BỘ CÔng thưƠng vụ thị trưỜng châu phi, TÂY Á, nam á



tải về 52.6 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích52.6 Kb.
#30936

BỘ CÔNG THƯƠNG

VỤ THỊ TRƯỜNG

CHÂU PHI, TÂY Á, NAM Á

────────────



 

 

TÀI LIỆU TÓM TẮT

NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN BĂNG-LA- ĐÉT

I. Khái quát

Tên nước: Cộng hoà nhân dân Băng-la-đét

Thủ đô: Đắc-ca (Dhaka)

Địa lý: Nằm ở phía Đông Bắc của tiểu lục địa Ấn Độ, phía Tây, phía Bắc và phía Đông giáp Ấn Độ; Đông Nam giáp Mi-an-mar và phía Nam giáp Vịnh Bengal

Đặc điểm tự nhiên, khí hậu: Nhiệt đới gió mùa, quanh năm nóng và ẩm. Mùa hè nhiệt độ trung bình từ 24 độ C - 39 độ C; mùa Đông từ 18 đến 23 độ C.

Diện tích: 143.998 km2.

Dân số: 166,3 triệu người (năm 2014)

Ngày Quốc khánh: 26/3/1971

Tôn giáo: Hồi giáo là quốc đạo, chiếm 89,5%; Đạo Hindi 9,6%; Phật giáo chiếm 0,3%; Thiên chúa giáo và tín ngưỡng khác chiếm 0,6% dân số.

Ngôn ngữ: Tiếng Bengali (khoảng 95% dân sử dụng); tiếng Anh được sử dụng rộng rãi

Đơn vị tiền tệ: Taka (1USD=78,28 Taka)

Tổng thống: Ông Abdul Hamid (từ 24/04/2013 đến nay)

Thủ tướng: Bà Sheikh Hasina (từ năm 2009 đến nay).

II. Lịch sử và chính trị

1. Lịch sử

Băng-la-đét là quốc gia trẻ nhất Nam Á, được thành lập năm 1971. Lịch sử và văn hóa Băng-la-đét gắn liền với lịch sử và văn hoá Ấn Độ. Trước năm 1947, Băng-la-đét là một phần lãnh thổ của tiểu lục địa Ấn Độ (Đông Ben-gal). Sau năm 1947, Băng-la-đét trở thành một bộ phận của Pa-ki-xtan (Đông Pa-ki-xtan). Nước Cộng hoà Nhân dân Băng-la-đét độc lập ra đời ngày 26/3/1971. Ông Sheikh Mujibur Rahman trở thành Tổng thống đầu tiên của Băng-la-đét.

 Thời kỳ 1971-1975, chính quyền Băng-la-đét thi hành chính sách đối ngoại hoà bình, không liên kết tích cực, có quan hệ hữu nghị và hợp tác chặt chẽ với Ấn Độ, Liên Xô và các nước XHCN, ủng hộ các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân. Sau khi ông Sheikh Mujibur Rahman bị sát hại tháng 8/1975, một loạt các cuộc đảo chính và phản đảo chính đã diễn ra, đưa tướng Ziaur Rahman lên làm Tổng thống vào năm 1977 và khôi phục chế độ đa đảng. Sau khi Tổng thống Ziaur Rahman bị ám sát năm 1981, tướng Hossain Mohammad Ershad làm đảo chính, lên cầm quyền từ 1982-1990.

Sau thắng lợi của phong trào dân chủ vào đầu những năm 1990, Băng-la-đét đã tiến hành ba cuộc tổng tuyển cử (1991, 1996 và 2001) dân chủ và công bằng với sự tham gia của hai đảng lớn là Liên đoàn Nhân dân (AL) và Dân tộc Băng-la-đét (BNP). Vợ góa của Tổng thống Ziaur Rahman, bà Khaleda Zia, Chủ tịch đảng BNP đã giành thắng lợi và cầm quyền từ 1991-1996 và từ 2001-2006. Bà Sheikh Hasina, Chủ tịch AL và là con gái của cố Tổng thống Sheikh Mujibur Rahman cũng thắng cử và cầm quyền giai đoạn 1996-2001 và từ đầu 2009 đến nay.



2. Chính trị:

  - Băng-la-đét theo chế độ dân chủ đa đảng. Từ tháng 9/1991, Băng-la-đét chuyển từ chế độ Tổng thống sang chế độ dân chủ nghị viện.

 - Nguyên thủ quốc gia: Đứng đầu Nhà nước là Tổng thống, do Quốc hội bầu ra với nhiệm kỳ 05 năm, chủ yếu mang tính nghi thức.

  - Quốc hội (Jatiya Sangsad) là cơ quan lập pháp tối cao gồm 330 đại biểu (30 ghế dành riêng cho phụ nữ), được bầu trực tiếp thông qua Tổng tuyển cử với nhiệm kỳ 5 năm.

  - Chính phủ là cơ quan hành pháp cao nhất. Sau tổng tuyển cử, Thủ lĩnh một đảng hoặc liên minh các đảng có đa số ghế ở Quốc hội làm Thủ tướng Chính phủ.

- Toà án tối cao là cơ quan tư pháp cao nhất.



Các đảng chính trị ở Băng-la-đét:

Băng-la-đét có khoảng 100 đảng phái, trong đó 3 đảng lớn là:



  • · Đảng Dân tộc Băng-la-đét (BNP)

  • · Liên đoàn Nhân dân (Awami League, AL)

  • · Jatiya Party (Đảng Dân tộc).

III. Chính sách đối ngoại:

Các chính phủ gần đây của Băng-la-đét thi hành chính sách đối ngoại hoà bình, không liên kết, hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước, coi trọng tăng cường quan hệ với Ấn Độ và các nước láng giềng Nam Á, thực hiện chính sách hướng Đông, phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á và các nước Châu Á-TBD; đẩy mạnh quan hệ với các nước Hồi giáo; cân bằng và mở rộng quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, các nước Tây Âu, Nhật Bản... Băng-la-đét luôn chứng tỏ mình là nước Hồi giáo ôn hòa; tích cực tham gia vào các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc, đóng góp cho hoà bình và an ninh thế giới.

Băng-la-đét là thành viên của LHQ, Phong trào KLK, Tổ chức các nước Hồi giáo (IOC) và Khối Liên hiệp Anh, Tổ chức hợp tác các nước Nam Á (SAARC), Nhóm hợp tác kinh tế liên khu vực BIMSTEC, Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn đối thoại châu Á (ACD)… Hiện Băng-la-đét đã được chấp thuận làm thành viên ARF vào 2006, đang vận động để tham gia tiến trình hợp tác Á-Âu (ASEM), tổ chức Hợp tác sông Hằng- Mêkông (MGC), Hành lang kinh tế Đông-Tây...

IV. Kinh tế (Số liệu năm 2013)

- GDP: 140,2 tỷ USD

- GDP bình quân đầu người: 843 USD

- Tăng trưởng GDP: 5,8%

- Tỷ lệ lạm phát: 7,6%

- Tỷ lệ thất nghiệp: 5%



- Cơ cấu kinh tế:

+ Nông nghiệp chiếm khoảng 17,2 % GDP và thu hút 45% lực lượng lao động. Về cơ bản, Băng-la-dét đảm bảo đủ lương thực. Các nông sản chính là lúa gạo, đay, lúa mì, chè, mía, khoai tây, thuốc lá, bông, hạt có dầu…

 + Công nghiệp chiếm 28,9% GDP và thu hút khoảng 30% lực lượng lao động. Các ngành công nghiệp chính là chế biến đay, đường, chế biến lương thực, dệt, thuộc da, sản xuất phân bón, dược phẩm, xi măng, đồ gốm điện tử...

+ Dịch vụ chiếm 53,9% GDP và thu hút khoảng 25% lực lượng lao động.

- Kim ngạch xuất khẩu: 26,91 tỷ USD

+ Các mặt hàng xuất khẩu chính: hàng may mặc, các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm đông lạnh (cá và hải sản), hàng dệt kim, đay và các sản phẩm từ đay, các sản phẩm da…

+ Các thị trường xuất khẩu chính: Mỹ, Đức, Vương quốc Anh, Pháp...

- Kim ngạch nhập khẩu: 32,94 tỷ USD

  + Các mặt hàng nhập khẩu chính: máy móc và trang thiết bị, hóa chất, sắt thép, hàng may mặc, các sản phẩm dầu, xi-măng…

  + Các thị trường nhập khẩu chính: Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc...



V. Quan hệ Việt Nam – Băng-la-đét

1. Quan hệ chính trị ngoại giao:

Ngày 11/2/1973, Việt Nam và Băng-la-đét chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

Giai đoạn 1990 đến nay: Quan hệ hai bên có nhiều bước phát triển mới quan trọng cả về chính trị và kinh tế. Tháng 11/1993, Băng-la-đét lập Đại sứ quán tại Hà Nội và Việt Nam mở lại Đại sứ quán tại Đắc-ca từ tháng 1/2003. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao.

- Tháng 2/2006, Việt Nam và Băng-la-đét đã tiến hành Kỳ họp thứ nhất Uỷ ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học và kỹ thuật tại Hà Nội. Tháng 4/2013, hai nước đã tiến hành Kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 2 tại thành phố Dhaka, Băng-la-đét.

- Các đoàn Việt Nam sang thăm Băng-la-đét: Thủ tướng Võ Văn Kiệt (năm 1997), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (năm 2004), Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Niên (năm 2003), Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng (năm 2013).

 - Các đoàn Băng-la-đét sang thăm Việt Nam: Bộ trưởng Thương mại T.Acmet (tháng 9/1996), Bộ trưởng Ngoại giao A.S.Adat (tháng 5/1999), Bộ trưởng Nông nghiệp M.K Annoa (tháng 10/2003), Bộ trưởng Ngoại giao M.Moset Khan và Bộ trưởng Văn hoá Selima Raman (tháng 7/2004), Thủ tướng Khaleda Zia (tháng 5/2005), Bộ trưởng Tài chính Saifur Rahman (tháng 2 năm 2006); Thủ tướng Sheikh Hasina (tháng 11/2012).

Hai bên đã ký kết 16 hiệp định, thỏa thuận, nghị định thư về hợp tác ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư... trong đó có Hiệp định thương mại giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Băng-la-đét  ký tại Hà Nội vào ngày 24 tháng 9 năm 1996; Hiệp định thành lập Ủy ban Hỗn hợp giữa Việt Nam và Băng-la-đét về hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học và kỹ thuật được ký ngày 10 tháng 3 năm 1997 tại Dhaka, Băng-la-đét; Bản Ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Chăn nuôi và Thủy sản nước Cộng hòa Nhân dân Băng-la-đét về hợp tác trong lĩnh vực Chăn nuôi và Thủy sản; và gia hạn Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Băng-la-đét về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp ký ngày 22 tháng 3 năm 2004 tại Đắc-ca; Bản Ghi nhớ về hợp tác xúc tiến thương mại giữa Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam (VIETTRADE) thuộc Bộ Công thương nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cục Xúc tiến Xuất khẩu (EPB) thuộc Bộ Thương mại nước Cộng hòa Nhân dân Băng-la-đét; Thỏa thuận hợp tác thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Băng-la-đét - Việt Nam và Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Băng-la-đét giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Liên hiệp các Phòng Thương mại và Công nghiệp Băng-la-đét (FBCCI).

2. Quan hệ kinh tế- thương mại

Ngày 18/4/2011, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Quản lý Lương thực và Thiên tai Băng-la-đét Muhammad Abdur Razzaque đã ký bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Băng-la-đét về thương mại gạo tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập quan hệ mua bán gạo ổn định giữa Việt Nam và Băng-la-đét. Sau khi hết hạn hiệu lực tháng 12 năm 2013, hai bên đã ký thỏa thuận tiếp tục gia hạn hiệu lực Bản ghi nhớ đến tháng 12 năm 2015.

Tháng 11 năm 2012, Băng-la-đét đã chính thức công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam góp phần thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại song phương và làm sâu sắc quan hệ hữu nghị và phát triển hợp tác giữa hai nước. Các thỏa thuận này đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các Bộ và các Ngành liên quan của hai nước triển khai và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể.

Hai bên đã thành lập Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học và kỹ thuật Việt Nam - Băng-la-đét năm 2006, phía Việt Nam do Bộ Công Thương làm Chủ tịch phân ban. Kỳ họp lần thứ hai Ủy ban hỗn hợp giữa Chính phủ hai nước, được tổ chức vào tháng 4 năm 2013 diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị và hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Băng-la-đét đang có bước phát triển mới. Tại Kỳ họp lần này, hai bên thảo luận và thống nhất một số nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, khoa học và công nghệ, giáo dục, văn hóa, du lịch, an ninh, xuất nhập khẩu gạo, máy nông nghiệp, xi măng, sản phẩm dệt may, dược phẩm, v.v...

Những năm gần đây, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Băng-la-đét phát triển tốt đẹp. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã tăng gấp 2,5 lần, từ 288 triệu USD năm 2010 lên tới 767 triệu USD năm 2014.

Năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Băng-la-đét đạt khoảng 767 triệu USD, tăng 47,8% so với năm 2013, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Băng-la-đét là 711 triệu USD, tăng 47,5% và nhập khẩu đạt 56 triệu USD, tăng 51,4%.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Băng-la-đét năm 2014 bao gồm clanhke (322,8 triệu USD), phôi thép (48,8 triệu USD), điện thoại di động và linh kiện (45,9 triệu USD), sợi các loại (42,2 triệu USD), khí đốt hóa lỏng (38,9 triệu USD), vải (27,8 triệu USD)… Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Băng-la-đét là nguyên phụ liệu dệt may, da và giày (23,1 triệu USD), tân dược (11,4 triệu USD), vừng (7,1 triệu USD), hàng hải sản (2,1 triệu USD), sợi các loại (1,9 triệu SUSD), đay (1,7 triệu USD)...

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Băng-la-đét

Đơn vị: triệu USD

Năm

Tổng kim ngạch

Xuất khẩu

Nhập khẩu

Cán cân thương mại

2007

47

25

23

2

2008

65

47

18

29

2009

82

60

23

37

2010

288

253

35

218

2011

484

443

41

402

2012

390

354

36

318

2013

519

482

37

445

2014

767

711

56

655

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

Nhìn chung, Băng-la-đét là thị trường lớn trong khu vực các nước Nam Á, có dân số đông, sức tiêu thụ mạnh. Mặc dù giữa Việt Nam và nước này có nhiều điểm tương đồng trong cơ cấu sản xuất hàng xuất khẩu tuy nhiên vẫn còn nhiều lĩnh vực ngành hàng có thể bổ sung cho nhau từ hàng hoá phục vụ sản xuất tới tiêu dùng dân sinh (thể hiện qua cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu).



Băng-la-đét hiện đang nỗ lực khuyến khích và thu hút đầu tư nước ngoài dựa trên giá nhân công rẻ (thuộc loại rẻ nhất trong khu vực), giá thuê đất thấp, các chính sách khuyến khích đầu tư thuận lợi. Doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực dệt may có thể tận dụng cơ hội đầu tư xuất khẩu sang nước thứ ba (EU) sau khi xem xét các yếu tố khác về hạ tầng cơ sở, trình độ lao động, thị trường… Ngoài ra, có thể cân nhắc đầu tư sản xuất ở các lĩnh vực cơ khí nông nghiệp, công nghiệp phục vụ nhu cầu tiêu dùng của thị trường này.

                                                                               Lê Thu Quỳnh
Каталог: uploads -> attach
attach -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
attach -> Tri thức 001. Thống kê y tế II. Phân tích số liệu định lượng : Tham khảo môn Xử lý và phân tích số liệu / Đại học y tế công cộng
attach -> TRƯỜng đẠi học tôN ĐỨc thắng phòng đIỆn toáN & thông tin tư liệu danh mục sách mới tháng 06/2013
attach -> TÀi liệu cơ BẢn về BÊ-nanh và quan hệ VỚi việt nam I. Khái quát
attach -> Quy hoạch phổ TẦn số VÔ tuyếN ĐIỆn quốc gia
attach -> Danh sách các công ty Sri Lanka đang có nhu cầu xuất nhập khẩu các loại hàng hóa
attach -> TÊn công ty nhu cầU ĐỊa chỉ liên hệ
attach -> Nonlinear systems / Hassan K. Khalil
attach -> Thông tư 202/2014/tt-btc
attach -> PHỤ LỤc quy định thành phần hồ sơ thực hiện chế độ chính sách theo Quyết định 250/QĐ-ttg của Thủ tướng Chính phủ

tải về 52.6 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương