ĐỀ CƯƠng tuyên truyền kỷ niệm năM ĐOÀn kết hữu nghị việt nam – LÀO 2012


III. HỢP TÁC TOÀN DIỆN VIỆT NAM - LÀO (1976 - 2007)



tải về 188.99 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích188.99 Kb.
#35408
1   2   3

III. HỢP TÁC TOÀN DIỆN VIỆT NAM - LÀO (1976 - 2007)

1. HỢP TÁC TOÀN DIỆN VIỆT NAM - LÀO GIAI ĐOẠN 1976 - 1985

Sau năm 1975, quan hệ Việt Nam và Lào bước sang một trang hoàn toàn mới: từ liên minh chiến đấu chung một chiến hào sang hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia có độc lập chủ quyền. Tuy nhiên, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hai nước Việt Nam và Lào đều phải ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh kéo dài 30 năm, đặc biệt là hậu quả thống trị của chủ nghĩa thực dân mới. Nền kinh tế của Việt Nam và Lào về cơ bản còn hết sức lạc hậu và phụ thuộc nặng nề vào nước ngoài. Điểm xuất phát của hai nước đều từ nền kinh tế nông nghiệp có trình độ canh tác, năng suất và sản lượng rất thấp; tư duy lãnh đạo kinh tế còn mang nặng tính tập trung bao cấp từ thời chiến...Trong khi đó, các thế lực thù địch trong nước và bên ngoài câu kết, tìm cách chia rẽ Lào với Việt Nam, Việt Nam với Lào gây khó khăn, trở ngại không nhỏ cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào.

Đây là thời kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã trở thành Đảng cầm quyền ở mỗi nước; do vậy, cả hai nước càng có điều kiện phát huy truyền thống tốt đẹp đã từng gắn bó keo sơn trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, xây dựng và tăng cường quan hệ liên minh, liên kết và hợp tác toàn diện về chính trị, quốc phòng an ninh, kinh tế, văn hoá, giáo dục… Đây chính là đặc điểm quan trọng nhất, dẫn tới sự thay đổi về chất trong nội dung, phương thức và các nguyên tắc quan hệ giữa hai quốc gia dân tộc, nâng quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước lên tầm cao mới.

Năm 1976, ngay sau thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Lào và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận quan trọng trong vòng hai tháng rút toàn bộ quân đội và chuyên gia Việt Nam về nước và bắt đầu xúc tiến việc hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước. Ngày 30-4-1976, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết Về tăng cường giúp đỡ và hợp tác với cách mạng Lào trong giai đoạn mới, xác định: việc tăng cường đoàn kết, giúp đỡ, hợp tác đối với Lào là một trong những nhiệm vụ quốc tế hàng đầu của Đảng và nhân dân Việt Nam, cũng là vì lợi ích thiết thân của cách mạng Việt Nam.

Từ ngày 15 đến ngày 18-7-1977, Đoàn đại biểu cao cấp Đảng và Chính phủ Việt Nam do Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm hữu nghị chính thức Lào. Hai bên đã trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế quan trọng mà hai bên cùng quan tâm, cũng như các vấn đề nhằm phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước, trên cơ sở đáp ứng nguyện vọng thiết tha và lợi ích sống còn của hai dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày 18 tháng 7 năm 1977 , hai nước chính thức ký kết các Hiệp ước: Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; và ra Tuyên bố chung tăng cường sự tin cậy và hợp tác lâu dài giữa hai nước.

Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào là Hiệp ước toàn diện, mang tính chiến lược lâu dài, tạo cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng để củng cố và tăng cường lâu dài tình đoàn kết, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Đây là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ giữa hai nước.

Thành quả mươi năm hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam rất to lớn:

- Hợp tác trong lĩnh vực chính trị và đối ngoại:

Mối quan hệ hợp tác về chính trị trong giai đoạn này tập trung vào nỗ lực của hai nước trong việc hiện thực hóa mục tiêu cùng lựa chọn: tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa mà chưa có tiền tệ lịch sử.

Lào tự chủ giải quyết những vấn đề của Lào để ổn định và phát triển như: giữ vững chủ quyền lãnh thổ, duy trì an ninh nội địa, bảo vệ chế độ mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, tranh thủ viện trợ nước ngoài, v.v. . .

Về phía Việt Nam, luôn nhận thức sâu sắc mối quan hệ tương hỗ của cách mạng hai nước trong giai đoạn mới: “Lào có ổn định thì Việt Nam mới ổn định và ngược lại”. Vì vậy, Việt Nam đã cố gắng đáp ứng các yêu cầu chi viện và hợp tác với Lào một cách toàn diện, theo tinh thần vô tư “không tính thiệt hơn”.



Việc giải quyết thành công vấn đề biên giới giữa hai nước là một thành tựu nổi bật của hợp tác chính trị trong giai đoạn này. Sau 8 năm tiến hành, đến ngày 24 tháng 1 năm 1986, việc phân vạch và cắm mốc trên thực địa toàn tuyến biên giới Việt - Lào dài 2.340km khi đã hoàn thành.

Trong hai ngày 22 và 23-2-1983 , Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương diễn ra tại Thủ đô Viêng Chăn. Hội nghị đã nhất trí đề ra 4 nguyên tắc chỉ đạo mối quan hệ giữa ba nước, trong đó nhấn mạnh quan hệ giữa ba nước sẽ được giải quyết bằng thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Tiếp đó, tại Tuyên bố chung Việt Nam - Lào vào năm 1985, một lần nữa khẳng định quyết tâm của hai bên củng cố hơn nữa tình hữu nghị vĩ đại và tình đoàn kết chiến đấu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo cách mạng hai nước đã dày công vun đắp; tăng cường sự hợp tác toàn diện, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật; tích cực thực hiện các thỏa thuận giữa hai nước và những thỏa thuận của Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương.

- Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh

Do tình hình phức tạp trong nước và khu vực, trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ của Lào, tháng 12 năm 1976, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào ra quyết nghị: tiếp tục đề nghị Việt Nam đưa lực lượng quân đội sang hỗ trợ quân đội Lào nhằm ổn định tình hình, ngăn ngừa các nguy cơ chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước. Trung tuần tháng 9 năm 1977, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào sang thăm và làm việc với Bộ Quốc phòng Việt Nam, hai bên đã ký Hiệp ước phòng thủ ngày 22 tháng 9 năm 1977.

Trên lĩnh vực hợp tác an ninh, Bộ Nội vụ Lào đã ký Hiệp định hợp tác toàn diện với Bộ Nội vụ Việt Nam, nội dung cho phép lực lượng an ninh của hai nước, ở cả Trung ương và các địa phương quan hệ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, trao đổi các đoàn đại biểu, các đoàn cán bộ lão thành...

- Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật

Quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa hai nước dần thay đổi: từ viện trợ không hoàn lại và cho vay là chủ yếu sang giảm dần viện trợ và cho vay, bước đầu đẩy mạnh hợp tác sản xuất kinh doanh bình đẳng cùng có lợi. Thời gian này, Lào đề ra công thức hợp tác: Tài nguyên Lào, lao động kỹ thuật Việt Nam, vốn hợp tác hoặc vay của nước thứ ba. Trong hợp tác đã chuyển dần từ hợp tác từng vụ việc theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước Lào sang hợp tác theo chương trình, kế hoạch được ký kết giữa hai Chính phủ.



Quan hệ hợp tác thương mại: Từ 1976-1981, trao đổi hàng hoá chính ngạch được bắt đầu theo phương thức bao cấp bằng ngân sách nhà nước mỗi bên. Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào 5 năm (1981-1985) được ký kết, kèm theo nghị định thư thương mại hàng năm, đã tạo hành lang pháp lý cho việc trao đổi buôn bán giữa hai nước . . .

Trong lĩnh vực hợp tác văn hóa: Hàng năm, hai bên thường xuyên lập kế hoạch giao lưu văn hoá nghệ thuật dưới các hình thức: trao đổi đoàn biểu diễn, tổ chức sáng tác mỹ thuật, tìm hiểu về chủ đề đất nước và con người, hợp tác xuất bản, in và phát hành sách báo, văn hoá phẩm, phim ảnh. Phối hợp tuyên truyền về mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào, Lào - Việt, tổ chức kỷ niệm những ngày lễ lớn ...

Hợp tác giáo dục và đào tạo: Hàng năm, Bộ Giáo dục hai nước đều ký kết các văn bản hợp tác và Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục của ba nước Lào, Campuchia, Việt Nam được tổ chức lần lượt tại Hà Nội và Viêng Chăn. Hàng loạt hệ thống trường lớp ở Lào với sự giúp đỡ của Việt Nam đã được xây dựng. Lưu học sinh Lào có mặt ở 36 trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn tiếp tục đào tạo một số học sinh phổ thông cho Lào. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ lý luận chính trị của Đảng được coi là một nhiệm vụ chiến lược cơ bản thường xuyên của Đảng, Nhà nước của cả hai nước. Việt Nam cử nhiều chuyên gia đầu ngành, có kinh nghiệm sang Lào xây dựng chương trình giảng dạy cho Trường Đảng cao cấp của Đảng và Nhà nước Lào.

- Hợp tác giữa các địa phương và ngoại giao nhân dân

Đi đôi với mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, còn có mối quan hệ kết nghĩa giữa toàn bộ các tỉnh có chung đường biên giới cũng như các tỉnh không có chung biên giới giữa hai nước với nhau. Các địa phương đã phối hợp chặt chẽ về trao đổi đoàn tham quan, cùng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cũng như cùng tháo gỡ những khó khăn giữa hai nước. Các Hội hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Lào đã có nhiều đóng góp đáng kể trong vai trò làm cầu nối quan trọng trong việc giữ gìn và phát triển quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Với những thành tựu to lớn đạt được sau chặng đường 10 năm (1976 -1985) thế và lực của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ngày càng được củng cố vững chắc. Đây cũng chính là cơ sở vững chắc để quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào- Việt Nam không ngừng được củng cố và tăng cường trong giai đoạn đổi mới tiếp theo.

2. CỦNG CỐ VÀ TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC TOÀN DIỆN VIỆT NAM - LÀO GIAI ĐOẠN 1986 - 2007

Ngày 3-7-1987, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ thị: “Trên cơ sở quán triệt đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, các Nghị quyết 10 và 11 của Bộ Chính trị về tăng cường đoàn kết, hợp tác toàn diện với Lào và Campuchia và nội dung thỏa thuận trong các cuộc hội đàm lần này, các bộ ban ngành và các tỉnh trực tiếp làm nhiệm vụ hợp tác với bạn cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm, kiên quyết xử lý và có biện pháp chấm dứt các hiện tượng tiêu cực, các quan điểm, nhận thức và hành động sai trái gây phương hại cho quan hệ đặc biệt giữa ta với Lào”

Về phía Lào, Ban Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào cũng khẳng định: “Xuất phát từ truyền thống lịch sử và tình hình, nhiệm vụ chiến lược của cách mạng ba nước, sự tăng cường liên minh hợp tác toàn diện giữa ba Đảng, ba nước Lào - Việt Nam - Campuchia mới trở thành nhiệm vụ chiến lược số một, là nguyên tắc cách mạng bất di bất dịch của mỗi nước, là vấn đề sống còn của mỗi nước”. Đặc biệt, Chỉ thị của Ban Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào ghi rõ: “hai bên nhất trí phải tăng cường giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ quan hệ đoàn kết sống còn và lâu dài, quán triệt quan điểm, phương châm nguyên tắc của mối quan hệ trong giai đoạn cách mạng mới, uốn nắn tư tưởng và tác phong làm việc mới, tránh những bảo thủ, chủ quan, chống mọi hiện tượng lơ là mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi”.

Từ khi hai nước tiến hành đổi mới vào năm 1986, quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam tiếp tục được củng cố, tăng cường và đạt những thành tựu rất lớn lao.

- Hợp tác trong lĩnh vực chính trị và đối ngoại

Từ năm 1988, cuộc gặp hàng năm giữa hai Bộ Chính trị đã trở thành một cơ chế hoạt động chính thức giữa hai Đảng và hai Nhà nước.

Một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam là chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh dẫn đầu từ ngày 2 đến ngày 4 - 7 - 1989. Đây là chuyến thăm Lào chính thức đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam từ sau Đại hội IV Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Hai bên thống nhất với nhau nhiều vấn đề quan trọng trong việc đổi mới phương thức hợp tác giữa hai nước và giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực. Thành tựu nổi bật nhất của quan hệ hợp tác chính trị Việt Nam - Lào trong giai đoạn này là hai nước vẫn kiên định giữ vững định hướng chính trị theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Tháng 10 năm 1991, đồng chí Kayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Nhân dân Cách mạng Lào thăm chính thức Việt Nam. Hai bên khẳng định quyết tâm trước sau như một tăng cường, củng cố và nâng cao quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, định kỳ trao đổi cấp Thứ trưởng Ngoại giao giữa hai nước nhằm phối hợp chặt chẽ các hoạt động ngoại giao trên các diễn đàn quốc tế.

Trung bình mỗi năm, hai Đảng cử trên 30 đoàn từ cấp trung ương đến cấp tỉnh sang trao đổi với nhau những kinh nghiệm về giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, về công tác tư tưởng, lý luận, công tác dân vận.

Hoạt động ngoại giao nhân dân cũng đạt được nhiều thành tích đáng kể. Hàng năm, quan hệ giữa các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, nhất là các tỉnh biên giới kết nghĩa đều có những trao đổi hợp tác và mối quan hệ đó ngày càng đi vào chiều sâu với nội dung thiết thực và có hiệu quả.

Hai bên phối hợp nghiên cứu, biên soạn công trình Lịch sử quan hệ đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam từ 1930 - 2007 nhằm tổng kết quá trình liên minh chiến đấu và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, đúc kết những bài học kinh nghiệm phục vụ cho việc tiếp tục xây dựng và phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam lên một tầm cao mới.

- Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh

Trong bối cảnh luôn luôn bị các thế lực thù địch tìm cách chống phá, Việt Nam và Lào xác định hợp tác về quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ rất cấp bách và quan trọng hàng đầu.

Từ cuối thập niên 80 và những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX, giữa hai Chính phủ, giữa hai bộ chức năng là Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng của hai nước đều ký những hiệp định, nghị định về hợp tác, hỗ trợ nhau trong công tác bảo vệ an ninh và củng cố quốc phòng. Phía Việt Nam luôn chủ động và đảm nhiệm gánh vác các công việc khó khăn nhất với phương châm “giúp bạn là mình tự giúp mình”, “an ninh của bạn cũng chính là an ninh của mình”...

Chiến công chung nổi bật về hợp tác an ninh - quốc phòng giai đoạn này là việc quân và dân Lào chủ động phối hợp chặt chẽ với quân đội Việt Nam chặn đánh cuộc hành quân "Đông tiến I" và "Đông tiến II" của lực lượng phản động lưu vong do Hoàng Cơ Minh cầm đầu vào Việt Nam qua con đường Lào trong hai năm 1986-1987. Bằng việc triển khai rộng khắp chiến lược quốc phòng toàn dân, Lào đã có những cống hiến thực sự vô giá trong việc bảo đảm an ninh ở phòng tuyến phía Tây Việt Nam, giúp Việt Nam phòng thủ từ xa một cách có hiệu quả.

Bước sang giai đoạn 1996 - 2007, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Lào tiếp tục tiến hành các cuộc gặp trao đổi, phối hợp giúp đỡ lẫn nhau về xây dựng chiến lược bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và chuyên môn.

Điểm nổi bật trong việc hợp tác về an ninh thời kỳ này là hiệu quả cao của công tác phòng thủ an ninh có chiều sâu của các lực lượng an ninh và quân đội hai nước chống lại các lực lượng phản động lưu vong đang tìm cách chống phá cách mạng Lào và Việt Nam. Điển hình là trong những năm 2000 - 2007, một số phần tử phản động trong nước Lào được các thế lực thù địch bên ngoài hỗ trợ, gây ra một số vụ nổ, phục kích ở một số địa phương nhưng đều bị lực lượng an ninh Lào phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh Việt Nam ngăn chặn như: vụ đánh cửa khẩu Văng Tàu (Chămpaxắc tháng 7 - 2000); vụ gây rối mất trật tự an ninh ở Viêng Chăn (tháng 7 - 2000); vụ bạo loạn vũ trang ở Hủa Phăn (năm 2003); vụ gây rối ở Bò Kẹo (tháng 7 - 2007).



- Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật

Trong quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, hợp tác kinh tế trong thời kỳ đổi mới luôn chiến vị trí quan trọng hàng đầu, với mong muốn là động lực thúc đẩy sự phát triển của các quan hệ hợp tác khác.

Ngày 15-2-1992, tại Viêng Chăn, Việt Nam và Lào đã ký Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật thời kỳ 1992 - 1995 và năm 1992. Để hiện thực hóa Hiệp định khung này, Chính phủ hai nước đã tiến thêm một bước trong việc thống nhất cơ chế chung về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật.

Ngày 15-3-1995 , tại Hà Nội thỏa thuận chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật đến năm 2000 được ký kết. Sau đó, Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giai đoạn 1996 - 2000 giữa hai nước Việt Nam và Lào cũng được ký kết.

Trong giai đoạn này, Việt Nam và Lào còn ký kết hàng loạt hiệp định và nghị định thư quan trọng nhằm thúc đẩy việc triển khai quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Giáo dục và đào tạo luôn được hai Đảng, hai Nhà nước xác định là một nhiệm vụ quan trọng, là lĩnh vực hợp tác chiến lược và là biểu hiện của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Việt Nam coi việc đào tạo cho Lào một nguồn nhân lực có trình độ cao là nhu cầu có tính chiến lược lâu dài, không những của Lào mà còn phục vụ cho quá trình hợp tác của Việt Nam với Lào.

Việt Nam đã đào tạo cho Lào rất nhiều cử nhân, lưu học sinh trung học chuyên nghiệp, thạc sĩ, tiến sĩ. Cử cán bộ giúp xây dựng chương trình giảng dạy, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp... Từ năm 1992, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã ký kết Hiệp định về đào tạo cán bộ Lào tại Việt Nam và hàng năm hiệp định này đều được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới. Từ năm 1997, hai bên đã nhanh chóng chuyển hướng kết hợp đào tạo dài hạn, chính qui với tăng cường bồi dưỡng và đào tạo lại cán bộ hệ ngắn hạn trên các lĩnh vực quản lý; kết hợp cử chuyên gia đào tạo tại Lào với việc mở rộng hình thức đào tạo tại chức cho Lào tại Việt Nam. Số học sinh Lào được tiếp nhận hàng năm tăng từ 300 - 350 người lên tới 500 - 550 người năm 2000. Trong 5 năm (1996 - 2000), phía Việt Nam đã tiếp nhận 2.184 cán bộ học sinh Lào.

Trong điều kiện còn không ít khó khăn của Lào, số lượng cán bộ, học sinh Việt Nam được cấp học bổng Đại học của Chính phủ Lào ngày càng tăng. Kể từ năm học 1982 - 1983 đến đầu những năm 2000 đã có gần 300 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp chuyên ngành văn học - ngôn ngữ Lào tại Trường Đại học Sư phạm Viêng Chăn. Ngoài ra, hàng năm Đại học quốc gia Lào còn mở rộng tiếp nhận hàng chục sinh viên Việt Nam sang học tự túc hệ đại học.



Về giao thông vận tải giai đoạn 1996 - 2000, hai bên đã cùng nhau tìm nguồn đầu tư nâng cấp hệ thống đường thông thương nối liền hai nước, tạo điều kiện cho Lào thông thương qua lãnh thổ và cảng biển Việt Nam ra các nước. Hai bên đã đầu tư xây dựng quốc lộ 43, 6B, 42, cửa khẩu Chiềng Khương. Cải tạo nâng cấp quốc lộ 9A, cửa khẩu Lao Bảo, quốc lộ 8, quốc lộ 7, quốc lộ 217 và 6A, quốc lộ 12A, cảng Đà Nẵng, cảng Xuân Hải và hoàn thành bến I cảng Vũng Áng…

Hợp tác về thương mại: Những năm đầu đổi mới, ngành thương mại hai nước xúc tiến nghiên cứu xây dựng đề án, tiến tới đầu tư xây dựng khu thương mại tự do Lao Bảo- Đen Xávẳn, chuẩn bị xây dựng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - Na Pê, mở cửa khẩu phụ và 11 điểm chợ biên giới để thúc đẩy sản xuất và giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa hai nước, đặc biệt là các vùng biên giới Việt Nam - Lào.

Hợp tác về đầu tư: Sau khi có Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương giữa hai nước (ngày 14-1-1996) và các qui định về đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài (năm 1999) cùng các thỏa thuận của hai Đảng hai Nhà nước, hai bên có nhiều cố gắng đẩy mạnh hợp tác đầu tư. Năm 2006, hai bên đã cấp phép cho 52 dự án đầu tư vào Lào với số vốn đăng ký đạt 368,6 triệu USD. Năm 2007, phía Việt Nam có 87 dự án được cấp phép đầu tư vào Lào với tổng số vốn đăng ký là 1.020 triệu USD, xếp thứ 3 trong tổng số 30 nước và khu vực đầu tư vào Lào.

Trong lĩnh vực năng lượng, điểm nổi bật trong giai đoạn 1986 - 1995 là hai bên đã phối hợp chặt chẽ, khẩn trương thiết kế và thi công một số tuyến đường dây tải điện 35 KV từ Việt Nam qua Lào. Tháng 7 năm 1998, Việt Nam và Lào đã ký Hiệp định hợp tác năng lượng - điện, hai bên đã trao đổi, bổ sung và thống nhất dự án qui hoạch hệ thống đầu nối điện giữa hai nước. Hai bên xác định cụ thể công trình thủy điện hợp tác, phương thức mua, bán điện và giá điện làm cơ sở để phía Lào đưa vào tiến độ xây dựng và phía Việt Nam đưa vào tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn 2001 - 2005.

Hợp tác chuyên gia giai đoạn 1996-2000 không ngừng được củng cố, đổi mới và hoàn thiện cả về cơ chế lẫn hình thức hợp tác. Việt Nam đã cử 475 lượt chuyên gia tập trung vào các lĩnh vực kinh tế (63%), quốc phòng, an ninh (28%) và các lĩnh vực khác. Trong những năm này, nhiều đoàn chuyên gia vụ việc quan trọng của Việt Nam được cử sang Lào trao đổi và xử lý các vấn đề về quản lý vĩ mô (1996), đổi mới doanh nghiệp (l998), tiếp nhận viện trợ (1999)...

- Hợp tác giữa các địa phương và hợp tác biên giới

Các tỉnh biên giới và các địa phương kết nghĩa của hai nước đã cử nhiều đoàn đại biểu Đảng, chính quyền, đoàn thể và các ngành, các cấp . . . duy trì các hoạt động đối ngoại chính thức, hoặc trao đổi kinh nghiệm, thống nhất quan hệ hợp tác, giúp đỡ nhau trên các lĩnh vực. Công tác đối ngoại nhân dân được chú trọng đã tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, cùng vun đắp mối quan hệ đoàn kết đặc biệt thêm bền chặt. Đặc biệt, hai bên luôn quan tâm và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên được tham gia các hoạt động giao lưu, trao đổi để giữ gìn, bảo vệ và phát triển tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, coi đó là quy luật tồn tại, phát triển của hai nước.


IV QUAN HỆ ĐẶC BIỆT VIỆT NAM - LÀO: BẢN CHẤT, THÀNH QUẢ, BÀI HỌC VÀ TRIỂN VỌNG

1. BẢN CHẤT, THÀNH QUẢ, Ý NGHĨA VÀ BÀI HỌC LỊCH SỬ

a. Bản chất

Quan hệ thân thiện lâu đời giữa hai dân tộc Việt Nam, Lào phát triển đột biến thành quan hệ đặc biệt vào năm 1930, khi sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam và Lào được tiến hành theo con đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng mácxít - lêninnít chân chính.



Bản chất của quan hệ đặc biệt đó bắt nguồn từ lòng yêu nước nồng nàn kết hợp với chủ nghĩa quốc tế trong sáng; tình đoàn kết thủy chung và niềm tin về lòng chân thành, trong sáng mà hai dân tộc Việt Nam, Lào dành cho nhau; sự giúp đỡ đến mức cao nhất nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển tương lai của hai dân tộc.

- Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào không giống bất cứ mối quan hệ nào trong lịch sử thế giới đương đại, được xây đắp, nuôi dưỡng bằng công sức, của cải, xương máu của nhiều thế hệ cách mạng người Việt Nam và Lào. Trải qua rất nhiều gian nan thử thách khắc nghiệt, quan hệ đó vẫn vẹn nguyên, không hề bị rạn nứt và phá vỡ cho dù các thế lực thù địch dùng nhiều thủ đoạn chống phá, chia rẽ.

- Tính đặc biệt của quan hệ Việt Nam - Lào được tạo dựng trên nền tảng quan điểm, nguyên tắc, phương pháp và cơ chế phù hợp với điều kiện cụ thể của hai dân tộc Việt Nam - Lào.

Bản chất của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được nuôi dưỡng, phát triển bằng sức cảm hóa sâu sắc của quan điểm “giúp bạn là mình tự giúp mình” do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn. Đây là câu nói cô đọng, giàu ý nghĩa chính trị, nhân văn, mở ra phương hướng xử lý hài hòa lợi ích của hai dân tộc; là vũ khí sắc bén chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ban ơn.



* Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào có những đặc điểm sau đây:

- Quan hệ Việt Nam - Lào phát triển từ quan hệ truyền thống lên quan hệ đặc biệt.

- Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền móng và chính Người cùng đồng chí Kayxỏn Phômvihản, đồng chí Xuphanuvông và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước dày công vun đắp, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Xây dựng, bảo vệ và phát huy quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào là sự nghiệp của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào.

- Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào mang tính xuyên suốt, toàn diện và bền vững.


Каталог: Upload
Upload -> -
Upload -> 1. Most doctors and nurses have to work on a once or twice a week at the hospital
Upload -> TrầnTrang EnglishTheory Phonetics
Upload -> BỘ khoa học và CÔng nghệ TÀi liệu hưỚng dẫN
Upload -> TÀi liệu hưỚng dẫn sử DỤng dịch vụ HỘi nghị truyền hình trực tuyếN
Upload -> BỘ thông tin truyềN thông thuyết minh đỀ TÀi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật thiết bị giải mã truyền hình số MẶT ĐẤt set – top box (stb)
Upload -> CHỦ TỊch nưỚC
Upload -> CHỦ TỊch nưỚC
Upload -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
Upload -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014

tải về 188.99 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương