Bộ máy lâu lâu nó cũng chạy



tải về 20.73 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích20.73 Kb.
#29482
Bộ máy lâu lâu nó cũng chạy
Ngô Nhân Dụng

Ký giả Mure Dickie viết về việc cải tổ các ngân hàng thương mại ở Trung Quốc, trên nhật báo Financial Times. Nói chung, vá víu.

Ở đầu bài báo, ông Dickie kể chuyện cũ, trước đây hơn 10 năm. Ông làm việc ở Bắc Kinh, là một thân chủ của Trung Quốc Ngân Hàng, một trong bốn nhà băng lớn nhất. Một hôm ông thấy ngân hàng lầm lẫn, làm cho trương mục của ông được lợi một số tiền vài ba trăm mỹ kim. Ông này học được tính “Quân tử Trung Quốc” (Xưa vẫn gọi là Quân tử Tàu) từ bao giờ không biết, bèn đến báo cho nhân viên ở trụ sở chính của ngân hàng này để trả lại tiền cho họ. Nhân viên ngân hàng không biết làm cách nào để giải quyết, chuyển ông đi từ cửa sổ này sang bàn giấy khác, mỗi lần đều phải đứng nối đuôi chờ đợi; cho tới khi ông nản chí bỏ cuộc luôn. Người thâu ngân viên sau cùng nói cảm ơn thiện chí của ông; nhưng cô thú nhận cô không có phương án nào giải quyết mối bận tâm của ông cả.

Người sống ở một nền kinh tế bình thường chắc không hiểu nổi thái độ của các nhân viên ngân hàng này. Thấy thân trủ đến trả lại tiền cho ngân hàng, tức sở làm, cơ quan, chủ nhân của mình thì phải mừng rỡ lấy lại ngay mới phải chứ? Họ không có sẵn phương án nào để nhận tiền người ta trả thì cứ đặt ra những thủ tục mới, nếu không thì chính ngân hàng bị thiệt. Nhưng họ không dám làm gì cả. Hoặc vì sợ để lộ những lỗi lầm của mình gây ra sự việc đó, hoặc vì không dám làm phiền thủ trưởng của họ phải giải quyết một chuyện tầm thường chỉ có vài trăm mỹ kim! Tóm lại, đúng là lối làm ăn tiêu biểu quốc doanh! Chuyện nhỏ như vậy, chắc chuyện lớn cũng không khác. Từ trên xuống dưới đã quen thói “dùng tiền chùa!”

Cuối bài báo, ông Dickie kể một kinh nghiệm bản thân gần đây. Năm ngoái, ông dùng thẻ rút tiền ở một cái máy tự động (ATM) của Ngân Hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) tính lấy ra 2,000 nhân dân tệ, khoảng 250 đô la Mỹ. Ðó là ngân hàng thương mại lớn nhất thuộc nhà nước, được ông tin cậy. Ông nghe tiếng máy ATM chạy rì rì như đếm tiền, rồi ngưng, chẳng thấy đồng tiền nào ra cả.

Khi vào ngân hàng khiếu nại, lúc đầu họ khăng khăng quả quyết là máy trục trặc nên việc rút tiền bị đình chỉ; sau cùng họ mới nhận là máy có trừ khoản tiền đó ra khỏi trương mục của ông; và họ hứa sẽ bồi hoàn. Trong khi đôi co, ông được biết thêm là cái máy ATM này nó hay bị hư như vậy lắm vì khách hàng cứ vào than phiền hoài. Khi nhà báo hỏi nếu cái máy hay hư như vậy tại sao ngân hàng không bỏ nó đi, vị quản đốc quơ tay nói, “Nhưng lâu lâu máy nó cũng chạy!”

Ðọc xong câu chuyện trên tôi thấy có điều gì không ổn. Một chuyện lớn chứ không phải nhỏ.

“Lâu lâu máy nó cũng chạy” có thể là một lý do để giữ cái máy ATM ở đó hay không? Ở những khu thương xá bên này, có những cái máy bán kẹo viên bé tí cho trẻ em theo cha mẹ đi mua sắm ghé vào mua kẹo. Bỏ vô máy một, hai đồng xu nhỏ, máy chạy ra mấy cục kẹo xanh xanh đỏ đỏ. Nhưng có lúc máy không chạy, em bé bỏ tiền vô mà kẹo không ra, những người phụ trách ở thương xá thường quàng kín cái máy lại, viết mấy chữ: “Máy hư” gắn lên. Tránh không để thân chủ mất tiền và bực mình. Ở bên lề đường phố đông hay có những cột tính giờ đậu xe tự động, bỏ 25 xu vô thì có quyền đậu xe được 15 phút, tối đa đậu 2 tiếng. Cũng vậy, nếu máy hư, người ta đem chụp kín đầu để không ai bỏ tiền vô mà đồng hồ không chạy, mất tiền vô ích. Nếu một cái máy ATM không chịu phát tiền ra chắc người chủ cũng cho nó nghỉ chứ không để thân chủ bất bình.

Tại sao người ta phải cho những cái máy bị hư ngưng hoạt động? Chắc là vì không muốn mất khách, vì muốn bảo vệ lợi nhuận của cơ sở thương mại. Nhưng đó là một chuyện nhỏ, vì thực ra trong hành động đó có những lý do sâu xa và cơ bản hơn.

Khi một cửa hàng, nhà băng, hay thành phố đặt những cái máy tự động cho thân chủ dùng, họ có một thứ hợp đồng giữa hai bên. Khi dùng thẻ rút tiền tự động của ngân hàng, chắc chúng ta đã ký những hợp đồng, ít ai đọc hết. Nhưng khi thành phố đặt những máy tính giờ đậu xe bên cạnh đường, họ cũng bị ràng buộc bởi những hợp đồng do luật lệ ấn định. Dù ký kết hay không, người sử dụng và người đặt máy cũng có những hợp đồng ngầm hiểu với nhau. Là bên này dùng máy thì bên kia bảo đảm là máy chạy. Bình thường là máy phải chạy, thỉnh thoảng máy có bị hư thì bên đặt máy đã làm sai bản hợp đồng ngầm đó.

Nhưng phải coi chuyện máy hư là trường hợp bất thường và khi chuyện đó xảy ra thì phải cho máy ngưng ngay. Không thể nói rằng “Cái máy này nó hay bị hư, nhưng cứ để đó vì lâu lâu nó cũng chạy!” Mà đó chính là lối suy nghĩ của vị quản đốc một chi nhánh ngân hàng ở Trung Quốc.

Tại sao một con người có ăn học, có địa vị, và sống giữa thủ đô một nước văn minh, đã tiếp xúc với người ngoại quốc, mà lại có lối suy nghĩ như vậy nhỉ?

Theo tôi, đó là một câu hỏi rất quan trọng.

Bởi vì bộ máy nhà nước cai quản xã hội cũng có vai trò giống như các bộ máy khác. Nó được đem ra bày đó với mục đích phục vụ thân chủ, được gọi là nhân dân. Phần lớn chúng ta khi sinh ra là đã thấy có bộ máy đó sẵn rồi nên không để ý, coi như Trời đã sinh ra ông nhà nước ngay từ lúc tạo thiên lập địa rồi. Nhưng thực ra đáng lẽ mọi người đều phải đặt câu hỏi: Bày bộ máy đó ra đây để làm cái gì vậy?

Hãy khoan bàn về vai trò của nhà nước trong xã hội, không bàn đến chuyện nhà nước phải dân chủ, phải được dân bầu, vân vân. Hãy nhìn nhà nước giống như một cái máy đậu xe tự động hay máy bán kẹo. Nó được đặt ra ở đó để cung cấp những thứ dịch vụ như là cấp bằng lái xe, sửa đường sá, giữ trật tự an ninh, vân vân, và tất nhiên, bắt mình đóng thuế. Ðiều đầu tiên là chúng ta phải giả thiết rằng cái máy đó chạy đã. Nếu nó không chạy, tức là chuyện bất thường. Không thể coi như cái nhà nước đó “lâu lâu máy nó cũng chạy” là điều may mắn đáng mừng rồi!

Mà ở những quốc gia như Trung Quốc hoặc Việt Nam, họ quen suy nghĩ theo lối nhìn guồng máy nhà nước “lâu lâu máy nó cũng chạy,” coi đó là điều may mắn, phúc đức cho dân. Mỗi lần thấy máy chạy một cái là phải tung hô, đời đời nhớ ơn! Cái ông quản đốc nhà băng ở Trung Quốc suy nghĩ như vậy, cho nên ông ấy mới biện minh việc giữ nguyên cái máy ATM, vì “lâu lâu máy nó cũng chạy!”

Cái quan niệm đó có phải do nền văn hóa Khổng Mạnh nó tạo ra hay không? Có thể lắm, nhưng không chắc chắn. Chế độ phong kiến tập cho người ta cái thói coi bộ máy quan chức là cha mẹ. Cha mẹ thì hiển nhiên rồi, mình sinh ra đời là đã phải gọi cha là cha, làm sao tránh được? Thời phong kiến quan niệm đó đã in sâu hàng ngàn năm, mất công lắm mới gột rửa được.

Nhưng tại sao trong chế độ cộng sản, một sản phẩm của Tây Phương, quan niệm nhà nước “lâu lâu máy nó cũng chạy” vẫn còn nguyên vẹn vậy?

Nghĩ cho kỹ thì có hai lý do. Vì bản chất chế độ cộng sản là độc tài, chuyên chế, cho nên nó cũng không khác gì nhà nước phong kiến. Lý do thứ hai là nhà nước cộng sản bắt dân chúng ca ngợi họ, nhớ ơn họ, không khác gì mà còn mạnh mẽ hơn, thường xuyên hơn cái nhà nước quân chủ đời xưa. Với lối cai trị như vậy, họ không những kéo dài mà còn củng cố tinh thần phong kiến cho chặt chẽ, rộng rãi hơn xưa nữa!

Ðến lúc người dân, những người tiêu thụ các dịch vụ của bộ máy nhà nước phải đặt câu hỏi, phải đặt những câu hỏi căn bản.



NGÔ NHÂN DỤNG

tải về 20.73 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương