Tt 222 Chương V thủ TỤc hải quan đỐi với hàng hóA ĐƯa vàO, ĐƯa ra doanh nghiệp chế xuấT



tải về 46.69 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích46.69 Kb.
#15664
TT 222

Chương V

THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA ĐƯA VÀO, ĐƯA RA DOANH NGHIỆP CHẾ XUẤT

Mục 1. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA CỦA DOANH NGHIỆP CHẾ XUẤT THÔNG THƯỜNG

Điều 51. Nguyên tắc kiểm tra giám sát hải quan

1. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra doanh nghiệp chế xuất quy định tại Thông tư này được áp dụng cho doanh nghiệp chế xuất trong khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất ngoài khu chế xuất và được thực hiện tại Chi cục Hải quan quản lý doanh nghiệp chế xuất;

2. Hàng hóa luân chuyển trong nội bộ một doanh nghiệp chế xuất thì không phải làm thủ tục hải quan;

3. Văn phòng phẩm, hàng hoá từ thị trường nội địa phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của doanh nghiệp chế xuất thực hiện theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế;

4. Hàng hóa đưa vào, đưa ra doanh nghiệp chế xuất phải phù hợp với phiếu nhập kho, phiếu xuất kho và phải được ghi chép, theo dõi theo từng tờ khai, chứng từ đưa vào, đưa ra khỏi doanh nghiệp chế xuất. Trường hợp có sự sai lệch về chủng loại, số lượng, đơn vị tính của hàng hóa giữa thực tế nhập kho, xuất kho với khai báo trên tờ khai, chứng từ thì doanh nghiệp phải kê khai và bổ sung như khai bổ sung hồ sơ hải quan theo quy định ngay sau khi nhập kho, xuất kho;

Việc kiểm tra giám sát hải quan đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra doanh nghiệp chế xuất trên cơ sở tờ khai nhập khẩu, tờ khai xuất khẩu, chứng từ đưa hàng hóa vào, chứng từ đưa hàng hóa ra, chứng từ nhập kho, chứng từ xuất kho, định mức và hàng hóa thực tế trong kho;

5. Doanh nghiệp chế xuất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép để thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định thì doanh nghiệp chế xuất được thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 23/2007/NĐ-CP ngày 12/02/2007 của Chính phủ về hoạt động mua bán và các hoạt động liên quan đến hoạt động trực tiếp đến hoạt động mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Thông tư 09/2007/TT-BTM ngày 17/07/2007 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), Thông tư số 05/2008/TT-BCT ngày 14/01/2008 của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện Nghị định 23/2007/NĐ-CP và Quyết định số 10/2007/QĐ-BTM ngày 21/05/2007 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương).

6. Doanh nghiệp chế xuất khai và tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng hàng hóa nhập khẩu, đưa vào doanh nghiệp chế xuất thuộc đối tượng không chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 149/2005/NĐ-CP ngày 08/12/2005, không chịu thuế giá trị gia tăng theo Điều 3 Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 và không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 26/2009/NĐ-CP ngày 16/3/2009 của Chính phủ.



Điều 52. Đăng ký, sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa đưa vào, danh mục hàng hóa đưa ra doanh nghiệp chế xuất

1. Thời điểm đăng ký, sửa đổi bổ sung:

1.1. Thời điểm đăng ký danh mục:

a. Đối với hàng hóa đưa vào doanh nghiệp chế xuất: đăng ký danh mục trước khi làm thủ tục nhập khẩu, đưa vào lô hàng đầu tiên;

b. Đối với hàng hóa đưa ra doanh nghiệp chế xuất:

b.1. Nếu hàng hóa là sản phẩm do doanh nghiệp chế xuất sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu thì phải đăng ký danh mục trước khi làm thủ tục đăng ký định mức;

b.2. Nếu hàng hóa không phải là sản phẩm do doanh nghiệp chế xuất sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu thì doanh nghiệp chế xuất phải đăng ký danh mục trước khi làm thủ tục đưa hàng ra doanh nghiệp chế xuất;

1.2. Thời điểm sửa đổi, bổ sung danh mục:

a. Sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa đưa vào doanh nghiệp chế xuất:

a.1. Trường hợp hàng hóa là nguyên liệu, vật tư cho sản phẩm xuất khẩu: Người khai hải quan được sửa đổi tất cả các thông tin danh mục hàng hóa đưa vào doanh nghiệp chế xuất trước khi làm thủ tục nhập khẩu, đưa vào lô hàng đầu tiên hoặc trước khi đăng ký định mức tùy theo thời điểm nào có trước;

a.2. Trường hợp hàng hóa không phải là nguyên liệu, vật tư cho sản phẩm xuất khẩu: Người khai hải quan được sửa đổi tất cả các thông tin danh mục hàng hóa đưa vào doanh nghiệp chế xuất trước khi làm thủ tục nhập khẩu, đưa vào lô hàng đầu tiên;

b. Sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa đưa ra doanh nghiệp chế xuất:

b.1. Nếu hàng hóa là sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu thì người khai hải quan được sửa đổi trước khi làm thủ tục đăng ký định mức;

b.2. Nếu hàng hóa không phải là sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu thì người khai hải quan được quyền sửa đổi trước khi làm thủ tục đưa ra doanh nghiệp chế xuất;

1.3. Trường hợp phát hiện sai sót trong khai báo các loại danh mục ngoài thời điểm quy định ở các Điểm a, b khoản 1.2 nêu trên người khai hải quan được phép sửa đổi nội dung đã khai nếu có lý do hợp lý và được cơ quan hải quan chấp nhận nhưng không được phép sửa đổi mã hàng hóa và đơn vị tính hàng hóa.

2. Thủ tục đăng ký, sửa đổi bổ sung

2.1. Người khai hải quan tạo thông tin khai về các danh mục theo đúng các tiêu chí và khuôn dạng chuẩn về tên gọi hàng hóa, mã HS, mã hàng hóa, đơn vị tính đăng ký theo hệ thống danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu hiện hành và phải khai thống nhất từ khi nhập hàng vào doanh nghiệp chế xuất cho đến khi doanh nghiệp chế xuất chấm dứt hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Người khai hải quan tạo thông tin khai về các danh mục theo mẫu “Bảng danh mục hàng hóa đưa vào doanh nghiệp chế xuất” và “Bảng danh mục hàng hóa đưa ra doanh nghiệp chế xuất”;

Việc đăng ký, tiếp nhận thông tin phản hồi của doanh nghiệp chế xuất thực hiện như quy định tại Điều 47 Thông tư này;

2.2. Việc kiểm tra tiếp nhận các nội dung tại danh mục của cơ quan hải quan thực hiện như quy định tại Điều 47 Thông tư này.

Điều 53. Đăng ký, điều chỉnh định mức, tỷ lệ hao hụt nguyên liệu, vật tư cho sản phẩm đưa ra doanh nghiệp chế xuất

1. Hàng hóa đưa ra doanh nghiệp chế xuất là sản phẩm được sản xuất, cấu thành từ nguyên liệu, vật tư đưa vào doanh nghiệp chế xuất thì phải đăng ký định mức trước khi đưa ra doanh nghiệp chế xuất;

2. Thủ tục đăng ký, điều chỉnh định mức thực hiện như thủ tục đăng ký, điều chỉnh định mức hàng hóa gia công quy định tại Điều 35 Thông tư này.

Việc đăng ký, điều chỉnh định mức theo Mẫu “Thông tin về định mức thực tế đối với sản phẩm đưa ra doanh nghiệp chế xuất”



Điều 54. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa vào doanh nghiệp chế xuất

Hàng hóa đưa vào doanh nghiệp chế xuất được nhập khẩu, đưa từ nội địa, doanh nghiệp chế xuất khác, kho ngoại quan phải khai rõ mục đích: sản xuất, đầu tư tạo tài sản cố định, tiêu dùng và phục vụ cho các hoạt động sản xuất khác của doanh nghiệp, hàng hoá mua bán theo Nghị định 23/2007/NĐ-CP.

1. Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài:

Thủ tục nhập khẩu đối với hàng hóa đưa từ nước ngoài đưa vào doanh nghiệp chế xuất được thực hiện như thủ tục hải quan đối với hợp đồng mua bán (trừ việc kê khai thuế) quy định tại Chương II Thông tư.

2. Hàng hóa đưa từ nội địa, từ doanh nghiệp chế xuất khác, kho ngoại quan vào doanh nghiệp chế xuất:

2.1. Trách nhiệm của doanh nghiệp chế xuất.

a. Khai chứng từ đưa hàng hóa vào doanh nghiệp chế xuất

a.1 Trước khi nhận hàng, doanh nghiệp chế xuất nhận hàng khai thông tin theo Mẫu “Chứng từ nhập hàng vào doanh nghiệp chế xuất, chứng từ nhận hàng từ doanh nghiệp chế xuất khác” hoặc tờ khai nhập khẩu (nếu chưa thực hiện thủ tục hải quan điện tử và thực hiện như thủ tục đối với hợp đồng mua bán);

a.2. Gửi thông tin khai hải quan điện tử đến cơ quan hải quan.

a.3. Tiếp nhận thông tin phản hồi của cơ quan hải quan:

a.3.1. Nhận thông báo “Hàng hóa chưa được đưa vào doanh nghiệp chế xuất” theo Mẫu “Thông báo chấp nhận/từ chối đưa hàng vào nội địa, đưa hàng vào doanh nghiệp chế xuất” và sửa đổi, bổ sung thông tin theo yêu cầu của cơ quan hải quan;

a.3.2. Nhận thông báo “Hàng hóa được đưa vào doanh nghiệp chế xuất” theo Mẫu “Thông báo chấp nhận/từ chối đưa hàng vào nội địa, đưa hàng vào doanh nghiệp chế xuất” trong trường hợp cơ quan hải quan chấp nhận đưa hàng vào doanh nghiệp chế xuất;

a.3.3. In chứng từ đưa hàng hóa vào doanh nghiệp chế xuất giao cho doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp chế xuất khác để làm thủ tục xác nhận thực xuất (nếu có).

b. Trường hợp cơ quan hải quan yêu cầu nộp hoặc xuất trình hồ sơ, thì doanh nghiệp chế xuất nộp hoặc xuất trình với cơ quan hải quan bao gồm:

b.1. Hợp đồng mua bán, gia công giữa doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp chế xuất khác;

b.2. Hoá đơn tài chính (nếu có);

b.3. Tờ khai xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa, chứng từ đưa hàng hóa ra hoặc tờ khai xuất khẩu (nếu chưa thực hiện thủ tục hải quan điện tử) của doanh nghiệp chế xuất khác giao hàng có xác nhận đã làm thủ tục hải quan.

c. Sửa đổi, bổ sung chứng từ đưa hàng hóa vào doanh nghiệp chế xuất

c.1. Trường hợp có điều chỉnh, bổ sung nội dung đã khai báo trên chứng từ và trước khi nhận hàng, doanh nghiệp chế xuất phải gửi chứng từ đưa hàng hóa vào đã được chỉnh sửa cho cơ quan hải quan theo Mẫu “Thông báo chấp nhận/từ chối đưa hàng vào nội địa, đưa hàng vào doanh nghiệp chế xuất”;

c.2. Nội dung thông tin sửa đổi, bổ sung phải theo đúng các tiêu chí khuôn dạng quy định theo Mẫu “Chứng từ nhập hàng vào doanh nghiệp chế xuất, chứng từ nhận hàng từ doanh nghiệp chế xuất khác”;

c.3. Việc gửi thông tin, tiếp nhận thông tin phản hồi thực hiện tương tự thủ tục khai chứng từ đưa hàng vào doanh nghiệp chế xuất.

2.2. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan quản lý doanh nghiệp chế xuất

a. Kiểm tra tiếp nhận chứng từ đưa hàng hóa vào, chứng từ điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung.

Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan kiểm tra, tiếp nhận đăng ký, cấp số tham chiếu cho chứng từ đưa hàng hóa vào và gửi phản hồi cho doanh nghiệp chế xuất.

Trường hợp có yêu cầu, công chức hải quan trực tiếp kiểm tra thông tin trên hệ thống, căn cứ kết quả kiểm tra để quyết định việc đăng ký, cấp số tham chiếu cho chứng từ đưa hàng hóa vào doanh nghiệp chế xuất thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

b. Trường hợp có yêu cầu việc nộp hoặc xuất trình hồ sơ, thì công chức hải quan trực tiếp kiểm tra hồ sơ theo yêu cầu của hệ thống.

c. Trường hợp phải kiểm tra thực tế hàng hóa thì Chi cục hải quan quản lý doanh nghiệp chế xuất thực hiện khi đưa hàng hóa vào doanh nghiệp chế xuất.

2.3. Thời hạn khai: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày doanh nghiệp nội địa đăng ký tờ khai xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất khác khai tờ khai chứng từ đưa hàng hóa ra hoặc tờ khai xuất khẩu (nếu chưa thực hiện thủ tục hải quan điện tử) doanh nghiệp chế xuất phải làm thủ tục khai và đưa hàng vào doanh nghiệp chế xuất;

2.4. Việc giao hàng được thực hiện sau khi doanh nghiệp chế xuất khai chứng từ đưa hàng vào doanh nghiệp chế xuất và được cơ quan hải quan chấp nhận. Các bên chịu trách nhiệm đảm bảo nguyên trạng và tự giao nhận hàng hóa đến địa điểm giao hàng để giao cho doanh nghiệp chế xuất

Điều 55. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa ra doanh nghiệp chế xuất

Hàng hóa đưa ra doanh nghiệp chế xuất để xuất khẩu, để đưa vào nội địa, doanh nghiệp chế xuất khác, kho ngoại quan phải khai rõ nguồn gốc: sản phẩm, bán thành phẩm, phế liệu, phế phẩm từ quá trình sản xuất, hàng hóa là máy móc thiết bị tạo tài sản cố định chờ thanh lý và các hàng hóa khác đưa vào phục vụ cho các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chờ đưa ra, hàng hoá mua bán theo Nghị định 23/2007/NĐ-CP.

1. Hàng hóa từ doanh nghiệp chế xuất đưa ra nước ngoài:

Thủ tục đối với hàng hóa đưa từ doanh nghiệp chế xuất đưa ra nước ngoài thực hiện như thủ tục hải quan đối với hợp đồng mua bán hàng hóa (trừ việc kê khai thuế) quy định tại Chương II Thông tư này.

2. Hàng hóa đưa từ doanh nghiệp chế xuất vào nội địa, vào doanh nghiệp chế xuất khác, kho ngoại quan

2.1. Trách nhiệm của doanh nghiệp chế xuất.

Doanh nghiệp chế xuất khai chứng từ đưa hàng ra doanh nghiệp chế xuất theo Mẫu “Chứng từ đưa hàng vào nội địa, chứng từ giao hàng sang doanh nghiệp chế xuất khác” hoặc tờ khai xuất khẩu (nếu chưa thực hiện thủ tục hải quan điện tử và thực hiện như thủ tục đối với hợp đồng mua bán hàng hóa).

a. Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan kiểm tra, tiếp nhận đăng ký và cấp số tham chiếu cho chứng từ đưa hàng hóa vào nội địa.

Trường hợp có yêu cầu, công chức hải quan trực tiếp kiểm tra thông tin trên hệ thống, căn cứ kết quả kiểm tra để quyết định việc đăng ký, cấp số tham chiếu cho chứng từ đưa hàng hóa ra thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

b. Trường hợp có yêu cầu việc nộp hoặc xuất trình hồ sơ, thì công chức hải quan trực tiếp kiểm tra hồ sơ theo yêu cầu của hệ thống, căn cứ kết quả kiểm tra để quyết định việc đăng ký, cấp số tham chiếu cho chứng từ đưa hàng hóa ra thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Hồ sơ nộp hoặc xuất trình với cơ quan hải quan khi có yêu cầu bao gồm:

b.1. Hợp đồng mua bán, gia công giữa doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp nội địa;

b.2. Hoá đơn tài chính (nếu có).

2.2. Trách nhiệm của Chi cục hải quan quản lý doanh nghiệp chế xuất.

a. Kiểm tra tiếp nhận chứng từ đưa hàng ra.

Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan kiểm tra, tiếp nhận đăng ký, cấp số tham chiếu cho chứng từ đưa hàng hóa ra và gửi phản hồi cho doanh nghiệp chế xuất.

Trường hợp có yêu cầu, công chức hải quan trực tiếp kiểm tra thông tin trên hệ thống, căn cứ kết quả kiểm tra để quyết định việc đăng ký, cấp số tham chiếu cho chứng từ đưa hàng hóa ra thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

b. Trường hợp có yêu cầu việc nộp hoặc xuất trình hồ sơ, thì công chức hải quan trực tiếp kiểm tra hồ sơ theo yêu cầu của hệ thống, căn cứ kết quả kiểm tra để quyết định việc đăng ký, cấp số tham chiếu cho chứng từ đưa hàng hóa vào nội địa thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

c. Trường hợp phải kiểm tra hàng hóa:

Chi cục hải quan làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp nội địa hoặc doanh nghiệp chế xuất khác tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định.

2.3. Thời hạn có hiệu lực của chứng từ đưa hàng hóa vào nội địa, doanh nghiệp chế xuất khác là 30 ngày kể từ ngày đăng ký chứng từ.

2.4. Doanh nghiệp chế xuất chỉ giao hàng khi doanh nghiệp nội địa đăng ký tờ khai nhập khẩu, doanh nghiệp chế xuất khác khai chứng từ đưa hàng hóa vào hoặc tờ khai nhập khẩu (nếu chưa thực hiện thủ tục hải quan điện tử). Các bên chịu trách nhiệm đảm bảo nguyên trạng và tự giao nhận hàng hóa từ doanh nghiệp chế xuất đến địa điểm giao hàng để giao cho doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp chế xuất khác, kho ngoại quan.

Điều 56. Thủ tục thanh lý hàng hoá theo quy định

Các hình thức thanh lý, hàng hoá thuộc diện thanh lý, điều kiện thanh lý, hồ sơ thanh lý, hàng hoá nhập khẩu, đưa vào của doanh nghiệp chế xuất thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 04/2007/TT-BTM ngày 04/4/2007 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương).

1. Thanh lý theo hình thức xuất khẩu: Thủ tục thực hiện như thủ tục hải quan đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quy định tại Chương II Thông tư này;

2. Thanh lý theo hình thức nhượng bán tại thị trường Việt Nam: Thủ tục thực hiện như quy định tại Khoản 2 Điều 55 Thông tư này;

3. Thanh lý theo hình thức cho, biếu, tặng tại Việt Nam thực hiện như quy định về việc cho, biếu tặng tại Khoản 4 Điều 40 Thông tư này.

4. Thủ tục tiêu hủy đối với hàng hóa,

4.1. Trách nhiệm của doanh nghiệp chế xuất.

Trước khi tiến hành tiêu huỷ hàng hoá, doanh nghiệp chế xuất phải khai thông tin về việc tiêu hủy nguyên liệu, vật tư sản phẩm, phế liệu, phế phẩm cho cơ quan hải quan kèm thông tin văn bản cho phép tiêu hủy tại Việt Nam của Sở Tài nguyên và Môi trường theo đúng các tiêu chí và khuôn dạng quy định theo Mẫu “Thông tin tiêu hủy nguyên vật liệu, sản phẩm, phế liệu, phế phẩm”. Doanh nghiệp chế xuất thực hiện quy định về thuế đối với nguyên liệu, vật tư, sản phẩm, phế liệu, phế phẩm tiêu hủy theo các quy định hiện hành.

4.2. Trách nhiệm Chi cục hải quan quản lý doanh nghiệp chế xuất:

a. Tiếp nhận, kiểm tra, phản hồi thông tin của doanh nghiệp chế xuất về việc đề nghị giám sát tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, sản phẩm, phế liệu, phế phẩm.

b. Tiến hành giám sát việc tiêu hủy theo quy định.

5. Sau khi kết thúc việc tiêu hủy hàng hoá, các bên phải có biên bản giám sát việc tiêu hủy. Biên bản này phải có chữ ký của giám đốc doanh nghiệp chế xuất (hoặc người được ủy quyền), dấu của doanh nghiệp chế xuất, công chức hải quan giám sát và các bên có liên quan giám sát việc tiêu hủy.



Điều 57. Chế độ báo cáo và kiểm tra đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra doanh nghiệp chế xuất và kiểm tra hàng tồn kho.

1. Trách nhiệm của doanh nghiệp chế xuất:

1.1. Định kỳ từ ngày 1 đến 15 của tháng tiếp theo, doanh nghiệp chế xuất gửi báo cáo hàng hóa đưa vào, đưa ra, thanh lý, tiêu hủy, tồn kho của quý trước đó hoặc khi cơ quan hải quan yêu cầu đến Chi cục hải quan nơi quản lý doanh nghiệp chế xuất.

Doanh nghiệp chế xuất tạo thông tin báo cáo hàng đưa vào, đưa ra, thanh lý, tiêu hủy, tồn kho thực tế theo đúng các tiêu chí và khuôn dạng chuẩn quy định theo Mẫu “Thông tin báo cáo hàng tồn kho của doanh nghiệp chế xuất”.

1.2. Định kỳ hàng năm doanh nghiệp phải thực hiện việc kiểm tra hàng tồn kho; lập báo cáo kết quả kiểm tra thực tế và kết quả đối chiếu giữa hàng tồn kho thực tế với với hàng tồn kho trên sổ sách gửi cơ quan hải quan.

Trước khi tiến hành việc kiểm tra 15 ngày doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan hải quan thời gian, địa điểm kiểm tra và phối hợp với cơ quan hải quan. Cơ quan hải quan xem xét, quyết định phối hợp cùng doanh nghiệp để kiểm tra và thông báo cho doanh nghiệp biết.

1.3. Xuất trình các hồ sơ, chứng từ có liên quan đến việc kiểm tra của cơ quan hải quan khi có yêu cầu.

1.4. Trong quá trình kiểm tra, doanh nghiệp chế xuất có trách nhiệm giải trình các vấn đề có liên quan theo yêu cầu của cơ quan hải quan.

2. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan quản lý doanh nghiệp chế xuất:

2.1. Định kỳ 1 quý (03 tháng) một lần hoặc tại bất kỳ thời điểm nào khi có nghi vấn, Chi cục hải quan quản lý doanh nghiệp chế xuất cân đối số liệu hàng hóa đưa vào, đưa ra, thanh lý, tiêu hủy và báo cáo của doanh nghiệp chế xuất để xác định số hàng đã đưa vào, đưa ra, tồn kho của doanh nghiệp chế xuất.

2.2. Kiểm tra hồ sơ của doanh nghiệp chế xuất

Căn cứ kết quả phân tích thông tin cân đối số liệu và thông tin nghi vấn (nếu có), cơ quan hải quan quyết định kiểm tra hồ sơ của doanh nghiệp chế xuất Quyết định kiểm tra hồ sơ theo quy định tại Mẫu “Thông báo quyết định kiểm tra thực tế hàng tồn kho”. Việc kiểm tra có thể tiến hành tại cơ quan hải quan hoặc tại trụ sở của doanh nghiệp chế xuất.

2.3. Kiểm tra hồ sơ và kiểm tra hàng tồn kho thực tế.

Trong trường hợp cần thiết, Chi cục hải quan quản lý doanh nghiệp chế xuất sẽ xác định các trường hợp phải kiểm tra hồ sơ và đồng thời kiểm tra thực tế hàng hóa tồn kho và gửi cho doanh nghiệp chế xuất theo quy định tại Mẫu “Thông báo quyết định kiểm tra thực tế hàng tồn kho”. Việc kiểm tra hàng hóa tồn kho được thực hiện tại doanh nghiệp chế xuất.



Doanh nghiệp chế xuất xuất trình hồ sơ, chứng từ theo quy định tại điểm 1.3, khoản 1 và hàng hóa tồn kho thực tế để cơ quan hải quan kiểm tra.

Trường hợp phát hiện có sai sót qua kết quả kiểm tra hồ sơ hoặc sau khi đã kiểm tra thực tế hàng tồn kho, cơ quan hải quan tiến hành các biện pháp: kiểm tra sau thông quan, xử lý vi phạm hành chính về hải quan, thực hiện việc ấn định thuế theo quy định
Каталог: 2012
2012 -> Những câu nói tiếng Anh hay dùng hằng ngày
2012 -> I. NỘi dung quy hoạch cao đỘ NỀn và thoát nưỚc mặt bản đồ hiện trạng cao độ nền và thoát nước mặt
2012 -> BÀI 1: KỸ NĂng thuyết trình tổng quan về thuyết trình 1 Khái niệm và các mục tiêu
2012 -> Người yêu lạ lùng nhất
2012 -> Thi thử ĐẠi họC ĐỀ thi 11 MÔN: tiếng anh
2012 -> SÔÛ giao thoâng coâng chính tp. Hcm khu quaûn lyù giao thoâng ñOÂ thò soá 2
2012 -> Commerce department international trade
2012 -> Những câu châm ngôn hay bằng tiếng Anh
2012 -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạO ĐỀ thi tuyển sinh đẠi họC 2012 Môn Thi: anh văN – Khối D
2012 -> Tuyển tập 95 câu hỏi trắc nghiệm hay và khó Hoá học 9 Câu 1

tải về 46.69 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương