Abhidhammattha Saṅgaha a manual of Abhidhamma



tải về 2.8 Mb.
trang3/28
Chuyển đổi dữ liệu13.10.2017
Kích2.8 Mb.
#33415
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   28

ABHIDHAMMATTHĀ
Ðề Tài


2. Tattha vutt' ābhidhammatthā
-- catudhā paramatthato


Citta cetasika rūpa
-- Nibbānam' iti sabbathā.


§2.

Trong ý nghĩa cùng tột, đề tài của Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) ghi nhận trong tập nầy, được phân làm bốn tất cả: 1) Tâm vương, 2) Tâm sở, 3) Sắc, 4) Niết Bàn.



Chú Giải:

4. Thực tại:

Có hai thực tại. Thực tại bề ngoài, hay tục đế, và thực tại cùng tột, chân đế, hay đệ nhất nghĩa đế. Thực tại bề ngoài là chân lý chế định, quy ước, thực tại thông thường của thế gian (sammuti sacca). Thực tại cùng tột là chân lý tuyệt đối, trừu tượng (paramattha sacca).

Thí dụ, mặt phẳng của cái bàn mà ta nhìn thấy là thực tại bề ngoài, tục đế. Nhưng hiểu một cách rốt ráo, khi thấu đến ý nghĩa cùng tột của nó, cái mặt bàn mà ta thấy bề ngoài bằng phẳng ấy gồm những năng lực và những đặc tánh, hay nói cách khác gồm những rung động.

Trong sự giao dịch thông thường hằng ngày, nhà khoa học dùng danh từ "nước", nhưng trong phòng thí nghiệm, nhà khoa học gọi là H2O. Cùng thế ấy, trong Tạng Kinh (Sutta Piṭaka) Ðức Phật dùng danh từ thông thường như người, đàn ông, đàn bà, chúng sanh v.v... nhưng trong Tạng Diệu Pháp (Abhidhamma Piṭaka) Ngài dùng một lối diễn đạt khác. Ở đây Ngài áp dụng phương pháp phân giải và dùng những danh từ trừu tượng như Khandha (Uẩn, thành phần cấu tạo chúng sanh), Dhātu (Giới, những nguyên tố, thành phần cấu tạo "sắc", phần vật chất của chúng sanh), Āyatana (Xứ, thành phần có liên quan đến giác quan: lục căn, lục trần) v.v...

Trong Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) danh từ para- mattha có nhiều nghĩa. Ðó là một danh từ kép gồm hai phần: parama và attha. "Parama" được giải thích là cái gì không thể biến chất, không thể biến đổi hay trở thành một cái gì khác (aviparīta), là trừu tượng (nibbaṭṭita); "Attha" là vật. Vậy, paramattha là vật không thể biến chất, hay trừu tượng. Thực tại trừu tượng được xem là gần ý nghĩa với danh từ paramattha nhất. Mặc dầu ở đây dùng danh từ "không biến đổi" nhưng phải hiểu rằng không phải tất cả paramatthas đều vĩnh viễn hay thường còn.

Thí dụ như một cái lọ bằng đồng. Ðó không phải là paramattha vì bản chất của cái lọ đổi thay từng khoảnh khắc và chính nó cũng có thể được nhồi nắn lại để trở thành một cái gì khác hơn cái lọ -- cái bồn chẳng hạn. Cả hai vật ấy, cái lọ và cái bồn, đều có thể được phân tách và rút gọn đến mức cùng tột thành những năng lực và những đặc tánh vật chất căn bản mà Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) gọi là Rūpa Paramattha.

Những thực tại nầy cũng vô thường, phải biến đổi. Tuy nhiên, những đặc tánh cá biệt của vật chất (sắc) ấy đồng nhất thể trong hai vật, cái lọ và cái bồn. Nó vẫn giữ trọn vẹn thực chất của nó mặc dầu ta có thể pha trộn cách nào. Do đó Bản Chú Giải định nghĩa parama là không biến chất hay thực tại nguyên vẹn.

Danh từ 'attha' phù hợp một cách chính xác với Anh ngữ có nhiều ý nghĩa "thing" (vật). Ở đây không thể dịch "attha" là "có nghĩa".

Có bốn paramatthas, hay thực tại trừu tượng như thế. Bốn thực tại nầy bao gồm tất cả những gì tại thế và siêu thế.

Cái được gọi chúng sanh là tại thế. Niết Bàn là siêu thế. Chúng sanh được cấu thành do hai phần: phần tâm linh (nāma, danh) và phần vật chất (rūpa, sắc). Hiểu theo Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), Rūpa hay Sắc bao hàm cả hai ý nghĩa: đơn vị căn bản của vật chất và cũng là những biến đổi vật lý. Vi Diệu Pháp liệt kê 28 loại vật chất, sẽ được đề cập đến trong một chương sau. Nāma bao gồm cả hai, tâm vương và tâm sở. Chương 2 của sách nầy sẽ đề cập đến các tâm sở ấy (cetasika). Có tất cả 52 tâm sở. Vedanā, Thọ, là một. Saññā, Tưởng, là một tâm sở khác. 50 tâm sở còn lại được gọi chung là Saṅkhāra, Hành. Cái chứa đựng những đặc tính tinh thần ấy là Viññāṇa, Thức, hay tâm vương, đề tài của chương nầy.

Theo sự phân tách kể trên, cái được gọi là chúng sanh gồm năm nhóm, hay năm Uẩn (Pañcakkhandhas, Ngũ Uẩn): Rūpa (Sắc), Vedanā (Thọ), Saññā (Tưởng), Saṅkhāra (Hành), Viññāṇa (Thức).

Tâm Vương, Tâm Sở (ngoại trừ 8 loại tâm vương siêu thế và những tâm sở phụ thuộc dính liền theo các tâm nầy) và Sắc, là Tại Thế (Lokiya). Niết Bàn (Nibbāna) là Siêu Thế (Lokuttara). Chỉ có Niết Bàn là thực tại tuyệt đối. Ðó là mục tiêu cứu cánh của Phật Giáo. Tâm Vương, Tâm Sở và Sắc được gọi là thực tại vì đó là những vật có hiện hữu (Vijjamāna dhammā). Ngoài ra, ba pháp ấy không thể phân chia ra thêm được nữa, không thể biến chất nữa, và là những vật trừu tượng. Ba pháp ấy liên quan đến cái gì ở trong và ở quanh ta.

Paramattha, chân đế, hay thực tại đầu tiên là Citta (Tâm Vương). Danh từ "citta" xuất nguyên từ căn "citi", có nghĩa suy nghĩ. Theo Bản Chú Giải "citta", tâm vương hay thức, là cái gì hay biết (cinteti = vijānāti), cái gì nhận thức trần cảnh, hay biết sự hiện hữu của một đối tượng. Không phải cái gì suy nghĩ đến một đối tượng như danh từ nầy hàm ý. Về phương diện Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), Cittā, Tâm Vương hay Tâm, có thể được định nghĩa là sự hay biết một đối tượng. Chỉ có sự hay biết suông, không có cái gì chủ động như một linh hồn.

Citta, Ceta, Cittupāda, Nāma, Mana, Viññāṇa là những danh từ được xem là đồng nghĩa trong Abhidhamma. Do đó, đứng về phương diện Vi Diệu Pháp, Abhidhamma, không có sự khác biệt giữa tâm và thức [1].

Khi phân tách cái được gọi là chúng sanh làm hai phần, vật chất và tinh thần, thì phần tinh thần hay tâm, được gọi là Danh (Nāma).

Khi phân cái được gọi là chúng sanh làm năm uẩn (Pañcakkhandha) thì phần ấy được gọi là Thức (Viññāṇa). Còn danh từ Citta thì luôn luôn được dùng khi đề cập đến những loại tâm khác nhau. Trong những trường hợp lẻ loi, theo nghĩa thông thường của tâm, cả hai danh từ Citta và Mana thường được dùng.

Ba thực tại kia sẽ được đề cập đến trong một phần sau.

Ghi chú:

[1] Trong bài giới thiệu tập Compendium, trang 2, Ông Aung viết:

"Theo sự định nghĩa của nhà Văn Phạm thì danh từ "Citta" (tâm) là ārammaṇaṁ cinteti'ti cittaṁ (tư tưởng = nghĩ đến một đối tượng). ở đây, chữ cinteti được dùng theo nghĩa bao quát nhất của nó là vijjānāti (biết). Do đó tâm thường được định nghĩa là "cái gì hay biết một đối tượng" ... Do sự định nghĩa nầy ta có định nghĩa của chữ "viññāṇa", thức. Vậy, "Thức" có thể được định nghĩa là mối liên quan giữa ārammaṇika (chủ thể) và ārammaṇa (khách thể)."

Xem Compendium trang 234. Không có lý do nào để phân biệt hai danh từ citta và viññāṇa như vậy.

-ooOoo-

Catubbidha Cittāni
Bốn loại tâm vương


3. Tattha Citta tāva catubhidha hoti:

i. Kāmāvacara,
ii. Rūpāvacara
,
iii. Arūpāvacara
,
iv. Lokuttara
c'āti.

§3.

Trong đó (tức trong các tâm vương), đầu tiên có bốn loại:

i. Tâm thuộc Dục Giới,
ii. Tâm thuộc Sắc Giới,
iii. Tâm thuộc Vô Sắc Giới, và
iv. Tâm Siêu Thế.


Chú Giải:

5. Kāmāvacara. Tâm Thuộc Dục Giới.

Kāma, ở thể chủ quan (subjective), là lòng khao khát, dục vọng. Ở thể khách quan (objective) kāma là đối tượng của giác quan như sắc, thinh, hương, vị, xúc. "Kāma" cũng có nghĩa là mười một cảnh giới trong Dục Giới tức bốn cảnh khổ (Apāya), cảnh người (Manussaloka), và sáu cảnh Trời Dục Giới (Sagga).

Avacara là cái gì linh động, di chuyển tới lui, hoặc thường xuyên hiện hữu. Vậy "Kāmāvacara" là cái gì thường lui tới hay thường xuyên hiện hữu trong Dục Giới, hoặc cái gì thuộc về giác quan và đối tượng của giác quan. Thông thường, các loại tâm nầy phát sanh trong Dục Giới, nhưng cũng có thể phát sanh trong các cảnh giới khác, khi tâm hay biết một đối tượng của giác quan.

6. Rūpāvacara, Arūpāvacara, Tâm Thuộc Sắc Giới, Thuộc Vô Sắc Giới.

Cái gì thuộc về Thiền Sắc Giới và Thiền Vô Sắc (Rūpa và Arūpa Jhāna), theo thứ tự, hoặc là cái gì thường lui tới hay thường hiện hữu trong cảnh Sắc Giới và cảnh Vô Sắc Giới.

Rūpalokas là những cảnh giới mà người chứng đắc các tầng Thiền Sắc Giới (Rūpajhānas) sẽ tái sanh vào.

Bây giờ, một câu hỏi có thể được nêu lên:

"Tại sao chúng sanh ở cảnh Sắc Giới nầy, lỗi lạc xuất chúng, đã có một cơ thể vật chất rất tế nhị, mà còn gọi cảnh nầy là Rūpaloka, cảnh "Sắc Giới"? Bản Chú Giải giảng rằng bởi vì chúng sanh tái sanh vào cảnh giới ấy là những vị đã phát triển các tầng Thiền căn cứ trên những vật dùng làm đề mục hành thiền như đất, nước v.v... (Rūpakasiṇas).

Arūpaloka là những cảnh giới không có cơ thể vật chất. Do năng lực của Thiền, chỉ có tâm tồn tại trong cảnh nầy. Thông thường tâm và cơ thể vật chất, danh và sắc, dính liền nhau, không thể tách rời ra. Nhưng, do năng lực của ý chí, trong những trường hợp đặc biệt ngoại lệ, có thể tách rời danh ra khỏi sắc, cũng như ta có thể giữ một khối sắt ở giữa lừng, giữa không trung, nhờ một từ lực nào như nam châm chẳng hạn.



7. Lokuttara. Siêu Thế.

(Loka + Uttara). Ở đây "Loka" là ngũ uẩn. "Uttara" là ở trên, hay ở ngoài, hay cái gì vượt khỏi lên trên. Ðó là tâm siêu thế, có thể giúp ta vượt ra khỏi thế gian danh-sắc nầy. Ba cảnh giới đầu -- Tam Giới: Dục, Sắc và Vô Sắc Giới -- được gọi là tại thế (Lokiya).

-ooOoo-

KĀMĀVACARA-CITTĀNI
TÂM VƯƠNG THUỘC DỤC GIỚI


4.

Akusala Cittāni

Tattha katamā Kāmāvacara?

1) Somanassa-sahagata, diṭṭhigatasampayutta asakhārikam eka.
2) Somanassa-sahagata
, diṭṭhigatasampayutta sasakhārikam eka.
3) Somanassa-sahagata
, diṭṭhigatavippayutta asakhārikam eka.
4) Somanassa-sahagata
diṭṭhigatavipayutta sasankhārikam eka.
5) Upekkhā-sahagata
, diṭṭhigatasampayutta asakhārikam eka.
6) Upekkhā-sahagatam, di
ṭṭhigatasampayutta sasakhārikam eka.
7) Upekkhā-sahagata
, diṭṭhigatavippayutta asakhārikam eka.
8. Upekkhā-sahagata
, diṭṭhigatavipayutta sasakhārikam ekan'ti

Imāni aṭṭha'pi Lobhasahagatacittāni nāma.

9) Domanassa-sahagata, paighasampayutta asakhārikam eka.
10) Domanassa-sahagata
, paighasampayutta sasakhārikam ekan'ti.

Imāni dve'pi Paigha sampayuttacittāni nāma.

11) Upekkhā-sahagata, vicikicchāsampayuttam eka.
12) Upekkhā-sahagata
, uddhaccasampayuttam ekan'ti.

Imāni dve'pi Momūhacittāni nāma

Icce'va sabbathā'pi dvādasākusala-cittāni samattāni.

Aṭṭhadhā lobhamūlāni -- dosamūlani ca dvidhā
Mohamulāni ca dve'ti -- dvādasākusalā siyu
.

§4.

Tâm Bất Thiện

Trong các loại tâm vương, tâm nào thuộc về Dục Giới?

Tâm Bắt Nguồn Từ Căn Tham

1. Một tâm, không bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Hỷ, và liên hợp với tà kiến.
2. Một tâm, bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Hỷ, và liên hợp với tà kiến.
3. Một tâm, không bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Hỷ, và không liên hợp với tà kiến.
4. Một tâm, bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Hỷ, và không liên hợp với tà kiến.
5. Một tâm, không bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Xả, và liên hợp với tà kiến.
6. Một tâm, bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Xả, và liên hợp với tà kiến.
7. Một tâm, không bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Xả, và không liên hợp với tà kiến.
8. Một tâm, bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Xả, và không liên hợp với tà kiến.

Tám loại tâm nầy bắt nguồn từ Căn Tham.

Tâm Bắt Nguồn Từ Căn Sân

9. Một tâm, không bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Ưu, và có liên hợp với ác ý.


10. Một tâm, bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Ưu, và có liên hợp với ác ý.

Hai loại tâm nầy liên hợp với ác ý.

Tâm Bắt Nguồn Từ Căn Si

11. Một tâm, đồng phát sanh cùng thọ Xả, và liên hợp với hoài nghi.


12. Một tâm, đồng phát sanh cùng thọ Xả, và liên hợp với phóng dật.

Hai loại tâm nầy bắt nguồn từ căn Si mạnh mẽ.

Ðến đây chấm dứt tất cả mười hai loại tâm bất thiện.

TÓM LƯỢC:

Tâm bắt nguồn từ căn Tham, tám. Từ căn Sân, hai, và từ căn Si, hai. Như vậy có tất cả mười hai loại tâm bất thiện.


Chú Giải:

8. Akusala, Kusala, Vipāka, Kiriya, Bất Thiện, Thiện, Quả, Hành.

Trong một phần trước, tâm được rộng rãi phân làm bốn hạng -- tâm thuộc Dục Giới, tâm thuộc Sắc Giới, tâm thuộc Vô Sắc Giới và tâm Siêu Thế -- phù hợp với bốn cảnh giới mà trong ấy các loại tâm nầy được chứng nghiệm.

Theo bản chất của nó, cũng có bốn loại tâm khác nhau:

a) Vài loại tâm là bất thiện (akusala) bởi vì bắt nguồn từ tham (lobha), sân hay ác ý (paṭigha), và si (moha).

b) Ðối chiếu, có những loại tâm thiện (kusala) vì bắt nguồn từ không-tham, tức quảng đại, bố thí (alobha), không- sân, tức thiện ý, từ ái (adosa), và không-si, tức trí tuệ (amoha).

Các loại tâm bất thiện (akusala) được xem là không lành mạnh, bất tịnh, vì tạo hậu quả không đáng được ưa thích, bất khả ái (aniṭṭha vipāka). Các loại tâm thiện (kusala) là lành mạnh, thanh tịnh, vì tạo hậu quả đáng được ưa thích, khả ái (iṭṭha vipāka). Cả hai, thiện (kusala) và bất thiện (akusala), đều được gọi là Nghiệp (Kamma).

c) Những loại tâm phát sanh như hậu quả dĩ nhiên của tâm thiện và bất thiện ấy được gọi là Vipāka, tâm quả, hay tâm dị thục. Phải biết rằng cả hai loại tâm, Nghiệp (Kamma) và Quả (Vipāka), đều thuần túy thuộc về tinh thần.

d) Loại tâm thứ tư được gọi là Kiriya, hay Kriyā, có nghĩa là "không có hiệu lực về phương diện nghiệp báo", chỉ thuộc về cơ năng. Loại tâm nầy thường được gọi là tâm "Hành", hay tâm "Duy Tác", trong ý nghĩa có hành động mà không có quả của hành động, nói cách khác, là "hành động không tạo nghiệp".



9. Mūla, Căn

Căn (Mūla) hay cội rễ, nguồn gốc từ đó phát sanh. Lobha (tham), dosa (sân), và moha (si), là ba căn bất thiện. Ðối chiếu với ba căn nầy là ba căn thiện: alobha (không tham), adosa (không sân), và amoha (không si). Lobha, bắt nguồn từ "Lubh", bám chặt vào, hay cột lại, có thể được dịch là "luyến ái", hay "bám níu". Vài học giả thích dùng danh từ "khát vọng" hơn. ái dục cũng được dùng trong nghĩa tương đương với lobha.

Khi giác quan tiếp xúc với một đối tượng đáng được ưa thích, tức trần cảnh khả ái, thông thường có sự luyến ái hay bám níu phát sanh. Ngược lại, nếu đối tượng không đáng được ưa thích thì có tâm bất toại nguyện.

Trong Phạn ngữ (Pāli), sự bất toại nguyện ấy đuợc gọi là dosa hay paṭigha. Dosa xuất nguyên từ căn "dus", không bằng lòng, không vui, bất mãn, bất toại nguyện. Paṭigha do căn "paṭi", chống lại, và "gha", chạm vào, đụng, tiếp xúc. ác ý, thù hận, cũng được xem như có ý nghĩa tương đương với paṭigha.

Moha do căn "muh", lầm lạc, ảo tưởng. Ðó là trạng thái mê mờ, lầm lạc, ảo tưởng. Chính moha bao trùm đối tượng như một đám mây mờ và làm cho tâm mù quáng, không thấy rõ. Ðôi khi moha được phiên dịch là không biết, si mê.

Theo Abhidhamma, moha (si) nằm trong tất cả các loại tâm bất thiện. Lobha (tham) và dosa (sân) không phát sanh một mình mà luôn luôn phối hợp với moha (si). Còn moha (si), thì có thể khởi sanh đơn độc một mình. Do đó danh từ "momūha", si mê mạnh mẽ.

Ðối nghịch hẳn với ba căn trên có ba căn thiện (Kusala). Ba căn nầy không những hàm xúc sự vắng mặt một số điều kiện bất thiện mà còn bao hàm sự hiện hữu của những điều kiện có tánh cách "thiện" một cách tích cực. Alobha không phải chỉ có nghĩa là không luyến ái (không tham), mà cũng là quảng đại, bao dung, rộng rãi bố thí. Adosa cũng không phải chỉ là không sân hay không thù hận, mà còn là thiện ý, thiện chí, hay tâm từ(mettā). Amoha không phải chỉ là không si mê mà cũng là trí tuệ hay tri kiến, minh mẫn sáng suốt (ñāṇa hay paññā).

10. Vedanā, Thọ

Vedanā, Thọ, hay cảm giác, là một trạng thái tâm (hay tâm sở) phổ thông, chung nằm trong tất cả các loại tâm vương.

Ðại để có ba loại thọ là: somanassa, thọ hỷ, vui vẻ về tinh thần. Domanassa, thọ ưu, sầu muộn, buồn phiền về tinh thần, và upekkhā, thọ vô ký, bình thản, không vui không buồn, xả. Với dukkha, khổ, đau đớn về vật chất và sukha, lạc, sung sướng vật chất, tính chung có tất cả năm loại Thọ.

Somanassa là một danh từ trừu tượng gồm "su", tốt và "mana", tâm. Ðúng theo ngữ nguyên, là trạng thái tốt đẹp của tâm, tức vui vẻ, hay thọ hỷ. Cùng thế ấy, domanassa ("du", xấu và "mana", tâm), là trạng thái xấu của tâm, tức buồn phiền, sầu muộn, hay thọ ưu. Loại thọ thứ ba là vô ký. Danh từ "bình thản" được dùng ở đây trong ý nghĩa riêng biệt chớ không có nghĩa là tâm chai đá, cứng đơ, không còn cảm xúc. Danh từ Sukha gồm "su", dễ dàng, và "kha", gánh chịu hay chịu đựng. Cái gì có thể chịu đựng dễ dàng là sukha, tức sung sướng, thọ lạc. Dukkha ("du" là khó), là cái gì khó chịu đựng, tức đau đớn, thọ khổ. Cả hai cảm giác nầy thuộc về vật chất.

Theo Abhidhamma, trong tám mươi chín (89) loại tâm vương chỉ có một loại đồng phát sanh cùng thọ khổ, một loại cùng thọ lạc, và hai loại với thọ ưu. Ngoài ra tám mươi lăm (85) loại tâm còn lại đều liên hợp với thọ hỷ hoặc thọ xả.

Hỷ (somanassa), ưu (domanassa), và xả (upekkhā) thuần túy thuộc về tinh thần. Lạc (sukha), và khổ (dukkha) hoàn toàn vật chất. Ðó là lý do tại sao thọ xả, upekkhā, không thể đồng phát sanh cùng với "xúc giác". Bởi vì, theo Abhidhamma, khi "xúc", hay có sự đụng chạm, tức nhiên phải có hoặc thọ lạc (sukha), hoặc thọ khổ (dukkha) mà không thể vô ký hay xả. [1]



11. Diṭṭhi, Tà Kiến

Danh từ Diṭṭhi nầy do căn "dis", có nghĩa thấy, tri giác, và thường được dịch là quan kiến, sự tin tưởng, ý kiến v.v... Ði kèm với tĩnh từ "sammā", sammā diṭṭhi là chánh kiến, hiểu biết chân chánh. Ði kèm với "micchā", micchā diṭṭhi là tà kiến, hiểu biết lầm lạc. Ở đây danh từ nầy được dùng đơn độc -- không có tĩnh từ kèm theo -- trong nghĩa tà kiến.



12. Sakhārika, Có Sự Xúi Giục

Ðây là một danh từ thuần túy kỹ thuật có một ý nghĩa đặc biệt trong Abhidhamma. Saṅkhārika gồm "sam", tốt, và căn "kar", tác hành, chuẩn bị, thực hiện, hoàn thành. Ðúng theo ngữ nguyên, danh từ nầy có nghĩa hoàn thành, chuẩn bị, sắp xếp trước. Saṅkhārika là có sự xúi giục, từ bên ngoài hay có sự toan tính chuẩn bị, từ bên trong. Cũng như chữ dhamma, danh từ saṅkhāra có rất nhiều ý nghĩa, và nghĩa chính xác của nó phải được hiểu tùy theo đoạn văn.

Trong Ngũ Uẩn (Pañcakkhandha), saṅkhāra, hành uẩn, là tên gọi chung tất cả các tâm sở trừ hai, tâm sở thọ (vedanā) và tâm sở tưởng (saññā).

Trong Thập Nhị Nhân Duyên (Paṭicca Samuppāda) saṅkhāra, cũng đuợc gọi là "hành", bao gồm tất cả những hành động thiện và những hành động bất thiện, những tư tưởng xấu và tốt.

Khi saṅkhāra đuợc dùng trong nghĩa cái gì phải chịu vô thường, khổ v.v... thì đó là những vật được cấu tạo, những vật tùy thế, hay các pháp hữu vi, cũng gọi là hành.

Ở đây, khi danh từ nầy được dùng với "sa", thì có nghĩa là "cùng chung với"; và khi dùng với "a" thì hàm xúc ý "không". Sa-saṅkhārika -- đúng ngữ nguyên là: "với sự cố gắng" -- cái gì bị xúi giục, xui khiến, thúc đẩy, hay rủ ren, bởi tự chính mình hay bởi kẻ khác. Asaṅkhārika, đúng ngữ nguyên, là "không có sự cố gắng", cái gì được làm một cách tự động, hồn nhiên, không có sự xúi giục, không chịu ảnh hưởng từ bên trong hay bên ngoài.

Thí dụ, nếu ta làm một hành động nào do người khác xúi giục, hoặc làm sau khi suy xét, hay toan tính, hành động ấy là sa-saṅkhārika, "có sự xúi giục". Trái lại, khi tự động làm một việc gì, hồn nhiên, mau lẹ, không suy nghĩ hoặc dò xét, hay mưu tính trước, cũng không do ai xui khiến, tức không có sự xúi giục, không chịu ảnh hưởng của ai hay của gì, từ bên trong hay bên ngoài, hành động ấy là asaṅkhārika, "không có sự xúi giục".

13. Vicikicchā, Hoài Nghi.

Ðây là một danh từ bao gồm cả hai tánh cách, luân lý và tôn giáo. Bản Chú Giải nêu lên hai lối giải thích:

a) "Vici" = vicinanto, tìm kiếm, hay dò xét tìm hiểu. "Kicch" = mệt mỏi, e ngại, bị phiền phức. Ðó là trạng thái phiền phức do bận rộn thắc mắc, suy nghĩ.

b) "Vi", không có + Cikicchā, thuốc (của tri kiến). Vicikicchā là cái gì không có thuốc của tri kiến (tức không được chữa trị bằng liều thuốc hiểu biết).

Cả hai lối giải thích đều ám chỉ một trạng thái tâm bất định, bối rối, phân vân [2]. Danh từ nầy bao hàm ý nghĩa hoài nghi, thắc mắc, ngờ vực, bất định. Suy luận, hay tìm tòi để hiểu biết luôn luôn được Phật Giáo khuyến khích. Phật Giáo không bao giờ khuyên dạy đức tin mù quáng.

14. Uddhacca, Phóng Dật.

Phạn ngữ nầy gồm "u", quá đổi và căn "dhu", chao động, cảm kích. Ðúng theo ngữ nguyên, uddhacca là cảm kích, hay bị khích động quá độ. Ở đây là trạng thái tâm bồn chồn, rối ren, không an nghỉ, nghịch nghĩa với tâm an trụ, chăm chú vào một điểm. Tập Atthasālinī giải thích uddhacca là trạng thái tâm xao lãng, băn khoăn lo âu, hay bối rối, không yên.



15. Kusala và Akusala, Thiện và Bất Thiện.

Ðoạn nầy đề cập đến các loại tâm bất thiện (Akusala). Akusala trực tiếp nghịch nghĩa với Kusala.

Sách Atthasālinī giải thích ngữ nguyên của danh từ Kusala như sau [3]:

(i) "Ku", xấu + căn "sal", lay chuyển, run rẩy, tiêu diệt. Cái gì lay chuyển, tiêu diệt điều bất thiện, hay điều đáng khinh miệt, là kusala.

(ii) "kusa" + căn "lu", cắt đứt. "Kusa" do "ku", xấu và căn "si", nói dối. Cái gì gian dối một cách đáng khinh miệt là kusa, tật xấu. Kusala là cái gì cắt đứt tật xấu.

(iii)


a- "ku" bất thiện, xấu + căn "su", suy giảm. Cái gì làm suy giảm, hay tiêu diệt điều bất thiện là "kusa", tri kiến hay trí tuệ. Kusa, theo ngữ nguyên như được giải thích trên + căn "lu", cắt đứt. Cái gì cắt đứt (điều bất thiện) bằng trí tuệ là kusala.

b-. "Kusa", như giải trên + căn "la", lấy. Cái gì bị trí tuệ bám lấy là kusala.

(iv) Loại cỏ kusa có hai bề lưỡi đều sắc bén nên cắt đứt tay bằng cả hai bề. Cùng thế ấy, kusala cắt đứt cả hai phần của dục vọng -- phần đã phát sanh và phần chưa phát sanh.

Về ý nghĩa bao hàm của danh từ nầy, sách Atthasālinī ghi [4]: "Chữ kusala có nghĩa 'mạnh khoẻ' (ārogya), 'vô tội' (anavajja), 'thông minh' (cheka), 'có khả năng tạo quả an vui' (sukhavipāka)".

Ngoại trừ "thông minh", tất cả ba nghĩa kia đều có thể áp dụng cho danh từ kusala.

Kusala là tinh khiết hay lành mạnh, hiểu theo nghĩa "tránh khỏi những chứng bệnh vật chất và tinh thần do dục vọng gây nên".

Kusala là vô tội, hiểu theo nghĩa "tránh khỏi tội lỗi do dục vọng tạo duyên gây nên, do những ảnh hưởng xấu của dục vọng, và sức nóng của dục vọng".

Ở đây sukhavipāka, quả an vui, không nhất thiết phải là thọ lạc, sung sướng về vật chất. Quả vui ở đây là trạng thái dịu dàng, thoải mái, tiện nghi thơ thới -- cả vật chất lẫn tinh thần.

Sách Atthasālinī lại có ghi rằng kusala được dùng trong nghĩa "đã được hoàn thành với trí tuệ" (kosalla- sambhūtaṭṭhena; kosallaṁ vuccati paññā). Xét theo những ý nghĩa khác nhau của danh từ, kusala có thể được hiểu là: lành mạnh, tinh khiết, trong sạch, hay thiện. Vài học giả thích phiên dịch kusala là tinh xảo, khéo léo. Do đó, Akusala là bất tịnh, không tinh khiết, hay bất thiện. Kusala và Akusala tương đương với tốt và xấu, đúng và sai.

16. Làm thế nào xác định rằng một hành động là thiện (kusala) hay bất thiện (akusala)? Dựa trên tiêu chuẩn đạo đức nào? [5]

Một cách vắn tắt, cái gì liên hợp với ba căn (mūla) bất thiện (akusala) là bất thiện. Liên hợp với ba căn thiện (kusala) là thiện.

Cũng như hột giống được gieo trồng trên đất phì nhiêu sẽ sanh sôi nảy nở, không sớm thì chầy, tùy theo bản chất riêng của nó.

Cùng thế ấy, hành động thiện và bất thiện sẽ tạo những hậu quả đáng được ưa thích hay không đáng được ưa thích, hậu quả ấy được gọi là Vipāka (Quả).



17. Kiriya hay Kriyā -- theo nghĩa từng chữ, kiriya hay kriyā là hành động.

Ở đây, danh từ nầy được dùng theo nghĩa "hành động vô hiệu lực". Kamma là nhân có hiệu lực tạo quả. Kiriya là nhân không có hiệu lực tạo quả. Những hành động lành của chư Phật và chư vị A La Hán được gọi là kiriya, hay kriyā, vì các Ngài không còn tích trử Nghiệp, Kamma. Các Ngài đã vượt qua khỏi thiện và ác.

Trong Abhidhamma, Vipāka (Quả) và Kiriya (Hành) được gọi chung là Abyākata (Bất Ðịnh), cái gì không tự biểu hiện trở lại như một hậu quả. Vipāka là Abyākata (Bất Ðịnh), tức không tự biểu hiện trở lại như một hậu quả, vì chính nó đã là quả. Kiriya là bất định vì không tạo quả.

18. Những Thí Dụ Dùng Ðể Giải Thích Mười Hai Loại Tâm Bất Thiện.

* Căn Tham

1) Một cậu bé bỗng dưng (không có sự xúi giục) ăn cắp trái táo một cách vui vẻ (đồng phát sanh với thọ hỷ), thấy rằng việc làm ấy không có gì là xấu (liên hợp với tà kiến).

2) Có bạn xúi giục, một cậu bé vui vẻ ăn cắp một trái táo, thấy rằng việc làm ấy không có gì là xấu.

3) Một cậu bé bỗng dưng ăn cắp trái táo một cách vui vẻ, biết rằng việc làm ấy là xấu (không liên hợp với tà kiến).

4) Có bạn xúi giục, một cậu bé vui vẻ ăn cắp trái táo, biết rằng việc làm ấy là xấu.

5) Một cậu bé bỗng dưng ăn cắp trái táo một cách thản nhiên (tức ăn cắp với thọ xả, không vui không buồn lúc ăn cắp) thấy rằng việc làm ấy không có gì là xấu.

6) Có bạn xúi giục, cậu bé thản nhiên ăn cắp trái táo, thấy rằng việc làm ấy không có gì là xấu.

7) Một cậu bé bỗng dưng ăn cắp trái táo một cách thản nhiên, biết rằng việc làm ấy là xấu.

8) Có bạn xúi giục, một cậu bé thản nhiên ăn cắp trái táo, biết rằng việc làm ấy là xấu.

* Căn Sân

9) Với lòng sân hận ta sát hại một người khác mà không có mưu tính trước.

10) Với lòng sân hận, ta sát hại một người khác sau khi đã mưu tính.

19. Sát Hại

Theo Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) hành động sát sanh luôn luôn được thực hiện với tâm sân, ác ý, hay bất toại nguyện. Mặc dầu do nguyên động lực nào thúc đẩy đi nữa, thông thường, khi giết là có ác ý. Ở đâu có ác ý (paṭigha) là có buồn phiền (domanassa). Có buồn phiền là có ác ý, bất toại nguyện (paṭigha), dưới một hình thức thô kịch hay vi tế.

Thí dụ như, không thể phân biệt được thế nào là đúng thế nào là sai, một em bé vui vẻ giết một con kiến. Em không biết rằng mình đang tạo nghiệp sát sanh mà chỉ vui chơi vậy thôi. Vậy, khi nhấn mạnh ngón tay xuống giết con kiến em có ác ý đối với nó không? Có tâm sân hay tâm thù hận trong trường hợp nầy không? Quả thật khó mà nói như thế. Vậy, ngay lúc giết con kiến em chứng nghiệm loại tâm nào? Loại thứ chín (9) hay thứ mười (10) ắt không thể được, bởi vì em chỉ vô tình và vui vẻ làm hành động sát sanh ấy một cách thoáng qua. Có thể đó là loại tâm thứ ba, bắt nguồn từ căn tham không?

Một người lớn đi săn, bắn chết thú, xem đó là một môn thể thao, hẳn có loại tâm số 9 và số 10. Người ấy có ác ý, muốn giết chết con thú trong lúc bắn.

Còn khoa giải phẩu sanh thể thì sao? Nhà bác học mạnh dạn giải phẩu một con vật sống, hay giết con vật mà không chút chùng tay. Nguyên động lực chánh của ông là nghiên cứu khoa học để làm dịu bớt sự đau khổ của nhân loại. Tuy nhiên, vẫn có ý nghĩ sát hại.

Khi giết một con thú đang oằn oại khổ đau vì bị một vết thương, để chấm dứt nỗi khổ đau của nó. Lúc giết, có ác ý không? Vì lòng bi mẫn ta có thể làm như thế. Nhưng dầu sao, ngay lúc giết cũng có ác ý, vì lúc ấy ta muốn nó chết, có một loại bất toại nguyện đối với con vật.

Nếu hành động tương tợ có thể được chứng minh là hợp đạo đức thì ta phản đối được chăng hành động của người kia, với tâm trong sạch giết một người khác vì người nầy đang mang một chứng bệnh không thể chữa trị?

Ðã có ghi rõ ở trên là nơi nào có ác ý là có buồn phiền.

Thí dụ như khi nghe tin thi rớt, ta buồn. Vậy, lúc ấy có tâm sân không? Nếu suy xét tỉ mỉ ý nghĩa của danh từ paṭigha lời giải đáp sẽ trở nên rõ ràng. Khi nhận một tin buồn, chắc chắn có một loại bất toại nguyện. Trường hợp người khóc cái chết của thân nhân cũng cùng thế ấy. vì đó là một diễn biến bất hạnh mà ta không thích đón nhận. Chư vị A Na Hàm (Anāgāmi) và A La Hán (Arahant) không khi nào nghe buồn phiền hay sầu muộn vì các Ngài đã tận diệt paṭigha, bất toại nguyện, hay dosa, sân hận.

Khi Ðức Phật nhập Ðại Niết Bàn thì Ðức Ānanda vô cùng sầu muộn vì lúc ấy Ngài chỉ đắc Quả Tu Ðà Huờn (Sotāpanna). Nhưng chư vị A La Hán và A Na Hàm như các Ngài Kassapa và Anuruddha thì hành pháp Xả hoàn toàn, không nhỏ một giọt nước mắt.



20. Thí Dụ Về Căn Si

11) Một người hoài nghi về sự hiện hữu của Ðức Phật, về hiệu năng của Giáo Pháp vì si mê.

12) Một người có tâm phóng dật không thể chú tâm vào một đề mục.

Hai loại tâm nầy yếu ớt vì phát sanh do trạng thái mê mờ và hôn trầm của tâm. Vì lẽ ấy cảm giác, hay thọ, liên hợp không thể là hỷ hay ưu, mà chỉ là xả.



21. Mười Loại Bất Thiện Nghiệp liên quan đến mười hai loại tâm bất thiện.

Mười loại bất thiện nghiệp tạo nên do thân, khẩu, ý:

THÂN: (1) Sát sanh (pāṇātipāta), (2) trộm cắp (adinnā- dāna), (3) tà dâm (kāmesumicchācāra).

KHẨU: (4) nói dối (musāvāda), (5) nói đâm thọc (pisuṇavācā), (6) nói thô lỗ cộc cằn (pharusa- vācā), (7) nói nhảm (samphappalāpa) .

Ý: (8) tham lam (abhijjhā), (9) sân hận (vyāpāda) và (10) tà kiến (micchādiṭṭhi) [6].

Tất cả mười bất thiện nghiệp đều được tạo nên do mười hai loại tâm bất thiện kể trên. Thông thường người ta phạm nghiệp sát sanh với loại tâm số 9 và số 10. Nghiệp trộm cắp với tám loại tâm đầu tiên.

Nghiệp tà dâm cũng được tạo nên do tám loại tâm đầu tiên.

Người ta cũng có thể trộm cắp vì sân hận. Trong trường hợp nầy nghiệp trộm cắp có thể được tạo nên do những loại tâm thứ 9 và thứ 10.

Nghiệp nói dối có thể do mười loại tâm đầu tiên. Nói đâm thọc, nói lời thô lỗ cộc cằn, với các loại tâm số 9 và số 10. Nói nhảm, với 10 loại tâm đầu tiên. Tham lam phát sanh do tám loại tâm đầu tiên. Sân hận do hai loại, tâm số 9 và số 10. Tà kiến do những loại số 1, 2, 5, 6. [7]

22. Sự Tận Diệt Các Loại Tâm Bất Thiện Do Bốn Hạng Thánh Nhân

Một vị Nhập Lưu (Sotāpanna -- Tu Ðà Huờn) tận diệt các loại tâm số 1, 2, 5, 6 và 11 vì Ngài đã cắt đứt hai thằng thúc (Saṁyojana, dây trói buộc chúng sanh vào vòng luân hồi) là ảo tưởng liên quan đến tự ngã (Sakkāyadiṭṭhi, thân kiến) và hoài nghi (Vicikicchā).

Một vị Nhứt Lai (Sakadāgāmi -- Tư Ðà Hàm), đã đắc tầng Thánh thứ nhì, làm suy giảm năng lực của những loại tâm thứ 9 và thứ 10, vì Ngài chỉ làm suy nhược hai thằng thúc Kāmarāga (luyến ái theo nhục dục ngũ trần) và Paṭigha (bất toại nguyện).

Một vị Bất Lai (Anāgāmi -- A Na Hàm), đã đắc tầng Thánh thứ ba, tận diệt luôn cả hai loại tâm kể trên vì đã hoàn toàn cắt đứt hai thằng thúc ấy.

Một vị A La Hán (Arahanta) không còn loại nào trong mười hai loại tâm bất thiện, vì Ngài đã tận diệt luôn 5 thằng thúc còn lại là: Rūparāga (luyến ái theo các tầng Thiền Sắc Giới và cảnh Sắc Giới), Arūparāga (luyến ái theo các tầng Thiền Vô Sắc và cảnh Vô Sắc Giới), Māna (ngã mạn), Uddhacca (phóng dật) và Avijjā (vô minh).

(Sīlabbata parāmāsa = giới cấm thủ, hay dể duôi tin theo những nghi thức lễ bái sai lầm, là một trong mười thằng thúc, không được nhắc đến ở trên -- được tận diệt do một vị Nhập Lưu).



Ghi chú:

[1] Xem Upekkhā, chú giải số 42.

[2] Vicikicchā là trạng thái không thể quyết định chắc chắn một việc gì là như thế nào. Buddhaghosa -- Majjhima Nikāya Commentary

[3] Xem The Expositor, phần i, trang 50.

[4] Xem Buddhist Psychology, Ixxxii.

[5] Xem quyển The Buddha and His Teachings, cùng tác giả (Ð.Ð. Nārada), trang 293.

[6] a. Phủ nhận hậu quả của nghiệp (natthika diṭṭhi), b. Phủ nhận cả hai, nhân và quả (Ahetuka) và c. Phủ nhận Nghiệp Báo (Akiriya Diṭṭhi). Ðó là những nguyên nhân tạo nên tà kiến.

[7] Xem The Expositor phần I, trang 128-135.

-ooOoo-



tải về 2.8 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   28




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương