VIỆt nam với cơ chế giải quyết tranh chấp của tổ chức thưƠng mại thế giớI



tải về 176.69 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích176.69 Kb.
#30710
VIỆT NAM VỚI CƠ CHẾ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI

NGUYỄN VĨNH THANH(*)

Cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được coi là một định chế có tính đặc thù và là điểm nổi bật của hệ thống thương mại toàn cầu. Cơ chế này không chỉ đơn thuần giải quyết êm thấm các tranh chấp, mà nó cũng là công cụ bảo đảm sự tin cậy về mặt pháp lý đối với các cam kết của các chính phủ. Nếu một nước vi phạm những quy định của WTO, nước đó có thể phải đối mặt với rất nhiều những trừng phạt thương mại.

Việt Nam là một nước đang phát triển, đang chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và nỗ lực đàm phán để gia nhập WTO - tổ chức chiếm khoảng 90% giao dịch thương mại thế giới - vào cuối năm 2006. Để gia nhập WTO, Việt Nam phải nghiên cứu cơ cấu tổ chức, chức năng của tổ chức này, các hiệp định đa phương của WTO, những quyền lợi, nghĩa vụ, những ưu đãi mà Việt Nam phải gánh vác và được hưởng. Hơn thế nữa, Việt Nam phải tìm hiểu kỹ cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO để vận dụng nhằm giải quyết các tranh chấp khi nước ta trở thành thành viên của tổ chức này, đồng thời cũng chứng minh xem cơ chế giải quyết tranh chấp này có hiệu quả không, có đảm bảo khôi phục được quyền lợi của nước bị vi phạm hay không? Từ đó xem xét có nên đưa các tranh chấp ra giải quyết theo cơ chế của WTO hay không và cần phải làm gì khi tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp đó. Chính vì vậy, việc tìm hiểu cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO và tìm ra những bài học đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, bởi đây là cơ chế hiệu quả giải quyết các bất đồng và tranh chấp thương mại quốc tế giữa 150 nước thành viên của WTO. WTO là sân chơi vì quyền lợi kinh tế, thương mại, nên các nước sẽ không ngần ngại khởi kiện Việt Nam khi họ thấy quyền lợi của họ bị vi phạm và ngược lại, Việt Nam cũng cần nhanh chóng học hỏi các kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết để cũng khởi kiện các nước khi quyền lợi của Việt Nam bị vi phạm.



1. Cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới

WTO là một thiết chế liên Chính phủ (được thành lập ngày 01 - 01 - 1995) quy định cơ sở pháp lý và tổ chức cho việc thực hiện nghĩa vụ điều chỉnh và thi hành pháp luật thương mại quốc tế của các thành viên.

WTO được xem là nền tảng cho sự phát triển quan hệ thương mại giữa các quốc gia thông qua thảo luận, đàm phán và giải quyết các vấn đề có liên quan đến thương mại quốc tế.

Cùng với việc thành lập WTO, thông qua các hiệp định quan trọng cho việc thành lập và tổ chức hoạt động của WTO, cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO cũng đã ra đời trên cơ sở kế thừa và phát triển cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT). Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO không chỉ bao gồm Điều XXII và XXIII của GATT, mà còn có cả Thoả thuận về các quy tắc và thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp (DSU) với 27 điều, 4 phụ lục và các hiệp định đặc biệt hay bổ sung được quy định tại một số hiệp định liên quan được liệt kê tại Phụ lục 2 của DSU (đối với các tranh chấp liên quan đến một số vấn đề thương mại cụ thể). Cơ chế giải quyết tranh chấp WTO ra đời đưa ra những quy định pháp lý nhằm bảo vệ các quyền và nghĩa vụ của các thành viên theo hiệp định có liên quan. Tuyên bố của WTO nhấn mạnh rằng, việc xúc tiến nhanh chóng công việc giải quyết tranh chấp là rất quan trọng đối với sự duy trì cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ của các thành viên và hiệu quả hoạt động của WTO. Mục tiêu của cơ chế giải quyết tranh chấp theo Hiệp định WTO là "Bảo đảm có được kết luận đúng cho việc tranh chấp", vì vậy, việc tìm kiếm cách giải quyết mà hai bên cùng có lợi và có thể chấp nhận được đồng thời phù hợp với điều khoản của WTO là được khuyến khích. Nếu không đạt được một giải pháp mà các bên tranh chấp cùng nhất trí, thì cơ chế giải quyết tranh chấp thường cố gắng thu hồi những biện pháp có liên quan nếu xem xét những biện pháp này không phù hợp với những quy định trong bất kỳ hiệp định có liên quan nào. Có thể hiểu chế giải quyết tranh chấp của WTO là tổng hợp các quy đinh pháp lý của WTO về cơ quan giải quyết tranh chấp, các nguyên tắc giải quyết tranh chấp, các quy định về thủ tục, trình tự giải quyết tranh chấp và thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp.

Chủ thể có thể trở thành một bên trong tranh chấp theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO là chính phủ, quốc gia và lãnh thổ độc lập về mặt hải quan.

Đối tượng của tranh chấp theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO là lợi ích của một nước thành viên có được một cách trực tiếp hoặc gián tiếp theo hiệp định có liên quan bị suy giảm hoặc vô hiệu, hoặc việc đạt được mục tiêu của hiệp định bị ngăn cản do: một bên ký kết không thực hiện nghĩa- vụ theo hiệp định; một bên ký kết áp dụng bất kỳ biện pháp nào, bất kể biện pháp đó có vi phạm quy định của hiệp định đó hay không; sự tồn tại bất kỳ tình huống nào.

Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO mang tính thường trực, được giải quyết thông qua Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB), Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm, hoạt động theo các quy định của DSU. Phạm vi áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp không chỉ giới hạn trong lĩnh vực thương mại hàng hóa mà đã mở rộng sang cả lĩnh vực thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ.

Thủ tục giải quyết tranh chấp theo cơ chế của WTO (được quy định chủ yếu trong DSU) thường trải qua các giai đoạn: 1) Tham vấn và hoà giải; 2) Giải quyết tranh chấp tại Ban hội thẩm; 3) Kháng cáo và phúc thẩm; 4) Thi hành phán quyết và khuyến nghị. Tuy nhiên, không phải bất kỳ tranh chấp nào cũng đều phải trải qua tất cả các giai đoạn này. Tuỳ thuộc vào nội đung của tranh chấp, tính chất phức tạp của tranh chấp, thiện chí của các bên mà một tranh chấp có thể được giải quyết tại giai đoạn tham vấn và hoà giải, hoặc tại giai đoạn hội thẩm.

Quá trình giải quyết tranh chấp của WTO bắt đầu khi có một tranh chấp phát sinh, nếu như nước thành viên có quyền lợi bị vi phạm. Tham vấn chính là việc các bên tranh chấp tiến hành đàm phán với nhau để đưa ra một thoả thuận thống nhất về việc giải quyết tranh chấp. Đây là thủ tục bắt buộc đối với các bên tranh chấp trước khi thành lập Ban hội thẩm, mục đích là tạo điều kiện để các bên chủ động tìm kiếm những giải pháp mang tính chất xây dựng, cùng có lợi cho cả đôi bên và nhanh chóng giải quyết xung đột.

Các giải pháp đạt được trong giai đoạn này phải phù hợp với các Hiệp định của WTO và sẽ không được làm vô hiệu hay suy giảm những lợi ích của các thành viên hay cản trở việc đạt được bất kỳ mục tiêu nào của Hiệp định WTO .

Nếu việc tham vấn giữa các bên thất bại, bên nguyên đơn có quyền yêu cầu thành lập Ban hội thẩm để xem xét giải quyết tranh chấp theo quy định của WTO.

Trên cơ sở đề nghị của bên nguyên đơn, DSB sẽ nhóm họp để xem xét đề nghị này và tiến hành thành lập Ban hội thẩm. Ban hội thẩm có trách nhiệm xem xét, đánh giá khách quan vấn đề tranh chấp và lập Báo cáo cuối cùng đệ trình lên DSB để thông qua. Báo cáo của Ban hội thẩm phải được DSB thông qua thì mới có giá trị pháp lý. Khi đã được DSB thông qua thì báo cáo của Ban hội thẩm có giá trị ràng buộc các bên tranh chấp và các bên phải thi hành. Báo cáo đã được thông qua này được coi là phán quyết của DSB.

Các bên tranh chấp có quyền kháng cáo Báo cáo của Ban hội thẩm, kháng cáo này được chuyển tới Cơ quan phúc thẩm để xem xét lại. Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm được DSB thông qua trở thành phán quyết của DSB và buộc các bên tranh chấp phải thi hành. Không có bên nào có quyền kháng cáo Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm và phán quyết của DSB.

Các phán quyết của DSB có giá trị bắt buộc và được DSB giám sát thi hành. Nếu bên thua kiện không thi hành hoặc thi hành không đúng với phán quyết của DSB thì bên thắng kiện có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đề nghị DSB cho phép áp dụng biện pháp trả đũa. Mức độ của biện pháp trả đũa phải tương đương với thiệt hại do hành vi vi phạm của bên kia gây ra.

Toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp kéo đài không quá 15 tháng kể từ ngày DSB thành lập Ban hội thẩm, không quá 18 tháng trong trường hợp Ban hội thẩm hoặc Cơ quan phúc thẩm kéo dài thời hạn đưa ra báo cáo (trừ khi các bên tranh chấp thoả thuận đây là trường hợp ngoại lệ).

Với thủ tục giải quyết tranh chấp mang tính cố định và bắt buộc của cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, các nước trên thế giới đã lớn hay nhỏ, dù là nước phát triển hay đang phát triển cũng đều phải tuân thủ "luật chơi chung" của hệ thống thương mại quốc tế. Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO mặc dù còn xa để cho là hoàn hảo nhưng được đánh giá chung là một trong những cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại hiệu quả nhất. Sự tín nhiệm này một phần lớn là do các quy tắc và thủ tục của nó hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi, khách quan để các nước, kể cả các nước nhỏ có thể bảo vệ quyền lợi của mình trước các nước lớn. Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO cũng quy định những điều khoản với những ưu đãi dành riêng cho thành viên là nước đang phát triển.

Để khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, hiệu quả và tránh sự đối đầu giữa các thành viên, theo quy định của DSU thì các nước tranh chấp có thể sử dụng biện pháp môi giới, hoà giải hoặc trung gian vào bất cứ thời điểm nào trong quá trình tố tụng.

2. Tình hình giải quyết tranh chấp theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO

Trước cơ chế của WTO, cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT (chủ yếu được quy định ở Điều XXII và Điều XXIII của GATT) trong suốt quá trình tồn tại của mình (1947 - 1994) đã có 344 vụ kiện. Mặc dù luôn chiếm đa số tại GATT, nhưng vì những lý do lịch sử (đa số các nước đang phát triển từng là thuộc địa của các nước phát triển) nên thái độ của các nước đang phát triển luôn nghi ngờ và e dè đối với những cơ chế do các nước phương Tây đặt ra. Chỉ đến thời kỳ sau Vòng đàm phán Tokyo (1973-1979), các nước đang phát triển, đặc biệt là một số nước công nghiệp mới (NICs) như Braxin, Mêhicô, Ấn Độ, Achentina mới thực sự quan tâm và sử dụng thường xuyên hơn Cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT.

Những nguyên tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp của GATT đã được WTO kế thừa và phát triển. Tính đến nay, cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO đã hoạt động được hơn 10 năm và tương đối hiệu quả. Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO đã đem lại một sự rõ ràng và lường trước được kết quả giải quyết tranh chấp, các phán quyết được DSB thông qua ngày càng có sự nhất quán, thống nhất cao, nhất là đối với Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm.

Kể từ vụ việc đầu tiên được đưa ra giải quyết tranh chấp theo cơ chế của WTO ngày 10 tháng 01 năm 1995 (vụ Xingapo kiện Malaixia về việc cấm nhập khẩu chất Polyethylen và Polypropylene) cho đến ngày 24 tháng 04 năm 2006, đã có 343 vụ tranh chấp được đưa ra theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO (bảng 1)

BẢNG 1: Số vụ tranh chấp giải quyết theo cơ chế của WTO (1995-2005)

Năm

1995

1996

1997

1998

1999

2000

2001

2002

2003

2004

2005

Vụ số

1-25

26-64

65-114

115-155

156-185

186-219

220-242

243-279

280-305

306-324

325-335

Số vụ

25

39

50

41

30

34

23

37

26

19

11

Nguồn: http:// www.wto.org/dispute settlement - chronological list of disputes cases

Sự tham gia của các nước phát triển và đang phát triển vào cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO cũng rất khác nhau. Trong 343 vụ tranh chấp được đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, các nước đang phát triển tham gia với tư cách là nguyên đơn là 126 vụ, chiếm 36,73% tổng số vụ tranh chấp, với tư cách là bị đơn là 133 vụ, chiếm 38,78% tổng số (bảng 2, bảng 3).

Các nước có tỷ trọng thương mại lớn đã tham gia rất tích cực vào cơ chế giải quyết tranh chấp này như Mỹ, EC, Canađa, Nhật Bản, Ấn Độ, Mêhicô... Các vụ tranh chấp nảy sinh nhiều trong những năm cuối của thế kỷ trước (khoảng 39 vụ/năm). Từ năm 1999 trở lại đây, trung bình hàng năm có khoảng 26 vụ tranh chấp được giải quyết theo cơ chế của WTO. Con số này cho thấy tính hiệu quả của cơ chế giải quyết (gần gấp ba lần số lượng những vụ kiện hàng năm được thụ lý dưới thời GATT) : Một số vụ tranh chấp trong số này đã có thể dẫn đến chiến tranh thương mại gây tác hại nghiêm trọng nếu không có cơ chế giải quyết tranh chấp của

WTO đã làm trong thời gian vừa qua (ví dụ gần đây nhất là vụ tranh chấp thương mại giữa Mỹ và EC, Hàn Quốc, Trung Quốc và phán quyết của toà án WTO cho phép các nước EC trả đũa Mỹ và buộc Mỹ phải chấm dứt đánh thuế phân biệt đối xử với các sản phẩm thép của EC). Trên thực tế, nhiều nền kinh tế thành viên của WTO tuy nhỏ yếu nhưng đã thắng kiện Mỹ.


Bảng 2: Số vụ tranh chấp của các nước đang phát triển đưa ra WTO


(1995-2005)



1995

1996

1997

1998

1999

2000

2001

2002

2003

2004

2005

Bị đơn

12

11

10

5

7

18

17

17

15

5

6

Nguyên đơn

7

18

21

31

12

19

11

8

9

6

7

Tổng số

19

29

31

16

19

37

28

25

24

11

13

Nguồn: http:// www. wto. Org/dispute settlement-chronological list of disputes cases.

BẢNG 3: Số vụ tranh chấp đưa ra WTO theo nhóm nước (đến 24-04-2006)

Các nước phát triển

Các nước đang phát triển

Tổng số

Nguyên đơn

217

Nguyên đơn

126

343

343

Bị đơn

210

Bị đơn

133

Nguồn: http:// www. wto. Org/dispute settlement-disputes by country

Trong số những vụ tranh chấp được đưa ra WTO, các nước phát triển chiếm gần 2/3 cả về tổng số lần bị kiện cũng như đi kiện và tập trung chính vào hai trung tâm kinh tế lớn là Mỹ (83 vụ là nguyên đơn và 91 vụ là bị đơn) và Cộng đồng châu Âu (72 vụ nguyên đơn và 54 vụ bị đơn). Các nước đang phát triển tham gia vào cơ chế này chủ yếu tập trung vào một số nước như Braxin 35 vụ (22 và nguyên đơn và 13 vụ bị đơn), Ấn Độ 33 vụ (16 vụ nguyên đơn và 17 vụ bị đơn), Mêhicô 29 vụ (15 vụ nguyên đơn và 14 vụ bị đơn), Hàn Quốc 26 vụ (13 vụ nguyên đơn, 13 vụ bị đơn), Achentina 25 vụ (9 vụ nguyên đơn và 16 vụ bị đơn), Chilê 20 vụ (10 vụ nguyên đơn và 10 vụ bị đơn). Các nước đang phát triển còn lại tham gia vào cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO còn hạn chế (bảng 4).



BẢNG 4: Tranh chấp của một số nước đưa ra WTO đến ngày 24-04-2006.

Nước tham gia tranh chấp

Nguyên đơn

Bị đơn

Tổng số

Mỹ

83

91

174

EC

72

54

126

Canada

27

14

41

Braxin

22

13

35

Ấn Độ

16

17

33

Mêhicô

15

14

29

Nhật Bản

12

15

27

Hàn Quốc

13

13

26

Achentina

9

16

25

Chilê

10

10

20

Australia

7

9

16

Thái Lan

12

1

13

Philippin

4

4

8

Guatemala

6

2

8

Inđônêxia

3

4

7

Hônđurat

6

0

6

Pêru

2

4

6

Ecuado

3

3

6

Côlômbia

4

1

5

Trung Quốc

1

4

5

Costa Rica

4

0

4

Vênêduêla

1

2

3

Malaixia

1

1

2

Nguồn: http:// www. wto.org/dispute settlement-disputes by country

Tranh chấp được giải quyết theo cơ chế của WTO chủ yếu là các tranh chấp về bảo hộ mậu địch của các nước. Loại tranh chấp này liên quan tới việc nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp bảo hộ (hạn ngạch, tăng thuế...); tranh chấp về các biện pháp chống bán phá giá xuất phát chủ yếu từ các nước xuất khẩu là các nước đang phát triển, bên bị kiện nhiều nhất về vấn đề này là các nước phát triển, chủ yếu là Mỹ và EC. Loại tranh chấp này liên quan đến việc nước nhập khẩu (chủ yếu là nước phát triển) áp đụng thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu (chủ yếu từ các nước đang phát triển; một loại tranh chấp cũng phổ biến, đó là các tranh chấp liên quan đến các biện pháp bảo vệ mang tính kỹ thuật nhằm hạn chế sự thâm nhập của những hàng hóa không đáp ứng được những yêu cầu về đảm bảo sức khoẻ và môi trường. Ngoài những nội dung trên, các tranh chấp được đưa ra giải quyết tại WTO còn liên quan đến Hiệp định về nguồn gốc hàng hóa và một số ít tranh chấp liên quan đến Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs).

Xét theo lĩnh vực, chủ yếu các tranh chấp mới chỉ dừng lại ở các tranh chấp liên quan đến thương mại hàng hoá, bao gồm cả các tranh chấp liên quan đến hiệp định về nông nghiệp, hiệp định về dệt may, còn lĩnh vực dịch vụ thì mới có rất ít các tranh chấp được đưa ra giải quyết theo cơ chế của WTO.

Nhiều tranh chấp về sở hữu trí tuệ cũng đã diễn ra. Cũng giống như các tranh chấp liên quan đến các biện pháp chống bán phá giá, các tranh chấp liên quan đến vấn đề quyền sở hữu trí tuệ chủ yếu xuất phát từ các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ và EC.

Trong những vụ tranh chấp đã được giải quyết có đến gần 50% là các tranh chấp mà hai bên sau khi tiến hành tham vấn đã tìm được tiếng nói chung hoặc sau một thời gian ngắn áp dụng biện pháp bảo hộ mậu dịch, bên nước nhập khẩu đã chủ động huỷ bỏ biện pháp đó và do đó, các tranh chấp đã không phải đưa ra cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO để phân xử.

Việc quy định về thời hạn tham vấn, thời hạn thành lập Ban hội thẩm, Cơ quan phúc thẩm và thủ tục thành lập trọng tài để quyết định thời hạn thực hiện các khuyến nghị và phán quyết của DSB đã góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết tranh chấp.

Theo cơ chế này, có những tranh chấp đã được giải quyết rất nhanh chóng trong vòng 15 tháng kể từ ngày có yêu cầu tham vấn (vụ Vênêduêla kiện Mỹ về tiêu chuẩn đối với mặt hàng gasoline thường và chế biến, yêu cầu tham vấn là ngày 02-02-1995, Báo cáo của Ban hội thẩm được thông qua ngày 20-05-1996; Costa Rica kiện Mỹ về việc hạn chế nhập khẩu quần áo cotton và sợi nhân tạo, yêu cầu tham vấn ngày 15-01-1996, Báo cáo của Ban hội thẩm được thông qua ngày 25-02-1997, biện pháp hạn chế được huỷ bỏ ngày 28-03-1997 v.v.). Tuy nhiên, còn nhiều tranh chấp bị kéo dài từ những năm 1995, 1996 cho đến nay, làm cho các nước tham gia vụ tranh chấp tốn kém rất nhiều, đặc biệt là những nước đang phát triển, (ví dụ: tranh chấp giữa Mỹ và Hàn Quốc về các biện pháp kiểm tra nông sản nhập khẩu phát sinh từ năm 1995; tranh chấp giữa Thái Lan, Hồng Kông và Thổ Nhĩ Kỳ về hạn chế nhập khẩu các sản phẩm dệt may phát sinh từ năm 1996 vv...). Thêm vào đó, có một số trường hợp, mặc dù đã có quyết định thành lập Ban hội thẩm, nhưng việc đưa ra quyết định về cơ cấu và nhiệm vụ của Ban hội thẩm còn có nhiều khó khăn, dẫn đến việc trì hoãn trong vấn đề giải quyết tranh chấp (ví dụ như tranh chấp giữa Mỹ và Achentina về các biện pháp tác động đến việc nhập khẩu sản phẩm giầy dép của Achentina, tranh chấp giữa Nicaragua và Côlômbia về các biện pháp tác động đến hàng nhập khẩu từ Honđurat và Côlômbia, tranh chấp giữa Mỹ và Phillipin về các biện pháp tác động đến đầu tư và thương mại trong ngành mô tô, xe máy,...).

Trong các quốc gia tranh chấp, Mỹ là một trong những quốc gia hoạt động tích cực nhất trong hệ thống này, mang lại nhiều trường hợp tranh chấp cần giải quyết đến WTO hơn bất cứ thành viên nào khác. Mỹ tham gia như là một bên trong hơn 50% các trường hợp tranh chấp được đưa lên Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm.

Các nước đang phát triển cũng thường trở thành một trong các bên tranh chấp hơn trước đây (30% tất cả các vụ do các nước bị kiện hoặc khởi kiện). Một số nước đang phát triển đã thành công trong việc thách thức các nước lớn (ví dụ điển hình là vụ Costa Rica kiện Mỹ về quy chế hạn chế nhập khẩu hàng dệt cotton,… vụ Vênêđuêla và Braxin kiện Mỹ về quy định xăng dầu).

Các nước đang phát triển là nhóm nước sử dụng hệ thống giải quyết của WTO nhiều hơn so với việc họ đã làm tại GATT và xu hướng này đang gia tăng. Trong 8 năm đầu của WTO, các nước đang phát triển đã trình khởi kiện gần 100 vụ, hay tính trung bình khoảng 12 vụ/năm. Từ năm 2000 đến nay, các nước đang phát triển tiến hành hơn 17 vụ mỗi năm. Việc các nước đang phát triển sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO nhiều hơn so với GATT có thể coi như là một đấu hiệu cho thấy hệ thống này được tin cậy hơn và hiệu quả hơn đối với các nước đang phát triển. Những vụ việc được các nước đang phát triển khởi kiện thường liên quan đến chế định chống bán phá giá và tự vệ thương mại và các tranh chấp liên quan tới các khiếu nại về vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử trong thương mại - nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) hoặc đãi ngộ quốc gia (NT) (có hơn nửa trong số các vụ tranh chấp thương mại được thụ lý tại DSB liên quan tới một hoặc cả hai quy chế nêu trên).

Tính tới nay, các nước châu Phi và một số nước chậm phát triển không hề khởi kiện hoặc bị kiện trong bất kỳ vụ việc nào, mặc dù một vài nước gồm Nigena và Dimbabue đã tham gia với tư cách bên thứ ba. (Điều này được giải thích hoặc là các nước đó không đủ nguồn lực cần thiết để sử dụng hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO, hoặc là tỷ lệ thương mại của các nước này quá nhỏ bé trong hệ thống thương mại thế giới).

Một điểm để nhận thấy trong quá trình giải quyết những tranh chấp có liên quan đến các nước đang phát triển là những nước này sẵn sàng chấm dứt thủ tục Ban hội thẩm trên cơ sở những thoả thuận với các bên về việc giải quyết tranh chấp của mình. Chẳng hạn về vụ Chilê và Pêru kiện Pháp trong việc hạn chế sử dụng tên thương mại "coquilles Saint-Jacques", trong báo cáo giữa kỳ của Ban hội thẩm tháng 3 năm 1996 đã đưa ra thoả thuận giữa EC với các nước đang phát triển này. Theo đó, các biện pháp của Pháp sẽ nhanh chóng được sửa lại, cho phù hợp với các quy định của WTO và đổi lại các nước Chilê và Pêru sẽ rút lại đề nghị thông qua báo cáo của Ban hội thẩm. Hay trong vụ Ấn Độ kiện Mỹ về hạn chế đối với việc nhập khẩu áo khoác len, DSB thành lập Ban hội thẩm vào tháng 4 năm 1996, một tuần sau Mỹ rút lại những hạn chế này và ngay lập tức Ấn Độ đề nghị chấm dứt các thủ tục tiếp theo của Ban hội thẩm.

Có thể nói rằng, việc các nước đang phát triển ngày càng sử dụng nhiều hơn cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO là đấu hiệu cho thấy hệ thống này hữu ích hơn đối với các nước đang phát triển so với hệ thống GATT. Tuy nhiên, cơ chế này chỉ thực hiện đối với các nước có năng lực thực hiện khiếu kiện.

Trong quá trình giải quyết tranh chấp theo cơ chế của WTO, có rất nhiều nước kháng cáo sau khi đã có báo cáo của Ban hội thẩm. Đây cũng là một đặc điểm rất rõ trong việc thực thi cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Tỷ lệ kháng cáo của các bên tham gia tranh chấp là rất cao. Năm thấp nhất cũng có 50% kháng cáo lại báo cáo của Ban hội thẩm.

Báo cáo của Ban hội thẩm hoặc Cơ quan phúc thẩm được DSB thông qua được coi là phán quyết của DSB. Hầu hết các phán quyết đã được các nước thua kiện tự nguyện thi hành. Tuy nhiên, có nhiều tranh chấp sau khi giải quyết xong, bên bị đơn đã không thực hiện, hoãn thực hiện hoặc thực hiện không đúng với các khuyến nghị của DSB; có khoảng 10 vụ từ năm 1995 đến năm 2005 là cần đến các biện pháp trả đũa để gây sức ép cho nước thua kiện phải thi hành phán quyết, trong đó có các vụ về thịt bò hocmôn của EC, chuối của EC, miễn thuế thu nhập cho các công ty bán hàng ở nước ngoài của Mỹ, Tu án chính Byrd của Mỹ... Điều đáng nói là, các nước phát triển chiếm đa phần trong số những nước không tuân thủ các phán quyết của DSB. Ví dụ, vụ EC kiện Mỹ về Điều 110(5) của Luật Bản quyền. Theo khuyến nghị của DSB thì thời hạn để Mỹ thực hiện khuyến nghị là hết ngày 31-12- 2001. Tuy nhiên, Mỹ đã không thực hiện được theo đúng thời hạn này. Điều đó dẫn đến việc EC yêu cầu được áp dụng các biện pháp không nhân nhượng để áp đặt một khoản phí đặc biệt đối với công dân Mỹ liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa có bản quyền. Để tránh điều này, Mỹ đã liên tục đệ trình báo cáo tiến độ thực hiện lên DSB. Tại cuộc họp ngày 29-07-2002, Mỹ một lần nữa lại khẳng định ý định thực hiện các phán quyết của DSB. EC mặc dù công nhận những cố gắng của Mỹ nhưng vẫn bày tỏ lo ngại về việc Mỹ đã quá chậm trễ trong việc thi hành phán quyết.

Trong các thông báo gửi về Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO về tình hình thực hiện các khuyến nghị và phán quyết của DSB, có 74% thông báo rằng bên bị đơn có những hành động nhằm thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị. Số còn lại 26% hoặc là bên bị đơn không thực hiện các khuyến nghị, hoặc trì hoãn thời gian thực hiện, hoặc có những hành động sửa đổi theo yêu cầu trong các khuyến nghị nhưng chưa thực sự thực hiện đầy đủ,và do đó làm phát sinh những tranh chấp mới. Từ thực tiễn giải quyết tranh chấp trên, có thể thấy cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO đã mang lại những thay đổi tích cực và có lợi cho các nước đang phát triển. Trong một hệ thống dựa trên cơ sở luật lệ, các nước đang phát triển và chậm phát triển vốn ở vị trí yếu thế hơn so với các nước phát triển có cơ hội bảo vệ quyền lợi của mình tất hơn so với hệ thống được điều chỉnh bằng quyền lực. Cũng chính vì vậy, ngày càng có nhiều nước đang phát triển áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO với tư cách là nguyên đơn, tích cực nhất phải kể đến là các nước như Braxin, Mêhicô, Thái Lan. Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng, dù chiếm đa số trong WTO nhưng quyền lợi của các nước đang phát triển vẫn chưa đạt được những hiệu quả mong muốn. Họ vẫn là những quốc gia bị khiếu nại nhiều nhất theo cơ chế của WTO. Vấn đề quan tâm là cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO có đảm bảo được lợi ích của các nước đang phát triển hay không? Về mặt lý thuyết thì cơ chế của WTO có tiến bộ vượt trội so với GATT, nhưng không phải nước đang phát triển nào cũng có đủ nguồn lực tài chính cũng như chuyên gia giỏi để theo đuổi các vụ kiện vốn rất tốn kém này.

Đây là vấn đề khó, đòi hỏi các nước đang phát triển đã và sẽ là thành viên của WTO phải nghiên cứu kỹ khi vận dụng cơ chế này.

3. Một số kinh nghiệm dối với Việt Nam trong quá trình gia nhập và vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO


  • Xác định rõ cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập WTO

Gia nhập WTO là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Cần phải thấy rằng khi gia nhập WTO, tham gia vào cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, chúng ta đương nhiên sẽ có những nghĩa vụ nhất định, nhưng đổi lại chúng ta sẽ được hưởng những lợi ích mà WTO mang lại cho các thành viên của mình. Chính vì vậy không thể nhìn nhận các nghĩa vụ chỉ là những cái mất, mà phải hiểu đó là sự trao đổi để có được sức mạnh lớn hơn mà bản thân một quốc gia không thể có được. Đó chính là một lý do mà WTO có được số lượng thành viên đông đảo mà các tổ chức quốc tế mới ra đời không thể có được, trong đó số lượng các nước đang phát triển chiếm tỷ lệ lớn. Một lần nửa cần phải thấy rõ rằng, hội nhập kinh tế quốc tế là một xu thế khách quan, là tiền đề cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hoá, thu hẹp dần khoảng cách với các nước. Để đảm bảo cho việc tham gia WTO đạt được hiệu quả cao nhất, chúng ta cần xem xét những vấn đề đặt ra đối với quá trình gia nhập của Việt Nam trên các lĩnh vực là kinh tế - xã hội và pháp luật. Tuy nhiên không thể xem xét các lĩnh vực này một cách độc lập, cần phải xem xét chúng trong mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại với nhau.

Với hệ thống đồ sộ những hiệp định, quy định trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sở hữu trí tuệ v.v... của WTO (toàn bộ hệ thống quy tắc của WTO hiện nay bao gồm hơn 60 hiệp định, đài đến 30.000 trang chia thành ba phần cơ bản: Phần 1- Những hiệp định cơ bản (GATT, GATS, TRIMs TRIPs); Phần 2- Những hiệp định trong từng lĩnh vực cụ thể như nông nghiệp, dệt may, hàng không, hàng hải, chống bán phá giá . . . ; Phần 3- Lộ trình hoặc đanh sách những cam kết của các thành viên về thuế quan hay mở cửa thị trường), việc đi sâu tìm hiểu, xác định lộ trình cũng như cơ hội và thách thức trong từng lĩnh vực là nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với Việt Nam, trên cơ sở đó điều chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật trong nước cho phù hợp với yêu cầu của WTO nhằm đẩy nhanh công cuộc phát triển kinh tế đất nước, hạn chế tối đa tranh chấp thương mại không đáng có và cải thiện hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.



  • Điều chỉnh chính sách, pháp luật kinh tế thương mại cho phù hợp với các quy định của WTO

Hầu hết các nước, để được công nhận là thành viên của WTO, đều phải nghiên cứu, xem xét điều chỉnh chính sách, hệ thống pháp luật nước mình cho phù hợp với những quy đỉnh của WTO. Việt Nam đã hoàn tất đàm phán giai đoạn cuối để gia nhập WTO, trong khi một số chính sách và quy định của pháp luật còn chưa tương thích với các quy định của WTO, Việt Nam cần điều chỉnh những quy định chưa tương thích đó. Hơn nữa, khi đã trở thành thành viên của WTO, nếu Việt Nam vẫn duy trì chính sách hay biện pháp trái với các quy định của WTO thì sẽ bị các nước thành viên khác đưa vụ việc này ra giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Nếu DSB khẳng định chính sách hay biện pháp này trái với các quy định của WTO thì Việt Nam phải loại bỏ, nếu không sẽ phải bồi thường hoặc bị trả đũa. Do đó, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với các quy định của WTO (đặc biệt chú ý đến nguyên tắc tối huệ quốc và đãi ngộ quốc gia). Tuy nhiên, việc điều chỉnh phải đảm bảo cho các ngành kinh tế trong nước phát triển, phải có sự chọn lọc trong quá trình điều chỉnh và việc điều chỉnh cần có lịch trình cụ thể.

  • Nghiên cứu, vận dụng thành công những ưu đãi của WTO dành cho các nước đang phát triển

Các quy định trong các Hiệp định của WTO được đặt ra mức độ tiêu chuẩn cao so với các nước đang phát triển. Do đó, các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam khó có thể đáp ứng đầy đủ các quy định này. Để bảo đảm quyền lợi của các nước đang phát triển khi tham gia vào hệ thống thương mại đa biên, WTO dành cho các nước này một số ưu đãi nhất định (ưu đãi về không phải thực hiện nghĩa vụ nào đó, thời gian thực hiện nghĩa vụ dài hơn...). Mặc dù vậy, nhiều tranh chấp xảy ra trong thời gian vừa qua đó các nước thành viên phát triển kiện các nước thành viên đang phát triển, vì các nước thành viên đang phát triển vi phạm những quy định về ưu đãi này. Chính vì vậy, khi trị thành thành viên của WTO và trực tiếp than gia vào cơ chế giải quyết tranh chấp các WTO, Việt Nam cần nghiên cứu thật kỹ cơ chế này để vận dụng tối đa những ưu đãi mà WTO dành cho các nước đang phát triển. Điều này sẽ giúp cho Việt Nam có những thuận lợi nhất định và giảm được chi phí vì được WTO trợ giúp về mặt pháp lý, đồng thời cũng tránh được các nước thành viên, nhất là các thành viên phát triển kiện mình.

Một vấn đề thường ít gây được sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách, nhất là tại các nước có truyền thống pháp luật thành văn như Việt Nam, là ý nghĩa, vai trò của tranh chấp và giải quyết tranh chấp. Trong khi đó, tại các nước có truyền thống pháp luật án lệ thì các quyết định mà tòa án giải quyết tranh chấp luôn được coi là một nguồn pháp luật Chính vì vậy, một điều quan trọng đối với Việt Nam là ngay từ khi bắt đầu tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, cần nghĩ ngay tới những tình huống không thuận lợi, các bất đồng, xung đột và tranh chấp có thể xảy ra, và rút ra kinh nghiệm từ các tranh chấp thực tế đã xảy ra rồi các tranh chấp thương mại đối với cá ba sa; giày dép, bật lửa... Chỉ khi tính đến các tình huống này, chúng ta mới có bước đi xây dựng, lựa chọn các cơ chế xử lý một cách công bằng, hiệu quả phù hợp với Việt Nam và thích ứng với từng đối tác thương mại nước ngoài.



  • Chuẩn bị tốt về luật sư, tài liệu, tài chính và tâm lý khi theo kiện

Trước khi khiếu kiện, chúng ta phải chuẩn bị chu đáo, đầy đủ chứng cứ, lập luận theo các Hiệp định có liên quan của WTO để trình ra Ban hội thẩm, Cơ quan phúc thẩm, trọng tài trong quá trình giải quyết tranh chấp. Phải nêu rõ chính sách thương mại hay biện pháp thương mại nào đang gây ra tranh chấp với nước mình và tóm tắt cơ sở pháp lý cho vụ tranh chấp. Phải chứng minh chính sách hay biện pháp thương mại này vi phạm điều nào của hiệp định nào của WTO và ảnh hưởng thế nào đến quyền lợi của nước mình. Các chứng cứ này giúp cho Việt Nam có cơ sở pháp lý thuyết phục các cơ quan giải quyết tranh chấp đưa ra những kết luận chính xác. Nếu không nghiên cứu kỹ mà vội vàng kết luận rồi tiến hành tham vấn và khiếu nại ra DSB thì khó thành công, nhiều khi còn phản tác dụng, không những làm mất uy tín của nước mình mà còn tốn kém về tài chính. Đồng thời, phải yêu cầu nước thành viên tham gia tranh chấp chứng minh những lập luận mà họ đã nêu ra. Trong quá trình tranh chấp, việc gửi báo cáo cho Ban hội thẩm, Cơ quan phúc thẩm phải đúng thời hạn và phải có mặt tại các phiên họp của các Cơ quan này để phát biểu, trình bày ý kiến lập luận của nước mình.

Cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại ngày càng trở nên phức tạp, kéo đài và tốn kém hơn. Quy trình tố tụng có xu hướng phân thành hai cấp: sơ thẩm và phúc thẩm. Quá trình giải quyết tranh chấp gắn liền với Việc xem xét các Vấn đề mang tính kỹ thuật cao và chứa đựng nhiều vấn đề pháp lý phức tạp. Đây thực sự là những trở ngại cho các nước có các nguồn lực hạn chế khi theo đuổi các vụ kiện. Việc chuẩn bị cho một vụ kiện tại WTO là một khó khăn rất lớn cho các thành viên WTO, đặc biệt là các nước đang phát triển. Mỗi vụ kiện tại WTO vô cùng phức tạp, đòi hỏi phải có những người có trình độ, mà trong đó các luật sư có vai trò rất quan trọng. Những luật sư này phải là những người có trình độ, có kiến thức sâu rộng về hệ thống quy định của WTO, hơn nữa họ cũng phải là những người có trình độ nghiệp vụ cao, ứng xử mau lẹ, tập luận vững chắc và logic, có khả năng thuyết phục người khác. Trong khi đó, Việt Nam và các nước thành viên đang phát triển rất khó tìm được luật sư trong nước có đủ trình độ pháp lý cần thiết để chuẩn bị hồ sơ, chứng cứ và lập luận cho vụ tranh chấp, để bác bỏ lại ý kiến của bên đối phương. Tuy vậy, để có thể giành thắng lợi trong các vụ tranh chấp được giải quyết tranh chấp theo cơ chế của WTO, chúng ta vẫn phải chuẩn bị một đội ngũ luật sư am hiểu chuyên sâu về từng lĩnh vực của WTO. Mặt khác, chi phí để thuê luật sư, chuyên gia nước ngoài là rất cao, chi phí để theo đuổi các vụ khiếu kiện còn cao hơn nhiều so với khả năng tài chính của các nước đang phát triển. Việc giải quyết một vụ tranh chấp thương mại quốc tế không phải là vấn đề vài ba tháng mà cần một vài năm. Tính phức tạp của tranh chấp, quy trình tố tụng kéo dài, cộng thêm việc hầu hết các chính phủ không có khả năng và kỹ năng tự mình tranh tụng mà phải thuê luật sư tư nhân (thường là luật sư Mỹ hay EC), nên chi phí giải quyết tranh chấp là quá sức đối với nhiều nước nghèo. Đã có nghiên cứu cho thấy là tổng chi phí theo kiện trong một tranh chấp của WTO có thể lên tới vài triệu đô la Mỹ.

Quá trình giải quyết tranh chấp tại WTO có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa các bên, nhất là trong trường hợp nước vi phạm là nước phát triển cố tình vi phạm. Nếu bị nước đang phát triển khiếu nại tới DSB thì một nước phát triển có thể tìm mọi cách, kể cả cớ để khiếu nại lại nước đang phát triển này và từ đó mà viện cớ trả đũa nhiều hơn. Như vậy, nước đang phát triển sẽ gặp bất lợi nhiều vì nước này vốn đang đưa nhiều vào hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư, viện trợ kinh tế với nước phát triển. Do đó, Việt Nam cần chuẩn bị tất về tâm lý để theo kiện đến cùng và bảo vệ đến cùng quyền lợi chính đáng của nước mình.


  • Tuyên truyền ý thức pháp luật thương mại quốc tê cho các doanh nghiệp và công chúng để hạn chế xảy ra tranh chấp

Các tranh chấp trong WTO, về cơ bản đều xuất phát từ tranh chấp lợi ích của các doanh nghiệp. Vì vậy,việc thông tin tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật trong làm ăn, sự hiểu biết pháp luật thương mại quốc tế cho các doanh nghiệp Việt Nam là rất cần thiết. Song song với các doanh nghiệp là vai trò của dịch vụ tư vấn pháp luật cần được nâng cao về chất lượng để giúp cho các doanh nghiệp làm ăn đúng pháp luật, tránh những thiệt hại đáng tiếc. Nếu là thành viên của WTO, Việt Nam có thể đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO vụ kiện chống bán phá giá cá tra, ba sa hoặc vụ kiện tôm phía Mỹ để có một phán quyết công bằng, giảm bớt thiệt hại cho nông dân và các doanh nghiệp Việt Nam.

Có thể khẳng định, việc tham gia WTO cũng là đồng thời tham gia vào cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Nhưng để chủ động tham gia vào WTO cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, chúng ta cần thấy trước được khả năng xảy ra tranh chấp trong WTO đối với Việt Nam. Điều này có thể được khẳng định ở một số lý do, mà trước hết có thể nói các lĩnh vực mà WTO điều chỉnh là khá mới mẻ đối với Việt Nam, chẳng hạn như thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ, các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại...Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp cũng như công dân Việt Nam còn chưa cao. Điều đó sẽ dẫn tới việc các quy định của WTO không được thực thi nghiêm chỉnh. Đồng thời một số lượng lớn các doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa đoạn tuyệt được với thói quen ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Vì vậy trước xu thế của quá trình hội nhập, các doanh nghiệp này rất lúng túng và chưa tạo được thể chủ động để tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế này.

Từ những nhận định trên, Việt Nam cần phải tìm cách để hạn chế tối đa khả năng xảy ra tranh chấp. Khi tranh chấp xảy ra, chúng ta cần phải có những phương sách thích hợp để phát huy những kinh nghiệm giải quyết tranh chấp quốc tế của Việt Nam để giải quyết nhanh chóng các tranh chấp trong WTO, tránh được những tổn thất kinh tế đáng tiếc và bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình.


  • Xây dựng hệ thống thông tin minh bạch phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế

Một số vụ kiện vừa qua như Mỹ kiện các doanh nghiệp của Việt Nam vì bán phá giá tôm, cá tra, cá ba sa, hay việc Liên minh châu Âu điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng giầy của Việt Nam, cho thấy cùng với việc hội nhập kinh tế quốc tế, thì việc Việt Nam trở thành bị đơn trong các vụ tranh chấp thương mại quốc tế có xu hướng ngày càng tăng. Sau các vụ kiện, Việt Nam đã bị áp thuế bán phá giá lên các mặt hàng này, do vậy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền sản xuất trong nước. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hậu quả này là do các doanh nghiệp Việt Nam thiếu thông tin về thị trường quốc tế, về hệ thống pháp luật của các nước nhập khẩu cũng như hệ thống pháp luật quốc tế.

Thực tế cho thấy, khó khăn của Việt Nam khi tham gia quá trình tố tụng là khâu chuẩn bị tài liệu để trả lời các bản câu hỏi điều tra. Các tài liệu của chúng ta không được tổ chức lưu trữ, thu thập thường xuyên và thiết kế theo chuẩn mực thế giới, trong khi đó tính minh bạch, chi tiết của tài liệu và thông tin lại đóng vai trò then chất trong tố tụng. Xây đựng hệ thống thông tin minh bạch và phù hợp với chuẩn quốc tế là đòi hỏi quan trọng trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập WTO. Hệ thống này sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc theo đuổi các vụ kiện, nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như trong việc quản lý hoạt động kinh doanh. Hệ thống thông tin minh bạch, được cập nhật thường xuyên là cơ sở để chúng ta chuẩn bị và trả lời nhanh chóng các bản câu hỏi điều tra khi bị kiện, đó cũng là vũ khí hữu hiệu để Việt Nam tiến hành khởi kiện khi quyền lợi của mình bị vi phạm.



  • Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước

Hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước cần phải được tăng cường, đặc biệt là về trình độ cũng như ý thức tôn trọng pháp luật. Hiện nay tình trạng pháp luật của Nhà nước không được thực hiện một cách thống nhất từ trung ương đến địa phương là một vấn đề nổi cộm, làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư. Vì vậy yêu cầu này cần phải được tập trung giải quyết trong giai đoạn tới, góp phần đảm bảo tính minh bạch của hệ thống pháp luật, hạn chế tối đa khả năng xảy ra tranh chấp. Bên cạnh đó, những yêu cầu của quá trình hội nhập cũng đòi hỏi hệ thống các cơ quan tài phán cần phải được củng cố nâng cao trình độ, năng lực. Hiện nay, những hiểu biết về kinh tế quốc tế của đội ngũ thẩm phán nhìn chung còn yếu, công tác đào tạo, phổ biến về những yêu cầu của các tổ chức kinh tế quốc tế cho đội ngũ cán bộ này chưa được thực hiện. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự đối vôi đội ngũ trọng tài viên. Do đó, khả năng giải quyết những tranh chấp kinh tế quốc tế phức tạp bằng toà án hay trọng tài sẽ rất hạn chế, điều đó đã được chứng minh trong thực tiễn thời gian qua. Vì vậy, việc đào tạo đội ngũ thẩm phán, trọng tài viên chuyên trách có trình độ cao về chuyên môn pháp lý và kinh tế quốc tế là rất cần thiết và phải được thực hiện càng sớm càng tốt.

  • Thực hiện tốt các cam kết quốc tế

Với vai trò là cơ chế làm rõ các quy định của WTO, cơ chế giải quyết tranh chấp đang được sử dụng hiệu quả cho các nước biết được các cam kết của mình trong WTO là thế nào. Chính vì vậy, khi cân nhắc đưa ra các cam kết quốc tế và đi cùng với nó là nghĩa vụ bảo đảm thực thi các cam kết này trong hệ thống pháp luật - Việt Nam không thể không nhìn vào các phán quyết và quyết định giải quyết tranh chấp của WTO. Hệ quả là các quy định pháp luật trong -nước khi được điều chỉnh không thể chỉ bám vào lời văn của quy định, mà cần tính đến việc giải thích của WTO về quy định này.

Để đảm bảo được sự tham gia chủ động vào cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, trước hết chúng ta cần phải nắm vững các yêu cầu cũng như lợi ích mà Việt Nam có được khi gia nhập WTO. Trên cơ sở đó, chúng ta cần phải thực hiện nghiêm chỉnh các yêu cầu của WTO, từ đó sẽ hạn chế tối đa các nguy cơ xảy ra tranh chấp. Chúng ta cần hiểu rõ mặc dù WTO là quan hệ thương mại đa phương nhưng trong tranh chấp lại là các quan hệ song phương. Vì vậy chúng ta cần phải phát huy triệt để những biện pháp giải quyết tranh chấp truyền thống của công pháp quốc tế như thương lượng, trung gian, hoà giải. Đó cũng là điểm mạnh của Việt Nam trong quá khứ cần phải được khai thác triệt để.



  • Đào tạo đội ngũ chuyên gia giỏi để tham gia quá trình hội nhập kinh tế quôc tế

Cùng với quá trình hội nhập, các hoạt động kinh tế ngày càng phát triển sẽ dẫn đến sự gia tăng của các tranh chấp thương mại quốc tế. Đồng thời trong lúc này, đối tác làm ăn của chúng ta thường là những người rất am hiểu về pháp luật thương mại quốc tế, chặt chẽ và sòng phẳng về mặt pháp lý. Do đó, ngoài những công việc nêu trên, để tham gia một cách chủ động vào cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, Việt Nam cần phải có sự đầu tư thích đáng vào việc xây dựng được một đội ngũ cán bộ có kiến thức chuyên sâu về từng lĩnh vực trong WTO. Đội ngũ cán bộ này sẽ là xương sống của quá trình giải quyết các tranh chấp của Việt Nam phát sinh trong khuôn khổ WTO nói riêng và thương mại quốc tế nói chung.

Khi có tranh chấp phát sinh mà một bên là Việt Nam thì chính đội ngũ chuyên gia này sẽ là những người trực tiếp chuẩn bị hồ sơ, chứng cứ, lập luận và tham gia vào việc giai quyết tranh chấp tại Ban hội thẩm hay Cơ quan phúc thẩm. Không những thế, đội ngũ chuyên gia này sẽ kiến nghị các biện pháp để thi hành phán quyết của DSB sao cho có lợi nhất cho Việt Nam. Mặt khác, các chuyên gia này sẽ đóng góp những ý kiến tư vấn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc soạn thảo và ban hành các chính sách, biện pháp thương mại sao cho tương thích với các quy định của các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Nếu không đào tạo bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia giỏi thì khi tranh chấp phát sinh, chúng ta buộc phải thuê chuyên gia nước ngoài với một khoản phí rất cao và khi thiếu đội ngũ chuyên gia giỏi thì chúng ta cũng không mạnh dạn đưa vụ tranh chấp ra giải quyết theo cơ chế của WTO.

Tham gia vào các tranh chấp trong WTO chắc chắn sẽ xảy ra đối với Việt Nam (có thể Với tư cách bên khởi kiện hoặc bị kiện), vì vậy chúng ta cần phải có một đội ngũ chuyên gia được đào tạo có chất lượng, hiểu biết sâu về WTO để đảm đương công việc mỗi khi có tranh chấp liên quan đến Việt Nam. Trong trường hợp bị khiếu kiện, chúng ta cần có giải pháp thoả đáng để hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bernard Hoekman, Aaditya Mattoo (2004): Sổ tay về phát triển thương mại và WTO, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Bộ tư pháp (2005) : Một số vấn đề pháp lý của hội nhập kinh tế quốc tế là giải quyết tranh chấp thương mại trong bối cảnh Việt Nam, Hà Nội.

3. Gia nhập WTO - Việt Nam kiên định con đường đã chọn (2004), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Nguyễn Văn Thanh (2002): Từ Xiatơn đến Đôha: Toàn cầu hóa và Tổ chia thương mại thê' giới, Nxb Chính tả quốc gia, Hà Nội.

5. Hoàng Ngọc Thiết (2004): Giải quyết tranh chấp giữa các nước thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

6. Uỷ ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế (2004): Hỏi đáp về Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

7. Uỷ ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế (2005): Các văn kiện cơ bản của Tổ chức Thương mại thế giới, Hà Nội.

8. Uỷ ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế (2002): Đàm phán thuế quan trong WTO, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

9. Uỷ ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế (2004): Tìm hiểu Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

10. Uỷ ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế (2005), Sổ tay về hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

11. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (2004): Việt Nam tính cực chuẩn bị gia nhập WTO trong một số lĩnh vực dịch vụ, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

12. Viện Thông tin KHXH (2003): WTO những quy tắc cơ bản, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

13. Http://www.wto.org

14. World Trade Organization ( 1995): Analytical index-Guide to GATT law and practice (volum2 1&2), Geneva.



15. Ernst-Ulrich Petersmane (1997): Internatiotlal trade law and the GATT/WTO dispute settlement system, Kluwer Law International, London.

NGUỒN: NGHIÊN CỨU KINH TẾ THẾ GIỚI, SỐ 337- THÁNG 6/2006

* Nguyễn Vĩnh Thanh,TS. Học viện Chính trị khu vực I:





Каталог: uploaded -> 2011
2011 -> Nghị quyết số 49-nq/tw ngàY 02 tháng 6 NĂM 2005 CỦa bộ chính trị VỀ chiến lưỢc cải cách tư pháP ĐẾn năM 2020
2011 -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo viện nghiên cứu phát triểN giáo dụC
2011 -> TÌnh hình và xu thế phát triển giáo dụC ĐẠi họC Ở MỘt số NƯỚc thuộc khu vực châU Á thái bình dưƠNG
2011 -> LUẬt pháp về biển và VÙNG biểN
2011 -> VĂn phòng quốc hộI
2011 -> Nghị quyết số 9-nq/tw ngàY 02 tháng năM 2005
2011 -> MỘt số quy đỊnh của bộ luật tố TỤng hình sự VỀ hoạT ĐỘng đIỀu tra và truy tố ĐỐi với ngưỜi chưa thành niên phạm tộI
2011 -> Nguyên tắc lập luận hợp lý VÀ nguyên tắc VI phạm mặc nhiên trong pháp luật cạnh tranh giới thiệu chung

tải về 176.69 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương