110 năm lịch sử hình thành và phát triển Buôn Ma Thuột anh hùng


Diễn biến chính của chiến dịch



tải về 231.02 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu28.04.2018
Kích231.02 Kb.
#37559
1   2   3
Diễn biến chính của chiến dịch

Sáng ngày 05/3/1975, Trung đoàn 25 của ta cắt đường 21. Ngày 8/3/1975, Trung đoàn 48 đánh chiếm quận lỵ Thuần Mẫn và căn cứ Cẩm Ga cắt đứt đường 14 diệt tiểu đoàn bảo an, bắt 120 tên địch, thu 200 súng. Ngày 9/3, Sư đoàn 10 đánh quận lỵ Đức Lập, căn cứ Núi Lửa, cứ điểm 22. Nhưng chiến sự kéo dài đến ngày 10/3 mới chiếm được quận lỵ và các cứ điểm Đắk Song, Đắk Sắc, diệt 1 tiểu đoàn của trung đoàn 53, 1 tiểu đoàn bảo an, bắt 100 tên địch, thu 14 pháo, 20 xe tăng thiết giáp.

Đúng 2 giờ 03 phút sáng ngày 10/3/1975, từ các hướng, quân ta nổ súng tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Mở đầu đặc công đánh sân bay thị xã, đánh khu kho Mai Hắc Đế, lực lượng bộ binh đánh sân bay Hòa Bình; cùng thời gian này hoả tiễn H12, ĐKB và các cụm pháo tập trung bắn vào Sư bộ 23 của địch. Sáng ngày 10/3, ở hướng bắc, bộ binh ta có xe tăng phối hợp đánh vào Ngã Sáu và đánh chiếm Tiểu khu Buôn Ma Thuột. Hướng Tây Bắc, lực lượng ta tiêu diệt Sở chỉ huy khu kho Mai Hắc Đế, đánh chiếm các cứ điểm Cư Êbur, Cư Dluê... phá hệ thống cứ điểm án ngữ vòng ngoài thị xã. Ở hướng Tây quân ta đánh chiếm doanh trại tiểu đoàn quân y và áp sát căn cứ Sư bộ 23. Ở hướng Nam, ta đánh vào khu hành chính, khu tiếp vận, Sở Thú y, Ty Ngân khố, khu cư xá Sỹ quan và đánh chiếm quận lỵ Hòa Bình.

Ngày 11/3/1975, bộ binh, xe tăng và trọng pháo của ta tập trung đánh vào Sư bộ 23, địch chống trả quyết liệt, nhưng đến 10 giờ quân ta đã làm chủ các mục tiêu, chiếm lĩnh Sư bộ 23, bắt sống tên tỉnh trưởng Đắk Lắk và đại tá sư đoàn phó sư 23 ngụy, lực lượng ta đã làm chủ hoàn toàn Thị xã.

Ngày 18/3/1975, Ủy ban quân quản thị xã Buôn Ma Thuột do Đại tá Y Blốc Êban, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Đắk Lắk làm Chủ tịch ra mắt trước 300 đại biểu nhân dân tại đình Lạc Giao.

Sau khi tiêu diệt lực lượng địch, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, Ủy ban quân quản đã lãnh đạo các huyện sử dụng lực lượng địa phương phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kềm, truy quét tàn quân địch. Ngày 28/3, toàn tỉnh Đắk Lắk đã hoàn toàn giải phóng, chính quyền thuộc về tay nhân dân.

Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn, ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch trên một chiến trường rộng lớn, mở đầu cho sự sụp đổ dây chuyền và thất bại thảm hại của toàn bộ hệ thống chính quyền tay sai toàn miền Nam và kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột đã đi vào lịch sử, là một trong những chiến thắng oanh liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta, mở màn thắng lợi cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột trước hết là nhờ sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương đã có quyết tâm cao, chọn đúng thời cơ lịch sử, chọn đúng điểm quyết chiến chiến lược và tập trung cao độ binh hỏa lực để giành thắng lợi. Chiến thắng Buôn Ma Thuột là chiến công chung của quân và dân trong cả nước mà trực tiếp là lực lượng chủ lực của mặt trận Tây Nguyên đã nghi binh giỏi, tạo thế bí mật bất ngờ cho trận đánh, có cách đánh linh hoạt, tài tình chia cắt địch từ xa, hợp đồng binh chủng chặt chẽ, tấn công địch liên tục bằng nhiều trận then chốt.

Đồng thời, Chiến thắng Buôn Ma Thuột là đỉnh cao của truyền thống cách mạng vẻ vang, lâu dài của nhân dân các dân tộc Buôn Ma Thuột trong quá trình theo Đảng, theo Bác Hồ được phát huy và kế thừa qua nhiều thế hệ. Chính từ những truyền thống đó, khi tổng kết hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ xâm lược; Buôn Ma Thuột anh hùng đã có hàng ngàn người con thoát ly ra chiến khu hoặc tham gia quân giải phóng; có gần 1.000 liệt sỹ, trên 1.000 thương binh, 2.200 gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, 24 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 03 anh hùng lực lượng vũ trang, và hàng ngàn cán bộ chiến sỹ của mọi miền đất nước đã tham gia chiến đấu tại đây, trong đó có hàng trăm người đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất thân yêu này. Hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc đã được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại; 02 đơn vị Công an và lực lượng vũ trang của Buôn Ma Thuột được phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang. Buôn Ma Thuột còn được vinh dự nhận Huân chương Thành đồng Tổ quốc, 10 Huân chương Giải phóng hạng I, hạng II và hạng III.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975) đã mở ra một thời kỳ mới trong quá trình xây dựng và phát triển của nhân dân các dân tộc Buôn Ma Thuột, thời kỳ cùng cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN.



III. NHỮNG THÀNH TỰU QUAN TRỌNG TRONG CÔNG CUỘC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN BUÔN MA THUỘT (1975-2013)

Sau giải phóng, thị xã Buôn Ma Thuột có 9 phường nội thị và 15 xã vùng ven9, dân số 133.543 người, chiếm 1/3 dân số toàn tỉnh; thành phần dân tộc tương đối đa dạng. Với điểm xuất phát về kinh tế rất thấp lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề; Đảng bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc Buôn Ma Thuột đã đoàn kết, bền bỉ nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức tiến hành công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, nhanh chóng đưa đời sống của nhân dân đi vào ổn định.

Một trong những khó khăn lớn của cả tỉnh và thị xã lúc này là vấn đề FULRO. Sau ngày giải phóng, lợi dụng tình hình chưa ổn định, chúng đã chuẩn bị, khi có thời cơ nổi dậy lật đổ chính quyền cách mạng ở nông thôn, dùng lực lượng vũ trang đánh chiếm các quận lỵ cũ, gây áp lực vào thị xã. Đến cuối năm 1975, ta đã giải quyết cơ bản các nhóm phản động FULRO 10 len lỏi trong các buôn, ổn định tình hình an ninh chính trị ở các địa bàn nông thôn, tạo sự phấn khởi, tin tưởng trong đông đảo quần chúng.

Tháng 7/1977, Đại hội Đảng bộ Thị xã lần thứ IV đã đánh giá: Hơn 3 năm qua kể từ Đại hội Đảng bộ lần trước, Đảng bộ đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân trong Thị xã, cùng với cả tỉnh ra sức thực hiện những nhiệm vụ cách mạng lớn lao, liên tiếp giành thắng lợi rực rỡ”, Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc thị xã đã trưởng thành nhiều mặt, đạt được những kết quả cơ bản, hàn gắn vết thương chiến tranh, tạo ra được cơ sở vật chất để xây dựng CNXH.

Bước sang năm 1986, tình hình kinh tế xã hội của cả nước lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Lạm phát, giá cả tăng vọt, đời sống nhân dân lao động, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang gặp nhiều khó khăn. Tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, hệ thống xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng. Các thế lực thù địch tăng cường chống phá ta trên nhiều lĩnh vực.

Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, tháng 9/1986, Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Buôn Ma Thuột lần thứ VII (nhiệm kì 1986-1989) đã nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá những tồn tại hạn chế trong nhiệm kỳ và xác định các mục tiêu chủ yếu trên các lĩnh vực trong thời kì “đổi mới” với 6 nội dung chiến lược, 3 chương trình kinh tế 11 để nhanh chóng đưa thành phố ra khỏi khó khăn, khủng hoảng.

Nhìn chung qua 4 kỳ Đại hội; từ Đại hội VI (1982-1986), Đại hội VII (1986 -1989) và Đại hội VIII (1989 - 1991) và Đại hội IX (1991-1995) Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Buôn Ma Thuột đã cố gắng, phấn đấu giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Từ một nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp lạc hậu, manh mún thành phố đã tập trung xây dựng và phát triển được một nền kinh tế chuyển mạnh sang phát triển công nghiệp, dịch vụ trong đó: Mức tăng trưởng kinh tế đạt khá, tổng sản phẩm quốc nội (theo giá năm 1989) tăng bình quân là 13%/ năm; trong đó công nghiệp và xây dựng tăng 10,5%, nông lâm nghiệp tăng 12%, và thương nghiệp - dịch vụ tăng 14%; tỷ trọng các ngành kinh tế trong GDP bước đầu có sự chuyển dịch tích cực: CN, TTCN chiếm 26,52%; nông, lâm nghiệp chiếm 37,93% và thương mại, dịch vụ chiếm 35,55%. GDP bình quân đầu người từ 270 USD năm 1991 lên 445 USD năm 1995.

Hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển tương đối mạnh. Các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn đã phát huy tốt vai trò trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phối một phần đáng kể thị trường xã hội, trong việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và cung cấp vật tư thiết bị cho sản xuất. Riêng khu vực tư nhân, năm 1995 Thành phố có 5.148 cơ sở kinh doanh, dịch vụ12, thu hút gần 10.000 lao động. Bưu chính viễn thông phát triển nhanh, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trên địa bàn.

Hoạt động tài chính - ngân hàng có nhiều chuyển biến tiến bộ. Tổng thu ngân sách năm 1994 đạt 26,738 tỉ đồng, tăng 365,7% so với năm 1991. Năm 1995 đạt 48 tỷ 965 triệu đồng, tăng gần 2 lần so với năm 1994. Một số quỹ tín dụng nhân dân được xây dựng và bước đầu hoạt động có kết quả13. Năm 1995, ngân hàng đã huy động vốn được 79,7 tỷ đồng, cho vay đạt doanh số 61,4 tỷ đồng; trong đó hộ nghèo vay trên 1 tỷ đồng. Riêng nguồn vốn cho vay ưu đãi đã có gần 500 hộ đồng bào dân tộc vay với tổng số tiền 1 tỷ đồng.

Những kết quả đạt được qua 4 kỳ Đại hội Đảng bộ Thị xã có ý nghĩa quan trọng, thiết thực giúp cho Đảng bộ có thêm nhiều kinh nghiệm và niềm tin vững chắc để tiếp tục lãnh đạo các tầng lớp nhân dân thị xã thực hiện thắng lợi của sự nghiệp đổi mới của Đảng14.



Với những thành tích đạt được, ngày 21/01/1995 Chính phủ ban hành Nghị định số 08 NĐ/CP thành lập thành phố Buôn Ma Thuột. Từ một thị xã có 20 đơn vị hành chính gồm 7 phường, 13 xã, đến thời điểm này thành phố có 10 phường và 5 xã; diện tích tự nhiên là 26.985,7 ha với dân số 219.333 người15, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 11%.

Buôn Ma Thuột được Chính phủ công nhận là đô thị loại III là thời cơ và điều kiện mới để phát triển Thành phố; tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X (nhiệm kỳ 1996-2000) đã xác định phương hướng, nhiệm vụ chung trong nhiệm kỳ 1996 -2000 là: “Kiên định đường lối đổi mới, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ Tỉnh, phát huy lợi thế so sánh của Thành phố, động viên nhân dân huy động, khai thác tốt nhất mọi nguồn lực, tiềm năng, tạo ra sự chuyển biến rõ nét về chuyển dịch cơ cấu kinh tế “công - nông nghiệp - thương mại - dịch vụ”, phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ công bằng xã hội, nâng cao trình độ dân trí, xây dựng nếp sống văn hóa, giữ vững ổn định chính trị. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đủ sức lãnh đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi sự nghiệp phát triển Thành phố giàu đẹp, văn minh, kỷ cương và đoàn kết, từng bước đi lên xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh”.16

Sau 5 năm (1996 – 2000), thành phố đã có những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Nền kinh tế của thành phố vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá cao, tốc độ phát triển kinh tế bình quân tăng 15,64%/ năm, GDP bình quân đầu người đạt 655 USD17 theo giá cố định năm 1994. Giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN ngoài quốc doanh đến cuối năm 2000 đạt 155,5 tỷ đồng tăng bình quân hàng năm 15%18; Về Nông nghiệp, nông thôn: 100% các điểm dân cư đã có lưới điện, nhựa hóa nhiều tuyến giao thông; diện tích cà phê tăng 97,85%. Sản lượng cà phê năm 2000 đạt 26.165 tấn tăng 147,5% so với năm 1995. Thành phố đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, tỷ lệ lao động thiếu việc làm còn khoảng 3,74%. Thu nhập bình quân đầu người tăng 9%/năm. Số hộ khá và giàu ngày càng tăng, tỷ lệ hộ đói, nghèo giảm dần: xóa được 936 hộ đói, giảm 1.514 hộ nghèo. Đến cuối năm 2000 Thành phố còn 173 hộ đói; 1.340 hộ nghèo19.



Phát huy thành tích đạt được, Đảng bộ Thành phố tiến hành Đại hội lần thứ XI (nhiệm kỳ 2001-2005), xác định phương hướng, nhiệm vụ chung của Đảng bộ trong nhiệm kỳ là: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, thực hiện toàn diện sự nghiệp đổi mới, đầy mạnh CNH - HĐH. Chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp - nông thôn. Phát huy lợi thế, huy động tốt mọi nguồn nội lực, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài đầu tư cho phát triển. Bảo vệ môi trường, tạo thế tăng trưởng bền vững, gắn với tiến bộ công bằng xã hội. Nâng cao dân trí, sức khoẻ, đời sống của nhân dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc; thực hiện sâu rộng dân chủ ở cơ sở. Tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chăm lo xây dựng Đảng và cả hệ thống chính trị vững mạnh. Thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng thành phố giàu đẹp văn minh, kỷ cương, tạo động lực quan trọng góp phần vào sự phát triển chung của cả tỉnh. Phấn đấu đến năm 2005 thành phố Buôn Ma Thuột đạt được các tiêu chí kinh tế - xã hội của đô thị loại II.20

Năm 2004, theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ về chia tách tỉnh Đắk Lắk thành hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông; thành phố tiếp nhận thêm 3 xã Hoà Khánh, Hoà Phú, Hoà Xuân từ huyện Cư Jút thuộc tỉnh Đắk Nông. Lúc này thành phố có diện tích tự nhiên là 37.156 ha; với 13 phường, 8 xã.21 Dân số trung bình năm 2005 là 320.362 người, gồm 31 dân tộc anh em22. Tín đồ các tôn giáo có 124.120 người, chủ yếu của 4 tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Cao đài.

Trong 5 năm, thành phố đã có bước phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 11,38%. Cơ cấu kinh tế đến cuối năm 2005: công nghiệp - xây dựng chiếm: 32,11%; dịch vụ chiếm: 46,31%; nông - lâm nghiệp chiếm: 21,58%. GDP bình quân đầu người đạt 9,21 triệu đồng, hình thành các khu công nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Đến năm 2005, Đảng bộ thành phố có 58 tổ chức cơ sở Đảng, gồm 26 đảng bộ, 32 chi bộ cơ sở với trên 4.900 đảng viên. Trong 5 năm (2001–2005), Đảng bộ thành phố kết nạp được 958 đảng viên, so với nhiệm kỳ trước tăng 33,4%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy và Thành ủy đề ra.

Sau 10 năm phấn đấu xây dựng kể từ khi trở thành Thành phố, ngày 28/02/2005 Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận là đô thị loại II 23 và được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho cán bộ nhân dân thành phố vào dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột (1975–2005). Đó là những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước dành cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc thành phố. Vinh dự, tự hào, nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề của toàn Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Buôn Ma Thuột trong chặng đường tiếp theo nhằm xây dựng phát triển thành phố vững mạnh toàn diện, văn minh, hiện đại.

Ngày 27/11/2009, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 60 - KL/TW về việc “xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên (giai đoạn 2010–2020)”. Với sự phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, quân và dân thành phố Buôn Ma Thuột ngày 08/02/2010, thành phố Buôn Ma Thuột đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh 24.



Phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đại đoàn kết dân tộc, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hướng dẫn, giúp đỡ của các sở, ban, ngành của tỉnh; trong nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc thành phố đã nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII (2010-2015) Đảng bộ thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2020, đã được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố giai đoạn 2011-2013, bình quân tăng 14,5%, trong đó: Công nghiệp - Xây dựng: 14,3%; Dịch vụ: 17%. Nông - Lâm nghiệp: 2,02%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tiến bộ, tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế của Thành phố đến cuối năm 2013 là: Công nghiệp - Xây dựng chiếm 44,62%; Dịch vụ chiếm 48,58%; Nông - Lâm nghiệp chiếm 6,7%. GDP bình quân đầu người ước đạt: 45,2 triệu đồng/năm.

Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được Ban Thường vụ Thành ủy quan tâm chỉ đạo, tổ chức học tập nghiêm túc các chuyên đề về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; chỉ đạo tập thể và cá nhân đã xây dựng chương trình hành động, qua đó đã có sự chuyển biến trong khâu “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác; gắn kết chặt chẽ mục tiêu thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác với thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Năm 2012, Thành ủy đã tổ chức Hội nghị tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh25.

Hiện nay, tiếp tục triển khai Kế hoạch 26-KH/TU, về thực hành tiết kiệm để giúp đỡ các đảng viên có hoàn cảnh khó khăn đến tất cả cấp ủy chi bộ và cán bộ, đảng viên của thành phố. Gắn việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị với Nghị quyết TW 4, về một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay, Thành ủy đã tổ chức sinh hoạt kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong tập thể, cá nhân Ban Thường vụ Thành uỷ và tập thể, cá nhân của 76 TCCS đảng và cơ quan, đơn vị; tổ chức xây dựng, triển khai kế hoạch khắc phục, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực.

Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2010-2015, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Buôn Ma Thuột lần thứ XIII; Đảng bộ quân và các dân tộc thành phố tập trung phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

Phát triển kinh tế - xã hội thành phố gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010-2020. Phát triển kinh tế theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao, bền vững. Ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là vùng ngoại thành, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó:

Tốc độ tăng trưởng bình quân năm: 16-17%. Trong đó: Công nghiệp-Xây dựng: 18-19%, Dịch vụ: 16-17%, Nông - Lâm nghiệp: 2-3%. Thu ngân sách hàng năm tăng 20-22%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 dự kiến đạt trên 50 triệu đồng.

Giá trị sản xuất CN-TTCN 8.653 tỷ đồng tương ứng 4.154 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ: 26.468 tỷ đồng. Phát triển thêm một Cụm công nghiệp; xây dựng 01 đến 02 khu đô thị mới. Đến năm 2015, tất cả các trường học được kiên cố hóa. 100% tổ dân phố, thôn có nhà sinh hoạt.

Xây dựng các xã điểm về nông thôn mới theo tiêu chí Quốc gia (theo Quyết định số 491 ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ).



Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp còn dưới 2,5%, giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm 2% (theo chuẩn mới). Phấn đấu 85% trở lên số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, trên 90% cơ quan thuộc thành phố đạt tiêu chuẩn cơ quan văn hóa, 70% tổ dân phố, thôn, buôn đạt tiêu chuẩn văn hóa. Xây dựng 10 phường, xã đạt chuẩn văn hóa. 100% nhà văn hóa cộng đồng hoạt động có hiệu quả.

Huy động 100% trẻ em trong độ tuổi học mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở đến trường, duy trì vững chắc và nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Đến năm 2015, có trên 60% trường học đạt chuẩn quốc gia26, 100% giáo viên đạt chuẩn; xây dựng mới 550 phòng học.

Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đến năm 2015, lực lượng dân quân tự vệ đạt 1,2% so với dân số và nâng cao chất lượng, độ tin cậy, tỷ lệ đảng viên trong lực lượng DQTV đạt 26% trở lên, trong đó, dân quân đạt trên 17%, tổ chức diễn tập vận hành cơ chế theo Nghị quyết 28 cho 20-25% phường, xã và tổ chức diễn tập cấp thành phố.

Kiềm chế tội phạm, tai nạn giao thông và các tệ nạn xã hội. Tỷ lệ phá án đạt từ 75% trở lên. Chỉ đạo có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân

Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ cương xã hội.

Hàng năm, có từ 82-83% TCCSĐ đạt trong sạch, vững mạnh (Đảng bộ các phường, xã đạt 75% trở lên), không có cơ sở yếu kém. Tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ đạt 98% trở lên, trong đó hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 80%. 100% tổ dân phố, thôn, buôn có chi bộ Đảng. Phát triển đảng viên đạt bình quân hàng năm từ 4,5% trở lên so với tổng số đảng viên. Thực hiện kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. HĐND và UBND thành phố đạt vững mạnh; HĐND và UBND phường, xã đạt vững mạnh từ 80% trở lên; phấn đấu đến năm 2015: 100% cán bộ, công chức thành phố và phường, xã được đào tạo chuẩn về chuyên môn; 100% cán bộ lãnh đạo các phòng, ban và tương đương tốt nghiệp đại học và Cao cấp lý luận chính trị trở lên. Mặt trận và các đoàn thể thành phố đạt vững mạnh, 80% Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể phường, xã đạt vững mạnh.



Nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của Đảng bộ, làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, gắn với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh gắn với việc thực hiện Nghị quyết TW 4 về “Một số vấn đề cấp bách xây dựng đảng hiện nay”.

IV. NHỮNG NÉT VĂN HÓA, DI TÍCH LỊCH SỬ TIÊU BIỂU CỦA BUÔN MA THUỘT QUA 110 NĂM LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

1)Về văn hóa nhà dài của người Ê Đê.

Nhà dài truyền thống thường được xây dựng bằng vật liệu gỗtrenứa lợp mái tranh. Nhà có kết cấu cột kèo bằng gỗ tốt có sức chịu đựng dãi dầu cùng năm tháng. Các đà ngang, đòn dông luôn luôn bám nguyên tắc được đẽo hoàn toàn bằng tay, từ những cây gỗ nguyên vẹn dài có thể tới trên chục mét. Đặc điểm chính của nhà dài Ê Đê là thưòng rất dài vì là nơi ở chung có khi của cả một dòng họ và thường xuyên được nối dài thêm mỗi khi một thành viên nữ trong gia đình xây dựng gia thất; nếu đếm chúng ta có thể biết nhà đã có thêm bao nhiêu lần được nối dài. Vì vậy có những huyền thoại nhà dài như tiếng chiêng ngân bởi vì đứng ở đầu nhà đánh chiêng thì cuối nhà chỉ còn nghe rất nhỏ, ra khỏi là mất luôn, không còn nghe thấy gì nữa;

Những đặc trưng của nhà dài Ê Đê là: hình thức của thang, cột sàn và cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt. Nửa đằng cửa chính gọi là Gah là nơi tiếp khách, sinh hoạt chung của cả nhà dài là nơi chứa các vật dụng như bếp chủ, ghế khách, ghế chủ, ghế dài (Kpal) có thể dài tới 20m được đẽo từ những thân cây rừng nguyên vẹn kể cả chân, trên vách có treo cồng chiêng... nửa còn lại gọi là Ôk là bếp đặt chỗ nấu ăn chung và là chỗ ở của các đôi vợ chồng, chia đôi theo chiều dọc, phần về bên trái được coi là "trên" chia thành nhiều gian nhỏ. Phần về bên phải là hàng lang để đi lại, về phía cuối là nơi đặt bếp lửa... Nguyên bản trước đây bếp lửa của người Ê Đê thường được đặt trực tiếp trên sàn, họ đóng một khung vuông bằng gỗ cao khoảng 10 cm, đổ đất nện, sau đó đốt lửa trên đó cả ngày với mục đích giữ lửa và để chống muỗi và các loại côn trùng khác.

Mỗi đầu nhà có một sân sàn. Sân sàn ở phía cửa chính được gọi là sân khách. Muốn vào nhà phải qua sân sàn. Nhà càng khá giả thì sân khách càng rộng, khang trang. Cầu thang nhà của người Ê Đê luôn được đẽo bằng tay và thường được trang trí bằng hình hai nhũ hoa (trông thể hiện tín ngưỡng phồn thực rõ rệt của người Ê Đê) và hình trăng khuyết. Các cộtkèo thường đẽo gọt, trang trí bằng hình ảnh các con vật như voiba bakì đà... Cũng như cầu thang, các vật trang trí này luôn được đẽo bằng tay với cây rìu truyền thống.



2) Về văn hóa cồng chiêng của người Ê Đê.

Với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, cồng chiêng là báu vật,  thứ báu vật gắn chặt với lịch sử của cả một đời người. Tiếng chiêng như sợi dây tâm linh nối kết con người với các đấng siêu nhiên,  giúp con người bày tỏ niềm mong ước của bản thân cũng như của cộng đồng với thần linh. Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt ở sự đa dạng độc đáo bởi kỹ thuật diễn tấu mà còn là biểu tượng cho đời sống các tộc người; là nhân tố gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của cộng đồng.

 Cồng chiêng là nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ, được làm bằng đồng thau, hình tròn như chiếc nón quai thao, đường kính khoảng từ 20 cm đến 60 cm, ở giữa có hoặc không có núm. Người ta dùng dùi gỗ có quấn vải mềm (hoặc dùng tay) để đánh cồng, chiêng. Cồng, chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao.

Tiếng chiêng Ê Đê có âm thanh chắc, khỏe, dồn dập, ngân và vang xa. Trong những nhạc cụ cổ truyền của người Ê Đê cũng như các dân tộc khác trên dãy Trường Sơn - Tây Nguyên, dàn chiêng được đồng bào xem trọng hơn cả bởi tiếng chiêng gắn bó với đời sống con người từ khi chào đời cho đến khi về với tự nhiên. Mỗi bộ chiêng thường có 10 chiếc. Ba chiếc có núm gọi là Ching, giữ trách nhiệm là bè đệm cho hòa tấu. Bảy chiếc không có núm gọi là knă, đảm nhận phần giai điệu chính (trừ chiêng Char). Tiết tấu chiêng Ê Đê rất nhanh, dồn dập, sôi nổi như thác reo như gió thổi. Âm thanh dàn chiêng knă Ê Đê vang xa và mạnh mẽ. Lý do chính là bởi sự va đập, bồi âm từ 9 chiếc chiêng cùng một lúc tấu lên; bởi dùi đánh chiêng được làm bằng chất liệu gỗ cứng, hoặc tre đực, gõ thẳng vào mặt phẳng của những chiêng bằng.

Ngoài ra, người Ê Đê sáng chế ra một loại chiêng riêng cho mình từ ống tre, ống nứa của núi rừng. Bộ chiêng tre (ching kram) trở thành nhạc cụ độc đáo trong đời sống văn hóa nghệ thuật của người Ê Đê. Bộ ching kram thường là 5, 7 hay 9 chiếc hợp lại tạo thành một dàn chiêng, có khi lên đến 20 chiếc. Mỗi dàn chiêng tre là một dàn hợp xướng âm thanh với các âm sắc, giai điệu của từng cá thể chiêng tương ứng.

3) Về văn hóa luật tục

Trong mỗi buôn làng của người Ê Đê đều có luật tục riêng. Luật tục là công cụ quản lý cộng đồng của chế độ mẫu hệ. Do đó, mỗi dòng tộc của người Ê Đê đều có Pô Phát Di (người xử kiện) riêng của dòng tộc mình. Họ thường là Dăm Đei (ông cậu trong gia đình đó). Pô Phát Di là người am hiểu phong tục truyền thống, thông thuộc những câu Duê Kđi (lời nói văn) của ông bà để lại, có phẩm chất tư cách tốt, đối đáp giỏi và có kinh nghiệm qua nhiều lần phân xử.

Trong mỗi vụ kiện thường có hai Pô Phát Kđi, hai Dăm Dei của hai gia đình và những người liên can trực tiếp. Những vụ xử ly hôn, trọng tội thường do Pô Pin Ea (chủ bến nước-chủ buôn) chủ trì. Nghi thức đầu tiên của mỗi vụ xử là hai bên sẽ đặt lên chiếu hai chiếc vòng đồng tượng trưng cho quyền lực mẫu hệ của hai gia đình. Khi vụ xử kiện kết thúc, cả hai bên đều chấp nhận ý kiến xử phạt của Pô Phát Kđi thì cả hai bên liên can cầm vào hai chiếc vòng đồng thể hiện sự đoàn kết để lần sau không tái phạm nữa.

Người Ê Đê cho rằng trong luật tục có 5 điều then chốt, đó là:

- Vợ chồng không được bỏ nhau.

- Tục nối nòi phải được gìn giữ trong gia đình dòng họ.

- Chủ buôn phải tận tâm chăm lo cho dân buôn.

- Dân buôn phải nghe theo lời chủ buôn.

- Vai trò trách nhiệm của chủ bến nước và chủ đất.

Năm điều luật trên được tượng trưng bằng cây thần Smuth, kẻ nào bất tuân hai điều coi như đã cắt đứt rễ cây, không tuân theo 2 điều kế (3-4) là chặt cành cây, phủ nhận 5 điều là chặt cả cây. Vi phạm 5 điều trên coi như phản bội tổ tiên, chống lại thần linh và bị xử phạt nghiêm khắc. Nhìn chung, bộ luật tục của người Ê Đê là một hình thức quản lý xã hội bằng mẫu hệ , nó thể hiện uy tín, sức mạnh, quyền lực của mẫu hệ trong điều hành và tổ chức, quan hệ quản lý cộng đồng, nhằm bảo vệ sự sống còn của gia đình mẫu hệ.



4) Về văn hóa lễ hội.

Thời tiết ở Tây Nguyên nói chung, Buôn Ma Thuột nói riêng đều chia thành hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11 dương lịch, mùa khô từ tháng 12 đến đầu tháng 4 năm sau. Lao động sản xuất của đồng bào nơi đây chỉ tập trung vào mùa mưa. Sau đó là đến vụ nông nhàn, người lao động nghỉ ngơi bước vào “mùa ăn nằm, uống tháng”. Mọi nghi lễ, lễ hội liên quan đều tập trung vào mùa khô, kéo dài từ khi gặt lúa sớm (cúng hồn lúa, mừng cơm mới) cho đến tận mùa dọn rẫy tháng 4 năm sau. Lúc này, lúa bắp đã chất đầy kho, cái no, cái đủ dư thừa đã thấy rõ, đây là lúc nghỉ ngơi vui chơi gặp gỡ, cảm tạ trời đất, giao đãi bạn bè, báo hiếu cha mẹ và đón mừng một năm mới. Do đó, lễ cúng cũng đông như hội, trở thành mùa nghi lễ, lễ hội của mọi gia đình, buôn làng và cả vùng. Thông thường, đồng bào Ê Đê có 2 hệ thống lễ hội: Lễ hội vòng đời người và lễ hội vòng cây cối (còn gọi là các lễ nghi nông nghiệp).

Lễ hội vòng đời người gồm có: Lễ cúng người mẹ mang thai, lễ cúng khi sinh con, lễ đặt tên thỏi tai cho trẻ sơ sinh, lễ cúng sức khỏe khi đứa trẻ lên 5 lên 7, lễ cúng trưởng thành, lễ hỏi, lễ cưới, lễ cúng sức khỏe cho người già, lễ cúng vào nhà mới, lễ rước Kpan, lễ tang, lễ bỏ mả.

Lễ hội vòng cây cối gồm có: Lễ phát rẫy, lễ gieo hạt, lễ vun gốc, lễ cầu mưa, lễ cầu được mùa, lễ cơm mới, lễ cúng bến nước, lễ cúng thần lúa…

Tất cả mọi nghi lễ, lễ hội trong gia đình, dòng họ thì người phụ nữ (người chủ gia đình) là người được thầy cúng mời uống rượu đầu tiên (gọi là khai rượu) sau đó đến Dăm Dei, chồng và các con. Nhìn chung trong lễ hội của người Ê Đê, ngoài yếu tố tâm linh thì yếu tố mẫu hệ được thể hiện rõ nét nhất là cách tổ chức lễ, nội dung tín ngưỡng thờ thần, nó chính là sức mạnh của mẫu hệ trong cộng đồng người Ê Đê truyền thống.

5) Về văn hóa sử thi

Sử thi Tây Nguyên là kho tàng đồ sộ, biên niên sử về quá trình hình thành, phát triển kinh tế xã hội và cuộc sống cộng đồng dân cư các tộc người trên dãy Trường Sơn. Trong các tác phẩm sử thi có sự hình thành trời đất, con người mang yếu tố thần thoại, cũng như quá trình hình thành và phát triển của lịch sử xã hội, phản ánh phong tục, tập quán của các tộc người ở Tây Nguyên, tạo nên một bức tranh toàn cảnh sinh động, là lời tự thuật của mỗi tộc người về chính mình, như: “Đam San”, “Khinh Du”, “H’Bia Jâo”, “Đam Di đi săn”... của người Ê Đê; “Gyông nghèo tám vợ”, “Dăm Noi”, “Xing Chion”, “Xing Chơ Nhiếp”... của người Ba Na; “Xinh Nhã”, “Dăm Phu”, “H’Bia Drang” của người Ja Rai; hệ thống những sử thi của người M’nông như: “Mùa rẫy bon Tiăng”, “Cây nêu thần”…

Sử thi tồn tại dưới dạng truyền miệng và văn bản, nhưng phần lớn đều có nguồn gốc dân gian, có tác phẩm chỉ kể trong 1-2 đêm, nhưng cũng có tác phẩm phải kể kéo dài tới 4-5 ngày, đêm tùy theo trí tưởng tượng, trạng thái thăng hoa của người kể. Sử thi được truyền tải đến người nghe thông qua hình thức hát, kể, diễn xướng của nghệ nhân. Nghệ nhân kể, hát sử thi được coi là "báu vật sống" của dân tộc, họ là nghệ sỹ tổng hợp, là người sáng tạo tác phẩm, đạo diễn các tình huống, họ cũng là diễn viên tài năng, có thể diễn giọng nữ, giọng nam, giọng con quỷ, giọng thần tiên... đồng thời là người bình luận tính cách hay diễn biến câu chuyện... Ngày nay, tuy chịu ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường và nền văn hóa hiện đại nhưng ở các buôn làng người Ê Đê vẫn còn giữ được nét văn hóa đặc sắc của mình.

Ngoài ra, văn hóa của người Ê Đê còn nhiều nét đặc trưng khác như: chế độ xã hội, quan hệ dòng họ, buôn làng; văn hóa ẩm thực, giao tiếp… tạo nên bức tranh sinh động của văn hóa tộc người thuộc hệ ngôn ngữ Nam Đảo (Malayo-Polynedi) còn tồn tại và phát triển lâu bền trong cộng đồng người Ê Đê tại Buôn Mê Thuột. Nét văn hóa đặc trưng của người dân Buôn Ma Thuột hôm nay được xây dựng trên tổng hòa các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại. Nâng cao phẩm chất trí tuệ, tài năng, tâm hồn, tình cảm, lý tưởng và hành động mang bản sắc Tây Nguyên.



6/ Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Nhà đày Buôn Ma Thuột toạ lạc tại số 18, đường Tán Thuật, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, là một địa chỉ đỏ trong việc gìn giữ, phát huy truyền thống của cha ông.

Ngay từ năm 1900, khi chuyển tỉnh lỵ từ Buôn Đôn về Buôn Ma Thuột, thực dân Pháp cũng đồng thời xây dựng một trại giam ở bên cạnh thị xã để giam giữ những người chống lại sự xâm lược và “bình định” của chúng. Dần dần về sau chúng tiếp nhận tù chính trị từ các nơi khác đến và biến nơi đây thành một nơi giam cầm đày ải các chiến sĩ cách mạng bị bắt trong các phong trào cách mạng ở trong nước. Từ năm 1932 thực dân Pháp xây cất thêm và mở rộng trại giam. Đến năm 1936, chúng bỏ nhà tù Lao Bảo và chuyển số tù nhân còn sống sót ở đó đến Buôn Ma Thuột. Nhà đày Buôn Ma Thuột từ đó trở thành một nhà tù lớn của Pháp ở Đông Dương.

Nhà đày Buôn Ma Thuột xây dựng trên diện tích gần 2 hecta, với 4 bức tường bao quanh cao 4m dầy 40cm, 4 góc đều có vọng gác và có lính canh 24/24 giờ. Phía trong có 6 dãy lao tập thể giam giữ tù nhân, bên cạnh cổng chính ở phía Nam là dãy xà lim giam giữ tù chính trị thực dân Pháp cho là nguy hiểm. Ngoài ra còn có nhà xưởng, bàn giấy, nhà kho và bếp ăn. Đây là kiểu bố trí nhà tù truyền thống của thực dân Pháp. Cách bố trí Nhà đày khép kín vừa tận dụng được mặt bằng, vừa giám sát tù nhân một cách hiệu quả nhất. Trong quá trình xây dựng, Nhà đày có thay đổi chút ít so với bản thiết kế ban đầu. Lúc đầu Nhà đày chưa được làm kiên cố: khung nhà bằng gỗ, tường làm bằng cốt tre đắp đất trộn rơm, lớp vỏ ngoài trát bằng xi măng mỏng, mái lợp lá. Tuy nhiên, do số lượng tù nhân chuyển lên ngày càng nhiều, khâm sứ trung kỳ Sa-ten phản đối việc dùng thanh tre để làm nhà và tường đất cốt tre để xây dựng nhà giam. Y cho rằng những vật liệu đó không thích hợp với một nhà tù nói chung và càng không thích hợp với một nhà đày kiên cố. Đến cuối tháng 11/1931, việc xây dựng kiên cố nhà đày đã hoàn thành. Các nhà giam đều được xây tường gạch, mái lợp ngói. Về sau, khi số tù nhân tăng cao, đã có một số tù nhân tổ chức vượt ngục thì nhà tù được gia cố chắc chắn thêm.

Sau cách mạng tháng Tám, thực dân Pháp vẫn không từ bỏ ý định xâm lược nước ta, chúng tiếp tục sử dụng lại nhà đày Buôn Ma Thuột để phục vụ cho cuộc xâm lược. Năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp. Mỹ nhảy vào thế chân Pháp âm mưu thôn tính nước ta để bành trướng thế lực, ngăn chặn các phong trào cách mạng, phá hoại công cuộc xây dựng XHCN ở nước ta cũng như trên phạm vi thế giới. Với âm mưu, thủ đoạn mới, phương tiện hiện đại, chính sách xâm lược của Mỹ cũng tinh vi và thâm độc hơn, nhà đày Buôn Ma Thuột tiếp tục được sử dụng và có một số thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Chúng đã có một số thay đổi như: xây thêm một bức tường ngăn đôi Nhà đày, một bên làm trung tâm cải huấn và một bên làm kho quân nhu và mở hai cổng mới ở phía Tây của nhà đày, đồng thời chúng còn xây thêm nhà Quốc thái dân an, nhà Nguyện, phòng biệt giam, nhà lao nữ…

Nhà đày Buôn Ma Thuột được nhiều người biết đến không phải vì kết cấu kiến trúc, không phải vì đòn roi tra tấn tàn bạo của kẻ thù mà là ở phong trào đấu tranh anh dũng của các thế hệ tù nhân chính trị nơi đây. Nhà đày là nơi giam giữ nhiều chiến sỹ yêu nước, là môi trường rèn luyện cho biết bao thế hệ cách mạng. Nhiều người về sau đảm nhận những vị trí quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quân đội như các đồng chí Võ Chí Công, Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu… Nhà đày Buôn Ma Thuột là một trong những nơi ươm mầm cho hạt giống cách mạng ở Đăk Lăk. Tại nhà đày, vào cuối năm 1940, một tổ chức bí mật có tên là “lực lượng trung kiên” được thành lập. Đây thực chất là một chi bộ Cộng sản trong nhà đày. Tiêu chuẩn cơ bản số 1 của tổ chức là phải thực hiện đúng Điều lệ Đảng Cộng sản, tự nguyện suốt đời hy sinh cho Chủ nghĩa Cộng sản. Đường lối, chủ trương của Đảng được quán triệt, truyền bá, lan toả đến nhiều nơi khác trong tỉnh, là tiền đề cho những thắng lợi về sau. Vượt lên trên tất cả sự tàn bạo, dã man của kẻ thù là tinh thần đấu tranh bền bỉ, kiên trung của những người tù Cộng sản. Những năm tháng đấu tranh oanh liệt tại Nhà đày Buôn Ma Thuột đã viết thành một bản anh hùng ca về chủ nghĩa yêu nước, ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc, bảo vệ nền độc lập nước nhà, là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc Đăk Lăk nói riêng và của cả nước nói chung.

Qua các lần trùng tu, hiện nay Nhà đày Buôn Ma Thuột thường xuyên mở cửa đón khách tham quan các cụm trưng bày hình ảnh, hiện vật nhằm phần nào tái hiện lại một cách chân thực, sống động những năm tháng khốc liệt, hào hùng của những chiến sỹ cách mạng ở nơi đây.

7/ Đình Lạc Giao.

Đình Lạc Giao nằm trong địa phận phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, với diện tích 700m2, phía Nam giáp đường Y Jút, phía Tây và phía Bắc giáp chợ Buôn Ma Thuột, phía Đông giáp đường Phan Bội Châu. Đình Lạc Giao là di tích lịch sử về công cuộc khai khẩn đất đai của những người Kinh đầu tiên trên Cao Nguyên Đăk Lăk, là nơi thờ thần hoàng và những người có công với nước, là nơi cầu mong sức khỏe và làm ăn phát đạt. 

Đình được xây dựng vào năm 1928, bằng tranh tre theo tập tục của người Kinh xa quê hương đến lập nghiệp ở vùng đất mới. Theo lời các bô lão làng Lạc Giao, năm 1932 ngôi đình được xây dựng lại bằng gạch lợp ngói theo hình chữ môn, kiểu kiến trúc lòng thuyền trí trụ, hồi văn, mái bồ câu, trên y môn khắc chạm tứ linh, tứ quý, bờ nóc đấp lưỡng long hàm thực, mái trung đắp cách điệu lưỡng áng vân vọng nguyệt, gốc mái hiên hồi đắp áng vân cách điệu. Hậu đình thờ tự Thần Hoàng và những người có công với nước, hai nhà tả và nhà hữu hai bên dùng làm nơi hội họp mỗi khi tế lễ, phía trước có cổng tam quan đi vào, sau cổng là bức bình phong có chạm khắc hổ phù, sau nữa là một lư hương lớn.

Vào năm 1932, vua Bảo Đại cũng ra chiếu sắc phong cho Thần Hoàng của Đình là Đào Duy Từ một đại thần của nhà Nguyễn chưa một lần đặt chân tới Cao Nguyên. Việc vua Bảo Đại sắc phong cho ông là Thành Hoàng của Đình Lạc Giao là muốn ghi ơn người có công khai khẩn đất hoang mở mang bờ cõi, mong ông phù hộ cho những người dân miền Trung lên lập nghiệp trên quê mới. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, điều này thể hiện sự tranh giành ảnh hưởng của triều đình phong kiến Việt Nam đối với chế độ tự trị Tây Nguyên của thực dân Pháp, khẳng định đây là đất của “Hoàng Triều cương thổ”.

Ngày nay, theo lời kể dân gian và tài liệu của đình Lạc Giao, tên gọi Lạc Giao chính là lời nguyền giao ước an cư lập nghiệp của đồng bào Kinh với đồng bào tại chỗ cùng chung lưng đấu cật để xây dựng vùng đất mới này. Ngoài ra, Đình Lạc Giao còn là nơi lưu giữ truyền thống cách mạng của đồng bào các dân tộc tỉnh Đăk Lăk. Trong thời kỳ chống thực dân Pháp, khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đình Lạc Giao là nơi ra mắt chính quyền Cách mạng thị xã Buôn Ma Thuột. Ngày 01/12/1945 (tức ngày 27/10 năm Ất Dậu) tại địa điểm Nhà thông tin triển lãm tỉnh hiện nay, thực dân Pháp bất ngờ tấn công vào một trung đội Nam tiến Lê Trung Đình, giết chết hơn 100 chiến sĩ. Cùng thời gian này tại trụ đèn ba ngọn (Ngã Sáu ngày nay) giặc Pháp giết hại một số đồng bào ta.

Hàng năm, cứ đến ngày 27/10 âm lịch, nhân dân Buôn Ma Thuột lại tổ chức ngày tưởng niệm những chiến sĩ tử trận và đồng bào tử nạn tại Đình Lạc Giao một cách hết sức trang trọng. Mùa xuân năm 1975, Buôn Ma Thuột hoàn toàn giải phóng, tại Đình Lạc Giao, Ủy ban Quân quản thị xã làm lễ ra mắt tuyên bố chính quyền cách mạng về tay nhân dân.

Ngày 02/3/1990, Bộ Văn Hóa Thông Tin (Bộ Văn Hóa cũ) ra quyết định số 168 VH/QĐ công nhận đình Lạc Giao là di tích lịch sử. Ngày 31/8/1990, Tỉnh Ủy, Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh, Sở VHTT và bà con làng Lạc Giao đã tổ chức long trọng lễ đón nhận quyết định này. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trồng cây đa lưu niệm ngay tại sân đình.



8/ Biệt Điện Bảo Đại.

Là một di tích lịch sử nằm tại số 4 đường Nguyễn Du, thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk. Đây là một khu nhà có kiến trúc và phong cảnh thiên nhiên đẹp mang dáng dấp của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Ngôi nhà trước đây vốn là một nhà sàn là nơi ở của Sabatier - Công sứ của chính phủ Pháp tại Tây Nguyên. Sau đó khu nhà được xây dựng lại cho vua Bảo Đại ở, nên bây giờ còn có tên gọi là Biệt Điện Bảo Đại.

        Nhà ở của Công sứ Pháp này được xây dựng lại vào năm 1940, với khuôn viên cơ bản như hiện nay. Khuôn viên di tích rộng gần 7ha, có nhiều cây cổ thụ hơn 100 tuổi. Tòa nhà được xây dựng lại như hiện tại với kiến trúc rất đẹp mang đậm dấu ấn phong cách nhà dài truyền thống của người dân tộc Ê Đê bản địa, mái ngói, sàn gỗ. Xung quanh có cả một rừng cây cổ thụ bao bọc, rất đa dạng về chủng loại. Từ cổng vào là 02 cây Long não ở hai phía bên trong cổng, mỗi cây có chu vi gốc khoảng 8m, tán xòe lá rộng có dáng rất đẹp và hiếm thấy tạo nên khung cảnh trang nghiêm.

           Ngày 15 tháng 4 năm 1950 Bảo Đại ban hành Dụ số 6 đặt Cao nguyên Trung phần, trong đó có Đăk Lăk, làm Hoàng triều Cương thổ, có quy chế cai trị riêng. Khi đó ngôi nhà của Công sứ Pháp được giao lại cho chính phủ Quốc gia Việt Nam và ngôi nhà đã trở thành nơi ở cho vị vua cuối cùng này. Sau khi chính phủ của cựu hoàng Bảo Đại sụp đổ toà nhà được sử dụng làm nhà nghỉ cho các tướng tá chính quyền Việt Nam Cộng hòa mỗi khi công cán tại Đắk Lắk.

Sau năm 1975 toà nhà được dùng làm nhà khách tỉnh Đắk Lắk trong một thời gian dài, đến năm 1999 ngôi nhà được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia; sau tạm thời chuyển thành khu Bảo tàng các dân tộc Việt Nam tại Đắk Lắk. Ở đây trưng bày rất nhiều hiện vật có giá trị về văn hoá của hơn 44 dân tộc anh em đang quần cư sinh sống tại Đắk Lắk, trong đó không gian văn hóa cồng chiêng và các vấn đề liên quan đến bản sắc văn hóa dân tộc tại chỗ được thể hiện rõ nét.

Hiện nay, Biệt Điện Bảo Đại là nơi thường tổ chức những sự kiện văn hóa của Tỉnh. Năm 2007, để phát huy và tôn vinh văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, một loại hình văn hóa độc đáo của Việt Nam đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và Biệt điện Bảo Đại lần thứ hai vinh dự được chọn làm địa điểm tổ chức chính thức cho Lễ hội này. Đến Đắk Lắk, du khách nào cũng muốn một lần được đến Biệt điện để nhìn rõ một quá trình lịch sử lâu dài và oai hùng của người Buôn Ma Thuột, được chiêm ngưỡng cây Long não cổ thụ từ năm 1904 như được trò chuyện với nhân chứng lịch sử cuối cùng này.

*

Với tầm vóc 110 năm tuổi, Buôn Ma Thuột - mảnh đất cao nguyên anh hùng đầy huyền thoại đang vươn mình trỗi dậy, luôn xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng của tỉnh Đắk Lắk. Kỷ niệm 110 năm lịch sử hình thành và phát triển Buôn Ma Thuột anh hùng là dịp để cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Đắk Lắk nói chung, Buôn Ma Thuột nói riêng có quyền tự hào, phấn khởi trước sự phát triển, đi lên toàn diện của Thành phố; cùng chung tay, góp sức, tiếp tục phấn đấu xây dựng Thành phố sớm trở thành trung tâm đô thị vùng Tây Nguyên, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Đảng, Chính phủ và đồng bào cả nước./.


Каталог: images -> FileKem -> TinTuc
images -> BÀi thuyết trình cách xáC ĐỊnh và chế ĐỘ pháp lý CỦa các vùng biển theo công ưỚc của liên hiệp quốc về luật biển năM 19821
images -> Céng hßa x· héi chñ nghÜa viÖt nam Độc lập tự do hạnh phúc
images -> Lúa gạo Việt Nam Giới thiệu
images -> Trung Tâm kt tc-đl-cl
images -> Số: 105/2008/QĐ-ttg CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
images -> ChuyêN ĐỀ ĐẠi số TỔ HỢP, XÁc suất kiến thức cơ bản Đại số tổ hợp
images -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo trưỜng đẠi học luật tp. HỒ chí minh dưƠng kim thế nguyên thủ TỤc phá SẢn các tổ chức tín dụng theo pháp luật việt nam
images -> Review of Condor, Sun Grid Engine and pbs
TinTuc -> BỘ CÂu hỏi trắc nghiệm hội thi thủ LĨnh thanh niên tài năng năM 2013

tải về 231.02 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương