THỂ DỤc thể thao tỉnh hải dưƠng 70 NĂm xây dựng và phát triểN



tải về 86.96 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích86.96 Kb.
#29281
THỂ DỤC THỂ THAO TỈNH HẢI DƯƠNG

70 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN.
Ngày 27/3/1946, sự nghiệp Thể dục thể thao (TDTT) Việt Nam được Bác Hồ khai sinh với mục tiêu “Dân cường, nước thịnh”, cùng với TDTT Việt Nam, 70 năm qua TDTT tỉnh Hải Dương luôn được quan tâm phát triển đáp ứng các nhiệm vụ chính trị ở từng giai đoạn lịch sử, góp phần vào công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

I. THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN KIẾN QUỐC 1946-1954:

Năm 1946, cùng với cả nước, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng và chính quyền, tỉnh Hải Dương đã dấy lên phong trào tập luyện TDTT ở cả thành thị và nông thôn. Ở các huyện Kim Thành, Ninh Giang, Bình Giang, Cẩm Giàng xuất hiện nhiều đội bóng đá thôn thu hút đông đảo thanh niên tham gia luyện tập và thường xuyên tổ chức các buổi thi đấu giao hữu. Ngày 2/6/1946, Đại hội khỏe tỉnh Hải Dương được tổ chức trọng thể trên sân vận động thành phố, Đại hội đã biểu dương lực lượng của tuổi trẻ trong phong trào “Thanh niên Hải Dương khỏe vì nước”. Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh lần thứ nhất 2/9/1946, nhiều trò vui dân gian được tổ chức sôi nổi ở nhiều nơi trong tỉnh như: bơi chải, cầu thùm, vật…

Kháng chiến tiếp tục bùng nổ, phong trào tập luyện TDTT tỉnh Hải Dương không bị dập tắt, các sân cỏ ở TP Hải Dương, sân Bàn quần (thị trấn Kinh Môn), sân vận động thị trấn Ninh Giang, thị trấn Nam Sách, Tiền Định (Chí Linh)... thanh niên, thiếu niên vẫn đá bóng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phong trào TDTT vẫn được đẩy mạnh trong thanh, thiếu niên và dân quân tự vệ gắn với 3 môn thể dục quân sự: vượt chướng ngại vật, chạy mang vác, chạy vũ trang; các môn bóng đá và bóng chuyền trong thanh niên được phát triển, nổi bật như huyện Thanh Hà đã có trên 20 đội bóng chuyền, các huyện Chí Linh, Kinh Môn, Kim Thành đều có các đội Bóng chuyền xã, bóng chuyền thôn. Công tác giáo dục, rèn luyện sức khỏe trong thanh, thiếu niên đã được chú ý trong nhà trường. Từ năm 1948 đến 1953, các trường học ở thị xã Hải Dương đã có giáo viên thể dục. Tại các vùng giải phóng thanh niên Hải Dương có điều kiện tổ chức nhiều hoạt động thể thao, thi đấu bóng chuyền, bóng đá….

Thời kỳ này, các xã, thôn trong tỉnh đều lấy hoạt động TDTT để phuc vụ chính trị, nhiều đội thể thao, nhiều cầu thủ, vận động viên không chỉ hăng hái tuyên truyền “khỏe vì nước”, là đấu thủ trên sân mà còn là dân quân, thanh niên tiền phong luôn sẵn sàng chiến đấu. Sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, hoạt động TDTT tạm thời phải hoãn, đi vào hoạt động nhỏ lẻ, chuyển hướng cho phù hợp với tình hình.

Sau khi tỉnh Hải Dương được giải phóng hoàn toàn vào ngày 30/4/1954, chính quyền mới chỉ đạo Đoàn thanh niên chủ động tổ chức các hoạt động văn nghệ, TDTT, nhiều trận thi đấu bóng chuyền, bóng đá diễn ra hân hoan chào mừng ngày giải phóng, TDTT Hải Dương bắt đầu sang trang sử mới.

II. THỜI KỲ XÂY DỰNG CNXH Ở MIỀN BẮC, ĐẤU TRANH GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (1955-1975)

* Ở Trung ương:

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954), cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược đã kết thúc thắng lợi, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, chính quyền nhân dân các cấp được xây dựng và củng cố. Nhiệm vụ khoi phục và phát triển kinh tế, phát triển VHXH đòi hỏi phải thiết lập tổ chức bộ máy của các ngành. Công tác TDTT nhằm góp phần phục hồi và tăng cường sức khỏe nhân dân sau chín năm kháng chiến trở nên hết sức cấp thiết.

Năm 1956 Chính phủ ra quyết định thành lập Ban TDTT trung ương; Ngày 21/12/1956, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 1186/TTg về vệc thành lập cơ quan TDTT (Ban hoặc Phòng) ở thành phố và tỉnh trực thuộc Ủy ban hành chính cùng cấp; Ngày 6/3/1957, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 068/TTg về việc thành lập Ban TDTT trung ương trực thuộc Thủ tướng phủ, đồng thời Nghị định cũng quy định việc thành lập các Ban TDTT các khu, thành phố, tỉnh để chỉ đạo công tác TDTT ở địa phương; Năm 1959, Chính phủ quyết định nâng Ban TDTT trung ương lên thành Ủy ban TDTT; Đầu năm 1971, Ủy ban TDTT được đổi tên thành Tổng Cục TDTT.

* Ở tỉnh Hải Dương

Trong những năm đầu hòa bình lập lại ở Miền Bắc, phong trào TDTT ở Hải Dương chủ yếu được phát động trong quân chúng nhân dân, cán bộ các cơ quan. Các phong trào điển hình như: “Phong trào rèn luyện thân thể mùa xuân”, “Phong trào thể dục, vệ sinh” do tổ chức Đoàn Thanh niên là nòng cốt tôt chức.

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tháng 3/1956 Phòng TDTT trực thuộc Uỷ ban Hành chính tỉnh Hải Dương được thành lập gồm có 3 cán bộ, đồng chí Trần Thành Chương được cử làm trưởng phòng TDTT. Đây là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước đầu tiên của tỉnh về TDTT. Đội ngũ cán bộ TDTT ở các huyện, thị xã được tập hợp lại để vận động, tổ chức và hướng dẫn nhân dân tập luyện theo đường lối và chủ trương phát triển của Đảng và Nhà nước. Năm 1957, phòng TDTT cấp huyện đầu tiên được thành lập ở thị xã Hải Dương.

Năm 1959, nhằm tăng cường công tác thể thao quốc phòng, Phòng TDTT tỉnh được nâng lên thành Ban thể dục thể thao tỉnh, đồng chí Lê Thừa Giao Tỉnh đội trưởng làm Chủ nhiệm, đ/c Trần Thành Chương, trưởng phòng được bổ nhiệm là Phó chủ nhiệm trực tiếp lãnh đạo phong trào. Giai đoạn đầu cơ sở vật chất, trang thiết bị còn quá thiếu thốn, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ lúc bấy giờ, tỉnh Hải Dương nhanh chóng phát triển phong trào tập luyện các môn thể thao như: bóng chuyền, bóng đá, bơi lội và các môn thể thao dân tộc như: võ, gậy, bơi chải... phong trào không chỉ ở những thị xã mà đã lan rộng xuống cả các vùng nông thôn rộng lớn. Đặc biệt phong trào bơi lội của tỉnh Hải Dương được báo cáo điển hình toàn miền Bắc. Thời kỳ này đã xuất hiện những danh thủ thể thao nổi tiếng như Lê Thế Thọ, Phạm Ngọc Khánh, Phùng Mạnh Ngọc là những tuyển thủ đầu quân cho đội tuyển bóng đá quốc gia từ những năm đầu thập kỷ 60 làm nhiệm vụ thi đấu quốc tế, Nguyễn Chí Lập giành HCĐ giải bơi lội Châu Á năm 1963, Nguyễn Ngọc Phan cây vợt bóng bàn tiêu biểu thiếu niên toàn miền Bắc, Hoàng Thị Chinh (xã Văn An, Chí Linh) vô địch 5 môn chạy, nhảy, bơi, bắn, võ toàn miền Bắc năm 1967...

Ngày 1/3/1968 hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng theo Nghị quyết số 506 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Kế theo đó Ban TDTT hai tỉnh cũng được hợp nhất thành Ban TDTT tỉnh Hải Hưng. Đồng chí Lê Thừa Giao, Tỉnh đội trưởng giữ chức Chủ nhiệm, đồng chí Hà Việt Thiện làm phó chủ nhiệm trực tiếp lãnh đạo ban để phát triển phong trào TDTT của tỉnh vừa sát nhập.

Ngày 1/11/1972, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Hưng đã ra quyết định số 32 chuyển tổ chức Ban TDTT thành Ty TDTT tỉnh Hải Hưng và cử đồng chí Nguyễn Đức Tiền, Bí thư thị ủy thị xã giữ chức trưởng Ty TDTT.

Năm 1973, toàn tỉnh đi vào thực hiện phong trào “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” của liên ngành TDTT, giáo dục, quân sự và đoàn thanh niên đã động viên đông đảo thanh niên, học sinh, dân quân tự vệ vào hoạt động TDTT, đưa TDTT lên bước phát triển mới với khí thế ra quân toàn diện. Tỉnh Hải Hưng đã thành lập CLB bóng bàn, thành lập đội tuyển bóng chuyền nữ, bóng chuyền nam và các môn thể thao khác như : bắn súng, điền kinh, bơi lội ... Thời kỳ này các địa phương đã xuất hiện những đơn vị điển hình tiên tiến và có nhiều VĐV của tỉnh giành Huy chương quốc gia và quốc tế.

Sau ngày 30/4/1975 đất nước thống nhất, đây là điều kiện thuận lợi mở ra cho tỉnh Hải Dương xây dựng phong trào TDTT trong thanh, thiếu niên, học sinh, nhất là đào tạo VĐV các môn thể thao thành tích cao của 5 môn thể thao trọng điểm của tỉnh, được sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo sâu sát, thiết thực của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh, các môn: Bóng bàn, bắn súng, bóng chuyền, điền kinh, bơi lội lần lượt ra đời. Phong trào TDTT quần chúng đã xuất hiện những đơn vị điển hình tiên tiến về phát triển các môn chạy, nhảy, bơi, bắn, võ... như thị xã Hải Dương, xã Nam Chính (huyện Nam Thanh), xã Hùng Sơn (Thanh Miện)… được báo cáo điển hình toàn quốc.



III. THỜI KỲ CẢ NƯỚC XÂY DỰNG CNXH 1976-1985:

Từ năm 1976, Cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc, đất nước được thống nhất, cả nước chung tay xây dựng CNXH. Cùng với khí thế chung của phong trào TDTT toàn quốc, TDTT của tỉnh đã được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, được chính quyền địa phương chỉ đạo sát sao và tạo mọi điều kiện để phát triển. Mở đầu là việc ngành TDTT tỉnh tổ chức phổ biến, nghiên cứu, quán triệt, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 227/CT-TWngày 18/11/1975 của Ban bí thư Trung ương Đảng về công tác TDTT trong tình hình mới. Đồng thời tham mưu cho tỉnh và các huyện, thị xã có Nghị quyết về tăng cường lãnh đạo công tác TDTT. Đây là thời kỳ TDTT của tỉnh Hải Hưng hướng tới mục tiêu “Xây dựng phong trào rộng, lực lượng mạnh”; “Xây dựng mô hình mẫu: Nhà trường làm trung tâm, thanh niên làm nòng cốt, hợp tác xã làm cơ sở”. Từ đó phong trào TDTT cơ sở của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực với các điển hình là: Nam Chính, Ái Quốc (Nam Sách), Văn An, Hoàng Hoa Thám (Chí Linh), An Thanh (Tứ Kỳ), Gia Tân (Gia Lộc), Thanh Bình (TX Hải Dương), Tiền Tiến (Thanh Hà)…

Giai đoạn 1978-1980, Ty TDTT tích lũy được nhiều kinh nghiệm tốt và đạt được thành tích thể thao nhất định: Danh thủ bóng bàn Nguyễn Ngọc Phan giành chức vô địch giải bóng bàn toàn quốc lần đầu tiên khi đất nước thống nhất, được bầu chọn là “VĐV tiêu biểu toàn quốc lần thứ nhất” (1978), được Nhà nước thặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba (1980). Đây là Huân chương lao động cá nhân đầu tiên của ngành TDTT tỉnh ta; Xạ thủ Nguyễn Đức Uýnh vô địch môn súng ngắn bắn nhanh và được tham dự Thế vận hội Matsxcơva năm 1980 là niềm tự hào cho thể thao tỉnh nhà; Đội tuyển bóng chuyền nữ từ vị trí thứ 4 giải A1 năm 1976 vươn lên giành ngôi vô địch giải A1 toàn quốc các năm 1978, 1980; Bơi lội năm 1980 đạt thành tích vô địch bơi các xã điểm toàn quốc; Môn bóng bàn đồng đội nam đứng thứ 4 tại giải vô địch toàn quốc và đứng thứ 3 giải các đội mạnh toàn quốc năm 1981…

Ngày 27/11/1982, theo cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý ngành của Nhà nước, Ty TDTT được đổi tên thành Sở TDTT tỉnh Hải Hưng. Đồng chí Lương Hồng Phúc giữ chức vụ Giám đốc Sở, hai đồng chí Vũ Khắc Lùng và Nguyễn Luận là phó Giám đốc Sở TDTT.

Năm 1983, “Hội khỏe Phù Đổng” của học sinh toàn tỉnh lần thứ I tổ chức trên SVĐ thị xã Hải Dương, 12 đoàn của 12 huyện, thị xã tham dự đã trở thành ngày hội của học sinh học đường. Tiếp đó, tỉnh ta tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ I từ 8-16/10/1983 tại Hà Nội với 2 môn điền kinh và bóng đá, giành vị trí thứ 8 toàn quốc.

Năm 1984-1985, Đại hội TDTT các cấp tỉnh Hải Dương lần đầu tiên được tổ chức, đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu, kế hoạch đề ra với 420 đơn vị cơ sở, 12 huyện, thị xã và 2 ngành công an, quân đội tổ chức thành công Đại hội. Đại hội TDTT cấp tỉnh được khai mạc vào ngày 28/4/1985 với sự tham gia của 12/14 đơn vị, các đơn vị TX Hải Dương, huyện Chí Linh, huyện Nam Thanh lần lượt giành vị trí Nhất. Nhì, Ba toàn đoàn. Tham gia Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ nhất tại Thủ đô Hà Nội, đoàn VĐV của tỉnh gồm 16 VĐV, thi đấu 4/22 môn, giành 12 huy chương (1 HCV, 4 HCB, 7 HCĐ) xếp thứ 10/47 tỉnh, thành, ngành. VĐV Phí Thị Thắm (điền kinh) giành 1 HCV (đầu tiên của Đại hội) và 3 HCB, được Tổng Cục TDTT tặng Bằng khen.



IV. THỜI KỲ ĐỔI MỚI VÀ HỘI NHẬP TỪ 1986 ĐẾN NAY:

* Ở Trung ương:

Ngày 31/3/1990, Hội đồng Nhà nước ra Quyết định số 244 về việc thành lập Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch do đ/c Trần Hoàn làm Bộ trưởng; Đến ngày 27/7/1991, Nghị quyết Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 4 Quyết định đổi tên thành Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao.

Ngày 29/01/1991 Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà XHCN Việt Nam ban hành Chỉ thị số 25 lấy ngày 27/3 hàng năm là ngày Thể thao Việt Nam.

* Ở tỉnh Hải Dương:

Trước tình hình và nhiệm vụ phát triển sự nghiệp TDTT của tỉnh giai đoạn 1986-1990 chủ trương của ngành là tập trung xây dựng phong trào TDTT quần chúng với phương châm nhân rộng những đơn vị điển hình tiên tiến và tiếp tục chọn TX Hải Dương và huyện Nam Thanh là hai đơn vị làm điểm để xây dựng phong trào. Năm 1987, thị xã Hải Dương được Tổng cục TDTT công nhận là đơn vị có phong trào TDTT tiên tiến cấp thị xã đầu tiên của cả nước và cũng trong năm 1987, thị xã Hải Dương được Nhà nước tặng Huân chương lao động hàng 3 về TDTT.

Thể thao thành tích cao vẫn được duy trì với 5 môn thể thao mũi nhọn. Năm 1986, đội tuyển bóng chuyền nam công an hạng A1 đoạt chức vô địch giải bóng chuyền công nhân viên chức; Môn bắn súng 3 cá nhân đoạt chức vô địch quốc gia; Năm 1987 vô địch đơn nam giải bóng bàn; vô địch cá nhân nam, cá nhân tuổi nhi đồng bóng bàn; vô địch cự ly 200m bơi ếch nữ; danh thủ Nguyễn Đức Long lần đầu tiên giành tấm huy chương vàng đơn nam Giải vô địch bóng bàn Báo Nhân Dân lần thứ VII; Năm 1988 vô địch đồng đội nam, đơn nam giải bóng bàn Báo Người giáo viên Nhân dân; 1989, xạ thủ Nguyễn Đức Uýnh giành huy chương vàng đồng đội; cây vợt Nguyễn Đức Long đạt HCB đồng đội tại Sea games 15.

Tháng 1/1991, UBND tỉnh ra quyết định thành lập Sở Văn hóa, Thông tin và Thể thao Hải Hưng trên cơ sở hợp nhất Sở Văn hoá-Thông tin và Sở TDTT, đồng chí Nguyễn Đình Nhã giữ chức vụ Giám đốc Sở, đồng chí Vũ Khắc Lùng, giữ chức phó Giám đốc thường trực. Trong thời gian hợp nhất Sở, các mặt hoạt động Văn hoá, Thông tin và TDTT không hề bị xáo trộn; sự nghiệp Văn hoá, Thông tin và TDTT vẫn giữ vững vị thế của một tỉnh có phong trào mạnh toàn quốc. Với thành tích tại 3 kỳ Đại hội TDTT toàn quốc: Đại hội TDTT lần thứ I (1985); lần thứ 2 (1990), lần thứ 3 (1995) ngành TDTT tỉnh Hải Hưng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba (1986), hạng hai (1990) và hạng nhất (1996).

Ngày 17/6/1994, Sở Văn hóa, Thông tin và Thể thao lại được chia tách và lấy tên như cũ là Sở Văn hóa Thông tin và Sở TDTT Hải Hưng. Ngày 1/1/1997 tỉnh Hải Hưng được chia tách thành Hải Dương và Hưng Yên, theo đó Sở Thể dục thể thao Hải Dương được tái lập, đ/c Vũ Khắc Lùng giữ chức Giám đốc Sở. Sau khi ổn định bộ máy của ngành, Ban lãnh đạo Sở nhanh chóng triển khai sâu rộng phong trào TDTT quần chúng, nâng cao thành tích các môn thể thao, nhất là 5 môn thể thao mũi nhọn: Bóng bàn, bắn súng, bóng chuyền, điền kinh, bơi lội, mở rộng thêm quan hệ quốc tế về TDTT.

Ngày 1/4/2008, hai Sở TDTT và Sở Văn hoá, Thông tin hợp nhất thành Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hải Dương theo Quyết định của UBND tỉnh, đồng chí Đặng Việt Cường giữ chức Giám đốc Sở. Đây là kỳ hợp nhất Sở lần thứ 2.



* Tổ chức bộ máy ngành VHTTDL hiện nay:

Từ năm 2008 đến nay, công tác tổ chức, bộ máy của ngành từng bước được kiện toàn, nguồn nhân lực của ngành được tăng cường về chất và lượng. Cấp tỉnh hiện có 10 phòng Quản lý Nhà nước, 14 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở trong đó sự nghiệp TDTT có 1 phòng quản lý nhà nước và 4 đơn vị sự nghiệp là: Nhà thi đấu TDTT, Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện thể thao, Trung tâm Bóng bàn, Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và thi đấu thể thao dưới nước; Cấp huyện: có 12 phòng Văn hóa - Thông tin thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 4 Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao, 7 Trung tâm Văn hóa - Thể thao, 1 Trung tâm Văn hóa - Thông tin, 1 Trung tâm Thể dục thể thao; Cấp xã: 265/265 xã, phường, thị trấn có cán bộ công chức văn hóa cơ bản được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn từ trung cấp trở lên. Phát huy truyền thống đoàn kết của ngành, Ban chấp hành Đảng ủy, tập thể lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn chăm lo mối đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn vươn lên hoàn thành nhiệm vụ, trọng trách mới. Để ghi nhận những thành tích xuất sắc của ngành đã đạt được, năm 2010, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì.



* Về Phong trào thể dục thể thao quần chúng:

Thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và gần đây là phong trào “Ngày chạy olympic vì sức khỏe toàn dân”, phong trào TDTT quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ, thu hút được sự tham gia hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân, nhiều môn thể thao dân tộc được khôi phục và tập luyện rộng khắp. Đến năm 2015, toàn tỉnh có trên 27% dân số tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên (tăng 4,5%), 18% gia đình thể thao (tăng 4%), có trên 3.500 CLB, nhóm tập luyện TDTT ( tăng 15%) so với năm 2008.

Tổ chức thành công 7 kỳ Đại hội TDTT các cấp theo hướng dẫn chỉ đạo của Trung ương. Đại hội TDTT lần thứ V (2006), lần thứ VI (2010) với 12/12 huyện, thị xã, thành phố và 2 ngành công an, quân đội, 263/265 xã, phường, thị trấn tổ chức Đại hội TDTT. Đặc biệt, Đại hội TDTT lần thứ VII (2014) 100% huyện, thị xã, thành phố và 2 ngành công an, quân đội, 265/265 xã, phường, thị trấn (100%) tổ chức Đại hội TDTT. Phong trào TDTT quần chúng thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, phát triển kinh tế xã hội.

* TDTT tham gia xây dựng Nông thôn mới:

Thực hiện phong trào xây dựng Nông thôn mới, cơ sở vật chất, thiết chế Văn hóa, thể thao nói chung, TDTT nói riêng được tăng cường. Đến nay, gần 100% làng, thôn có sân chơi thể thao, gần 50% xã có sân vận động, nhiều tập thể, cá nhân có sân chơi và cơ sở tập luyện TDTT; Các thôn, làng, xã tổ chức nhiều giải thể thao thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham dự.

Các hoạt động trên đem lại kết quả to lớn trong việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

* Về Thể thao thành tích cao:

1. Thành tích trong các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc:

Hải Dương luôn duy trì là 1 trong 10 tỉnh, thành ngành có thành tích thể thao mạnh nhất cả nước: Thể hiện ở kết quả bảng tổng sắp huy chương tại các kỳ đại hội TDTT toàn quốc lần thứ I (1985) đến lần thứ VII (2014) đều xếp trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu. Cụ thể như sau:




Đại hội

Năm

Số môn tham dự

Số VĐV

HUY CHƯƠNG

Tổng số

Xếp hạng

Vàng

Bạc

Đồng

Lần I

1985

4/22

16

1

4

7

12

10/47

Lần II

1990

5/24

21

3

8

1

12

8/47

Lần III

1995

5/26

35

5

4

4

13

10/56

Lần IV

2002

8/29

65

10

11

13

34

9/64

Lần V

2006

15/53

147

16

20

34

70

8/64

Lần VI

2010

16/42

147

29

19

23

71

7/65

Lần VII

2014

20/36

238

25

24

36

85

7/65


2. Thành tích tại Đại hội TDTT Đông Nam Á (Sea games):

Các HLV, VĐV nhiều môn thể thao của tỉnh Hải Dương tham gia Đoàn thể thao Việt Nam tham dự các kỳ Sea games thi đấu giành thứ hạng cao, góp phần vào thành tích chung của Thể thao Việt Nam ở các kỳ Sea games:

- Seagames 15 tại Malaysia (1989): Đạt 02 huy chương (01 HCV, 01 HCB).

- Seagames 16 tại Philippies (1991): Đạt 01 huy chương (01 HCĐ).

- Seagames 17 tại Singapore(1993): Đạt 02 huy chương (02 HCĐ).

- Seagames 18 tại Thái Lan (1995): Đạt 02 huy chương (01 HCV, 01 HCB).

- Seagames 19 tại Indonesia(1997): Đạt 04 huy chương (01 HCV, 03 HCĐ).

- Seagames 20 tại Bruley(1999): Đạt 04 huy chương (02 HCB, 02 HCĐ).

- Seagames 21 tại Malaysia (2001): Đạt 06 huy chương (02 HCV, 01 HCB, 03 HCĐ).

- Seagames 22 tại Việt Nam (2003): Đạt 11 huy chương (08 HCV, 01 HCB, 02 HCĐ).

- Seagames 23 tại Philippies(2005): Đạt 06 huy chương (01 HCV, 04 HCB, 01 HCĐ)

- Seagams 24 tại Thái Lan (2007): Đạt 13 Huy chương (2 HCV, 4 HCB, 7HCĐ).

- Seagams 25 tại Lào (2009): đạt 10 Huy chương (3 HCV, 5 HCB, 2 HCĐ).

- Seagames 26 tại Indonesia (2011): Đạt 11 huy chương(4HCV, 5HCB, 2HCĐ).

- Seagames 27 tại Myanmar (2013): Đạt 07 huy chương (4HCV, 1HCB, 2HCĐ.

- Seagames 28 tại Singapore (2015): Đạt 19 huy chương (9 HCV, 5 HCB, 5 HCĐ).



3. Thành tích tại Đại hội Thể thao Châu Á (ASIAD):

HLV, VĐV các môn thể thao của tỉnh Hải Dương như: Bắn súng, Đấu kiếm, Cử tạ, Đua thuyền rowing, Điền kinh, Bóng bàn ... trong thành phần Đoàn thể thao Việt Nam dự các kỳ Đại hội đạt Huy chương Bạc, Huy chương Đồng.

- Đại hội TDTT Châu Á (ASIAD 16) tại Quảng Châu - Trung Quốc (2010): Đạt 1 HCB đồng đội môn đua thuyền rowing. (VĐV Nguyễn Thị Hựu, VĐV Đặng Thị Thắm).

- Đại hội TDTT Châu Á (SIAD 17) tại Hàn Quốc (2014): Đạt 1 HCB, 2 HCĐ. Trong đó môn Đua thuyền Rowing đạt 1 HCB, 1 HCĐ (VĐV Lê Thị An); Môn Bắn súng đạt 1 HCĐ (VĐV Trần Quốc Cường).



4. Tham dự các kỳ Thế vận hội (Olympic):

- VĐV Nguyễn Đức Uýnh, môn Bắn súng được tham dự Olympic tại Matxcơva năm 1980;

- VĐV Nguyễn Thị Thiết, môn Cử tạ được 2 lần tham dự Olympic (năm 2004 tại Athena – Hy lạp và năm 2008 tại Bắc Kinh Trung Quốc);

- VĐV Trần Quốc Cường, môn Bắn súng được tham dự Olympic tại Rio de Janeiro, Brazil vào tháng 8 năm 2016.







tải về 86.96 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương