Trí tuệ như thế này



tải về 26.28 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích26.28 Kb.
#30985
Trí tuệ như thế này ...
Ngô Nhân Dụng

Sau khi đọc bài bàn về những ý kiến của ông Lê Ðăng Doanh, kể lại trong mục này hôm Thứ Tư, một người bạn hỏi ký giả tại sao không nhắc đến những câu phát biểu đặc sắc nhất mà ông Doanh đã nói. Chẳng hạn như khi ông Doanh kể chuyện một chuyên viên tài chánh quốc tế đặt câu hỏi với ông: “Chúng mày giỏi thế mà chúng mày nghèo lâu đến thế, là thế nào? Trí tuệ như thế này, truyền thống như thế này, sao mày ăn xin hoài thế?” Ông Doanh còn nhắc lại một câu rất cụ thể: “Chúng mày cứ đề ra một cái mục tiêu là ‘Ðến bao giờ chúng mày đừng có đi ăn xin nữa?’ Có được không?”

Ông Lê Ðăng Doanh chắc buồn quá nên dịch ra những tiếng quá nặng lời. Nhân viên các cơ quan viện trợ quốc tế - họ là những nhà ngoại giao, bao giờ họ cũng “Thưa quý ngài” chứ không ai gọi người khác là “chúng mày” cả. Nhưng ngay cả khi họ nói “Thưa quý ngài” thì nghe vẫn thấy nhục, vẫn thấy phẫn uất, phải hiểu là họ đang chửi mình, chửi cả nước mình. Mà mình không cãi vào đâu được. Khi nghe chửi thì phải hiểu là họ gọi mình là “chúng mày” chứ không còn là “quý ngài” nữa.

Trong số những cơ quan viện trợ quốc tế đó có Ngân Hàng Thế Giới. Ông Lê Ðăng Doanh kể Thủ Tướng Phan Văn Khải đã nói với Ngân Hàng Thế Giới và Tổ Chức Phát Triển Liên Hiệp Quốc rằng Việt Nam sẽ phải trở thành một nước trong khối OECD, tức các nước phát triển cao. Nhưng lợi tức bình quân của các nước trong OECD là hơn 10,000 mỹ kim một năm, hiện nay Việt Nam chỉ có 530 mỹ kim. Muốn đuổi kịp theo họ cũng phải đợi không biết bao nhiêu năm nữa; mà trong 10 năm tới chắc bình quân lợi tức cũng chỉ lên tới 1,060 đô la là cùng, nghĩa là vẫn được xếp hạng vào khối những nước “trung bình thấp.”

Ngân Hàng Thế Giới đã tới Việt Nam từ nhiều năm, mỗi năm chúng ta đều nghe nói họ viện trợ cho nước Việt Nam năm ba trăm triệu đô la. Nhưng sau đó lại có tin nói đến cuối tài khóa chính phủ Việt Nam vẫn chưa được rút tiền ra, vì không thực hiện những điều kiện của họ. Mà điều kiện của họ chủ yếu là đòi “sổ sách kế toán minh bạch, sạch sẽ” khi dùng tiền viện trợ! Mà làm sổ sách kế toán sạch sẽ là điều rất kiêng kị trong guồng máy hành chánh Việt Nam. Người ta bảo ở bẩn sống lâu, ở sạch chóng chết, không ai muốn chết non cả!

Mà vai trò của Ngân Hàng Thế Giới thì vốn là để “giảm bớt cảnh nghèo trên thế giới,” chứ không phải là “giúp chính phủ các nước nghèo,” như có thể nhiều người hiểu lầm. Từ mười năm qua, Ngân Hàng Thế Giới thay đổi nhiều, khi ông Chủ Tịch James Wolfenshon áp dụng chính sách buộc các nước phải bài trừ tham nhũng khi dùng các món viện trợ hoặc cho vay của Ngân Hàng Thế Giới. Một bản nghiên cứu của các giáo sư kinh tế, tài chánh như Meltzer, Sachs, vào năm 2000, đã thấy sự thất bại của các công cuộc viện trợ khi đưa tiền cho các chính phủ tham nhũng. Bản báo cáo nêu một kết luận là những nước nhận viện trợ vẫn tiếp tục nghèo nếu “chính trị bất ổn, quyền tư hữu bị hạn chế, hệ thống tư pháp yếu hoặc bị lũng đoạn, hay chính quyền tham nhũng.” Việc viện trợ cho các quốc gia đó sẽ “khá nhất cũng chỉ cứu giúp tạm thời, còn tệ nhất thì chỉ làm giàu cho hệ thống tham nhũng hoặc làm hao phí tài nguyên bản xứ cũng như từ bên ngoài đem vào.” Người cầm quyền ở những quốc gia không có luật pháp công minh có cơ hội ăn chặn bớt tiền viện trợ trên dưới chia với nhau, số tiền họ không ăn thì dùng để phân phát chút cho dân nghèo để họ đỡ phẫn uất và nổi loạn. Cả hai cách dùng đó đều nuôi dưỡng, duy trì, bảo vệ hệ thống tham nhũng. Chính Ngân Hàng Thế Giới tự thẩm lượng đã đi tới kết luận rằng 59 phần trăm các dự án đầu tư mà họ yểm trợ trong thập niên 1990 đã thất bại. Mục tiêu “giảm nghèo” của ngân hàng không đạt được.

Tham nhũng ngăn cản kinh tế không phát triển được hết tiền năng, điều này ai cũng biết. Cho nên Ngân Hàng Thế Giới không muốn đóng vai trò đồng lõa với các chính quyền tham nhũng, đem tiền đi nuôi tham nhũng ở các nước nghèo. Từ mười năm qua một phong trào đang lên trên thế giới là “minh bạch công khai,” (transparency.) Trong cuộc nói chuyện của ông Lê Ðăng Doanh với Ðảng Cộng Sản Việt Nam ông đã cho biết thế giới đánh giá chế độ cộng sản như thế nào, trong đó có Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International.) Tổ chức này là tư nhân, trụ sở ở Berlin, Ðức Quốc, mỗi năm họ thẩm lượng các chính quyền, cho điểm, xếp hạng; xếp hạng 1 là tốt nhất, gần như không có tham nhũng, hạng chót là tham nhũng chằng chịt, vô địch. Trong năm qua tổ chức này cho chính quyền Cộng Sản Việt Nam đứng hạng 102 trong số 145 quốc gia! Ông Doanh nói, “việc chi tiêu, tham nhũng, và phải cống nạp các thứ này khác, thì mình thuộc loại rất là thấp, thuộc nhóm thấp nhất trong số được xếp hạng đấy!”

Tháng Sáu này Ngân Hàng Thế Giới sẽ có một vị chủ tịch mới. Và một tin buồn mà chính quyền cộng sản ở Việt Nam nên biết, là chắc ông ta sẽ không nương tay với các chế độ tham nhũng.

Tổng Thống George W. Bush mới đưa tên ông Paul Wolfowitz làm ứng viên chức Chủ Tịch Ngân Hàng Thế Giới, làm nhiều nước Âu Châu tỏ ra bất bình. Nhưng từ lâu nay đã có thông lệ, một người Âu Châu sẽ đứng đầu Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, còn một người Mỹ sẽ coi Ngân Hàng Thế Giới. Chính phủ Mỹ có 16 phần trăm cổ phần trong ngân hàng này, là cổ đông lớn nhất, và họ có thể lôi kéo nhiều nước nhỏ bỏ phiếu cho họ. Cho nên mặc dù ông Bush có vẻ khiêu khích các nước khác khi đưa ông Wolfowitz ra, chắc cuối cùng không ai chống được trừ khi muốn gây khủng hoảng. Ông Wolfowitz là Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, là người vạch ra chính sách tấn công Iraq ngay sau vụ 11 Tháng Chín. Thực ra ông ta đã cổ động việc đánh Iraq từ thời chính phủ Clinton. Ông Bush có thói quen tưởng thưởng những người trung thành với ông, mà không thể bổ nhiệm ông Wolfowitz vào một chức bộ trưởng nào, vì biết trước rằng khi ra Thượng Viện khó mà được chấp nhận. Các nghị sĩ Mỹ sẽ không quên những lời quả quyết của ông Wolfowitz khi ông điều trần trước cuộc tấn công Iraq. Ông đã nói chắc chắn rằng Hussein có vũ khí hủy diệt tập thể. Ông cam đoan dân Iraq sẽ chạy ra đường hoan hô quân Mỹ. Ông bảo cuộc chiến tranh sẽ không tốn kém bao nhiêu vì công cuộc tái thiết đã có tiền bán dầu lửa của Iraq trang trải. Tất cả những lời nói đó bây giờ ai cũng biết là sai.

Nhưng ông Wolfowitz được ông Bush tin tưởng, và những ý kiến của ông phù hợp với quan niệm của ông Bush về vai trò của nước Mỹ trên thế giới hiện nay. Cả hai tin rằng nước Mỹ có thể hành động đơn phương không cần yểm trợ quốc tế, để phổ biến chế độ tư do dân chủ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các nước Hồi Giáo. Ðây cũng là điều các chính phủ khác không chịu được, họ chống ông Bush, và họ chống việc bổ nhiệm ông Wolfowitz.

Nhưng ông Wolfowitz có thể là một vị Chủ Tịch Ngân Hàng Thế Giới đem lại những cải tổ cho tổ chức tài chánh này, trong chiều hướng thúc đẩy việc dân chủ hóa ở những quốc gia nghèo mà ngân hàng sẽ viện trợ.

Cái tên của ông thực ra rất giống tên ông chủ tịch hiện nay, Wolfensohn, họ dám gốc cùng một dòng họ lắm. Cả hai đều có chữ Wolf, con chó sói. Ông Wolfensohn người Áo, trong tiếng Ðức sohn nghĩa là con trai. Ông Wolfowitz người gốc Ba Lan, chữ witz ở cuối tên trong tiếng Slave cũng có nghĩa là “con của...” Có thể coi như hai người trùng tên, nhưng ngôn ngữ khác nhau.

Wolfowitz vốn học toán nhưng chuyển sang chính trị học, sau khi tham gia phong trào đòi dân quyền vào năm 1963. Ông đã làm thứ trưởng ngoại giao phụ trách vùng Á Ðông từ năm 1983, thời Tổng Thống Reagan. Ba năm sau ông được cử làm Ðại Sứ Hoa Kỳ ở Jakarta, Indonesia, khi chế độ độc tài Suharto còn thịnh. Nhiều người bạn nói ba năm ở Indonesia ảnh hưởng rất lớn đến Wolfowitz vì nhìn thấy đời sống nghèo khổ của người dân trong một chế độ độc tài. Bà vợ ông lúc đó biết nói tiếng bản xứ, ông cũng học tiếng bản xứ, và đi thăm các làng quê cũng như các khu ngoại ô thủ đô Jakarta. Ông là một người Do Thái, tới một xứ Hồi Giáo đông dân nhất thế giới; nhưng ông kết bạn được với Abdurrahman Wahid là một học giả Hồi Giáo và đứng đầu tổ chức Hồi Giáo lớn nhất nước. Wolfowitz tỏ ra rất kính phục vị học giả này vì tính bao dung của ông về tôn giáo, với chủ trương tách giáo hội ra khỏi chính quyền. Sau này ông Wahid trở thành tổng thống đầu tiên được bầu lên ở Indonesia sau khi Suharto bị lật đổ và có bầu cử tự do, nhưng sau đó ông phải từ chức vì người chung quanh ông tham nhũng. Wahid đã từng đi học về giáo lý ở Baghdad, thủ đô Iraq. Ông đã kể lại chính ông chứng kiến cảnh Hussein treo cổ những người chống đối một cách tàn bạo như thế nào. Chính một vị thầy của ông cũng bị bắt và tra tấn đến chết.

Không biết những nhận xét của Wahid có ảnh hưởng tới lòng thù ghét của Wolfowitz đối với chế độ Hussein hay không. Nhưng ý kiến đòi các chính quyền nhận viện trợ phải bài trừ tham nhũng đã được gieo vào đầu Wolfowitz khi ông chứng kiến cảnh gia đình Suharto và thủ hạ sống trên tiền tham nhũng và lạm dụng quyền hành.

Cho nên khi ông Wolfowitz làm Chủ Tịch Ngân Hàng Thế Giới, chúng ta có thể tin là chiến dịch chống tham nhũng, thúc đẩy phong trào minh bạch công khai trong tổ chức này sẽ mạnh hơn. Các chính phủ Âu Châu còn muốn Tổng Thống Bush đưa ra tên nhiều ứng cử viên để lựa chọn, và nhiều người chỉ trích rằng ông Wolfowitz không có kinh nghiệm nào về tài chánh quốc tế cũng như về phát triển kinh tế. Năm 1967, Tổng Thống Johnson cũng đưa ông McNamara, cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ ra làm ứng viên Chủ Tịch Ngân Hàng Thế Giới và đã được chấp thuận. Ông McNamara cũng không chuyên về tài chánh và phát triển, nhưng ông là một người đầu tiên muốn dùng Ngân Hàng Thế Giới làm dụng cụ chống nghèo đói. Nếu ông Wolfowitz cũng theo đuổi mục tiêu chống tham nhũng ở các nước nhận viện trợ một cách quyết liệt như ông theo đuổi việc triệt hạ Saddam Hussein, thì ông sẽ giúp được nhiều người hơn mà không bị mang tiếng vì những phán đoán sai lầm. Nhưng chính quyền cộng sản trong nước Việt Nam chắc không hồ hởi đối với một người cổ động cho tính minh bạch công khai.

Muốn giúp cho guồng máy kinh tế tài chánh của Việt Nam giảm bớt tham nhũng, có lẽ ông Wolfowitz cũng nên biết là cứ hỏi họ những câu khó trả lời, theo kiểu một người ngoại quốc đã hỏi ông Lê Ðăng Doanh. Hãy hỏi các quan chức cộng sản rằng, “Một nước trí tuệ như thế này, truyền thống như thế này, sao mày ăn xin mãi thế? Sao cứ tham nhũng, ăn cắp ăn trộm công khai nhiều thế?” Nhiều người Việt Nam có khi không chịu nghe lẽ phải vì lòng tham lam, nhưng tất cả mọi người Việt Nam thì biết nhục.



Ngô Nhân Dụng

tải về 26.28 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương