ĐỀ CƯƠng các chuyêN ĐỀ BỒi dưỠng hsg 10, 11 Chuyên đề1: Văn học hiện thực 1930 – 1945


Ngôn từ gợi kinh nghiệm giác quan



tải về 202.64 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích202.64 Kb.
#30084
1   2   3

2.1. Ngôn từ gợi kinh nghiệm giác quan.

Không thể nói khác trước một thực tế là: thơ lãng mạn phương Tây, trước hết là thơ lãng mạn Pháp, đã tác động một cách sớm nhất, mạnh mẽ và rộng rãi nhất đến các nhà thơ mới Việt Nam. Điều đó cũng dễ hiểu. Với một thời gian dài sáng tạo trên một tư duy thơ khuôn mẫu, chặt chẽ, khi tiếp xúc với thơ lãng mạn các nhà thơ mới đã thấy ở đó một cơ hội rõ ràng nhất cho sự giải phóng. Và như thế, từ cái tôi cô đơn, cái tôi kiêu kì, những sự ám ảnh về thời gian qua mau đến hình thức thơ đầy tự do của Lamartine, Musset, Vigny,… nhanh chóng được các nhà thơ nhận ra như những sáng tạo mới mẻ và hấp dẫn, để rồi từ đó, cái Tôi trong thơ mới cũng nổi lên như một giá trị. Tuy nhiên, thơ mới không chỉ có thế. Sau một thời gian củng cố thế bàn thạch của mình, một bộ phận các nhà thơ mới làm một sự chuyển dịch, từ chỗ thiên về thơ mô tả khách thể hay trình bày cảm xúc một cách trực tiếp đến chỗ họ thích thú một lối thơ kín đáo, giàu ẩn ý, gợi ra những cảm giác, thông qua đó người đọc có thể liên tưởng đến một thế giới sâu xa hơn hoặc những rung động tinh vi của đời sống tâm linh. Tạo ra hình thức ngôn ngữ mới có khả năng tác động trực tiếp vào giác quan và gợi cảm giác là một sáng tạo khá phổ biến ở nhiều nhà thơ mới, trong đó trước hết phải kể đến Bích Khê như một  trường hợp tiêu biểu.

Hàn Mặc Tử cũng chú trọng khả năng gợi của ngôn ngữ. Ông cũng có cách vật thể hóa cái trừu tượng gần giống với Bích Khê, như:

Dịp cười như tiếng vỡ pha lê

(Một miệng trăng)

hay:

Tôi riết thời gian trong nắm tay,

Tôi vo tiếc mến như vo lụa.

(Chơi trên trăng)

Nhưng nhìn chung cách làm gần với Bích Khê trong thơ Hàn Mặc Tử không nhiều. Sự khác biệt quan trọng giữa hai nhà thơ này còn ở chỗ, nếu Hàn Mặc Tử sử dụng ngôn từ mang tính chất ảo giác gắn liền với cái nhìn vật thể trong trạng thái biến thiên, thì Bích Khê lại chú trọng nhiều hơn tới sự mê hoặc của thơ qua sự chuyển dịch liên tục giữa các trạng thái cảm giác khác nhau dựa trên nguyên tắc sự liên tưởng có tính chất “bùng nổ” và "tràn sóng”.

Bích Khê thể hiện sự khai thác một cách khá triệt để cảm quan tương hợp trong thơ Baudelaire. Sự sáng tạo ngôn từ mới đi liền với cảm quan tương hợp ấy đưa lại cho ngôn từ của thơ ông khả năng gợi cảm đặc biệt hơn so với nhiều nhà thơ mới khác.



2.2. Sự liên tưởng tự do, bất định.

Nhìn lại con đường tiến hóa của thơ mới, một thực tế rõ ràng rằng thơ càng ngày càng có xu hướng xa rời dần lối thơ thiên về kể tả sự vật khách quan theo nguyên tắc “đối cảnh sinh tình” phổ biến của thơ ca truyền thống, mà thiên về lối thơ diễn đạt những tương quan vô hình, bên trong, mang tính tinh thần của bản thân sự vật, gắn với cảm quan về một thế giới thống nhất (cụ thể và trừu tượng, hữu hình và vô hình, thể chất và tâm linh…)….  Và cũng vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà thơ mới như Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyễn Xuân Sanh, Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh lại say mê tư duy tương hợp và tinh thần nhất thể giác quan (unité de sens), những giá trị thơ mới lạ và độc đáo mà những nhà thơ tiền bối của chủ nghĩa hiện đại như Baudelaire, Mallarmé, Rimbaud, Verlaine… đã tạo ra. Về thực tế này, ta có thể dẫn ra vô số ví dụ, như:

-         Hãy lắng nghe nhạc tơ mềm dãy dụa

Trong nhạc trăng vang nổi khắp cung mây (Chế Lan Viên - Vo lụa)

-         Nàng bước tới như sông trăng chảy ngọc

Như nắng thơm hớp đặc cả nguồn hương (Bích Khê - Nàng bước tới)

-         Một đêm vàng – một đêm vàng âm điệu

Đầy nhựa thơm xanh mịt ngàn phi lau  (Bích Khê - Sọ người)

-         Đêm đêm ảo ảnh thơm chăn gối

Tình hướng về đông, dạ lắng chờ (Vũ Hoàng Chương - Tình liêu trai)

-         Cốc rượu hồng, hy vọng sáng rung rinh

Mùi son phấn khác gì hương trinh bạch? (Đinh Hùng - Hương trinh bạch)

-         Hồn nào lang thang bên đêm êm

Hồn hoa chơi vơi - bình trăng mềm (Nguyễn Xuân Sanh - Xây mơ)

-         Hương thời gian thanh thanh

Màu thời gian tím ngát  (Đoàn Phú Tứ - Màu thời gian)

-         Này lắng nghe em khúc nhạc thơm

Hãy tự buông cho khúc nhạc hường (Xuân Diệu - Huyền diệu)

-         Anh đã đón tình em bay phất phới

Như hương trăng đằm thắm cõi không gian (Hàn Mặc Tử - Sáng láng)

Đó là những cách diễn đạt vô cùng độc đáo, lạ lẫm, mà có lẽ trước thời đại thơ mới khó ai có thể hình dung ra. Tuy nhiên, cũng cần dứt khoát một điều rằng: sáng tạo ngôn từ (ở đây) không phải là tạo ra những từ mới, mà cơ bản là làm mới ngôn từ, nhằm đưa lại cho từ một khả năng đặc biệt trong việc làm hé lộ thế giới tinh thần bên trong của bản thân sự vật. Trong những ví dụ trên, rõ ràng năng lực liên tưởng đầy tính trực giác và thần cảm trở thành nguồn năng lượng vô tận cho sáng tạo, ở đó sự vận dụng ngôn từ không còn theo qui luật miêu tả mà theo qui luật của sự liên tưởng. Và như thế, chỉ xét riêng bình diện ngôn từ, thơ mới đã đặt ra một vấn đề mới về vai trò của cái biểu đạt: sáng tạo không phải chỉ là một sự lựa chọn, sắp xếp, mà bản thân ngôn từ đã là một sáng tạo, nó không chỉ đóng vai trò thừa hành sự sai bảo của lí trí, mà chính nó đã là một thế giới có giá trị tự thân, nó không chỉ là phương tiện của thơ mà còn là chính bản thân thơ.

Liên tưởng là đặc trưng của thơ nói riêng và nghệ thuật nói chung, nhưng ở đây có nét mới cần lưu ý. Thông thường ta hay nói về hai dạng liên tưởng phổ biến: liên tưởng tương đồng (hai vật thể có cùng hoặc gần về bản chất) và liên tưởng tiếp cận (từ vật thể này di chuyển sự chú ý đến một hoặc nhiều vật thể khác trong một văn cảnh rộng lớn hơn). Đó là những dạng liên tưởng thuộc phạm vi lí trí và tri thức thường nghiệm. Với thơ mới, trong nhiều trường hợp (như những ví dụ thơ đã nêu), những dạng liên tưởng ấy có lẽ chưa đủ, vì thơ càng ngày càng có xu hướng vươn đến diễn đạt tinh thần bên trong, cái bí ẩn, chưa biết, nó cần những dạng liên tưởng khác tự do, linh động và bất định hơn. Theo đó, cũng bắt đầu từ một vật thể xuất phát, nhưng mạch liên tưởng không chỉ bó hẹp trong phạm vi cái tương đồng hay tiếp cận, mà thường dẫn dắt trí tưởng tượng của nhà thơ đi đến những hình ảnh hoặc ý tưởng hết sức xa lạ với ý nghĩa ban đầu, vượt ra khỏi thói quen kinh nghiệm và nhận thức thông thường. Những liên tưởng ấy phụ thuộc vào ý thức tìm kiếm giá trị tinh thần bên trong và cũng phụ thuộc vào năng lực trực giác của nhà thơ. Nhờ liên tưởng tự do và có tính bất định ấy, người đọc được dẫn dắt trải nghiệm những trạng thái cảm giác khác nhau đầy ngạc nhiên với những cảm nhận mới mẻ, thú vị, những điều mà thơ nghiêng về tư duy luận lí không thể có được. Những liên tưởng bất định trong sáng tạo ngôn từ của các nhà thơ mới thực sự đã góp phần nới rộng tầm nhìn và nêu lên cách nhìn mới về thế giới với tất cả sự uyển chuyển, linh động cùng chiều sâu thăm thẳm của nó.

2.3. Hiện tượng phi trật tự tuyến tính.

Đặc điểm ngôn từ của thơ mới còn thể hiện ở tính lỏng lẻo xu hướng phá vỡ cấu trúc ngữ pháp thông thường. Đặc điểm này thực ra không phải là phổ biến trong thơ mới nhưng đó là hiện tượng hoàn toàn mới. Nó khác với hình thức đảo từ (hoặc đảo ngữ) ta thường gặp trong sáng tác của một số nhà thơ như Xuân Diệu hoặc Vũ Hoàng Chương… Bài thơ Hết ngày hết tháng của Xuân Diệu có những câu:



Đêm qua mưa gió lạnh lùng trời

Anh ở, em đi, lạnh lẽo người…

Hoặc trong bài thơ Thu:



Nõn nà sương ngọc quanh thềm đậu;

Nắng nhỏ bâng khuâng chiều lỡ thì…

Lạnh lùng trời”, “lạnh lẽo người”, “nõn nà sương ngọc” là những sự đảo từ cục bộ. Nó tạo ra cách diễn đạt mới để nhấn mạnh đặc tính sự vật mà tác giả muốn miêu tả. Xét tổng thể bài thơ thì trật tự tuyến tính cơ bản vẫn được tôn trọng, chức năng mô tả của từ không thay đổi, giá trị biểu cảm của câu thơ được gia tăng nhưng không tạo ra giá trị ngữ nghĩa mới. Đó là những sáng tạo có ý nghĩa của thơ mới nhưng nghĩa của các câu thơ vẫn nằm trong vòng kiểm soát của nhận thức lí tính, người đọc không khó khăn nếu ngầm lập lại cho câu thơ trật tự thông thường khi cảm thụ. Hình thức đảo từ (hoặc đảo ngữ) ấy có thể bắt gặp ở nhiều nhà thơ khác, kể cả các nhà thơ sau thời kì thơ mới (Nguyễn Đình Thi cũng xáo trộn trật tự từ trong câu thơ “những phố dài xao xác hơi may” của bài thơ Đất nước để nhấn mạnh cảm nhận của mình về mùa thu Hà Nội buồn và đẹp). Trong sáng tác của một số nhà thơ như Bích Khê (bài thơ Duy tân), Phạm Văn Hạnh (bài thơ Thư, thơ), Nguyễn Xuân Sanh, Đoàn Phú Tứ, những thay đổi về cấu trúc ngữ pháp có sự khác biệt về bản chất, trong đó đặc biệt phải kể đến Nguyễn Xuân Sanh, nhà thơ trẻ nhất nhóm Xuân Thu nhã tập và cũng là người đưa lại cho ngôn từ thơ những thể nghiệm táo bạo. Trong số các sáng tác của ông, trật tự cú pháp của nhiều bài thơ dường như bị phá vỡ hoàn toàn. Bài Bình tàn thu là một ví dụ tiêu biểu:



Bình tàn thu vai phấn nghiêng nghiêng

Chén vàng dâng ướp nhạc lòng đời

 

Sương mù lệ héo dặm đường hương



Cung phi dăng bướm buồn nghê thường

Sách đâu tay xoã ái - tình - chương…

Không có sự liên hệ ngữ nghĩa rành mạch giữa các con chữ, liên hệ tuyến tính cũng bị xóa. Không thể dựa vào logic câu chữ để hiểu bài thơ. Nguyễn Xuân Sanh cũng đã từng khuyên đọc thơ ông không nên dùng sự phân tích rạch ròi của lí trí tỉnh táo mà chỉ cảm, bắt đầu từ sự gợi cảm của từ, không được sắp xếp theo một trật tự nào cả. Phấn, hương, sương mù, bướm gợi hình ảnh thiên nhiên - mùa thu; các từ vai, lệ, héo, cung phi, tay xõa lại nói về con người, gợi hình ảnh những mĩ nữ thời xưa đẹp nhưng héo hắt buồn chán trong cung cấm với rượu ngon, chén vàng, hương hoa và giai điệu du dương của khúc nghê thường? Đằng sau sắc, nhạc, hương, toàn bài thơ gợi một cảm giác mơ hồ, mong manh về một mùa thu xa xăm, buồn và đẹp não nùng. Các bài thơ như Buồn xưa, Hồn ngàn mùa, Người xuân cũng có chung một phong cách ngôn ngữ như vậy.

 Trên đây là một số biểu hiện thể hiện tính sáng tạo theo tinh thần hiện đại của thơ mới trên phương diện ngôn từ. Những sáng tạo độc đáo ấy có được từ ý thức làm mới thơ Việt Nam trong bối cảnh hiện đại hóa nền thơ dân tộc và sự tác động mạnh mẽ của văn học hiện đại phương Tây. Sự tiếp thu và vận dụng những điểm khả thủ của các trào lưu thơ hiện đại đã giúp cho sáng tạo của các tác giả thơ mới thêm phong phú, sung mãn và cũng có chiều sâu hơn trong cách diễn đạt1
Chuyên đề 4

TỰ LỰC VĂN ĐOÀN

Tự lực văn đoàn là một tổ chức văn học ra đời tại thị trấn Cẩm Giàng, Hải Dương trong thời gian 1932-1939. Bộ Biên tập Tự Lực Văn Đoàn gồm Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Khái Hưng Trần Khánh Giư, Tứ Ly tức Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, Thạch Lam tức Nguyễn Tường Lân . Sau đó Bộ biên tập được tăng cường thêm bởi thi sĩ Thế Lữ, văn sĩ Thanh Tịnh, Đỗ Đức Thu, Vũ Đình Liên, họa sĩ Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Cát Tường.

Tự lực văn đoàn chính thức thành lập năm 1933. Đây là cơ quan văn đoàn, cơ quan ngôn luận hoàn toàn tự lực về mọi mặt: có nhà in riêng, có nhà phê bình, có hội đồng công nhận và trao giải thưởng giống như Hội nhà văn Việt Nam hiện nay.

Đây là một tổ chức văn học độc lập, có tôn chỉ, mục đích, có cơ quan ngôn luận, có giải thưởng văn học riêng, văn chương có đặc điểm riêng về nội dung tư tưởng, về hình thức và phong cách nghệ thuật.

“Tôn chỉ” của Tự lực văn đoàn được công bố trên báo Phong Hóa số 101 ngày 8 tháng 6 năm 1934 gồm 10 điểm:

1/ Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương để làm giàu văn sản trong nước.

2/ Soạn hay dịch những sách có tư tưởng xã hội, chú ý làm cho người và xã hội ngày một hay hơn.

3/ Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những cuốn sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân.

4/ Dùng một lối văn giản dị dễ hiểu ít chữ nho, một lối văn thật sự có tính cách An Nam.

5/ Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ

6/ Ca tụng những nét hay, vẻ đẹp của nước nhà với tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả, quý phái.

7/ Trọng tự do cá nhân.

8/ Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa.

9/ Đem phương pháp khoa học Tây ứng dụng vào văn chương An Nam.

10/ Theo một trong 9 điều trên đây cũng được, miễn là đừng trái ngược với những điều khác.

Đứng trên góc cạnh Sử học mà nhìn, ngoài điểm 8 (“Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa”) là có phần hơi cực đoan, vì cho đến nay nhân loại vẫn coi Khổng học là di sản văn hóa thế giới, có cái cần kế thừa và phát huy trong thời đại mới. Còn các điểm khác đều là tiến bộ, tỏ rõ tinh thần yêu nước, trọng dân (bình dân), ca ngợi “Tự do cá nhân” và chí tiến thủ, không bài ngoại, coi trọng tiếp thu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây thời Phục hưng, giữ gìn bản chất văn hóa dân tộc, coi trọng bảo tồn và làm trong sáng tiếng Việt, góp phần vào tiến trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc…

Thời gian hoạt động thực sự có hiệu quả là từ năm 1932 đến năm 1939. Tuy thời gian tồn tại có 7 năm, nhưng thành tựu của Tự lực văn đoàn là rất đáng trân trọng, bao gồm các thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa, kịch và thơ, có cả thơ trào phúng.

Tự lực văn đoàn có những đóng góp to lớn cho văn học Việt Nam. Về văn xuôi, những tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn là những tiểu thuyết đầu tiên thật sự mới về nội dung tư tưởng lẫn phong cách. Cách hành văn, diễn đạt trong sáng của Tự lực văn đoàn đã được nhiều nhà văn, nhà thơ, học giả noi theo. Có thể nói, Tự lực văn đoàn đã góp phần to lớn giúp văn xuôi Việt Nam phát triển lên một tầm mới. Về thơ, các giải thưởng của Tự lực văn đoàn đã góp phần tạo nên một phong trào văn học sôi nổi lúc bấy giờ, và đã động viên, khuyến khích các nhà văn, nhà thơ trẻ.

Tự Lực Văn Đoàn có hoài bão về 1 nền văn hóa dân tộc và thực sự đã có đóng góp lớn cho nền văn học dân tộc. Hoạt động văn chương lúc đó là chuyện sang trọng, thiêng liêng, là lý tưởng sống của 1 lớp ngườị Không làm được cách mạng thì làm văn chương, gửi tâm sự yêu nước vào lòng yêu nước, quê hương, yêu tiếng Việt

Chuyên đề 5

NAM CAO

Đặt vấn đề

Nam Cao từng có một truyện ngắn mang tên Quái dị.  Nội dung truyện đại khái như sau: một đám người đi gặt thuê được một nhà gọi gặt với công xá khá hời! Một lúc sau, khi đã vào nhà, cả bọn mới vỡ nhẽ - hoá ra nhà đó có mấy người đột ngột chết cùng một lúc. Giờ họ chỉ thuê mai táng hộ mấy thân nhân chứ không thuê gặt.

 

Truyện không thuộc loại thật hay, nên đã không được chọn in trong một số tuyển tập.



 

Song tự nó truyện có một cái ý được. ý này nằm ngay ở tên truyện. Đó là sự quái dị.

 

Nam Cao đã nhìn thấy nó - sự quái dị ấy - trong hàng loạt hiện tượng đời sống.



 

Ở thiên truyện Nửa đêm, sự quái gở hiện ra qua cả nhân vật ông Thiên lôi lẫn đứa con tên là Đức. Trong mỗi quan hệ huyết thống, hai nhân vật này bổ sung cho nhau, và tạo ra ấn tượng về một sự báo ân báo oán mang màu sắc huyền bí.

 

Trong Đôi móng gìò, có nhân vật Trạch Văn Đoành mà ngay từ tên gọi đã ngang phè, trêu người người nghe, và hành động thì không ai hiểu nổi.



 

Hai nhân vật chính trong Lang Rận là ông lang và mụ Lợi. Cả hai đều nhếch nhác bẩn thỉu, bản thân sự tồn tại của họ, cái sống cái chết của họ đều kỳ cục. Thậm chí bề ngoài của họ cũng gớm ghiếc tởm lợm - chúng ta từng biết tới phương diện này ở ngòi bút Nam Cao khi ông miêu tả Thị Nở.

 

Nhưng đây mới là mấy ví dụ rõ rệt nhất, những khi mà con người sự kiện được phơi bày như một quái tượng, đập ngay vào mắt người đọc.



 

Còn phổ biến hơn, trong truyện ngắn Nam Cao, ấy là những trường hợp cái quái dị khoác áo cái thông thường, hoà tan vào cái hàng ngày. Khi làm rõ những ca, những kiểu người, kiểu hành động và nói năng đó, tác giả dường như thầm bảo: mọi chuyện kỳ quặc quái gở vẫn đầy ra đấy, chỉ bởi chúng ta không biết nhìn nên không nhận ra, thế thôi!

 

Bà già trong Một bữa nọ đi nửa ngày đường để mò ăn. ăn xong rồi chết. Sự ăn - vốn là chuyện không có gì đáng nói - bị đẩy lên tới mức một thử thách với lương tâm, thể diện, có liên quan đến sự tồn tại của cả kiếp người.


Có thể nói nhạy cảm với những cái kỳ quặc, thích gọi tên chúng ra, đưa bằng được chúng vào truyện, đấy là một cảm hứng nghệ thuật không thể che giấu ở ngòi bút tác giả Chí Phèo, một yếu tố giống như cái hích đầu tiên, thúc đẩy hoạt động sáng tạo ở tác giả.

 

Đặc sắc của chất nghịch dị ở Nam Cao

 

Nếu dùng thuật ngữ nào để chỉ hiện tượng vừa nêu trong văn xuôi của nhà văn độc đáo này?



 

Dùng chữ quái dị hoặc kỳ dị đều không thoả đáng. Vì sự việc ở đây không có tính chất kỳ quái hoang tưởng kiểu như Hoffman hay Liêu trai chí dị.

 

Bởi vậy, chúng tôi tạm dùng chữ nghịch dị, nghịch ở đây hàm nghĩa trái ngược với cái thông thường.



 

Lâu nay, một số các nhà nghiên cứu ở ta lấy nghịch dị để dịch chữ grotesque. Mà trong các từ điển mỹ học và từ điển thông dụng grotesque thường được giải thích đại ý là cách sáng tạo hình tượng dựa trên sự kết hợp giữa cái hư ảo và cái thực:  Như vậy dùng cho Nam Cao sợ không sát nghĩa chăng?  Nhưng không ngại!  Theo chúng tôi, biện pháp không quan trọng, cái chính là có một dạng tồn tại của sự vật, dạng méo mó xệch xạc (khi dùng hai từ này, chúng tôi nhớ tới ý nghĩ của Chí Phèo trước cái bóng của chính hắn: cái vật xệch xạc, một cái gì đen và méo mó trên đường trăng nhễ nhại)

 

Nếu biết khai thác, cái dạng tồn tại ấy lại có khả năng lạ hoá sự vật, tức làm cho chúng không còn bị giam hãm trong cái vẻ thông thường đã quá quen mòn trong cái nhìn của chúng ta, để hiện ra đột ngột bất ngờ, gây được những cú sốc, những ngạc nhiên trong cảm nhận.



 

Không rõ mọi việc được Nam Cao ý thức đến đâu, song dù không chủ định đi nữa, thì sau một lần lạc bước vào đấy, ông mê mẩn không ra nổi nữa. Đến những truyện ông cho in vào năm 1944 như Lang Rận, Nửa đêm, Một đám cưới ông càng lui tới trong cái thế giới nghịch dị đó một cách thật tự nhiên, coi như  đời là thế rồi, không có gì phải bàn cãi nữa.

 

Nhưng dù phiêu lưu một cách vô tình hay cố ý, thì một ngòi bút như Nam Cao vẫn không thể vượt ra ngoài văn mạch dân tộc. ở các nghệ sĩ Việt Nam, tư duy nghệ thuật thường có sự chừng mực phải chăng. Trong khi mải đối diện với cái trần trần của thế sự, văn học trung đại Việt Nam đã không mấy khi cho phép ma quỷ xâm nhập, chứ đừng nói là văn học hiện đại. Nam Cao không thể đi quá xa như một Kafka, một Buzzati (Ý) hoặc một vài nhà văn Mỹ la tinh nào đó. Đọc Nam Cao, không thấy có sự biến hình - người biến thành gián, thành nhện, hoặc nguời có cánh - như ở các nhà văn phóng túng khác. Trong Dì Hảo, Nhỏ nhen hoặc trong Cười, Cái mặt không chơi được… các nhân vật thường khi vẫn là con người với những mong muốn tầm thường của họ, cái kỳ quái có được miêu tả thì cũng là mộ thứ kỳ quái còn nhiều dây dưa với những hình hài những kích thước con người hàng ngày. Chúng ta vẫn gặp vẫn thấy, về căn bản chúng là cái thông thường chẳng qua bị lỡ tay xô đẩy nên méo mó xẹo xọ đi một chút mà thôi. Ngoài ra, cảm giác về sự kỳ dị nảy sinh do chỗ tác giả tạo nên một hiệu quả ngột ngạt tức thở, gợi ra cảm tưởng về một thứ lưới vô tình bao quanh nguời ta. Lưới chỉ mỏng mảnh nhẹ nhàng, nhưng ngày mỗi thít chặt thêm, không ai thoát ra nổi. Nói rộng ra, có thể bảo ở Nam Cao cái kỳ dị không phải chỉ hiện ra ở dạng dương tính ai cũng thấy (trong nhân vật, đó là ông Thiên Lôi, Trạch Văn Đoành, Lang Rận) mà còn có dạng âm tính (Dì Hảo, Nhu, Đức… và một số biến thể của nhân vật xưng tôi). Và đấy cũng là một khía cạnh làm cho chất nghịch dị này mang sắc thái riêng của con người Việt Nam, xã hội Việt Nam.



 

Nhà nghiên cứu Phong Lê nhận xét “Nông thôn trong Nam Cao đang có sự rạn vỡ để đi vào sự bất thường của một quá trình băng hoại”. Nhiều người khác cũng đã từng lưu ý đến chất nghịch dị rải rác trong một vài truyện  ngắn. Nhưng gợi cảm hơn cả, có lẽ là cái hình ảnh sau đây của Lã Nguyên: “Cuộc sống được phản ánh trong thế giới nghệ thuật của Nam Cao rất ảm đạm … Bước vào đấy, ta như lạc vào một vườn cây ăn quả già cỗi lúc cuối mùa … Trên cây rặt những hoa điếc… nếu đây đó còn sót lại mấy quả lơ thơ thì chim muông sâu bọ và cái oi nồng của thời khắc lập tức làm cho hư hỏng, thối rữa”. Thứ hoa điếc ấy, những quả lơ thơ thối rữa ấy, là một cách hình dung của Nam Cao về kiếp người, về con người nói chung trong xã hội hiện đại, chứ không phải chỉ riêng cái thời ông đã sống.

 

 

Đoạn kết



 

Lâu nay mỗi lần đả động tới sự sống mòn ở Nam Cao, các nhà nghiên cứu không quên rào đón: nhưng tác giả không hoàn toàn tuyệt vọng. Rồi họ dẫn ra đoạn cuối truyện ngắn Điếu văn, mấy câu tự nhủ của nhân vật giáo Thứ ở cuốn Sống mòn. Người ta ngần ngại phải nói rằng Nam Cao là một người hết sức quan trọng khi nhìn nhận con người và thế sự. Một cách cố ý và giả tạo, người ta chắp chắp nối nối một số đoạn trữ tình ngoài đề ở Nam Cao vào thành một mạch, “mạch lạc quan”, “mạch tươi sáng”, rồi xem cái phụ đó là cái chính, lấy những điều Nam Cao gắng gượng muốn nói thay chỗ cái cảm hứng toát ra từ hình tượng nhân vật, cái thần của con người và tình thế cuộc đời mà Nam Cao miêu tả

 

Dĩ nhiên là như người ta vẫn nói, sở dĩ tác phẩm của Nam Cao có sức sống dai dẳng vì ở đó thấm nhuần một chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc. Song cũng phải nói thêm, đó không phải là một thứ chủ nghĩa nhân đạo theo nghĩa thông thường . ở đây tác phẩm của Nam Cao đề nghị một cách hiểu ít nhiều có khác: nhân đạo trước tiên là giúp con người hiểu rõ mình, trạng thái nhân thế mà mình đang lâm vào, cũng tức là chỉ rõ cái tình cảnh biến dạng cả mày mặt lẫn tâm linh mà sự khốn cùng đã để lại trên con người mình.



Chuyên đề 6

QUÊ HƯƠNG TRONG VĂN THẠCH LAM

1. Trong các trang văn của mình, nhà văn Thạch Lam rất hay nhắc đến hai chữ quê hương. Tuy nhiên, trong cảm nhận của ông, quê hương không phải là một khái niệm trừu tượng, mà là một hình dung vô cùng cụ thể, sống động - quê hương được hiện ra bằng mùi hương và hơi mát của đất, của làng. Nhà văn để cho các nhân vật của mình cảm nhận về đất đai, thôn xóm, quang cảnh quê hương bằng tất cả sự run rẩy của các giác quan, như một sự xâm chiếm tổng hòa, ngay lập tức, không thể tách bạch. Hương thơm và hơi mát của đất quê, làng quê tràn vào thân thể của con người.

Hương thơm và hơi mát của đất đai làng mạc trong cảm quan của Thạch Lam làm nên một quê hương yêu dấu, mang ý vị của một niềm vui sướng êm đềm, ngọt ngào. Nơi ấy, cuộc sống con người chưa đến nỗi quá đói khổ, mà đang còn tàm tạm. Nơi ấy, có những người sống bên nhau biết thương yêu, đùm bọc, chăm sóc chở che. Như hai chị em Liên và An thương nhau, gắn bó với nhau, có một tuổi thơ tuy nghèo khó nhưng được ru vỗ trong tình yêu thương của mẹ. Như cô Tâm hàng xén sẵn một tấm lòng hiếu đễ với mẹ già, thơm thảo với các em, yêu thương người khác đến quên cả bản thân mình. Thỉnh thoảng, những con người này lại mang nỗi u hoài về quá vãng xa xôi ngày thơ ấu…


Thạch Lam có phải là người thi vị hóa làng quê không? Tôi thấy không phải thế. Chứng cớ là nhà văn này có một cảm quan hiện thực khá sắc bén. Ngòi  bút của nhà văn không chỉ hướng đến những khung cảnh êm đềm như vậy, mà khá nhiều truyện xoáy hẳn vào những cuộc đời bất hạnh, lam lũ, kéo dài cuộc đời của mình trong lần hồi túng thiếu hoặc bất hạnh, không tìm thấy lối thoát. Mỗi khi như thế, khung cảnh làng quê hiện lên bỗng mất hẳn cái hương thơm và khí mát như đã nói trên kia, mà thay vào đó là một quê hương rét mướt với khung cảnh gió bấc lạnh lẽo, âm u, tối tăm, hiu hắt. Ta có thể thấy khung cảnh ấy một phần trong Gió lạnh đầu mùa, Hai đứa trẻ, Cô hàng xén, nhất là ở Nhà mẹ Lê, Cuốn sách bỏ quên, Hai lần chết… Thạch Lam là người đa cảm. Viết về những cuộc đời buồn khổ, nếu có thiên nhiên kèm theo cũng chỉ là một thứ thiên nhiên cản trở, khắc nghiệt, hù dọa con người. Ngược lại, viết về những cuộc đời bé nhỏ thân thương, chưa vướng vào vòng lầm than khắc nghiệt, cuộc sống đang còn trong trẻo êm đềm, thiên nhiên ùa vào toàn những thơm mát, ngọt lành. Thiên nhiên bỗng mang khuôn mặt hòa thuận, như thể phụ họa vào với lòng người, gợi lên trong lòng người những xúc cảm tinh tế, thanh khiết. Đọc văn Thạch Lam, không ai không biết những dòng tâm sự nổi tiếng của ông trong Lời nói đầu của tập Gió đầu mùa. Ông viết: “Trước ngọn gió đầu mùa tôi không khỏi ngăn được những cảm giác sâu xa và mới lạ. Tôi đem tâm nghĩ ngợi đến những cơn gió đột khởi ở lòng người, báo trước những sự thay đổi trong cái bí mật của tâm hồn”. Thạch Lam là thế. Thế Uyên, người cháu gọi Thạch Lam bằng cậu, sau này đã có những nhận xét thật tinh tế và chí lý: “Đọc một vài đoạn văn của ông, đôi khi tôi có cảm tưởng Thạch Lam chỉ là một hệ thống dây tơ bén nhạy đến độ có thể thu nhận được sự thay đổi về cường độ ánh trăng hay âm sắc của các loại lá khô khi rụng va vào đất” .

2.Tôi nghĩ rằng, lòng yêu thương, gắn bó đối với làng quê một cách thực sự và đáng tin cậy hơn cả không phải thể hiện bằng lời nói, càng không phải bằng nhận thức như một việc phải có, mà bằng những rung động có tính cảm giác, và mỗi khi nhớ về làng quê, những cảm giác ấy bỗng được phục hiện. Đó là lòng yêu, là nỗi nhớ trong chiều sâu tinh thần, trong sự ám gợi thầm lặng mà da diết, lâu bền, trở thành năng lượng sống của con người. Những nhân vật trong văn Thạch Lam ứng xử với làng quê đều theo cái cung cách ấy.

Đến đây, tự nhiên, một câu hỏi bật ra: Do đâu mà Thạch lam có được những trang văn đậm đà ý vị thương mến và gắn bó đối với làng quê như thế? Có lẽ phải giải thích điều này từ phía tuổi thơ của Thạch Lam. Theo như tư liệu hồi ký đáng tin cậy nhất cho đến ngày hôm nay giúp ta hiểu kỹ về cuộc đời ấu thơ của Thạch Lam là cuốn Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường (NXB Sóng, SG.1974) của bà Nguyễn Thị Thế - chị gái liền đốt của nhà văn. Trong tài liệu này, bà cho biết, gia đình Thạch Lam sống ở quê ngoại Cẩm Giàng hai lần: lần một, thời gian chị Thế và cậu Sáu (tên tục của Thạch Lam) đang còn thơ bé; lúc ấy, người cha của họ mất việc làm ở Thái Hà ấp, anh cả anh hai học ở Hà Nội, gia đình lâm vào cảnh gieo neo, nên cả nhà phải chuyển về đấy để cho anh Tam và Tư học ở trường huyện. Trong hồi ký, bà Thế cũng nói không nhớ rõ là gia đình bà sống ở Cẩm Giàng được mấy năm. Sau đó thì gia đình chuyển về Tân Đệ Nam Định theo anh Cả khi anh được bổ làm việc ở đó. Lần hai, gia đình lại về Cẩm Giàng, bà mẹ đã cho xây ngôi nhà theo cách của ngôi nhà Ánh sáng. Lúc này bà mẹ của Thạch Lam đã bước vào tuổi già, sức khỏe yếu, mấy người con như Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam đang làm báo Ngày Nay ở Hà Nội, thỉnh thoảng họ đi đi về về ngôi nhà Cẩm Giàng; và trong thời gian này cũng đã có nhiều văn nghệ sĩ về thăm, có khi còn ở lại ăn tết cùng với gia đình Thạch Lam. Rõ ràng, phần lớn tuổi thơ của Thạch Lam  nằm trọn ở quê ngoại Cẩm Giàng. Toàn bộ những ký ức tuổi thơ, từ làng quê, phố huyện, ga tàu, tiếng còi tàu, những ngày tham gia cùng chị giúp mẹ trông hàng, những lần đón đưa các anh  lên phố học, rồi những đứa trẻ trong làng và bà con lối xóm…đều đã hình thành nên trong tâm hồn Thạch Lam những ám ảnh đeo bám suốt đời. Thế giới trẻ thơ, một thế giới thần tiên, trong suốt, những gì chứng kiến, những gì đi qua dễ đọng lại, được lưu giữ rất sâu trong tâm thức, tham gia góp phần tạo nên cấu trúc tinh thần, tâm tính của mỗi người. Gia đình Thạch Lam vốn không phải là một gia đình khá giả, và đã từng có lúc lâm vào cảnh gieo neo, thiếu đói. Do sống gần với hai người bà nội và bà ngoại, nên được các cụ giúp đỡ nhiều. Theo như cách miêu tả của bà Thế, cả hai cụ đều là những người nhân đức, tốt bụng, yêu thương con cháu, yêu thương những đứa trẻ trong làng. Đặc biệt, Thạch Lam có một bà mẹ vô cùng nghị lực, tháo vát, từ tâm, hết lòng chăm nom, che chở, dìu dắt đàn con nên người, không bao giờ kỳ quản khó nhọc, không so đo tính toán. Cảnh ngộ gia đình cùng với tất cả những người thân thiết ấy đã góp phần tạo nên nhân cách nghệ sĩ Thạch Lam. Ở người nghệ sĩ này, tình thương đối với con người trở thành một phẩm chất nổi bật, chi phối toàn bộ cách cảm thụ, cách hình dung về đời sống, làm nên vẻ đẹp của những trang văn.

Thạch Lam là một trí thức Tây học. Ấy thế mà toàn bộ con người ông lại thuộc về cái “tâm hồn An Nam” như cách nói của ông. Nói theo cách nói bây giờ tức là phẩm tính dân tộc, bản sắc dân tộc. Ngẫm lại, trong cuộc đời, có một quy luật này: càng hiểu biết đến nới đến chốn văn hóa phương Tây, lại càng sống sâu sắc với văn hóa Việt Nam. Chỉ những người nào hiểu phương Tây nửa vời mới bị lai căng, mất gốc. Toàn bộ văn chương và cuộc đời Thạch Lam là một minh chứng đầy sức thuyết phục cho quy luật đó.



tải về 202.64 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương