Chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành của ttvn



tải về 21.55 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích21.55 Kb.
#24737

Chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành

của TTVN (27/3/1946-27/3/2016)

Nền TDTT nước nhà được xây dựng theo quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phục vụ nhiệm vụ cách mạng, vì lợi ích của nhân dân. Trên cơ sở phát huy truyền thống thượng võ hàng nghìn năm của dân tộc, nền Thể dục thể thao cách mạng tiếp thu có chọn lọc những nhân tố tích cực của Thể dục thể thao từ hồi Pháp thuộc. Trong thời kỳ vận động cách mạng giải phóng dân tộc ấy, Đảng ta luôn quan tâm đến Thể dục thể thao và coi đó như một vũ khí đấu tranh, một phương diện tập hợp lực lượng, giác ngộ quần chúng, nhất là thanh niên, vùng lên tham gia đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp, phát xít Nhật, giải phóng dân tộc.

Ngay từ năm 1941, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh đã nêu lên những định hướng lớn đầu tiên về quan điểm, chính sách thể dục thể thao của chính quyền cách mạng. Chương trình Việt Minh công bố tháng 10/1941 đề cập một hệ thống chính sách của nước Việt Nam mới, trong đó có nội dung về thể dục thể thao: "Khuyến khích và giúp đỡ nền thể dục quốc dân, làm nòi giống ngày thêm mạnh" và "Trẻ em được Chính phủ đặc biệt săn sóc về thể dục, trí dục và đức dục".

Sau ngày cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng ta vừa lãnh đạo nhân dân chống “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, vừa quan tâm khắc phục “nạn yếu” của một dân tộc (tức là sức khỏe sút kém của nhân dân)- hậu quả của chế độ thực dân, phong kiến áp bức, bóc lột kéo dài vô cùng nặng nề, trực tiếp là nạn đói và chiến tranh. Trong hoàn cảnh đó, dù công việc lãnh đạo đất nước vô cùng bề bộn, nhưng với trí tuệ siêu việt, với tinh thần cách mạng và tầm nhìn xa trông rộng, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã nêu lên một vấn đề có tính quốc sách: phải nâng cao sức khỏe cho toàn dân. Một trong những biện pháp tích cực là luyện tập thể dục một công việc tiến hành “không tốn kém khó khăn gì”. Vì vậy, Người đã dành cho công tác thể dục thể thao một mối quan tâm đặc biệt.

Từ yêu cầu của thực tế và định hướng chính sách đã nêu trên, đặt ra nhiệm vụ sớm xây dựng và phát triển nền thể dục thể thao của chế độ mới, để góp phần bồi bổ sức khỏe của nhân dân, cải tạo nòi giống đòi hỏi phải thành lập cơ quan lãnh đạo, chỉ huy về thể dục thể thao của quốc gia. Trung tuần tháng 12 năm 1945, Hồ Chí Minh - Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trực tiếp giao nhiệm vụ cho ông Bộ trưởng Bộ Thanh niên Dương Đức Hiền chuẩn bị nhân sự để thành lập Cơ quan Thể dục thể thao Trung ương. Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, các thủ tục được hoàn tất để Chính phủ phê duyệt thành lập Tổ chức thể dục thể thao.

Ngày 30/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Liên hiệp Lâm thời ký sắc lệnh số 14 thiết lập tại Bộ Thanh niên một Nha Thể dục Trung ương do ông Dương Đức Hiền phụ trách. Sắc lệnh số 14 là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nêu rõ: “Xét vấn đề thể dục rất cần thiết để tăng bổ sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam” và nhiệm vụ là “Liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Quốc gia giáo dục để nghiên cứu những vấn đề về phương pháp và thực hành Thể dục trong toàn quốc”. Có thể nói, nhiệm vụ của Nha Thể dục Trung ương được tóm tắt trong 3 khẩu hiệu chính: Phổ thông thể dục; gây đời sống mạnh; cải tạo nòi giống. Việc thành lập Nha Thể dục -Trung ương mở đầu một thời kỳ mới trong lịch sử thể dục thể thao Việt Nam - thời kỳ hình thành, xây dựng và phát triển nền thể dục thể thao cách mạng, thực sự của dân, do dân, vì dân trong chế độ mới.

Ngày 27 tháng 3 năm 1946 đã trở thành một ngày lịch sử của nền thể dục thể thao khi “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Bác được đăng trên Báo Cứu quốc - cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh. Cũng ngày hôm đó, sắc lệnh thứ 2 số 38 về thể dục thể thao được ban hành về việc thiết lập trong Bộ quốc gia giáo dục một Nha Thanh niên và Thể dục do ông Dương Đức Hiền làm Tổng giám đốc, trong đó có một Phòng Thanh niên Trung ương và một Phòng Thể dục Trung ương. Phòng Thể dục Trung ương đứng đầu ngành thể dục thể thao nước ta, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của Nha Thể dục Trung ương đã đề ra trước đó. Lời kêu gọi của Bác Hồ đã trở thành văn kiện lịch sử quý giá, mang lại nguồn động viên to lớn cho phong trào tập luyện thể dục ở nước ta.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, một phong trào “Khỏe vì nước ” đã được dấy lên trong phạm vi cả nước. Thanh niên, học sinh, các chiến sĩ tự vệ đã tích cực tham gia rèn luyện thân thể, tạo nên một không khí lành mạnh, hào hứng phấn khởi, góp phần xây đựng đời sống mới ở cả vùng thành thị lẫn nông thôn. Các tổ chức xã hội, đoàn thể đã nhiệt tình hưởng ứng việc luyện tập sức khỏe bằng cách cử đại biểu đi dự các lớp huấn luyện do Nha Thanh niên và Thể dục tổ chức, rồi về đơn vị phổ biến lại cho các đoàn viên như thanh niên cứu quốc, tự vệ, phụ nữ cứu quốc, hướng đạo sinh, thanh niên công giáo, thiếu nhi cứu quốc, ở khắp các cơ sở, xí nghiệp, ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố đã có ủy viên chuyên trách về thể dục thể thao và thực hiện các biện pháp hành chính như lập qũy dành riêng cho thể đục thể thao, mua sắm các dụng cụ thể đục thể thao. Đặc biệt là ủy ban đời sống mới đã đưa khẩu hiệu “khỏe” vào chương trình tuyên truyền vận động thực hiện “đời sống mới" cho toàn dân.

Từ đó đến nay, sau 70 năm xây dựng và trưởng thành, nền thể dục thể thao nước nhà đã có những buớc tiến mới qua từng chặng đường phát triển. Mỗi chặng đường đi qua được ghi dấu ấn với sự phát triển của phong trào thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao trên con đường hội nhập thể thao quốc tế. Đến nay tỷ lệ người luyện tập TDTT thường xuyên trên cả nước đã đạt 28 -30%; tỷ lệ gia đình luyện tập TDTT thường xuyên đạt 20%; 100% các trường học đều đảm bảo chương trình giáo dục thể chất. Lấy gốc rễ từ nền tảng phát triển TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao cũng khẳng định vị thế trên đấu trường thể thao khu vực, châu lục và thế giới. Việt Nam đã trở thành một cái tên quen thuộc khi luôn nằm trong Top 3 quốc gia hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á tại mỗi kỳ SEA Games.

Lễ mít tinh kỷ niệm 70 năm ngày Thể thao Việt Nam của các cấp nhằm thông qua các hoạt động kỷ niệm để tuyên truyền giáo dục truyền thống, giới thiệu những thành tựu đóng góp to lớn của ngành Thể dục thể thao qua 70 năm xây dựng và phát triển, góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và sự đóng góp tích cực của ngành Thể dục thể thao đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đồng thời, phát huy sức mạnh và tạo động lực tinh thần cho công chức, viên chức, người lao động phát huy truyền thống, đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

Các hoạt động hướng tới Kỷ niệm bao gồm: Tuyên truyền truyền thông. Tổ chức hội thảo khoa học về thể dục thể thao. Làm phim về thành tựu qua 70 năm Xây dựng và Phát triển của ngành Thể dục thể thao cách mạng Việt Nam. Tổ chức ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2016. Tổ chức chương trình “Vinh quang thể thao Việt Nam”. Tổ chức các hoạt động thể thao văn hóa văn nghệ chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống của Ngành; Xuất bản cuốn sách “70 năm Thể dục thể thao Việt Nam, 1946-2016; Tổ chức triển lãm ảnh, tư liệu của ngành Thể dục thể thao qua 70 năm xây dựng và trưởng thành.Công tác thi đua khen thưởng .



Tổng cục Thể dục thể thao là cơ quan thường trực tổ chức và phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của ngành Thể dục thể thao; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thành lập Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Ngành Thể dục thể thao; chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện đồng bộ trong toàn quốc.

Trích từ nguồn tư liệu của Tổng cục TDTT









tải về 21.55 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương