIẢI PHÓNG, ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN, KHÔI PHỤC, PHÁT TRIỂN KINH TẾ- XÃ HỘI

Chiến thắng mở màn chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Buôn Ma Thuột và tỉnh Đăk Lăk đã tạo thời cơ vô cùng thuận lợi cho quân và dân các tỉnh phía bắc Tây Nguyên tiếp tục nổi dậy tiến công địch, giải phóng quê hương. Ngày 17- 3- 1975, thị xã Pleiku và tỉnh Gia Lai được giải phóng. Ngày 18 -3-1975, thị xã Hậu Bổn, tỉnh Phú Bổn, thuộc địa bàn H37 (H3 cũ và thị xã Hậu Bổn) và thị trấn Phú Túc, thuộc huyện H2 được hoàn toàn giải phóng.

Chuẩn bị cho việc tiếp quản địa bàn H2, H37 dọc đường quốc lộ số 7, Tỉnh ủy Đăk Lăk đã thành lập Ủy ban quân quản do đồng chí Siu Pui (Ama Thương), Phó bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch. Nhiệm vụ cấp bách của Ủy ban quân quản là nhanh chóng ổn định tình hình vùng mới giải phóng, truy quét tàn quân địch, bọn phản động FULRO, các đảng phái phản động, ngụy quân, ngụy quyền; tổ chức thu gom chiến lợi phẩm, tạo điều kiện phương tiện đưa hàng vạn dân di tản từ Kon Tum, Pleiku và các nơi về nơi cũ làm ăn; nhanh chóng cứu đói, cứu đau cho đồng bào, tổ chức giáo dục, cải tạo ngụy quân, ngụy quyền, quản lý công sở, thu gom tài liệu, hồ sơ do địch tháo chạy bỏ lại bàn giao cho các cơ quan chức năng của chính quyền cách mạng quản lý, khai thác.

Huyện H2 trong chiến dịch Tây Nguyên là địa bàn địch tháo chạy theo quốc lộ 7, bị quân ta đánh chặn và phần lớn lực lượng địch tan rã tại chỗ. Do nhiều năm sống trong sự kìm kẹp, tuyên truyền lừa phỉnh nên nhiều người dân bỏ nhà di tản theo địch, bị cướp bóc, bắn giết, gia đình ly tán, cuộc sống vô cùng cơ cực. Tỉnh ủy Đăk Lăk và Ủy ban quân quản Cheo Reo một mặt tổ chức đưa dân các tỉnh Kon Tum, Pleiku về nơi cũ, một mặt đưa phương tiện, lực lượng cán bộ, bộ đội xuống các tỉnh đồng bằng đón dân H2 về địa phương ổn định cuộc sống, khó khăn lớn nhất được tập trung giải quyết là cứu đói cho đồng bào di tản trở về. Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Đăk Lăk, Ủy ban quân quản vùng Phú Bổn đã tập trung cứu đói cho hàng ngàn đồng bào thuộc H2. Một số xã do không kịp sản xuất và thu hoạch đông xuân bị đói nặng, nhiều vùng phát dịch sốt rét nên đời sống càng khó khăn hơn. Cả vùng H2, H37 được tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk hỗ trợ cứu đói 300 tấn gạo, 20 tấn muối, quần áo và thuốc chữa bệnh. Huyện H2 đã phân công cán bộ phụ trách các đoàn công tác trực tiếp cứu trợ cho dân. Sau khi nhập H2 và H37 lại thành huyện Cheo Reo, đồng chí Hoàng Lâm được giao nhiệm vụ Bí thư Huyện ủy, đồng chí Siu Pui (Ama Thương) trở về tỉnh Đăk Lăk.

Bắt tay vào những công việc đầu tiên nhằm ổn định tình hình đời sống, Ban cán sự huyện Cheo Reo chỉ đạo nhanh chóng sửa chữa phục hồi các trạm điện điezen, củng cố lại các bệnh viện, trạm xá ở thị trấn Phú Bổn, Phú Túc, kịp thời khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc địa phương. Nhằm sớm ổn định tình hình an ninh chính trị và đời sống nhân dân sau chiến tranh, Ban cán sự huyện Cheo Reo xác định rõ: cùng với nhiệm vụ truy quét tàn quân địch và bọn FULRO, cần tập trung mọi nỗ lực của quân dân trong huyện thực hiện thắng lợi nghị quyết của Tỉnh ủy Đăk Lăk và Gia Lai, tổ chức phát động phong trào khai hoang phục hóa, làm thủy lợi kịp thời sản xuất vụ mùa và chuẩn bị cho vụ đông xuân 1975- 1976. Đây là nhiệm vụ được Ban cán sự huyện Cheo Reo xác định là trung tâm, hàng đầu, nhằm từng bước ổn định đời sống nhân dân.

Cùng với Ban cán sự huyện 11 (Gia Lai), tháng 7-1975, Ban cán sự huyện Cheo Reo đã họp và thống nhất quyết định phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng ra quân khai hoang phục hóa sản xuất lương thực, hoa màu cứu đói và tiếp tục sản xuất cho vụ đông xuân. Thực hiện chủ trương của Huyện ủy Cheo Reo, khắp các vùng thuộc H2 đã dấy lên phong trào quần chúng phát dọn, khai hoang, phục hóa ruộng rẫy do chiến tranh không sản xuất được để đưa vào gieo trồng vụ mùa. Các điểm khai hoang được hình thành ở Phú Cần, Đất Bằng, Chư Đrăng... thu hút hàng trăm lao động lúc cao điểm, gồm cán bộ, bộ đội, học sinh, nhân dân tham gia, đóng góp hàng ngàn ngày công lao động. Với khí thế cách mạng tiến công và quyết tâm xây dựng cuộc sống mới, phong trào nhân dân vùng H2 đã tạo ra bước tiến quan trọng, ổn định bước đầu đời sống cán bộ và nhân dân; đồng bào đã có lương thực để ăn, giống cho sản xuất vụ đông xuân. Hàng trăm hecta đất rẫy, ruộng được khai hoang phục hóa chuẩn bị sản xuất, các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường, đời sống nhân dân bớt khó khăn hơn. Đây là kết quả to lớn, thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm của chính quyền cách mạng sau gần một năm được giải phóng. Tuy nhiên, việc ổn định đời sống, phát triển sản xuất, cứu đói, cứu đau cho đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện vẫn còn nhiều khó khăn. Sản xuất lương thực vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, đất đai còn bị hoang hóa, dân thiếu vật tư, giống, nông cụ, sức kéo, thời tiết nắng hạn. Một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu đói gay gắt, cần được cứu trợ khẩn cấp.

Tháng 7-1975, huyện H2 có 6 xã với khoảng 20.000 dân sáp nhập vào huyện H37 (H3 + H7), cũng thuộc tỉnh Đăk Lăk thành huyện Cheo Reo.

Ngày 15-1-1976, huyện Ayun Pa được thành lập, bao gồm huyện Cheo Reo của tỉnh Đăk Lăk và huyện 11 của tỉnh Gia Lai, với diện tích 3.283 km2 (328.300 ha), dân số hơn 72.000 người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80% dân số, trong đó dân tộc Jrai chiếm hơn 90%. Đồng bào Kinh sinh sống tập trung ở các xã Phú Cần (Phú Túc), Hảo Đức, Quý Đức, Tiến Lập, Chư A Thai (Phú Thiện) và thị trấn Cheo Reo. Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum chỉ định thành lập Ban chấp hành Đảng bộ gồm 20 đồng chí, do đồng chí Tạ Quang Kim, tỉnh ủy viên (tỉnh Gia Lai - Kon Tum) được chỉ định làm Bí thư Huyện ủy; đồng chí Nay Ang (Ama Hiu), tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Đăk Lăk làm Phó Bí thư - Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời; đồng chí Nay Pum (Ama H’Lam) làm Phó Bí thư Huyện ủy phụ trách công tác dân vận - mặt trận.

Bước vào thời kỳ xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ xác định là một nhiệm vụ hết sức nặng nề khó khăn. Nghị quyết của các kỳ họp Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xác định những thuận lợi, khó khăn là:

- Đất nước hòa bình thống nhất là thuận lợi cơ bản giúp cho Đảng bộ huyện bước vào thời kỳ mới. Mặt khác sau giải phóng, tình hình an ninh trật tự của huyện cũng nhanh chóng ổn định. Đội ngũ cán bộ được rèn luyện, thử thách qua chiến tranh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt tình cách mạng, gắn bó với nhân dân, nay rất phấn khởi, tin tưởng bước vào công cuộc xây dựng lại quê hương, ấm no, hạnh phúc.

- Nhân dân các dân tộc huyện nhà có truyền thống đoàn kết, kiên cường chống ngoại xâm, cần cù lao động. Những truyền thống quý báu đó càng được hun đúc qua hai cuộc kháng chiến gian khổ, ác liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

- Huyện Ayun Pa, nhất là vùng phía đông tiếp giáp Phú Yên (địa bàn huyện Krông Pa ngày nay), có diện tích đất tự nhiên rộng lớn, địa hình đa dạng, vừa có đồng bằng, vừa có rừng nên rất thuận lợi cho việc sản xuất nông - lâm nghiệp, lưu thông thuận tiện với các huyện phía tây của Gia Lai và đồng bằng duyên hải miền Trung. Vùng thị trấn Cheo Reo, Phú Túc đã hình thành các cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa cơ khí, buôn bán, vận tải hành khách, hàng hóa...

Những khó khăn, thách thức phải vượt qua, đó là:

- Đội ngũ cán bộ, đảng viên tuy dày dạn kinh nghiệm trong chiến tranh cách mạng, nhưng chưa trải qua công tác lãnh đạo, quản lý xã hội, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật nên gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế - xã hội.

- An ninh chính trị của huyện tuy bước đầu ổn định nhưng tàn quân và bọn phản động FULRO vẫn lén lút hoạt động chống phá chính quyền cách mạng, âm mưu phục hồi lại chế độ cũ. Đại bộ phận quần chúng sinh sống trong vùng địch, bị tuyên truyền lừa phỉnh, gây chia rẽ dân tộc, chưa thực sự gắn bó với chế độ mới, e ngại tiếp xúc với cán bộ. Một bộ phận còn tiếp tay cho các tổ chức phản động nguy hiểm như FULRO chống phá chính quyền cách mạng, gây bạo loạn, bắn giết cán bộ.

- Kinh tế vùng H2 bị chiến tranh tàn phá, kiệt quệ, trình độ sản xuất nông nghiệp lạc hậu. Hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất mang tính tự túc, tự cấp. Các cơ sở dịch vụ thương mại, sửa chữa, cơ khí, vận tải của người Kinh ở các thị trấn còn nhỏ lẻ, phục vụ dân sinh trong vùng, chưa giao lưu rộng với các địa phương.

Trên cơ sở tình hình của huyện, quán triệt các nghị quyết của Trung ương và nghị quyết của Tỉnh ủy Gia Lai -Kon Tum tháng 11- 1975, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ayun Pa đã họp vào ngày 22- 1-1976 nêu chủ trương: Động viên đoàn kết toàn dân phát huy truyền thống cách mạng và thắng lợi của công cuộc giải phóng dân tộc, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước hết tập trung đẩy mạnh cao trào lao động sản xuất, khôi phục, phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội, giải quyết lương thực tại chỗ, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc. Truy quét tàn quân địch và bọn phản động FULRO, các loại phản động, tội phạm khác, củng cố chính quyền cách mạng, các đoàn thể vững mạnh, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ... Đảm bảo hoàn thành mọi nhiệm vụ của thời kỳ mới, trọng tâm, cấp bách là tập trung chỉ đạo định canh, định cư cho đồng bào dân tộc tại chỗ, khai hoang phục hóa, làm thủy lợi đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp.

Thực hiện chủ trương trên, huyện đã phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành phụ trách các ban, ngành, địa bàn trọng điểm kinh tế, an ninh chính trị, nhằm đảm bảo sự chỉ đạo và phối hợp kịp thời trong các mặt công tác.

Sau Hội nghị Huyện ủy tháng 1-1976, toàn huyện dấy lên phong trào khai hoang, phục hóa sản xuất lương thực. Nhiều công trường khai hoang, xây dựng cánh đồng làm lúa nước được mở ra ở Phú Cần, buôn Bông, Ama Rơn,... có nơi thu hút 500 đến 1.000 lao động mỗi ngày tổ chức phát cỏ, chặt cây, đào mương, xây dựng cánh đồng. Nhờ đó, vụ mùa năm 1976, toàn huyện đã có hơn 7.500 ha đất đưa vào gieo trồng, trong đó có hơn 4.300 ha lúa, còn lại là ngô, sắn, đưa tổng diện tích gieo trồng vụ mùa của huyện lên 11.890 ha, tăng hơn 4.000 ha so với tháng 7-1975, bước đầu đáp ứng được nhu cầu lương thực tại chỗ. Khẩu hiệu của Đảng bộ huyện lúc này là: xây dựng thủy lợi, định canh, định cư, khai hoang phục hóa xóa da beo. Chủ trương tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, định canh, định cư và cho thấy ngay từ những năm đầu sau giải phóng, huyện Ayun Pa đã xác định rõ thế mạnh của địa phương là dựa vào nông nghiệp, thâm canh cây lúa, hoa màu, tạo ra lương thực nuôi sống người dân địa phương và đóng góp cho tỉnh. Cùng với sản xuất lương thực, huyện phát động phong trào “trồng cây Nhớ ơn Bác Hồ”. Trong ba tháng (từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1976), toàn huyện đã trồng được hơn một triệu cây ăn trái và cây lấy gỗ, nhiều xã vùng Chư Athai, Ia Rtô, Phú Túc đã có vườn cây Bác Hồ.

Trong điều kiện khó khăn, hàng hóa khan hiếm, tỉnh chủ trương phối hợp với huyện tổ chức các cửa hàng mậu dịch, hợp tác xã mua bán phục vụ nhu cầu trao đổi, tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu của nhân dân, đồng thời tiếp nhận sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, thu mua lương thực, thực phẩm, nắm giữ nguồn hàng. Đến tháng 9-1976, các xã phía đông huyện Ayun Pa đã nhận được hàng chục tấn gạo của Nhà nước cứu trợ, cho vay, điều chuyển hoặc bán cho dân thông qua các cửa hàng mậu dịch quốc doanh, các hợp tác xã mua bán. Các cơ sở sản xuất, dịch vụ nông nghiệp, cơ khí sửa chữa điện, máy bơm, máy cưa... được khôi phục, tổ chức lại phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Khuyến khích các chủ xe đưa phương tiện vận tải hàng hóa, chở khách ở thị trấn Phú Túc hoạt động trở lại phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và lưu thông hàng hóa về Ayun Pa, Pleiku và xuống Tuy Hòa. Đầu năm 1976, huyện chỉ đạo thành lập Hội nông dân ở các xã, đi đôi với vận động nông dân vào các tổ vòng công, đổi công chuẩn bị cho bước hợp tác hóa nông nghiệp theo chủ trương của Đảng. Cuối năm 1976, toàn huyện tổ chức được 530 tổ vòng đổi công, thu hút được gần 16.000 nông dân vào các tổ sản xuất. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã Ia Rsai, Phú Cần, Đất Bằng... tích cực hưởng ứng và đi đầu trong phong trào vòng công, đổi công, hợp tác lao động.

Tuy đời sống của cán bộ, nhân dân còn nhiều khó khăn do vừa trải qua chiến tranh, kinh tế của huyện mới phục hồi, nhưng các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm chăm lo cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc. Vụ giáp hạt năm 1976, tỉnh và huyện đã cứu tế và bán cho đồng bào vùng căn cứ cách mạng hàng chục tấn gạo, cấp cho mỗi gia đình liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng 10 kg gạo, 1 kg muối, do vậy đã giảm 50% số dân bị đói so với tháng 5-1975. Toàn huyện phát động phong trào ba sạch: ăn sạch, uống sạch, ở sạch ở khắp các buôn làng. Dập tắt ổ dịch sốt rét ở xã Ia Rmok và Ia Tul, cứu sống hàng trăm người có nguy cơ tử vong; đồng thời, hướng dẫn cho nhân dân cách sử dụng thuốc nam chữa bệnh. Phong trào “Xóa mù chữ - bình dân học vụ” được cán bộ, nhân dân hưởng ứng tích cực. Kết quả 100% xã vùng H2 cũ (Krông Pa) có các lớp bình dân học vụ, bổ túc văn hóa từ lớp 1 đến lớp 5, thu hút hàng trăm cán bộ, nhân dân đến học. Toàn ngành giáo dục được sự quan tâm đặc biệt, các ngành học, bậc học được đầu tư cơ sở vật chất, sửa sang trường lớp với sự đóng góp công sức của nhân dân. Đến tháng 9 -1976, vào đầu năm học mới, toàn bộ trường cấp I, từ lớp 1 đến lớp 5 của các xã được mở trở lại, một số xã có trường cấp II. Nhiều con em dân tộc Jrai từ các buôn, làng được đưa vào học tại trường dân tộc nội trú và trường bổ túc văn hóa của huyện. Các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú: truyền thanh, chiếu phim, triển lãm, cổ động, biểu diễn văn nghệ quần chúng thu hút hàng ngàn lượt quần chúng, các dân tộc ở các buôn làng.

Sau hơn một năm được giải phóng, với sự nỗ lực vượt bậc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc, vùng đất H2 trong chiến tranh trước đây bị tàn phá, kiệt quệ, gần nửa số dân bị đói phải cứu trợ đã trở lại nhịp sống hòa bình, kinh tế - xã hội dần từng bước ổn định, sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề dịch vụ được khôi phục phát triển trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại. Sản lượng lương thực tăng nhanh, cơ bản giải quyết nạn đói kinh niên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. An ninh chính trị được đảm bảo, chính quyền cách mạng các cấp được củng cố một bước. Đồng bào các dân tộc được hưởng quyền tự do, độc lập và bình đẳng. Nhà nước quan tâm mở mang giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo điều kiện cho mọi công dân vươn lên trong xã hội, đóng góp công sức và hưởng thụ thành quả lao động của mình.

Ngày 25- 4 -1976, cùng với nhân dân trong huyện Ayun Pa, tỉnh Gia Lai và nhân dân cả nước, cán bộ, nhân dân vùng H2 nô nức tham gia bầu cử Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất theo thể thức phổ thông đầu phiếu. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, đây là lần thứ hai, nhân dân các dân tộc địa phương được tham gia một sự kiện chính trị quan trọng, thể hiện quyền dân chủ thực sự của người dân một nước độc lập, quyền bình đẳng của công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội. Hơn 98% cử tri của các buôn làng, đơn vị tham gia bỏ phiếu, nhiều nơi đạt 100%. Kết quả bầu cử, các cử tri đã lựa chọn được những đại biểu xứng đáng mà mình tín nhiệm vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước.

Tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV và Đại hội Đảng bộ Gia Lai - Kon Tum lần thứ VI, Đại hội Đảng bộ huyện Ayun Pa lần thứ VI được tổ chức tại thị trấn Ayun Pa. Vòng một (từ ngày 23 đến 29-10-1976), vòng hai (từ ngày 9 đến 15- 6-1977). Đại hội có 107 đại biểu thay mặt cho 371 đảng viên của 25 đảng bộ cơ sở tham dự. Đại hội đã tham gia góp ý vào các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc và bầu đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đại hội vòng hai của huyện Ayun Pa tiến hành sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV và Đại hội lần thứ VI Đảng bộ tỉnh. Đại hội đã đánh giá tình hình huyện hai năm sau giải phóng, 1975- 1977, mặc dù gặp nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại, đời sống nhân dân thiếu thốn, nạn đói giáp hạt đe dọa trên diện rộng, chính quyền cách mạng còn mới mẻ đối với công việc quản lý, tàn quân địch và các tổ chức phản động vẫn lén lút chống phá. Tuy nhiên, với sự nỗ lực vượt bậc của quân và dân trong huyện, chỉ một thời gian ngắn, tình hình địa phương đã nhanh chóng ổn định, chính quyền cách mạng được củng cố từ huyện đến các xã, thôn làng, mọi hoạt động của xã hội đã dần trở lại bình thường; nạn đói, đau trong đồng bào dân tộc thiểu số được đẩy lùi. Huyện đã phát động sâu rộng phong trào khai hoang phục hóa, xây dựng cánh đồng làm thủy lợi, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, giải quyết nhu cầu lương thực tại chỗ để cứu đói cho dân. Cùng với việc bước đầu khôi phục phát triển kinh tế, huyện đã quan tâm chăm lo chăm sóc sức khỏe, giáo dục cho con em các dân tộc thiểu số, xây dựng nếp sống mới, xây dựng tình đoàn kết bình đẳng giữa các dân tộc Kinh – Thượng. Những việc làm được của chính quyền cách mạng tuy chưa lớn nhưng rất có ý nghĩa đối với nhân dân các dân tộc tại chỗ, họ được hưởng cuộc sống độc lập, tự do, bình đẳng, được yên tâm lao động sản xuất trên quê hương của mình. Qua đó đã xây dựng, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chế độ mới.

Đại hội cũng chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong công tác lãnh đạo quản lý xã hội toàn diện như chưa đảm bảo an ninh chính trị vững chắc, một số vùng, bọn FULRO và các loại phản động còn lôi kéo quần chúng gây bạo loạn, làm cho cán bộ, nhân dân hoang mang. Việc tuyên truyền, giáo dục cho nông dân về con đường làm ăn tập thể chưa sâu rộng, người dân còn thiếu hiểu biết về hợp tác xã. Huyện chưa xác định được cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với công nghiệp, thương mại, dịch vụ phù hợp với điều kiện của địa phương.

Trên cơ sở đánh giá, Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội trong những năm tới. Cụ thể là: Quyết tâm động viên mọi nỗ lực cao nhất của toàn Đảng bộ, vượt mọi khó khăn, thực hiện nhiệm vụ cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên địa bàn huyện, kết hợp kinh tế với quốc phòng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhiệm vụ trọng tâm: thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số gắn với khai hoang làm thủy lợi xây dựng cánh đồng, đi đôi với sắp xếp lại các cơ sở sản xuất dịch vụ; đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, y tế đúng hướng; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng các đoàn thể vững mạnh; đề cao cảnh giác chống lại các âm mưu của bọn phản động, nhất là tổ chức phản động FULRO, đảm bảo an ninh trật tự; xây dựng Đảng bộ các cấp vững mạnh về chính trị, tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa VI gồm 29 ủy viên. Đồng chí Tạ Quang Kim (Chất) được bầu làm Bí thư Huyện ủy; đồng chí Nay Pum (tức Ama HLam) và đồng chí Hồ Trọng Tài làm Phó bí thư. Tháng 7-1977, đồng chí Hoàng Lâm làm Bí thư thay đồng chí Tạ Quang Kim được điều động về tỉnh. Đại hội lần thứ VI Đảng bộ huyện Ayun Pa có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển địa phương sau chiến tranh, mở ra hướng đi đúng đắn cho quân và dân các dân tộc thực hiện nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Sau Đại hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tích cực, chủ động tổ chức các phong trào hành động cách mạng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chống những tư tưởng, nhận thức lệch lạc, ngại khó, ngại khổ, quyết tâm thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội đặt ra. Xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, sản xuất giỏi, giữ vững an ninh chính trị. Huyện cũng phân công cán bộ phụ trách các xã, địa bàn trọng điểm khai hoang, làm thủy lợi, tổ chức các đội thanh niên xung kích, kết hợp với thanh niên các thôn làng đồng loạt ra quân với lực lượng thường trực của huyện khai hoang xây dựng cánh đồng ở Ama Rơn, Ia Rbol, Phú Cần, Đất Bằng.

Qua hai năm (1978-1979) thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng bộ huyện Ayun Pa, sản xuất nông nghiệp đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên thời tiết năm 1979 bất thường, lũ lụt đã làm mất trắng gần 2.000 ha/12.500 ha gieo trồng thuộc các xã dọc lưu vực sông Ba, như Ia Rsai, Ia Rmok, Ama Rơn. Tổng sản lượng lương thực chỉ đạt 13.000 tấn, giảm khoảng 4.000 tấn so với năm 1978. Bình quân lương thực đạt 252 kg/người, giảm 100 kg so với năm 1978. Một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị đói gay gắt. Trước tình hình đó, huyện chỉ đạo tích cực thu hoạch nhanh vụ mùa, đẩy mạnh sản xuất vụ đông xuân, chú trọng xen canh gối vụ, tăng nhanh số lượng đàn gia súc (bò, lợn, dê...) đảm bảo vật tư cho sản xuất nông nghiệp.

Về cải tạo nông nghiệp, tuy đạt chỉ tiêu số lượng thành lập các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, thu hút được hơn 2.000 hộ nông dân, gần 12.000 nhân khẩu, nhưng nhìn chung các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất làm ăn chưa đạt hiệu quả, do thiếu vốn, vật tư, kỹ thuật lạc hậu, trình độ quản lý kém, sản phẩm hàng hóa đơn điệu, chất lượng không đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Tổng giá trị sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở cả hai khu vực quốc doanh, tập thể và cá thể đạt 60- 80% kế hoạch. Thương nghiệp quốc doanh bán ra đạt 100% kế hoạch, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và hàng thiết yếu sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số như nông cụ, muối, dầu lửa, vải...

Mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh tế và đời sống, nhưng các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm đầu tư phát triển giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Năm 1978, toàn huyện có hơn 20.000 người đi học, bình quân 2,5 người dân có một người đi học. Hơn 50% số xã có trường cấp II và các lớp bổ túc văn hóa cho cán bộ cơ sở theo học tuần hai buổi. Có 10 cơ sở khám chữa bệnh với hơn 200 giường bệnh. Ngành y tế phát động 4 phong trào lớn: phong trào toàn dân trồng và dùng cây thuốc nam chữa bệnh; phong trào phòng chống dịch bệnh, ăn chín, uống sôi, sạch làng tốt ruộng; phong trào ba công trình: nhà tắm, giếng nước, nhà vệ sinh; phong trào chống sốt rét, chống mê tín dị đoan, bỏ tập tục sinh con ngoài rừng, hữu sinh vô dưỡng.

Hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng bộ đã tạo ra sự chuyển biến toàn diện về kinh tế - văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện Ayun Pa, trong đó có vùng đất phía đông thuộc huyện H2 cũ. Tuy nhiên, năm 1979 là năm huyện phải đương đầu với những khó khăn, thử thách chưa từng có từ sau giải phóng. Thiên tai, lũ lụt, khô hạn, tác động của chiến tranh biên giới, sự trì trệ của cơ chế kế hoạch hóa tập trung và yếu kém trong quản lý làm cho kinh tế - xã hội của huyện giảm sút. Những hạn chế, khuyết điểm nhận thấy rõ là sự lúng túng trong chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về kinh tế - xã hội, kế hoạch luôn bị điều chỉnh, thậm chí bị phá vỡ. Các công trường khai hoang lớn như Pờ Tó, Đất Bằng không sử dụng hết diện tích, một số trở lại hoang hóa. Các công trình thủy lợi, cơ sở hạ tầng xây dựng chất lượng thấp, không sử dụng được như ở Phú Cần, Plei Ơi. Việc chỉ đạo mang tính mệnh lệnh, hình thức, thiếu sâu sát; quản lý, sử dụng lao động thiếu hiệu quả là một trong những nguyên nhân chủ quan kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kinh tế quốc doanh liên tục bị thua lỗ, do sản phẩm làm ra giá thành cao, chất lượng thấp, khó tiêu thụ, nhiều đơn vị quốc doanh đứng trước nguy cơ bị phá sản. Thương nghiệp quốc doanh vấp phải khó khăn của cơ chế tập trung kế hoạch hóa, sức mua vào thấp, thiếu hàng hóa bán ra đối lưu, tinh thần phục vụ quan liêu. Kinh tế tập thể và kinh tế cá thể hộ gia đình lúng túng trong quản lý và hướng đi, thiếu chính sách đầu tư, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, đào tạo cán bộ quản lý và tiêu thụ sản phẩm. Thực trạng kinh tế - xã hội của huyện cũng như các địa phương cả nước, đặt ra yêu cầu nóng bỏng trong công tác lãnh đạo, quản lý là cần phải thay đổi cung cách làm ăn, nếp suy nghĩ của đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, các đơn vị kinh tế phù hợp.

Bốn năm sau giải phóng là khoảng thời gian ngắn so với lịch sử phát triển của vùng đất đông Cheo Reo, nhưng trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa, xã hội và đời sống của đồng bào các dân tộc, đã có nhiều biến đổi; nạn đói kinh niên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được giải quyết; mọi người dân được hưởng quyền tự do, bình đẳng, được đảm bảo quyền học hành, chăm sóc sức khỏe; an ninh chính trị được giữ vững, niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào Đảng và chế độ mới xã hội chủ nghĩa được nâng lên. Đó là cơ sở để quân, dân trong huyện vững bước tiến vào xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội.


Каталог: Files
Files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
Files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
Files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
Files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
Files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
Files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
Files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
Files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 1.87 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương